Saturday, May 20, 2017

Cuộc chinh phạt Java lớn năm 1293 của Trung Quốc

CHƯƠNG II

Cuộc chinh phạt Java lớn năm 1293 của Trung Quốc


A. J. H. Charignon
Bulletin de la Société des Études Indochinoises 1929 (Tome IV, No 4)


Việc này được mô tả trong Nguyên sử [Yuen-che], q. 210, tờ 11 đến 13, và Tân Nguyên sử, q. 253, tờ 5 đến 7; mặc dù tài liệu sau không có giá trị bằng tài liệu đầu, chúng tôi dịch cả hai, bởi vì cần đưa ra nhiều chi tiết để xác lập rằng cuộc viễn chinh này diễn ra ngay ở Nam Kì [Cochinchine]. Trước nhất, đây là những gì nói trong Nguyên sử:

 "Trảo Oa [Tchao-wa爪哇] nằm bên ngoài biên giới của đế chế[1] , còn xa hơn Chiêm Thành [Tchan- tch'eng占城][2]. Từ nam Tuyền Châu [Ts'iuen-tcbeou 泉州] (Phúc Kiến) đi đường biển thì tới Chiêm Thành trước rồi mới đến nước này. Không thể xác minh phong tục và tập quán, đất đai và sản vật ở nước này là gì, (nhưng biết rằng) nói chung, trong số các nước phiên bên ngoài này, nhiều người có đồ quý hiếm, rất được chuộng ở Trung Quốc; còn cư dân của họ có vẻ bề ngoài xấu xí và kì lạ; tính tình cũng như tiếng nói không giống với người Trung Quốc. Thế tổ rất muốn áp đặt sự cai trị lên tất cả những dân tộc nước ngoài, nhưng xét rằng so với nhiều lần đem quân ra khỏi biên thuỳ thì cuộc cất quân đi đánh Trảo Oa vẫn còn quan trọng hơn.

 "Theo lệnh hoàng đế tháng 2 năm Chí Nguyên thứ 29 [tháng 3 năm 1292], Sử Bật [Che Pi], Diệc Hắc Mễ Thất [I-he-mi-che], Cao Hưng [Kao Hing] là các quan tỉnh Phúc Kiến được cử làm Bình chương Chính sự đi chinh phạt Trảo Oa; hội quân ba tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây và Hồ Quảng cả thảy 20 000 người, phân ra thành hai đội quân tả, hữu do hai tướng chỉ huy (đô nguyên soái phủ), bốn Chinh Hành thượng Vạn hộ; phát 1 000 chiếc thuyền, cấp lương thực một năm, 40 000 nén tiền (= 2 000 000 lượng), ban cho 10 hổ phù, 40 kim phù, 100 ngân phù, 100 áo vàng, dùng để thưởng người có công trong bọn Diệc Hắc Mễ Thất và quân sĩ.

“Lúc cáo từ, Hoàng đế nói: “Các khanh đến Trảo Oa, bảo cho quân dân nước ấy biết rõ, triều đình ta lúc đầu cùng Trảo Oa cho sứ giả qua lại giao hảo với nhau, nhưng sau đó sứ giả chính thức của ta là Mạnh Kì [Mong Ki孟琪] bị họ thích chữ lên mặt, vì vậy chúng ta phải cử quân đến trừng phạt”.

 “Tháng 9 (tháng 10/1292), quân hội lại ở Khánh Nguyên [慶元] (nay là Ninh Ba thuộc Chiết Giang). Sử Bật, Diệc Hắc Mễ Thất cùng các quan chức tỉnh (Phúc Kiến), vội đến Tuyền Châu (bằng đường bộ); trong khi Cao Hưng mang đồ quân lương xuống thuyền từ Khánh Nguyên (Ninh Ba) đi tới bằng đường biển.

“Tháng 11 (tháng 12/1292), quân của ba tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Quảng họp lại ở Tuyền Châu.

“Tháng 12 (tháng 1/1293), họ ra đi từ bến Hậu Chử (bờ bắc sông Tuyền Châu).

 “Tháng giêng năm sau (tháng 2/1293) họ đến núi Cấu Lan [Keou-lan构欄] ( = Phan Thiết?)[3] và cùng bàn tính kế hoạch tấn công ở đó.”

"Tháng 2 (tháng 3/1293), Diệc Hắc Mễ Thất Tôn Tham Chính [Suen Ts'an-tcheng] bắt đầu với việc ra lệnh cho các viên chức tỉnh (Phúc Kiến) thông báo cho các quan lại (Trung Quốc) cai trị cấp dưới ở Trảo Oa và những nơi khác[4] rằng họ phải thoát đi bằng con đường vòng và sẽ họp lại tại Hải Nha [海牙] (Phan Thiết). Theo đó bọn Dương Tử [Yang Tse], Toàn Trung Tổ [Ts’iuen-Tchong-tsou] vạn hộ Trương Tháp Lạt Xích [Tchang-t’a-ts'e-tch'e], với hơn 500 quân và 10 thuyền đi trước để báo cho họ biết. Sau đó, quân triều đình tiếp tục đi (bằng đường biển) tiến tới tận cửa Cát Lợi [Ki-li-men吉利門] (= vịnh Gành Rái, phía bắc Vũng Tàu)[5] Sử Bật cùng Cao Hưng vào tới Đỗ Tịnh Túc [Tou-ping-tchou杜竝足] (= Bà Rịa thuộc Trảo Oa[6]), và bàn tính với bọn Diệc Hắc Mễ Thất về việc đổ quân lên bờ và chia quân sĩ ra thành hai cánh, xâm nhập cùng lúc bằng đường thủy và đường bộ vào nước này.

 "Sử Bật, Cao Hưng[7] , Tôn Tham Chính dẫn bọn đô nguyên soái Na Hải [Na Hai], vạn hộ Ninh Cư Nhân [Ning Kiu-jen] thống lĩnh đoàn thuyền từ Đỗ Tịnh Túc (Bà Rịa) đi qua cửa kênh Nhung Nha Lộ [Jong-ya-lou戎牙路][8] đến Bát Tiết Giản [Pa-tsie-kien 八節澗] (Bát Giang)[9] .

"Cao Hưng và Diệc Hắc Mễ Thất, dẫn bọn đô nguyên soái Trịnh Trấn Quốc [Tcheng Tchen-kouo], vạn hộ Thoát Hoan [T’o-Hoan], cùng với kị binh và bộ binh rời Đỗ Tịnh Túc (Bà Rịa) bằng đường bộ.

 “Vạn hộ Thân Nguyên [Chien Yuen] làm tiên phong, còn bọn phó nguyên soái Thổ Hổ Đăng Ca [T’ou-hou-teng-ko], vạn hộ Trữ Hoài Nguyên [Tchou Hoai-jen], Lí Minh [Li Ming] được sai dùng thuyền nhọn [鑽鋒船: toản phong thuyền], theo đường Nhung Nha Lộ đến Ma Nhạ Ba Hiết [Ma-je-pa-hie] (Võ Đắt)[10], họ dùng bè xâm nhập sâu hơn rồi tiến vội về Bát Tiết Giản (Bát Giang). Vào ngày thỏa thuận, tại đó họ gặp cánh quân đi cảnh báo quan lại cai trị cấp dưới ở Trảo Oa, và được cho biết rằng con rể của vua Trảo Oa, là Thổ Hãn Tất Đồ Gia [T’ou-han-pi-cho-ye] đem cả nước đến xin hàng, nhưng vì Thổ Hãn Tất Đồ Gia không thể bỏ quân lính để đi, nên trước tiên ra lệnh Dương Tử, Cam Châu Bất Hoa [Kan-tcheou-pou hoa], Toàn Trung Tổ dẫn Tể tướng của nước ấy là Tích Lạt Nan Đáp Trá Gia [Si-la-nan-t’a-tcha-ye] cùng hơn 50 người của ta đến đến chỗ gặp (quân Nguyên).

 "Ngày đầu tháng 3 (tháng 7/1293), hội quân ở Bát Tiết Giản (Bát Giang); dòng sông này(chảy) rất xiết, phía thượng lưu chạy qua rất gần chỗ vương phủ Đỗ Mã Ban [Tou-ma-pan][11]; và phía hạ lưu dẫn ra biển lớn Bồ Bôn [P’ou-pen 莆奔大海 (Bồ Bôn đại hải)][12] , như vậy (có thể nói) đó là chỗ cổ họng của Trảo Oa cần phải đảm bảo việc nắm giữ nó. Lại có một tướng (của Trảo Oa) Hi Ninh Quan [Hi-ning-koan 希甯官][13] ngồi nhìn cân nhắc hành động, neo thuyền dọc theo bờ sông, chờ xem kết quả được thua, được chiêu dụ ba lần mà không hàng. Khi đó quan lại tỉnh (Phúc Kiến) lập ven bờ sông (Bát Giang) một doanh trại dạng hình bán nguyệt rồi để cho vạn hộ Vương Thiên Tường [Wen T’ien-siang] ở đó giữ bến sông; bọn Thổ Hổ Đăng Ca, Lí Trung [Li Tchong] thống lĩnh quân thủy, bọn Trịnh Trấn Quốc, tỉnh đô trấn phủ Luân Tín [Luen Sin] thống lĩnh quân bộ, kị, theo đường thuỷ và đường bộ cùng đi đánh Hi Ninh Quan (tức đi theo huướng về phía Nam). Quá sợ hãi, hắn bỏ thuyền chạy trốn trong đêm. Quân ta thu được hơn 100 chiếc thuyền đầu  quỷ[14]. Bọn đô nguyên soái Na Hải, vạn hộ Ninh Cư Nhân, Trịnh Khuê [Tcheng Koei], Cao Đức Thành [Kao Te-tch'eng], Trương Thụ [Tchang Cheou] được lệnh canh giữ cửa biển Bát Tiết Giản[15].

 "Đại quân đang đi (về phía Bắc) thì Thổ Hãn Tất Đồ Gia sai sứ giả đến báo rằng vua Cát Lang [Ko-lang 葛郎][16] (nay là Di Linh [Djiring]) đuổi giết đến Ma Nhạ Ba Hiết (Võ Đắt); chính vì vậy ông xin quan quân giải cứu. Diệc Hắc Mễ Thất, Trương Tham Chính trước tiên đến trấn an Thổ Hãn Tất Đồ Gia, Trịnh Trấn Quốc vội vã dẫn quân đến Chương Cô [Tchang-kou 章孤][17] (nay là Tracu) để phối hợp hành động, còn Cao Hưng đi tới Ma Nhạ Ba Hiết. Nhưng ở đây, ông được báo là không ai biết  quân Cát Lang ở cách đó gần hay xa. Cao Hưng quay trở lại Bát Tiết Giản (Bát Giang) thì Diệc Hắc Mễ Thất lại được báo rằng từ đêm hôm sau, quân giặc đã xuất hiện, nên đòi Cao Hưng nhanh chóng đến Ma Nhạ Ba Hiết (Võ Đắt).

"Ngày 7, quân Cát lang, chia thành ba hướng đánh Thổ Hãn Tất Đồ Gia.

“Ngày 8, Lê Minh [], Diệc Hắc Mễ Thất, Tôn Tham Chính được vạn hộ Lí Minh [李明] tháp tùng tiến tới theo hướng Tây Nam (so với Ma Nhạ Ba Hiết = Võ Đắt); nhưng không gặp giặc. Cao Hưng và vạn hộ Thoát Hoan theo con đường phía Đông Nam của Võ Đắt, đánh nhau với giặc, giết mấy trăm người; số còn lại bỏ chạy tản mác trốn trong các hang núi.  Giữa trưa,  giặc lại xuất hiện ở con đường phía Tây Nam (của Võ Đắt), Cao Hưng đánh chúng lần nữa tiến đến tận Phủ/Bô [Pou ] (nay là Pat, trên vùng sông La Ngà [Da Lagna]) và chúng lại bị đánh thua lần nữa.

 "Ngày 15, quân ta chia thành ba ngã đánh Cát Lang (Di Linh) và hẹn ngày 19 sẽ tiến hành việc phối hợp tại Đáp Hà [Taha荅哈] (nay là Tola trên vùng sông La Ngà)[18] khi nghe tiếng pháo thì cùng nhau trận. Bọn Thổ Hổ Đăng Ca đem quân thủy ngược dòng nước (sông La Ngà) đi lên, bọn Diệc Hắc Mễ Thất theo đường phía Tây Nam (của sông), bọn Cao Hưng theo đường phía Đông mà đi, quân của Thổ Hãn Tất Đồ Gia theo sau.

 "(Thực tế) vào ngày 19, họ mới đến Đáp Hà (= Tola). Vua Cát Lang (Di Linh) thống lĩnh khoảng 100 .000 quân đến khiêu chiến, từ giờ Mão [] (5h - 7h sáng) đến giờ Mùi [] (1h - 3h chiều), đánh liên tiếp ba trận; giặc bị thua, chạy trốn tan tác; số buộc phải chạy xuống sông chết đuối lên đến hàng chục ngàn; số bị giết khoảng 5 000. Vua nước này chạy vào trong thành (Di Linh) để chống giữ, quan quân bao vây thành, và chiêu dụ ông ta ra hàng. Tối hôm đó, vua của nước này là Hà Chỉ Cát Đương (Ha-tche-ko-t'ang) rời thành ra hàng, nhận được đảm bảo rằng sẽ có lệnh hoàng đế cho ông trở về vương quốc của mình.

 “Ngày 2 tháng thứ 4 (tháng 5/1293), Thổ Hãn Tất Đồ Gia được cho phép trở về nước (Trảo Oa) để chuẩn bị đồ cống nạp (cho Hoàng đế); vạn hộ Niết Chỉ Bất Đinh (Nie-tche-pou-ting ), Cam Châu Bất Hoa  được phái dẫn 200 quân theo theo hộ tống.

“Ngày 19, Thổ Hãn Tất Đồ Gia làm phản bỏ trốn[19], để cho quân lính của mình chống trả thay. Niết Chỉ Bất Đinh, Cam Châu Bất Hoa và quan chức tỉnh (Phúc Kiến) Phùng Tường (Fong Siang) đều bị hại chết (do bị phục kích).

“Ngày 24 quân ta quay lại; dẫn theo Hà Chỉ Cát Đương với vợ con và hơn trăm người, cùng bản đồ địa dư, hộ khẩu, thư tịch, tờ biểu viết chữ bằng vàng thuyết phục xin được cho về để trình cho Hoàng đế.

“Chi tiết chuyến chinh phạt này có thể  xem trong truyện Sử Bật, Cao Hưng (trong Nguyên sử).”



Những chi tiết bổ sung sau đây được đặc biệt lồng vào phần Địa chí nước Qua Oa trong cuốn Tân Nguyên sử [新元史] xuất bản gần đây.

“Qua Oa [Koa-wa 瓜哇][20] nằm bên ngoài của đế quốc, còn xa hơn Chiêm Thành, nhưng tên của nó không ghi trong sử sách nào của chúng ta[21]. Từ nam Tuyền Châu đi bằng đường biển thì đến Chiêm Thành trước rồi mới đến nước này[22]. Không thể xác minh phong tục cùng sản vật ở nước này là gì.

 “Thế tổ lo lắng tới việc mở rộng quyền cai trị của mình lên tất cả các dân tộc Đông Dương[23] nhưng ông thấy rằng cuộc đem quân đi đánh Qua Oa sẽ khó khăn hơn nhiều so với tất cả những lần phái quân ra nước ngoài trước đây. Năm 1280, chiếu chỉ đầu tiên về nước này được ban ra; năm 1286, bọn Tất Lạt Man [Pi-la- man] được phái đến Qua Oa, từ đó sứ giả hai bên qua lại không ngớt; sau đó Mạnh Kì được sai cầm chiếu lệnh đến đó, bị vua nước này thích chữ lên mặt. Khi viên sứ giả này trở về Trung Quốc, Hoàng đế nổi giận và lập tức quyết định cất quân đi đánh Qua Oa.

 “Lệnh hoàng đế tháng 3 năm 1292 cử cùng lúc Sử Bật, Cao Hưngvà Diệc Hắc Mễ Thất vốn là các quan tỉnh Phúc Kiến, sẽ gôm về tỉnh này tổng cộng 20 000 quân của hai tỉnh Giang Tây và Hồ Quảng; cấp 1 000 tàu biển; lương thực cho một năm; cùng với 100 lệnh phù gồm phù hổ, phù vàng và, phù bạc dùng để thưởng cho những người có công.

 “Quân sĩ, sau khi tập trung tại Tuyền Châu, khởi hành từ bờ bắc của sông; gió thổi điên cuồng, sóng to sủi bọt làm thuyền lắc lư như đưa võng; quân sĩ mấy ngày không ăn uống được. Vượt qua biển Thất Châu [Ts’i-cheou (Thất Châu Dương)][24] có rạng Thạch-Đường [Che-t’ang 石塘] dài hàng ngàn lí; cuối cùng đi qua biên giới giữa Giao Chỉ [Kiao-tche] (= Tonkin [Bắc Kì]) và Chiêm Thành (= Annam).

"Tháng giêng năm sau (tháng 2/1293), đội thuyền đến Đông Đổng [Tong-tong (hòn Hài)], Tây Đổng [Si-tong (hòn Đồ Nhỏ)] (Nha Trang), đảo Ngưu Khi [Nicou-Ki] (Cam Ranh?), rồi vào biển lớn Hỗn Độn [Hoen-toen][25], và đổ bộ lên bờ ở đảo Cảm Lãm [Kan-lan] (Phú Điền ?), các núi Giả Lí Mã Đáp [Kia-li ma-ta], Cấu Lan (Phan Thiết?)[26] và nhiều núi khác, tạm thời đóng quân ở đó; rồi đốn cây làm thuyền nhỏ để luồng sâu hơn vào phía giặc.

“Sau đó, bọn quan lại cấp dưới [ở Qua Oa] Dương Tử, Toàn Trung Tổ được sai dẫn khoảng 500 người[27] đi trước đến trấn an và và cảnh báo (người của ta ở tại Qua Oa); sau đó đại quân theo sau tiến lên (bằng đường biển) tới tận cửa Cát Lợi (Vịnh Gành Rái).

 “Khi đến vùng Đỗ Tịnh Túc (Bà Rịa) thuộc Qua Oa, bọn Sử Bật bàn nhau chia quân thuỷ, lục cùng đánh. Sử Bật thống lĩnh bọn đô nguyên soái Na Hải đem quân thủy, từ Đỗ Tịnh Túc, vượt qua cửa lạch Nhung Nha Lộ, đến Bát Tiết Giản (Bát Giang). Cao Hưng cùng Diệc Hắc Mê Thất đem quân kị, bộ đi từ Đỗ Tịnh Túc (Bà Rịa) theo đường bộ.

“Bọn phó nguyên soái Thổ Hổ Đăng Ca được sai đi thuyền mũi nhọn, theo đường (lạch) Nhung Nha Lộ đến cầu nổi ở Ma Nhạ Ba Hiết[28] [Võ Đắt].

“Qua Oa lúc đó đánh nhau với nước láng giềng, vương quốc Cát Lang (Di Linh); vua nước này bị hoàng tử của Cát Lang là Hà Chỉ Cát Đương giết chết, con rể (của nạn nhân) là Thổ Hãn Tất Đồ Gia đánh Cát Lang nhưng không thắng, rút về nương náu ở Ma Nhạ Ba Hiết. Nghe tin bọn Sử Bật đến, ông ta đem dâng xứ sở với núi sông, nhà cửa và người dân nước mình, cùng với bản đồ nước Cát Lang đến xin hàng.

Trước tiên, Dương Tử, Toàn Trung Tổ được lệnh dẫn bọn Tể tướng của (của Qua Oa) là Tích Lạt Nan Đáp Trá Gia (Si-la-nan-t’a-tcha-ye) cùng với 50 người của ta đến đón đại quân lúc đó đang tập trung trên sông Bát Tiết (Bát Giang). Sông này phía thượng nguồn chảy ngang qua rất gần vương phủ Đỗ Mã Ban (vua phía Tây, hay vua nước Qua Oa), còn phía hạ lưu dẫn đến biển lớn Bồ Bôn (tiếp giáp bờ biển phía Nam của bán đảo An Nam); do đó nó là chìa khóa mà Qua Oa phải nắm giữ. Một mưu thần (của Qua Oa) Hi Ninh Quan lo việc phòng thủ (Bát Tiết Giản) neo thuyền dọc theo sông đứng chờ xem kết quả được, thua, ba lần được chiêu dụ mà ông ta không hàng. Khi đó một trại có hình bán nguyệt được cho lập ven bờ sông; vạn hộ Vương Thiên Tường được cử ở lại đó giữ bến sông, rồi bọn Thổ Hổ Đăng Ca dẫn quân thủy, lục cùng tiến (về phía Nam). Kinh sợ, Hi Ninh Quan bỏ thuyền trốn đi lúc đêm tối, quân ta lấy được thuyền đầu quỷ hơn trăm chiếc; rồi đô nguyên soái Na Hải được lệnh giữ cửa biển Bát Tiết Giản.

“Đại quân đang tiến (nhưng về phía Bắc) thì Thổ Hãn Tất Đồ Gia sai sứ giả đến báo cáo láo rằng hoàng tử của Cát Lang truy đuổi bám sát ông tới Ma Nhạ Ba Hiết (Võ Đắt), vì thế cầu xin quan quân cứu dùm ông ta.

“Diệc Hắc Mê Thất tin theo, trước tiên sai đô nguyên soái Trịnh Trấn Quốc dẫn quân đến Chương Cô (= Tracu) để cứu ông ta. Cao Hưng đến Ma Nhạ Ba Hiết (Võ Đắt);, thì được báo rằng không biết quân của Cát Lang cách đó gần hay xa, Cao Hưng quay lại Bát Tiết Giản (Bát Giang),  ở đó được quân dọ thám báo rằng quân giặc sẽ đến vào ban đêm, cũng như lần trước ông vội vả đến Ma Nhạ Ba Hiết (Võ Đắt).

 “Trên thực tế, không chút chậm trể quân Cát Lang chia ba hướng tiến đến đánh. Diệc Hắc Mễ Thất với vạn hộ Lí Minh đón giặc ở phía Tây Nam (Võ Đắt), nhưng không gặp. Cao Hưng với vạn hộ Thoát Hoan tiến về phía Đông Nam (Võ Đắt) gặp chúng giao chiến, giết chết và làm bị thương hàng trăm tên; bọn còn lại bỏ chạy lẫn khuất trong các hang núi. Thình lình giặc từ phía Tây Nam tràn đến, Cao Hưng đánh lần nữa và tiến đến Phủ/Bô (= Pat), lại đánh chúng thua chạy.

 “Sau đó, quân ta chia thành ba cánh đi đánh Cát Lang, Thổ Hổ Đăng Ca đem quân thủy ngược dòng (La Ngà) đi lên, Diệc Hắc Mê Thất theo đường phía Tây (của sông), bọn Cao Hưng theo đường phía Đông; Thổ Hãn Tất Đồ Gia đem quân của chính mình theo sau, hẹn hội quân ở thành Đáp Hà (= Tola). Vua của nước Cát Lang (Di Linh) đem hơn 100 000 quân đến chống, đánh ba trận, quân giặc thua, tan vỡ, người bị rơi xuống sông chết rất nhiều. Sau đó quân ta tiến đến bao vây thành này. Buổi chiều hôm đó, Hà Chỉ Cát Đương ra hàng, vợ con cũng bị bắt làm tù binh.

 “Thổ Hãn Tất Đồ Gia xin về để chuẩn bị biểu xin làm chư hầu, đồng thời cống nạp đồ trân quý lấy được của kẻ thù; vạn hộ Niết Chỉ Bất Đinh, Cam Châu Bất Hoa thống lĩnh 50 quân hộ tống ông ta. Đi nửa đường, hắn làm phản giết hai sứ giả rồi bỏ trốn; sau đó tập hợp quân binh đến đánh quân ta.

“Bọn Sử Bật vừa đánh vừa lui 300 dặm (lí), lên được thuyền, đi 68 ngày đêm, đến Tuyền Châu, quân sĩ chết hơn 3 000 người. Hoàng đế tỏ ra giận dữ xét rằng bọn Sử Bật đã có hành động đáng chê trach khi cư xử dễ dãi với bọn giặc (Qua Oa), phạt đánh đòn cả bọn.”


“Phần địa chí trongTân Nguyên sử liệt kê tiếp các sứ giả mà Qua Oa đã cử tới triều đình Trung Hoa kể từ đó, tức là vào các năm 1295, 1297, 1325, 1328, 1332, và 1363; sau đó nó kết thúc với mô tả ngắn sau đây, đủ để thấy gần như mô tả trong Địa chí Xà Bà [闍婆] ở Tống sử (q. 489, tr. 15 và 16) cho thấy rằng phần địa chí này đã cung cấp tất cả các đặc điểm, nguồn gốc "Côn Lôn", sản vật phong phú, vị trí gần biển, vv:

“Nước này bằng phẳng, thích hợp cho việc trồng lúa, cây gai dầu, kê nếp, đậu, nhưng không sản xuất trà. Nước biển đun cho bốc hơi để làm ra muối. Nước này sản xuất vàng, bạc, tê giác, ngà voi, giấy, gỗ đàn hương, hoa hồi; người ta cũng nuôi tằm dệt lụa. Nhà đẹp, phần lớn trang trí với vàng hoặc ngọc bích. Họ cắt lá bạc để làm tiền. Rượu vang, được làm với quả trầu (? 段哧丹樹 đoạn hách đan thụ), rất thơm ngon. Tục lệ ở đây có tên mà không có họ. Nhà vua là hình mẫu về cách búi tóc, ông đeo chuông vàng, mặc áo dài lụa hoa, đi giày và dép da.Ông ngồi trên ngai vàng có chạm trổ. Quan lại hoặc sứ giả tới yết kiến vái ba lần rồi lui ra. Khi gặp vua, người dân, tránh ra và quỳ xuống để tỏ sự kính trọng, chờ khi ông đi qua xong mới đứng dậy trở lại.”



Phân tích các tài liệu này: một trong những đặc điểm đầu tiên, không kém nổi bật nhất là khoảng cách khá ngắn đi từ Phúc Kiến đến Qua Oa, điều này gây chú ý những nhà biên tập Địa lí (nhà Thanh) “Theo Nguyên sử thì năm Chí Nguyên thứ 28 (1292-1293), đoàn quân chinh phạt rời Tuyền Châu tháng 12 (tháng 1/1293) đã tới nước này vào tháng giêng năm kế (tháng 2/1293); như vậy nước này chỉ cách đó khoảng một tháng đi thuyền, có vẻ không phải là quá xa.”[29]. Quả thế, không nghi ngờ chút nào là thời gian một tháng này hoàn toàn không đủ cho một đoàn thuyền, đi chung với nhau và buộc phải đi dọc theo bờ biển, từ Tuyền Châu (Zayton) để tới Java (hiện đại), trong khi để đến được đảo Sumatra không xa bằng, Marco Polo phải mất hơn hơn một tháng rưỡi (chính xác 4 790  dậm, hoặc 48 ngày)[30] theo tuyến đường thương mại thông thường.

Còn về tuyến đường G. Gerini đề xuất[31], đi dọc theo bờ biển phía tây Borneo, cần phải suy nghĩ thêm, không những vì tuyến đường này không ngắn hơn tuyến đường trước chút nào mà nhất là vì Nguyên sử không nêu ra địa danh quan trọng nào giữa Chiêm Thành (An Nam) và Qua Oa; không nói rằng đội thuyền Trung Quốc đã vượt qua [ (quá)] biển Hổn Độn (biển Đông) mà chỉ chỉ đi vào [ (nhập)] trong biển này: Có khả năng là tuyến đường biển phía tây Borneo này cho tới thời hiện đại mới được biết đến , bởi vì các tác giả Trung Quốc và các nhà địa lí Ả Rập tuyên bố chắc nịch rằng tàu thuyền phải không được rời khỏi bờ biển bán đảo An Nam nếu không muốn bị đắm tàu. Và P. Amiot[32] lưu ý, trong Notice sur le Koa-wa (Lưu ý về Qua Oa)Từ Phúc Kiến đi Qua Oa, xuống thuyền ở phủ Tuyền Châu, đi về phía Nam, sau một tháng sẽ đi ngang qua Chiêm Thành và tới đó’. Ông nói thêm hơn chút nữa "Các tàu từ Phương Tây tới Trung Quốc từng chạy ven bờ nước này trong một thời gian".

 Cuối cùng, từ thông tin do P. Mailla dịch rằng trong số các hòn đảo (đảo hoặc núi) Cảm Lãm (Kan-lan), Giả Lí Mã Đáp (Kia-li-ma-ta) và Cấu Lan (Keou-lan), địa phương cuối này được đặt dưới sự kiểm soát của Chiêm Thành, nên ta có thể kết luận rằng hai địa danh đầu cũng vậy vì được gặp trước, và cả ba phải nằm tại lối vào biển Hổn Độn, tức là phía Tây Nam và không xa mũi Dinh (Padarang). Do đó chúng tôi cũng đi men theo bờ biển Nam Kì giữa mũi Dinh và mũi Vũng Tàu (cap St Jacques); đây là nơi mà Marco Polo đã tiếp xúc với Java lớn, đây là nơi mà đoàn quân đi chinh phạt của Hốt Tấn Liệt (Khubilai) đổ bộ lên bờ trước tiên để làm thuyền nhẹ ở đó giúp họ đi theo kênh Nhung Nha Lộ và sông La Ngà, tức là đi vòng quanh Qua Oa và đưa họ đến phía sau.

Việc này đặt ra kế hoạch chiến dịch rất dễ thực hiện theo: Một cuộc đổ bộ lên bờ bên ngoài mũi Dinh và dưới mũi Kê Gà không những để tu sửa đội thuyền và đóng các thuyền nhỏ mà còn để cảnh báo các quan lại Trung Quốc vẫn còn ở Bát Giang và bảo họ rút lui đến một nơi được hẹn trước; cánh quân được phái cho mục đích này; không thể đi lên thung lũng sông Bát Giang vốn được canh giữ rất kĩ; nên phải đi từ Phan Thiết hoặc một địa điểm lân cận.

Đoàn thuyền sau đó tiếp tục đi đến vịnh Gành Rái và đến Bà Rịa rồi thực hiện một cuộc đổ bộ thứ hai ở đó, quân sĩ được chia nhỏ, và kế hoạch tấn công không còn phối hợp với nhau. Cánh tiên phong tiến tới bằng đường thuỷ theo một con lạch, chắc chắn ở xa về phía đông nhất, được gọi là Nhung Nha Lộ; sau đó họ đi vào sông La Ngà cho tới Võ Đắt; từ đó họ đi theo nhánh sông bên trái bằng bè, vượt qua (có thể bằng đường thuỷ) chỏm núi Gia Lao, và đến Bát Giang, cánh đi trực tiếp từ Phan Thiết cũng tới đó cùng một lúc.

Một bộ phận của đoàn quân tiên phong tiến bằng đường thuỷ tới Bát Giang, trong khi kị binh và bộ binh đến đó bằng đường bộ. Bát Giang trở thành căn cứ cho các hoạt động của quân đội Trung Quốc; một trại cố thủ được thiết lập, kế đó quan tâm chính là trấn giữ sông Bát Giang trên suốt chiều dài của nó. chạy ra tới biển.

Như vậy sau khi nắm giữ được vị trị then chốt của Qua Oa, quân Trung Quốc thấy cần theo đuổi mục tiêu khác, đó là đẩy lùi quân Cát Lang, xuống đến vùng phụ cận của Võ Đắt (Voduoc). Sau khi đánh bại giặc trong nhiều cuộc chạm trán, họ tới thung lũng sông La Ngà, qua Phủ/Bô (Pat), tới tận Đáp Hà (Tola); ở đó họ đánh nhau với chính vua Cát Lang cùng bọn tuỳ tùng. Bị thua, nhà vua lui vào thành Di Linh khoá chặt cửa, sau đó vội vã ra đầu hàng.

Như vậy hai tài liệu chính thức Trung Quốc Cựu và Tân Nguyên sử cho phép khẳng định vùng La Ngà là địa bàn của các hoạt động chính, và kết luận này được xác nhận bởi việc xác định nước Qua Oa chính là nướcXà Bà cổ mà chúng tôi sẽ đưa ra ở chương sau. Chúng tôi thực hiện việc xác định [vị trí các nước] chưa thật đầy đủ,  trong khi những người đi trước chúng tôi, những người đặt chuyến chinh phạt năm 1293 của Trung Quốc vào trong Java hiện đại, trái lại xác định rất chính xác; hết sức chính thức. Những địa danh Cảm Lãm (Kan-lan), Giả Lí Mã Đáp (Kia-li-ma-ta), Cấu Lan (Keou-lan), Đỗ Tịnh Túc (Tou-Ping –tchou), Ma Nhạ Ba Hiết (Ma-je-pa-hie), mà chúng tôi tìm kiếm vô vọng ở Nam Kì, họ lại tìm ra chúng trong các vùng lân cận bên trong Java hiện đại. Có phải điều này có nghĩa rằng, không tính đến những phản bác rất nghiêm trọng mà việc đọc Nguyên sử cho thấy, chẳng hạn việc gần gủi với Chiêm Thành (An Nam), thời gian không lâu của chuyến đi, sự có mặt một hệ thống cai trị của Trung quốc đã thành lập ở Qua Oa vv, chưa kể khó có khả năng xảy ra việc phái một đoàn quân chinh phạt tới một nước ở xa tận Java hiện đại mà Trung quốc chưa bao giờ có quan hệ chính thức, có thể tìm được ở đó một cách giải thích tốt hơn cho các hoạt động hay không? Không chút nào; và chúng tôi sẽ chứng minh:

a.Trước hết chúng ta hãy lấy Ma Nhạ Ba Hiết (Ma-je-pa-hie), theo W. W. Rockhill, người dịch cuốn Mã Hoan[33]: “Thành này là kinh đô của đất nước, nằm ở phía Tây Nam Chương Cô, cách nửa ngày đi bộ, Chương Cô cũng ở ven biển": Thế mà theo Nguyên sử, Ma Nhạ Ba Hiết không phải là kinh đô của Qua Oa và nằm cách xa bờ biển;Chương Cô nằm về phía thượng nguồn hơn, trên cùng một con sông, nghĩa là còn xa biển hơn nữa; cuối cùng về mặt chính tả trong Mã Hoan, tức là ‘Mãn Giả Bá Lại’ [满者伯吏 (Man-tche-pa-i)] thay cho Ma Nhạ Ba Hiết,Chương Cô’ [Tchang-kou]  viết là 漳沽thay vì 章孤, không phải là những tên ghi trong Nguyên sử; do đó mọi thứ làm tin rằng đó không nói về cùng những địa phương.

b. Núi Câu Lan 勾欄, được Uông Đại Nguyên nêu như là nơi cung cấp gỗ đóng thuyền nhẹ cho đội tàu Trung Quốc, được Phí Tín viết là Giao Lan 交欄 và đặt nó cách núi Linh của Chiêm Thành 10 ngày theo đường biển; một khoảng cách quá ngắn vào thời đó, sao lại đi tìm nó ở đảo Geram?[34]

c. Nguyên sử nói sông Bát Tiết Giản (Pa-tsie-kien), là cổ họng, chìa khóa của Qua Oa, còn kinh đô nằm về phía thượng nguồn của nó; tuy nhiên, quân Trung Quốc không phải đi ngang qua thung lũng sông này để xâm nhập vào Qua Oa: họ đi theo một đường vòng dài qua cửa Cát Lợi, Đỗ Tịnh Túc, Ma Nhạ Ba Hiết; một bộ phận cũng đến Qua Oa theo các con sông bên trong. Một mạng lưới như thế có thể có ở Java hiện đại không? Các kinh đô ở đó có luôn nằm ở phía trên cùng của thung lũng không? Nếu muốn đồng nhất Bát Tiết Giản với sông Brantas chảy tới Soerabaja thì Ma Nhạ Ba Hiết hay Majapahit không thể nằm trên con sông này, do đó, theo Nguyên sử; hoặc Majapahit không phải là kinh đô, và kinh đô này không nằm trên con sông vốn là chìa khóa, bế tắc không lối thoát. Bên cạnh đó, khi theo con sông Majapahit, phải đi qua các thành phố Bô [Pou], Đáp Hà [Ta-ha], trước khi đến kinh đô của Cát lang. Kinh đô này do đó phải nằm trên dãy núi đi xuyên qua Java từ Đông sang Tây; nó chỉ có thể ở phía Nam của Qua Oa, mà điều này mâu thuẫn với các tác giả nhà Minh, phân biệt vua Tây và vua Đông ở Qua Oa.


(Nhiều chi tiết trong Nguyên sử không phù hợ̣p nếu đồng nhất Ma Nhạ Ba Hiết là Majapahit ở Java (Indonesia) [bản đồ trên wikipedia] - ND)

Chúng tôi không phủ nhận rằng hầu hết các điạ danh được những người đi trước chúng tôi tìm thấy ở Java hiện nay không được rút ra từ những cái tên được nêu trong Nguyên sử, ví dụ như Majapahit, Kalimmata, Crimon, Pa-tsie-na-kien, P'ou-pen, Tu-pan, Tchang-kou, chúng tôi chỉ nói rằng điều này không đủ để kết luận rằng chúng chỉ cùng địa điểm. Chắc chắn rất tò mò nhận ra chúng ở đó, và phải tin rằng chúng đã được nhập từ Nam Kì vào, sau những đợt di cư mà chúng tôi vẫn không biết diễn ra như thế nào cũng như khi nào, nhưng kéo dài sự hoạt động qua bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nơi mà một số trong những địa danh này có thể được tìm thấy, các đợt di cư trong mọi trường hợp là khá muộn và không thể trước thời nhà Đường (AD 618- 907) bởi vì, như chúng ta sẽ thấy sau này, tất cả những gì được sử sách triều đại này nói về các nước ở biển Đông, và đặc biệt là địa danh Ha Lăng hoặc Xà Bà chỉ áp dụng cho Đông Dương. Và sau này, khi các tác giả thời nhà Minh đặt ở Indonesia những tên mà dưới thời Đường và Tống thuộc về Đông Dương thì họ thường chuyển cho chúng những đặc điểm sao chép từ sử sách của các triều đại trước, nhưng không còn ăn khớp với vị trí mới: từ đó gây lúng túng cho chúng tôi trong việc giải thích, và từ đó buộc chúng tôi phải cẩn trọng trong nghiên cứu này dựa càng ít càng tốt vào các tác giả sau thời nhà Nguyên.

Những cân nhắc này của chúng tôi được gợi ra từ những đoạn trích của Uông Đại Uyên [汪大淵], Mã Hoan vv, được WW Rockhill công bố dưới tiêu đề Notes on the relations and trade of China... (Ghi chú về các mối quan hệ và thương mại của Trung Quốc....), TP năm 1914 và 1915, và cũng từ Notice (Lưu ý) của P. Amiot, 1, c, t. XIV, tr. 101-111, mà dường như rút ra từ cùng các tác giả. Trong quyển sau, nhiều đặc điểm áp dụng cho Nam Kì, những đặc điểm khác cho Java hiện đại; chúng tôi sẽ nêu ra một số trong những đặc điểm đầu như sau:

"Người ta phân biệt có ba loại người sống trong vương quốc này: 1) người nước ngoài từ phương Tây ...; 2) người Trung Quốc vốn định cư ở đó từ thời nhà Đường, và đã chấp nhận đạo Hồi, và những người này được gọi là người Đường[35]. Họ buôn bán và đi thuyền dọc theo bờ biển; 3) Cuối cùng là người bản địa, họ trông không có gì giống với hai loại người mà tôi vừa đề cập ... Chính vì vậy họ được nói trong một cuốn sách làm thời nhà Tống.

“Trong một cuốn sách làm thời nhà Minh có nói ... rằng ở đó không có trộm cướp, cũng không có tội phạm, và nếu ai đó đánh rơi một cái gì đó, không ai nhặt lấy làm của. Cụm từ Thái Bình Xà Bà 太平闍婆 (Xà Bà là tên cũ của Qua Oa) trở thành một tục ngữ.


“ ‘Nhất thống chí’ ghi rằng trong vương quốc Qua Oa có một con sông gọi là Bát Tiết Giản chảy từ vương phủ Đỗ Mã Ban (= vua phía Tây) cho đến Bồ Bôn là chỗ cửa sông. Đây là nơi mà quân Mông Cổ muốn xâm nhập nước này vv ...".

 Đoạn sau đây của Phí Tín [Fei-Sin] (thế kỉ XV) do những người ủng hộ Java hiện nay gợi ra; nhưng tác giả này gọi nó là Trảo Oa [ ], trong khi ông dùng tên Xà Bà [闍婆] cho nước mà quân của Hột Tấn Liệt đi chinh phạt. Vì vậy, ông xác lập sự phân biệt giữa hai địa danh này, và  đối với ông, Xà Bà không phải là Java (hiện đại). Chúng tôi sẽ cung cấp thêm nhiều bằng chứng sau này, nhưng trong đoạn vừa nói của Phí Tín mà G. Schlegel sao chép và dịch lại, không có chỗ nào cho phép sự nhầm lẫn này:

“Dưới triều đại phiên Nguyên, các tướng Cao Hưng và Sử Bật được lệnh chỉ huy một đội quân rất đông xuống nhiều thuyền lớn đi chinh phạt Xà Bà [闍婆]. Sau khi trải qua một cơn bão, họ đến chân núi Giao Lan 交闌山 , hầu hết tàu thuyền đều bị hư hỏng. Sau đó, họ lập trại trên núi này, đóng một trăm thuyền và tiếp tục cuộc chinh phạt Xà Bà; sau khi bắt được thủ lãnh nước này, họ quay trở về Trung Quốc. Ngày nay ở nhiều nơi ở đó vẫn còn thấy người Trung Quốc trộn lẫn với dân bản địa; bởi vì vào thời kì đó, hàng trăm bệnh binh của chúng ta bị bỏ lại để chữa bệnh không thể trở về xứ sở được, họ để lại con cháu của họ ở đảo này."[36]


CHÚ THÍCH:



[1] Bản gốc dùng hải ngoại 海外, đó là phản nghĩa của hải nội 海內; vì từ này thường được sử dụng để chỉ đế chế Trung Hoa, nghĩa là tất cả các vùng lãnh thổ bao gồm bên trong biên giới của nó, từ kia áp dụng cho các nước bên ngoài.
[1] Lưu ý là nước được chọn là để đối chiếu; tuy nhiên tên được chọn không phải là Borneo, bán đảo Malacca hay đảo Sumatra, vốn sẽ chỉ ra rõ ràng hơn nếu đội thuyền Trung Quốc được phái tới Java hiện đại, mà lại là Chiêm Thành, tức là An Nam hiện nay. Câu trong bản gốc như sau 視占城益遠 (thị Chiêm Thành ích viễn), dịch theo nghĩa đen là” ‘so với Chiêm Thành nó ở xa hơn’.
[1] Cấu Lan 构欄, biến thể là 勾欄 (Câu Lan) không phải là một đảo, vì ta đi từ địa điểm này để đến kinh đô của Trảo Oa vốn nằm gần Bát Giang (Atlas A. Pavie, pl. V, kinh 105° 14 ';. vĩ 10° 56'). Mailla (Hist. gén. De la Chine, t IX, tr. 452) nói Cấu Lan thuộc vương quốc của Chiêm Thành (= Annam), điều này là hoàn toàn chính đáng bởi vì do bị Bắc Kì và Trung Quốc đẩy lùi về phía nam, Chiêm Thành phải tiến hành đấu tranh dai dẳng với Chân Lạp (nay là. Campuchia) để giành quyền sở hữu phần phía nam bán đảo An Nam.
Tân Nguyên sử, q. 253, tr. 12. v°, cung cấp các chi tiết sau: “Ở đó nhiệt độ ấm áp; người dân làm nghề săn bắn. Nguyên từ đầu triều đại, Sử Bật dẫn quân chinh phạt.Qua Oa 瓜哇 (= Trảo Oa) đã bị gió làm tấp dưới chân núi và tất cả các tàu thuyền bị hư hỏng; may mắn có một chiếc thoát được thảm họa, và vì hàng hóa chỡ theo tất cả chỉ là đinh và vôi, vì thấy trên núi có rất nhiều cây, quân triều đình đã đóng hơn chục chiếc thuyền, còn cột buồm, bánh lái, vv, thì không thiếu. Khoảng 100 người bị bệnh không thể đi xa hơn phải để lại ở đó, và cho đến ngày hôm nay, người Trung Quốc và người bản địa vẫn sống xen kẽ ở đó. – Cf. Thông báo (T'oung-pao), 1915, tr. 161.
[1] Sách ghi là bản tỉnh 本省, nghĩ là chính quyền của Phúc Kiến, chịu trách nhiệm tổ chức cuộc chinh phạt và chính quyền cấp dưới tại Trảo Oa 爪哇等處宣慰司 (Trảo Oa đẳng xử tuyên úy ti) gắn với nó. Chi tiết này cho thấy rõ rằng có một hình thức chính quyền phôi thai của Trung Quốc tại Trảo Oa.
[1] Cát Lợi môn có thể chính là vịnh Gành Rái, vì nó được nói ở Tân Nguyên sử, q. 253, tr. 10 v°: “Hà Lai Vật (Xiá lái wù遐來物) là một cách gọi khác của Cát Lợi môn (Jílì mén吉利門). Vào thời 'Chí Nguyên' (1236-1294), đại quân phái đi chinh phạt Qua Oa (= Trảo Oa), sau khi đi từ núi Cấu Lan (Phan Thiết) tiến tới tận cửa Cát Lợi; khu vực này là chính là Hà Lai Vật Người ở đó thích chuyện ma thuật; đàn ông và đàn bà đều búi tóc; khi có người chết, xác được ướp với long não nguyên chất để không bị phân hủy trước khi làm đám tang.”
[1] Đỗ Tịnh Túc: chúng tôi không thể xác định được; nếu các thành phố hiện nay được xây dựng trên nền các thành phố xưa (có nhiều khả năng như vậy) thì phải tìm Đỗ Tịnh Túc phía Bà Rịa, tìm Ma Nhạ Ba Hiết ở Võ Đắt vì hoạt động của đội quân Trung Quốc bao gồm việc đi vòng Trảo Oa khi đi lên lưu vực sông La Ngà, nhánh trái của Đồng Nai, và vội vàng quay ngược về Bát Tiết Giản (Bát Giang) vốn là là chìa khóa của nước này, như cho thấy ở phần sau của câu chuyện này.
[1] Cao Hưng được nêu tên ở đây do nhầm lẫn vì ở đoạn tiếp theo, ông ta đi đường bộ với kị binh và bộ binh.
[1] Nhung Nha Lộ. – Con lạch này, chạy từ vịnh Gành Rái, phải dẫn thẳng đến sông La Ngà, hay ít nhất tới sông Đồng Nai. “Sau đó, tên nó bị biến dạng thành Trọng Ca La 重迦羅. Đất nước này sản xuất muối, và tất cả các loại cây trong đó có cây nam ; đất đai không tốt bằng Qua Oa (lưu vực hạ lưu sông La Ngà). Đàn ông và đàn bà đều búi tóc; không có tù trưởng cai trị ho, người già được kính trọng. Sử Bật thống lĩnh đoàn thuyền Trung Quốc đi theo lạch Nhung Nha Lộ để đi đến Bát Tiết Giản (Bát Giang) “- Tân Nguyên sử. q. 253, tr.11, vo.
[1] Bát Tiết Giản -Tên này dường như có nghĩa là 'tám con sông chảy siết' và gặp nhau tại Bát Giang (八江) hiện nay. "Đó là vùng đất thuộc nước Tiêm Sơn 尖山; nước này nằm trên một phần của Đông Dương. Do đó Tiêm Sơn là tên được đặt sau này cho Trảo Oa. . . Bát Tiết Giản sống không chừng mực. Đây là đất nước mà Sử Bật đi tới khi đi đánh Qua Oa (= Trảo Oa), khi ông vượt qua lối vào kênh Nhung Nha Lộ”. - Tân Nguyên sử, q. 253, tr.11, r.
[1] Ma Nhạ Ba Hiết (Ma-je-pa-hie) - Không có chỗ nào trong sách chỉ ra rằng thành này là thủ đô của Trảo Oa; Thành này có thể là vương phủ Đỗ Mã Ban (xem dưới đây, chú thích 11, trên sông Bát Tiết Giản (Bát Giang), bởi vì dân gốc Côn Lôn 崑崙, luôn chọn trung tâm của họ ở phía trên cùng của thung lũng. Điều đó cho phép nghĩ rằng Võ Đắt (Voduoc) là Ma Nhạ Ba Hiết bởi vì từ chỗ này sông La Ngà rẻ ra một nhánh trái dẫn đến Gia Lao (đỉnh 803), để sử dụng nhánh sông này, đội tàu Trung Quốc phải dùng bè (phù lương); có lẽ theo cách này để vượt qua đường phân thuỷ, nếu 'Gia' trong Gia Lao là một hia' (hạp: dòng nước hẹp) mở ra cho việc đi lại bên trong.
[1] Đỗ Mã Ban 杜馬班được Amiot nêu ra, Mem. concernant les Chinois (Kí ức về người Trung Quốc), t. XIV, p. 109, như là danh hiệu của vua Qua Oa phía Tây; nên ở đây phải là danh hiệu của vua Trảo Oa; vua phía Đông là danh hiệu của vua Cát Lang sắp được nói tới.
[1] Bồ Bôn 莆奔, có lẽ chỉ là biến dạng của Bàn Bàn 盤盤, một trong những nước chính của bán đảo An Nam vào thời nhà Đường. Biển Bồ Bôn chỉ là một phần của đại dương nằm dođc theo bán đảo giữa mũi Dinh (Padarang) và Vũng Tàu (St Jacques). Người dân Bồ Bôn rất dũng cảm; đàn ông buíi tóc, còn đàn bà cuộn tròn tóc; đây là nước mà biển Bồ Bôn lấy tên. -- Tân Nguyên sử, q. 253, p. 11 vo.
[1] HI NINH QUAN 希甯官chắc chắn chỉ là một biệt danh do phía Trung Quốc đưa ra để chỉ vị quan phụ trách việc phòng thủ; cụm từ này có nghĩa là [ông quan] lặng lẽ chờ, như được giải thích từ câu chuyện. Ông là người trấn giũ sông Bát Tiết Giản từ Bát Giang đến mũi Kê Gà, tức là, cổ họng, chìa khóa của Trảo Oa, chính vì vậy thoạt đầu các hoạt động quân sự chủ yếu vào hướng việc chống lại ông.
[1] Đầu quỷ ở đuôi các chiếc thuyền đối phương là một biểu tượng như chúng vẫn còn ở gắn trên những chiếc thuyền Trung Hoa ở tỉnh nhà của họ.
[1] Do đó quân đội Trung Quốc đã lấy được dễ dàng phần lớn nhất của Trảo Oa, chìa khóa chiến lược; phần còn lại của các chiến dịch sẽ được hướng về việc chống Cát Lang (= Di Linh) và thung lũng La Ngà sẽ là nơi diễn ra các hoạt động quân sự.
[1] CÁT LANG phải là một biến dạng của Ha Lăng 訶陵 (hay Ko-ling ) trong Đường thư; nó tương ứng với đầu phía đông của lãnh thổ bị nước này chiếm đóng.
[1] CHƯƠNG CÔ章孤 không thể tìm thấy ở phía hạ lưu Ma Nhạ Ba Hiết (Võ Đắt), nhưng không xa về phía thượng lưu, bởi vì đó là khu vực bị giặc chiếm của La Ngà. Tracu (Atlas A. Pavia. Pl V) đáp ứng tốt với Chương Cô về mặt vị trí, cũng có thể cả về mặt phát âm. Như vậy, Trịnh Trấn Quốc có thể tham gia vào hai trận đánh xảy ra ở phía tây nam và đông nam của Ma Nhạ Ba Hiết , các trận mà tiếp sau đó Cao Hưng sẽ tiến thẳng tới tận Phủ/Bô (= Pat), luôn trên vùng La Ngà.
[1] ĐÁP HÀ 荅哈 có thể nhận ra đầy đủ ở Tola hiện nay;mục tiêu này nằm ở phần của vùng La Ngà, nơi mà sông này chảy từ bắc xuống nam, điều này giải thích vì sao để đến đó, Diệc Hắc Mễ Thất phải theo con đường ở về phía tây, còn Cao Hưng theo con đường phía đông.
[1] Có khả năng làThổ Hãn Tất Đồ Gia đã trốn lánh về phía Bát Giang, trung tâm của nước này; từ đó ông ta quấy rối tuỳ thích quân Nguyên đang lui quân về thuyền của họ vẫn đậu ở vịnh Gành Rái, theo sông La Ngà và lạch Nhung Nha Lộ.
[1] QUA OA - Không có cơ sở để nói rằng Qua Oa là một dạng phát âm sai của Trảo Oa , Qua Oa chắc chắn là một hình thức cứng của Xà Bà 闍婆 được dùng thời nhà Nguyên; nó chỉ xuất hiện trong sử sách của họ cho đến năm 1282, tháng 7 (q.12, tr. 7), từ đó nó được thay thế bằng Trảo Oa ; được các tác giả nhà Minh dùng lại, chúng ta có thể xem như nó được người TQ dành riêng để chỉ Nam Kì, trong khi Trảo Oa chỉ dùng để chỉ Java hiện đại.
[1] Rõ ràng là những người biên tập Nguyên sử đã không để tâm tới việc đồng nhất Qua Oa với nước Xà Bà (hoặc Dja-va) 闍婆 xưa: Qua Oa được nhắc đến, được mô tả trong Sử sách của các triều đại xưa, kể từ triều Tiền Tống (420-479) đến triều Hậu Tống (960-1279), và khi thì dưới tên Xà Bà 闍婆, khi thì dưới tên Ha Lăng 訶陵 tuỳ thuộc vào việc nước này hay nước kia, là láng giềng nhưng khác nhau, ưu thế hơn.
[1] Có phải điều này gợi ý rằng giữa Chiêm Thành và Qua Oa không có nước đáng kể để nêu lên sao?
[1] Bản gốc ghi 世祖撫有四彞 (thế tổ phủ hữu tứ di [ lưu ý di viết là (dân thiểu số ở các vùng Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) chứ không phải trong tứ di (man, di ,nhung địch)- ND]), từ cuối cùng trong đó phải là táng vì cụm từ ‘tứ táng’ 四葬 quen dùng để chỉ 4 cách táng người chết được thực hiện ở Đông Dương trước đây, cụ thể là: 1) dìm trong nước (thuỷ táng); 2) đốt (hoả táng); 3) chôn trong đất (địa táng); 4) bỏ ngoài trời (điểu táng:: ). Bốn cách này được nêu trong Nam sử 南史 . Sử Phù Nam (xem Chí Nguyên , q. (sửu), tr. 114), và đã được dùng để chỉ toàn bộ Đông Dương.
[1] Biển Thất Châu (Thất Châu Dương).- ở đây từ này để chỉ phần của biển Đông bao gồm giữa Đông Nam Quảng Đông và An Nam [Trung Kì] hơn là vịnh Bắc Bộ; nó không có nguồn gốc tử Thất Châu 七洲 , từ lâu hợp thành Giao Chỉ (hay Bắc Kì). Atlas de Géographie historique, "Li-tai yu-di ..." (Lịch đại dư địa đồ....) (AD. 1879), bản đồ các nước ngoài dưới triều Nguyên đặt biển này trong vịnh Bắc Bộ và cho biết thêm rằng nó còn được gọi là "biển Cửu Châu" 九洲 (Cửu Châu Dương). Theo " Chí Nguyên", p. 18, là biển phía đông nam của huyện Van萬縣 [Hải Nam] mà tất cả những ai đi đến vùng biển phía Nam đều phải vượt qua. Trong phần đông bắc của nó, có các rạn san hô Trường Sa 長沙, Thạch Đường 石塘, và nhiêù rạn san hô khác nữa mà tàu thuyền nêncẩn thận tránh xa. Người ta nói rằng trong biển này, có chim hoa tiêu箭鳥 (tiễn điểu)i, thấy người đến chúng lập tức bay đến và dẫn đường cho họ.
Theo đó thì đội tàu Trung Quốc không vượt qua eo biển Hải Nam mà đi dọc theo bờ biển phía Tây của đảo này đến chóp phía Nam của nó; từ đó sẽ đi về phía biên giới Giao Chỉ và Chiêm Thành (nay là Quảng Nam), khoảng cách mà khi thuận gió có thể vượt qua trong một ngày ( Tân Nguyên sử , tr. 453, p. ar "). Đó là tuyến đường luôn phải đi theo, điều y như vậy đã được Giả [Cổ] Đam 賈耽chỉ ra từ thế kỷ VII, khi ông tính ba ngày đi từ đá tượng 象石 (Tượng thạch), Đông Nam đảo Hải-nan đến núi Tchan-pou-lan, tức Cù Lao Chàm. --- Cf P. Pelliot B.E.F.E. O. 1904, tr. 216. [những tảng đá có dạng tượng 象石 dường như rất tương ứng với các tượng trên bờ biển Poix mà không thể không vượt qua, theo nhà địa lý Ả Rập. Dimaski chỉ ra, ba tượng "tạc trong đá,với khuôn mặt đáng sợ ..." Xem G. Ferrand, Texte ... tr. 371.]
[1] Chúng tôi không biết các từ 'Đông Đổng’ và 'Tây Đổng' chỉ cái gì, nhưng sẽ không ngạc nhiên khi chúng tương ứng với hai đỉnh Trúc 東西竺 (Đông Tây Trúc = đỉnh thứ nhất, Mẹ và con; đỉnh thứ 2, Salacco), được Phí Tín và Minh sử nói đến [xem phiên bản của chúng tôi về "Livre de M. Polo, t. III, tr. 158, n° 2]. [Ghi chú trong bài chính là dựa theo việc tổng hợp tài liêu của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân – ND].
HỔN ĐỒN ở đây, chúng tôi tin rằng chỉ là sự biến dang của 'Côn Lôn' 崑崙, tên thường dùng cho biển Đông, đi từ phía tây nam của mũi Dinh (Padarang), và cũng có thể có dãy Trường Sơn ở phần phía nam, tên lấy từ dân 'Côn Lôn' sống trên bán đảo này.
[1] Điều làm cho chúng tôi nghĩ Phan Rí là Giả Lí Mã Đáp trước hết là phần Rí trong Phan Rí vốn có thể phiên âm giống như vậy cho từ bản địa Giả-li 假里, phần khác thuộc địa phương Ma dai' (= Ma-ta [Mã Đáp]) ở phía thượng lưu sông Bình Thuận.
Phan Thiết được biện minh bởi sự cần thiết phải chuyển núi Cấu Lan ra ngoài và bên dưới mũi Kê Gà, vốn dưới sự giám sát trực tiếp của Qua Oa.
Theo Edrisi (AD 1154), ‘kế bên đảo Djàwaga [hoặc là Qua Oa, hay đúng hơn là Chiêm Thành], chúng tôi tìm thấy một tên đảo khác tên là Karimada [= Jiǎ lǐ mǎ dá (Giả Lí Mã Đáp) theo Nguyên sử], mà cư dân có da đen [họ thuộc về chủng ‘Côn Lôn’, và từ này trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là 'người da đen', 'thuộc về hắc chủng'. – Chí Nguyên, q. (dần), tr. 145, § 4]. Họ được gọi là Narhin (ghi chú đưa ra biến thể là"Bumin" , đó có vẻ là phiên âm của 'Bồ dân’ , tức là ‘người dân Bồ’. (= người Côn Lôn). Họ mặc áo có tên là "Azar" và khố. Đây là một bộ lạc táo bạo và dũng cảm và đi luôn luôn mang vũ khí theo. Đôi khi họ xuống thuyền và đi tấn công các tàu buôn và cướp hàng hoá trên tàu. Họ chỉ cho đồng bào của họ vào nhà, và không sợ kẻ thù "-.. G. Ferrand, 1 c, tr 176.
[1] Đoạn tương tự được chỉnh lại rõ ràng hơn là trong Cựu Nguyên sử, vide supra (xem bên trên.)
[1] Cách diễn giải này bị bác bỏ vì nó ngụ ý rằng Ma Nhạ Ba Hiết là đích đến, rằng sông Bát Tiết Giản chính là sông La Ngà. Cựu Nguyên sử không nói về cầu nổi 浮橋 (phù kiều) mà chỉ nói về chỉ (phù lương), được dùng ở thượng nguồn của Ma Nhạ Ba Hiết [Võ Đắt] để đến Bát Tiết Giản [Bát Giang].
[1] G. Pauthier, 1. c., tr. 560, chú thích.
[1] Để có con số 4 790 dặm, chỉ cần cộng thêm vào tổng số 1 790 đề cập ở trên, tr. 2, khoảng cách 1 500 dặm giữa Tuyền Châu và Champa, cùng khoảng cách 1 500 dặm từ Champa đến Java lớn. Đối với mức tương đương mà chúng tôi đề xuất là 100 dặm một ngày đi thuyền, nó được dựa trên thực tế là xưa kia khoảng cách bằng đường biển được tính theo số theo số ngày đi, chu vi cac đảo cũng tính tương tự như vậy; những khoảng cách này thường hay bị nói vống lên, và không bao giờ được thực hiện cho khoảng cách địa lí.
[1] G. Gerini 1. c, tr. 714-720.
[1] Amiot, 1. c, XIV, tr, 101. -. Trong những chuyến hành hương Phật giáo thế kỉ VIII, khoảng cách giữa Trung Quốc (Quảng Châu) và nước Phật Thệ 佛逝vốn là láng giềng phía tây nam của Qua Oa, lúc đó được gọi là Ha Lăng 訶陵 hoặc Đồ/Xà Bà 闍婆, vẫn gần như luôn là một tháng.
[1] W W. Rockhill: Thông báo 1915, tr. 242.
[1] Cùng tác giả, TP 1915, tr. 261 --Theo P Pelliot, 1. c. 1904, tr. 462, Núi Linh không xa bờ biển An Nam, bên trên mũi Đại Lãnh (Varella). Từ điểm này đi thuyền về phía nam trong 10 ngàythì  không thể tới quá mũi Vũng Tàu (St. Jacques). Nếu, gần như giữa các giới hạn tương tự, Giả Đam chỉ tính có 4 ngày rưỡi thì đó là, do chính ông không thực sự đi và thường xuyên đưa ra các khoảng cách ngắn. Chu Đại Quan, đi từ Champa tới mũi Dinh (Padarang), ghi là 15 ngày; núi Linh nằm ở khoảng 3/4 khoảng đường này, do đó sau khi đi qua núi này, vẫn phải cần 4 ngày nữa mới tới mũi Dinh. Thêm 6 sáu ngày nữa không thể đi tới mũi Vũng Tàu; M. Polo, đi từ Phan Thiết hoặc chỗ lân cận đó (= Java lớn) trong 7 ngày thì tới đảo Côn Sơn (Poulo Condor).
[1] Theo L. de Rosny, Les peuples orient...(Các dân tộc phương Đông ...), tr. 142, "những nỗ lực đầu tiên đưa kinh Coran vào Java hiện nay lại chỉ có từ  năm 1391 AD". P. Amiot không nói rằng việc cải đạo của những tín đồ Hồi giáo Trung Quốc có từ giai đoạn nhà Đường, nhưng việc này được hiểu ngầm, trong mọi trường hợp việc cải đạo của họ hiển nhiên xảy ra trước cuối thế kỉ XIV; do đó không ở Java hiện đại. Edrisi (1154 AD) giải toả cho chúng ta ở điểm này: "Người ta nói rằng khi tình hình Trung Quốc đang gặp rắc rối bởi cuộc nổi loạn (dưới triều nhà Đường) và nền chuyên chế và quân nổi loạn đã trở thành quá mức ở Ấn Độ, những cư dânTrung Quốc chuyển việc buôn bán của họ tới Djàwaga và các đảo phụ thuộc đảo này (= bán đảo An Nam), đi vào quan hệ và trở nên quen thuộc với người dân của chúng vì vốn liếng, các tiện nghi về cách cư xử của họ và sự thoải mái trong giao dịch. Đó là lí do tại sao hòn đảo này rất đông người, và rất được người nước ngoài lui tới. " - G Ferrand, tr. 175..
[36 G. Schlegel, TP 1901, tr. 375-76 và ghi chú 247.

No comments: