Wednesday, October 1, 2014

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG: TRUNG QUỐC THIẾU BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG:  TRUNG QUỐC CHẲNG ĐƯA RA ĐƯỢC BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ NÀO NÊN HỒN


Phạm Quang Tuấn và Phan Văn Song


Đáp lại bình luận của Bill Hayton trong bài ‘Historical Evidence Must Be Examined’ (bản dịch TV: Quần đảo Hoàng Sa: bằng chứng lịch sử phải được kiểm tra) trên Eurasia Review, Giáo sư Li Dexia (Lí Đức Hà) và nhà nghiên cứu Tan Keng Tat đã đăng bài bình luận của họ ‘South China Sea Disputes: China Has Evidence Of Historical Claims – Analysis’ (Tranh chấp Biển Đông: Trung Quốc có bằng chứng cho các yêu sách lịch sử - Phân tích).

Hai tác giả này cho rằng để giải quyết đầy đủ vấn đề của Hayton sẽ cần tới một chuyên khảo dài và dùng hồ sơ kiện 4000 trang của Philippines như là một ví dụ. Do đó, chúng ta trông đợi rằng trong bình luận ngắn đó họ sẽ chỉ chọn ra những bằng chứng mạnh mẽ nhất trong các tài liệu lịch sử nhiều thế kỉ để hậu thuẫn cho lập luận của họ. Chúng ta hãy xem xét một số các chứng cứ (một số trong đó đã được hai tác giả xào xáo lại đưa vào bài viết Xisha (Paracel) Islands: The Inconvenient Truth đăng trên Eurasia Review).

1. Li & Tan dẫn sự kiện cuốn sách ‘Chư Phiên Chí’ thế kỉ 13 có đề cập đến những cái tên ‘Chien li-chang-sha’ (千里 - Thiên lí Trường Sa) và ‘Wan-li-shih Chuang’ (萬里 石床) - Vạn lí thạch sàng), và cho rằng theo dịch giả của cuốn sách “[hai tên này] là chỉ quần đảo Hoàng Sa.” Tuy nhiên, theo bản dịch sang tiếng Anh quyển ‘Chư Phiên Chí” của F. Hirth và WW Rockhill (do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Anh xuất bản vào năm 1911) thì ‘Wan-li shih-tang’ (萬里石塘 - Vạn lí thạch đường) chính là bãi ngầm Macclesfield[1] và ‘Wan-li-shih Chuang’ “chắc chắn cũng là bãi đó” [tức là bãi ngầm Macclesfields] (Hirth & Rockhill, p.185). Hirth & Rockhill không xác định 'Chien-li chang-sha’ là gì mà chỉ đơn giản nói nó là “«bãi Thiên lí», ở phía đông đảo Hải Nam” (tr. 283). Không có nơi nào trong cuốn sách nói "Chien-li chang-sha" được quy là quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, Li & Tan đã trích dẫn Hirth và Rockhill thiếu trung thực theo cách mà giới học thuật khó thể chấp nhận.

Trọn đoạn văn có chứa câu trích dẫn là: "Cát dương [吉陽][2] nằm ở cực (Nam) bờ biển (Hải-nan), và đất liền không vượt quá chỗ đó, nhưng bên ngoài có hai đảo nhỏ, Ô Lí ( ) và Tô Cát Lãng (蘇吉 ). Chiêm Thành [miền Trung Việt Nam hiện nay] đối diện với nó ở phía nam và phía tây nó nhìn về Chân Lạp [miền Nam Việt Nam hiện nay]. Phía đông (của Hải Nam) là «Thiên Lí Trường Sa» (千里 ) và «Vạn Lí thạch sàng» (萬里 石床) và (bên ngoài chúng) là đại dương bao la, chỗ biển và trời trộn lẫn màu sắc với nhau, và các tàu thuyền đi qua chỉ bằng cách dùng la bàn - nó phải được theo dõi chặt chẽ suốt ngày đêm – vì sống hay chết phụ thuộc vào chỉ một chút sai sót nhỏ.” Từ đoạn văn này và thật ra từ toàn bộ cuốn sách có vẻ là không có cách nào để xác định ‘Chien-li chang-sha’ hoặc ‘Wan-li-shih Chuang’ chính là quần đảo Hoàng Sa. Không có khoảng cách tới đất liền, còn phương hướng thì mơ hồ hoặc sai lệch, vì quần đảo Hoàng Sa ở về phía Đông Nam của đảo Hải Nam, không phải phía Đông. Không có bằng chứng cho thấy tác giả Triệu Nhữ Quát của Chư Phiên Chí, một thanh tra hải quan ngoại thương tỉnh Phúc Kiến, thực sự biết những đảo đang bàn: có thể ông chỉ nghe nói về chúng từ các thương nhân nước ngoài.
Tựa cuốn sách "Chư Phiên Chí" (諸蕃 ), có nghĩa là "Mô tả về dân man di", hoặc “Những ghi nhận về một số nước ngoài.” Do đó cuốn sách này chủ yếu là nói về những người và những thứ bên ngoài Trung Quốc. Điều tương tự cũng có thể nói cho cuốn sách của Trần Luân Quýnh (Chen Lun-Chiung) ‘Hải quốc văn kiến lục’ ( -pinyin: Hải guo wen jian lu) mà Li & Tan cũng có nói tới. Lưu ý rằng ‘hải quốc’ có nghĩa là các nước ngoài/bên kia biển. Do đó, những đề cập đến đảo trong những cuốn sách này khó có thể được dùng để ngụ ý rằng nó thuộc về Trung Quốc.

2. Li & Tan trích dẫn một vài trường hợp có người Trung Quốc tới gần hay đi ngang qua các đảo được cho là quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa trong các triều đại Nguyên, Minh. Chúng tôi chỉ đơn giản chỉ ra một thực tế hiển nhiên rằng đi qua một đảo không phải là chứng cứ cho việc phát hiện ra nó đầu tiên hoặc sở hữu nó.

3 Tương tự, mô tả một đảo trong một cuốn sách cũng không phải là bằng chứng phát hiện ra nó đầu tiên hoặc sở hữu nó. Xét cho cùng, hầu hết các nước có chữ viết sẽ có các sách có mô tả các nước và các vùng lãnh thổ cách nửa vòng trái đất mà không hề yêu sách rằng một nửa thế giới thuộc về họ. (Hi vọng rằng chúng ta sẽ không nhìn thấy điều này xảy ra trong tương lai khi Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn!)

4. Li & Tan hỏi làm thế nào ngư dân Việt Nam có thể vượt được 250 hải lí để tới quần đảo Hoàng Sa vào năm 1405. Chúng tôi đề nghị họ tìm hiểu thêm về lịch sử hàng hải của Đông Nam Á. Cũng giống như các quốc gia ven biển Đông Nam Á khác (và không giống như Trung Quốc chú tâm tới đất liền), dân Việt Nam có truyền thống hàng hải lâu đời. Sống trên một đất nước hầu như chỉ gồm một dải đất mỏng ven biển, họ dựa vào biển để sinh tồn. Thủy thủ Indonesia và các nước Đông Nam Á khác từng vượt Ấn Độ Dương và đến Madagascar vào đầu thế kỉ thứ 9, đi xa hơn 800 hải lí. Tất nhiên, thủy thủ Polynesia thực hiện các chuyến đi còn ấn tượng hơn trên các tàu thuyền nguyên thủy hàng thiên kỉ trước đây.

5. Đáp lại ý kiến của Hayton rằng ông không thấy “có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy TQ đã có quan tâm chính thức tới quần đảo Hoàng Sa trước năm 1909", Li & Tan cho rằng Công ước năm 1887 về việc phân định biên giới giữa Bắc Kì (Tonkin) và TQ đã phân cho TQ tất cả các đảo nằm phía đông của đường phân định trên biển, kể cả quần đảo Hoàng Sa. Đây đúng là hoàn toàn hiểu lầm Công ước, và nếu giải thích như vậy thì sẽ dẫn đến kết quả vô lí rằng hầu hết các đảo ven biển miền Trung Việt Nam đều thuộc về Trung Quốc dù chúng chỉ cách đất liền Việt Nam một vài mét (vì đường phân định đang nói, nếu kéo dài vô hạn về phía nam, sẽ cắt vào đất liền Việt Nam). Lưu ý thêm rằng:

Thứ nhất, hiệp ước, như tên của nó cho thấy, chỉ liên quan đến biên giới giữa Bắc Kì và Trung Quốc. Bắc Kì là một đơn vị quản lí cách riêng biệt của Việt Nam vào lúc đó, và chỉ kéo dài tới vĩ tuyến 20 về phía nam (gần ngang với bờ biển phía bắc của đảo Hải Nam). Quần đảo Hoàng Sa chủ yếu nằm ở phía nam vĩ tuyến 17, cách gần 300 km về phía nam. Dù tưởng tượng hết mức cũng không thể nào hiểu ra rằng phạm vi của hiệp ước bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.

Đọc kĩ lưỡng hơn trong những đoạn có liên quan của hiệp ước sẽ cho ra cách giải thích thậm chí còn hạn chế hơn. Trong đoạn văn đó, một số khu vực tranh chấp gần thị trấn ven biển Móng Cái được phân cho Trung Quốc, và các đảo được đề cập cụ thể theo tên (Trà Cổ [Chagu] và Gò Tho [Go-tho]) đều là những đảo ven biển (nằm trong phạm vi cách đất liền một vài km), cho thấy rõ ràng rằng các bên kí kết chỉ quan tâm đến biên giới trên đất liền và các đảo ven bờ gần đó. Thật ra, bản đồ kèm theo có chữ kí của cả hai bên cho thấy các đường phân định đang bàn chỉ kéo dài khỏi bờ biển khoảng 10 km mà thôi.

6 Li & Tan viện dẫn Chiu & Park (tạp chí Ocean Development and Law Journal, 1975) để hậu thuẫn cho quan điểm của họ. Tuy nhiên, lập luận do hai tác giả này đưa ra về cơ bản là giống như những lập luận của Li & Tan (thật ra, có vẻ hai tác giả sau viện dẫn nặng nề bài viết của Chiu & Park), mà chúng tôi đã phản bác hoàn toàn.

7. Về các trích dẫn từ Ung Văn Khiêm, Lê Lộc và Phạm Văn Đồng, chỉ có trích dẫn từ Phạm Văn Đồng có thể nói là có hồ sơ lưu thích đáng. Thư Phạm Văn Đồng không đề cập đến Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hơn nữa quần đảo Hoàng Sa vào lúc đó đặt dưới sự quản lí của Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam), và quốc gia này đã bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền đối với quần đảo này.

8 Hayton bác bỏ khẳng định của Lí rằng “sau khi Nhật đầu hàng vào năm 1945, hai quần đảo này [Hoàng Sa và Trường Sa] được trả lại cho Trung Quốc theo Tuyên bố Cairo và Potsdam”, qua việc chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chẳng hề được đề cập đến trong hai tuyên bố đó. Để phản biện Li & Tan trích dẫn câu sau đây từ Tuyên bố Cairo: “Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà nước này đã lấy được bằng bạo lực và tham lam.” Đây là một cách giải đáp không logic và vô nghĩa vì không có chỗ nào câu này hay trong Tuyên bố Cairo lẫn Tuyên bố Potsdam có nêu tên quần đảo Hoàng Sa hay quần đảo Trường Sa về vấn đề này [trả lại cho Trung Quốc]. Thay vì phản biện ý kiến của Hayton, Li & Tan thực ra lại góp phần biện minh cho nó.

9. Khẳng định của Li & Tan rằng: “Từ năm 1946 đến năm 1956 [...] Pháp và Việt Nam Cộng Hòa đã không thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhỏ” là vừa không trung thực vừa không đúng. Thứ nhất, từ năm 1946 đến 1954 Pháp phải bận rộn với cuộc chiến tranh quy mô rộng khắp chống lại Việt Minh, còn trong hai năm 1955-1956 Việt Nam Cộng Hòa đang trong tình trạng rối rắm sau khi tiếp quản đất nước từ tay người Pháp, với nhiều lực lượng đối đầu lẫn nhau: chính phủ, cộng sản, Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên. Dù vậy, người Pháp vẫn xoay xở để tái chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1947 và ở lại đảo Hoàng Sa và một số đảo gần đó đến năm 1956, còn Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cộng hòa) khẳng định chủ quyền tại San Francisco vào năm 1951 như chính Li và Tan cũng có chỉ ra, và Việt Nam Cộng Hòa đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tháng 6 năm 1956 sau một tuyên bố của Trung Quốc về vấn đề cùng tháng 5 năm 1956.

10. Như đã nêu, Li & Tan xào xáo lại hầu hết các lập luận trên để đưa vào bài Xisha (Paracel) Islands: The Inconvenient Truth cũng đăng trên Eurasia Review. Bài viết đó có thêm một điều thêu dệt cần phải vạch ra thêm: đó là Nhật đã trả lại hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa cho Trung Quốc theo điều II, Hoà ước 28 tháng 4 năm 1952. Thật ra điều này như sau: “Thừa nhận rằng theo Điều 2 của Hiệp ước hòa bình mà Nhật Bản đã kí kết tại thành phố San Francisco vào ngày 08 tháng 9 năm 1951 (sau đây gọi là Hiệp ước San Francisco), Nhật Bản đã từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa, và yêu sách đối với Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (Pescadores) cũng như quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.” Điều khoản này, và Điều 2 trong Hiệp ước San Francisco mà nó nói tới, chỉ đơn thuần nói rằng Nhật Bản từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có chỗ nào trong hai điều khoản đó nói hay hàm ý rằng Nhật Bản phải “trả lại” hai quần đảo này cho Trung Quốc.

Tóm lại, “các bằng chứng lịch sử” mà Li & Tan đưa ra đều mơ hồ, thiếu chính xác hoặc sai trắng trợn, dựa trên những điều không thực, thiếu logic, trích dẫn càng, diễn giải sai và tự vẽ vời thêm. Nếu đó là bằng chứng tốt nhất mà hai nhà nghiên cứu này có thể đưa ra được thì họ sẽ không xoay chuyển được gì nhiều cho mục đích của họ.

 ------------------------------------------
Phiên bản tiếng Anh của bài này “South China Sea Disputes: Chinese Historical Evidence Found Wanting - Analysis” đã đăng trên Eurasia Review ngày 4/9/2014






[1] Do điều kiện cá nhân và hoàn cành khoa học, kĩ thuật lúc đó hạn chế nên có thể nhận định này của Hirth và Rockhill chưa thật chính xác, nhưng chúng tôi nêu ra để thấy "tài" trích dẫn của học giả Tàu.
[2] Thị trấn ở phía Nam đảo Hải Nam, gần Tam Á hiện nay

No comments: