Saturday, July 30, 2016

Các đảo nào ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam?

Các đảo nào ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam?



Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có nhiều tài liệu lịch sử về thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (TS) trước Pháp, và việc Pháp tuyên bố và thực hiện chủ quyền ở Trường Sa chỉ củng cố thêm cho chủ quyền của VN mà thôi. Tuy nhiên, theo những tài liệu đã được công bố dù có khá nhiều bằng chứng cụ thể, thuyết phục cho Hoàng Sa nhưng rất tiếc có không nhiều bằng chứng như vậy cho Trường Sa. Một vài bằng chứng thường được nêu là ngoài đội Hoàng Sa, triều Nguyễn còn lập thêm đội Bắc Hải phụ trách khu vực Trường Sa (và cái tên Bắc Hải này cũng trùng khớp với tên mà ngư dân Trung Quốc gọi khu vực Trường Sa trong các ghi chú đi biển do ông cha họ truyền lại có tên là ‘Canh lộ bạ’ ), hoặc Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (Phan Huy Chú) có nêu TS dưới tên là Vạn Lí Trường Sa là một phần lãnh thổ của VN hay "Đại Nam Nhất Thống Chí", 1882, thời nhà Nguyễn (1802-1945), cho thấy TS là phần của tỉnh Quảng Ngãi và hình như không thấy có bằng chứng cụ thể, rõ ràng nào hơn về thực hiện chủ quyền. Với những bằng chứng có vẻ không thật vững chắc như thế thì khó có thể có cơ sở để đòi chủ quyền ở Trường Sa và nhất là đòi chủ quyền cụ thể đối với các đảo nào. Vì vậy, việc đòi chủ quyền ở Trường Sa có lẽ phải dựa vào việc tuyên bố và thực hiện chủ quyền của Pháp khi họ thống trị VN và cũng có thể phải dựa vào việc chiếm đóng và thực thi chủ quyền hoà bình của VNCH và CHXHCNVN sau này đối các đảo khác.

Trong bài viết “Việt Nam nên hi sinh chuyện nhỏ để được chuyện lớn?” (http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Viet-Nam-nen-hy-sinh-chuyen-nho-de-duoc-chuyen-lon-post169714.gd) trao đổi lại với gs Ngô Vĩnh Long, tiến sĩ Trần Công Trục có dẫn Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer với diễn dịch rằng Krautheimer sát nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm hai đảo (Song Tử Đông, Song Tử Tây), Loại Ta, Thị Tứ` và các đảo phu thuộc vào các đảo này vào tỉnh Bà Rịa. Nếu chỉ dẫn riêng nghị định này không thôi thì có lẽ chưa đủ để nói rằng ngoài các đảo có kể tên được sáp nhập vào Bà Rịa (Vũng Tàu hiện nay) còn có thêm các đảo phụ thuộc vào các đảo này nữa. Bởi vì điều 1 của nghị định đó chỉ ghi như thế này:

“Article 1. – L’île dénommée Spartly et les îlots Caye-d’ Amboine, Itu-Aba, Groupe de Deux-îles, Loaito et Thi-Tu qui en dépendent, situés dans la mer de Chine sont rattachés à la province de Baria.”

Tạm dịch:

“Điều 1. Đảo có tên là Trường Sa và các đảo nhỏ An Bang (Caye-d'Amboine), Ba Bình (Itu-Aba), Nhóm đảo Song Tử (Groupe de Deux îles, Loại Ta (Loaito) và Thị Tứ (Thi-Tu ) mà chúng phụ thuộc vào [đảo Trường Sa], nằm ở biển Đông được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa.”


Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kì

Rõ ràng không có chỗ nào trong điều 1 có nói 'và các đảo phụ thuộc vào các đảo này' mà chì nói các đảo [nhỏ] nêu tên sau đảo Trường Sa phụ thuộc vào nó.

Tuy nhiên, nếu lưu ý thêm các căn cứ mà nghị định này dựa vào đặc biệt là “Thông báo của Bộ Ngoại giao [Pháp] về việc chiếm đóng một số đảo của các đơn vị hải quân Pháp ngày 19 tháng 7 năm 1933” trên Công báo nước Cộng Hoà Pháp ngày 26 tháng 7 năm 1933  (http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k6546978f/f46.item.zoom) thì cách diễn giải như thế này may ra mới có cơ sở và dĩ nhiên cũng cần phải thêm một số biện luận nào đó mới có thể thuyết phục. Bản gốc thông báo trên công báo như sau: 



Tạm dịch:

BỘ NGOẠI GIAO
Thông báo về việc chiếm đóng một số đảo của các đơn vị hải quân Pháp ngày 19 tháng 7 năm 1933.

Chính phủ Pháp đã ủy nhiệm cho các đơn vị hải quân chiếm đóng các đảo và đảo nhỏ được xác định dưới đây:

1. Đảo Trường Sa (L’île Spratly), nằm 8° 39'vĩ độ Bắc và 111° 55' kinh độ Đông Greenwich cùng các đảo nhỏ phụ thuộc. (Việc nắm lấy sở hữu đã diễn ra ngày 13 tháng 4 năm 1933).

2. Đảo nhỏ An Bang (Îlot Caye-d’ Amboine), nằm ở 7° 52' vĩ độ Bắc và 112° 55' kinh độ Đông Greenwich và các đảo phụ thuộc. (Việc nắm lấy sở hữu đã diễn ra ngày 07 tháng 4 năm 1933).

3. Đảo nhỏ Ba Bình (Îlot Itu-Aba), nằm ở 10° 22' vĩ độ bắc và 114° 21' kinh độ Đông Greenwich cùng các đảo phụ thuộc. (Việc nắm sở hữu đã diễn ra ngày 10 tháng 4 1933).

4. Nhóm Song Tử (Groupe de Deux-Îles), nằm ở 11° 29' vĩ độ bắc và 114° 21' kinh độ Đông Greenwich,  cùng các đảo phụ thuộc. (Việc nắm lấy sở hữu đã diễn ra ngày 10 tháng 4 năm 1933).

5. Đảo nhỏ Loaita (Îlot Loaito), nằm ở 10° 42' vĩ độ bắc và 114° 25' kinh độ Đông Greenwich cùng các đảo phụ thuộc. (Việc nắm lấy sở hữu đã diễn ra ngày 11 tháng 4 năm 1933).

6. Đảo Thị Tứ (Île Thi-Tu), nằm ở 11° 7' vĩ độ Bắc và 114° 16' kinh độ Đông Greenwich cùng các đảo phụ thuộc. (Việc nắm lấy sở hữu đã diễn ra ngày 12 tháng 4 năm 1933).

Những đảo và đảo nhỏ nêu trên từ nay thuộc chủ quyền của Pháp.

Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào 2 văn bản này thôi cũng chưa thể nói chủ quyền các đảo đã nêu thuộc về VN. Bởi vì dù các đảo đã được sáp nhập vào Nam Kì nhưng lúc đó Nam Kì là thuộc địa của Pháp và Pháp chỉ tuyên bố chủ quyền cho Pháp chứ không phải cho VN như trong Thông báo vừa dẫn.

Vì thế, cần có một bằng chứng cho thấy Pháp cũng đã trao chủ quyền Nam Kì lại cho VN, trong đó có Bà Rịa và do đó có các đảo ở TS. Một văn bản như vậy là “Luật số 49-733 sửa đổi tình trạng Nam Kì trong Liên hiệp Pháp” do Tổng thống Pháp Vincent Auriol ban hành ngày 04 tháng 6 năm 1949., bản đăng trên công báo Pháp ngày 5 tháng 6 năm 1949 (https://www.legifrance.gouv.fr/jo_pdf.do?id=JORFTEXT000000692906) như sau:


Tạm dịch:

Luật số 49-733 sửa đổi tình trạng Nam Kì trong Liên hiệp Pháp

Theo ý kiến của Hội đồng Liên hiệp Pháp,
Quốc hội và Hội đồng Cộng hòa đã bàn luận,
Quốc hội đã thông qua,

Tổng thống nước Cộng hòa ban hành luật có nội dung như sau:

Điều 1. - Trong khuôn khổ quy định tại Điều 60 Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp và sau khi có ý kiến đưa ra tại cuộc họp ngày 23 tháng 4 năm 1949, do Hội đồng lãnh thổ Nam Kì, tình trạng Nam Kì được chỉnh đổi theo những điều kiện dự kiến ở điều dưới đây.

Điều 2. - Lãnh thổ Nam Kì được sáp nhập vào Quốc gia liên hiệp Việt Nam theo các điều khoản của Tuyên bố chung ngày 05 tháng 6 năm 1948 và tuyên bố của Chính phủ Pháp ngày 19 tháng 8 năm 1948. Do đó, Nam kì không còn tình trạng là lãnh thổ hải ngoại.

Điều 3. - Trong trường hợp tình trạng của Việt Nam thay đổi, tình trạng của Nam kì sẽ được thảo luận thêm trong các hội đồng quy định ở Điều 75 Hiến pháp (Khoản VII: Về Liên Hiệp Pháp).

Đạo luật này được thi hành như luật của Nhà nước.

Làm tại Toulon, ngày 4 tháng 6 năm 1949.
Bởi Tổng thống nước Cộng hoà:
VINCENT AURIOL.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,
Henri QUEUILLE.
Bộ trưởng Bộ Pháp hải ngoại,
PAUL Coste-Floret

Nói thêm là khi thảo luận về luật này trong Quốc hội Pháp, nhóm nghị sĩ cộng sản đã bỏ phiếu chống luật này vì muốn giao Nam Kì cho VNDCCH (xem http://www.senat.fr/comptes-rendus-seances/4eme/pdf/1949/05/S19490525_1251_1290.pdf). Như vậy có thể nói, Quốc Hội Pháp đã thống nhất gần như tuyệt đối trao lại Nam Kì cho VN, chỉ có khác ở chỗ trao về phe VN nào mà thôi và do đó, Trường Sa thuộc VN.


Trên cơ sở 3 văn bản trên, VN có chủ quyền đối với các đảo có tên kể trên (một số trong đó hiện do bên khác chiếm đóng – xem bản đồ phần phụ lục) cùng với các đảo nhỏ phụ thuộc vào các đảo này, bất chấp có nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác hay không. Và dĩ nhiên để xác định cụ thể các đảo nhỏ nào thì phải cần làm rõ khái niệm ‘phụ thuộc’, chẳng hạn về địa chất, địa mạo, pháp lí… và chắc chắc phải qua đàm phán với các bên có liên quan như TS Trần Công Trục có gợi ý. Có vẻ những đảo nhỏ mà VN đóng quân sau này như Sinh Tồn, Sơn Ca… và những đảo nhỏ mà các bên khác chiếm thêm nằm trong ‘các đảo nhỏ phụ thuộc’ này. Dĩ nhiên, VN không thể đòi chủ quyền các đảo chìm theo phán quyết mới đây của PCA.


* Ba văn bản trong bài viết này tham khảo từ bài "Pháp làm gì với Trường Sacủa tác giả Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông)

----------------------------------------
Phu Lục: 
Bản đồ cho thấy tình trạng chiếm đóng của các bên ở quần đảo Trường Sa so với EEZ của VN, PLP và Mallaysia cũng như so với các đảo mà Pháp tuyên bố chủ quyền


- Quy ước màu icon: 
hường: VN, đỏ: TQ, xanh: PLP, xanh nhạt: Malaysia, gạch: Đài Loan, vàng: (chưa ai chiếm đóng) 
- Đảo với tên màu vàng là đảo được Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933.
- Khoảng biển xanh quanh đảo/cụm đảo là lãnh hải cùa các đảo nổi

Bản đồ này được vẽ dựa trên những thông tin thu được trên mạng. Từ bản đồ này, bước đầu có thể thấy:

- Trong 6 đảo/nhóm đảo được nêu trong nghị định của Krautheimer, VN chỉ giữ được 3 (Trường Sa, An Bang và Song Tử Tây), Philippines chiếm 3 (Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông), Đài Loan chiếm 1 (Ba Bình).

- Trong số các thể địa lí VN đang đóng quân có An Bang,Thuyền Chài nằm trong EEZ của Malaysia; Phan Vinh, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Núi Thị, Tốc Tan, Núi Le nằm trong EEZ của Philippines với Tốc Tan và Núi Le có thể là đảo ngầm. Trừ An Bang có tên trong danh sách trong thông báo năm 1933 của Pháp, các đảo còn lại có lẽ coi là 'phụ thuộc vào' các đảo An Bang, Ba Bình hay Thị Tứ hoặc mới chiếm đóng hoà bình sau này.

- VN cũng có 3 chỗ đóng quân nằm ngoài EEZ các bên là Trường Sa Đông, Đá Đông, Đá Lớn và Đá Nam, trong đó  Đá Nam và Đá Lớn có vẻ là đảo chìm. Đá Nam nằm trong lãnh hải của Song Tử Tây đang do VN đóng quân nên không có vấn đề gì về chủ quyền, còn Đá Lớn có thể coi như cấu trúc nhân tạo nằm trong vùng biển quốc tế (khi Philippines chưa yêu sách thềm lục địa mở rộng).

- Các đảo nổi khác trong EEZ của Malaysia  do Malaysia đang chiếm đóng như Louisa, Sác Lốt, Hoa Lau.. hay trong EEZ của Philippines đang do Philippines chiếm đóng như Vĩnh Viễn, Bình Nguyên..., nếu VN muốn yêu sách chủ quyền thì phải chứng minh các đảo này là 'các đảo phụ thuộc' và phải qua đàm phán hay kiện ta toà án quốc tế.

- Suốc Ngọc trong EEZ của Philippines là đảo nổi duy nhất không có bên nào chiếm đóng.



Friday, July 22, 2016

Phạm vi tranh chấp ở biển Đông sau phán quyết của Toà Trọng tài

Phạm vi tranh chấp ở biển Đông sau phán quyết của Toà Trọng tài



Ngày 12/9/2016 Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc. Một trong những đóng góp chính của phán quyết này là giúp thu hẹp phạm vi tranh chấp trong vùng biển quanh quần đảo Trường Sa và qua đó cũng thu hẹp phạm vi tranh chấp trên toàn biển Đông.
Bài viết này chỉ ra các thay đổi về phạm vi tranh chấp trên biển Đông sau phán quyết và một số điều chúng ta có thể tận dụng để giành lấy các quyền chính đáng mà đáng lý chúng ta được hưởng theo luật pháp quốc tế.
Sau năm 1994, tức là sau khi Công ước về Luật biển của LHQ (UNCLOS) có hiệu lực, tất cả các quốc gia ven biển hay quần đảo đều có thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lên tới 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng lên tới 350 hải lý nếu điều kiện địa lý cho phép(*). Trong phần biển này, nước chủ nhà được độc quyền khai thác tài nguyên sinh vật lẫn phi sinh vật trong biển và lòng đất dưới đáy biển, đổi lại phải từ bỏ những quyền tương tự từng có trong EEZ của nước khác.
Tuy nhiên, trước khi có phán quyết của PCA, với yêu sách đường đường lưỡi bò (ĐLB) mập mờ của Trung Quốc đưa ra vào tháng 5/2009 sau khi Viet Nam và Malaysia nộp hồ sơ về thềm lục địa mở rộng cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa LLHQ, thực tế toàn bộ diện tích bên trong ĐLB đã trờ thành đối tuợng tranh chấp và EEZ các nuớc bị thu hẹp chỉ còn những dải biển hẹp ven bờ như thể hiện ở bản đồ 1.
Bản đồ 1: Khu vực tranh chấp khi có mặt ĐLB
Với phán quyết của PCA tình hình đã thay đổi đáng kể. Chỉ riêng với kết luận của PCA trong phán quyết rằng ĐLB là không có sơ sở pháp lý thì phạm vi tranh chấp thu hẹp đáng kể. Phạm vi tranh chấp chủ yếu chỉ quanh khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa do bản thân các thể địa lý ở đó có tranh chấp và do đó các vùng biển mà chúng có thể đuợc huởng theo UNCLOS cũng trở thành tranh chấp. Nếu dùng trung tuyến làm ranh giới các chỗ chồng lấn (cách mà các bên khó bác bỏ) của EEZ có thể có của Hoàng Sa và Truờng Sa với EEZ tính từ bờ của các nuớc liên quan thì phạm vi tranh chấp như thể hiện trong bản đồ 2.

Bd2_NoU_EEZ.JPG
Bản đồ 2: Phạm vi tranh chấp  khi không có ĐLB [và quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có EEZ]
EEZ Hoàng Sa tính từ đường cơ sở TQ tự vẽ, EEZ Trường Sa tính theo các đảo nổi
Còn nếu tính cả kết luận của PCA rằng không có thể địa lý nào ở Trường Sa là đảo (tức chúng chỉ được hưởng tối đa 12 hải lý lãnh hải bao quanh) thì phạm vi có tranh chấp quanh khu vực quần đảo Trường Sa thu nhỏ lại chỉ còn các khoảng biển 12 hải lí bao quanh các thể đia lý nổi như thấy trong bản đồ này. Và do đó, vùng không tranh chấp của Việt Nam  và các nước liên quan phần ở khu vực Trường Sa sẽ tăng lên thêm rất nhiều (xem bản đồ 3).
Riêng đối với khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa, tình hình cũng có cải thiện nhưng không nhiều như ở khu vực Trường Sa. Quần đảo này hiện đang do Trung Quốc kiểm soát và theo họ, với tư cách một khối nó có EEZ và thềm lục địa được tính từ đường cơ sở thẳng phi pháp do họ tự vẽ bao quanh (theo UNCLOS chỉ những nước quần đảo mới được phép vẽ đường cơ sở loại này). Cũng lưu ý rằng theo phán quyết của PCA thì không có thể địa lý nào của quần đảo Trường Sa có EEZ nên EEZ do TQ yêu sách cho Hoàng Sa có thể vươn ra tối đa 200 hải lý về phía Trường Sa. Do đó, phạm vi tranh chấp quanh khu vực Hoàng Sa vẫn còn khá rộng (xem bản đồ 3).
Bản đồ 3: Phạm vi có tranh chấp của biển Đông (tô xanh)  và EEZ  không tranh chấp của Việt Nam (tô tím) sau phán quyết của PCA
Với phán quyết này, nếu Trung Quốc chấp hành thì VN, PLP, Malaysia...  có thể tự do hành xử các quyền theo quy định trong EEZ (trừ một ít khoảng biển có tranh chấp [như đã chỉ trong bản đồ 4] nằm trong hoặc chồng lấn với EEZ của mình) mà ko nước nào được phép cản trở. Những việc như đâm tàu, cắt cáp, đánh cá ,đơn phương cấm đánh cá, mở thầu thăm dò, khai thác tài nguyên… do nước ngoài thực hiện trong vùng này là những hành động phi pháp không thể biện minh. Nước chủ nhà có cơ sở vững chắc để đưa ra phản ứng thích đáng và dễ dàng nhận được sự ủng hộ của công luận quốc tế. Nước chủ nhà cũng dễ dàng hợp đồng với các công ty nước ngoài để thăm dò, khai thác tài nguyên dưới lòng biển trong vùng không tranh chấp này vì rủi ro bị cản trở giảm đi và nếu bị cản trở thì chính phủ của họ có cơ sở vững vàng để mạnh tay can thiệp. Hơn nữa, ngư dân các nước cũng có quyền đánh bắt cá trong vùng biển quốc tế (phần giới hạn bởi đường biên các EEZ của Việt Nam, Philippines, Malaysia,Malaysia và Indenesia ngoại trừ các khoảng biển còn tranh chấp). Thậm chí, chúng ta cũng có thể viện dẫn kết luận của PCA về việc ngư dân Philippines đuợc quyền đánh cá trong lãnh hải của bãi cạn Scarborough để đòi hỏi quyền đánh cá của ngư dân Việt Nam  bên trong các khoảng biển còn tranh chấp ở Hoàng Sa và Truờng Sa vì đây là ngư truờng truyền thống của ngư dân Việt Nam gui61ng như ngư dân Philippines trong lãnh hải của Scarborough.
Ngoài ra, trong khi chưa đòi được Hoàng Sa, chúng ta có thể viện dẫn kết luận "Toà cho rằng Công ước luật biển của LHQ không quy định cho một nhóm đảo như Trường Sa có thể tạo ra các vùng biển được hưởng với tư cách một đơn vị" trong phán quyết tìm cách bác bỏ đường cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa qua thương lượng, đấu tranh và thậm chí kiện ra toà , đặc biệt là khi có những vụ vi phạm của họ trong vùng có đánh dấu ‘?’, chẳng hạn như vụ giàn khoan 981 năm 2013. Cũng lưu ý thêm tình trạng của đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa cũng khá tương tự với đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa. Vì thế có thể dựa vào phán quyết này của PCA để tìm cách thương lương hoặc nếu cần có thể đấu tranh hoặc kiện bác bỏ việc Phú Lâm có EEZ là điều hoàn toàn khả thi, dù có khó khăn. Học tập kinh nghiệm của Philippines trong vụ kiện này, với nguồn lực nhà nước cũng như khả năng của các học giả và các nhà nghiên cứ tư nhân, hi vọng chúng ta có thể tìm ra nhiều tài liệu lịch sử, địa lý, địa chất, thổ nhưỡng, thuỷ văn… các bản đồ, hình ảnh, ảnh vệ tinh… cho thấy Phú Lâm không thể duy trì sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế riêng theo những diễn giải về điều 121 của UNCLOS trong phán quyết để khi thích hợp khởi kiện về việc này (xem thêm phục lục). Nếu được cả hai điều này (Phú Lâm không là đảo và Hoàng Sa không thể có EEZ như một đơn vị duy nhất) thì phạm vi tranh chấp ở khu vực Hoàng Sa sẽ thu hẹp giống như ở Trường Sa sau phán quyết. Bản đồ 5 cho thấy phạm vi tranh chấp trên biển Đông lúc đó thu hẹp hơn nhiều, chỉ còn các khoảng biển 12 hải lý quanh các đảo nổi có tranh chấp. Dĩ nhiên, do điều kiện tự nhiên Việt Nam vẫn phải chấp nhận có 4 vị trí nằm một phần hay toàn bộ trong EEZ của mình (3 ở khu vực Hoàng Sa và 1 ở khu vực Trường Sa).
Bản đồ 4: Các khu vực tranh chấp khi quần đảo Hoàng Sa cũng không có EEZ
(Phần nằm giữa EEZ 200 hải lý của các nước trước mắt sẽ là vùng biển quốc tế)
Mặc dù ước muốn cuối cùng của chúng ta chủ quyền thiêng liêng đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên trong tương tai không ngắn để đạt được mức độ như thể hiện trong bản đồ 4, thậm chí trong bản đồ 3 vẫn là điều rất tích cực: chúng ta sẽ an toàn hơn trong việc khai thác tài nguyên trong biển và dưới lòng đất trong hầu hết EEZ của mình như đã nêu trên. Ngay cả chỉ đạt được mức độ này cũng là quá trình đấu tranh không đơn giản trước tham vọng và thái độ bất chấp luật pháp của Trung Quốc như ta chúng đã và đang thấy. Theo các ràng buộc trong luật pháp quốc tế và các thỏa thuận của VN với Trung Quốc truớc mắt ta cần thuơng luợng với họ về các điều này và việc khởi kiện có vẻ là điều khó loại trừ và khả năng thắng kiện chắc chắn không nhỏ nhờ tiền lệ của vụ kiện đang bàn.
Còn một điểm nhỏ nữa, do được vẽ trước khi có UNCLOS nên đường cơ sở của VN do có những chỗ không phù hợp với quy định của Công ước này và như vậy cũng có ảnh hưởng tới EEZ dù không lớn lắm. Vì vậy để thật thuyết phục rằng EEZ của VN là chính đáng, có lẽ nhà nước VN cũng cần sớm điều chỉnh lại đường cơ sở này,
_______________
(*) Trường hợp điều kiện địa lí không cho phép, chẳng hạn bờ biển 2 bên cách nhau không tới 400 hải lý thì phần chồng lấn sẽ được chia theo trung tuyến (hoặc trung tuyến có điều chỉnh) hay theo thoả thuận của hai bên liện quan miễn không làm thiệt hại đến bên thứ ba khác.
- Các bản đồ trên sử dụng  trung tuyến vẽ sẵn của tổ chức Marine Regions ở Bỉ, và có tham khảo bản đồ của CSIS (Asia Maritime Transparency Initiative)
- Do không có thông tin về ngấn nước triều thấp (dùng làm đường cơ sở) quanh các đảo nên lãnh hải các đảo vẽ trong các bản đồ trên chỉ chính xác tương đối.


Phụ lục:
Toà trọng tài đã kết luận rằng tất cả các thể địa lí ở Trường Sa nằm trên mặt nước khi triều cao đều là đá (không hưởng EEZ hay thềm lục địa). Kết luận này được rút ra chủ yếu từ việc toà đối chiếu diễn giải của toà về điều 121 [“quyền mà một thể địa lí được hưởng tuỳ thuộc vào (a) khả năng khách quan của thể địa lí đó, (b) trong điều kiện tự nhiên của nó duy trì (c) một cộng đồng người ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài hay không thuần tuý khai thác trong tự nhiên.”] cũng như quan điểm của toà rằng “ Tòa án xem các sự hiện diện hiện tại này [các cơ sở thiết bị, nhân viên] là PHỤ THUỘC vào các nguồn lực và trợ giúp bên ngoài và lưu ý rằng rất nhiều thể địa lý đã được chỉnh sửa để cải thiện khả năng có thể sinh sống được, kể cả thông qua cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng như các nhà máy khử muối”với tình trạng của Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa.
Như Ba Bình ở Trường Sa, Phú Lâm là đảo lớn nhất ở Hoàng Sa. Nếu đảo này chỉ là đá thì một kết luận tương tự như thế cho Hoàng Sa hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Mấy điều sau đây có thể xem là bằng chứng bước đầu cho việc lập luận Phú Lâm chỉ là đá:
1. Bài viết “Công trình xây dựng không thể quên trên đảo Vĩnh Hưng” của Nghê Thuỷ Minh trên trang web của Phòng địa chí Thượng Hải (http://www.shtong.gov.cn/node2/node70393/node83885/node83891/node83899/node83901/userobject1ai121797.html). Tác giả từng là Phó Tổng chỉ huy hậu cần công binh hải quân phụ trách công trình đường băng trên đảo Phú Lâm (1988-91) nên độ tin cậy của những thông tin trong bài khá cao. Những chi tiết đáng lưu ý trong bài như sau:
- “Người được phái tới quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) khó có thể chịu đựng được độ ẩm lớn, nhiệt độ cao, THIẾU NƯỚC NGỌT, thiếu rau cải, ĂN ĐỒ HỘP quanh năm.” (西沙群岛上使人最难以忍受的是湿度大,温度高,缺淡水,缺蔬菜,常年靠吃罐头食品。)
- “Lợi dụng mặt ĐƯỜNG BĂNG để thu thập NƯỚC MƯA, xây hai hồ chứa ngầm cả vạn mét khối giải quyết vấn đề nước dùng cho chiến sĩ, nhân viên trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) đồng thời kết thúc lịch sử thiếu nước ngọt của đảo Vĩnh Hưng” (利用机场道面收集雨水,建有两个地下万吨级储水库,解决了永兴岛上指战员的用水问题,同时也结束了永兴岛没有淡水的历史。)
- Trong những thứ xây dựng dọc đường Bắc Kinh trên đảo, tác giả có kể đến “XƯỞNG SẢN XUẤT NƯỚC NGỌT” (淡水制造厂:đạm thủy chế tạo xưởng).
2. Những chi tiết này cũng ăn khớp với những thông tin trên trang bách khoa (http://baike.baidu.com/view/28617.htm), một trang web chính thức và có uy tín của Tung Quốc:
- “NƯỚC GIẾNG đào trên đảo bị nhiễm phân chim nên KHÔNG UỐNG ĐƯỢC, chỉ có thể dùng để tắm rửa.” (洼地掘井取水方便,由于鸟粪的污染,井水不能饮用,只能用来洗涤。)
- “nước dùng sinh hoạt trên đảo Vĩnh Hưng là NƯỚC MƯA ĐÃ QUA XỬ LÍ thành nước uống và nước tắm rửa.” (永兴岛上的生活用水是经过处理的雨水,分为饮用水和洗涤用水。)
- “tàu TIẾP TẾ tới đảo Vĩnh Hưng mỗi tháng một lần, khi đó cư dân trên đảo dành ra 2 ngày để phụ giúp việc vận chuyển vật tư lên bờ.” (每月补给船到达永兴岛的时候,永兴岛居民都会放假两天,到码头协助卸下运补物资)
- “Vào thập niên 1970, lúc công việc mở mang đảo Vĩnh Hưng mới bắt đầu, những người thuộc lớp đầu tiên phải sống trong các nhà vách cây hay giấy dầu, UỐNG NUỚC MƯA chưa qua tinh lọc, ăn rau củ khô, đọc ‘báo tháng’, chưa có radio, TV; điện thoại không thông suốt, phương tiện đi lại giữa Hải Nam và Tây Sa chỉ có thuyền gỗ trọng tải nhỏ, chạy chậm, kém tiện nghi, điều kiện công tác sinh hoạt hết sức khó khăn.” (二十世纪七十年代,在永兴岛创业之初,老一辈“西沙人”住的是木板房、油毡房,喝的是未经净化的雨水,吃的是咸菜萝卜干,读的是“月报”;没有广播电视,电话也不通;在海南岛与西沙间往来的交通工具仅是小吨位的木船,速度慢,舒适性差,工作生活条件十分艰苦。)
3. Bản thân Tiêu Tiệp (Xiao Jie/肖捷), bí thư Tam Sa đã phát biểu năm 2012 như sau: “Ở đây KHÔNG có đất CANH TÁC ĐƯỢC. Mục đích chính của chúng tôi là bảo vể chủ quyền trên biển của đất nước” (xem Geoff A. Dyer, A Line With Nine Dahes http://www.viet-studies.info/kinhte/LineWithNineDashes_Dyer.htm).

Rò ràng những chi tiết này cho thấy đảo Phú Lâm tự nó không đảm bảo việc duỵ trì việc cư trú của con người mà phải phụ thuộc vào nguồn lục bên ngoài như PCA nhận xét cho đảo Ba Bình. Dĩ nhiên, để thuyết phục toà ta cần tìm kiếm và thu thập thêm bằng chứng khoa học cụ thể hơn như đội luật sư của Philippines đã làm (tài liệu lịch sử, đia lý, địa chất, thổ nhưỡng, thuỷ văn… các bản đồ, hình ảnh, ảnh vệ tinh…). Điều này có lẽ không nằm ngoài khả năng nếu ta quyết tâm, nhất là khi có nguồn lực từ nhà nước và nhiệt tình của đội ngũ học giả và các nhà nghiên cứu.

Wednesday, July 6, 2016

Tại sao có quá nhiều nước có yêu sách chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông?

Tại sao có quá nhiều nước có yêu sách chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông?

Các yêu sách tranh chấp nhau dựa trên lịch sử, địa lí và luật pháp - nhưng sức mạnh quân sự trần trụi là con át chủ bài

(Why do so many countries have claims to territory in the South China Sea?)

Cary Huang (Hoàng Trung Thanh)
SCMP (03/07/2016)



Tất cả các tranh chấp lãnh thổ giữa 6 nước láng giềng châu Á ở biển Đông, rốt cuộc, liên quan đến ba ngành học: lịch sử, địa lí và luật pháp.

Hầu hết các đảo, đá, rạn san hô và bãi cát ngầm được yêu sách đều không có người ở và một số thậm chí nằm dưới mặt nước khi triều thấp. Toàn bộ chúng chỉ gồm một vài cây số vuông nhưng trải rộng trên 2 triệu cây số vuông biển bao bọc bởi “đường chín vạch” của Trung Quốc, với Trung Hoa đại lục, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan đều có yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của nhiều chuỗi đảo và vùng biển lân cận.

Điều đó làm cho một bối cảnh phức tạp mà ngay cả một phán quyết sắp đưa ra của Tòa Trọng tài Thường trực có thể không có khả năng giải quyết.

Các tranh chấp không chỉ là về bản đồ và lòng tự hào dân tộc mà còn về các quyền độc quyền của một nước đối với tài nguyên thiên nhiên ở các vùng biển xung quanh và dưới đáy biển, và về quyền chủ quyền trong việc quản lí tàu thuyền và máy bay của các quốc gia khác đi qua khu vực này, khu vực có chứa một số tuyến đường biển nhộn nhịp nhất và quan trọng nhất của thế giới.

Dư Mậu Xuân (Maochun Miles Yu), giáo sư lịch sử quân đội và hải quân Đông Á tại Học viện Hải quân Hoa Kì, nói rằng tất cả các bên tranh chấp đều sử dụng một, hai hoặc cả ba ngành học này để hậu thuẫn cho các lập luận của họ, nhưng các tranh chấp đều thu về một câu hỏi: điều gì làm một nước đủ tiêu chuẩn là chủ sở hữu chủ quyền đúng lẽ của một số đảo ở biển Đông.

“Đối với Trung Quốc, biện minh là những đề cập lịch sử trong các sách vở xưa; đối với Philippines, Malaysia và những nước khác, đó là sự gần gũi về mặt địa lí; đối với Việt Nam, đó là việc tích cực cai quản từ thế kỉ thứ 17 mà điều đó đúng ra phải cho Hà Nội quyền sở hữu các đảo này”, Dư Mậu Xuân nói.

Trung Quốc nói rằng các đảo này đã được bàn luận từ thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên trong các sách vở xưa như Dật Chu thư, Kinh Thi, Tả truyện, và Quốc ngữ, mặc dù chúng chỉ được mô tả một cách bao hàm như là một phần của “lãnh thổ phía Nam”.

Các nhà sử học Trung Quốc nói rằng nhiều tên khác nhau đã được sử dụng để mô tả các đảo này từ thời nhà Đường (618-907) đến thời nhà Thanh (1644-1912).

Trong thời kì Trung Hoa Dân Quốc, chính phủ đã đưa vào bản đồ hơn 291 đảo, đá ngầm, và các bãi cạn tiếp sau vào những khảo sát trong thập niên 1930 và sau đó công bố một bản đồ có đường chín vạch vào năm 1947.

Sau cuộc cách mạng năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thừa kế yêu sách do Trung Hoa Dân Quốc đưa ra. Và vào năm 1958, Bắc Kinh đã ban hành một tuyên bố quy định lãnh hải của mình trong đường chín vạch, bao bọc quần đảo Trường Sa. Thủ tướng Bắc Việt lúc đó là Phạm Văn Đồng, đã gửi công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bày tỏ sự ủng của Bắc Việt đối với lập trường của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc vận động ngoại giao và quan hệ công chúng để huy động sự ủng hộ cho yêu sách của họ trước khi có phán quyết của tòa án quốc tế dự kiến vào ngày 12/7 trong một vụ kiện chống lại Trung Quốc do Philippines khởi xướng.

Ngày 09 Tháng 5, Trung Quốc công bố một bài viết dài, do Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Quốc hội và cựu thứ trưởng ngoại giao, và Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Nam Hải (biển Đông) đồng tác giả, giải thích lập trường của Trung Quốc. Họ viết “Các đảo ở biển Đông và vùng nước xung quanh chúng do người Trung Quốc xưa phát hiện, đặt tên, và sử dụng đầu tiên, cũng như được các chính phủ kế tiếp quản lí và đã được coi là lãnh thổ và vùng biển vốn có của đất nước từ thời xa xưa, như được chứng minh trong rất nhiều hồ sơ lịch sử, sách vở địa phương và bản đồ”.

Bài viết, công bố trên cả hai tạp chí The National Interest ở Hoa Kì và tạo chí China Newsweek, nói rằng cộng đồng quốc tế - trong đó có Mĩ - trong lích sử đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này, cho đến gần đây.

Nhưng Mohan Malik, giáo sư về an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương của Honolulu, nói rằng xét về “bằng chứng pháp lí”, phần lớn các chuyên gia luật quốc tế đều đã kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền sở hữu/danh nghĩa lịch sử (historical title) đối với biển Đông, bao hàm quyền chủ quyền trọn vẹn cùng với việc bằng lòng cho các nước khác đi ngang qua, là không hợp lệ.

Benjamin Herscovitch, giám đốc nghiên cứu Chính sách Trung Quốc, một công ti phân tích và tư vấn chính sách đóng ở Bắc Kinh, nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa làm rõ ý nghĩa của yêu sách lãnh thổ lịch sử của họ bao bọc bởi đường chín vạch, mà ông nói là luôn không rõ ràng trong lịch sử và vẫn như vậy, dù gần đây Bắc Kinh có nỗ lực đưa ra biện minh.

Ông hỏi “Đó là yêu sách cho toàn bộ các vùng nước bên trong đường này hoặc chỉ đơn giản là các đảo và các thể địa lí khác? Nó liên quan đến Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên kí kết, như thế nào? Vùng nước bên trong đường chín đoạn là lãnh hải hay chỉ đơn thuần là EEZ (vùng đặc quyền kinh tế)?”

Herscovitch, là một chuyên gia về ngoại giao châu Á và an ninh khu vực, cho biết Việt Nam cũng sử dụng tài liệu lịch sử để làm chỗ dựa cho yêu sách của mình, qua việc nói rằng họ có tài liệu chứng minh họ đã tích cực cai quản cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỉ 17.

Một bên chính khác trong khu vực là Philippines, viện dẫn sự gần gũi về địa lí đối với quần đảo Trường Sa là cơ sở chính cho yêu sách chủ quyền đối với một phần của nhóm đảo này.

Cả Philippines lẫn Trung Quốc cũng đòi chủ quyền bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) – cách Philippines hơn 160 km một ít và cách Trung Quốc 800 km.

Malaysia và Brunei cũng đòi chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông mà họ nói là lọt vào vùng đặc quyền kinh tế của họ, như quy định của UNCLOS.

Allen Carlson, phó giáo sư về chính quyền tại Đại học Cornell, nói biển Đông hiện nay đã bị cuốn đi với một hỗn hợp của các yêu sách  pháp lí quốc tế tương phản và nhiều câu chuyện lịch sử, của năng lực hải quân đang phát triển và tình cảm dân tộc. Carlson nói “Tình trạng này có vẻ đang tạo ra một cái gì đó giống như một hợp chất dễ bốc hơi trong vùng biển này, một hợp chất mà có thể chỉ cần một chút chất xúc tác là bùng cháy”.

Dư Mậu Xuân nói rằng lí lẽ của Trung Quốc là yếu nhất so với các bên tranh chấp khác vì đơn giản là người ta không thể chỉ dùng những đề cập trong sử sách về những nơi xa xôi làm biện minh chính cho các yêu sách chủ quyền hiện nay. “Nếu không, Marco Polo từng nói về Trung Quốc cho dân Ý vào thế kỉ thứ 13, điều đó có biện minh cho Ý yêu sách chủ quyền đối với Trung Quốc được không? Dĩ nhiên là không,” ông nói.

UNCLOS đã được tất cả các quốc gia ven biển chủ yếu có lợi ích ở biển Đông kí kết và phê chuẩn, nó cần giúp đem lại sự chắc chắn cho khung pháp lí áp dụng cho toàn khu vực. Tuy nhiên, các tranh chấp pháp lí và lãnh thổ vẫn kéo dài.

Dư Mậu Xuân nói rằng luật biển quốc tế hiện đại và quyền tài phán lãnh thổ coi trọng việc quản lí tích cực và sự gắn kết về địa lí (mở rộng tự nhiên của thềm lục địa là một ví dụ).

Không giống như các nước khác, yêu sách của Trung Quốc không dựa trên yêu sách đối với các đảo hoặc các thể địa lí cụ thể khác theo quy định của luật biển năm 1982 của LHQ, mà dựa trên một bản đồ lịch sử Trung Quốc chính thức nộp cho Liên Hiệp Quốc vào năm 2009. Bản đồ đó có đường chín vạch, tạo thành một hình chữ U chạy xuống bờ biển phía đông của Việt Nam vòng qua phía bắc Indonesia rồi tiếp tục chạy về phía bắc đến bờ biển phía tây của Philippines. Nhiều chuyên gia cho rằng đường chín vạch không phù hợp với luật biển năm 1982 của LHQ, luật này không chấp nhận yêu sách dựa trên lịch sử.

Nhưng Herscovitch nói rằng luật pháp quốc tế ít quan trọng trong tranh chấp biển Đông. Công ước của LHQ cũng vận hành hơi khác vì nó cũng chỉ ra rằng đất đai khám phá có thể chấp nhận được nếu là terra nullius (đất không thuộc về một quốc gia cụ thể) có nghĩa là đất mà không có quốc gia nào hành xử chủ quyền. Do đó, người ta có thể lập luận rằng quốc gia nào thực hiện quyền kiểm soát không bị thách thức đối với đất đai như thế thì yêu sách nó loại trừ tất cả các quốc gia khác dựa trên việc các quốc gia này “từ bỏ” quyền thách thức của họ. Theo quy định như vậy, không một quốc gia có thể chịu”từ bỏ” quyền của mình.

Trung Quốc kiểm soát hữu hiệu hầu hết các đảo, mặc dù là tương đối muộn dự phần khi đến chiếm đóng lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa.

Đài Loan chiếm một đảo trong quần đảo Trường Sa trước tiên sau Thế chiến II, và Philippines, Việt Nam và Malaysia tiếp theo sau.Theo Mira Rapp-Hooper, nghiên cứu viên cao cấp trong chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm New American Security thì tất cả các nước này đều xây các tiền đồn và đường băng trên lãnh thổ họ yêu sách. Bắc Kinh bắt đầu điều động nhân sự để chiếm các rạn đá và đảo trong khu vực trong những năm 1980.

Từ năm 2012, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nằm dưới  quyền kiểm soát của Trung Quốc, trong khi Trung Hoa đại lục, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều kiểm soát các đảo ở quần đảo Trường Sa, với Đài Loan kiểm soát một đảo.

Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, cho biết trong một bài viết trên The Diplomat vào ngày 06 tháng 5 rằng Việt Nam chiếm 21 thể địa lí trong quần đảo Trường Sa, Philippines 9, Trung Quốc 7, và Malaysia 5.

Các nhà phân tích nói rằng vấn đề chủ quyền không thể giải quyết được theo luật pháp quốc tế, và cũng không nằm trong phạm vi thẩm quyền của tòa [trọng tài]. 

Herscovitch nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) trên những mảng lớn của biển Đông. Ông nói “Luật pháp quốc tế có thể làm đường chín vạch và chính sách rộng lớn hơn về biển Đông của Trung Quốc thành phi pháp trong mắt của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế nói chung là bất lực khi đối mặt với quyết tâm và ưu thế về sức mạnh quân sự trần trụi của Trung Quốc.”

Sunday, July 3, 2016

Tính dân chủ giả của Brexit

Tính dân chủ giả của Brexit

Cuộc bỏ phiếu thật sự tiết lộ điều gì

(Brexit's False Democracy - What the Vote Really Revealed)

Kathleen R. McNamara
FA (28/6/2016)

Trưng cầu ý dân là cơ chế tệ hại của nền dân chủ. Như một ví dụ minh hoạ, cuộc trưng cầu ý dân của Anh mới đây về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong EU là một canh bạc liều lĩnh, đặt ra một vấn đề-rất thực (sự cần thiết phải có tranh đua cởi mở và hợp pháp hơn trong EU) và biến nó thành một sự méo mó chính trị của giới chính trị chủ chốt cơ hội đến mức trơ trẽn. Cuộc tranh luận ầm ĩ về việc liệu Vương quốc Anh có tiếp tục là thành viên của EU đã bị sự dối trá và xuyên tạc xé nát, một số điều dối trá và xuyên tạc này đang được những người cổ vũ Brexit rút lại không dấu diếm; thậm chí báo chí Anh chua xót hối tiếc về sự ủng hộ ồn ào cho phe đòi tách ra. Thật không may là nhiều cử tri Anh có vẻ không biết chính xác EU là gì, xác nhận nghiên cứu gần đây cho thấy có sự thiếu kiến thức thực tế về Liên minh [châu Âu].

Do đó, những nhà quan sát cuộc trưng cầu ý dân này cần cảnh giác trong việc rút ra những kết luận về các nỗ lực toàn cầu hoá rộng lớn hơn, về trật tự phương Tây, về sự trỗi dậy tất yếu của các đảng dân tuý chống nhập cư, hoặc về tính khả thi của dự án EU nói chung. Câu trả lời cho câu hỏi hổn hển trên New York Times hôm Chủ Nhật—"Có phải trật tự sau 1945 do Hoa Kì và các đồng minh áp đặt trên toàn thế giới cũng sáng tỏ không?"—là đơn giản. Không, không phải thế. Và còn những cảm xúc và những ngăn cách về văn hóa được dùng để ảnh hưởng vụ bỏ phiếu Brexit không thể và không được bỏ qua.

Bài học thực tế của Brexit là có một phân chia có tính hệ quả giữa những người theo chủ nghĩa quốc tế (cosmopolitan) vốn nhìn tương lai với hi vọng và những người đã bị bỏ lại ở phía sau và nhìn thấy tình hình kinh tế cùng lối sống của họ bị xấu đi. Câu chuyện tương tự cũng có thể diễn ra tại Hoa Kì và các nơi khác, với các tác động quan trọng tới việc bỏ phiếu. Nhưng câu chuyện Brexit cũng nói lên sự độc đáo của EU như là một loại chính thể mới với tác động sâu sắc đến đời sống của tất cả mọi người bên trong nó. Lịch sử đã chỉ ra rằng sự phát triển của các hình thức chính trị mới hiếm khi diễn ra trơn tru. Sự chia rẽ giữa những người có thể và những người không thể hình dung một cuộc sống tốt hơn trong hệ thống mới sẽ tiếp tục thúc đẩy nền chính trị ở EU và các nơi khác trong nhiều năm tới.


CÓ Ý THỨC GIAI CẤP

Mặc dù cuộc trưng cầu Brexit là một hình thức rất không hoàn hảo về thể hiện dân chủ, những cảm xúc do các cử tri đòi Tách ra thể hiện ra là rất thực. Chúng phản ánh những cảm xúc quan trọng và thật của các cộng đồng dân tộc khác khắp các nền dân chủ phương Tây. Có hai thế giới con người, như phân tích các mẫu bỏ phiếu Brexit chỉ rõ, được phân chia theo kinh nghiệm và tầm nhìn của họ về tương lai. Trình độ học vấn, tuổi tác, và bản sắc dân tộc quyết định việc bỏ phiếu. Cử tri trẻ tuổi thuộc mọi nguồn gốc kinh tế và những người có học vấn đại học đã bỏ phiếu ủng hộ Ở lại. Cử tri lớn tuổi, những người thất nghiệp, và những người có một ý thức mạnh mẽ về bản sắc quốc gia Anh đã tìm cách tách ra.

Cuộc đấu tranh về Brexit là sự phản ánh của việc loại trừ xã hội phát sinh trong một thế giới bất bình đẳng kinh tế khắc nghiệt. Một cách nghĩ về việc phân chia này là xem nó như là cách nghĩ quốc tế (cosmopolitan) so với cách suy nghĩ cụ bộ (parochial), bắt nguồn từ các xu hướng xã hội và kinh tế sâu xa hơn vốn tạo nên động lực văn hóa riêng của họ. Chủ nghĩa thế giới, một cảm giác mình thuộc về một cộng đồng toàn cầu vượt qua biên giới trước mắt mình, đòi hỏi phải có sự tự tin ở vị trí của một người trên thế giới và hàm chứa một hi vọng về tương lai vượt tầm nhà nước-dân tộc (nation-state). Quan điểm cục bộ đang bị pha trộn với nỗi sợ hãi về tương lai đó và một cảm giác rằng sự biến đổi xã hội sẽ bỏ những cử tri thông thường ở lại phía sau. Một phần, nỗi sợ đó phản ánh việc mở cửa thị trường, nhưng nó cũng do các thay đổi trong công nghệ và những dịch chuyển rời xa việc bảo vệ giai cấp trung lưu và tầng lớp lao động rộng lớn hơn trong chủ nghĩa tư bản. Những dịch chuyển này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho việc toàn cầu hóa; chúng cũng chẳng dính líu gì với chính trị và các quyết định về chính sách trong nước. Tại Vương quốc Anh và các nơi khác, các lựa chọn chính trị đã tăng tốc việc giảm công nghiệp hóa trong khi gây tổn hại mạng lưới an sinh xã hội và chẳng làm gì nhiều để ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng đang tăng.

Với thực tế khắc nghiệt này đối với những người thất nghiệp, người già, và người thất học, những cảnh báo về thảm họa kinh tế của Brexit của chiến dịch vận động Ở lại không có nhiều sức nặng; nhiều cử tri cho rằng cơ hội của họ đã bị đóng lại từ lâu. Cách tiếp thị khôn khéo của chiến dịch vận động Brexit, kể cả các câu thần chú "Lấy lại quyền Kiểm soát" và "Bước ngoặt," nói lên những cảm giác về bị loại trừ rất thực nhưng đưa ra không nhiều giải pháp; thực tế là động lực chính trị của Anh, nhiều hơn là các quy định của EU, đã tạo ra các vấn đề xã hội và kinh tế của Vương quốc Anh.

Sự phân cách về kinh tế và tác động xã hội của nó đẩy vấn đề nhập cư lên hàng đầu trong cuộc tranh luận. Cử tri đã đúng rằng việc nhập cư của cả công dân EU lẫn di dân ngoài EU đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, trong khi các nước khác trong EU đã phải vật lộn với những người nhập cư từ Syria và Iraq thì Vương quốc Anh chỉ có một số lượng nhỏ đơn xin tị nạn. Và các nghiên cứu cho thấy rằng những người nhập cư đóng thuế vào nhiều hơn phúc lợi họ lấy ra. Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi tiềm ẩn này đã làm cho những sự thật như thế thành không quan trọng. Quả thật, các khu vực có nhiều người nước ngoài đã bỏ phiếu áp đảo ở lại trong EU. Những khu vực đó là những vùng đã được hội nhập vào một thế giới mới có tính quốc tế.


QUYỀN LỰC MỚI, VẤN ĐỀ MỚI

Cuộc chiến về Brexit là sự phản ánh về việc loại trừ xã hội nẩy sinh trong một thế giới bất bình đẳng kinh tế khắc nghiệt. Nhưng cuộc trưng cầu cũng nên được xem xét trong một lịch sử dài hơn nhiều của sự phát triển chính trị và xây dựng nhà nước. EU vượt xa hơn một tổ chức hay một hiệp ước thương mại quốc tế đơn giản, vì nó đã tích lũy quyền lực chính trị đáng kể trên một loạt khu vực rộng lớn. Chẳng hạn, các phán quyết của Tòa án châu Âu thế chỗ cho luật pháp quốc gia,và luật pháp của EU đã chuyển đổi cuộc sống hàng ngày ở châu Âu, ngay cả khi bộ máy hành chánh ở Brussels và sự hiện diện tài chính của nó vẫn còn nhỏ bé.

Trong lịch sử, các cơ quan thẩm quyền chính trị mới đã xuất hiện và tiến triển theo những cách rối rắm, xấu xa, và thường bạo lực. Những dự án thống nhất đất nước dính dáng tới cưỡng chế, nội chiến, và thực hành quyền lực tàn bạo. Người ta vẫn đang đấu tranh về những vấn đề về liên bang ở Mĩ hiện nay . Mặc dù nhà nhà nước-dân tộc có vẻ phổ quát và tự nhiên, chỉ riêng ở châu Âu đã có nhiều hình thức chính phủ khác: chẳng hạn chế độ quân chủ Hapsburg, quốc gia thành phố Ý, Thánh chế La Mã, và Liên minh Hanse (Hanseatic League), đã xuất hiện rồi ra đi. EU, với tất cả mọi khiếm khuyết, là một hình thức sáng tạo mới, một chính thể đang hình thành. Những người dưới 45 tuổi, và đặc biệt là những người dưới 30 tuổi, hãy ôm lấy nó và xem nó như là một điều tự nhiên và tích cực, một nền tảng cho cuộc sống thay đổi hàng ngày của mình, nó tạo ra nhiều cơ hội hơn là khi đóng nó lại.

Với sự chỉ đường của lịch sử, chúng ta không nên ngạc nhiên rằng sự tiến triển của EU đã tạo ra một phản ứng dữ dội. Nhưng chúng ta có thể bị chủ nghĩa cơ hội hèn nhát và việc thiếu lãnh đạo chính trị ở Anh và trên lục địa châu Âu trong việc hướng dẫn sự phát triển này làm kinh hãi. EU sẽ chỉ có tác dụng nếu tất cả các công dân của nó có thể hình dung chính mình là một phần của một chính thể dân chủ quốc tế, thịnh vượng, một chính thể có thể cân bằng quyền lực của địa phương, của quốc gia và của EU và tạo ra cơ hội kinh tế. Lắng nghe những người ở cả hai phía của màn phân cách văn hóa, và tìm cách giảm bớt sự bất bình đẳng kinh tế vốn là nền tảng cho sự phân chia giữa những người đầy hi vọng và những người bị loại trừ, là cách duy nhất tiến tới đối với EU—và các phần còn lại của chúng ta.