Saturday, July 26, 2014

Tác dụng pháp lý của thư Phạm Văn Đồng qua lăng kính ba phán quyết Tòa án Quốc tế

Tác dụng pháp lý của thư Phạm Văn Đồng qua lăng kính ba phán quyết Tòa án Quốc tế

Phạm Quang Tuấn

Ba phán quyết của Tòa án Quốc tế mà học giả Phạm Quang Tuấn trưng ra làm bằng chứng dưới đây có thể xem là ba thiết chứng chỉ rõ tác dụng phản trắc đắc lực của Công hàm/Công thư Phạm Văn Đồng nếu Việt Nam đem vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa ra trước Tòa án Quốc tế. Đọc xong không ai không thảng thốt đến nhói tim. Điều ông Giám đốc Minh triết Việt Nguyễn Khắc Mai nói cách đây ít lâu bỗng trở thành một ám ảnh ghê gớm: “Công hàm Phạm Văn Đồng là một tai họa cho Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc”, là “một công thư phản động”, “có tác hại phản quốc” (Xem ở đây). Thử nghĩ, công thư của một ông Thủ tướng là “phản động”, “phản quốc” thì bản thân ông Thủ tướng và bộ sậu Chính phủ của ông ta là gì? Càng ngày càng thấy cái gọi bằng liên minh cộng sản nhân danh chủ nghĩa vô sản quốc tế trong thế kỷ XX chỉ ẩn giấu phía sau độc nhất mỗi mưu đồ thôn tính lãnh thổ của nước lớn đối với nước nhỏ.
Alexandre Soljenitsyne đã từng khẳng quyết: “Quốc tế – L’International – là một sai lầm, vì bản thân chữ “inter” có nghĩa là giữa và giữa các quốc gia không có một nền văn hóa chung nào cả” (L'international est une aberration, car “inter” signifie entre et entre les nations il n'y a aucune culture commune). Ngu dại thay những ai vì quá nôn nóng tìm đường cứu nước vào những năm 20-30 thế kỷ trước, đem tấm lòng nhiệt huyết băng vời sang Tàu sang Nga để chỉ mua lấy một sợi dây thừng về quấn chân dân tộc.
Nhưng cho đến giờ phút này mà vị nào trong thế hệ cháu con những con người ngu dại kia còn cuồng tưởng rằng bè lũ Trung Nam Hải có thể cứu được thân phận “cùng hội cùng thuyền” về ý thức hệ, hay đúng hơn là quyền lợi ích kỷ cho phe đảng, thì không chỉ lú lẫn thôi đâu, mà chóng hay chầy nhất định sẽ phải chịu sự phán xét khắc nghiệt nhất của lịch sử. Quả như lời chí sĩ Phan Châu Trinh: “Gớm thay một lũ hồ tinh / Nương hơi dựa bóng tập tành đã quen”.
Nguyễn Huệ Chi


Gần đây một số tác giả, trong đó có cả những luật sư, đã phân tích giá trị pháp lý của thư (hoặc công hàm hay công thư [1]) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1958) dựa theo các nguyên tắc pháp lý quốc tế. Dĩ nhiên, biết những nguyên tắc luật pháp nào phải áp dụng là điều rất quan trọng, nhưng điều quan trọng chẳng kém là phải biết Tòa diễn giải và áp dụng những nguyên tắc đó ra sao. Bài này duyệt qua phán quyết của Tòa án Quốc tế về ba vụ án tranh chấp chủ quyền: đảo Pedra Branca, Đông Greenland và đền Preah Vihear.
Trong vụ Pedra Branca có một lá thư từ một viên Đổng lý tương tự như thư Phạm Văn Đồng. Vụ Đông Greenland không có văn kiện chính thức mà chỉ có một lời nói từ một vị Ngoại trưởng. Vụ Preah Vihear không có văn kiện hay lời nói nào từ bỏ chủ quyền của mình hay công nhận chủ quyền của nước khác. Cả ba việc này đều đóng một phần quan trọng đưa đến việc Tòa xử mất chủ quyền. Từ đó, ta sẽ có thể suy ra vài điều về tác dụng của thư Phạm Văn Đồng nếu chủ quyền Hoàng sa - Trường sa được đem ra kiện trước tòa. Người nào không có thì giờ đọc hết có thể đi thẳng đến câu cuối (kết luận 14) bài này.
Lưu ý:
Vài lý lẽ trong bài này có thể khiến tác giả bị gọi là “thân Tàu” hay “Việt gian”. Trong bối cảnh Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, xin hãy coi bài này như một cố gắng kiểm điểm áo giáp của mình trước khi ra trận, xem có lỗ thủng nào không để tìm cách vá lại. Nếu tìm ra lỗ thủng thì “Việt gian” “thân Tàu” không phải là người kiểm điểm, mà chính là người gây ra lỗ thủng.
Phần I. Ý định trong thư Phạm Văn Đồng
Như ta sẽ thấy trong các phần sau, ý định (intention) diễn tả trong một lá thư hay văn kiện chiếm một vai trò chính yếu trong sự phân xử của Tòa án Quốc tế. Vì có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của thư Phạm Văn Đồng nên cần xem lại thư này nói gì. Nguyên văn thư Phạm Văn Đồng như sau ([A] và [B] do tác giả bài này đánh số thêm để tiện việc bàn luận):
Kính gửi đồng chí Chu Ân Lai,
Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa tại Bắc Kinh.
Thưa đồng chí Tổng lý
Chúng tôi xin trân trọng thông báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:
[A] Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.
[B] Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin kính gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958
PHẠM VĂN ĐỒNG
Thủ tướng Chính phủ
nước Việt-nam dân chủ cộng hoà
Thư này “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố” ngày 4/9/1958 của Trung Quốc mà nội dung như sau (theo bản tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Mỹ viện dẫn tạp chí Peking Review [2]):
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, gồm Trung Quốc đất liền và các đảo dọc bờ, Ðài Loan và các đảo lân cận, quần đảo Bành Hồ (Penghu) và tất cả các đảo khác trên biển cả thuộc Trung Quốc.
(2) Đường cơ sở của lãnh hải thuộc đất liền Trung Quốc và các đảo dọc bờ biển là các đường thẳng nối liền các điểm cơ sở trên bờ và các đảo ngoại biên dọc bờ biển [offshore outlying islands]; Vùng biển 12 hải lý tính ra từ các đường cơ sở là lãnh hải của Trung Quốc. Vùng biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bột Hải (Bohai) và eo biển Quỳnh Châu (Qiongzhou), là nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong đường cơ sở, kể cả đảo Đông Dẫn (Dongyin), đảo Cao Đăng (Gaodeng), đảo Mã Tổ (Mazu), đảo Bạch Khuyển (Baiquan), đảo Ô Khâu/Nhạc (Niaoqin), đảo Ðại và Tiểu Kim Môn (Jinmen), đảo Đại Đam (Dadam), đảo Nhị Đam (Erdan), và đảo Đông Đĩnh (Dongding), là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được đi vào hải phận Trung Quốc và vùng trời trên hải phận này.
(4) Những nguyên tắc trong đoạn (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ (Penghu), quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa], quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa [Trường Sa], và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Bành Hồ (Penghu) hiện còn bị chiếm đóng bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, các nước ngoài không được xen vào.

Thư Phạm Văn Đồng là một lá thư chính thức (công thư hay công hàm), ký tên và đóng dấu bởi Thủ tướng một quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, nhân danh Chính phủ để nói và đầy đủ tư cách để đại diện quốc gia của mình.

Bức thư gồm hai câu chính: câu đầu (A) bày tỏ lập trường, thái độ: tán thành bản tuyên bố của Trung Quốc. Câu sau (B) nói về hành động cụ thể: chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.
Nhiều tác giả và phát ngôn viên Việt Nam (chẳng hạn [3]) cho rằng vì thư Phạm Văn Đồng không viết rõ những chữ “Hoàng sa” và “Trường sa” nên không thể nói là đã chấp nhận chủ quyền Trung Quốc ở hai quần đảo trên. Họ cho rằng bản tuyên bố nói về bề rộng 12 hải lý là ý chính, những ý khác (kể cả hải phận quanh Hoàng sa - Trường sa) chỉ là ý phụ, thư Phạm Văn Đồng chỉ tán thành ý chính này chứ không tán thành những ý phụ. Những người sính ngôn ngữ luật gọi đây là “nguyên tắc bốn góc”: chỉ được hiểu từ những gì được viết ra trong văn bản, không được suy diễn thêm.
Có người còn viện dẫn nguyên tắc “phải giải thích văn bản theo cách nào ít hại nhất cho tác giả” trong luật quốc tế. Tuy nhiên, dù giải thích “trong bốn góc” và “ít hại nhất” thì cũng vẫn phải hợp lý và tuân theo những nguyên tắc logic phổ quát và các định luật ngôn ngữ căn bản. Chẳng hạn, trong vụ Pedra Branca ta sẽ thấy Tòa hiểu câu “[chúng tôi] không đòi hỏi sở hữu [đảo này]” là “[chúng tôi] không đòi hỏi chủ quyền [đảo này]”, dù theo luật pháp thì không có sở hữu chưa chắc là không có chủ quyền.
Thử áp dụng nguyên tắc “trong bốn góc”, ta đọc thấy rằng ông Phạm Văn Đồng đã “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố”. Lưu ý chữ “bản”, nói về cả văn bản, chứ không phải chỉ nói về một trong những tuyên bố trong văn bản: mặc nhiên là ông Phạm Văn Đồng đã tán thành toàn bộ nội dung của bản tuyên bố đó. Nếu chỉ tán thành một phần và không tán thành phần khác thì không thể nói là tán thành bản tuyên bố được. Bản tuyên bố nói trong đoạn 4 rằng lãnh hải Trung Quốc bọc quanh Hoàng Sa và Trường Sa, tức là ông Phạm Văn Đồng đã tán thành điều đó, không cần phải nhắc lại trong thư của mình.
Lấy ví dụ, khi tòa án hỏi nhân chứng: “Ông/bà có hứa sẽ nói sự thật, tất cả sự thật và không gì khác ngoài sự thật?” (Do you swear to say the truth, the whole truth and nothing but the truth?), nhân chứng chỉ cần trả lời “I do” là đủ hiểu họ hứa tất cả những điều được hỏi, chứ không thể hiểu là họ chỉ hứa phần 1 nhưng không hứa phần 2 hay 3, v.v., và chắc chắn là không thể cãi rằng “tôi chỉ nói ‘I do’ chứ tôi đâu có hứa gì đâu?”. Hoặc trong thủ tục kết hôn, khi được hỏi “Anh/chị có hứa/thề sẽ...” (theo sau là nhiều lời hứa) cô dâu chú rể chỉ cần trả lời “Có” (I do) chứ không cần phải nhắc lại tất cả các lời hứa người hành lễ vừa đọc.
Có người cho rằng câu B trong thư Phạm Văn Đồng làm hẹp lại nghĩa của câu A: câu A tán thành chung chung, câu B mới viết cụ thể là tôn trọng hải phận 12 hải lý. Khi mà nói về một điều tức là loại ra hay bác bỏ những điều không nói. Lý luận đó chỉ có thể đúng nếu không có đoạn “tán thành bản tuyên bố” trong câu A, vì không thể vừa tán thành một bản văn vừa không tán thành nhiều điều trong bản văn đó. Hơn nữa, câu B không phải là làm rõ nghĩa câu A như nhiều người lý luận, mà nói về một hành động cụ thể (chỉ thị các cơ quan...) phát sinh từ sự tán thành trong câu A.
Có người cho rằng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa không cần thiết phải tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa - Trường Sa vì những đảo này đang dưới sự quản lý của Việt Nam cộng hòa. Lý luận như vậy là lẫn lộn chủ quyền với sự quản lý. Hiến pháp Việt Nam dân chủ cộng hòa nói rõ rằng nước Việt Nam là một nước thống nhất không thể phân chia, tức là Việt Nam dân chủ cộng hòa tự coi là có chủ quyền trên mọi phần đất Việt Nam từ bắc tới nam, và mọi hải đảo.
Có người [4] viết rằng, dựa theo “nguyên tắc thực lòng” (principle of good faith) trong luật quốc tế, vì Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là những người rất yêu nước, đã từng hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền đất nước nên họ không thể thực lòng muốn nhường lãnh thổ cho nước khác, do đó Tòa án Quốc tế sẽ không nhìn nhận ý định đó trong thư Phạm Văn Đồng. Diễn giải “thực lòng” theo kiểu này thì thật kỳ quặc, vì như vậy mỗi nước sẽ có quyền tha hồ tuyên bố, ký hiệp ước lừa bịp các nước khác, rồi tuyên bố rằng tôi không “thực lòng” (in good faith) khi viết hay ký những văn kiện đó và do đó chúng không ràng buộc tôi được! Diễn giải kiểu đó thì “nguyên tắc thực lòng” sẽ phải gọi là “nguyên tắc dối trá” (principle of bad faith)!

Thực ra, sự “thực lòng” trong giao dịch quốc tế phải hiểu là người viết hay ký thực lòng hiểu ý nghĩa của cái mình đang viết hay đang ký như thế nào, và sẽ thực lòng thi hành những gì đã hứa, chứ không có nghĩa là khi mình nói dối, nói mà “không thực lòng”, thì không sợ sẽ bị ràng buộc. Nguyên tắc này cần thiết để diễn dịch những hiệp ước, văn kiện trong đó có thể có sự hiểu lầm do khác biệt văn hóa chẳng hạn, và để đảm bảo là mỗi nước thực tâm thi hành những điều đã hứa [5].

Nếu ông Phạm Văn Đồng thực lòng chỉ tán thành việc cho bề rộng lãnh hải Trung Quốc rộng 12 hải lý thì ông vẫn có thể bỏ đoạn A đi, chỉ viết rằng: “Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung-quốc và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý ấy”. Như vậy chẳng đủ biểu lộ sự đoàn kết với nước anh em hay sao? (“Tôn trọng” chưa chắc đã là “tán thành”, tôn trọng nói về hành xử, tán thành nói về thái độ, tâm ý.)
Nói tóm lại, khó chối cãi rằng trong thư Phạm Văn Đồng, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tán thành hay chấp nhận Trung Quốc có chủ quyền trên Hoàng Sa - Trường sa. Ít nhất, thư này không phản ứng gì về câu “áp dụng cho... quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa], quần đảo Nam Sa [Trường Sa]” trong bản tuyên bố của Trung Quốc: ta sẽ thấy là điều này rất quan trọng.

Phần II. Vụ án Pedra Branca
Tóm tắt vụ án
Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge là những đảo nhỏ nằm trong eo biển Malacca giữa Singapore và Malaysia. Thế kỷ 19 trở về trước những đảo này thuộc về vương quốc Johor, nay là một bang của Malaysia. Năm 1844 Johor cho phép chính quyền thuộc địa Anh xây và sau đó liên tục cai quản một hải đăng trên Pedra Branca. Năm 1979 Malaysia (quốc gia kế thừa Johor) công bố một bản đồ vẽ nhóm đảo này nằm trong lãnh hải của mình. Singapore (quốc gia kế thừa chính quyền thuộc địa Anh) phản đối. Hai nước đưa ra Tòa án Quốc tế phân xử năm 2003. Tòa xử là Pedra Branca thuộc về Singapore, Middle Rocks thuộc về Malaysia, còn South Ledge là đảo chìm khi nước lên, nên theo luật biển chủ quyền sẽ tùy thuộc nằm trong lãnh hải của nước nào (lãnh hải khu này chưa phân định xong) [6, 7].

Một sự kiện nổi bật trong quá trình này xảy ra năm 1953. Năm đó, chính quyền thuộc địa Anh viết thư cho Johor yêu cầu làm rõ tình trạng pháp lý của Pedra Branca. Quyền Đổng lý Tiểu bang (Acting State Secretary) Johor viết thư trả lời. Vì đáp thư Johor được tòa coi là có ý nghĩa rất quan trọng trong vụ án này, và có nhiều điểm tương đồng với thư Phạm Văn Đồng, nên cần biết rõ nội dung của nó. Nguyên văn lá thư như sau (đoạn 196 trong [6]):

“I have the honour to refer to your letter . . . dated 12th June 1953, addressed to the British Adviser, Johore, on the question of the status of Pedra Branca Rock some 40 miles from Singapore and to inform you that the Johore Government does not claim ownership of Pedra Branca.”
dịch:
Tôi xin trân trọng đề cập đến thư của ngài ngày 12 tháng 6 năm 1953, gửi cho Cố vấn Anh, Johore, về tình trạng của Pedra Branca cách Singapore khoảng 40 dặm và xin thông báo rằng Chính phủ Johore không đòi quyền sở hữu Pedra Branca.”

Những tiêu chuẩn pháp lý được Tòa áp dụng
Tòa đã xác định những tiêu chuẩn pháp lý được áp dụng như sau (“đoạn xxx” chỉ những đoạn có số thứ tự trong phán quyết của Tòa [6]):

· Muốn kết luận là đã có sự thay đổi chủ quyền thì cần có những bằng cớ rõ rệt, không thể nghi ngờ, căn cứ vào cách hành xử hai bên và những sự kiện liên hệ (đoạn 122).
(122. Critical for the Court’s assessment of the conduct of the Parties is the central importance in international law and relations of State sovereignty over territory and of the stability and certainty of that sovereignty. Because of that, any passing of sovereignty over territory on the basis of the conduct of the Parties, as set out above, must be manifested clearly and without any doubt by that conduct and the relevant facts. That is especially so if what may be involved, in the case of one of the Parties, is in effect the abandonment of sovereignty over part of its territory.)
· Luật pháp quốc tế không nhấn mạnh vào hình thức (chẳng hạn, một hiệp ước chuyển nhượng chủ quyền), thậm chí không cần hai bên nói ra (tacit), mà tập trung vào ý định (intention) của hai bên. Sự thay đổi chủ quyền có thể suy diễn từ cách hành xử của hai bên.
(120. Any passing of sovereignty might be by way of agreement between the two States in question. Such an agreement might take the form of a treaty,[...] The agreement might instead be tacit and arise from the conduct of the Parties. International law does not, in this matter, impose any particular form. Rather it places its emphasis on the parties’ intentions (cf. e.g. Temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand), Preliminary Objections, I.C.J. Reports 1961, pp. 17, 31).)
· Nếu một nước không phản ứng khi cần thiết, chẳng hạn khi nước khác khẳng định chủ quyền trên vùng đất của mình, thì chủ quyền có thể coi là đã chuyển qua nước kia. Hành xử này gọi là sự đồng ý hay chấp nhận ngầm (acquiescence).

(121. Under certain circumstances, sovereignty over territory might pass as a result of the failure of the State which has sovereignty to respond to conduct à titre de souverain of the other State or, as Judge Huber put it in the Island of Palmas case, to concrete manifestations of the display of territorial sovereignty by the other State (Island of Palmas Case (Netherlands/United States of America), Award of 4 April 1928, RIAA, Vol. II, (1949) p. 839). Such manifestations of the display of sovereignty may call for a response if they are not to be opposable to the State in question. The absence of reaction may well amount to acquiescence. The concept of acquiescence “is equivalent to tacit recognition manifested by unilateral conduct which the other party may interpret as consent . . .” (Delimitation of the Maritime Boundary in the Gulf of Maine Area (Canada/United States of America), Judgment, I.C.J. Reports 1984, p. 305, para. 130). That is to say, silence may also speak, but only if the conduct of the other State calls for a response.)

Tóm tắt lý luận và phán quyết của Tòa
Để phân xử chủ quyền, Tòa đã xem xét quá trình liên quan đến chủ quyền trong từng giai đoạn lịch sử:
(i) Thời kỳ 1844 trở về trước: Sau khi xem xét những bằng chứng lịch sử, Tòa kết luận rằng ở thời điểm 1844, Pedra Branca và Middle Rocks thuộc về Johor (nay là một tiểu bang của Malaysia).
(ii) Trong thời gian 1844-1852, Johor đã cho phép Anh xây hải đăng trên Pedra Branca. Tòa không kết luận gì về sự kiện này, và cho rằng việc này không có nghĩa là Johor từ bỏ chủ quyền.
(iii) Từ 1852 tới 1952, Johor không có động thái nào khẳng định chủ quyền trên các đảo liên hệ.
(iv) Năm 1953, để trả lời một lá thư từ Đổng lý Thuộc địa (Colonial Secretary) Singapore hỏi về chủ quyền Pedra Branca, quyền Đổng lý Tiểu bang (Acting State Secretary) Johor viết lá đáp thư như đã nói, khẳng định là Johor “không sở hữu” Pedra Branca. Tòa viết trong phần Kết luận rằng lá thư này “có ý nghĩa lớn” (“has major significance” đoạn 275) và kết luận rằng ở thời điểm 1953 Johor đã hiểu (understood), tức là đã chấp nhận, rằng họ không còn chủ quyền trên Pedra Branca (đoạn 223).
(v) Trong khoảng thời gian 1953-1980 Singapore đã nhiều lần khẳng định chủ quyền trên Pedra Branca nhưng Johor/Malaysia không phản ứng. Không những thế đã có những tài liệu và bản đồ Malaysia cho thấy rằng Pedra Branca thuộc Singapore.
Căn cứ vào quá trình trên, Tòa kết luận rằng vị trí hai bên đã dần dà “tiến hóa hội tụ” (convergent evolution) về một quan điểm chung: chủ quyền Pedra Branca thuộc Singapore. Tuy nhiên Middle Rocks được cho là (vẫn) thuộc về Malaysia, vì không có một quá trình “tiến hóa hội tụ” tương tự.
Có thể tóm tắt phán quyết của Tòa như sau: Johor/Malasia đã mất chủ quyền Pedra Branca vì cách hành xử của họ trong suốt nhiều năm cho thấy rằng họ không còn coi đảo này thuộc về họ.

Nhận xét về phán quyết Pedra Branca

· Tuy đòi hỏi bằng chứng rõ rệt, không thể nghi ngờ được cho việc thay đổi chủ quyền, nhưng Tòa coi rằng hình thức của bằng chứng (chẳng hạn hiệp ước chính thức) không quan trọng, mà quan trọng là ý định (intention hay understanding) của hai bên, thông qua cách hành xử.
· Tòa đã xử cho Singapore được chủ quyền Pedra Branca, mặc dù ở thời điểm 1844 chủ quyền thuộc Johor (Malaysia) và sau đó không hề có hiệp ước nào chính thức chuyển nhượng chủ quyền.
· Tòa không căn cứ vào một văn kiện hay biến cố nào duy nhất, mà căn cứ vào một quá trình theo đó quan điểm của hai bên dần dần thay đổi theo cùng một hướng: sự thụ động của Johor/Malaysia từ 1844 tới 1952, đáp thư Johor 1953, sự thụ động của Malaysia khi Singapore thi hành chủ quyền trong thời gian 1953-1980.
· Tuy nhiên, tòa coi đáp thư Johor (1953) là “có ý nghĩa lớn” (has major significance) bởi vì nó cho thấy rằng ở thời điểm đó, Johor không còn coi Pedra Branca là của mình nữa.
· Để ý là Tòa viết (đoạn 222) rằng trong thư này chữ “sở hữu” - ownership – phải hiểu là “chủ quyền” – sovereignty, mặc dù Malaysia đã yêu cầu Tòa phân biệt hai khái niệm đó (đoạn 198): ta thấy là nguyên tắc diễn giải “ít hại nhất” hay “trong bốn góc” không thể đánh bại một cách hiểu hợp lý.
· Singapore thỉnh nguyện Tòa rằng đáp thư Johor là một văn kiện chính thức từ bỏ chủ quyền (đoạn 226), nhưng tòa không chấp nhận (đoạn 228) vì nó chỉ được viết để trả lời một câu hỏi, nên không có tác dụng quyết định về mặt pháp lý (conclusive legal effect) [8].
· Singapore thỉnh nguyện Tòa rằng đáp thư Johor gây ra estoppel (đoạn 226), nhưng tòa không chấp nhận (đoạn 228) vì thư đó không hội đủ các điều kiện cho estoppel, đặc biệt là nó đã không khiến cho Singapore làm gì thiệt hại cho mình. [9].
· Singapore thỉnh nguyện Tòa rằng đáp thư Johor là một hành động đơn phương có tính cách ràng buộc (binding unilateral undertaking) (đoạn 226), nhưng Tòa không đồng ý (đoạn 229) vì đáp thư Johor không viết trong bối cảnh Anh tuyên bố chủ quyền trên Pedra Branca hay đang có tranh chấp, mà chỉ là để trả lời một câu hỏi [8].
· Tuy ba thỉnh nguyện trên của Singapore bị bác, nhưng điều đó không thay đổi kết quả tối hậu: Malaysia vẫn thua kiện.

Phần III. Vụ án Đông Greenland
Tóm tắt vụ án

Đảo Greenland được người Na Uy khám phá và định cư từ khoảng thế kỷ 10-11. Từ 1380 tới 1814 Na Uy là một phần của Đan Mạch. Đan Mạch đã kiểm soát Greenland và chủ quyền của Đan Mạch được một số nước khác ngầm công nhận (acquiesce). Tuy nhiên, những cơ sở của Đan Mạch đều nằm ở Tây Greenland và do đó Na Uy khi đã độc lập cho rằng Đan Mạch không có chủ quyền ở Đông Greenland. Sau nhiều thương nghị không có kết quả, năm 1931 Đan Mạch đem vụ này ra Tòa Công lý Quốc tế Thường trực (Permanent Court of International Justice), tiền thân của Tòa án Quốc tế. Năm 1933 Tòa xử Đan Mạch được chủ quyền toàn đảo Greenland [10].
Câu trả lời của Ngoại trưởng Ihlen

Bài này không đi vào chi tiết vụ án mà chỉ nói về một sự kiện quan trọng mà Tòa cho là có tính cách quyết định. Ngày 14/7/1919 trong một cuộc gặp mặt giữa Ngoại trưởng Đan Mạch và Ngoại trưởng Na Uy, Ngoại trưởng Đan Mạch nói rằng Đan Mạch sắp yêu cầu các nước công nhận chủ quyền Đan Mạch trên toàn thể Greenland, và hy vọng việc này sẽ không gặp khó khăn từ phía Na Uy. Ngoại trưởng Na Uy, ông Ihlen, nói rằng sẽ xem xét vấn đề, và ngày 22/7, trong một cuộc gặp mặt khác, Ihlen nói rằng Na Uy sẽ không gây khó dễ (“ne fera pas de difficultés”) về vấn đề này. Câu nói này được chính Ngoại trưởng Ihlen ghi nhận trong một biên bản, mà Tòa dịch từ tiếng Pháp như sau:

“The Danish Government has for some years past been anxious to obtain the recognition of all the interested Powers of Denmark's sovereignty over the whole of Greenland, and it proposes to place this question before the above-mentioned Committee at the same time. During the negotiations with the U.S.A. over the cession of the Danish West Indies, the Danish Government raised this question in so far as concerns recognition by the Government of the U.S.A., and it succeeded in inducing the latter to agree that, concurrently with the conclusion of a convention regarding the cession of the said islands, it would make a declaration to the effect that the Government of the U.S.A. would not object to the Danish Government extending their political and economic interests to the whole of Greenland.
The Danish Government is confident (he added) that the Norwegian Government will not make any difficulties in the settlement of this question.
I replied that the question would be examined.
14/7 - 19 Ih.”
“II. To-day I informed the Danish Minister that the Norwegian Government would not make any difficulties in the settlement of this question.
22/7 - 19 Ih.”

Tòa nhận xét về câu trả lời của Ihlen như sau (các đoạn đánh số là từ phán quyết của Tòa [10] ):
· Câu trả lời của Ihlen không có nghĩa là Ihlen công nhận Đan Mạch có chủ quyền Đông Greenland (tức là Ihlen có thể hiểu rằng ở thời điểm đó, Đan Mạch chưa coi là mình có chủ quyền Đông Greenland nhưng đang dự định mở rộng chủ quyền sang đó) (đoạn 188).
· Tuy nhiên câu trả lời của Ihlen là một lời hứa có tính cách ràng buộc Na Uy, bởi nó xuất phát từ một Ngoại trưởng, đứng trên cương vị đại diện nước mình để trả lời đại diện ngoại giao một nước khác, về một vấn đề thuộc thẩm quyền của ông ta. Tòa nhấn mạnh là kết luận này không thể nào chối cãi được (beyond dispute) (đoạn 192).
· Tòa coi tuyên bố của Ihlen là vô điều kiện và có tính cách quyết định (definitive) (đoạn 195).
· Do đó, Na Uy không được phản đối hay tranh giành (contest) chủ quyền của Đan Mạch ở Đông Greenland, và dĩ nhiên không được chiếm đóng phần đất nào ở Greenland (đoạn 202).

Nhận xét về phán quyết của Tòa

· Chỉ một lời nói (có biên bản) của một người có thẩm quyền đại diện quốc gia cũng có thể ràng buộc quốc gia đó về vấn đề chủ quyền. Điều này minh chứng rõ nguyên tắc “Luật pháp quốc tế không nhấn mạnh vào hình thức” mà ta đã thấy ở Phần II.
· Điều này cũng cho thấy là quan niệm “mọi sự thay đổi chủ quyền phải do quốc hội phê duyệt” là sai lầm. Quan niệm này đôi khi thấy trong các bài báo Việt Nam.
· Điều này cũng cho thấy là những bàn cãi trong cộng đồng và truyền thông tiếng Việt về gọi thư Phạm Văn Đồng là công hàm hay công thư là hoàn toàn vô bổ. Dù gọi là gì đi nữa thì nó cũng đã được ký tên và đóng dấu bởi một Thủ tướng, người đầy đủ thẩm quyền đại diện Chính phủ, và tuyên bố lập trường của Chính phủ.

Phần IV. Vụ án đền Preah Vihear
Tóm tắt vụ án
Preah Vihear là một ngôi đền cổ nằm sát biên giới Thái Lan-Cambodia. Đền này xây trên đỉnh một vách đá, cũng là đường phân thủy, chạy đại khái theo hướng đông-tây, nhìn về phía nam (vùng thấp) là Cambodia, nhìn về phía bắc (vùng cao) là Thái Lan.
Năm 1904, Thái Lan và Pháp (đại diện thuộc địa Cambodia) ký một hiệp ước về biên giới, theo đó thì sẽ dùng đường phân thủy làm biên giới ở khu vực này. Hai nước thành lập một ủy ban liên hợp để xác định biên giới. Áp dụng nguyên tắc đường phân thủy thì Preah Vihear thuộc Thái Lan. Tuy nhiên, năm 1907 sở địa đồ Pháp trình ủy ban liên hợp biên giới một địa đồ theo đó thì đường biên giới vẽ chệch về phía bắc đường phân thủy, khiến Preah Vihear nằm trong lãnh thổ Cambodia. Việc đó gây tranh chấp và được đưa ra phân xử tại Tòa án Quốc tế năm 1962. Tòa xử cho chủ quyền Preah Vihear thuộc về Cambodia [11].

Lý lẽ của Thái Lan
Cambodia chủ yếu dựa vào bản đồ 1907 để chứng tỏ chủ quyền của mình. Những lý lẽ chính của Thái Lan là:
1. Hai nước đã ký hiệp ước thỏa thuận nguyên tắc dùng đường phân thủy làm biên giới, theo đó thì Preah Vihear thuộc Thái Lan. Bản đồ 1907 là do Pháp vẽ và công bố, Thái Lan không dự phần, và đã vẽ sai vì không theo đúng đường phân thủy. Không có văn kiện chính thức nào nói rằng bản đồ này được ủy ban liên hợp 1904 chấp nhận.
2. Thái Lan đã liên tục thi hành chủ quyền ở đền Preah Vihear bằng cách chiếm đóng, quản lý.

Phán quyết của Tòa
Tòa chấp nhận rằng bản đồ 1907 “không có tính cách ràng buộc” ([11], trang 19). Tuy nhiên, nguyên tắc dùng đường phân thủy trong hiệp định biên giới 1904 cũng không ràng buộc nếu cả hai bên thỏa thuận không áp dụng nó trong trường hợp nào đó (“it was certainly within the power of the Governments to adopt such departures”) ([11], trang 20). Vấn đề là có sự thỏa thuận này không ở Preah Vihear, và điều này tùy thuộc vào ủy ban liên hợp 1904.
Tòa nhận xét rằng:
· Bản đồ 1907 đã được trình cho mọi thành viên ủy ban liên hợp 1904 và công bố rất trọng thể, gửi cho nhiều sứ quán Thái Lan và nhiều cơ quan quốc tế. Tuy nhiên, không có lời phản đối nào từ Thái Lan. Tòa cho rằng do đó Thái Lan đã đồng ý ngầm (acquiesce).
· Thái Lan nói rằng chỉ những viên chức thấp của họ thấy bản đồ 1907. Tòa cho rằng đó là lỗi của Thái Lan, nước này phải chịu hậu quả. Hơn nữa, sự sai biệt giữa đường biên giới và đường phân thủy quá rõ rệt nên không thể viện cớ lầm lẫn ([11], trang 24).
· Năm 1934-35, Thái Lan tự làm bản đồ lấy và nhận thấy sự sai biệt, nhưng vẫn không nói gì.
· Năm 1937, Thái Lan vẽ một bản đồ cho thấy Preah Vihear nằm trong lãnh thổ Cambodia.
· Năm 1947 Thái Lan và Pháp thương nghị ở Washington để hòa giải về các vấn đề biên giới, nhưng Thái Lan không đưa ra vấn đề Preah Vihear.
· Chuyến viếng thăm đền của bộ trưởng nội vụ Damrong năm 1930 như là khách của Pháp được coi là đặc biệt quan trọng. Năm 1930, một công sứ Pháp tại Cambodia lấy tư cách “chủ nhà” mời Hoàng thân Damrong, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan, tới thăm Preah Vihear và trương cờ Pháp tại đó. Ông này tới thăm mà không nói gì để khẳng định chủ quyền của Thái Lan. Tòa viết như sau: “Khó có thể tưởng tượng một sự khẳng định chủ quyền rõ ràng hơn thế từ phía Pháp. Việc đó đòi hỏi một phản ứng. Thái Lan đã không làm gì”, và việc đó cho thấy có vẻ Thái Lan đã “ngầm công nhận” (tacit recognition) chủ quyền của Cambodia trên Preah Vihear.

(When the Prince arrived at Preah Vihear, he was officially received there by the French Resident for the adjoining Cambodian province, on behalf of the Resident Superior, with the French flag flying. The Prince could not possibly have failed to see the implications of a reception of this character. A clearer affirmation of title on the French Indo-Chinese side can scarcely be imagined. It demanded a reaction. Thailand did nothing. Furthermore, when Prince Damrong on his return to Bangkok sent the French Resident some photographs of the occasion, he used language which seems to admit that France, through her Resident, had acted as the host country. The explanations regarding Prince Damrong's visit given on behalf of Thailand have not been found convincing by the Court. Looking at the incident as a whole, it appears to have amounted to a tacit recognition by Siam of the sovereignty of Cambodia (under French Protectorate) over Preah Vihear, through a failure to react in any way, on an occasion that called for a reaction in order to affirm or preserve title in the face of an obvious rival claim.)
· Về việc Thái Lan đã chiếm đóng hay quản lý Preah Vihear, Tòa cho là những hành động này thường là do chính quyền địa phương, và không đủ để triệt tiêu (cancel out) lối hành xử im lặng của chính quyền trung ương.
· Năm 1949, Pháp viết thư cho Thái Lan yêu cầu rút lính gác Thái khỏi đền, nhưng Thái Lan không trả lời.
· Năm 1954 Cambodia (mới độc lập) gửi một lá thư tương tự, nhưng Thái Lan không trả lời.
Vì những lý do trên Tòa phán quyết với đa số 9/3 rằng chủ quyền Preah Vihear thuộc về Cambodia.

Nhận xét về phán quyết Preah Vihear
· Thái Lan và Pháp (đại diện Cambodia) đã ký hiệp ước biên giới ghi rõ là đường biên giới đi theo đường phân thủy, và theo điều khoản đó thì Preah Vihear phải thuộc về Thái Lan.
· Thái Lan không hề ký một hiệp ước hay có một tuyên bố đơn phương nào từ bỏ chủ quyền Preah Vihear.
· Tuy nhiên, dùng nguyên tắc acquiescence (đồng ý ngầm), Tòa đã cho rằng Thái Lan không có chủ quyền vì đã nhiều lần không phản ứng trước những hành động hay tài liệu có thể hiểu là khẳng định chủ quyền của Pháp hay Cambodia.
· Tòa cho rằng hành động chiếm đóng hay quản lý của Thái Lan không đủ để triệt tiêu thái độ im lặng, ngầm đồng ý của nước này khi cần phải có phản ứng.

KẾT LUẬN
  1. Về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Tòa Án Quốc Tế dựa vào nội dung và ý định trong các văn kiện, cũng như vào các hành động và sự kiện, hơn là vào hình thức văn kiện.
  2. “Ý định” phải hiểu là ý định diễn tả trong văn kiện, chứ không phải ý định ngầm của kẻ muốn giấu giếm hay ngần ngại thổ lộ ý định thật như có người đã giải thích.
  3. Những nguyên tắc “chỉ đọc trong bốn góc của văn bản”, “phải hiểu cách nào ít hại nhất cho người viết” không thể đánh bại một cách hiểu hợp lý (xem cách Tòa diễn giải lá thư của Johor trong vụ Pedra Branca).
  4. Chỉ một lời nói (có biên bản) của một đại diện có thẩm quyền (như ngoại trưởng) cũng có thể ràng buộc một quốc gia về vấn đề chủ quyền (xem vụ Đông Greenland).
  5. Thư Phạm Văn Đồng không phản đối khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa - Trường Sa, nên có thể bị coi là acquiescence.
  6. Hơn thế nữa, thư Phạm Văn Đồng có thể coi là đã tán thành rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc.
  7. Thư Phạm Văn Đồng không thể coi là một hiệp ước hay văn kiện chính thức nhường chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa cho Trung Quốc. Do đó, dùng những công ước về hiệp ước quốc tế để tìm hiểu tác dụng thư này chưa chắc sẽ đưa đến những kết luận chính xác.
  8. Thư Phạm Văn Đồng có lẽ không đủ để gây ra estoppel khiến Việt Nam không có quyền tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa - Trường Sa.
  9. Tuy nhiên, nếu thư Phạm Văn Đồng là một yếu tố khiến Trung Quốc giúp Việt Nam dân chủ cộng hòa trong chiến tranh Việt Mỹ, gây tổn thương cho binh lính hay nhân viên Trung Quốc trong cuộc chiến đó, thì có thể estoppel sẽ được áp dụng [9]. (Điều tai hại là chính người Việt cũng có khi đưa ra lý lẽ này để giải thích thư Phạm Văn Đồng!)
  10. Tuy nhiên, tập trung vào khía cạnh estoppel của thư Phạm Văn Đồng là một việc sai lầm. Nguy hiểm chính của nó không ở chỗ đó.
  11. Ngay cả khi Tòa cho rằng thư Phạm Văn Đồng không có ý định nói gì về chủ quyền trên Hoàng Sa - Trường Sa, kết luận 12 ở trên vẫn chính xác (vì lý do đã nói ở kết luận 5).
CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU
[1] Ngay sau khi lá thư của Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng được gửi đi, báo Nhân dân gọi nó là “công hàm”. Từ này sau đó được dùng rộng rãi. Gần đây truyền thông trong nước thường gọi nó là công thư. Các nhà nghiên cứu và truyền thông ngoại quốc thường chỉ gọi là “Phạm Văn Đồng letter”, cũng đôi khi gọi là diplomatic note. Trong cộng đồng Việt Nam, cách gọi lá thư gần đây đã gây nhiều tranh cãi, nhiều người cho rằng không gọi nó là công hàm tức là cố ý giảm thiểu tầm quan trọng hay chính thức của nó. Bài này sẽ theo tập tục ngoại quốc và gọi là “thư Phạm Văn Đồng”. Như bài này sẽ cho thấy, dù gọi nó là gì thì giá trị pháp lý của nó cũng không thay đổi.
[2] www.state.gov/documents/organization/58832.pdf
[3] Nguyen Le Ha, Giá trị pháp lý công hàm Phạm Văn Đồng theo luật pháp quốc tế và cơ hội ngàn vàng để Việt Nam xác quyết chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
http://boxitvn.blogspot.fr/2014/07/gia-tri-phap-ly-cong-ham-pham-van-ong.html
[4] Cao Huy Thuần, Công hàm Phạm Văn Đồng - Góp ý về việc giải thích. http://www.diendan.org/viet-nam/gop-y-ve-viec-giai-thich-cong-ham-pham-van-dong.
[5] V. Lowe, International Law, OUP, 2007 pp. 116-117
[6] International Court Of Justice (2008) Case Concerning Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/Singapore), Judgment of 23 May 2008. http://www.icj-cij.org/docket/files/130/14492.pdf
[7] Y. Tanaka (2008) Passing of Sovereignty: the Malaysia/Singapore Territorial Dispute before the ICJ. http://www.haguejusticeportal.net/index.php?id=9665
[8] Việc Tòa không chấp nhận ba thỉnh cầu của Singapore coi đáp thư là văn kiện chính thức từ bỏ chủ quyền, là ràng buộc hay gây estoppel có thể hơi khó hiểu nên cần biết chính xác là câu hỏi trong lá thư của Anh nói gì. Nguyên văn câu hỏi như sau: “It is [now] desired to clarify the status of Pedra Branca. I would therefore be most grateful to know whether there is any document showing a lease or grant of the rock or whether it has been ceded by the Government of the State of Johore or in any other way disposed of.” Câu hỏi đó không nói rằng Anh có hay đòi chủ quyền Pedra Branca, mà chỉ hỏi là Johor có còn giữ chủ quyền hay không, và do đó Tòa đã đi tới những kết luận như trên.
[9] Trong luật quốc tế, estoppel là sự ngăn cấm một nước (A) không được có những hành động mâu thuẫn gây hại cho nước (B) khác, cụ thể là không thể làm ngược những gì mình đã nói. Estoppel đòi hỏi ba yếu tố: thứ nhất, lời tuyên bố của A phải rõ ràng, không thể hiểu lầm; thứ hai, lời tuyên bố phải tự nguyện, vô điều kiện, và bởi người có thẩm quyền; và cuối cùng, B phải làm gì thiệt cho mình hoặc lợi cho A vì đã thực lòng tin vào lời tuyên bố của A. (First, the statement creating the estoppel must be clear and unambiguous; second, the statement must be voluntary, unconditional, and authorized; and finally, there must be good faith reliance upon the representation of one party by the other party either to the detriment of the relying party or to the advantage of the party making the representation.) (M.L. Wagner (1986) Jurisdiction by Estoppel in the International Court of Justice. California Law Review Volume 74, 1777-1804.)
[10] Permanent Court of International Justice (1933) Legal Status of Eastern Greenland - Denmark v. Norway, Judgment. http://www.worldcourts.com/pcij/eng/decisions/1933.04.05_greenland.htm
[11] International Court Of Justice (1962) Case concerning the temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand), http://www.icj-cij.org/docket/files/45/4871.pdf.
[12] Article ler: La frontière entre le Siam et le Cambodge part, sur la rive gauche du Grand Lac, de l'embouchure de la rivière Stung Roluos, elle suit le parallèle de ce point dans la direction de l'est jusqu'à la rencontre de la riière Prék Kompong Tiam, puis, remontant vers le nord, elle se confond avec le méridien de ce point de rencontre jusqu'à la chaîne de montagnes Pnom Dang Rek. De là elle suit la ligne de partage des eaux entre les bassins du Nam Sen et du Mékong, d'une part, et du Nam Moun, d'autre part, et rejoint la chaîne Pnom Paclang dont elle suit la crête vers l'est jusqu'au Mékong. En amont de ce point, le Mékong reste la frontière du royaume de Siam, conformément à l'article ler du traité du 3 octobre 1893. (theo [10], trang 14)

Về hai vụ đắm tàu ở HS cuối thế kỉ 19

Về hai vụ đắm tàu ở HS cuối thế kỉ 19

(Bài đăng trên Boxitvn.net ngày 28/7/2014 có thay đổi nhỏ về cách trình bày và ghi sai họ)

Vào cuối thế kỉ 19 có hai chiếc tàu chở đồng của Đức và Nhật đắm ở Hoàng Sa bị ngư dân Hải Nam đến hôi của. Công ti của Anh phụ trách bảo hiểm hàng hoá của hai tàu này có yêu cầu chính quyền Trung Quốc giải quyết đền bù nhưng bị từ chối. Nhiều bài nghiên cứu của học giả Việt Nam cũng như nước ngoài, kể cả văn bản về lập trường chính thức của Việt Nam đối với vụ giàn khoan 981 gửi LHQ ngày 3/7/2014 đã nêu sự việc này như một trong những luận điểm chính để biện minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Luận điểm này đã được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) đưa ra ít ra từ năm 1959 (xem phụ lục 1) nhưng không thấy có trong Bạch thư tháng 2/1975 (tức một năm sau khi TQ chiếm toàn bộ Hoàng Sa) mà lẽ ra nó phải được nêu ra nếu quả thực có cơ sở vững chắc. Chúng tôi không có điều kiện tiếp xúc với các hồ sơ lưu của Bộ Ngoại giao Anh hay của VNCH nên không thể khẳng định tính chính xác của luận điểm này. Tuy nhiên, có tài liệu trong hồ sơ lưu ở Văn khố Quốc gia Australia về vụ việc này trình bày sự việc với một số điểm khác biệt đáng lưu ý và cũng có vẻ khá khách quan. Đó là trang 7 của hồ sơ đã được giải mật về ‘Paracel Islands’ (Quần đảo Hoàng Sa) lập ngày 29/8/1975, tức trang 20 của tập hồ sơ “Islands in the South China Sea”, số series A1838/335, số hiệu 226/1 Pt2 của Văn khố Quốc gia Australia (NAA). Mục 18, 19 và cước chú của trang này tạm dịch ra tiếng Việt (xem bản gốc tiếng Anh ở Phụ lục 2) như sau:

18. Việt Nam đã khẳng định rằng việc Trung Quốc xử lí yêu cầu bồi thường bảo hiểm phát sinh từ vụ tàu "Bellona" và "Himaji Maru" bị đắm trên quần đảo Hoàng Sa tương ứng vào năm 1894 và 1895, hậu thuẫn quan điểm của họ rằng quần đảo Hoàng Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc. Theo Việt Nam thì sau khi hai tàu này bị đắm thì hai công ti của Anh phụ trách bảo hiểm số đồng chở trên tàu tìm cách nhờ đại sứ Anh tại Bắc Kinh giúp để có được đền bù cho số hàng hoá đã bị ngư dân đảo Hải Nam của Trung Quốc lấy cắp. Nhà chức trách Trung Quốc bị cáo buộc đã từ chối mọi trách nhiệm và nói rằng quần đảo này không thuộc Hải Nam, do đó theo báo Việt Nam Xưa và Nay(?) “ngầm đùn đẩy trách nhiệm lên nhà chức trách Đông Dương.”
19. Việc tiến hành rà soát các hồ sơ Ngoại giao Anh liên quan đến vụ này không ủng hộ cách lập luận của Việt Nam dựa trên các sự kiện đó. Các giấy tờ này cho thấy rõ rằng Chính phủ Trung Hoa từ chối xem xét yêu cầu đền bù của các công ti dựa trên các căn cứ sau đây: (i) yêu cầu đưa ra quá lâu sau sự kiện mà nó có liên quan; (ii) các công ti đã không cố gắng đúng mức để cứu lấy hàng hoá; và (iii) phần của yêu cầu liên quan đến việc nhà chức trách trên đảo Hải Nam đã không cung ứng trợ giúp thích đáng trong việc truy tìm đồng bị chìm, là không hợp lệ vì quy định cứu hộ năm 1876 của Trung Hoa đã không được tuân thủ. Ở London các cố vấn pháp luật nhà nước (Hoàng gia) cho rằng một yêu cầu đền bù hợp lệ đối với chính quyền trên đảo Hải Nam do không giúp đỡ trong việc thu hồi đồng có thể đã tồn tại nhưng do quá chậm trễ nên không thúc ép được. Không có điều gì trong các giấy tờ này cho thấy rằng Trung Hoa phủ nhận họ có trách nhiệm đối với quần đảo này và chắc chắn không có đề cập đến trách nhiệm đối với quần đảo này đảo nằm ở chính quyền Pháp ở Đông Dương.
………………………………..
* Lưu ý: Bản sao các giấy tờ này đã được chuyển cho Đại sứ quán Nam Việt Nam tại London vào năm 1974, đáp ứng theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao ở Sài Gòn sau khi HMG (chính phủ Úc/Anh) chỉ ra rằng hồ sơ lưu của chúng ta không ủng hộ quan điểm đưa ra trên tờ Việt Nam Xưa và Nay (?). Có lẽ do vậy mà tuyên bố cuối cùng của Việt Nam về việc này mà chúng ta đã thấy, cụ thể là Bạch thư tháng 2 năm 1975, không có đề cập đến lập luận dựa trên vụ hai con tàu đắm này.
MẬT
Tài liệu trên, có vài chi tiết sai lệch nhỏ với các tài liệu và bài viết đã có, chẳng hạn như năm hai tàu bị đắm là 1894, 1895 thay vì 1895, 1896 (có thể theo tài liệu gốc truy cập được hoặc có thể do gõ nhầm) hay chi tiết về tên con tàu Nhật là Himeji Maru thay vì Imej[z,g]i Maru (các cách phiên âm khác nhau chấp nhận được của một từ Nhật). Tuy nhiên, thông tin về quan điểm của VN trong mục 18 rõ ràng là chính xác (xem phụ lục 1), tính đáng tin cậy của mục 19 cũng khó bác bỏ vì nằm trong một tài liệu ngoại giao có thể làm cơ sở cho chính sách đối ngoại của chính phủ Australia. Còn phần cước chú, tuy ghi là “[c]ó lẽ do vậy” ([p]robably as a result) nhưng lí do Bạch thư tháng 2/1975 không nêu lại vụ việc này có nhiều khả năng là nhờ phản hồi của Bộ Ngoại giao Australia. Bởi vì theo lẽ thường không ai lại bỏ đi một luận điểm đáng giá như vậy trong lập luận của mình trừ khi nó thiếu cơ sở như đã nêu.

Lưu ý rằng việc sử dụng các chi tiết có thể có sai lệch trong vụ việc này cho tới nay là điều hiểu được vì chúng đã từng được nêu ra trong các tài liệu chính thức trước đây và thậm chí trong các nghiên cứu của các tác giả có uy tín quốc tế như Monique Chemilier-Gendreau, Stein Tonesson… Tài liệu cũ hơn (sau khi sự việc xảy ra khoảng hơn 30 năm) có thể tìm thấy trên mạng là bài báo “L'histoire moderne des iles Paracels” (Lịch sử hiện đại quần đảo Hoàng Sa) đăng trên tờ báo "L'Eveil de l'Indochine" số 738, ngày 22/5/1932 tại Hà Nội (xem phụ lục 3). Với điều kiện thông tin còn lạc hậu lúc đó, có nhiều khả năng tác giả bài báo này không có điều kiện để tham khảo các tài liệu lưu của Bộ Ngoại giao Anh. Do đó, các chi tiết nêu ra trong bài báo có thể không đảm bảo tính chính xác và điều này ảnh hưởng tới những bài viết tham khảo hay trích dẫn bài báo này.

Nếu không có các nguồn tài liệu gốc nào có thể bác bỏ được tính tín cậy của tài liệu từ Văn khố Australia, có lẽ không nên chơi trò may rủi sử dụng vụ việc này trong các bài viết, bài nghiên cứu mới về quần đảo Hoàng Sa, không nên giật tít kiểu như “Năm 1898, TQ tuyên bố: “Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc Hải Nam”…, vì những điều như vậy có khả năng làm mất uy tín nhiều hơn là có lợi trong việc tranh đấu cho chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt khi muốn dùng vụ việc này làm chứng lí trong hồ sơ kiện tụng (có vẻ đang xúc tiến), thiết nghĩ những người có trách nhiệm cần cẩn trọng kiểm tra lại tính chính xác của nó từ nguồn tài liệu gốc chứ không phải các nguồn tài liệu thứ cấp như có vẻ đã làm. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của các cơ quan có liên quan của chính phủ với rất nhiều phương tiện trong tay.

Phụ lục 1: Tuyên bố của VNCH tháng 3/1959 phân phát tại Rangoon (trích)




Tạm dịch ra tiếng Việt
Gõ lại phần bản gốc cho dễ đọc
Hai trong số các tàu bị đắm, tàu Bellona (đắm vào năm 1895 ở rạn san hô phía bắc) và Imezi Maru (đắm vào năm 1896 ở cụm An Vĩnh) chở đồng được công ti Anh bảo hiểm.
Sau nỗ lực cứu hộ vô vọng, các tàu đắm bị bỏ phế. Một số người Trung Quốc, đi trên các con thuyền tam bản và thuyền mành nhỏ đến hôi của và mang đồng mà họ có được từ đó đem về Hải Nam, rồi gợi ý bán lại cho chủ các tàu.
Sau đó Công ti bảo hiểm viện tới đại sứ Anh tại Bắc Kinh và Lãnh sự ở Anh Hải-Hạo (nay là Hải Khẩu) can thiệp , tìm cách buộc chính quyền địa phương Trung Hoa chịu trách nhiệm về hàng bị đắm.
Nhà chức trách Trung Hoa đã từ chối mọi trách nhiệm, một mực cho rằng Hoàng Sa không thuộc về Trung Hoa, và rằng quần đảo này không được đính vào phần nào của Hải Nam, ngầm đùn đẩy trách nhiệm lên nhà chức trách Đông Dương.
Two of the shipwrecked vessels, the Bellona (wrecked in 1895 on the north reef) and the Imezi Maru (wrecked in 1896 on the Amphitrite) were carrying cargoes of copper insured by British Companies.
After a vain attempt at salvage, the wrecks were abandoned. Some Chinese, plying in sampans and small junks, pillaged the wreckage and took the copper they got from it to Hainam (sic), where they offered to re-sell it to shipowners.
The Insurance Companies then provoked an intervention by the British Minister in Peking and the British Consul in Hoi-Hao, who tried to hold the Chinese local authorities responsible for the shipwrecks.
The Chinese authorities declined all responsibility, maintaining that the Paracel did not belong to China, and that the islands were not attached to any part of Hainam (sic), implicitly throwing back the responsibility onto the Indochinese authorities.


Phụ lục 2: Trang bìa và trang 7 tài liệu “The Paracel Islands” lưu ở NAA:


Trang 7 gõ lại cho dễ đọc (trích):

18. The Vietnamese have asserted that the Chinese handling of the insurance claims arising out of the wrecks of the “Bellona’ and the “Himeji Maru” on the Paracels in 1894 and 1895 respectively, support their view that the Paracels have never been Chinese. The Vietnamese version is that following the wreck of these two vessels the British companies which had insured their cargoes of copper sought the help of the British Minister in Peking to obtain redress since the cargoes had been pillaged by fishermen from China’s Hainan Island. The Chinese authorities, it is alleged, declined all responsibility and said that the islands were not part of Hainan, thus according to Vietnamese Yesterday and Today “implicitly throwing back responsibility on to the Indo-Chinese authorities.”
19. An examination of the British Foreign Office records relating to this affair does not bear out the construction placed on the events by the Vietnamese. These papers make it clear that the Chinese Government refused to consider the insurance companies’ claims on the following grounds: (i) that they had been submitted long after the event to which they related; (ii) that the companies had not made sufficient to salvage: and (iii) that part of the claims, which related to a failure by the authorities on Hainan Island to provide adequate assistance in tracing the sunken copper, was not valid because the Chinese salvage regulations of 1876 had not been followed. In London the Law Officers of the Crown argued that a valid claim might have existed against the authorities on Hainan for failure to assist in the recovery of the copper, but that too great a delay meant that no claim should be pressed. There is nothing in these papers to show that the Chinese denied that they had responsibility for the islands and certainly there is no mention of responsibility for the islands resting with the French authorities in Indo-China.
…………………………….
* Note: Copies of these papers were passed to the South Vietnamese Embassy in London in 1974, in response to a request from the Ministry of Foreign Affairs in Saigon after HMG had pointed out that our records did not support the view put forward in Vietnam Yesterday and Today. Probably as a result, the last statement of the Vietnamese case we have seen, namely the White Pages of February 1975, makes no mention of the argument based on the shipwrecks.
CONFIDENTIAL

Phụ lục 3: Bài báo L'histoire moderne des iles Paracels” trên L'Eveil de l'Indochine" số 738, ngày 22/5/1932 (trích):

Tạm dịch ra Tiếng Việt
Gõ lại theo bản gốc
……………………………………..
Nhiều vụ đắm tàu đã xảy ra ở đây:
-          tàu "Marianna" (tàu Đức) ở rạn san hô Bombay vào năm 1891.
-          tàu "Bellona" (tàu Đức) ở ran san hộ Bắc năm 1895
-          tàu "Imegi-Maru" (tàu Nhật Bản) ở cụm An Vĩnh vào năm 1896. Hai vụ đắm tàu sau này đã dẫn đến tranh chấp không đến nỗi vô ích để nhắc lại.
Hai tàu Bellona và Imegi Maru đều chở đồng được công ti Anh bảo hiểm. Việc cứu hộ đã cố thực hiện trong vô vọng. Nhiều tàu đã được đặc biệt phái đi, với chi phí cao hơn, bị thời tiết xấu nên không đạt được kết quả đáng kể nào, cuối cùng đành phải quay trở lại Hồng Kông.
Các tàu đắm bị bỏ phế.
Khi đó các ngư dân Trung Quốc, đi trên những chiếc thuyền nhỏ bắt đầu tới cướp bóc có hệ thống các tàu đắm. Qua trung gian chủ của họ ở Hải Hạo, họ muốn bán lại số đồng họ cướp lấy được theo nửa giá. Công ti bảo hiểm không chấp nhận và vì một phần số lượng đồng đã được mang vào đảo Hải Nam, họ đã nhờ Đại sứ Anh ở Bắc Kinh và Lãnh sự ở Hải Hạo (Hải Khẩu) can thiệp yêu cầu thu giữ ngay số đồng đã nói, bằng cách lập luận rằng khi vụ đắm tàu xảy ra, các quan lại của Hải Nam đã được thông báo nên phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn nạn cướp bóc và phải chịu trách nhiệm.
Các quan phản đối nói vờ rằng: quần đảo Hoàng Sa là bỏ hoang không thuộc về Trung Quốc nhiều hơn là An Nam, không gắn liền về mặt hành chính với bất kí khu vực nào của Hải Nam. và rằng không có cấp thẩm quyền đặc biệt nào chịu trách nhiệm về trị an quần đảo này.
…………………………………..
………………………………………
De nombreux naufrages s’y sont produits :
-          la “ Marianna” (navire allemand) sur le récif Bombay en 1891.
-          la “Bellona” (navire allemand) sur le récif Nord en 1895
-          l’ “Imegi-Maru” (navire japonais) sur les Amphitrites, en 1896. Ces deux derniers naufrages donnèrent lieu à des contestations qu’il n'est pas sans intéret de rappeler.
La Bellona et l'Imegi-Maru portaient un chargement de cuivre assuré à des compagnies anglaises. Le sauvetage fut vainement tenté. Les navires expédiés ad hoc, à des conditions onéreuses, chassés par le mauvais temps, après des résultats insignifiants. durent revenir à Hongkong.
Les épaves furent abandonnées.
Des pêcheurs chinois, montés sur des embarcations légères commencèrent alors le pillage méthodique des navires naufragés. lls par l’intermédiaire de leurs armateurs à Hoihow, de céder pour la moitié de sa valeur, le cuivre ainsi pillé. Les compagnies refusèrent et comme une partie du cuivre avait déjà été débarqué à Hainan, sur leu instances, le Ministre d’Angleterre à Pékin et le Consul d’Hoihow intervinrent en vue d’exiger la saisie pure et simple dudil cuivre, déclarant que, dès que le naufrage s’était produit, les mandarins d’Hainan en avaient été avisés, qu'ils eussent dû prendre leurs précautions pour empêcher le pillage et qu’ils devaient être tenus responsables.
Les mandarins protestèrent, prétendant : que les îles Paracels étaient des îles abandonnées qui n'appartenaient pas plus à la Chine qu’à l’Annam, qu'elles n’étaient administrativement rattachées à aucun district d’Hainan et que nulle autorité spéciale n’etait chargée de leur police.
…………………………………………..



Monday, July 21, 2014

HIỂM HOẠ ĐEN

HIỂM HOẠ ĐEN

Nguyễn Trung
(trích đăng lại bài đã đăng trên Viet-Studies.info ngày 20/7/2014)

          II. 1. “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”

          Ngày 30-04-1975 đất nước thống nhất, Việt Nam hoàn toàn độc lập, kết thúc thời kỳ chiến tranh, đi vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước. Lịch sử Việt Nam bắt đầu sang trang mới từ đây: Dân tộc Việt Nam làm chủ quốc gia độc lập thống nhất của mình. Khẩu hiệu làm nên Cách Mạng Tháng Tám “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!” trở thành hiện thực với ngày 30-04-1975. 
          Lẽ ra… 
          Nhiệm vụ đầu tiên và mãi mãi của quốc gia độc lập là phải thiết lập và phát huy quyền làm chủ đất nước của toàn dân tộc, vì điều này đơn giản như lẽ sống: Đất nước này từ nay là của toàn thể dân tộc Việt Nam ta, trường tồn với dân tộc ta. Tổ quốc mang trong tim mỗi người Việt Nam chúng ta có ý nghĩa thiêng liêng là vì lẽ như vậy. 
          Bao nhiêu hy sinh xương máu, bao nhiêu đau thương mất mát, bao nhiêu điều đau lòng tay trái chém tay phải, bao nhiêu lầm lỗi và oán thù, bao nhiêu sai lầm phải trả giá đau đớn, và còn biết bao nhiêu đau khổ khác nữa không thể nói lên thành lời cả dân tộc này đã phải chịu đựng trong suốt 3 thập kỷ chiến tranh… Máu nào của người dân ta đã ngã xuống cũng đều là máu của dân tộc ta, tất cả chỉ càng làm cho mỗi người Việt Nam chúng ta thấm thía sâu sắc hơn cái giá phải trả cho đất nước độc lập thống nhất, càng thôi thúc mỗi người Việt Nam chúng ta từ nay phải hiểu các bài học của quá khứ để gìn giữ đất nước trong hiện tại và tương lai, giác ngộ mỗi chúng ta ý thức phải vươn lên sống xứng đáng với tính cách là người chủ của đất nước. 
          Hàng triệu sinh mạng bị cướp đi, hàng triệu tấn bom đạn tàn phá đất nước và biết bao nhiêu đau khổ khác nhân dân ta phải trải qua suốt 3 thập kỷ chiến tranh ấy để có đất nước độc lập thống nhất không cho phép bất kỳ ai, dù với lý do gì, tiếp tục hành hạ đất nước trong hiện tại, cướp đi sức sống của đất nước vì hạnh phúc của hòa hợp dân tộc và vì tương lai của một đất nước độc lập, tự do.  
          Một giọt máu phải nhỏ xuống đất này, một giọt nước mắt mất đi, từng giọt mồ hôi phải nuốt vào trong, tất cả phải dồn nén, phải hun đúc ý chí của từng người dân Việt chúng ta thành một tinh thần dân tộc thống nhất, để sớm lấy lại cho đất nước những gì chiến tranh đã cướp đi, cùng nhau vực dậy đất nước. Hiện tại và tương lai của đất nước đòi hỏi mỗi người dân của đất nước ghi xương khắc cốt những bài học của quá khứ, bởi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên con đường dân tộc và dân chủ vô vàn gian truân. Hơn nữa, nước ta trước đây, bây giờ và mãi mãi phải là láng giềng của một Trung Quốc tham lam, lại luôn luôn nằm ở vị trí đầu sóng ngọn gió của khu vực, nếu chúng ta không thấy những yếu kém của nước ta và không hiểu cái thế giới chúng ta đang sống để quyết tìm ra con đường đi lên, nước ta làm sao tránh được số phận con mồi trong tranh giành quyết liệt tiếp theo giữa các cường quốc?... … 
          Những điều lẽ ra phải làm như vậy ngay sau ngày 30-04-1975 đã không xảy ra. 
          Sau 30-04-1975 ĐCSVN đã chọn con đường thừa thắng xông lên, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin. 
          Hệ quả: kinh tế đất nước vốn kiệt quệ sau chiến tranh đi ngay vào sụp đổ cho đến khi phải tiến hành đổi mới. Đồng thời đất nước bị đẩy tiếp vào 2 cuộc chiến tranh lớn kéo dài 10 năm (1979 – 1989).  
          Nguyên nhân chủ yếu là ý thức hệ của đảng một mặt đã lựa chọn cho đất nước con đường phát triển sai lầm vì duy ý chí, và mặt khác đã nhìn nhận sai bàn cờ thế giới lúc ấy, nên đẩy đất nước vào tình thế nguy hiểm. 
          Cần nhìn nhận 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên là một giai đoạn phát triển thất bại, vì các lẽ: 
1.    Ngoài 10 năm đầu mất cho 2 cuộc chiến tranh tiếp theo, thành tựu giành được trong 28 năm đổi mới tuy là rất lớn so với điểm xuất phát, nhưng về cơ bản là thất bại nếu so với công sức đã bỏ ra và cơ hội đất nước có được. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 không thể hoàn thành vì cơ cấu kinh tế hiện còn rất lạc hậu, kết cấu hạ tầng vật chất & kỹ thuật thấp kém, hiện đang khủng hoảng cơ cấu sâu sắc, chưa có lối thoát ra khỏi cái bẫy là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, chất lượng nguồn nhân lực đạt được nhìn chung còn thấp, khoảng cách tụt hậu so với nhiều nước chung quanh ngày càng rộng.
2.    Sau 3 thập kỷ xây dựng đất nước, lúc đầu là xây dựng chủ nghĩa xã hội, do có nhiều sai lầm không khắc phục được nên từ khi tiến hành đổi mới phải điều chỉnh lại thành xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được có nhiều măt hạn chế như đã nói trong điểm 1 bên trên. Riêng về mặt thể chế chính trị, nước ta hiện nay rất lạc hậu so với đòi hỏi phát triển của đất nước, so với xu thế phát triển của thế giới, so với một số quốc gia có mức thu nhập tính theo đầu người tương tự như nước ta. Tuy có cái tên gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa hay là định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ chính trị một đảng của đất nước hiện nay về bản chất có quá nhiều tàn dư của chế độ phong kiến cũ. Quá trình tha hóa đã nhanh chóng làm cho tính đảng trị của chế độ ngày càng nổi bật, trên thực tế ngày nay đã trở thành chế độ toàn trị.  
3.    Đất nước đã độc lập thống nhất 4 thập kỷ. Thay vào chỗ phải có một nhà nước pháp quyền dân chủ để thực thi quyền lực của nhân dân, đất nước có một chế độ chính trị toàn trị. Tính đảng trị của chế độ này tạo ra cho truyền thống phong kiến cũ cha truyền con nối cái phương thức mới “làm vua tập thể” (Nguyễn Văn An) để duy trì chế độ đảng mặc nhiên và mãi mãi cầm quyền cai trị đất nước. Trên thực tế đã hình thành sự phân chia: ĐCSVN trở thành kẻ cai trị, nhân dân trở thành người bị cai trị. Nhân dân bị phân chia thành các giai cấp để đối xử. Trong nhiều hình thái tư tưởng của xã hội và trong thiết kế các chủ trương chính sách vẫn tồn tại sự phân biệt giữa “ta” và “ngụy”, giữa “yêu nước đồng nghĩa với yêu chủ nghĩa xã hội”  và  “không yêu chủ nghĩa xã hội là không yêu nước, là chống chế độ”; ai dám mở miệng nói trong lòng kháng chiến có cuộc nội chiến, sẽ lập tức bị quy kết là phản động… Nhiều quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân tuy đã được ghi trong hiến pháp nhưng chỉ là hình thức. Tuy chế độ toàn trị của ĐCSVN mang trong nó nhiều tàn dư của chế độ phong kiến cũ, song cái nền tảng tinh thần của “làm vua tập thể” hôm nay được tạo dựng ra không phải từ một trật tự của thượng tầng kiến trúc phong kiến vương đế, mà hình thành từ một thứ văn hóa ra đời trong quá trình chia chát quyền lực giữa các nhóm lợi ích đủ các thành phần phức tạp trong xã hội. Các “nhóm” này sống và tự ngụy trang bằng nhiều thứ “giả, diễn, hão”, luôn luôn tìm kiếm đồng minh trong mọi rác rưởi của xã hội[6]. Hệ thống chính trị của đất nước được tổ chức theo cái phương thức “đảng cử dân bầu” là tiêu biểu tổng hợp nhất cho những “giá trị” “giả, diễn, hão” này. Thực tế này lý giải: Bên cạnh những thành tựu đạt được phải trả giá đắt, mỗi bước phát triển của đất nước luôn gắn theo một nấc thang xuống cấp mới về đạo đức, chính trị và tư tưởng. Dẫn đến nghịch lý càng phát triển càng yếu, càng ngày sinh nhiều yếu kém mới, mâu thuẫn mới. 
          Xin lưu ý, chủ nghĩa Mác – Lênin ĐCSVN hiện đang kiên định bám giữ, có quá nhiều sai trái thoát ly hẳn cái gốc thực của lý luận Mác. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh đó là chủ nghĩa Mác – Lênin đã được Stalin-hóa, trước khi vào đến Việt Nam nó được tác chế thêm một lần Mao-hóa nữa. Một thứ chủ nghĩa như vậy trên thực tế là phản khoa học – được chứng minh qua những thất bại của tất cả các ĐCS cầm quyền trên thế giới, chỉ còn lại là một công cụ giáo điều. Ý thức hệ này chỉ thuận tiện cho việc đàn áp chính trị - tư trưởng và làm tha hóa chính bản thân ĐCSVN. Là một công cụ chính trị như thế, ý thức hệ này một mặt khiến đảng đặt quyền lực của mình là tối thượng, mặt khác đã lấy đi của đảng mọi khả năng nhận thức khách quan sự vật. Có thể nói chính bản thân ĐCSVN đã tự nô dịch mình bằng ý thức hệ như vậy, và qua đó đang nô dịch cả đất nước. 
          Hệ quả là đất nước đã độc lập thống nhất bốn thập kỷ, song khẩu hiệu làm nên Cách Mạng Tháng Tám “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!” với nghĩa nhân dân là người chủ của đất nước đến hôm nay vẫn chưa trở thành hiện thực, kẻ chiến thắng trở thành người cai trị chính nhân dân nước mình.

          II. 2. Con đường phát triển của Việt Nam bị chặn đứng
            Có thể nói một cách rốt ráo: Đất nước có độc lập thống nhất bốn thập kỷ, nhưng đến hôm nay nhân dân vẫn chưa được giải phóng!  Đây là nguyên nhân gốc gây nên mọi yếu kém của đất nước hôm nay, độc lập chủ quyền của quốc gia thiếu sức mạnh lẽ ra phải có trước những thách thức mới.
           Thập kỷ đầu tiên sau 30-04-1975 bị mất hoàn toàn cho 2 cuộc chiến tranh và sự đổ vỡ kinh tế. Công cuộc kiến thiết lại đất nước thực ra chỉ bắt đầu từ khi tiến hành đổi mới 1986, đến nay là 29 năm. Bản “kết toán” 40 năm độc lập thống nhất của quốc gia hôm nay có thể phác thảo như sau:   
1.    Đất nước hình thành một nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, đã tận dụng tới mức tối đa có thể huy động được những yếu tố ban đầu như lao động rẻ, tài nguyên, đất đai và môi trường. Cơ cấu hiện có của nền kinh tế nhìn chung còn lạc hậu, hàm lượng chế biến trong sản phẩm rất thấp, tính lệ thuộc của một nền kinh tế gia công rất cao (thực chất là chỉ bán lao động rẻ và môi trường, không tự hình thành được những sản phẩm hay ngành kinh tế của chính quốc gia mình), kết cấu hạ tầng thấp kém, năng suất lao động vào lọai thấp nhất trong khu vực, khả năng cạnh tranh đang suy giảm nhanh vì đã khai thác cạn kiệt những yếu tố ban đầu, các hệ quả trong quá trình phát triển của một nền kinh tế lạc hậu ngày càng gia tăng (như thất nghiệp, nghèo đói, chênh lệch giầu nghèo và bất công xã hội, ô nhiễm môi trường…). Về nhiều mặt sự phát triển kinh tế có phần mang tính thị trường hoang dã, đồng thời đặm nét chủ nghĩa tư bản thân hữu. Nền kinh đòi hỏi bắt buộc phải tìm đường chuyển sang một thời kỳ phát triển mới.  
2.    Thể chế chính trị và hệ thống nhà nước được thiết kế theo quan điểm đảng đứng trên Hiến pháp, nắm quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Trong thực tế đó là một hệ thống đảng trị, có trong tay hệ thống nhà nước làm công cụ thực hiện quyền lực của hệ thống đảng. Hệ thống quyền lực kép này (đảng + chính quyền) còn có hệ thống mặt trận (MTTQVN) là công cụ phụ trợ. Thiết kế như vậy, ngân sách quốc gia (thuế của dân) phải gánh 3 hệ thống quyền lực: (a) hệ thống đảng, có mọi quyền lực nhưng không phải chịu trách nhiệm ràng buộc nào trước đất nước; (b) hệ thống chính quyền, thực thi quyền lực của hệ thống đảng và trên thực tế hầu như chỉ chịu trách nhiệm trước hệ thống đảng, (c) hệ thống mặt trận với tính chất là công cụ thâu tóm mọi hoạt động trong xã hội vào guồng máy của hệ thống chính trị. Toàn bộ cỗ máy quyền lực này được vận hành dưới sự chi phối của (1) tập đoàn kinh tế nhà nước, (2) nền kinh tế GDP tỉnh, và (3) tư tưởng tư duy nhiệm kỳ. Có thể thấy ngay, một hệ thống quyền lực cồng kềnh và chồng chéo, có hệ điều hành đảng quyết định tất cả nhưng không chịu trách nhiệm ràng buộc, với chất lượng con người hoạt động trong hệ thống được nhào nặn từ chính hệ thống này, hiển nhiên không thể vận hành có hiệu quả toàn bộ sự vận động của một quốc gia. Về nhiều mặt, đây là một hệ thống quyền lực kìm kẹp quốc gia, vô hiệu hóa không ít hay không thực thi được bao nhiêu các chính sách cũng như luật pháp do chính hệ thống này ban hành. Mọi chiến lược hay quy hoạch quốc gia đã vạch ra được đều trở nên không khả thi hoặc chỉ được thực hiện manh mún phần nào trong một hệ thống quyền lực chồng chéo, vận hành theo nhiệm kỳ và xé lẻ như vậy; quan liêu, lãng phí, tham nhũng và tội ác ngày càng trầm trọng là tất yếu. Chính hệ thống quyền lực này bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ của nhân dân, hủy hoại nghị lực sáng tạo của đất nước. Thực tế này đẻ ra đòi hỏi phải tăng cường trấn áp để bảo toàn chế độ, hệ quả là ngày càng mất lòng dân, trực tiếp cản trở sự phát triển của đất nước. Với một hệ thống quyền lực như vậy không thể tạo ra và cũng không thể quản lý nổi một nước Việt Nam công nghiệp hóa.  
     Tình hình kinh tế đất nước bế tắc như hiện nay, đất nước hầu như bị động và chưa chuẩn bị được bao nhiêu trong việc đối phó với âm mưu bành trước bá quyền của Trung Quốc, cũng như nhiều yếu kém khác nữa của sự nghiệp phát triển đất nước trong đối nội và đối ngoại còn cho thấy: Trong tình hình mới, hệ thống quyền lực này ngày càng bất cập và không có khả năng dẫn dắt đất nước trong thế giới hiện tại. Ngoài ra không thể không đặt câu hỏi sự lũng đoạn của quyền lực mềm Trung Quốc đã tác động  tới mức nào vào hệ thống quyền lực nước ta hiện nay.
3.    Những sai lầm và yếu kém của hệ thống quyền lực trong hai thập kỷ gần đây ngày càng trầm trọng, gây ra áp lực ngày càng lớn trong đời sống của nhân dân. Chính sách thông tin bưng bít và định hướng để giữ chế độ và giữ đảng trong quá trình ngày càng tha hóa đang một mặt làm trầm trọng thêm tình trạng ngu dân, mặt khác vấp phải sự bác bỏ (bộc lộ ra hay không bộc lộ ra) của nhân dân ngày càng quyết liệt. Trong đời sống xã hội, sự lên ngôi của giả dối và của những hiện tượng phi đạo đức của quyền lực đang gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng đời sống tinh thần và văn hóa của đất nước. Trong đời sống đất nước xuất hiện những nghịch lý trầm trọng: Giữa lúc cần phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết hòa hợp hòa giải dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nhưng lòng dân ly tán và dân tộc bị chia rẽ; giữa lúc cần phát huy những giá trị tinh thần, đạo đức, văn hóa, xã hội cho sự nghiệp chấn hưng đất nước lại xảy ra hiện tượng đời sống tinh thần của nhân dân sa sút nhất, sự băng hoại các giá trị đạo đức xã hội ngày càng trầm trọng; chưa bao giờ các hiện tượng phản văn hóa, hủ tục, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút và tội phạm hình sự tràn lan như hiện nay. Tinh thần dân tộc bị tổn thương, nguyên khí quốc gia bị đánh cắp. Và như đã phân tích trong phần II. 1. “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”, đất nước đã độc lập 40 năm mà vẫn chưa phải là của nhân dân và do nhân dân làm chủ. Nguyên nhân gốc của toàn bộ tình trạng này xuất phát từ sự tha hóa của hệ thống quyền lực.  
4.    Bốn mươi năm độc lập thống nhất đầu tiên của đất nước cũng là 40 năm đảng và nhà nước Việt Nam vấp phải nhiều sai lầm đối ngoại trầm trọng nhất. Do nhìn nhận sai về thế giới, nên sau khi vừa mới ra khỏi chiến tranh đất nước lại bị kéo ngay vào 2 cuộc chiến tranh mới trong 10 năm liền (1979 – 1989). Hội nghị Thành Đô là sai lầm chiến lược tiếp theo, để lại hệ lụy lâu dài và khôn lường cho đất nước. Điều trớ trêu là ĐCSVN chủ trương đường lối đối ngoại hòa hiếu, không đi với bất kỳ nước nào chống lại nước thứ ba. Song đường lối đối ngoại bắt đầu từ hội nghị Thành Đô lại cột chặt nước ta vào một bên Trung Quốc, có nghĩa là làm như thế khách quan tạo ra những mâu thuẫn nhất định giữa nước ta và các nước thứ ba. Nguy hiểm hơn thế, đường lối đối ngoại này đã đưa con đường phát triển của đất nước đi vào quỹ đạo của Trung Quốc, tạo ra sự lệ thuộc trầm trọng và tình trạng bị Trung Quốc uy hiếp cho đến hôm nay ĐCSVN vẫn không thể tìm ra đối sách khắc phục; độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng. Đường lối đối ngoại Thành Đô cùng với đường lối đối nội giữ đảng và giữ chế độ bằng mọi giá trên thực tế đã biến nước ta thành một nước chư hầu kiểu mới của Trung Quốc, giữa lúc nước ta đã hội nhập toàn diện vào thế giới toàn cầu hóa, có tất cả các quốc gia quan trọng là đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện. Đường lối đối ngoại này khiến cho nước ta bị cô lập, vì nó chỉ cột chặt nước ta vào Trung Quốc và đẩy nước ta vào thế phải leo dây với các đối tác khác, nước ta vừa không có sự liên minh thật sự với bất kỳ đối tác quan trọng nào cần thiết cho an ninh của nước ta, vừa tự mình không tranh thủ được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cả thế giới cho bảo vệ chủ quyền quốc gia và những lợi ích chính đáng của nước ta. 
     Trung Quốc là đối tác và đối tượng số một tự nhiên và mãi mãi đối với nước ta, nhưng trong 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên của đất nước ĐCSVN đã thất bại hoàn toàn trong việc xây dựng nên một quốc sách có thể bảo vệ được độc lập chủ quyền quốc gia, đồng thời giữ được hòa bình và thực hiện được hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là: ĐCSVN đặt lợi ích quốc gia dưới lợi ích của đảng và của chế độ, trí tuệ thấp kém, sự lầm lẫn nghiêm trọng của ý thức hệ, sự khiếp nhược trước Trung Quốc, bị quyền lực mềm Trung Quốc lũng đoạn nghiêm trọng.
  
          Bản kết toán 40 năm đất nước độc lập thống nhất cho phép đánh giá:

1.    Đất nước trong 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên dưới chế độ toàn trị của ĐCSVN đã tạo ra được một nền kinh tế chủ yếu là bán những thứ tự có nhiều hơn là những thứ tự làm ra, nợ nần nhiều ai trả (?), với một chế độ chính trị không có khả năng đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp phát triển. 
2.    Để giữ đại cục quan hệ với Trung Quốc, đảng đã phải chấp nhận nhiều thỏa hiệp hay hy sinh lợi ích quốc gia (không loại trừ có thể có những vụ việc sự tha hóa của cá nhân đã bán rẻ lợi ích quốc gia); đất nước lâm vào tình trạng lệ thuộc và bị chèn ép nhiều mặt đến mức gần như trở thành một chư hầu kiểu mới của Trung Quốc. 
3.    Giữ đảng và chế độ như hiện nay, không thể giữ nước. Tình hình đã đến mức sự tồn tại và hành động của đảng và của chế độ như trong hiện tại đã và đang cản trở trực tiếp sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Sự lũng đoạn và uy hiếp của Trung Quốc rất nguy hiểm nhưng không nguy hiểm bằng. 
          Đại hội XII sắp đến của ĐCSVN nhất thiết cần thẳng thắn mổ xẻ toàn bộ tình hình đất nước nói trên và rút ra những kết luận dứt khoát. 

III. Hiểm họa đen?

          III. 1. Lạc lõng

          Phần I cho thấy thế giới đã sang trang tiếp, sang trang tiếp, và lại vừa mới sang trang tiếp một trang mới nữa. Càng ngày càng rõ trong thời đại chúng ta đang sống không có chỗ cho những suy nghĩ hão huyền về chủ nghĩa xã hội hoặc xu thế tất yếu nào về điều này trong bất kỳ mối quan hệ quốc tế nào. Hiện nay giành giật của quan hệ Mỹ - Trung đang chi phối sâu sắc bàn cờ thế giới. Một thời kỳ mới của các mối quan hệ quyết liệt tập hợp lực lượng và đối đầu nhau trong trật tự quốc tế đa cực bắt đầu, đặt ra rất nhiều vấn đề nan giải cho nhiều quốc gia liên quan – nhất là cho nước Việt Nam ta.  
          Phần II cho thấy lịch sử Việt Nam đã sang trang cách đây 40 năm. ĐCSVN đã áp đặt cho đất nước một con đường phát triển theo ý thức hệ của mình, hoàn toàn trái với đòi hỏi hỏi tất yếu của một nước được tự nhiên đặt sẵn vào vị trí địa kinh tế và địa chính trị trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Con đường phát triển đã lựa chọn ấy, một mặt là duy chí với quy luật phát triển tự nhiên của một quốc gia như nước ta – một nước nông nghiệp lạc hậu, trải qua liên tiếp những cuộc chiến tranh lớn thảm khốc, mặt khác là không nhận thức được cái trật tự quốc tế hiện hành đã ấn định cho nước ta một vị thế địa kinh tế và địa chính trị nhất định, buộc nước ta phải chấp nhận và phải tìm ra cách xử lý thỏa đáng sao cho có lợi nhất cho mình.  
          Nói hình ảnh, ĐCSVN đã chọn cho đất nước độc lập thống nhất con đường phát triển đảng muốn và xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa như ở trên cung trăng – với hàm nghĩa đảng chọn một mô hình xây dựng đất nước không theo quy luật của phát triển, lại một mình chọn một sân chơi khác kiểu trong thế giới, không nhận thức đúng được các mối quan hệ qua lại giữa nước ta và toàn bộ thế giới bên ngoài, càng không hiểu rõ sự chi phối có ý nghĩa quyết định về nhiều mặt của những mối quan hệ qua lại này đối với nước ta.  
          Có thể kết luận: ĐCSVN vừa không hiểu đất nước sau khi ra khỏi chiến tranh, vừa không nhận thức đúng được cái thế giới nước ta đang sống. 
          Tư duy ý thức hệ của đảng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, lại trong hệ thống chính trị một đảng, nên ngay từ ngày đầu tiên của đất nước độc lập thống nhất, với tính cách là người chiến thắng, ĐCSVN đã trở thành người cai trị đất nước. Chính thực tế này giải thích tại sao quyền làm chủ của nhân dân đối với đất nước độc lập thống nhất không được trao lại cho nhân dân ngay sau khi chiến tranh kết thúc – nhân danh đảng phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng, để đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Về phương diện này, lịch sử phát triển của Việt Nam đã bị chặn đứng ngay từ đấy – nghĩa là cách đây 40 năm, và bị bẻ ngoặt sang một hướng duy tâm, duy ý chí, với kết quả đạt được như hôm nay. 
          Theo quy luật tha hóa của quyền lực, hệ thống chính trị quốc gia được xây dựng lên dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng ngày nay đã thật sự trở thành chế độ toàn trị, đang tích tụ ngày một nhiều mâu thuẫn đối kháng với các quyền tự do dân chủ của nhân dân và đi ngược lại lợi ích quốc gia. Đất nước bị chính hệ thống chính trị của mình kìm hãm trước tiên, mọi bước phát triển đạt được đều phải trả giá đắt, hiện đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện rất sâu sắc.  
          Ngày nay, tình hình tha hóa của đảng đến mức ý thức hệ thật ra cũng chỉ còn lại là cái bình phong hay là công cụ, để che đậy hay để thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền lực của đảng, thực sự nó không còn đọng lại chút nào là lý tưởng cách mạng. 
          Tổng hợp lại có thể nói: Tư duy ý thức hệ của ĐCSVN không phải là tụt hậu hay lạc hậu so với thời đại của thế giới hiện tại, nó lạc lõng theo một lối riêng không tưởng và không đi cùng với xu thế phát triển của thế giới hiện tại. Sự tha hóa của quyền lực trong hệ thống chính trị một đảng càng khiến cho sự lạc lõng này không thể cứu vãn được, đảng ngày càng suy yếu vì những thất bại của chính mình. Để tồn tại, đảng bắt buộc phải mắc thêm nhiều sai lầm mới, buộc phải thêm độc tài và toàn trị hơn nữa. 
          Tình hình nêu trên có thể rọi thêm ánh sáng vào những quyết định của đảng khi lựa chọn giải pháp Thành Đô và các giải pháp thỏa hiệp khác với Trung Quốc cho đến nay. Ảo tưởng rằng Trung Quốc cùng chung ý thức hệ đã làm cho cái giá phải trả cho những thất bại phạm phải càng đắt hơn. 
          Đành rằng giác ngộ là một quá trình, song độc quyền chân lý của chế độ toàn trị đã không dung nạp quá trình này cho đến hôm nay.  
          Cũng như ở hầu hết mọi nước Liên Xô Đông Âu cũ và một số nước xã hội chủ nghĩa khác, ở nước ta tiếng nói phê phán tư duy ý thức hệ cộng sản và đường lối sai lầm của tư duy này đã được trí tuệ của đất nước cất lên rất sớm ngay sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc. Chí ít vụ Nhân văn giai phẩm có thể coi như là tiếng nói tập thể đầu tiên nêu lên mối nguy của ý thức hệ làm mất dân chủ và nhân văn trong sự nghiệp phát triển đất nước. Ai cũng biết vụ Nhân văn giai phẩm đã bị trấn áp quyết liệt. Khoảng dăm bẩy năm nay hầu như các nạn nhân vụ này đã được phục hồi danh dự cá nhân, nhưng chế độ chưa bao giờ có một lời xin lỗi hay nhận sai lầm. Nhìn chung chế độ này không biết xin lỗi các sai lầm đã xảy ra (trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo tư sản, trong cải tạo tù chính trị…).  
          Đặc biệt là sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc, tiếng nói phê phán những sai lầm tư duy ý thức hệ và đường lối của nó ngày càng nhiều, được nói lên từ những nhân vật tiêu biểu như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trần Độ, Trần Xuân Bách, vân vân… Sự tiếp thu của chế độ là quy kết những tư duy như thế là phản động, là chống chế độ, và thậm chí là phản quốc, phải đàn áp. Phan Đình Diệu không bị đàn áp nhưng bị bỏ ngoài tai, còn nhiều người khác bị bỏ ngoài tai…Sự việc mà tôi biết rõ nhất là bức thư gửi Bộ Chính trị ngày 09-08-1995 của đương kim Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy đặt vấn đề: (1) phải nhận thức lại thế giới, (2) trên cơ sở đó xem lại đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước, (3) giai đoạn phát triển mới của đất nước nhất thiết phải có nhà nước pháp quyền dân chủ. (4) nhất thiết phải thay đổi tổ chức và xây dựng đảng. Bức thư này mới chỉ đặt vấn đề, chưa nói được gì nhiều, nhưng không có cái tai nào nghe, và người viết thư được hưởng quả đắng, ba người khác bị bắt giam chỉ vì đã đọc bản photo copy…  
          Sự việc ghiêm trọng mới đây nhất của tình trạng độc quyền chân lý và bóp nghẹt tự do dân chủ là mọi ý kiến đúng đắn góp vào xây dựng / sửa đổi hiến pháp năm 2013 đã bị loại bỏ rất thô bạo, để thông qua rất hình thức (đúng ra phải nói là lừa dối) một hiến pháp sửa đổi về cơ bản giữ nguyên như cũ, cướp đi của đất nước cơ hội hòa bình cải cách thể chế độc đảng toàn trị hiện nay sang chế độ pháp quyền dân chủ. Việc sửa đổi hiến pháp như đã làm cuối cùng biến thành bước đi quan trọng để tiếp tục bảo vệ quyền lực của ĐCSVN bằng mọi giá, không đếm xỉa đến những đòi hỏi sống còn của đất nước. 
          Cho đến hôm nay, độc quyền chân lý vẫn đang quyết liệt tiếp tục đàn áp mọi tư duy “trái chiều”, nhân danh chống diễn biến hòa bình, bảo vệ chế độ, bảo vệ tổ quốc... 
          Đến đây có thể nói, hiểm họa đen hôm nay thực ra đã manh nha ngay sau ngày đất nước độc lập thống nhất đầu tiên từ tư duy ý thức hệ và từ quá trình tha hóa của quyền lực đảng. 
          Có thể rút ra kết luận: Tư duy ý thức hệ của đảng và sự tha hóa của quyền lực đến hôm nay đã biến chất trầm trọng ĐCSVN vốn là một đảng yêu nước, ra đời trước hết với lý tưởng giải phóng đất nước. ĐCSVN hôm nay tha hóa thành vấn đề nghiêm trọng của đất nước.  
          Trừ một thiểu số thoái hóa, phần lớn đảng viên, nhất là đảng viên các thế hệ kháng chiến, là những người yêu nước. Tất cả những đảng viên yêu nước  - như tôi đã viết trong bài 1[7] – có món  nợ lương tâm và có trách nhiệm chính trị phải trang trải với đất nước: Cất lên tiếng nói tại đại hội XII đòi vứt bỏ tư duy ý thức hệ, đòi phải thay đổi đảng để thay đổi chế độ, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần bức thư ngày 09-08-1995 của đảng viên Võ Văn Kiệt. 
          Với tính cách nắm quyền toàn diện và tuyệt đối, ĐCSVN hôm nay có trách nhiệm ràng buộc toàn diện và tuyệt đối trước đất nước thực hiện nhiệm vụ hòa bình cải cách chế đố toàn trị hiện nay chuyển sang chế độ pháp quyền dân chủ, và qua đó thay đổi chính bản thân mình trở thành một đảng khác đi với dân tộc, phấn đấu trở thành đảng của dân tộc, vì sự nghiệp cứu nước và chấn hưng đất nước. Đây phải là vấn đề nghị sự số 1 của đại hội XII. ĐCSVN hôm nay thực ra có mọi điều kiện cần và đủ để thực hiện thành công những nhiệm vụ trong vấn đề nghị sự số 1 này, đảng chỉ còn thiếu ý chí đoạn tuyệt với sự tha hóa của chính mình.  
          Hơn bao giờ hết, đại hội XII cần bắt đầu từ thẳng thắn nhìn lại toàn bộ tình hình của đất nước và của đảng trong 40 năm đất nước độc lập thống nhất đầu tiên, từ đó đảng tự giải phóng chính mình khỏi kiếp nô lệ của ý thức hệ và của quyền lực, chỉ để giữ lại cho mình lòng yêu nước, cùng với cả nước khai phá con đường dân tộc dân chủ cứu nước và đưa đất nước đi lên.         
           Mong rằng ĐCSVN hôm nay đừng mảy may ngó nghiêng hay lấn cấn gì với ĐCS Trung Quốc, để dứt khoát đoạn tuyệt với cái gọi là tư duy ý thức hệ anh em trên mọi phương diện. Đơn giản vì ĐCSTQ hôm nay chỉ giữ lại cho nó cái tên khai sinh như đang có, còn bản thân nó hôm nay là bộ máy quyền lực siêu lợi hại của siêu cường Trung Quốc đang lên trên con đường bành trướng bá quyền. Quan hệ ngoại giao là chuyện khác.  
          Đồng thời phải nói sòng phẳng: ĐCSVN hôm nay cũng chỉ còn lại mỗi cái tên. Bản chất đảng hiện nay, những việc đảng đang làm, hiện thực đất nước của nền kinh tế thị trường còn nhiều mặt hoang dã và đậm nét chủ nghĩa tư bản thân hữu, tất cả những điều này nói lên ĐCSVN hôm nay chẳng còn dính dáng gì đến chủ nghĩa Mác – Lênin hay tư tưởng Hồ Chí Minh. ĐCSVN hôm nay chỉ còn lại là đảng của quyền lực độc quyền nắm quyền cai trị đất nước. Việc thay đổi đảng trở thành đảng của dân tộc đã trở thành đòi hỏi sống còn đối với chính bản thân ĐCSVN, nhằm chặn đứng con đường đảng trở thành lực lượng đối kháng quốc gia và lợi ích dân tộc, tránh cho đất nước thảm họa tự hủy diệt.  

          III. 2. Đối mặt với hiểm họa đen

          Những khó khăn và thách thức đất nước hiện tại đang phải đối mặt trên mọi phương diện đối nội và đối ngoại không thể nói là nhỏ hoặc dễ giải quyết. Song hiểm họa đen về nhiều mặt có thể không đến từ những khó khăn và thách thức này, mà trước hết có thể lại đến từ những câu hỏi: 
-      Nhân dân này, dân tộc này lựa chọn gì trước những vấn đề đang đặt ra cho đất nước hôm nay?
-      ĐCSVN với tính cách là lực lượng chính trị lớn nhất đang nắm quyền cai trị đất nước (không còn là lực lượng lãnh đạo nữa) lựa chọn gì? Lựa chọn đất nước hay chính bản thân mình? 
-      Nói như thế chẳng lẽ hiểm họa đen chủ yếu đến từ phía ta,  nghĩa là từ phía nhân dân này? Từ đảng này? 
-      Đúng vậy với nghĩa: Nếu ta nhận biết được hiểm họa đen, thì có thể vô hiệu hóa nó, hoặc làm thất bại nó; đối phương dù có ác hiểm đến thế nào chăng nữa cũng không phải là bất khả kháng. Nhưng nếu ta mù quáng chẳng nhìn thấy gì, hoặc nếu ta cường điệu nó hay đánh giá thấp nó thì đúng là hiểm họa đen.  
          Đơn giản vì nếu ai hiểu Trung Quốc, chắc chắn đều thấy không thể quỳ xuống xin Trung Quốc rủ lòng thương lựa chọn kịch bản nhẹ tay đối với nước ta. 
          Trong phát triển kinh tế cũng thế, chẳng có gì cho không cả!  
          Vậy phải tập trung vào việc ta chống hiểm họa đen như thế nào? 
          Để làm rõ vấn đề, xin bàn luận thêm về Trung Quốc. 
          Như đã nói trong phần I. 2. Bàn về siêu cường Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc đã sẵn sàng trong tay các kịch bản từ A – Z trong đối xử  với Việt Nam. Hiện nay họ đang thực hiện kịch bản A. Khi cần thiết họ có mọi điều kiện cần và đủ để chuyển sang kịch bản khác họ muốn. Kịch bản Z là tồi tệ nhất, tổng hợp mọi phương tiện từ những thủ đoạn bẩn thỉu đến chiến tranh. Thật là khó chịu một khi phải đối mặt với một đối tượng giữ thế chủ động như vậy (trong đó có phần nào do lỗi bị động từ trước đến nay của phía ta). 
          Sự thật là ngay trong kịch bản A hiện nay, Trung Quốc có thể dễ dàng làm kinh tế nước ta tổn thất 10 – 15% GDP như nhiều chuyên gia đã tính toán. Trong kịch bản khác, Trung Quốc có thể đánh thắng ta trong một cuộc hay một số cuộc chiến tranh có giới hạn. Trong kịch bản Z Trung Quốc có thể hủy hoại tới 1/3 GDP của nước ta hoặc hơn nữa, đánh chiếm thêm các đảo của ta, thậm chí có thể đánh chiếm kiểm soát một phần lãnh thổ ta trong một thời gian nhất định...  
          Vì ta không thể ra lệnh được cho Trung Quốc chỉ được phép dùng kịch bản gì và dùng như thế nào, cho nên lựa chọn sự đáp trả của phía ta mới là quyết định. Lựa chọn sự đáp trả đúng thì thắng, lựa chọn sai thì là hiểm họa. 
          Sự lựa chọn tại Thành Đô là sự lựa chọn sai, đã và đang đem lại hiểm họa hôm nay. 
          Trong tiểu thuyết “Lũ” (bản thảo 2, tập II, tháng 08-2012[8]), những kinh nghiệm có được trong những năm phải đối phó với cuộc chiến tranh 17-02-1979 và chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc khiến tôi đã phải tính đến kịch bản Z này. Song nước ta xưa nay có bao giờ chịu khuất phục một cuộc xâm lược như thế? Trong thế giới ngày nay lại càng không thể như thế. Trong thế giới đương đại, nước ta mới đây thôi đã 3 lần chiến thắng 3 kẻ xâm lược lớn với sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ.  
          Giả thiết Trung Quốc áp đặt lên nước ta kịch bản Z, nhân dân ta có sự lựa chọn nào hơn là trong tình huống “bị lôi ra làm thịt” như thế, thì phải tìm cách tự giải phóng đất nước thoát khỏi kiếp chư hầu, đồng thời giành lại cho chính mình quyền làm chủ đất nước đã bị trì hoãn 4 thập kỷ nay? Tôi có lòng tin vững chắc trong tình huống xảy ra kịch bản Z, nhân dân ta sẽ buộc phải lựa chọn như vậy và nhất định sẽ thắng cả gói: Nước giữ được độc lập, dân giành lại được quyền làm chủ đất nước đã bị trì hoãn 4 thập kỷ. 
          Nếu nước ta bị Trung Quốc áp đặt một kịch bản Z như thế, nhân dân ta sẽ phải một lần nữa hy sinh xương máu ghê gớm lắm, phải cố tránh. Trong vòng một nửa thế kỷ đã 4 cuộc chiến tranh lớn đẫm máu là quá nhiều đối với đất nước ta! Nhưng biết làm thế nào? Rồi bao nhiêu mổ hôi nước mắt, và cả máu nữa, mới xây dựng nên được những gì đất nước có hôm nay! Càng tha thiết với hòa bình, quý trọng sinh mạng và công sức của đất nước, càng phải có ý chí quyết liệt đấu tranh bảo vệ, huy động sự hậu thuẫn của cả thế giới để quyết bảo vệ. Bởi vì không thể quỳ gối mà gìn giữ được! Hòa bình không thể đến được bằng van xin.         
          Nhưng một khi cây muốn lặng, nhưng gió chẳng đừng!? Vâng, một khi nước ta bị Trung Quốc cố ý áp đặt một kịch bản Z như thế, cho dù cho đảng lựa chọn đối phó thế nào, chắc chắn dân tộc ta sớm hoặc muộn sẽ chỉ có sự lựa chọn duy nhất nói trên của chính mình mà thôi, sẽ quyết chấp nhận sự lựa chọn duy nhất này, như đã từng bao nhiêu lần dân tộc ta phải lựa chọn như thế trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. 
          Đồng thời tôi cho rằng: Một khi phải đương đầu với một kịch bản Z như thế, trong sự lựa chọn nói trên của nhân dân có lẽ sẽ không thể có một chỗ đứng nào cho ĐCSVN như đảng đang là, vì lòng tin của nhân dân vào đảng như đang là không còn nữa.  ĐCSVN nhưđang là cũng không thể lựa chọn như nhân dân lựa chọn, càng không thể có phẩm chất và năng lực lãnh đạo nhân dân thực hiện sự lựa chọn ấy, bởi vì phẩm chất và năng lực của ĐCSVN như đang là không còn đáp ứng được nhiệm vụ quyết liệt này nữa. Trong tình hình như vậy, ĐCSVN như đang là sẽ không còn đứng và sẽ không thể đứng được trong hàng ngũ cứu nước của dân tộc. 
          Câu chuyện sẽ hoàn toàn khác, nếu ĐCSVN như đang là quyết lột xác để trở thành đảng của dân tộc và để cùng chung với nhân dân sự lựa chọn như thế. ĐCSVN chủ động tiến hành cải cách hòa bình đễ xóa bỏ chế độ toàn trị, thiết lập chế độ pháp quyền dân chủ chính là con đường đảng như đang là có thể hoàn toàn thay đổi chính bản thân mình, để  trở thành đảng cùng đi với cả dân tộc. ĐCSVN như đang là chủ động tiến hành cải cách hòa bình xóa bỏ chế độ toàn trị, để tập hợp toàn dân tộc thành một khối thống nhất rong một thể chế pháp quyền dân chủ, sẵn sàng đương đầu với bất kỳ kịch bản nào của Trung Quốc – đấy còn là con đường ngăn chặn hay làm thất bại kịch bản xấu nhất mà Trung Quốc muốn ra tay. 
          ĐCSVN như đang là, nếu chủ động hòa bình cải cách xóa bỏ chế độ toàn trị để tập hợp toàn dân tộc trong một thể chế pháp quyền dân chủ vì sự nghiệp cứu nước và chấn hưng đất nước, chắc chắn nước ta sẽ có sức mạnh của chính mình và đồng thời sẽ tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ, kịch bản nào của Trung Quốc đưa ra cũng sẽ thất bại, đất nước ta sẽ có hòa bình và từ đó mới tạo ra được hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc. Dĩ bất biến đối với mọi cái “biến” Trung Quốc muốn áp đặt với nước ta chính là điểm này! 
          Tâp hợp toàn dân tộc trong một thể chế pháp quyền dân chủ vì sự nghiệp cứu nước và chấn hưng đất nước – chính cái dĩ bất biến này mới cho phép nước ta một mặt bất di bất dịch gìn được giữ độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, mặt khác mới có điều kiện thực hiện các giải pháp sách lược. Trong quan hệ ngoại giao, làm sao mà thiếu được các giải pháp sách lược, nhất là đối với Trung Quốc? Song chỉ riêng lịch sử quan hệ Việt – Trung đã có đủ các bài học cho nước ta cần học: bất kỳ giải pháp sách lược nào với Trung Quốc mà nước ta không có cái dĩ bất biến này làm nền tảng, nước ta đều thua, và không hiếm trường hợp mất luôn cả chì lẫn chài – như đã trình bầy trong câu chuyện Hội nghị Thành Đô.  
          Xin nhắc lại: Tiến hành giải pháp Thành Đô, trong thâm tâm những người lãnh đạo nước ta hồi ấy là muốn thực hiện một giải pháp sách lược lớn – hòa hiếu với Trung Quốc. Nhưng vì không có cái dĩ bất biến này làm chỗ dựa, nên cuối cùng nước ta chỉ nhận được 4 tốt và 16 chữ
          Hiểm họa đen đang đến, ở chỗ cho đến hôm nay đảng như đang là và đội ngũ lãnh đạo vẫn không dám nhìn lại 40 năm đầy sai lầm của mình, vẫn còn lo mất quyền lực hơn lo mất nước, vẫn còn cố tìm cách trì hoãn hay thỏa hiệp vì khiếp nhược, trong khi đó thời gian không chờ đợi và phía Trung Quốc đã sẵn sàng mọi kịch bản khác. Những vấn đề lịch sử để lại rất lớn và phức tạp, song chí ít ĐCSVN nhất thiết phải đứng trên quan điểm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc đánh giá lại toàn bộ chặng đường 40 năm đất nước độc lập thống nhất đầu tiên để có ý chí thay đổi đảng một cách triệt để.  
          Hiểm họa đen thực sự đang tiến đến, bởi lẽ cái giàn khoan HD 981 chưa đủ lớn, chưa đủ nặng để đặt ra cho Hội nghị Trung ương 9 sự lựa chọn sẽ phải được bàn đến tại đại hội XII sắp tới: Cứu nước? hay cứu chế độ và cứu đảng như đang là? Cho đến giờ phút này đối với cả nước đảng như đang là vẫn tiếp tục vừa lừa mỵ dân, vừa  đàn áp lẽ phải, trấn an dân, kêu gọi kiên định chung chung.., trong khi đó đội ngũ lãnh đạo vẫn trống đánh xuôi kèn thổi ngược. 
          Hiểm họa đen cũng có thể xuất hiện dưới dạng thường trực không mời mà đến, vì bất kể một yếu kém nào của chế độ đương quyền trong một bối cảnh nào đó, với sự lũng đoạn của quyền lực mềm – ví dụ như dưới dạng kịch bản tạo ra phản ứng bầy đàn cướp phá khoảng 800 xí nghiệp có FDI ngày 13 và 14-05-2014 ở quy mô không kiểm soát được… Những chuyện phản ứng bầy đàn như thế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong thị trường kinh tế, trong thị trường tài chính tiền tệ, trong tình hình khiếu kiện đất đai của nông dân, trong trấn áp biểu tình, trấn áp chính trị, trong một thiên tai… Bởi vì lúc này đất nước có không ít những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội… rất nhậy cảm, mà nguyên nhân gốc thường là những sai trái và yếu kém chế độ và của người trong hệ thống chính trị. Bưng bít thông tin, không công khai minh bạch, các hoạt động lừa bịp của dư luận viên, các biện pháp trấn áp trên báo chí và bằng quyền lực… nhân danh giữ ổn định, vân vân.., tất cả những thứ này chỉ là đổ dầu vào lửa, đồng thời tạo đất thánh cho hoạt động của quyền lực mềm Trung Quốc. Chỉ có một con đường: Phải dựa hẳn vào dân, vào dân tộc, dấy lên sức mạnh từ dân để giải quyết tất cả, bắt đầu từ phát triển xã hội dân sự để nuôi dưỡng tinh thần dân tộc và phát huy dân chủ - vì sự nghiệp cứu nước và chấn hưng đất nước. 
          Hiểm họa đen thực sự không thể tránh nổi, nếu chế độ toàn trị hiện nay theo quy luật mâu thuẫn giữa cai trị và bị cai trị đến một lúc nào đó sẽ tức nước vỡ bờ và ắt phải sụp đổ, đất nước rơi vào tự hủy diệt của hỗn loạn nồi da xáo thịt.  
          Hiểm họa đen luôn tiềm tàng và không thể đảo ngược được, chừng nào đảng như đang là trốn tránh nhiệm vụ tạo ra cho đất nước cái dĩ bất biến nói trên không thể trì hoãn được nữa. 
          Cần thảo luận rộng rãi trong đảng để đi tới kết luận và hành động.

Lời kết: Phải cắt bỏ cái thòng lọng đang siết dần

          Cách đây vài ngày cái dàn khoan HD 981 đã rời khỏi chỗ nó đứng hơn 2 tháng trong vùng biển của ta. Ý kiến nói ra nói vào trên thế giới nhiều chiều lắm.  
          Trong rừng các ý kiến ấy, đáng chú ý nhất là người Trung Quốc nhắc nhở chúng ta: Người Việt Nam đừng lấy trứng chọi đá, phải làm quen với việc cái giàn khoan này rút ra, cái khác sẽ được đưa vào, tùy theo công việc đòi hỏi mà!..  
          Ý kiến khác đánh giá: Việc rời giàn khoan HD 981 đi chỗ khác tạm thời làm xẹp được sự căng thẳng trong dư luận quốc tế; mặt khác bước đi này tiếp sức cho phái Việt Nam chủ hòa và đầu hàng, lôi kéo phái Việt Nam này vào giải pháp song phương, thuận cho phương thức “gác tranh chấp cùng khai thác”.
          …Dù sao, cái giàn khoan phải di chuyển đi nơi khác như thế cho thấy không phải Trung Quốc muốn làm gì cũng được!.. Sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và dư luận thế giới đã buộc Trung Quốc phải tính đến.
          …
          …
          …
          Nhìn lại, mười năm đầu sau 30-04-1975 Trung Quốc đã thành công đáng kể trong việc vô hiệu hóa gần như hoàn toàn ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam trong khu vực, đồng thời giành được vị thế tạm thời lấp chỗ trống của Mỹ. Sau Hội nghị Thành Đô 1990, Trung Quốc thực sự đã đặt được cái thòng lọng ý thức hệ lên cổ đất nước ta. 25 năm qua Trung Quốc đã từng bước và bằng mọi thủ đoạn chính tri, kinh tế, quân sự siết dần cái thòng lọng này, và hôm nay đạt được một Việt Nam lệ thuộc trầm trọng về kinh tế, đối nội bị lũng đoạn, đối ngoại phải “leo dây”, ngoài việc Trung Quốc đã chiếm thêm được một số đất đai và một số diện tích biển đảo.  
          Những gì cái giàn khoan HD 981 đã lộ thiên ra được ở Việt Nam hai tháng qua và sự việc cái đường lưỡi bò 9 vạch được nối thêm một vạch nữa là những cái “tests” giúp Trung Quốc khẳng định được Việt Nam là khâu yếu nhất, cần đột phá cho giai đoạn mới của chiến lược bá chiếm Biển Đông, lúc tiến lúc thoái nhưng sẽ kiên định lấn tiếp.  
          Hiển nhiên, những năm tháng ngày càng hiểm nguy cho đất nước ta đang ở phía trước! 
          Bài toán 1Chủ hòa, thôi kiện ra quốc tế, chấp nhận đàm phán song phương cho vấn đề Biển Đông, gác tranh chấp cùng khai thác, có thể tạm thời tránh được chiến tranh, bảo toàn được tài sản riêng và các đặc quyền của quyền lực; làm thể tuy sẽ phải mặt dầy mày dạn thêm với dân và bạn bè, nhưng quyền lực có thể sống thêm một thời gian nữa, đất nước sẽ bị cô lập thêm nữa cùng đành, chấp nhận cái thòng lọng ở trên cổ đất nước siết thêm một nấc nữa nhưng quyền lực vẫn còn thở tiếp được… Song bia miệng chắc sẽ đời đời phỉ báng, tâm linh đất nước của quá khứ đằng đẵng đau thương chiến tranh chắc sẽ nguyền rủa trời chu đất diệt chủ hòa theo kiểu đầu hàng như vậy... Thật ra chủ hòa như thế là phương án chấp nhận chết dần từng nấc về thể xác, nhưng chết ngay và chết hẳn về nhân cách một quốc gia, một dân tộc. Cho dù có cái chủ hòa này, nhân dân ta chắc chắn sớm hay muộn sẽ không bao giờ chấp nhận bài toán này. Chấp nhận như thế, đầu tiên sẽ phải tính đến ngay sự phản kháng quyết liệt từ dân. Đàn áp thế nào đi nữa cũng không thể giập tắt được sự phản kháng của nhân dân, của dân tộc. Chấp nhận chủ hòa như thế, dù có dùng đến cả nội chiến để đàn áp nhân dân, trước sau và cuối cùngvẫn sẽ là cái chết nhục nhã của quyền lực.   
          Bài toán 2Đấu tranh: Cắt đứt cái thòng lọng đang siết dần - Cùng với cả dân tộc và toàn thế giới tiến bộ bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế. Trước hết bằng cách cùng với nhân dân cả nước nhất quyết cắt cái thòng lọng ý thức hệ và sự nô lệ của quyền lực cũng như sự cám dỗ của mọi lợi ích tội lỗi khác, trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân để tạo ra cái dĩ bất biến ứng vạn biến. Dân tộc sẽ thắng, đất sẽ nước thắng, các nước trong khu vực cùng thắng – cũng có nghĩa là   luật pháp quốc tế sẽ thắng; thậm chí nếu có ý chí quyết liệt thì có thể bằng cái dĩ bất biến phải có này thắng được bành trướng bá quyền Trung Quốc trong đấu tranh hòa bình, nhờ đó tránh được chiến tranh… Nhưng lựa chọn bài toán 2 chế độ toàn trị cùng với mọi quyền lực và đặc quyền của nó sẽ không còn, ĐCSVN cũng có thể không còn như đảng đang là nữa mà phải trở thành thành một đảng khác, hoặc là không còn nữa. 
          Bài toán 3: “?” – Sự thật là quyền lực của chế độ toàn trị và lợi ích quốc gia không thể dung hòa được với nhau để cùng tồn tại, nên hình như không có bài toán này. 
          Để đại hội XII tính toán các bài toán và sự lựa chọn, chỉ xin lưu ý vài điều: 
-      Trung Quốc siêu cường đang lên mạnh, ác, hiểm độc, nhưng không phải là bất khả kháng như suy nghĩ của bóng vía yếu. Cái yếu nhất của Trung Quốc không phải là sự phi nghĩa, vì bành trướng bá quyền Trung Quốc đâu có quan tâm đến đạo nghĩa, nên hầu như nó không có nỗi sợ nào về đạo lý và lẽ phải. Nhưng như đỉa sợ vôi, Trung Quốc rất sợ dân chủ. Một Việt Nam dân chủ đúng nghĩa, sẽ là gương xấu cho khát vọng cháy bỏng về dân chủ cho các vùng miền khác nhau ở Trung Quốc – đây là cái gót chân Achile Trung Quốc đang giấu. Đập chết một Việt Nam dân chủ như vậy ngày nay hầu như không thể, vì sức mạnh nội tại của nó sẽ là bất khả kháng đã đành, và vì thế giới ngày nay không còn lạc hậu như cách đây 2 thế kỷ. Song trong trường hợp này cái gót chân Achile của Trung Quốc sẽ làm cho nó đứng ngồi không yên. Ngoài ra, nhìn toàn diện cả bàn cờ thế giới, bành trướng bá quyền Trung Quốc vẫn đang là kẻ yếu. (Nhiều người đã nói đúng: Trung Quốc mạnh chỉ vì ta quỳ xuống!
-      Đi với ai? Liên minh với ai để đối phó với cái người láng giềng khổng lồ không biết điều này?
     Xin trả lời:
§  Nước ta như hiện nay chẳng ai muốn liên minh cả, có nài xin cũng không được. Nước ta đã có khá nhiều cam kết của các đối tác chiến lược hay toàn diện rồi mà hiện nay vẫn tay trắng, chính là vì lẽ này. Các đối tác này đang kiên nhẫn chờ đợi.
§  Chẳng lẽ Việt Nam đang là một thứ con bệnh?
§  Nếu dân tộc ta, nước ta còn chưa đủ bản lĩnh sống vì chính ta, thì ai dám liên minh với ta? Xin hãy tự hỏi mình: Bản thân chúng ta có dám kết thân với kẻ ba, bốn mặt, hư, ăn bám và èo uột không?

               Một khi ta có bản lĩnh dám sống vì một đất nước của dân tộc và dân chủ, ta sẽ có hậu thuẫn của trào lưu dân tộc và dân chủ trên cả thế giới này, sẽ biết liên minh như thế nào và liên minh với ai, từ đó sẽ tạo ra được liên minh. Trước sau, Việt Nam phải sớm tự thay đổi chế độ chính trị hiện nay của nước mình để có mọi điều kiện xây dựng được cho mình các mối quan hệ liên minh vững chắc dưới các hình thức và trong mọi lĩnh vực (kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa…), ở mọi tầng nấc quốc tế và khu vực, để thay đổi triệt để nền kinh tế của nước ta, và để gắn kết được sự phát triển của nước ta với lợi ích phát triển chung của cộng đồng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam nhất thiết phải làm như thế để tạo ra một liên kết bền vững với cả thế giới mà an ninh và sự nghiệp phát triển của nước ta đòi hỏi. Điều này trước hết có nghĩa Việt Nam phải trở thành một nước có những phẩm chất mới để có thể tạo ra cho mình một liên kết như thế với nhân loại. Dù để chậm mất 40 năm rồi, nhưng bây giờ vẫn là lúc dân tộc Việt Nam ta phải đề ra cho mình lẽ sống này!  
               Trong bối cảnh cục diện quốc tế đa cực rất phức tạp và giành giật nhau rất quyết liệt hiện nay, cái lối nghĩ “Việt Nam không bao giờ liên minh với ai để chống nước thứ ba” đã trở nên quá sơ lược, lỗi thời và tự trói tay mình. Thực ra lối suy nghĩ này hàm chứa (1)sự mơ hồ chết người về cái thế giới chúng ta đang sống, (2)sự nhu nhược không dám tự thay đổi bản thân mình để thích nghi và sống được trong cái thế giới hiện tại này, và (3)sự van xin trá hình lòng thương từ Trung Quốc.  
               Ngày nay Trung Quốc trở thành vấn đề riêng rất nghiêm trọng của Việt Nam, đồng thời cũng là vấn đề chung nghiêm trọng của cả thế giới, Việt Nam phải tự thay đổi chính mình để tự giải quyết vấn đề của mình và cùng chung tay giải quyết vấn đề của cả thế giới. 
-      Có cái dĩ bất biến đất nước đang đòi hỏi, sẽ có thể ứng vạn biến. Nước ta muốn sống có hòa bình, hữu nghị và hợp tác được với Trung Quốc, nhất thiết phải sống như thế. Phải gạt sang một bên mọi di sản tiêu cực của quá khứ và suy nghĩ cảm tính, để có trí tuệ và ý chí cần thiết xây dựng nước ta trở thành một đối tác chiến lược của Trung Quốc với đúng nghĩa Trung Quốc phải nhìn nhận nước ta là đối tác chiến lược, chứ không phải là một chư hầu. Vấn đề đặt ra cho nước ta là: Ngoài “quyền lực mềm” luôn luôn có sẵn trong “thực đơn” Trung Quốc đưa ra, không có sự nhượng bộ hay quà biếu nào trong mối quan hệ này, mà chỉ có sản phẩm của trí tuệ và ý chí độc lập tự do nước ta cần tạo ra để xây dựng những mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi và thuận với lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế. Nước ta rất cần một Trung Quốc của những mối quan hệ như thế. Song cũng có thể nói nước ta có những điều kiện làm cho Trung Quốc cần một Việt Nam không phải là thù địch của Trung Quốc, là cầu nối cho mọi liên hệ, là trung tâm của hòa giải trong khu vực – và một ngày nào đó Việt Nam trở thành một trung tâm phát triển mới trong khu vực cùng có lợi cho mọi bên hữu quan. Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc một cách chủ động là phải dấn thân tự thay đổi chính mình như thế để có trí tuệ, bản lĩnh, nghị lực, thực lực và thế đứng tự mở ra được con đường làm cho mình trở thành một đối tác như thế mà Trung Quốc cũng phải cần đến.  
     Sự thật một trăm lần rõ phải bắt đầu từ dứt khoát cắt đi cái thòng lọng ý thức hệ đang siết trên cổ đất nước.


              Thiết tha mong từng đảng viên suy nghĩ. Hiểm họa đen thực sự đang đến. Phải quyết liệt đối mặt với nó, bằng dấn thân tự thay đổi chính mình trước tiên. Nhìn được ra vấn đề, dựa hẳn vào dân tộc, sẽ định liệu được nhiệm vụ và những bước đi thích hợp. 
              Để có một điểm tựa nào đó cho so sánh, có thể nói: Một phần tư thế kỷ vừa qua từ Hội nghị Thành Đô mọi sai lầm chết người ở nước ta đều xuất phát từ lỗi của hệ thống; cũng một phần tư thế kỷ vừa qua, mọi thành công ngoạn mục của nước Đức thống nhất đều bắt nguồn từ hệ thống đúng đắn./.

Nguyễn Trung
Hà Nội  tháng 7-2014


 

[1] Bài 1: Còn cay đắng hơn cả câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy  http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_CayDangHonMyChauTrongThuy.htm

[2] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Việt nam trong thế giới thập kỷ thứ hai thế kỷ 21http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/kinhte/khunghoangkinhteVN2008.htm

[3]Tham khảo thêm: Peter W. NavarroGreg Autry “Death by China: Confronting the Dragon - A Global Call to Action”. 

[4] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Từ 4 tốt đến 4-không-được
Bốn không được: (1) không được đánh giá thấp quyết tâm và sức mạnh của Trung Quốc, (2) không được dù tư liệu lịch sử làm dư luận thế giới hiểu sai, (3) không được quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, (4) không được phá bỏ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc đã xây dựng lại được 20 năm.

[5]  Tham khảo: Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG, “CHÍNH SỬ TRUNG QUỐC PHỦ ĐỊNH BIỂN LỊCH SỬ TRUNG QUỐC”.

[6] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, bộ 3 các loạt bài “Viễn tưởng”, bài 3 “Đảng Cộng Sản Việt Nam phải giành lại vai trò lãnh đạo bị đánh mất - hay là Hoang tưởng?”

[7] Nguyễn Trung, “Còn cay đắng hơn cả câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy”                 

[8] Nguyễn Trung, tiểu thuyết “”, bản thảo 2, tập II, http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/Lu_I_15.pdf

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 20-7-14