Chương 3
Nguy hiểm và Ranh Ma*: 1946-1995
(Danger and Mischief: 1946 to 1995)
Bill Hayton
NGAY SAU kết thúc Thế chiến thứ hai, trong hơn một năm không
có đảo nào thuộc Quần đảo Hoàng Sa hoặc Quần đảo Trường Sa bị nước nào chiếm
đóng và kiểm soát. Nhưng 50 năm sau, hầu hết đều bị chiếm đóng. Không phải chỉ
có một trận chiến duy nhất để kiểm soát cũng như không phải quá trình chuyển
đổi diễn ra chậm và đều; có những giai đoạn dữ dội vào năm 1946, năm 1956, đầu
thập niên 1970, năm 1988 và 1995 khi hành động của một bên thường gây ra phản
ứng từ những bên khác. Mỗi lần, việc chiếm đóng ban đầu đều được thúc đẩy bởi
một mục đích cụ thể - về tính chính đáng dân tộc, lợi thế chiến lược hay phần
thưởng kinh tế - nhưng không lần nào đạt được các kết quả mong đợi.
Mục đích của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) là sử dụng
các đảo này để tăng cường sự lãnh đạo của ông khi đối mặt với những bước tiến
của các lực lượng cộng sản. Ông thấy ra một cơ hội để chứng minh ông xứng đáng
cai trị Trung Quốc bằng cách đứng lên chống người phương Tây đã từng tàn phá
đất nước. Trong những tháng cuối năm 1946 chính phủ của ông phái các tàu chiến
Mĩ hết hạn hoạt động mới được tặng để đòi chủ quyền của Trung Quốc. Đối thủ của
ông là một thầy tu chuyển thành đô đốc hải quân, Georges Thierry d'Argenlieu.
Đô đốc d'Argenlieu đã phục vụ xuất sắc nước Pháp trong Thế chiến thứ nhất nhưng
sau đó nhận lấy giày áo theo phẩm trật tu viện Công giáo. Ông cũng phục vụ xuất
sắc phẩm trật này, trở thành người đứng đầu nó tại Pháp. Tuy nhiên, vào tháng 9
năm 1939, khi đất nước phải đối mặt với mối đe dọa Đức xâm lược, cha
d'Argenlieu đã treo áo thầy tu, trả mục vụ lại cho Caesar và gia nhập lại hải
quân.
D'Argenlieu đã thăng tiến qua các cấp bậc cao trong lực
lượng Pháp tự do, làm phái viên của tướng de Gaulle và chỉ huy công tác về các
thuộc địa còn lại của Pháp ở châu Phi và châu Á. Tiếp theo các khen tặng và
thăng chức vào giữa tháng 8 năm 1945 de Gaulle giao ông ta chịu trách nhiệm
khôi phục lại quyền kiểm soát của Pháp ở Đông Dương. Thuộc địa này đang trong
tình trạng hỗn loạn: Nhật đầu hàng, tiếp sau là cuộc cách mạng do Cộng sản lãnh
đạo và Hồ Chí Minh trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà ông
tuyên bố ngày 2 tháng 9. Trong khi đó các đơn vị của Trung Quốc bắt đầu di
chuyển vào phía Bắc, cùng lúc đó quân đội Anh đã đổ quân xuống ở phía Nam.
Người Anh sử dụng quân đội Nhật Bản để dập tắt các cuộc cách mạng địa phương và
bàn giao thuộc địa cho d'Argenlieu. Đô đốc không phải là nhà thần học giải
phóng. Trong bộ quân phục, niềm tin chủ đạo của ông là việc toàn tâm toàn ý
cống hiến cho đế quốc Pháp.[1]
Khôn ngoan nhưng cực kì bảo thủ, một nhà phê bình đã nói đùa rằng ông có bộ óc
sáng láng nhất của thế kỉ mười hai.[2]
Trong suốt năm 1945 và 1946 d'Argenlieu cố hết sức mình để
làm suy yếu cả những nhà yêu nước Việt Nam lẫn các nhà chính trị ở Paris ủng hộ
thỏa hiệp với họ. Cuộc đàm phán khó khăn xảy ra sau đó giữa d'Argenlieu, chính
phủ Pháp, những nhà yêu nước của Hồ Chí Minh và chính phủ Quốc dân đảng Trung
Quốc. Pháp và Việt Nam đều muốn Trung Quốc rời đi nhưng không thể đồng ý về
nhiều điều khác. D'Argenlieu thậm chí không dùng từ ‘Việt Nam’, thích dùng cái
tên thực dân ‘An Nam’ hơn.[3]
Tình hình chính trị trở nên tồi tệ hơn khi d'Argenlieu theo đuổi kế hoạch riêng
của mình. Tháng 6 năm 1946, ông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nam Kì đối
lại, phá tan hi vọng của Paris về một thỏa hiệp hòa bình với ‘Việt Nam’ của Hồ
Chí Minh. Giữa những đấu đá nội bộ, số phận của Quần đảo Hoàng Sa, vài trăm cây
số ngoài khơi bờ biển, trượt ra khỏi chương trình công tác.
Không giống như Quần đảo Trường Sa nổi tiếng hơn, hầu hết
các phần của Quần đảo Hoàng Sa là đảo thật: đủ khô ráo để duy trì sự sống con
người. Chúng nằm cách đảo Hải Nam khoảng 350 km về phía Nam và cách Đà Nẵng
cũng gần như vậy về phía Đông và đã được các ngư dân và cướp biển từ các bờ
biển Trung Quốc và Việt Nam và ở xa hơn sử dụng trong nhiều thế kỉ. Quần đảo
Hoàng Sa được chia thành hai cụm. Nhóm An Vĩnh (Amphitrite) phía Tây Bắc (đặt
tên theo con tàu của Pháp đã phát hiện ra chúng năm 1698)[4] có 6
đảo (bao gồm các đảo có tên hình tượng là đảo Phú Lâm [Woody], đảo Đá [Rocky]
và đảo Cây [Tree] cùng với các đảo Nam, Trung và Bắc). Đảo lớn nhất, Phú Lâm,
dài gần 2 km và rộng chỉ hơn 1 km. Đảo thứ bảy, Linh Côn (Lincoln), đôi khi
được gôm vào nhóm này. Nhóm Trăng Khuyết (Crescent) nằm cách An Vĩnh 64 km về
phía Tây Nam và chứa thêm 7 đảo: Hoàng Sa (Pattle) và Hữu Nhật (Robert) là quan
trọng nhất. Những đảo khác là: Tri Tôn (Triton), Quang Hoà (Duncan), Quang Ảnh
(Money), Duy Mộng (Drummond) và Bạch Quy (Passu Keah). Trong chiến tranh lính
Pháp, lính An Nam và sau đó là lính Nhật đã chiếm đóng các đảo này đôi khi vào
cùng một lúc. Nhưng vào cuối năm 1945 chúng đều đã trống không.
Một năm sau đó, tin đồn Trung Quốc có kế hoạch sáp nhập quần
đảo này lan tới Paris và vào ngày 22 tháng 10 năm 1946 bộ trưởng Bộ Pháp Hải
Ngoại ra lệnh d'Argenlieu phái một đơn vị ra chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa.
D'Argenlieu lờ đi và thay vì vậy quyết định dạy cho các nhà yêu nước Việt Nam
một bài học vì dám chống lại chính quyền Pháp. Ngày 23 tháng 11 năm 1946, sau
cuộc đụng độ giữa lực lượng Pháp và Việt tại cảng Hải Phòng, d'Argenlieu ra
lệnh cho tàu tuần dương Suffren và 4
tàu khác nã pháo vào thành phố. Việc bắn phá này đã san bằng một số khu vực và
làm khoảng 6 000 người Việt thiệt mạng. Việc trả đũa không xảy ra quá lâu.
Ngày 19 tháng 12, nổ ra việc người Pháp và các quân nổi dậy Việt đánh nhau trên
đường phố Hà Nội. Giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu. Nếu
như d'Argenlieu phái tàu Suffren tới
Quần đảo Hoàng Sa theo lệnh của Paris thì lịch sử có thể đã khác đi.
D'Argenlieu bấy giờ quá bận rộn với cuộc chiến mà ông mới
vừa phát động đến mức ông đã từ chối một yêu cầu nữa từ Paris là phải chiếm
Quần đảo Hoàng Sa không được chậm trễ, bằng cách nại lí do thời tiết xấu. Nhà
sử học Stein Tønnesson đã lần theo dấu vết những gì xảy ra tiếp theo. Thời tiết
đã không làm sứt mẻ tham vọng của Tưởng Giới Thạch. Chính phủ Trung Hoa của ông
đã phái tàu chiến mới tới Biển Đông. Ngày 4 tháng 1 năm 1947, các tàu quét mìn
Vĩnh Hưng [Yongxing] (trước đây là USS Embattle)
và Trung Kiện [Zhongjian] (trước đây là USS LST-716) đã cho khoảng 60 lính
Trung Quốc đổ bộ lên đảo Phú Lâm. Tới lúc này, cuối cùng d'Argenlieu mới điều
một phái đoàn lên tàu Tonkinois. Khi
người Pháp đến, sau người Trung Quốc hai tuần, trưởng đoàn của họ đã cố thử hối
lộ - và sau đó ép buộc – người Trung Quốc rời đi, thậm chí nổ súng lên trời.[5]
Người Trung Quốc vẫn từ chối và một tranh cãi ngoại giao bùng nổ dữ dội giữa
hai chính phủ. Pháp xuống nước và ra lệnh cho tàu của mình chạy đi và triển
khai binh lính lên đảo Hoàng Sa (Pattle) trong nhóm Trăng Khuyết thay thế.
Trung Hoa Quốc Dân đảng giành chiến thắng và Pháp chỉ có thể đứng nhìn.
Dù các lập luận lịch sử và pháp lí về chủ quyền của Quần đảo
Hoàng Sa kéo lùi lại rất xa trước năm 1947, có khả năng là nếu như d'Argenlieu
đã làm theo chỉ thị và chiếm đóng đảo Phú Lâm trước khi Trung Quốc ra tay thì
đến nay quần đảo này vẫn còn nằm trong tay Việt Nam. Trong vòng 6 tuần lúc đó,
sự lựa chọn ưu tiên hiếu chiến của đô đốc d’Argenlieu đã khiến Việt Nam trả giá
bằng ba thập niên chiến tranh cùng với một cuộc đối kháng dai dẳng với Trung
Quốc về số phận của Quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Pháp đã giận dữ và ngay sau đó
đã cách chức d'Argenlieu. Trong khi cuộc chiến do ông khởi xướng trở nên dữ
dội, ông trở về với Thiên Chúa và các tu sĩ Cát Minh. Ông đã sống những năm còn
lại của cuộc đời mình với phẩm trật đó, cuối cùng mất vào năm 1967 tại một tu
viện ở Bretagne.
Sau tháng 1 năm 1947, hai bên tranh chấp đối địch chiếm đóng
hai nửa của Quần đảo Hoàng Sa: Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Phú Lâm và Việt- Pháp
trên đảo Hoàng Sa. Nhưng thắng lợi về đảo của Tưởng Giới Thạch trả giá quá đắc.
Vị thế của ông tiếp tục suy yếu và chính phủ của ông đã buộc phải bỏ chạy sang
Đài Loan. Năm 1950, phe cộng sản chiếm lấy đảo Hải Nam và phe Quốc dân đảng
phải chọn cách rút quân khỏi đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình trong Quần đảo Trường
Sa. Sở khí tượng thực dân Pháp ở Đông Dương ghi nhận rằng các báo cáo thời tiết
từ hai đảo ngày ngừng vào ngày 4 và ngày 5 tháng 5 năm 1950 tương ứng.[6]
Pháp biết các đảo này đã bị bỏ trống nhưng không cho quân chiếm đóng, một phần
vì sợ gây xích mích ngoại giao không cần thiết với Đài Bắc và Bắc Kinh, nhưng
chủ yếu là vì họ đã có một cuộc chiến cấp bách hơn phải đánh nhau trên đất
liền.
Sau tháng 5 năm 1950, trong 5 năm đảo Hoàng Sa là thể địa lí
duy nhất ở Biển Đông có người chiếm đóng. Mĩ, Anh và Pháp kiểm soát vùng biển
này, đặc biệt là trong thời chiến tranh Triều Tiên bắt đầu vào tháng 6 năm
1950. Bắc Kinh chỉ đơn giản là không có phương tiện để thách thức uy thế các
nước này. Điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh từ bỏ yêu sách của mình, tuy
nhiên, vào khoảng năm 1955 nhiều đơn vị cộng sản Trung Quốc đã được thiết lập
trên đảo Phú Lâm. Lực lượng Mao Trạch Đông đã lặng lẽ lấn lướt cử chỉ tự hào
của Tưởng Giới Thạch. Nhưng thay vì thực hiện một chuyến đi phất cờ giống
trống, mối quan tâm của họ xuống sát tận đất: khai thác phân chim làm phân bón
cho ruộng lúa ở đại lục. Mục tiêu của Tưởng Giới Thạch đối với quần đảo này đã
biến thành phân.
**********
Mục tiêu của Tomas Cloma đối với các đảo cũng có nét nổi bật
là phân chim - kết hợp với cá đóng hộp - nhưng ước mơ của ông là riêng tư nhiều
hơn: tạo ra của cải. Chỉ cao 165 cm, cái ông thiếu trong chiều cao ông bù lại
trong tham vọng. Ông rời hòn đảo quê hương Bohol để làm việc như một thợ may
phụ ở Manila, tự vượt qua bậc trung học, tìm được việc làm nhân viên điện báo,
sau đó là một nhà môi giới vận tải hàng hóa và sau đó, vào năm 1933, là phụ tá
biên tập vận chuyển cho tờ báo Manila Bulletin. Ông viết về những hoạt động vận
chuyển vào ban ngày và học luật vào buổi tối, cuối cùng đã đỗ kì thi luật sư
vào năm 1941. Tuy nhiên trong vòng vài tháng, sự nghiệp pháp lí dự định của ông
đã bị phá hủy bởi cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Philippines. Để có cái ăn và
cái mặc cho gia đình mình, Cloma đã đi biển trong ba năm, sử dụng các kĩ năng
đánh cá ở Bohol để chuyên chở hành khách và hàng hóa giữa các đảo. Gia đình ông
sống sót qua chiến tranh và cuộc sống chỉ mới bắt đầu khá lên hơn thì Basilio,
đứa con trai 6 tuổi của Cloma, đã bị chết trong một tai nạn giao thông ở thành
phố Calamba. Luz, bà vợ u sầu củaTomas ngưng đi nhà thờ. Tomas chôn nỗi buồn
của mình trong công việc.
Tháng 3 năm 1947 và Tomas và Luz Cloma, cùng với anh trai
của mình là Filemon và ba người bạn, thành lập Tổng công ti cá Visayan. Với số
tiền bồi thường mà họ nhận được từ cái chết của Basilio, họ chuyển một số tàu
kéo hết hạn hoạt động của Mĩ thành tàu đánh cá. Họ thuê thuyền viên giàu kinh
nghiệm và cắt đặt họ làm việc. Công việc làm ăn tốt đẹp nhưng Tomas luôn luôn
nhanh chóng nhìn thấy cơ hội khác. Tháng 9 năm 1948, khi trường hàng hải do
chính phủ Philippine điều hành (PNS) bị đóng cửa do đình công, Cloma lập Viện
Hàng hải Philippines (PMI) đối thủ. Viện cung cấp các khóa học ba tháng, chỉ bằng
một nửa thời gian của các khoá ở PNS, tại một cơ sở giá rẻ: một chiếc xà lan
gần cửa sông Pasig ở Manila. Sau một thời gian viện chuyển đến một tàu đánh cá
đào tạo công việc tại chỗ làm (trong khi cũng cung cấp lao động giá rẻ cho Tổng
công ti cá Visayan). Trong vòng 18 tháng viện đã được chính phủ chính thức công
nhận và có các lớp học trên bờ. Từ một điều gần như thảm họa một ý tưởng khác
nảy ra. Năm 1947 Filemon đang đánh cá ngoài khơi Palawan thì bão Jennie, một
trong những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận, buộc ông phải tìm kiếm nơi trú ẩn
trong một nhóm đảo bí ẩn ngoài khơi. Trong những năm tiếp theo, nhóm anh em này
đã lập kế hoạch mở một nhà máy đóng cá hộp cùng khai thác các phân chim ở đó.
Trong các tường thuật sau này về hoạt động mạo hiểm của họ
Tomas Cloma nói rằng ông đã kiểm tra nhiều bản đồ khác nhau nhưng không hề thấy
có chỗ nào đề cập đến các đảo đó. Thậm chí hiện nay ở Philippines, Cloma thường
được mô tả là người đã phát hiện ra các đảo. Nhưng Cloma phải biết điều này là
không đúng sự thật. Có vẻ khó có thể xảy ra việc có một người đã từng làm việc
như một phụ tá biên tập trên một tờ báo quốc gia về vận chuyển trong 8 năm lại
là một nhà môi giới hàng hóa quốc tế trước đó mà lại không biết về các rạn san
hô và các đảo nằm ngoài khơi bờ biển của đất nước mình.
Cloma có thể đã khẳng định là không biết gì về Quần đảo
Trường Sa, nhưng chính phủ của ông hẳn phải biết về sự tồn tại của chúng trong
một thời gian nào đó. Nhớ rằng chúng đã được sử dụng như một bàn đạp để Nhật
Bản xâm lược Philippines, các báo địa phương đã từng thúc giục chính phủ phải
có hành động để giữ chúng an toàn. Tháng 7 năm 1946, ngay sau khi Philippines
được độc lập với Hoa Kì, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là
Elpido Quirino, nói trong một cuộc họp báo rằng Philippines sẽ tuyên bố chủ
quyền các đảo đó ‘vì rất thiết yếu đối với an ninh của mình’.[7]
Ngày 17 tháng 5 năm 1950, Quirino, vào lúc đó đã thành tổng thống, tuyên bố
rằng các đảo đó thuộc về Philippines nhưng nói thêm rằng đất nước ông sẽ không
vội vã tuyên bố chừng nào mà quân Quốc dân đảng Trung Hoa (Đài Loan) vẫn còn
kiểm soát. Ông không thể biết rằng thật ra họ đã rời đi 12 ngày trước đó. Mọi
chuyện sẽ khác đi - ông cảnh báo - nếu cộng sản nhảy vào. Tuy nhiên, điều lạ là
Philippines đã không đưa ra yêu sách của mình tại hội nghị hòa bình San
Francisco năm 1951.[8]
Khó mà tin rằng Cloma không biết gì về tất cả những diễn biến này.
Cloma đã có một đồng minh quan trọng, Carlos P. Garcia, cũng
quê ở tỉnh Bohol, người mà ông từng học chung thời trung học. Garcia được bầu
vào Thượng viện năm 1946 và đã trở thành Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại
giao năm 1953. Anh em Cloma đã tổ chức gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của
Garcia và - con trai của Filemon nói – Garcia đã trao cho các hợp đồng của
chính phủ và các ưu đãi khác để đáp lại.[9] Mối
quan hệ này trở thành trọng yếu khi Cloma dấn mình sâu hơn vào môi trường mờ ám
của chính trị quốc tế.
Có bằng chứng cho thấy gia đình Cloma đã dính líu vào việc
buôn lậu và, vào năm 1955, Filemon đã bị tù 6 tháng vì dự trữ vũ khí nhỏ và
chất nổ. Ông đã được trả tự do vào dịp đặc xá Giáng sinh năm đó, tuy nhiên, âm
mưu tuyên bố chủ quyền các đảo vẫn tiếp tục.[10]
Ngày 1 tháng 3 năm 1956, Phó Tổng thống Garcia là khách mời danh dự tại một bữa
ăn tối tiễn Filemons đi chiếm đóng.[11]
Garcia không thuyết phục được các thành viên còn lại của chính phủ của tổng
thống Magsaysay ủng hộ gia đình Cloma, dù vậy việc chiếm đóng vẫn cứ tiến hành.
Ngày 15 tháng 3, Filemon cùng các bầu bạn hồn nhiên của ông đã đặt chân lên các
đảo.[12]
Hai tháng sau, vào ngày 15 tháng 5, Tomas gửi thư cho Garcia và một số toà đại
sứ ở Manila tự tuyên bố chủ quyền khu vực biển hình lục giác ngoài khơi bờ biển
Palawan tổng cộng 64 976 dặm vuông và tất cả các đảo, đá ngầm và đảo nhỏ
bên trong nó (riêng đảo Trường Sa được cố ý bỏ ra ngoài yêu sách chủ quyền
này). Ông dựa ‘trên quyền phát hiện và / hoặc chiếm đóng’ để tuyên bố chủ
quyền. Rồi 6 ngày sau đó, ông đưa ra một thông báo thứ hai tuyên bố đã đặt tên
lãnh thổ (có từ lặp lại thừa thãi) là 'The Free Territory of Freedomland' (Lãnh
thổ tự do của xứ Tự Do).
Garcia đã ra một tuyên bố công khai ủng hộ ngày 17 tháng 5,
nhưng theo báo chí vào thời điểm đó, tổng thống Magsaysay ra lệnh cho ông phải
rút ngắn vở hài của Cloma lại trước khi nó trở nên thực sự nghiêm trọng.
Magsaysay không phải là người duy nhất có ý kiến này. Người phụ trách ngoại
giao Pháp ở Manila, Jacques Boizet, ban đầu gọi vụ việc là một ‘cuộc tranh cãi
lố bịch’ giữa các anh lùn ‘pygmy’ nhưng cảnh báo rằng nó có khả năng gây ra
những vấn đề sâu sắc nếu cộng sản Trung Quốc quyết định can thiệp. Chính xác
những gì xảy ra bên trong hậu trường vẫn chưa rõ ràng. Nhiều hồ sơ chính phủ
Philippines sau đó đã bị thiêu hủy trong vụ cháy. Nhà địa lí học Pháp
FrançoisXavier Bonnet, người đã nghiên cứu sâu giai đoạn này, tin rằng Garcia
và Magsaysay - dù có khác biệt nào của họ - đã hành động phối hợp nhau: Garcia
ủng hộ Cloma còn Magsaysay hội đàm cấp cao với chính phủ Đài Loan để cố giữ cho
tình hình trong vòng kiểm soát.[13]
Tổng thống đã đưa ra một thông cáo chính thức nói rằng Cloma đã hoạt động với
tư cách cá nhân và rằng Philippines không chính thức yêu sách các đảo này. Tuy
nhiên, trong khi các hành động của Cloma có vẻ lố bịch đối với một số người,
chúng thực sự có tính khiêu khích sâu sắc đối với những người khác và nằm trong
chuỗi một loạt các sự kiện vẫn còn in dấu khu vực hiện nay.
Ngày 31 tháng 5 năm 1956, chính phủ Bắc Kinh tuyên bố không
chấp nhận bất cứ hành vi xâm phạm các yêu sách của mình tại các đảo này. Lúc
bấy giờ người Pháp đã rời Việt Nam và nước này đã tạm thời chia hai thành miền
Bắc cộng sản và miền Nam tư bản. Ngày 1 tháng 6, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH / Nam
Việt Nam) đã lên án hành động Cloma và ngày hôm sau, ngay cả Pháp cũng tham
gia, nhắc lại tuyên bố chưa từ bỏ của chính mình có từ năm 1933. Nhưng Tomas
Cloma không nản chí. Ngày 6 tháng 7, ông đã ban hành ‘Hiến Chương của
Freedomland’ mô tả đất nước mới của mình như là một thực thể độc lập tìm kiếm
sự công nhận chính thức từ Philippines ‘theo tình trạng bảo hộ’. Trong đầu ông
có một cái gì đó giống như vị thế mà Brunei có lúc đó như là một thuộc địa của
Anh. Tomas tuyên bố mình đứng đầu nhà nước với quyền hành pháp duy nhất. Con
trai và bạn bè của ông đã được phong là các bộ trưởng trong nội các. Ông cũng
tiết lộ lá cờ của ‘Freedomland’, trên đó, có mang điềm xấu khi biết những gì sẽ
xảy ra tiếp theo, là một chim hải âu trắng lớn.
Ngày hôm sau, 7 tháng 7, chỉ để chắc chắn rằng thông điệp đã
được nhận, Cloma, con trai của ông Jaime và một số học viên PMI của ông diễu
hành đến toà đại sứ Trung Hoa (Đài Loan) ở Manila và trao cho các nhà ngoại
giao ở đó một lá cờ mà Jaime nói đã lấy ở đảo Ba Bình (hoặc như ông đổi tên nó
thành đảo MacArthur). Điều này làm dấy lên cả phản kháng từ Đài Bắc lẫn chỉ
trích từ chính phủ Philippines. Mọi thứ đã trở thành quá nhiều. Hải quân VNCH
đã phái một tàu tới một trong những đảo của Trường Sa và phái đoàn này dựng lên
một tượng đài và treo cờ tổ quốc vào ngày 22 tháng 8.[14]
Chính phủ quốc dân đảng Đài Loan quyết tâm giải quyết vụ Cloma một lần rồi thôi
và phái một phần của lực lượng hải quân của mình dưới sự chỉ huy của đại tá
Yao.[15]
Họ sẽ gặp nhau tại một nơi gọi là Danger (cụm Song Tử).
Sáng sớm ngày 1 tháng 10 năm 1956, tàu IV của đội tàu PMI
neo ngoài khơi rạn Bắc Danger (mà Cloma đã đổi tên thành ‘đảo Ciriaco’ ở mũi
cực Bắc của ‘Freedomland’) thì nó bị hai tàu của Hải quân Đài Loan thách thức.
Thuyền trưởng Filemon Cloma đã được ‘mời’ lên tàu một trong các tàu này để thảo
luận về yêu sách của mình. Một cuộc tranh luận bốn giờ về những chi tiết của
luật pháp quốc tế xảy ra sau đó – trong lúc đó Đài Loan đã lên tàu PMI IV và
tịch thu tất cả các loại vũ khí, bản đồ và các tài liệu liên quan mà họ có thể
tìm ra.[16]
Ngày hôm sau Filemon được mời lên tàu một lần nữa và được giao cho tờ khai báo
trong đó thừa nhận ông đã xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc và cam kết sẽ không làm
như vậy lần nữa. Theo con trai của Filemon, ông đã kí vào tờ khai do bị cưỡng
ép. Sau đó các tàu hải quân ra đi và đoàn người của Filemon kiểm tra các đảo
gần đó - tất cả các cấu trúc trước đây họ xây dựng ở đó đều đã bị phá hủy.[17]
Tomas Cloma không phải là người để cho qua chuyện đó. Vì
vậy, cuối tháng đó, ông đã tự mình đến New York với ý định làm một khiếu nại
chính thức gửi Liên Hiệp Quốc. Nhưng bấy giờ chính phủ Philippines cũng đã chán
ngán ông ta. Sau một cuộc họp báo ở các quán cà phê của khách sạn Waldorf
Astoria, Cloma đã được đại sứ Philippines tại Liên Hiệp Quốc, Felixberto Serrano
đưa ra ngoài, giải thích rằng chỉ các chính phủ được công nhận mới có thể trình
bày các vấn đề tại Liên Hiệp Quốc và Philippines sẽ không lãng phí thêm thời
gian về vấn đề này. Garcia và các đồng minh trong Hiệp hội Ngoại giao ở Manila
lại cố thực hiện một nỗ lực vận động cuối cùng để thuyết phục Tổng thống
Magsaysay thay đổi ý kiến nhưng không thành công. Ngày 8 tháng 2 năm 1957
Garcia đã viết một lá thư diễn đạt một cách cẩn thận cho Cloma, trong đó ông
đưa ra một sự phân biệt phần nào tùy ý giữa 7 đảo được biết như là Quần đảo
Trường Sa và các thể địa lí còn lại mà ông gọi là ‘Freedomland’. Phát biểu thay
mặt cho Bộ Ngoại giao (không phải cho chính phủ, ông nói Cloma được hoan nghinh
tuyên bố chủ quyền bất kì đảo trống nào trong 'Freedomland', chỉ khi nào mà
không có chủ quyền của nước nào khác đã được công nhận trên đó. Điều đó chẳng
có ý nghĩa gì.[18]
Điều đó kết thúc việc Tomas Cloma tham gia chính trường quốc
tế, nhưng còn có phần cuối đáng tò mò cho toàn bộ dự án ‘Freedomland’. Sau năm
1956, Cloma đã chuyển hướng năng lượng của mình vào hoạt động kinh doanh, nhưng
ông không bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình. Ông rất thích được gọi là ‘Đô đốc’
Cloma và mặc một bộ đồng phục màu trắng lấp lánh vào những dịp đặc biệt tại
PMI. Tuy nhiên, dần dần đoàn mạo hiểm của ông đã bị nhạt nhoà trong bộ nhớ công
chúng. Tuy nhiên vào đầu thập niên1970, nó có được sự chú ý không chào đón của
Tổng thống Ferdinand Marcos. Thăm dò dầu đã bắt đầu ngoài khơi bờ biển Palawan
năm 1970, và vào tháng 7 năm 1971, lực lượng Philippines đã đặt chân tới ba đảo
của Quần đảo Trường Sa:. Thị Tứ, Vĩnh Viễn và Bình Nguyên (lần lượt là Pagasa,
Lawak và Patag theo tiếng Philippines). Họ dường như cũng đã cố gắng đổ bộ lên
đảo Ba Bình nhưng đã bị lực lượng Đài Loan đẩy lui.[19]
Cuối tháng đó, Marcos ra lệnh quân đội lập ra bộ tư lệnh miền Tây để bảo vệ lợi
ích trong khu vực.
Chính trong thời gian này chính phủ Philippines thực hiện nỗ
lực đầu tiên để chính thức hóa một yêu sách lãnh thổ thống nhất đối với các
đảo, nhưng đó lại là một yêu sách dựa trên cơ sở địa lí và pháp lí khá lung
lay. Thứ nhất, theo Garcia, nó cố gắng lập luận rằng khu vực nằm trong
‘Freedomland’ là khác với nhóm đảo được quốc tế biết đến như là Quần đảo Trường
Sa và thứ hai nó cho rằng Philippines có quyền sở hữu ‘Freedomland’ do những
hoạt động của Tomas và Filemon Cloma 25 năm trước đây. Cloma đã thấy cơ hội và
đã viết cho tờ báo Daily Express
tháng 1 năm 1974 kêu gọi chính phủ tài trợ cho tuyên bố ban đầu của mình tại
Tòa án Quốc tế. Nó thu hút được sự chú ý của Marcos và tháng sau đó Cloma đã
được mời tham dự một cuộc họp tại dinh tổng thống, trong buổi họp đó đó ông đã
hứa sẽ nhường lại các đảo. Tất cả những gì cần phải làm chỉ là thủ tục nhỏ về
một hợp đồng và giá mua. Cloma chọn ba chính khách làm nhóm đảm trách pháp lí cho
mình và các cuộc đàm phán kéo dài. Ngày 3 tháng 10 năm 1974, Cloma, lúc đó đã
70 tuổi, được mời đến trụ sở cảnh sát quốc gia tại trại Crame. Sau một cuộc trò
chuyện dài với một đại tá cảnh sát, ông đã được dẫn tới nhà mới của ông là Trại
giam số 3. Vào khoảng thời gian đó, chính phủ tịch thu một tàu của ông, MS Philippine Admiral, làm tê liệt công
ti vận chuyển của Cloma. Sau một vài ngày Cloma được cho biết ông sẽ bị buộc
tôi ‘mặc đồng phục và mang phù hiệu bất hợp pháp’. Chế độ thiết quân luật của
Marcos đã xem trò đùa ‘đô đốc’ hơi quá nghiêm trọng. Cloma hiểu những gì đang
thực sự xảy ra. Ông giữ ý kiến 57 ngày nhưng cuối cùng thì lão già chịu thua.
Ông đã kí nhượng ‘Freedomland’ cho chính phủ Philippine với giá chỉ một peso.
Marcos đổi tên quần đảo Freedomland thành Kalayaan - Kalayaan là từ Tagalog có nghĩa là tự do
- và tháng 6 năm 1978 đã ban hành Nghị định 1596 sáp nhập Kalayaan làm một hạt
của tỉnh Palawan. Hạt này vẫn còn tồn tại, mặc dù đối với hầu hết thời gian
trong năm nó đóng trong một văn phòng tại vùng ngoại ô của Puerto Princesa ở
Palawan. Vào thời điểm viết sách, quân đội Philippines chiếm đóng 9 đảo và rạn
san hô và cố gắng quan sát tiếp phần còn lại. Đảo lớn nhất do Philippines chiếm
đóng - trước đây gọi là Thị Tứ nhưng đổi tên thành Pagasa (từ chữ hi vọng trong
tiếng Philippines) - hiện tại đang là đảo nhà của một bức tượng nhỏ của Tomas
Cloma. Nó đứng bên cạnh đường băng, buồn bã nhìn ra biển: vào chỗ mà một vài
năm trước còn thuộc Cloma. Tháng 7 năm 1987, sau khi chế độ Marcos bị lật đổ,
Cloma và các cộng sự đã yêu cầu chính phủ dân cử của tổng thống Corazon Aquino
bồi thường. Họ đòi 50 triệu peso. Tomas Cloma mất vào ngày 18 tháng 9 năm 1996
mà không nhận được trả lời. Giấc mơ về một tập đoàn phân chim và cá hộp của ông
vẫn chưa được hoàn thành.
**********
Đối với một số người đó là chuyện khôi hài, các hoạt động
của Cloma khơi lại sự lo ngại của khu vực đối với Quần đảo Trường Sa. Đài Loan
trở lại Ba Bình vào năm 1956, sau 6 năm tĩnh lặng, thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân
tộc từng gợi hứng cho chuyến đi đầu tiên của họ vào năm 1946. Vào thời điểm của
màn tóm thu đảo kế tiếp, khi mà Ferdinand Marcos ra lệnh cho quân đội
Philippines chiếm giữ 3 đảo vào năm 1971, động lực lại là dầu. Một vài năm sau
đó, dầu cũng là lí do khiến Việt Nam Cộng Hòa tham gia vào cuộc đua. Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu đã cố giành chiến thắng cuộc chiến chống lại cộng sản, đồng
thời giải cứu nền kinh tế vỡ vụn do chi tiêu quân sự căng kéo quá mức và viện
trợ Mĩ nhanh chóng sụt giảm. Ngày 20 tháng 7 năm 1973, một tháng sau khi Quốc
hội Mĩ bỏ phiếu cấm tất cả các hoạt động chiến đấu của Mĩ ở Đông Dương, VNCH
chuyển nhượng quyền khai thác dầu đầu tiên. Tám lô ngoài khơi bờ biển phía Nam
và phía Đông của VNCH đã được trao cho Mobil, Exxon, một tập đoàn của Canada và
một công ti con của Shell gọi là Pecten. Tháng 9 năm 1973, để bảo vệ việc thăm
dò, Nam Việt Nam chính thức sáp nhập 10 đảo của Quần đảo Trường Sa. Họ đã triển
khai hàng trăm binh lính đến đảo Trường Sa và Nam Yết - chỉ đối diện Ba Bình ở
phía bên kia đầm phá. Các phản kháng từ Đài Bắc và Manila đều to tiếng. Bắc
Kinh chậm rãi xem xét các lựa chọn của mình.[20]
Nam Yết chỉ cách Ba Bình khoảng 20 km bên
kia đầm phá
Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh đã phải cân nhắc những
tác động của một số những thay đổi quan trọng trên toàn cầu và trong khu vực.
Mặc dù trên danh nghĩa tất cả đều là cộng sản, quan hệ giữa các chính phủ ở Bắc
Kinh, Moscow và Hà Nội khó còn là quan hệ anh em. Một sự chia tách ý thức hệ
giữa Trung Quốc và Liên Xô đã dần trở nên tồi tệ hơn trong thập niên 1960 và
hai nước này đã đánh nhau ở biên giới năm 1969. Vào thời điểm đó, lãnh tụ Trung
Quốc Mao Trạch Đông đã bắt đầu thấy Liên Xô là một mối đe dọa lớn hơn nhiều so
với Mĩ. Đồng thời, ngoại trưởng Mĩ, Henry Kissinger, nhận ra rằng Trung Quốc có
thể là một đồng minh hữu ích trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Liên Xô nên
bắt đầu gieo cấy quan hệ. Chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh trong tháng 7 năm
1971 đã mở đường cho sự đột phá đầy kèn trống của Tổng thống Nixon vào tháng 2
năm 1972.
Việt Nam thấy mình bị kẹt dí giữa tam giác này. Miền Bắc
cộng sản từ lâu đã cố gắng cân bằng quan hệ với Moscow và Bắc Kinh tốt hơn để
tiến hành cuộc chiến chống lại miền Nam được Washington hậu thuẫn. Vũ khí, viện
trợ và cố vấn đến từ cả hai nước này nhưng Hà Nội không muốn chịu ơn nước nào.
Bản sắc dân tộc hiện đại của Việt Nam ít nhiều được xây dựng xung quanh những
câu chuyện về cuộc đấu tranh dài hàng ngàn năm chống Trung Quốc. Ban lãnh đạo
đảng Cộng sản ở Hà Nội quyết tâm không để trở thành một nước chư hầu lần nữa.
Cũng có các khác biệt về chính trị. Hà Nội kiên quyết giải phóng (theo như họ
thấy) toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong khi Bắc Kinh muốn Hà Nội tiến hành một
cuộc chiến lâu dài và kéo dài để giữ cho Mĩ bị sa lầy.[21] Kết
quả là Hà Nội bắt đầu nghiêng về phía Moscow.
Có hai quan ngại làm nỗi lo sợ Trung Quốc sâu sắc hơn. Nếu
Hà Nội thắng cuộc chiến, hạm đội Liên Xô có thể có quyền sử dụng các căn cứ ở
Biển Đông, có nguy cơ bóp nghẹt đường tiếp tế của Trung Quốc. Thứ hai, nếu có
dầu ở đó, những nước khác đã đặt tay lên đó trước. Theo quan điểm của Bắc Kinh
ai kiểm soát Quần đảo Hoàng Sa sẽ có thể săn tìm dầu ở vùng nước xung quanh
chúng và kiểm soát việc đi lại tới miền Nam Trung Quốc. Vào thời điểm đó các
đảo vẫn còn chia tách: nhóm An Vĩnh do quân cộng sản Trung Quốc chiếm đóng và nhóm
Trăng Khuyết do Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ VNCH quan tâm tới các sự
kiện trên đất liền nhiều hơn là các đốm đất đá rải rác trên biển. Đơn vị trú
đóng trên đảo Hoàng Sa chỉ hơn một trạm thời tiết đôi chút, một đội nhỏ các
người làm nhiệm vụ bảo vệ cùng một đàn dê. Dù vậy, từ trong nhóm An Vĩnh, mọi
thứ đã hoàn toàn khác. Bắt đầu từ năm 1970, Trung Quốc đã điều tra tất cả các
đảo và xây dựng một cảng mới ở đảo Phú Lâm. Đó là điểm khởi động cho một chiến
dịch sẽ đẩy một người Mĩ thầm lặng lên những bản tin.
Gerald Kosh tin vào sứ mệnh của Hoa Kì tại Việt Nam. Ông
tình nguyện tham gia quân đội ngay khi xong trung học, những lời của J. F.
Kennedy trong bài diễn văn ‘đừng hỏi tổ quốc làm gì cho bạn’ vang lên trong tai
ông. Cha ông, một cựu thương binh Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã phản đối ý
tưởng nhưng Kosh là một người đàn ông quả quyết. Tháng 5 năm 1967, ông tốt
nghiệp trường Airborne Ranger như là lãnh đạo xuất sắc (Outstanding Leader) của
lớp và đã được phái đến Việt Nam. Ông chuyển về lực lượng đặc biệt rồi trở
thành một đại uý lính mũ xanh (Green Beret). Một cựu chiến binh trinh sát tầm
xa, ông là hình ảnh thu nhỏ của chiến binh rừng rậm của Mĩ. Sau khi chuyến đi
kết thúc, ông vẫn ở trong quân đội, biên chế trong nhóm Lực Lượng Đặc Biệt thứ
10, định kì trở lại Đông Nam Á để huấn luyện các lực lượng chống cộng.
Ông rời quân đội nhưng - gia đình ông nói - không vui thú
cuộc sống dân sự. Chán nản, ông quay trở lại Việt Nam với $300 trong túi và lời
hứa về một công việc thông qua toà Đại sứ Mĩ. Ngày 10 tháng 12 năm 1973 tùy
viên Hải quân ở Sài Gòn bổ nhiệm ông là một trong 12 nhân viên liên lạc khu vực
được phân công để theo dõi việc sử dụng các thiết bị quân sự của Mĩ chuyển giao
cho chính phủ Nam Việt Nam. Các báo cáo của ông phải đòi hỏi việc đọc rất dữ,
đặc biệt khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức, có hiệu lực từ tháng 1 trước, bị
tan vỡ. Ngày 4 tháng 1 năm 1974, tổng thống Thiệu tuyên bố rằng cuộc chiến đã
bắt đầu lại ở Việt Nam.
Chỉ một tuần sau đó, một người phát ngôn của Trung Quốc đưa
ra yêu sách chủ quyền mới của Bắc Kinh đối với Quần đảo Hoàng Sa, nhưng hầu như
ở Sài Gòn không ai nhận thấy. Và nếu như Washington có ý niệm mơ hồ nào về
những gì đang đến, thì họ cũng không để nó hiện ra. Mục tiêu của Mao Trạch Đông
là đảm bảo tính nhanh nhạy chiến lược ngoài khơi bờ biển phía Nam của Trung
Quốc và cho phép việc săn tìm dầu xung quanh Quần đảo Hoàng Sa và xa hơn nữa.
Quan hệ của Bắc Kinh với Bắc Việt Nam xấu đi nhanh chóng và Nam Việt Nam bị mất
sự yểm trợ quân sự của Mĩ. Tháng 1 năm 1974 là một thời điểm mà các lãnh đạo
Bắc Kinh có thể hành động mà không sợ hậu quả. Đối với Kissinger và Nixon, số
phận của việc Nam Việt Nam sở hữu các hòn đảo là ít quan trọng hơn so với việc
cải thiện quan hệ Mĩ - Trung. Một liên minh Mĩ-Trung ngầm sẽ có rất nhiều ý
nghĩa đối với kết quả của cuộc Chiến tranh Lạnh hơn bất cứ điều gì sẽ xảy ra ở
Sài Gòn.
Hiện nay chúng ta biết rằng chiến dịch [Hoàng Sa – ND] đã
được lên kế hoạch trong một thời gian trước đó. Lịch sử chính thức của Hải quân
Trung Quốc xuất bản tại Bắc Kinh vào năm 1987 cho chúng ta biết rằng lệnh được
đến từ nơi chóp bu nhất: nó đã được Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đưa ra vào năm
1973. Người mà họ giao trách nhiệm là Đặng Tiểu Bình, về sau là lãnh đạo ‘trên
thực tế’ của đất nước này nhưng vào thời điểm đó, chỉ vừa mới được gọi về lại
thủ đô sau 6 năm trong ô nhục chính trị. Việc chuẩn bị đã được giữ bí mật rất
cao nhưng chúng tôi biết theo một tài liệu quân sự Mĩ giải mật sau này do
Gerald Kosh viết rằng quân đội Trung Quốc đã bắt đầu huấn luyện cho một loại
chiến dịch nào đó vào khoảng tháng 9 năm 1973. Tình báo Mĩ có một nguồn ở cảng
Bắc Hải của Trung Quốc đã báo cáo về việc thắt chặt an ninh quanh thời gian này
- mặc dù liên kết với những gì đã xảy ra về sau sẽ chỉ được thực hiện sau này.
Từ giữa tháng 12 trở đi, người ta thấy hàng trăm lính đặc nhiệm Trung Quốc rời
cảng mỗi ngày trên 6 tàu đánh cá và trở về vào mỗi tối. Điều này tiếp diễn
trong khoảng 10 ngày. Họ đã sẵn sàng cho hành động vào đầu tháng 1.[22]
Khi người Việt chuẩn bị Tết, tin về nhiều tàu lạ xuất hiện
quanh Quần đảo Hoàng Sa truyền tới Sài Gòn. Một tàu Hải quân Việt Nam được phái
đi để tìm xem chuyện gì đang xảy ra. Ngày Thứ Hai, 14 tháng 1 những lo ngại của
chỉ huy cao cấp đã được khẳng định. Hai tàu đánh cá của Trung Quốc bỏ neo cách
đảo Hữu Nhật (Robert Island) 300 mét. Đột nhiên, hải quân phải tăng tốc, họ đã
quen với việc yểm trợ các cuộc hành quân trên đất liền hoặc tuần tra các tuyến
đường sông ở đồng bằng sông Cửu Long, bây giờ phải đối mặt với khả năng đánh
nhau trên biển. Đồng thời các chỉ huy không thể loại trừ khả năng là hoạt động
này của Trung Quốc chỉ dùng để phân tâm giúp lực lượng cộng sản thực hiện một
bước đột phá trên đất liền.
Rõ ràng báo động đã lan ra. Thứ Ba, 15 tháng 1, chính tổng
thống Thiệu đặc biệt đến thăm Hải quân tại Đà Nẵng.[23] Và
vào một lúc nào đó hôm đó, Jerry Scott thuộc toà lãnh sự Hoa Kì tại Đà Nẵng đã
liên lạc với chỉ huy hải quân khu vực, người bạn tốt của ông là đề đốc Hồ Văn
Kỳ Thoại, với một yêu cầu đặc biệt. Có thể cho một trong những nhân viên của
ông, nhân viên liên lạc khu vực tên Gerald Kosh, được lên một trong những tàu
sắp khởi hành đi tới Quần đảo Hoàng Sa hay không? Việc này đã được đồng ý nhanh
chóng và Kosh tham gia vào đoàn thuỷ thủ của tàu HQ-16.[24] Tàu
này là một trong 7 tàu tuần duyên cũ của Mĩ đã được trao cho Việt Nam vào đầu
thập niên 1970. Mặc dù được đóng trong thế chiến thứ hai, các súng 5 inch (127
mm) đã làm cho chúng thành các tàu trang bị vũ khí mạnh nhất trong Hải quân
Việt Nam.
Ngày hôm sau, HQ-16 đưa 14 thành viên của đơn vị người nhái
lên bảo vệ đảo Hữu Nhựt. Nhưng khi đến đảo Duy Mộng (Drummond) và Quang Hoà
(Duncan) họ phát hiện ra là đã quá trễ. Quân Trung Quốc đã ở trên đảo với các
tàu yểm trợ gần đó. Tất cả điều này đã được báo cáo khẩn cấp về Đà Nẵng. Tối
hôm đó, bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam công khai lên án Trung Quốc chiếm
đóng các đảo và giành quyền thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để đối phó
với tình hình.[25]
Bên trong hậu trường đã có hoảng loạn. Sĩ quan hải quân cao
hàng thứ ba, tham mưu phó hành quân Đỗ Kiếm, đã thúc giục có một phản ứng nhanh
chóng và quyết đoán. ‘Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, chúng ta có thể
chiếm lại đảo’, ông nhớ lại đã thúc giục tổng chỉ huy của mình, Để đốc Trần Văn
Chơn.[26]
Thay vào đó, theo tường thuật của Kiếm, Chơn dao động, đòi hỏi bằng chứng chủ
quyền về mặt lịch sử của Việt Nam đối với các đảo. Trong khi giờ khắc trôi tuột
đi, Kiếm co lại trong việc lục lọi thư viện và hồ sơ của hải quân để tìm các
tài liệu thích hợp. Đồng thời, thông qua nhân viên liên lạc Mĩ chính thức của
mình, Kiếm chính thức yêu cầu Hạm đội 7 của Mĩ hình thành một tuyến cản để chặn
Hải quân Trung Quốc đi tới các đảo. Chẳng có điều gì đã được thực hiện. Người
Việt chỉ có chính mình.
Thứ Năm, 17 tháng 1, 15 người nhái đã đổ bộ lên đảo Quang
Ảnh (Money). Trong số 7 hòn đảo trong nhóm Trăng Khuyết, có 3 đảo do Việt Nam
và 2 do Trung Quốc chiếm đóng. Ba chiếc tàu khác được vội vã phái tới Quần đảo
Hoàng Sa: HQ-5 (một tàu tuần duyên cũ của Mĩ), HQ-4 (USS Forster cũ, một tàu khu trục trang bị súng 3-inch) và HQ-10
(tàu quét mìn USS
Serene cũ, bây giờ là tàu tuần tra). Vào sáng Thứ Sáu, 18 tháng 1, cả 4 tàu
đều nằm yên ở các đảo và chỉ huy đội tàu, hạm trưởng Hà Văn Ngạc, đã quyết định
phô trương sức mạnh và cố gắng cho người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hoà. Trong
khi 4 tàu khác của Trung Quốc đứng chờ, hai tàu hộ tống Trung Quốc (tàu săn tàu
ngầm do Nga đóng vào những năm 1950) vận động lên phía trước.
Sử dụng đèn tín hiệu, họ bắt đầu một cuộc tranh luận về lịch
sử bằng tiếng Anh. Họ nhá đèn ‘Những đảo này thuộc về Trung Quốc từ thời nhà
Minh. Không ai có thể phủ nhận.’ Việt Nam trả lời ít uyên bác hơn ‘vui lòng rời
khỏi lãnh hải của chúng tôi ngay lập tức.’ Điều này diễn ra trong vài phút thì
các tàu hộ tống Trung Quốc ngừng các bài học lịch sử và bắt đầu trò chơi gà
(game of chicken), chạy vào đường đi của các tàu Việt Nam. Ngạc quyết định
không đấu và hủy bỏ việc đổ bộ. Vòng đầu phần thắng về Trung Quốc.
Lúc 8 pm Thứ Sáu, Kosh được gọi qua HQ-5 để gặp Ngạc, cùng
với một toán công binh quân đội Việt Nam cùng được phái đi với đội tàu. Ngạc
nói với ông rằng vì có đánh nhau nên những ai không là thủy thủ nên lên bờ.
Kosh và toán công binh đã được đưa tới đảo Hoàng Sa (Pattle), cùng với một số
dự trữ và 10 gói thuốc lá Capstan, để cùng với các nhân viên khí tượng và những
người bảo vệ họ chờ trận chiến xảy ra. Lúc họ đi ngủ ở trạm khí tượng, một điện
tín mật mã từ Đà Nẵng đã được chuyển đến Ngạc. Lệnh mâu thuẫn: lấy lại đảo
Quang Hoà một cách hòa bình. Làm cách nào để đội tàu 4 chiếc và đội người nhái
ít ỏi đi cùng sẽ thuyết phục đội tàu Trung Quốc lớn hơn cùng với các lực lượng
cố thủ của họ trên các đảo ra đi thì không được chỉ rõ. Ngạc quyết định cho đổ
bộ vào sáng hôm sau, Thứ bảy, 19 tháng 1. Lúc 8 am, 20 người nhái xuống hai
xuồng cao su và chạy nhanh về phía bờ với nhiệm vụ đàm phán với người Trung
Quốc và yêu cầu họ rời đi. Lúc 8: 29 am họ tới bờ. Khi họ lội băng qua sóng,
Trung Quốc nổ súng, bắn chết một người nhái. Một người nhái thứ hai cũng bị bắn
chết khi cố gắng lấy xác đồng đội. Người nhái rút lui.
Ngạc gọi vô tuyến xin lệnh. Tại Bộ chỉ huy Hải quân ở Sài
Gòn, Đỗ Kiếm tìm đô đốc Chơn. Không thấy ông ta ở đâu. Một phụ tá nói với ông
rằng đô đốc Chơn đã lên máy bay đi Đà Nẵng. Kiếm gọi cấp phó của ông Chơn tại
Đà Nẵng. Cũng không gặp được: ông bận ra sân bay để đón ông Chơn. Vào khoảnh
khắc khi số phận của các đảo treo trên bàn cân, hai viên chức cao cấp nhất của
Hải quân Việt Nam tự làm mình mất liên lạc. Cuối cùng, tự ông Kiếm đã phải đưa
ra lệnh nổ súng. Ông cũng đưa ra yêu cầu thứ hai nhờ Hạm đội 7 Mĩ yểm trợ. Một
lần nữa, chẳng có gì xảy ra từ đó.
Vì vậy, vào 10:29 am, hai giờ sau khi hai người nhái bị
giết, 4 tàu Việt Nam nổ súng vào 6 tàu Trung Quốc. Họ chỉ cách nhau một hải lí.
Không may cho Việt Nam, khẩu súng phía trước trên HQ-4 không bắn được và con
tàu đã nhanh chóng bị một trong các tàu hộ tống Trung Quốc bắn trúng. HQ-5 làm
hư hỏng nặng một tàu hộ tống khác, nhưng sau đó đã bắn vào chính mình. Rồi 15
phút sau đó, HQ-5 xoay xở vô tình bắn trúng HQ-16. Đạn pháo phang vào phòng
động cơ bên dưới mớn nước. HQ-16 nhanh chóng bị mất lực đẩy và bắt đầu bị
nghiêng 20°. Sau đó, HQ-5 bị bắn trúng một lần nữa, mất tháp pháo súng và vô
tuyến điện. Cuối cùng, HQ-10, chiếc nhỏ nhất trong 4 tàu, bị trúng một quả
phóng lựu Trung Quốc, phá hủy boong tàu và giết chết hạm trưởng. Trong vòng nửa
giờ, mặc dù đã làm hư hại nặng hai tàu Trung Quốc, đội tàu Việt Nam hoàn toàn
mất khả năng tác chiến. HQ-10 bị chìm và 3 tàu kia khập khiễng trở về Đà Nẵng.
Theo bất kì đánh giá độc lập nào, cuộc đụng độ này là một thảm họa, nhưng các
thủy thủ trở về được chào đón như những anh hùng. Phương tiện truyền thông của
Việt Nam đã được cho biết rằng họ đã bị đánh chìm hai tàu Trung Quốc và buộc
một hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều phải rời đi. Nó đã được xoay thành một tin
tốt lành, đúng vào dịp lễ Tết.
Trong khi đó Gerald Kosh, và những người khác trên 3 đảo do
Việt Nam kiểm soát, chỉ còn cách chờ đợi số phận của mình. Hai toán người nhái
trên đảo Quang Ảnh và Hữu Nhựt là các chiến binh dày dạn. Trên đảo Hoàng Sa,
các nhân viên khí tượng và bảo vệ của họ thì không như thế. Chỉ có Kosh là biết
cảm giác đánh nhau như thế nào. Họ không phải chờ đợi lâu. Kosh quan sát sự
chuyên nghiệp của cuộc xâm chiếm của Trung Quốc với sự ngưỡng mộ, đặc biệt khi
so với yếu kém về năng lực phòng thủ của Việt Nam. Ông quan sát khi họ chuẩn bị
đổ bộ lên đảo Hữu Nhựt cách đó hai hải lí.
Vào lúc 9 am, ba pháo hạm Trung Quốc tiến đến đúng vị trí
ngoài khơi và một giờ sau đó bắt đầu nã pháo có hệ thống lên đảo. Nửa giờ sau
đó, hai tàu đánh cá đến. Số người trên tàu cho thấy chúng đúng là những chiếc
tàu đã được thấy huấn luyện ngoài khơi Bắc Hải một tháng trước.
Sau đó ít nhất 100 binh sĩ xuất hiện trên boong mỗi tàu đánh
cá và thả xuống các xuồng cao su. Vì Kosh ngồi ở vị trí thuận lợi, ngắm hoạt
động qua ống nhòm, thấy 6 đến 8 binh sĩ dùng thang dây leo xuống mỗi chiếc
xuồng. Khi xuống xong, 30 xuồng lập thành đội hình tấn công chèo vào. Khi họ đi
qua các rạn san hô, một xuồng bắn lên một tín hiệu lửa màu đỏ và các tàu
ngừng nã pháo rồi di chuyển ra phía đảo Hoàng Sa. Lực lượng đổ bộ tiến vào phía
bãi biển, vẫn giữ trong đội hình chặt chẽ. Người nhái nổ súng nhưng không gây
ra bất kì thương vong nào. Bị áp đảo về quân số, hơn 10 chọi 1 nên chẳng bao
lâu họ đầu hàng. Không quen với Kosh, 15 người nhái trên đảo Quang Ảnh đã thấy
ra việc gì sẽ đến. Họ đã xuống biển trước khi có thể bị bắt giữ. Sau 9 ngày
trôi dạt 200 hải lí trên một xuồng cao su, cuối cùng họ được ngư dân giải cứu
ngoài khơi cách bờ biển Việt Nam 35 hải lí.
Sự nể trọng của Koshs đối với cuộc tấn công của Trung Quốc
càng trở nên mạnh mẽ hơn khi họ chuyển sự chú ý về đảo Hoàng Sa. Cũng thế, đảo
này bị dọn trước với đạn pháo. Kosh và những lính Việt Nam phải nấp vào chỗ
trú ẩn xung quanh trạm thời tiết gần một giờ khi pháo rơi xuống. May mắn thay,
không ai trong số họ bị bắn trúng. Rồi hai tàu đánh cá đến và một đoàn xuồng
khác đã đổ lên đảo khoảng 200 lính Trung Quốc. Kosh vẫn nấp trong khi quan sát
cách họ càn quét có hệ thống qua hòn đảo với từng đơn vị tập trung vào các mục
tiêu cụ thể. Trong vòng một giờ chiến dịch đã hoàn tất. Cuộc xâm lược ngoài
nước qua đường biển đầu tiên của Cộng sản Trung Quốc đã thành công.
Tuy nhiên, đối với Kosh tình hình có vẻ đen tối. Ông đã trãi
qua những giờ phút căng thẳng để giải thích lí do tại sao ông lại ở trong Quần
đảo Hoàng Sa. Người Trung Quốc đã buộc phải coi ông là một gián điệp và theo đó
mà đối xử. Hai sĩ quan CIA, John T. Downey và Richard G. Fecteau, bị bắn rơi
khi đang cố tiếp tế cho quân nổi dậy chống cộng sản ở Trung Quốc vào năm 1952,
chỉ vừa mới được thả ra sau 20 năm ngồi tù. Ông nói với người Trung Quốc ông là
một nhân viên dân sự, một người quan sát, và ông chỉ đến quần đảo này để đánh
giá những gì mà công binh đã lên kế hoạch để làm. Họ chuyển ông đến Hải Nam và
sau đó đến Trung Hoa đại lục.
Trong khi đó, ở cả Việt Nam lẫn Mĩ, các quan chức ra sức tìm
hiểu những gì đã xảy ra với ông. Nhận thức được tính cấp bách của tình hình,
Henry Kissinger đã mời quyền phó đại sứ Trung Quốc tại Washington đến trao đổi
vào ngày 23 tháng 1. Theo biên bản được giải mật của cuộc gặp gỡ này, Kosh là
mục đầu tiên trong chương trình nghị sự. Kissinger nói rõ rằng Mĩ đã không có
lập trường gì về những cái đúng hay cái sai trong tranh chấp Quần đảo Hoàng Sa
nhưng kêu gọi rằng Kosh phải được thả sớm, và điều đó chắc chắn sẽ xoa dịu tình
hình xa tới mức mà Hoa Kì quan tâm, ông nói với chuẩn đại sứ.[27]
Kosh đã trãi qua gần một tuần trong tù cho tới khi lời thúc
giục của Kissinger có hiệu quả mong muốn. Ngày 29 tháng 1 ông bước qua biên
giới sang Hồng Kông (lúc đó còn là thuộc địa của Anh) cùng với 4 tù binh Việt
Nam. Các quan chức Mĩ đã cố gắng hết sức mình để giữ kín vấn đề. Các nhà báo
được cho biết ông bị viêm gan và cần phải được kiểm dịch. Ông được trực thăng
đưa đến sân bay, bay ngay tới căn cứ không quân Clark ở Philippines và về bệnh
viện Hải quân Philadelphia ở Mĩ. Ông không trả lời phỏng vấn. Thay vào đó, ông
dường như đã dành năng lượng của mình cho dự thảo đánh giá về cuộc tấn công của
Trung Quốc cho ban nghiên cứu đặc biệt của quân đội, một báo cáo được giải mật
20 năm sau đó.
Kosh khó có bị đánh đập. Chỉ một tháng sau khi đến bệnh viện
Hải quân, ông đã trở lại công việc cũ tại Việt Nam. Rồi sau khi mãn hạn công
việc ở đây, ông làm việc như một nhà hợp đồng dân sự với các lực lượng gìn giữ
hòa bình của LHQ ở Sinai và sau đó làm các công việc khác ở nước ngoài mà có lẽ
ông vẫn duy trì các hoạt động báo cáo ở những chỗ đó. Nhưng bi kịch đối với ông
và gia đình là Gerald Kosh không thích vui hưởng việc nghỉ hưu lâu dài và hạnh
phúc với đầy các câu chuyện chiến tranh hay ho nhất của thế giới. Người vốn đã
dành cả cuộc đời mình để phục vụ đất nước và có thể nói đã từng chiến đấu ở
Việt Nam gần như tới khi kết thúc rồi cuối cùng lại trở thành một nạn nhân của
nó. Trong những chuyến tuần tra xa với tư cách một lính mũ xanh ông đã bị tẩm
trong chất độc da cam - thuốc diệt cỏ phun từ máy bay Mĩ để diệt thảm thực vật
rừng làm phô lộ kẻ thù ẩn nấp bên trong. Bị nhiễm dioxin, chất độc màu da cam có
độc tính cao. Năm 2002, ở tuổi 56, Gerald Kosh đã chết vì hóa chất phun từ máy
bay Mĩ 30 năm trước.
**********
Mục tiêu của Mao Trạch Đông đối với các đảo chẳng thành thứ
gì. Dầu vẫn chưa tìm thấy xung quanh Quần đảo Hoàng Sa và giá trị chiến lược
của chúng vẫn chưa được chứng minh. Việc chiếm đóng nhóm Trăng Khuyết chắc chắn
không ngăn chặn Hải quân Liên Xô sử dụng cảng tại vịnh Cam Ranh trên bờ biển
Việt Nam sau khi Hà Nội chiến thắng, đúng như Bắc Kinh đã lo sợ. Các căn cứ nhỏ
bé như trên đảo Phú Lâm và đảo Hoàng Sa hầu như không thể bảo vệ được. Đó chính
là quan điểm Hải quân Anh hồi những năm 1940 và cũng là quan điểm của Hải quân
Mĩ sau đó. Nhưng sự không chắc chắn đó đã không làm ngưng việc chiếm đóng thêm
nữa. Bừng tĩnh trước cuộc xâm lược Quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH vội vã
củng cố vị trú đóng của họ ở Quần đảo Trường Sa. Có ít nhất 120 binh sĩ đã được
phái đi và 5 đảo bị chiếm đóng. Nhưng Trung Quốc không thực hiện bước chuyển
nào theo hướng đó. Trên thực tế, họ đã làm điều ngược lại, xuống thang cuộc
xung đột, thả tất cả các tù binh từ Quần đảo Hoàng Sa trong vòng vài tuần và
làm im tiếng các phát ngôn dân tộc chủ nghĩa. Nhưng lãnh đạo cộng sản Bắc Việt
(vốn đã công khai im lặng về trận chiến) đã tin chắc rằng Bắc Kinh có ý định
giành lấy nhiều đảo hơn. Tháng 4 năm 1975, ba tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ, Hà
Nội chiếm lấy 6 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa từ VNCH để đảm bảo chúng không lọt
vào tay Trung Quốc. Viên trung úy phụ trách đơn vị trú đóng Việt Nam trên đảo
Song Tử Tây (Southwest Cay) đã chọn cách bơi 3 km sang đảo Song Tử Đông
(Northeast Cay, người Philippines gọi là đảo Parola) do Philippines chiếm hơn
là để bị bắt.
Tháng 11 năm 1975, lần đầu tiên, tranh chấp giữa Bắc Kinh và
Hà Nội đối với các đảo xuất hiện trước công chúng khi báo Quang Minh (Guangming
Ribao [Quang Minh nhật báo]) của Trung Quốc chỉ trích những yêu sách lãnh thổ
của Việt Nam. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đơn giản là không có khả năng đảm
đương nổi một chiến dịch quân sự xa về phía Nam tới Quần đảo Trường Sa. Tuy
nhiên, họ đã lặng lẽ chuẩn bị. Trong suốt phần còn lại của thập kỉ đó họ củng
cố vị thế của mình ở Quần đảo Hoàng Sa, mở rộng cảng và mở một đường băng trên
đảo Phú Lâm năm 1978. Một thập niên sau đó họ có thể làm cho sự hiện diện của
họ cảm nhận được theo một cách dứt khoát.
Trong 30 năm đầu tồn tại của mình, Hải quân Quân đội Nhân
dân Giải phóng Trung Quốc (PLA) từng là một quân chủng nhỏ, chuyên chú vào việc
bảo vệ bờ biển. Lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng bất kì cuộc chiến tranh nào phải
thắng trên đất liền và vai trò của hải quân sẽ như chiến tranh du kích trên
biển: hàng trăm tàu thuyền nhỏ quấy nhiễu kẻ tấn công từ mọi góc độ và cắt
đường tiếp tế. (Chiến dịch Hoàng Sa 1974 là hết sức bất thường và đòi hỏi nhiều
tháng tập luyện đặc biệt). Nhưng khoảng năm 1982, sự kết hợp giữa Đặng Tiểu
Bình ở chóp bu Đảng Cộng sản và đô đốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing) phụ trách
hải quân mang lại sự thay đổi lớn. Lưu Hoa Thanh vốn là một người cộng sản
trung kiên từ khi còn nhỏ và trở nên nổi tiếng trong các ngành chính trị và
chống xâm nhập nhạy cảm nhất của quân đội và trong trận chiến chống lại các lực
lượng quốc dân đảng trong nội chiến Trung Hoa.[28]
Cuộc chiến cũng đã đưa ông tiếp xúc với Đặng Tiểu Bình và quan hệ của họ đã trở
thành cùng có lợi. Câu chuyện của thập niên tiếp theo, dẫn theo Giáo sư John
Garver, là ‘sự tương tác của các lợi ích quan liêu và quốc gia’[29]
hoặc có lẽ, nói theo cách của nhân vật Milo Minder-binder trong quyển tiểu
thuyết Catch-22, ‘cái gì tốt cho họ
Lưu thi tốt cho Hải quân và cái gì tốt cho Hải quân thì tốt cho Trung Quốc.’
Đặng Tiểu Bình muốn Trung Quốc lấy lại sức mạnh kinh tế nên họ cần nguồn tài
nguyên và các tuyến đường thương mại đáng tin cậy cho nó. Ông cũng lo lắng về
nguy cơ đất nước bị Liên Xô và các đồng minh, bao gồm cả Việt Nam, bao vây. Lưu
Hoa Thanh rất tham vọng, và cùng với các lãnh đạo khác của hải quân, đang kiếm
thêm uy tín. Mở rộng vị thế của Trung Quốc ở Biển Đông là một mục tiêu làm hài
lòng tất cả.
Trái với Mao, vốn nghiêng về tự lực cánh sinh nên cho xây
dựng các ngành công nghiệp ở khu trung tâm của Trung Quốc, cách xa các mối đe
dọa từ bên ngoài, cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình nghiêng về thương mại và,
do đó, chú trọng vùng bờ biển. Đặc khu kinh tế đầu tiên được tạo ra tại Thẩm
Quyến, gần Hồng Kông, năm 1980 và tiếp theo là 14 đặc khu nữa tại các thành phố
ven biển khác trong năm 1984. Ngành công nghiệp đầu tiên mở cửa cho đầu tư nước
ngoài là dầu hoả ngoài khơi và hai vòng đấu thầu đầu tiên, trong năm 1982 và
năm 1984, tập trung vào các lô ngoài khơi bờ biển Hồng Kông và Hải Nam. Chính
sách của Đặng Tiểu Bình phụ thuộc vào việc sử dụng các tuyến đường thương mại
quốc tế và sớm nhất là ngày 4 tháng 3 năm 1979, có thể sau sự vận động của Lưu
Hoa Thanh, ông đã đưa ra những chỉ thị đầu tiên cho hải quân tổ chức các chuyến
công tác đường dài.
Ngay sau khi Lưu Hoa Thanh phụ trách lực lượng hải quân, ông
bắt đầu xây dựng chiến lược phòng thủ mà ông gọi là ‘phòng thủ năng động nước
xanh’. Điều này có nghĩa là kiểm soát vùng biển giữa vùng ‘nước nâu’ ven biển
và vùng ‘nước xanh’ ngoài khơi xa cho phép phòng thủ chiều sâu và che chắn các
thành phố ven biển đang phát triển nhanh chóng không bị tấn công.[30]
Lưu Hoa Thanh định nghĩa vùng ‘nước xanh’ là khu vực nằm giữa bờ biển Trung
Quốc và cái mà ông gọi là ‘chuỗi đảo đầu tiên’ - kéo dài từ Nhật Bản đến Đài
Loan rồi đến Philippines, Borneo và Singapore. Tàu mới đã được đưa vào, các căn
cứ dọc theo bờ biển phía Nam và ở Quần đảo Hoàng Sa đã được mở rộng và tin tình
báo đã được thu thập. Theo lịch sử Hải quân Trung Quốc tự xuất bản, tháng 4 năm
1983, Cục Hải dương đã được lệnh phải bắt đầu khảo sát các điều kiện ngay phía
Bắc của Quần đảo Trường Sa. Sau đó, tháng 5, hai tàu đã được phái về phía Nam
tới tận bãi ngầm James, rạn san hô ngầm cách đảo Hải Nam hơn 1 500 km và
cách bờ biển của Malaysia chỉ 100 km, nhưng lại được tuyên bố là ‘điểm cực Nam
của lãnh thổ Trung Quốc’. Trên tàu có hàng chục nhà hàng hải và các giảng viên
đại học hải quân.[31]
Năm 1984, nhiều tàu nghiên cứu đã khảo sát hầu hết các khu vực của Quần đảo
Trường Sa, gần như tới tận bờ biển Philippines. Tháng 2 năm 1985, một đội tàu
thực hiện một hành trình dài tới Nam Cực. Tới năm 1987, lực lượng hải quân đã
sẵn sàng cho cuộc chiến nơi xa.
Lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng, ngay cả khi họ đã trở nên
phụ thuộc nhiều hơn vào Biển Đông, họ đang mất chỗ đứng trong Quần đảo Trường
Sa. Tháng 6 năm 1983, Malaysia đã góp mặt cùng Đài Loan, Việt Nam và
Philippines trong việc chiếm đóng các rạn đá. Danh sách các lựa chọn cho hải
quân tìm kiếm các căn cứ về phía trước ở Biển Đông đã trở nên ngắn hơn. Đã đến
lúc ra tay và thời điểm này là thích hợp. Nền kinh tế đã phát triển và cung cấp
các nguồn lực bổ sung cho hải quân. Cải tổ của Mikhail Gorbachev đã chấm dứt
các mối đe dọa từ Liên Xô và quan hệ với Hoa Kì là tốt hơn bao giờ hết. Trung
Quốc không có gì để mất khi kích động một cuộc xung đột với Việt Nam. Từ khi
Việt Nam xâm lược Campuchia vào tháng 12 năm 1978 và Trung Quốc xâm lược trừng
phạt miền Bắc Việt Nam hai tháng sau đó, quan hệ giữa hai bên chỉ tốt hơn thù
địch một ít.[32]
Việt Nam đã quốc tế bị cô lập vì đang chiếm đóng Campuchia và khó có khả năng
nhận được ủng hộ gì nhiều từ đồng minh chính Moscow ngoài ủng hộ bằng lời. Theo
nhà theo dõi Trung Quốc Taylor Fravel, đầu năm 1987 Bắc Kinh đã đưa ra quyết
định chiếm đóng lãnh thổ.[33]
Bây giờ điều mà lãnh đạo cần là một cái cớ.
Tháng Ba năm 1987, một cuộc họp của UNESCO uỷ nhiệm các nước
thành lập các trạm theo dõi như là một phần của một cuộc khảo sát các đại dương
thế giới. Không ai, kể cả Việt Nam, dường như đã nhận thấy rằng một trong những
vị trí do Trung Quốc đề xuất là tại Quần đảo Trường Sa. Ngày 4 tháng 4, Học
viện Khoa học Trung Quốc đã cử ra một phái đoàn đi khảo sát các đảo. Tháng 5
hải quân phái một đội tàu nhỏ để tham gia cùng họ, thực hành tiếp tế và chữa
cháy trên đường đi và đặt một khối bê tông lên đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef,
Trung Quốc gọi là Yongshu [Vĩnh Thử]), tuyên bố đó là lãnh thổ Trung Quốc.
Nhiều cuộc khảo sát diễn ra trong những tháng tiếp theo cho đến ngày 6 tháng 11
năm 1987, lãnh đạo Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho xây một trạm quan sát trên đá
Chữ Thập. Điều bất thường đối với một trung tâm nghiên cứu dân sự là kế hoạch xây
dựng lại bao gồm một trại lính hai tầng, cầu cảng, một nhà chứa máy bay trực
thăng và một bãi đáp.
Không ai ngay từ đầu lại chọn đá Chữ Thập để đặt một trạm
nghiên cứu. Lúc triều cao, nó gần như hoàn toàn nằm dưới mặt nước, trừ một mỏm
đá duy nhất cao một mét ở đầu phía Tây Nam. Phần còn lại bao gồm một vòng san
hô, dài 25 km và rộng 7 km. Lí do chính khiến nó không bị chiếm đóng là hầu như
chẳng có gì để chiếm ở đó. Nhưng điều này không ngăn cản lực lượng hải quân của
Lưu Hoa Thanh. Ngày 21 tháng 1 năm 1988 bốn tàu Trung Quốc với công binh và vật
liệu xây dựng đến và bắt tay tạo ra một cái gì đó có thể giống như một khu đất
nổi. Ngày hôm sau, một tàu Việt Nam đến để xem điều gì đang diễn ra rồi rời đi
không có sự cố gì xảy ra.[34]
Cho đến tận ngày đó, Việt Nam có lẽ cảm thấy khá an toàn
trong khu vực này của Quần đảo Trường Sa: họ chiếm đóng tất cả mọi thứ đáng
chiếm đóng. Trên rạn London, cách đá Chữ Thập 72 km về phía Nam, và trên bãi
Union, khoảng 93 km về phía Đông của nó, họ kiểm soát hầu như tất cả mọi thứ
nhô khỏi mặt nước. Đá Chữ Thập chỉ được chỉ coi hơn một ít so với mối nguy
hiểm cho lái tàu trên tuyến đường trở về nhà. Nhưng họ đã đánh giá thấp công
binh hải quân Trung Quốc. Trong 9 ngày những kẻ mới đến đã cho thấy sự quyết
tâm của họ đối với môi trường biển qua việc khai phá các kênh xuyên qua rạn san
hô và sau đó nạo vét các mảnh vụn san hô đủ tạo thành khu đất khô ráo
8 000 mét vuông.[35]
Việt Nam chợt tĩnh với những gì đã xảy ra và vào ngày 31
tháng 1 đã phái hai tàu để đưa một toán công tác lên đá Chữ Thập. Nhưng nhiệm
vụ này thất bại khi đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và sự vượt trội quân số
phía Trung Quốc. Ngày 18 tháng 2 Trung Quốc đã đi một bước xa hơn, cho lính
thủy đổ bộ lên thể địa lí duy nhất của rạn London mà Việt Nam không chiếm đóng:
đá Châu Viên (Trung Quốc gọi là Huayang [Hoa Dương]), một mỏm đá hình hạt đậu
khoảng một mét rưỡi trên mực nước biển. Việt Nam tức giận và Hà Nội đã đưa ra
phản đối công khai: Châu Viên chỉ cách tiền đồn gần nhất của họ 19 km. Các
phương tiện truyền thông Việt Nam cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với
tất cả những hậu quả nếu họ không rời khỏi hai rạn đá này. Vùng biển này gay
gốc và chính trị lại trở nên gay gốc hơn.
Gần một tháng sau đó, do sợ lặp lại sự cố Châu Viên, Việt
Nam có bước chuyển để giữ an toàn cho các thể địa lí trên bãi Union mà họ không
chiếm. Bãi Union là một gò đá lớn dưới mặt nước, có diện tích khoảng 470 cây số
vuông, bao phủ trong các rạn san hô nhú lên khỏi mặt nước ở 31 chỗ. Thể địa lí
duy nhất trên bãi Union gần với định nghĩa về đảo của hầu hết mọi người là đảo
Sinh Tồn (Sin Cowe) trên đó có một đơn vị trú đóng của Việt Nam vào năm 1988.
Nằm cách đảo Sinh Tồn 17 cây số về phía Đông Nam là đá Gạc Ma (Johnson Reef -
Trung Quốc gọi là Chigua [Xích Qua]) hầu như nằm dưới nước dù có một số mỏm đá
nhô lên mặt nước, mỏm cao nhất chỉ hơn một mét trên sóng nước. Cách đá Gạc Ma
ít hơn 2 km về phía Bắc là đá Cô-Lin [Collins Reef] (đôi khi được gọi là
Johnson Reef North) và cách nó 15 km về phía Đông Bắc là rạn Lansdowne, cả hai
đều không ở được và chủ yếu chìm dưới nước khi triều cao.[36]
Tối 13 tháng 3, Hải quân Việt Nam phái 3 tàu chia nhau đi
tới đá Gạc Ma, đá Collins và đá Lansdowne. Thật không may cho những người trên
tàu, các con tàu cũ rỉ sét này[37]
đã bị phía Trung Quốc phát hiện, họ đã chạy tới ngăn chặn với một lực lượng lớn
hơn và trang bị vũ khí nhiều hơn. Rạng sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Việt Nam
chiếm được đá Collins và Lansdowne (và vẫn duy trì sự kiểm soát ở đó cho đến
ngày nay). Chiến dịch đá Gạc Ma biến thành thảm họa. Đích xác chuỗi sự kiện là
gì vẫn còn tranh cãi nhưng có vẻ như Việt Nam đổ bộ trước trên một chiếc thuyền
nhỏ chở đầy các dụng cụ xây dựng, và cắm cờ trên san hô. Sau đó quân Trung Quốc
đến và đã cố nhổ bỏ các lá cờ. Hai bên to tiếng với nhau và sau đó xô xát. Các
tường trình phía Trung Quốc nói rằng một lính Việt Nam nổ súng và làm bị thương
một lính Trung Quốc sau đó họ rút lui khi các tàu Việt khai hỏa bằng súng máy.
Phía Việt Nam nói điều ngược lại: Trung Quốc bắn chết phó chỉ huy của lực lượng
đổ bộ Việt Nam và rút lui trước khi tàu của họ nổ súng. Điều lạ là một bộ phim
tuyên truyền do Hải quân Trung Quốc đưa ra năm 2009 để chào mừng kỉ niệm lần
thứ 60 của hải quân cho thấy phiên bản của Việt Nam đáng tin hơn. Video này,
bây giờ đã có trên YouTube, được quay từ một trong các tàu Trung Quốc và cho
thấy lính Việt Nam đứng trong nước sâu tới gối khi thủy triều dâng lên các rạn
san hô. Sau đó nhiều cột nước lớn tung toé xung quanh các binh sĩ Việt Nam khi
tàu Trung Quốc nổ súng. Trong vài giây hàng người mong manh đã hoàn toàn biến
mất và 64 chết trong sóng nước: các khẩu súng máy là của Trung Quốc và các nạn
nhân là Việt Nam. Người Trung Quốc đã thắng trận Gạc Ma với ưu thế.
Với 3 tàu yểm trợ hoạt động của Việt Nam cũng bị phá hủy,
người Trung Quốc có thể tự do hơn trong hành động trong vài tuần kế tiếp. Họ đã
chiếm 3 rạn đá: Chữ Thập, Châu Viên và Gạc Ma. Tới ngày 8 tháng 4 năm 1988 họ
đã chiếm thêm 3 rạn đá nữa: Kennan hoặc McKennan Reef - một phần của bãi Union
cách đảo Sinh Tồn (do Việt Nam chiếm đóng) 19 km về phía Đông, đá Subi cách đảo
Thị Tứ (do Philippines chiếm đóng) 15 km và đá Lạc/Gaven phần của bãi Tizard mà
đảo Ba Bình (đảo lớn nhất trong Quần đảo Trường Sa và đảo duy nhất do Đài Loan
chiếm đóng), và Nam Yết (do Việt Nam chiếm đóng) cũng nằm trên đó.
Danh sách này cho thấy mức độ hoạch định và nguồn lực mà nhà
nước Trung Quốc đã dành cho chiến dịch này. Dù đối mặt với kháng cự vũ trang
và thời tiết xấu họ đã chiếm 6 rạn san hô chủ yếu nằm dưới mặt biển và chỉ
trong vòng hai tháng đã xây dựng xong các nhà giàn sinh sống, các cơ sở tiếp tế
và các ụ phòng thủ. Hơn nữa, mỗi một trong 6 rạn san hô này là vị trí chiến
lược nằm trong vòng một vài km của các đảo chính do các đối thủ TQ nắm giữ và
từng rạn chưa từng bị chiếm đóng trước năm 1988. Các đoàn điều tra đã thực hiện
công việc của mình một cách xuất sắc. Trung Quốc hiện nay đã có nhiều hơn một
chỗ đứng trong Quần đảo Trường Sa.
Lưu Hoa Thanh đã thắng. Chiến lược ‘nước xanh’ của ông bây
giờ là một thực tế. Đặng Tiểu Bình thưởng cho ông hàm đô đốc thực thụ, một chỗ
trong Quân Uỷ Trung ương của cả Đảng và nhà nước và một ghế trong Quốc hội. Bốn
năm sau đó, sau khi Đặng Tiểu Bình nghỉ hưu, ông trở thành một thành viên của
nhóm bên trong nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc: ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Trong tất cả các vai trò này ông tiếp tục thúc đẩy ngày càng nhiều nguồn lực
dành cho hải quân. Ông yêu cầu, và đã nhận được nhiều tàu lớn, công nghệ tốt
hơn và giúp cho giấc mơ của ông về lực lượng hải quân nước xanh có đầy đủ năng
lực. Nhưng Trung Quốc nói chung đạt được gì? Bây giờ họ đã có thêm nhiều căn cứ
mới trên Biển Đông, nhưng còn gì khác? Điều tốt nhất có thể nói là việc chiếm đóng
đã ngăn chặn các nước khác tăng cường các vị trí của họ. Không nước nào khác có
thể khoan dầu hoặc độc quyền hoạt động đánh bắt cá trong vùng nhưng dù tất cả
công sức bỏ ra cho việc chiếm giữ và xây dựng căn cứ, Trung Quốc cũng thế -
không thể làm các điều đó.
**********
Từ ngày đắc cử, tổng thống Philippine, Fidel (Eddie) Ramos,
đã phải đấu tranh với một làn sóng mạnh mẽ tình cảm chống Mĩ. Sự phẫn uất đối
với ủng hộ trước đó của Washington đối với chế độ độc tài Marcos kết hợp với
trào lưu chủ nghĩa dân tộc sâu sắc hơn, làm nên kết quả bỏ phiếu của Thượng
viện Philippines, trong tháng 9 năm 1991, tống Hoa Kì ra khỏi hai căn cứ quân
sự rộng lớn. Căn cứ không quân Clark đã thực sự đóng cửa vào ngày 15 tháng 6
năm 1991 khi núi lửa Pinutabo phun trào, trút xuống nó hàng ngàn tấn vụn đất
đá. Việc bỏ phiếu có nghĩa là điều đó sẽ không được chỉnh sửa. Ngày 24 tháng
11 năm 1992, cờ sao sọc đã được kéo xuống lần cuối cùng tại căn cứ hải quân
vịnh Subic. Ngày hôm sau Philippines trên thực tế không còn khả năng tự vệ. Tệ
hơn nữa, trợ cấp hàng năm mà Mĩ cấp cho lực lượng vũ trang Philippines (AFP)
cũng biến mất. Tài trợ thiếu thốn trong nhiều năm, hải quân và không quân không
thể nào lấp đầy khoảng trống để lại do sự ra đi của người Mĩ. Hải quân của một
quốc gia với vô số đảo mà chỉ gồm khoảng 50 tàu tuần tra và vận chuyển cổ điển
dư thừa của Mĩ thời chiến tranh thế giới thứ hai và lực lượng không quân chỉ có
5 máy bay phản lực F5 hoạt động được, sản xuất vào năm 1966.
Sau nhiều năm trì trệ kinh tế xen lẫn với hỗn loạn chính
trị, mục tiêu của Ramos là cố gắng sử dụng tiềm năng dầu chưa được khai thác
của nước này để giúp người dân thoát cảnh đói nghèo. Từ khi có các cuộc thăm dò
đầu tiên trong thập niên 1970 đã có những hi vọng rằng sự giàu có hơn nữa nằm ở
ngoài khơi. Vì vậy, tháng 5 năm 1994, chính phủ Ramos bí mật chấp thuận đơn của
công ti Philippines, Alcorn Petroleum (một công ti con của một công ti Mĩ,
Vaalco Energy, tiến hành đánh giá trên giấy tiềm năng dầu khí tại một khu vực
ngoài khơi bờ biển Palawan. Mặc dù không dính dáng đến bất cứ công việc khảo
sát hay khoan trên biển, điều này bị cho là vi phạm Tuyên bố Manila, một thỏa
thuận vào năm 1992 giữa 6 thành viên của ASEAN lúc đó (Hiệp hội các nước Đông
Nam Á) phải thực hành kiềm chế trong hành động ở Biển Đông. Năm 1992, Trung
Quốc đã trao quyền khoan cho công ti Mĩ, Crestone, trong một khu vực xa hơn về
phía Tây và Việt Nam đã trao cho công ti Mĩ khác, Conoco, các lô chồng lấn với
khu chuyển nhượng của Crestone (xem chương 5 để biết thêm về điều này). Tuy
nhiên, sau khi tin tức về cuộc khảo sát rò rỉ ra ngoài, Trung Quốc phản đối
điều mà họ coi là xâm phạm chủ quyền của mình. Ngòi nổ đã loé lên cho một cuộc
khủng hoảng khu vực.
Thuyền trưởng Joefel Alipustain là người đầu tiên phải gánh
chịu hậu quả. Ông và các đồng đội của mình trên chiếc tàu đánh cá Analita đang sắp tiến hành công việc
bình thường của họ ngày 10 tháng 1 năm 1995 thì phát hiện một điều bất thường.
Nhô lên mặt biển vài mét, nằm bên trên những con sóng khổng lồ trên các cột to,
là bốn mặt sàn lớn, mỗi mặt sàn có ba hoặc bốn lô cốt bát giác. Trong mùa mưa
bão, ở ngư trường truyền thống của đoàn đánh cá này, một khối đá hình móng ngựa
ngập nước khi triều cao đã bị chiếm đóng. Và những kẻ chiếm đóng khó mà hài
lòng khi bị phát hiện; người trên tàu Analita
nhanh chóng thấy mình bị các tàu thù địch vây quanh. Ngạc nhiên, họ phát hiện
ra những kẻ xâm phạm là Trung Quốc, 114 km gần Philippines hơn so với chỉ một
vài tháng trước. Những người trên tàu đã bị giữ một tuần tới khi được trả tự do
với điều kiện không được nói cho ai biết những gì họ đã thấy. Nhưng cam kết đó
chỉ kéo dài cho tới khi Analita về
tới bến và thế giới nhanh chóng biết được tên nơi họ bị giam giữ: đá Vành Khăn
(Mischief Reef, Trung Quốc gọi là Meiji Jiao [Mĩ Tế tiêu], Philippines gọi là
Panganiban)[38].Và
vị trí của đá Vành Khăn ở đâu? Hầu như nằm ngay chính giữa khu vực được Alcorn
Petroleum khảo sát[39]
Nhà chức trách Philippines phủ nhận. Họ một mực cho rằng
‘điều đó không thể là sự thật’. Chính phủ đã có những điều khác trong đầu.
Manila đang chủ trì cuộc họp mặt Kitô giáo lớn nhất trong lịch sử: 4 triệu
người đến xem Giáo Hoàng John Paul II cử hành Thánh Lễ (Khu vực cũng đã phần
nào bị phân tâm bởi trận động đất Kobe cũng trong tuần đó.) Chỉ sau khi Giáo
Hoàng rời khỏi thành phố thì chính quyền Ramos mới có thể chuyển sự chú ý của
mình ra biển. Một máy bay hải quân đã được phái đi nhưng dường như không thể
tìm thấy bất kì bằng chứng về lô cốt trên sàn. Người Trung Quốc đã đi vào một
hình thức chối bỏ khác: không có sự việc gì cả với chiếc thuyền đánh cá, họ
nói, và không có căn cứ trên đá Vành Khăn. Nhưng tới ngày 9 tháng 2 chính phủ
Ramos đã có bằng chứng ảnh chụp trưng cho báo chí thế giới thấy và câu chuyện
của Trung Quốc cũng thay đổi. Vâng, có các công trình kiến trúc, họ thừa nhận,
nhưng chúng do Ngư chính xây, không phải hải quân. Tuy nhiên, điều đó dường như
không phải để giải thích sự hiện diện của các đĩa thu sóng vệ tinh trên các túp
lều hoặc 8 tàu vận chuyển hải quân vũ trang xung quanh rạn san hô này. Sau đó,
họ nói với các nhà chức trách Philippines rằng căn cứ này do các nhân viên hải
quân ‘cấp thấp’ không có thẩm quyền thích đáng xây lên.[40]
Nhưng ý tưởng rằng hàng trăm tấn gỗ và thép, các đơn vị nhà tiền chế, thiết bị
thông tin liên lạc và tất cả những con người và vật liệu cần thiết để thiết lập
4 cơ sở này có thể được vận chuyển hàng trăm cây số mà không có sự cho phép
chính thức quả là chuyện buồn cười.[41]
Đá Vành Khăn (Chỗ có dấu X là chỗ TQ xây căn cứ )
Chỗ có dấu X phóng to
Căn cứ TQ ở đá Vành Khăn (chỗ đánh dấu X trên bản đồ)
Ở Manila phản ứng tức giận lại bị làm trầm trọng thêm bởi
cảm giác bất lực. Sau khi tổng thống Marcos đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc,
công chúng và các chính trị gia cho rằng nước này không phải đối mặt với mối đe
dọa nào từ bên ngoài và cứ theo đó mà bỏ phiếu. Năm 1989, với tư cách là Bộ
trưởng Quốc phòng, Ramos đã đề xuất kế hoạch hiện đại hóa quân sự $ 12,6 ti
trong 15 năm. Ông đã cố dành ưu tiên cho kế hoạch đó một lần nữa sau khi trở
thành tổng thống, nhưng nó vẫn nằm chắc trên kệ. Phải mất đến hai tuần sau khi
Ramos trình bày rõ rằng lực lượng hải quân Trung Quốc đã lao lách xây dựng một
cơ sở ngoài khơi cách bờ 209 km mà không ai để ý thì cuối cùng Quốc hội mới
dành cho thời gian để thảo luận về kế hoạch này.[42] Đạo
luật Hiện đại hóa đã được phê chuẩn trong vòng vài ngày nhưng nghị quyết để
thực sự thực hiện nó phải mất thêm gần 2 năm nữa mới được thông qua.[43]
(Năm 1997, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, hầu hết các nguồn
tài trợ đều biến mất.) Tháng 2 năm 1995, do bị nhiều trì hoãn, Ramos không có
phương án quân sự. Ông đã bị Bắc Kinh lừa dối. Hoa Kì, vẫn còn giận về việc
ngưng hợp đồng về căn cứ quân sự và lo lắng nhiều hơn bởi các sự kiện ở Bosnia,
nên không vội vã giúp đỡ. Ông quay sang các nước láng giềng để thay vào.
Đó là một bước ngoặt. Mãi cho đến tháng 1 năm 1995, việc
bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông thật sự mới chỉ ảnh hưởng một mình
Việt Nam - và vào lúc Hà Nội bị quốc tế cô lập. Tất cả các thể địa lí do Trung
Quốc chiếm được đều hoặc ở Quần đảo Hoàng Sa hoặc chạy dọc theo cạnh phía Tây
của Quần đảo Trường Sa, xa các bên tranh chấp khác. Nhưng với việc chiếm lấy đá
Vành Khăn ở cạnh phía Đông, lần đầu tiên Trung Quốc đã lấn vào vùng biển do một
thành viên của ASEAN tuyên bố chủ quyền. Sau động thái này của Trung Quốc,
không những Philippines mà cả Malaysia, Brunei và Indonesia đều cảm thấy bị đe
dọa trực tiếp. Việt Nam, do gia nhập ASEAN tháng 7, cũng đã vận động hành lang
để có chung một lập trường vững chắc. Ngay cả Singapore, thường vẫn thích ưu ái
Bắc Kinh, cũng đã quan ngại. Sau đó trong một cuộc phỏng vấn đáng nhớ với BBC,
cựu thủ tướng Lí Quang Diệu (Lee Kuan Yew) so sánh các hành động của Trung Quốc
với ‘một con chó lớn leo lên một cây và giơ cao chân ra dấu là nó có mặt ở đó
để cho các con chó nhỏ hơn trong khu vực biết rằng con chó lớn đã qua đó và nó
sẽ trở lại.’[44]
Nhưng ASEAN cũng không có phương án quân sự: không một thành
viên nào sẵn sàng mạo hiểm gây chiến với Trung Quốc. Cấm vận cũng ở ngoài tầm,
nên thay vào đó, vào ngày 18 tháng 3, họ đã đưa ra một tuyên bố với lời lẽ mạnh
mẽ bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế thực hiện
những hành động gây mất ổn định khu vực và đe dọa hòa bình và an ninh Biển Đông
và đặc biệt kêu gọi sớm có giải pháp cho những vấn đề gây ra bởi các diễn biến
gần đây ở đá Vành Khăn. Đây là một đàm phán khá khó khăn theo tiêu chuẩn ASEAN,
nhưng nó không có ảnh hưởng ngoài biển: các lô cốt vẫn nằm trên các mặt sàn.
Trung Quốc vẫn giữ thái độ bất hợp tác. Tháng 4, tại Diễn đàn ASEAN-Trung Quốc
mới tổ chức lần đầu, rõ ràng đó là nơi có thể thảo luận về vấn đề này, Bắc Kinh
chỉ đơn giản là không chấp nhận đưa nó vào chương trình nghị sự. Thay vào đó
vấn đề đã được nêu lên, và theo như tường thuật là khá mạnh mẽ, tại một cuộc
họp không chính thức trước đó. Chính phủ Philippines cho biết họ hài lòng với
sự ủng hộ, nhưng các công trình kiến trúc vẫn còn trên rạn san hô.
Bắc Kinh từ chối thảo luận về vấn đề này tại các cuộc họp
chính thức của khu vực mà Ramos mong muốn. Vì vậy Ramos buộc phải đồng ý theo
kênh ưa chuộng của Trung Quốc - thảo luận song phương – để thay vào, và tháng
8, hai bên đã thống nhất ‘bộ quy tắc ứng xử’ để tránh những sự cố trong tương
lai: nhiều báo cáo hơn, nhiều giấy hơn, nhưng vẫn không có sự thay đổi thực tế.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đề xuất Philippines cùng phát triển triển vọng dầu khí
trong những khu vực mà TQ yêu sách – trên thực tế là đòi hỏi Philippines công
nhận các quyền lãnh thổ của họ ở Quần đảo Trường Sa. Chính sách này - được gọi
là vừa chiếm lấy vừa đàm phán, hay ngắn gọn hơn, vừa lấy vừa đàm - là một cái
gì đó mà không một bên tranh chấp nào sẵn sàng chấp nhận.
Vậy tại sao Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn vào cuối năm 1994?
Nguyên cớ ban đầu rất có thể là thông báo của Philippines về kế hoạch phát
triển dầu khí. Nhưng cũng có những lí do nội bộ. Nhà phân tích khu vực Ian
Storey ở Singapore cho rằng đó là kết quả của việc chạy đua quyền lực trong
tầng lớp chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào lúc quyền lực của Đặng Tiểu
Bình suy giảm.[45]
Người kế tục do Đặng Tiểu Bình chọn, Giang Trạch Dân, không phải từ quân đội
nên cần sự ủng hộ của lãnh đạo PLA cũng như các phe phái dân tộc chủ nghĩa nếu
ông nắm vị trí đứng đầu. Năm 1994, một người cũng được Đặng Tiểu Bình bảo trợ,
Đô đốc Lưu Hoa Thanh, là uỷ viên chủ chốt trong ban Thường vụ Bộ Chính trị và
là phó chủ tịch Quân Uỷ Trung ương - hai cơ quan đầu não trong chính trường
Trung Quốc. Có vẻ rất có nhiều khả năng là ông đã thấy việc chiếm đóng đá Vành
Khăn là một phần quan trọng của chiến lược ‘nước xanh’ và rằng một chính trị
gia khôn ngoan như Giang Trạch Dân sẽ hoàn toàn ủng hộ nó. Động thái này rõ
ràng là một thành công. Lực lượng Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn cho đến
hiện nay và hậu quả [với Trung Quốc] nằm ở mức tối thiểu.
Các láng giềng của Philippines đã rút ra bài học từ cuộc
khủng hoảng. Tháng 4 năm 1995, chính phủ Indonesia phát hiện rằng Trung Quốc đã
đưa ra yêu sách đối với vùng biển gần Quần đảo Natuna, trong vùng đặc quyền
kinh tế của Indonesia. Được báo động bởi các sự kiện tại đá Vành Khăn, Jakarta
quyết định phương án tốt nhất của họ là ngăn chặn. Tháng 8 năm 1996, Indonesia,
Malaysia và Brunei tổ chức tập trận chung ở Borneo, tại rìa phía Nam của Biển
Đông. Tháng sau đó, Indonesia tổ chức tập trận hải quân lớn nhất từ trước đến
nay xung quanh quần đảo Natuna: 27 tàu, 54 máy bay và gần 20 000 nhân viên
đã tham gia vào trò chơi chiến tranh, với đỉnh cao là một cuộc tấn công đổ bộ
lên hòn đảo mà dự án khí tự nhiên nhiều tỉ đô la của Exxon sẽ triển khai ở đó.
Hải quân Trung Quốc đã cử 5 tàu tới quan sát cuộc tập trận nhưng chỉ để cho
thấy chắc chắn rằng Bắc Kinh đã nhận được thông điệp, tổng tham mưu trưởng
Trung Quốc, Phó Toàn Hữu, được mời đến Jakarta họp với Tổng thống Suharto và
những người đứng đầu quốc phòng của ông.[46]
Trung Quốc vẫn cứ giữ nguyên yêu sách phần phía Bắc của mỏ khí nhưng cho đến
rất gần đây, chẳng hành động gì nhiều để khẳng định nó. (Một vài sự cố kể từ
năm 2012 đã cho Indonesia lí do để quan ngại lại, trong đó có nhiều sự cố trễ
hơn sau này.)
Sau nhiều tháng Indonesia nói chuyện nhẹ nhàng nhưng vung
vẩy một cây gậy lớn còn Philippines thì làm ngược lại, tình hình ở Biển Đông ổn
định đúng thời gian có cuộc họp hàng năm của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu
Á-Thái Bình Dương (APEC). Do trùng hợp ngẫu nhiên cuộc họp tháng 11/1996 tổ
chức tại Manila, có đến 21 người đứng đầu chính phủ tham gia. Nó đã cho Giang Trạch
Dân có cơ hội để thực hiện chuyến thăm Philippines lần đầu tiên của người đứng
đầu nhà nước Trung Quốc. Khi APEC kết thúc, ông đã dành ba ngày gặp gỡ và chào
đón các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị của nước này. Vào đầu ngày thứ
hai, tổng thống Ramos tổ chức cho Giang Trạch Dân và đoàn tuỳ tùng một chuyến
đi thuyền vào sáng sớm trên Vịnh Manila. Khi họ ăn sáng, một ban nhạc Hải quân
Philippines đánh lên một loạt bản nhạc từ một tập bài hát có tựa Sailing Together to the 21st Century
(Cùng đáp tàu đến thế kỉ thứ 21). Hai nhà lãnh đạo đã xuống sàn cùng hát bài
song ca ‘Love Me Tender’ của Elvis
Presley. Khi khoảng 60 khách vỗ tay, tình trạng thù địch của đá Vành Khăn dường
như ở quá xa xôi. Nhưng ngoài biển, chẳng có gì thay đổi. Gần đúng hai năm sau
chuyến đi tàu karaoke, Hải quân Trung Quốc đã chuyển nhà giàn trên đá Vành Khăn
thành lô cốt bê tông với bến tàu và sân đỗ trực thăng. Trung Quốc đã vừa đàm
vừa lấy.
Ước muốn thu tóm các đảo ở Biển Đông bắt đầu với việc phất
cờ dân tộc chủ nghĩa và kết thúc bằng một cuộc chạy đua khẳng định chủ quyền
các mỏ dầu tiềm năng và quyền đánh cá. Chưa có cuộc chiếm đóng nào mang lại
phần thưởng mong đợi. Thay vào đó chúng đã tạo ra sự bất an thường xuyên, ngăn
chặn việc khai phá các nguồn tài nguyên biển và ép các nhà chính trị đi vào các
trận đấu võ mồm và có các cử chỉ sô-vanh hiếu chiến vào lúc mà họ có thể muốn
tìm kiếm sự hợp tác khu vực hơn. Trung Quốc là kẻ đến sau trong bữa tiệc Trường
Sa nhưng mỗi lần họ chiếm thêm một thể địa lí, vị thế đàm phán của Bắc Kinh trở
nên mạnh mẽ hơn. Thế thì những lợi ích thiết thực nào họ đã đạt được? Chỉ có
những tác động tiêu cực trong việc ngăn chặn những bên khác không làm nên thắng
lợi. Bắc Kinh rõ ràng xem đây là một chiến lược dài hạn để cuối cùng sẽ buộc
các nước khác chia sẻ quyền chủ quyền (sovereign rights). Nhưng họ sẽ chia sẻ
hay không? Có một thay thế cho ‘mạnh là đúng’ (‘might is right’) hay không? Các
nguyên tắc của luật pháp quốc tế có thể cung cấp một thay thế hay không?
-----------------------
* Tên dịch từng chữ hai thể địa lí ở Biển Đông (Nguy Hiểm từ
North Danger Reef [cụm Song Tử] và Ranh Ma/Mãnh từ Mischief Reef [đá Vành
Khăn]) mà việc chiếm đóng của TQ vẫn còn gây tranh cãi và cũng là hai đặc điểm
đáng lưu ý của các tranh chấp ở Biển Đông trong giai đoạn này. (ND)
=============================
Xem thêm: (bản song ngữ chương này)
Lời mở đầu
Chương 1: Từ tiền sử đến 15000
Chương 2: Bản đồ và đường vẽ: từ 1500 đến 1948
Chương 3: Nguy hiểm và ranh ma: 1946-1995
Chương 1: Từ tiền sử đến 15000
Chương 2: Bản đồ và đường vẽ: từ 1500 đến 1948
Chương 3: Nguy hiểm và ranh ma: 1946-1995
Chương 4: Biển Đông và Luật Quốc tế
Chương 5: Dầu khí ở Biển Đông
Chương 6: Chủ nghĩa dân tộc
Chương 7: Ngoại giao
Chương 8: Các vấn đề quân sự
[1] Spencer Tucker, D’Argenlieu, Georges Thierry, in Spencer
Tucker (ed), The Encyclopedia of the Vietnam War: A Political, Social and
Military History, 2nd edn (Santa Barbara, California, 2011).
[2] Quoted in Stein Tonnesson, Vietnam 1946: How the War Began
(Berkeley, 2010).
[3] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European
Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 157.
[4] Michael Sullivan, The Meeting of Eastern and Western Art,
rev. edn (Berkeley, 1997), 99.
[5] Ulises Granados, Chinese Ocean Policies Towards the South
China Sea in a Transitional Period, 19461952, The China Review, vol. , no. 1
(2006), 153.
[6] Stein Tønnesson,
The South China Sea in the Age of European Decline, Modern Asian Studies, vol.
40 (2006), 1, esp. 33.
[7] Ibid, 21.
[8] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Whos On
First, Maritime Briefings, vol. 2, no. 1 (1996), 15. Có thể xem tại https://www.duriac.ibrupublicationsviewid222.
[9] Phỏng vấn cá nhân với Ramir Cloma, con trai của Filemon
Cloma, ngày 22/7/2012.
[10] Ibid.
[11] A.V.H. Hartendorp,
History of Industry and Trade of the Philippines: The Magsaysay Administration
(Manila, 1958), 209-30; Jose V. Abueva, Arnold P. Alamon and Ma. Oliva Z.
Domingo, Admiral Tomas Cloma: Father of Maritime Education and Discoverer of
FreedomlandKalayaan Islands (Quezon City, National College of Public
Administration and Governance, University of the Philippines, 1999), 36.
[12] Monique Chemillier Gendreau, Sovereignty over the Paracel
and Spratly Islands (Leiden, 2000), 42.
[13] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European
Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 1, esp. 50.
[14] Monique ChemillierGendreau, Sovereignty over the Paracel
and Spratly Islands (Leiden, 2000).
[15] Stein Tonnesson, The South China Sea in the Age of European
Decline, Modern Asian Studies, vol. 40 (2006), 1, esp. 50.
[16] Rodolfo Severino, Where in the World is the Philippines?
(Singapore, 2010).
[17] A.V.H. Hartendorp, History of Industry and Trade of
the Philippines: The Magsaysay Administration (Manila, 1958).
[18] Rodolfo Severino, Where in the World is the Philippines?
(Singapore, 2010).
[19] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands Dispute: Whos On
First, Maritime Briefings, vol. 2, no. 1 (1996),19. Available at
https://www.dur.ac.uk/ibru/publications/view/?id=232.
[20] Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea (London,
1982).
[21] Robert S. Ross, The
Indochina Tangle: China’s Vietnam Policy 19751979 (New York, 1988).
[22] Chinese amphibious assaults in the Paracel Archipelago
SRD-SR44. USArmy Special Research Detachment, Fort Meade, January 1974.
Available from USArmy Military History Institute.
[23] US Embassy Saigon, Weekly Roundup January 16 1974 US
Embassy Saigon. Available at
http://aad.archives.gov/aad/createpdf?rid=10696&dt=2474&dl1=1345. See
also RVNCaptain Ha Van Ngac, The January
19, 1974 Naval Battle for the Paracels against the Peoples Republic of Chinas
Navy In the East Sea (Austin, Texas, 1999), 40.
[24] Ho Van Ky Thoai, Valor
in Defeat: A Sailors Journey [Can
Truong Trong Chien Bai: Hanh Trinh Cua Mot Thuy Thu] (Centreville,
Virginia, self-published).
[25] US Embassy, Saigon, telegram GVN/PRC DISPUTE OVER PARACEL
ISLANDS, 17 January 1974. Có thể xem tại http://aad.archives.gov/aadcreatepdf?rid=4752&dt=2474&dl1=1345.
[26] Kiem Do and Julie Kane, Counterpart:
A South Vietnamese Naval Officers War (Annapolis, Maryland, 1998).
[27] Foreign Relations of the United States 19691976, vol. 18,
China, 19731976, Document 66. Có thể xem tại http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1060-76v18/d66.
[28] China: Peoples Liberation Army (Washington, JPRS Report,
Foreign Broadcast Information Service, JPRSCAR, 22 January 199O.
[29] Garver, John W, Chinas Push through
the South China Sea: The Intersection of Bureaucratic and National Interests, China Quarterly 132 (December 1992)
9991028.
[30] You Ji, The Evolution of China’s
Maritime Combat Doctrines and Models: 19492001, RSIS Working Papers, no. 22
(Singapore, May 2002). Available at httpdrintueduhandle102.204422.
[31] Yang Guoyu (ed), Dangdai Zhongguo Haijun [The Modern Chinese Navy] (Beijing,
1987), cited by John W. Garver, Chinas Push through the South China Sea: The
Interaction of Bureaucratic and National Interests, The China Quarterly, no. 132 (1992), 9991028.
[32] Muốn biết thêm về điều này xem Chương 9 quyển Vietnam:
Rising Dragon (New Haven, Connecticut, and London, 2010).
[33] Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes
(Princeton, New Jersey, 2008), 292.
[34] Chen Hurng, ‘The PRCs South China
Sea Policy and Strategies of Occupation in the Paraceland Spratly Islands’, Issues & Studies, vol. 36, no. 4
(2000), 95131.
[35] John W. Garver, ‘Chinas Push through
the South China Sea: the Interaction of Bureaucratic and National Interests’, The China Quarterly, no. 132 (1992),
9991028.
[36] David Hancox and Victor Prescott, ‘A
Geographical Description of the Spratly Islands and an Account of Hydrographic
Surveys Amongst those Islands’, Maritime
Briefings, vol. 1, no. 6 (1995). Có
thể xem tại https://www.dur.ac.ibru/publications/view/?id=229.
[37] Two of the ships were American-built Second World War tank
landing craft left behind at the end of the Vietnam War. HQ-505 was formerly
the USS Bulloch County, built in
1943. The third was a freighter.
[38] Chinese Navy Detains Filipino Fishermen in Spratlys:
Report, Agence France Presse, Manila,
24 January 1995; Lianhe Zaobao
(United Morning Post), Singapore, 25 January 1995, 34, quoted in Chen Hurng,
The PRCs South China Sea Policy and Strategies of Occupation in the Paracel and
Spratly Islands, Issues & Studies,
vol. 36, no. 4 (2000), 95131
[39] Liselotte Odgaard, ‘Between Deterrence and Cooperation:
Eastern Asian Security after the Cold War’, IBRU
Boundary and Security Bulletin, vol. , no. 2 (1998), 73 (map). Có thể cem
tại https://www.dur.ac/ibru/publications/view/?id=131.
[40] Philippines Orders Forces Strengthened in Spratlys, Reuters
News Service, 15 February 1995, quoted in Ian James Storey, Creeping
Assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea Dispute,
Contemporary Southeast Asia, vol. 21 (1999), 95118.
[41] ‘Dragon Flexes its Muscles in Islands Dispute’, Independent on Sunday, 19 March 1995,
quoted ibid.
[42] ‘Spratlys Tension Helps Push Forces Upgrade’, Jane’s Defence Weekly, 25 February 1995,
quoted ibid.
[43] . Renato Cruz de Castro, ‘The Aquino Administration’s 2011
Decision to Shift Philippine Defense Policy from Internal Security to
Territorial Defense: The Impact of the South China Sea Dispute,’ Korean Journal of Defense Analysis, vol.
24 (2012), 67.
[44] East Asia Today,
BBC, Interview with Lee Kuan Yew, broadcast 6 June 1995.
[45] Ian James Storey, Creeping Assertiveness: China, the
Philippines and the South China Sea Dispute, Contemporary Southeast Asia, vol. 21 (1999), 95-118.
[46] China Accepts Natuna’s Drill, Says Indonesia, AFP report, Straits Times, 12 September 1996, 21.
No comments:
Post a Comment