Saturday, February 9, 2013

Vì sao bãi ngầm James thành chỗ cực Nam của TQ?

Cớ làm sao mà một hòn đảo không tồn tại lại thành chỗ cực Nam lãnh thổ Trung Quốc
Bill Hayton

Dich: Phan Văn Song
Hiệu đính: Lê Vĩnh Trương

Bill Hayton nói rằng hồ sơ cũ cho thấy rằng có thể do một lỗi dịch thuật cách đây 80 năm



thành phố Tam Sa trên chuỗi đảo đang tranh chấp Hoàng Sa (ảnh AFP)


Chỗ nào là "điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc"? Đó là một câu hỏi gây tranh cãi và câu trả lời ít gây tranh cãi nhất có thể là đảo Hải Nam. Các câu trả lời gây nhiều tranh cãi khác sẽ là quần đảo Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa) hoặc quần đảo Trường Sa (TQ gọi là Nam Sa). Nhưng điểm cực Nam chính thức thậm chí còn xa hơn thế, - xa về phía Nam tận tới bãi ngầm James (James Shoal), cách bờ biển đảo Borneo khoảng 100 km. Có gì đáng ngạc nhiên hơn là mảnh đất quê hương này lại thực sự không thể trông thấy được. Chẳng có gì để thấy trừ khi bạn có thiết bị lặn.

Bãi ngầm James nằm dưới mực nước biển 22 mét. Tuy nhiên, sự bất tiện này không ngăn cản các tàu của Hải quân PLA lúc này lúc khác đến thăm bãi cát ngầm này để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với nó. Nghi thức này liên quan đến kéo một mảnh đá lớn có chạm khắc lên bên sườn tàu. Bây giờ có một bộ sưu tập nhỏ các tấm bia Trung Quốc đóng vỏ sò ốc dưới đáy biển, cách Hải Nam hơn 1 000 km.

Bằng cách nào mà nhà nước Trung Quốc có thể xem thể địa lí mơ hồ này, quá xa đất nước, là điểm cực nam của mình? Tôi đã có lúc nghiên cứu câu hỏi này trong khi viết một cuốn sách về biển Đông. Câu trả lời có nhiều khả năng đúng nhất là đó có thể là kết quả của một lỗi dịch thuật.

Trong những năm 1930, Trung Quốc đã đắm chìm trong làn sóng lo lắng dân tộc chủ nghĩa. Việc Chính phủ THDQ bất lực không làm được bất cứ điều gì có ý nghĩa để ngăn chặn đất nước bị các cường quốc phương Tây và đế quốc Nhật xâu xé đã gây ra sự tức giận cả trên đường phố lẫn trong các hành lang quyền lực. Năm 1933, nước THDQ đã lập ra "Uỷ ban Thẩm tra bản đồ đất và biển" chính thức liệt kê, mô tả và vẽ bản đồ tất cả các phần của lãnh thổ của TQ. Đó là một nỗ lực để khẳng định chủ quyền đối với lãnh thổ rộng lớn của nước này.

Vấn đề chính phải mà Uỷ ban đối mặt, ít nhất là đối với biển Đông, là họ không có phương tiện để khảo sát thực sự bất kì một thể địa lí nào mà họ muốn giành chủ quyền. Thay vào đó, Uỷ ban này chỉ đơn giản là sao chép các đổ biểu hiện có của Anh và đổi tên của các đảo thành âm tiếng Hoa. Chúng tôi biết họ đã làm điều này vì bản đồ của Uỷ ban này gồm luôn cả khoảng 20 chỗ sai nằm trên bản đồ Anh – những thể địa lí mà về sau này, các khảo sát tốt hơn đã cho thấy không thực sự tồn tại.

Uỷ ban đã đặt tên tiếng Hoa một vài đảo của Trường Sa. North Danger Reef (Đá Bắc) trở thành Bắc Hiểm [Beixian:  "nguy hiểm phía bắc"), Antelope Reef (Đá Hải Sâm) đã trở thành Linh Dương (Lingyang: ). Các tên khác cũng chỉ đơn giản là phiên âm tương tự như thế, ví dụ, đảo Spratly (Trường Sa) đã trở thành Phổ Lạp Đặc Lợi (Sipulateli: 斯普拉特利)*  và James Shoal trở thành Tăng Mẫu (Zengmu: ). Và điều này có vẻ là chỗ mà những sai lầm đã len lỏi vào.

Nhưng dịch từ "shoal" (bãi ngầm) thế nào? Đây là một thuật ngữ về biển có nghĩa là một khu vực biển cạn nơi sóng nhập thành"bầy" (shoal up). Người đi biển sẽ thấy một vùng nước kì lạ đầy sóng giữa đại dương và biết khu vực đó không sâu và do đó nguy hiểm. Bãi ngầm James là một trong nhiều thể địa lí tương tự như vậy trong quần đảo Trường Sa.

Nhưng Uỷ ban dường như không hiểu thuật ngữ tiếng Anh tối nghĩa này vì họ dịch "shoal" thành “than” (tan: bãi biển hoặc bãi cát - một thể địa lí thường cao hơn mặt nước). Chưa từng đến tận nơi, Ủy ban này dường như đã cho rằng James Shoal / bãi Tăng Mẫu (Tăng Mẫu Than) là một khoảnh đất và do đó là một khoảnh đất của Trung Quốc.

Năm 1947, các nhà vẽ bản đồ của THDQ xem xét lại các câu hỏi về biên giới biển của Trung Quốc, vẽ ra cái bây giờ được biết đến là "đường chữ U". Có vẻ như họ đã nhìn vào danh sách tên tiếng Hoa, cho rằng Tăng Mẫu Than nằm trên mặt nước và đã gộp nó vào trong đường chữ U này. Thế là một hòn đảo không tồn tại đã trở thành lãnh thổ cực nam của đất nước TQ.

Tuy nhiên, có một quá trình song song vào cùng thời gian đó, chính phủ THDQ đã đặt tên mới cho nhiều thể địa lí biển. Chẳng hạn, đảo Trường Sa đã trở thành Nam Uy (Nanwei: 南威 uy nghi phía Nam), và James Shoal được thay đổi từ một bãi cát (than) thành một rạn san hô (ám sa = ansha bãi cát ngầm – ám: ngầm). Có lẽ, tới lúc đó, các cơ quan có thẩm quyền đã nhận ra cái sai của họ. Tuy nhiên, vị thế cực nam chính thức của Tăng Mẫu Ám Sa vẫn giữ nguyên.

Đến nay, lỗi dịch thuật này đã biến thành một thực tế, đưa khu vực này vào tiến trình tranh chấp 80 năm sau.

Điều này không chỉ là chuyện vặt của lịch sử; bãi ngầm James là một phép thử cho việc liệu Bắc Kinh thực sự toàn tâm toàn ý theo các quy định của luật pháp quốc tế ở biển Đông hay không. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), không một nước nào có thể đòi chủ quyền đối với một thể địa lí ngầm, trừ khi nó nằm trong phạm vi 12 hải lý cách đất liền. Bãi ngầm James cách lãnh thổ không có tranh chấp của TQ hơn 1.000 km.

Tháng trước, chính phủ Philippines loan báo sẽ tìm kiếm một phán quyết của tòa án quốc tế về việc liệu các đòi hỏi chủ quyền biển của TQ có tương thích với công ước của Liên Hiệp Quốc hay không. Bãi ngầm James sẽ là một ví dụ rõ mồn một về một đòi hỏi không tương thích. Có lẽ đây là một thời điểm tốt để Bắc Kinh xét lại xem làm thế nào họ có thể đòi hỏi chủ quyền mảnh đá ngầm mờ mịt này ngay từ bước đầu


Bill Hayton đang viết một cuốn sách về Biển Đông sẽ xuất bản vào cuối năm nay

_____________________________
* Lưu ý rằng đối với âm R người Hoa thường chuyển thành âm L (ví dụ: Roma --> Luó Mă [La Mã], Rousseau--> Lú Suō [Lư Thoa]... mới thấy Si-pu-la-te-li [tư phổ lạp đặc lợi - 斯普拉特利] là phiên âm của S-p-ra-t-ly, hoặc Pai-la-su [phách lạp tô - 柏拉] là Pa-ra-cel... Qua đó cũng thấy khi chuyển thêm qua âm Hán Việt thì thường là 'trớt quớt', cách biệt quá xa so với âm gốc như mấy ví dụ vừa nêu. :-)








No comments: