Sunday, January 19, 2014

Ý kiến về việc lấy lại Hoàng Sa

Ý kiến về việc lấy lại Hoàng Sa


(Đây là ý kiến ban đầu của tôi, báo TN đã đăng ở đây: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140117/tri-thuc-viet-noi-ve-hoang-sa-va-chu-quyen-dat-nuoc-phan-2.aspx [có biên tập lại vài chỗ: bỏ việc đánh số và các ghi chú, đổi từ 'biết điều' thành 'cấp tiến', bỏ câu cuối của mục 2, và thêm vào câu cuối cùng] buổi sáng 18/1/2014 nhưng buổi chiều đã rút xuống)


Việc ‘nuôi ý chí phục hồi Hoàng Sa’ chẳng những là điều nên làm mà đó còn là nghĩa vụ trước công lao và xương máu của tiền nhân bỏ ra trong việc khai phá, gìn giữ quần đảo này. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng việc lấy lại Hoàng Sa là chuyện phức tạp, lâu dài và thời gian không phải lúc nào cũng ủng hộ chúng ta vì chiếm cứ thực tế vẫn là một tiêu chuẩn quan trọng, nếu không nói là quyết định trong luật quốc tế theo trật tự thế giới hiện nay và cả trong tương lai. Trung Quốc đã chiếm cứ toàn bộ Hoàng Sa gần 40 năm (tính từ năm 1974), còn nếu kể riêng phần phía Đông (đảo Phú Lâm và một số đảo trong cụm An Vĩnh) họ đã chiếm cứ liên tục gần 58 năm (tính từ năm cuối năm 1955 đầu 1956). Trên thế giới hầu như chưa có tiền lệ nào về một kẻ xâm chiếm với thời gian như vậy trao trả chủ quyền cho chủ cũ. Tuy nhiên, các trường hợp Hồng Kông[1], Ma Cao[2] được trao trả sau nhiều năm chuyển nhượng hoặc trường hợp Israel được ‘dàn xếp’ để quay về đất cũ[3], dù có nhiều khác biệt cơ bản nhưng cũng là chỗ dựa để chúng ta hi vọng cho ‘việc phục hồi Hoàng Sa’ nếu chúng ta có quyết tâm và khi có thời cơ thuận lợi.


1.      Về quyết tâm, Israel là một tấm gương rất tốt cho chúng ta. Phải làm sao cho hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn luôn nhận thức rõ Hoàng Sa là của chúng ta, và có ý chí thu hồi lại Hoàng Sa tức là vấn đề ‘giữ lửa’. Vì khi thời cơ đến mà không có quyết tâm, không có ý chí giành lại chủ quyền thì chẳng có ý nghĩa gì. Muốn vậy, bây giờ chúng ta phải tuyên truyền phổ biến sâu rộng điều này trong dân chúng trên các phương tiên truyền thông như sách báo, truyền hình, phim ảnh, trang mạng…, và dĩ nhiên việc đưa nội dung Hoàng Sa (và cả Trường Sa) vào các môn Sử, Địa hay những chỗ có liên quan vào chương trình phổ thông cho thế hệ trẻ nắm là vô cùng cần thiết. Tất cả điều này phải nhắm vào đối tượng trong nước lẫn đối tượng người Việt ở nước ngoài. Ở đây cũng lưu ý rằng có lẽ nhà nước cần làm rõ hơn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này (và cả Trường Sa) cụ thể là những đảo/đá/bãi… nào chứ không thể chung chung, mơ hồ như hiện nay. Và dĩ nhiên khi làm rõ như vậy chúng ta phải có đầy đủ chứng cứ để cho thấy chúng ta là một nước biết lẽ phải.

2.      Còn thời cơ đối với chúng ta là khi TQ có một chính phủ ‘biết điều’ hơn (như chính phủ Anh đã dần dần từ bỏ tham vọng đế quốc từ sau thế chiến thứ 2, chính phủ dân chủ Bồ Đào Nha tuyên bố từ bỏ mọi chiếm hữu ở nước ngoài sau khi xoá chế độ độc tài năm 1974...) và đa số nhân dân TQ và thế giới đều biết Hoàng Sa là phần lãnh thổ của Việt Nam bị TQ cưỡng chiếm. Chỉ khi đó việc điều đình hay dàn xếp thu hồi chủ quyền Hoàng Sa may ra mới có thể có kết quả. Với điều đầu (tức là TQ có một chính phủ biết điều hơn), chúng ta khó có cơ hội để tác động thúc đẩy nó nhanh hơn ngoài việc chờ đợi. Tuy nhiên, thời gian kéo dài sẽ là đồng minh cho TQ vì như đã nêu, chiếm hữu thực tế là một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong luật quốc tế trong việc thụ đắc lãnh thổ. Do đó, đối với từng hành động thực thi chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa), chúng ta (ở đây là chính phủ VN) phải theo dõi chặt chẽ và lên tiếng phản đối ngay. Việc này vừa cho thấy chúng ta vẫn có ý chí và quyết tâm giành lại chủ quyền vừa cho thấy chúng ta không chấp nhận sự chiếm đóng trái phép của họ, tức là không mặc nhận theo luật quốc tế. Và việc này phải thực hiện liên tục trên cương vị nhà  nước và công khai cho nhân dân và toàn thế giới biết. Còn điều sau (làm cho đa số nhân dân thế giới và TQ biết HS là lãnh thổ của VN bị TQ cưỡng chiếm), tất cả những ai có điều kiện ngoại ngữ, có kiến thức về Hoàng Sa (Trường Sa) đều có thể góp sức để làm và nên làm, đặc biệt việc lập ra các tổ chức/quỹ chuyên nghiên cứu thường xuyên có những bài viết hay các hình thức thông tin khác trên các tạp chí, trang mạng quốc tế, đặc biệt là của TQ, nhằm phổ biến các bằng chứng lịch sử, pháp lí thuyết phục cũng như cho thấy TQ đã cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và những đòi hỏi phi lí của họ. Việc trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông nước ngoải, đặc biệt là của Trung Quốc nhự tiến sĩ Vũ cao Phan đã từng làm cũng là điều rất có tác dụng. Các Hội nghị chuyên đề quốc tế về vấn đề này cũng là điều nên tiếp tục thực hiện. Kinh nghiệm thực tế thời gian qua cho thấy có thể nhờ một phần những nỗ lực như thế từ các tổ chức chính thức của nhà nước cũng như của tư nhân như NCBĐ, Quỹ NCBĐ…và của những cá nhân riêng lẽ như Ngô Vĩnh Long, Tạ Văn Tài, Phạm Quang Tuấn, Nguyễn Văn Tuấn… mà dư luận thế giới có vẻ đang chuyển dần theo hướng có lợi cho Việt Nam.[4] Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy các nhà nước không toàn trị thì thường cởi mở hơn (biết điều hơn) và dân chúng ở các nước như vậy cũng tiếp xúc với mọi thông tin dễ dàng hơn, vì thế trong chừng mực có thể được việc ủng hộ các phong trào xoá dần toàn trị ở Trung Quốc cũng có tác động tốt trong việc tạo điều kiện và thời cơ cho việc phục hồi Hoàng Sa của chúng ta.

Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện và khuyến khích các hoạt động như trên.


[1] Hồng Kông (trừ vùng lãnh địa mới chỉ cho tô nhượng trong 99 năm) được nhà Thanh nhượng vĩnh viễn cho đế quốc Anh theo hiệp ước Nam Kinh '(bất bình đẳng') từ 1842 và được chính quyền Anh hiện đại đồng ý giao lại chủ quyền cho TQ từ 1997.
[2] Ma Cao tương tự, được nhà Thanh nhượng vĩnh viễn quyền chiếm cứ cho đế quốc Bồ Đào Nha cũng theo hiệp ước bất bình đẳng từ 1887 và được chế độ Bồ Đào Nha hiện tại đồng ý trao trả lại TQ từ 1999.
[3] Israel có đa số dân cư bị xua đuổi, tứ tán khắp nơi qua nhiều thế kỉ loạn lạc và thậm chí bị diệt chủng nữa (thời Chiến tranh thế giới 2) nhưng với quyết tâm cao độ và cố gắng phi thường những người tha hương đã từng đợt trở về định cư quê hương cũ, vốn là thánh địa và ‘miền đất hứa’ đối với họ và vận động để thành lập lại nhà nước của chính mình tại quê hương cũ của họ.và sau đó họ cũng đã phải chiến đấu ngoan cường để gìn giữ, bảo vệ nhà nước này.
[4] Trước đây trong các HN về chủ đề biển Đông, số học giả quốc tế nghiêng về TQ có thể hơn 50% nay thì tình hình đang đảo ngược lại.

No comments: