Friday, October 25, 2013

Đất nước hai bên vĩ tuyến

Đất nước hai bên vĩ tuyến

(đã đăng trên basam.info ngày 26/10/2013)
Parallel Worlds - The Economist
Tác giả: Simon Cox

Vĩ tuyến 38, phân cách bắc nam, là đường phân chia quan trọng nhất của Triều Tiên. Nhưng nó chỉ là một trong nhiều đường như vậy, Simon Cox nói.
Vào một đêm xao động hồi tháng 4 năm 1970, ông Lee Jae- geun, một trong số 27 ngư dân Hàn Quốc trên một tàu đánh cá trong biển Hoàng Hải, đã chợt tỉnh sau một cơn mộng mị. Ông nằm mơ thấy rằng Triều Tiên bị ba đợt sóng khổng lồ ập vào, đợt sau mạnh hơn đợt trước. Đợt sóng cuối cùng quét dạt núi, làm xứ sở chìm trong nước và đất đai bị chia cắt. Ông nghĩ đó là một điềm xấu.
Và điều đó đã chứng minh. Vài đêm sau, một tàu tuần tra của Bắc Triều Tiên chặn tàu đánh cá của họ khoảng 50 dặm về phía nam của đường giới hạn phía Bắc, biên giới biển còn tranh chấp giữa hai nước Triều Tiên. Nhân viên tuần tra vũ trang đã lên tàu đánh cá và bắt cóc hết số người trên tàu. Hầu hết số người này sau đó đã được trả về trong năm đó, nhưng Bắc Triều Tiên đã có một mưu đồ lớn lao hơn đối với ông Lee, hi vọng sẽ đào tạo ông ta thành một gián điệp. Chuyện đó xảy ra ba thập niên trước khi ông trốn thoát.
Sự chia cắt bắc – nam vẫn còn là bi kịch lâu dài của Triều Tiên. Sự chia cắt này do các cường quốc Đồng minh, giải phóng đất nước này thoát khỏi ách thống trị tàn bạo kéo dài 35 năm của Nhật Bản, áp đặt vào năm 1945. Năm 1950 nó đã gần như bị xóa bởi một đợt sóng quân đội Bắc Triều Tiên quét xuống bán đảo này dưới sự chỉ huy của Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), một nhà lãnh đạo được Liên Xô hậu thuẫn tồn tại lâu hơn chính đất nước Liên Xô. Rồi thì một làn sóng quân đội khác, chủ yếu là Mỹ nhưng chiến đấu dưới ngọn cờ Liên Hiệp Quốc, đảo ngược dòng lũ Bắc Triều Tiên. Cuối cùng các lực lượng của Liên Hiệp Quốc không chống đỡ nổi làn sóng thứ ba của quân đội Trung Quốc đẩy họ lùi trở lại vĩ tuyến 38, đường vĩ tuyến quy chiếu đến nay vẫn còn chia cắt hai nước Triều Tiên. Rốt cuộc tất cả mọi người gần như ai ở đâu ở đó.
Trên đất liền đường ranh giới được phân định cẩn thận và bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng trên biển biên giới không phân biệt được cả trên thực tế lẫn pháp lý, vướng víu vào các tranh chấp, xâm lấn và bắt cóc. Chính phủ Hàn Quốc biết có hơn 500 công dân nước này bị bắt cóc từ năm 1955 vẫn còn trong tình trạng mất tích.
Ông Lee không còn là một trong số những người đó, nhưng đất nước mà ông thoát để tới không phải là đất nước mà ông đã để lại sau lưng nhiều thập niên trước đây. Kinh tế, chính trị và văn hóa tất cả đều đã thay đổi tới mức không còn nhận ra được nữa. Khi còn thiếu niên, ông Lee đã từng là một cậu bé chạy việc cho cảnh sát Seoul và biết mọi ngóc ngách của thành phố. Nhưng trong đô thị mênh mông mà ông trở lại sau 30 năm, ông “không biết nổi trái phải là phía nào”, ông nói.
H1Khi ông bị bắt, thu nhập đầu người của Hàn Quốc khoảng 2.000 USD một năm (tính theo sức mua), ngang ngửa với Bắc Triều Tiên vào thời điểm đó. Là một ngư dân, ông Lee dễ dàng được kể vào tầng lớp trung lưu. Vào thời điểm ông trở về hồi năm 2000, thu nhập đầu người của Hàn Quốc đã tăng gần mười lần (xem biểu đồ trong ảnh). Trong năm 2010, đất nước này đã trở thành một trong số 15 nước trên thế giới với GDP hơn 1 nghìn tỉ USD.
Hai năm sau khi ông Lee bị bắt, Hyundai bắt đầu đưa vào hoạt động một xưởng đóng tàu ở thành phố Ulsan, phía Nam thị trấn quê của ông Lee. Xưởng này bây giờ là xưởng đóng tàu lớn nhất trên thế giới. Các cần cẩu Goliath đỏ câu những tấm thép kích thước 20 m × 40 m ở chín phân xưởng cạn, đóng các con tàu container lớn và các con tàu tinh xảo cho khách hàng từ 48 quốc gia. Các ngành công nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế như thế này đã giúp cho Hàn Quốc thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ bảy trên thế giới.
Và không chỉ có hàng hóa. Thay cho những đợt sóng ám ảnh giấc mơ của ông Lee, một đợt sóng phim ảnh, âm nhạc và phim kịch Hàn Quốc đã tràn ngập châu Á và bắt đầu lan tràn ra xa hơn. Hàn Quốc, từ lâu là chủ thể chịu ảnh hưởng của nước ngoài, bây giờ đang ảnh hưởng lại những nước khác. Một trong những nhà ngoại giao của họ đang đứng đầu Liên Hiệp Quốc. Lady Gaga mặc thời trang của họ. Ca sĩ nhạc rap Hàn Quốc Psy đã tạo ra clip trên YouTube clip được xem nhiều nhất cho tới nay. Thậm chí ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên, âm nhạc và kịch Hàn Quốc lan truyền rộng rãi, dù lén lút, trên các thẻ nhớ và đĩa DVD. Giới trẻ đang diện tóc theo kiểu như anh em miền Nam của họ.
Hồi năm 1970 Hàn Quốc do Park Chung-hee (Phác Chánh Hi) cầm quyền, con gái ông là Park Geun –hye (Phác Cận Huệ), bây giờ thành Tổng thống. Nhưng trong những năm qua nền chính trị mà bà đứng đầu đã tiến xa gần như  nền kinh tế. Cha bà lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 1961, sau đó đã giải tán Quốc hội và đưa ra một hiến pháp mới độc tài vào năm 1972. Con gái của ông, ngược lại, thắng cử tổng thống tháng 12 năm ngoái trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, thành Tổng thống  thứ sáu của Hàn Quốc tính từ năm 1987. Bà giành được tỉ lệ cao nhất của cuộc bầu cử tính từ chiến thắng của cha bà vào năm 1971.
Điều nhắc nhở buốt nhói
Nếu người Hàn Quốc muốn nhắc nhở chính mình về sự tiến bộ mà họ đã được hưởng, họ chỉ cần nhìn về phía bắc, nơi người dân có chiều cao trung bình thấp hơn đến 8cm và tuổi thọ kém hơn 12 năm. Triều đại họ Kim của Bắc Triều Tiên hiện đang ở thế hệ thứ ba, với  việc chuyển giao quyền lực năm 2011 cho Kim Jong Un (Kim Chính Vân), có thể chưa đầy 30 tuổi (không ai biết chắc) nhưng làm kiểu làm cách cử chỉ của mình và bắt chước cử chỉ của ông nội Kim Il Sung. Sản lượng ngũ cốc đất nước này, bị suy sụp vào giữa thập niên 1990, chỉ mới lấy lại mức có được hồi năm 1982. Một tổ chức phi chính phủ đến thăm hi vọng để cải thiện năng suất một nông trại tập thể đã phải dùng lại kỹ thuật nông nghiệp không còn được sử dụng ở miền Nam trong nhiều thập niên. Để giúp các thiết bị điện của họ đối phó với những sự trồi sụt về điện thế của miền Bắc, họ đã phải đặt mua một máy ổn áp không còn thấy ở miền nam từ thập niên 1980.
Khi thoát về miền nam, ông Lee đã đạt được sự đoàn tụ cá nhân mà cả nước ông vẫn còn né tránh. Nhưng ông không thấy việc này dễ dàng. Ở miền Bắc, ông đã từng là một thợ cơ khí, làm động cơ tàu thủy, nhưng khi ông tìm việc làm tương tự ở miền Nam, ông thấy rằng công việc đó bây giờ đã được thực hiện bằng máy. Tuy nhiên, tình trạng khó khăn của ông, nhiều người Hàn Quốc lớn tuổi cũng đang gặp phải ,do họ không xoay xở để theo kịp với một nền kinh tế hiện phức tạp hơn nhiều.
Hàn Quốc không sử dụng tốt nhất các công nhân lớn tuổi, hiện đang chiếm một tỉ lệ ngày càng tăng trong dân số cả nước. Nhiều người bị buộc phải nghỉ hưu sớm thay vì được đào tạo hay huấn luyện lại. Ngược lại, giới trẻ có học vấn quá mức, họ túi bụi trong các lớp luyện thi đắt tiền và dành nhiều năm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Các gia đình cạnh tranh với nhau trong một cuộc chạy đua giáo dục cũng tàn hại giống như cạnh tranh quân sự với miền bắc. Thêm nhiều mãnh bằng là một vé để được việc làm tốt nhất, và các việc làm tốt nhất vẫn tập trung vào chính phủ, các ngân hàng và các chaebol (các tập đoàn lớn thuộc sở hữu gia đình).
Thế hệ trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc phải đối mặt với một gánh nặng gấp ba lần. Họ phải chăm sóc người già – đang ngày càng tăng về số lượng, chăm sóc giới trẻ – nuôi ăn học rất đắt tiền, và sau cùng, có lẽ là lo cho người Bắc Triều Tiên – sẽ hội nhập vào nền kinh tế nếu hai miền Triều Tiên thống nhất vào lúc nào đó. Nản chí vì những gánh nặng này, nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang hoãn việc sinh con và có ít con hơn. Sinh suất quốc gia đã giảm xa hơn và nhanh hơn so với hầu hết các nước khác. Dân số, đã vượt quá 50 triệu năm ngoái, dự kiến sẽ giảm xuống dưới con số đó lần nữa vào khoảng năm 2045.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc đang cố quên đi mối quan hệ của họ với miền bắc. Lớp ông bà và cố của họ bận rộn với kẻ thù cộng sản, sự sợ hãi căm ghét của hai lớp này vẫn chưa nguôi do bị tuyên truyền mạnh bạo trong những năm dưới sự cai trị độc tài. Thế hệ sinh ra trong thập niên 1960, được gọi là thế hệ 386 trong mối liên tưởng tới vi mạch 386 của Intel, đều dồn sự chú ý tới miền Bắc, cho rằng sự nhiệt tình chống cộng đã làm cho hòa giải và thống nhất đất nước thành bất khả. Ngược lại, thanh niên miền nam ngày nay, cảm thấy ít gắn bó với những người ở phía bên kia vĩ tuyến 38. Họ đang kín đáo trấn an rằng bây giờ việc thống nhất đất nước dường như chỉ là một khả năng xa xôi. Họ không cháy bỏng với lòng căm thù miền Bắc, họ cũng không lãng mạn hoá nó, như một số người cánh tả lớn tuổi thường làm như vậy. Họ chỉ việc phớt lờ nó. Nhưng miền Bắc không cho phép mình bị phớt lờ.
Nguồn: The Economist

No comments: