Saturday, July 26, 2014

Về hai vụ đắm tàu ở HS cuối thế kỉ 19

Về hai vụ đắm tàu ở HS cuối thế kỉ 19

(Bài đăng trên Boxitvn.net ngày 28/7/2014 có thay đổi nhỏ về cách trình bày và ghi sai họ)

Vào cuối thế kỉ 19 có hai chiếc tàu chở đồng của Đức và Nhật đắm ở Hoàng Sa bị ngư dân Hải Nam đến hôi của. Công ti của Anh phụ trách bảo hiểm hàng hoá của hai tàu này có yêu cầu chính quyền Trung Quốc giải quyết đền bù nhưng bị từ chối. Nhiều bài nghiên cứu của học giả Việt Nam cũng như nước ngoài, kể cả văn bản về lập trường chính thức của Việt Nam đối với vụ giàn khoan 981 gửi LHQ ngày 3/7/2014 đã nêu sự việc này như một trong những luận điểm chính để biện minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Luận điểm này đã được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) đưa ra ít ra từ năm 1959 (xem phụ lục 1) nhưng không thấy có trong Bạch thư tháng 2/1975 (tức một năm sau khi TQ chiếm toàn bộ Hoàng Sa) mà lẽ ra nó phải được nêu ra nếu quả thực có cơ sở vững chắc. Chúng tôi không có điều kiện tiếp xúc với các hồ sơ lưu của Bộ Ngoại giao Anh hay của VNCH nên không thể khẳng định tính chính xác của luận điểm này. Tuy nhiên, có tài liệu trong hồ sơ lưu ở Văn khố Quốc gia Australia về vụ việc này trình bày sự việc với một số điểm khác biệt đáng lưu ý và cũng có vẻ khá khách quan. Đó là trang 7 của hồ sơ đã được giải mật về ‘Paracel Islands’ (Quần đảo Hoàng Sa) lập ngày 29/8/1975, tức trang 20 của tập hồ sơ “Islands in the South China Sea”, số series A1838/335, số hiệu 226/1 Pt2 của Văn khố Quốc gia Australia (NAA). Mục 18, 19 và cước chú của trang này tạm dịch ra tiếng Việt (xem bản gốc tiếng Anh ở Phụ lục 2) như sau:

18. Việt Nam đã khẳng định rằng việc Trung Quốc xử lí yêu cầu bồi thường bảo hiểm phát sinh từ vụ tàu "Bellona" và "Himaji Maru" bị đắm trên quần đảo Hoàng Sa tương ứng vào năm 1894 và 1895, hậu thuẫn quan điểm của họ rằng quần đảo Hoàng Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc. Theo Việt Nam thì sau khi hai tàu này bị đắm thì hai công ti của Anh phụ trách bảo hiểm số đồng chở trên tàu tìm cách nhờ đại sứ Anh tại Bắc Kinh giúp để có được đền bù cho số hàng hoá đã bị ngư dân đảo Hải Nam của Trung Quốc lấy cắp. Nhà chức trách Trung Quốc bị cáo buộc đã từ chối mọi trách nhiệm và nói rằng quần đảo này không thuộc Hải Nam, do đó theo báo Việt Nam Xưa và Nay(?) “ngầm đùn đẩy trách nhiệm lên nhà chức trách Đông Dương.”
19. Việc tiến hành rà soát các hồ sơ Ngoại giao Anh liên quan đến vụ này không ủng hộ cách lập luận của Việt Nam dựa trên các sự kiện đó. Các giấy tờ này cho thấy rõ rằng Chính phủ Trung Hoa từ chối xem xét yêu cầu đền bù của các công ti dựa trên các căn cứ sau đây: (i) yêu cầu đưa ra quá lâu sau sự kiện mà nó có liên quan; (ii) các công ti đã không cố gắng đúng mức để cứu lấy hàng hoá; và (iii) phần của yêu cầu liên quan đến việc nhà chức trách trên đảo Hải Nam đã không cung ứng trợ giúp thích đáng trong việc truy tìm đồng bị chìm, là không hợp lệ vì quy định cứu hộ năm 1876 của Trung Hoa đã không được tuân thủ. Ở London các cố vấn pháp luật nhà nước (Hoàng gia) cho rằng một yêu cầu đền bù hợp lệ đối với chính quyền trên đảo Hải Nam do không giúp đỡ trong việc thu hồi đồng có thể đã tồn tại nhưng do quá chậm trễ nên không thúc ép được. Không có điều gì trong các giấy tờ này cho thấy rằng Trung Hoa phủ nhận họ có trách nhiệm đối với quần đảo này và chắc chắn không có đề cập đến trách nhiệm đối với quần đảo này đảo nằm ở chính quyền Pháp ở Đông Dương.
………………………………..
* Lưu ý: Bản sao các giấy tờ này đã được chuyển cho Đại sứ quán Nam Việt Nam tại London vào năm 1974, đáp ứng theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao ở Sài Gòn sau khi HMG (chính phủ Úc/Anh) chỉ ra rằng hồ sơ lưu của chúng ta không ủng hộ quan điểm đưa ra trên tờ Việt Nam Xưa và Nay (?). Có lẽ do vậy mà tuyên bố cuối cùng của Việt Nam về việc này mà chúng ta đã thấy, cụ thể là Bạch thư tháng 2 năm 1975, không có đề cập đến lập luận dựa trên vụ hai con tàu đắm này.
MẬT
Tài liệu trên, có vài chi tiết sai lệch nhỏ với các tài liệu và bài viết đã có, chẳng hạn như năm hai tàu bị đắm là 1894, 1895 thay vì 1895, 1896 (có thể theo tài liệu gốc truy cập được hoặc có thể do gõ nhầm) hay chi tiết về tên con tàu Nhật là Himeji Maru thay vì Imej[z,g]i Maru (các cách phiên âm khác nhau chấp nhận được của một từ Nhật). Tuy nhiên, thông tin về quan điểm của VN trong mục 18 rõ ràng là chính xác (xem phụ lục 1), tính đáng tin cậy của mục 19 cũng khó bác bỏ vì nằm trong một tài liệu ngoại giao có thể làm cơ sở cho chính sách đối ngoại của chính phủ Australia. Còn phần cước chú, tuy ghi là “[c]ó lẽ do vậy” ([p]robably as a result) nhưng lí do Bạch thư tháng 2/1975 không nêu lại vụ việc này có nhiều khả năng là nhờ phản hồi của Bộ Ngoại giao Australia. Bởi vì theo lẽ thường không ai lại bỏ đi một luận điểm đáng giá như vậy trong lập luận của mình trừ khi nó thiếu cơ sở như đã nêu.

Lưu ý rằng việc sử dụng các chi tiết có thể có sai lệch trong vụ việc này cho tới nay là điều hiểu được vì chúng đã từng được nêu ra trong các tài liệu chính thức trước đây và thậm chí trong các nghiên cứu của các tác giả có uy tín quốc tế như Monique Chemilier-Gendreau, Stein Tonesson… Tài liệu cũ hơn (sau khi sự việc xảy ra khoảng hơn 30 năm) có thể tìm thấy trên mạng là bài báo “L'histoire moderne des iles Paracels” (Lịch sử hiện đại quần đảo Hoàng Sa) đăng trên tờ báo "L'Eveil de l'Indochine" số 738, ngày 22/5/1932 tại Hà Nội (xem phụ lục 3). Với điều kiện thông tin còn lạc hậu lúc đó, có nhiều khả năng tác giả bài báo này không có điều kiện để tham khảo các tài liệu lưu của Bộ Ngoại giao Anh. Do đó, các chi tiết nêu ra trong bài báo có thể không đảm bảo tính chính xác và điều này ảnh hưởng tới những bài viết tham khảo hay trích dẫn bài báo này.

Nếu không có các nguồn tài liệu gốc nào có thể bác bỏ được tính tín cậy của tài liệu từ Văn khố Australia, có lẽ không nên chơi trò may rủi sử dụng vụ việc này trong các bài viết, bài nghiên cứu mới về quần đảo Hoàng Sa, không nên giật tít kiểu như “Năm 1898, TQ tuyên bố: “Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc Hải Nam”…, vì những điều như vậy có khả năng làm mất uy tín nhiều hơn là có lợi trong việc tranh đấu cho chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt khi muốn dùng vụ việc này làm chứng lí trong hồ sơ kiện tụng (có vẻ đang xúc tiến), thiết nghĩ những người có trách nhiệm cần cẩn trọng kiểm tra lại tính chính xác của nó từ nguồn tài liệu gốc chứ không phải các nguồn tài liệu thứ cấp như có vẻ đã làm. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của các cơ quan có liên quan của chính phủ với rất nhiều phương tiện trong tay.

Phụ lục 1: Tuyên bố của VNCH tháng 3/1959 phân phát tại Rangoon (trích)




Tạm dịch ra tiếng Việt
Gõ lại phần bản gốc cho dễ đọc
Hai trong số các tàu bị đắm, tàu Bellona (đắm vào năm 1895 ở rạn san hô phía bắc) và Imezi Maru (đắm vào năm 1896 ở cụm An Vĩnh) chở đồng được công ti Anh bảo hiểm.
Sau nỗ lực cứu hộ vô vọng, các tàu đắm bị bỏ phế. Một số người Trung Quốc, đi trên các con thuyền tam bản và thuyền mành nhỏ đến hôi của và mang đồng mà họ có được từ đó đem về Hải Nam, rồi gợi ý bán lại cho chủ các tàu.
Sau đó Công ti bảo hiểm viện tới đại sứ Anh tại Bắc Kinh và Lãnh sự ở Anh Hải-Hạo (nay là Hải Khẩu) can thiệp , tìm cách buộc chính quyền địa phương Trung Hoa chịu trách nhiệm về hàng bị đắm.
Nhà chức trách Trung Hoa đã từ chối mọi trách nhiệm, một mực cho rằng Hoàng Sa không thuộc về Trung Hoa, và rằng quần đảo này không được đính vào phần nào của Hải Nam, ngầm đùn đẩy trách nhiệm lên nhà chức trách Đông Dương.
Two of the shipwrecked vessels, the Bellona (wrecked in 1895 on the north reef) and the Imezi Maru (wrecked in 1896 on the Amphitrite) were carrying cargoes of copper insured by British Companies.
After a vain attempt at salvage, the wrecks were abandoned. Some Chinese, plying in sampans and small junks, pillaged the wreckage and took the copper they got from it to Hainam (sic), where they offered to re-sell it to shipowners.
The Insurance Companies then provoked an intervention by the British Minister in Peking and the British Consul in Hoi-Hao, who tried to hold the Chinese local authorities responsible for the shipwrecks.
The Chinese authorities declined all responsibility, maintaining that the Paracel did not belong to China, and that the islands were not attached to any part of Hainam (sic), implicitly throwing back the responsibility onto the Indochinese authorities.


Phụ lục 2: Trang bìa và trang 7 tài liệu “The Paracel Islands” lưu ở NAA:


Trang 7 gõ lại cho dễ đọc (trích):

18. The Vietnamese have asserted that the Chinese handling of the insurance claims arising out of the wrecks of the “Bellona’ and the “Himeji Maru” on the Paracels in 1894 and 1895 respectively, support their view that the Paracels have never been Chinese. The Vietnamese version is that following the wreck of these two vessels the British companies which had insured their cargoes of copper sought the help of the British Minister in Peking to obtain redress since the cargoes had been pillaged by fishermen from China’s Hainan Island. The Chinese authorities, it is alleged, declined all responsibility and said that the islands were not part of Hainan, thus according to Vietnamese Yesterday and Today “implicitly throwing back responsibility on to the Indo-Chinese authorities.”
19. An examination of the British Foreign Office records relating to this affair does not bear out the construction placed on the events by the Vietnamese. These papers make it clear that the Chinese Government refused to consider the insurance companies’ claims on the following grounds: (i) that they had been submitted long after the event to which they related; (ii) that the companies had not made sufficient to salvage: and (iii) that part of the claims, which related to a failure by the authorities on Hainan Island to provide adequate assistance in tracing the sunken copper, was not valid because the Chinese salvage regulations of 1876 had not been followed. In London the Law Officers of the Crown argued that a valid claim might have existed against the authorities on Hainan for failure to assist in the recovery of the copper, but that too great a delay meant that no claim should be pressed. There is nothing in these papers to show that the Chinese denied that they had responsibility for the islands and certainly there is no mention of responsibility for the islands resting with the French authorities in Indo-China.
…………………………….
* Note: Copies of these papers were passed to the South Vietnamese Embassy in London in 1974, in response to a request from the Ministry of Foreign Affairs in Saigon after HMG had pointed out that our records did not support the view put forward in Vietnam Yesterday and Today. Probably as a result, the last statement of the Vietnamese case we have seen, namely the White Pages of February 1975, makes no mention of the argument based on the shipwrecks.
CONFIDENTIAL

Phụ lục 3: Bài báo L'histoire moderne des iles Paracels” trên L'Eveil de l'Indochine" số 738, ngày 22/5/1932 (trích):

Tạm dịch ra Tiếng Việt
Gõ lại theo bản gốc
……………………………………..
Nhiều vụ đắm tàu đã xảy ra ở đây:
-          tàu "Marianna" (tàu Đức) ở rạn san hô Bombay vào năm 1891.
-          tàu "Bellona" (tàu Đức) ở ran san hộ Bắc năm 1895
-          tàu "Imegi-Maru" (tàu Nhật Bản) ở cụm An Vĩnh vào năm 1896. Hai vụ đắm tàu sau này đã dẫn đến tranh chấp không đến nỗi vô ích để nhắc lại.
Hai tàu Bellona và Imegi Maru đều chở đồng được công ti Anh bảo hiểm. Việc cứu hộ đã cố thực hiện trong vô vọng. Nhiều tàu đã được đặc biệt phái đi, với chi phí cao hơn, bị thời tiết xấu nên không đạt được kết quả đáng kể nào, cuối cùng đành phải quay trở lại Hồng Kông.
Các tàu đắm bị bỏ phế.
Khi đó các ngư dân Trung Quốc, đi trên những chiếc thuyền nhỏ bắt đầu tới cướp bóc có hệ thống các tàu đắm. Qua trung gian chủ của họ ở Hải Hạo, họ muốn bán lại số đồng họ cướp lấy được theo nửa giá. Công ti bảo hiểm không chấp nhận và vì một phần số lượng đồng đã được mang vào đảo Hải Nam, họ đã nhờ Đại sứ Anh ở Bắc Kinh và Lãnh sự ở Hải Hạo (Hải Khẩu) can thiệp yêu cầu thu giữ ngay số đồng đã nói, bằng cách lập luận rằng khi vụ đắm tàu xảy ra, các quan lại của Hải Nam đã được thông báo nên phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn nạn cướp bóc và phải chịu trách nhiệm.
Các quan phản đối nói vờ rằng: quần đảo Hoàng Sa là bỏ hoang không thuộc về Trung Quốc nhiều hơn là An Nam, không gắn liền về mặt hành chính với bất kí khu vực nào của Hải Nam. và rằng không có cấp thẩm quyền đặc biệt nào chịu trách nhiệm về trị an quần đảo này.
…………………………………..
………………………………………
De nombreux naufrages s’y sont produits :
-          la “ Marianna” (navire allemand) sur le récif Bombay en 1891.
-          la “Bellona” (navire allemand) sur le récif Nord en 1895
-          l’ “Imegi-Maru” (navire japonais) sur les Amphitrites, en 1896. Ces deux derniers naufrages donnèrent lieu à des contestations qu’il n'est pas sans intéret de rappeler.
La Bellona et l'Imegi-Maru portaient un chargement de cuivre assuré à des compagnies anglaises. Le sauvetage fut vainement tenté. Les navires expédiés ad hoc, à des conditions onéreuses, chassés par le mauvais temps, après des résultats insignifiants. durent revenir à Hongkong.
Les épaves furent abandonnées.
Des pêcheurs chinois, montés sur des embarcations légères commencèrent alors le pillage méthodique des navires naufragés. lls par l’intermédiaire de leurs armateurs à Hoihow, de céder pour la moitié de sa valeur, le cuivre ainsi pillé. Les compagnies refusèrent et comme une partie du cuivre avait déjà été débarqué à Hainan, sur leu instances, le Ministre d’Angleterre à Pékin et le Consul d’Hoihow intervinrent en vue d’exiger la saisie pure et simple dudil cuivre, déclarant que, dès que le naufrage s’était produit, les mandarins d’Hainan en avaient été avisés, qu'ils eussent dû prendre leurs précautions pour empêcher le pillage et qu’ils devaient être tenus responsables.
Les mandarins protestèrent, prétendant : que les îles Paracels étaient des îles abandonnées qui n'appartenaient pas plus à la Chine qu’à l’Annam, qu'elles n’étaient administrativement rattachées à aucun district d’Hainan et que nulle autorité spéciale n’etait chargée de leur police.
…………………………………………..



No comments: