Sunday, May 22, 2016

Tìm hiểu cơ sở cho yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông

Tìm hiểu cơ sở cho yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông

(Understanding the basis for China's South China Sea claims)

Yew Lun Tian
StraitsTimes (18/5/2016)

Dự kiến Tòa Trọng tài Thường trực sẽ công bố phán quyết vào tháng tới trong vụ kiện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông do Philippines khởi xướng chống lại Trung Quốc (TQ). TQ đã nói họ sẽ không chấp nhận, tham gia và thực thi phán quyết. TQ luôn luôn nhấn mạnh rằng các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông không nên chỉ nhìn theo quan điểm luật pháp mà còn phải theo quan điểm lịch sử nữa: Chẳng hạn, không được bỏ qua “đường chín vạch”, những lợi ích lịch sử dài hạn củaTQ có trong “đường chín vạch”, và lịch sử việc TQ bị chủ nghĩa đế quốc làm nhục. Tại sao cách giải thích lịch sử và luật pháp hiện đại của TQ lại không được các chuyên gia lịch sử quốc tế và pháp lí công nhận? Liên hiệp tảo báo (Lianhe Zaobao) phỏng vấn học giả TQ, Singapore và Anh để tìm hiểu vấn đề này.


Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) , chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, có cảm cảm giác tự hào khi nó đến hồ sơ lưu trữ lịch sử.

Từ Hải Nam ông nói với Tảo báo (Zaobao): “Viện chúng tôi có những tài liệu lưu trữ và tài liệu lịch sử về biển Đông, từ thời của Trung Hoa Dân Quốc, gồm cả những ảnh TQ phái tàu chiến đi lấy lại các đảo và rạn san hô ở biển Đông sau khi Nhật Bản đầu hàng vào cuối thế chiến II. Nhiều phóng viên và các học giả nước ngoài đã rất ngạc nhiên sau khi thấy những bức ảnh này. “

Tháng Ba năm nay Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị nói quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của TQ và “người dân TQ có nghĩa vụ phải bảo vệ chúng”.


Tiến sĩ Wu nói: “Nhiều thế hệ, chúng tôi đã học được từ sách giáo khoa địa lí từ những lớp tiểu học rằng các đảo ở biển Đông thuộc về TQ, và “đường chín vạch” ăn sâu trong óc chúng tôi. Lãnh đạo TQ nào có thể nói được rằng ông sẽ từ bỏ đường chín vạch hoặc các bãi triều thấp cho được?”

Tiến sĩ Wu nói rằng TQ có rất nhiều dữ liệu lịch sử để chứng minh rằng tàu thuyền TQ đã đi đến biển Đông kể từ thời Tây Hán, và rằng các ngư dân TQ đã đánh bắt cá trong vùng biển Đông trong nhiều thế hệ. TQ nói rằng họ có các quyền lịch sử đối với việc đánh cá, khám phá các nguồn tài nguyên và thẩm quyền đối với tự do đi lại. Tuy nhiên, quan điểm này đã gây ra nhiều tranh cãi trong các học giả lịch sử quốc tế và trong giới pháp lí.

The BRP Sierra Madre, a Philippine Navy ship that has been aground on the disputed Second Thomas Shoal, part of the Spratly Islands, since 1999. One analyst says China may seek to "punish" the Philippines after the Permanent Court of Arbitration's ru

BRP Sierra Madre, một tàu của Hải quân Philippine bị mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây tranh chấp, thuộc quần đảo Trường Sa, từ năm 1999. Một nhà phân tích nói rằng TQ có thể tìm cách “trừng phạt” Philippines sau khi Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết, chẳng hạn như bằng cách gây áp lực lên quân đội Philippines trú đóng trên các đảo và rạn san hô ở biển Đông. PHOTO: REUTERS

Ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu thuộc của Chương trình châu Á tại nhóm chuyên gia (think-tank) Chatham House Anh, nêu trong cuốn sách The South China Sea: The Struggle For Power In Asia rằng không có bằng chứng khảo cổ nào cho thấy có tàu thuyền của TQ đi đến vùng biển Đông trước thế kỉ thứ 10. Ông nói rằng những người đầu tiên khám phá các đảo và rạn san hô của biển Đông là các cộng đồng du mục trên biển từ “Mạng lưới giao thươn g và liên lạc trên biển của người Nusantao”, nhóm dân không có dính dáng vào bất cứ điều gì giống như một nhà nước và không được bất kì tổ chức quốc gia nào quản lí. Mạng lưới giao thương của họ chạy một mạch từ Madagascar đến đảo Phục Sinh, và từ Australia tới Nhật Bản. Nhiều học giả quốc tế đã đồng ý với lập luận của ông Hayton.


LẬP LUẬN LỊCH SỬ

Tại sao các quan điểm lịch sử của các học giả quốc tế lại khác biệt rất lớn với quan điểm của TQ, mặc dù họ đề cập đến cùng một vùng biển?

Tiến sĩ Wu nói: “Tôi biết Hayton, khi ông có đến TQ lúc trước. Nghiên cứu của ông ta sai lầm. Các nhà sử học nước ngoài không biết, bởi vì hầu hết các dữ liệu lịch sử của chúng tôi nằm ở TQ. Tôi đang tiến hành số hóa các dữ liệu lịch sử và bước tiếp theo là dịch nó sang tiếng Anh.”

Giới luật quốc tế cũng đã nghi ngờ về quyền lịch sử của TQ trong “đường chín vạch “. Khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được thông qua vào năm 1982, các quyền lịch sử hàng hải của các quốc gia nói chung đã phải nhường bước cho định nghĩa về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của UNCLOS.

Trong vụ kiện do Philippines khởi xướng chống lại TQ, một trong những yêu cầu của nó bao gồm việc đề nghị Tòa Trọng tài Thường trực phán quyết liệu “đường chín vạch ” của TQ có thể là một cơ sở hợp lệ cho chủ quyền trên biển của TQ, và liệu TQ được hưởng các quyền lịch sử trong “đường chín vạch” hay không.

Ông Hayton nói trong một cuộc phỏng vấn với Zaobao: “'Đường chín vạch’ là hoàn toàn mâu thuẫn với UNCLOS, nhưng TQ đang cố tìm nhiều cách khác nhau để sử dụng các luật quốc tế khác để đưa ra một cơ sở pháp lí cho 'đường chín vạch’. UNCLOS. là một bộ luật quốc tế tương đối hiện đại mà gần như tất cả các nước trên thế giới, kể cả TQ, đã tham gia đàm phán và xây dựng nó. Trớ trêu thay, để tránh UNCLOS, TQ đang quay sang dựa vào luật pháp quốc tế truyền thống - một phiên bản luật pháp thời chủ nghĩa đế quốc mà họ thường chỉ trích.”

Trong một bài bình luận viết cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nghiên cứu sinh tiến sĩ Isaac B. Kardon nói rằng các chuyên gia pháp lí của TQ hiếm khi tiến hành nghiên cứu độc lập về tính hợp pháp của lập trường của TQ đối với biển Đông, và hầu hết trường hợp họ có xu hướng làm theo quy trình ngược từ các quyết định chính sách hàng hải hiện có hoặc đã hoạch định để tìm ra cơ sở pháp lí cho các cơ quan chức năng.

Giáo sư Vương Canh Vũ (Wang Gungwu), Chủ tịch Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, đã phân tích cho Zaobao:. “Người TQ tin rằng luật pháp là do con người làm ra, và có thể được diễn giải lại thông qua tham vấn và đàm phán. Họ cũng tin rằng luật pháp quốc tế có quan hệ với lợi ích chính trị. Đối với người TQ, họ không tin rằng trật tự quốc tế là rõ ràng, khách quan và phải được tuân thủ trọn vẹn”.

Tiến sĩ Wu biện hộ cho lập trường của TQ, và nói rằng việc không tham gia, không chấp nhận và không thực thi phán quyết của tòa án không có nghĩa là TQ “đi ngược lại luật pháp”. Ông nhắc lại lập trường của TQ - rằng Philippines đã vi phạm các thỏa thuận giữa hai nước về việc giải quyết các tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán sau khi Philippines tiến hành vụ kiện đơn phương mà không thông báo TQ.

Ông nói rằng việc không tham gia vào vụ trọng tài là điều hợp pháp, vì TQ đã đưa ra tuyên bố loại trừ theo quy định của UNCLOS và sẽ không chấp nhận các thủ tục bắt buộc về giải quyết tranh chấp.


TRUNG QUỐC KHÔNG SẴN LÒNG VỀ TRỌNG TÀI

Tiến sĩ Lí Minh Giang (Li Mingjiang), phó giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, thấy có thể có ba lí do vì sao TQ không sẵn lòng tham gia vào trọng tài. Thứ nhất, TQ vẫn chưa thích nghi giải quyết các tranh chấp chủ quyền thông qua trọng tài; Thứ hai, TQ nghi ngờ rằng kết quả sẽ không công bằng vì các cơ chế tòa án hoặc trọng tài quốc tế do phương Tây khống chế.

“Lí do thứ ba là TQ đang lo lắng về các bước tiếp theo nếu họ bị thua kiện. Không có đường thối lui nếu họ chấp nhận ra tòa,” Tiến sĩ Li nói.

Dự kiến Tòa án trọng tài sẽ công bố phán quyết vào tháng tới. Tiến sĩ Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện Ishak ISEAS-Yusof, nói: “TQ là một nước cho rằng họ tuân theo các quy tắc và thông lệ quốc tế, và uy tín quốc tế của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu không thi hành phán quyết.”

Tiến sĩ Storey nói rằng TQ có thể tìm cách “trừng phạt” Philippines sau khi phán quyết được công bố, chẳng hạn như bằng cách hạn chế số lượng du khách TQ đi du lịch Philippines, áp đặt các hàng rào phi thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Philippines, gây áp lực quân đội Philippines đóng trên các đảo và các rạn san hô ở biển Đông, hoặc mở rộng các đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough.

Tổng thống Philippines vừa đắc cử Rodrigo Duterte có vẻ không ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thông qua trọng tài, và nói ông hi vọng sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với TQ. Tiến sĩ Storey nói: “Nếu Duterte quay lưng với trọng tài và tổ chức đàm phán đơn phương thì điều đó sẽ báo động Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia yêu sách khác như Việt Nam.”

Tiến sĩ Lí Minh Giang nói rằng tòa án trọng tài có thể xét tới các yếu tố chính trị trong vụ kiện này và đưa ra một cách thỏa hiệp, chẳng hạn, sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để diễn đạt phán quyết làm cho TQ dễ chấp nhận hơn. “Mục đích không phải là để gây ra quá nhiều phản ứng từ TQ, và có thể đóng một vai trò tích cực hàng đầu trong việc khuyến khích TQ làm rõ ý nghĩa cụ thể của các yêu sách chủ quyền của họ để họ cùng bước theo nhịp nhiều hơn với luật pháp quốc tế trong tương lai.”

TQ đã được hưởng sự thịnh vượng trong lịch sử, nhưng cũng gặp phải việc bị nhiều cường quốc nước ngoài xâm lược và nhiều năm bị sỉ nhục trong thế kỉ qua. Điều này đã được coi là đặc điểm lịch sử và hành trang lịch sử của TQ.

Nhưng các học giả được phỏng vấn chỉ ra rằng lịch sử đã để lại một vấn đề lớn cho TQ - tâm lí kẻ cả (sense of spiritual superiority) làm cho họ khó nhìn vấn đề theo quan điểm của các nước khác. TQ tìm thấy đặc biệt khó khăn để thuyết phục các nước khác về các vấn đề an ninh.

TQ có thể phải chịu một loạt những chỉ trích quốc tế nếu khăng khăng không thi hành quyết định ràng buộc về mặt pháp lí của tòa trọng tài. Để giảm áp lực trước và tăng cường sự ủng hộ của người dân trong nước, các học giả chính thức của TQ công bố một bài bình luận 17 000 từ trong tuần rồi giải thích tính hợp lí trong lập trường của TQ về vấn đề biển Đông - và cũng chỉ ra cụ thể rằng TQ đã từng bị chủ nghĩa đế quốc chà đạp - khi TQ tìm cách để thế giới bên ngoài có được hiểu biết đầy đủ về việc họ khăng khăng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Bà Phó Oánh (Fu Ying), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiêm Chủ tịch Ủy ban học thuật Viện Chiến lược quốc tế, Học viện Khoa học xã hội TQ, và Tiến sĩ Wu của TQ công bố một bài viết chung về vấn đề biển Đông trong tuần vừa qua trên tuần san China Newsweek và tạp chí Mĩ The National Interest.

Họ viết: “Nhân dân TQ không quên rằng đất nước đã bước loạng choạng vào thế kỉ 20 với thủ đô bị quân đội các đế quốc chiếm đóng, và trong hơn một thế kỉ trước và sau đó, TQ phải chịu đựng sự sỉ nhục của cuộc xâm lược và gây hấn của nước ngoài.”

Họ giải thích rằng “đó là lí do tại sao người dân TQ và chính phủ rất nhạy cảm về bất cứ điều gì có liên quan đến tính toàn vẹn lãnh thổ và sẽ không bao giờ cho phép tái diễn như vậy ... Đây là điều mà thế giới bên ngoài cần ghi nhớ khi nhìn TQ và cố hiểu được hành vi của TQ“.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các nước láng giềng ở Đông Nam Á, TQ không phải là nước duy nhất bị đế quốc xâm lược, vì các nước châu Á có tranh chấp chủ quyền với TQ ở biển Đông cũng có kinh nghiệm nếm trãi những cay đắng tương tự của chủ nghĩa đế quốc. Việc bị sỉ nhục trong lịch sử không có nghĩa là nước có yêu sách phải được có thêm sự tôn trọng và đặc quyền về vấn đề yêu sách chủ quyền.

Khi TQ thể hiện quan điểm rằng họ từng bị các cường quốc nước ngoài hiếp đáp trong lịch sử thì phản ứng của một số nước láng giềng nhỏ có thể là có vẻ rằng TQ cũng là một nước lớn đang hiếp đáp nước nhỏ.

Giáo sư Wang nói: “Các nhà lãnh đạo TQ biết đó là cách một số nước nhỏ nhìn TQ, nhưng họ tin rằng, về tổng thể, đây là do một số người bị phương tiện truyền thông không thân thiện dẫn dắt sai. TQ tin rằng các phương tiện truyền thông đó đã dốc sức để duy trì trật tự quốc tế hiện có, nhưng TQ không đồng ý rằng trật tự quốc tế hiện hành là bất khả xâm phạm “.

Trong những năm gần đây, các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ của TQ cũng như những hô hào yêu nước cực đoan trên phương tiện truyền thông trong nước làm một số nhà quan sát lo lắng liệu TQ đang kì vọng việc các nước láng giềng sẽ chịu khuất phục và nghĩ về lợi ích của TQ, giống như trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh.

Giáo sư Wang cảm thấy đây là lo lắng quá mức. Ông nói: “Không có bằng chứng cho thấy các lãnh đạo TQ vẫn đang sống trong thế giới nhà Minh Các học giả TQ cũng đã nhắc lại rằng hệ thống triều cống đã qua rồi và không áp dụng cho xã hội ngày nay.”.

Tuy nhiên, ông thấy rằng TQ vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của một cường quốc lịch sử khi tương tác với thế giới bên ngoài.

Ông nói: “Những gì còn sót lại là một tâm lí kẻ cả. Nhiều người TQ vô tình lộ ra tâm lí kẻ cả một cách vô thức trong lời nói của họ, và họ thường không nhận thức được cảm xúc của các bên khác.

“Tâm lí kẻ cả nổi rõ lên hơn khi TQ mang lại lợi ích kinh tế cho các nước láng giềng, đặc biệt là trong một số trường hợp khi các nước tìm kiếm sự trợ giúp củaTQ một cách tự nguyện.”

Ông Hayton nói rằng các quan chức TQ dường như không ý thức về cách mà các nước khác nhìn thấy lời nói và việc làm của họ “, khiến cho chính sách đối ngoại của TQ trong khu vực phạm hết sai lầm này tới sai lầm khác”.

TỰ KỈ NƯỚC LỚN

Ông nói rằng một nhà ngoại giao cấp cao Đông Nam Á nói riêng với ông rằng: “TQ chưa phải là một nước lớn nhưng đã có bệnh'tự kỉ nước lớn'“.

“Tự kỉ nước lớn” là một khái niệm do nhà chiến lược quân sự Mĩ Edward Luttwak đưa ra trong cuốn sách The Rise Of China vs The Logic Of Strategy. Nó có nghĩa là các nước lớn không biết điều chỉnh hành động của mình một cách thích hợp như thế nào do họ không cảm được những quan tâm của các nước khác.

Trong giới ngoại giao ASEAN trong những năm gần đây, lúc này lúc khác người ta có thể nghe thấy các quan chức Đông Nam Á than phiền về sự “xấc xược” của các nhà ngoại giao TQ. Ngay cả cựu cường quốc thuộc địa Anh lặng lẽ càu nhàu vì đã phải “chịu đựng” TQ. Truyền thông của Anh tuần trước loan tin rằng trước khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình viếng thăm Anh, Nữ hoàng Elizabeth II thấy rằng thái độ của một quan chức TQ lo giàn xếp việc bố trí an ninh là “thô lỗ”.

Tiến sĩ Wu đã nhận thức được rằng các nước láng giềng đã cảnh giác với TQ. Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “TQ hiện đang ở trong một giai đoạn khó xử và đặc biệt Trong giai đoạn đầu của cải cách kinh tế, TQ chỉ nghĩ tới việc làm thế nào để xuôi theo và hòa nhập vào thế giới, và TQ có thể tự điều chỉnh theo chính sách của các nước khác và thậm chí của Nhật Bản.

“Bây giờ TQ đã phát triển mạnh hơn, khó có thể có việc TQ điều chỉnh chính sách của mình để thích ứng với các nước láng giềng. Nhưng sức mạnh của TQ chưa lớn đến mức như Mĩ để cho các nước nhỏ phải điều chỉnh chính sách của họ thích nghi với TQ.”

Tiến sĩ Wu nói: “Bây giới Mĩ tới đâu các nước nhỏ vẫn sẽ chạy tới đó.”

Ông cảm thấy rằng quá trình chuyển đổi hiện nay của TQ từ một cường quốc khu vực tới một cường quốc toàn cầu có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian nào đó.

Ông nói thêm: “TQ phải đối mặt với những thách thức trong việc phát triển, trong khi đồng thời phải thuyết phục các nước láng giềng rằng TQ không là một mối đe dọa, và cải thiện cảm giác an toàn.”

Ông chỉ ra rằng TQ cỗ vũ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, sáng kiến một Vành đai, một Con đường và các lí tưởng như cộng đồng cùng số phận để tăng sự tin tưởng lẫn nhau với các nước khác.

Tiến sĩ Wu nói: “TQ muốn phát triển hòa bình và tìm kiếm sự thịnh vượng chung.”

“Thời gian sẽ chứng minh cho thấy TQ có là một kẻ hiếp đáp cỡ bự hay không, TQ có thấy mạnh là đúng khi trở nên mạnh hơn hay không.”


• Tác giả là phóng viên Bắc Kinh của Liên Hiệp Tảo báo (Lianhe Zaobao).
• Bài bình luận này xuất hiện đầu tiên trên báo TQ hôm chủ nhật. Lim Ruey Yan dịch sang tiếng Anh.

Một phiên bản của bài viết này xuất hiện trong ấn bản in của tờ The Straits Times vào ngày 18 tháng 5 năm 2016, với tiêu đề “Hiểu được cơ sở cho các yêu sách củaTQ ở biển Đông'. 

No comments: