Thursday, August 22, 2013

Phản biện mục "Dư luận phê phán tác giả Lê HIếu Đằng" trên báo QĐND

Xin giới thiệu 2 bài phản biện ý kiến trên chuyên mục "Dư luận phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng" của báo QĐND: một bài  rất sắc bén của tác giả Trung Nghĩa với phong cách rất chuyên nghiệp như đã biết và một bài với phong cách có vẻ bình dân hơn nhưng lập luận cũng không kém phần bén nhọn của tác giả Đỗ Như Ly:

Báo Quân Đội Nhân Dân hãy thôi cái trò định hướng dư luận đi!
Posted by basamnews on August 21st, 2013
Trung Nghĩa

Hôm nay, lại một lần nữa tôi phải phì cười về cái phương pháp làm báo cũng như những lý luận của vài nhân vật được báo Quân đội nhân dân lấy ý kiến, được đăng tải trong bài “Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch” ra ngày 20/08/2013 [1].
Thực lòng, tôi cũng không nhiều thời gian để đọc báo, nhất là đọc báo QĐND. Tôi không phải nhà báo, không thường xuyên phản biện những vấn đề về kinh tế xã hội. Thế nhưng khi đọc bài báo trên, nó gợi cho tôi một chút băn khoăn về chuyên môn làm báo của ít nhất là 3 phóng viên  (Hoàng Thành, Song An và Yến Long) và của tổng biên tập tờ báo này.
Tôi xin lý giải cho băn khoăn của mình.
Thứ nhất:
Ngay từ trên cùng của bài phóng sự, trước cả đầu đề của bài viết  “Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch”là dòng chữ “Dư luận phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng ”.
Cũng giống như thế, cách đây 3 ngày, 18/08/2013, cách đưa tin như của tác giả Trọng Đức đã viết một tiêu đề định hướng trước cả bài viết “Làm thất bại chiến lược diễn biến hoà bình” dưới đó là tên bài viết “Đôi lời với tác giả Viết bên giường bịnh” [2]. Chẳng lẽ tờ báo QĐND lại có hẳn một chuyên mục“làm thất bại chiến lược diễn biến hoà bình” và cả chuyên mục “Dư luận phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng” hay sao?
Việc buông ra một lời nhận xét không được thiện cảm cho lắm thật không nên có, dư luận có phê phán hay không, độc giả sẽ tự cảm nhận sau khi đọc xong thông tin.
Dù có dễ dãi tới đâu đi nữa, những độc giả như tôi cũng hiểu rằng đây là một kiểu định hướng dư luận quá thô thiển. Có lẽ trang báo QĐND đã xem thường độc giả về trình độ nhận thức, khi họ có một thái độ khiếm nhã, không lịch sự của cơ quan báo chí truyền thông.
Điều đáng nói hơn là, trong bài ra ngày 18/08/2013, dù tác giả Trọng Đức đề cập tới bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”, Trọng Đức trích dẫn rất nhiều câu nói, những đánh giá ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng nhưng lại không hề đưa nguồn gốc bài báo đó ở đâu, do trang nào đưa tin.
Chẳng lẽ một đường link để dẫn nguồn gốc của bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” được đăng trên trang Bauxit Việt Nam [3] mà tác giả lẫn tổng biên tập đều “quên” hay sao? Nó chẳng những thể hiện chuyên môn non kém mà còn vi phạm luật báo chí về cách thức trích dẫn.
Thứ hai:
Khởi nguồn cho cả hai báo bài trên là bài viết của luật gia Lê Hiếu Đằng, đăng trên trang Bauxit Việt Nam, là một trang mạng xã hội do ba nhà trí thức tâm huyết mở ra, không có sự điều hành chi phối và rót kinh phí từ chính quyền Việt Nam.
Tờ QĐND hình như từ trước tới nay hay có động thái là, viết một bài gây tranh cãi nào đó, quẳng lên mạng rồi im lặng một cách khó hiểu khi có rất nhiều những ý kiến/bài viết phản hồi. Bài viết hôm 18/08/2013 cũng không là ngoại lệ.
Sau đó, cả ba phóng viên (Hoàng Thành, Song An và Yến Long) đi khảo sát lấy ý kiến của “dư luận”, họ lại quên khuấy cần lấy ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng để làm đối chứng. Cách thức làm báo non kém khi chỉ đưa thông tin một chiều, họ “khoanh vùng” dư luận rồi ghi lại ý kiến. Theo các phóng viên thì, “dư luận” gồm những ai? Tại sao họ không phỏng vấn những người đồng tình với ông Đằng hay những tên tuổi công khai ủng hộ ông Đằng cũng như những tác giả viết bài chỉ trích bài viết của họ đăng ngày 18/08/2013?
Hãy nhìn cách thức trang báo mạng chuyên nghiệp BBC làm việc mà làm theo họ. Khi muốn biết dư luận quan tâm ra sao tới vấn đề đa nguyên đa đảng, họ đã phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận, ông Gs Vũ Minh Giang…. trong đó cổ súy cũng có, phản đối không đồng tình cũng có; từ đó những cá nhân được phỏng vấn nói lên quan điểm của họ và xã hội sẽ đánh giá những lý luận họ đưa ra. Một cách thức để thuyết phục người đọc nữa là, họ phải ghi âm lại lời nói hoặc chí ít cũng chụp ảnh của người trả lời phỏng vấn,… để chứng tỏ rằng phóng viên không bịa đặt ra cuộc điều tra đó. Hãy nhìn toàn bộ bài viết mang một thông điệp “Dư luận phản đối tác giả Lê Hiếu Đằng” mà xem, không một đoạn ghi âm, không một hình ảnh nào, thậm chí có những cái tên hết sức mơ hồ, không kèm theo cả địa chỉ.
Giả sử toàn bộ bài phóng sự trên là sự thật, tôi xin phân tích từng ý kiến phát biểu để thấy rằng phóng viên không hề “vô tư” trong việc thu thập và lựa chọn “mẫu khảo sát”.
Đối với quan điểm của ông Thiếu tướng, TS Từ Ngọc Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Huệ.
Ông Lương bảo rằng ông Đằng “biết một mà chẳng biết hai, thấy cây mà không thấy rừng” khi ông Đằng cho rằng xu thế đa nguyên đa đảng tất yếu sẽ xảy ra.
Lý luận của ông Lương như sau: “Cũng đúng dịp này 68 năm về trước, cả dân tộc Việt Nam ai cũng khắc ghi, chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, tập hợp, dẫn dắt nhân dân ta vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á”.
Tôi cảm thấy xót xa đến chua chát khi tầm nhận thức của một ông tướng có học vị tiến sĩ mà lại phát biểu ngô nghê đến thế. Bất kỳ một đảng phái, một thể chế chính trị nào đó nó chỉ có vai trò trong một giai đoạn lịch sử nhất định, chỉ có tổ quốc, giang sơn mới là trường tồn vĩnh cửu mà thôi. Tổ quốc này, dân tộc  này đã trải qua 4 nghìn năm lịch sử, trước khi đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, dân tộc ta đã có hàng trăm triều đại phong kiến, lãnh đạo và dẫn dắt dân tộc ta bảo vệ lãnh thổ, phát triển nông nghiệp, giáo dục, giữ gìn bản sắc văn hóa ngàn đời của cha ông ta. Thử hỏi, nếu kể về công lao kháng chiến chống giặc thù thì Đảng CSVN đã có công bằng triều đình Ngô Quyền chống quân Nam Hán, đời nhà Lý chống quân Tống, đời nhà Trần ba lần chống quân Nguyên, đời nhà hậu Lê trường kỳ kháng chiến chống quân Minh hay gần đây nhất đời nhà Nguyễn, trải  qua 143 năm trị vì có 13 đời vua đã mở rộng bờ cõi gần gấp đôi diện tích?
Ông Lương tiếp tục lập luận “Tiếp đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống xâm lược để giành độc lập, tự do trọn vẹn, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất đồng cam cộng khổ với toàn dân, cùng “nếm mật nằm gai”, “vào sống ra chết” với nhân dân để giành được độc lập, tự do và cuộc sống yên bình cho nhân dân”.
Xin hỏi rằng nhân dân có thực sự độc lập, tự do; cuộc sống có thực sự bình yên từ khi đảng cộng sản lãnh đạo? Trong quãng thời gian 1954-1975 đảng có công hay có tội, lịch sử sẽ phán xét. Nhưng việc hàng trăm nghìn người bị hành quyết, bị giết hại vì khẩu hiệu “Trí phú điạ hào đào tận gốc trốc tận rễ”, hàng trăm nghìn người bỏ lại tất cả để chạy trốn Đảng, tạo nên một làn sóng tị nạn lớn nhất vào nửa cuối thế kỷ hai mươi của nhân loại, hàng nghìn người bỏ mạng ngoài biển khơi thì thưa ông Lương, ông có biết không?
Một kẻ giỏi cầm quân chưa chắc đã giỏi làm kinh tế. Con người đâu phải là thánh mà nhận cái gì mình cũng tài. Xin ông Lương hãy về tìm đọc lại thân thế lịch sử của ngài Thủ Tướng Churchill người Anh [4], được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh và lịch sử thế giới, thế nhưng khi phát triển kinh tế, ông tự nguyện lui gót về viết sách và sau này ông giành được giải thưởng Nobel văn học cao quý, vì biết rằng “ông chỉ giỏi chỉ huy quân đội, đánh trận chứ không phải là một thủ tướng tốt để vực dậy nền kinh tế của nước Anh”.
Nó buồn cười hơn nữa khi ông tướng Lương tuyên bố “Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Đảng vẫn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng, cùng nhân dân vượt qua bao khó khăn để ổn định và phát triển đất nước vững chắc, từng bước bảo đảm tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu vật chất, tinh thần ngày một cao của nhân dân”.
Hiện trạng hôm nay, đất nước tan nát, rừng đầu nguồn bị xẻ thịt, khai thác bô xít gây ô nhiễm nghiêm trọng, tài nguyên như dầu khí cạn kiệt, cuộc sống dân tình nghèo khổ lầm than, giáo dục xuống cấp, tệ nạn xã hội, trộm cắp giết người cướp của tăng cao, … và ngay chính nội bộ ĐCSVN tham nhũng chưa từng có không còn che đậy nổi, không còn tự “phòng chống” nổi, … bao nhiêu đó vẫn còn chưa đủ đau khổ, lạc hậu, nghèo đói  hay sao thưa ngài thiếu tướng tiến sĩ hiệu trưởng Từ Ngọc Lương?
Có lẽ, ông Lương này đang ở trên mây, lương một vị tướng chắc cũng nhấp nhỉnh một nghìn đô la/tháng, với bao nhiêu bổng lộc từ học vị tiến sĩ và chức vụ hiệu trưởng mà có, nên ông tưởng rằng nhân dân chúng tôi đều có cuộc sống như ông, có phải thế không?
Đối với ý kiến của ông Đào Văn Luật, nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 12 (quận 3, TP Hồ Chí Minh)
Tất cả ý kiến dài dòng của ông chỉ muốn bảo vệ quan điểm “Đâu phải cứ nhiều đảng là có dân chủ”.
Thưa ông Luật, theo ông hiểu thì dân chủ là gì? Tôi xin phép được nhắc lại .
“Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do”[5]. Khi gọi là bầu cử tự do thì ít nhất phải có từ hai đối tượng/đảng phái trở lên cho người dân được lựa chọn. Ông thích đảng cộng sản, ông cứ bầu cho họ, còn tôi, tôi không thích đảng cộng sản thì tôi chọn đảng khác, thậm chí tôi có quyền đứng ra thành lập một đảng phái nào đó ngoài tất cả những đảng đã tồn tại. Đằng này, ngay chính trong cái đảng của ông, bầu cử cũng chỉ là hình thức, vì lúc nào cũng “một mình một ngựa”; bao nhiêu đảng viên kỳ cựu cố đấu tranh để có “tranh cử” trong đảng, bao nhiêu năm qua mà có lay chuyển được đâu. 
Ví dụ như người Nhật vừa qua đã tổ chức thành lập đảng Xanh [6], đảng này chủ yếu hoật động nhằm kiểm soát các hoạt động liên quan tới môi trường, tới sức khoẻ người dân nhất là họ không lùi bước trong việc đấu tranh yêu cầu chính phủ ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân trên đất nước họ.
Đã độc đảng thì không thể nào có dân chủ hay nói một cách khác dân chủ thì phải đa đảng.
Câu trả lời trên cũng là phản hồi cho ông thạc sĩ Thạc sĩ Phạm Văn Thiết (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Đối với ý kiến của cô Đỗ Thị Kiều Phương, giảng viên Học viện Tài chính.
Cái vấn đề cô Phương đưa ra nhấn mạnh ở điểm “Không thể có tự do tuyệt đối”. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì đây là một phát biểu đúng. Thế nhưng tôi cảm thấy xem thường và một chút tiếc nuối cho một vị là giảng viên đại học lại có một kiểu suy diễn hồ đồ, thậm chí yếu kém về mặt pháp luật ở mức phổ quát như thế.
Cả một bài phát biểu của cô Phương không hề nhắc tới việc cô ta phản biện cho ai, về vấn đề gì. Có lẽ cô Phuơng này chưa hề đọc bài của ông Đằng, giờ cô được phóng viên báo QĐND nhét chữ vào mồm. Bây giờ hãy tạm xem như cô Phương đang phản biện cho ông Đằng.
Hãy xem cô ta lý luận đây: “Không ai có thể biện minh cho quyền tự do của mình khi dùng quyền ấy để ảnh hưởng tới quyền tự do của người khác. Nói cách khác, đòi hỏi quyền tự do tuyệt đối, nghĩa là sẽ có sự xâm phạm tới quyền tự do của người khác. Nếu ai cũng đòi quyền tự do ngôn luận theo kiểu thích nói gì thì nói, dẫn tới được “tự do” xúc phạm nhân phẩm người khác, “tự do” phao tin đồn nhảm, làm mất ổn định kinh tế, xã hội, thì hậu quả khôn lường.”
Lạ chưa? Con người chỉ thực sự có tính chất “người” khi họ sống trọong xã hội/cộng đồng, nếu không sống trong xã hội, họ hoàn toàn có bản năng như một con vật. Vì thế tất cả mọi người đều phải sống và làm việc theo luật pháp và chịu chịu sự kiểm soát của luật pháp. Ông Đằng và những ai ủng hộ ông chỉ đòi những cái quyền theo luật pháp của VN, của liên hiệp quốc mà Việt Nam là một thành viên, không có ai đòi cái “tự do tuyệt đối” như cô ta đề cập. Việc chúng ta có tự do nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng tới tự do của người khác, nó cũng giống như việc, chúng ta có quyền ăn nhưng chỉ là thức ăn thuộc sở hữu của chúng ta, còn ăn thức ăn của người khác phải được sự cho phép. Việc xâm phạm tới quyền hạn và lợi ích của người khác sẽ bị truy tố, xét xử tùy mức độ phạm tội.
Một người đi làm thầy thiên hạ mà lại lẫn lộn giữa quyền tự do cá nhân với việc “tự do xúc phạm nhân phẩm người khác” và gọi đó là tự do tuyệt đối, nó chỉ có ở hành xử ở loài vật, (cũng đồng nghĩa với những người không sống trong cộng đồng xã hội hoặc là những kẻ bất thường) có lẽ chỉ có luật rừng mới có kiểu tự do trên.
Đối với ý kiến của một người tự xưng là đảng viên trẻ Trần Ngọc Tiến, sinh viên Trường Đại học KHXH và NV TP Hồ Chí Minh.
Nếu thông tin trên là sự thật, cô/cậu sinh viên này chưa đáng tuổi con của ông Đằng và cũng có chừng 2-3 năm là đảng viên mà thôi. So về tuổi đời, tuổi đảng, sinh viên Trần Ngọc Tiến làm sao hiểu đảng cộng sản hơn một đảng viên kỳ cựu, liệt vào hàng “vị quốc công thần” khi chính ông Đằng là những người có công lót những viên gạch đầu tiên cho thể chế chính trị này!
Dân tộc ta có câu, “kính lão đắc thọ” và còn có câu rất hay nữa, nó được dùng làm bằng chứng trong những vụ án thời phong kiến khi hướng điều tra bị bế tắc đó là “người sắp chết thường nói thật”.
Hãy bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ trên tinh thần công tâm, khách quan, hãy uốn lưỡi nhiều lần trước khi nhận xét ông Đằng là phát ngôn của ông “Phát ngôn mang tính kích động” Ngọc Tiến nhé. Đời của cô/cậu còn dài, còn nhiều cơ hội trải nghiệm.
Chỉ cần hiểu một điều đơn giản rằng, nếu đảng thật sự tốt đẹp thì đâu sợ bị cạnh tranh, cứ để cho dân lựa chọn xem sao, vì “đảng là đạo đức là văn minh”, “của dân do dân vì dân” cơ mà! Sao lại cứ phải cuống cà kê lên thế nhỉ? Hay là  quên câu ngạn ngữ răn dạy: “Có gan ăn cắp, có gan chịu đòn”
T.N.
Tài liệu tham khảo
===========================================================

 THỜI NÀO, CHUẨN NÀO

Posted by basamnews on August 22nd, 2013
Đỗ Như Ly

Đọc bài số 1975 Kiến nghị lỗi thời,nhận thức sai lệch của báo Quân đội nhân dân trên basam.info ngày 21/8/2013, mấy ngón tay tôi muốn gõ trên bàn phím ngay, nên phải vào cuộc . Tại sao thế?
 Trước tiên, đây là bài của các phóng viên  ghi chép lại ý kiến của năm người mà theo tôi đều có thể cho là có quan hệ với mình.
Thứ nhất là vị Thiếu tướng, mà thời nay, nếu không ghi đủ chức vụ là: “Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Huệ” thì chưa chắc ai đã biết đến, do bây giờ thiếu tướng nhiều quá không như 53 năm trước ở Quân khu Tây bắc chỉ duy nhất có một Thiếu tướng Bằng Giang của chúng tôi mà lúc đó tôi kính trọng vì tôi là một “chiến sĩ không mang quân hàm”. Thứ hai là một “bạn hưu trí, cùng thành phố cư ngụ”. Thứ ba là một Thạc sĩ “đồng hương” với quê cha đất Tổ của tôi xứ Kinh Bắc. Thứ tư là một người “cùng họ Đỗ” và thứ năm là một đảng viên trẻ có những suy nghĩ như tôi cách đây 40,50 năm về trước. Với “quan hệ phúc tạp” giằng chéo, ngổn ngang như vậy, tôi phải cố gắng để “cái tình” ra một góc. Và bây giờ xin có ý kiến với 5 vị (mà chắc Báo Quân Đội Nhân Dân hẳn cho các ý kiến đó là là đại diện cho “mọi tầng lớp,đa số nhân dân trên cảnước “).
Điều thứ nhất tôi thấy tiếc cho các ý kiến của 5 vị, là hình như các vị không theo dõi tình hình chính trị diễn biến như thế nào trong nước, trên thế giới 15, 20 năm qua và đọc được nhiều hơn những gì quý vị đã đọc, đã học, đã dạy mà gần nhất là bài số 1971 : “Suy nghĩ của người ngoài Đảng về đa nguyên đa đảng ở Việt Nam ” của Lê Phú Khải trên  basam.info này.
Tôi cứ nghĩ, nếu đã đọc bài của Lê Phú Khải thôi, chứ chưa cần đọc nhiều hơn như những ý kiến của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường hồi 1955-1956 và cuộc đời của Nguyễn Hữu Đang, Kim Ngọc và sau này là Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Trung tướng Trần Độ, Đặng Quốc Bảo, Phan Đình Diệu, Hà sĩ Phu và còn quá nhiều những người khác mà tôi không thể kể ra hết được thì 5 vị chưa chắc đã phát biểu 100% như thế. Xin các vị hãy đọc bài đó, đọc những ý kiến của những người dám phát hiện ra những lỗi của Đảng, Nhà nước ta mà cách đây mấy năm ông Nguyễn Văn An (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị ) đã chỉ ra như thế nào chắc các vị cũng đã biết, rồi xem có cần bổ xung, sửa chữa về điểm nào phóng viên ghi chép không.
Điều thứ hai: tôi hoàn toàn nhất trí với một ý kiến của Thiếu tướng – người có cùng hàm với Thiếu tường Bằng Giang kính yêu của tôi, nhưng sự kính yêu thì còn phải xem xét đã, là  ”68 năm về trước cả dân tộc Việt Nam ai cũng khắc ghi chính Đảng CSVN đã lãnh đạo, tập hợp dẫn dắt nhân dân ta vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền lập ra nước VNDCCH”.
Nhưng thưa Thiếu Tướng (TT), tôi dám cá với ông là trong số “nhân dân vùng lên” thì 99% không hề biết Cộng Sản là gì. Họ “vùng lên” vì Đảng CSVN (lúc đó còn khoác áo Đảng Lao Động VN), biết lợi dụng tinh thần yêu nước của nhân dân vào mục tiêu của mình, ĐCSVN đã nắm được khát khao cháy bỏng của nhân dân, đi đầu là tầng lớp trí thức về Độc lập, Tự do của đất nước. Nhân dân quá ngột ngạt, chịu không nổi với sự thống trị của thực dân Pháp và sự quy phục đớn hèn của  vua quan nhà Nguyễn. Họ ‘vùng lên vì yêu nước, vì dân tộc hơn là Cộng sản. Đấy là điều chắc chắn! “Dân tộc khắc ghi chính Đảng CSVN lãnh đạo tập hợp“; nhưng Nhân dân cũng muốn Đảng CSVN phải cảm ơn Nhân dân đã ủng hộ, đi theo mình bằng cả một quá trình lâu dài tiếp theo.
Tôi cũng “OK” với quý vị “cùng hưu trí cùng thành phố cư ngụ” với tôi, đó là:”Kiến nghị đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đối với thể chế chính trị của nước ta không phải Ông (LHĐ) là người đầu tiên”. Manh nha kiến nghị này có lẽ từ 1960 khi đại hội Đảng CS Liên Xô lần thứ 20 và ở VN Ông Hoàng Minh Chính cùng vài người đề xuất đầu tiên, chứ không phải ông LHĐ nay mới đề xuất. Hoàn toàn tôi đồng ý với ông! Nhưng có điều những tư tưởng đó và nhất là những người dám nói ra đã “được” Đảng CSVN đối xử ra sao chắc hẳn 5 vị đều biết chứ? Thế thì nay ông LHĐ chưa bị khai trừ Đảng, hay “được” mời đi làm việc là điều khá tiến bộ sau 60 năm, làm ông không thỏa mãn chăng?
Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ông: “..không phải là bắt chước, sao chép mô hình nước khác” OK! Đúng quá! Đảng CSVN “là đỉnh cao trí tuệ” lẽ nào lại “bắt chước” như con vẹt, con đười ươi ông nhỉ ? Chỉ có điều là hiện nay ra sao?Ông có thấy  nước mình học mọi thứ ở các nước “giãy chết”, nào từ Luật lệ làm ăn, buôn bán, kinh doanh… cho đến cả những chương trình vui chơi thậm chí cả cách ái ân giữa vợ chồng không? Đấy là rất, rất nhiều “đồng chí” của ông, bằng nhiều cách đua nhau cho con cháu du học ở các nước mà các vị gọi là tư bản? Tại sao thế nhỉ? Sao không cho đi du học ở Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên, hay Cộng hòa nhân dân Lào là những nước đỏ chót CS? Đúng quá! ai lại đi ” sao chép mô hình nước khác” mà “Đảng ta” phải tiên phong trong cuộc “mò mẫm” về chủ nghĩa xã hội để xứng đáng là  nước đi đầu trên quả đất này chứ nhỉ ? Ôi ! nhưng mà “mò mẫm” đến khi nào đây, khi cứ đi tìm cái mà không thể có ông ơi ?! Đấy, những điều OK được cùng các vị, chắc chỉ có thế, còn toàn bộ là thắc mắc và không cùng ý nghĩ như các vị. Đấy là điều thứ ba sẽ viết ra dưới đây.
Ông TT lấy dẫn chứng là số người dân tham gia góp ý cho sửa đổi Hiến Pháp 1992 để chứng minh cho “đông đảo nhân dân hiểu rằng sự lãnh đạo duy nhất của Đảng CSVN là lựa chon đúng đắn, là ước vọng của đại bộ phận nhân dân”, ‘các ý kiến tán thành về điều 4 của Dự thảo về vai trò lãnh đạo của ĐCSVN là bằng chứng sinh động khẳng định nhân dân VN không cần đa nguyên đa đảng”. Thưa TT, tôi đã viết bài Tôi tham gia Góp ý sủa đổi HP, trong đó nói rõ: tờ Góp ý họ in sẵn là “đồng ý“, tôi đã phải ghi đậm chữ KHÔNG trước 2 từ đó và nếu TT gần dân hơn, ông sẽ nghe thấy người ta bảo nhau “thôi, ký cho xong đi, đỡ bị rầy rà sau này”, thì liệu con số hai mươi mấy triệu đồng ý có đáng tin cậy không  thưa TT? Khi tin vào một điều không chắc chắn do trinh sát báo cáo, liệu TT có dám quyết mở trận đánh không nhỉ, thưa TT? Tại sao Đảng không cho Kiến nghi 72 công khai và tranh luận nữa hả TT?
Nào là “Đảng đang hoàn thiện nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa“,  tôi không hiểu thời hạn “hoàn thiện” bao lâu, dân tôi sống gần hết thế hệ rồi! Và giải thích cho dân chúng tôi “nền dân chủ XHCN” là thế nào? Lẽ nào đó là dân kêu oan, khiếu nại, tố cáo, kiện rầm trời đã diễn ra, lẽ nào “xử công khai” như các vụ xử những người có ý kiến khác đảng, nhà nước đã diễn ra; lẽ nào bịt miệng bị cáo ở giữa tòa; lẽ nào như nghị định 97 và 72/2013 của Chính phủ; lẽ nào hiện tượng bắt người hiện nay tùy ý của ngành Công an, lẽ nào, lẽ nào… là nền dân chủ XHCN chăng thưa “ông bạn cùng hưu và cư ngụ cùng thành phố” ?????.
Còn anh bạn “đồng hương Kinh Bắc” hãy giải thích cho dân vỉa hè chúng tôi “Tuy nhiênthực tế cho thấy chỉ có các đảng lớn, có thế lực mới có khả năng chiến thắng”. Vậy Đảng CSVN hiện nay “có lớn”, “có thế lực” không? Chắc chắn  là có rồi, có thì tại sao ĐCSVN không cho các đảng khác thành lập công khai và hoạt động? Có ,theo lập luận trên thì chắc chắn là “chiến thắng”, thế thì vì sao cứ phải ngăn, cấm việc thành lập các đảng không Cộng sản? Trong khi lập đảng là để thể hiện ý nguyện của dân, là cơ hội để những  người không yêu, không thích Cộng sản có tiếng nói của họ, là phép thử lòng dân với ĐCS hiện nay. Điều đó chẳng nói lên là ĐCSVN chỉ muốn”một mình một chợ”, sợ bị cạnh tranh sòng phẳng  không, thưa quý vị ?
Lại còn “ở một số nước, các đảng tranh giành quyền lực, dẫn đến tình hình đất nước rối ren, mất ổn định, không thể tập trung phát triển kinh tế, đời sống người dân khổ cực”. Đây là sự sợ hãi vào hàng đầu của ĐCSVN, của những người như “ông bạn hưu, cùng t/p cư ngụ” Ông không thấy các nước Đông Âu (ngoại trừ Rumani) họ chuyển thể chế chính trị ra sao à? Ngay ở cái nước “tổ của Phát xít” họ có cần cho sĩ quan của Đông Đức đi “học tập cải tạo” không? Ông có biết bà Thủ tướng nước Đức hiện nay thời thanh niên sống ở đâu, có tham gia đoàn thể nào không? Tất cả các nước đó hiện nay kinh tế có phát triển không, lòng dân có yên bình không? Ông bạn”cùng hưu..” tìm hiểu thêm nhé!
Các vị lại sợ như tình hình áo đỏ áo vàng ở Thái Lan chứ gì? Nhưng nay đất nước họ ra sao? Dân họ đi biểu tình để thể hiện nguyện vọng có được đáp ứng không, thưa ông? Nhất là đến nay đất nước Thái thì thế nào nhỉ? Việc diễn ra êm đẹp như các nước Đông Âu ngay cả Nga hay rối rắm như ở bắc Phi là do “người cầm trịch”. Đảng CSVN hiện nay, có toàn quyền trong tay mà không điều khiển được sự biến chuyển một cách êm dẹp thì thử hỏi bản lĩnh, mưu lược, dũng cảm, tuệ ở chỗ nào hả quý vị??? 
Đến đây lại phải thưa với ông TT là tình hình ĐCSVN hiện nay khác rất, rất nhiều với Đảng Lao Động hồi 1945 rồi, lẽ nào TT cũng không nhận ra? Đơn giản là nếu không khác thì tại sao phải có Nghị quyết Trung Ương 4 nhỉ, thưa TT? Và rồi, hãy nhìn lên phía tây bắc VN xem My-an-ma họ xử lý ra sao, lẽ nào đây không phải là tấm gương lớn cho ĐCSVN? Lẽ nào ĐCSVN chỉ học “các nước cùng hệ tư tưởng” để chứng minh là tuyệt đối trung thành, “vững vàng tư tưởng, lập trường kiên định” hả các vị ?? Mà kiên định cái gì? Nếu là cái XHCN, hãy xem cái thuyết “mèo trắng, mèo đen” ở nước “bạn 16 chữ vàng” thì sẽ rõ, kẻo không lại bảo chúng tôi “thoái hóa”!
Còn cô “cùng họ”, khổ lắm nói mãi, cô nhai mãi như nhai bã trầu: “không thể có tự do tuyệt đối”. Điều này xưa như trái đất với phó thường dân chúng tôi rồi. Mặt khác ông LHĐ có đòi “tự do tuyệt đối” đâu mà cô “cùng họ” lại vu oan cho ông già chắc đáng tuổi cha chú cô. Buồn cho họ Đỗ có người vu oan cho người khác như vậy!
Cuối cùng anh bạn “đảng viên sinh viên”, tôi sẽ cố gắng sống, chờ đến ngày anh khẳng định là “mình vào Đảng là lựa chọn đúng đắn”, có điều bạn nên tìm hiểu câu nói của một người CS gạo cội ở Nga hay Đông Âu: “Khi  20 tuổi không là đảng viên ĐCS thì không có trái tim, nhưng 40 còn là đảng viên ĐCS thì không có cái đầu” khi tầm soát lại cuộc đời đi theo đảng CS của mình. Đấy là trong hoàn cảnh của ông ta, còn nay thế kỷ thông tin không làm bạn hiểu biết nhiều hơn những gì học trong nhà trường ư? Quá dài rồi! Và Điều cuối cùng:
Vậy thì sự “lỗi thời, sai lệch” là thời nào, là căn cứ vào chuẩn nào đây, thưa quý vị, thưa các người đặt đề bài ???
Quý vị đừng công thần nữa,”ăn mày dĩ vãng” là quá nghèo nàn về mọi mặt. Hãy tìm hiểu, “mở mắt” như ông LHĐ ước muốn, đừng như con bò, con vẹt mãi chán lắm rồi, quá mệt mỏi rồi ! Tất cả vì “con người” (như LHĐ viết -tức là vì nhân dân, dân tộc), nếu chỉ “còn Đảng, còn mình” thì đấy mới là tự sát.!!
Đỗ Như Ly 

No comments: