Saturday, May 16, 2015

Quân đội Mĩ có ý định thách thức các yêu sách biển của Trung Quốc

Quân đội Mĩ có ý định thách thức các yêu sách biển của Trung Quốc

U.S. Military Proposes Challenge to China Sea Claims

Biện pháp sẽ là phái máy bay, tàu hải quân tới gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong vùng biển tranh chấp

ADAM ENTOUS, GORDON LUBOLD và JULIAN E. BARNES
WSJ (12/5/2015)

(Bản dịch đã đăng trên AnhBaSam ngày 16/5/2015)


Một trong những dự án bồi tạo đất của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa - ảnh Associated Press


Các quan chức Hoa Kì nói rằng quân đội Mĩ đang xem xét việc sử dụng máy bay và tàu hải quân trực tiếp thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với một chuỗi đảo nhân tạo đang nhanh chóng mở rộng, trong một động thái sẽ nâng cao mức được mất trong cuộc đối đầu khu vực về việc ai kiểm soát các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã yêu cầu ban tham mưu của mình xem xét các phương án trong đó có cả việc cho máy bay giám sát hải quân bay bên trên các đảo và phái tàu hải quân Mĩ vào bên trong vòng 12 hải lí quanh các rạn san hô mà TQ đang bồi tạo và tuyên bố chủ quyền trong khu vực được gọi là Quần Đảo Trường Sa.

Động thái như vậy, nếu được Nhà Trắng chấp thuận, sẽ được dùng để chuyển tới Bắc Kinh thông điệp rằng Mĩ sẽ không thừa nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo ở những nơi mà Mĩ coi là vùng biển và không phận quốc tế.

Tính toán của Lầu Năm Góc có thể là việc lập kế hoạch quân sự, và bất kì triển khai có thể có nào, sẽ làm tăng sức ép buộc Trung Quốc phải có nhượng bộ đối với các đảo nhân tạo. Nhưng Bắc Kinh cũng có thể đánh liều gấp đôi, mở rộng việc xây dựng bất chấp Mĩ và có khả năng sẽ thực hiện các bước để đẩy mạnh hơn các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.

Hoa Kì nói họ không công nhận các đảo nhân tạo là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức quân sự cho biết, hải quân Mĩ cho đến nay vẫn chưa phái máy bay hoặc tàu chiến vào trong vòng 12 hải lí quanh các rạn san hô bồi tạo để tránh leo thang căng thẳng.

Nếu Mĩ thách thức các yêu sách của Trung Quốc bằng việc sử dụng các tàu hải quân còn Bắc Kinh vẫn giữ vững lập trường của mình thì kết quả có thể leo thang căng thẳng trong khu vực, với sức ép ngày càng lớn, buộc phải tung ra sức mạnh quân sự trong vùng biển tranh chấp đè lên cả hai phía.

Theo ước tính của Mĩ, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhân tạo trong chuỗi Trường Sa từ 500 acre năm ngoái lên đến 2 000 acre (≈ 809 ha) đất. Tháng trước, ảnh vệ tinh của nhà cung cấp thông tin tình báo quốc phòng IHS Jane cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một đường băng trên một trong những đảo này, có vẻ là đủ lớn để chứa máy bay chiến đấu và máy bay giám sát.

Mĩ đã sử dụng quân đội để thách thức các yêu sách khác của Trung Quốc mà Washington coi là không có căn cứ. Tháng 11 năm 2013, Mĩ cho hai máy bay ném bom B-52 bay bên trên các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông để thách thức vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh tuyên bố trong khu vực đó.

Các quan chức cho biết hiện nay ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng ngày càng có nhiều ý kiến muốn có các bước đi cụ thể để gửi cho Bắc Kinh một tín hiệu cho thấy hành động vun bồi ưu thế gần đây của họ ở Trường Sa đã đi quá xa và cần phải dừng lại.

Các quan chức Trung Quốc bác bỏ các chỉ trích về việc xây dựng đảo, nói rằng Bắc Kinh có quyền thực hiện các dự án xây dựng bên trong lãnh thổ có chủ quyền của họ. Họ nói rằng các cơ sở này sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự.

“Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (tên tiếng Trung Quốc gọi Trường Sa) và các vùng biển lân cận,” người phát ngôn đại sứ quán Zhu Haiquan (Chu Hải Toàn) nói. “Việc xây dựng có liên quan, là hợp lí, đúng lẽ và hợp pháp, nằm ngay bên trong chủ quyền của Trung Quốc. Nó không ảnh hưởng hoặc nhắm vào bất kì nước nào, và do đó không trách cứ được.”

Ông Zhu nói Bắc Kinh hi vọng rằng “các bên liên quan” (cách nói nhằm chỉ quân đội Mĩ và các đồng minh trong khu vực) sẽ “kiềm chế việc làm tăng căng thẳng hoặc làm bất cứ điều gì hại đến an ninh và sự tin cậy lẫn nhau.”

Trung Quốc yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, và những việc làm của họ để cố thực thi việc kiểm soát khu vực này trong những năm gần đây đã làm cho Mĩ và Châu Á, nơi mà một số nước có các yêu sách chủ quyền đối chọi nhau trong đó có Philippines, một đồng minh của Mĩ, ngày càng quan ngại hơn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm Thứ Tư nói “Philippines tin rằng Hoa Kì, cũng như tất cả các thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế có lợi ích và có tiếng nói về những gì đang xảy ra ở Biển Đông,” qua việc đề cập tới tự do đi lại và dòng lưu thông thương mại không bị ngăn trỡ cùng các yếu tố khác.

Máy bay quân sự của Mĩ đã nhiều lần tiến gần tới vùng 12 hải lí mà TQ yêu sách xung quanh các rạn san hô mới xây dựng lên. Nhưng để tránh leo thang, các máy bay không xâm nhập vào vùng này. Một quan chức quân sự cấp cao cho biết các chuyến bay “đã giữ một khoảng cách tới các đảo và vẫn gần mốc 12 hải lí.”

Máy bay Mĩ đã bay gần các đảo mà việc xây dựng đang diễn ra, khiến các sĩ quanTrung Quốc phải gọi vô tuyến để thông báo cho các phi công rằng họ đang tiến gần lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Đáp lại, các phi công Mĩ nói với Trung Quốc rằng họ đang bay qua không phận quốc tế.

Trong những ngày gần đây, chiến hạm USS Fort Worth đã hoạt động ở vùng biển gần Trường Sa. “Chúng tôi chưa đi vào trong vòng 12 hải lí”, một quan chức cấp cao của Mĩ cho biết.

Đề nghị của quân đội chưa chính thức chuyển cho Nhà Trắng để cho kết luận cuối cùng đối với bất kì thay đổi nào về lập trường của Mĩ. Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận.

Các quan chức nói rằng đây là vấn đề phức tạp bởi vì theo cái nhìn của chính phủ Mĩ, ít nhất một vài khu vực mà Trung Quốc đang thực hiện việc xây dựng là đảo theo pháp lí, chúng có quyền được hưởng một vùng lãnh hải 12 hải lí.

Đề nghị đang được xem xét sẽ là phái tàu và máy bay hải quân đi vào trong vòng 12 hải lí chỉ ở những địa điểm xây dựng nào mà Mĩ không coi là đảo hợp pháp, các quan chức nói.

Các quan chức Mĩ nói rằng theo Công ước Liên Hỉêp Quốc về Luật Biển, một thể địa lí bồi tạo không có quyền có lãnh hải nếu thể địa lí ban đầu không phải là đảo được công nhận theo công ước. Theo cách giải thích đó, Hoa Kì tin rằng họ không cần phải tôn trọng khu vực 12 hải lí xung quanh các rạn san hô được đắp lên nếu chúng không được coi là đảo trước khi việc xây dựng ở đó bắt đầu.

Các quan chức Mĩ cho biết một số đồng minh của Mĩ trong khu vực đã thúc giục Nhà Trắng nên làm nhiều hơn nữa để thách thức hành vi của Trung Quốc, cảnh báo Washington rằng việc Mĩ không hành động trong vùng Biển Đông có nguy cơ vô tình củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Ngược lại một số đồng minh trong khu vực đã bày tỏ quan ngại đối với Washington rằng một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mĩ có thể lôi kéo họ vào một cuộc xung đột không chủ ý.

Một quan chức Mĩ nói. “Điều quan trọng là tất cả mọi người trong khu vực có một sự hiểu biết rõ ràng về điều mà Trung Quốc đang làm một cách chính xác. Chúng ta phải mở mắt theo dõi.” Hoa Kì đã và đang sử dụng vệ tinh để theo dõi việc xây dựng ở các đảo.

Trong những tháng gần đây, Nhà Trắng đã tìm cách tăng sức ép lên Bắc Kinh để họ dừng việc xây dựng trên các đảo thông qua các kênh ngoại giao, cũng như thách thức Trung Quốc công khai tại các cuộc họp báo gần đây cũng như các báo cáo của chính phủ.

Hải quân Mĩ thường xuyên tiến hành “tự do đi lại” trong khu vực, gồm cả đi qua Biển Đông. Nhưng hải quân vẫn chưa được chính phủ trao quyền một cách rõ rệt để làm như vậy trong vòng 12 hải lí quanh các đảo nhân tạo.
Ngoại trưởng Mĩ John Kerry theo đúng lịch sẽ tới Bắc Kinh vào cuối tuần này để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Mĩ vào tháng 9 tới của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người chủ trương cải thiện quan hệ quân sự với Hoa Kì là một ưu tiên hàng đầu.

Một bế tắt mới với Trung Quốc sẽ góp thêm vào các cuộc khủng hoảng an ninh chồng chất mà Mĩ đang đối mặt tại các khu vực khác.

Năm ngoái, sau khi Nga chiếm lãnh thổ của Ukraine, Nhà Trắng áp đặt lệnh trừng phạt đối Moscow nhưng cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí của Ukraine. Tại Trung Đông, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo chiếm lấy nhiều mảng đất lớn của Iraq hồi hè năm ngoái, khiến Hoa Kì phải phát động chiến dịch không kích nhằm vào nhóm này.

Mĩ từ lâu vẫn cho rằng họ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, dù Mĩ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì sự tự do đi lại tại khu vực này. Tuy nhiên năm ngoái, các quan chức Hoa Kì đã leo thang chỉ trích việc Trung Quốc cố thực thi và biện minh yêu sách của họ trong khu vực.

Các quan chức Mĩ nói họ lo ngại rằng quyết định không phái tàu hải quân vào vùng này sẽ vô tình giúp Trung Quốc tạo dựng chứng lí đối với chủ quyền trong khu vực.

Tàu cảnh sát biển của Trung Quốc thường xuyên đi vào khu vực 12 hải lí quanh quần đảo Senkaku, do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng có yêu sách chủ quyền và họ gọi là Điếu Ngư.

Các quan chức Mĩ nói họ tin rằng Trung Quốc phái tàu vào khu vực Senkaku ở Biển Hoa Đông vì họ muốn cho Tokyo và các nước khác thấy rằng Bắc Kinh không công nhận các đảo này là lãnh thổ của Nhật Bản.

Yêu sách của Trung Quốc bao gồm cả lãnh hải 12 hải lí kéo dài ra từ toàn bộ quần đảo Trường Sa, ở đó họ kiểm soát 7 bảy rạn đá – tất cả đều được mở rộng thành các đảo nhân tạo mới gần đây. Các bên tranh chấp khác chiếm một số đảo, rạn san hô và đá khác.

Ảnh theo thời gian của Google Earth và các nơi khác cho thấy việc bồi tạo ở hầu hết các rạn đá do Trung Quốc nắm giữ đều bắt đầu sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.

Phần lớn việc xây dựng bắt đầu năm ngoái dù có phản đối của các nước láng giềng, có việc nhiều quan hệ quân sự với Washington ấm lại, và có động lực mới ở Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với vùng ngoại vi.

Các quan chức Mĩ nói rằng họ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng công việc này lại mà không có kết quả.

-----------------------------------------------------
Trong những năm qua, tàu và máy bay của Mĩ đã có một số vụ va chạm với phía Trung Quốc, thường phát sinh từ những bất đồng về yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh.

·         Tháng 3 năm 2001 Trung Quốc ra lệnh cho một tàu khảo sát không vũ trang của hải quân Mĩ ra khỏi vùng biển ở Hoàng Hải, cho rằng vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ. Mĩ không đồng ý phản đối này, và vài ngày sau đó tàu này đã quay trở lại Hoàng Hải với một tàu hộ tống có vũ trang.
·         Tháng 4 năm 2001 một máy bay chiến đấu của Trung Quốc va chạm với một máy bay thám sát điện tử của hải quân Mĩ gần đảo Hải Nam của Trung Quốc ở Biển Đông, buộc EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp.
·         Tháng 5 năm 2003 nhiều tàu cá Trung Quốc được sử dụng để hút vào tàu khảo sát hải quân Mĩ có dính dáng tới sự kiện năm 2001, gây ra một số thiệt hại.
·         Tháng 3 năm 2009 tàu quân sự và tàu công vụ của Trung Quốc bao quanh một tàu khảo sát của hải quân Mĩ ở Biển Đông trong một vùng đặc quyền kinh tế có tranh chấp, buộc tàu Mĩ phải tránh đi. Ngày hôm sau tàu này trở lại đi kèm với một tàu khu trục tên lửa có hướng dẫn.
·         Tháng 11 năm 2013 Mĩ cho hai máy bay ném bom B-52 bay bên trên các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông để thách thức vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh.
·         Tháng 12 năm 2013 một tàu Trung Quốc chặn đường đi của một tàu tuần dương của hải quân Mĩ Cowpens ở Biển Đông, cách tàu sân bay của Trung Quốc một khoảng, buộc Cowpens thay đổi lộ trình để tránh va chạm.
·         Tháng 8 năm 2014 một máy bay chiến đấu Trung Quốc thực hiện điều mà các quan chức Mĩ nói là một kiểu chặn đường nguy hiểm đối với một máy bay tuần tra trên biển của hải quân Mĩ đang bay trong không phận tế cách đảo Hải Nam khoảng 135 dặm về phía Đông.


Bài viết này có dự đóng góp của Jeremy Page và Trefor Moss

No comments: