Tiến trình Xây dựng lòng tin mới cho Biển Đông?
(bản dịch đã đăng trên adminbasam ngày 06/12/2015)
Bill Hayton
26-11-2015
Xây dựng lòng tin trên Biển Đông không dễ, nhưng cuộc họp gần đây ở Việt Nam cho thấy rằng có thể làm được việc đó.
Cuộc họp nửa ngày ở Việt Nam hôm thứ Tư có thể đánh dấu sự khởi đầu của một tiến trình xây dựng lòng tin mới ở Biển Đông. Cuộc họp được tổ chức tại thành phố dầu khí Vũng Tàu của Việt Nam, các đại biểu tham gia và quan sát viên thuộc tất cả các bên tranh chấp, gồm cả Trung Quốc, Đài Loan và Brunei, quốc gia ít được nhắc tới.
Mặc dù cuộc họp được tổ chức bên trong những cách cửa đóng kín, chương trình nghị sự đã được đưa ra công khai. Các đại biểu đã thảo luận các bước thực tế hướng tới thực hiện các sáng kiến đã được đồng ý hơn một thập niên trước đây trong “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Thời gian được dành cho các chủ đề về tự do hàng hải, bảo vệ môi trường, phát triển chung, và liên kết trên biển. Có lẽ điều thú vị nhất, buổi họp cuối cùng thảo luận “những thoả thuận mang tính thể chế cho việc tư vấn / đàm phán và thực hiện các hoạt động hợp tác”.
Sự kiện này được Học viện Ngoại giao Việt Nam – nhóm chuyên gia tư vấn của Bộ Ngoại giao – tổ chức bên lề hội nghị Biển Đông hàng năm của họ. Những người tham gia gồm các quan chức chính phủ từ Malaysia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam, cũng như các nhà ngoại giao tại chỗ của Brunei, Đài Loan, và Indonesia. Không có đại biểu của chính phủ Trung Quốc hay Philippines nhưng một số học giả cấp cao có quan hệ trực tiếp với các bộ của cả hai nước này cũng đã tham gia.
Như có thể dự đoán, Việt Nam đã có đại diện đầy đủ. Các quan chức cấp cao của các bộ ngoại giao, ngư nghiệp, và quốc phòng đã tham gia cùng với các sĩ quan hải quân và cảnh sát biển. Đoàn đại biểu mạnh này cho thấy Việt Nam đang thực hiện một nỗ lực nghiêm túc để tạo ra và thể chế hóa tiến trình thiết thực xây dựng lòng tin ở Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu các bên tranh chấp khác có muốn làm như vậy hay không.
Bên ngoài phòng họp, Việt Nam và Philippines đã đi vào các hoạt động hợp tác thực tế. Các cuộc thi đấu thể thao giữa các đơn vị trú đóng trên đảo của họ diễn ra năm ngoái và năm nay chỉ là những dấu hiệu dễ thấy nhất của việc thắt chặt các liên kết, điều đó cũng bao gồm chuyến viếng thăm của hải quân Việt đến Manila và việc ký kết thoả thuận đối tác chiến lược giữa hai nước.
Ít rầm rộ bằng nhưng có ý nghĩa hơn là việc tạo dựng lại từ các mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh sau việc Trung Quốc triển khai tai hại giàn khoan dầu HS981 ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa năm ngoái. Điều đó tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao dài sáu tháng – từ lúc triển khai giàn khoan hồi tháng 5 cho đến khi nối lại các cuộc họp song phương bình thường giữa hai bên vào tháng 10.
Trong 24 năm kể từ khi hai bên nối lại quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Trung Quốc đã thể chế hoá mối quan hệ khập khiễng của họ thông qua các thỏa thuận giữa hai chính phủ lẫn các thoả thuận giữa hai đảng. Brantly Womack thuộc Đại học Virginia đã mô tả kỹ thuật ghép đôi, điều mà ông gọi là “trung tính hoá các tranh chấp và nghi thức hoá các mối quan hệ”. Các vấn đề khó khăn được giải quyết trong các kênh đặc biệt, cho phép các thành phần khác của các mối quan hệ vẫn tiếp tục với ít trở ngại. Các quan chức Việt Nam thể hiện sự thần phục (deference) phải có và Trung Quốc đáp lại với việc tôn trọng quyền tự chủ của Việt Nam.
Không rõ liệu Trung Quốc có sẵn sàng tham gia vào bất kỳ tiến trình xây dựng lòng tin thuộc loại được thảo luận tại Vũng Tàu hay không. Có thể là điều đó quá “đa phương”, khi biết Bắc Kinh chuộng thương thảo riêng lẻ với từng nước tranh chấp hơn. Trung Quốc cũng có thể thấy rằng họ cho Đài Loan thể hiện quá nhiều.
Và sau đó còn có câu hỏi về việc liệu các bên tranh chấp khác ở Đông Nam Á – Brunei, Malaysia, và Indonesia (có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với yêu sách ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc) – có sẵn sàng góp vào các nỗ lực và các nguồn lực cần thiết để làm cho tiến trình khả thi hay không. Các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc trong hai năm qua đã kích động các quan chức ở Brunei, Kuala Lumpur và Jakarta vào một trạng thái cảnh giác mới. Duy trì hợp tác vốn đã khó trong quá khứ và không phải ngay lập tức rõ ràng là lần này sẽ khác đi.
Nhưng có lẽ điều mà cuộc họp này cho thấy là các nhóm nhỏ của các nước làm việc với nhau có thể thúc đẩy việc hợp tác thiết thực dễ dàng hơn nhiều so với việc cố dồn cả Hiệp hội các nước Đông Nam Á vào hành động tập thể. Mặc dù tất cả các nước trong khu vực hứa bám theo “tính trung lập của ASEAN”, các khó khăn gần đây trong việc tạo nên sự đồng thuận trong tổ chức gợi ra rằng tương lai nằm trong những gì người châu Âu gọi là “linh hoạt” (variable geometry: mượn thuật ngữ hàng không- cánh cụp vào/ xoè ra tuỳ theo tốc độ).
Bill Hayton là một Fellow Associate thuộc Chương trình châu Á của Chatham House. Bài viềt mới của ông về “Việt Nam và Hoa Kỳ: Quan hệ đối tác an ninh mới nổi” đã được Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney công bố tại đây.
No comments:
Post a Comment