Saturday, July 9, 2022

Lạm bàn về 2 từ "khai màn' và 'cưỡng hôn'

 Vì sao không chấp nhận các từ kiểu như 'khai màn' hay 'cưỡng hôn' ?



Thực tế cho thấy sắc dân nào cũng có sống cộng cư và giao lưu với các sắc dân khác. Theo đó hôn nhân dị chủng, dù không phổ biến vẫn tất yếu xảy ra. Và trong điều kiện đó ngôn ngữ cũng vậy, do nhu cầu  giao tiếp thuận lợi cũng có ít nhiều pha trộn nhất định, nhất là ngôn ngữ của sắc dân thiểu số hay các cộng đồng di dân. Dù không được khuyến khích và có thể có ngăn cản/cấm đoán từ gia đình, nhưng hôn nhân dị chủng vẫn là một tồn tại thực tế, nhất là những trường hợp lấy nhau vì tình thì không có điều gì cấm cản được. Ngôn ngữ lai tạp cũng vậy vẫn tồn tại trên thực tế.  Như vậy, điều có tính quy luật là bất cứ ngôn ngữ nào cũng có hiện tượng pha tạp chớ ko phải ngược lại. Tuy nhiên, do số trường hợp pha tạp ở cấp độ từ hiển nhiên là khá nhỏ bé so với trường hợp đồng chủng nên tồn tại một ngộ nhận rằng trong tiếng Việt (TV)  từ kép phải được tạo thành từ các từ đơn ‘đồng chủng’.


Để ý thêm rằng trên thực tế, giống các trường hợp hôn nhân dị chủng thường bị tâm lí chung của XH dị ứng, ngôn ngữ pha tạp cũng thường bị số đông không hoan nghênh như thấy trong câu tục ngữ 'chửi cha không bằng pha tiếng'. Dĩ nhiên,đối các trường hợp pha tạp ở cấp độ câu trở lên, đặc biệt giữa từ Hán Việt (HV) và từ ‘thuần Việt’ (tV) thì không có vấn đề gì, giống như việc người Việt gốc Hoa sống lẫn với người Việt trong khắp hang cùng ngõ hẻm đã trở thành bình thường, gần như không còn có việc kì thị.  Còn pha trộn với các từ thuần ngoại khác nói chung vẫn được chấp nhận trong văn nói [hoặc thậm chí cũng được châm chước trong văn viết loại không trang trọng] vì lí do thực dụng, đặc biệt là trong cộng đồng di dân. Tuy nhiên, pha tạp ở cấp độ từ thì thường bị xét nét, săm soi, đặc biệt là đối với các trường hợp mới. Còn các trường hợp cũ ổn thoả thì được xem như bình thường, giống như người ta đối xử bình thường hay gần như bình thường với các cặp vợ chồng dị chủng đã có.


Chẳng hạn, khi nói / viết mấy ai để ý, khó chịu và loại bỏ không dùng các từ có cấu tạo 'dị chủng' đã có từ lâu như: thầy giáo, học trò, giảng dạy, khai mỏ, quân lính, quân giặc... (từ HV + từ tV hay ngược lại), ghe bầu, mình ên... (từ tV + từ gốc Khmer) , xe buýt (từ tV + từ gốc Pháp), vi phim (từ HV + từ gốc Pháp), phí Euclid (từ HV + từ tiếng Anh)....


Tuy nhiên, đối với các trường hợp mới hay tương đối mới thì thường có ý kiến phản đối, ví dụ như vi sóng, siêu xe, siêu sao¹... Các từ này bị phản đối vì cấu tạo 'dị chủng' (từ HV + từ tV) và có thể còn vì cấu trúc 'phụ trước - chính sau' (ngược với cấu trúc quen thuộc 'chính trước - phụ sau' trong tiếng Việt) nữa. Tuy nhiên như đã phân tích, cấu tạo 'dị chủng' không hề bị cấm đoán trong TV như có thể thấy qua ví dụ vừa nêu, còn cấu trúc 'phụ trước - chính sau' cũng đã có trong từ vựng tiếng Việt, ít ra trong từ 'học trò' vừa nêu và một số từ khác. Ngoài ra, các từ HV vi, siêu,... cũng thông dụng, nên các từ mới nói trên dễ hiểu và cũng không quá thô kệch so với các từ có cấu tạo 'đồng chủng' nhưng hơi khó hiểu đối với đại chúng là vi ba, siêu sa, siêu [minh] tinh²... đã có lúc dùng hay được đề nghị dùng. Có lẽ vì thế mà các từ nói trên hiện nay có vẻ đã được chấp nhận rộng rãi.


Cũng để ý thêm rằng bên cạnh xu hướng đối xử bình thường với các từ 'dị chủng'  cũ cũng có các trường hợp từ 'dị chủng' mới được đối xử gần như ngang bằng với từ đồng chủng, thậm chí được chuộng hơn. Chẳng hạn, bên cạnh các từ HV cực đại, cực tiểu… dùng như thuật ngữ Toán, còn các từ cực lớn, cực nhỏ... được dùng theo nghĩa rất lớn, rất nhỏ trong các trường hợp khác. Còn các từ HV như cực ngắn, siêu mỏng, siêu dày… có lẽ được chuộng hơn cực đoản, siêu bạc, siêu hậu… vì từ TV đoản thường được hiểu theo nghĩa bóng chỉ một nét yếu kém trong nhân cách,còn  hai từ HV bạc, hậu thường được hiểu theo nghĩa khác hơn là nghĩa là mỏng, dày vốn hiếm khi  gặp trong thực tế sử dụng TV, và do đó không truyền tải được nghĩa muốn nói.


Bây giờ đi vào từ ‘khai màn’³. Từ này có cấu tạo pha tạp gồm từ HV + từ tV và cấu tạo này vẫn tồn tại trong TV không có vấn đề như đã phân tích ở trên. Nghĩa của hai từ đều thông dụng và nghĩa kết hợp của hai từ là có thể đoán được. Tuy nhiên, trong TV đã có hai từ HV  ‘khai mạc’ (khai = mở, mạc = màn), và từ tV ‘mở màn’ chỉ cùng khái niệm, khá thanh lịch và không có vấn đề gì trong sử dụng. Từ ‘khai mạc’ được dùng theo nghĩa [tượng trưng] cho việc mở đầu một sự kiện dù sự kiện đó có treo màn hay không. Còn từ ‘mở màn’ có thể dùng thường cho sự kiện có treo màn. Do đó, không giống từ ‘mình ên’ dù đồng nghĩa với ‘một mình’ nhưng khi nói ra tạo được một sắc thái‘ đặc biệt riêng của vùng Nam bộ, còn từ mới ‘khai màn’ là thừa thãi, không cần thiết, giống như gắn thêm bánh xe thứ ba cho môt cổ xe ngựa, chỉ gây thêm vướng víu, không có lợi  ích gì cụ thể. Chính vì vậy mà có vẻ từ mới này không được hầu hết mọi người chấp nhận.


Từ mới ‘cưỡng hôn’⁴ với hôn theo nghĩa trong hôn hít cũng vậy, không có vấn đề về cấu trúc nhưng lại có vấn đề về ngữ nghĩa. Có vẻ vốn từ TV của tác giả không đủ phong phú nên không biết rằng trong TV đã có từ ghép HV ‘cưỡng hôn’ có nghĩa là ‘ép dựng vợ / gã chồng’. Đành rằng trong TV và cả trong các thứ tiếng khác vẫn tồn tại các từ đồng âm khác nghĩa, tuy nhiên khi tạo ra từ mới cần tra cứu để tránh hiện tượng đồng âm vốn có tiềm năng gây hiểu lầm trong diễn đạt. Có vẻ tác giả của từ ‘mới’ này muốn thu gọn cách diễn đạt nhưng lại vướng vào tình trạng từ đồng âm khiến người đọc hiểu nhầm, không đạt được mục đích truyền tải. Chính vì vậy, từ ‘mới’ này khó được mọi người chấp nhận.


Thực tế luôn phát triển luôn đòi hỏi ngôn ngữ phải có những cách diễn đạt mới hiệu quả hơn, có sắc thái hơn hay phải có những từ mới để chỉ những khái niệm mới nẩy sinh. Nguồn từ đơn để tạo ra từ mới có thể lấy từ bất kì nguồn nào, nhưng để được chấp nhận cần đảm bảo sự kết hợp hai từ hài hòa, dễ hiểu đối với đa số theo các nhận xét trên, đặc biệt cố gắng tránh lặp lại lỗi lầm trong hai trường hợp vừa nêu, tức là tránh tạo 'bánh xe thứ ba', né từ đồng âm. 


________

¹ Các từ tương ứng trong tiếng Anh là microwave, super car, super star cũng có cấu tạo ‘dị chủng’ với micro có gốc Hi Lap, super có gốc Latin, còn wave, car, star là từ 'thuần Anh'.

² Các từ HV ba (= sóng), xa (= xe), tinh (= sao)... ít thông dụng trong TV, hơn nữa từ tinh lại có từ đồng âm như trong yêu tinh nên cần thêm từ bổ nghĩa, như minh chẳng hạn, trở thành rườm rà.

³ Ban tổ chức Festival Huế 2022 sử dụng.

Phóng viên Infonet dùng trong bài báo 'Chủ tịch MTTQ xã bị đình chỉ công tác để làm rõ hành vi cưỡng hôn nữ sinh' ngày 4/7/2022.



No comments: