Chương 1
Những xác tàu và những điều sai
Từ tiền sử đến 1500
WRECKS AND WRONGS
Prehistory to 1500
Bill Hayton
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Contents
Maps
Introduction
Introduction
- Wreck and Wrongs: Prehistory to 1500
- Maps and Lines: 1500 to 1948
- Danger and Mischief: 1946 to 1995
- Rocks and Other Hard Places: the South China Sea and International Law
- Something and Nothing: Oil and Gas in the South China Sea
- Drums and Symbols: Nationalism
- Ants and Elephants: Diplomacy
- Shaping the Battlefield: Military Matters
- Cooperation and its Opposites: Resolving the Disputes
Epiloque
Notes
Notes
Acknowledgements and Further Reading
Index
----------------------------
Bill Hayton là phóng viên lâu năm với BBC, ông từng ở VN, Miến Điện ...và mấy năm trước có viết một quyển sách về Việt Nam (Vietnam: rising dragon). Quyên sách này (The South China Sea: the struggle for power in Asia) là một công trình nghiên cứu chuyên về các tranh chấp biển Đông (xem thêm Hỏi & Đáp: Bill Hayton về các kình địch ngày càng tăng ở biển Đông). Do điều kiện có hạn, xin dịch trước những chương có liên quan nhiều đến VN, khi nào có thời gian sẽ dịch tiếp các chương còn lại
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
VICTOR PAZ nín
thở. Trước mặt ông là ba phiến đá đều có chiều dài khoảng một người. Điều này
sẽ cần một cố gắng nào đó. Ông để ra một phút để kiểm soát sự phấn khích của
mình: hi vọng và thận trọng đấu tranh giành uy thế. Khi ông dừng lại, chim
chiền chiện - hinay hinay trong tiếng
Tagalog (một ngôn ngữ chính của Philippines) - trên các cây bili, tiếng hót của chúng vang vọng xung
quanh miệng hang, báo hiệu cho một phát hiện khảo cổ. Bên trên hang, tháp đá
vôi khổng lồ Illé nổi bật lên ruộng lúa, chế ngự nền thung lũng xanh. Vào lúc
này những người khác đã đặt các công cụ của họ xuống đứng xem, lập thành nhóm
khán giả xung quanh. Phiến đá giữa có vẻ dễ nâng lên nhất. Victor cúi xuống và
nắm lấy nó với cả hai tay. Thận trọng, ông nạy nó ra.
Bên dưới phiến đá
là một lồng ngực: bị vỡ vụn nhưng vẫn nhận ra được là của con người. Victor
cười toe toét. Đây là điều tốt, một phần thưởng tương xứng sau một mùa đào xới.
Đám khán giả nhỏ vây quanh rìa miệng hố, cách một mét bên trên chỗ Victor đang
quỳ. Khi phiến đá đã được đặt sang một bên họ có thể thấy rằng bộ xương đã
thành các nắm vỏ vụn, vẫn ép với nhau, mặc dù cái túi đã từng giam hãm chúng đã
mục rả từ lâu. Hai vỏ gàu tát nước lớn được đặt về một phía, nhưng điều mà sau
này sẽ cho thấy là phát hiện quan trọng nhất nằm ở phần trên của ngực: một
chiếc vòng cổ gồm các đĩa xen kẽ với hạt conus - đồ trang sức làm từ vỏ sò hình
nón nhỏ.
Victor dời hai
phiến đá còn lại, để lộ toàn bộ bộ xương. Bây giờ ông có thể thấy việc chôn cất
thực hiện công phu như thế nào. Bao quanh bộ xương có rất nhiều đá sắp xếp theo
một hình dạng cố ý. Phía trên đầu, những viên đá làm thành một mũi nhọn với
sỏi đánh bóng ở đỉnh. Là người đứng đầu Chương trình nghiên cứu khảo cổ học tại
Đại học Philippines, Victor buộc phải là một người hoài nghi chuyên nghiệp.
Nhưng ông biết phát hiện này có thể có tầm quan trọng rất lớn về tình cảm
cũng như về khoa học. Người tiền nhiệm của ông trong vai trò này- cũng là thầy
ông - Wilhelm Solheim và trong nhiều thập kỉ Solheim đã lùng sục phía đầu này
của đảo Palawan, xâu chuỗi các bằng chứng cho một lí thuyết giải thích về cách
các dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa lan ra khắp Đông Nam Á diễn ra như thế nào và
tại sao. Nhưng sau cả một đời nghiên cứu quanh Biển Đông, Solheim không còn
thời gian nữa. Ở tuổi 81 khoa của ông đã từ từ rời ông đi. Những phát hiện ở
hang Illé vào tháng 4 năm 2005 sẽ là phần thưởng cho ông.
Victor đứng lên
và nhìn lại những viên đá xung quanh cơ thể. Chúng có dạng của một chiếc
thuyền, hướng vào phía bóng của hang và thế giới bên kia nơi xa. Hòn đá đánh
bóng đánh dấu mũi thuyền và các vỏ dùng tát nước, như tên của chúng ngụ ý, là
những vật dụng quan trọng cho bất cứ ai dùng một chiếc xuồng bị rỉ nước đi trên
đại dương. Nhưng ngay cả Victor cũng chưa sẵn sàng cho sự phát hiện tiếp
theo. Các hạt hình nón đã được đưa tới phòng thí nghiệm ở Manila để xét nghiệm.
Do động vật tạo ra vỏ từ các chất dinh dưỡng và khoáng chất mà chúng ăn vào,
chúng mang các mã đánh dấu phân tử (molecular marker) về thời gian và địa điểm nơi chúng sống và
chết. Và những vỏ hình nón này, vốn đã được thu lượm, gia công, biến thành đồ
trang sức và được đặt trong mộ này, đã sống và đã chết ít nhất 4 200 năm
trước đây. Và rằng, đối với Victor Paz và Wilhelm Solheiin, đó là bằng chứng mà
họ đã tìm kiếm trong nhiều năm. Nó đã cho họ một cơ hội để chốt lại một cuộc
tranh luận đã chia rẻ các nhà khảo cổ: cư dân hiện đại của Đông Nam Á hình
thành như thế nào và tại sao? Khám phá của họ có vẻ là bằng chứng rằng những
người chôn người chết ở hang Illé đã là những người đi biển hơn bốn thiên kỉ
trước. Điều đó sẽ đánh gục phần chủ yếu của cách giải thích chi phối rằng nền
văn hóa Đông Nam Á chỉ đơn giản là khuếch tán từ miền Nam Trung Quốc. ‘Chúng
tôi cần phải biết nhiều hơn nữa,’ Paz thừa nhận, ‘nhưng điều đó ngày càng trở
thành một lập luận khó có thể bỏ qua.’
Paz, Solheim và
các đồng nghiệp của họ đã đi đến một thung lũng xa xôi ở mũi phía Bắc ôn hoà
của đảo Palawan để cố giành phần thắng một cuộc tranh luận. Động cơ của họ vừa
có tính cá nhân vừa có tính khoa học. Họ đã cố ý tìm kiếm bằng chứng có thể hậu
thuẫn cho một lí thuyết mà họ đã hình thành nhưng các phương pháp của họ là
trung thực, nhóm của họ là thông thoáng và lập luận của họ là logic. Điều bất
hạnh là việc theo đuổi độc lập kiến thức chỉ là một trong nhiều động cơ của
việc thăm dò khảo cổ ở Biển Đông. Những kẻ khác ít quan tâm đến những câu hỏi
lớn vì họ đã chọn câu trả lời cho họ rồi: mục đích của họ là tìm kho báu hoặc
biện minh cho các yêu sách lãnh thổ. Và những kẻ có ý định ít cao cả hơn lại có
quyền sử dụng các nguồn tài nguyên lớn hơn rất nhiều.
Nhiều động cơ
pha trộn nhau trong các nhà khảo cổ và sử học - và các ông chủ của họ - ở Đông
Nam Á là không có gì mới. Trong nhiều thế kỉ, việc viết lịch sử của khu vực này
đã tiết lộ nhiều về các ám ảnh đương đại bao nhiêu thì cũng nhiều về quá khứ
bấy nhiêu. Có phải Đông Nam Á không khác gì hơn là một sàn diễn mà trên đó
những kẻ bên ngoài đã chơi trò chơi đế chế? Người dân sống quanh Biển Đông có
nguồn gốc từ Trung Quốc hay từ các nơi khác? Các nền văn minh lớn Champa,
Angkor và Srivijaya phát triển tại chỗ hay được cấy ghép? Văn hóa và văn minh
từ một hoặc từ nhiều nguồn đổ tới? Ai kiểm soát lãnh thổ và điều đó thực sự có
nghĩa là gì? Các nhà sử học thực dân, dân tộc chủ nghĩa và quốc tế chủ nghĩa đã
trả lời tất cả những câu hỏi này khác biệt nhau. Bằng chứng mới đây từ ngôn ngữ
học, đồ gốm, di truyền học, thực vật học và trầm tích học đang chiếu rọi ánh
sáng mới. Càng phát lộ, câu chuyện càng trở nên phức tạp hơn.
**********
Bằng chứng sớm
nhất về con người ở Đông Nam Á có niên đại khoảng 1,5 triệu năm trước. Những di
cốt của 'Người Java’, được gọi chính thức hơn là homo erectus [người đứng thẳng], đã được tìm thấy cả ở Java lẫn ở
Trung Quốc. Nhưng ông ta, vợ và các con, dường như đã chết đi khoảng 50 000
năm trước, có thể bị xua vào quên lãng bởi người họ hàng thông minh hơn, homo sapiens [người khôn]. Con người
hiện đại có thể đã tới Australia khoảng 50 000 năm trước, gợi cho thấy
trên đường đi họ đã định cư ở Đông Nam Á. Các xương sọ tìm thấy ở Borneo và
Philippines chỉ ra rằng con người hiện đại đã đến những nơi đó tương ứng
40 000 và 22 000 năm trước đây. Vấn đề là có rất ít bằng chứng khác,
chủ yếu là bởi vì thế giới lúc đó trông rất khác biệt. Mực nước biển
17 000 năm trước thấp hơn so với hiện nay khoảng 120 mét. Những đảo hiện
đại Java, Sumatra và Borneo dính vào đại lục và dính với New Guinea. Nếu như,
dường như vậy, homo sapiens sống dọc
theo bờ biển, thì các làng ông ta xây dựng nên và các công cụ ông sản xuất bây
giờ nằm ngoài tầm với của khảo cổ học, 120 mét dưới mặt nước. Có những lổ hổng
rất lớn trong sự hiểu biết của chúng ta và có rất ít bằng chứng để lấp
những lỗ hổng đó lại.
Nhưng khi chúng
ta đến gần hơn - cách đây một vài nghìn năm - bằng chứng lại nhân lên và cách
lập luận cũng thế. Các khu định cư sinh sống rải rác phát triển thành đô thị
như thế nào? Bằng cách nào mà những người chỉ biết công cụ bằng đá có thể
làm chủ đồng và sắt nấu chảy? Và những đổi mới lan rộng ra như thế nào? Những
lời giải thích đầu tiên xuất phát từ một cái nhìn sâu sắc đáng chú ý của một
học giả người Đức, Otto Dempwolff. Vào khoảng đầu của thế kỉ XX, ông bắt đầu
chứng minh sự tương đồng giữa các ngôn ngữ khác nhau của Đông Nam Á. Vào lúc mà
nhà ngôn ngữ học người Mĩ Robert Blust phát triển công việc này vào cuối thế kỉ
XX, nhiều liên kết đã được phát hiện giữa hơn 1000 ngôn ngữ được nói ở những
nơi xa cách nhau như Đài Loan, Hawaii, đảo Phục Sinh, New Zealand, Malaysia và
Madagascar. Ý nghĩa thật lạ thuờng. Chúng chứng tỏ rằng những người cách xa
nhau hàng ngàn dặm đại dương bao phủ một nửa chu vi trái đất lại chia sẻ cùng
nguồn gốc văn hóa. Blust cho rằng các gốc rễ đó đều có thể truy trở về một ngôn
ngữ duy nhất được nói ở Đài Loan khoảng 5 500 năm trước đây, một ngôn ngữ
mà ông gọi là ‘proto-Austronesian’. Và bằng cách chứng tỏ ngôn ngữ này đã chia
nhỏ và nhân lên như thế nào, ông nghĩ ra lí thuyết liên kết sự khuếch tán của
các ngôn ngữ Austronesia khắp trên các đảo của Đông Nam Á với sự di cư của các
dân tộc, việc định cư của các khu vực mới và sự lan toả của nông nghiệp và công
nghệ khác. Nó được biết đến như là mô hình ‘Từ Đài Loan đi‘ (Out of Taiwan).
Nhưng những
người nói tiếng proto-Austronesian ở đâu ra? Nhà khảo cổ học sống ở Australia
Peter Bellwood tin rằng họ là con cháu của những nông dân đầu tiên đã nắm vững
nghệ thuật trồng lúa ở thung lũng sông Dương Tử khoảng 8 500 năm trước
đây. Trong giai đoạn này ‘Trung Quốc’ là quê hương của nhiều nhóm ngôn ngữ khác
nhau ngoài tiếng proto – Austronesian, còn có tiếng Trung-Tạng (mà từ đó tiến
triển thành tiếng Trung, Tạng và Miến), tiếng Nam Á (mà từ đó phát triển ra
tiếng Việt và Khmer) và tiếng Thái. Ngoài trồng lúa, những người này cũng nuôi
heo và gia cầm, làm gốm và dùng các công cụ đá. Trong thiên niên kỉ sau, áp lực
tại quê nhà và cơ hội ra nước ngoài khiến các nhóm này di chuyển khắp Đông và
Đông Nam Á. Theo cách hiểu của Bellwood, những người nói tiếng
proto-Austronesian dần dần lan về phía Đông và phía Nam, cuối cùng đi tới bờ
biển Trung Quốc khoảng 5 500 năm trước đây.
Cho đến lúc đó,
những cuộc di dân đều diễn ra trên đất liền. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo
của cuộc phiêu lưu Austronesian là hoàn toàn khác. Mực nước biển 5 000 năm
trước đây khá giống như bây giờ, khiến cho eo biển Đài Loan rộng khoảng 130 km
ở điểm hẹp nhất. Tuy nhiên, trở ngại này dường như đã được vượt qua, bởi vì các
nhà khảo cổ đã thu được bằng chứng về việc trồng lúa có niên đại vào khoảng
thời gian này ở Đài Loan. Khoảng hơn một ngàn năm sau đó, người nói tiếng
Austronesian đã đến hoặc sinh sôi nẩy nở trên đảo đã che khuất đi gần hoàn
toàn bất kì dấu tích sót lại nào của những lần di dân trước và ngôn ngữ của họ
đã bắt đầu phân chia thành các phương ngữ. Trong mô hình Bellwoods, bước tiếp
theo là ‘từ Đài Loan đi.’
Bước đầu tiên
là cuộc hành trình về phía Nam qua eo biển Luzon. Bằng cách nhảy đến quần đảo
Batanes, dải đất đơn lẻ dài nhất vào khoảng 80 km. Các bước nhảy tiếp sẽ đưa
những người du hành đi đến Luzon, đảo chính của Philippines, nơi mà, một lần
nữa, họ sẽ gặp phải những người di cư từ những đợt sớm hơn nhiều. Những người
mới đến, với công nghệ và văn hóa tiên tiến hơn, lập ra các khu định cư , thịnh
vượng, phát triển về số lượng và di chuyển lần nữa. Bellwood cho rằng từ khoảng
4 000 năm trước đây (2000 BCE) những người từ Đài Loan ra đi phân tán khắp
phần còn lại của Philippines và sau đó phía Tây của Indonesia hiện nay. Những
người khác đi về phía Đông. Vào khoảng năm 1500 BCE (trước kỉ nguyên hiện nay),
một số đã đến quần đảo Mariana, cách Luzon 2 500 km và sau đó tiếp tục đến
Fiji. Vào khoảng năm 800 BCE, Tonga đã có người định cư, khoảng năm 300 CE tới
phiên Hawaii, và khoảng năm 1200 là New Zealand.
Đó là một câu
chuyện kịch tính và có đầy rẫy bằng chứng hậu thuẫn nó: bản thân các ngôn ngữ,
các phát hiện khảo cổ và nghiên cứu di truyền. Nhưng cũng có một số vấn đề với
nó. Một số phát hiện ở quần đảo Batanes mới hơn những phát hiện ở Luzon, gợi ra
rằng người ta đã di chuyển từ phía Nam đến đó, chứ không phải từ phía Bắc. Kĩ
thuật chôn cất tìm thấy ở Nam Việt Nam xưa hơn kĩ thuật tương tự tìm thấy ở Đài
Loan và Luzon. Bằng chứng cho việc trồng lúa xa xưa ở Đài Loan là rất hiếm, cho
thấy nó không phổ biến rộng rãi ở đó trước khoảng 4 000 năm trước đây;
phân tích di truyền của cây lúa cho thấy rằng nhiều chủng lúa khác nhau - từ Ấn
Độ và Java - có thể đã đi qua khu vực này từ Nam đến Bắc trước khi nhiều chủng
lúa ‘Trung Quốc’ đi theo hướng ngược lại. Di truyền cũng cho thấy lợn Thái Bình
Dương và chuột Thái Bình Dương từ Đông Dương, chứ không phải từ Đài Loan đến.
Các điều phản bác đã chất cao thêm.
Kết quả là có
một cách giải thích khác đối với sự lan toả của ngôn ngữ và văn hóa quanh Biển
Đông đã xuất hiện. Thay vì nhấn mạnh một dòng người ‘từ Đài Loan ra đi’, nó đề
xuất một mạng lưới liên lạc liên tục chuyển tải thông tin và công nghệ theo
nhiều hướng. Nó cũng làm cho vùng ven biển Trung Quốc vừa là một nơi nhận vừa
là một nơi chuyển nền văn hóa này đi, nhưng không phải là nguồn duy nhất của
nó. Và đó là lí do vì sao Bill Solheim tự thấy mình nên mừng việc phát hiện ra
ngôi mộ ở Bắc Palawan.
Solheim đã bắt
đầu việc tìm kiếm nguồn gốc nền văn minh Đông Nam Á hơn nửa thế kỉ trước, theo
học tại Berkeley và Arizona rồi đào xới ở Philippines trong thập niên 1950.
Chính công việc với đồ gốm thúc đẩy ông phát triển một mô hình rất khác với mô
hình của Peter Bellwood. Ông cho rằng sự tương đồng giữa các lọ 2500 tuổi mà
ông tìm thấy ở Kalanay trên đảo Masbate của Philippines và những lọ khác thu
được trong thập niên 1920 ở Sa Huỳnh trên bờ biển Nam Việt Nam không phải là
trùng hợp ngẫu nhiên. Nhiều lọ trong số đó đã được vẽ với những kiểu mẫu hình
học rất chính xác - hình tam giác, đường ziczac, đường song song và hình nhát
rìu cắt hoặc ép vào đất sét. Một số lọ có hình dạng phức tạp và nhiều lọ đã
được tô với một mảng màu đỏ đặc biệt. Từ sự khởi đầu này, quan điểm của Solheim
mở rộng ra cho cả đồ gốm từ các địa điểm khác lan ra khắp Đông Nam Á, rồi cho các
loại đồ vật khác – đặc biệt là các công cụ và đồ trang sức - và sau đó cho các
giai đoạn, cả trước lẫn sau đó. Nhiều đồng nghiệp của ông không đồng ý, lập
luận rằng định nghĩa về ‘tương tự’ bấy giờ trở thành quá mơ hồ khó có thể
có ích gì. Tuy nhiên, Solheiln vẫn dấn tới. Nhiệm vụ tiếp theo của ông là cố
gắng giải thích những điểm tương đồng đó đã xảy ra như thế nào.
Một cái nhìn
chiều sâu cốt lõi là mặc dù những vật tương tự có thể tìm thấy được ở nhiều
nơi, chúng lại xuất hiện ở những chỗ đó vào các thời điểm khác nhau. Vì vậy,
trong khi ‘rìu’ (một dụng cụ đẽo xưa) đã được phát triển ở Đông Nam Trung Quốc
khoảng 5 000 năm trước rồi truyền sang Đài Loan và Việt Nam trong thiên kỉ
sau, những lọ chôn vùi tìm được ở Việt Nam và Palawan có niên đại cách đây hơn
4000 năm nhưng ở Luzon và Đài Loan chỉ cách 1000 năm. Tương tự, mặt ngọc bích
treo lủng lẳng dưới bông tai gọi là ‘o khoen’ (‘lingling o’ -có dạng giống như
một vòng tròn ở gần đầu bị uốn thành những điểm nhọn hướng xuống và hướng sang
hai bên) có niên đại cách đây tới 4 000 năm tại Việt Nam nhưng lại có niên
đại gần đây hơn ở Đài Loan và Philippines. Đối với Solheim, điều này có nghĩa
rằng các đồ vật, kiến thức và văn hóa đã phát triển ở những nơi khác nhau và
sau đó lan truyền tới lui trên một khoảng cách rất lớn xung quanh lục địa Đông
Nam Á và các đảo, tiến triển trong quá trình di chuyển.
Vì vậy, ông bắt
đầu phát triển ý tưởng về một mạng lưới trên biển: các cộng đồng bán du mục di
chuyển bằng đường biển và sông, sống bằng săn bắn, thu lượm và buôn bán. Đối
với Solheim vấn đề là những người này, nếu họ tồn tại, đã để lại quá ít dấu
vết: không định cư lâu dài, không có di tích kiến trúc và không có ghi chép
bằng văn bản. Nó đòi hỏi một bước nhảy vọt của trí tưởng tượng để tin vào sự
tồn tại của họ. Nhưng sau đó ông nhận ra rằng các bằng chứng thật ra vẫn còn ở
đâu đó. Cuối thập niên 1950, nhà nhân chủng học Mĩ Alexander Spoehr gặp những
phụ nữ người Samal trên đảo Mindanao của Philippines chưa bao giờ sống trên đất
liền và tin tuởng rằng nếu làm như vậy họ sẽ bị ma quỷ hãm hại. Thậm chí ngày
nay, nhiều ‘digan biển’ người Badjao của Philippines, người Bajau của Malaysia,
người Orang Laut của Indonesia, người Tanka của miền Nam Trung Hoa và người Dan
của Việt Nam vẫn tiếp tục sống trên và quanh biển, sinh sống bằng việc đánh cá,
buôn bán. Quả vậy, khắp cả khu vực, từ Trung Quốc tới Việt Nam và Thái Lan, vẫn
còn có nhiều cộng đồng những người trên sông nước tiếp tục một hình thức sinh
sống mà, trên thực chất, bắt đầu từ nhiều ngàn năm trước. Solheim đã đặt ra một
từ để chỉ những người này lấy từ hai từ tiếng Austronesian chỉ ‘đảo phía Nam’
và ‘người’. Ông gọi họ là người Nusantao.
Để thật sự hiểu
họ, chúng ta phải lật ngược những ý niệm của chúng ta về đất liền như là một
nơi an toàn và biển như là một nơi nguy hiểm. Đất liền có thể thù địch, nơi ở
của những sinh vật nguy hiểm, kẻ trộm và người thu thuế. Biển thì đầy thức ăn
và, gần như chỗ nào cũng đi lại dễ dàng.Nguồn cung cấp rau trái có thể từ các
bờ sông, hoặc qua đổi chác / mua bán và, như nhà nhân chủng học New Zealand
Atholl Anderson đã giải thích, ngay cả vấn đề nước ngọt cũng có thể vượt qua
được. Có thể mang theo một lượng nước lớn trong các ống tre. Tre thì bền chắc,
dễ dàng gói gọn và, khi dùng hết nước có thể sử dụng để sửa chữa ghe thuyền.
Nếu tính thêm số nước mưa và nước từ cá biển thì các chuyến đi dài đến ba hoặc
bốn tuần sẽ không còn là vấn đề.
Vẻ đẹp của mô
hình Solheims, mà ông gọi là mạng lưới liên lạc và giao thương đường biển
Nusantao, là nó không đòi hỏi bất kì một đứt quãng lớn nào với quá khứ, hoặc
bất kì hoạt động di cư đơn lẻ lớn nào. Nó không dựa vào, hoặc loại trừ bất kì
một nhóm dân tộc đặc biệt nào. Công nghệ và văn hóa phát triển dần dần. Một số
người Nusantao nói các ngôn ngữ Austronesian, những người khác thì không; một
số thì bán định cư, một số hoàn toàn du cư; một số sống trên biển, một số ở các
cửa sông, những người khác sống xa trên đất liền. Họ tác động qua lại với những
người định cư và dân cư nên ắt phải có lai tạp. Họ không bao giờ có ý thức hành
động như một nhóm và công nghệ của họ rất đơn giản, nhưng bằng các hành vi nhỏ
đi lại và mua bán/đổi chác người Nusantao tạo ra một mạng lưới rộng lớn lực
lượng buồm chèo có thể vận chuyển hải sâm từ miền Bắc Australia tới các bàn ăn
ở miền Nam Trung Quốc và chuối từ các khu rừng của New Guinea đến các khu vườn
của Madagascar. Và trên mỗi chuyến đi hàng hóa, kiến thức và văn hóa chuyển qua
chuyển lại.
Đó là một mô
hình lộn xộn theo cách tuyệt vời và có tính
người vui vẻ (joyously human). Nó
có nghĩa là những người thực sự phát hiện ra các đảo trong Biển Đông không có
căn cước sắc tộc mà ngày nay chúng ta thừa nhận và chắc chắn không đính vào bất
cứ điều gì giống như một nhà nước. Khi các đơn vị chính trị phát triển trên đất
liền thì người Nusantao cố gắng sống bên ngoài sự kiểm soát của họ. Sự khác
biệt giữa mua bán / đổi chác và buôn lậu, cướp biển và nổi loạn là mờ nhạt.
Điều mỉa mai là khi các quốc gia hiện đại ngày nay đưa ra các yêu sách chủ
quyền lãnh thổ trên biển, họ thường căn cứ vào các hoạt động của những người mà
trong những giai đoạn trước đây, những quốc gia này đã cố hạn chế hoặc thậm chí
tiêu diệt họ.
Người Nusantao
không phải là một sắc dân, vì vậy sẽ hầu như vô nghĩa khi hỏi họ ở đâu ra. Tuy
nhiên, Solheiln lập luận rằng một trung tâm quan trọng của mạng Nusantao là khu
vực bờ biển giữa miền Trung Việt Nam và Hong Kong. Từ đây chạy thẳng đến
Madagascar về phía Tây và đảo Easter (Phục Sinh) về phía Đông, Australia về
phía Nam và Nhật Bản về phía Bắc. Chúng ta biết rằng các hạt chuổi thủy tinh Ấn
Độ đã được đưa đến Trung Quốc bởi những người được mô tả, trong các văn bản của
Trung Quốc, là 'Malay' vào khoảng năm 400 BCE (TCN) và các trống đồng đặc sắc ‘Đông
Sơn’, làm ở miền Bắc Việt Nam khoảng 2000 năm trước, đã được tìm thấy trong các
ngôi mộ khắp cả khu vực Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Đây là một thời kì
phát triển nhanh chóng, khi các xã hội phức tạp và các đế quốc bắt đầu xuất
hiện ở nhiều nơi trên thế giới - và liên kết tất cả chúng lại với nhau là một
mạng lưới trên biển.
Vì nếu có các
cộng đồng trên biển giao thương lên xuống dọc theo các bờ biển và liên lạc qua
khoảng cách xa xôi thì sẽ là lố bịch khi nghĩ rằng những liên kết này sẽ dừng
lại ở ranh giới giữa những nơi mà bây giờ chúng ta gọi là ‘Đông Á’, ‘Đông Nam Á’,
‘Ấn Độ’, ‘Arab’ hoặc ‘Châu Âu’. Nhưng thương nhân ven biển sẽ phải liên lạc với
đồng nghiệp của họ ở phía Bắc, phía Nam, phía Đông và phía Tây. Cả thông tin
lẫn hàng hóa sẽ chảy qua các mạng này, người dân ở nơi này sẽ biết được ý tưởng
và hàng hoá ở nơi khác; kí ức dân gian về khách phương xa tới sẽ lâu bền và các
thứ gia bảo kì lạ sẽ được truyền xuống các thế hệ sau. Dĩ nhiên, các tuyến
đường biển không phải là cách duy nhất để đi lại. Những người khác đã đi bằng
đường bộ nhưng đường biển có thể nhanh hơn và an toàn hơn.
Năm 1939, một
bức tượng bằng ngà voi Ấn Độ đã được tìm thấy dưới lớp tro ở Pompeii và các nhà
khảo cổ đã bắt đầu chấp nhận rằng giao thương đường dài giữa Rome và Nam Á đã
phát triển tốt vào thời gian núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79. Nó không
đơn thuần là bức tượng từ phía Đông đến. Một tài liệu La Mã, 'Periplus of the
Erypthrean Sea’ (Sổ ghi hải trình trên biển Đỏ) có niên đại khoảng năm 63, đề
cập đến một nơi gọi là 'Thina' nổi tiếng là một nguồn lụa. Có vẻ rằng 2000 năm
trước, một số người Châu Âu đã biết được
một tuyến đường biển tới Trung Quốc. Có cuộc tranh luận về việc liệu nhà sử học
La Mã Pliny có thực sự mô tả đinh hương trong thế kỉ I hay không, nhưng đinh
hương được liệt kê như hàng nhập khẩu vào Ai Cập khoảng năm 180. Chỉ có một nơi
trên thế giới có trồng đinh hương lúc đó: quần đảo Moluccan Bắc, thuộc
Indonesia hiện nay. Và khoảng năm 284, đế chế La Mã Đông đã cử phái bộ đầu tiên
sang Trung Quốc, ghé qua bờ biển Lâm Ấp, chỗ bây giờ là Việt Nam.
**********
Rải rác khắp
Đông Nam Á, từ Champa ở Việt Nam và Angkor ở Campuchia đến Borobudur và
Prambanan ở Indonesia, hàng chục tháp và đền to lớn hiện ra hoàn toàn xa lạ với
cảnh vật xung quanh. Phong cách Ấn Độ, chín chắn với các thiếu nữ đầy sức quyến
rũ với các bàn thờ thờ các vị thần được tô điểm của các tháp này, bây giờ có vẻ
như là những vật trôi nổi, do đợt triều Hindu rút xuống để lại. Bao phủ trong
rừng nhiều thế kỉ, chúng đã được người Châu
Âu phát hiện khi mà chủ nghĩa thực dân trưởng thành đến mức có thể chi
trả cho các nhà khảo cổ để đi lùng sục khắp các hang hốc của đế quốc.
Và các nhà khảo
cổ học này đã vội vàng kết luận về việc ai đã xây dựng các kiến trúc to tát đó,
và tại sao. Háo hức để biện minh cho sự có mặt của chính các xã hội của họ
trong những vùng đất xa lạ này, họ tưởng tượng rằng những ngôi đền đó là công
trình của thế hệ xa xưa những người bên ngoài. Giống như người Châu Âu đã mang văn minh và tiến bộ tới dân bản
xứ, những nhà xây dựng các đền đài này nhiều thế kỉ trước cũng làm như vậy.
Những nhà xây dựng này ắt phải từ Ấn Độ đến, áp đặt ngôn ngữ và lối sống của họ
lên các cư dân tăm tối và nâng họ lên một vài nấc trên bậc thang của nền văn
minh trong quá trình này. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa thực dân Châu Âu chỉ là sự tiếp nối của một khuôn mẫu hành
vi đã xác lập lâu đời ở Đông Nam Á.
Những ý tưởng
này tồn tại một thời gian dài. Cho đến năm 1964, nhà sử học người Pháp George
Coedès còn có thể viết rằng ‘người dân ở vùng Viễn Ấn có nền văn minh hậu kì đá
mới khi nền văn hóa Phật - Brahmano của Ấn Độ lần đầu tiên tiếp xúc với họ’.
Nói cách khác, khu vực này nằm dí ở thời kì đồ đá cho đến khoảng năm 400 khi bị
người Hindu và người theo đạo Phật từ phía Tây tới thuộc địa hoá. Các dân tộc
Đông Nam Á đã bị loại ra khỏi câu chuyện; lịch sử chỉ là một cái gì đó xảy ra
cho họ, chứ không phải là một cái gì đó mà họ định hình. Phải mất một nửa thế
kỉ đào bới, dịch thuật và suy nghĩ mới lật đổ được quan điểm đó.
Kết quả là
chúng ta có thể thấy một liên kết trực tiếp giữa nhũng người xây dựng các đền
to lớn đó và những người du mục Nusantao vốn đã đi dọc ngang vùng biển tới phía
Đông và phía Tây trong nhiều thế kỉ. Thật vậy, bây giờ có vẻ như Đông Nam Á đã
giao thương với Ấn Độ nhiều thế kỉ trước khi văn hóa Ấn Độ bắt rễ ở Đông Nam Á.
Sản phẩm và kiến thức di chuyển tới lui qua mạng lưới giao thương. Người nói
tiếng Austronesia đã trao các tên của họ chỉ tàu thuyền vào ngôn ngữ miền Nam
Ấn Độ vào thế kỉ I. Kĩ thuật sản xuất hạt thủy tinh của Ấn Độ đã được truyền
khắp Đông Nam Á thậm chí sớm hơn.
Từ thế kỉ I đến
thế kỉ V bờ Biển Đông Nam Á trở nên phồn thịnh qua tiến trình giao thương với
các nền văn minh Ấn Độ khác nhau: gỗ đàn hương, cardamoms (đậu khấu), long não,
đinh hương, đồ trang sức và kim loại quý. Nhiều tài liệu Ấn Độ đề cập đến ‘Đảo
Vàng'- Swarnabhumi và 'đất vàng' Swarnabhumi. Cùng với giao thương, các yếu tố
của các nền văn hóa khác nhau cũng di chuyển theo: từ thiết kế đồ gốm tới tôn
giáo rồi triết học và chính trị. Có vẻ thay vì bị người Nam Á thuộc địa hoá,
những nhà cai trị Đông Nam Á đã chọn cách dung nạp những ý tưởng Nam Á về vua
chúa, thày cúng và quyền uy để củng cố vị trí của họ đối với người dân của mình
và giữ vững lãnh thổ trước các đối thủ.
Theo những điều
ít ỏi chúng ta biết, thế lực thống trị ở Đông Nam Á trong các thế kỉ đầu dường
như là khu vực mà các ghi chép của Trung Quốc gọi là ‘Phù Nam’. Phù Nam nằm ở
đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng lên chỗ mà ngày nay là miền Nam Việt Nam và
Campuchia. Qua sự kết hợp của vị trí địa lí ngẫu nhiên và chính trị xảo quyệt
Phù Nam dựng nên một đế chế từ vị trí then chốt của mình trên các tuyến giao
thương giữa Châu Âu và Ấn Độ ở phía Tây
và Trung Quốc ở phía Đông. Nó trở nên trù phú khi Rome phát triển thị hiếu đối
với tơ lụa Trung Quốc và gia vị Đông Nam Á, khi Trung Quốc tìm kiếm nhũ hương
và mộc dược từ Arab và khi thủy tinh, đồ gốm, kim loại, ngà voi, sừng và khoáng
sản quý di chuyển qua lại giữa những nơi này với nhau.
Những người
tiên phong là dân Nusantao, di chuyển từ nơi này đến nơi khác, trao đổi hàng
hoá và thu lợi nhuận từ tiến trình đó. Nhiều tài liệu Trung Quốc mô tả tàu
thuyền Malay (được gọi là Kunlun bo
[Côn Lôn bạc] cặp bến ít ra từ thế kỉ III BCE. Dần dần những người khác từ bờ
biển Ấn Độ và Trung Đông tham gia với họ. Không có bằng chứng khảo cổ học cho
thấy có bất cứ tàu thuyền Trung Quốc nào thực hiện các chuyến giao thương trên Biển
Đông trước thế kỉ X. Điều này dường như làm suy yếu nhiều khẳng định của Trung
Quốc về điều ngược lại , chẳng hạn như sự khẳng định của trang web của Bộ Ngoại
giao rằng ‘Dương Phu [杨孚/Yang Fu] thuộc triều đại Đông Hán (23-220) đã nhắc tới
quần đảo Nam Sa trong cuốn sách của mình mang tên Dị vật chí (异物志/Yiwu Zhi –
Sách về những thứ kì lạ/hiếm hoi)‘[1]. Các
bằng chứng hiện có cho thấy nghiên cứu của Dương Phu có nhiều khả năng liên
quan đến việc dò hỏi các thương nhân nước ngoài đến các cảng hơn là tự mình đi
tới nơi. Mặc dù có một số người Trung Quốc đi tới nước ngoài trên tàu của các
sắc dân khác, những cư dân nơi mà bây giờ là Nam Trung Quốc dường như bằng lòng
để cho người khác mạo hiểm đi biển còn họ chỉ đảm trách việc giao thương tại
điểm đến mà thôi.
Vị trí của Phù
Nam có tính cốt lõi theo nghĩa đen bởi vì giao thương trong giai đoạn này tiến
hành theo từng chặng. Rất ít, nếu có, tàu thuyền nào chạy suốt lộ trình. Thay
vào đó, thương nhân có thể chỉ mang hàng hóa trên chặng lộ trình mà họ biết rõ
nhất: từ Châu Âu đến Ấn Độ, từ Ấn Độ đến
bán đảo Malaysia, rồi bằng đường bộ qua eo đất Kra tại điểm hẹp nhất của bán
đảo Mã Lai (nơi mà vận chuyển 40 km trên bộ tránh được một chặng đường dài 1600
km trên biển), bằng đường biển một lần nữa đến Phù Nam và cuối cùng từ Phù Nam
tới miền Nam Trung Quốc. Để thành công, thương nhân cần làm chủ nhịp điệu do
chế độ gió hàng năm đặt ra mà bây giờ chúng ta biết với từ Arab chỉ mùa - mawsim hoặc monsoon.
Vào mùa hè ở
bán cầu Bắc, lục địa Châu Á nóng lên. Không khí bên trên bốc lên cao, cuốn theo
nhiều không khí từ biển ở phía Nam vào, tạo ra những luồng gió mạnh dai dẳng
thổi vào lục địa: gió mùa Tây Nam. Khi Châu Á mát lại vào mùa thu và mùa đông,
không khí bên trên lắng xuống và bị đẩy ra khỏi lục địa: gió mùa Đông Bắc. Dùng
tàu thuyền đi từ bán đảo Malaysia đến Phù Nam dễ dàng nhất từ tháng 12 tới
tháng 1 nhờ gió thổi đi từ Nam Á, nhưng sau đó có một khoảng chờ đợi lâu, cho
đến tháng 6 mới có thể bắt đầu các chuyến đi từ Phù Nam tới miền Nam Trung
Quốc. Tàu thuyền phải ở tại cảng khi bắt đầu mùa mưa bão vào giữa tháng 7. Đi
ngược trở lại, thời gian chạy tàu thuyền dễ nhất từ Trung Quốc đến Đông Nam Á
là vào tháng 1 và tháng 2, khi gió và các dòng chảy theo hướng Đông Bắc xuống.
Sau đó phải tạm dừng cho tới khi chế độ gió mùa Nam Á làm cho việc chạy tàu
thuyền về phía Tây an toàn và thuận tiện.
Khoảng thời
gian gió và dòng chảy không thuận lợi, từ tháng 2 đến tháng 6 mỗi năm, đem lại
sự thịnh vượng cho bờ biển ở chỗ bây giờ là Việt Nam trong nhiều thế kỉ. Lúc
đó, thương nhân bị buộc phải tạm dừng ở Phù Nam và mua lại hàng từ các nguồn
địa phương. Một tài liệu của Trung Quốc từ thế kỉ III mô tả các tàu ‘Malay’ có
thể như thế này: dài trên 50 mét với bốn cánh buồm và có khả năng chở 700 người
cùng 600 tấn hàng hoá.[2]
Một số lượng lớn tàu, hành khách và thuỷ thủ, cung cấp một thị trường lành mạnh
cho nông dân địa phương và các đại lí hàng hoá và một dòng thuế ổn định cho các
vua chúa và triều đình của họ dựa vào để sống. Nó cũng làm Phù Nam thành một
nơi tuyệt vời để làm kinh doanh và vào thế kỉ II đó là một trạm trung chuyển
cho người Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc và các thương nhân khắp nơi của khu vực Đông
Nam Á. Mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc là lớn lao nhưng chính Ấn Độ đã cung cấp
cho Phù Nam những cảm hứng văn hóa và chính trị. Vua Phù Nam chấp nhận Ấn Độ
giáo, lấy tên Ấn và vay mượn tư tưởng chính trị từ các vua Ấn Độ. Ngay cả việc
quy hoạch thành phố dường như cũng đi theo đường hướng của Ấn Độ.
Phù Nam chỉ là
một trong nhiều đế quốc, vương quốc và thái ấp xung quanh Biển Đông nổi lên,
phát triển mạnh và phai dần vào quên lãng trong thiên kỉ I CE (kỉ nguyên hiện
tại). Lịch sử của họ vẫn còn đang được đào bới: theo cả nghĩa đen từ các di chỉ
khảo cổ lẫn theo nghĩa ẩn dụ từ các trang sách cổ của Trung Quốc và các văn bản
khác. Thường thì chúng ta chỉ thấy họ qua phản chiếu, vì họ được những người
khác ghi nhận và chúng ta thường nhìn họ qua những điều chúng ta quan tâm hiện
nay: cố gắng theo dõi gốc gác của các quốc gia hiện đại thông qua các dịch
chuyển biên giới và việc di trú các dân tộc của các thế kỉ trước Nhưng biên
giới hiện tại và bản sắc của chúng ta sẽ không có ý nghĩa với những người thật
sự sống trong giai đoạn xa xưa này. Chẳng hạn, nhà sử học Michael Churchman đã
chỉ ra rằng các tài liệu ghi chép thời Hán-Đường (từ 111 BCE đến 938 CE) không
có sự phân biệt về mặt ngôn ngữ giữa ‘người Hoa’ và ‘người Việt’. Chính các nhà
sử học thế kỉ XIX và XX đã áp đặt bản sắc dân tộc hiện đại lên những sắc dân
xưa này.[3]
Trong giai đoạn khi mà nhà chức trách đế quốc Pháp cố gắng để xác định ranh
giới rõ ràng giữa khu vực của họ và của ‘Trung Quốc’, các nhà sử học Pháp cũng
đồng thời phân chia người dân cổ xưa thành các loại khác nhau qua việc chuyển
các tên của họ theo cách 'Việt Nam' hoặc cách ‘Trung Quốc’.
Khu vực bây giờ
là Trung Quốc trông rất khác vào hai thiên kỉ trước. Những người được quy là
Yue hoặc Việt trong các tài liệu của Trung Quốc sống dọc bờ biển phía Nam, kể
cả đồng bằng sông Hồng ở Việt Nam ngày nay. Họ đã bị nhà Tần chinh phục một
thời gian ngắn vào năm 221 BCE nhưng trong vòng 15 năm nhà Tần sụp đổ và bờ
biển phía Nam giành được độc lập khoảng một thế kỉ. Mãi cho đến năm 111 BCE
miền Nam mới rơi vào tay nhà Hán - và thậm chí sau đó khu vực này chủ yếu vẫn
giữ tự trị thêm một thế kỉ nữa. Trong những năm đầu của kỉ nguyên hiện nay
người Hán áp đặt cai trị trực tiếp hơn, khiến lúc này lúc khác có nhiều cuộc
nổi dậy và các chiến dịch quân sự trừng phạt, và tình trạng kiểm soát mơ hồ này
kéo dài tới khi nhà Hán sụp đổ năm 220 CE. Khi nhà Hán cuối cùng sụp đổ, đế chế
của họ bị tách thành ba nước, với nhà Ngô (Wu) tiếp thu nhiều khu vực phía Nam
sông Dương Tử. Nhưng nhà Ngô chỉ kéo dài cho đến khoảng năm 265 thì bị đối thủ
phía Bắc là nhà Tấn (Jin) đánh bại. Sau đó, chỉ 80 năm sau, năm 316, nhà Tấn
bị loại khỏi phía Bắc và trở thành một vương quốc phía Nam cho đến khi cũng bị
sụp đổ năm 420 và đã được thay thế bởi một loạt các vương quốc phía Nam khác.
Thế thì 'Trung
Quốc' ở đâu trong thời đại đó? Các nhà sử học của Trung Quốc có xu hướng mô tả
‘một nền văn minh vờ là một nhà nước’, để sử dụng công thức của Lucian Pye, một
nền văn hóa liên tục vốn đã kiểm soát vùng đất Đông Á rộng lớn trong nhiều
thiên kỉ.[4]
Đây không phải là cách nó xuất hiện theo quan điểm Biển Đông. Trong nhiều thế
kỉ, các triều đại và các dân tộc từng kiểm soát vùng bờ biển phía Bắc của Biển
Đông là khác biệt với những kẻ kiểm soát các khu vực nội địa của ‘Trung Quốc'.
Trong khi các vương quốc phía Bắc nhìn vào phía trong, các vương quốc phía Nam
lại nhìn ra phía ngoài. Các vương quốc này kết nối trực tiếp với mạng lưới giao
thương đường biển và thông qua đó với Phù Nam và phần còn lại của khu vực.
Trong hầu hết
thời kì này, Phù Nam có được hai điều cho thấy là rất cốt yếu đối với mọi trung
tâm giao thương thành công của Đông Nam Á: quan hệ có lợi với bất cứ ai đang
nắm quyền ở Ấn Độ và ở miền Nam Trung Quốc. Những khi có khủng hoảng, và đặc
biệt sau khi có thay đổi chính trị, Phù Nam sẽ gửi ‘các đoàn sứ giả’ tới Trung
Quốc để tìm cách bảo vệ vị trí của họ như là đối tác giao thương ưu tiên. Đại
diện của họ sẽ dâng 'cống vật’ giúp các cuộc thương thảo tiến triển dễ dàng
hơn. Phần lớn kết quả đều từ quan hệ triều cống này. Một số nhà sử học dân tộc
chủ nghĩa Trung Quốc lập luận rằng điều đó cho thấy rằng các xã hội Đông Nam Á
là chư hầu của hoàng đế Trung Hoa. Đó là cách mà các tài liệu cổ của Trung Quốc
có xu hướng ghi nhận. Tuy nhiên, các tài liệu đương đại Đông Nam Á cho thấy
rằng 'cống nạp' không được xem như là một loại quan hệ phong kiến nào đó giữa
chủ và tớ mà chỉ đơn thuần là một quan hệ đối tác giao thương. Vua chúa Trung
Quốc hoan nghênh việc 'cống nạp' như sự công nhận nước ngoài về quyền cai trị
của họ. Triều cống đảm bảo quan hệ nước ngoài tốt và về mặt biểu tượng củng cố
quyền lực trong nước của các vua chúa với các đối thủ tiềm năng. Đối với những
nước ‘cống nạp’, đó chỉ là thủ tục cần thiết để được ra vào các cảng. Chính
tình trạng ‘quan hệ triều cống’ như thế này đã khiiến Phù Nam thành người gác
cổng cho sự giàu có cả trong phạm vi ảnh hưởng lẫn ở xa tít ngoài chân trời.
Trong gần ba
thế kỉ Phù Nam dường như đã chi phối việc giao thương ở Biển Đông, dù bị các
đối thủ tấn công. Họ sử dụng cả ngoại giao và sức mạnh để duy trì vị trí của
mình, thích ứng với những thăng trầm của việc giao thương đường dài trên biển
cho đến giữa thế kỉ IV. Vào khoảng thời gian đó lệ phí cao và tham nhũng ở các
cảng Trung Quốc làm kinh doanh suy giảm, các thương nhân không có việc làm quay
sang cướp biển và các thương nhân có óc cạnh tranh tư tìm đường đi biển tới bán
đảo Malay theo cách của mình, kết thúc quyền nắm giữ của Phù Nam đối với eo đất
Kra. Các thương nhân từ các phần khác của Đông Nam Á bắt đầu bỏ qua Phù Nam và
làm việc trực tiếp với các cảng khác xa phía trên bờ biển. Dần dần Phù Nam bị
các đối thủ che khuất. Vào lúc mà giao thương đường biển hồi sinh một lần nữa,
sau sự sụp đổ của nhà Tấn ở Trung Quốc năm 420 CE, thì các cảng khác gặt hái
nhiều lợi lộc, đặc biệt là những cảng xa về phía trên bờ biển, ở Champa.
Ngược với Phù
Nam, nơi ít thứ còn sót lại, Champa đã để lại các công trình đồ sộ: tháp gạch
đỏ lớn nằm rải rác khắp khu vực mà bây giờ là miền Trung Việt Nam. Hình bóng Ấn
Độ của các công trình là rõ ràng; thật ra, ngay cả cái tên ‘Champa’ dường như
cũng được vay mượn từ một vương quốc của Ấn Độ. Cội rễ của Champa nằm trong văn
hóa đồ đá Sa Huỳnh mà Wilhelm Solheim xác định như là một phần của mạng lưới
Nusantao và sự thịnh vượng của nó, giống như sự thịnh vượng của Phù Nam trước
đó, được xây dựng trên việc hôn phối giữa giao thương đường biển và xuất khẩu
các mặt hàng nội địa: ngà voi và sừng tê giác là hai trong số nhiều sản phẩm
độc đáo mà những khu rừng ở đó có thể cung cấp. Champa không phải là một nhà
nước tập trung, mà là một tập hợp nhiều khu định cư tại các thung lũng sông dọc
theo bờ biển thừa nhận một nhà cai trị chính. Trong suốt lịch sử hàng nghìn năm
của nó, quyền lực thường xuyên di chuyển qua lại giữa các thung lũng khác nhau.
Champa hiếm khi
hòa bình. Nó nổi lên từ nạn cướp biển tiếp sau sự suy tàn trong giao thương hợp
pháp với Trung Quốc vào cuối thế kỉ IV. Sau khi nhà Tấn sụp đổ, đường bộ từ
Trung Quốc tới phương Tây đã bị đóng đối với các vua mới phía Nam Trung Quốc,
nhà Liêu Tống. Kết quả là họ phải phụ thuộc vào giao thương đường biển vốn đã
bị thiệt hại vì cướp biển Champa. Mối đe dọa này tồi tệ đến nỗi quân Liêu Tống
đã tiến đánh Champa năm 446 và phá hủy kinh đô của họ. Nhưng rồi Liêu Tống cũng
tự tuyên bố mở cửa cho giao thương và Champa đã trở thành một trạm trung chuyển
- trong khi vẫn dung dưỡng, và đôi khi khuyến khích cướp biển. Gần như cùng lúc
đó, Quảng Châu trên châu thổ Sông Châu (Pearl River) trở thành cảng chính của
miền Nam Trung Quốc và giao thương giữa hai phía- được nối kết bởi các chu kì
gió mùa hàng năm - trở nên được lợi cao.
Tuy nhiên, dù
Champa thống trị giao thương đường biển với Trung Quốc, họ không giữ độc quyền.
Nhiều cảng giao thương khác cũng bắt đầu phát triển các quan hệ. Vương quốc
Taruma ở miền Tây Java và các vua khác ở Sumatra đã phái sứ giả tới vào năm
460. Một điều mà tất cả những nơi này cùng có là họ chấp nhận các yếu tố văn
hóa tôn giáo và chính trị Ấn Độ: ban đầu là Ấn Độ giáo, sau đó là Phật giáo.
Các vương quốc này tự gọi mình bằng từ Tiếng Phạn mandala - bánh xe - và các nhà vua là cakravartin – người quay bánh xe. Họ tự thấy mình như là trung tâm
của hệ thống chứ không phải là các quốc gia có biên giới xác định. Tính chính
đáng của họ ắt phải xuất từ sự nhìn nhận của những nhà cai trị khác nhiều hơn
là từ việc kiểm soát thực tế lãnh thổ. Quan hệ giữa các nhà cai trị thì linh
hoạt và các trung tâm ít quyền lực hơn có thể trung thành với nhiều hơn một mandala. Nhưng tính chính đáng này cần
phải được hậu thuẫn bởi sức mạnh quân sự. Để duy trì vai trò trung tâm, mandala cần có khả năng buộc các thực
thể chính trị cấp dưới khép vào đường hướng khi cần thiết.
Việc sử dụng
cách cai trị của Ấn Độ và sự lan toả tiếp tục của tôn giáo Ấn Độ trong khu vực
là bằng chứng về sự liên kết giao thương mạnh mẽ giữa Đông Nam Á và những nơi ở
phía tây suốt phần còn lại của thiên kỉ đầu tiên. Gỗ thơm, nhựa, vàng, gia vị
và đôi khi nô lệ đều có nhu cầu cao. Bằng chứng chưa thật rõ ràng nhưng có vẻ
như trong giai đoạn này giao thương với các vương quốc Ấn là quan trọng hơn với
Trung Quốc đối với hầu hết vùng Đông Nam Á. Có một sự sụt giảm đặc biệt trong
giao thương với Trung Quốc vào cuối thế kỉ VI. Tuy nhiên, vào năm 618 khi mà
triều đại nhà Đường nắm quyền ở Trung Quốc và thống nhất các vùng đất thấp lần đầu
tiên trong 200 năm, giao thương Biển Đông dường như đã cất cánh một lần nữa.
Điều kiện đã chín muồi cho sự xuất hiện của các mandala khác tận dụng lợi thế của nó. Đây là thời đại của nhiều nền
văn minh Ấn hoá lớn: Champa, Srivijaya, và Angkor: những người xây dựng công
trình này đã làm thực dân Châu Âu kích
động và tiếp tục mê hoặc chúng ta ngày nay.
Trong khi
Champa vẫn còn dính dáng vào các hành vi cướp biển, một đối tác giao thương
đáng tin cậy hơn xuất hiện xa hơn nhiều về phía Nam, trên bờ biển phía Đông Nam
của đảo Sumatra. Trong một thời gian dài, gần như tất cả những gì được biết về
Srivijaya đều từ những mô tả của Trung Quốc. Ngay cả vị trí của nó cũng là điều
bí ẩn. Mãi cho đến năm 1993 nhà khảo cổ Pháp Pierre-Yves Manguin mới có thể xác
nhận những nghi ngờ trước đó rằng Srivijaya nằm dọc theo bờ sông Musi ở chỗ bây
giờ là thành phố Palembang của Indonesia. Đáng buồn là có vẻ hầu hết những vết
tích của một trong những nền văn minh quan trọng nhất Đông Nam Á hiện nay nằm
bên dưới nhà máy phân bón PIHC. Công ti này thường được gọi là PT Pupuk
Srivijaya nhưng thậm chí khộng còn chút dấu vết nào của thành phố cổ Srivijaya
này, giống như những tàn tích mà công ti vô tình xóa sạch trong thập niên 1960.
Srivijaya là
một mandala cổ điển - thế lực chi phối
trong nhóm các khu định cư buôn bán dọc theo tuyến đường giao thương chính
Đông-Tây. Từ căn cứ của mình, Srivijaya kiểm soát việc đi lại xuyên qua cả eo
biển Malacca ở phía Bắc lẫn eo biển Sunda phía Nam. Khoảng năm 683 nó có thể có
một đội quân hùng mạnh khoảng 20 000 người - phần nhiều trong số đó có lẽ là
dân du cư Nusantao vốn có thể vừa mua bán vừa đánh nhau nhân danh nhà vua.[5]
Giao thương đường Biển Đông-Tây thực tế không thể có được nếu không có sự đồng
ý của Srivijaya. Đó là một thế lực đáng kể nên năm 683 triều đình nhà Đường
Trung Quốc phái sứ thần đầu tiên tới nơi mà họ gọi là đảo Nam Dương (Nanyang)-
Đông Nam Á để gắn kết quan hệ giữa hai nước.[6] Trên
thực tế, Sriwijaya trở thành người gác cổng cho triều đại nhà Đường trong khu
vực.
**********
Hải sâm, tiếng
Indonesia là trepang, đã được xuất
khẩu từ Đông Nam Á đến Trung Quốc vừa như một nón ăn ngon vừa như một loại
thuốc ít nhất 2000 năm qua. Vì vậy, rất phù hợp khi một thợ lặn tìm trepang ngã nhào theo nghĩa đen lên một
phát hiện làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về lịch sử giao thương
ở Biển Đông. Tháng 8 năm 1998, trong khi theo đuổi các sinh vật trườn trên đáy
biển gần 2 km ngoài khơi bờ biển phía Bắc đảo Belitung của Indonesia, một thợ
lặn tìm thấy một gò đất kì lạ. Vỡ lẽ ra đó một chiếc thuyền buồm (dhow) Arab
chất đầy hơn 55 000 món gốm Trung Quốc – một lô hàng mà cuối cùng được bán
với giá $ 32 triệu, mặc dù cả ông lẫn nước của ông không thấy được phần lớn
những thứ đó. Hình vẽ trên gốm tiết lộ rằng con tàu đã chìm năm 826 CE vào giữa
triều đại nhà Đường, làm cho điều này thành bằng chứng cụ thể đầu tiên của giao
thương đường biển trực tiếp giữa thế giới Arab và Trung Quốc.
Bằng chứng là
thứ mà tất cả các nhà sử học tìm kiếm và, trái ngược với Trung Quốc với nhiều
thế kỉ tài liệu ghi chép, Đông Nam Á thiếu nó. Tài liệu còn sót lại ít ỏi, các
khu định cư ven biển đã bị quét sạch và khí hậu nhiệt đới kết hợp với côn trùng
phàm ăn đã làm phân huỷ hầu hết các thứ còn lại. Các thành phố lớn bị mất dấu
có chứa những đồ chạm khắc có ích nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong các ghi
chép lịch sử. Cơ hội tốt nhất của việc san lấp các lỗ hổng nằm trong việc phát
hiện các hiện vật thực tế. Các chi tiết nhỏ nhất, từ thành phần phân tử của các
vỏ sò đến các kĩ thuật được sử dụng khi đóng tàu thuyền, có thể mở khóa tiết lộ
về nơi và cách con người di chuyển, về thứ họ ăn, về loại xã hội họ sống và về
cách họ quan hệ với những người khác. Kết quả là các nhà khảo cổ hiện đại rất
khó tính về việc ghi nhận lại tất cả mọi thứ trong các cuộc khai quật của họ:
cách bố trí không gian sống của một con tàu có thể gợi ý về văn hóa và hệ thống
thứ bậc của người trên tàu và sự sắp xếp hàng hóa có thể tiết lộ thứ tự của các
cảng ghé qua. Mỗi mãnh bằng chứng đều có thể hữu ích. Hơn nữa, đồng nghiệp sẽ
chỉ coi các diễn giải là hợp lệ nếu các phát hiện được ghi nhận một cách chính
xác và để mở cho xem xét và diễn giải lại. Những điều này ít nhất, chứ không
phải lần đầu tiên, đã không xảy ra ở xác tàu Belitung. Có các ưu tiên khác cấp
bách hơn.
Sau khi các thợ
lặn trepang trích lấy một ít bát đĩa
và bán lại trên thị trường, lời đồn lan ra và một công ti địa phương, Sulung
Segara Jaya, lấy được một giấy phép từ Ủy ban quốc gia cứu hộ tàu đắm của
Indonesia cho khai quật xác tàu . Nó được công ti Seabed Explorations, thuộc sở
hữu của Tilman Walterfang, một kĩ sư xây dựng Đức chuyển thành nhà thám hiểm
dưới nước, nhanh chóng tham gia. Hai công ti này đã làm việc nhanh chóng. Theo
kinh nghiệm cay đắng họ biết rằng hiện trường sẽ nhanh chóng bị những người
khác cướp bóc nếu họ không làm nhanh. Tháng 8 năm 1998 Indonesia đang trong
cuộc khủng hoảng. Tổng thống Suharto bị hạ bệ, hơn một ngàn người đã bị giết
trong cuộc bạo loạn, li khai tăng lên và người nước ngoài trốn chạy ra khỏi đất
nước cùng với tài sản của họ. Walterfang vẫn không nao núng: của cải tương lai
của ông vẫn còn nằm ở đáy biển. Các đội tiếp tục làm việc, di dời càng nhiều
hàng hóa càng tốt trong tháng 9 và tháng 10 trước khi gió mùa làm ngừng công
việc của họ. Như họ lo sợ, những kẻ săn tìm kho báu địa phương gần như ngay lập
tức nhảy vào. Walterfang kí hợp đồng với một công ti riêng biệt, Maritime
Explorations, thuộc sở hữu của một cựu kĩ sư, Michael Flecker, để khai quật
phần còn lại của địa điểm trong năm mới và làm một phân tích khoa học hơn về
những gì còn sót lại. Flecker đã khai quật hàng chục xác tàu trong khu vực và
cũng có bằng tiến sĩ khảo cổ học biển.
Bây giờ chúng
ta biết rằng đồ gốm trên con tàu đắm ở Belitung được sản xuất hàng loạt ở ít
nhất 5 địa điểm riêng biệt trên khắp Trung Quốc, rồi vận chuyển quanh bờ biển
Trung Quốc đến Quảng Châu, ở đó chúng đã được chuyển lên một tàu có dáng phảng
phất những chiếc vẫn còn được sử dụng ở biển Oman, được làm từ gỗ được trồng ở
Trung Phi và Ấn Độ. Nhân viên tàu có thể là một tập hợp nhiều giống dân Arab,
Ba Tư và Malay và khách hàng cuối cùng cho các hàng hóa này là tầng lớp thượng
lưu và trung lưu của Abbasid Caliphate, ở trung tâm Baghdad. Tàu chạy đi từ
Quảng Châu lúc có gió mùa Tây Nam, có thể dừng lại trên đường để bổ sung dự trữ
thực phẩm và nước trước khi bị đắm trên một rạn san hô trong phạm vi ảnh hưởng
của Srivijaya. Vậy thì hàng hóa vận chuyển trên tàu đúng lẽ thuộc về ai? Theo
quan điểm của Walterfang thì câu trả lời rất đơn giản: ông ta- và bất cứ ai đã
chuẩn bị để mua chúng từ ông ta. Khi gốm bị lấy đi để bảo tồn và rửa sạch và
phần còn lại của tàu được kiểm tra để tìm manh mối về nguồn gốc của nó, việc
cãi vả bắt đầu.
Cuối cùng chỉ
có Singapore đủ quan tâm tới kho báu này để chi trả món tiền mà Walterfang tìm
kiếm. Động lực đằng sau việc mua lại hàng hóa là Pamelia Lee, người lúc đó đứng
đầu Hội đồng Du lịch Singapore và là em dâu của Thủ tướng nhiều năm tại vị của
Singapore, Lí Quang Diệu (Lee Kuan Yew). ‘Tôi nghĩ đã tới lúc để Singapore tìm
kiếm những điều tốt hơn trong cuộc sống’, bà nhớ lại. ‘Giống như mọi quốc gia
khác trở nên giàu có bạn phải nhìn vào việc xây dựng gốc rễ của mình.’[7]
Lee hi vọng rằng lô hàng hóa đó sẽ đủ để trả lại số tiền mua bằng cách thu hút
du khách đến khu nghỉ mát lớn lúc đó được lên kế hoạch cho đảo Sentosa ở
Singapore. Vào tháng 4 năm 2005, Tổng công ti Sentosa nhà nước, một bộ phận của
Bộ Giao thương và Công nghiệp Singapore, công bố một thỏa thuận mua kho chứa
vật quý này từ công ti của Walterfang với giá $ 32 triệu. Một nửa số chi được
đóng góp bằng các bất động sản của một trong những người giàu nhất Đông Nam Á:
trùm ngân hàng và khách sạn Tan Sri Khoo. Thỏa thuận này được mô tả như là một
phần cốt lõi của kế hoạch Sentosa nhằm tạo ra một bảo tàng biển mới lắp đầy với
hiện vật được trục vớt từ những con tàu đắm.
Đầu năm 2011,
trong khi bảo tàng biển đang xây dựng, một số 'Kho báu nhà Đường’ đã được trưng
bày tại Bảo tàng ArtScience trên bờ biển Singapore. Có kế hoạch sẽ chuyển cuộc
triển lãm cho Viện Smithsonian ở Washington DC năm sau. Nhưng rồi một liên minh
các nhà khảo cổ Mỹ đã can thiệp. Họ phẩn nộ vì một công ti tư nhân lại được cho
phép để khai quật một địa điểm quý hiếm như vậy. Một số người đã cáo buộc Viện
khuyến khích việc hôi của. Điều đó đã biến thành một cuộc tranh cãi giữa những
người lí tưởng và những kẻ hoài nghi - giữa những người tin rằng cách thực hành
khảo cổ học tốt nhất nên được tôn trọng trong mọi trường hợp và những người cảm
thấy rằng những vấn đề thực tế về hôi của và khai thác tài chính đòi hỏi các
giải pháp thực tế. Tháng 4 năm 2011, Smithsonian đã chịu thua và hủy bỏ triển
lãm. Walterfang cáo buộc những người phê phán mình là kẻ háo danh đang chơi trò
chính trị khác.[8]
Từ đó các mối quan hệ không được cải thiện nhiều.
Thậm chí tệ
hơn, Bảo tàng thực nghiệm biển (Maritime Experiential Museum) trên đảo Sentosa
cũng lạnh nhạt với 'Kho báu nhà Đường’. Ở đó có nhiều hiện vật từ các xác tàu
khác nhưng không có lấy một vật nào từ xác tàu ở Belitung. Tại thời điểm viết
sách, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ trong số hàng hóa này được trưng bày công cộng,
một ít trường hợp bên trong khách sạn Goodwood Park ở Singapore, trước đây
thuộc sở hữu của ông Khoo. Có vẻ như Singapore ít quan tâm đến một trong những
khám phá khảo cổ đáng chú ý nhất trên thế giới. Pamelia Lee thất vọng vì người
dân của đảo quốc này, theo nhiều cách là tương đương với Phù Nam hoặc
Srivijaya, đã không hiểu ý nghĩa của kho báu. ‘Theo tôi thì trong những năm
tới, khi họ có được thứ tốt nhất trong tất cả các tiện ích, họ sẽ tìm kiếm một
thứ hữu hình nào đó khác hơn’, bà thở dài.[9]
Nhưng có lẽ có một thông điệp sâu sắc hơn ở đây. Có vẻ như không những người
Singapore không có cảm giác sở hữu' số hàng hóa đó, họ cũng không có ý thức sở
hữu đối với biển, mặc dù thực tế là toàn bộ đất nước của họ tồn tại dưa trên
giao thương đường biển. Singapore là một trạm trung chuyển, được tư bản hoá
trên các luồng hàng Đông-Tây đi qua bến cảng của nó, nhưng điều đó không biến
thành một cảm giác về quyền thụ hưởng đối với tài sản đó.
Gác ý nghĩa
hiện đại sang một bên, điều mà xác tàu ở Belitung chứng minh cho các nhà khảo
cổ là vào giữa thời nhà Đường (ba thế kỉ từ 618 tới 907) giao thương ở Biển
Đông đã là một ngành công nghiệp xuất khẩu tích hợp cao. Doanh nghiệp ở nhiều
vùng của Trung Quốc thiết kế sản phẩm cho các thị trường cụ thể (trang trí các
biểu tượng Phật giáo hoặc chữ viết Koran theo yêu cầu) và sản xuất chúng hàng
loạt. Sau đó đại lí địa phương vận chuyển hàng hoá trên đất liền, trên sông và
dọc theo bờ biển đến cảng trung chuyển, ở đó thương nhân nước ngoài sẽ đảm nhận
việc vận chuyển đường dài. Có một sự phân chia lao động rõ ràng giữa sản xuất
trong nước và ngoại thương.
Triều đình nhà
Đường dùng các biện pháp đặc biệt để khuyến khích mối quan hệ này. Ban đầu
triều đình ra lệnh phải có các quy định đề ra sẵn cho người nước ngoài đến
Quảng Châu và đặt ra một chức quan chính thức để giám sát việc giao thương.
Thương nhân Malay (có lẽ cũng là người Nusantao) đi đến Quảng Châu với số lượng
lớn cùng với người Arab, Ba Tư, Armenia và Ấn Độ. Họ mang theo các sản phẩm tốt
nhất từ quốc gia của họ: ngọc trai, thảm và khoáng chất từ Ba Tư (bao gồm cả
cobalt xanh được dùng trong men gốm), nhũ hương, mộc dược, và chà là từ Arab,
đồ trang sức và đồ thủy tinh từ Ấn Độ và các loại gia vị và nước hoa từ khu vực
Đông Nam Á. Họ trao đổi chúng để lấy đồ gốm, lụa và đồ kim loại của Trung Quốc.
Con đường tơ lụa trên biển, xa lộ Abbasid-Đường từ Quảng Châu đến Baghdad, qua
ngã Srivijaya và Sri Lanka, tạo ra sự giàu có to lớn cho những ai có thể kiểm
soát nó.
Dưới thời nhà
Đường, giao thương là đặc quyền của triều đình và chỉ có các quan được bổ nhiệm
mới có thể xử lí hàng nhập khẩu: hoạn quan, người có đủ mọi động cơ để đòi hối
lộ và bóc lột thương nhân ở những chỗ họ dễ sơ hở nhất. Tham nhũng trở nên ngày
càng tệ hơn cho đến tháng 10 năm 758, đã có một cuộc bạo động. Thương nhân Ba
Tư và Arab bỏ rơi quảng Châu và giao thương với nơi khác. Các nhà cai trị đồng
bằng sông Hồng ở khu vực bây giờ là Việt Nam (trên danh nghĩa là dưới quyền
thống trị của nhà Đường nhưng phần lớn là tự trị) đã chớp lấy cơ hội. Cảng của
họ, tại Long Biên, đã trở thành đầu mối giao thương trong một vài thập kỉ. Tuy
nhiên, Quảng Châu ắt đã lấy lại vị trí của nó vào lúc tàu Belitung rời bến
khoảng năm 826. Nhưng 40 năm sau đó, năm 878, quân nổi dậy chống Đường chiếm
đóng Quảng Châu. Một tài liệu Arab nói rằng họ lựa ra và tàn sát hàng ngàn
người Arab, Ba Tư, Do Thái và tín đồ Kitô cư trú ở đó. Tuy nhiên, các thương
nhân nước ngoài còn sống sót dường như vẫn còn trụ lại được trên bờ biển.
Cuộc nổi dậy
mang hơi hướm của những gì sắp đến. Năm 906 nhà Đường sụp đổ, vương quốc cũ của
họ bi chia năm xẻ bảy và bờ biển lại trở thành độc lập. Việc phân nhánh này
thay đổi toàn bộ khu vực. Trên bờ biển phía Tây Nam, khu vực xung quanh Quảng
Châu tách ra để thành lập vương quốc Nam Hán và sau đó các nhà lãnh đạo của
đồng bằng sông Hồng cũng tách ra thành lập Đại Việt. Đại Việt phát triển thành
đối thủ và cuối cùng chinh phục các vùng đất của Champa (và hơn một ngàn năm
tiếp theo phát triển thành Việt Nam).
Trên bờ biển
phía Đông Nam, chỗ tỉnh Phúc Kiến hiện nay, vương quốc Mân Nam (闽南/Minnan) xuất
hiện. Tách rời phía Bắc, Mân Nam gắn với biển. Trong suốt thế kỉ X, nó đã trở
thành một nước giao thuơng biển hoàn toàn. Cảng Tuyền Châu [Quanzhou] nổi lên
từ bóng tối để trở thành nơi tập trung của các năng lượng kinh doanh và điểm
chọn để đến cho các thương nhân từ Trung Đông. Sau hơn một ngàn năm giao thương
với người nước ngoài, những người mà ngày nay chúng ta gọi là 'người Trung
Quốc' lần đầu tiên mới giong buồm đi khắp các đại dương trên chính tàu thuyền
của mình.[10]
Đó là khởi đầu của tập tục đi biển đã mang người Phúc Kiến và đặc biệt là các
thành viên người Mân hay nhóm dân Phúc Kiến đi khắp Biển Đông và xa hơn nữa.
Khoảng năm 970,
sau 60 năm độc lập, phía Nam lại chịu dưới sự kiểm soát của nhà Tống, với kinh
đô ở Khai Phong [Kaifeng]. Ban đầu, nhà Tống coi biển theo cách các vua chúa
nội địa xưa nay: như là một nguồn đe dọa. Đó là một nơi mà những ‘phần tử xấu’
như kẻ buôn lậu hoặc đối thủ chính trị có thể ẩn nấp và nơi mà ý tưởng nước
ngoài có thể lan truyền. Năm 985 tất cả thương nhân Trung Quốc đều bị cấm đi
nước ngoài. Nhà Tống theo vết các triều đại trước đó áp đặt độc quyền của triều
đình về thương mại. Các giao dịch tư nhân đều bị cấm, ép buộc thương nhân nước
ngoài phải nhập khẩu hàng hóa của họ thông qua các kênh chính thức để cho triều
đình qua đó có thể áp đặt các loại thuế lên tàu thuyền, thuế hải quan lên hàng
nhập khẩu và cũng sung vào quỹ một tỉ lệ hàng hóa và lợi nhuận khi bán lại cho
người tiêu dùng trong nước.
Nhưng trong
vòng vài năm nhà Tống khởi xướng một chính sách quay vòng trở lại đáng chú ý.
Năm 987 triều đình cử bốn phái bộ ra nước ngoài để khuyến khích các nước ngoài
giao thương. Nhưng điều đó chưa đủ. Áp lực đòi triều đình nới lỏng sự kiểm soát
ngày càng tăng thêm: từ các thương nhân ven biển vốn muốn được lợi nhuận; từ
người tiêu dùng vốn muốn có hàng hoá nước ngoài; và từ công quỹ vốn cần thu
nhập để gồng gánh bộ máy quan liêu. Năm 989 vận chuyển tư nhân Trung Quốc đã
được cho phép dùng tàu thuyền giao thương với nước ngoài. Cuối cùng, sau nhiều
thế kỉ ở đầu nhận của giao thương, vào cuối thế kỉ X dân đi biển Trung Quốc đã
được chính thức cho phép thực hiện các chuyến đi buôn riêng của họ. Cũng có các
ưu đãi về thuế. Tỉ lệ hàng hóa trong nước bị triều đình tự động trưng thu đã
được cắt giảm chỉ bằng một nửa và tiếp tục giảm sau đó. Người đóng tàu thuyền
đã học được cách đóng tàu đi biển. Họ dung nạp các phát minh từ giao thương
đường thuỷ nội địa Trung Quốc, chẳng hạn như các khoang kín nước và bánh lái
sau tàu, nhưng họ cũng sao chép các yếu tố của tàu Malay đã đến bờ biển của họ
trong nhiều thế kỉ. Ngay cả tên mà họ dùng chỉ các tàu này– po [舶: bạc] - có nguồn gốc Malay.
Trong nhiều năm
sau năm 1069, Vương An Thạch, một quan triều đình nhà Tống, đi tiên phong trong
cải cách nhằm tăng thu nhập của triều đình bằng việc kích thích thương mại.
Trong một thử nghiệm rất sớm với kinh tế tự do, thuế nhập khẩu được giảm và
việc quản lí giao thương được phân cấp cho các cảng. Đó là một thành công:
trong vòng 20 năm, giá trị trong giao thương đã tăng gấp đôi. Một cải cách khác
đã có hậu quả sâu rộng. Triều đình bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu tiền đồng. Loại
tiền tệ này lan toả nhanh chóng trên mạng lưới giao thương ở Biển Đông và tiền
đúc nhà Tống đã trở thành một phương tiện trao đổi tới tận Sumatra và Java.
Khoảng năm 1090
tàu Trung Quốc đã được cho phép chạy ra nước ngoài từ bất kì cảng nào, khuếch
trương thu nhập từ giao thương rộng rãi hơn nữa. Động thái này cũng cho phép
các thương nhân Phúc Kiến lấn vào công việc kinh doanh trước đây do người nước
ngoài độc quyền. Và cũng giống như người nước ngoài, họ cũng buộc phải theo gió
mùa và phải đợi ở các cảng nước ngoài cho tới khi gió đổi hướng. Trong lúc tạm
trú họ bắt đầu cắm rễ xuống tại chỗ: lập ra các đền thờ nữ thần đi biển Ma Tổ
(妈祖/Mazu) và manh nha ra các phố Tàu (Chinatown). Tuy nhiên hạn chế vẫn còn.
Tàu thuyền Trung Quốc chỉ được phép vắng mặt ở cảng trong 9 tháng, một chu kì
gió mùa. Họ chỉ có thể đi xa lắm là tới Sumatra trước khi phải quay về. Giao
thương phía Tây vào Ấn Độ Dương vẫn dành riêng cho tàu Arab, Ấn Độ và
Srivijayan. Tuy nhiên, bất chấp điều đó những thương nhân Trung Quốc mạo hiểm
hơn đã bắt đầu xông đến Ấn Độ và Vịnh Ba Tư.
Nhưng tại quê
nhà, triều đình nhà Tống phải chịu sức ép ngày càng tăng. Năm 1126, mất quyền
kiểm soát vùng đất phía Bắc vào tay quân xâm lược Nữ Chân (女真/Jurchen) từ Mãn
Châu, họ dời đô tới Hàng Châu trên bờ biển phía Đông. Lúc cuộc khủng hoảng nẩy
ra họ cấm tàu thuyền Trung Quốc đi ra nước ngoài và dừng việc nhập khẩu gần như
tất cả các hàng hoá sang trọng (với ngoại lệ đáng chú ý là ngà voi cần cho việc
làm khóa đai cho vua quan). Nhưng cuộc khủng hoảng này chỉ kéo dài nhiều nhất
là sáu năm tới khi nhà Tống bắt đầu cho tự do hóa giao thương lần nữa. Trong
vòng 14 năm, chính sách giao thương đã hầu như quay trở lại vị trí trước khủng
hoảng. Đòi hỏi phải giao thương là áp đảo. Vào khoảng thập niên 1160 cộng đồng
người nước ngoài ở Tuyền Châu đã trở nên lớn đến mức cần tới một nghĩa trang
riêng. Phần lớn các thương nhân này là người theo đạo Hồi, đạo Hồi đã bắt rễ ở
Champa cũng khoảng thời gian này, và họ đã có những quan hệ tốt đẹp với cả
người đạo Hồi ở Trung Đông lẫn cư dân đạo Hồi ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhà Tống kéo
dài thêm một thế kỉ nữa. Nhìn một cách tổng thể, giai đoạn từ lúc nhà Đường sụp
đổ năm 906 cho đến khi nhà Tống sụp đổ năm 1279 có vẻ như là một 'thời hoàng
kim' đầu tiên của giao thương quanh Biển Đông. Những thay đổi ở Trung Quốc và
Ấn Độ và sự phát triển của giao thương Hồi giáo đã mở ra những tăng trưởng lớn
trong giao thương và tạo ra của cải.[11] Đất
nước hùng mạnh nhất trong khối Champa là Vijaya, trở nên phồn thịnh vào thời
điểm này. Trái lại, Srivijaya lại suy sụp sau khi bị vương quốc Chola ở Nam Ấn
Độ xâm lược năm 1025. Điều này cho phép nhiều cảng khác xuất hiện dọc theo bờ
biển Sumatra, Java, Bali, Borneo và đất liền Đông Nam Á. Các đảo ở Philippines
(được biết với tên là Butuan [蒲端: Bồ Đoan] và Ma-yi [麻逸: Ma Dật] trong tài liệu
tiếng Trung) cũng bắt đầu được ghi nhận là các thực thể giao thương. Việc phát
hiện một kho báu vàng tuyệt vời ở thành phố Suriga của Philippines trên chóp
đảo Mindanao vào năm 1981, cho thấy một nhóm người quyền thế giàu có Hindu-hoá
đã ở đó vào thời gian này.
Nhiều hàng mới
đã được trao đổi, ngày càng đưa nhiều người và vùng lãnh thổ vào hệ thống giao
thương khu vực, và cuối cùng là toàn cầu. Nhưng vào cuối thế kỉ XIII, bùng nổ
dường như đã chuyển thành bại hoại. Trong năm 1275, Jambi, cảng chính của
Srivijaya bị cướp biển Java phá hủy. Vào lúc đó quân Mông Cổ từ phía Bắc cũng
đã tiến vào lãnh thổ nhà Tống. Việc người Mông Cổ cuối cùng chinh phục Phúc
Kiến và Quảng Châu năm 1279 dường như đã gây ra một sự suy giảm chung trong
giao thương khu vực và kéo dài cho đến khi họ bị mất quyền lực gần một thế kỉ
sau đó. Thay vào đó, Biển Đông đã trở thành một đấu trường xung đột khi ‘triều
đại nhà Nguyên’ của Mông Cổ tìm kiếm ảnh hưởng. Đặc biệt, Hốt Tất Liệt (Kublai
Khan), vua nhà Nguyên đã 14 lần phái chiến thuyến ra nước ngoài tiến hành các
cuộc tấn công phá hoại Champa và Java. Tuy nhiên, nếu không có nguồn của cải từ
giao thương đường biển, triều đại nhà Nguyên không thể tạo ra thặng dư cần
thiết để duy trì quyền lực của mình. Đến năm 1368, họ bị vứt vào sọt rác của
lịch sử.
Họ đã bị thay
thế bởi nhà Minh, triều đại gần như ngay lập tức đã cố gắng xóa bỏ giao thương
nước ngoài của tư nhân và một lần nữa đưa nó nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát
của triều đình. Quan hệ giao thương chính thức trở lại hình thức 'triều cống’
chứ không phải là thị trường mở và Quảng Châu đã được chỉ định là cảng 'hợp
pháp' cho tàu thuyền từ Đông Nam Á đến. Nhưng sau gần bốn thế kỉ giao thương tư
nhân do thương nhân Trung Quốc thực hiện và với một cơ sở hạ tầng các đại lí
cùng mạng lưới gia đình có sẵn quanh khu vực, giao thương không chính thức chưa
bao giờ bị triệt tiêu, đặc biệt là trong các doanh nghiệp của tỉnh Phúc Kiến.
Cuối cùng buôn lậu đã trở thành chi phối, đặc biệt là khi cộng đồng người Hoa ở
nước ngoài bắt đầu sử dụng giao thương 'cống nạp' làm vỏ bọc. Cuối cùng nhà
Minh quay lưng với biển và tập trung vào các vấn đề nội địa, nhưng chỉ sau việc
khẳng định ngoạn mục nhất của quyền lực nhà nước Trung Quốc trên biển: 30 năm
các 'chuyến đi thái giám'.
**********
Geoff Wade là
một nhà sử học Australia, một chuyên gia điềm đạm về triều đại nhà Minh và Minh sử lục (sử biên niên nhà Minh).
Nhưng nếu muốn làm ông phật ý, chỉ cần hỏi về Gavin Menzies và cuốn sách của
ông ta 1421: the Year China Discovered
the World (1421: năm Trung Quốc khám phá thế giới), mô tả các thứ được cho
là khám phá của đô đốc thái giám Trung Quốc Trịnh Hoà (Zheng He). Wade bởn cợt.
Ông nói ‘cuốn sách của Menzies là khá đáng chú ý về mặt là chẳng có một trong
những điều được khẳng định trong quyển sách là có chút xác thực nào. Các đô
đốc thái giám mà ông ta khẳng định là đã
đi vòng quanh thế giới lại chẳng hề đi qua Châu Phi, không có tài liệu Trung
Quốc hoặc tài liệu nào khác hậu thuẫn cho các chuyến đi được nêu, chẳng xác tàu
thuyền của Trung Quốc tìm được nằm ngoài Châu Á, và cũng không có các điểm định
cư hay kiến trúc nào của nhà Minh ngoài phạm vi Châu Á. Một kiểu thêu dệt
(fiction) với quy mô này lại có thể được công bố và được chào hàng như một sách
đứng đắn (non-fiction) là một lời buộc tội tệ hại cho ông Menzies, nhưng thậm
chí tệ hại nhiều hơn như vậy cho nhà xuất bản.[12]
Wade có thể tức giận nhiều hơn so với hầu hết chúng ta nhưng đây là quan điểm
chung của các nhà sử học về các khẳng định của Menzies. Menzies có thể đã sáng
tác ra phần lớn những điều trình bày nhưng chắc chắn rằng Trịnh Hoà là một nhân
vật lịch sử hấp dẫn: một người đạo Hồi ở Vân Nam, bị bắt trong cuộc xâm lược
của nhà Minh rồi bị hoạn, nhưng sau này lại giúp hoàng đế thứ ba nhà Minh thắng
lợi trong cuộc tranh giành ngôi vua. Hiện nay Trịnh Hoà được biết đến rộng rãi
đến nỗi khó có thể tin rằng đã có lúc ông từng là một khuôn mặt mờ nhạt. Điều
đó thay đổi vào tháng 10 năm 1984, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình
sử dụng viên đô đốc này để biện minh cho chính sách ‘mở cửa’ tham gia với
phương Tây trong một bài phát biểu trước Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản.
Trong những năm tiếp đó, Trịnh Hoà đã trở thành khuôn mặt xuất hiện trên các
quảng cáo cho chính sách trỗi dậy hòa bình của Bắc Kinh, một mẫu mực cho sự
tham gia của Trung Quốc với thế giới. Năm 2004, người chịu trách nhiệm tổ chức
lễ kỉ niệm lớn đánh dấu 600 năm chuyến đi đầu tiên của đô đốc này, Thứ trưởng
Thông tin Xu Zuyuan (Từ Tổ Viễn), tóm tắt những quan điểm chính thức của về
thành tựu của ông. Từ Tổ Viễn tuyên bố ‘như vậy những chuyến đi đó là những
hoạt động ngoại giao thân thiện. Trong tiến trình chung của bảy chuyến đi đến
Tây Dương, Trịnh Hoà đã không chiếm dù chỉ một mảnh đất, lập một pháo đài hoặc
tóm thu của cải của các nước khác. Trong hoạt động giao dịch và thương mại, ông
đã thực hành việc cho đi nhiều hơn ông nhận lại, và do đó ông được dân chúng
nhiều nước khác nhau trên tuyến đường chào đón và ca ngợi.[13]
Tuy nhiên,
Geoff Wade cho rằng cách trình bày này về Trịnh Hoà cũng gây ngộ nhận gần như
phiên bản của Gavin Menzies. Nghiên cứu của Wade về Minh sử lục phát hiện có 25
chuyến đi do các thái giám khác nhau chỉ huy trong những năm từ 1403 cho đến
đầu thập niên 1430, trong số đó Trịnh Hoà chỉ chỉ huy 5 chuyến. Đại đa số các
chuyến đi đều đến Đông Nam Á nhưng Trịnh Hoà trở nên nổi tiếng vì tàu của ông
đã đi xa hơn tới quanh Ấn Độ Dương. Wade cho rằng các chuyến đi đó không phải
là thực hiện nhiệm vụ hòa bình mà rõ ràng là phô trương sức mạnh. Mỗi chuyến đi
- có từ 50 tới 250 tàu – mang theo 20 000 quân được trang bị với các loại
vũ khí tiên tiến nhất lúc đó. Mục đích rõ ràng là để gây kinh khiếp. Trong
chuyến đi đầu tiên, được lệnh đi năm 1405, Trịnh Hoà dừng lại ở Palembang thuộc
đảo Sumatra, ở đó ông truy bắt Trần Tổ Nghĩa (陈祖义/Chen Zu-yi), một người chạy
trốn triều đình nhà Minh. Được biết có 5000 người bị chết trong giao tranh.
Cũng trong chuyến đi đó hạm đội của Trịnh Hòa đã đánh một đội quân ở Java, mà Wade
tin rằng có thể thuộc về Majapahit, đối thủ tranh giành uy thế với Trung Quốc ở
Biển Đông vào thời điểm đó. Trong một chuyến đi khác, vào năm 1411, Trịnh Hoà
xâm chiếm một thành phố của Sri Lanka, tiêu diệt quân đội thành phố này, bắt
vua mang về Trung Quốc và đưa lên một vua bù nhìn. Năm 1415, ông đã can thiệp
vào một cuộc nội chiến ở Sumatra và cũng có ý kiến cho rằng quân lính của ông
đã có hành vi tàn ác trên bán đảo Arab.[14]
Wade cho rằng
sự kiện là rất nhiều vua chúa và sứ thần đã được chuyển đến Trung Quốc trên tàu
của Trịnh Hoà cho thấy họ phải bị cưỡng ép đi và việc cưỡng ép này đã cho nhà
Minh quyền đi lại tới các cảng và các tuyến đường biển. Năm 1405 đô đốc Trịnh
Hoà thành lập một đồn trú đóng ở Malacca (tiếng Malay là Melaka), một thành phố
chỉ mới thành lập ba năm trước, đồn này cho phép quân Minh kiểm soát eo biển
chỗ nó được đặt. Đổi lại ông ta phong vương cho vua Malacca. Mục đích chung của
những chuyến đi này rõ ràng gồm hai mặt: kiểm soát các tuyến đường giao thương
và tạo cho hoàng đế mới giành được ngôi ở bản quốc tính chính đáng qua việc các
vua chúa nước ngoài tỏ lòng thần phục ông ta. Điều này khác xa với hình ảnh
chính thức về ‘sứ giả nổi bật của hoà bình và hữu nghị’ do Bắc Kinh đề cao.
Cuối cùng, cách ngoại giao pháo hạm này chỉ kéo dài 30 năm. Các quan lại triều
đình ghen tị kiềm chế bớt quyền lực của viên hoạn quan này. Ưu tiên chính sách
lại quay vào bên trong: bản đồ Trịnh Hoà bị đốt và tàu thuyền của ông bị để hư
dần hư mòn. Trung Quốc không có tàu hải quân khác có khả năng đi tới các đảo
của Biển Đông mãi đến khi họ được Hoa Kì biếu cho 500 năm sau đó.
Nhưng Đảng Cộng
sản Trung Quốc biết huyền thoại mạnh hơn lịch sử và nhà ngoại giao tốt bụng
Trịnh Hoà vẫn dong buồm ra đi bất cứ khi nào hợp tác hàng hải cần được thảo
luận ở Đông Nam Á hoặc một thỏa thuận đầu tư tổ chức ở Đông Phi. Nói chung
‘lịch sử chính thống’ vẫn đóng một vai trò quan trọng ở Trung Hoa Cộng sản, như
chỉ cần một chuyến viếng ngắn ngủi đến Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc tại Quảng
trường Thiên An Môn sẽ chứng thực điều đó. Nó củng cố cho quyền cai trị của
Đảng và hạ thấp đối thủ. Một khi mà một câu chuyện lịch sử đặc biệt trở thành
giáo điều của Đảng, thách thức nó sẽ là một hành động bất phục tùng ảnh hưởng
xấu đến sự nghiệp cá nhân. Ủng hộ nó với bằng chứng sẽ được tưởng thưởng.
Năm 1986, Cục
Quản lý Di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc đã lập ra Trung tâm Di sản khảo cổ
học dưới nước (UWARC) do Bảo tàng Quốc gia quản lí. Quyết định này được thúc
đẩy một phần bởi một nỗi sợ hãi rằng Trung Quốc đang mất quyền sở hữu các xác
tàu đắm ở xa vào tay các nhà trục vớt giàu tiền của nước ngoài. Nhưng Cục cũng
có một mục đích khác. Chuyến công tác đầu tiên trên sóng nước của UWARC là tới
Quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng nhưng Việt-Nam tuyên bố chủ quyền.
Tháng 3 năm 1999, giám đốc trung tâm, Zhang Wei, thông báo rằng các thợ lặn của
ông đã thu hồi được 1500 di vật có niên đại từ năm 907, ‘chứng tỏ rằng người
Trung Quốc là cư dân sớm nhất’ của quần đảo Hoàng Sa. Các nhà khảo cổ ít phe
phái cười to. Năm 907 triều đại nhà Đường mới vừa sụp đổ vì vậy nói xác tàu đó
có thể là một trong số các tàu đầu tiên nhất từ đất nước mới độc lập Mân Nam
chạy đi là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, có rất nhiều khả năng đó là tàu
của Malaysia hay Arab. Đồ gốm Trung Quốc được buôn bán trên toàn khu vực, và cả
bên ngoài. Lấy sự hiện diện của đồ gốm trên bất kì bãi ngầm nào làm bằng chứng
cho sở hữu lịch sử của Trung Quốc thì không hơn gì lấy sự hiện diện của hàng
ngàn vỏ sò cowry trong một ngôi mộ thời đại đồ đồng ở thị trấn An Dương (安阳/Anyang)
của Trung Quốc làm bằng chứng rằng tỉnh Hà Nam đúng lí ra phải thuộc về
Philippines.
Zhang, giám đốc
đầu của Trung tâm, không được bổ nhiệm làm một nhà phân tích độc lập về bằng
chứng lịch sử. Khi trình UWARC cho Uỷ ban Quốc tế về Di tích và Di chỉ vào năm
2005, Zhang giải thích rằng tổ chức này đang chuẩn bị ‘một hoặc hai cuộc trục
vớt xác những tàu đắm ở Quần đảo Nam Sa’ và rằng: ‘Các kết quả từ cuộc trục vớt
có thể chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi các đảo của Biển
Đông’[15].
Có một quan hệ cộng sinh giữa chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Trung tâm.
UWARC có một ngân sách mà các nhà khảo cổ khác trong khu vực chỉ có thể mơ tới.[16]
Chỉ riêng 'cơ sở nghiên cứu' của nó ở thành phố Thanh Đảo thôi cũng tiêu tốn $
24 triệu và UWARC còn có các trung tâm khác ở Hồ Bắc, Hải Nam và Phúc Kiến cộng
với một tàu nghiên cứu mới.[17]
Cuộc trục vớt xác tàu đắm 'Nam Hải Một' ở cửa Sông Châu được tài trợ với khoản
tiền là $ 150 triệu. Và UWARC trả lại sự ưu đãi này bằng việc phục vụ trung
thành với nhà nước: những phát hiện củng cố cho lịch sử chính thống và do đó
cho các kể lể về chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khắp trên biển
này, các nhà khảo cổ dưới nước khác thấy khó khăn hơn để nghiên cứu một chuyện
kể khác. Tháng 4 năm 2012, một đoàn công tác hỗn hợp Pháp-Philippines do Bảo
tàng Quốc gia ở Manila tổ chức điều tra một xác tàu đắm trên bãi cạn
Scarborough, 220 km về phía tây Luzon, đảo chính của Philippines.
Đóng trên tàu
phục vụ MV Sarangani, họ đã tuân thủ
cách thực hành tốt nhất: điều tra địa điểm tại chỗ, phi thương mại và với ý
định công bố các phát hiện của họ cho những người khác xem xét lại. Nhưng sau
đó một tàu hải giám Trung Quốc đến và ra lệnh cho họ phải rời đi - với lí do
xác tàu đắm này thuộc về Trung Quốc. Chỉ có các nhà khảo cổ Trung Quốc mới được
phép điều tra địa điểm đó để họ lại có thể tìm thấy ‘bằng chứng’ về chủ quyền
không thể tranh cãi của Trung Quốc.
Dù có những khó
khăn này, các nhà khảo cổ như Victor Paz, Peter Bellwood, Wilhelm Solheim, Pierre-Yves
Manguin và tất cả các đồng nghiệp của họ đã gom góp được đủ bằng chứng để kể
một câu chuyện rất khác về Biển Đông: đó là một nơi nhiều thứ tiếng trao đổi và
giao thương, ở đó các câu hỏi về chủ quyền là hoàn toàn khác với cách mà chúng
được đặt ra hiện nay. Cho đến đầu thế kỉ thứ XVI, một loạt các mandala Ấn hoá thống trị biển vùng Đông
Nam Á. Không có một sự kế tục rõ rệt từ trung tâm quyền lực này tới cho một
trung tâm kế. Việc hưng thịnh cũng như suy tàn của chúng đều diễn ra từ từ, và
trong thời gian dài có những lúc chúng cùng tồn tại một cách hòa bình, thường
thì không. Phù Nam, ở đồng bằng sông Cửu Long, nắm giữ ảnh hưởng từ thế kỉ I
đến thế kỉ IV; Champa, nơi bây giờ là miền Trung Việt Nam, từ thế kỉ VI đến
XVI; Sriwijaya, trên đảo Sumatra, từ thế kỉ VII đến XII; Angkor, ở hạ nguồn
Mekong, từ đầu thế kỉ thứ IX đến thập niên 1430; Majapahit, trên đảo Java, từ
thế kỉ XII đến XVI; và Malacca, trên bán đảo Malay, từ đầu thế kỉ XV cho đến
khi người Bồ Đào Nha đến vào đầu thế kỉ XVI. Có những lúc thế lực cai trị trên
bờ phía Bắc Biển Đông, khu vực mà ngày nay chúng ta gọi là Trung Quốc, can
thiệp vào công việc của các chính thể khác nhưng hiếm hoi và chỉ trong một thời
gian có hạn. Không có bất kì đất nước hoặc dân tộc nào ‘sở hữu’ Biển Đông dù theo
bất cứ ý nghĩa nào. Được biết tháng 9 năm 1975, Đặng Tiểu Bình đã nói với Lê
Duẩn rằng các đảo của Biển Đông ‘từ xa xưa đã thuộc về Trung Quốc.[18]
Cụm từ này xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong ba ấn phẩm Trung Quốc
vào tháng 11 năm 1975.[19]
Lời lẽ này đã được lặp đi lặp lại vô số lần từ đó nhưng, như chúng ta sẽ thấy,
việc xem xét lại các bằng chứng cho chúng ta biết ý thức sở hữu này không phải
có từ xa xưa mà chỉ rất gần đây.
----------------------------
Lời mở đầu
Chương 1: Từ tiền sử đến 15000
Chương 2: Bản đồ và đường vẽ: từ 1500 đến 1948
Chương 3: Nguy hiểm và ranh ma: 1946-1995
Chương 1: Từ tiền sử đến 15000
Chương 2: Bản đồ và đường vẽ: từ 1500 đến 1948
Chương 3: Nguy hiểm và ranh ma: 1946-1995
Chương 4: Biển Đông và Luật Quốc tế
Chương 5: Dầu khí ở Biển Đông
Chương 6: Chủ nghĩa dân tộc
Chương 7: Ngoại giao
Chương 8: Các vấn đề quân sự
[1] ‘Historical Evidence to Support China’s Sovereignty
over Nansha Islands’, Ministry of Foreign Affairs, PRC, 17/11/2000, xem trực
tuyến tại http://www.coi.gov.cn/scs/article/z.htm.
[2] Pierre-Yves Manguin, ‘Trading Ships of the South
China Sea’, Journal of Economic and
Social History of the Orient, vol. 36, no. 3 (1993), 253-80.
[3] Michael churchman, ‘Before Chinese and VietNamese in
the Red River Plain: The Han-Tang Period’, Chinese
Southern Diaspora Studies, vol.4 (2010), 25-37.
[4] Pye, Lucian W.,’China Erratic State, Frustrated
Society’, Foreign Affairs, 1 Sept. 1990. Web 17 Jul. 2014 http://www.foreignaffairs.com/articles/45998/Lucian-w-pye/china-erratic-state-frustrated-society.
[5] Wihlelm Solhelm, Archaeology
and Culture in Southeast Asia: Unravelling the Nusantao, Quezon City
(2007), 74.
[6] Derek Heng, Sino-Malay
Trade and Diplomacy from the Tenth Through the Fourteenth Century (Athens,
Ohio, 2007)
[7] Phỏng vấn cá nhân, Singapore 1/6/2012.
[8] Kate Taylor, ‘Treasures
Pose Ethics Issue for Smithsonian’, New York Times 24 Apr 2011.
[9] Phỏng vấn cá nhân, Singapore 1/6/2012.
[10] The origins of the word ‘China’ seem to come from
Southeast Asia. See Chapter 3 of Anthony Reid, Imperial Alchemy: Nationalism and Politacal Identity of Southeast Asia,(
Cambridge, 2011) and Geoff Wade, ‘The Polity of Yelang and the Origins of the Name
‘China’, Sino-Platonic Papers, no. 18
(May 2009). Có thể đọc tại http://www.sino-platonic.org.
[11] Geoff Wade, ‘An Early Age of Commerce in Southeast
Asia, 900-1300CE’, Journal of Southeas
Asian Studies, vol. 40 (2009), 221-65.
[12] Trao đổi qua email, 12/12/2013.
[13] Quoted in Geoff Wade, ‘The Zheng He Voyage: A
Reassessment’, ARI Working Paper, no.
31 (October 2004). Có thể xem tại http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps04_031.pdf.
[14] Ibid.
[15] Zhang Wei, ‘The Problem Encounter [sic] in the
Protection of UCH (underwater cultural heritages)’, paper delivered at the 15th
ICOMOS General Assembly and Scientifice Symposium in Xi’an, China 17-21 October
2005. Có thể xem tại http://www.international.icomos.org/xian2005/papers/4-45.pdf.
[16] Jeff Adams, ‘The Role of Underwater Archaeology in
Framing and Facilitating the Chinese National Strategic Agenda’, in Tami
Blumenfield and Helaine Silverman (eds), Cutural
Heritage Politics in China (New York, 2013), 261-82.
[17] ‘China starts Building Bases for Reseaching
Underwater Relics’, Xinhua 17March 2012.
[18] ‘On China’s Sovereignty Over Xisha and Nansha
Islands’, Beijing Review, 24 August
1979, 24.
[19] Chi-Kin Lo, China’s
Policy Towards Territorial Disputes: The Case of South China Sea Islands
(London, 1989), 94.
No comments:
Post a Comment