Sunday, March 13, 2022

Chế độ tân phong kiến ở Nga

 Chế độ phong kiến mới giải trình


Neo-Feudalism Explained (American Interest, March-April 2011)

Vladislav L. Inozemtsev



Nhiều chuyên gia phương Tây ngày nay phát hoạ Nga như là một quốc gia đang lùi theo đường xoắn ốc về chế độ độc tài, chậm rãi (hoặc không phải là quá chậm rãi) đi theo con đường của Liên Xô mà chế độ độc tài của nó sụp đổ dưới áp lực ngày càng tăng từ một xã hội dân sự đang nổi lên.  Ý kiến phổ biến quy sự quay vòng trở lại chế độ độc tài này cho bản chất của nhóm chính trị chủ chốt (elite) hiện tại của Nga.  Các thành viên của nhóm này (như lập luận của nhiều nhà phân tích phương Tây, kể cả Ian Bremmer) xuất thân một cách không tương xứng từ cái gọi là siloviye structury (cиловые структуры – cấu trúc quyền lực), đó là cơ quan thực thi pháp luật và các cục an ninh có nguồn gốc là các cơ quan mật vụ và quân đội từ thời Liên Xô.  Các giả định này kết hợp nhau cho ra cái đang cân bằng chỉ là một biểu hiện khá lạc quan về triển vọng trung tới dài hạn của Nga: Hoặc là xã hội dân sự Nga sẽ tỉnh dậy trở lại và cứu vãn ngày tàn, như nó được cho là đã làm trong các năm 1989-1991, hoặc nhóm chủ chốt hiện tại sẽ già đi và rời khỏi sân khấu. Dù theo hướng nào, thay đổi tích cực đang ló dạng ở chân trời.


Thật không may, tất cả các giả định này là sai. Nước Nga hiện tại không phải là một ứng viên để trở thành một Liên Xô phiên bản 2.0.  Nó là một quốc gia trong đó công dân có quyền truy cập không hạn chế thông tin, sỏ hữu tài sản riêng, tự do rời khỏi hay trở về nước, và phát triển doanh nghiệp tư nhân tất cả các loại. Tất nhiên, những hạn chế nghiêm trọng trong lĩnh vực chính trị vẫn được giữ nguyên, và đất nước này, như chính Tổng thống Dmitry Medvedev mới đây cho biết, "chỉ tới một mức độ nhất định, chứ chưa hoàn toàn" đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ.


Rõ ràng, điều sắp xếp này − tự do kinh tế đi đôi với hạn chế chính trị  − không làm hài lòng tất cả mọi người. Đối với cách nghĩ thông thường của người Mĩ, điều đó cho thấy một cái gì đó phải bị hi sinh.  Điều này cũng là sai.  Đúng là có một số người Nga có nói lên sự không hài lòng với chế độ hiện hành và sự lạm dụng quyền lực lan tràn ở các cơ quan cảnh sát, các quan chức địa phương và các đầu sỏ chính trị gắn liền với bộ máy quan liêu. Tuy nhiên, hệ thống vẫn có vẻ vững bền một cách cơ bản.  Sức mạnh của nó bắt nguồn từ một nguyên tắc cơ bản: để cho các đối tượng giải quyết các vấn đề của họ một cách riêng lẻ sẽ dễ dàng hơn là thách thức các định chế quốc gia một cách tập thể.  Bởi vì những gì mà người phương Tây gọi là tham nhũng không phải là một tai họa của hệ thống nhưng lại là nguyên tắc cơ bản cho hoạt động bình thường của nó. Tham nhũng ở Nga là một dạng chất bôi trơn trong giao dịch khi không có bất kì một cơ chế luật định hợp pháp và được chấp nhận chung thay thế.  Các giao dịch này gộp chung lại lột tả một hình thức phong kiến mới.   Điều này không quá kinh ngạc với nhận thức lịch sử, bởi vì ít hay nhiều đó là giai đoạn mà sự phát triển kinh tế - xã hội Nga đã phải đạt tới khi nó bị đông cứng trong hơn bảy mươi năm thống trị của cộng sản. Bây giờ nó đang tan.


Hệ thống vẫn hoạt động nhưng theo cách riêng của mình.  Được xây dựng dưới thời Vladimir Putin,  "quyền lực theo chiều dọc" ở Nga cho ra một cơ chế chuyển đổi tương đối đơn giản giữa quyền lực và tiền bạc. Ở mỗi  bậc của hệ thống phân cấp này một mức độ nhất định hối lộ và chủ nghĩa địa phương ăn chia (clientelist parochialism) không chỉ được bỏ qua mà còn được ngầm chấp nhận để đổi lấy lòng trung thành vô điều kiện và dành một phần lấy được cho cấp trên của mình.  Hệ thống này dựa trên sự tự do kinh tế của các công dân, nhưng những hạn chế cẩn trọng về chính trị trên các quyền tự do này tạo ra sự giàu có của những kẻ hưởng lợi lớn nhất. Có hàng loạt các sàn và trần cho các hạn chế về tự do, do đó, nó là một chế độ phong kiến với nhiều tầng bậc hơn so với loại phong kiến cũ.  Tuy nhiên, về cơ bản nó hoạt động theo cùng một cách: kẻ yếu dâng tiền "lên", và kẻ mạnh bảo hộ "xuống."


Hệ thống này của Nga không thể tồn tại nếu không có các quyền tự do kinh tế, và đó là lí do tại sao sẽ không có hệ thống thứ hai nẩy ra từ Liên Xô cũ.  Tuy nhiên, hệ thống này hết sức lo sợ các quyền tự do chính trị, các quyền này không phù hợp với quan điểm phong kiến của nó.  Do đó, nước Nga sẽ không thể nào sớm giống như bất kì quốc gia nào ở Tây Âu hoặc Bắc Mĩ.  Nó sẽ không sụp đổ, và nó sẽ không phát triển một cách triệt để.  Nó chỉ đơn giản là nó. Và hi vọng gì cho tương lai sẽ giống như chuyện châm biếm Stalin rằng chân trời là một nơi xa xôi sẽ tiếp tục lùi xa đi khi bạn tiến tới nó.


Trong thời đại này, ngay cả một hệ thống ổn định, cứ cho là như vậy, cũng cần tiến về phía trước chỉ để ở lại tại chỗ.  Vì vậy nhiều người tin rằng sư bình thường của Nga hiện nay không thể chịu đựng được lâu. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người chân thành kêu gọi hiện đại hoá trong những ngày này, cho chúng ta một trong các trường hợp hiếm hoi về một đánh giá đầy đủ các mối đe dọa hiện tại. Ông dường như hiểu rằng các yếu tố đảm bảo sự ổn định của Nga không có khả năng hà hơi tiếp sức vào tinh thần sáng tạo cần để tồn tại trong thời kì hỗn loạn.  Nhưng với cái bóng của Putin lơ lửng bên trên, Medvedev không  thể thuyết phục cả nhóm thân cận bên trong của bộ máy hành chính lẫn công chúng nói chung rằng các mối đe dọa mà ông đã xác định là có thật và nguy hiểm.  Không có sự ủng hộ của họ, ông không có gì và không có nơi nào để lãnh đạo.


Trong bất kì trường hợp nào, Medvedev sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng hệ thống này không thể giữ được ổn định lâu dài, thậm chí nếu ông ta đúng khi thấy rằng nó không bao giờ có thể phát triển.  Nước Nga không phải là một chế độ độc tài nhưng là một quốc gia tương đối tự do, ở đó chế độ hiện hành cai trị theo sự đồng thuận hơn là đàn áp, và ở đó dường như không có mối đe dọa nghiêm trọng đối với chế độ.  Một hệ thống không phình trên quy mô lớn vừa đủ thích hợp với các công dân Nga so với những gì họ cho là những lựa chọn thay thế có sẵn.  Nếu bảo với họ rằng hệ thống có thể sụp đổ thì họ sẽ không hoảng loạn như người ta tưởng.  Như nhà sử học Joseph Tainter từng ghi nhận, "Những gì mà  những nhà quan sát thấy như là sự suy giảm. . . không nhất thiết là như vậy đối với phần lớn dân chúng [đối với họ] sự sụp đổ vốn không phải là  một thảm họa, mà là một quá trình tiết kiệm hợp lí cũng có thể đem lợi ích cho phần lớn dân chúng."  Suy cho cùng, ngay cả trong thời phong kiến, lãnh chúa đôi khi cũng thất bại và nông dân tham gia trong việc tái phân bố tự phát của cải.


Thậm chí còn ít liên quan đến tương lai của Nga là ý tưởng cho rằng các quan chức KGB thời Xô Viết chịu trách nhiệm về những thiếu sót của hệ thống chính trị Nga hiện tại.  Những người ủng hộ quan điểm này đã bỏ qua hai sự kiện.


Trước hết, họ quên rằng chế độ chính trị gần như độc tài:”siêu tổng thống " của Nga xuất hiện trong giai đoạn" dân chủ "giữa những năm 1990, khi Boris Yeltsin, nguyên Tổng thống lúc đó, dùng sức mạnh giải tán Quốc hội hợp pháp và thúc ép thông qua một hiến pháp mới theo đó các quyền hạn của Tổng thống không được cân bằng bởi bất kì hạn chế nào. Thật vậy, tình trạng của ông giống như Fuhrer (lãnh tụ) của nước Đức như được xác định bởi Ermächtigungsgesetz (đạo luật uỷ quyền) 23 tháng 3 năm 1933.  Sau đó, nhóm thân cận của Yeltsin  dàn dựng chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996.  Điều đó đã làm đất nước này đi chệch khỏi con đường tự nhiên về xen kẽ quyền lực giữa các chính trị gia tự do và xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên dường như đã dẫn Đông Âu đến sự phát triển thường khoắc khoải nhưng thành công của nó trong những năm 1990 và những năm 2000. Từ đó trở đi, ý tưởng rằng "không có một thay thế" cho nhà lãnh đạo hiện tại hoặc cho người kế tục được ông lựa chọn đã trở thành một phần có tính sống còn trong chính trị Nga.  Nó chẳng có dính dáng một chút gì tới những dấu tích phân nhiệm của KGB.


Thứ hai, họ quên rằng gốc gác phục vụ trong quân đội và ngành an ninh của phần lớn nhóm chủ chốt Nga không nằm trong và tự chúng không phải là những dấu hiệu của sự suy giảm dân chủ.  Nhiều người trong số những người vốn thuộc ngành an ninh là những người có năng lực và trung thực. Những người bên ngoài nước Nga đã quên rằng, trong nhiều thập kỉ quan trọng, nhóm chủ chốt trong KGB là nhóm tiến bộ nhất trong một Liên Xô đang rệu rã.  Vấn đề thực sự không phải là vấn đề do siloviki (силовики - ngành anh ninh) gây ra nhưng do "sự lựa chọn tiêu cực" −  cách mà cả những người dân chủ cũ lẫn đối thủ của họ thu nạp thành viên mới vào tầng lớp chủ chốt.


Hiện tượng Putin phản ánh thực tế rằng các nhà lãnh đạo Nga những năm 1990 thích một viên chức bình thường không có thành tích nào đáng chú ý trở thành Tổng thống mới hơn là, chẳng hạn, những người giàu kinh nghiệm nếu không nói là hoàn hảo như Yevgeny Primakov và Yuri Luzhkov, cả hai đều được nhiều người ưa chuộng vào lúc đó.  Sự nổi lên của Putin, người chỉ mới thăng tới cấp trung tá trong thời Xô Viết và sau này trở nên nổi tiếng chỉ do những vụ  tham nhũng của mình ở hội đồng thành phố St Petersburg, đã trở thành điển hình về sự lựa chọn nhân sự vào những năm 2000.  Các quan chức không hiệu quả, thậm chí những người kém năng lực hơn được tuyển dụng vào với số hàng trăm chiếm lấy những vị trí quan trọng trong các Bộ và các ủy ban, bằng lòng với hiểu biết rằng những người xoàng xĩnh như thế không thể đua tranh hoặc dời họ đi nơi khác. Kết quả là, việc quản lí nhà nước Nga ngày nay ít chịu ảnh hưởng xấu từ một chế độ độc tài kém năng lực hơn là từ một "đầu sỏ quyền lực.”


Một vài ví dụ cũng đủ để chứng minh vấn đề “lựa chọn tiêu cực" này.  Sergei Ivanov là một gián điệp chuyên nghiệp, được phái tới London công tác vào năm 1981.  Sau vài năm, ông ta đã được chuyển tới Phần Lan (không phải như một phần thưởng cho thành tích tuyệt vời như người ta có thể tưởng), và sau đó đến Kenya, nơi mà việc làm của ông ta tạo ra một sự xoá bỏ về mặt tổng thể những gì đã đạt được của mạng lưới tình báo Nga ở phía đông châu Phi.  Giờ đây, ông ta tự hào với vai trò là Phó Thủ tướng Chính phủ trong chính phủ của ông Putin.  Hoặc hãy xem Boris Gryzlov, một kĩ sư trước đây đã trở nên nổi tiếng nhờ phát minh ra bộ lọc được cho là có thể làm sạch nước do bất kì loại ô nhiễm nào, kể cả các hạt phóng xạ.  (Một điều tra của viện Hàn lâm Khoa học Nga về các bộ lọc này cho thấy sử dụng chúng chẳng có lợi lộc gì).  Năm 2001, ông ta được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và năm 2003 ông được "bầu” làm Chủ tịch viện Duma (Ду́ма - hạ viện), nơi ông trở thành nổi tiếng với quan điểm cho rằng: "Duma không phải là nơi thích hợp cho các cuộc tranh luận."  Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hiện tại, Anatoly Serdyukov, là giám đốc của một cửa hàng đồ nội thất cho đến năm 2000 và hầu như không phân biệt nổi một tàu khu trục với một tàu kéo.  Và danh sách cứ thế tiếp tục ...


Các quan chức như vậy thường cố gắng để che giấu sự thiếu hiểu biết của họ bằng cách kiếm lấy học vị tiến sĩ hoặc giáo sư trong khi đang đương chức. Đối với người Mĩ thật khó mà tưởng tượng ra một điều như vậy, nhưng như Serdyukov, người có bằng tốt nghiệp đại học về kinh tế rồi thông qua một chương trình giáo dục từ xa vào năm 1994 kiếm được bằng tiến sĩ kinh tế vào năm 2000 và trở thành một giáo sư thực thụ vào năm 2006 trong khi đang giữ chức Bộ trưởng Thuế vụ Nga.  Ngày nay, có 71 giáo sư trong số 450 đại biểu Duma. (Không có giáo sư nào trong Hạ viện thứ 110 của Mĩ, và chỉ có ba trong Bundestag thứ 17 của Đức.)  Đặc điểm chủ yếu nhóm chủ chốt chính trị ở Nga hiện nay là một đặc điểm về sự dốt nát hoàn toàn dưới một vỏ bọc các bằng cấp khoa học, rắc rối nếu che đậy kém. Nước Nga sẽ là quá may mắn khi được đặt dưới chế độ cai trị mật vụ.


Tuy nhiên, như nó vẫn là, những kẻ không tên tuổi tiếp tục đến từ những nơi không ai biết đạt được những thành công chưa từng có và các vị trí cấp cao.  Tất cả những gì họ thực sự có năng lực để làm là ăn cắp công quỹ, nhận hối lộ và quỳ gối trước mặt các ông chủ gần như cũng không đủ năng lực như họ.  Cho đến nay nước Nga đã nâng hiện tượng lựa chọn tiêu cực lên một tầm cao vô hình. Sư kiện này, hơn bất kì cái gì khác, giải thích thành tích không dò được của nó và cho chúng ta một cơ sở nào đó để dự báo sự tiến triển của nó.



Những hệ quả

Rõ ràng, thành phần chính trị chủ chốt hiện tại của Nga kém năng lực một cách đột biến so với tầng lớp quan chức của Liên Xô cũ thường có, nhưng những dấu hiệu của sự phi-chuyên môn hoá của nó có thể được tìm thấy trong toàn xã hội. Ngày nay, chỉ có 14% những người tốt nghiệp từ các trường đại học Nga chuyên về kĩ thuật.  Ở Đức là 29%, và ở Trung Quốc gần 42%.  Do thiếu uy tín chuyên môn, các vi trí nghề nghiệp chủ yếu được sắp xếp qua các mối quan hệ cá nhân, còn kinh nghiệm và hiệu suất thực sự không quan trọng.  Giám đốc điều hành Gazprom, Alexei Miller, không có kinh nghiệm trong kinh doanh năng lượng khi ông ta được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu công ti. Ngay cả khi giá khí đốt tăng cao, sản lượng của Gazprom đã giảm từ 523,2 tỉ mét khối năm 2000 xuống 461,5 tỉ trong năm 2009. Giám đốc điều hành của Rosatom, cựu Thủ tướng Sergei Kirienko, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hạt nhân.  Chỉ có một trong 11 lò phản ứng hạt nhân mới mà ông hứa sẽ lắp đặt ở Nga khi được bổ nhiệm vào năm 2005 được đưa vào hoạt động.


Việc phi chuyên môn hoá nước đại của giới cao cấp Nga thực sự có nghĩa là gì?  Gần đây, nó có nghĩa là việc trở thành một quan chức suốt đời là cực kì phổ biến. Đó là chỗ làm ra tiền.


Việc phi-chuyên môn hoá  ở Nga trùng hợp với lưu lượng tiền mặt dồi dào đổ vào nền kinh tế Nga, phần lớn là do giá dầu tăng cao. Thu ngân sách liên bang đã tăng từ 1,2 nghìn tỉ rúp trong năm 2001 lên 8,2 nghìn tỉ rúp trong năm 2008, và đồng rúp đã tăng so với đồng đô la Mĩ từ 29,5 xuống 24,9 rúp mỗi một đô la. Điều này cho phép bộ máy quan liêu của Nga tăng thêm số lượng của cải, nó có thể chiếm đoạt thông qua hối lộ và các nguồn lợi không chính thức khác.  Theo ước tính thực hiện bởi chuyên gia Nga hàng đầu về nạn tham nhũng, Georgyi Satarov, tổng số tiền hối lộ trong nền kinh tế Nga tăng vọt từ $ 33 tỉ đến hơn $ 400 tỉ mỗi năm trong thời Putin cầm quyền.


Hai xu hướng sâu sắc theo sau tình trạng này. Xu hướng đầu là công việc trong bộ máy chính phủ đã trở nên ngày càng hấp dẫn đối với những người trẻ tuổi không nằm trong số tốt nhất và nhanh nhạy nhất của Nga.  Độ tuổi trung bình của một đại tá cảnh sát ở Nga bây giờ là 42; trong những năm cuối cùng của thời Liên Xô cũ là 57.  Độ tuổi trung bình của một sĩ quan cảnh sát thuế vụ nhỏ hơn 33. Trong số các sinh viên tốt nghiệp của một trong các trường đại học Tây hoá nhất ở Moscow là Trường Kinh tế, 88 trong số 109 sinh viên ghi danh vào các khóa học do tôi giảng dạy trong năm 2008 mơ ước về một nghề nghiệp trong bộ máy hành chính.  Điều này có nghĩa là giai cấp cầm quyền Nga rất có khả năng ngày càng trở nên bảo thủ hơn vì nó trở nên trẻ hơn và có được học vấn nhiều hơn.  Điều này bác bỏ hoàn toàn ý niệm phổ biến trong các học giả nước ngoài, cho rằng sự lão hóa của thế hệ các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm thực tiễn chính trị thời Liên Xô cũ có thể mở đường cho các nhà lãnh đạo trẻ hơn và phóng khoáng hơn lên nắm quyền.


Xu hướng thứ hai thậm chí còn rõ ràng hơn: tiền bạc ngày nay không những có thể được "trích ra" từ lĩnh vực phục vụ công cộng mà nó còn có thể mua các vị trí có ảnh hưởng trong nhóm chủ chốt quyền lực. Ví dụ, có hơn 49 "quan chức”  giàu triệu đô và 6 “quan chức” giàu tỉ đô ngồi trong viện Duma, và 28 “quan chức” triệu đô và 5 “quan chức”  tỉ đô trong Hội đồng Liên bang.  Ngược lại, trong 15 nước EU đầu tiên chưa từng có một triệu hay tỉ phú nào ngoài tỉ phú Silvio Berlusconi thắng được một ghế trong quốc hội.  Bởi vì viện Duma và Hội đồng Liên bang gồm các đại biểu do điện Kremlin chọn lựa, người ta chẳng cần phải căng óc để tưởng tượng những tay siêu giàu kiếm được các vị trí này bằng cách nào.  Họ dâng tiền “lên" với cả bổng lộc lẫn lòng trung thành, rồi họ được bảo hộ "xuống" − một dấu hiệu của trao đổi xã hội phong kiến.  Trong lúc đó, đa số các bộ trưởng Nga đang cố gắng thuyết phục các công dân bình thường rằng thu nhập trung bình chính thức của họ ít hơn $ 100.000 một năm.  Dù có ai tin họ hay không, không có Bộ trưởng nào mắc nợ hoặc Thống đốc nào bị phá sản ở đất nước này hiện nay.


Người ta có thể thấy hai hướng phát triển thú vị trong chính trị Nga và công việc làm ăn phát sinh từ tất cả những điều này. Hướng đầu tiên là một sự chuyển đổi đều đặn bất kì doanh nghiệp thành công nào thành lập ở Nga kể từ năm 2000 thành một doanh nghiệp bán gia đình. Trong một xã hội thiếu vắng sâu đậm lòng tin xã hội, ai mà bạn có thể tin tưởng được nếu không phải là gia đình của riêng bạn?  Chế độ gia trưởng cũng thể chế hoá như chế độ phong kiến, và, như mọi lúc, chúng hỗ trợ nhau.


Mọi người đều biết rằng những lô đất tốt nhất tại Moscow đều nằm dưới sự kiểm soát vững chắc bởi doanh nhân giàu có nhất trong nước, Yelena Baturina, người đã kết hôn với cựu Thị trưởng Moscow Yury Luzhkov kể từ năm 1991.  Điều này cũng có thể nói về nước Cộng hoà Bashkortostan, Ural Rakhimov, con trai của Tổng thống phục vụ lâu năm Murtaza Rakhimov, nắm quyền kiểm soát dầu và kinh doanh xăng dầu. Vợ của cựu Bộ trưởng Y tế và Phát triển Xã hội Mikhail Zurabov sở hữu nhiều công ti chịu trách nhiệm mua các loại dược phẩm mà sau đó được phân phát miễn phí cho những người nghèo. Đa số dược phẩm được nhà nước mua với giá cao gấp từ 3 tới 5 lần giá thị trường. Người nghèo đã được phục vụ, nhưng kẻ giàu trở nên giàu đậm hơn nhiều trong quá trình này. Có một ví dụ nào tốt hơn về việc ăn nên làm ra khi làm điều tốt theo kiểu Nga không?


Toàn bộ các gia đình đang xâm nhập vào dịch vụ của chính phủ.  Ví dụ, hãy nhìn thêm trường hợp Anatoly Serdyukov, Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ đứng đầu bởi cha vợ mình, Viktor Zubkov; hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế và Phát triển xã hội hiên nay, Tatyana Golikova là vợ của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nga Victor Khristenko.  Có những câu chuyện còn màu sắc hơn về việc thiết lập các "triều đại cầm quyền" trong các nước cộng hòa "dân tộc".  Tại Chechnya, Ramzan Kadyrov, 29 tuổi là người kế tục trên thực tế cha mình là Akhmat, ông này bị ám sát vào năm 2004.  Dagestan kể từ tháng Hai 2010 đã nằm dưới sự cai trị của Magomedsalam Magomedov, con trai của Magomedali Magomedov, thủ lĩnh của Dagestan những năm 1983-2006. Những khuôn mẫu này được lặp đi lặp lại ở tất cả các cấp chính quyền.


Nhưng có lẽ đã đủ với những câu chuyện.  Như một người nào đó đã nói, số nhiều của các giai thoại không phải là dữ liệu.  Điều quan trọng hơn nhiều là giới chủ chốt Nga thực sự cai trị quốc gia.  Họ làm điều đó trong khi làm việc với quy tắc luật pháp thể chế hoá khả thi tối thiểu, các vụ sửa đổi luật pháp không dứt và một giả định thường trực về miễn nhiễm của quan chức.  Đã có năm cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức tại Nga kể từ ngày "độc lập" với Liên bang Xô viết − mỗi cuộc bầu cử đều diễn ra theo những quy định sửa đổi.  Viện Duma phê chuẩn gần 400 luật mới mỗi năm, nhiều gấp sáu lần Quốc hội Mĩ.  Khi đại biểu không bận rộn thông qua luật mới thì họ đi sửa đổi những luật hiện có.  Về mặt này, cũng không ổn định như những điều có vẻ như ở Washington gần đây, liệu một doanh nhân người Mĩ bình thường có thể tưởng tượng nổi một luật về thuế trong đó một điều khoản quan trọng mới được thêm vào hoặc một điều khoản cũ bị sửa đổi mỗi hai tuần hay không?


Một số luật được thông qua và một số quy định được áp đặt đơn thuần chỉ để hủy diệt một doanh nghiệp cụ thể hoặc buộc chủ sở hữu phải chuyển công ti của họ cho các ông chủ mới.  Cảnh sát thuế hoặc công tố viên cáo buộc doanh nhân có một số hành vi sai trái, buộc họ phải bán doanh nghiệp hoặc đơn giản là chạy trốn khỏi đất nước là việc diễn ra phổ biến.  Sau đó, các luật sư “nhiều kinh nghiệm hơn " dễ dàng tìm thấy nguyên nhân để tranh cãi lại các quyết định của Toà án hoặc quyết định của chính phủ, từ đó mở cửa lại doanh nghiệp cho các chủ sở hữu mới.  Tương tự như vậy, nếu một doanh nhân bị phát giác phạm tội trốn thuế, vi phạm hải quan, ông ta có thể bị truy tố, nhưng người ở Sở thuế hoặc Hải quan đã kí vào tờ kê khai thuế của ông ta vẫn được miễn tố. Trong trường hợp trốn thuế nổi tiếng nhất ở Nga, Mikhail Khodorkovsky và Platon Lebedev đều đã bị kết án tù vào năm 2005 vì đã không đóng thuế đúng hạn trong các năm 2000-2003.  Không viên chức thuế vụ nào cho là có nhiệm vụ kiểm tra tờ khai thuế bị cáo buộc sai lầm của họ đã bị trừng phạt.  Tội của Khodorkovsky và Lebedev không phải là gian lận về thuế mà là tội đang tìm cách vượt quá trần (ceiling) quy định của họ trong hệ thống tầng bậc của chủ nghĩa phong kiến.



Ai sẽ đến kế tiếp?

Như vậy nước Nga ngày nay là  một kiểu "nhà nước công ti" trong đó chính trị chỉ là một loại hình kinh doanh.  Các vấn đề chính trị được giải quyết như thể chúng là các vấn đề thương mại, và các vấn đề thương mại như thể chúng là vấn đề chính trị.  Mục tiêu quan trọng nhất của giới chủ chốt là bảo tồn một hệ thống cho phép những kẻ không có năng lực nắm quyền kiểm soát của cải của đất nước.  Việc hi vọng rằng thay đổi sẽ đến khi giai cấp cầm quyền hiện nay nghỉ hưu và những người mới thay thế họ là vô vọng.


Như vậy,nhà nước Nga sẽ thừa kế loại lãnh đạo nào?  Kinh nghiệm của thập kỉ qua cho thấy rằng thậm chí nếu hệ thống hiện tại là dễ bị tổn thương đối với nhiều áp lực bên ngoài thì các nhóm xã hội có chỗ dựa đủ rộng rãi trong nước được hưởng lợi từ hệ thống này sẽ giữ cho nó được tiếp tục. Từ trước tới giờ, nhiều người dường như sẵn sàng tham gia các nhóm này để được chia phần "của họ" với sự hi sinh, nỗ lực và rủi ro tối thiểu.  Trong những điều kiện như vậy, có nhiều cách khác nhau để thu nạp các thành viên mới vào giới chủ chốt hiện tại mà không có bất kì thách thức đáng kể nào cho quyền lực của nó.


Nhiều lính mới sẽ đến từ các trường cao đẳng và đại học Nga.  Dưới đây là một số xu hướng đứng hàng đầu gần đây.  Đầu tiên, giáo dục đại học Nga ngày nay tập trung không cân xứng vào khoa học xã hội.  Điều này tự nó không phải là điều xấu, nhưng các cán bộ giảng dạy đã lỗi thời và không xứng hợp, vì vậy chất lượng của nghiên cứu rất thấp.  Đôi khi các giáo sư và trợ giáo chỉ đơn giản cung cấp cho sinh viên tầm nhìn riêng của họ về tình hình, và những quan điểm này thường có tính ý thức hệ hoặc những biểu hiện của lòng trung thành với giai cấp cầm quyền.


Hơn nữa, một số đại diện của lớp người này chưa bao giờ giảng dạy trước đây bây giờ trở thành chủ nhiệm khoa và chủ tịch các khoa và các ban mới được thành lập với số lượng đáng ngượng.  Trong các trường đại học tốt nhất của Nga, Đại học Quốc gia Lomonosov Moscow chỉ có 17 khoa khi tôi tốt nghiệp vào năm 1989.  Bây giờ có 39 khoa, và trong số những khoa mới bạn có thể tìm thấy như Khoa Chính trị thế giới, đứng đầu là đại biểu Duma Andrey Kokoshin, Khoa Hành chính, đứng đầu bởi Giám đốc Nhân viên mới của Chính phủ Vyacheslav Volodin, trường cao đẳng truyền hình, dưới sự chủ trì của nhà bình luận bảo thủ cực đoan Vitaly Tretiakov.  Dĩ nhiên, cả ba người này đều là viên chức đảng của Đảng nước Nga Thống nhất.  Nhân đây cũng nói thêm rằng Hiệu trưởng của trường đại học này là thành viên của Hội đồng đảng nước Nga Thống nhất khu vực Moscow.


Ngoài ra, hệ thống ghi danh đã thay đổi đột biến trong những năm gần đây. Thay vì các trường cao đẳng tổ chức các kì thi, hiện nay chỉ có một kì thi quốc gia thống nhất, cho phép ngay cả những người từ các tỉnh xa với điểm cao thường có xuất xứ không rõ ràng, được truy cập dễ dàng hơn các trường cao đẳng đô thị.  Những thanh niên này, hầu như đến từ giữa hư không và với một học vấn trung học rất yếu kém, phải đua tranh với các bạn đồng lứa ở các thành phố lớn có chuẩn bị tốt hơn nhiều.  Tất nhiên, ngay lập tức họ nhận ra rằng lòng trung thành chính trị có thể giúp họ trong cuộc đua tranh bất bình đẳng này, điều này dựng ra sàn diễn cho một hình thức khác của việc đổi trao phong kiến.


Ngày nay, cũng vậy, chỉ một tỉ lệ nhỏ sinh viên có thể sống nhờ vào tiền lương của cha mẹ. Phần lớn những người trẻ tuổi đều đi làm trong khi còn đi học, và họ thường làm việc trong các công ti mới của Nga tổ chức một cách thứ bậc theo phương Tây, với các truyền thống kỉ luật và hợp  lí hóa mọi chức năng (chưa nói đến một số lượng không thể tưởng tượng được thủ tục giấy tờ).  Chủ nghĩa cơ hội trong môi trường như vậy có thể có vẻ là quá trình hợp lí duy nhất.  Vì vậy, người tốt nghiệp từ một thành phố nhỏ ở xa xôi, được dạy bởi những người không chuyên nghiệp, ấn tượng sâu sắc với sự xa hoa đô thị, và  có làm việc một vài năm trong văn phòng của một công ti sản xuất thực tế hầu như không có gì, sẽ tự thấy mình là ứng viên tốt nhất có thể có cho ngành thấp nhất của giới chủ chốt Nga mới.  Với những người ở quê ra thành như thế được hệ thống "sản xuất" với số lượng lớn hàng năm, chế độ hiện hành có thể cảm thấy khá an toàn với nhận thức rằng nó có thể hấp thu hầu như tất cả những kẻ gây rối tiềm năng.


Một dự trữ nhân sự cho giới chủ chốt có thể bắt nguồn từ hàng ngũ các cơ quan “cưỡng chế” của Nga . (Chúng ta có thể gán cho các cơ quan này nhãn “thực thi pháp luật" chỉ theo nghĩa châm biếm).  Dưới thời Putin họ trở nên mạnh mẽ và được nhân bội lên.  Ngày nay, ở đất nước này có hơn 200.000 sĩ quan quân đội chuyên nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ.  Khoảng 1,1 triệu binh sĩ phục vụ như các nhân viên của Bộ Nội vụ, hơn 300.000 phục vụ trong Cục An ninh Liên bang, khoảng 200.000 người làm việc trong các văn phòng công tố, và khoảng 150.000 khác trong các ủy ban điều tra khác nhau. Gần như cùng một số lượng như vậy làm cảnh sát thuế và hơn 100.000 phục vụ trong Hải quan và các Sở Di trú Liên bang.  Chúng tôi sẽ không đề cập đến các tổ chức nhỏ như Cục Quản  lí phòng, chống ma tuý và nhiều tổ chức khác nữa. Tổng cộng, hơn 3,4 triệu người − gần 12% lực lượng lao động nam hoạt động − làm việc trong các tổ chức gò theo các nguyên tắc tổ chức theo chiều dọc, sự phục tùng mù quáng và tham nhũng từ gốc rễ.


Những cơ quan này rất kém hiệu quả.  Không có sự sụt giảm về số lượng tội phạm ở Nga từ 2000 tới 2009, các cuộc tấn công khủng bố ở các thành phố Nga vẫn tiếp tục, và không quá 4% các loại ma tuý buôn bán ở Nga hoặc di chuyển qua lãnh thổ Nga bị ảnh sát chặn lại.  Vì vậy, các cơ quan này tìm cách che dấu trên quy mô lớn.  Hàng năm, FSB (ФСБ, Федеральная служба безопасности - cơ quan an ninh liêng bang) báo cáo trên hàng trăm vụ tấn công khủng bố bị ngăn chặn, nhưng các báo cáo này vẫn còn phân loại mật, vì vậy chúng ta không thể xác định hiệu quả thực sự của các dịch vụ an ninh.  Lưu ý rằng khoảng 89% của tất cả các trường hợp giết người và gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ thể đã đưa đến các toà án, trong khi đối với các tội phạm kinh tế, tỉ lệ báo cáo theo số liệu thống kê chính thức chỉ là 9,8%.  Điều này cho thấy rằng phần nhiều trong các trường hợp này cuối cùng được giải quyết qua những hợp đồng tham nhũng "thân hữu" giữa cảnh sát và các nhà doanh nghiệp.  Số tiền trung bình hối lộ cho một cảnh sát giao thông hiện nay vào khoảng 2.000 rúp (khoảng $ 70).  Để có được một công việc như "người đang làm nhiệm vụ" như vậy thường phải trả tới $ 50.000 ngay cả ở thành phố thuộc tỉnh.  Thái độ phổ biến nhất của công chúng đối với cảnh sát là không tin cậy và căm ghét.  Ngay cả trong trường hợp nổi tiếng ở làng Kuschevskaya thuộc khu vực Krasnodar, nơi có 12 người bị đâm tìm thấy vào tháng 11 năm 2010 và một băng nhóm từng khủng bố và hãm hiếp người dân địa phương hơn mười năm, nhưng không ai gọi cảnh sát cầu cứu, vì một số cảnh sát và thậm chí một vài đại biểu đảng nước Nga Thống nhất nằm trong số những kẻ tình nghi là tội phạm.  Các cơ quan "cưỡng chế" được nhồi nhét với những người trẻ tuổi không xứng đáng nhưng đầy tham vọng, là nguồn kế cận mới của tầng lớp cầm quyền Nga.


Nguồn tự nhiên nhất của tầng lớp thống trị mới, như tôi đã gợi ra, là con cháu của tầng lớp hiện tại.  Các con trai và con gái của các quan chức đứng đầu tích cực len lỏi vào các cơ quan chính phủ, cũng như vào đội ngũ nhân viên của các tập đoàn lớn sở hữu nhà nước và do nhà nước kiểm soát.  Ví dụ, Dmitry Patrushev, con trai cả của Nikolay Patrushev, Giám đốc FSB từ 1999-2008, vào tháng 5 năm 2010, ở tuổi 32, được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành ngân hàng do nhà nước kiểm soát Rosselkhozbank, lớn thứ tư ở Nga.  Sergei Matvienko, con trai của Valentina Matvienko, Thống đốc St Petersburg, bây giờ là Chủ tịch của công ti VTB-Phát triển, chi nhánh bất động sản của Ngân hàng VTB thuộc sở hữu nhà nước, và là một trong những tỉ phú trẻ nhất Nga ở tuổi 37.  Sergei Ivanov, con trai của Phó Thủ tướng đã nói ở trên, chỉ mới 25 tuổi khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch của ngân hàng Gazprombank, chi nhánh tài chính của Gazprom, và cứ thế tiếp tục..  Người ta có thể chắc chắn rằng con cái của các quan chức hàng đầu của Nga hiện nay sẽ chiếm ít nhất một phần ba các vị trí quan trọng trong chính phủ và quản trị trong 10 đến 15 năm nữa. Và rõ ràng là không ai trong số họ sẽ có động cơ dù nhỏ nhất để thay đổi hệ thống.  Họ sẽ phản đối mạnh mẽ bất kì thay đổi nào để họ có thể làm lợi cho con cái mình.  Họ là những bá tước trong các chế độ phong kiến mới, và con cái của họ được sinh ra trong thái ấp.


Nguồn tuyển dụng ít rõ ràng nhất đến từ chiến lược mới được xây dựng về việc kết nạp các thành viên thuộc "tầng lớp trí thức" bị bỏ dở trong những năm 1990 và trong nửa đầu những năm 2000.  Cái gọi là cộng đồng chuyên gia, bao gồm các nhà kinh tế, các nhà khoa học xã hội, các sử gia và nhà báo, đã bị gãy đổ trong nhiều năm.  Phần lớn các nhà bình luận và các nhà nghiên cứu hàng đầu vẫn đứng ngoài các nhóm chuyên gia lớn được chế độ ủng hộ.  Tuy nhiên, vẫn có thể dễ dàng tuyển dụng một phần cộng đồng này vào nhiều chương trình và sáng kiến khác nhau thuộc các loại chính phủ kiểm soát nhẹ tay hơn.  Sự cám dỗ của cơ hội được trình bày quan điểm, xuất hiện trên truyền hình, tham dự các cuộc tụ họp chính thức và có thể truy cập vào các quỹ được phân phối bởi chính quyền trung ương hoặc địa phương có thể khó cưỡng lại nổi trong điều kiện thiếu thốn các lựa chọn thay thế. Từng bước một, tầng lớp thống trị có thể giảm bớt đi bất kì đối lập có thể có nào.


Còn những người tốt nhất và lanh lợi nhất của Nga thì sao? Ho có tương lai nào trong một nước Nga tân phong kiến? Trong những năm dưới thời Putin, hơn bao giờ hết các quan chức chính phủ đã làm cho giới trẻ tự do hết sức khó khăn để tham gia vào bất kì hình thức  hoạt động phản đối hợp pháp nào.  Không có đảng chính trị mới nào chính thức đăng kí tại Liên bang Nga kể từ đầu những năm 2000 (hai đảng đã đăng kí, Chỉ nước Nga [Just Russia]và Chính nghĩa [Right Cause], đại diện chỉ cho một phân bổ của các đảng nhỏ hơn tồn tại trước đó).  Muốn tổ chức một cuộc trưng cầu đòi hỏi phải thu thập được 2.000.000 chữ kí, và thậm chí nếu yêu cầu này được đáp ứng, hầu hết các chữ kí sẽ bị tuyên bố là vô hiệu. Không một hội đồng lập pháp địa phương nào mà không bị kiểm soát bởi Đảng nước Nga thống nhất.  Cùng lúc đó, chính phủ vẫn cho phép mọi người dân được rời khỏi đất nước một cách tự do.  Đây không phải là điều tình cờ.  Quy mô của dòng chảy các chuyên gia trẻ tuổi tài năng triển vọng nhất đổ ra khỏi nước Nga gần như không thể tin được.  Không biết được các con số chính xác, nhưng các ước tính cho thấy cao đến mức 40,000-45,000 mỗi năm, và có khoảng ba triệu công dân Nga ngày nay sống ở nước ngoài ở Liên minh châu Âu.


Dòng chảy này rõ ràng làm tăng “mật độ " số người xoàng xĩnh còn lại trong nước.  Tổng thống Medvedev nhận ra xu hướng này có thể trở nên nguy hiểm như thế nào và muốn ngăn chặn việc ra đi bằng cách thiết lập các trung tâm khoa học "xuyên biên giới" như Skolkovo, có thể phát triển thành một khu của Nga tương đương với Silicon Valley. Nỗ lực này có nhiều khả năng thất bại  − trước hết vì nhà chức trách Nga hiện nay cố gắng thu hút các học giả nước ngoài và những người Nga đã rời khỏi đất nước bằng cách đề nghị trả họ mức lương rất cao, không để ý đến thực tế rằng điều này cũng có thể thu hút cả những người coi khoa học như một hoạt động thương mại hơn là một nhiệm vụ cao quý.  Andre Geim, người đã được trao giải Nobel Vật  lí năm ngoái, đã cho biết rằng ông sẽ không bao giờ trở về Nga.  Đây là một dấu hiệu rất rõ ràng về những gì đang xảy ra với đất nước này.


Tất cả điều này dẫn đến hai kết luận liên quan.  Một mặt, Nga đã xây dựng nên một hệ thống trong đó việc thực thi quyền lực nhà nước đã trở thành một doanh nghiệp độc quyền.  Hệ thống này chủ yếu được điều khiển bởi các bạn bè và đồng nghiệp của người tạo ra nó là Vladimir Putin, và được vận hành một cách trung thành bởi những kẻ mới đến cần mẫn nhất nhưng với tài cán kém cỏi nhất.  Mọi doanh nghiệp quốc gia lớn đều có liên kết với các cơ quan liên bang hoặc bị chúng kiểm soát, còn các doanh nhân địa phương vẫn phải cố gắng mặc cả với bộ máy quan liêu khu vực.  Tất cả mọi của cải mới được làm ra trong những năm 2000 đều thuộc về bạn bè của Putin và những người đã giúp ông ta xây dựng “hệ thống dọc tiêu cực” này.  Vì vậy, trong những năm sắp tới, cạnh tranh bên trong giới chủ chốt sẽ giảm xuống, chất lượng quản trị sẽ tệ hại nhiều hơn nữa, và những gì còn lại của việc quản  lí hiệu quả sẽ sụp đổ.  Tuy nhiên, thay đổi các xu thế này vẫn sẽ là một bước hoàn toàn không hợp lí đối với tầng lớp chính trị này.


Cùng lúc đó, có một nhóm xã hội rất lớn muốn tham gia hệ thống này, chứ không phải chống đối nó (trái ngược với những năm cuối cùng của Liên Xô).  Điều này cũng giống như muốn tham gia vào chương trình Ponzi ở phía dưới đáy với hi vọng rằng người ta có thể không ở lại mãi phía dưới đáy, và rằng trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ  tốt hơn so với những người còn ở bên ngoài chương trình hoàn toàn.  Khi sự phi-chuyên nghiệp hoá trong chính chính phủ đi lên (cùng với "thương mại hóa" các dịch vụ nhà nước) sự cạnh tranh giữa những kẻ không chuyên nghiệp cũng sẽ tăng lên, vì nguồn cung cấp những kẻ như thế không bao giờ bị thiếu hụt.  Vì vậy, trong tương lai, nhóm chủ chốt cầm quyền ít cạnh tranh nội bộ hơn sẽ có thể cùng nhau lựa chọn bất kì một số lượng đàn em nào.


Nhóm chủ chốt Nga về cơ bản đã "băng đảng hoá" và tư nhân hóa một trong những nước giàu nhất thế giới.  Nó rất biết ơn vì đặc quyền này đến nỗi có thể nằng nì Putin quay trở lại điện Kremlin vào năm 2012 thêm 12 năm ảm đạm nữa.  Vào lúc đó, các nhóm những người trẻ phóng khoáng mà nhiều nhà phân tích phương Tây gắn hi vọng về sự thay đổi vào họ sẽ lớn lên.  Những người xoàng xĩnh trong số đó sẽ thành một phần của hệ thống.  Không chút nghi ngờ, hầu hết những người tốt nhất trong họ sẽ không còn cư trú ở Nga nữa.




No comments: