Tuesday, September 4, 2018

VÀI ĐIỀU TRAO ĐỔI NHÂN VỤ LÙM XÙM VỀ CÁCH ĐÁNH VẦN

VÀI ĐIỀU TRAO ĐỔI NHÂN VỤ LÙM XÙM VỀ CÁCH ĐÁNH VẦN


Trong vụ lùm xùm về cách cải tiến dạy TV ở lớp 1, tôi nghĩ bài giải thích của nhà giáo Phạm Toàn là đủ mà ko cần bàn tán gì thêm vì bản thân ko rành về ngôn ngữ cũng như ko có hiểu biết  biết nhiều về dạy học ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, thấy trong số bạn bè trên FB của tôi có nhiều người khá vội vả ko tìm hiểu kĩ càng, ít dùng óc phán đoán suy xét nên có những bài viết thoá mạ, ném đá sai lệch (có bài lại có cả ngàn cmt và hơn 3500 share ?!), là thật hết sức đáng buổn và đáng lo. Biết rằng chế độ hiện tại ko tốt nhưng điều đó ko có nghĩa là trong đó ko có những cá nhân có tâm và có nhiệt huyết đang tìm cách chòi đạp trong các ràng buộc của chế độ để làm những điều tốt cho dân, cho nước. Vịệc ném đá, thoá mạ hồ đồ kiểu thế này rõ ràng phủ nhận những cố gắng đó, chắn chắc sẽ làm thui chột nhiệt huyết của những cá nhân đáng quý và hiếm này. Tôi cho rằng thái độ ‘ko ưa thì dưa nào cũng có dòi’là thái độ ko đúng. Vì vậy, tôi đành liều mạng viết vài điều trao đổi lại với các bạn đó dựa trên những điều mình biết và common sense. Phạm vi ném đá ko chỉ riêng vụ đánh vần này mà còn lan qua vụ khác có liên quan nên phạm vi trao đổi cũng mở ra chút ít.

- Có ý kiến ném đá vụ ‘cải cách chữ viết’ thời bà Nguyễn Thị Bình gần 40 năm trước, cho rằng Bộ GD thồi đó đã ‘bẻ các con chữ thành các cọng mì gãy vụn’. Thật ra ko có ‘cải cách chữ viết’ gì ở đây mà đó chỉ là một cố gắng giúp cho trẻ ở lứa tuổi bé bỏng đó (chưa điều khiển thật tốt tay mình để viết chữ uốn lượn như người lớn) có thể viết được chữ dễ dàng, rồi sau đó lên những lớp trên có thể điều chỉnh lại khi trẻ có thể điều khiển tay mình tốt hơn. Tôi ko hề biết có một toan tính nào thay đổi cách viết của xã hội qua việc này, nếu quả có thì nằm ngoài phạm vi hiểu biết của tôi (vào những năm 1980 tôi làm việc ở phòng chuyên môn của sở GD tỉnh, tôi chưa từng thấy có một thông tư, chỉ thị nào của Bộ GD như vậy). Con cháu tôi trong số các lứa học sinh đầu tiên học theo cách đó và sau này phần lớn các cháu vẫn viết chữ như bình thường, thậm chí có cháu viết kiểu cọ hơn thế hệ tôi. Đây là cách tôi cho là phù hợp và nhiều trường ở phương Tây cũng làm như vậy (xem hình bài viết của hs ở Úc – có thể tìm trên net nhiều vd như vậy). Thật ra, trong thời đại hiện nay, việc sử dụng máy tính, smartphone thành phổ biến, có lẽ việc viết kiểu cọ như ngày xưa dùng ngòi viết lá tre, lá măng... là ko thật cần thiết (và nếu có viết cũng chưa chắc đẹp bằng cách các font chữ đa dạng trên máy tính), tôi cho rằng việc gõ thuần thục bàn phím mới quan trọng hơn, còn kĩ năng viết có lẽ chỉ ở mức khi cần có thể viết đọc được là đủ.



- Về vụ ko cho gọi các mẫu tự là a, bê, xê.... mà phải gọi bằng ‘phiên âm’ a, bờ, cờ,... Đúng như ý kiến phê phán, trên thực tế vẫn có người, thậm chí nhều người, kể cả báo đài và quan chức gọi là a, bờ cờ... Nhưng xin thú thật, trong tôi cũng ko hề thấy một công văn, chỉ thị... của Bộ GD chỉ đạo như vậ̣y. Hầu hết các giáo viên tỉnh tôi vẫn gọi là a, bê xê..... Nếu đã đọc qua bài giải thích đã share của nhà giáo Phạm Toàn, có thể suy đoán việc gọi sai như vậy là do việc gấp gáp muốn phổ biến chữ quốc ngữ vào những năm 1930, nhất là sau 1945 nên người ta còn lập lờ giữa tên con chữ và âm của nó. Thật ra, nếu xã hội thống nhất gọi tên các con chữ (thật ra chỉ các phụ âm thôi) bằng âm của chúng (dĩ nhiên phải có thêm gì đó để phân biệt những con chữ có cùng âm như I/Y hay C/K/Q – nói thêm điều này để cho các bạn từng đưa hình vẽ tam giác CKQ và gọi nó là ‘cờ cờ cờ’ thấy mình ‘nhanh nhẩu’ đoản) thì chẳng có gì lớn chuyện. Người Thuỵ Điển đọc VTV là ‘via tia via’, Nga cũng có thể đọc thành ‘ve te ve’... thì tiếng Việt gọi ‘vờ tờ vờ’ cũng ko có gì là kì quặc. Có điều là do điều kiện lịch sử, ban đầu Tiếng Việt do các cố đạo phương Tây tạo ra rồi VN là thuộc địa của Pháp nên ta đã quen cách gọi tên chúng theo kiểu Pháp là a, bê, xê.... Nếu như ko có cái dây mơ rể má đó thì việc chọn gọi tên các con chữ bằng âm của chúng như a, bờ, cờ... hoặc a, bơ, vơ,... (đúng hơn về̀ mặt ngữ âm vì các phụ âm tự chúng còn không phát ra âm được thì làm gì có dấu giọng nhưng nghe nó ngang phè :-) ), thậm chí gọi là a, bu, xu.... thì chẳng có gì là sai trái mà có lẽ chỉ là vấn đề thuận/tuỳ tiện thôi (giải thích thế nào để Pháp chọn gọi là a, bê, xê... Anh gọi a, bi, xi..., Na Uy gọi  a, be, xe... còn Hi Lạp [bộ chữ hơi khác] lại cầu kì gọi alpha, bêta, gamma....) và khi đã quen tai nên sẽ ko ai lên tiếng chê bai cách gọi tên kiểu như vậy là bậy bạ, quê mùa.. (lưu ý là ở đây tôi chí nói theo common sense thôi chứ ko có ý cỗ vũ cách gọi tên nào khác vì lịch sử đã quy định rồi :-).)

Liên quan tới vụ này là việc đánh vần, một số bạn có ý kiến cho rằng nhóm HNĐ bày đặt ‘cải tiến cải lùi’ chi cho rách việc, cứ việc học như thế hệ họ từng học vẫn có kết quả. Đúng là do thúc ép và cố gắng cá nhân nên học theo cách xưa cũng có kết quả nhưng hãy thử nghĩ lại xem cách đánh vần cũ có thật ổn thoả chưa. Lưu ý là tôi không cổ vũ việc đánh vần hay ko đánh vần trong việc dạy tiếng vì ko thấy có so sánh nào thuyết phục. Nhưng nếu phải chọn đánh vần, tôi sẽ chọn cách của nhóm HNĐ. Vì sao thế? Giả sử nếu bây giờ tôi đánh vần tiếng BA là ‘bê-aà HA’, nhiều người chắc hẵn cho tôi là kẻ có đầu óc ko bình thường vì từ âm ‘B’ nhảy xoạc sang âm ‘H’. Nhưng cũng ko ít trong số nhiều người này chắc hẵn cảm thấy hết sức bình thường khi tôi đánh vần tiếng CA chẳng hạn là ‘xê-a à CA’, tiếng GA là ‘giê-aàGA’ hoặc phức tạp hơn, tiếng KI là ‘ka-iàKi’, hoặc phức tạp hơn chút nữa, tiếng BUÔN là ‘bê-u-BU-ô-BÔ-anh nờ-BUÔN’ .. vì đúng như những gì họ đã được học. Có thể họ ko hề thấy rằng ở đây, tôi cũng đã làm chuyện không bình thường là từ âm ‘X’ nhảy xoạc sang âm ‘K’ với tiếng ‘CA’; từ âm ‘Z’ nhảy xoạc sang âm ‘G’ với tiếng ‘GA’; đã áp đặt khi người nghe khi đánh vần ‘ka-i’ thành KI, thuận ‘miệng’ thì phải là ‘ka-ià CAI hay CAY’ chứ (tuỳ theo đọc lướt hay đọc kéo dài âm I), và hoàn toàn tuỳ tiện và áp đặt khi đánh vần “bê-u-BU-ô-BÔ (?!)-anh nờàBUÔN’...  Nếu đọc kĩ bài giải thích của nhà giáo Phạm Toàn sẽ thấy rõ ràng cách đánh vần của nhóm ông hoàn toàn tự nhiên, ‘thuận miệng; ko hề có những áp đặt kiểu thế này. Các ví dụ trên cho thấy rõ điều này: ‘cờ-a à CA’, ‘gờ-a à GA’, ‘cờ-i à KI’ (ghi là ‘Ki’ không phải ‘Ci’ là do luật chính tả*), ‘bờ-ua-BUA-nờ à BUÔN’ (ghi là ‘BUÔN không phải BUAN là chính ta quy định). Một cách đánh vần rạch ròi, tự nhiên, theo khá đúng ngữ âm như thế sao lại chối bỏ mà lại đòi giữ cách đánh vần đầy khuyết tật xưa kia.

Còn các con chữ C, K, Q vốn đã thể hiện âm ‘cờ’ từ thời các cố đạo phương Tây tạo ra chữ quốc ngữ chứ ko phải do nhóm HNĐ hay ai đó vẽ ra. Ko thể viện dẫn vì trong các thứ tiếng khác một con chữ có thể thể hiện nhiều âm nên tiếng Việt cũng phải vậy. Cách viết tiếng Việt vốn đã có cái đơn giản hiếm có là mỗi con chũ chỉ tương ứng với một âm sao lại làm nó phức tạp lên. Còn nếu nói QU là phụ âm kép thể hiện cho âm 'quờ' thế thì tự thân 'q' có âm là gì để ghép với âm 'u' ra âm 'quờ' (âm 'U' làm sao ghép với âm Q lại thành 'Ờ' về mặt ngữ âm, lưu ý các phu âm kép khác ch, kh, ph, th,... không có cái nghịch lí này.

Các vần có âm chính, âm đệm là từ thực tế ngôn ngữ trong tiếng Việt ko phải do ai tự tiện nghĩ ra. Ví dụ nguyên âm đôi 'Ia', về ngữ âm có thể coi như một vần có âm chính là I (đọc kéo dài) âm phụ là 'a' (đọc lướt) không giống như nhị trùng âm (diphttongue) 'IA' trong 'diamètre' tiếng Pháp chẳng hạn, còn nguyên âm đôi 'Ai' thì trái lại. Nguyên âm đôi 'Ui' và 'uY' cũng tương tự, vì thế không ai dại dôt thay 'Y' trong 'THUÝ' thành 'I' đâu :-) .  Chữ CUA với vần ‘Ua’ có âm chính là ‘U’ (đọc kéo dài), âm đệm là ‘a’ (đọc lướt); còn chữ QUA với vần uA có âm chính là A (theo quy định chính tả vần ‘uA’ với ‘u’ là âm đệm thì đi với Q). Có thể giải thích tương tự thế cho trường hợp CUỐC [C-Úa-C] và QUỐC [C-uỐ-C] (phía Nam phát âm là quẤc, đúng ra chỉ là uẤc, không có âm c đầu)....

Dĩ nhiên, như tôi đã nói do nhóm HNĐ có lẽ chỉ gồm những người miền Bắc nên họ đã gom chung các âm ch/tr, d/gi/r ... khi dạy phân tich âm (nhưng lưu ý là họ hoàn toàn rạch ròi khi viết và giải thích là do luật chính tả, tức là ko có gì giống với Bùi Hiền về mặt chữ viết). Từ thực tế là người địa phương khác, chẳng hạn dân Nam Bộ, lúc bình thường có thể nói không phân biệt ‘dì/gì/vì’, ‘tin/tinh’... nhưng khi cần thiết (như trong hội thảo, dạy học...) hoàn toàn có thể phát âm phân biệt chính xác các trường hợp thế này, tôi cho rằng không lí gì các thầy cô giáo khi dạy cho học sinh các âm như ch/tr, d/gi/r ... không chỉ ra cho học sinh cách phát âm phân biệt như của các địa phương khác (với các công cụ công nghệ thông tin hiện nay việc này thực hiện rất dể dàng). Khi làm như vậy sự chênh lệch giữa nói và chữ viết sẽ xoá đi bớt, các thế hệ sau sẽ có vốn TV phong phú hơn và nhất là các địa phương càm thấy được đối xử ‘fair’ hơn trong ngôn ngữ (hi vọng đề nghị này sẽ tới tai nhóm HNĐ). Tôi nghĩ điều này hoàn toàn khả thi, dân Nam biết ngô là bắp, chăn là mền, phanh là thắng... thì lí gì dân Bắc ko thể biết điều ngược lại, cả về từ vựng lẫn phát âm?

-------------------
* Khi nói 'do luật chính tả' hay tương tự như thế có nghĩa là do cách viết xưa nay là vậy ta cứ tuân theo chứ không viết lại cho đúng theo phân tích về ngữ âm, tức là không có ý đồ tìm cách thay đổi cách viết hiện tại.

Monday, September 3, 2018

Hạnh phúc nhọc nhằn với Tiếng Việt lớp Một

Hạnh phúc nhọc nhằn với Tiếng Việt lớp Một 

Tác giả: Phạm Toàn
.
KD: Vấn đề phát âm tiếng Việt (lớp 1) – theo Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, mấy hôm nay làm nóng trang mạng FB. Đa số là ý kiến phản đối, chỉ trích, lo lắng. Mới đây nhà giáo- nhà văn Phạm Toàn- người cộng tác đắc lực với Trung tâm CNGD trước đây, sau đó, ông chủ trì Nhóm Cánh Buồm, hiện đã nghỉ hưu nhưng tâm trí ông vẫn không nguôi nghĩ và lo cho GD, có bài viết này. Trước đó, mình có gọi điện trao đổi và hỏi quan điểm của ông xung quanh vấn đề phát âm tiếng Việt lớp 1, đề nghị ông lên tiếng về một vấn đề mà ông nắm vững.
.
Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Blog KD/KD xin đăng toàn văn bài viết (phần 1, phần 2 và phần 3) mà nhà giáo Phạm Toàn vừa gửi tiếp để bạn đọc quan tâm, theo dõi và chia sẻ.
—————- 
Tôi không xài Phây-búc. Nhưng hai hôm nay, họa sĩ Phan Nguyên trên Phây của anh đã gọi đích danh tôi, nhắc tôi có ý kiến. Tôi đã trân trọng hồi đáp rất ngắn gọn. Sau đó, họa sĩ chỉ hỏi thêm đôi ba điều chi tiết. Tôi cũng đã hồi âm ngay. Tới lúc này, có lẽ bạn tôi đã hơi yên lòng.
Tôi cũng đã đọc những điều luật sư Lê Văn Luân giận dữ đòi đưa một số “tội phạm” ra tòa. Tôi rất yêu quý luật sư Lê Luân, và chắc chắn hai chúng tôi vẫn là bạn của nhau. Tôi phải viết bài này không để “chạy tội”, mà vì tự thấy mình là người trong cuộc.
Tôi có trách nhiệm viết bài này để mọi người cùng hiểu cách tổ chức học sinh lớp Một học tiếng Việt. 
Xưa nay, có hai cách học để biết đọc biết viết tiếng Việt.
  1. Cách học thứ nhất – “đánh vần theo chữ”
  2. Thời kỳ đầu
Cách học này có ít nhất từ đầu thế kỷ 20 khi chữ quốc ngữ được đem dùng với tư cách chính thức, do đó trẻ em phải học từ lớp Đồng ấu (bây giờ là lớp Một).
Trẻ em đi học được dùng bộ sách khai tâm có nghĩa là mở cửa tâm trí và sau này được đổi thành vỡ lòng (chữ “vỡ” không có nghĩa là “tan vỡ” mà mang nghĩa “khai mở”, “vỡ vạc”).
Đại thể khai tâm hoặc vỡ lòng đều bắt đầu bằng học các con chữ: a, b, c …
Các tác giả tìm mọi cách để học trò mau thuộc các con chữ. Sách vỡ lòng thời tác giả bài này bắt đầu đi học (quãng năm 1936) gồm có a quả na, e kéo xe, ê con dê, i đi học, u đánh đu, ư các lư, ơ quả mơ, o cái mo, ô cái ô, …
Sau đó là học sang vần bằng ba, bă, bâ, be, bê, bi, bo, bô, bơ, bu, bư… ca, că, câ, ke, kê, ki, co, cô, cơ, cu cư … cha, chă, châ, che, chê, chi, cho, chô, chu, chư…
Cách đánh vấn những vần bằng như sau: [bê]-[a]-[ba] … [bê]-[á]-[bá] … [bê]-[ớ]-[bớ] … Sai lầm ngay từ đầu: các bán nguyên âm [ă] và [â] không bao giờ đứng một mình mà luôn luôn cần âm khác khép lại – thí dụ [băn] [bân] [căn] [cân] [chăn] [chân] …
Sau các vần bằng học sang vần trắc như [an] [ăn] [ân] … [ai] [ay] [ây] … [anh] [ach] … [uông] [ương] [uyt] [uyêt] …
Cách đánh vần một tiếng có vần trắc, thí dụ tiếng [nguyệt] diễn ra như sau: [en] [dê] [u] [ngu] [y-cờ-lét] [i] [nguy] [ê] [nguê] [tê] [nguyêt] [nặng] [nguyệt]… Thí dụ tiếng [nghiệm] đánh vần như sau: [en] [dê] [hát] [i] [nghi] [ê] [nghê] [em-mờ] [nghiêm] [nặng] [nghiệm]. Sai lầm của cách đánh vần này là bắt học trò chấp nhận những điều vô nghĩa lý. Mời các bạn đánh vần lại tiếng [nguyệt] và tiếng [nghiệm] để tự xác định cái gì là vô nghĩa lý …
  1. Thay đổi giữa những năm 1930
Cách học thứ nhất để biết đọc và viết tiếng Việt theo lối “đánh vần theo chữ” vẫn có kết quả, vì người ta … vẫn thấy nó có kết quả.
Nghe đồn là những tù nhân biết chữ đã dùng Truyện Kiều để dạy “đánh vần theo chữ” và những bạn tù rồi cũng biết đọc và viết tiếng Việt như thường.
Vẫn hơn học chữ Nho. Vẫn biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ.
Nhưng đến giữa những năm 1930, nhu cầu muốn cho nhiều người dân biết đọc và viết tiếng Việt hơn, một số nhà trí thức đã thay đổi cách “đánh vần theo chữ”. Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Công Mỹ … đã thay cách học theo hướng tôn trọng ngữ âm tiếng Việt hơn.
Sự thay đổi được Hội Truyền bá Chữ quốc ngữ thực hiện. Người ta vẫn bắt đầu bằng dạy chữ viết, nhưng cách đánh vần thì thay đổi theo hướng ngữ âm. Tên gọi các chữ ghi phụ âm không còn là bê xê xê-hát dê đê như của “Tây” nữa mà gọi tên theo âm thành bờ cờ chờ dờ đờ … không gọi e-lờ em-mờ en-nờ nữa mà gọi lờ mờ nờ … từ đó có cả loạt như trờ thờ sờ xờ vờ 
Cách đánh vần [tờ] [i] [ti] đã xóa bỏ cách đánh vần [tê] [i] [ti], hoặc xóa bỏ lối [en] [dê] [hat] [i] [nghi] để chỉ còn [ngờ] [i] [nghi] …
Còn đối với những vần trắc thì cách đánh vần vẫn là “mô tả theo trật tự các con chữ”. Thí dụ [i] [ê] [nờ] [iên] để mô tả những chữ ghi tạo thành vần [iên]. Tương tự như vậy, ta có [u] [ô] [ngờ] [uông] hoặc [ư] [ơ] [ngờ] [ương] hoặc [o] [a] [nhờ] [oanh], …
Tức là sự thay đổi theo hướng ngữ âm của Hội Truyền bá Chữ quốc ngữ mới chỉ dừng lại ở các phụ âm, còn đại thể vẫn tiếp tục con đường “đánh vần theo chữ”.
  1. Tiếp nối từ 1945 đến 1980 và CT-2000
Sau tháng Tám năm 1945, sách Vỡ lòng của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về cơ bản vẫn đi theo cách dạy của thời Hội Truyền bá Chữ quốc ngữ.
Mối quan tâm của nhà soạn sách tập trung vào những từ ngữ và bài đọc “phục vụ” được các thăng trầm và biến thiên của cuộc sống mới. Trong kháng chiến thì sách có giặc Pháp, giết giặc, vũ khí, du kích, lập công, tiếp lương tải đạn, anh hùng La Văn Cầu … Rồi tiếp tục còn có cả tăng gia sản xuất, bèo hoa dâu, tổ đổi công, … Thay đổi liên tiếp các năm, có cả hợp tác xã, địa chủ, ác bá, kể khổ, tòa án nhân dân, làm thủy lợi …  
Các nhà giáo biên soạn sách Vỡ lòng khi đó vẫn chưa nghĩ đến học tiếng Việt là học một ngôn ngữ. Các nhà giáo soạn sách Toán khi đó cũng chưa nghĩ đến môn Toán là việc học về quan hệ của số mà nghĩ đến giết bao nhiêu giặc hoặc bắt bao nhiêu tù binh, hoặc thu thêm bao nhiêu chiến lợi phẩm coi như đó là sự đóng góp của Giáo dục!
Sách Học vần năm 1980
Sau sự kiện lớn của cả dân tộc năm 1975, sự nghiệp Giáo dục có hai sự kiện rất quan trọng: thống nhất hai hệ thống giáo dục và thay đổi cách học tiếng Việt ở lớp 1 mở đầu cho nhiều cải cách khoa học khác.
Bộ sách này vào cuộc năm 1980 khi sách Tiếng Việt lớp 1 của hệ thống Công nghệ Giáo dục cũng vào cuộc năm 1979 – sẽ được phân tích ở phần về “Cách học thứ hai” bên dưới.
Bộ sách Học Vần biên soạn công phu dưới sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Nhất và một số cộng tác viên kỳ cựu như Trịnh Mạnh, Nguyễn Thượng Luyến, vv. Tên sách không gây ấn tượng về phương pháp, vì nó như thể rút ngắn tên gọi Vần quốc ngữ đã tồn tại nhiều chục năm.
Tiết học đầu tiên của sách này là học chữ O với hình ảnh con gà kêu o o thành ra chữ O… Nó dạy trẻ em phân tích một tiếng theo sơ đồ thao tác có tên Tổng–Phân–Hợp. Bước 1 có tên Tổng chỉ việc học sinh nhìn thẳng vào tiếng nguyên mà đọc. Phân là phân tích tiếng vừa đọc. Hợp là đọc lại cả tiếng đã phân tích.
Với một tiếng [ba] và các tiếng chỉ có một phần đầu và một nguyên âm là âm chính, thì sơ đồ thao tác trên chưa lộ ra là không hợp lý. Khi sang những tiếng có vần khó, thì sơ đồ Tổng–Phân–Hợp không bảo đảm thành công.
Nguyên nhân sâu xa của sai lầm Tổng–Phân–Hợp là do tác giả đã áp dụng máy móc phương pháp global thông dụng và họp lý cho trẻ em học các tiếng Ấn-Âu có biến hóa hình thái. Tiếng Việt đơn âm tiết có cấu trúc ngữ âm gần như dễ nhất thế giới không cần dến phương thức global.
Bộ sách Học Vần lặng lẽ thực hiện thêm một thời gian … vài chục năm, chẳng thấy công bố sơ kết hoặc tổng kết gì. Và sách Tiếng Việt lớp 1 của chương trình CT-2000 ra đời.
Sách Tiếng Việt lớp 1 của CT-2000
Sách Tiếng Việt lớp 1 của CT-2000 có tác giả là Đặng Thị Lanh, một nhà giáo có chức vụ cao. Sách này tuy nằm trong bộ sách CT-2000 nhưng nằm ngoài trách nhiệm của tổng chủ biên.
Tác giả Đặng Thị Lanh đã dành thời gian vài năm nghiên cứu cách dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo hướng Công nghệ Giáo dục. Có lẽ vì Đặng Thị Lanh nhìn rõ tính khoa học hợp lý của sách Công nghệ Giáo dục. Mà quả thực là trong thời gian sách Học Vần sống lay lắt, thì sách Công nghệ Giáo dục đã lan ra 43 tỉnh và thành phố trong cả nước. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh,có tới 60 phần trăm lớp 1 đã dùng sách theo hướng Công nghệ Giáo dục.
Rất tiếc, sách Tiếng Việt lớp 1 của CT-2000 đã không thực sự có hướng đi khoa học rõ rệt. Sách của CT-2000 mặc dù được Luật giáo dục mới thông qua quy định “sách giáo khoa” (hiểu ngầm là sách của Nhà nước soạn và in) là “pháp lệnh”. Nhưng vừa vào đời năm 2004 thì đến năm 2008 dã xuất hiện dư luận có chữ để đặt tên là quá tải. Rồi đã xuất hiện những lời kêu gọi “bảo đảm chất lượng”, “giảm tải”, “giảm tải sâu”, … rồi chiến binh VNEN xuất trận… Và bây giờ tình hình ra sao, cả nước đều biết.
Chỉ có một điều cả nước chưa biết: tính khoa học của cách dạy tiếng Việt cho con em lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của sách Công nghệ Giáo dục. Và điều kỳ lạ nữa là tại sao bỗng dưng sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục lại đang bị ồn ào chê trách…
Và chê trách vào một khúc “dở hơi” nhất: nào có ai gọi tên chung cho ba chữ c, chữ k và chữ q là chữ [cờ] chứ? Có ai dùng chỉ một tên đặt tên ba người con của minh nhỉ?
Vậy nên, đến đây, xin bà con làng xóm khối phố vui lòng đọc những điều tác giả mô tả về cách dạy học Công nghệ Giáo dục này – một cách học thứ hai, theo đường lối ngữ âm học.

Hạnh phúc nhọc nhằn nơi lớp Một!

(Phần 2)

  1. Cách học thứ hai – theo ngữ âm
Người viết bài này thấy mình là người có trách nhiệm giới thiệu và diễn giải quy trình học tiếng Việt theo cách ngữ âm học mà tác giả là giáo sư Hồ Ngọc Đại 
Năm 1968, tôi rời Hà Nội để lên tỉnh Hà Tuyên nghiên cứu việc học tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số. Năm 1978, rời Hà Tuyên, tôi và đồng tác giả Nguyễn Trường, hai anh em được hai giấy khen của chủ tịch UBND tỉnh. Về Hà Nội, còn được hai huy hiệu Lao động sáng tạo và Giải nhì của UNOESCO khu vực kèm hai nghìn đô la cho bộ sách của hai tác giả.
Cuối năm 1978, Hồ Ngọc Đại nhắn tôi về Hà Nội gặp anh. Anh bảo tôi về làm việc cùng anh ở trường thực nghiệm giáo dục phổ thông. Anh chê cách làm sách tiếng Việt cho dân tộc thiểu số bằng những lời thân tình, và nói về cách dạy theo ngữ âm học. Trong hơn ba mươi năm trời tôi đã gắn bó với công việc Công nghệ Giáo dục – gắn bó với riêng anh để học – làm – học, và làm đủ việc, nghiên cứu, biên soạn, huấn luyện, dạy mẫu, … cả làm phiên dịch nữa.   
Tôi xin diễn giải con đường tổ chức cho học sinh học tiếng Việt lớp 1. Xin bạn lưu ý: tôi không viết dạy học sinh mà viết tổ chức cho học sinh học. Điều đó có ý nghĩa là phải nghiên cứu cách học của học sinh thì mới tổ chức được cách học đó. Từ dạy chuyển sang tổ chức học là sự thay đổi quan hệ giữa Thày và Trò, hai nhân vật trung tâm của một nhà trường.
Khi Thày giáo không giảng giải và bắt Học sinh học thuộc, con đường dạy học sẽ được thực hiện qua hệ thống việc làm. Nhà sư phạm phải tìm ra được những việc làm để học sinh thực hiện. Học sinh sẽ phải làm lại những thao tác mà nhà ngữ âm học đã làm để ghi tiếng Việt. Đó là ba thao tác phát âm – phân tích âm – ghi lại và đọc lại. Ba thao tác ngữ âm học đó được diễn ra theo từng bước làm việc như sau.
Bước 1 – Tách lời nói thành tiếng đơn lập.
Học sinh không bắt đầu bằng việc học con chữ. Các em bắt đầu với việc phát âm một câu nói, hoặc hai câu ca dao, hoặc vài bốn câu thơ… Sau khi vừa phát âm từng tiếng vừa vỗ tay phân tích thì các em sẽ ghi lại được bằng những vật thay thế tiếng nói. Việc viết diễn ra từ trái qua phải trên hàng ngang – y hệt như đang “viết” chính tả (dù chưa dùng con chữ nhưng cũng “viết” được). Các tiếng Việt đơn lập được học sinh làm ra và ghi lại, sau khi phát âm và phân tích âm vv …
Việc làm mở đầu này rất quan trọng. Việc học tiến hành dễ dàng, giáo viên hướng dẫn dễ dàng, song điều quan trọng là trong tâm lý trẻ em, các em đã có các khái niệm ngữ âm học do chính các em làm ra: Lời nói, Câu nói, các Tiếng trong Lời nói … và có các khái niệm về phương pháp làm việc theo lối ngữ âm học: Phát âm, Phân tích, Ghi, Đọc … Với tư cách học sinh lớp 1, các em quen với việc viết, quen với việc đọc để kiểm tra việc ghi âm. Và ngay từ đầu, các em cũng quen dần việc tự đánh giá: em học được điều gì? Em làm đúng hay sai? Em làm sai thì tự chữa như thế nào? Bãi bỏ hẳn được việc Thày giáo cho điểm và đánh giá Học sinh, và bãi bỏ tự nhiên trong khi lớp học diễn ra như đang chơi vui. 
Bước 2 – Tách một tiếng thành hai phần
Từ chuỗi tiếng vừa phát âm và vừa phân tích, Giáo viên lấy ra một tiếng thanh ngang làm mẫu để sau khi phát âm thì học sinh phân tích bằng cách tách tiếng đó thành hai phần, là phần đầu và phần vần. Học sinh cũng ghi lại điều mới học trong mô hình tượng trưng cho tất cả các tiếng đơn lập. Học sinh thoải mái tự tìm các tiếng cho cả lớp phân tích:
Phát âm 1 tiếng    Phân tích      được 1 tiếng  gồm phần đầu và phần vần   
                   [ba]              [b]  [a]                     [ba]
                   [linh]            [l]  [inh]                   [linh]
                   [cương]       [cờ]  [ương]             [cương]
                   [kem]          [cờ]  [em]                [kem]
                   [quân]          [cờ]  [uân]                [quân]
           
Ngay trong lúc này, xin bạn đừng chú ý tới con chữ, vì học sinh chưa học các con chữ, các em chỉ phát âm thôi. Cho nên phần phụ âm đầu của bất kỳ tiếng [ca] [kem] [qua] [quanh] [quăng] … thì cũng đều có phần đầu là [cờ]. Bạn hãy thử với trẻ em từ năm sáu tuổi, sẽ thấy các em đều biết phát âm tự nhiên như vậy. 
            Khi đã được một tiếng thanh ngang bất kỳ, các em sẽ học cách thêm thanh để được tiếng khác. Từ mẫu [ba] [huyền] ]bà]  … các em có thể đi đến ]bá] ]bả] ]bã] ]bạ] và tự ứng dụng mãi mãi vào tất cả các tiếng.
            Thao tác ngữ âm học được củng cố như sau. Các âm được phát ra và phân tích âm rồi ghi lại theo nhiều cách chứ không chỉ bằng phương tiện là những con chữ. Có được nhận thức như vậy khiến tư duy trẻ em được cởi mở, không chịu lệ thuộc vào chỉ một hệ thống ghi âm.
            Kết quả học tập cuối bước 2 sẽ dẫn các em dễ dàng chuyển sang bước 3.
Bước 3 – Học tiếng mẫu [ba]
b            a                    
Mô hình phần đầu, phần vần một âm chính    
Bước này rất quan trọng và gồm nhiều nội dung, ở đây nói ba nội dung chủ chốt, đó là:
  • Học các con chữ để tự ghi đươc tất cả các tiếng gồm một phụ âm đầu và một nguyên âm là âm chính; đây cũng là lúc thực hiện luật chính tả thứ nhất nghe thế nào nói thế nào thì ghi như thế.
Tiết mẫu (để Học sinh nắm vững khái niệm tiếng mẫu [ba] gồm phần đầu là phụ âm [b] và phần vần chỉ có âm chính [a] rồi ghi vào mô hình để nhớ mẫu đó và lật bằng viết chính tả ba, sau đó là bà, bá, bả, bã, bạ.
Theo mẫu đó là các tiết luyện tập làm việc theo tiết mẫu để có
ba   be   bê   bi   bo   bô   bơ   bu   bư     rồi tiếp tục có
ca     -     -     -    co   cô   cơ   cu   cư
cha  che  chê  chi  cho  chô  chơ  chu  chư     cho đến
ga    -       -       -     go   gô   gơ   gu   gư
nga  -       -       -     ngo  ngô  ngơ  ngu  ngư 
Bạn đã nhận thấy chỗ trống bên trên không? Đó là để chuyển sang học luật chính tả bắt buộc như ở mục (b) sau đây.
  • Học luật chính tả bắt buộc, dùng chữ k (chữ “ca”) ghi phụ âm đứng trước nguyên âm [e] [ê] và [i] – sau đó sẽ mở rộng sang ghi phụ âm đầu gh (“gờ kép”) và ngh (“ngờ kép”) khi đứng trước nguyên âm [e] [ê] và [i].
Tiết mẫu:
Ôn cái đã biết: cách ghi tiếng mẫu [ba].
Bài toán mới: cách ghi tiếng [ce]
Giải bài toán mới: học chữ k và viết chính tả,
Tiếng phải ghi: [ce]
Phân tích tiếng phải ghi [cờ]  [e]  [ce]
Trước khi ghi phải nói to để thuộc lòng luật: Theo luật chính tả, âm [cờ] đứng trước nguyên âm [e] em phải viết bằng con chữ k (“ca”)
Viêt: ke (sau này, tiếp tục với) kê, ki và ghe ghê ghi cungxnhw nghe nghê nghi.
  • Học luật chính tả theo nghĩa, các tiếng (từ) ghi phụ âm đầu khác nhau thì thay đổi nghĩa.
Tiết mẫu:
Ôn cái đã biết: cách ghi tiếng mẫu [ba] và cách ghi tiếng mẫu [ce]  
Bài toán mới: cách ghi tiếng [za]
Cách ghi thứ nhất [za] có nghĩa da thịt, ghi bằng chữ d (“dờ”)  
Cách ghi thứ hai [za] có nghĩa gia đình, ghi bằng chữ gi (“gi”)
Cách ghi thứ ba [za] có nghĩa ra vào, ghi bằng chữ r (“rờ”)
Theo tiết mẫu này, trong các tiết luyện tập, Học sinh áp dụng sang các trường hợp khác như [ch] [tr] (chẻ tre, cha, cá tra, chê, cá trê, cho, tro vv…)
Về sau, còn nhiều trường hợp nữa, như chiết cây, triết học, trâu cầy, châu báu, chân tay, trân trọng vv… nhiều vô kể. Người lớn tuổi cũng có khi phải tra từ điển. Nhưng ở lớp 1, Học sinh có cuốn từ điển sống để hỏi là Giáo viên, Khi viết tiếng theo luật chính tả theo nghĩa, Học sinh được hỏi Giáo viên, coi như biết cách tra từ điển, không bị chê. Không biết hỏi mà viết sai mới bị chê! Đến già vẫn gặp chuyện đó!
Bước 4 – Học tiếng mẫu [loa]
l       o      a                    
Mô hình phần vần có âm đệm và âm chính   
Bước này thực chất là áp dụng và mở rộng nội dung đã học ở mẫu [ba].
Mở rộng sau khi học mẫu tiếng [loa] Học sinh sẽ tự ghi được tất cả các tiếng như sau
boa  choa  doa  đoa  goa  hoa  khoa  loa  moa  noa  ngoa     …   voa
boe  choe  doe  đoe  …  …                                                      …   voe
buê  chuê  duê  đuê  …  …                                                      …   vuê
buy  chuy  duy  đuy  …  …                                                       …   vuy
Phát triển luật chính tả bắt buộc (ke, kê, ki, đã học) khi học cách ghi tiếng [kwa] Học sinh sẽ phải thuộc luật và nói to trước khi viết: “Theo luật chính tả, âm “cờ” đứng trước âm đêm, em phải viết bằng chữ q (“cu”) âm đệm viết bằng chữ u, và các em sẽ có như sau
qua    que    quê    quy … 
              
Bước 5 – Học tiếng mẫu [lan]
  l     a     n
Phần vần có âm chính và âm cuối, không âm đệm 
Bước này thực chất vẫn là áp dụng và mở rộng nội dung đã học ở mẫu [ba] và [loa].
Mở rộng sau khi học mẫu tiếng [lan] Học sinh sẽ tự ghi được tất cả các tiếng như sau
ban  chan  dan  đan  gan  han  khan  lan  man  nan  ngan     …   van
Điều quan trọng ở phần này là học bổ sung hai bán nguyên âm [ă] và [â] vì hai nguyên âm này không đứng được một mình, cần có phụ âm hoặc nguyên âm khép lại: [ăn]  [ân]  [ăy]  [ây]  vv…
Luật chính tả dùng chữ k cũng được mở rộng sang phần này: kem, kêm, kim.
            
Bước 6 – Học tiếng mẫu [loan]
l         o      a    n      
Phần vần có đủ âm đệm, âm chính và âm cuối 
Bước này thực chất vẫn là áp dụng và mở rộng nội dung đã học ở mẫu [ba], [loa] và [lan].
Mở rộng sau khi học mẫu tiếng [loan] Học sinh sẽ tự ghi được tất cả các tiếng như sau
boan choan doan đoan goan hoan khoan loan moan noan ngoan  …        voan
Luật chính tả dùng chữ q cũng được mở rộng sang phần này: quan, quăn, quân, quang, quăng, quâng  …
Bước 7 – Học nguyên âm đôi [ia] [ua] [ưa]
Thực ra, sau khi học xong bước 6, học xong phần vần có đủ âm đệm, âm chính và âm cuối, coi là đã mô tả đầy đủ ngữ âm tiếng của tiếng Việt.
Học sang phần nguyên âm đôi thực chất là học luật chính tả ghi nguyên âm đôi khi ở một tiếng không có âm cuối (sẽ ghi bằng ia, ua, ưa), và khi nằm trong một tiếng có âm cuối (sẽ ghi bằng iê, uô, ươ). Như mô hình dưới đây:
b                ia                      
b                ươ    n                  
b                 ua                      
b                uô    n                  
b                 iê    n                  
b                 ưa                      
          Với các nguyên âm đôi, xưa nay do quen đánh vần bằng con chữ như người Tây, nên nhiều người không chịu chấp nhận ngữ âm tự nhiên của tiếng Việt:
 [ia] [n] [iên] theo luật chính tả đứng trước âm cuối em ghi bằng iê.
[ua] [n] [uôn] theo luật chính tả đứng trước âm cuối em ghi bằng uô
[ưa] [n] [ươn] theo luật chính tả đứng trước âm cuối em ghi bằng ươ.
            Vài lời kết luận
            Việc tổ chức cho học sinh học tiếng Việt lớp 1 rất khó khăn và cực kỳ quan trọng.
            Có cách dạy (dù vẫn có kết quả) chẳng đem lại lợi ích gì về tư duy cho người học. Cách đánh vần theo lối Tây, en-dê-hát thay cho âm ngh, tạo ra thói quen lười biếng cho cả xã hội.
            Và cũng mất cả bản sắc dân tộc gửi trong ngư âm của tiếng nước nhà.
            Theo kinh nghiệm từ vô số học sinh lớp Một, tác giả tin rằng bạn nào ứng dụng những điều diễn giải ở phần hai này có thể dễ dàng dạy con em ở gia đình biết đọc biết viết nhanh và chắc chắn tiếng mẹ đẻ.

Hạnh phúc nhọc nhằn nơi lớp Một!

(Phần 3)

  1. Hạnh phúc: tìm được con đường đến chỗ cao siêu
  2. Học sinh giỏi
Thế nào là một học sinh giỏi? Và làm gì để có học sinh giỏi?
Hai câu hỏi trên là hai vấn đề trung tâm nung nấu nhọc nhằn của nhà sư phạm.  
Một học sinh giỏi theo cách nhìn cũ là học sinh có nhiều kiến thức, các kiến thức đọng lại chắc chắn trong “đầu”, và đủ sức trải qua các cuộc kiểm tra, đánh giá (xưa nay vẫn thấy trong các cuộc thi).
Hệ thống Công nghệ Giáo dục và tư tưởng của nhóm Cánh BUồm chia sẻ với nhau ở chỗ coi một học sinh giỏi là người làm ra được sản phẩm và phải có tư duy của kẻ biết chủ động làm ra sản phẩm.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nghĩ đến học sinh giỏi sẽ đủ sức sống bình thường trong nền văn minh đương thời.
Năm 2004, tác giả bài viết này có bài báo tự đề “sản phẩm kép của Giáo dục phổ thông” đăng trên báo của Quốc Hội nước ta và được thưởng Giải bài báo hay về Giáo dục năm đó. Tôi nói “sản phẩm kép” vì người học sinh giỏi đó làm ra kiến thức cho mình và có tư duy của cách làm ra kiến thức đó.
Học sinh giỏi là người có trí tuệ và biết vì sao mình có trí tuệ. Người học sinh giỏi là người biết tự học và nhờ đó mà thích sống tự lập. Người học sinh giỏi là người trưởng thành về tư duy.
Thử thách đối với nhà sư phạm, cái thử thách cao nhát, nhọc nhằn nhất nhưng lại là chốn hội tụ hạnh phúc nhất, đó là tìm ra con đường tạo ra những học sinh giỏi, một con đường dễ đi sao cho các nhà giáo đều có học sinh giỏi. 
  1. Con đường tạo ra học sinh giỏi
b.1. Tổ chức học bằng việc làm và thao tác
Chúng ta hãy quy câu chuyện trong giới hạn của việc học tiếng Việt lớp 1 để biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ.
Biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ là sản phẩm của học sinh giỏi. Nhưng tự làm ra việc biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ là sản phẩm nằm trong tư duy của người học sinh thực sự giỏi. Học theo cách cũ, hoặc à uôm “học thế nào cũng được, cốt biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ” là được rồi. Nhà sư phạm nào nghĩ vậy thì sẽ khước từ cách học khác để học sinh luyện tư duy của mình ngay trong khi học.
Ít nhất trong lúc này, và dã được thử thách nhiều chục năm, đó là cách học theo đường lối ngữ âm học do Công nghệ giáo dục và Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Nó cũng được lặp lại và cố gắng trau chuốt cho giản dị hơn, nghĩa là dễ thực hiện hơn bởi nhóm Cánh Buồm.
Dạy học sinh các thao tác phát âm, phân tích âm, rồi tự ghi và tự đọc có khó không?
Xin hãy coi cách học thao tác phát âm như sau.
Giáo viên cho Học sinh tìm câu chào bà khi em đi học. Các em nói tự do. “Bà ở nhà cháu đi học đây ạ”. “Cháu chào bà cháu đi học ạ”. “Cháu đi học đây, cháu chào bà ở nhà nhé”. Vv… Rất nhiều cách nói với nhiều thái độ khác nhau: láu táu, lí nhí, ậm ừ trong cổ họng…
Bây giờ Giáo viên dạy Học sinh cùng phát âm cho rõ ràng cũng một câu chào đó để ai ai cũng nghe rõ: cháu / chào / bà / cháu / đi / học / ạ. Trong cuộc sống thực, chẳng ai giao tiép với nhau thủng thẳng từng tiếng như vậy. Nhưng phát âm để học ngữ âm thì lại làm như thế.
Và trong hành động thực tiễn, Học sinh đã làm ra khái niệm phát âm. Và chẳng khó khăn gì hết.
Thao tác phân tích cũng vậy.
Giáo viên nêu bài toán, như cách đố Học sinh: “Câu chào bà đó có mấy tiếng? Đố các em tìm ra đấy”.
Giáo viên hướng dẫn tiếp cách tìm.
Thứ nhất là vỗ tay vào nhau để “đánh dấu” các tiếng trong khi phát âm. Sau đó, Giáo viên rủ Học sinh cứ phát một tiếng thì đặt một vật thay thế (có thể là que diêm, nắp chai bia, … và sau này sẽ là chữ viết).
Nói (phát âm)   cháu / chào / bà / cháu / đi / học / ạ.
Ghi lại                  x         x       x       x       x     x      x
Đọc lại đi, chỉ tay từng tiếng mà đọc, xem có thiếu tiếng nào không?
Đó chính là dùng việc làm và thao tác để tách được khái niệm lời nói với khái niệm tiếng trong lời nói.
Dễ vô cùng và giáo viên nào cũng dạy được cái việc đem giảng giải cả ngày cũng không xong với trẻ em 6 tuổi.
Các việc làm và thao tác đó sẽ lặp lại theo độ phức tạp của các mẫu tiếng [ba] rồi [loa] rồi [lan] rồi [loan] để cuối cùng có sản phẩm cả ở kiến thức lẫn tư duy – tư duy về cách làm ra kiến thức.
b.2. Tổ chức học làm ra khái niệm
Học sinh giỏi phải dựa trên sự nắm bắt được các khái niệm. Sự khác nhau giữa người hoang dã và người hiện đại là ở năng lực tìm ra các khái niệm. Học ở trường mà không đến được trình độ các khái niệm thì càng học càng thi đỗ mà vẫn không đến được giai đoạn bốn-chấm-không! 
Cách học của Công nghệ Giáo dục và của Cánh Buồm không cho Học sinh học thuộc những mô tả các khái niệm. Thay vào đó, chúng ta cho trẻ em làm ra khái niệm. Khái niệm do các em làm ra, và khái niệm là cuộc sống của các em.
Nguyên âm và phụ âm khác nhau hay giống nhau?
Sẽ rất khó nếu giảng giải và cho học sinh học thuộc những đặc điểm, thuộc tính của hai khái niệm đó.
Nhưng bằng phát âm, phân tích, ghi lại và đọc lại, chúng ta có thể tổ chức việc học hai khái niệm đó.
Giáo viên làm mẫu phát nguyên âm [a]. Phải há miệng thì mới phát được nguyên âm [a]. Học sinh làm theo mẫu phát âm [a]. Cả lớp cùng đặt tên cho loại âm đó. Đó là nguyên âm.
Thử phát âm [e] xem nó thế nào? Có há miệng không? Há khác với nguyên âm [a] không? Cúng phát [a] và [e] xem chúng giống nhau ra sao. Ta có thêm nguyên âm [e]. Tiếp tục dần dần như vậy, và sẽ có cả loạt nguyên âm từ [a] đên [e] [ê] [i] [o] [ô] [ơ] [u] [ư]. Không học bán nguyên âm [ă] và [â] vội, vì chúng sẽ nằm trong quy trình dạy ở mẫu tiếng [lan]. Cũng không học chữ y vội, vì đó là một cách ghi âm [i] thôi.
Còn khái niệm phụ âm sẽ được học sinh tiếp tục làm ra như thế nào?
Giáo viên làm mẫu phát âm [b]. Phải bậm môi lại, rồi bật ra âm [bư, phát ra thì tắt ngay chứ không kéo dài được như nguyên âm [a]. Cả lớp cùng đặt tên cho loại âm đó. Đó là phụ âm.
Tiếp tục phát âm và luyện tập với các phụ âm. Loại nào bị cản ở môi? Loại nào bị cản trong miệng? Có học chữ k, chữ q, chữ gh và chữ ngh không? Đó là chữ viết để ghi phụ âm khi phải ghi theo luật chính tả. Đó đâu có là khái niệm một âm? 
Đó là thí dụ dễ nhận ra nhất để tổ chức cho học sinh đến với khái niệm.
Và xin được trịnh trọng nhắc lại lần cuối: học mà không đến được khái niệm thì thà đừng học còn hơn. Nhưng khái niệm không phải là thứ đẻ học thuộc lòng. Khái niệm là sự sống thực tiễn của con người đang sống.
b.3. Tổ chức các hình thức luyện tập
Sau khi đã có khái niệm, cần có nhiều hình thức luyện tập để củng cố và mở rộng phạm vi của khái niệm.
Ngữ âm tiếng Việt dầy rẫy những sản phẩm có vần có nhịp khién ngữ âm tiếng mẹ đẻ chúng ta vừa vui vừa êm ái vừa đầy hình ảnh.
Phải cho học sinh lớp 1 học câu đố, để kho tàng trí khôn đó không mai một.
Phải học đồng dao, thậm chí cho học sinh làm đồng dao, để kho tài sản đó là của cải đem dùng từ khi 6 tuổi, chứ không chỉ dùng cho người lớn làm luận án.
Phải học thành ngữ, tục ngữ, ca dao… để ngữ âm tiếng Việt véo von trong tâm hồn học sinh từ khi 6 tuổi, để “tiếng Việt còn nước Nam còn”.
Phải cho học sinh ngay từ giữa lớp 1 đã tập đọc thầm, vì đọc thầm hoàn toàn luyện tư duy khác với đọc nghêu ngao.
Còn nhiều hình thái khác nữa, xin vui lòng đọc sách Tiéng Việt  Công nghệ Giáo dục hoặc của nhóm Cánh Buồm.
Tất cả chỉ quy tụ vào việc trả lời câu hỏi: thế nào là học sinh giỏi, và làm cách gì cho tất cả trẻ em của dân tộc này đều giỏi…
  1. Một đoạn kết luận dài
Ngày thứ Ba vừa rồi, người viết bài này cùng một số bè bạn là nhà văn và nhà báo đã cùng nhau đến sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội viếng người bạn của Việt Nam, Thượng nghị sĩ, phi công Hải quân John Mc Cain.
Các bạn trao cho tôi việc ghi sổ tang.
Tôi đã ghi ngắn, nhưng ý tưởng của tôi là như sau: Ông John Mc Cain là một anh hùng. Anh hùng hiểu theo nghĩa là Nhân vật của Thời đại, một thời đại đã đến ở rất nhiều cá nhân và sẽ đến với tất cả Nhân loại nhờ mọi người cùng làm ra khái niệm Nhân loại mới mẻ đó.
Người anh hùng – nhân vật thời đại đó có ba đặc điểm: một là đầu óc thông minh cởi mở; hai là sự dũng cảm; và ba là sự khoan nhượng.
Đi viếng về, tôi được đọc những tài liệu liên quan đến môn học Tiếng Việt lớp 1. Tôi quyết định phải gác việc khác lại để viết một bài dài gồm ba phần các bạn dang đọc đây.
Có một mục tiêu cao siêu của nhà sư phạm và của mọi bậc phụ huynh, mọi công dân có văn hóa, là làm sao trẻ em Việt Nam ta học giỏi, bắt đầu từ lớp 1 đã học giỏi cho đến mãi mãi vẫn là những con người thông minh, dũng cảm, khoan nhượng, như là ông Mc Cain ấy.
Viết đến đây thôi. Vì còn nhiều việc khác. Mà mình thì hơn ông Mc Cain những năm tuổi rồi.
Cám ơn các bạn đã chịu đọc bài viết lê thê này.