Monday, January 25, 2016

Thái độ của Đặng Tiểu Bình đối với Việt Nam

Vogel, Ezra F., 2013. Deng Xiaoping and the Transformation of China (Đặng Tiểu Bình và sự chuyển đổi của Trung Quốc), Harvard University Press

Chương 9. Mối đe dọa Xô-Việt 1978- 1979

pp 266-276



Giữa năm 1977, Đặng Tiểu Bình đảm trách về an ninh quốc gia và đối ngoại trở lại, ông phải đối mặt với hai mối quan tâm trọng yếu: bảo vệ Trung Quốc trước mối đe dọa từ Liên Xô và Việt Nam, và đặt nền móng để tranh thủ sự giúp đỡ của nước ngoài cho việc hiện đại hóa của Trung Quốc. Để giảm bớt mối nguy hiểm từ quân đội Liên Xô, ông đã tìm cách củng cố quan hệ với các nước láng giềng và ngăn chặn những bước tiến của Liên Xô. Để giúp cho hiện đại hóa, ông đã quay sang Nhật Bản và Hoa Kỳ. Khi theo đuổi các mục tiêu này, trong 14 tháng bắt đầu từ tháng 1 năm 1978 Đặng Tiểu Bình đã thực hiện một chuyến đi lốc cuốn vòng tới nhiều nước hơn số nước ông đã từng tới trong suốt đời mình. Trong những chuyến đi này, ông đã cải thiện quan hệ với các nước láng giềng của Trung Hoa lục địa, mở cửa Trung Quốc rộng rãi hơn rất nhiều so với bất cứ lúc nào kể từ năm 1949, và đặt Trung Quốc vào một tiến trình không thể đảo ngược tham gia tích cực trong các vấn đề quốc tế và trong việc trao đổi ý tưởng trên toàn thế giới. Trong 5 chuyến đi nước ngoài, ông tới Miến Điện (đổi tên thành Myanmar sau năm 1989), Nepal, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Singapore, và Hoa Kỳ. Trong 14 tháng đó, Đặng Tiểu Bình cũng đã ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu Nghị với Nhật Bản, đàm phán bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, và đưa Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh với Việt Nam.


Đặng thừa hưởng trọng trách về chính sách đối ngoại

Khi Đặng Tiểu Bình trở lại làm công tác đảng mùa hè năm 1977, ông không tìm cách giành lấy việc phụ trách công tác đối ngoại. Có một lúc, ông thậm chí còn nói rằng ông không thích nhận lấy công việc đó vì nó đòi hỏi nhiều sức lực và tâm trí. Nhưng Trung Quốc cần Đặng nắm hoạt động đối ngoại. Không những ông đã từng có mặt bên cạnh Mao hoặc Chu Ân Lai khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài trong gần ba thập kỷ mà bản thân ông còn từng phụ trách công tác đối ngoại từ giữa năm 1973 đến cuối năm 1975, dưới sự giám hộ của Mao và Chu. Các đồng liêu của ông thừa nhận rằng sau khi Chu Ân Lai mất, không có lãnh đạo nào khác có thể so sánh được với Đặng Tiểu Bình về kiến thức ngoại giao, tư duy chiến lược, quan hệ cá nhân với các lãnh đạo nước ngoài, và kỹ năng trong việc xây dựng sự tín nhiệm ở nước ngoài trong khi kiên quyết bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao như Hoàng Hoa, người thay thế Kiều Quán Hoa làm bộ trưởng ngoại giao tháng 12 năm 1976, có kiến thức sâu rộng về các nước khác và về các cuộc đàm phán đã qua. Nhưng các nhà ngoại giao của Trung Quốc thiếu sự tự tin để đưa ra các phán đoán chính trị quan trọng và có tầm cỡ để tiếp ứng các nhà lãnh đạo chóp bu nước ngoài như những kẻ ngang bằng.

Chính sách ngoại giao từ lâu đã là trọng tâm của các nhà lãnh đạo chóp bu Đảng Cộng sản. Mao và Chu nói riêng đã là các chiến lược gia đẳng cấp thế giới, tự tin trong đàm phán với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới như những người ngang bằng. Mặc dù Trung Quốc vẫn tương đối khép kín trước năm 1978, Mao và Chu đã chú tâm đến ngoại giaorất nhiều, và cả hai đều đã tự mình đảm trách nhiệm việc chỉ đạo chính sách. Khi Mao gặp người nước ngoài, ông toát ra sự tự tin của bậc hoàng đế và nói về triết học, lịch sử và văn học, cũng như động lực nguyên sơ của sức mạnh thế giới. Khi Chu gặp với người nước ngoài tại TQ và ở nước ngoài, ông uyên bác, thanh lịch, duyên dáng, thích ứng, chu đáo với khách của mình, và sẵn sàng thảo luận chi tiết cũng như tổng thể.

Giống như Mao và Chu, Đặng có lòng trung thành quốc gia tự bản năng, một tầm nhìn chiến lược, một độ dẻo dai cơ bản trong việc theo đuổi các lợi ích quốc gia. Khi gặp người nước ngoài, Đặng Tiểu Bình, giống như Mao và Chu, không chỉ thực hiện hết chương trình nghị sự mà còn cố gắng xem xét tính cách và mục tiêu của khách. Tuy nhiên, Đặng có hệ thống hơn cũng như trực tiếp và thẳng thừng hơn Mao hoặc Zhou trong việc tập trung vào những vấn đề lớn cần quan tâm đối với Trung Quốc. Trước khi gặp khách nước ngoài, ông không thích nghe báo cáo tóm tắt mà tự mình đọc bản ghi nhớ của các trợ lý về vị khách, mục đích của chuyến đi, và những chủ đề nào nên đưa vào. Cũng như với Mao và Chu, các vị khách nước ngoài thường gặp một nhà ngoại giao Trung Quốc trước, và nhà ngoại giao đó có thể chuyển cho Đặng bản ghi nhớ về mối quan tâm của vị khách trước khi Đặng Tiểu Bình gặp họ.

Các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh kính trọng Đặng rất nhiều và thấy ở ông ta là một người mà họ có thể làm việc được. Ông đã trở thành một người được khác nước ngoài ưa chuộng vì tính dí dỏm, mạnh bạo, thẳng thắn không thủ thế, và mong muốn giải quyết vấn đề. George HW Bush từng gặp ông ta thường xuyên năm 1975 khi ông đứng đầu Văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bắc Kinh, có lần nói, "Ông ấy có một thái độ nồng nhiệt và nói chuyện với một sự thẳng thắn không tạo ra chút hồ nghi nào về ý ông muốn nói." Hoàng Hoa, người nhiều lần cùng ngồi chung với Mao, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình khi họ tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài, nói về Đặng, "Ông ấy rất giỏi nắm bắt vấn đề chính, thông hiểu và giảng giải ngắn gọn bản chất của một vấn đề một cách sâu sắc, và đưa ra các phán đoán và quyết định theo một cách kiên quyết và thẳng thắn."

Không giống như Mao vốn gắn chặt tầm nhìn về sự vĩ đại cho Trung Quốc vốn vượt quá sức vóc của nó, Đặng luôn thực tế trong việc thừa nhận những yếu kém và lạc hậu của Trung Quốc. Nhưng Đặng cũng đã có một sự tự tin cơ bản: ông biết rằng ông đại diện cho một đất nước rất lớn với một lịch sử cực kỳ lâu dài trong tư cách là một nền văn minh lớn, và ông đã thu hút sức mạnh không chỉ từ sự thành công của chính mình trong việc khắc phục những thách thức cá nhân, mà còn từ sự hiểu biết rộng lớn về các vấn đề trong nước và quốc tế. Không giống như một số nhà lãnh đạo Liên Xô, ông không cố gây ấn tượng với người nước ngoài ở các nước hiện đại hơn, ngay cả khi họ vượt trội hơn ông. Thay vào đó, Đặng Tiểu Bình lôi kéo lãnh đạo nước ngoài như các đối tác cùng tham gia trong việc giải quyết vấn đề và chẳng bao lâu tập trung chú ý vào các vấn đề hiện tại. Không có bất kỳ sự khó chịu tâm lý nào, ông có thể chống lại mạnh mẽ mà không trở nên thủ thế hay cáu kỉnh, trước bất kỳ áp lực nước ngoài nào mà ông đánh giá là không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.

Đặng không phải từng luôn luôn biểu hiện sự tự tin như vậy. Lần đầu khi đến New York vào năm 1974 để nói chuyện với Liên Hiệp Quốc, Đặng Tiểu Bình có vẻ thận trọng và nghi thức một cách không thoải mái, vì ông biết rằng thuộc cấp của ông sẽ báo cáo lại cho Mao những gì ông nói và làm. Đặng tiếp tục cẩn thận trong năm 1975, bởi vì đối với tất cả các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng, ông vẫn cần phải được sự chấp thuận cuối cùng của Mao. Như chính Đặng Tiểu Bình cũng thừa nhận, kiến thức và kinh nghiệm của Chu Ân Lai vượt xa ông. Tuy nhiên, sau khi Mao và Chu mất, Đặng có thể đàm phán với các nhà lãnh đạo nước ngoài mà không còn chút lo ngại nào về quan điểm của người khác. Khi ông quay lại phụ trách ngoại giao vào giữa năm 1977 Đặng Tiểu Bình tiếp tục các chính sách ông đã thực hiện vào năm 1975. Tuy nhiên, các quan chức nước ngoài gặp Đặng Tiểu Bình sau tháng 7 năm 1977 thấy ông tự nhiên và tự tin hơn, sẵn sàng hơn trong bày tỏ ý kiến của mình trên một diện rộng các vấn đề chính sách đối ngoại.

Từ tháng 7 năm 1977 cho đến cuối năm 1979, trong các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo nước ngoài Đặng nói một cách kính trọng về "Chủ tịch Hoa [Quốc Phong]." Nhưng từ khi Đặng Tiểu Bình trở lại vào năm 1977, các khách nước ngoài không hề nghi ngờ rằng Đặng Tiểu Bình chính là người phụ trách chính sách đối ngoại. Ông không chỉ hoạt động như nhà đàm phán  mà còn là chiến lược gia vĩ đại của Trung Quốc. Và mặc dù ông có đọc các báo cáo từ các nhà ngoại giao, đối với các quyết định quan trọng, ông dựa vào sự phán xét dày dạn của chính mình nhiều hơn. Đặng có thể thoải mái, với một sự hiểu biết có gốc rể chắc chắn về các chủ đề đang nằm trong tay liên quan đến chiến lược tổng thể như thế nào và sự tự tin vào khả năng của mình trong việc thương thảo với các đối tác. Theo thời gian Đặng phát triển phong cách đặc trưng riêng trong tiến hành các cuộc gặp gỡ với người nước ngoài. Ông mở đầu với một vài nhận xét dí dỏm để chào mừng khách nước ngoài và sau đó chuyển sự tập trung vào các vấn đề chính mà ông muốn giải quyết, đưa ra các quan điểm trực tiếp, rõ ràng, và mạnh mẽ.


Liên Xô là kẻ thù chính

Trong phân tích chiến lược, điểm khởi đầu của Đặng Tiểu Bình giống như Mao: xác định kẻ thù chính, vun bồi đồng minh chống lại kẻ thù chính, trung lập hoá các đồng minh của kẻ thù, và lôi kéo họ ra khỏi kẻ thù. Đến năm 1969, rõ ràng là Liên Xô đã thay thế Hoa Kỳ như là kẻ thù chính của Trung Quốc. Tháng 7 năm đó ở Guam, tổng thống Nixon tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không dính dáng vào một cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á. Ngoài ra, sau xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô vào tháng 3 và tháng 8, quan hệ Trung-Xô vẫn rất căng thẳng.

Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam vào năm 1975, Liên Xô và Việt Nam đã tận dụng cơ hội để lấp khoảng trống do việc Mỹ rút quân tạo ra, và theo quan điểm của Đặng Tiểu Bình, ngày càng đe dọa lợi ích của Trung Quốc. Đặng kết luận rằng Liên Xô nhất định sẽ thay thế Hoa Kỳ như là cường quốc thống trị toàn cầu, và rằng Việt Nam đang nhắm tới việc trở thành thế lực thống trị ở Đông Nam Á. Do đó, Trung Quốc sẽ lập ra một "tuyến duy nhất" (yi tiaoxian/一条线: nhất điều tuyến), đoàn kết với các nước khác ở cùng vĩ độ- Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Bắc Âu- chống lại Liên Xô. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực để kéo các nước khác như Ấn Độ ra khỏi phía Liên Xô.

Khi Đặng Tiểu Bình trở lại làm việc vào năm 1977, theo ông Liên Xô và Việt Nam có vẻ ngày càng đe dọa khi họ hợp tác mở rộng thế lực ở Đông Nam Á. Việt Nam đã cho phép Liên Xô sử dụng các cảng mà Hoa Kỳ đã hiện đại hóa và bỏ lại tại thành phố Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh. Sự hợp tác này sẽ tạo cho Liên Xô sự tự do di chuyển tàu của mình vào toàn bộ khu vực, từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Các căn cứ tên lửa ở Việt Nam cũng đã được xây dựng và bố trí tên lửa của Liên Xô nhắm vào Trung Quốc, với nhân viên và các thiết bị điện tử Liên Xô trên các căn cứ sẽ cung cấp trợ giúp kỹ thuật. Và Liên Xô giữ một số lượng lớn quân dọc theo biên giới phía bắc của Trung Quốc, một tình huống có vẻ đe doạ hơn vì, về phía tây, Ấn Độ đã hợp tác với Liên Xô và Liên Xô đã chuẫn bị xâm chiếm Afghanistan. Trong khi đó Việt Nam đã nắm lấy Lào và đang chuẩn bị xâm lược đồng minh Campuchia của Trung Quốc. Đặng, giống như các người chơi cờ weiqi (围棋: vi kì , tiếng Nhật là go), nghĩ tới những diễn tiến này theo cách là các nước đang cố vươn ra các địa điểm khác nhau và giành chiến thắng bằng cách bao quanh đối phương. Theo Đặng, Trung Quốc có nguy cơ bị bao vây.

Trong số tất cả những diễn biến này, theo Đặng liên minh giữa Việt Nam và Liên Xô có vẻ là đe dọa nhiều nhất cho Trung Quốc, và Việt Nam có vẻ là vị trí mà các hành động táo bạo của Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn nhất trong việc ngăn chặn sự bao vây của Liên Xô. Đặng nói rằng Việt Nam, sau khi đánh đuổi quân đội Mỹ, đã bắt đầu hành động như một con công vênh vang xoè đuôi để khoe khoang. Tháng 5 năm 1978, khi Brzezinski gặp Đặng để thảo luận về kế hoạch cho việc bình thường hoá, ông ta ngạc nhiên về sự mãnh liệt của Đặng Tiểu Bình trong việc tố cáo sự phản bội của Việt Nam. Các nhà ngoại giao khác, những người từng gặp Đặng Tiểu Bình vào năm 1978 cũng nhận thấy rằng mỗi khi chủ đề Việt Nam lộ ra thì ông trở nên nóng giận một cách tệ hại.


Quan hệ của Đặng với Việt Nam

Về phía Việt Nam, Đặng Tiểu Bình cảm thấy một sự phản bội vừa tầm cá nhân vừa tầm quốc gia bởi vì Trung Quốc đã hy sinh cho Việt Nam trong các cuộc tấn công của Mỹ, và vì ông từng có quan hệ cá nhân sâu đậm với Việt Nam trong 5 thập kỷ. Nửa thế kỷ trước, khi Đặng Tiểu Bình là một học sinh - công nhân tại Pháp, ông đã cùng hoạt động với các đồng minh Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Không có bằng chứng cho thấy Đặng Tiểu Bình đã gặp Hồ Chí Minh ở Pháp dù cả hai đều ở đó cùng thời gian, nhưng chắc chắn ông đã gặp Hồ ở Diên An trong những năm cuối thập niên 1930. Chu Ân Lai đã biết họ Hồ ở Pháp, và cũng là một đồng môn tại Học viện Quân sự Hoàng Phố vào giữa những năm 1920. Khi Đặng Tiểu Bình được phân công tới tỉnh Quảng Tây vào cuối những năm 1920, ông đã nhiều lần đi xuyên qua Việt Nam, và ông đã được những người cộng sản hoạt động ngầm của Việt Nam giúp đỡ. Trong những năm 1940 và đầu những năm 1950, Đặng Tiểu Bình và những người Cộng sản Việt Nam là các chiến sĩ cách mạng bạn bè chiến đấu vì thắng lợi của Cộng sản, nhưng sau năm 1954, họ lại là quan chức chính phủ đồng cấp cố sức bảo vệ lợi ích quốc gia của họ.

Các quan hệ của tướng Vi Quốc Thanh (Wei Guoqing), một trong những thuộc hạ cũ của Đặng Tiểu Bình, cũng chạy rất sâu. TướngThanh đã phục vụ dưới thời Đặng tại Quảng Tây và trong chiến dịch Hoài Hải, và là một thành viên của tộc người Tráng (Zhuang) thuộc khu vực Quảng Tây, nơi Đặng đã thiết lập căn cứ cách mạng vào năm 1929. Đặng giải thích với Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu rằng vào năm 1954 khi Việt Nam đánh Pháp, thiếu kinh nghiệm trong chiến đấu quy mô lớn và tướng Vi Quốc Thanh của Trung Quốc đã đóng một vai trò then chốt trong việc chỉ đạo chiến đấu ở Điện Biên Phủ; Việt Nam muốn rút lui, nhưng Vi Quốc Thanh không đồng ý. Phòng không phía bắc của Việt Nam cũng được bố trí với các chiến sĩ Trung Quốc.

Đặng hiểu sự phức tạp trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vì các lợi ích quốc gia đã thay đổi và được diễn dịch lại qua các kính mới. Ông biết rằng trong nhiều thế kỷ, người Việt Nam yêu nước đã từng coi Trung Quốc là kẻ thù chính của họ do sự xâm chiếm của Trung Quốc. Ông hiểu rằng Việt Nam đã cố tìm cách để tối đa hóa viện trợ từ cả Trung Quốc lẫn Liên Xô vào thời điểm hai nước này đẩu cố lôi kéo Việt Nam gần mình hơn. Ông cũng nhận ra rằng mặc dù Trung Quốc coi đóng góp của tướng Vi Quốc Thanh và quân tình nguyện của Trung Quốc là quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ, người Việt Nam vẫn còn cay đắng về việc Trung Quốc không ủng hộ các nỗ lực thống nhất đất nước của họ tại các cuộc thảo luận hiệp ước hoà bình tại Geneva 1954. Đặng biết rõ rằng Hồ Chí Minh, trong di chúc cuối cùng của ông viết vào năm 1965, đã tuyên bố rằng Việt Nam phải là một thế lực thống trị ở Đông Dương, một điều mà Trung Quốc không đồng ý. Và ông biết rằng Việt Nam đã nổi giận vì bắt đầu từ năm 1972,Trung Quốc đã bắt đầu hy sinh mối quan hệ với Việt Nam để có được mối quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ.

Nhưng Trung Quốc cũng đã rất hào phóng trong việc giúp Bắc Việt chống lại Hoa Kỳ. Khi tổng bí thư Việt Nam Lê Duẩn đến thăm Bắc Kinh từ 18 tháng 4 đến 23 tháng 4 năm 1965, tìm kiếm giúp đỡ trước các cuộc tấn công leo thang của không quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ nói với Lê Duẩn rằng Việt Nam cần cái gì thì Trung Quốc sẽ cố gắng cung ứng hết. Trong chuyến thăm đó, Đặng Tiểu Bình đón Lê Duẩn tại sân bay, cùng với Lưu Thiếu Kỳ tiếp ông ta, và sau đó tiễn ông ta tại sân bay. Sau đó, Trung Quốc thành lập một nhóm nhỏ thuộc Hội đồng Nhà nước để điều phối viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam với đại diện của 21 ngành của chính phủ, bao gồm quân đội, giao thông, xây dựng, và các dịch vụ hậu cần khác. Theo hồ sơ lưu của Trung Quốc, từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973 Trung Quốc đã phái tổng cộng 320 000 "quân tình nguyện" đến Việt Nam để giúp về vũ khí phòng không, sửa chữa máy móc, làm đường bộ và đường sắt, truyền tin, sửa chữa sân bay, rà phá bom mìn, dịch vụ hậu cần, và các hoạt động khác. Lúc cao nhất, có đến 170 000 quân Trung Quốc tại Việt Nam cùng một lúc. Trung Quốc cho biết có khoảng 4 000 quân Trung Quốc bị thương vong trong chiến tranh, nhưng một số học giả Trung Quốc ước tính rằng con số này là hàng chục ngàn. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã cho thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu biết rằng khi người Mỹ ở Việt Nam, Trung Quốc đã chuyển hàng hóa trị giá hơn US$ 10 tỷ vào Việt Nam tại thời điểm đó, thậm chí nhiều hơn viện trợ mà Trung Quốc đã cấp cho Bắc Triều Tiên trongchiến tranh Triều Tiên. Khi Trung Quốc mở rộng sự trợ giúp cho Việt Nam, họ cũng đã phái thêm chính công binh và kĩ thuật xây dựng, pháo phòng không, và nguồn cung cấp bổ sung của họ tới giúp.

Năm 1965 Đặng Tiểu Bình, thay mặt cho chính phủ Trung Quốc, đề xuất tăng thêm viện trợ cho Việt Nam nếu Việt Nam ngưng quan hệ với Liên Xô, nhưng Việt Nam đã từ chối. Thay vào đó, khi Mỹ tăng cường ném bom ở Việt Nam, Việt Nam ngày càng quay sang đất nước có công nghệ cao và các vũ khí hiện đại mà Việt Nam cần cho quốc phòng - Liên Xô – và đổi lại, Liên Xô dùng đòn xeo này ngày càng nhiều để gây sức ép buộc Việt Nam nghiêng về phía Liên Xô trong cuộc tranh chấp Trung-Xô.

Khoảng cách giữa Trung Quốc và Việt Nam rộng ra thêm vào giữa những năm 1960 khi Việt Nam ngừng chỉ trích "chủ nghĩa xét lại của Liên Xô," và khi Trung Quốc cho thấy sự không hài lòng về quan hệ gần gũi hơn của Việt Nam với Liên Xô với việc rút một sư đoàn ra khỏi Việt Nam. Năm 1966, khi Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình gặp Hồ Chí Minh, Đặng và Chu cũng đã biết rõ về các than phiền của Việt Nam rằng quân đội Trung Quốc đã hành động như những tên xâm lược ngạo mạn từng xuất hiện thường xuyên trong lịch sử lâu dài của Việt Nam. Đặng cho rằng 100 000 binh sĩ ở đó chỉ thuần là để bảo vệ chống lại một cuộc xâm lược của phương Tây có thể xảy ra, và Chu đề xuất rút về. Nhưng Việt Nam không yêu cầu họ rút quân, và Trung Quốc tiếp tục cung cấp một số lượng đáng kể đạn dược, vũ khí và trang thiết bị.

Hồ Chí Minh, người nói rất thạo tiếngTrung và sống nhiều năm ở Trung Quốc, cố hết sức để duy trì mối quan hệ làm việc tốt với Trung Quốc lẫn Liên Xô. Nhưng sau khi ông mất vào tháng 9 năm 1969, quan hệ Trung-Việt xấu đi, viện trợ của Trung Quốc giảm xuống, và cuối cùng đã rút quân ra khỏi Việt Nam khi Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Nixon vào năm 1972.

Sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Liên Xô đã hào phóng trong việc cung cấp viện trợ quy mô lớn giúp xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Ngược lại, ngày 13 tháng 8 năm 1975, một vài tháng sau khi Mỹ rời Việt Nam, Chu Ân Lai, đang nằm bệnh viện và xanh xao vì bệnh ung thư, nói với Lê Thanh Nghị, nhà vạch kế hoạch chóp bu của Việt Nam, rằng Trung Quốc sẽ không thể cung cấp cho nhiều viện trợ cho việc tái thiết của Việt Nam. Trung Quốc đã kiệt sức từ cuộc Cách mạng Văn hóa và nền kinh tế của nó không phải là trong tình trạng tốt. Chu nói "Các đồng chí Việt Nam nên để cho chúng tôi có một thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức." Nhưng cũng tháng đó, các quan chức khác của Trung Quốc lại chào đón phó thủ tướng Campuchia và hứa với họ sẽ viện trợ US $ 1 tỷ trong 5 năm tiếp theo. Vào lúc đó, Liên Xô đã sát cánh với Việt Nam và Trung Quốc đã làm việc với Campuchia để ngăn chặn Việt Nam thống trị toàn Đông Dương. Đặng sau đó nói với Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu rằng Trung Quốc ngừng viện trợ cho Việt Nam không phải vì TQ có khó khăn trong việc chạy đua với con số viện trợ của Liên Xô, nhưng vì Việt Nam muốn giành bá quyền ở Đông Nam Á. Liên Xô đã sẵn sàng ủng hộ và hưởng lợi từ những tham vọng của Việt Nam, trong khi Trung Quốc thì không.

Một tháng sau đó, vào tháng 9 năm 1975, lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh với hy vọng sẽ tránh việc  quan hệ với Trung Quốc bị đổ vở hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn nhận được một số viện trợ của Trung Quốc, một phần là để có được một biện pháp độc lập với Liên Xô. Tiếp phái đoàn này dưới cặp mắt theo dõi của Mao, Đặng chia sẻ mục tiêu của Lê Duẩn trong việc tránh đổ vỡ trong quan hệ. Đặng đã đón phái đoàn Việt Nam tại sân bay, phát biểu tại bữa tiệc chào đón, tiếp tục thảo luận với Lê Duẩn, và tiễn phái đoàn này ra về tại ga xe lửa. Ông đã có thể ký một thỏa cấp cho Việt Nam một khoản vay nhỏ và một số lượng khiêm tốn hàng hoá thuận ngày 25 tháng 9. Nếu như Đặng vẫn còn tại vị sau năm 1975, có thể ông đã vá đắp lịch sử sự thù địch lâu dài của Việt Nam đối với Trung Quốc và các khác biệt hiện nay, nhưng sau khi Đặng Tiểu Bình yếu thế, bè lũ bốn tên theo một lập trường cứng rắn hơn nhiều, đòi hỏi Việt Nam phải từ bỏ "chủ nghĩa bá quyền" kiểu Liên Xô. Đòi hỏi như vậy của phe cực đoan Trung Quốc tỏ ra quá đáng đối với Lê Duẩn, ông từ chối ký tuyên bố chung và rời Bắc Kinh mà không mở tiệc đáp trả theo thông lệ.

Một tháng sau, Lê Duẩn đã bay đến Moskva, ở đó ông được hứa hẹn viện trợ dài hạn mà ông đang tìm kiếm. Việt Nam có vẻ rất muốn không quá phụ thuộc vào Liên Xô, nhưng lại rất cần sự giúp đỡ để xây dựng lại đất nước. Lê Duẩn, thiếu đòn bẩy từ Trung Quốc (hoặc nơi khác) để chống lại đòi hỏi của Liên Xô, đã ký thỏa thuận ủng hộ lập trường chính sách đối ngoại của Liên Xô. Những hiệp định Xô-Việt này làm phân cực hơn nữa quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và khiến Trung Quốc tăng cường quan hệ với Campuchia.

Đầu năm 1977, Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh nói rằng nếu như Đặng nắm quyền trở lại lúc đó, ông sẽ tiếp cận vấn đề một cách thực dụng hơn và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể đã cải thiện. Về mặt chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau khi Đặng Tiểu Bình bị loại bỏ vào năm 1975, nó đã được lấp đầy với các khẩu hiệu cách mạng, thiếu viễn kiến, và thực hiện không có sự tinh tế. Phe cực đoan đã hầu như phá vỡ quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam và đẩy Việt Nam gần với Liên Xô hơn. Ngày 9 tháng 11 năm 1975, ngay sau khi Đặng Tiểu Bình mất quyền kiểm soát chính sách đối ngoại, Việt Nam công bố mở hội nghị hiệp thương chính trị chuẩn bị thống nhất Bắc và Nam Việt Nam. Các nước cộng sản khác đã gửi thư chúc mừng nhưng Trung Quốc im tiếng. Ba ngày sau hội nghị này, báo Quang Minh của Trung Quốc công bố một phát biểu mạnh mẽ tuyên bố rằng quần đảo Trường Sa là phần "lãnh thổ thiêng liêng" của Trung Quốc, lật ngược việc Đặng Tiểu Bình trước đây thừa nhận rằng các tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa vẫn chưa giải quyết. (Sau khi Đặng Tiểu Bình chính thức bị loại bỏ vào tháng 4 năm 1976, một trong những chỉ trích chống lại ông là ông đã ủng hộ việc mở đàm phán với Việt Nam về quần đảo Trường Sa). Và năm 1976, để đáp lại yêu cầu của Việt Nam, các nước Đông Âu, Bắc Triều Tiên, và các Liên Xô đều hứa viện trợ cho Việt Nam trừ Trung Quốc. Phe cực đoan đã huỷ hết những nỗ lực của Đặng Tiểu Bình và Lê Duẩn trong việc gìữ quan hệ không bị đổ vở.

Sau khi Mao Trạch Đông mất và bè lũ bốn tên bị bắt giữ, có một giai đoạn ngắn các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam thăm dò khả năng cải thiện quan hệ. Ngày 15 tháng 10 năm 1976, chỉ vài ngày sau khi lũ bốn tên bị bắt giữ, các quan chức Việt Nam với hy vọng rằng bây giờ Trung Quốc có thể sẽ theo đuổi một chính sách anh em hơn và sẽ cấp một số trợ giúp cho kế hoạch năm năm tiếp theo của họ, đã gửi tới Bắc Kinh một đề nghị trợ giúp kinh tế. Nhưng đề nghị này không được trả lời, và tháng 12 năm 1976, khi 29 đảng cộng sản anh em khác cử đại biểu tới Hà Nội dự Đại hội Đảng của Việt Nam, Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Hoa Quốc Phong, thậm chí không trả lời lời mời tham dự. Vào tháng 2 năm 1977, năm tháng trước khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, Bắc Kinh chỉ đơn giản nhắc lại với một phái đoàn Việt Nam đến thăm rằng không có viện trợ nào trong thời gian sắp tới.


Khúc dạo đầu cho cuộc xung đột Trung-Việt

Nêu như Đặng không bị thanh trừng cuối năm 1975, có lẽ ông đã có thể tránh được việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng khi Đặng Tiểu Bình trở lại làm việc vào tháng 7 năm 1977, ông phải đối mặt với một tình huống đã đổi khác, trong đó hợp tác Xô-Việt đã tăng lên và quan hệ của Trung Quốc với cả Liên Xô lẫn Việt Nam đã xấu đi tệ hại.

Trong tháng 3 và tháng 5 năm 1977, vài tháng trước khi Đặng Tiểu Bình trở lại làm việc, tướng Võ Nguyên Giáp đang ở Moscow kí kết một thỏa thuận với Liên Xô, trong đó hai bên sẽ mở rộng hợp tác quân sự. Liên Xô đã bắt đầu cử người tới các căn cứ hải quân ở thành phố Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh, với triển vọng là chẳng bao lâu tàu Liên Xô sẽ có thể tiếp cận toàn bộ bờ biển Trung Quốc. Hơn nữa, các vụ đụng độ giữa quân đội Việt Nam và Campuchia và Trung Quốc dọc theo biên giới của họ đã trở nên lớn hơn về quy mô và thường xuyên hơn. Việt Nam đã do dự về việc gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON), tổ chức thương mại của các nước Cộng sản, bởi vì nó sẽ đòi hỏi Việt Nam phải từ bỏ một số độc lập kinh tế mà họ ưa chuộng, nhưng vào ngày 28 tháng 6 năm 1977, Việt Nam, với một nền kinh tế rất cần tái thiết và không có nguồn trợ giúp kinh tế, đã đồng ý tham gia.

Trong khi đó người gốc Hoa [Hoa kiều] đã bắt đầu chạy khỏi Việt Nam. Sau khi tiếp thu miền Nam Việt Nam vào năm 1975, các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã bắt đầu những nhiệm vụ to lớn về tập thể hoá và quốc hữu hóa nền kinh tế. Trong quá trình đó họ bắt đầu tấn công 1,5 triệu người Hoa thiểu số ở Nam Việt Nam, nhiều người trong số họ là các doanh nghiệp nhỏ phản đối việc tập thể hoá. Nếu Việt Nam phải tiến đánh Campuchia hoặc nếu xung đột biên giới với Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn, các nhà lãnh đạo Việt lo sợ rằng người gốc Hoa có thể quay sang chống lại họ. Việt Nam đã phát động một chiến dịch rất lớn gôm lại một số lượng khổng lồ người gốc Hoa và đưa họ đến các trại tập trung - khiến nhiều người khác phải rời bỏ đất nước. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam phải chấm dứt ngược đãi những người gốc Hoa ở Việt Nam, nhưng các quan chức Việt Nam không quan tâm. Vào lúc Đặng đã trở lại hồi tháng 7 năm 1977, chiến dịch mà cuối cùng đã trục xuất khoảng 160 000 người gốc Hoa ra khỏi Việt Nam đang được tiến hành. Để trả đũa, tháng 5 năm 1978, sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại làm việc, Trung Quốc đình chỉ hoạt động 21 dự án viện trợ Việt Nam đang hưởng. Như Đặng giải thích sau này, vào thời điểm đó Trung Quốc không tin rằng viện trợ nhiều hơn sẽ là đủ để kéo Việt Nam khỏi Liên Xô.

Đặng, giống  như Mao và Chu Ân Lai, nghĩ xa nhiều thập kỷ. Năm 1978, sư đe dọa không phải là một đe doạ về việc xâm lấn Trung Quốc sắp xảy ra nhưng nguy hiểm lớn hơn là nếu Liên Xô tiếp tục mở rộng việc sử dụng các căn cứ ở Việt Nam, điều đó có thể dẫn đến việcTrung Quốc bị Liên Xô và Việt Nam bao vây. Khi giải thích tình huống này với người phương Tây, Đặng Tiểu Bình gọi Việt Nam là Cuba của Châu Á — một căn cứ bên cạnh Trung Quốc mà từ đó Liên Xô có thể định vị tàu, máy bay, và tên lửa của Trung Quốc. Chỉ khoảng một thập kỷ trước đó, vào năm 1962, Liên Xô đã rút tên lửa khỏi Cuba vì người Mỹ đã đe dọa sẽ sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội của họ. Nhưng quân đội của Liên Xô là vượt trội hơn quân đội Trung Quốc rất nhiều. Nếu Liên Xô lắp đặt tên lửa ở Việt Nam thì Trung Quốc sẽ rất khó khăn để buộc Liên Xô rút ra. Đặng tin rằng cần cấp bách tăng cường hợp tác với các nước khác để chống lại sự bành trướng Xô-Việt trước khi các căn cứ này trở nên mạnh mẽ.

Trong mười bốn tháng công du, Đặng Tiểu Bình chỉ đi đến một nước Cộng sản là Bắc Triều Tiên, còn lại là 7 nước không cộng sản. Trước tiên ông đến thăm một số quốc gia có quan hệ tốt với Trung Quốc và có thể giúp chống đỡ an ninh của Trung Quốc dọc theo biên giới. Trong 5 chuyến ông đi nước ngoài, 3 chuyến đầu là tới các nước dọc theo biên giới trên bộ của Trung Quốc. Giống như các vua chúa thời xưa, Đặng Tiểu Bình đã tìm cách bình ổn biên giới Trung Quốc, nhưng ông cũng tìm cách hợp tác với các nước này trong việc chống lại các bước tiến của Liên Xô và Việt Nam. Sau đó, ông đến thăm Nhật Bản và Hoa Kỳ, hai nước vốn có thể giúp đỡ nhiều nhất đối với Trung Quốc trong theo đuổi bốn hiện đại hóa và họ cũng có sức mạnh quân sự to lớn để có thể giúp kiềm chế Liên Xô và Việt Nam. Châu Âu cũng là một khu vực quan trọng của thế giới có thể giúp đỡ trong việc hiện đại hóa, nhưng hợp tác với châu Âu đã được đảm bảo với chuyến đi đến Pháp của Đặng Tiểu Bình năm 1975. Các thỏa thuận tiếp sau với Châu Âu thì phái đoàn của Cốc Mục (Gu Mu/谷牧: Phó Chủ tịch TQ 1975-82) có thể xoay xở được; không đòi hỏi thêm một chuyến đi của Đặng.


==============================
Xem bản song ngữ ở đây: Đặng Tiểu Bình và Việt Nam 

No comments: