MẬT
DS (L) 584
Loạt hồ sơ của Ban
Ban nghiên cứu
DS số 15/75
GHI NHỚ CỦA BAN NGHIÊN CỨU
QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
TÓM TẮT
1. Quần đảo Hoàng Sa (HS) là một nhóm các đảo san hô và rạn san hô ở biển Đông. Từ lâu, quần đảo này đã được các thủy thủ châu Á và châu Âu biết đến. Cho đến nay, giá trị kinh tế chính của quần đảo là nguồn phân bón và các sản phẩm từ biển. (Đoạn 1 - 7)
2. Trong quá khứ, Pháp và Nhật đã tuyên bố chủ quyền với quần đảo này nhưng trong những năm gần đây, các bên tranh chấp là Việt Nam Cộng hòa (VNCH), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) và Trung Hoa dân quốc ở Đài Loan. Cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) lẫn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (CPCMLT) đều bỏ ngỏ lập trường của mình. Anh chưa bao giờ đòi chủ quyền quần đảo này. (Đoạn 8 - 14)
3. Nam Việt Nam cho rằng họ kế tục Pháp còn Pháp lại kế tục Đế quốc An Nam. Trung Quốc (TQ) đưa ra yêu sách chủ quyền dựa trên mối liên hệ lịch sử lâu dài với quần đảo. Tuy nhiên, cho đến những năm 1920, các bên yêu sách dường như ít chú ý đến quần đảo này. Trong những năm 1930, cả Pháp lẫn TQ đều thiết lập sự hiện diện trên quần đảo này, nhưng cả hai đều không tìm cách trục đuổi bên kia. Tình trạng này bị gián đoạn bởi sự chiếm đóng của Nhật Bản vào năm 1939, nhưng đã được lặp lại sau khi chiến tranh kết thúc. (Đoạn 14 - 30)
4. CHNDTH và VNCH tiếp tục chính sách chung sống của các chính quyền trước đó, bất chấp các tuyên bố và phản tuyên bố và các vụ đụng độ đôi khi xảy ra, cho đến tháng 1 năm 1974 (Đoạn 31 - 38)
5. Sau đó, trong một cuộc tấn công quân sự ngắn, TQ đã đánh bật Việt Nam ra khỏi vị trí và thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ quần đảo. (Đoạn 39 - 42)
6. Lí do để thực hiện hành động này dường như đã bao hàm sự cần thiết phải đáp trả một cách kiên quyết các chỉ dấu về một chính sách tích cực hơn của Nam Việt Nam nhằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ ở biển Đông từ mùa thu năm 1973. Sự hiện diện có thể có của dầu trong khu vực cũng có thể là một yếu tố. (Đoạn 43 - 46)
7. Kể từ tháng 1 năm 1974, TQ bận rộn củng cố vị trí của họ trên quần đảo nhưng hành động quân sự của họ không làm mạnh thêm vị thế pháp lí của họ. Phía Việt Nam tiếp tục duy trì yêu sách của mình cho đến khi VNCH sụp đổ vào tháng 4 năm 1975, nhưng khó có khả năng TQ sẽ bị trục khỏi đó bây giờ. Không rõ nhà cầm quyền mới của miền Nam Việt Nam có thể sẽ có thái độ như thế nào đối với các yêu sách của TQ. (Đoạn 47 - 49)
PHỤ LỤC A: Bản đồ biển Đông
PHỤ LỤC B: Bản đồ quần đảo HS
PHỤ LỤC C: Tên các đảo
Giới thiệu
1. Vào tháng 1 năm 1974, một hành động quân sự ngắn ngủi đã diễn ra tại quần đảo Hoàng Sa (HS) trên biển Đông, kết quả là quân CHNDTH đánh bật quân VNCH khỏi các đảo trong nhóm mà cho đến nay họ đã kiểm soát, và khẳng định quyền kiểm soát của TQ đối với tất cả các đảo thuộc quần đảo HS. Do đó, sự chú ý lại tập trung vào quần đảo HS vốn là đối tượng của các yêu sách trái ngược nhau. Bài viết này cập nhật và mở rộng bản ghi nhớ của Ban Nghiên cứu (LR 17/20) về cùng chủ đề được đưa ra vào ngày 25 tháng 9 năm 1959. Bài viết có tính đến nhiều thông tin lịch sử mới liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo đã được đưa ra ánh sáng từ năm 1959.
Vị trí địa lí và các đặc điểm tự nhiên
2. Quần đảo Hoàng Sa được tạo thành từ 200 đảo san hô và bãi đá ngầm. Tại Phụ lục A là bản đồ thể hiện tình hình của nhóm trên biển Đông, và tại Phụ lục B là bản đồ thể hiện các đảo của nhóm. Danh sách các đảo mang tên TQ và Việt Nam, nếu biết được, và tọa độ địa lí của chúng nằm ở Phụ lục C. Các đảo nằm trong khoảng từ 17° 20 'đến 16° bắc và từ 111° 13' đến 113° đông. Chúng nằm rải rác trên một khu vực dài khoảng 90 dặm và rộng 90 dặm. Trung tâm của nhóm cách đảo Hải Nam khoảng 200 dặm về phía đông nam, thuộc tỉnh Quảng Đông CHNDTH, và cách thành phố Đà Nẵng của VNCH khoảng 250 dặm về phía đông. Tuy nhiên, có một số bãi đá trong nhóm chỉ nằm cách bờ biển của CHNDTH khoảng 122 dặm, và một hòn đảo, Tri Tôn, cách đất liền Nam Việt Nam khoảng 130 dặm. Các đảo đều là đóng thấp; điểm cao nhất có vẻ là trên đảo Đá (Rocky), cao hơn mực nước biển không quá 40-50 feet.
3. Quần đảo này nằm trên tuyến đường biển trực tiếp từ Nam TQ đến Đông Nam Á. Rõ ràng là quần đảo này đã được các thủy thủ châu Âu biết đến ít nhất là vào cuối thế kỉ 16. Chẳng hạn, chúng xuất hiện với tên gọi "Ilha de Pracel" trên bản đồ trong bản in năm 1595 ở London của cuốn sách Discours of Voyages của Linschotten người Hà Lan. Chúng cũng được thể hiện trên nhiều bản đồ châu Âu được xuất bản trong suốt hai thế kỉ sau đó.
4. Hầu hết các công việc khảo sát trên quần đảo dường như được thực hiện bởi các thủy thủ Anh; điều này giúp giải thích tại sao rất nhiều quần đảo và rạn san hô có tên tiếng Anh. Một số tên trong số này sau đó đã được TQ và Việt Nam sử dụng qua việc dịch hoặc phiên âm theo các tên gốc tiếng Anh.
5. Các mô tả chi tiết về các kênh và nơi neo đậu của quần đảo có thể được tìm thấy trong China Sea Pilot (Hoa tiêu biển Đông), tập 1 trang 100-106 (do Hydrographer to the Navy xuất bản, bản in lần 3, London 1964). Một số lượng lớn xác tàu trên các đảo được mô tả trong sách đó chỉ ra cả tầm quan trọng của tuyến đường lẫn bản chất nguy hiểm của vùng biển xung quanh.
Đặc điểm của quần đảo
6. Có nước ngọt và thực vật trên một số đảo, nhưng không có dân bản địa. Khí hậu là nhiệt đới. Cho đến nay giá trị kinh tế chính của quần đảo là nơi dừng chân của ngư dân cả TQ lẫn Việt Nam, đồng thời là nguồn cung cấp phân chim và phốt phát. Bản ghi nhớ của Ban Nghiên cứu năm 1959 lưu ý rằng các báo cáo của TQ nêu rằng họ đã dành số tiền tương đương 114.000 bảng Anh để trang bị cho việc phát triển phân bón trên quần đảo. Khoảng 100 000 tấn được vận chuyển năm 1958, Người ta cũng tuyên bố rằng các sản phẩm biển trị giá 2,7 triệu nhân dân tệ đã thu được từ quần đảo vào năm 1958. Tờ Peking Kuangming Jihpao (Quang Minh nhật báo Bắc KInh) ngày 8 tháng 4 năm 1974 cho biết rằng vào năm 1973, khoảng 2000 picul (1 picul = khoảng 133 lbs : tạ) của các hải sản được lấy từ Hoàng Sa, và dự kiến rằng sản lượng của năm 1974 sẽ còn lớn hơn nữa. Một bài báo trước đó của Quang Minh, ngày 19 tháng 2 năm 1974, lưu ý rằng có dừa trên quần đảo cho trái nhiều. Hiện nay người ta cho rằng có thể có các mỏ dầu có giá trị trong khu vực này.
7. Vào những năm 1930, người ta tin rằng quần đảo này có thể có giá trị chiến lược như một căn cứ thủy phi cơ. Trên thực tế, quần đảo không được sử dụng cho mục đích như vậy. Nó được coi là có vị trí tốt cho các mục đích khí tượng.
Các bên yêu sách quần đảo
8. Trong quá khứ Pháp và Nhật đều yêu sách chủ quyền quần đảo này. Yêu sách của Pháp, dựa trên việc Pháp vốn là nước kế tục Đế quốc An Nam, có vẻ đã được chuyển cho Việt Nam từ năm 1954. Điều đó được thảo luận phía dưới. Yêu sách của Nhật, vốn bị người Pháp và người TQ tranh chấp, chỉ tính từ năm 1939 khi hải quân Nhật chiếm đóng quần đảo HS sau khi chiếm đảo Hải Nam. Theo Điều 2 (f) của Hiệp ước Hòa bình San Francisco 1951, Nhật Bản từ bỏ "Tất cả các quyền, quyền sở hữu và yêu sách đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo HS''.
9. Trong những năm gần đây, có hai nước yêu sách chủ quyền với quần đảo này: VNCH (Nam Việt Nam) và CHNDTH. Phe Quốc dân đảng TQ ở Đài Loan (những người tự xưng là chính phủ hợp pháp của TQ) cũng vậy, cho rằng quần đảo này thuộc về TQ. Vì Đài Loan không phải là một quốc gia riêng biệt nên các hành động của phe Quốc dân đảng hoặc nhân danh họ chỉ thích đáng trong mối liên hệ đến yêu sách của TQ. Chỉ những hành động diễn ra trước năm 1950 (khi Quốc dân đảng theo quan điểm của chúng tôi không còn là Chính phủ của TQ) mới giúp củng cố các yêu sách của TQ. Các hành vi kể từ năm 1950 về mặt pháp lí nghiêm ngặt là không thích đáng đối với vấn đề chủ quyền. Trên thực tế, kể từ khoảng năm 1950 không hề có sự hiện diện của phe Quốc dân đảng TQ trên quần đảo HS, và sự quan tâm của họ đối với quần đảo này dường như chỉ giới hạn ở những tuyên bố không thường xuyên rằng quần đảo này là của TQ. Quần đảo cũng được thể hiện như là của TQ trên các bản đồ được xuất bản dưới sự bảo trợ của Quốc dân đảng.
10. Một bên yêu sách tiềm năng khác, VNDCCH (Bắc Việt Nam), có thể đưa ra yêu sách như một quốc gia kế thừa Đông Dương thuộc Pháp, cho đến năm 1974 rõ ràng đã ngầm chấp nhận yêu sách của TQ. Ngày 22 tháng 9 năm 1958, Bắc Việt tuyên bố thừa nhận Tuyên bố của Chính phủ TQ vào ngày 4 tháng 9 vào ngày 14 tháng 9 về phạm vi lãnh hải của TQ. Việc chấp nhận này được thông báo theo các lời lẽ chung chung và không đề cập cụ thể đến các đảo, kể cả quần đảo HS, được liệt kê trong Tuyên bố của TQ như là lãnh thổ của TQ. Người ta từng tin rằng không có khả năng Bắc Việt thách thức yêu sách của TQ đối với quần đảo này. Tuy nhiên, một số nghi ngờ đã được đặt ra đối với niềm tin này bởi phản ứng của Bắc Việt đối với các sự kiện ở quần đảo HS vào tháng 1 năm 1974. Lúc đầu, Bắc Việt không sẵn sàng đưa ra bình luận, nhưng sau đó vào ngày 22 tháng 1, Bộ Ngoại giao Bắc Việt nói với Phóng viên AFP:
"Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là sự nghiệp thiêng liêng của mỗi người dân. Các vấn đề về lãnh thổ và biên giới giữa các nước láng giềng thường là kết quả của các tranh chấp lịch sử và đòi hỏi phải xem xét thật cẩn thận và nghiêm ngặt. Những vấn đề này phải được giải quyết qua thương lượng và trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt đẹp ”.
Mặc dù tuyên bố này dường như ngụ ý rằng câu hỏi về quần đảo HS là một vấn đề cần thảo luận và Bắc Việt không sẵn sàng tán thành các yêu sách của TQ hoặc Nam Việt Nam, nhưng không có dấu hiệu tiếp theo nào về cách Bắc Việt nghĩ về câu hỏi này.
11. Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (CPCMLT), hiện nay (tháng 5 năm 1975) nắm quyền kiểm soát toàn bộ miền Nam Việt Nam, trong quá khứ chưa bao giờ đưa ra yêu sách cụ thể đối với quần đảo này. Sau cuộc đụng độ tháng 1 năm 1974, các phát ngôn viên của CPCMLT thường không chấp nhận bị lôi kéo vào câu hỏi về quần đảo HS. Tuy nhiên, báo cáo từ Sài Gòn cho biết tại Uỷ ban Liên hợp quân sự hai bên ở Sài Gòn ngày 30 tháng 1 năm 1974, một người phát ngôn của CPCMLT có nói: "Sự cố quần đảo HS một ngày nào đó sẽ được giải quyết trên tinh thần anh em và hòa giải". Trong các báo cáo do các nguồn của chính phủ VNCH đưa ra, các đại diện của CPCMLT tại Bắc Kinh và New Delhi đã bình luận về cuộc đụng độ Hoàng Sa tương tự như những điều mà Bắc Việt Nam sử dụng được trích dẫn ở trên. Do đó, có vẻ như CPCMLT cũng hàm ý rằng có một cuộc tranh chấp mà họ có thể là một bên trong đó. Việc các lực lượng tự xưng đại diện cho CPCMLT chiếm đóng gần đây đối với một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa trước đây do VNCH nắm giữ cũng có thể có những hàm ý đối với Hoàng Sa.
Lập trường của Anh
12. Mặc dù quần đảo HS đã được các thủy thủ Anh biết đến từ lâu, nhưng Anh chưa bao giờ quan tâm nhiều đến quần đảo này. Chưa bao giờ có yêu sách của người Anh đối với bất kì đảo nào và Anh tránh đưa ra bất kỉ lập trường công khai nào đối với quyền sở hữu của chúng. Cách tiếp cận gần nhất đối với lập trường công khai của Anh là tuyên bố trong China Sea Pilot (Hoa tiêu biển Đông) rằng TQ sáp nhập các đảo vào năm 1909. Quyển Hoa tiêu biển Đông là một ấn phẩm chính thức.
13. Quan điểm của Anh vào đầu thế kỉ 20 dường như cho rằng quần đảo này thuộc trách nhiệm của TQ. Vào những năm 1920, khi Pháp quan tâm đến quần đảo, Anh có xu hướng ủng hộ yêu sách của TQ chống lại Pháp, vì những lí do chiến lược. Quan điểm này của Anh vẫn tiếp tục duy trì cho đến khi Nhật sáp nhập quần đảo vào năm 1939, Bộ Hải quân đặc biệt quan tâm đến việc giữ quần đảo này nằm khỏi tay người Pháp.
14. Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, quan tâm chính của Anh là ngăn ngừa tranh chấp Hoàng Sa dẫn đến một sự cố quốc tế lớn. Do đó, trong sự kiện 1959, được mô tả dưới đây, Đại sứ Anh tại Sài Gòn đã được chỉ thị cảnh báo Tổng thống Diệm về những nguy hiểm liên quan đến việc Việt Nam bắt giữ ngư dân TQ. Trong cuộc đụng độ gần đây nhất vào tháng 1 năm 1974, Anh đã từ chối đưa ra một lập trường công khai.
Yêu sách của VNCH
15. Yêu sách của Việt Nam, như đã kê ra, chẳng hạn, trong ấn phẩm của Bộ Thông tin Vietnam Yesterday and Today, tháng 1 - tháng 2 năm 1974, trong một bức thư của Bộ Ngoại giao VNCH gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 1 năm 1974, và trong Bạch thư về các quần đảo HS (Paracels) và Trường Sa (Spratlys), do Bộ Ngoại giao Saigon phát hành vào tháng 2 năm 1975, đã trình bày như sau:
(a) Chủ quyền đối với quần đảo này đã được Đế quốc An Nam, Pháp và nay là VNCH lần lượt thực thi. Có thể khẳng định rằng quần đảo này đã được người dân Việt Nam biết đến ít nhất từ năm 1700 khi chúng được Hoàng đế An Nam lúc bấy giờ chỉ định cho "Đội Hoàng Sa" (Quần đảo Cát Vàng). Vào thời điểm đó, quyền độc quyền khai thác tài nguyên trên đảo đã được Hoàng đế trao cho một số binh lính nhất định. Một số tài liệu nói rằng Đế quốc An Nam bắt đầu thực hiện chủ quyền đối với quần đảo từ việc thành lập một đơn vị phòng thủ đặc biệt cho Hoàng Sa vào năm 1802; các tài liệu khác nói rằng quần đảo đã được Hoàng đế chính thức sáp nhập vào năm 1816. Từ đó trở đi, quần đảo được thể hiện trên bản đồ của An Nam, trong khi yêu sách đối với quần đảo được củng cố qua việc xây dựng một ngôi miếu và các công trình kiến trúc khác. Với việc Pháp nắm quyền ở Đông Dương vào cuối thế kỉ 19, quyền quản lí quần đảo được chuyển qua những người cai trị mới của An Nam. Trong thời kì này, phía TQ không đưa ra bất kì yêu sách nào đối với quần đảo và thực ra đã không nhận trách nhiệm đối với nó liên quan đến các đơn khiếu nại Bảo hiểm phát sinh từ vụ hai tàu (tàu "Bellona" và "Himeji Maru") bị đắm vào năm 1894 và 1895 .
(b) Các tài liệu của Việt Nam thừa nhận rằng người Pháp không quan tâm nhiều đến quần đảo này vào đầu thế kỉ 20, và do sự thờ ơ này, không có sự phản đối nào của phía Pháp khi Chính phủ TQ sáp nhập quần đảo này vào năm 1909. Sự quan tâm ngày càng tăng của Nhật Bản đối với quần đảo này trước những năm 1920 cũng bị người Pháp phớt lờ.
(c) Nhưng từ khoảng năm 1920 trở đi, người Pháp tích cực khẳng định quyền kiểm soát của họ đối với quần đảo. Họ bắt đầu tuần tra thường xuyên bằng tàu hải quan và hải quân, dựng một đèn biển và đặt một đồn trú đóng nhỏ của lính An Nam trên một đảo trong quần đảo. Năm 1932, quần đảo HS được chính thức sáp nhập vào Đông Dương thuộc Pháp như một đơn vị hành chính. Hành động này của Pháp đã được hoàng đế Bảo Đại xác nhận vào năm 1938.
(d) Việc kiểm soát quần đảo bị gián đoạn do sự chiếm đóng của Nhật từ năm 1939 đến năm 1945, nhưng đã được tiếp tục lại vào năm 1945. Yêu sách đối với quần đảo này được khẳng định tại Hội nghị Hòa bình San Francisco năm 1951, và cùng với sự kết thúc sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam vào năm 1954, quyền kiểm soát các đảo được chuyển giao cho VNCH.
Xem xét lại yêu sách của Việt Nam
16. Không thể xác minh phần lớn tuyên bố lịch sử suốt thời kì tiền Pháp. Cuốn sách gần đây do Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên xuất bản tại Saigon (Võ Long Tê, Les Archipels de Hoàng-Sa et de Trường-Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d'histoire et de géographie [Quần đảo HS và TS theo sách sử địa cổ của VN], Saigon, 1974.) chứa các đoạn trích từ các sách vở cũ hậu thuẫn yêu sách của Việt Nam rằng quần đảo này đã được Đế quốc An Nam biết đến ít nhất từ thế kỉ 18. Quần đảo được thể hiện trên một số bản đồ đương đại của Đế quốc An Nam được in lại trong sách, ví dụ như trong "Đại Nam Nhất thống toàn đồ" được sản xuất vào khoảng năm 1838, nhưng công trình này không chứa bất kì bằng chứng nào hậu thuẫn cho tuyên bố rằng các đảo được chính thức sáp nhập vào Đế quốc An Nam vào năm 1802 hoặc năm 1816. Bạch thư năm 1975 cũng vậy.
17. Một số sách phương Tây thế kỉ 19 đề cập đến quần đảo, nhưng không phải tất cả đều hậu thuẫn lập luận của Việt Nam. Một sĩ quan hải quân Mĩ, John White, từng đến quần đảo vào thập kỉ 1820 đã mô tả chúng rất chi tiết, nhưng không cho biết chúng thuộc về ai (A Voyage to Cochin China, London 1824, trang 95-96). Năm 1930, Thư viện Văn phòng Ngoại giao cho rằng tờ Gazetteer of the World năm 1856 đã liệt kê quần đảo này là phụ thuộc của Đế chế An Nam. Một công trình mô tả về Cochin China (xứ Đàng Trong) được xuất bản tại Paris năm 1862 đã liệt kê các lãnh thổ tạo nên xứ Đàng Trong, và ngày mà những lãnh thổ này được Pháp nắm lấy. Về Hoàng Sa, nó có ghi: "Beaucoup plus loin de la côte en face de Hue, est l'archipel de Paracel, ou Kat-vang, rempli d'écueils ...." [Cách rất xa bờ biển đối diện với Huế là quần đảo HS, hay Kát Vàng, phủ đầy với các rạn san hô…] (E Cortambert và Leon de Rosny, Tableau de la Cochin-Chine, Paris, 1862, trang 7). Ngày nắm giữ các quần đảo không được đưa ra. Một sách khác, Souvenirs de Huế của Michel đức Chaigneau, xuất bản ở Paris năm 1867, viết rằng: "La royaume d'Annam, qui occupe presque tout le littoral de l'Indo-Chine, est composé de la Cochin-Chine, de Tonquin, d'une partie du Cambodge, de quelques l'îles près de la côte, et de l'archipel de Paracel, formé d'îlot, d'écueils et et de rochers inhabités."[Vương quốc An Nam chiếm gần như toàn bộ vùng ven biển của Đông Dương, bao gồm Đàng Trong, Đàng Ngoài, một phần của Campuchia, một số đảo gần bờ, và quần đảo HS được hình thành từ các đảo nhỏ, rạn san hô, đá không người ở].
(Ghi chú: Các tài liệu Việt Nam thường gán cuốn sách này cho Chaigneau cha, tức là JB Chaigneau, người đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ Pháp-An Nam vào đầu thế kỉ 19, và đã mất vào năm 1820, thay vì gán cho con trai ông, do đó hàm ý răng bằng chứng "độc lập" cho HS thuộc An Nam có sớm hơn nhiều).
18. Việt Nam khẳng định rằng việc TQ xử lí các đơn đòi bảo hiểm phát sinh từ vụ 2 tàu "Bellona" và "Himeji Maru" bị chìm trên quần đảo HS lần lượt vào năm 1894 và 1895, hậu thuẫn quan điểm của họ rằng Hoàng Sa chưa bao giờ là của TQ. Phiên bản của Việt Nam là sau vụ hai tàu đắm này, các công ti Anh bảo hiểm số đồng chở trên tàu đã tìm cách nhờ Bộ trưởng Anh tại Bắc Kinh giúp đỡ trong việc khắc phục hậu quả vì số hàng này đã bị ngư dân từ đảo Hải Nam của TQ hôi của. Phiên bản đó cáo buộc Chính quyền TQ đã từ chối tất cả trách nhiệm và cho rằng quần đảo này không thuộc Hải Nam, do đó theo Vietnam Yesterday and Today, "ngầm đùn đẩy trách nhiệm lại cho chính quyền Đông Dương".
19. Xem xét lại các hồ sơ của Bộ Ngoại giao Anh liên quan đến vụ này không xác nhận cách giải thích của Việt Nam về các sự kiện này. Các tài liệu này nêu rõ rằng Chính phủ TQ đã từ chối xem xét đơn đòi bồi thường của các công ti Bảo hiểm trên các cơ sở sau: (i) rằng các đơn đó đã được nộp sau sự kiện có liên quan rất lâu; (ii) rằng các công ti đã không thực hiện đầy đủ nỗ lực để cứu hộ; và (iii) một phần của đơn khiếu nại, liên quan đến việc các nhà chức trách trên đảo Hải Nam không cung cấp trợ giúp thích đáng trong việc truy tìm số đồng bị đánh cắp, không có giá trị vì các quy định về cứu hộ năm 1876 của TQ không được tuân thủ. Tại Luân Đôn, các quan chức luật Hoàng gia lập luận rằng có thể đã tồn tại một khiếu nại hợp lệ với nhà chức trách ở Hải Nam vì đã không trợ giúp trong việc việc thu hồi đồng, nhưng sự chậm trễ quá lớn có nghĩa là không nên ép đưa đơn khiếu nại bồi thường. Không có gì trong các giấy tờ này cho thấy TQ phủ nhận việc họ có trách nhiệm đối với các đảo và chắc chắn không có đề cập đến trách nhiệm đối với các đảo nằm về chính quyền Pháp ở Đông Dương.
(Lưu ý: Bản sao của những giấy tờ này đã được chuyển đến toà Đại sứ Nam Việt Nam tại London vào năm 1974, theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao tại Sài Gòn sau khi HMG [CP Anh] chỉ ra rằng hồ sơ của chúng tôi không hậu thuẫn quan điểm đưa ra trong Vietnam Yesterday and Today. Có thể vì vậy, tuyên bố cuối cùng của Việt Nam về vụ này mà chúng ta thấy, tức là Bạch thư tháng 2 năm 1975, không đề cập đến lập luận dựa trên hai vụ đắm tàu.)
20. Sự quan tâm của người Pháp đối với quần đảo sau năm 1920 được ghi nhận đầy đủ. Việc tuần tra tích cực hơn của hải quân đối với quần đảo được đề cập trong một cuốn sách nhỏ của P A M Lapique, A Propos de îles Paracels, xuất bản tại Sài Gòn năm 1929. Cuốn sách của Võ Long Tê và Bạch thư trích dẫn mô tả chính thức của Tuyên bố 1932 và 1938 như: "Arrête No 156 SC de 15 Juin 1932 du Gouverneur Général de l'Indochine portant sur l'organisation administrative des îles de Hoang-Sa à la province de Thừa-Thiên" [Sắc lệnh số 156 SC ngày 15/6/1932 của Toàn quyền Đông Dương về tổ chức hành chính của quần đảo HS thuộc tỉnh Thừa Thiên]. (Nam-triều Quốc-ngữ Công-báo (Bulletin officiel [de la court de Huế en langue annamite], năm 1931, No 8, trang 223). Một Sắc lệnh năm 1939 của Toàn quyền Pháp sửa đổi Sắc lệnh năm 1932 như sau: Hai "Phái đoàn hành chính" được thành lập tại quần đảo HS dưới tên gọi "Phái đoàn Crescent (Trăng Khuyết) và các đảo phụ thuộc" và "Phái đoàn Amphitrite (An Vĩnh) và các đảo phụ thuộc”. Các quan chức đứng đầu hai "phái đoàn" này sẽ cư trú lần lượt trên đảo Hoàng Sa và đảo Phú Lâm (Bulletin Administratif de l'Annam số 9 ngày 5 tháng 6 năm 1939.) Nhiều báo cáo chính thức khác nhau nói rõ rằng người Pháp đã đóng quân ỏ một số đảo của nhóm này vào những năm 1930 và cũng dựng lên các tòa nhà, trong đó có cả "đồn cảnh sát" trên các đảo Phú Lâm và đảo Hoàng Sa và một đèn biển trên đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, hiện không có ngọn đèn biển nào được liệt kê trên đảo này trong China Sea Pilot.
21. Sắc lệnh năm 1939 của Toàn quyền Pháp có vẻ đã được ban hành sau khi quân Nhật nắm giữ quần đảo HS. Công báo Nhật Bản ngày 18 tháng 4 năm 1939, công bố Sắc lênh ngày 30 tháng 3 năm 1939 thông báo việc sáp nhập "Shinnan Gunto" (Tân Nam quần đảo) vào Đế quốc Nhật Bản - một cụm từ được sử dụng để chỉ cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa. Một bản fax của sắc lệnh Nhật Bản được tìm thấy trên tờ Ming Pao Monthly (Minh báo nguyệt san), Hong Kong, tháng 12 năm 1974.
22. Mặc dù Việt Nam khẳng định rằng Pháp đã chiếm lại Hoàng Sa vào đầu năm 1946, nhưng người Pháp dường như không có bất kì hành động nào đối với quần đảo này cho đến khi Bộ Ngoại giao TQ thông báo vào tháng 1 năm 1947 rằng TQ đã chiếm đóng quần đảo HS sau khi Nhật thua trận. Pháp phản đối và phái một tàu khu trục nhỏ, "La Tonkinoise'', đến quần đảo HS. Phía Pháp không cố tìm cách gây chiến với phía TQ, nhưng một nhóm từ tàu này đã được đổ bộ lên đảo Hoàng Sa. Thời báo New York đưa tin vào tháng 8 năm 1947 rằng cả hai nhóm quân vẫn còn ở trên quần đảo. Có nguồn tin cho rằng Pháp vẫn trú đóng trên đảo Hoàng Sa cho đến ít nhất là năm 1952.
23. Việt Nam khẳng định rằng yêu sách của họ đối với quần đảo này đã được đưa ra trước Hội nghị Hòa bình San Francisco năm 1951 - "Việt Nam" tham dự Hội nghị với tư cách là một Quốc gia trong khối liên hiệp Pháp, và đã kí kết Hiệp ước Hòa bình được nhắc đến trong các tường thuật báo chí đương thời, chẳng hạn như báo Tiếng Dội ở Sài Gòn ngày 13 tháng 9 năm 1951 và Revue France-asie tháng 12 năm 1951. Chưa xác nhận được là có thể truy tìm một tuyên bố như vậy trong hồ sơ chính thức của Hội nghị Hòa bình do Văn phòng Ngoại vụ lưu giữ. Đó có thể là tuyên bố này được đưa ra bên ngoài các phiên chính thức của Hội nghị. Cũng chưa xác nhận được có thể truy được bằng chứng nào về việc Pháp chính thức bàn giao quần đảo này cho VNCH năm 1954 hoặc sau đó. Rõ ràng là vào năm 1955, VNCH đã có quân đóng trên một số đảo, và năm 1956, đại diện Ngoại giao của Pháp tại Manila nói với Đại sứ Anh rằng, trong khi Pháp vẫn duy trì yêu sách đối với quần đảo Trường Sa, thì yêu sách đối với quần đảo HS đã chuyển cho Việt Nam. Bộ Ngoại giao Pháp đã xác nhận riêng vào tháng 1 năm 1974 rằng họ coi các tuyên bố chủ quyền của Pháp đối với cả Trường Sa và Hoàng Sa như đã hết hiệu lực, nhưng họ không muốn công bố rộng rãi về điều này.
Yêu sách của CHNDTH
24. Yêu sách của CHNDTH đối với quần đảo HS phần lớn dựa trên một kết nối lịch sử lâu dài. Nó lờ đi sự hiện diện của Pháp và Việt Nam trên các đảo, hàm ý rằng thách thức duy nhất đối với người TQ là từ người Nhật. Theo phía TQ:
(a) Quần đảo này đã được TQ biết đến trong hơn một ngàn năm. Nó đã được ngư dân TQ thường xuyên lui tới ít nhất là từ thế kỉ 15. Quần đảo này đã xuất hiện trên bản đồ TQ kể từ thời kì đó và được nói đến trong sách vở TQ, dù các tên "Hsuan-Te Ch'un-Tao" (Tuyên Đức quần đảo) cho nhóm An Vĩnh và "Yung-lo Ch'un-Tao" (Vĩnh Lạc quần đảo) cho nhóm Lưỡi Liềm là tên thời nhà Minh (nhà Minh từ 1368-1644). Theo một bài báo của Nhân dân Nhật báo vào ngày 5 tháng 6 năm 1950 với tựa đề "Sự xâm phạm chủ quyền của TQ đối với quần đảo Nam Sa là không thể dung thứ", Nhóm đảo này như một tổng thể được gọi là "Ch'i-chou-yang" (Thất Châu Dương) hay "Đại dương 7 đảo)”, và thường được nói đến bằng cái tên này.
(b) Năm 1907, tư lệnh hải quân của tỉnh Quảng Đông, đề đốc Li Chuẩn, do bị báo động trước sự quan tâm ngày càng tăng của Nhật Bản đối với các đảo ở biển Đông, đặc biệt là ở rạn đá Pratas, đã cử một phái đoàn đến thị sát các đảo khác nhau và làm rõ chủ quyền của TQ qua việc dựng cờ và cột mốc. Quần đảo HS đã được đến viếng như một phần của cuộc thực hành này, và Li Chuẩn đã thấy các ngư dân TQ đang làm việc trên quần đảo này. TQ thừa nhận rằng những biện pháp này không ngăn cản được sự quan tâm của Nhật Bản đối với quần đảo, nhưng tuyên bố rằng TQ luôn kiên cường chống lại sự xâm lấn của Nhật và phần lớn đã thành công trong việc này cho đến khi Nhật sáp nhập quần đảo vào năm 1939.
(c) Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, "Chính phủ TQ lúc đó" đã tiếp thu quần đảo HS sau khi Nhật Bản đầu hàng. Sau khi nước CHNDTH được thành lập, Chính phủ mới đã thực hiện các biện pháp tích cực để khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát hiệu quả của mình đối với quần đảo này.
Xem xét lại yêu sách của TQ
25. Đúng là quần đảo này xuất hiện trên bản đồ TQ và được nhắc đến trong sách du kí và lịch sử của TQ ít nhất là từ thời nhà Minh. Một số ví dụ về bản đồ và sách vở có từ thời kì này có thể được tìm thấy trong một bài báo trên tờ Minh Báo Nguyệt san của Hồng Kông tháng 5 năm 1974. Loại bằng chứng này tự bản thân nó không cấu thành bằng chứng có tính quyết định rằng quần đảo này là của TQ. Không có thông tin thực chất nào có thể tiếp cận được chỉ ra việc TQ quan tâm tích cực đối với quần đảo trong thế kỉ 19. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là chính quyền Quảng Đông đã không chối bỏ một cách tường minh trong vụ "Bellona" và "Himeji Maru" rằng quần đảo có thể thuộc trách nhiệm của họ. Họ dường như cũng biết rằng các ngư dân từ Hải Nam đã có đến quần đảo này.
26. Bằng chứng thực sự đầu tiên về sự quan tâm tích cực của TQ đối với quần đảo có vẻ là vào năm 1909, không phải năm 1907 như TQ khẳng định. Vào tháng 7 năm 1909, Bộ trưởng Anh tại Bắc Kinh báo cáo rằng đề đốc Lí Chuẩn đã đến quần đảo này do tranh chấp với Nhật Bản về rạn đá Pratas. Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng ngày 10 tháng 6 năm 1909, chuyến đi tới các đảo khác nhau không nhằm mục đích sáp nhập lãnh thổ mới, mà để khẳng định lại yêu sách của TQ đối với các đảo ở biển Đông. Không đề cập nào được đưa ra về quan tâm của Đông Dương thuộc Pháp đối với quần đảo. Thủ thư Bộ Ngoại giao, tổng hợp những gì đã biết về Hoàng Sa vào năm 1920, lưu ý rằng vào năm 1912-1913, British Imperial Merchant Service Guild [Hiệp hội Dịch vụ Thương gia Hoàng gia Anh Guild] (một cơ quan tư nhân liên quan đến việc cung cấp đèn biển) đã cố gắng cho xây một đèn biển trên quần đảo HS. Nhân viên của Guild tại Sài Gòn đã báo cáo vào thời điểm đó rằng quần đảo này là của TQ, đã được sáp nhập vào năm 1909.
27. Có rất ít bằng chứng khác về sự quan tâm của TQ đối với quần đảo từ sau năm 1909 cho đến cuối những năm 1920. Văn phòng Ngoại giao Anh nói với Bộ Hải quân vào tháng 10 năm 1922 rằng Hải quan TQ khi đó đang có ý định phái một tàu thu thuế hải quan đến quần đảo này để biểu thị chủ quyền của TQ và thực hiện một cuộc khảo sát. Không rõ chuyến đi này có thật sự diễn ra hay không. Có bằng chứng cho thấy Chính quyền tỉnh Quảng Đông đã tiến hành khảo sát quần đảo vào năm 1927 hoặc 1925. Năm 1930, một báo cáo của cơ quan báo chí nói rằng Chính phủ TQ đề nghị thành lập một trạm thời tiết và trạm vô tuyến trên quần đảo. Tờ British Legation ở Bắc Kinh năm 1930 cũng đã tường thuật rằng TQ đang nghĩ đến việc thắp sáng các hòn đảo.
28. Mặc dù CHNDTH đã phớt lờ việc Pháp sáp nhập các đảo vào năm 1932 khi chi tiết hoá tuyên bố chủ quyền của mình, nhưng Chính phủ TQ khi đó có phản đối sắc lệnh sáp nhập quần đảo của Pháp. Tờ British Legation đưa tin rằng các bài báo bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Pháp đối với quần đảo đã xuất hiện trên Minkuo Jihpao (Dân quốc Nhật báo) - báo của Quốc dân đảng cầm quyền ngày 19 tháng 5 năm 1932 và trên tờ Shih Chieh Jihpao (Thế giới Nhật báo) ngày 3 tháng 8 năm 1932. Một bài báo khác về lập trường của TQ, trên Minkuo Jihpao ngày 8 tháng 8 năm 1932, được in lại dưới dạng fax trên tờ Minh Báo cho tháng 12 năm 1974. Quần đảo Hoàng Sa, cũng như quần đảo Trường Sa, được thể hiện là lãnh thổ TQ trong tập Bản đồ Bưu điện chính thức của TQ, do Tổng giám đốc Bưu điện xuất bản ở Nam Kinh năm 1936.
29. Quân đội TQ đóng trên đảo Phú Lâm vào năm 1947 (xem đoạn 22 ở trên), dường như đã ở lại quần đảo này cho đến khi phe Quốc dân đảng TQ bị phe Cộng sản đánh bại vào năm 1949. Không rõ quân Quốc dân đảng rút khỏi quần đảo khi nào; phía Pháp đã báo cáo vào tháng 5 năm 1950 rằng cờ của Quốc dân Đảng TQ vẫn còn bay trên một số đảo ở nhóm phía bắc của quần đảo HS. Có khả năng cuộc rút lui của phe Quốc dân đảng đã diễn ra trước khi Pháp tới, gần như ngay sau đó. Sau khi quân Cộng sản chiếm được đảo Hải Nam vào tháng 4 năm 1950, quân Quốc dân đảng sẽ rất khó tiếp tục tiếp tế cho quân lính đóng trên quần đảo HS. Một báo cáo của United Press từ Đài Bắc vào tháng 9 năm 1951 nói rằng không có quân lính Quốc dân đảng nào trên đó.
30. Không rõ Chính quyền mới của TQ đưa ra yêu sách của TQ đối với quần đảo HS lại vào lúc nào. Mặc dù chương trình phát sóng vào tháng 5 năm 1950 từ Đài phát thanh Bắc Kinh, có dẫn "các nguồn có thẩm quyền" (sic) ở Bắc Kinh, có nói đến quần đảo Trường Sa và các đảo khác ở biển Đông, là của TQ, không có đề cập cụ thể nào tới quần đảo HS. Tuyên bố chính thức đầu tiên đề cập đến quần đảo này được đưa ra trong tuyên bố của Chou En-Lai về bản dự thảo Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản của Mĩ - Anh vào ngày 15 tháng 7 năm 1951, họ Chu khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao. Tuyên bố này lưu ý rằng dự thảo Hiệp ước quy định việc Nhật từ bỏ Hoàng Sa và các đảo khác nhưng không giao chúng cho quốc gia nào. Chu phản đối sự thiếu sót này và khẳng định yêu sách của TQ về "chủ quyền bất khả xâm phạm" đối với quần đảo này.
31. Mặc dù CHNDTH không được mời tham dự Hội nghị San Francisco, nhưng quan điểm của nước này về quần đảo HS và các vùng lãnh thổ khác có nêu trong Hiệp ước Hòa bình đã được Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, ông Gromyko đưa ra vào ngày 5 tháng 9 năm 1951. Ông nói rằng dự thảo Hiệp ước đã “vi phạm rõ ràng các quyền hợp pháp của người dân TQ đối với các bộ phận không thể tách rời của TQ: Đài Loan (Formosa), Bành Hồ (Pescadores), Hoàng Sa và các vùng lãnh thổ khác bị cắt khỏi TQ do sự xâm lược của Nhật Bản.” Dù có các tường thuật của báo chí năm 1950 và 1951 rằng phe Cộng sản TQ đã có ý định chiếm quần đảo HS, hành động tích cực mà TQ có vẻ đã thực hiện để hậu thuẫn yêu sách chủ quyền của họ là việc họ đưa quần đảo HS và các đảo khác ở biển Đông lên bản đồ của TQ.
Diễn biến tranh chấp giữa CHNDTH và VNCH
32. Tạp chí China Reconstructs (Tái thiết TQ) tháng 3 năm 1959 cho biết từ năm 1953 đảo Phú Lâm đã được phát triển đến mức mà vào năm 1955, nó có dân số vài trăm người, bao gồm công nhân trong một xí nghiệp phân bón nhà nước, nhân viên của một trạm khảo sát hải sản, nhân viên khí tượng, ngư dân và khoảng 200 lao động thời vụ đến từ tỉnh Quảng Đông. Mặc dù không có bằng chứng độc lập nào về thông tin này, nhưng rõ ràng là TQ đã xác lập tốt trên đảo Phú Lâm ít nhất là vào cuối năm 1955. Đề cập đầu tiên đến quần đảo này trong ngân sách của tỉnh Quảng Đông là vào năm đó.
33. Vào mùa hè năm 1956, TQ bị thúc giục phải khẳng định lại yêu sách của họ đối với các nhóm đảo khác nhau ở biển Đông do Philippines quan tâm đến quần đảo Trường Sa trở lại. Trong trường hợp quần đảo HS, việc tái xác nhận bằng lời nói đi kèm với các động thái dường như được vạch ra để mở rộng sự chiếm đóng của TQ đối với các đảo khác trong nhóm ngoài đảo Phú Lâm. Báo cáo từ Sài Gòn vào đầu tháng 6 năm 1955 cho biết khoảng 200 lính TQ, với trang bị, đã đổ bộ lên đảo Robert (Hữu Nhât). Những hành động này của TQ đã khiến Việt Nam nhắc lại yêu sách của mình, và gia tăng một số hoạt động quân sự của Việt Nam ở quần đảo này. Cuối cùng, việc tăng cường lực lượng của hai bên tương ứng đã dẫn đến sự kiện tháng Giêng năm 1955, trong đó, theo phía TQ thì phía Việt Nam đã bắn vào một "tàu đánh cá" của TQ. Phía TQ báo cáo các cuộc đụng độ tiếp theo vào tháng 3 và tháng 4 năm 1957.
34. Những sự cố này một lần nữa dẫn đến việc khẳng định lại lẫn nhau các yêu sách. Tuy nhiên, Tuyên bố của TQ về phạm vi lãnh hải của họ, được đưa ra vào ngày 4 tháng 9 năm 1958. có liệt kê các đảo mà TQ tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả Hoàng Sa, có vẻ không kích động bất kì phản ứng nào từ VNCH.
35. Các cuộc đụng độ tiếp theo trên các đảo đã xảy ra vào năm 1959. Cuộc đụng độ đầu tiên xảy ra vào ngày 22 tháng 2 năm 1959, một tàu tuần tra của hải quân Việt Nam đã chở khoảng 50 người TQ ra khỏi đảo Duncan (Quang Hoà). Bộ Ngoại giao TQ đã đưa ra phản đối chính thức, tái khẳng định đảo Quang Hoà và phần còn lại của quần đảo HS là lãnh thổ của TQ. Phía Việt Nam thẩm vấn những người bị bắt giữ trong vài ngày và sau đó tuyên bố rằng họ chỉ là ngư dân. Thuyền của họ đã được tiếp tế và họ được phép ra đi tự do. Một sự cố khác diễn ra vào ngày 26 tháng 3. Quan sát thấy một số thuyền mành TQ đang dỡ hàng trên đảo Quang Hoà, lực lượng hải quân Nam Việt Nam đã đổ bộ lên đảo và phát hiện khoảng 40 người TQ cùng với bồn chứa nước và các thiết bị khác. Phía Việt Nam yêu cầu người TQ rời đi. Người TQ đồng ý nhưng xin ân hạn 6 ngày. Điều này đã được chấp nhận và cuối cùng thì người TQ đã rút lui đúng hạn. Mặc dù đã có một số phản đối của TQ về hành động chống lại những người được cho là ngư dân TQ này, và mặc dù có báo cáo rằng có tàu hải quân TQ tuần tra trong khu vực quần đảo HS, nhưng các sự cố này vẫn trôi qua mà không phát triển gì thêm.
36. Không có diễn biến lớn nào trong tranh chấp quần đảo HS từ năm 1950 cho đến năm 1971. Cả hai bên đều duy trì các tuyên bố của mình và có thực hiện một số nỗ lực để hậu thuẫn chúng. Nhưng các tuyên bố có xu hướng nhẹ nhàng và các cuộc đụng chạm được né tránh. Phía TQ bắt đầu đưa ra "các cảnh báo nghiêm trọng" liên quan đến các cuộc xâm nhập của máy bay quân sự Hoa kì vào vùng trời của TQ trên một số đảo trong quần đảo HS vào ngày 26 tháng 6 năm 1959. Những cảnh báo này tương tự như các cảnh báo đã đưa ra trước đây về các vụ xâm nhập vào vùng trời của TQ trong vùng eo biển Đài Loan. Đến ngày 13 tháng 5 năm 1960, khi Bộ Ngoại giao TQ ra thông cáo về những vụ xâm nhập tiếp tục này, cho rằng trong số 96 "cảnh báo nghiêm trọng" được đưa ra từ tháng 6 năm 1959 thì 19 có liên quan đến các vụ xâm nhập quần đảo HS. Trong 11 năm sau đó, TQ đã đưa ra 401 "cảnh báo nghiêm trọng" khác với Hoa kì. Vào khoảng một phần tư đến một phần ba các cảnh báo này liên quan đến quần đảo HS. Điều này bao gồm cái đã được cho thấy là "cảnh báo nghiêm trọng" cuối cùng như vậy, vào ngày 25 tháng 12 năm 1971. Ngoài ra, các bức ảnh báo chí và bài báo không thường xuyên, cộng với một cuốn sách xuất bản ở Bắc Kinh năm 1962 - Our Country's South Sea Archipelagoes (Quần đảo Nam Hải của Quốc gia chúng tôi) - minh chứng cho sự quan tâm tiếp tục của TQ đối với quần đảo này.
37. Về phía Việt Nam, dấu hiệu chính của việc tiếp tục quan tâm đến quần đảo này là các biện pháp hành chính năm 1961 và 1969. Tháng 7 năm 1961, theo một sắc lệnh do Tổng thống Diệm kí, quần đảo HS được chuyển từ tỉnh Thừa Thiên gắn vào tỉnh Quảng-nam, đặt thành xã Định-hải, dưới quyền một "phái viên hành chính”. Năm 1969, theo quy chế của Bộ trưởng Bộ Nội-vụ, xã Định-hải được đổi lại thành xã Hoà-long thuộc tổng Hoà-vang, tỉnh Quảng-nam. Không biết hiệu quả thực tế, nếu có, của các biện pháp này là gì,
38. Trong suốt năm 1971, câu hỏi về chủ quyền đối với các quần đảo khác nhau ở biển Đông nổi lên trong ánh đèn sân khấu do các tuyên bố mới của Philippines đối với quần đảo Trường Sa. Điều này khiến TQ công khai tuyên bố chủ quyền của họ đối với tất cả các nhóm đảo khác nhau, trong đó có quần đảo HS, trên biển Đông. Đối lại, Việt Nam khẳng định lại chủ quyền trong Tuyên bố ngày 15 tháng 7 năm 1971. Từ năm 1971 đến đầu năm 1974, TQ thỉnh thoảng nhắc đến yêu sách của họ đối với Hoàng Sa và các quần đảo khác trên biển Đông, chẳng hạn như tại Liên Hợp Quốc, nhưng không cho thấy bất kì ý định nào làm xáo trộn hiện trạng của quần đảo này. Sau Tuyên bố tháng 7 năm 1971, Việt Nam dường như không công khai bất kì tuyên bố nào cho đến tháng 1 năm 1974.
TQ chiếm trọn
39. Ngày 11 tháng 1 năm 1974, người phát ngôn của Bộ NG TQ đã đưa ra một tuyên bố. phản đối hành động của Chính phủ VNCH trong việc sáp nhập một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy. Tuyên bố của TQ tiếp tục khẳng định lại theo các lời lẽ tiêu chuẩn tuyên bố chủ quyền của TQ đối với các đảo khác ở biển Đông, kể cả quần đảo HS. Phía Việt Nam đáp trả, trong một loạt các tuyên bố rối rắm, với việc khẳng định lại yêu sách của họ đối với quần đảo này.
40. Theo các tường thuật phía Việt Nam, tuyên bố này của TQ được theo sau bằng việc TQ nhanh chóng tăng cường lực lượng hải quân tại và xung quanh quần đảo HS. Trong một tuyên bố ngày 16 tháng 1 năm 1974, Việt Nam cáo buộc CHNDTH đã chiếm các đảo ở nhóm Lưỡi Liềm vào ngày 15 tháng 1 vốn trước đó không phải do TQ chiếm giữ. Trong báo cáo thêm, phía Việt Nam cho rằng TQ đã cử một thêm lực lượng hải quân bổ sung đến quần đảo này vào ngày 17 tháng 1, bao gồm 11 tàu, trong đó có 2 tàu tên lửa loại Komar. Lúc 8 giờ 29 phút giờ địa phương sáng ngày 19 tháng 1, một bộ phận đổ bộ của TQ đã nổ súng vào một lực lượng Việt Nam đang có mặt trên đảo Quang Hoà. Phía Việt Nam cho rằng lực lượng của họ đã cố gắng đàm phán với người TQ nhưng lại bị bắn. Hai binh sĩ Việt Nam thiệt mạng và hai binh sĩ khác bị thương. Ngày hôm sau, theo phía Việt Nam, TQ đã tiến hành một cuộc tấn công khác bằng cách sử dụng máy bay và tên lửa có trên tàu khu trục, cùng với hai đại đội lính thủy đánh bộ. Với lực lượng này, TQ đã đánh chiếm tất cả các đảo do phía Việt Nam trú đóng từ trước cho đến lúc đó. Trong một "báo cáo cuối cùng" do người phát ngôn quân đội Việt Nam tại Sài Gòn đưa ra ngày 29 tháng 1 năm 1974, phía Việt Nam cho rằng 2 tàu chiến TQ đã bị bắn chìm và 2 tàu bị hư hại trong quá trình giao tranh. Tổn thất của Việt Nam được cho là mất 1 tàu hộ tống, 3 tàu chiến bị hư hỏng, 18 binh sĩ thiệt mạng, 43 bị thương và 116 mất tích. Trong số những người mất tích có 4 nhân viên dân sự Việt Nam, trước đây phụ trách các dịch vụ khí tượng trên đảo Hoàng Sa, và một nhân viên dân sự Mĩ. Phần lớn những người mất tích đã ở trên tàu hộ tống mà TQ đánh chìm.
41. Phiên bản của TQ, như được đưa ra trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ ngày 29 tháng 1 năm 1974, là từ ngày 15 tháng 1 trở đi, phía Nam Việt Nam đã cử các đơn vị hải quân và không quân xâm phạm các đảo do TQ nắm giữ trong nhóm đảo Hoàng Sa. Sau đó, vào ngày 19 tháng 1, quân lính Nam Việt Nam đã thực hiện một cuộc tấn công vũ trang vào "cụm đảo Chenhang [Sâm Hàng] của TQ (tức là đảo Quang Hoà), trong vụ này một số "ngư dân và dân quân TQ" đã bị giết và bị thương. Cùng ngày, các tàu hải quân của Nam Việt Nam "đã nổ súng trước" vào tàu chiến TQ đang làm nhiệm vụ tuần tra. Việc này dẫn tới "các đơn vị hải quân, ngư dân và dân quân" TQ đánh trả.
42. Tường thuật của TQ không đưa ra chi tiết chính xác về những tổn thất hai bên, nhưng thông báo rằng "nhân viên của phía bên kia mà chúng tôi bắt được trong cuộc chiến tự vệ này sẽ được trả về nước vào một thời điểm thích hợp". Ngày 29 tháng 1, Tân Hoa Xã đưa tin Chính phủ TQ đã quyết định trả về nước theo từng đợt, "Thiếu tá Phạm Văn Hồng cùng 47 sĩ quan và binh sĩ khác của quân đội Saigon của Nam Việt Nam và người Mĩ đã xâm nhập vào TQ". Đợt đầu tiên, gồm 5 người bị bệnh và bị thương và người Mĩ cũng bị bệnh, sẽ được trả về thông qua Hội Chữ thập đỏ Quốc tế và Hội Chữ thập đỏ Quốc gia Hoa kì, qua ngã Hong Kong vào ngày 31 tháng 1 năm 1974. Việc trao đổi này đã diễn ra như thông báo. Các tù nhân Nam Việt Nam còn lại đã được bàn giao, cũng tại Hồng Kông, vào ngày 17 tháng 2 năm 1974. Tất cả đều đã được đối xử tốt.
Lí do cho hành động của TQ
43. Không có lí do rõ ràng ngay lập tức vì sao TQ lại phải hành động để thay đổi hiện trạng ở quần đảo HS. Đúng là TQ đã cho thấy họ quyết tâm không từ bỏ các yêu sách lãnh thổ tới mức có thể được. Nhưng họ đã xoay xở để sống chung với tình thế ở quần đảo HS trong khoảng 20 năm.
44. Họ có thể lo lắng rằng việc VNCH thông báo các thay đổi hành chính vào mùa thu năm 1973 ảnh hưởng đến Trường Sa (mà TQ cũng tuyên bố chủ quyền), có thể là tiền đề của một chính sách dấn tới hơn của Việt Nam về vấn đề của toàn bộ yêu sách đảo ở biển Đông của họ. Một số tuyên truyền của TQ sau cuộc chiếm trọn tháng 1 năm 1974 dường như đã giải thích điều này. Vì vậy, một bản hùng ca về "Trận chiến quần đảo Tây Sa (HS)" xuất hiện vào tháng 3 năm 1974, đề cập đến các cuộc tuần tra của các tàu hải quan Việt Nam, ngụ ý rằng đây là một bước phát triển mới. Cũng có thể đúng là phía TQ đã không thể hành động sớm hơn đối với lo ngại về một chính sách dấn tới của Việt Nam do thời tiết xấu ở quần đảo HS vào mùa thu và rằng ngay sau khi gió mùa kết thúc và phía Việt Nam lại chủ động ở quần đảo này, nên phía TQ tấn công.
45. Giả sử phía TQ lo ngại về một chính sách dấn tới của Việt Nam ở quần đảo HS, quyết định của họ để hành động như họ đã làm có thể đã được thúc đẩy bởi một số cân nhắc. Một có thể là khả năng có dầu ở biển Đông. Nếu Việt Nam có điều kiện xác lập vững chắc hơn là cho đến lúc đó trong Nhóm đảo Hoàng Sa, thì rất có khả năng do thiếu công nghệ để tự mình can dự vào việc thăm dò và khai thác các nguồn dầu mỏ có thể có, Việt Nam có thể nhượng quyền cho các công ti nước ngoài. Đây quả thực là chính sách của Việt Nam tại các vùng biển phía nam và đông nam của VNCH.
46. Phía TQ có thể đã đánh liều thực hiện hành động như vậy ở Hoàng Sa vì một số lí do. Không giống như các đảo khác mà TQ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, quần đảo HS thực sự có lực lượng Trung Quốc trú đóng trên một số đảo của nó. Không có khả năng hành động của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự can dự của một thế lực thứ ba: quan hệ với Hoa kì đã được cải thiện kể từ năm 1971, sự hiện diện quân sự của Hoa kì tại Việt Nam đang rút xuống, bao gồm cả việc rút Hạm đội 7 khỏi Vịnh Bắc Bộ, có nghĩa là nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ bất ngờ với Hoa kì, luôn là một điều có thể xảy ra trong quá khứ, đã bị loại bỏ. Cuối cùng, VNCH không có quan hệ ngoại giao với CHNDTH, và thực sự đã có việc thiếu tin cậy và thù địch lẫn nhau giữa hai chính phủ. Do đó, TQ không xúc phạm một chính phủ bạn bè hoặc có khả năng là bạn bè. Nhưng nếu chậm trễ, thì không phải không thể xảy ra tình huống chính phủ chính yếu hoặc duy nhất ở Nam Việt Nam có thể sẽ là "Chính phủ Cách mạng Lâm thời" mà CHNDTH đã có quan hệ ngoại giao. Khi đó, có thể ít dễ dàng hơn để CHNDTH khẳng định yêu sách của đối với quần đảo này chống lại một Nhà nước "xã hội chủ nghĩa" bạn bè.
47. VNCH tiếp tục phản đối các hành động của TQ ở quần đảo HS sau tháng 1 năm 1974, và tiếp tục công khai tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo này, chẳng hạn tại Hội nghị Luật Biển tháng 7 năm 1974 ở Caracas. Tuy nhiên, không có nỗ lực nào được thực hiện trong việc sử dụng các biện pháp quân sự để giành lại quyền kiểm soát quần đảo HS, dù có những đe dọa sẽ làm như vậy trước đó. Bị bế tắc ở quần đảo HS, phía Việt Nam nắm lấy cơ hội khẳng định vị thế của mình ở quần đảo Trường Sa. Không những không có sự hiện diện của CHNDTH trên quần đảo này mà nó còn nằm ngoài tầm hoạt động hiệu quả của các lực lượng hải quân và không quân CHNDTH cho mọi ý định và mục đích. Dù có sự phản đối của TQ, VNCH đã tăng cường lực lượng trú đóng hiện có trên quần đảo Trường Sa vào đầu tháng 2 năm 1974, và tiếp tục duy trì lực lượng hùng hậu trên quần đảo này cho đến tháng 4 năm 1975.
48. TQ đang bận rộn củng cố vị trí của họ trên quần đảo HS. Trong những tuần sau khi nắm được trọn quyền lúc đầu, đã có sự di chuyển đáng kể của các tàu hải quân và máy bay của TQ trong khu vực; từ các hình ảnh được đăng trên China Pictorial (Báo ảnh TQ) trong năm và trên các ấn phẩm khác của TQ, có vẻ như phần lớn hoạt động này là do việc đưa vào lực lượng trú đóng, vũ khí và thiết bị xây dựng mới tạo ra. Sau đó, TQ đã nhấn mạnh quyền kiểm soát của họ đối với tất cả các đảo trong các bài báo trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Từ những nguồn khác nhau này, có vẻ như rõ ràng là ngày càng có nhiều người TQ thường trú trên quần đảo, và rằng các tòa nhà mới, cầu cảng và thậm chí cả những đoạn đường ngắn dành cho xe cơ giới đã được xây dựng. Các tòa nhà bao gồm một nhà máy điện, một rạp chiếu phim và một bệnh viện cũng như các hãng xưởng nhỏ liên quan chủ yếu đến ngành đánh bắt cá. Một báo cáo của NCNA (Tân Hoa Xã) vào tháng 11 năm 1974 nhấn mạnh tầm quan trọng tiếp tục của quần đảo như một trung tâm báo cáo khí tượng. Các đảo hiện có hệ thống điện thoại và bưu điện liên đảo và nhận báo, thư từ đất liền. Một Ủy ban Cách mạng cho toàn bộ các đảo trên biển Đông có trụ sở chính tại quần đảo HS. Một số hoạt động này rõ ràng có liên quan đến việc tìm kiếm tiềm năng, có thể là cho dầu mỏ. Vào tháng Giêng năm nay, đã có một số thông tin báo chí đưa tin rằng những gì có vẻ là giàn khoan dầu đã được nhìn thấy ở khu vực quần đảo HS. Các báo cáo của NCNA tháng Giêng và tháng Hai năm nay đề cập đến "thành viên của các nhóm thăm dò", những người đã làm việc để "khai thác các nguồn tài nguyên ngầm".
Phía TQ đưa ra quan điểm rằng quần đảo thuộc sở hữu của họ tại Phiên họp ECAFE ở Colombo vào tháng 3 năm 1974, nhưng không đưa ra bất kì phản đối nào khi đại biểu VNCH nêu ra yêu sách của nước mình tại Hội nghị Luật Biển ở Caracas vào tháng 7 năm 1974. .
49. Phía TQ rõ ràng đã khẳng định được sức mạnh của mình trên quần đảo này là sẽ khó bị đánh bật khỏi. Một yếu tố mới đã được đưa vào tình hình là việc VNCH vị Cộng sản Việt Nam lật đổ. Ở giai đoạn này, khó thể nói nhà cầm quyền mới Nam Việt Nam sẽ có thái độ nào đối với tranh chấp. Với tư cách là một quốc gia kế thừa VNCH cũ, CPCMLT, nếu muốn, có thể tiếp tục duy trì một yêu sách chính thức đối với quần đảo HS. Theo quan điểm của luật pháp quốc tế, hành động quân sự của CHNDTH không làm yêu sách pháp lí của nước này về chủ quyền mạnh thêm. Ngoài ra, Tuyên bố về các Nguyên tắc của Luật Quốc tế liên quan đến Quan hệ hữu nghị và Hợp tác giữa các Quốc gia mà Chính phủ của Nữ hoàng tán thành, nêu rằng: "không có sự thụ đắc lãnh thổ nào do đe dọa hoặc sử dụng vũ lực sẽ được công nhận là hợp pháp". Do đó, Anh sẽ không sẵn lòng chính thức xác nhận yêu sách của TQ đối với quần đảo HS, vì ngoài hành động gần đây, giữa TQ và Việt Nam, nước nào có yêu sách mạnh hơn thì vẫn còn chưa rõ ràng.
Tháng 6 năm 1975
Ban Viễn Đông.
Bộ phận nghiên cứu
Văn phòng nước ngoài và thịnh vượng chung