Saturday, July 19, 2014

ChínhTrung Quốc chứ không phải việc hô hào chống Trung Quốc gây ra vấn đề

ChínhTrung Quốc chứ không phải việc hô hào chống Trung Quốc gây ra vấn đề


Zachary Keck
Anti-China Rhetoric Isn’t Causing Problems, China Is
The Diplomat (15/7/2014)
(bản dịch đã đăng trên DL ngày 20/7/2014) 

Hành động của Trung Quốc trong khu vực đang gây ra nhiều vấn đề, còn việc hô hào chống TQ chỉ đơn thuần là phản ứng đối với các hành động đó.

Trên blog của biên tập tuần trước, Erin Zimmerman đã viết một bài gây nhiều bàn luận khi lập luận rằng "hô hào chống TQ" của các diễn viên trong khu vực tại các diễn đàn như đối thoại Shangri-La đã buộc Bắc Kinh phải vung tay hung hăn hơn trong khu vực để xoa dịu tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong nước. Do vậy, Zimmerman lập luận rằng cách tốt nhất để giảm căng thẳng trong khu vực và khuyến khích TQ hành động có tính xây dựng hơn trong khu vực là ngưng lại "việc đồ đậm những lời than phiền chính trị" tại các diễn đàn. Thay vào đó, khu vực phải chuyển sang cách gắn kết TQ vững chắc hơn vào các tổ chức đa phương hiện có của châu Á, qua đó "khuyến khích Bắc Kinh thể hiện ảnh hưởng tích cực của họ trong khu vực."

Lập luận của Zimmerman dường như đã gây phản ứng của nhiều người qua đánh giá từ các ý kiến trên trang web và đã nêu cho cá nhân tác giả này trên Twitter và email. Trong một vài ví dụ hơi cùng cực, nhiều người đã chế giễu sự kiện The Diplomat lại công bố bài viết này.

Tôi không đồng ý. Zimmerman đưa ra một lập luận mạnh mẽ và mạch lạc thể hiện quan điểm mà nhiều người trong khu vực (kể cả nhưng không giới hạn ở TQ và chính phủ TQ) đang theo. Như vậy, nó là một phần không tách rời của cuộc tranh luận trong khu vực, và tôi tự hào về sự kiện là Zimmerman đã khá tử tế chuyển bài viết cho The Diplomat và chúng tôi có thể đưa nó lên trang web.

Điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý với lập luận của bài viết, và có vẻ không phải chỉ có tôi không đồng ý. Như vậy, với tinh thần tranh luận lành mạnh, tôi cảm thấy đáng vạch ra những chỗ mà tôi không đồng ý với bài viết đó.

Lập luận chính đầu tiên của Zimmerman là những quan ngại mà các quốc gia trong khu vực bày tỏ về hành vi của TQ trong các diễn đàn khu vực chính là cái trước tiên kích động TQ hành động khiêu khích hơn. Ví dụ, trong bối cảnh Đối thoại Shangri-La, Zimmerman cho rằng các ý kiến của Nhật Bản và Mỹ "có thể thấy là khiêu khích theo hướng là chúng có khả năng đẩy Bắc Kinh theo đuổi những hành vi y hệt điều mà các ý kiến này lên án."

Đây là loại logic vòng quanh mà người ta thường thấy chính ĐCSTQ cũng tự sử dụng để cố đảo lộn bên có lỗi trong một vụ tranh chấp. Thật không may, điều đó là không vững về mặt logic. Điều mà Zimmerman lập luận cốt lõi là các nước khác bày tỏ quan ngại về các hành động của TQ là nguyên nhân khởi sự khiến Bắc Kinh thực hiện những hành động này. Nhưng các nước khác bày tỏ quan ngại về những hành động của TQ không thể là nguyên nhân của các hành động này chút nào, như một kẻ giết người không thể được tha bổng cho tội ác của mình bằng cách lập luận rằng anh ta chỉ sát hại nạn nhân vì nhà nước cáo buộc anh ta giết người đó.

Ngay cả ví dụ về kẻ giết người không làm lập luận đó thành công lí. Cốt lõi điều mà Zimmerman lập luận là các nạn nhân của sự quyết đoán của TQ phải chịu lỗi cho sự quyết đoán của chính TQ bởi vì họ công khai bày tỏ mối quan ngại về sự quyết đoán đó. Như vậy, điều tương tự tương ứng trong hệ thống tư pháp hình sự sẽ cáo buộc nạn nhân của một cuộc tấn công bạo lực là đã tự rước nó vào chính mình bởi vì nạn nhân đó đã báo cáo sự việc cho thực thi pháp luật địa phương. Giá như nạn nhân đừng báo cáo tội phạm thì tội phạm không bao giờ xảy ra trước đó. Đây không phải là kiểu lập luận con gà và quả trứng trong đó nguyên nhân và hậu quả khó xác định. Các nước bày tỏ mối quan tâm về những gì TQ đã làm và đang tiếp tục làm. Hành động của TQ là nguyên nhân khiến những chỉ trích được đưa ra; không phải điều ngược lại.

Bên cạnh lập luận rằng các nước trong khu vực nên ngừng lên tiếng về hành động của TQ, lập luận chính khác của Zimmerman là "các diễn đàn đa phương có thể và nên được đưa vào sử dụng tốt hơn như một phương tiện tích cực tham gia với TQ. Điều này có nghĩa không tô đậm các lời than phiền chính trị và dùng các sự kiện này để gắn kết TQ chặt hơn thành một phần của một cộng đồng châu Á lớn hơn."

Lập luận này cũng sử dụng một logic khác thường. Mục đích của các tổ chức đa phương là để các nước ngồi lại với nhau thảo luận về các vấn đề khác nhau với hi vọng tìm kiếm giải pháp cho chúng. Trong trường hợp các diễn đàn an ninh như Đối thoại Shangri-La, mục đích là để các nước châu Á cùng nhau thảo luận về những thách thức an ninh với hy vọng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các thách thức này.

Tuy nhiên, phần đầu của lập luận Zimmerman, là các nước nên tránh sử dụng các diễn đàn này để lên tiếng về mối quan ngại của họ bởi vì đó chính là điều trước hết gây ra hành động khiêu khích của TQ. Nhưng đây lại đúng là mục đích của việc tổ chức các diễn đàn. Nếu các quốc gia đồng ý không sử dụng các diễn đàn này cho các mục đích chúng được tạo ra, cụ thể là để thảo luận về những thách thức với hy vọng giải quyết chúng, thì tại sao họ lại muốn mở rộng và làm sâu sắc thêm chính các tổ chức đó? Điều này giống như mở rộng World Cup sau khi cấm chơi bóng đá, hay một quốc gia đưa ra một chương trình mở rộng nhà tù ngay sau khi vô hiệu hóa bộ luật hình sự và bãi bỏ hệ thống tư pháp.

Lập luận rằng gắn kết TQ chặt hơn vào trật tự hiện tại sẽ xoa dịu TQ cũng khó dung hợp với thực tế là TQ phản đối trật tự này. Như Chủ tịch Tập Cận Bình vạch rõ tại CICA hồi tháng 5, và tướng Vương Quán Trung khẳng định tại Đối thoại Shangri-La, TQ coi trật tự an ninh khu vực hiện nay thuộc về thời Chiến tranh Lạnh. Do đó họ kêu gọi tháo dỡ nó và thay thế bằng một trật tự mới dựa trên nguyên tắc châu Á cho người châu Á. Điều này có lẽ sẽ được tập trung vào CICA (Hội nghị Tương tác và Xây dựng lòng tin ở Châu Á) nơi mà Mĩ bị loại ra còn Nhật Bản và Philippines có chỉ có tư cách quan sát viên.

Tương tự, TQ đã đề xuất lập ra Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng "đa phương" châu Á (AIIB). Nhiều bài báo cho rằng ngân hàng này sẽ có vốn ban đầu là 50 tỷ USD và TQ sẽ là cổ đông đa số. Có vẻ là AIIB được đề ra để làm giảm ảnh hưởng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) mà TQ cho là bị Nhật Bản chi phối quá nhiều, và bị Hoa Kì chi phối ở một mức độ ít hơn.

Nếu TQ quan tâm đến việc giữ một vai trò lớn hơn trong trật tự khu vực hiện tại thì TQ có thể dễ dàng sử dụng món tài trợ đáng kể này cho ADB, và do đó tự nâng mình lên địa vị cao hơn trong ADB. Tuy nhiên, họ đã chọn cách lập ra ngân hàng riêng của họ mà dường như nhắm tới việc loại trừ Nhật Bản, Hoa Kì và Ấn Độ, những nước có khả năng có thể đe dọa địa vị cổ đông đa số của TQ. Như một nhà kinh tế giải thích: "TQ muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong những loại tổ chức này - vì vậy cách tốt nhất là tự họ lập ra một tổ chức."

Do đó, không chắc chắn tí nào rằng TQ sẽ sẵn sàng chấp nhận một vai trò lớn hơn trong một trật tự khu vực mà họ có ý định lật đổ. Nhưng ngay cả khi TQ đồng ý với vai trò này, thật khó mà tưởng tượng họ sẽ coi trọng vị trí mới của mình hơn coi trọng việc bảo đảm lợi ích cốt lõi của họ ở biển Hoa Đông và Hoa Nam (biển Đông). Nhiều khả năng, TQ sẽ sử dụng ảnh hưởng lớn trong các tổ chức này để ngăn chặn các nước khác sử dụng chúng để cản trở những mục tiêu lớn hơn của TQ.

Có những vấn đề khác ít trung tâm hơn một tí nhưng vẫn vô cùng quan trọng trong lập luận của Zimmerman. Ví dụ, Zimmerman đoan chắc rằng TQ đang buộc phải hành động khiêu khích khi bị chỉ trích từ bên ngoài bởi vì TQ có một công chúng dân tộc chủ nghĩa. Tuy nhiên, chính chính phủ TQ đã dành nhiều năm chăm chút chủ nghĩa dân tộc này để hợp pháp hoá việc tiếp tục nắm quyền của mình. Do đó, về cốt lõi Zimmerman đòi hỏi các nước khác chấp nhận những hành động khiêu khích của TQ để thúc đẩy điều tốt to lớn hơn của việc duy trì sự cai trị độc đảng ở TQ.

Không rõ lý do tại sao TQ cần phải được cho địa vị đặc biệt như vậy. Xét cho cùng, ĐCSTQ khó là chính phủ duy nhất trong khu vực phải đối mặt với tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong nước. Đảng Cộng sản Việt Nam phải đối mặt với áp lực tương tự và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đan xen cao độ với bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lấn của TQ. Vì vậy, sao TQ không cho phép Việt Nam lấy lại các đảo mà Bắc Kinh cướp lấy của họ trong thập niên 1970 để giúp cho Đảng Cộng sản Việt Nam được dân họ yêu thích?

ĐCSTQ cũng chẳng tạo điều kiện dù chỉ một tí để giải toả những sức ép dân tộc chủ nghĩa mà các chính phủ khác phải đối mặt. TQ hầu như không kềm lại lời chỉ trích chính phủ Việt Nam khi cuộc biểu tình chống TQ nổ ra vào tháng trước. Đáng chú ý hơn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải đối mặt với áp lực dân tộc chủ nghĩa từ bên trong đảng của ông và các khu vực bầu cử cốt lõi của mình. Tuy nhiên, TQ dường như không hiểu biết chút nào khi Abe cố thỏa mãn những đối tượng này với chuyến thăm đền Yasukuni.

Và điều này dẫn đến nghịch lí trung tâm của mối quan ngại liên tục mà người ta nghe về việc làm thế nào mà những "lời lẽ chống TQ" trong khu vực lại buộc Bắc Kinh phải khiêu khích. Cụ thể là, TQ là kẻ vi phạm chính trong việc liên tục đưa ra các lời lẽ chống nước ngoài. Lấy ví dụ về Hoa Kì chẳng hạn. Tháng 4 năm 1997, Nga và TQ đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng "Không quốc gia nào được tìm cách bá quyền, thực hành chính trị quyền lực hoặc độc quyền các vấn đề quốc tế."

Tháng 5 năm 1999, Tân Hoa Xã đăng một bài xã luận mang tên "Dân chủ toàn cầu -. Ngụy trang của bá quyền Hoa Kì". Không ngạc nhiên, bài báo nói rằng Hoa Kì đã tạo ra việc "dân chủ hóa toàn cầu" để "dựng lên một thế giới đơn cực và tăng cường quyền bá chủ của mình", tháng 12 năm 2011, TQ cáo buộc rằng vụ thảm sát công dân của Bashar al-Assad là một nỗ lực của Mĩ để duy trì quyền bá chủ đơn cực của mình ở vùng Trung Ðông. Khi Obama lập ra một lực lượng đặc nhiệm liên ngành để thực thi hiệp định thương mại tháng 3 năm 2012, TQ đã buộc tội Mĩ tìm kiếm quyền bá chủ thương mại thế giới. Khi các nhà lãnh đạo phương Tây quyết định không dự Thế vận hội Sochi vì luật chống người đồng tính của Nga, TQ cáo buộc họ là kiêu ngạo.

Tháng 3 năm nay, phương tiện truyền thông nhà nước TQ nói rằng Hoa Kì và phương Tây đã cùng dàn dựng "một cuộc cách mạng màu chống Nga" ở Ukraina và cũng đổ lỗi cho họ về vụ bạo loạn ở Crimea và Đông Ukraina. Sau đó, để phản ứng việc Nga sáp nhập Crimea, TQ nói rằng Hoa Kì đang cố khiêu khích Nga vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tháng trước, TQ đổ lỗi cho Hoa Kì vụ thảm sát hàng ngàn tù nhân chiến tranh của nhóm Hồi giáo Iraq và al-Sham (ISIS).

Dù hầu hết các tuyên bố này đều phi lí, và được đưa ra thường xuyên, không ai lại lập luận rằng TQ nên kiềm chế bớt lời lẽ chống Mĩ hay chống Nhật. Và chắc chắn không ai cho rằng những lời lẽ này như là giấy phép cấp cho Mỹ hoặc Nhật Bản quyền hành động quyết đoán trong khu vực.

No comments: