Lại VNDCCH hay CHDCVN
Theo tôi đây là một vấn đề ngôn ngữ không quá phức tạp nhưng thói quen sử dụng đã gây ra nhiều ngộ nhận. Chính vì vậy mà có nhiều ý kiến khác biệt và theo quan sát của tôi có vẻ ý kiến nghiêng về CHDCVN hơi nhỉn hơn. Tôi đã trình bày cách lí giải của mình về điều này và trong bài này tôi xin được nói rõ hơn tí nữa về cách nghĩ của mình.
Có lẽ ai cũng thấy rằng việc đặt/gọi tên riêng là khá đơn giản, hầu như không có vấn đề tạo ra tranh cãi. Và có lẽ mọi người đều đồng ý rằng cái cốt yếu của tên gọi là giúp ta phân biệt/nhận diện cá thể (người, vật, cơ quan, tổ chức…) đang xét với các cá thể khác. Tuy nhiên tình hình có vẻ hơi rắc rối hơn khi chúng ta chuyển từ tên riêng lên tên gọi đầy đủ. Với tên gọi đầy đủ của một cá thể (người, vật, cơ quan, tổ chức…), ý tôi muốn nói tới tên gọi của cá thể đó có kèm theo các chức danh/danh hiệu/ thuộc tính…
Ví dụ:
- Lí Thường Kiệt là tên riêng (của người, đơn vị, trưòng học…) có thể có tên gọi đầy đủ là Thái uý Lí Thường Kiệt, Phụ quốc Thượng tướng quân Lí Thường Kiệt, Tiểu đoàn Thiết giáp Lí Thường Kiệt, trường THPT Lí Thường Kiệt…
- Hà Nội là tên riêng (của một vùng địa lí, cơ quan…) có thể có tên đầy đủ là Thủ đô Hà Nôi, Bưu Điện Hà Nôi, Sở Giáo dục Hà Nôi…
Từ mấy ví dụ về tên gọi mà có lẽ mọi người đều chấp nhận nêu trên, có thể thấy tên đầy đủ của cá thể gồm hai phần: phần danh từ chỉ ‘loại’ của cá thể đó (trong tên đầy đủ trường PTTH Lí Thường Kiệt thì phần này là trường) có thể có kèm theo các từ mô tả thêm về ‘loại’ của cá thể này (trong ví dụ vừa nêu là TH và PT) và phần tên riêng. Xin nói thêm, tên riêng có lẽ là thành phần quan trọng nhất vì nó giúp phân biệt cá thể này với cá thể khác, nhất là với các cá thể cùng loại. Trong một ngữ cảnh nói về các trường THPT, người ta hoàn toàn có thể bỏ phần bổ nghĩa (PT, TH) chỉ nói trường Lí Thường Kiệt, hoặc thậm chí bỏ luôn danh từ chỉ ‘loại’ (trường) và chỉ cần nói Lí Thường Kiệt là người nghe biết ngay ta muốn nói đến điều gì. Và lưu ý rằng tên riêng bao giờ cũng đứng ở vị trí cuối cùng theo như một nhận xét tôi đã nêu trong bài post (trong tiếng Việt nếu một đối tượng có nhiều thuộc tính thì trật tự diễn đạt thường là đi từ thuộc tính tổng quát dần tới thuộc tính cụ thể) vì rõ ràng nó là thuộc tính cụ thể nhất trong các thuộc tính khác của cá thể đang được nói tới. Hơn nữa, trong tiếng Việt có một quy tắc là các từ ngữ nối tiếp nhau theo một trật tự mà mỗi từ đi sau làm rõ ý nghĩa của từ đi trước hay của một trong những từ đi trước. Trong ví dụ này ta có thể lần lượt đặt các câu hỏi: trường [cấp] nào?(- trung học) Trường trung học [loại] gì? (- phổ thông) Trường trung học phổ thông nào? (-Lí Thường Kiệt). Chuổi câu hỏi tới đây là dừng vì cá thể muốn nói đã hoàn toàn xác định, không thể hỏi thêm gì nữa (câu hỏi trường PTTH LTK nào/gì? là hoàn toàn vô nghĩa ví nó đã được xác định hoàn toàn qua các câu hỏi đứng trước).
Với tên riêng thì trật tự từ có thể theo ý người đặt tên (có thể không cần phải theo quy tắc ngữ pháp, chính tả, ví dụ thay vì chọn Lí Thường Kiệt tôi có thể chọn chẳng hạn Hĩu Ngỵ [đúng chính tả phải là Hữu Nghị]) nhưng thông thường ít ai làm như vậy. Cũng lưu ý rằng tên riêng do chúng ta chọn nên chúng ta có thể hoàn toàn lấy một thuộc tính chỉ loại của cá thể đang bàn để đưa vào tên riêng, chẳng hạn ta có thể có tên riêng của một trường là “Gia Long Phổ Thông” (‘phổ thông’ là một thuộc tính của trường) và có tên đầy đủ chẳng hạn là trường THPT Gia Long Phổ Thông. Tuy nhiên, chắc không ai đặt một cái tên riêng rối rắm như vậy, cùng lắm chỉ đặt ‘Gia Long A’, ‘Gia Long B’, ‘Gia Long Bắc’, Gia Long Thượng’ hay đại loại như thế mà thôi.
Bây giờ trở lại tên nước. Trước hết xét các ví dụ có lẽ không có tranh cãi sau:
- [Nước]* Cộng Hoà Pháp là tên đầy đủ với tên riêng là Pháp
- Liên bang Malaysia là tên đầy đủ với tên riêng là Malaysia
- Vương quốc Anh là tên đầy đủ với tên riêng là Anh
- Vương quốc Hồi giáo Brunei là tên đầy đủ với tên riêng là Brunei
- [Nước] Cộng Hoà Dân Chủ Đức là tên đầy đủ với tên riêng là Đức
- [Nước] Công Hoà Liên bang Nga là tên đầy đủ với tên riêng là Nga
- [Nước] Cộng hoà XHCN Dân chủ Sri Lanka là tên đầy đủ với tên riêng là Sri Lanka
- [Nước] Cộng hoà Dân Chủ Nhân dân Triều Tiên là tên đầy đủ với tên riêng là Triều Tiên
Rõ ràng cách cấu tạo của tên đầy đủ các nước vừa nêu hoàn toàn theo đúng với cách cấu tạo của tên đầy đủ nói chung đã trình bày trên. Phần danh từ chỉ loại ([nước] Cộng hoà/Vương quốc/Liên bang) kẻm theo một thuộc tính (Liên bang/Dân chủ/Hồi giáo/XHCN) hoặc hai thuộc tính (XHCN, Dân chủ/Dân chủ, Nhân dân) đi trước và tên riêng (Anh, Pháp, Nga, ...) nằm cuối cùng.
Về trường hợp cụ thể tên nước từ 1945 là [nước] VNDCCH. Chúng ta có 2 cách nhìn:
- Tên gọi này là tên nước đầy đủ nhưng chịu ảnh hưởng ngữ pháp Tàu: tên đúng phải là [nước] CHDCVN (tôi đã nêu và đã bàn khá kĩ nên không nói thêm gì ở đây).
- Tên gọi này đúng theo ngữ pháp tiếng Việt: trong trường hợp này thì cả nhóm từ ‘VNDCCH’ phải là tên riêng của nước và phần chỉ loại chỉ là ‘nước’ không kèm theo bất cứ thuộc tính gì khác. Và khi đó nếu dịch sang tiếng Hoa thành “VNDCCH” quốc ”越南民主共和”国 với VNDCCH để trong ngoặc kép vì nếu không sẽ được hiểu thành nước CHDCVN (theo ngữ pháp của họ) và khi dịch ngược lại cũng thành nước CHDCVN (theo ngữ pháp tiếng Việt). Nhưng tôi e rằng đây không phải là cách nghĩ của những người đề xuất tên này và thực tế việc diễn giải của mọi người từ lãnh đạo cho tới các trí thức về tên này. Có lẽ tất cả đều cho rằng tên này thể hiện rằng nước VN lúc đó là một nước theo thể chế Cộng hoà, Dân chủ (tức là tên đầy đủ đúng phải là nước CHDC VN – khoảng trống giữa CHDC và VN là cố ý).** Trong quan hệ với nước ngoài kể cả trong các văn bản kí kết với họ, chính phủ VN cũng dịch và chẳng bao giờ phản đối nước khác dịch tên nước theo ý nghĩa này, chẳng hạn tiếng Anh là Democratic Republic of Vietnam, tiếng Pháp République démocratique du Vietnam mà khi chuyển lại tiếng Việt theo đúng ngữ pháp đều là nước CHDCVN. Với phân tích như trên, một lần nữa tôi e rằng quan điểm nghiêng về VNDCCH tỏ ra không có sơ sở.
Hi vọng các ý kiến này làm vấn đề đang bàn sáng tỏ hơn một ti .
=====================
* Trong tiếng
Anh từ Republic (n) có nghĩa là nước/nền cộng hoà. Cộng hoà trong TV vốn
là một tính từ nhưng hiện nay hình như đang có khuynh hướng dùng nó như một
danh từ (giống như lái xe vốn là ngữ
động từ nhưng nay có xu hướng dùng làm danh từ với nghĩa ‘tài xế’). Vì thế trong
các ví dụ có nước cộng hoà, từ nước được đặt trong ngoặc vuông [].
** Trường
hợp cho rằng nước VN lúc đó theo thể chế CH, DC và có tên riêng là ‘VNDCCH’ thì
theo như trình bày trên, tên đầy đủ phải là nước
CHDC VNDCCH, tương tự như cái tên vụng về trường THPT Gia Long Phổ Thông mà tôi đã
ví dụ bên trên
No comments:
Post a Comment