Đây có thể là cách để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông
Bill Hayton
https://www.thinkchina.sg/might-be-way-solve-south-china-sea-disputes
Biết rằng bằng chứng lịch sử về các hành động quản lí thực tế trên các đảo đá và rạn san hô đang tranh chấp cho thấy rằng, với một số ngoại lệ quan trọng, các bên chiếm đóng hiện tại ở mỗi thể địa lí có yêu sách tốt nhất về chủ quyền đối với nó, các quốc gia Đông Nam Á có lợi ích trong việc công nhận sự chiếm đóng trên thực tế của nhau đối với các thể địa lí cụ thể và sau đó thể hiện một lập trường thống nhất đối với Trung Quốc. Ngay sau đó, các tổ chức phi chính phủ có thể đóng một vai trò hữu ích bằng cách thành lập "tòa lối hai" (track two tribunal) để thu thập các mẫu bằng chứng đối địch, kiểm tra lập luận pháp lí của các bên tranh chấp và trình bày các kết quả có khả năng cho bất kì phiên tòa quốc tế nào trong tương lai.
Một lá Cờ Philippines phất phới trên BRP Sierra Madre, một con tàu Hải quân Philippines đổ nát mắc cạn từ năm 1999 và trở thành một đơn vị quân đội Philippines trên bãi cạn Thomas thứ hai, một phần của quần đảo Trường Sa, ở biển Đông, ngày 29 tháng 3 năm 2014. ( Erik De Castro / Reuters)
Các tranh chấp về các đảo nhỏ ở biển Đông thường được cho là khó giải quyết được. Sáu bên tranh chấp, cụ thể là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH hay Trung Quốc), Trung Hoa Dân quốc (THDQ hoặc Đài Loan), Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, yêu sách ít nhất một trong các đảo này, và một vài đảo nhỏ được ít nhất 5 bên yêu sách.
Những yêu sách lãnh thổ đối địch này thường được cho là kết quả của lịch sử nhiều thế kỉ, và hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng việc tháo bỏ, đánh giá và cân nhắc bằng chứng cho mỗi yêu sách là chuyên bất khả. Không có ý nào trong điều này là đúng. Bây giờ, chúng ta đã có hiểu biết lịch sử biển Đông đủ để giải quyết các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh.
Vấn đề
Có hai nhóm đảo tranh chấp chính ở biển Đông: Paracels (Hoàng Sa theo tiếng Việt, Tây Sa theo tiếng Trung Quốc) ở phía bắc và Spratlys (Trường Sa theo tiếng Việt, Nam Sa theo tiếng Trung) ở phía nam. Bãi cạn Scarborough, ở phía đông, chỉ bị tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc và Đài Loan trong khi số phận của Pratas (Đông Sa trong tiếng Trung), ở phía đông bắc, là một câu hỏi nội bộ Trung Quốc.
Bi kịch của biển Đông là các đảo nhỏ đang tranh chấp có kích thước vừa đúng để gây ra rắc rối.
Chẳng hạn, nếu như những đảo này không tồn tại thì sẽ là một vấn đề tương đối đơn giản khi phân chia các vùng biển và tài nguyên của biển Đông theo cách mà các nước châu Âu đã làm ở biển Bắc. Nếu như những đảo lớn hơn, giống như những đảo ở Địa Trung Hải, chúng sẽ có dân cư ổn định có thể tự quyết định chủ quyền của mình trên cơ sở quyền tự quyết. Ví dụ, chúng ta biết rằng quần đảo Natuna thuộc về Indonesia vì những người sống trên đó nói như vậy. Bi kịch của biển Đông là các đảo nhỏ đang tranh chấp có kích thước vừa đúng để gây ra rắc rối.
Vấn đề khác là Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines yêu sách các nhóm đảo trên cả nhóm chứ không phải là các thể địa lí cụ thể. Trung Quốc khẳng định yêu sách đối với toàn bộ Nanhai Zhudao (Nam Hải chư đảo): mọi thể địa lí bên trong "đường chữ U" được vẽ trên bản đồ biển Đông của Trung Quốc từ năm 1948. Đài Loan tuyên bố chủ quyền đối với từng "nhóm đảo" riêng biệt là Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa. và Trung Sa (Trung Sa thực ra là một nhóm các thể địa lí ngầm cộng với bãi cạn Scarborough). Việt Nam yêu sách Hoàng Sa và Trường Sa trong khi Philippines yêu sách bãi cạn Scarborough và "Nhóm đảo Kalayaan", bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa. Kết quả là, các yêu sách này đang chơi một trò chơi có tổng bằng không. Không thể có thỏa hiệp: hoặc được chủ quyền đối với tất cả thể địa lí trong nhóm đảo hoặc không được gì cả.
Bức ảnh này được chụp vào ngày 29 tháng 3 năm 2014 cho thấy một tàu Hải quân Philippines đã được cho nằm măc cạn từ năm 1999 để khẳng định chủ quyền của quốc gia này đối với bãi Second Thomas (bãi Cỏ Mây), một rạn san hô xa xôi ở biển Đông mà Trung Quốc cũng yêu sách. (Jay Directo / AFP)
Kết quả là Sturm und Drang (Bão tố và Căng thẳng) trong các hành lang quyền lực và trên các đường phố bên ngoài, chi tiêu khổng lồ vào khí tài quân sự và từ chối giải quyết các vấn đề cấp bách nhất ở biển Đông, đặc biệt là sự suy sụp nguồn cá.
Giải pháp
Rất may, có một giải pháp tiềm năng cho trò chơi có tổng bằng không này, và đó là một giải pháp đã được chứng minh là thành công ở Đông Nam Á: kiên trì trình bày bằng chứng có thể xác minh được cho một tòa án trung lập.
Indonesia và Malaysia đã giải quyết tranh chấp đối với các đảo Ligitan và Sipadan thông qua Tòa án Quốc tế (ICJ) vào năm 2002.
Thích đáng hơn với tranh chấp biển Đông là việc ICJ giải quyết tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về ba bãi đá không có người ở ở eo biển Singapore vào năm 2008. ICJ có thể ra phán quyết rằng Pedra Branca thuộc về Singapore trong khi Middle Rocks thuộc về Malaysia. mặc dù cả hai chỉ cách nhau một kilomet. Toà ra phán quyết nghiêng về Singapore đối với Pedra Branca chủ yếu vì Singapore đã thực hiện các hành động quản lí thực tế ở đó, đặc biệt là qua việc xây dựng một đèn biển trên đá này. Các thẩm phán cũng đã xác định một số phận khác cho thể địa lí thứ ba, South Ledge, vì nó ở nằm dưới mặt nước khi triều cao và do đó không phải là 'lãnh thổ'. Toà phán rằng chủ quyền chỉ có thể được giải quyết sau này, một khi hai nước đã đồng ý về ranh giới của các vùng lãnh hải của họ.
ICJ bác bỏ những khẳng định mơ hồ của Malaysia rằng Pedra Branca thuộc về Vương quốc Hồi giáo Johor “từ thời xa xưa” và thay vào đó, họ đã xem xét các bằng chứng ghi chép về việc chiếm đóng và quản lí. Sau đó, toà đã đi đến kết luận dựa trên nguyên tắc pháp lí quốc tế “à titre de souverain” - hỏi xem quốc gia nào có thể chứng minh tốt hơn rằng họ đã thực thi thẩm quyền thực tế đối với thể địa lí đó.
Với việc loại bỏ những khẳng định mơ hồ về chủ quyền “từ thời xa xưa” và việc đòi hỏi bằng chứng cụ thể về các hành động quản lí thực tế, ICJ cũng cho các bên tranh chấp biển Đông một con đường thoát khỏi bế tắc.
Dù các nguyên tắc pháp lí như thế này có nguồn gốc từ châu Âu thời trung cổ, giờ đây chúng có thể được coi là của toàn cầu. Chúng đã được sử dụng để phân xử các tranh chấp trong các bối cảnh đa dạng như biển Đỏ và Caribe cũng như ở Đông Nam Á. Hoàn toàn có thể áp dụng chúng cho tất cả các đảo nhỏ đang tranh chấp ở biển Đông.
Với việc loại bỏ những tuyên bố mơ hồ về chủ quyền “từ thời xa xưa” và việc đòi hỏi bằng chứng cụ thể về các hành vi quản lí thực tế, ICJ cũng cho các bên tranh chấp biển Đông một con đường thoát khỏi bế tắc của họ. Các chính phủ và cố vấn của họ không cần kiến thức toàn diện về mọi thời kì lịch sử biển Đông để đi tới kết luận về chủ quyền. Họ chỉ cần kiểm tra bằng chứng về các hành vi chiếm đóng và quản lí thực tế của các cơ quan nhà nước khác nhau.
Đá Pedra Branca vào ngày 22 tháng 5 năm 2021. (SPH Media)
Bằng chứng lịch sử
Việc số hóa và việc để mở nhiều kho lưu trữ quốc gia trong hai thập kỉ qua đã cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra lại lịch sử việc đưa ra tuyên bố chủ quyền ở biển Đông một cách chi tiết hơn nhiều so với mức khả thi trong thế kỉ XX. Bây giờ có thể đưa ra một số tuyên bố có thẩm quyền về việc ai đã làm gì và khi nào.
Nhiệm vụ đã trở nên dễ dàng hơn nhiều khi các bên tranh chấp đưa ra bằng chứng để hậu thuẫn cho các tuyên bố của họ trong phạm vi công cộng. Bây giờ chúng ta có thể đánh giá liệu một số tài liệu nhất định có ý nghĩa trong các tranh chấp chủ quyền khác nhau hay không.
Dựa trên tất cả các bằng chứng này, giờ đây chúng ta có thể nói rằng trước thế kỉ XIX không có quốc gia nào thực hiện bất kì hành động chủ quyền thực tế nào đối với bất kì đảo nào trong các đảo hiện đang tranh chấp.
Các bằng chứng lưu trữ hiện có cho thấy các hành động chiếm đóng Paracels (quần đảo Hoàng Sa) sớm nhất được tiến hành bởi Đại Việt (Việt Nam) vào năm 1816, bởi Nhà Thanh (Trung Quốc) vào năm 1909 và bởi Nhật Bản vào năm 1938.
Ở Spratlys (quần đảo Trường Sa), các hành động quản lí chính thức đầu tiên được thực hiện bởi Anh vào năm 1877, bởi Pháp vào năm 1933, bởi Nhật Bản vào năm 1939, bởi THDQ vào năm 1946, bởi Việt Nam Cộng hòa (VNCH hoặc Nam Việt Nam) vào năm 1956, bởi Cộng hòa Philippines vào năm 1970 và bởi Malaysia vào năm 1978. Việc chiếm đóng lần đầu của CHNDTH diễn ra vào năm 1988. Các yêu sách của Nhật Bản đã được từ bỏ trong Hiệp ước San Francisco năm 1951 và các yêu sách của Anh và Pháp đã được phép mất hiệu lực.
Các chính phủ đã không nắm được quyền kiểm soát hoàn toàn các thể địa lí khác nhau trước thập niên 1970 (ở Hoàng Sa) hoặc thập niên 1980 (ở Trường Sa).
Bằng chứng có ghi chép cho thấy rõ hai điểm quan trọng. Thứ nhất, nó cho chúng ta biết rằng các nước chiếm các thể địa lí khác nhau tại các thời điểm khác nhau theo cách lộn xộn. Các quốc gia tranh nhau cài cắm người hoặc công trình trên một số đảo nhỏ, nhưng đây thường chỉ là những công việc nhất thời. Chỉ vì các quan chức đặt chân đến một thể địa lí cụ thể không có nghĩa là sau đó họ duy trì sự chiếm đóng hiệu quả đối với nó. Các chính phủ đã không nắm được quyền kiểm soát hoàn toàn các thể địa lí cho đến những năm 1970 (ở Hoàng Sa) hoặc những năm 1980 (ở Trường Sa).
Thứ hai, nó cho chúng ta biết rằng các bên tranh chấp khác nhau chưa bao giờ quản lí toàn bộ quần đảo hoặc nhóm đảo, chứ chưa nói đến toàn bộ biển Đông. Chỉ vì một hành động được thực hiện trên một đảo không có nghĩa là việc chiếm đóng hiệu quả được khẳng định trên các thể địa lí khác. Các bên yêu sách thường đưa ra những yêu sách khoa trương bằng cách xuất bản bản đồ hoặc đưa ra tuyên bố, nhưng điều này hoàn toàn khác với việc thiết lập sự chiếm đóng thực sự.
Hiểu được lịch sử này dưới ánh sáng của phán quyết ICJ về Pedra Branca sẽ mở ra một hướng đi để giải quyết các tranh chấp. Thay vì xem xét các yêu sách đối địch nhau đối với toàn bộ quần đảo, ICJ hoặc một cơ quan khác nào đó được các bên yêu sách thoả thuận, chỉ cần đưa ra kết luận về các hành động quản lí thực tế trên từng thể địa lí. Hiểu biết của chúng tôi về các tài liệu lưu trữ cho chúng tôi biết rằng những hành động này chỉ xảy ra trong thời kì hiện đại.
Ảnh vệ tinh đảo Woody (Phú Lâm) đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa ở biển Đông, được chụp vào tháng 1 năm 2017. (Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS))
Phân rã các yêu sách
Điều quan trọng là phải tách biệt các yêu sách. Cũng giống như trong trường hợp Pedra Branca, về mặt lí thuyết, có thể xem xét các tuyên bố chủ quyền của từng thể địa lí ở biển Đông một cách riêng biệt. Phải thừa nhận rằng điều này sẽ dễ dàng hơn trong một số trường hợp so với những trường hợp khác. Một số thể địa lí hoàn toàn bị cô lập nhưng tại Tizard Bank, Union Reef và North Danger Reef (cụm Song Tử), các bên tranh chấp chiếm các đảo nhỏ khác nhau trên cùng một rạn san hô lớn. Mặc dù vậy, ở đây vẫn có thể gỡ rối lịch sử của chúng.
Hãy lấy rặng san hô khổng lồ ở Tizard Bank. Pháp đã đặt một cột mốc chủ quyền trên thể địa lí nổi trên mặt nước lớn nhất của nó, đảo Itu Aba (Ba Bình), vào năm 1933. Quân đội Nhật và Pháp đều đã chiếm đóng Ba Bình trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Pháp đặt một cột mốc chủ quyền khác trên Ba Bình vào tháng 10 năm 1946 và một đoàn thám hiểm của Trung Hoa Dân Quốc cũng làm như vậy vào tháng 12 năm 1946. Trung Hoa Dân Quốc duy trì sự hiện diện thực tế trên Ba Bình cho đến tháng 5 năm 1950. Tháng 5 năm 1956, một doanh nhân Philippines, Tomas Cloma, đã cố tuyên bố chủ quyền một nhóm đảo cho riêng mình, khiến THDQ chiếm đóng lại Ba Bình. Pháp, nước vừa rời khỏi các thuộc địa Đông Dương, đã khẳng định lại yêu sách trước đó của mình đối với đảo này và sau đó cả CHNDTH và VNCH mới độc lập đưa ra những yêu sách khoa trương về chủ quyền đối với cả quần đảo Trường Sa. Tháng 8 năm 1956, Quân đội VNCH đổ bộ lên đảo Trường Sa, cách 300 km về phía Tây Nam. Năm 1962, các tàu chiến của VNCH đến thăm Nam Yết, một đảo khác trên Tizard Bank, bên kia đầm phá đối diện Ba Bình, và vào năm 1972, quân đội VNCH đã chiếm đóng thực tế nó. Năm 1974, VNCH chiếm Sand Cay (Sơn Ca) trên cùng bãi đá này. Năm 1975, quân đội VNCH bị quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH hay Bắc Việt Nam) đánh đuổi khỏi cả hai đảo này. Vài ngày sau, VNCH bị chính phủ Cách mạng miền Nam Việt Nam xoá tư cách quốc gia, rồi chính phủ này sáp nhập vào VNDCCH vào năm sau đó. Năm 1988, bên tranh chấp cuối cùng là CHNDTH đến chiếm đóng đá Gaven ở đầu phía tây của bãi Tizard.
Không có quốc gia nào trong số các quốc gia có yêu sách sẵn sàng đưa các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình ra một tòa án độc lập.
Để đi tới phán quyết về chủ quyền của các thể địa lí này sẽ cần phải xem xét chi tiết cả lịch sử về chiếm đóng lẫn sự kế thừa các yêu sách từ quốc gia này sang quốc gia khác. Tòa có thể chấp nhận rằng lịch sử của đảo Nam Yết, Sơn Ca và Gaven tách biệt với lịch sử của Ba Bình không? Sự chiếm đóng lâu dài của THDQ có vượt trội hơn sự chiếm đóng ngắn hơn của Pháp không? VNCH có kế thừa yêu sách của Pháp không? VNDCCH cũng kế thừa nó không? Liệu CHNDTH có kế thừa tuyên bố của THDQ hay vấn đề đó vẫn còn tranh cãi? Đây sẽ là những câu hỏi khó trả lời, nhưng đó là mục đích của các tòa án quốc tế và ICJ đã giải quyết những câu hỏi phức tạp không kém trong quá khứ.
Rất may, hầu hết các rạn đá tranh chấp hiện chỉ có một bên chiếm đóng thực tế, điều này sẽ giúp việc đánh giá các tuyên bố chủ quyền trở nên đơn giản hơn. Dù vậy, một số đã có những bên chiếm đóng khác trong quá khứ và tòa sẽ phải phán quyết dựa trên giá trị tương đối của các yêu sách đối địch nhau. Mỗi thể địa lí có một lịch sử khác nhau, nhưng lịch sử đó có thể biết được và đánh giá được.
Đảo Itu Aba (Ba Bình) năm 2016. (Wikimedia)
Vai trò cho người ngoài cuộc
Không có quốc gia nào trong số các quốc gia có yêu sách sẵn sàng mang các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình ra một tòa án độc lập. Có hai lí do chính cho việc này. Thứ nhất, tất cả đều không chắc chắn về sức mạnh của các yêu sách của họ và của các đối thủ của họ. Thứ hai, họ sợ những hậu quả chính trị trong nước của việc bị thua một lập luận công khai như vậy. Ví dụ, các chính trị gia Malaysia tiếp tục tranh cãi về Pedra Branca hơn một thập kỉ sau phán quyết của ICJ.
Có một vai trò ở đây đối với các cơ quan bên ngoài. Nhóm chuyên gia (think tank), các nhà nghiên cứu, luật sư và các tổ chức có thể hoạt động như một "ICJ ảo" để tranh tụng thử các lập luận mà các chính phủ có thể đưa ra trong một phiên xử thực tế. Các chuyên gia, dù độc lập hay đảng phái, có thể thu thập bằng chứng đã được các chính phủ và những người khác đưa vào phạm vi công cộng và tìm kiếm các tài liệu bổ sung. "Tòa lối hai" (track two tribunal) này có thể mời các chính phủ nộp bằng chứng nhưng vẫn có thể tiến hành dù họ có hợp tác hay không.
Kết quả sẽ là một ma trận bằng chứng: một lịch sử chi tiết về các hành vi chủ quyền khác nhau được thực hiện trên mỗi thể địa lí được nêu tên. Các luật gia chuyên gia có thể được mời để tranh luận về giá trị của các yêu sách và đưa ra các ý kiến tư vấn về yêu sách nào là mạnh hơn. Những điều này sau đó sẽ được chuyển đến tất cả các nước có yêu sách và công bố rộng rãi. Thế giới sẽ có thể hiểu được cách giải quyết có bằng chứng và công bằng về các tranh chấp ở biển Đông có thể trông như thế nào.
Điều này sau đó gợi ra cơ sở cho một giải pháp thỏa hiệp cho các tranh chấp ở biển Đông: mỗi bên yêu sách giữ nguyên những gì mình đang chiếm giữ và từ bỏ yêu sách của mình đối với các thể địa lí khác.
Giải pháp khả thi
Dựa trên các bằng chứng lịch sử đã có trong phạm vi công cộng, có khả năng là một "ICJ ảo" như vậy sẽ thấy rằng, với một số ngoại lệ quan trọng, mô thức (pattern) chiếm đóng hiện tại ở biển Đông là mô thức hợp pháp, vì nó là mô thức duy nhất đã từng tồn tại. Hai ngoại lệ chính cho điều này là:
- Nửa phía tây của quần đảo Hoàng Sa ("Nhóm Lưỡi liềm"): do Việt Nam kiểm soát cho đến khi lực lượng của họ bị Trung Quốc đánh bật ra năm 1974
- Song Tử Tây (Southwest Cay) ở Trường Sa: do Phi Luật Tân chiếm đóng cho đến khi bị VNCH trục khỏi năm 1975
Điều này sau đó gợi ra cơ sở cho một giải pháp thỏa hiệp cho các tranh chấp ở biển Đông: mỗi bên yêu sách giữ nguyên những gì mình đang chiếm giữ và từ bỏ yêu sách của mình đối với các thể địa lí khác. Có một cái tên pháp lí cho nguyên tắc này: uti possidetis, ita possideatis - đang có thì tiếp tục giữ.
Không nước nào sẽ phải chịu nhục nhã hoặc bất lợi về mặt chiến lược khi rút khỏi bất kì thể địa lí nào mà họ hiện đang chiếm giữ. Mỗi nước chỉ đơn giản là phải thừa nhận thực tế - rằng họ sẽ không bao giờ có được tất cả các đảo đá mà họ yêu sách theo cách khoa trương.
Điều này đã được hàm chứa trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ASEAN và CHNDTH thông qua năm 2002. Theo Điều 5, tất cả các bên kí cam kết “tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, trong đó có việc hạn chế hành động đưa người tới sinh sống trên các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các thể địa lí hiện nay không có người ở và xử lí những khác biệt của chúng theo cách thức xây dựng ”.
Đá Dallas (Suối Cát) thuộc quần đảo Trường Sa, 1999. (Wikimedia)
Thật ra, các cam kết hiện tại về không leo thang tranh chấp và không chiếm bất kì thể địa lí không có người ở nào, đã công nhận trên thực tế (de facto) việc chiếm đóng của các nước khác. Các quốc gia sẽ không phải gánh chịu bất kì hậu quả thực tế nào qua việc biến những cam kết ngầm này thành những tuyên bố chính thức hơn. Được trang bị bằng chứng lịch sử để biện minh cho quyết định của mình, các bên tranh chấp có thể tiến lên - song phương hoặc tập thể. Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam có thể thừa nhận ra vị trí trên thực tế của nhau và từ đó giải quyết phần Đông Nam Á của câu đố. Sau đó, họ sẽ tìm kiếm sự công nhận trên thực tế tương tự từ Trung Quốc và / hoặc Đài Loan.
Sự công nhận như vậy sẽ kết thúc bất cứ mơ tưởng nào rằng Việt Nam và Philippines có thể có một ngày lấy lại Hoàng Sa và Song Tử Tây tương ứng. Nhưng đây sẽ là một cái giá đáng phải trả nếu đền bù bằng sự ổn định trong khu vực. Đối với Việt Nam, việc thừa nhận Trung Quốc sở hữu Hoàng Sa sẽ gây đau đớn nhưng nó có thể mở ra một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc về đường biên giới trên biển ở cửa Vịnh Bắc Bộ và các khu vực xa hơn về phía nam. Trên thực tế, điều này sẽ chấm dứt yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc và mở rộng các vùng biển cho hoạt động thăm dò năng lượng và đánh bắt cá của Việt Nam.
Cơ bản hơn, tất cả các chính phủ liên quan - dù độc tài hay dân chủ - sẽ cần thuyết phục công chúng của mình về giá trị của sự thỏa hiệp.
Những trở ngại cần xem xét
Tất nhiên, có nhiều khó khăn về chính trị và pháp lí cần xem xét. Một vấn đề nút thắt sẽ là số phận của "các bãi triều thấp". Phán quyết năm 2008 của ICJ về South Ledge sẽ không giúp ích được nhiều ở đây. Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc đều đã xây dựng tiền đồn trên các thể địa lí nằm dưới mặt nước khi triều cao và do đó không được coi là lãnh thổ.
Ví dụ nghiêm trọng nhất là đá Vành Khăn, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1994. Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài biển Đông kết luận rằng các cấu trúc khổng lồ của Trung Quốc trên đá Vành Khăn được xây dựng bất hợp pháp bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Hàm ý của phán quyết là các công trình kiến trúc phải được phá bỏ hoặc giao cho Philippines. Trong khi đó, sẽ không kì vọng có quốc gia nào công khai thừa nhận chủ quyền của các quốc gia khác đối với các bãi triều thấp, nhưng họ có thể thừa nhận sự hiện diện trên thực tế (de facto) theo cùng tinh thần như các cam kết khác trong DOC.
Cơ bản hơn, tất cả các chính phủ liên quan - dù độc tài hay dân chủ - sẽ cần thuyết phục công chúng của họ về giá trị của sự thỏa hiệp. Lập luận mạnh mẽ nhất của họ sẽ là thỏa hiệp là một bước cần thiết trong việc theo đuổi hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Sự đóng góp của một "ICJ ảo" hoặc "tòa lối hai" sẽ củng cố những lập luận này với bằng chứng cho tính hợp pháp lịch sử của chúng, không để lại nhiều chỗ cho những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn giận dỗi. Khi đó, các chính phủ có thể tập trung vào số phận của nghề cá và các nguồn tài nguyên xa bờ khác.
Không còn có thể viện cớ rằng các tranh chấp ở biển Đông là quá phức tạp để giải quyết. Các bằng chứng cần thiết được công bố công khai và các nguyên tắc pháp lí tổng quát được chấp nhận rộng rãi. Trong tình hình địa chính trị hiện nay, có động cơ rõ ràng cho các chính phủ Đông Nam Á bắt đầu tiến trình chính thức công nhận việc chiếm đóng của nhau ở quần đảo Trường Sa. Sự công nhận lẫn nhau như vậy sẽ giúp củng cố các yêu sách của riêng họ và tạo điều kiện tạo ra một vị thế đàm phán rõ ràng hơn với Trung Quốc.
Một số trường hợp sẽ khó giải quyết hơn những trường hợp khác và trình tự công nhận sẽ cần phải tính đến điều này. Các tổ chức phi chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các chính phủ vượt qua những trở ngại và cạm bẫy có thể xảy ra và tạo ra sự hậu thuẫn cho những thỏa hiệp chính trị cần thiết.
Bài báo này được ISEAS - Viện Yusof Ishak công bố lần đầu như là Quan điểm của ISEAS 2022/25 “Làm thế nào để Giải quyết Tranh chấp biển Đông”.