Việt Nam: Đảng Cộng sản có thể tiếp tục cải cách thị trường được không?
Vietnam: Can the Communist Party Keep Up With Market Reforms?
Đảng Cộng sản có sẵn sàng đối mặt với
những hậu quả chính trị của việc chuyển đổi kinh tế của Việt Nam không?
Anton Tsvetov
Diplomat (28/10/2016)
(bản dịch đã đăng trên ABS ngày 01/11/2016)
Năm 1986, tại Đại
hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), giới chủ chốt lãnh đạo đất nước này
quyết định đã đến lúc phải thay đổi. Mười năm dài trôi qua kể từ khi Đảng thống
nhất đất nước dưới sự cai trị của mình. Tính chính đáng của Đảng, dựa trên chiến
thắng quân sự thần tốc, đã bắt đầu hao mòn. Nền kinh tế đang đánh vật, căng thẳng
do các lề thói xã hội chủ nghĩa cốt lõi không mang lại đủ sản phẩm nông nghiệp
hay công nghiệp cho dân số. Cách thoát ra là cải cách thị trường, cái gọi là
"Đổi Mới".
Ba mươi năm sau,
Việt Nam đã chuyển đổi về mặt kinh tế và xã hội, nhưng chính trị của đất nước vẫn
còn tụt lại phía sau. Đảng Cộng sản vẫn duy trì độc quyền về quyền lực, vì có vẻ
như có rất ít thách thức. Điều này đã xảy ra được vì hai lí do chính. Thứ nhất,
ĐCSVN đã thành công trong việc kiểm soát môi trường chính trị, ngăn không cho lực
lượng chính trị nào khác thậm chí chỉ bước vào trường đấu công cộng. Thứ hai,
nhưng không kém phần quan trọng, ĐCSVN đã xoay xở chuyển từ tính chính đáng do
chiến thắng quân sự sang cái mà đôi khi được gọi là "tính chính đáng dựa trên thành tựu."
Nhờ những cải
cách đổi mới, Việt Nam đang trở thành một cỗ máy tăng trưởng, thu hút đầu tư nước
ngoài và đa dạng hóa xuất khẩu. Giá lao động thấp, lực lượng lao động được đào
tạo tốt, cởi mở với nguồn vốn nước ngoài và tham gia tích cực vào các hiệp định
thương mại tự do tất cả đều đã đưa các doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam. Đồng
tiền đổ vào nước này đã được đưa vào sử dụng tốt, với mức giảm đáng kể về tỉ lệ
nghèo, chất lượng cuộc sống nâng cao, và tuổi thọ tăng lên.
Đảng Cộng sản nắm
quyền sở hữu toàn bộ các thành công của cải cách. Chính vào các kì Đại hội Đảng
và các phiên họp toàn thể mà các quyết định quan trọng đã được đưa ra; đảng
viên và các nhà lãnh đạo là những người vạch ra và thực hiện cải cách thị trường;
và Đảng đã không ngần ngại quảng cáo vai trò chính của mình trong việc cải cách
kinh tế. Do đó, người dân đã được đưa cho một lí do vững chắc hơn nhiều để ủng
hộ những người Cộng sản hơn việc họ đánh thắng miền Nam Việt Nam, đó là một mô
hình kinh tế bền vững và thành công.
Sau 30 năm và hai
cuộc khủng hoảng tài chính, Việt Nam hiện nay đang trên bờ vực của một quá
trình chuyển đổi khó khăn hơn nhiều. Duy trì và đẩy mạnh đà đổi mới kinh tế
không còn chỉ là về việc thu hút được nhiều tiền nước ngoài vào đầu tư, tín dụng
và trợ giúp phát triển. Để thoát bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ phải cơ cấu
lại nền kinh tế, tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị
trường xuất khẩu mới, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân trong
nước, chỉnh đốn khu vực nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả, và cải thiện mạnh mẽ
các tổ chức của mình.
ĐCSVN dường như
nhận ra sức lao động phi thường đang có trong tay, như được thể hiện trong các
văn kiện chính thức và báo cáo của Đảng, cũng như trong báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ thương mại và đầu tư Việt Nam hợp tác thực
hiện. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn cơ bản trong việc tái cấu trúc kinh tế tiến
hành trong 30 năm qua và dường như được sắp đặt kéo dài ít nhất 30 năm nữa. Việc
chuyển đổi kinh tế đã mang tới sự xuất hiện trọn vẹn các tầng lớp xã hội mới và các nhóm lợi ích vốn có thể được
tương đối khá giả lên và đang im tiếng, nhưng chắc chắn sẽ đòi quyền tham gia
chính trị để đảm bảo vị thế của họ trong tương lai.
Lấy ví dụ, các
doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã tăng lên nhanh chóng trong những thập niên vừa
qua. Việc thừa nhận đầy đủ doanh nghiệp tư nhân đã mở ra khả năng chưa đánh thức
của chủ nghĩa tư bản Việt Nam, với đất nước hiện nay có khoảng 500.000 doanh
nghiệp, 97 % trong số đó là các SME. Hiện nay họ sử dụng một nửa lực lượng lao
động của đất nước. Nhưng ĐCSVN chưa thật chắc chắn về vị trí của nhóm to lớn này,
nhóm trọng yếu cho sự ổn định xã hội ở Việt Nam. Các SME và các doanh nghiệp tư
nhân nói chung vẫn còn mong muốn tiếp cận tốt hơn với tín dụng, thủ tục nới lỏng,
và an toàn về quyền sở hữu, và do đó sẽ tìm kiếm đại diện chính trị thích hợp.
Một nhóm khác bị ĐCSVN
bỏ qua là tầng lớp trung lưu thành thị. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang ngày
càng tăng nhanh, từ 12 triệu vào năm 2012 lên tới con số dự phóng 33 triệu vào
năm 2020, và được nghĩ sẽ chiếm một nửa lượng tiêu thụ của cả nước. Nhóm
này sẽ đóng một vai trò thiết yếu nếu Việt Nam xây dựng một nền kinh tế mới dựa
vào các ngành công nghiệp và dịch vụ giá trị gia tăng cao và nếu nó là trở
thành một "quốc gia khởi nghiệp", như tuyên bố của lãnh đạo cao nhất. Đây là một nhóm có ý thức cao
về công bằng xã hội sẽ thúc đẩy các chiến dịch công cộng đột xuất thông qua
truyền thông xã hội, nắm vai trò như là một bộ khuếch đại cho tất cả các loại bất
bình - từ các cuộc đình công nhân tới thảm họa môi trường. Hơn nữa, chính thông
qua đôi mắt của tầng lớp trung lưu đô thị - và đặc biệt là thành phần trẻ trong
đó - mà thế giới sẽ nhìn thấy các sự kiện ở Việt Nam. Đó là lí do tại sao ĐCSVN
nên quan tâm đến việc đưa các nguyện vọng của nhóm này vào tiến trình chính trị.
Đây chỉ là hai ví
dụ về các diễn viên mới nổi lên trong khung cảnh xã hội của Việt Nam sinh ra từ
cải cách kinh tế, nhưng những cơn đau tăng trưởng khác cũng có thể đòi hỏi chuyển
đổi chính trị. Một nền kinh tế đang bùng nổ tạo ra tất cả những mất cân bằng điển
hình của sự phát triển nhanh - tham nhũng quy mô lớn, bất bình đẳng thu nhập và
chênh lệch ngày càng lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, cũng như giữa người
kinh đa số và nhiều sắc dân thiểu số. Trong chính trị, người miền Bắc vẫn còn hiện diện nhiều hơn trong thành phần đảng viên và trong các cơ
quan quản lí cũng như trong hội đồng quản trị các tập đoàn nhà nước.
Bên cạnh đó, Việt
Nam vẫn còn hết sức mong manh với suy thoái môi trường, phá rừng, nhiễm mặn, và
các yếu tố con người gây ra như vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng lớn của Hà Nội và sự cố chết
cá quy mô lớn (và nhiều) năm nay. Người dân địa phương đã chứng tỏ rằng họ sẵn
sàng phản kháng vì sự lành mạnh của môi trường sống, bởi vì đó không chỉ là vấn
đề chất lượng cuộc sống mà còn là vấn đề xác định việc sinh tộn về kinh tế của
các cộng đồng rộng lớn ven biển.
Tất cả những vấn
đề này có thể biến thành một bài toán lớn đối với nhóm chủ chốt (elite) cầm quyền
do cộng đồng báo chí sôi động và truyền thông xã hội tương đối cởi mở. Không giống
như ở Trung Quốc, chính phủ Việt Nam không chọn cách đóng cửa Facebook và
các mạng truyền thông xã hội khác để nghiêng về các cái tương đương dễ kiểm soát trong nước. Kết quả là tin tức chính trị và xã hội lên trực tuyến tức
thì mà ĐCSVN khó làm được gì nhiều. Đất nước đang ngày càng trở nên minh bạch
hơn, với hàng triệu khách du lịch đến viếng mỗi năm, các nhà đầu tư nước ngoài muốn
sự ổn định trong nước và quản trị, và các tổ chức phi chính phủ toàn cầu và địa
phương theo dõi từng bước đi của chính phủ.
Điều đó không có
ý nói rằng Đảng không cảnh giác với những rủi ro mà việc đổi mới sâu xa hơn có
thể mang đến cho sự tồn tại của chính mình. Hoàn toàn ngược lại, Cộng sản Việt
Nam đã hết sức thích ứng trong suốt ba thập kỉ qua, qua việc uốn cong cách tiếp
cận của họ đối với các vấn đề tư tưởng và chính sách. Một lí do là ĐCSVN không
còn là một đảng của giai cấp công nhân và nông dân, mà đại biểu cho "toàn
thể nhân dân Việt Nam", điều này có thể bao gồm việc mở rộng thành phần xã hội.
Hơn nữa, các học
giả đã nhận thấy rằng "tư tưởng Hồ Chí Minh” đã giành được chỗ đứng trong
nền tảng tư tưởng của ĐCSVN, đẩy chủ nghĩa Mác và Lênin chính thống xuống hàng
phía sau. Điều kì lạ là không ai biết được "tư tưởng Hồ Chí Minh"
chính xác là cái gì, trừ "việc ứng dụng chủ nghĩa xã hội vào các đặc thù của
Việt Nam." Người ta có thể dễ dàng thấy hàng loạt các chính sách có thể được
xếp dưới loại bảng hiệu này như thế nào.
Dường như chính
các quan chức Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến chính trị thực tế. Có một xu
hướng dễ thấy trong các lãnh đạo chính phủ tự xác định chính mình chủ yếu là những
người điều hành (executive) và các nhà kĩ trị (technocrat), chứ không chỉ đơn
thuần là đại diện của Đảng trong Nhà nước. Và với sự gia tăng của truyền thông
xã hội, các lãnh đạo cấp tỉnh và chính phủ đang đi theo kiểu chính trị công cộng
phương Tây, công khai hoá cho giám sát và thực hiện các trò PR gây chú ý như đi tắm biển để cho thấy rằng biển an toàn dù có thảm họa môi
trường gần đó.
Dĩ nhiên, vấn đề
quan tâm hàng đầu đối với Đảng là độc quyền quyền lực. Khi xã hội Việt phát triển
thì cơ sở xã hội và các cán bộ của chính ĐCS cũng phát triển. Trong 30 năm cải
cách kinh tế sâu đậm - cần cho sự phát triển của Việt Nam - ĐCSVN thấy chính mình
ở trong một đất nước hoàn toàn khác. Đảng có sẽ trở thành một lực lượng chính
trị khác với sự độc quyền về quyền lực là nguyên tắc thống nhất duy nhất còn lại?
Đảng sẽ thừa nhận sự cạnh tranh phe phái là giải pháp duy nhất thay cho một hệ
thống đa đảng? Đảng sẽ ngăn chặn các cải cách xa hơn tại điểm mà chỉ một bước nữa
sẽ xói mòn độc quyền sang điểm không thể quay lại?
Mỗi một trong những
kịch bản này đều có thể xảy ra, nhưng ĐCSVN sẽ phải thay đổi cùng với nền kinh
tế Việt Nam hoặc đánh mất tính thích đáng.