Saturday, August 30, 2014

Tài liệu vẽ/viết tay cho thấy Trung Quốc cũng đã khống chế Việt Nam ở thế kỉ 19 nữa

Tài liệu vẽ/viết tay cho thấy Trung Quốc cũng đã khống chế Việt Nam ở thế kỉ 19 nữa

  
These old manuscripts show China dominated Vietnam in the 1800s, too

Lily Kuo 
Quartz (26/8/2014)

(Dịch bài này nhưng tôi thấy ngờ ngợ vì trong các bản đồ ghi tiếng Trung lẫn lôn giữa dạng phồn thể và giản thể, chằng hạn 'cổng Chánh Dương' ghi là  đáng lẽ phải ghi theo kiểu phồn thể là 正陽, còn nếu ghi giản thể như hiện nay là 门. Không rõ ngày xưa các cụ có dùng cách viết mà ngày nay được gọi là giản thể lẫn lộn với phồn thể như thế không - có thể viết như vậy vì lí do tiện lợi chăng?)


Cổng Chánh Dương (正陽门), Bắc Kinh, dẫn đến Tử Cấm Thành.

Một trong những sự kiện lịch sử mà các quan chức và các nhà ngoại giao Trung Quốc ưa chuộng, thường trích dẫn là trong nhiều thế kỉ, Trung Quốc chưa từng là là một cường quốc thực dân (đường dẫn bằng tiếng Trung) mà thường xuyên là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân của các cường quốc phương Tây cũng như Nhật Bản. Điều đó không hoàn toàn là sự thật - và việc công bố tài liệu số hoá mới đây các bản đồ cổ và bản văn viết tay của Việt Nam được lưu giữ tại giúp cho thấy tại sao như vậy.

Trong nhiều thế kỉ trước khi triều đại nhà Thanh sụp đổ (kết thúc cai trị đế quốc Trung Quốc vào cuối thế kỉ 19) Trung Quốc là quê hương của vương quốc hùng mạnh nhất trong khu vực Đông và Đông Nam Á. Chính sách đối ngoại của Vương quốctrung tâm vào thời đó được dựa trên hệ thống triều cống, trong đó các nước "bề tôi" và nước ngoài chỉ được chấp nhận nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc nếu lãnh đạo các quốc gia này mang lễ vật đến thủ đô Trung Quốc "để thừa nhận quyền lực tối thượng của Trung Quốc", như Thư viện Anh giải thích. Đổi lại các cống vật, vua Trung Quốc sẽ công nhận quyền cai trị của người nộp cống vật và ngưng việc xâm lược nước của họ miễn là chính sách của họ không làm Trung Quốc phiền lòng.

Dĩ nhiên, điều này thuộc lịch sử thời xưa. Nhưng dưới ánh sáng sự căng thẳng gia tăng về lãnh thổ tranh chấp ở biển Hoa Đông và Hoa Nam, hậu cảnh này đã làm sáng tỏ thêm, chẳng hạn, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam đối với các hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Đó không phải chỉ về việc Trung Quốc đang xâm lấn vào vùng biển mà Việt Nam tin rằng thuộc về Việt Nam, như quy định trong luật biển quốc tế - các nhà lãnh đạo và công dân Việt Nam đang ngăn trở việc quay trở lại với mô hình lịch sử về sự quỵ luỵ đối với Trung Quốc.

Các bản vẽ/viết tay ghi lại một trong nhiều chuyến đi sứ triều cống do vua Tự Đức của Việt Nam phái đi năm 1880. Theo thư viện, bản vẽ có thể muốn ghi lại cuộc hành trình chi tiết các tuyến đường, núi, sông, cầu, và các thành phố vượt qua. Đoàn đi sứ này là một trong số những nỗ lực – các đoàn trước đó, đã bị người Pháp làm dang dỡ, vì vậy các bản đồ này có thể đã được ghi nhận để kỉ niệm chuyến đi hoàn thành đó.

Bên ngoài cổng Quảng Ninh.(廣寧門 / 广宁门)




Trấn Nam Quan (鎮南關 - chú thích của ND)

Đi tới huyện An Túc (安肃县) tỉnh Hà Bắc, phía bắc sông Hoàng Hà, lộ trình đã đưa họ qua nhiều ngôi đền và chùa Bạch tự.

 
Bản đồ này cho thấy phái đoàn đi sứ Việt Nam đi qua huyện Củng (珙县) ở tỉnh Hà Nam và qua sông Lạc (洛河).

 
Bản đồ vẽ tay ghi tên các thị trấn khác nhau cùng khoảng cách giữa chúng với nhau.

Trong tuần này, Việt Nam cử một phái viên sang Trung Quốc để xoa dịu mối quan hệ, ông nhắc lại sự cần thiết về "quan hệ lành mạnh" giữa hai quốc gia. Hiện chưa rõ liệu ông ta có cần một bản đồ để tìm đường đi ở đó không.

Thursday, August 28, 2014

Tranh chấp biển Đông: Vẫn không có bằng chứng lịch sử cho tuyên bố của Trung Quốc

Tranh chấp biển Đông: Vẫn không có bằng chứng lịch sử cho tuyên bố của Trung Quốc

South China Sea Disputes: Still No Evidence of Historical Chinese Claim

Bill Hayton
RSIS (26/8/2014)

Tóm tắt

Mặc dù Trung Quốc khẳng định có các yêu sách lịch sử đối với nhiều phần của biển Đông, lập luận gần đây của một số nhà bình luận lặp lại một số những hiểu lầm thường được tin là đúng về các tranh chấp biển Đông và không đưa ra được bằng chứng hậu thuẫn các yêu sách của Trung Quốc.
  

Bình luận

Tiến sĩ Li Dexia (Lí Đức Hà) và ông Tan Keng Tat đã đáp lại việc tôi kêu gọi những người ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông hãy cung cấp chứng cứ có thể kiểm chứng được hậu thuẫn cho lập luận của họ (Bình luận trên RSIS ngày 3/7/2014). Tuy nhiên trả lời của họ cho thấy nhiệm vụ này có vẻ khó khăn tới dường nào. Họ không thể chứng minh Trung Quốc đã có đưa ra yêu sách đối với bất kì đảo cụ thể nào trước năm 1909, và không có bất kì một khẳng định nào của họ có chứng cứ có thể kiểm chứng được. Một số khẳng định có thể chứng minh được là không thật.

Đâu là bằng chứng cho thấy đã có quan chức thời tiền hiện đại của Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với bất kì thể địa lí nào ở biển Đông? Không có bằng chứng nàocho thấy Zheng He (Trịnh Hoà) hay đô đốc nhà Minh nào khác đã làm như vậy. Điều này cũng đúng với đội quân viễn chinh Mông Cổ một thế kỉ trước đó. Khoảng 500 năm trước, người đi biển thường cho tàu thuyền chạy ven bờ biển này để tránh nguy hiểm của các rạn san hô chưa được ghi nhận vốn nằm ở trung tâm của nó. Nếu hai tác giả này biết có tài liệu hay bằng chứng nào khác chứng minh điều ngược lại thì đây chính là lúc để công bố các tài liệu tham khảo chính xác đó.

Mơ hồ vẫn còn đó

Chắc chắn có nhiều bản văn xưa của Trung Quốc có nói đến các 'đảo' nhưng vẫn còn mơ hồ ở mức cùng cực, không liên quan đến những vùng đất cụ thể và không đưa ra được bằng chứng nào về khám phá hay tuyên bố chủ quyền. Một số là các báo cáo theo các thông tin do người nước ngoài tới Trung Quốc đưa ra, một số khác đề cập đến những chỗ bí ẩn gần lối vào địa ngục và một số khác nữa lại là bản sao các bản đồ châu Âu.

Tiến sĩ Li và ông Tan đưa ra một số điểm cụ thể khác. Tôi cần phải lần lượt bàn tới từng điểm một.

Hai tác giả này đã không thuyết phục được tôi rằng cái tên ‘Xisha’ (Tây Sa) – chỉ quần đảo Hoàng Sa đã xuất hiện trong các tài liệu của Trung Quốc trước cái tên ‘West Sand’ (Cát Tây) xuất hiện trên bản đồ phương Tây. Tôi trong tư thế sẵn sàng chấp nhận rằng người châu Âu đã tiếp nhận các tên địa phương dùng cho các thể địa lí nhưng trong trường hợp này, tôi tin rằng điều ngược lại đã xảy ra. Tôi sẵn sàng chấp nhận bị chứng minh là sai - nhưng chỉ khi đưa ra được bằng chứng.

Khẳng định rằng công ước năm 1887 giữa Pháp và Trung Quốc quy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc hiển nhiên là không đúng sự thật. Công ước (kí kết tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887) chỉ liên quan cụ thể tới khu vực Đông Dương mà thực dân Pháp gọi là "Tonkin" (Bắc Kì) - phần cực bắc của vùng đất bây giờ là Việt Nam.

"Kiến thức phổ thông” chứ không phải bằng chứng lịch sử

Tôi sẽ thích thú khi biết thêm về 'bia đá" do các quan chức Trung Quốc năm 1902 và do nhóm hải quân Trung Quốc được phái đến đảo Duy Mộng năm 1907 đặt ở quần đảo Hoàng Sa. Tôi đã tìm hiểu kĩ hai sự kiện này và không tìm ra bằng chứng vững chắc nào cho thấy chúng đã thực sự đã diễn ra. Tiến sĩ Li và ông Tan dựa vào nguồn thông tin gốc nào cho khẳng định này?

Càng nghiên cứu các yêu sách của Trung Quốc tôi càng thấy chúng được dựa trên những khẳng định thiếu dẫn chứng đã được lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỉ thiếu việc kiểm tra có phê phán. Nhiều khẳng định như vậy đã trở thành một phần của ‘kiến thức phổ thông’ quốc tế về biển Đông. Các khẳng định đó nằm trong bài viết của Hungdah Chiu và Choon-ho Park mà hai tác giả có nói đến, trong bài viết năm 1976 ‘Disputed Islands in the South China Sea’ (Quần đảo tranh chấp ở biển Đông) của Dieter Heinzig, và cũng có trong cuốn sách của Marwyn Samuels năm 1982 ‘Contest for the South China Sea’ (Cuộc thi thố cho Biển Đông) mà sau đó nhiều học giả quốc tế đã dựa vào.

Các bài viết của Heinzig và Samuels thuộc dạng các công trình khai phá, đem lại nhiều hiểu biết cần thiết về chủ đề này. Tuy nhiên, nội dung các bài viết của cả hai phần lớn dựa vào các bài báo công bố trên các tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi Trung Quốc chiếm đóng nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974. Một bài báođược công bố trong ấn bản tháng 3 năm 1974 của Nguyệt san thất thập niên đại (Ch'i-shi nien-tai Yueh-k'an) và hai bài báo trong ấn bản tháng 5 năm 1974 của tờ Minh Báo (Ming Pao). Những bài báo này rõ ràng không phải là những bài viết trung lập về học thuật: chúng được dùng để biện minh cho cuộc xâm lược đó.

Trích dẫn lọc lựa

Có ít ra hai trường hợp trong bài bình luận, hai tác giả trích dẫn một cách lọc lựa các tài liệu lịch sử. Trường hợp đầu tiên liên quan tới bức thư của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cho đồng nhiệm Trung Quốc tháng 9 năm 1958 - để đáp ứng với 'Tuyên bố về Lãnh hải " của Bắc Kinh. Tuyên bố đó mở rộng lãnh hải mà Trung Quốc yêu sách ra đến 12 hải lí. Động thái này nhằm mục đích ngăn chặn việc tàu của Mĩ xen vào hậu thuẫn cho các đơn vị của Đài Loan trú đóng trên hai đảo Kim Môn (Jinmen) và Mã Tổ (Mazu), mà vào lúc đó đã bị quân đội Trung Quốc bắn pháo vào.

Phần thứ hai của Tuyên bố năm 1958 khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với các thể địa lí của biển Đông. Toàn văn lá thư của Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai lờ đi phần thứ hai này dù tán đồng phần đầu. Câu văn trọn vẹn là "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc." Đúng là bức thư đó không bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc một cách minh bạch, nhưng nó cũng không chấp nhận [toàn bộ] tuyên bố này.

Hai tác giả cũng trích dẫn sai Tuyên bố Cairo ngày 27 tháng 11 năm 1943 như sau: "Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ khác mà nó đã lấy được bằng bạo lực và tham lam." Tuy nhiên, đó không phải là lời lẽ thật sự của Tuyên bố.

Câu văn thật sự là: "... Nhật Bản sẽ bị tước hết tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này chiếm hữu hay chiếm đóng từ lúc mở đầu chiến tranh thế giới thứ I vào năm 1914, và rằng tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã lấy cắp của Trung Quốc, như Mãn Châu, Đài Loan, và Bành Hồ, sẽ phải được trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các lãnh thổ khác mà nó đã lấy được bằng bạo lực và tham lam."

Không có đề cập đến bất kì thể địa lí nào trong biển Đông, ngoại trừ Formosa (Đài Loan) và Bành Hồ và không nói gì về ‘sở hữu' của các vùng lãnh thổ khác mà Nhật Bản phải bị trục xuất.

Cần phải phân nhỏ thành các yêu sách cụ thể

 Việc tôi khẳng định rằng "Trung Quốc, Việt Nam và Philippines tuyên bố quyền sở hữu các nhóm đảo lớn như thể chúng là đơn vị duy nhất" là đúng theo thực tế.

Tôi chưa bao giờ nói Philippines yêu sách quần đảo Hoàng Sa hay Việt Nam yêu sách Pratas (TQ gọi là Đông Sa). Tuy nhiên cả hai nước này, giống như Trung Quốc, quả có yêu sách các nhóm đảo lớn như thể chúng là một đơn vị duy nhất.

Philippines yêu sách một nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ gọi là nhóm đảo Kalayaan và Việt Nam yêu sách trọn quần đảo Paracels với tên là ‘Hoàng Sa’ và trọn quần đảo Spratlys với tên là ‘Trường Sa’. Các tranh chấp biển Đông sẽ trở nên giải quyết dễ dàng hơn nếu các yêu sách lớn này được chia nhỏ thành các yêu sách cụ thể đối với các thể địa lí cụ thể, được hậu thuẫn với bằng chứng cụ thể.

Tôi không vẩy cờ [ủng hộ] các yêu sách của Việt Nam, Philippines, Pháp hay thậm chí của Anh đối với các thể địa lí trong biển Đông. Tôi chỉ đơn thuần chỉ ra rằng phía Trung Quốc đã không đưa ra được bằng chứng lịch sử thuyết phục cho các khẳng định của chính họ.

Chấn chỉnh tình trạng này đòi hỏi phải có bằng chứng về những hành động chủ quyền thực tế thể hiện bởi các đại diện của chính phủ. Tôi khẳng định rằng phía Trung Quốc không có hành động chủ quyền trước ngày 6 tháng 6 năm 1909 đối với trường hợp quần đảo Hoàng Sa và ngày 12 tháng 12 năm 1946 ở quần đảo Trường Sa.

(Xem thêm Quần đảo Hoàng Sa: Bằng chứng lịch sử phải được kiểm tra của cùng tác giả)

Tuesday, August 26, 2014

Đường chín vạch: ‘đã khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi'

Đường chín vạch: ‘đã khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi'

The Nine-Dashed Line: 'Engraved in Our Hearts'

The Diplomat (25/08/2014)
Zheng Wang

Yêu sách "chín đường vạch"của Trung Quốc (bao gồm James Shoal) đã được dạy trong các trường học Trung Quốc từ những năm 1940 như thế nào.


Bạn có nghe nói về bãi ngầm James Shoal (tiếng Trung là Tăng Mẫu Ám Sa) không? Bạn có biết nó ở đâu không? Bài viết cuối trên blog của tôi nói về khoảng cách nhận thức giữa Trung Quốc và các nướcláng giềng. Câu chuyện của bãi ngầm James là một ví dụ tốt về sự khác biệt to lớn trong nhận thức.

Đối với những ai tiếp nhận nền giáo dục ở Trung Quốc, Tăng Mẫu Ám Sa (bãi ngầm James) là một cái tên rất quen thuộc. Ví dụ, trong sách giáo khoa địa lí lớp 8 hiện tại do nhà xuất bản Giáo dục nhân dân in, có thể tìm thấy bản đồ Trung Quốc với đường chín vạch ở trang 4. Để dễ nhận diện, ban biên tập đã dùng một mũi tên trỏ vào bãi ngầm James. Ngoài ra, còn có một khung chú thích chỉ vào nó ghi: "Điểm cực nam của lãnh thổ nước ta là Tăng Mẫu Ám Sa ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa)." Học sinh được yêu cầu sử dụng thước để đo từ điểm cực bắc của Trung Quốc tới Tăng Mẫu Ám Sa rồi tính toán khoảng cách thực tế dựa theo tỉ lệ của bản đồ. Câu trả lời đúng là 5 5 000 km (3.417 dặm).

James Shoal textbook image
Hình bãi ngầm James trong sách giáo khoa
Bản đồ Trung Quốc từ sách giáo khoa địa lý lớp 8 của nhà xuất bản Giáo dục nhân dân. Khung ghi chú ở góc phải phía dưới trỏ vào Tăng Mẫu Ám Sa

Bãi ngầm James là một bãi nhỏ ở biển Đông, nằm dưới nước ở độ sâu 22 mét (72 feet). Nó cách bờ biển Malysia khoảng 80 km (50 dặm) và cách Trung Quốc khoảng 1 800 km. Cả CHNDTH lẫn THDQ (Đài Loan) đều chính thức tuyên bố bãi ngầm này là thể địa lí cực nam của nước Trung Hoa. Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền bãi ngầm này. Một bãi chìm dưới nước thì không có cách nào để dựng được bia chủ quyền. Tuy nhiên, ngày 20 tháng 4 năm2010, tàu hải giám 83 của Trung Quốc đã đến vùng biển xung quanh bãi ngầm này. Một số nhân viên trên tàu đã ném một tấm bia chủ quyền xuống nước. Bia là một tấm đá cẩm thạch lớn và nặng có khắc hai chữ 中国 (Trung Quốc). Một bản tin khác hồi năm 2013 kể câu chuyện về sĩ quan và lính hải quân Trung Quốc tham gia một buổi lễ tuyên thệ tại vùng biển cạnh Tăng Mẫu Ám Sa, hứa bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc.

Câu chuyện về Tăng Mẫu Ám Sa là "điểm cực nam" của Trung Quốc không phải là một tuyên truyền mới của ĐCSTQ. Bản đồ biển Đông chính thức đầu tiên của Trung Quốc với các đường đứt đoạn đã được THDQ của chính phủ Quốc Dân Đảng công bố vào năm 1948 (dù được vẽ vào năm 1947 sử dụng nội bộ). Cũng có các tài liệu cho rằng một bản đồ do nhà vẽ bản đồ Bai Meichu (Bạch Mi Sơ) vẽ ra năm 1936 sử dụng đường liền bao quanh quần đảo Hoàng Sa, bãi ngầm Macclesfield và quần đảo Trường Sa. Bản đồ năm 1936 này đánh dấu Tăng Mẫu Ám Sa thuộc quần đảo Trường Sa như ranh giới cực nam của Trung Quốc ở biển Đông. Từ thập niên1940, nhiều thế hệ dân Trung Quốc đã học theo sách giáo khoa địa lí của họ rằng Tăng Mẫu Ám Sa là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc. Các thế hệ học sinh Trung Quốc khác nhau cũng đã tiến hành cách thực hành tương tự trong các giờ học địa lí trung học: học sinh sử dụng thước để đo khoảng cách từ điểm cực bắc của Trung Quốc (Mohe [Mạc Hà], gần sông Amur, ở vĩ độ 53° 29'Bắc) tới Tăng Mẫu Ám Sa (ở vĩ độ 4° 15' Bắc) và sau đó cảm thấy rất tự hào về lãnh thổ rộng lớn của đất nước.

Trong một bài viết trên số tháng6 năm 2013 của tạp chí Địa lí Quốc gia Trung Quốc, Shan Zhiquang (Đan Chí Cường), tổng biên tập điều hành của tạp chí, viết như sau :

Đường chín vạch đã được sơn phết trong tim óc người Trung Quốc trong một thời gian dài. Đã 77 năm từ khi Bai Meichu đưa nó vào bản đồ năm 1936 của ông. Bây giờ nó đã khắc sâu trong tim óc người dân Trung Quốc. Tôi không tin rằng bất kì nhà lãnh đạo Trung Quốc nào sẽ loại bỏ các đường chín vạch khỏi người Trung Quốc. Tôi không tin rằng sẽ có có lúc mà Trung Quốc tồn tại không với đường chín vạch.

Trong thời gian nghỉ phép năm ngoái, tôi có giảng một khóa học tại một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc với tư cách giáo sư thỉnh giảng. Một lần tôi hỏi cả lớp liệu họ có đồng ý với phát biểu trên của Shan Zhiqiang không, hầu hết các sinh viên đều giơ tay lên.

Trong nhiều tranh chấp lãnh thổ, bản đồ đã được các bên tranh chấp sử dụng như là công cụ quan trọng để biện minh cho việc bảo vệ hoặc thu lại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Bản đồ cũng được sử dụng trong hệ thống giáo dục để hình thành khái niệm về biên giới quốc gia và chủ quyền ở thế hệ trẻ. Bản đồ và sách giáo khoa là một trong những bài giảng quan trọng nhất về bản sắc và thế giới quan đối với một nhà nước quốc gia, và Trung Quốc không phải đơn độc trong việc sử dụng chúng. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy rằng nhiều quốc gia có yêu sách ở biển Đông đã có chú tâm mới về giáo dục và chuyện kể với mục đích tăng cường nhận thức của người dân về yêu sách lãnh thổ của họ, bao gồm việc duyệt xét lại bản đồ và sách giáo khoa. Ví dụ, Philippines đã chính thức đổi tên vùng biển ở biển Đông ngoài khơi bờ biển phía tây của nước này là"biển Tây Philippines" vào tháng 9 năm 2012. Việt Nam cũng gọi Nam Hải là "biển Đông." Việc "giáo dục lòng yêu nước" và chuyện kể xã hội Việt Nam liên quan đến tranh chấp biển Đông trong một hoặc hai thập niên qua cũng đã đóng góp trực tiếp vào việc phát triển tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay. Các cuộc biểu tình và bạo loạn gần đây là một trong những hệ luỵ trực tiếp.

Nhận thức, chứ không phải bất cứ thứ gì khác, là điều nguy hiểm nhất ở biển Đông.

Wang Zheng là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu về Hòa bình và Xung đột tại Đại học Seton Hall và là thành viên toàn cầu tại Trung tâm Woodrow Wilson.

Tuesday, August 19, 2014

Vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam

Xung đột biên giới giữa Campuchia và Việt Nam


Ramses Amer (1997)

......................................................................

Bối cảnh

Sau khi Campuchia độc lập năm 1953 và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thành lập vào giữa năm 1950, tranh chấp biên giới tạo ra căng thẳng trong quan hệ song phương nhưng không dẫn đến xung đột quân sự nóng. Khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với VNCH năm 1963, Campuchia biện minh hành động của mình trên cơ sở rằng người thiểu số Khmer ở VNCH bị chèn ép bởi các chính sách áp bức mà nhà chức trách Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, bất đồng về vấn đề biên giới chắc chắn đã góp phần vào việc làm tệ hại hơn các quan hệ song phương. Khi Thái tử Norodom Sihanouk, năm 1966 và năm 1967, tìm kiếm một cam kết vững chắc của Việt Nam tôn trọng biên giới "hiện có" của Campuchia, một phản ứng tích cực đã đến cả từ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam (Bắc Việt) lẫn Mặt Trận Giải Phóng (MTGP), trái ngược với chính phủ VNCH - VNCH không đưa ra sự công nhận như vậy.

Thái tử Sihanouk duy trì mối quan hệ thân mật với VNDCCH và MTGP, cho phép họ vận chuyển thiết bị chiến tranh qua miền đông Campuchia và không chống đối việc thành lập các mật khu dọc biên giới với VNCH. Sau khi thái tử Sihanouk bị lật đổ vào năm 1970, mối quan hệ giữa Campuchia và VNCH đã cải thiện nhưng điều này không kéo dài vì chính quyền trung ương ở Campuchia dần dần mất quyền kiểm soát đất nước. Một sự phát triển song song cũng đã diễn ra ở VNCH. Chiến tranh ở hai nước đã kết thúc với chiến thắng về phía các lực lượng cộng sản vào mùa xuân năm 1975.

Hầu như ngay lập tức sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, xung đột vũ trang đã nổ ra dọc theo biên giới chung trên đất liền và trên các đảo trong vịnh Thái Lan. Tình hình được đưa vào vòng kiểm soát vào tháng 6 năm 1975, sau một cuộc họp cấp cao tại Hà Nội, và tình hình tương đối ổn định được duy trì vào nửa cuối năm 1975 và năm 1976. Năm 1976, hai bên đã nỗ lực mở ra các đàm phán, nhưng các cuộc thảo luận đã phá vỡ ngay ở cuộc họp trù bị do ý kiến khác nhau về việc ai có thể đề xuất thay đổi đến việc phân định biên giới chung. Phía Campuchia tuyên bố có quyền đơn phương đề xuất thay đổi và tuyên bố rằng Việt Nam vi phạm quyền này qua việc đưa ra các đề xuất.

Đầu năm 1977 các cuộc đụng độ vũ trang dọc theo biên giới đất liền bắt đầu một lần nữa với Campuchia chủ động trong một động thái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với lãnh thổ do Việt Nam kiểm soát mà Campuchia cho là của họ. Các cuộc xung đột vũ trang leo thang, và khi quan hệ song phương nói chung trở nên xấu đi, Việt Nam bắt đầu phản công. Cuộc xung đột quân sự cuối cùng dẫn đến việc Việt Nam can thiệp quân sự vào cuối tháng 12 năm 1978 và lật đổ chính phủ Khmer Đỏ của Campuchia. Sau đó, một chính quyền mới - Cộng hòa Nhân dân Campuchia (PRK) - được thành lập với sự trợ giúp của Việt Nam. Trong giai đoạn thập niên 1980 Việt Nam và PRK đã kí một số thỏa thuận liên quan đến đường biên giới chung: Một thỏa thuận về "vùng nước lịch sử" đã được kí kết vào ngày 7 tháng 7 năm 1982. "Vùng nước lịch sử" được xác định là nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc và quần đảo Thổ Chu về phía Việt Nam và bờ biển của tỉnh Kampot và đảo Poulo Wai (Ko Way) về phía bên Campuchia. Thỏa thuận này quy định rằng hai nước sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để xác định biên giới biển trong khu vực vùng nước lịch sử "vào một thời điểm thích hợp". Theo thỏa thuận này, trong khi chưa có giải pháp như vậy, hai nước sẽ tiếp tục coi đường Brévié - một đường thẳng hướng ra biển vạch từ điểm cuối cùng của biên giới đất liền trên bờ biển, lập một góc 126° với hướng Bắc kinh tuyến và dành một vành đai 3 km quyền chủ quyền vòng quanh bờ biển phía bắc của đảo Phú Quốc – vẽ vào năm 1939 làm đường phân chia các đảo trong khu vực vùng nước lịch sử. Ngoài ra, hai bên cũng đồng ý rằng việc khai thác của khu vực sẽ được quyết định bởi "thỏa thuận chung". Tiếp theo đó là việc kí kết hiệp ước về việc giải quyết vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam và Hiệp định về quy chế biên giới vào ngày 20 tháng 7 năm 1983 tại Phnom Penh.

Theo hiệp ước hai bên nhất trí coi "đường biên giới hiện tại" giữa hai nước là biên giới quốc gia, được xác định trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000 do Sở địa dư Đông Dương xuất bản thông dụng trước năm 1954 hoặc vào một ngày rất gần 1954. Phân định biên giới đất liền và biển sẽ được thực hiện trong tinh thần "bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau" vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Cuối cùng, ngày 27 tháng 12 năm 1985 Hiệp ước phân định biên giới Việt Nam-Campuchia đã được hai nước kí kết và được Hội đồng Nhà nước Việt Nam phê chuẩn vào ngày 30 tháng 1 năm 1986 và được Quốc hội PRK phê chuẩn ngày 7 tháng 2 năm 1986. Nguyên tắc chi phối việc giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai nước là tôn trọng "đường ranh giới hiện tại," cụ thể là "đường vốn tồn tại vào thời điểm" độc lập. Đường này được hai nước giữ lại theo nguyên tắc "uti possidetis" (làm chủ cái đang có). Hai bên cũng tuyên bố rằng biên giới chung "trên đất liền và trên vùng nước lịch sử" dựa trên đường biên giới vẽ trên bản đồ 1/100.000 thông dụng trước năm 1954 hoặc cho đến năm đó. Tình trạng hiện tại của các thỏa thuận này là không chắc chắn, sau những thay đổi trong lãnh đạo chính trị ở Campuchia sau cuộc tổng tuyển cử do Liên Hiệp Quốc tổ chức vào tháng 5 năm 1993.....
................................................................

Một số nhận xét

Campuchia và Việt Nam đang cố quản lí các vấn đề có tranh chấp thông qua đàm phán chính thức và như là một phần của quá trình này hai bên đã quyết định thành lập các nhóm chuyên gia để xử lí với các tranh chấp song phương chẳng hạn như vấn đề lãnh thổ và cư dân Việt Nam sống tại Campuchia. Thông cáo chính thức từ các cuộc họp cấp cao giữa Campuchia và Việt Nam cho thấy hai nước đã đồng ý giải quyết vấn đề biên giới và các khác biệt liên quan đến vấn đề đó một cách hòa bình thông qua đàm phán. Nếu những vấn đề xảy ra dọc theo biên giới chung thì cách tiếp cận là tìm cách giải quyết chúng trước nhất ở cấp địa phương, và nếu không đạt tới giải pháp ở cấp đó thì báo cáo vấn đề lên cấp trung ương.

Về phía Việt Nam có vẻ chỉ có một nguồn quyền lực làm ra chính sách đối ngoại, cụ thể là chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản đang cầm quyền. Ở Campuchia tình hình khác biệt. Nhìn chung, chính phủ theo đuổi chính sách nhằm duy trì quan hệ song phương tốt đẹp với Việt Nam và như là một phần trong chính sách đó các tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua đàm phán.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tháng 1 đến tháng 7 năm 1996, hai cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề biên giới là điều thường thấy trong chính phủ liên minh. Thủ tướng thứ nhất là Hoàng tử Ranariddh nhiều lần cáo buộc Việt Nam xâm lấn lãnh thổ Campuchia dọc theo biên giới đất liền và, dù tuyên bố chuộng giải pháp hòa bình các vấn đề biên giới hơn, ông không loại trừ việc sử dụng lực lượng vũ trang nếu cách tiếp cận hòa bình thất bại, trong khi đó Thủ tướng thứ hai Hun Sen lại giữ lập trường mềm mỏng hơn, kiềm chế không cáo buộc Việt Nam công khai và luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới. Trong bối cảnh này cần lưu ý rằng chính phủ Campuchia đã bị áp lực của báo chí Campuchia đòi phải có một lập trường cứng rắn về vấn đề biên giới.

Ngoài ra còn có hai diễn viên chính trị quan trọng khác, cũng biểu thị thái độ ít tích cực đối với Việt Nam. Thứ nhất là Quốc vương Sihanouk từng mâu thuẫn trong phát biểu của ông về Việt Nam; lúc thì ông lập luận ủng hộ quan hệ tốt hay có cải thiện [với Việt Nam], lúc khác, đặc biệt là vào năm 1994, ông lại cáo buộc Việt Nam gậm nhắm lãnh thổ Campuchia và dời các cột mốc biên giới. Diễn viên thứ hai là đảng Dân chủ Campuchia (PDK) đã liên tục theo đuổi chính sách độc hại chống Việt Nam.

Nhận định theo các báo cáo của Thủ tướng thứ nhất Campuchia từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1996 những vấn đề dọc theo biên giới chung là do việc Việt nam xâm lấn lãnh thổ Campuchia gây ra. Việt Nam bác bỏ có bất kỳ sự xâm lấn nào như vậy. Vấn đề cốt lõi là xác định những gì thực sự đã diễn ra tại khu vực biên giới. Trong bối cảnh này, một số bài báo trên báo chí Campuchia rất đáng chú ý.

Một bài báo đăng trên tờ Reaksmei Kampuchea ngày 31 tháng 1 năm 1996 đề cập đến một cảnh báo, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ho Sok gửi các quan chức tỉnh Takeo - đặc biệt là ở huyện Boreicholasa – từng đã cho dân Việt Nam thuê "đất nông nghiệp" của Campuchia. Tỉnh trưởng và Phó tỉnh trưởng được yêu cầu điều tra và ngừng ngay kiểu cách "làm ăn không phù hợp" này của các quan chức và cảnh sát cấp huyện. Theo bài báo, một quan chức cảnh sát cấp tỉnh đã nói rằng đất đã được cho người Việt Nam thuê và canh tác trong nhiều năm rồi. Ngày 04 tháng 2 năm 1996 cũng trên tờ báo đó có một bài viết về tình hình ở tỉnh Kandal tiếp giáp với tỉnh An Giang của Việt Nam. Bài báo đã trích lời "Giám đốc Công an cấp tỉnh Kandal" phát biểu rằng Kandal có thể phải đối mặt với vấn đề tương tự như ở hai tỉnh Svay Rieng và Takeo nhưng đối với các hành động do chính quyền địa phương thực hiện.

Các biện pháp được thực hiện bao gồm ngăn chặn người dân không được cho nông dân Việt Nam thuê đất. Hơn nữa, theo báo cáo các quan chức huyện và xã ở khu vực giáp ranh Việt Nam đã gặp gỡ đồng nhiệm Việt Nam hàng tháng và các cuộc họp cấp tỉnh đã được tổ chức mỗi sáu tháng. Những vấn đề không thể giải quyết được ở cấp huyện và xã đã được chuyển cho cấp tỉnh và nếu vẫn không thể giải quyết được cũng đã được chuyển lên cấp trung ương. Cuối cùng, bài báo trích lời giám đốc cảnh sát nói rằng biên giới với Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng ở một số khu vực của tỉnh Kandal và rằng chính quyền hai tỉnh này [Kandal, An Giang] xem các khu vực đó là "vùng trắng" mà cả hai bên đều ít lui tới.

Hai bài báo này chỉ ra rằng việc Campuchia cho người Việt Nam thuê đất đã diễn ra ít nhất là ở hai tỉnh Svay Rieng và Takeo. Có khả năng là kiểu cách làm ăn như vậy bị Thủ tướng thứ nhất quy là Việt Nam xâm lấn lãnh thổ Campuchia. Bài viết về tình hình ở tỉnh Kandal và cơ chế áp dụng để xử lí tình hình biên giới dọc theo biên giới giữa tỉnh Kandal và tỉnh An Giang cho thấy một cách giải quyết tình hình dọc theo phần còn lại của biên giới Campuchia-Việt Nam.

Xét các yếu tố này, lí do đằng sau những lời buộc tội liên tục của Hoàng tử Ranariddh đối với Việt Nam có lẽ nằm trong nền chính trị nội bộ Campuchia và việc sử dụng các vấn đề đối ngoại trong bối cảnh đó, hơn là nằm trong việc Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ Campuchia. Cần lưu ý rằng những lời hô hào chính trị chống Việt Nam là một nét chung tại Campuchia và nó có nhiều khả năng sẽ là chủ đề trung tâm trong cuộc bầu cử sắp tới (bầu cử địa phương dự kiến vào năm 1997 và bầu cử cả nước dự kiến vào năm 1998) với các đảng chính trị đang cố gắng tận dụng tình cảm chống ViệtNam trong cử tri. Điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện lại những cáo buộc đối với Việt Nam liên quan đến các hoạt động trong khu vực biên giới mà các hoạt động này có thể gây ra căng thẳng trong quan hệ song phương và gây nguy hiểm cho cư dân Việt Nam sống tại Campuchia. Điều này, đến lượt nó, sẽ gây ra nhiều căng thẳng hơn trong quan hệ với Việt Nam.

Nếu tập trung sự chú ý vào các khía cạnh kĩ thuật của các tranh chấp biên giới đất liền chứ không phải các khía cạnh chính trị, đó có vẻ là câu hỏi về cắm mốc biên giới (demarcation) hơn là phân định biên giới (delimitation).[*] Nhận định này dựa trên giả định rằng hai bên chấp nhận biên giới đất liền do chính quyền thực dân Pháp để lại làm cơ sở cho biên giới hiện tại. Theo đó thì biên giới đất liền sẽ không bày ra bất kì vấn đề nghiêm trọng nào về các khu vực tranh chấp, nhưng việc cắm mốc ranh giới sẽ là một quá trình lâu dài và tốn thời gian ngay cả khi quan hệ song phương là tốt.

Xung đột biên giới trên biển trong vịnh Thái Lan phức tạp hơn. Đường Brévié do người Pháp để lại, vốn chủ yếu giải quyết vấn đề các đảo trong khu vực, được coi là phân định hành chính chứ không phải là phân định biên giới. Vì vậy, các cuộc đàm phán là cần thiết để giải quyết vấn đề mà thực chất đó là một câu hỏi về các yêu sách chồng lấn. Trong thập niên 1980 mô hình thoả thuận giữa CHND Kampuchea (PRK) và Việt Nam là xem khu vực tranh chấp như là "vùng nước lịch sử" chung và cùng hợp tác với nhau trong các khu vực như vậy, trong khi việc phân định thoả đáng sẽ tuỳ thuộc vào đàm phán.





[*] Việc cắm mốc biên giới dự định hoàn thành cuối năm 2014 và sẽ hoàn thiện các văn bản pháp lí vào năm 2015, việc in bản đồ biên giới đã kí hợp đồng 3 bên giữa VN,CPC và công ti Blom có trụ sở ở Oslo (Norway) năm 2011 (PVS)
=====================================

Quan điểm của phía Việt Nam
(theo ông LÊ MINH NGHĨA, Cố Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ CHXHCNVN 
đăng trên chuyên trang Tuổi Trẻ ngày 26/4/2009)

Trước năm 1964, quan điểm cơ bản của phía Campuchia về biên giới lãnh thổ giữa hai nước là đòi Việt Nam trả lại cho Campuchia 6 tỉnh Nam Kỳ và đảo Phú Quốc.

Từ năm 1964 - 1967, Chính phủ Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu chính thức đề nghị Việt Nam công nhận Campuchia trong đường biên giới hiện tại, cụ thể là đường biên giới trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 với 9 điểm sửa đổi, tổng diện tích khoảng 100km2. Trên biển, phía Campuchia đề nghị các đảo phía Bắc đường do Toàn quyền Brévié vạch năm 1939 là thuộc Campuchia, cộng thêm quần đảo Thổ Chu và nhóm phía Nam quần đảo Hải Tặc.
Trong năm 1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chính thức công nhận và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại (công hàm của Việt Nam không nói tới vấn đề chủ quyền đối với các đảo trên biển và 9 điểm mà Campuchia đề nghị sửa đổi về đường biên giới trên bộ).

Ngày 27-12-1985, Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trên cơ sở thỏa thuận năm 1967. Thi hành Hiệp ước, hai bên đã tiến hành phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới từ tháng 4-1986 đến tháng 12-1988 được 207 km/1137 km; tháng 1-1989 theo đề nghị của phía Campuchia, hai bên tạm dừng việc phân giới cắm mốc.

Trên biển, ngày 7-7-1982 hai chính phủ ký Hiệp định thiết lập vùng nước lịch sử chung giữa hai nước và thỏa thuận: sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp để hoạch định đường biên giới trên biển, lấy đường gọi là đường Brévié được vạch ra năm 1939 với tính chất là đường hành chính và cảnh sát làm đường phân chia đảo giữa hai nước.

Với Chính phủ Campuchia thành lập sau khi ký Hiệp ước hòa bình về Campuchia năm 1993 , năm 1994, 1995 Thủ tướng Chính phủ hai nước đã thỏa thuận thành lập một nhóm làm việc cấp chuyên viên để thảo luận và giải quyết vấn đề phân giới giữa hai nước và thảo luận những biện pháp cần thiết để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực biên giới nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước. Hai bên thỏa thuận trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về biên giới thì duy trì sự quản lý hiện nay.
Thực hiện thỏa thuận giữa Thủ tướng Chính phủ hai nước nhân dịp Thủ tướng Ung Huốt sang thăm Việt Nam đầu tháng 6-1998, nhóm chuyên viên liên hợp về biên giới Việt Nam - CPC đã họp tại Phnom Pênh từ ngày 16 đến 20-6-1998. Trong cuộc họp này, hai bên đã trao đổi về việc tiếp tục thực hiện các hiệp ước, hiệp định về biên giới giữa hai nước đã ký trong những năm 1982, 1983, 1985. Hai bên đã dành nhiều thời gian thảo luận một số vấn đề về quan điểm của hai bên liên quan đến biên giới biển và biên giới trên bộ với mong muốn xây dựng đường biên giới giữa hai nước trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác lâu dài.
Hai bên đã thống nhất kiến nghị lên chính phủ hai nước tiến hành thành lập Ủy ban liên hợp với những nhiệm vụ:

- Soạn thảo Hiệp ước về hoạch định biên giới biển và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trình lên chính phủ hai nước.
- Chỉ đạo việc phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới.
- Giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới giữa hai nước.

Qua trao đổi về đường biên giới biển, phía Campuchia kiên trì quan điểm muốn lấy đường do Toàn quyền Brévié vạch ra tháng 1-1939 làm đường biên giới biển của hai nước.

Ta đã nói rõ là ta không chấp nhận đường Brévié làm đường biên giới biển giữa hai nước vì:

1. Đường Brévié không phải là một văn bản pháp quy, chỉ là một bức thư (lettre) gửi cho Thống đốc Nam Kỳ đồng gửi cho Khâm sứ Pháp ở Campuchia. Văn bản đó chỉ có mục đích giải quyết vấn đề phân định quyền hành chính và cảnh sát đối với các đảo, không giải quyết vấn đề quy thuộc lãnh thổ;

2. Cả hai bên không có bản đồ đính kèm theo văn bản Brévié vì vậy hiện nay ít nhất lưu hành 4 cách thể hiện đường Brévié khác nhau: đường của Pôn Pốt, đường của Chính quyền miền Nam Việt Nam, đường của ông Sarin Chhak trong luận án tiến sĩ bảo vệ ở Paris sau đó được xuất bản với lời tựa của Quốc trưởng Norodom Sihanouk, đường của các học giả Hoa Kỳ.

3. Nếu chuyển đường Brévié thành đường biên giới biển thì không phù hợp với luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế, quá bất lợi cho Việt Nam và nên lưu ý là vào năm 1939 theo luật pháp quốc tế lãnh hải chỉ là 3 hải lý, chưa có quy định về vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa thì đường Brévié làm sao có thể giải quyết vấn đề phân định lãnh hải theo quan điểm hiện nay và phân định vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.
Phía Việt Nam đã đề nghị hai bên thỏa thuận: áp dụng luật biển quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế, tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trên vùng biển hai nước để đi đến một giải pháp công bằng trong việc phân định vùng nước lịch sử, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của hai nước.
---------------------------

Bản đồ vùng nước lịch sử theo HIệp ước  7/7/1982
(có vẽ thêm ranh giới biển giả định - trung tuyến)


Saturday, August 16, 2014

Biên giới trên biển giữa Campuchia và Việt Nam

Biên giới trên biển giữa Campuchia và Việt Nam

Chủ tịch Uỷ ban Biên giới quốc gia [Campuchia]



Bởi vì vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam một lần nữa được sử dụng như một lập luận trong các tranh cãi về chính trị, ta có thể trở lại với vấn đề phân định ranh giới biển rất nhạy cảm, rất dễ hiểu lầm này. Ở đây chỉ liên quan tới việc nhắc lại các sự kiện chứ không cung cấp thông tin mới –mà không ai dám chắc nắm hết.

Biên giới đất liền chưa định rõ
Trước khi người Pháp đến không có biên giới vẽ chính xác giữa Việt Nam và Campuchia. Trong lịch sử qua nhiều thế kỉ, người Việt đã tiến dọc theo bờ biển Việt Nam về phía nam, cuộc Nam Tiến nổi tiếng kéo dài từ thế kỉ thứ 10 đến thế kỉ 17, từng bước thâm nhập và chiếm lấy miền trung Việt Nam hiện nay và vùng đồng bằng [Nam bộ]. Người Việt định cư tại Sài Gòn vào nửa đầu thế kỉ 18, họ đến phía nam đồng bằng Nam bộ nửa sau thế kỉ đó (S Sacy "L’Asie du Sud-Est" (Đông Nam Á) năm 1999 -cn 202 [Cambodge Nouveau 202]). Một bằng chứng tốt về sự mơ hồ tồn tại trong lĩnh vực này: lá thư vua Ang Duong gửi cho Napoleon III vào năm 1856 trước khi có được được bất kì thỏa thuận nào giữa hai nước:
"Tôi thỉnh cầu hoàng thượng nhận biết tên của các tỉnh bị cướp [bởi triều đình Huế], đó là những tỉnh Đồng Nai, bị lấy đi trong hơn 200 năm, nhưng gần đây những tỉnh Sài Gòn, Long Hồ, Sa Đéc (Psar Dec: chợ sắt), Mĩ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh (Pra Trapang Ong Mor: ao thiêng), Cà Mau (Tiec Khmau: nước đen), Peem hoặc Hà Tiên, các đảo Phú Quốc (Cô Trol) và Côn Sơn (Tralach). [Nếu nhỡ An Nam đến dâng tặng Hoàng thượng bất kì một chỗ nào trong những vùng này, tôi mong mỏi Hoàng thượng đừng nhận nó, vì chúng thuộc về Campuchia]" [được nêu bởi Alam Forest trong Le Cambodge et la colonisation française (Campuchia và việc thực dân hoá của Pháp)].

Do đó, việc chiếm đóng đảo Koh Tral (Phú Quốc) và Koh Tralach (Poulo Condor : Côn Sơn) không phải là một sự kiện gần đây, việcCampuchia “bỏ trống" trong những năm 1700, như vua Ang Duong vào năm 1856, sau 148 năm, đã phàn nàn như một ‘việc đã rồi’.

Việc người Pháp trong những năm 1670 và 1890, đã xác nhận những mất mát này và vạch ranh giới hành chính với cái giá người dân Campuchia phải trả đã bị người Khmer tố cáo từ lâu.

Đáng để ý là trong luận án Les Frontières du Cambodge” (Biên giới Campuchia) của Sarin Chak có nêu: Phía đông tỉnh Stung Treng với việc tạo ra tỉnh Đắc Lắc, khu vực nằm giữa Tây Ninh và huyện Prey Veng, hai tổng Lộc Ninh và Phước Lễ, khu vực Hà Tiên ... mặc dù dân cư chủ yếu là người Khmer, các khu vực này đã bị sáp nhập vào Nam Kì dưới áp lực của chính quyền Sài Gòn. (bản đồ trên cn 119).

Alain Forest (Campuchia và ciệc thực dân hoá của Pháp. 1930), Marie-Alexandrine Martin (Le Mal Cambodgien) và nhiều tác giả khác cũng có cùng ý kiến này.

Có thể nói theo hướng ngược lại là nếu như người Pháp không vạch những biên giới này và biên giới ở phía tây, với Thái Lan thì rốt cuộc Campuchia đã biến mất hoàn toàn.

Dù sao thì các biên giới này cũng đã điều chỉnh cho đến năm 1942 với một trao đổi: đảo Koki được giao cho Việt Nam, Campuchia nhận được bờ sông Bình Gi.

Trên thực địa: 124 cột mốc đã được cắm trên biên giới Nam Kì vào thời thuộc địa từ năm 1876. Nhiều cột, được dựng bằng gỗ, đã biến mất nhưng vẫn còn các đế. Và 72 cột mốc khác đã được đặt vào những năm 1980 sau khi có thỏa thuận giữa Campuchia và Việt Nam, trên khoảng 207 km. Đối với toàn bộ phần phía bắc của biên giới hầu như không có cột mốc, ngoại trừ một số "điểm mốc".

Đường vạch này đã bị tranh cãi hàng ngàn lần. nhưng không có bạo lực, ngoại trừ vào thời kì Khmer Đỏ. Một trong những nỗi ám ảnh của họ là phục hồi Kampuchea Krom (đồng bằng Nam Bộ). Đã có rất nhiều cuộc xâm nhập của Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam và đáp trả của Việt Nam kể từ năm 1975 (bản đồ trên cn 167).

Biên giới biển: chỉ qua một lá thư đơn giản

Không giống như biên giới đất liền, biên giới trên biển chưa bao giờ được vạch ra.
Việc phân giới thực hiện khó khăn do sự tồn tại của một số đảo có sở hữu không xác định, và việc thiếu các phương pháp chính xác và khó tranh cãi về phân giới (mà đến nay vẫn chưa có). Nếu cố tìm cách phân giới thì điều đó cũng chính là làm sống lại các tranh cãi ồn ào giữa các nhà chức trách Campuchia và Nam Kì. Người ta có thể nói thêm rằng phân định biên giới trên biển là chưa cấp thiết: ngư dân không có khái niệm này, và người ta chưa nghĩ đến dầu hoả.

Tuy nhiên, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié năm 1939 đã buộc phải đưa ra quyết định có tính chất hành chính. Phải có một sự phân chia rõ ràng về quyền lực giữa cảnh sát Nam Kì và Campuchia; biết cư dân các đảo phải nộp thuế ở nơi nào: Campuchia hay Nam Kì.

Văn bản của Toàn quyền Brévié (xem Phụ Lục) thú vị vì nhiều lí do:

- Nó đánh dấu rất chính xác ranh giới hành chính. Đó là "đường Brévié" được vẽ trên bản đồ thuỷ văn tỉ lệ 1:500 000 đính kèm chỉ thị của thống đốc mà ta tiếp tục tham chiếu tới. Bản đồ này đặt Koh Tral (Phú Quốc) phía Việt Nam; đảo Poulo Wai phía Campuchia. Không nói chút gì tới các đảo nằm xa ngoài khơi.
- Nó chỉ định rất rõ ràng rằng đây là một ranh giới hành chính, và không phải là một biên giới liên quan đến chủ quyền. Khôn khéo chừa lại câu hỏi này chưa quyết định.
- Vì từ đó đến nay chưa bao giờ có được một thỏa thuận giữa Campuchia và Việt Nam về ranh giới biển, người ta không có cách gì tốt hơn là tiếp tục sử dụng "đường Brévié" (xem bản đồ). Đường này có công bằng không? Hay nó không công bằng? Không có đường khác. Nó đã là một phần của lịch sử.

Ta có thể quan sát thấy rằng về phần Campuchia và Việt Nam, có một cách đơn giản để dựa vào là lấy "cái hiện có”. Như trường hợp ở những nơi khác, đặc biệt là ở châu Phi, người ta đồng ý nguyên tắc uti possidefis (chủ quyền như đang sở hữu trừ khi có thoả thuận khác qua hiệp ước-ND) về “tính bất khả xâm phạm các biên giới thừa kế từ chế độ thực dân” (cn 119). Thách thức nguyên tắc khôn ngoan này như Sarin Chak gơi ý rõ ràng sẽ gây ra xung đột vô tận.

Đường Brévié luôn bị thách thức
Tuy nhiên, đường Brévié không làm vừa lòng tất cả mọi người. Vào tháng 8 năm 1966, trong quá trình đàm phán về biên giới ở Phnom Penh. phía Việt Nam nhận ra rõ đường này: tất cả mọi thứ về phía bắc đường đó là thuộc Campuchia. Nhưng sau đó họ thay đổi lập trường: họ áp dụng giải pháp của Công ước của Liên hợp quốc năm 1982, vốn có lợi hơn cho họ (chưa áp dụng cho đến lúc này). Campuchia vẫn bám vào đường Brévié, đó vốn là chỗ dựa duy nhất về mặt lịch sử. Phía Campuchia nhận xét rằng chính phía Việt Nam sẽ có lợi trong việc giữ đường này, nếu không thì tất cả biên giới đất liền giữa hai nước sẽ bị suy yếu.



Năm 1972, để đáp trả một đòi hỏi của Chính phủ Nam Việt Nam đã tuyên bố đẩy vùng biển Việt Nam tới tận Kompong Som, nước Cộng hoà của Lon Nol đưa ra một tuyên bố đối lại (xem bản đồ bên dưới). Khmer Đỏ, bị ám ảnh với việc chinh phục lại Kampuchea Krom, đã phát động nhiều cuộc tấn công vào Koh Tral / Phú Quốc Koh Wai từ tháng 5 năm 1975.


Bản đồ vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia theo Hiệp định 7/7/1982
(đường Brévié  1939)

Từ đó các chính phủ, cả hai bên, quay lại những yêu sách này một cách vô vọng. Chính phủ Campuchia bám chặt vào đường Brévié, "phù hợp với yêu sách mà Thái tử Sihanouk bày tỏ vào năm 1954," ông Var Kim Hong nói với chúng tôi năm 1999 (cn 120).

Các đảo Campuchia bị bỏ trống?

Những kẻ yêu nước cực đoan phẫn nộ về điều gì? "Qua hiệp định này, Campuchia nhượng cho Việt Nam hai đảo Koh Tra (Phú Quốc) và Poulo Panjang (Thổ Chu)" Sean Pengse viết ngày 22/01/20014. Chính việc lấy lại yêu sách đưa ra thời Cộng hòa của Lon Nol năm 1972, mà ta đã thấy rằng nó tương ứng với yêu sách đối lại, rất rộng lớn của Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1971, dẫn đến bế tắc hoàn toàn.

Để hậu thuẫn cho lập trường của mình, Sean Pengse dẫn một kret (sắc chỉ) của vua Suramarit tháng 7 năm 1957, trong đó nêu, ở điều 62 "(...) đảo Kas Tral (Phú Quốc) mà Campuchia bảo lưu việc duy trì quyền lịch sử của mình đối với nó." Câu chữ này là thú vị, nhưng trong một cuộc đàm phán thì đó không phải là "bằng chứng" về chủ quyền của Campuchia đối với Koh Tral / Phú Quốc.

Hơn nữa Campuchia kể từ thời kì đó rõ ràng đã chọn cách tôn trọng đường Brévié, lập trường này này do thái tử Shihanook khẳng định trong thập niên 60 và đó cũng là lập trường của chính phủ hiện tại trong các cuộc đàm phán với Việt Nam.

Về biên giới đất liền, không có gì mới, ông Var Kim Hong nói. Chỉ còn một điểm tranh chấp quan trọng: một diện tích gần 50 km² nằm ở tỉnh Mondulkiri phía đông nam thị xã Sen Monorom. Ở đó, các cuộc đàm phán cho đến nay không có tiến triển. Đối với phần còn lại, đó là việc điều chỉnh thật chính xác giữa các cột mốc biên giới.

Nguồn: các bài báo trên tờ ‘Cambodge Nouveau’ (Campuchia mới-cn) nhất là số 119 và 120 (trao đổi với Var Kim Hong), các sách của Alain Forest, MA Martin. Michel Blanchard ("Vietnam—Cambodge. une frontière contestée" [Việt Nam-Campuchia. Biên giới Tranh chấp] 1999) và phỏng vấn mới với ông Var Kim Hong 30.1.2004.
===================================================
Phụ Lục: Đường Brévié

Hà Nội ngày 31 tháng 1 năm 1939

Toàn quyền Đông Dương
Gửi Thống đốc Nam Kỳ tại Sài Gòn

Tôi hân hạnh thông báo cho ông biết rằng tôi vừa tiến hành kiểm tra lại vấn đề các đảo trong vịnh Thái Lan mà tình trạng sở hữu đang có tranh chấp giữa Campuchia và Nam Kì.

Tình hình chuỗi đảo này, nằm dọc theo khắp bờ biển Campuchia và một số trong đó rất gần với bờ biển mà đất bồi trên thực tế tiếp tục có vẻ sẽ gắn chúng với bờ biển của Campuchia trong tương lai không xa, đòi hỏi về mặt hợp lí và về mặt địa lí cần phải cho các đảo nhỏ này được đưa vào quản lí hành chính của quốc gia đó.

Tôi cho rằng không thể để tiếp tục lâu hơn nữa tình trạng của những điều đang tồn tại vốn đòi hỏi những cư dân của những hòn đảo này phải đối phó, hoặc bằng cách phải đi đường dài hơn hoặc bằng cách đi vòng xa hơn trên lãnh thổ Campuchia, dưới sự quản lí của Nam Kì.

Vì vậy, tôi quyết định rằng tất cả các đảo phía Bắc của đường thẳng vuông góc với bờ biển từ biên giới giữa Campuchia và Nam Kì và lập một góc 140 grade (126°-ND) với hướng Bắc của kinh tuyến, theo như bản đồ đính kèm, từ nay sẽ được Campuchia quản lí. Đặc biệt, chính quyền bảo hộ sẽ phụ trách việc an ninh (cảnh sát) trên các đảo này.

Tất cả các đảo phía Nam đường này, bao gồm toàn bộ đảo Phú Quốc tiếp tục do Nam Kì quản lí. Cần hiểu rằng đường phân ranh định như vậy đi vòng qua phía bắc của đảo Phú Quốc, cách các điểm xa nhất của bờ biển phía bắc đảo này 3 km.

Quyền lực về hành chính và cảnh sát trên các đảo này như vậy sẽ được phân định rõ ràng giữa Nam Kì và Campuchia nhằm tránh mọi tranh chấp trong tương lai.

Cần hiểu rằng đây là nói về quản lí hành chính và cảnh sát, còn vấn đề về sự phụ thuộc về mặt lãnh thổ các đảo này vẫn còn bảo lưu.

Rất mong trong quyền hạn của mình ông cho quyết định của tôi được áp dụng ngay.

Xin ông vui lòng xác nhận đã nhận được lá thư này.
(đã kí)

Brévié 


------------------------------------
* Var Kim Hong đang bị phe đối lập và những người yêu nước quá khích Campuchia cáo buộc là phản quốc vì  cho rằng đã nhượng đất đai của Campuchia khi kí kết các hiệp ước biên giới với Việt, Thái, Lào.


Xem thêmVấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam

Friday, August 8, 2014

Ảo tưởng về khẩu hiệu "vừa anh em vừa đồng chí", 1950-1973

Ảo tưởng về khẩu hiệu "vừa anh em vừa đồng chí", 1950-1973

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
The illusion of the “brothers plus comrades” discourse, 1950–1973
Kosal Path
Đại học Nam California

(trích từ bài viết "The sino-vietnamese dispute over territorial claims, 1974–1978: vietnamese nationalism and its consequencesInternational Journal of Asian Studies, 8, 2 (2011), pp. 189–220)

Lịch sử tác động qua lại giữa TQ và Việt Nam là một lịch sử lâu dài. Kí ức tập thể của người Việt về sự thống trị của TQ trong hai thiên niên kỉ chứa đầy một kho chuyện kể về chủ nghĩa anh hùng chống lại bá quyền TQ mà những người Việt yêu nước tận dụng để vận động người dân chống lại sự xâm lược của TQ trong tương lai.[1] Trong khi các nguồn năng lực chính của Việt Nam để đẩy lùi các cuộc xâm lược liên tục của TQ, hoặc để làm cho việc TQ chiếm đóng Việt Nam lung lay có thể là một ý thức về dân tộc anh hùng, đồng thời tồn tại việc cạnh tranh có ý thức của các tổ chức chính trị và quân sự của TQ, không những cho thấy là cốt lõi trong việc chống lại mối đe dọa TQ mà còn làm hài lòng các hoàng đế Trung Hoa vô cùng tự tin về tính ưu việt văn hóa của chính họ.[2] Như William Duiker đã nhận xét một cách chính xác, "Đối với người Việt Nam, thái độ của họ đối với TQ là một sự pha trộn độc đáo giữa sự tôn trọng và tính ngỗ ngược, kết hợp việc chấp nhận thực tế về sức mạnh và ảnh hưởng của TQ với việc bảo vệ bền bỉ nền độc lập và tính khác biệt của Việt Nam."[3] Chỗ mà lịch sử chính thức Việt Nam nhấn mạnh áp đảo là việc cả nước kháng chiến chống ngoại xâm, hầu như lúc nào cũng là TQ. Di sản lịch sử này vẫn còn là một lực lượng mạnh mẽ ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung hiện tại.

Giai đoạn 1950-1965 chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ nhất giữa hai nước láng giềng này. Trong giai đoạn này, các nhà lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN) và Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ) vạch ra một khẩu hiệu chung về mối quan hệ thân mật Việt -Trung "vừa đồng chí vừa anh em”.[4] Cả hai bên đều gạt bỏ điều tiêu cực của quá khứ - đó là, lịch sử TQ xâm lược và chinh phục Việt Nam trong hai thiên kỉ trước khi thực dân Pháp đến vào thế kỉ XIX. Thay vào đó, họ nhấn mạnh rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như là một nhà nước cách mạng mới của công nông vô sản TQ vốn đã từng đấu tranh không ngừng trong nhiều thế kỉ chống lại sự đàn áp của phong kiến TQ và thực dân châu Âu.[5] Ví dụ, vào ngày 18 tháng 10 năm 1956, báo Nhân Dân, tờ báo của ĐLĐVN, đưa ra một bài xã luận chào đón chuyến thăm VNDCCH của Thủ tướng Chu Ân Lai bằng cách mở đầu với nhận xét sau: "Trong mấy ngàn năm qua, nhân dân hai nước chúng ta đã chiến đấu chống lại bọn thống trị phong kiến [muốn nói đến cả phong kiến TQ lẫn VN], và gần đây nhất, chúng ta đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân [qua việc gợi lại kí ức về quân “Cờ Đen” TQ vượt qua biên giới Trung-Việt để cùng với dân Việt Nam ở miền Bắc chống quân đội Pháp]."[6] Sau đó, Chu Ân Lai đáp lại bằng cách bày tỏ lòng tôn kính đến Hai Bà Trưng từng đứng lên chống lại đế chế Trung Hoa vào năm 43, tố cáo chủ nghĩa nước lớn của các triều đại Trung Hoa đối với Việt Nam trong quá khứ.[7] Trên thực tế, khẩu hiệu "vừa đồng chí vừa anh em" này được che phủ trong các toan tính chiến lược của cả hai bên. Như Qiang Zhai nêu: "Liên minh Bắc Việt-TQ là một liên minh về sự cần thiết lẫn nhau. Hà Nội thì muốn có viện trợ của TQ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, đổi lại Bắc Kinh cũng cần sự ủng hộ của VNDCCH cho các mục tiêu đối ngoại của mình.”[8] Đối với Hà Nội, trợ giúp kinh tế và quân sự của TQ trong cuộc chiến chống người Pháp trở lại Đông Dương là không thể thiếu vào lúc Liên Xô không quan tâm tới công cuộc này của Việt Nam.[9] Tuy nhiên, Hà Nội vẫn duy trì mối quan hệ có hoạt động với Moskva và bí mật bày tỏ mong muốn được Liên Xô viện trợ sau khi Pháp rút lui vào năm 1955.[10] Đối với Bắc Kinh, Bắc Việt Nam, giống như Bắc Triều Tiên, là một vùng đệm chiến lược để bảo vệ sườn phía nam của TQ chống lại các mối đe dọa từ các nước phương Tây không thân thiện và phục vụ cho việc định danh TQ như một nhà cổ vũ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.[11]

Trong những năm đầu thập niên 1950, ĐLĐVN đã bị cuốn hút bởi ảo tưởng rằng mối quan hệ "vừa đồng chí vừa anh em" giữa hai đảng cộng sản sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử của một liên minh bình đẳng trong mối quan hệ Việt-Trung. Tuy nhiên, dù cả ĐCSTQ lẫn ĐLĐVN đều thấy cần phải vạch rõ một lịch sử chung mới cùng là nạn nhân dưới ách thống trị của các triều đại TQ trong quá khứ và sự nghiệp chung chống lại thực dân Pháp, nhưng liên quan tới bản chất của liên minh mới hình thành họ lại khác biệt nhau trên cơ bản. Trước công chúng, các nhà lãnh đạo TQ không ngớt nhấn mạnh những lời lẽ về "bình đẳng và tôn trọng độc lập lẫn nhau" như một nguyên tắc cốt lõi của mối quan hệ mới. Tuy nhiên, trên thực tế thái độ của họ đối với Việt Nam giống như mối quan hệ thầy-trò.[12] Trong kí ức các lãnh đạo Việt Nam, việc TQ phản bội cách mạng Việt Nam có thể truy từ lời khuyên của Bắc Kinh trong Hội nghị Genève 1954 mà đỉnh cao là việc chia cắt Việt Nam đến năm 1975.[13] Tuy nhiên, sự bất bình đó đã không phát triển thành sự thù địch công khai vì Việt Nam đặt ưu tiên cao nhất cho sự giúp đỡ của TQ trong việc giải phóng Nam Việt Nam. Chỉ dấu cho việc này là khi phản ứng về chính sách đồng hóa cưỡng bức của VNCH đối người Hoa vào năm 1955, Hà Nội đã đồng ý miệng với nguyên tắc đồng hóa tự nguyện đối với cư dân người Hoa, vào năm 1957, Bắc Việt Nam và TQ đã kí một thỏa thuận song phương, trong đó Hà Nội cam kết không dùng đến biện pháp đồng hóa cưỡng bức cư dân người Hoa theo cách VNCH đã thực hiện ở Nam Việt Nam.[14]

Đầu năm 1958, khi Hà Nội theo đuổi giai đoạn mới "đấu tranh vũ trang" giải phóng miền Nam, họ cần thêm nhiều viện trợ kinh tế và quân sự của TQ. Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đã biến cuộc khủng hoảng không có liên quan thành cơ hội để thực thi mối quan tâm của họ về lãnh thổ ở biển Đông vào một thời điểm mà Hà Nội yếu kém và phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của TQ. Cuối tháng 8 năm 1958, Mao liều lĩnh quyết định pháo kích đảo Kim Môn, kích động cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai leo thang thành một cuộc thách thức quân sự với Hoa Kì. Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Bắc Kinh tuyên bố rằng lãnh thổ của TQ "bao gồm đại lục Trung Hoa, các đảo ven bờ, Đài Loan và các đảo phụ cận, gồm cả quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (Maclesfield Bank), quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và tất cả các đảo khác ngăn cách bởi các vùng biển công (quốc tế)."[15] Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Thủ tướng TQ Chu Ân Lai "ghi nhận và tán thành tuyên bố của Bắc Kinh ngày 4 tháng 9."[16] Thật ra, lãnh đạo VNDCCH không có quyền hợp pháp để nhường lại vùng lãnh thổ phía nam vĩ tuyến thứ 17 cho TQ bởi vì nó là phần thuộc chủ quyền lãnh thổ của VNCH. Về sau, vào ngày 10 tháng 6 năm 1977, khi bị Phó Thủ tướng TQ Lí Tiên Niệm vặn hỏi, Phạm Văn Đồng tìm cách hợp lí hoá lập trường trước đây của [Bắc] Việt Nam bằng cách lập luận rằng đó là một "vấn đề cấp thiết thời chiến" để ủng hộ các yêu sách của TQ trong chiến tranh bởi vì sự cần thiết phải "đặt việc chống đế quốc Mĩ lên trên mọi thứ khác."[17] Trong phản bác, Lí Tiên Niệm trả lời:" chiến tranh không đang tiếp diễn tại Việt Nam vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 khi thủ tướng Phạm Văn Đồng. . . thừa nhận trong công thư gửiThủ tướng Chu Ân Lai rằng hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ TQ."[18]

Cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, trước viễn cảnh một cuộc xâm lược của Mĩ ở Bắc Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Hà Nội quan ngại sâu sắc về thái độ do dự của Bắc Kinh đối với việc phải tiến hành chiến tranh chống Mĩ để bảo vệ đất nước. Mặc dù Mao Trạch Đông đã đề ra phương án đánh nhau với Mĩ kể từ mùa hè năm 1962, và cam đoan với các nhà lãnh đạo Hà Nội về quyết tâm chung của TQ là bảo vệ Bắc Việt Nam trong trường hợp bị Mĩ tấn công, Hà Nội vẫn nghi ngờ rằng Mao đã cố né tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Hoa Kì. Ngay cả sau khi chính quyền Johnson quyết định phát động chiến dịch ném bom kéo dài Bắc Việt Nam (gọi là Operation Rolling Thunder) vào tháng 2 và tháng 3 năm 1965 , Mao vẫn luôn khuyên phải cẩn trọng.[19]

Ngày 9 tháng 5 năm 1965, Hà Nội thực hiện một sáng kiến khác qua việc tuyên bố rằng "quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về TQ."[20] Phạm Văn Đồng một lần nữa đưa ra sự cần thiết và ưu tiên trong việc chống đế quốc Mĩ vì các quần đảo này vào thời điểm đó nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mĩ và Nam Việt Nam.[21] Bây giờ nhìn lại sự việc này sẽ thấy rằng các nhà lãnh đạo Hà Nội đã buộc phải thừa nhận công khai tuyên bố của Bắc Kinh vì cần phải tranh thủ tất cả hậu thuẫn của TQ cho một công cuộc to lớn hơn là đấu tranh vũ trang chống lại Nam Việt Nam được Hoa Kì ủng hộ, và do đó không thể nói rõ ra những lợi ích đối nghịch với TQ. Trong chỗ tư riêng, họ rất căm tức việc TQ lợi dụng cơ hội để quyết đoán về lãnh thổ vào thời điểm mà Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào sự giúp đỡ của TQ.

Tuy nhiên, chính hiệu ứng lan tỏa của Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông vào lúc cao điểm của nó trong các năm 1966-1968 trên miền Bắc Việt Nam đã mang sự ngờ vực lẫn nhau được che giấu sơ sài trong khoảng thời gian 15 năm hợp tác Trung-Việt chặt chẽ ra công khai, và đã khiến Việt Nam lo ngại chủ nghĩa Sô vanh TQ lần nữa.[22] Vào lúc cao điểm của Cách mạng Văn hóa, khẩu hiệu tình đoàn kết Việt-Trung "vừa anh em vừa đồng chí" đã được đưa vào kiểm nghiệm trên thực tế lần đầu tiên, và cho thấy rõ hơn rằng lợi ích chiến lược của cả hai bên được che giấu sơ sài sau một tấm màn rất mỏng về tình đoàn kết lịch sử và ý thức hệ. Như sử gia Chen Jian đã lột tả: "Cái mà Bắc Kinh có ý định tạo ra là một phiên bản hiện đại của mối quan hệ giữa đế chế Trung Hoa và các nước láng giềng chư hầu. Cách hành xử này nhắc nhở rất hiệu quả cho người Việt Nam về quá khứ có vấn đề của họ với người TQ. . . . "[23] Nhận xét của Chen Jian trùng hợp với quan điểm chính thức của chính phủ Việt Nam vào thời điểm đó. Mãi về sau, vào ngày 10 tháng 6 năm 1977, một năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, Phạm Văn Đồng nói với phó thủ tướng TQ Lí Tiên Niệm và các quan chức cấp cao khác của TQ của Bộ Ngoại giao [TQ] rằng "trong nhiều năm, nhất là trong Cách mạng Văn hóa, nhiều đồng chí TQ đã công khai đối xử thô lỗ với chúng tôi. Họ gọi chúng tôi là ‘xét lại’ vì chúng tôi nhận viện trợ của Liên Xô, và thậm chí còn gọi chúng tôi là ‘vô ơn’. Qua việc sử dụng loại ngôn ngữ này, các đồng chí TQ đã nuôi dưỡng một thái độ không thân thiện đối với chúng tôi. Thái độ như vậy có ở Hà Nội, Bắc Kinh, và nhiều nơi khác. Thái độ như vậy làm chúng tôi rất đau lòng."[24]

Vào lúc đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa, phe cực đoan theo Mao nắm quyền kiểm soát toà Đại sứ TQ tại Hà Nội. Họ tập hợp cư dân người Hoa ở Bắc Việt Nam ủng hộ Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, đề cao tư tưởng cách mạng văn hóa về "đấu tranh giai cấp," chủ mưu tạo ra các chiến dịch chống chủ nghĩa xét lại Liên Xô, và thậm chí công khai tố cáo các nhà lãnh đạo Việt Nam là "xét lại" vì nhận sự giúp đỡ của Liên Xô.[25] Cư dân người Hoa gây ra rối loạn qua việc tổ chức các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa xét lại Liên Xô và công khai tiến hành các cuộc tuần hành ủng hộ chủ nghĩa Mao tại Hà Nội. Đối với người Việt Nam, những cư dân người Hoa này là những "người Hoa phản động."[26] Như Han Xiaorong nhận xét, "Nếu người Hoa ở Bắc Việt Nam đang trên đà trở thành công dân Việt Nam trước Cách mạng Văn hóa thì Cách mạng Văn hóa đã làm xu hướng này bị đảo ngược."[27] Điều đó chứng tỏ cho lãnh đạo Việt Nam thấy rằng những cư dân gốc Hoa này vẫn trung thành với "quê hương TQ" tận xương tuỷ.

Đáp ứng với sự lan tỏa của Cách mạng Văn hóa, Hà Nội thấy cần phải viện lại khẩu hiệu quen thuộc "mối đe dọa xâm lược từ phương Bắc" để nhắc nhở công chúng Việt Nam về chủ nghĩa Sô vanh TQ, ngay cả khi họ nhận khoảng 320 000 "người tình nguyện" TQ do Bắc Kinh phái đến giúp Bắc Việt chống Mĩ từ năm 1966 đến năm 1969.[28] Đổi lại, điều này làm các nhà lãnh đạo Bắc Kinh hết sức khó chịu bởi vì "việc VN sử dụng quá khứ để ngụ ý hiện tại" là phản bội tinh thần, và sẽ làm suy yếu nền tảng cảm xúc của tình đoàn kết "vừa anh em vừa đồng chí" Trung-Việt. Kể từ năm 1950, Bắc Kinh đã rõ ràng và liên tục lên án việc xâm lược Việt Nam trong lịch sử. Năm 1956 và một lần nữa vào năm 1970, Thủ tướng Chu Ân Lai thậm chí đã đến viếng đền Hai Bà Trưng ở Hà Nội để tỏ lòng lòng tôn kính đối với hai bà xưa kia đã đứng lên chống lại phong kiến TQ xâm lược Việt Nam.[29]

* * *

Tóm lại, một sự khảo sát kĩ lưỡng mối quan hệ Trung-Việt trong thời kì hợp tác chặt chẽ 1950-1965, và vào thời kì cao điểm của Cách mạng Văn hóa TQ 1966-1968, cho thấy sự đoàn kết giữa TQ và Việt Nam là cách xa với mô tả màu hồng của cả hai bên về mối quan hệ "vừa anh em vừa đồng chí", nhưng nó vẫn phẳng lặng vượt qua mọi bất ổn vì việc duy trì hình ảnh về hợp tác Trung-Việt sẽ phục vụ các lợi ích chiến lược của cả hai bên và gìn giữ tình đoàn kết chống lại kẻ thù chung. Ẩn bên dưới bề mặt của quan hệ "vừa anh em vừa đồng chí" là nỗi căm giận mà Hà Nội nén lại trước việc Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi đường lối chính trị của họ mà không quan tâm gì đến lợi ích của Việt Nam và nỗi lo sợ ngày càng tăng về chủ nghĩa Sô vanh đang trỗi dậy của TQ dưới hình thức "hệ thống triều cống" lạc hậu của TQ đối với Việt Nam. Mặc dù lãnh đạo Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của sự giúp đỡ của TQ cho Bắc Việt Nam, họ phẫn nộ sự kiện các nhà lãnh đạo TQ đã không né tránh việc áp đặt ý muốn của họ lên Bắc Việt Nam vào những lúc Bắc Việt Nam yếu kém và phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của TQ. Như một phản ứng chiến thuật, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã thực hiện các sáng kiến có tính chiến thuật biểu lộ việc chiều theo ý TQ qua các phát biểu công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa khi mà họ ở trong vị thế khó thể nói ra những lợi ích lãnh thổ của họ đối nghịch với Bắc Kinh.

Việc VN liên tiếp công nhận tuyên bố chủ quyền của TQ trong các năm 1956, 1958, và 1965 đã được thực hiện với động cơ kín đáo "tuân thủ ngoài mặt, phản bội trong lòng." Trong suy nghĩ của họ, tranh thủ cam kết lớn hơn viện trợ của TQ và dấn sâu hơn trong cuộc đối đầu quân sự với Mĩ phải được dành cho ưu tiên cao nhất trong thập kỉ định mệnh 1956-1965. Khi nỗi lo bại trận của Việt Nam giảm xuống và Liên Xô háo hức thay thế TQ như là nơi cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự chính vào năm 1974, Hà Nội đã chủ động thách thức việc bành trướng lãnh thổ của TQ, đưa tranh chấp lãnh thổ Trung-Việt trở lại công khai. Biên giới đất liền giữa TQ và Việt Nam đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi vì những thay đổi trong vị trí các mốc phân chia biên giới đã được thực hiện từ năm 1955, và cả hai bên cáo buộc lẫn nhau về việc thay đổi hiện trạng. Tranh chấp biên giới đất liền biến thành xung đột biên giới từ năm 1974 trở đi.[30]


* “CPMOviết tắt của: Hồ sơ Văn Phòng PhThTướng (Collection of the Prime Ministers Office), lưu ở Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 3 (National Archive No. 3), Hanoi.


[1] Xem Taylor Keith W. The Birth of Vietnam. Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1983; Duiker William J. China and Vietnam: The Roots of Conflict. Berkeley: Center for Chinese Studies, 1986; SarDesai D. R. Vietnam: The Struggle for National Identity. 2nd ed. Boulder, Colo.: Westview Press, 1992; Nguyen Khac Vien. Vietnam: A Long History. Hanoi: Thế Giớii Publishers,1993; Kenny Henry. Shadow of the Dragon: Vietnam’s Continuing Struggle with China and the Implications for U.S. Foreign Policy. Dulles, Va.: Brassey’s, Inc.,2002.
[2] Xem Truong Buu Lam. Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention: 1858–1900, Monograph Series no. 11,
Southeast Asia Studies. New Haven: Yale University Press, 1967 and Inoguchi Takashi. “China’s Intervention in Vietnam and its Aftermath, 1768–102.” Journal of Law and Diplomacy 73:5 (1975), pp. 36–83.
[3] Duiker William J. China and Vietnam: The Roots of Conflict. Berkeley: Center for Chinese Studies, 1986, p. 6.
[4] Xem Westad Odd Arne. “History, Memory and the Languages of Alliance-Making.” In 77 Conversations between
Chinese and Foreign Leaders on the Wars in Indochina, 1964–1977, eds. Odd Arne Westad et al., pp. 8–19.
Washington: Woodrow Wilson Center, Cold War International History Project Working Paper no. 22, May
1998, pp. 11–16.
[5] Zhai Qiang. China and the Vietnam Wars, 1950–1975. Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 2000, p. 79
[6] Xem Nguyễn Ngọc Tuyên. Quan hê gữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Viêt Nam (“Relations between the
Chinese revolution and the Vietnamese revolution”). Nhà Xuâấ Bản Sự Thật, Hanoi, 1959.
[7] Zhai (như [5]), p. 79
[8] Ibid., p. 219
[9] Xem Ang Cheng Guan. The Vietnam War from the Other Side: The Vietnamese Communists’ Perspective. New York, N.Y. RoutledgeCurzon,2002
[10] Olsen Mari. “Forging a New Relationship: The Soviet Union and Vietnam, 1955.” In Behind the Bamboo Curtain: China,
Vietnam, and the World Beyond Asia, ed. Priscilla Roberts, pp. 97–126. Stanford, Calif.: Stanford University Press, 2006
[11] Zhai Qiang. China and the Vietnam Wars, 1950–1975. Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 2000, pp. 20–24
[12] Zhang Shu Guang. “Beijing’s Aid to Hanoi and the U.S.-China Confrontations.” In Behind the Bamboo Curtain:
China, Vietnam, and the World Beyond Asia, ed. Pricilla Roberts, pp, 264–66. Stanford, Calif.: Stanford University
Press, 2006, pp. 264–66, 273–74
[13] Westad 1998 (như [4]), pp. 11–16
[14] Han Xiaorong. “Spoiled Guests or Dedicated Patriots? The Chinese in Northern Vietnam, 1954–1978.”
International Journal of Asian Studies 6:1 (2009), p. 10; xem thêm Chang Pao-min. “The Sino-Vietnamese Dispute over the Ethnic Chinese.” China Quarterly 90 (June 1982),.
[15] Zhai (như [5]), 2000, p. 209
[16] Ibid. Muốn biết thêm chi tiết, xem biên bản cuộc họp giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Lí Tiên Niệm tại Bắc Kinh ngày 10 tháng 6 năm 1977, CPMO, Hồ sơ 10460, p. 5. Có mặt tại cuộc họp về phía Việt Nam là Đinh Đức Thiện, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh. Về phía Trung Quốc có Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa và Thứ trưởng Hàn Niệm Long. Tác giả chép tay lại tài liệu này từ Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia 3, Hà Nội, Việt Nam.
[17] CPMO, Hồ sơ 10460, pp. 4–5; xem thêm Hyer Eric. “The South China Sea Disputes: Implications of China’s Earlier Territorial Settlements.” Pacific Affairs 68:1,1995, p. 37; Lưu 1995, p. 143.
[18] CPMO, Hồ sơ 10460, pp. 4–5.
[19] Chen 2001, pp. 215–216.
[20] CPMO, Hồ sơ 10460, pp. 5–6.
[21] Ibid. Lưu 1995, p. 143. Lặp lại lời giải thích mập mờ của Phạm Văn Đồng cho Lí Tiên Niệm ngày 10/6/1977, Lưu Văn Lợi cho rằng tuyên bố của VNDCCH ngày 9 tháng năm 1965 đã được thực hiện để đáp ứng tuyên bố của Hoa Kỳ ngày 24 tháng 4 về một vùng chiến tranh kéo dài 100 hải lí tính từ bờ biển của Việt Nam, vì thế cần đặt việc VNDCCH công nhận các tuyên bố của Trung Quốc trong bối cảnh của cuộc chiến tranh mở rộng.
[22] Xem Westad 2006, pp. 1–7. Xem thêm Chen Jian, Mao’s China and the Cold War. Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2001, p. 237, và Zhai (như [5])2000, pp. 152–54.
[23] Chen (như [22]), p. 237 và Zhai 2000, pp. 219–20.
[24] CPMO, Hồ sơ 10460, p. 20.
[25] CPMO, Hồ sơ 10460, p. 17. Xem thêm Quinn-Judge Sophie. “The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti-Party Affair, 1967–68.” Cold War History 5:4 (2005, pp. 483–84.
[26] Han (như [14]), pp. 12–13.
[27] Ibid., p. 13.
[25] See Path forthcoming; also see Chen (như [220), p. 237, and Zhai (như [5]), p. 140.
[29] CPMO, Folder 10460, p. 20; Zhai (như [5]), p. 79.
[30] See Chang (như [14]), pp. 25–35; Duiker (như [3]), pp. 72–73.