Friday, September 6, 2013

ASEAN nên bác bỏ Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

The Diplomat (5/9/2013)
James R. Holmes

Hãy biết sợ, hỡi các nước ASEAN. Ý tôi muốn nói là sợ về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Bộ quy tắc ứng xử lẽ ra phải là bộ quy tắc mà qua đó Trung Quốc từ bỏ đường chín đoạn trong khu vực và các yêu sách lãnh thổ có liên quan; hành động của họ phải ăn khớp với lời nói bằng cách rút khỏi các địa điểm họ đã chiếm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác; ngưng khăng khăng cấm đoán các hoạt động hải quân nước khác trong đường chín đoạn, và phải đồng ý rằng mục đích của bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào là để chốt lại trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển như hiện trạng của khu vực.

Có ai dám tin và muốn đặt cược Bắc Kinh thực hiện bất kỳ một trong những điều này không? Tôi thì không đời nào. Tất cả mọi điều đó? Hãy quên chuyện đó đi. Nếu dù sao đi nữa ASEAN vẫn đồng ý bộ quy tắc ứng xử, nó sẽ phải chấp nhận tình trạng sự việc hiện tại, kể cả việc Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough và rạn đá Mischief (Vành Khăn) nằm sâu bên trong EEZ của Philippines. Các nước Đông Nam Á sẽ phải chấp nhận với việc ‘bảo kê’ trên toàn khu vực, với hi vọng rằng việc để cho Trung Quốc tiếp tục giữ lại những cái họ thu được trong quá khứ nhằm đổi lấy sự nhường nhịn và thiện chí của họ trong tương lai.

Chúc may mắn với điều đó. Không khác tình trạng một tên vô lại chỉa súng vàobạn và đòi tiền bảo vệ bạn khỏi bị... chính hắn hiếp đáp! Trong các phim xã hội đen, chấp nhận dàn xếp như vậy với Băng đảng hiếm khi ổn thỏa về sau. Cuộc sống không khác phim ảnh trong trường hợp này. Các mối quan hệ quốc tế tương tác nhau theo kiểu các học giả gọi theo đuôi kẻ mạnh (bandwagoning). Các nước yếu kém thích kết nhóm với nhau để đối trọng với các nước lớn , mạnh, ngang ngược và có khuynh hướng chà đạp lợi ích và an ninh của nước nhỏ. Nhưng nếu các nước yếu không thể cân bằng một nước đang trên đường trở thành bá chủ thì chính họ có thể xuôi theo nước lớn đó. Họ chấp nhận đòi hỏi của nước bá chủ với hi vọng mua lấy hòa bình trong khi cố hết sức bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình.

Vấn đề là những dàn xếp như vậy dễ đổ vở. Chúng chỉ kéo dài cho đến khi Băng đảng này quyết định muốn thêm. Và rồi, bọn ‘đầu gấu’ sẽ nâng đòi hỏi lên. Dĩ nhiên, cái giá ‘bảo kê’ chỉ có ngày càng cao hơn theo thời gian thôi.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hiểu được động lực hoạt động ở Biển Đông. "Chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang cố gắng đi trước một bước trong vụ COC," Del Rosario nói với Reuters trong tuần. Bộ quy tắc ứng xử sẽ phải có cái nhìn hướng tới tương lai nhằm cố tháo ngòi những tranh cãi mai sau, không quay lại lôi ra những vi phạm trong quá khứ. Và rồi, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh "mưu đồ áp đặt." Họ sẽ vơ lấy những gì có thể, sau đó chấp nhận một bộ quy tắc đảm bảo cho họ có thể giữ những gì mà họ vừa vơ được. Lúc này mọi việc bất bình thường trước đây lại trở thành bình thường trong giai đoạn mới.

 Có đầy dẫy tiền lệ về lợi dụng pháp luật hoặc công ước quốc tế để củng cố những thứ đã chiếm được. Học giả Anh Ken Booth nhắc lại rằng các quốc gia đi biển tranh giành lãnh thổ trên biển trong những năm 1970 và đầu những năm 1980, song song với việc đàm phán UNCLOS. Và có lẽ đó không phải là là lần đầu tiên các nước chơi trò với luật pháp quốc tế theo kiểu như vậy.

Vì vậy, Manila đã đúng khi gây chú ý về ‘chương trình hành động’ của Bắc Kinh. ‘Đại ca’ Tập Cận Bình và 'băng đảng' đặc biệt đòi hỏi cao, không hề khoan nhượng. Nếu họ không để câu chữ rõ ràng trong một hiệp ước – hiệp ước quốc tế mà Trung Quốc đồng ý - kiềm chế tham vọng của họ thì tại sao lại trông đợi một bộ quy tắc ứng xử có để các câu chữ đó ? Hỡi các bạn Đông Nam Á, hãy cẩn thận với việc theo đuôi kẻ mạnh nếu không muốn phải trả giá càng ngày càng đắt trong tương lai.

No comments: