Saturday, April 20, 2013

Lại VNDCCH hay CHDCVN?


Lại VNDCCH hay CHDCVN


Theo tôi đây là một vấn đề ngôn ngữ không quá phức tạp nhưng thói quen sử dụng đã gây ra nhiều ngộ nhận. Chính vì vậy mà có nhiều ý kiến khác biệt và theo quan sát của tôi có vẻ ý kiến nghiêng về CHDCVN hơi nhỉn hơn. Tôi đã trình bày cách lí giải của mình về điều này và trong bài này tôi xin được nói rõ hơn tí nữa về cách nghĩ của mình.


Có lẽ ai cũng thấy rằng việc đặt/gọi tên riêng là khá đơn giản, hầu như không có vấn đề tạo ra tranh cãi. Và có lẽ mọi người đều đồng ý rằng cái cốt yếu của tên gọi là giúp ta phân biệt/nhận diện cá thể (người, vật, cơ quan, tổ chức…) đang xét với các cá thể khác. Tuy nhiên tình hình có vẻ hơi rắc rối hơn khi chúng ta chuyển từ tên riêng lên tên gọi đầy đủ. Với tên gọi đầy đủ của một cá thể (người, vật, cơ quan, tổ chức…), ý tôi muốn nói tới tên gọi của cá thể đó có kèm theo các chức danh/danh hiệu/ thuộc tính…
Ví dụ:
- Lí Thường Kiệt là tên riêng (của người, đơn vị, trưòng học…) có thể có tên gọi đầy đủ là Thái uý Lí Thường Kiệt, Phụ quốc Thượng tướng quân Lí Thường Kiệt, Tiểu đoàn Thiết giáp Lí Thường Kiệt, trường THPT Lí Thường Kiệt
- Hà Nội là tên riêng (của một vùng địa lí, cơ quan…) có thể có tên đầy đủ là Thủ đô Hà Nôi, Bưu Điện Hà Nôi, Sở Giáo dục Hà Nôi
Từ mấy ví dụ về tên gọi mà có lẽ mọi người đều chấp nhận nêu trên, có thể thấy tên đầy đủ của cá thể gồm hai phần: phần danh từ chỉ ‘loại’ của cá thể đó (trong tên đầy đủ trường PTTH Lí Thường Kiệt thì phần này là trường) có thể có kèm theo các từ mô tả thêm về ‘loại’ của cá thể này (trong ví dụ vừa nêu là THPT) và phần tên riêng. Xin nói thêm, tên riêng có lẽ là thành phần quan trọng nhất vì nó giúp phân biệt cá thể này với cá thể khác, nhất là với các cá thể cùng loại. Trong một ngữ cảnh nói về các trường THPT, người ta hoàn toàn có thể bỏ phần bổ nghĩa (PT, TH) chỉ nói trường Lí Thường Kiệt, hoặc thậm chí bỏ luôn danh từ chỉ ‘loại’ (trường) và chỉ cần nói Lí Thường Kiệt là người nghe biết ngay ta muốn nói đến điều gì. Và lưu ý rằng tên riêng bao giờ cũng đứng ở vị trí cuối cùng theo như một nhận xét tôi đã nêu trong bài post (trong tiếng Việt nếu một đối tượng có nhiều thuộc tính thì trật tự diễn đạt thường là đi từ thuộc tính tổng quát dần tới thuộc tính cụ thể) vì rõ ràng nó là thuộc tính cụ thể nhất trong các thuộc tính khác của cá thể đang được nói tới. Hơn nữa, trong tiếng Việt có một quy tắc là các từ ngữ nối tiếp nhau theo một trật tự mà mỗi từ đi sau làm rõ ý nghĩa của từ đi trước hay của một trong những từ đi trước. Trong ví dụ này ta có thể lần lượt đặt các câu hỏi: trường [cấp] nào?(- trung học) Trường trung học [loại] gì? (- phổ thông) Trường trung học phổ thông nào? (-Lí Thường Kiệt). Chuổi câu hỏi tới đây là dừng vì cá thể muốn nói đã hoàn toàn xác định, không thể hỏi thêm gì nữa (câu hỏi trường PTTH LTK nào/gì? là hoàn toàn vô nghĩa ví nó đã được xác định hoàn toàn qua các câu hỏi đứng trước).
Với tên riêng thì trật tự từ có thể theo ý người đặt tên (có thể không cần phải theo quy tắc ngữ pháp, chính tả, ví dụ thay vì chọn Lí Thường Kiệt tôi có thể chọn chẳng hạn Hĩu Ngỵ [đúng chính tả phải là Hữu Nghị]) nhưng thông thường ít ai làm như vậy. Cũng lưu ý rằng tên riêng do chúng ta chọn nên chúng ta có thể hoàn toàn lấy một thuộc tính chỉ loại của cá thể đang bàn để đưa vào tên riêng, chẳng hạn ta có thể có tên riêng của một trường là “Gia Long Phổ Thông” (‘phổ thông’ là một thuộc tính của trường) và có tên đầy đủ chẳng hạn là trường THPT Gia Long Phổ Thông. Tuy nhiên, chắc không ai đặt một cái tên riêng rối rắm như vậy, cùng lắm chỉ đặt ‘Gia Long A’, ‘Gia Long B’, ‘Gia Long Bắc’, Gia Long Thượng’ hay đại loại như thế mà thôi.
Bây giờ trở lại tên nước. Trước hết xét các ví dụ có lẽ không có tranh cãi sau:

  • [Nước]* Cộng Hoà Pháp là tên đầy đủ với tên riêng là Pháp
  • Liên bang Malaysia là tên đầy đủ với tên riêng là Malaysia
  • Vương quốc Anh là tên đầy đủ với tên riêng là Anh
  • Vương quốc Hồi giáo Brunei là tên đầy đủ với tên riêng là Brunei
  • [Nước] Cộng Hoà Dân Chủ Đức là tên đầy đủ với tên riêng là Đức
  • [Nước] Công Hoà Liên bang Ngatên đầy đủ với tên riêng là Nga
  • [Nước] Cộng hoà XHCN Dân chủ Sri Lanka là tên đầy đủ với tên riêng là Sri Lanka
  • [Nước] Cộng hoà Dân Chủ Nhân dân Triều Tiên là tên đầy đủ với tên riêng là Triều Tiên

Rõ ràng cách cấu tạo của tên đầy đủ các nước vừa nêu hoàn toàn theo đúng với cách cấu tạo của tên đầy đủ nói chung đã trình bày trên. Phần danh từ chỉ loại ([nước] Cộng hoà/Vương quốc/Liên bang) kẻm theo một thuộc tính (Liên bang/Dân chủ/Hồi giáo/XHCN) hoặc hai thuộc tính (XHCN, Dân chủ/Dân chủ, Nhân dân) đi trước và tên riêng (Anh, Pháp, Nga, ...nằm cuối cùng.

Về trường hợp cụ thể tên nước từ 1945 là [nước] VNDCCH. Chúng ta có 2 cách nhìn:

  • Tên gọi này là tên nước đầy đủ nhưng chịu ảnh hưởng ngữ pháp Tàu: tên đúng phải là [nước] CHDCVN (tôi đã nêu và đã bàn khá kĩ nên không nói thêm gì ở đây).
  • Tên gọi này đúng theo ngữ pháp tiếng Việt: trong trường hợp này thì cả nhóm từ ‘VNDCCH’ phải là tên riêng của nước và phần chỉ loại chỉ là ‘nước’ không kèm theo bất cứ thuộc tính gì khác. Và khi đó nếu dịch sang tiếng Hoa thành “VNDCCH” quốc 越南民主共和”với VNDCCH để trong ngoặc kép vì nếu không sẽ được hiểu thành nước CHDCVN (theo ngữ pháp của họ) và khi dịch ngược lại cũng thành nước CHDCVN (theo ngữ pháp tiếng Việt). Nhưng tôi e rằng đây không phải là cách nghĩ của những người đề xuất tên này và thực tế việc diễn giải của mọi người từ lãnh đạo cho tới các trí thức về tên này. Có lẽ tất cả đều cho rằng tên này thể hiện rằng nước VN lúc đó là một nước theo thể chế Cộng hoà, Dân chủ (tức là tên đầy đủ đúng phải là nước CHDC VN – khoảng trống giữa CHDC và VN là cố ý).** Trong quan hệ với nước ngoài kể cả trong các văn bản kí kết với họ, chính phủ VN cũng dịch và chẳng bao giờ phản đối nước khác dịch tên nước theo ý nghĩa này, chẳng hạn tiếng Anh là Democratic Republic of Vietnam, tiếng Pháp République démocratique du Vietnam mà khi chuyển lại tiếng Việt theo đúng ngữ pháp đều là nước CHDCVN. Với phân tích như trên, một lần nữa tôi e rằng quan điểm nghiêng về VNDCCH tỏ ra không có sơ sở.

Hi vọng các ý kiến này làm vấn đề đang bàn sáng tỏ hơn một ti .
=====================
* Trong tiếng Anh từ Republic (n) có nghĩa là nước/nền cộng hoà. Cộng hoà trong TV vốn là một tính từ nhưng hiện nay hình như đang có khuynh hướng dùng nó như một danh từ (giống như lái xe vốn là ngữ động từ nhưng nay có xu hướng dùng làm danh từ với nghĩa ‘tài xế’). Vì thế trong các ví dụ có nước cộng hoà, từ nước được đặt trong ngoặc vuông [].
** Trường hợp cho rằng nước VN lúc đó theo thể chế CH, DC và có tên riêng là ‘VNDCCH’ thì theo như trình bày trên, tên đầy đủ phải là nước CHDC VNDCCH, tương tự như cái tên vụng về trường THPT Gia Long Phổ Thông mà tôi đã ví dụ bên trên


Wednesday, April 3, 2013

Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện


Ykhoanet.com

Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện


Tranh luận trên các diễn đàn công cộng là một hình thức trao đổi ý kiến không thể thiếu được trong các thể chế dân chủ và văn minh. Ở nhiều nước Tây phương, lưu lượng của những tranh luận cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Nhưng thế nào là tranh luận nghiêm túc? Nói một cách ngắn gọn, cũng như trong một cuộc đấu võ, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc hẳn hoi, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi. Những qui tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi. Để đạt những yêu cầu này, người tranh luận nghiêm túc trước khi phát biểu hay đề xuất ý kiến, đưa ra lời bình phẩm của mình, cần phải xem xét tất cả các trường hợp khả dĩ, phải cân nhắc những quan điểm và những cách giải thích khác nhau, phải đánh giá ảnh hưởng của sự chủ quan và cảm tính, phải chú tâm vào việc tìm sự thật hơn là muốn mình đúng, sẵn sàng chấp nhận những quan điểm không được nhiều người ưa chuộng, và phải ý thức được định kiến và chủ quan của chính mình. Khi tranh luận phải nhất quán là chỉ xoay quanh chủ đề bàn luận, luận điểm bàn luận chứ không đi lạc đề. Không nhằm vào cá nhân và bản thân của người tham gia tranh luận.

Đó là những đòi hỏi khó khăn cho một cuộc tranh luận nghiêm túc có ý nghĩa, và không phải ai cũng có khả năng đạt được những yêu cầu này. Thành ra, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều trường hợp chất lượng của cuộc tranh luận rất thấp. Chỉ cần xem qua những lần tranh luận trên các đài truyền hình (ở Úc chẳng hạn), người ta có thể thấy đó không phải là tranh luận, mà là những cuộc đụng độ giũa các cá nhân tham gia tranh luận (nhất là các quan chức) thay vì đương đầu với lí luận của người tranh luận. Ngoài ra, đối với một số lớn chính trị gia, nghệ sĩ, và khoa học gia, được xuất hiện trên ti-vi để bình luận về một câu chuyện nào đó là một cuộc dàn xếp, một lần đóng kịch không hơn không kém. Nó là một kịch bản ngớ ngẩn đã được dàn xếp sẵn. Ngớ ngẩn là vì người xuất hiện chẳng nói được gì cho đầy đủ, mà cũng chẳng phân tích một vấn đề gì cho đến nơi đến chốn. Thực ra, họ xuất hiện để được ghi nhận, để được [nói theo tiếng Anh] là “to be seen”. Đối với các chính trị gia, nghệ sĩ, và khoa học gia loại này, “to be seen” là một phương tiện sống còn của họ trong xã hội, là một cách nói “Tôi vẫn còn đây”. Điều này có nghĩa là càng xuất hiện nhiều trên ti-vi nhiều chừng nào càng đem lại lợi ích cá nhân cho họ. Thành ra, ti-vi ngày nay đã trở thành một tấm gương cho những anh chàng bảnh trai Narcissus hiện đại phô bày bộ mặt của họ, chứ không cống hiến gì nhiều cho một xã hội dân chủ.

Mà cũng chẳng riêng gì ở Úc, tình trạng nghèo nàn về tranh luận này đã và đang xảy ra ở Âu châu. Trong mấy tháng gần đây, giới khoa học Âu châu đang lên cơn sốt “Holocaust” (cuộc tàn sát người Do thái, trước và trong thế chiến thứ II). Bất cứ một nhà khoa học nào, nghệ sĩ nào dám chất vấn những quan điểm “chính thống” về thực phẩm, về bệnh AIDS, về cuộc xung đột ở Kosovo, về sự kiện hôm 11/9 ở Mĩ, hay về môi trường đều bị dán cho một nhãn hiệu là bạn của Nazi. Giáo sư Bjorn Lomborg mới lên tiếng chất vấn những con số thống kê về môi trường liền bị gắn cho nhãn hiệu “giống như Nazi”. Những ai dám chất vấn mối liên hệ giữa vi khuẩn HIV và bệnh AIDS liền bị tố cáo là “muốn cho thế giới này có một Holocaust thứ hai”. Thật vậy, ở Âu châu ngày nay xuất hiện một xu hướng mà những quan điểm đã được xem là “chính thống” thì không ai được chất vấn. Cái xu hướng này nó đang ăn sâu vào xã hội và giới truyền thông đến nổi một nhà trí thức Anh phải than phiền là nếu không ngăn chận, nó có cơ đem xã hội Âu châu quay trở lại thời Trung cổ, thời mà không ai dám chất vấn những gì Vatican phán.

Trong cộng đồng người Việt, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn. Rất nhiều trường hợp, những cuộc tranh luận trong cộng đồng đã trở thành những cuộc chửi lộn, mà trong đó người tham gia tha hồ vung vít, ném liệng vốn liếng chữ nghĩa qua lại một cách hỗn độn, mà chẳng cần để ý đến logic hay các nguyên tắc của tranh luận là gì. Hơn nữa, rất dễ dàng nhận thấy rằng trong các cuộc tranh luận đó người ta nhắm vào mục tiêu là bản thân, cá nhân của người tranh luận chứ không nhắm vào quan điểm và lí lẽ của người đó. Một đơn cử, mới đây, những bài viết liên quan đến biên giới, thay vì bàn luận thẳng vào vấn đề, người ta có khuynh hướng công kích vào cá nhân người viết. Những danh từ, tính từ hết sức vô văn hóa được mang ra dùng cho tác giả. Thay vì dùng những chữ như Holocaust, Nazi, người Việt có những cụm từ đánh vào chỗ nhạy cảm của quần chúng. Trong hầu như những tranh luận liên quan đến Việt Nam, nhiều người cố tìm hay tạo cho mình một vị trí đạo đức cao cả bằng cách gắn cho đối phương một trong hai cụm từ trên, một thủ đoạn có khả năng làm cho một cuộc tranh luận trở nên một cuộc ẩu đã ngôn từ đinh tai nhức óc. Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc. Tức là, thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người ta tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu, và từ đó làm lu mờ đi quan điểm của họ.

Thực ra, đó là một hình thức ngụy biện, một lỗi lầm cơ bản nhưng nghiêm trọng trong tranh luận. Nói một cách đơn giản, ngụy biện là những nhầm lẫn trong lí luận và suy luận. Ngụy biện khác với logic. Logic, nói một cách ngắn gọn trong trường hợp này, là những luật lệ hay qui tắc quản lí tính nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ. Từ nhiều thế kỉ qua, giới triết học Tây phương đã bỏ khá nhiều công sức để phân biệt thế nào là logic và thế nào là ngụy biện. Aristotle là một nhà logic học đầu tiên có công phát triển các qui tắc và hệ thống suy luận. Trong quá trình làm việc, ông phát hiện ra nhiều lỗi lầm mà sau này người ta quen gọi là những “ngụy biện.” Mặc dù Aristotle là một nhà nhà logic học đầu tiên có công liệt kê và phân loại những loại ngụy biện, thầy của ông (Plato) mới xứng đáng được vinh danh như là một nhà triết học đầu tiên đã có công sưu tầm những ví dụ về ngụy biện. Kể từ khi Plato và Aristotle, đã có khá nhiều nhà triết học và logic học như John Locke, John Stuart Mill, Jeremy Bentham, và Arthur Schopenhauer cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong việc nghiên cứu về ngụy biện.

Thực ra, nhận dạng ngụy biện không phải là một việc làm khó khăn. Nói chung chỉ với một lương năng bình dân, người ta có thể phân biệt một phát biểu mang tính ngụy biện với một phát biểu logic. Tuy nhiên, cũng có nhiều dạng thức ngụy biện mà vẻ bề ngoài hay mới nghe qua thì rất logic, nhưng thực chất là phi logic. Những loại ngụy biện núp dưới hình thức “khoa học” này không dễ nhận dạng nếu người đối thoại thiếu kiến thức về logic học hay thờ ơ với lí lẽ. Do đó, một điều quan trọng trong tranh luận là cần phải phát hiện và nhận dạng những hình thức ngụy biện, và quan trọng hơn, cần phải hiểu tại sao chúng sai. Có thể phân loại ngụy biện thành nhiều nhóm khác nhau liên quan đến việc đánh lạc vấn đề, lợi dụng cảm tính, thay đổi chủ đề, nhầm lẫn trong thuật qui nạp, lí luận nhập nhằng, phi logic, và sai phạm trù. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, người viết bài này không có tham vọng trình bày tất cả những loại ngụy biện một cách chi tiết (vì việc này đã được hệ thống hóa trong nhiều sách về logic học), mà chỉ muốn liệt kê ra những loại ngụy biện thường hay gặp trong báo chí và truyền thông, hầu giúp bạn đọc có thể nhận dạng ra chân-giả.

Nhóm 1. Thay đổi chủ đề

1. Công kích cá nhân (ad hominem). Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, nguy hiểm nhất, và có “công hiệu” nhất, vì nó tấn công vào cá nhân của người tranh luận, và tìm cách trốn tránh luận điểm của cá nhân đó. Hình thức ngụy biện này thường xuất hiện dưới dạng: Ông A phát biểu về một vấn đề; ông B tấn công vào cá nhân ông A, và làm cho người ta nghi ngờ luận điểm của ông A. Tuy nhiên, có thể không có mối liên hệ nào giữa cá nhân và luận điểm của ông A.
Có hai hình thức thuộc loại ngụy biện này. Thứ nhất là dưới hình thức sỉ nhục, hay chửi rủa. Khi bất đồng ý kiến, người ngụy biện chỉ việc công kích vào cá nhân của người phát biểu. Chẳng hạn như “Ông nói là những người vô thần có đạo đức, vậy mà chính ông là người từng li dị với vợ con,” hay “Ông ta đang làm ăn với phía Việt Nam, tất nhiên ông ta phải nói tốt về Việt Nam”. Đây là một ngụy biện, bởi vì sự thật của phát biểu không tùy thuộc vào cá nhân của người phát biểu mà là logic của lời phát biểu. Một cách ngụy biện khác cũng dựa vào cách nói này là dùng một nhân vật khác, chẳng hạn như “Vậy thì chúng ta hãy đóng cửa nhà thờ cả đi. Hitler đã chắc hẳn sẽ đồng ý với anh.”
Hình thức ngụy biện thứ hai trong loại này là người ngụy biện cố gắng thuyết phục người đối thoại chấp nhận luận điểm của họ bằng cách đề cập đến hoàn cảnh của cá nhân đó. Ví dụ: “Anh nói là không nên uống rượu, vậy mà anh đã từng ngất ngưởng cả năm qua.”
Cũng nằm trong loại ngụy biện này là thói dùng một đặc điểm của một vật thể nào đó để ứng dụng cho một cá nhân hay một vật thể khác. Ví dụ: “Anh theo học trong một trường dành cho con nhà giàu. Do đó, anh là một người giàu có, anh không hiểu gì về sự nghèo khổ.”

2. Lợi dụng quyền lực (ad verecundiam). Đây là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Chẳng hạn như “Isaac Newton là một thiên tài, và ông tin vào Thượng đế.” Đây không hẳn là một lí lẽ hư, nó có thể có liên hệ đến một nhân vật có uy tín trong một lĩnh vực nào đó, nếu người ta thảo luận về lĩnh vực đó. Chẳng hạn như phải phân biệt giữa hai phát biểu “Ông Hawking (Stephen Hawking, nhà Vật lí Lí thuyết đương đại nổi tiếng người Anh) kết luận rằng những lỗ đen (black holes) có thể phát ra phóng xạ”, và “Ông Penrose cho rằng xây dựng một cái máy điện toán thông minh là một điều có thể làm được.” Nếu ông Hawking là một nhà vật lí thì chúng ta có thể tin vào ý kiến của ông về những lỗ đen. Nhưng nếu ông Penrose là một nhà toán học, thì chúng ta có quyền chất vấn ông ta có đủ thẩm quyền để bàn về đề tài thông minh nhân tạo hay không?

3. Lợi dụng quyền lực nặc danh. Trong trường hợp này, người ngụy biện không nêu danh tính người có thẩm quyền, và vì không ai biết tên người có thẩm quyền nên không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Một loại ngụy biện khác có quan hệ với loại này là dùng lời đồn đại để làm cơ sở lập luận. Ví dụ như “Một viên chức tình báo trong chính phủ Úc cho rằng chính anh từng hoạt động cho địch.”

4. Lợi dụng tác phong. Loại ngụy biện này dùng tác phong hay cách làm việc hay một đặc tính nào đó của đối tượng để cố thuyết phục về sự hợp lí của phát biểu. Tiêu biểu cho loại ngụy biện này là những phát biểu như “Nixon thất cử vì ông ta thường hay ra mồ hôi trên trán,” hay “Tại sao anh không nghe theo lời khuyên của anh chàng ăn mặc bảnh bao đó?” Thực ra, “bảnh bao” và “mồ hôi trên trán” chẳng có dính dáng gì đến vấn đề đang bàn thảo.

5. Luận điệu cá trích. Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề. Ví dụ: “Anh có thể nói rằng tử hình là một hình thức không có hiệu quả trong việc chống lại tội phạm, nhưng còn nạn nhân của tội phạm thì sao? Gia đình của nạn nhân sẽ nghĩ gì khi họ thấy tên sát nhân người thân của họ bị giam giữ trong nhà tù bằng đồng tiền của chính họ. Họ có nên nuôi dưỡng những tên sát nhân như thế không?”

6. Luận điệu ngược ngạo. Bằng chứng luôn luôn là gánh nặng của người phát biểu. Do đó, tìm cách di chuyển gánh nặng đó cho một người khác là một thủ thuật giới ngụy biện hay dùng. Chẳng hạn như trong câu này “Được rồi, vậy anh không tin là có người ngoài hành tinh đã từng chi phối đến chính phủ Mỹ, nhưng anh có thể chứng minh điều đó không,” đáng lẽ người phát biểu phải chứng minh, nhưng công việc đó lại được chuyển cho người đối thoại!

Nhóm 2. Lợi dụng cảm tính và đám đông

7. Dựa vào bạo lực (ad baculum). Ngụy biện dựa vào bạo lực thực chất là một sự đe dọa, nhằm mục đích gây áp lực cho người đối thoại phải chấp nhận một kết luận nào đó. Loại ngụy biện này thưởng được giới chính khách dùng, và có thể tóm gọn bằng một câu “chân lí thuộc về kẻ mạnh”. Sự đe dọa không hẳn chỉ xuất phát từ người phát biểu, mà có thể từ một người khác. Ví dụ như “Những ai không tin vào Kinh thánh sẽ bị thiêu cháy dưới đáy địa ngục”, hay “Thôi được rồi, tôi đã biết số điện thoại của anh và biết anh đang ở đâu. À, tôi có nói cho anh biết là tôi có giấy phép mang súng chưa nhỉ?”

8. Lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam). Đây là một loại ngụy biện dựa vào lòng trắc ẩn của người đối thoại để người đối thoại chấp nhận lí lẽ của mình. Ví dụ như “Anh ấy không có giết người bằng búa. Làm ơn đừng tuyên án anh ấy có tội, anh ấy đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng tinh thần,” hay “Tôi hi vọng anh sẽ chấp nhận đề nghị này, chúng ta đã tiêu ra ba tháng nay rồi đấy.”

9. Lợi dụng hậu quả (ad consequentiam). Ngụy biện loại này thường được biểu hiện qua cách phát biểu “A hàm ý B, B là sự thật, do đó A là sự thật”. Ví dụ: “Nếu vũ trụ được một đấng chí tôn thượng đế tạo nên, chúng ta có thể thấy những hiện tượng được tổ chức một cách thứ tự. Và hiện tượng chung quanh chúng ta quả rất thứ tự, vậy đấng chí tôn thượng đế chính là người tạo nên vũ trụ,” hay “Anh phải tin vào Thượng đế, chứ nếu không cuộc đời này sẽ chẳng có ý nghĩa” (hay là nói một cách ngược lại: cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì nếu Thượng đế hiện hữu!)

10. Lạm dụng chữ nghĩa. Đây là một loại ngụy biện dựa vào dùng những chữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu. Chẳng hạn như trong câu “Bất cứ một người có lương tri nào cũng phải đồng ý rằng về Việt Nam ăn Tết là làm lợi cho cộng sản,” chữ “lương tri” được cài vào nhằm cho người đối thoại phải nghiêng theo những người có lương tri.

11. Dựa vào quần chúng (ad numerum). Loại ngụy biện này tin rằng nếu có nhiều người ủng hộ một đề nghị nào đó, thì đề nghị đó phải đúng. Ví dụ như “Đại đa số người dân trong cộng đồng ủng hộ ông Minh, vậy phát biểu của ông Minh ắt phải đúng.” Liên hệ với loại ngụy biện này là hình thức tranh thủ sự ủng hộ của đám đông để cố gắng cho thấy luận điểm của mình là đúng. Ví dụ: “Ai cũng biết Bộ Y tế làm là đúng, sao anh dám nói là sai? Hay là anh muốn nói chúng tôi là những kẻ ngu xuẩn?”

Nhóm 3. Làm lạc hướng vấn đề

12. Lí lẽ chẻ đôi. Loại ngụy biện này thường phân định một vấn đề thành hai giá trị: trắng và đen, bạn và thù, có và không, v.v.. dù trong thực tế, có hơn hai lựa chọn. Chẳng hạn như “Hoặc là anh hợp tác với tôi hay là anh chống tôi, anh chọn hướng nào, yes hay là no?”, hay “Đối với Mỹ, anh chỉ có hai lựa chọn: thương hay ghét, trả lời đi!”

13. Lí lẽ ngờ nghệch (ad ignorantiam). Loại ngụy biện này, như tên gọi ám chỉ, xuất phát từ sự ngờ nghệch. Một trong những cách nói thông thường nhất trong loại ngụy biện này mà giới ngụy biện dùng là nếu một điều gì đó chưa được chứng minh là sai (hay giả) thì điều đó là đúng (hay thật). Ví dụ: “Bởi vì các nhà khoa học chưa chứng minh dioxin có thể gây ra dị thai, do đó dioxin không thể gây ra dị thai,” hay kiểu lí luận của John Howard “Hiến pháp Úc đã tồn tại cả trăm năm nay, và xã hội ổn định, không có lí do gì phải thay đổi hiến pháp”.

14. Lí luận lươn trạch. Loại ngụy biện này cho rằng nếu một sự kiện xảy ra, các sự kiện có hại khác sẽ xảy ra. Chẳng hạn như “Nếu chúng ta hợp pháp hóa marijuana, công chúng sẽ bắt đầu hút á phiện, và chúng ta cũng sẽ phải hợp pháp hóa á phiện. Rồi chúng ta sẽ là một quốc gia với những người ăn bám vào xã hội. Do đó, chúng ta không thể hợp pháp hóa á marijuana”. Hay một đoạn ví dụ khác:” Tiếc thay một cuộc cải cách về kinh tế, bình bị, tài chánh, xã hội, nông nghiệp như vậy, đang trên đường thành công rực rỡ: bị tan vỡ, bị huỷ bỏ chỉ vì tham vọng đánh Đại việt của Vương An Thạch. Mà đau đớn biết bao, khi người phá vỡ chỉ là một thiếu phụ Việt ở tuổi ba mươi. Giá như Thạch không chủ trương Nam xâm, chỉ cần mười năm nữa, toàn bộ xã hội Trung quốc thay đổi; rồi với cái đà đó, thì Trung quốc sẽ là nước hùng mạnh vô song, e rằng cứ muôn đời mặt trời vẫn nở phương Đông chứ không ngả về Tây như hồi thế kỷ 18 cho đến nay bao giờ.”

15. Mệnh đề rời rạc. Đây là loại ngụy biện dùng hai (hay nhiều hơn hai) mệnh đề chẳng dính dáng gì với nhau để làm thành một phát biểu hay kết luận. Ví dụ: “Anh ủng hộ tự do dân chủ và quyền mang vũ khí hay không?” hay “Anh đã ngưng làm ăn trái phép chưa?” Câu hỏi sau thực ra hỏi hai vấn đề “Anh từng làm ăn trái phép?” và “Anh đã ngừng hoạt động hay chưa?”

16. Đơn giản hóa vấn đề. Đây là một loại ngụy biện mà người phát biểu cố tình biến một quan niệm trừu tượng thành một điều cụ thể để bắt lấy thế thượng phong trong đối thoại (nhưng là ngụy biện). Ví dụ: “Tôi để ý thấy anh mô tả ông ta là một người quỉ quyệt. Vậy tôi hỏi anh cái “quỉ quyệt” đó nó nằm ở đâu trong bộ não? Anh không chỉ ra được cho tôi; do đó, tôi có thể nói cái quỉ quyệt không có thực.”

Nhóm 4. Qui nạp sai

17. Khái quát hóa vội vã. Loại ngụy biện này cũng khá phổ biến. Nó dùng một ví dụ hay trường hợp nhỏ và từ đó khái quát hóa cho một cộng đồng. Chẳng hạn như “Jim Baker là một tay đạo đức giả. Do đó, các tín đồ Cơ đốc giáo là giả dối.”

18. Khái quát hóa không đúng chỗ. Đây là loại ngụy biện mà người sử dụng chúng thường áp dụng một qui luật chung cho một tình huống hay một cá nhân. Chẳng hạn như “Người Phật giáo là vô thần. Anh là phật tử, vậy anh chắc chắn là một người vô thần.”

19. Kéo dài tính tương đồng. Trong loại ngụy biện này, người dùng nó đề nghị một điều lệ chung chung, rồi ứng dụng nó cho mọi trường hợp và cá nhân. Ví dụ: “Tôi tin rằng chống luật pháp bằng cách phạm luật pháp là một điều sai trái”, hay “Nhưng quan điểm đó ghê tởm lắm, vì nó ám chỉ rằng anh sẽ không ủng hộ Martin Luther King,” hay “Anh muốn nói rằng luật về mật mã cũng có tầm quan trọng tương đương với phong trào giải phóng người da đen hay sao? Sao anh dám nói thế?”

20. Lí lẽ quanh co. Loại ngụy biện này thường lẩn quẩn trong vài giả định và kết luận. Chẳng hạn như “Những người đồng tính luyến ái nhất định không thể nắm chính quyền. Do đó, phải tống khứ những viên chức chính phủ đồng tính luyến ái. Vì thế, những người đồng tính luyến ái sẽ làm mọi cách để dấu diếm hành tung của họ, và họ có nguy cơ bị tống tiền. Do vậy, những người đồng tính luyến ái không được giữa chức vụ gì trong chính phủ.” Tức là trong một lí giải như thế, cả hai giả thuyết và kết luận đều giống nhau.

21. Đảo ngược điều kiện. Loại ngụy biện này thường được biểu hiện qua hình thức “Nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra, do đó, nếu B xảy ra thì A sẽ xảy ra.” Ví dụ: “Nếu tiêu chuẩn giáo dục bị hạ thấp, chất lượng tranh luận sẽ bị tồi đi. Do đó, nếu chúng ta thấy chất lượng tranh luận suy đồi trong những năm sắp đến, thì điều đó cho thấy tiêu chuẩn giáo dục của ta bị xuống cấp.”

22. Lợi dụng rủi ro. Ngụy biện này thường dùng một qui luật chung và áp dụng nó cho một trường hợp cá biệt. Ví dụ: “Luật giao thông không cho anh chạy quá 50 km/h. Cho dù cha anh sắp chết anh cũng không được chạy quá tốc độ đó.”

23. Lợi dụng trường hợp cá biệt. Ngụy biện này thường dùng một trường hợp cá biệt để đem ra ứng dụng cho một đám đông. Ví dụ: “Chúng ta cho phép bệnh nhân sắp chết dùng á phiện, chúng ta nên cho phép mọi người dùng á phiện.”

24. Kết luận lạc đề. Loại ngụy biện này thường xuất hiện khi một kết luận chẳng dính dáng gì đến lí lẽ mà người biện luận trình bày. Một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp ngụy biện này là: “Độ nhiễm arsenic trong nước ở Việt Nam chưa cao và còn trong mức độ cho phép. Dữ kiện của Bangladesh cho thấy tình trạng nhiễm arsenic ở Việt Nam rất trầm trọng.”

25. Ngụy biện rơm. Loại ngụy biện này cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm hay phát biểu của người khác, để làm luận điểm tấn công. Đây là một ngụy biện, vì nó không đương đầu với cái lí lẽ đang bàn. Chẳng hạn như: “Chúng ta nên ủng hộ chế độ cưỡng bách quân dịch. Người ta không thích tòng quân vì họ không muốn cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng họ cần nhận thức rằng có nhiều điều quan trọng hơn tiện nghi trong cuộc sống.”

Nhóm 5. Nguyên nhân giả

26. “Post hoc”. Loại ngụy biện này phát biểu rằng hai sự kiện xảy ra, một trước và một sau, có quan hệ với nhau như nguyên nhân và hậu quả. Ví dụ: “Liên Xô sụp đổ sau khi nhà nước theo chủ nghĩa vô thần. Do đó, chúng ta phải từ bỏ chủ nghĩa vô thần để khỏi bị suy sụp.”

27. Ảnh hưởng liên đới. Một sự kiện được cho là có ảnh hưởng đến một sự kiện khác, nhưng thực chất thì cả hai sự kiện đều có cùng một nguyên nhân. Đây cũng chính là một trường hợp ngụy biện dưới dạng “post hoc”. Ví dụ: “Chúng ta đang chứng kiến một tình trạng thất nghiệp rất cao, vì do thiếu nhu cầu của người tiêu thụ.” (Nhưng có thể cả hai sự kiện có nguyên nhân từ tiền lời quá cao.)

28. Ảnh hưởng không đáng kể. Đây là một loại ngụy biện mang tính phóng đại từ một ảnh hưởng rất nhỏ. Chẳng hạn như “Hút thuốc gây ra ô nhiễm môi trường ở Sydney” là một phát biểu đúng, nhưng ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường rất khiêm tốn khi so với ảnh hưởng của khói xe và các hãng xưởng.

29. Ảnh hưởng ngược chiều. Mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả bị đảo ngược chiều để tìm đến một kết luận mang tính ngụy biện. Ví dụ: “Ung thư gây ra thói quen hút thuốc lá”.

30. Nguyên nhân phức tạp. Một sự kiện xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng người ngụy biện có thể đơn giản hóa thành một liên hệ đơn giản. Chẳng hạn như “Tai nạn xe cộ là do đường xá xấu” có thể đúng, nhưng tai nạn cũng có thể do người lái xe ẩu trong một điều kiện xấu.

31. Nguyên nhân sai (Non causa pro causa). Loại ngụy biện này xảy ra khi một điều nào đó được cho là nguyên nhân của một sự kiện, nhưng nó chưa thực sự được chứng minh là nguyên nhân. Ví dụ: “Tôi uống một viên aspirin và cầu nguyện thượng đế, và tôi không còn bị nhức đầu. Như vậy thượng đế đã chữa trị tôi khỏi nhức đầu.”

Nhóm 6. Nhập nhằng

32. Lí lẽ mơ hồ. Dùng những chữ và lí lẽ mơ hồ, tối nghĩa là một hình thức ngụy biện, nhất là khi một chữ hay câu phát biểu được dùng với hai (hay nhiều hơn hai) ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, chữ “miễn phí” trong câu sau đây có thể có nhiều nghĩa khác nhau: “Có loại nhu liệu nào rẻ hơn nhu liệu miễn phí? Nhưng để duy trì tình trạng miễn phí, chúng ta cần phải có một hệ thống đăng kí và cung cấp giấy phép cho người dùng.” Một ví dụ khác về cách nói lập lờ là “Các hành động hình sự là bất hợp pháp, và tất cả các phiên tòa xử tội giết người là hành động hình sự, vì thế tất cả các phiên tòa này bất hợp pháp”.

33. Chơi chữ (Amphiboly). Ngụy biện bằng chơi chữ dựa vào những giả thuyết mơ hồ, nhập nhằng, do bất cẩn thận hay cách phát biểu sai văn phạm. Chẳng hạn như một phát biểu kiểu như “Giả thuyết: tin vào Thượng đế sẽ lấp đi khoảng trống tinh thần” là ngụy biện, vì người “lấp đi khoảng trống tinh thần” là một điều trừu tượng, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

34. Trọng âm (accent). Đây là một hình thức ngụy biện bằng cách dùng thay đổi ý nghĩa của một câu văn qua nhấn mạnh. Ví dụ như câu phát biểu “Chúng ta không nên nói xấu về bạn bè” khác với “Chúng ta không nên nói xấu về bạn bè” chỉ ở chỗ nhấn mạnh (gạch dưới). Người thờ ơ có thể hiểu sai điểm nhấn mạnh của câu phát biểu.

Nhóm 7. Phạm trù sai

35. Hỗn hợp. Loại ngụy biện này thường dùng những đặc tính bề ngoài để suy luận cho một điều gì cá biệt. Ví dụ: “Xe đạp được làm bằng những dụng cụ nhẹ kí, do đó, xe đạp rất nhẹ”, hay “Xe hơi dùng ít xăng dầu và không gây ra ô nhiễm môi trường bằng xe bus. Do đó, xe hơi không gây hại cho môi trường bằng tác hại của xe bus.”

36. Tùy tiện, phi thể thức (ad hoc). Giải thích và lí lẽ là hai điều khác nhau. Nếu muốn xác minh A, và dùng B làm bằng cớ, thì câu phát biểu “A xảy ra bởi vì B xảy ra” là một lí lẽ. Tuy nhiên, nếu muốn xác minh một sự thật về B, thì câu phát biểu “A xảy ra bởi vì B xảy ra” không phải là một lí lẽ mà là một lời giải thích. Ngụy biện theo kiểu phi thể thức là hình thức dùng giải thích sau khi đã có sự thật mà sự thật không ứng dụng vào một bối cảnh khác. Thông thường ngụy biện phi thể thức được khoác vào chiếc áo lí lẽ. Chẳng hạn như nếu chúng ta giả định rằng Thượng đế đối xử công bằng với mọi người, thì những phát biểu sau đây là những lời giải thích phi thể thức: “Tôi mới hết bệnh ung thư”, “Cầu nguyện với Thượng đế đi, Ngài là đấng toàn năng”, “Nhưng Ngài có chữa trị cho những bệnh nhân ung thư khác không”, “À, Thượng đế rất huyền bí.”

Nhóm 8. Phi logic (non sequitur) và nhần lẫn trong tam đoạn luận

37. Phi logic. Ngụy biện phi logic thường xảy ra trong trường hợp một lí lẽ mà kết luận được rút ra từ những tiêu đề 
không dính dáng gì với nhau. Chẳng hạn như “Người Ai Cập đã từng làm nhiều khai quật để xây dựng những kim tự tháp, họ chắc chắn phải rất thạo về cổ sinh vật học.”

38. Loại bỏ tiền đề. Ngụy biện loại này thường xảy ra dưới hình thức “nếu A thì B, không phải A thì không phải B.” Ví dụ: “Nếu tôi ở Sài Gòn thì tôi đang ở Việt Nam. Tôi hiện không ở Sài Gòn, do đó, tôi không ở Việt Nam”.

39. Giả định hư. Đây là một loại ngụy biện bằng cách dùng kỹ thuật phỏng vấn. Một trường hợp cổ điển là “Ông đã ngưng đánh vợ chưa?” Tức là một câu hỏi với một giả định rằng người được hỏi từng hành hung vợ. Đây là một mẹo mà giới luật sư thường hay dùng trong thẩm vấn. “Ông dấu tiền ăn cắp đó ở đâu?” Giới chính khách cũng thích mẹo này, đại khái như “Bao giờ thì nhóm EU này sẽ không còn xâm phạm vào công việc của chúng ta?”

40. Ngụy biện bốn ngữ. ( Một tiêu chuẩn của tam đoạn luận gồm có 3 chữ). Ví dụ như trong câu phát biểu “Tất cả chó là thú vật, và tất cả mèo là loài động vật có vú, do đó tất cả chó là loài động vật có vú,” có bốn chữ: chó, mèo, động vật, và động vật có vú.

41. Đứt đoạn. Hai sự vật riêng biệt được xem là có liên hệ nhau nếu chúng có chung đặc tính. Người ngụy biện lợi dụng chữ giữa của một phát biểu để đưa đến một kết luận sai. Chẳng hạn như trong câu “Tất cả người Nga là nhà cách mạng, và tất cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ cũng là nhà cách mạng, do đó, tất cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ là người Nga,” chữ chính giữa là “nhà cách mạng”. Nhưng kết luận này sai, vì dù những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và người Nga là những người cách mạng, nhưng họ có thể là hai nhóm cách mạng khác nhau.

Nhóm 9. Các nhầm lẫn khác

42. Dẫn chứng bằng giai thoại. Một trong những ngụy biện phổ biến nhất và đơn giản nhất là dựa vào những câu chuyện có tính vụn vặt, hay giai thoại. Chẳng hạn như “Có hàng khối bằng chứng cho thấy thượng đế hiện hữu và vẫn ban phép mầu hàng ngày. Mới tuần rồi đây, tôi có đọc được một câu chuyện về một cô gái sắp chết vì ung thư, cả gia đình cô đi cầu nguyện trong nhà thờ, và chỉ vài ngày sau cô hết bệnh.” Dùng kinh nghiệm cá nhân để minh họa cho một luận điểm là một điều hoàn toàn hợp lí, nhưng dùng những giai thoại như thế sẽ chẳng chứng minh gì. Một anh bạn có thể cho rằng anh từng gặp Elvis ở một siêu thị nào đó, nhưng những người chưa gặp Elvis bao giờ thì cần nhiều bằng chứng xác thực hơn.

43. Lợi dụng cổ tích. Đây là một loại ngụy biện cho rằng những gì đúng hay tốt chỉ đơn giản vì chúng là cổ xưa, và những người theo cách ngụy biện này thường nói “hồi nào đến giờ ai cũng vậy.” Chẳng hạn như “Hàng trăm năm nay, Úc chịu dưới sự cai trị của Hoàng gia Anh, và là một nước thịnh vượng. Một thể chế tồn tại lâu dài như thế ắt phải là một thể chế ưu việt.”

44. Dựa vào cái mới (ad novitatem). Ngược lại với loại ngụy biện dựa vào cái cũ, ngụy biện dựa vào cái mới cho rằng một điều gì đó tốt hơn và đúng hơn đơn giản chỉ vì nó mới hơn cái khác. “Windows 2000 phải tốt hơn Windows 95, Windows 2000 mới được thiết kế lại năm ngoái.”

45. Lí lẽ của đồng tiền. Loại ngụy biện này thường dựa vào một niềm tin duy nhất rằng đồng tiền là một tiêu chuẩn của sự đúng đắn. Những người có nhiều tiến có khả năng đúng hơn những người ít tiền. Chẳng hạn như “Nhu liệu của hãng Microsoft đương nhiên là tốt hơn; nếu không thì làm sao Bill Gates có thể trở nên tỉ phú như thế”.

46. Dựa vào cái nghèo. Ngược lại với ngụy biện dựa vào sự giàu có, có một loại ngụy biện khác dựa vào sự nghèo khổ. Chẳng hạn như “Các vị sư có khả năng hiểu thấu được ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì họ từ bỏ mọi xa hoa của cuộc sống.”

47. Điệp khúc (ad nauseam). Loại ngụy biện này cho rằng một lí lẽ càng được lặp đi lặp lại nhiều chừng nào thì nó sẽ được người ta chấp nhận là đúng. Do đó, người ngụy biện thường chỉ lặp đi lặp lại những phát biểu, bất kể là quái dở thế nào, cho đến khi người đối thoại mệt mỏi không còn muốn nghe nữa.

48. Lạm dụng thiên nhiên. Đây là một ngụy biện rất thông thường trong giới chính trị gia, mà trong đó họ tìm cái tương đồng giữa một kết luận nào đó và một khía cạnh của thế giới tự nhiên, rồi từ đó phát biểu rằng kết luận đó là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như “Đặc điểm của thế giới tự nhiên là cạnh tranh; động vật đấu tranh chống nhau để làm chủ tài nguyên thiên nhiên. Chủ nghĩa tư bản, một hình thức cạnh tranh để làm chủ tư liệu, chỉ đơn giản là một phần của con người sống trong thế giới tự nhiên. Đó cũng là cách mà thế giới tự nhiên vận hành.”
Một hình thức khác của lạm dụng thiên nhiên là lí luận cho rằng bởi vì con người là sản phẩm của thế giới tự nhiên, chúng ta phải bặ bắt chước hành động theo những gì chúng ta thấy trong thế giới tự nhiên, và làm khác đi là “phi tự nhiên”. Ví dụ: “Đồng tính luyến ái dĩ nhiên là không tự nhiên. Có khi nào anh thấy hai thú vật cùng giới tính giao phối với nhau không?”

49. Ngụy biện “Tu quoque”. Đây là một trong những ngụy biện rất phổ biến. Nó dựa vào lí lẽ rằng một hành động có thể chấp nhận được bởi vì người đối nghịch đã làm. Chẳng hạn như “Anh là một người lừa dối.” “Rồi sao? Anh cũng là một tay lừa dối vậy.”

50. Lạm dụng thống kê. Thống kê thường được giới ngụy biện sử dụng tối đa, vì theo họ thống kê có thể dùng để “chứng minh” bất cứ điều gì. Người ta có thể vặn vẹo hai con số 1 và 3 điểm để sản xuất những phát biểu như “khác nhau 2 điểm”, “cao gấp 3 lần”, hay “tăng 200%”; người ta có thể dựa vào ý kiến đồng tình của 4 người trong 5 người để cho là “80% người được thăm dò”, hay thậm chí “đa số cộng đồng” đồng ý với một luận điểm nào đó. Tức là những khái quát hoá một cách vội vã, hay dựa vào một mẫu số cực kỳ thấp, thấp đến độ nó không có nghĩa lí gì. Thực ra, thống kê không chứng minh điều gì cả. Thống kê chỉ là một phương tiện hay thuật toán dùng để loại bỏ những trường hợp khả dĩ hay không khả dĩ. Vì có quá nhiều ngụy biện thống kê, nên vấn đề này sẽ được bàn tiếp trong một dịp khác. Tuy nhiên, những ai thích tìm hiểu vấn đề ngụy biện thống kê có thể tìm đọc cuốn sách rất nổi tiếng của Darrell Huff, có tựa đề là “How to lie with statistics” (tạm dịch: “Làm thế nào để lừa dối bằng thống kê”).

***

Có thể nói những loại ngụy biện trên đây có những đặc điểm chung là (a) phát biểu không dựa vào lí lẽ logic; (b) các định đề không vững để đi đến một kết luận; và (c) đưa ra giả định không đúng. Ngụy biện, do đó, nói cho cùng, là một sản phẩm của sự lười suy nghĩ. Và hầu như trong chúng ta, ai cũng có ít nhất là một lần lười suy nghĩ. Do đó, nếu điểm qua những loại ngụy biện trên đây, chúng ta tự cảm nhận rằng trong quá khứ mình chắc cũng có lần phạm vào lỗi lầm của ngụy biện. Điều này có thể đúng, và không nên lấy làm ngạc nhiên, vì các nhà thông thái, và ngay cả giới có huấn luyện về logic học cũng đôi khi, vì cố ý hay vô tình, ngụy biện. Giới chính trị gia và truyền thông là những người cực kỳ nổi tiếng về ngụy biện.

Nhưng tại sao những ngụy biện vẫn còn có mặt trên báo chí? Theo tôi, bởi vì chúng vẫn có khách hàng. Vẫn có người, dù ít hay nhiều, tin tưởng vào ngụy biện, vì nó thuận nhĩ, trơn tru, và nhất là không thách thức. Sờ một hòn đá trơn tru đem lại cho chúng ta một cảm giác khoan khoái dễ chịu hơn là sờ một hòn đá lởm chởm, hay ngồi trên một cái ghế ghồ ghề. Người ta thích sự trơn tru, bởi vì trơn tru là dấu hiệu của sự khoan khoái, dễ chịu, là cái khoảng thời gian giải lao, không cần sự thách thức.

Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng không đến nỗi tệ, bởi vì những ngụy biện phản ánh sự thành công [hay có người nói sự phong phú] của ngôn ngữ trong việc tách rời giữa những gì thô thiển, gồ ghề với những gì hoàn thiện, mĩ miều. Nhưng sự trơn tru của các vật thể và ngôn ngữ ngày nay đem lại cho chúng ta một cảm giác giả tạo về thế giới thực của các vật thể. Những kỳ kẹt xe trên đường xá mới để lộ trái tim phức tạp của một thành phố. Tương tự, một sự cố của internet sẽ nhắc nhở chúng ta về tình trạng hỗn mang và phức tạp của hệ thống thông tin điện tử. Sự hỗn mang và phức tạp là thực. Trơn tru, tròn trĩnh có thể là giả tạo. Những câu văn ngụy biện có thể chỉ là những lời phát biểu lém lỉnh thay vì lịch thiệp, hàm chứa mánh khóe thay vì thân thiện.Có thể nói, ngụy biện là những lối sáo ngữ liến thoắng nhằm vào mục đích lôi cuốn người nghe/đọc, thay vì cung cấp cho họ một sự thực.

Bởi vì ngụy biện là những lí lẽ mà bề ngoài có vẻ logic, nên chúng có khả năng thuyết phục những người không chịu khó suy nghĩ, nhất là những người còn mang nặng cảm tính. Điều này giải thích tại sao nhiều người trong chúng ta tiếp nhận một cách thụ động quá nhiều những điều càn rỡ về thế giới chung quanh, kể cả những niềm tin tôn giáo, những mê tín dị đoan, những triết lí quái đảng, những thông tin sai lạc, v.v.. Cái tác hại của việc tiếp nhận thụ động này là nó làm cho chúng ta trở nên nô lệ với cảm tính, và dễ dàng trở thành những tín đồ cuồng tín của những người “lãnh đạo” chính trị hay tôn giáo.

Để không trở thành những nô lệ, chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Suy nghĩ nghiêm túc là một quá trình hoạt động tri thức nhằm ý niệm hóa, ứng dụng, phân tích, tổng hợp, và (hay) đánh giá những thông tin được thu thập từ quan sát, kinh nghiệm, phản ánh, lí luận, hay liên lạc, như là một niềm tin cho hành động. Chúng ta cần phải dựa vào những giá trị tri thức với những đặc điểm như trong sáng, chính xác, nhất quán, có liên hệ, bằng chứng tốt, lí lẽ hợp lí, có chiều sâu, và công bình. Tức là, trước một câu phát biểu hay một đề nghị, chúng ta phải thẩm định lại kết cấu và nguyên tố của phát biểu hay đề nghị đó. Những kết cấu và nguyên tố này là: mục đích, vấn đề, giả định, quan niệm, bối cảnh, kết luận, ngụ ý, hậu quả, phạm vi tham khảo, và quan điểm khác.

Người Việt chúng ta thường rất tự hào về những đối thoại [mà chúng ta cho là “thông minh”] giữa Trạng Quỳnh và Chúa Trịnh ngày xưa. Nhưng nói một cách công bằng và theo tiêu chuẩn của lí luận logic, thì những trao đổi của Trạng Quỳnh hay tương tự chỉ là những ngụy biện ở trình độ thô sơ nhất [*]. Nhưng có điều đáng buồn là những đối thoại kiểu Trạng Quỳnh, mà trong đó sự hơn thua nhau từng câu nói, bắt bẽ nhau từng chữ, vặn vẹo ý nghĩa của từng câu văn, v.v… lại đi vào sử sách, như thể để làm gương cho thế hệ sau này. Mà làm gương thật. Cho đến ngày nay, có người vẫn còn cho đó là một biểu tượng của sự thâm thúy, thông minh của dân tộc, là phản ánh sự phong phú của ngôn ngữ Việt, và đem ra ứng dụng trong tranh luận.

Theo dõi báo chí, chúng ta thấy những hình thức tấn công cá nhân (thay vì tấn công vào luận điểm), xuyên tạc ý tưởng, chụp mũ, suy luận theo cảm tính, mỉa mai, đơn giản hóa vấn đề, v.v… xuất hiện hầu như hàng ngày, có khi hàng giờ. Vì những tần số của những loại ngụy biện xuất hiện quá nhiều như thế, nó thành một sự rập khuôn. Theo thời gian, rập khuôn trở thành “truyền thống”. Hậu quả của cái truyền thống này là những ai ra ngoài cái khuôn sáo của ngụy biện đều có thể bị xem là phi chính thống, dẫn đến một lối suy nghĩ và phán xét kì quặc kiểu “anh/chị không thuộc nhóm của tôi, vậy thì anh/chị thuộc nhóm bên kia,” “anh khen Việt Nam, vậy anh là cộng sản,” “giọng nói anh ‘Bắc kì 75’, vậy anh là cộng sản,” hay “Nhà nước cho anh ra ngoài này trình diễn, chắc anh là cộng sản đi tuyên truyền”… Anh ở phía này, tôi bên kia. Nói tóm lại, đó là một lối phân định theo hai giá trị: xấu và tốt, đen và trắng, hay địch và ta một cách cứng nhắc. Cách phân định này thể hiện một sự nghèo nàn về trí tuệ, hay lười biếng suy nghĩ. Chỉ cần đặt vấn đề ngược lại một chút, hay phát triển vấn đề xa hơn một chút, ai cũng có thể thấy lối phân chia có/không này không thể đem đến một đáp số cho một vấn đề nào cả.

Trong cái sự thực phức tạp, mờ mờ ảo ảo của vấn đề, có cái đẹp riêng. Không phải cái đẹp trơn tru, tròn trĩnh, nhưng là cái đẹp khắt khe của sự thật. Tương tự, một lời phát biểu nghịch lí có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong đúng/sai, tốt/xấu, bạn/thù. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên vượt qua chính mình bằng cách cho các tế bào trí tuệ có cơ hội làm việc.

—————————-
[*] Đơn cử về câu chuyện “Mèo chúa, mèo dân”, chuyện kể như sau: Chúa Trịnh có một con mèo mà Chúa rất đỗi yêu quí. Mỗi bữa ăn của mèo Chúa đều cho mèo ăn cơm thịt cá. Muốn chơi khăm Chúa, Quỳnh bèn bắt trộm con mèo của Chúa đem về nhà mình. Đến bữa ăn, Quỳnh đem ra hai đĩa thức ăn, một đĩa cơm rau, một đĩa cơm thịt, và Quỳnh cầm chiếc roi chờ đấy. Do quen ăn thịt cá nên con mèo của Chúa chạy ngay sang đĩa thức ăn quen thuộc của mình. Mỗi lần như vậy thì Quỳnh dùng roi quất cho con mèo rõ đau. Chừng vài lần thì con mèo thôi không dám bén mảng đến đĩa cơm thịt nữa, đói quá rồi cũng ăn cơm rau ngon lãnh. Tin Quỳnh ăn cắp mèo rồi cũng đến tai Chúa. Chúa sai Quỳnh đến hỏi cho ra cớ sự. Quỳnh lí lẽ: Mèo của chúa là mèo cao sang đài các, nên bữa ăn cũng sang trọng; còn tôi nhà nghèo, nên mèo tôi cũng chỉ ăn cơm rau. Bây giờ nếu Chúa bảo tôi đánh cắp mèo của Chúa, hãy thử đem ra đây hai đĩa thức ăn, một đĩa có thịt một đĩa chỉ cơm rau. Nếu mèo ăn cơm thịt là mèo của chúa, mà nếu nó ăn cơm rau thì là mèo của tôi”. Chúa ưng thuận bèn sai y truyền. Con mèo của Chúa vẫn theo bản năng của mình, nhưng khi thấy Quỳnh nhấp nhấp cái roi, nó sợ quá, bèn bước qua đĩa cơm rau ăn ngon lành. Quỳnh mới vỗ tay reo lên :”Đấy mèo của Chúa thì phải ăn thịt cá, còn mèo dân của tôi chỉ ăn cơm rau, thì rõ là mèo của tôi chứ tôi có đánh cắp mèo của Chúa bao giờ!”. Nói rồi Quỳnh đắc thắng ôm con mèo của Chúa đi thẳng, để mặc cho Chúa tức giận, biết bị Quỳnh chơi khăm mà không làm gì được.
Ở đây lí luận của Trạng Quỳnh phạm phải lối nguỵ biện “loại bỏ tiền đề” như đã nêu ở trên.

Monday, April 1, 2013

Nhân đọc bài về tiếng Việt của BBC và VOA


Nhân đọc bài về tiếng Vit ca BBC và VOA

(Có điều chỉnh đôi chút so với bài đã đăng trên Calitoday.com ngày 29/3/2013)


Tôi rất thích thú theo dõi loạt bài của tác giả Đào Văn Bình trong phần TIẾNG VIỆT MẾN YÊU của Calitoday.com, nhất là bài “Trình độ Việt ngữ của BBC và VOA tiếng Việt. Trong tình hình các phương tiện truyền thông có nhiều vấn đề trong việc sử dụng tiếng Việt như tác giả chỉ ra mà nhà văn Nguyễn Quang Lập gọi là ‘làm rách tiếng Việt’ hay blogger DongPhung Việt nói là ‘cưỡng hiếp tiếng Việt’ thì những bài viết của tác giả rất cần thiết và rất đáng trân trọng. Tác giả đã có những nhận xét  và có nhiều góp ý rất tinh tế về việc sử dụng tiếng Việt nói chung, và của BBC và VOA nói riêng. Hầu hết các nhận xét này là xác đáng và các góp ý rất chân tình. Tuy nhiên cũng có vài nhận xét và góp ý có lẽ cần được bàn thêm. Trước khi đi vào các chi tiết cụ thể , xin được phép nêu lên một số điểm có tính chất chung hơn như sau:

i. Tiếng Việt là một ngôn ngữ sống nên không đứng yên mà luôn phát triển giống như các ngôn ngữ sống khác. Dĩ nhiên sự phát triển này không phải thẳng tắp mà có thể có những thăng trầm, có mặt tích cực cũng có chỗ tiêu cực. Cứ so sánh những bài viết thời Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của với thời Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh rồi thời Tự Lực Văn đoàn và ngày nay thì thấy rất rõ điều này. Nhiều từ mới đã nẩy sinh ra, những cách nói mới hình thành, có những từ cũ có nghĩa mới đặc biệt là khi thành thuật ngữ,và thậm chí có những từ đã hoặc đang chết…Theo từ điển Oxford, mỗi năm tiếng Anh có thêm hàng trăm từ mới (từ điển Oxford thêm khoảng 400 từ năm 2011), chưa kể nhiều từ cũ thay đổi nghĩa hoặc biến đi, tiếng Việt cũng thế nhưng có thể có mức độ thấp hơn (không có số liệu nhưng mức vài chục từ mới/năm chắc không đến nỗi quá đáng).

ii. Những thứ mà trước đây ta nghe quen tai, cho là khuôn mẫu chưa chắc đã là khuôn mẫu hay cách nói đúng trong tiếng Việt. Để ý rằng chúng ta mới chuyển từ nền giáo dục chữ Hán sang nền giáo dục bằng chữ quốc ngữ[1] nên rõ ràng cách nói, cách viết của ta cũng cần phải có thời gian mới có thể thoát khỏi ảnh hưởng của nền Nho học này. Một ví dụ điển hình về ảnh hưởng này là trường hợp sau đây. Cuốn Việt Nam Văn phạm’ của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm[2] là một trong những cuốn ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên mà nhiều thế hệ chúng ta vẫn cho là mẫu mực. Tuy nhiên, éo le thay cuốn này lại có cái tên không theo trật tự tiếng Việt (lẽ ra phải là ‘Văn phạm Việt Nam’ hay đúng hơn là ‘Ngữ pháp tiếng Việt’), và một tác giả của nó là Phạm Duy Khiêm, khi ghi các chức danh kèm theo tên mình cũng không theo trật tự tiếng Việt là ‘Văn phạm học giáo sư, Sư phạm cao đẳng học đường cựu học sinh’(!) Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều từ hay cách nói ta quen dùng và cho là mẫu mực như Á châu, Tây phương, thánh kinh, dân ý, văn khoa, tuần dương hạm, chủ toạ đoàn, Quốc dân đảng, Tây Ninh đồng hương hội..., hoặc ngay cả tên cuốn sách mà tác giả cho là xương sống của văn chương Việt Nam thi văn hợp tuyển[3] và thậm chí tên nước của 2 miền trước đây VNCH, VNDCCH... cũng không tuân theo ngữ pháp tiếng Việt (trật tự từ theo ngữ pháp Tàu -phụ trước, chính sau)[4]. Còn cái tên trường mà tác giả từng theo học là Học viện Quốc gia hành chánh, dù có tiến bộ hơn không đến nỗi hoàn toàn theo trật tự tiếng Hán (Quốc gia Hành chánh Học viện). Tuy nhiên, cái tên này có lẽ cũng không phải hoàn toàn đúng theo trật tự tiếng Việt (đúng ra phải là Học viện Hành chánh Quốc gia - thử xét nếu chúng ta có một trường cấp tỉnh như thế ở Huế thì trường này chắc chắn phải có tên là Học viện Hành chánh Huế, chứ không phải là Học viện Huế Hành chánh theo kiểu tên trường của tác giả). Thế thì chúng ta cần ý thức chỉnh lại hay vẫn cho rằng cách nói cũ là mẫu mực?
Tôi cho rằng có lẽ ta phải theo cách nói ‘mới’ (thật ra không phải là ‘cách nói mới’ mà là ‘cách nói đúng’ hơn), tức là nên nói/viết theo đúng trật tự tiếng Việt (như châu Á, phương Tây, kinh thánh, ý dân, khoa văn, tàu tuần dương, đoàn chủ tịch, Hội đồng hương Tây Ninh), trừ những trường hợp có tính lịch sử thì đành phải chấp nhận cái sai của lịch sử (như VNCH, VNDCCH, QDĐ, VN thi văn hợp tuyển, Tự Lực Văn đoàn...).  Khá là chua xót khi tiếng Việt có những quy tắc riêng nhưng tới thế kỉ 21 này chúng ta vẫn còn nói/viết theo ngữ pháp Tàu.  Càng đau xót hơn nếu vài ba mươi năm sau hay lâu hơn nữa mà con cháu ta vẫn lập lại cái sai của chúng ta. Vì vậy, theo tôi chúng ta cần ý thức và cố thay đổi ngay bây giờ.

iii. Ngôn ngữ nào không ít thì nhiều cũng phải vay mượn từ ngữ, cách nói của ngôn ngữ khác. Tiếng Việt cũng không ngoại lệ, đặc biệt sau hàng ngàn năm Bắc thuộc ngôn ngữ ta đã vay mượn từ tiếng Hoa rất nhiều từ ngữ, có lẽ phải trên 50%, dĩ nhiên ta cũng có vay mượn một số của các nước láng ging khác nhưng mức độ khiêm tốn hơn. Sau này, tiếng Việt còn vay mượn thêm một số từ ngữ nữa từ tiếng Pháp khi bị họ đô hộ gần cả trăm năm, rồi tới thời Mĩ và cùng với xã hội phát triển, hội nhập toàn cầu ta cũng vay mượn thêm nhiều từ nữa từ tiếng Anh… Thế thì ta xử lí các từ vay mượn này thế nào?
Theo ý riêng, đối với những từ HV vay mượn mà trong tiếng Vit ta có từ tương đương thì có lẽ ta nên dùng từ tiếng Việt, ví dụ trong phần lớn trường hợp nên dùng tiếng Việt thay vì Việt ngữ, lớn/cao tuổi thay vì cao niên, quần áo lót thay vì nội y,… Trong vay mượn cố gắng chỉ mượn từ, không mượn cấu trúc (như đã ví dụ ở mục ii.) trừ khi không thể làm được kiểu như học sinh à sinh học, chính phủ à phủ chính…, hoặc khi cấu trúc vay mượn làm cách din đạt gọn rõ hơn kiểu như pháp trị (= cai trị theo luật pháp), công luận (= ý kiến chung của xã hội)…
Đối với những từ vay mượn từ nguồn Âu Mĩ (do không thể tạo ra từ tiếng Việt tương đương) thì theo kinh nghiệm lâu nay, ta có thể dùng cách phiên âm như phim (film), xà phòng (savon), cao su (caouthchouc)… hoặc để nguyên dạng, nhất là các tên riêng như Paris, London, Australia. Barrack Obama, Julia Gillard … Những từ mà tác giả có nêu như module, logic, blog, container… theo tôi, thuộc loại này. Ở đây cũng có một cách trước đây ta có dùng là phiên âm qua trung gian tiếng Tàu. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta không nên dùng cách này (trừ những trường hợp quá quen thuộc như Anh Pháp, Nga, Mĩ, Đức,…) vì lúc chuyển qua Hán Việt thì âm có thể khác rất xa với âm gốc (ví dụ Argentina phiên âm theo Tàu là ā gēn ting nghe khá gần âm gốc, còn chuyển sang âm HV thành Á Căng Đình thì không được như vậy…). Hơn nữa, cũng không có lí do để ta phải dùng một thứ tiếng khác làm trung gian ở đây.

iv. Xã hội, đời sống phát triển thì sẽ có nhiều điều mới, thứ mới xuất hiện. Do đó, ngôn ngữ cũng cần có các khái niệm mới, cách diễn đạt mới để phản ánh chúng. Chẳng hạn bây giờ xã hội đã chú ý đến vấn đề bình đẳng nam nữ, dân tộc… nên từ vựng cũng phải có sự thích ứng như ta thấy trong tiếng Anh (chairman à chairperson, spokesman à spokesperson…, hoặc có thêm từ Ms để chỉ phụ nữ nói chung không chú ý tình trạng gia đình), còn trong tiếng Việt hiện nay trong nước cũng có khuynh hướng dùng từ ‘cưới’ cho cả nam lẫn nữ, ít dùng các từ có tính miệt thị như bọn mọi, bọn mán … Hoặc trước đây thế giới làm gì có mì ăn liền, nhạc rap, computer, mobile phone, internet, ipad, DTV… thành ra trong ngôn ngữ cũng chưa có những từ tương ứng để chỉ những khái niệm này và những khái niệm có liên quan. Liên lạc với nhau thì hoặc là trực tiếp, bằng thư hay điện thoại… chứ làm gì có nói chuyện với nhau trực tuyến. Hoặc trong xã hội Việt Nam trước đây, cuộc sống còn cơ cực nên làm gì biết tới khái niệm/cách nói chân dài, model, hot boy, hot girl, siêu sao, gây sốt… hoặc việc học hành, làm ăn còn đàng hoàng nên làm gì có cà phê đểu, có bia ôm, chạy chức, chạy điểm, chạy bằng… Trước đây thế giới chưa chú trọng tới bảo vệ mội trường nên chúng ta không có các từ như năng lượng sạch, xe hybrid, trồng cây xanh[5]… Chẳng lẽ ta quay về sống với tiếng Việt thời trước 1975 hay trước nữa và không chấp nhận các từ mới, các cách nói ‘mới’ này. Thực tế dù chúng ta có chấp nhận hay không thì những từ mới và những cách nói mới đó vẫn tồn tại. Và những từ mới nào, cách nói mới nào không phù hợp qua thời gian sàng lọc sẽ bị số đông loại bỏ như chúng ta đã từng có kinh nghiệm.

Bây giờ xin được phép đi vào từng ví dụ cụ thể của tác giả trong bài viết:

1.      BBC tiếng Việt ngày 27/1/2013: "Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim." Câu này được tác giả chỉnh lại gọn nhẹ hơn là "Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng bị bệnh tim và đã qua hai lần giải phẫu” Tuy nhiên tôi e rằng cách hiểu từ "tiền sử" của tác giả có phần cứng nhắc. Đây là một thuật ngữ ngành y có nghĩa ‘toàn bộ tình hình chung về sức khoẻ và bệnh tật đã qua của một bệnh nhân’. Một từ thông thường khi thành thuật ngữ thì có thể có ý nghĩa mới/khác như tôi có dịp nói qua trong mục i.

2.      VOA tiếng Việt ngày 7/2/2013: "Các phần tử cực đoan đang đe dọa sẽ làm trật đường rầy tiến trình chuyển đổi sang dân chủ của Tunisia." Ở đây tác giả đã phân tích rất đúng lỗi dịch sát từng từ của VOA và đã đưa ra câu chỉnh thanh thoát hơn, " Các phần tử cực đoan đang đe dọa làm lệch tiến trình dân chủ của Tunusia.”

3.      BBC tiếng Việt ngày 8/2/2013: "Giáo sư Mỹ bị đòi đuổi việc vì chê VN".Đúng như tác giả nhận xét ‘đây là câu văn tối nghĩa, giống như một ông Tây, ông Mỹ không rành tiếng Việt mà nói tiếng Việt’ và đã đưa ra câu chỉnh ‘Việt’ hơn "Kêu gọi sa thải giáo sư Mỹ đã xúc phạm người Việt Nam."

4.      VOA ngày 7/2/2013; "Chuyện làm tình nguyện ở Mỹ". Đồng ý với nhận xét ‘câu văn không sai’ nhưng thêm ý ‘thiếu trình độ’ thì hơi nặng. Cũng đồng ý với câu chỉnh của tác giả thành "Chuyện phục vụ thiện nguyện ở Mỹ". Do chưa đọc được bài báo này nên tôi chưa rõ dùng ‘công việc tự nguyện’ hay ‘phục vụ thiện nguyên’ phù hợp hơn. Ở Australia, những người thất nghiệp đôi khi phải tự nguyện làm một vài công việc không lương nào đó mới được cấp tiền an sinh xã hội. Nếu coi các việc làm như vậy là phục vụ thiện nguyện e không thật đúng với nghĩa từ thiện nguyện.

5.      BBC ngày 10/2/2013: "Hà Nội cũng có kế hoạch đóng mới một tàu biển đa năng có khả năng chịu sóng lớn để làm tàu bệnh viện.". Đồng ý với tác giả, về mặt logic từ "mới" ở đây là thừa vì đóng tàu là đóng tàu mới rồi, không ai đóng tàu cũ cả. Tuy nhiên ngôn ngữ luôn có tính võ đoán và là của số đống nên logic nhiều khi cũng không có tác dụng. Trong các ngôn ngữ khác cũng có kiểu nói thừa như vậy như trong tiếng Anh người ta thường nói DVD disk, …. Có thể từ ‘đóng mới’ nằm trong trường hợp này chăng? Nếu quả vậy thì dù không phù hợp logic cá nhân chúng ta cũng không thể nào loại bỏ được như tôi có đề cập trong mục iv.

6.      VOA tiếng Việt ngày 10/2/2013: "Hơn một tỉ người châu Á trên khắp thế giới đã bước vào năm con Rắn bằng những màn pháo bông, ăn nhậu và đi thăm người thân." Tác giả đã nhận xét đúng về cách dùng từ ‘ăn nhậu’ là không thích hợp và câu chỉnh theo tôi là tốt hơn,"Hơn một tỉ người Châu Á khắp thế giới bước vào năm con Rắn bằng những màn đốt pháo bông, tiệc tùng và thăm viếng người thân." Theo ý riêng, nếu dùng từ ‘ăn chơi’ thay cho ‘tiệc tùng’ thì có lẽ cũng chấp nhận được, dĩ nhiên không sát nghĩa bằng từ ‘tiệc tùng’.

7.      VOA tiếng Việt ngày 10/2/2013: "Vùng đông bắc nước Mỹ bắt đầu dọn dẹp sau cơn bão tuyết hung bạo." Câu chỉnh của tác giả "Vùng Đông Bắc nước Mỹ bắt đầu dọn dẹp sau trận bão tuyết dữ dội.” là xác đáng. Dùng từ ‘hung bạo’ rõ ràng không hợp trong văn cảnh này.

8.      BBC tiếng Việt ngày 16/2/2013: “Xuất hiện ảnh hậu phẫu của Hugo Chavez”. Hình như tác giả hơi thiên lệch ở đây khi phê phán việc dùng từ ‘hậu phẩu’ trong khi chính ông cổ vũ dùng các từ như hải cảng, phi cảng, tuần dương hạm… và ‘vô tư’ dùng từ Việt ngữ. Theo ý riêng, từ ‘hậu phẩu’ mặc dù vay mượn nhưng có thể chấp nhận được vì làm gọn nhẹ cách diễn đạt như nêu trong mục iii ở trên (thay vì phải nói dài hơn là ‘sau khi giải phẩu’). Còn các câu chỉnh của tác giả, có vẻ cũng không trong sáng hơn vì chưa đủ ý so với câu gốc. Câu: "Ảnh Ô. Hugo Chavez sau cuộc giải phẫu" thiếu ý ‘xuất hiện’, còn câu "Ô. Hugo Chavez sau cuộc giải phẫu" không có ý nào nói lên sự xuất hiện của ảnh. Tôi chưa đọc bài này của BBC nên ý kiến đóng góp này có thể chưa thật chính xác.

9.      BBC tiếng Việt ngày 16/2/2013: "Malaysia bắt giữ thượng nghị sỹ Úc". Đồng ý với nhận xét và câu chỉnh của tác giả "Malyasia chặn giữ thượng nghị sĩ Úc tại phi trường.” Tuy nhiên, có thể từ ‘tạm giữ’ hợp văn cảnh ở đây hơn.

10.  BBC tiếng Việt ngày 17/2/2013: "Bắc Hàn kỷ niệm ngày mất Kim Jong-il". Đồng ý với câu chỉnh của tác giả: "Bắc Hàn kỷ niệm ngày Kim Jong-il qua đời". Tuy nhiên có vẻ nhận xét rằng ‘đây là loại tiếng Việt kém cỏi, xem thường người đọc quá đỗi’ thì hơn khe khắc. Tôi cho rằng nếu BBC viết "Bắc Hàn kỷ niệm ngày mất của Kim Jong-il" hay “Bắc Hàn kỷ niệm ngày giổ Kim Jong-il" thì có lẽ cũng chấp nhận được. Còn dùng mất hay qua đời có lẽ cũng không khác biệt lắm về sắc thái ngữ nghĩa ở đây.
11.  BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: "Báo TQ phê Mỹ về Bắc Triều Tiên". Nhận xét của tác giả về từ "phê" là xác đáng. Đúng là trong văn nói của tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, ta có thể nói tắt nhưng trong văn viết, nhất là dưới dạng chính thức, công cộng như thế này thì không nên dùng.

12.  BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: "Phim giá rẻ Trung Quốc gây sốt". Tác giả có nhận xét xác đáng về từ ‘giá rẻ’ nhưng có vẻ dị ứng với cách nói "gây sốt" mà tôi cho là khá hình tượng, nên dùng. Còn câu văn chỉnh là "Trung Quốc: Phim không tốn kém nhưng thành công bất ngờ" hình như chưa xứng hợp. Tác giả phê phán ‘giả rẻ’ và đề xuất thay bằng ‘ít tốn kém’ nhưng lại dùng ‘không tốn kém’(ý nghĩa khác hoàn toàn với ít tốn kém). Có thể cũng có vấn đề khi tác giả dùng cấu trúc câu có dấu “:” ở đây, tuy nhiên do tôi chưa đọc được bài của BBC nên khó góp ý chính xác.

13.  BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: "Phóng viên BBC đình công vì giảm việc làm". Đồng ý với nhận xét và câu chỉnh đầu của tác giả, "Phóng viên BBC đình công vì bị cắt giảm việc làm". Còn câu chỉnh sau "Phóng viên BBC đình công vì việc làm bị cắt giảm" có vẻ không phù hợp bằng (do từ bị không gắn trực tiếp với phóng viên mà gắn với việc làm).

14.  BBC tiếng Việt ngày 7/12/2012: "Cấm quan chức Nga 'vi phạm nhân quyền' ". Đồng ý với nhận xét của tác giả. Về còn câu chỉnh "Trừng phạt các quan chức Nga vi phạm nhân quyền", do chưa đọc được bài báo này nên khó có ý kiến.

15.  VOA tiếng Việt ngày 28/2/2013: "Tàu không gian này sẽ kết nối với một môđun không gian thử nghiệm gọi là Thiên Cung 1." Tác giả dịch module thành bộ phận rời, bộ phận phụ. Tuy nhiên cách dịch này có vẻ chưa lột tả hết ý nghĩa của từ module (a self-contained unit of a spacecraft that performs a specific task or class of tasks in support of the major function of the craft, tạm dịch là một đơn vị có đủ bộ phận để tự hoạt động của một tàu vũ trụ thực hiện một hoặc lớp nhiệm vụ cụ thể phù trợ các chức năng chính của con tàu). Do đó, theo tôi nên dùng phiên âm môđun (như ta đã làm với từ cà phê, phim…) như VOA đã làm, hoặc dùng từ gốc module như ta thường dùng với tên các dược phẩm… Đồng ý với tác giả là đoạn văn " sẽ kết nối với một môđun không gian thử nghiệm gọi là Thiên Cung 1" khá tối nghĩa. Còn phần chỉnh, "sẽ ráp nối với một bộ phận thí nghiệm ngoài không gian gọi là Thiên Cung 1" có thể điểu chỉnh thêm một tí nữa, "sẽ ráp nối với một module thí nghiệm ngoài không gian có tên là Thiên Cung 1".

16.  VOA tiếng Việt ngày 28/2/2013: "Công dân cao niên Mỹ quan ngại về việc cắt giảm ngân sách". Đồng ý với câu chỉnh của tác giả "Người già ở Mỹ lo sợ việc cắt giảm ngân sách" đơn giản hơn, tuy nhiên có vẻ từ ‘lo sợ’ hình như chưa phù hợp bằng các từ ‘lo âu/lắng/ngại’ và cũng có thể từ ‘quan ngại’ lại đúng hơn (có nhiều khả năng từ gốc là concern).  Còn nhận xét của tác giả về cách dùng từ trong câu này là đúng nhưng có vẻ hơi nặng nề.

17.  BBC tiếng Việt ngày 18/3/2013: "Nhật Bản sẽ giúp phát hiện ra bất kỳ cú phóng tên lửa nào từ Bắc Hàn." Tôi rất phân vân với nhận xét của tác giả về từ “cú” ở đây vì tác giả không có đưa ra từ nào để thay thế. Còn bản thân tôi cố thử thay bằng các từ ‘đợt’, ‘loạt’, ‘phát’…đều cảm thấy chưa thật phù hợp. Có lẽ cuối cùng ta phải chấp nhận từ ‘cú’ của BBC, và thật ra đây cũng là một từ vay mượn từ tiếng Pháp (coup).

18.  VOA tiếng Việt ngày 19/3/2013: "Tội danh giết người có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình." Tôi cho rằng dùng "khung hình phạt" là phù hợp trong văn cảnh này. Khi nói “khung” ta nghĩ tới có một khoảng có chặn dưới (ở đây là 12 năm) và chặn trên (ở đây là 20 năm), còn nếu dùng "mức” thì ta nghĩ tới một thời gian nhất định, chẳng hạn như “mức 15 năm.”

19.  BBC tiếng Việt ngày 18/3/2013: “Mỹ và Nga vẫn nắm giữ hai vị trí đầu tiên trong danh sách (xuất cảng vũ khí) này”. Đồng ý với nhận xét của tác giả về nghĩa của "đầu tiên" (nói về thời gian). Câu văn chỉnh "Mỹ và Nga vẫn nắm giữ vị trí hàng đầu trong danh sách xuất cảng vũ khí" là phù hợp. Thật ra, cũng có thể chỉ dùng từ ‘đầu’ thay vì dùng ‘hàng đầu’ hay ‘đứng đầu’ như tác giả đề nghị.

20.  BBC tiếng Việt ngày 19/3/2013: “Ông (Tony Blair) còn được tin là đã cố vấn cho một số tập đoàn tài chính như JP Morgan và Zurich International.” Đồng ý với nhận xét và câu chỉnh của tác giả, “Còn có tin Ô. Tony Blair đã cố vấn cho một số tập đoàn tài chính như JP Morgan và Zurich International.” Ở đây, lỗi dịch thuật theo kiểu từng từ một là rõ ràng.

Tóm lại, theo nhận xét riêng thì chỉ có vào khoảng non nửa trong các ví dụ trên là có vấn đề cần chỉnh sửa, trong đó có vấn đề về dùng từ và cũng có vấn đề về đặt câu. Có lẽ đây là điểm yếu chung của những người sống ở nước ngoài vốn có vốn từ vựng tiếng Việt đang bị thui chột do ít sử dụng lại còn bị tiếng nói đang dùng chi phối. Do đó, những người làm công việc viết lách ở đây có lẽ cần cảnh giác nhiều hơn về điều này. Còn đối với các từ/cách dùng mới xuất hiện thì chúng ta cũng cần cân nhắc mức độ phù hợp để dùng. Dĩ nhiên, điều này tuỳ thuộc cái nhìn chủ quan của mỗi cá nhân nhưng mỗi người cố gắng đánh giá theo khả năng tối đa của mình thôi. Và chính việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập thêm sẽ giúp ta nâng cao khả năng đánh giá của mình và chắc chắn cũng giúp ta nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ.



[1] Mặc dù chữ quốc ngữ bắt đầu hình thành từ thế kỉ 17 nhưng nền giáo dục bằng chữ quốc ngữ chỉ thật sự bắt đầu phổ biến trong cả nước từ sau 1945 thôi.
[2] Nêu trường hợp này ra tôi không có ý phủ định công lao của các tác giả và sự cần thiết của cuốn sách trong giai đoạn ban đầu này nhưng rõ ràng do hạn chế nên lịch sử nên nội dung cuốn sách chủ yếu sao chép ngữ pháp Tây, Tàu hơn là ngữ pháp tiếng Việt. Hơn nữa, vào thời điểm đó hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt để dựa vào. Công trình có giá trị ‘Syntaxe De La Langue Viêtnamienne’ của L. Cadière mãi tới năm 1958 mới xuất bản nhưng cũng chưa được nhiều người chú ý.
[3] Ở đây tôi không có ý chối bỏ giá trị của cuốn sách này mà chỉ muốn cho thấy hạn chế về mặt ngôn ngữ do ảnh hưởng của nền giáo dục bằng chữ Hán thôi. Những học giả trước đó, đồng thời và thậm chí sau này đều có hạn chế này, ví dụ rất nhiều như Gia Định báo, Đông Dương tạp chí, Việt ngữ nghiên cứu, Việt Nam Sử lược, Tự Lực văn đoàn, Việt Nam thi nhân tiền chiến, Tối cao pháp viện....
[4] Thật ra, có những cách nói đúng ngữ pháp tiếng Việt như nước Nam để chỉ nước ta (như trong quốc ca của VNCH) hoặc dân Nam để chỉ dân Việt, dù có ý thức hoặc không cũng thể hiện óc lệ thuộc Tàu, cụ thể là chịu ảnh hưởng của tư tưởng ‘Hoa vi trung’ (Nam là so với trung tâm là Trung Hoa). Theo tôi những cách nói như vậy cũng cần loại bỏ, kể cả từ Nam trong tên nước Việt Nam. Không biết như thế có quá cực đoan không?
[5] trồng cây xanh theo tôi hiểu là trồng cây góp phần bảo vệ môi trường, không phải là trồng cây ăn trái và cũng không phải là trồng cây cảnh (= trồng kiểng) như vậy không thể bỏ chữ 'xanh' .