Friday, July 14, 2023

Lịch sử bị bóp méo của biển Đông trước thế kỉ 20 - Ch. I

 Lịch sử bị bóp méo của biển Đông



Biển không tranh chấp

Lịch sử bị bóp méo của biển Đông trước thế kỉ 20


Tóm tắt

Qua việc xem xét kĩ lưỡng khối lượng lớn bằng chứng lịch sử được ghi lại bằng các ngôn ngữ khác nhau, cuốn sách này dựng lại lịch sử "bị bóp méo" của các nhóm đá, rạn san hô và đảo nhỏ đang tranh chấp, và các vùng nước xung quanh chúng ở biển Đông (SCS) trước năm 1900. Nó làm rõ nhiều lập luận vướng mắc, ngộ nhận, thậm chí lệch lạc xung quanh vấn đề biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước, rút ​​ra các kết luận sau đây:


1) Biển Đông là vùng biển mở từ thời cổ đại, trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc, các tuyến đường thương mại trên biển Đông không phải do Trung Quốc phát hiện hoặc thống trị.

Ngay cả trong thời hoàng kim của nó, tức là vào đầu triều đại nhà Minh, biển Đông không phải là một cái "ao nhà của Trung Quốc".


2) Không có bằng chứng nào cho thấy người Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Người Chăm, ngày nay ở miền nam Việt Nam, rất có thể là những người đầu tiên phát hiện ra những quần đảo này.


3) Các bản đồ và các ghi chép xưa cho thấy  không đủ bằng chứng để hậu thuẫn cho bất kì yêu sách chủ quyền nào. Dù một vài tài liệu có thể chỉ ra rằng Trung Quốc thể hiện việc quản lí thực tế quần đảo Hoàng Sa, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung quốc thực hiện quyền quản lí quần đảo Trường Sa. Trung Quốc dã KHÔNG đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với các đảo này trước năm 1900. Vào cuối triều đại nhà Thanh, giới hạn lãnh thổ  trên bộ và trên biển của Trung Quốc là tại Nhai Châu, điểm cực nam của đảo Hải Nam.


4) Tuy nhiên, vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa có thể đã từng là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc từ đầu thế kỉ 16. Và các hoạt động đánh bắt cá của họ đã mở rộng ra tới quần đảo Trường Sa sau giữa thế kỉ 19. Họ có thể là những người duy nhất tham gia liên tục và tích cực vào các hoạt động đánh cá gần các đảo đó trước thế kỉ 20.


5) Việt Nam từng bước xác lập chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa bắt đầu từ cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18. Đến đầu thế kỉ 19, dưới thời Gia Long và Minh Mạng, Việt Nam đã giành được quyền sở hữu một cách chính thức và vững chắc. Quyền sở hữu này đã được các nước phương Tây công nhận rộng rãi, tuy nhiên sau khi Pháp xâm lược, Việt Nam đã mất quyền kiểm soát quần đảo này.


6) Không có quốc gia nào thể hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trước năm 1900. Brunei và Sulu có mối liên hệ lịch sử với quần đảo này vào thời hoàng kim của họ vào thế kỉ 16-18. Tuy nhiên, họ đã mất những mối liên hệ này sau khi bị suy tàn vào thế kỉ 19.


7) Người Philippines có thể là những người đầu tiên phát hiện ra bãi cạn Scarborough. Chính quyền thực dân Tây Ban Nha đã thực thi pháp luật đối với nó trong thế kỉ 18-19. Tuy nhiên, chủ quyền đã bị mất khi Tây Ban Nha nhượng Philippines cho Hoa Kì vào năm 1898.


8) Mặc dù các nước phương Tây đã thống trị biển Đông vào nửa sau thế kỉ 19, nhưng họ không có ý định sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa, để chúng trở thành đất vô chủ (Terra nullius) trên thực tế.


9) Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Pratas (Đông Sa) năm 1907-1909 đã châm ngòi cho "kỉ nguyên tranh chấp" kéo dài hàng trăm năm của biển Đông.



Lời nói đầu


Tranh chấp biển Đông bị hiểu sai 


Theo truyền thống, Trung Quốc là một quốc gia lục địa, nhưng Trung Quốc cũng có đường bờ biển dài 12 000 km. Trung Quốc giáp 4 biển, từ bắc xuống nam là biển Bột Hải, biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông. Ngoài việc coi vùng biển đầu là nội hải của mình, Trung Quốc còn có tranh chấp lãnh thổ hoặc biển với các nước láng giềng biển ở 3 vùng biển còn lại.


Ở Hoàng Hải, Trung Quốc và Hàn Quốc có tranh chấp về Đá Suyan (Tô Nham). Đá Suyan bản thân nó chỉ là một rạn san hô, và không có nhiều điều để thảo luận về lịch sử. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đều thể hiện rằng họ không có tranh chấp lãnh thổ. Tất nhiên, cách hiểu của hai bên là khác nhau. Hàn Quốc tin rằng điều đó cho thấy rằng đá Suyan thuộc về Hàn Quốc. Theo quan điểm của Trung Quốc, điều đó lại cho thấy đá Suyan không thể được định nghĩa là một "lãnh thổ", do đó, mặc dù hai bên tranh chấp chủ quyền, nhưng tranh chấp này không thể được hiểu là "tranh chấp lãnh thổ". Dù cho như thế nào, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không căng thẳng trong thời điểm hiện tại. 


Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp về Điếu Ngư Đài / Senkaku. Nhóm đảo này trở thành nơi tranh chấp lãnh thổ vì Trung Quốc tuyên bố Điếu Ngư Đài là lãnh thổ của mình khi Hoa Kì chuẩn bị trao trả Ryukyu cho Nhật Bản vào năm 1970. Trong 25 năm trước đó, Điếu Ngư Đài / Senkaku đã được chính phủ Ryukyu thuộc Mĩ  kiểm soát, và trong 50 năm tiếp theo, nó đã được Nhật Bản cai quản.


Vấn đề Điếu Ngư Đài / Senkaku rất phức tạp. Bản thân Điếu Ngư Đài / Senkaku chỉ gồm một vài đảo nhỏ không có người ở và ít có ý nghĩa kinh tế, và giá trị kinh tế của quần đảo này có lẽ đã được người Nhật phát triển trong nửa đầu thế kỉ 20. Nhưng một số yếu tố khiến Điếu Ngư Đài / Senkaku gây nhiều tranh cãi hơn là giá trị của nó. Thứ nhất, vào cuối những năm 1960, có báo cáo về trữ lượng dầu dồi dào ở vùng biển gần Điếu Ngư Đài / Senkaku. Mặc dù điểm này chưa được khẳng định, nhưng việc đáy biển Hoa Đông có dầu đã được công nhận. Thứ hai, Điếu Ngư Đài / Senkaku nằm ở phía tây của rãnh Okinawa (đừng nhầm với rãnh Ryukyu). Trung Quốc đề xuất rãnh Okinawa là đường phân định giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Hoa Đông, trong khi Nhật Bản đề xuất trung tuyến giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu Điếu Ngư Đài / Senkaku thuộc sở hữu của Nhật Bản, đề xuất  trung tuyến sẽ mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, giữa Trung Quốc và Nhật Bản còn có một lịch sử chiến tranh lâu dài. Trung Quốc đã bị Nhật Bản đánh bại trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất và bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai, với hàng triệu người thiệt mạng. Mặc dù cuối cùng Nhật Bản đã bị đánh bại, nhưng phần lớn lãnh thổ của Trung Quốc không thể lấy lại được vào thời điểm Nhật Bản đầu hàng. Theo nghĩa này, Trung Quốc đã không đánh bại Nhật Bản. Sau Thế chiến II, Trung Quốc luôn cho rằng Nhật Bản "chưa xin lỗi". Các chính trị gia Nhật Bản đã nhiều lần đến thăm đền Yasukuni, chỗ mà Trung Quốc coi là nơi thờ phụng các tội phạm chiến tranh. Kể từ những năm 1990, tình cảm chống Nhật Bản ở Trung Quốc đã dần tăng lên. Trung Quốc coi Điếu Ngư Đài / Senkaku là lãnh thổ bị mất vào tay Nhật Bản trong Chiến tranh Trung-Nhật. Do đó, tranh chấp Điếu Ngư Đài / Senkaku có nguồn gốc lịch sử sâu xa và các yếu tố xã hội bên cạnh xung đột lợi ích.


Nếu tranh chấp ở Hoàng Hải và biển Hoa Đông chỉ tồn tại giữa hai nước, thì tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển ở biển Đông thực sự là vấn đề đa phương. Vì những lí do lịch sử và địa lí, quyền sở hữu các đảo ở biển Đông là rất mơ hồ. Hiện tại, có tới 6 quốc gia và 7 bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp và các quốc gia này đã trải qua những thay đổi phức tạp về chính phủ trong thế kỉ 19 và 20. Các quốc gia liên quan trong lịch sử và trên thực tế bao gồm Mĩ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp và Tây Ban Nha, điều này càng làm vấn đề thêm phức tạp.


Các tranh chấp ở biển Đông bao gồm xung đột lợi ích ở các cấp độ sau: 


Thứ nhất là tranh chấp lãnh thổ. Năm quần đảo ở biển Đông - Pratas (Đông Sa), Hoàng Sa (Tây Sa), Trường Sa (Nam Sa), Macclesfield (Trung Sa) và Scarborough (Hoàng Nham) đều có tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đại lục và Đài Loan có tranh chấp đối với toàn bộ các quần đảo, mặc dù điều này tất nhiên không được coi là tranh chấp quốc tế. Vì các đề xuất và căn cứ của đại lục và Đài Loan về cơ bản là giống nhau, trừ khi có quy ước khác, sau đây chúng sẽ được gọi chung là Trung Quốc. Các bên tranh chấp ở Hoàng Sa là Trung Quốc và Việt Nam; các bên tranh chấp ở đảo Scarborough là Trung Quốc và Philippine; các bên tranh chấp ở quần đảo Trường Sa phức tạp nhất, hiện nay gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Ngoài ra, trong tranh chấp lãnh thổ quần đảo biển Đông còn có thêm Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hoa Kì, Hà Lan và Nhật Bản.


Thứ hai là tranh chấp chủ quyền vùng biển. Quy chế pháp lí của lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế bắt nguồn từ lãnh thổ. Vì vậy, tất cả các bên có tranh chấp lãnh thổ đều là các bên tranh chấp chủ quyền vùng biển ở biển Đông. Ngoài ra, mặc dù Indonesia không có tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo ở biển Đông, nhưng nước này cũng có tranh chấp với Trung Quốc và các nước khác về chủ quyền vùng biển ở biển Đông. 


Thứ ba là tranh chấp tài nguyên trên các đảo. Tài nguyên trên các đảo ở biển Đông chủ yếu là phốt phát, và trong nửa đầu thế kỉ 20 đó là lợi ích kinh tế chính của các quần đảo ở biển Đông. Nhật Bản là nhà khai thác chính nguồn phốt phát trên các đảo. Trong nửa sau của thế kỉ 20, tài nguyên phốt phát về cơ bản đã cạn kiệt sau khi bị khai thác rộng rãi, và giờ đây không còn là mục tiêu chính của các bên tranh chấp.


Thứ tư là tranh chấp tài nguyên biển, chủ yếu là thủy sản. Hầu hết các đảo ở biển Đông là đảo san hô và  trong vùng lân cận có nguồn lợi thủy sản phong phú. Các quốc gia ven biển có lịch sử đánh cá lâu đời tại các đảo ở biển Đông. Nguồn lợi thủy sản phụ thuộc vào vùng đặc quyền kinh tế. Tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông khiến ngư dân các nước chịu nhiều rủi ro khi hoạt động khai thác thủy sản ở khu vực này. Trong 30 năm qua nhiều vụ ngư dân lực lượng vũ trang các bên khác xua đuổi, bắt giữ và đã trở thành nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến tình trạng tình trạng tranh chấp ở biển Đông ngày càng xấu đi.


Thứ năm là tranh chấp về tài nguyên đáy biển, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Sau khi phát hiện ra dầu dưới đáy biển ở biển Đông vào những năm 1960, dầu khí đã thay thế thủy sản trở thành nguồn tài nguyên quan trọng nhất ở biển Đông. Theo “Công ước quốc tế về Luật biển”, tài nguyên đáy biển thuộc thềm lục địa của các quốc gia ven biển có thể được mở rộng ra tới 350 hải lí tính từ đường cơ sở lãnh hải bên cạnh việc mở rộng ra 200 hải lí cho vùng đặc quyền kinh tế. Tài nguyên thủy sản và dầu mỏ có một điểm chung, đó là đều ở trong vùng biển và quyền sở hữu của chúng gắn liền với quyền sở hữu đất đai về mặt lí thuyết.


Thứ sáu là vị trí chiến lược và tự do hàng hải. Kể từ thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, biển Đông đã là một tuyến đường thủy quốc tế quan trọng giữa Đông Á, Nam Á và phương Tây. Tuy nhiên, trước thế kỉ 19, các đảo ở biển Đông được coi là những khu vực nguy hiểm cho hàng hải, những khu vực cần phải tránh một cách có chủ ý. Trước thế kỉ 20, biển Đông là khu vực tự do hàng hải. Từ đầu thế kỉ 20, học thuyết cường quốc biển bắt đầu được mở rộng ở các nước phương Đông, Nhật Bản bắt đầu coi trọng vị trí chiến lược của biển Đông, điều này đã khơi mào cho hoạt động chiếm đất của Trung Quốc và Pháp ở biển Đông. Cũng trong thế kỉ 20, tranh chấp biển Đông chính thức bước ra vũ đài quốc tế. Trong nửa đầu thế kỉ 20, lợi ích lớn nhất của các tranh chấp biển Đông nằm ở vị trí chiến lược của nó. Cho đến ngày nay, tự do hàng hải ở biển Đông vẫn là tâm điểm được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt là những quốc gia không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp lãnh thổ, vùng biển.


Bên cạnh những xung đột lợi ích thực tế ở 6 cấp độ trên, giống như vấn đề biển Hoa Đông, yếu tố phi lí về tình cảm dân tộc chủ nghĩa cũng đóng vai trò quan trọng trong tranh chấp biển Đông. Điều này chủ yếu tập trung giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia tranh chấp chính. Trong lịch sử, Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ lâu dài, sau khi giành được độc lập vẫn còn bị Trung Quốc xâm lược, cuối cùng phải chấp nhận thân phận một nước chư hầu. Sau khi chủ nghĩa dân tộc Việt Nam trỗi dậy vào cuối thế kỉ 19, lịch sử này đương nhiên bị coi là lịch sử nhục nhã. Sau thế chiến thứ hai, Việt Nam bị chia cắt, Trung Quốc (Bắc Kinh) “thắt lưng buộc bụng” hậu thuẫn cho phe CS Bắc Việt đánh VNCH và Mĩ. Nhưng sau khi thống nhất, Việt Nam gần như ngay lập tức xa rời Trung Quốc và quay sang Liên Xô vốn có mâu thuẫn với Trung Quốc.


Còn Trung Quốc, sau khi bắt tay với Hoa Kì, đã phát động chiến tranh chống Việt Nam vào cuối những năm 1970. Trung Quốc coi Việt Nam là "vô ơn" và Việt Nam coi Trung Quốc là "nước lớn". Vết thương chiến tranh để lại vẫn chưa lành, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều là những quốc gia dưới chế độ độc đảng của đảng Cộng sản, chủ nghĩa dân tộc từ lâu đã được cố tình khuyến khích như một công cụ để đoàn kết nhân dân. Sau nhiều năm tuyên truyền, các đảo ở biển Đông đã thuộc về đất nước của họ "từ xa xưa". Lí thuyết đã ăn sâu vào tim óc của người dân. Hận cũ chồng lên hận mới, tinh thần dân tộc chủ nghĩa đôi khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Khi nói đến giải pháp cho vấn đề biển Đông, yếu tố bất hợp lí này phải được các nhà hoạch định chính sách xem xét một cách nghiêm túc.


Trong diễn ngôn chính thức của Trung Quốc đại lục về vấn đề biển Đông, chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông dường như là một vấn đề rất rõ ràng. Trong chủ đề về biển Đông trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (http://www.mfa.gov.cn/mfa_chn/ziliao_611306/zt_611380/ywzt_611452/wzzt_611670/2305_611918/) có liệt  kê cách giải thích chính thức của Trung Quốc về pháp lí và lịch sử đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Bài báo được chia thành 5 phần, lần lượt giải thích nguồn gốc của vấn đề quần đảo Trường Sa, cơ sở lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc, cơ sở pháp lí, lập trường cơ bản và sự công nhận của quốc tế. Bài báo này đã được đăng lại rộng rãi trên Internet và được trích dẫn rộng rãi trong nhiều dịp khác nhau, do đó tính đúng đắn của bài báo dường như không còn bị nghi ngờ. Giới chức Đài Loan, đặc biệt là chính phủ Quốc dân đảng, hầu như có lập trường và lập luận về chủ quyền các đảo ở biển Đông giống như Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sách trắng chính thức của Việt Nam, không thể không cảm thấy rằng các yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng rất vững chắc; và nếu chỉ nhìn vào các cuộc thảo luận giữa các quan chức và giới học thuật Philippines, thì có vẻ yêu sách chủ quyền của Philippines đối với các đảo ở biển Đông cũng không phải là vô lí.


Trên thực tế, điều này là hoàn toàn bình thường. Bởi vì về cơ bản, bất cứ điều gì miễn có tranh chấp, cả hai bên tranh chấp sẽ có một số sự thật. Để hiểu đầy đủ và chính xác về tranh chấp biển Đông, tất nhiên chúng ta nên lắng nghe tiếng nói của các bên. Hoàng đế Thái Tông nhà Đường hơn một nghìn năm trước cũng biết nguyên tắc "nghe đủ cả sẽ sáng tỏ, nghe một phần sẽ mù quáng" (kiêm thính tắc minh, thiên thính tắc ám), nhưng điều đó khó đạt được ở Trung Quốc ngày nay. Bởi vì hầu hết các chuyên gia và phương tiện truyền thông đều bị kiểm soát hoặc hạn chế bởi "lợi ích quốc gia", rất khó tiết lộ sự thật một cách có trách nhiệm.


Hơn nữa, để củng cố lập luận của mình, dù là chính phủ hay giới truyền thông và các chuyên gia Trung Quốc, khi giải thích về lịch sử và pháp lí của những tranh chấp này, họ luôn đưa ra một số lập luận rõ ràng là vi phạm và phóng đại lịch sử và thực tế. Và những lập luận này đã bắt rễ sâu xa đến mức chúng dường như được coi là điều hiển nhiên. Bằng cách này, ngoài việc cố tình hướng dẫn công chúng một cách đơn phương, nó sẽ không những không giúp công chúng hiểu được sự thật của tranh chấp biển Đông mà còn có hại hơn. Dưới đây là một vài ví dụ:


(1) Nam Sa từ xưa tới nay là lãnh thổ của Trung Quốc ? Chưa thể xác định đúng sai.

Khẳng định này giống như mọi khẳng định “từ xưa tới nay” là không thể xác định đúng sai, đó là một khẳng định không ai có thể phán đoán đúng hay sai. Bởi vì, không ai biết định nghĩa "từ xưa" của Trung Quốc là xưa bao nhiêu. Một trăm năm trước có thể là “từ xưa”, một ngàn năm trước cũng có thể là “từ xưa”, khoảng sai biệt này thật sự quá lớn. Tuy nhiên, trong ấn tượng của người Trung Quốc, từ xưa đến nay, đơn vị luôn là hàng ngàn năm. Do đó, cụm từ “từ xưa tới nay” thường khiến người đọc hiểu lầm rằng Trung Quốc đã kiểm soát Trường Sa từ rất lâu. Vậy "từ xưa tới nay" của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa là bao nhiêu năm?


Như đã phân tích trong nội dung chính của cuốn sách này, mặc dù các chuyên gia Trung Quốc đã chỉ ra rằng Trung Quốc có thể đã biết về quần đảo Trường Sa từ thời nhà Hán, nhưng trên thực tế, Trung Quốc không có ghi chép nào về quần đảo Trường Sa trước thời nhà Tống. Mãi đến thời Nam Tống, trong văn tịch mới có ghi chép về quần đảo Trường Sa, nhưng chỉ là ghi lại theo lời sứ thần nước ngoài. Mãi cho đến cuối triều đại nhà Thanh thì mới có bằng chứng không thể phủ nhận rằng có các hoạt động của người Trung Quốc ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc chỉ bắt đầu có ý định chủ quyền đối với Trường Sa từ năm 1933. Trung Quốc chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa vào năm 1946. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và đóng quân tại Trường Sa. Ngoài ra, cụm từ "từ xưa đến nay" xuất hiện cùng với cụm từ "qua nhiều thế hệ", thường được dùng để mô tả các hoạt động của ngư dân, ví dụ: "Ngư dân Quỳnh Hải đã đánh bắt cá ở quần đảo Nam Sa qua nhiều thế hệ." Trên thực tế, cái nghe có vẻ xa xưa "nhiều thế hệ" này thật ra xưa nhất chỉ là vào cuối thời nhà Thanh.


(2) Tranh chấp chỉ nảy sinh sau khi phát hiện ra dầu mỏ ở quần đảo Nam Sa vào những năm 1960? Sai. 

Khẳng định này ngụ ý rằng các quốc gia khác đã gây ra tranh chấp vì họ muốn giành dầu mỏ ở biển Đông vốn phù hợp với định kiến ​​​​của người dân Trung Quốc “thấy lợi quên đi lẽ phải”. Tuy nhiên, khẳng định này là hoàn toàn sai. Sau khi Pháp chiếm Trường Sa năm 1930, ở Trường Sa nảy sinh tranh chấp (nhưng lúc đó là tranh chấp giữa Pháp, Anh và Nhật). Sau Thế chiến II và trước năm 1960, Pháp, Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) và Philippines, cũng như Anh và Hà Lan đều đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.


(3) Đường 9 đoạn không bị phản đối trong hơn 30 năm sau khi được ban hành? Có vẻ là vậy nhưng thật ra không đúng.

Đúng là không có chính phủ nào phản đối cụ thể đường 9 đoạn trong suốt 30 năm đó, nhưng cũng không có chính phủ liên quan nào công nhận nó. Thái độ của chính phủ các nước là “nhắm mắt làm ngơ” trước đường 9 đoạn. Lí do chính là đường 9 đoạn về cơ bản là sản phẩm "ba không": không định nghĩa, không tọa độ và không có tư cách pháp lí. Chính phủ Trung Quốc (cả Bắc Kinh lẫn Đài Loan) chưa bao giờ chính thức tuyên bố công khai đường 9 đoạn là gì, ngay cả tọa độ cũng không.


Bỏ vấn đề “ba không” sang một bên, kết luận rằng Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các nước đã đồng ý với đường 9 đoạn là hoàn toàn không thể chứng minh được. Bởi trên thực tế, chưa từng có quốc gia nào công nhận các quyền và lợi ích mà Trung Quốc tuyên bố bên trong đường 9 đoạn, kể cả các quyền và lợi ích lãnh thổ quan trọng nhất. Sau chiến tranh, Hoa Kì tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự bên trong đường 9 đoạn, hầu như không bị sự can thiệp của Trung Quốc (trừ những khu vực rất gần lục địa Trung Quốc và lãnh hải đảo Hải Nam). Pháp, Việt Nam và Philippines đều tranh chấp lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp và Việt Nam đóng quân ở Hoàng Sa cho đến năm 1974. Cả Việt Nam và Philippines vẫn có quân đội đóng tại quần đảo Trường  Sa và đã thành lập các đặc khu hành chính của riêng mình trên quần đảo Trường  Sa. Nếu không coi đây là sự phủ nhận đường 9 đoạn, thì đó chắc chắn là sự tự lừa dối.


(4) Việt Nam luôn công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa từ trước những năm 1970? Có vẻ là vậy nhưng thật ra không đúng. 

Bắc Việt đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) cho đến năm 1974 (mặc dù có lẽ bị động). Tuy nhiên, với tư cách là một phần không thể tách rời của Việt Nam hiện đại, quốc gia có chủ quyền lúc bấy giờ là Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt) luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và cũng đóng quân trên hai quần đảo này. Sự chia cắt của Bắc Việt và Nam Việt là kết quả của các điều khoản trong điều ước quốc tế “Hiệp định Geneva”, trong đó Nam Việt là chủ nhân thực sự của quần đảo Trường Sa cả trên danh nghĩa lẫn trên thực tế. Trước khi Việt Nam thống nhất, Bắc Việt không liên quan gì đến Hoàng Sa và Trường Sa cả về pháp lí lẫn thực tế. Mặc dù Trung Quốc không công nhận Nam Việt, nhưng việc phớt lờ sự tồn tại khách quan của chính quyền Nam Việt và đánh đồng trực tiếp chính quyền Bắc Việt với chính quyền Việt Nam là ngụy tạo sự thật.


Nam Việt sau khi thất bại, không phải bị Bắc Việt trực tiếp thôn tính mà trước hết thành lập một quốc gia ở phía nam, sau đó hai quốc gia hợp nhất. Một nước Việt Nam mới như vậy không thể đánh đồng với Bắc Việt, mà về mặt pháp lí là một quốc gia sau sự hợp nhất của Nam Việt và Bắc Việt, kế thừa các lãnh thổ của Nam Việt và Bắc Việt. Vì vậy, những tuyên bố trước đây của Bắc Việt không thể đơn giản đánh đồng với thái độ của nước Việt Nam Mới. Những người cộng sản Bắc Việt có hành động bội tín khi ban đầu công nhận rằng quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc, và sau đó lại phủ nhận điều đó sau khi nước Việt Nam Mới thành lập. Nhưng từ quan điểm pháp lí, nhiều nhất đó là sự bội tín của đảng, và không thể đánh đồng với việc bội tín của quốc gia, bởi vì họ đại diện cho quốc gia khác.


(5) Hàng loạt tuyên bố và hiệp ước trong và sau thế chiến II trao trả Nam Sa cho Trung Quốc? Sai.

Nói vắn tắt, trong “Tuyên bố Cairo” có đề cập cụ thể đến việc trao trả Đông Bắc Trung Quốc, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Trung Quốc, nhưng không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Trong “Hòa ước San Francisco” và “Hòa ước Trung-Nhật” đều có tuyên bố Nhật Bản sẽ từ bỏ Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng không có tuyên bố nào trao trả Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Xét từ các điều khoản, mục đích pháp lí ban đầu, bối cảnh lịch sử và quá trình ngoại giao vào thời điểm đó, chỉ có một lí do tại sao nó được viết dưới dạng như vậy, đó là tất cả các bên không có sự đồng thuận về quyền sở hữu của Hoàng Sa và Trường Sa, vì vậy vấn đề này đã được tạm dừng tạo thành một tình trạng pháp lí "chưa quyết định" để các bên giải quyết sau này. Điều chắc chắn duy nhất là Nhật Bản đã từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo này.


Bắc Kinh không công nhận Hiệp ước Hòa bình San Francisco và Hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật, tuy nhiên trong Tuyên bố chung Trung-Nhật và Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật ký giữa Bắc Kinh và Nhật Bản vào những năm 1970 cũng không có đề cập Tây Sa và Nam Sa. Vì vậy, đối với chính quyền Bắc Kinh, bằng chứng chỉ là Tuyên bố Cairo yếu ớt. Có rất nhiều kết luận tương tự, và danh sách ở đây chỉ là một phần trong số đó, một cuộc thảo luận chi tiết cần có cả một cuốn sách hoặc thậm chí nhiều cuốn sách để thảo luận. Nếu chỉ đọc chuyện của một phía Trung Quốc, có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng các nước láng giềng của họ là bọn tham lam vô độ (có lẽ cũng có ấn tượng tương tự nếu chỉ đọc chuyện của một phía Việt Nam). Tuy nhiên, chỉ qua phân tích đơn giản, không khó để thấy rằng vấn đề biển Đông không đơn giản như những tuyên bố chính thức. Nếu không có sự mô tả và phân tích khách quan, chi tiết thì không thể hiểu rõ vì sao biển Đông lại trở thành tâm điểm của các tranh chấp lãnh thổ quốc tế. Vài ví dụ nêu trên đã cho thấy rõ: Nếu chỉ nghe ý kiến ​​một chiều thì kết luận rút ra sẽ khác xa với sự thật của sự việc.


Có thể thấy, trong vấn đề biển Đông, sở dĩ các bên đều có lập trường riêng của mình thật ra không thiếu nguyên nhân đằng sau. Nghe tất cả thì sáng, nghe một bên thì tối. Để tìm ra sự thật của vấn đề biển Đông, trước hết chúng ta phải thừa nhận rằng vấn đề biển Đông là một vấn đề phức tạp và mơ hồ, còn lâu mới đơn giản và rõ ràng như trắng với đen, chỉ bằng cách gạt bỏ những định kiến riêng, mới có thể thu thập và nghiên cứu các tài liệu các bên khác nhau một cách khách quan và phân tích chứng lí các mặt một cách chi tiết. Bằng cách này, dưới kính lúp, trước tiên có thể loại trừ những lí do phóng đại, không rõ ràng và gây hiểu lầm. Ví dụ, nếu bạn đọc kĩ bài viết của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng trong đó có rất nhiều lỗi, đầy những khẳng định mang tính phỏng đoán và khái quát, cũng như những trích dẫn tài liệu có tính lọc lựa và có chủ đích. Nếu bài viết đó được coi là một tài liệu tuyên truyền, như mục đích ban đầu của nó, thì đó thực sự là một bài viết hay. Nhưng để mọi người hiểu trọn vẹn, đầy đủ và đúng đắn về lịch sử và thực chất của tranh chấp biển Đông thì nó hoàn toàn không đạt yêu cầu.


Có nhiều công trình lịch sử và pháp lí quốc tế về sự quy thuộc của các đảo ở biển Đông. Việc tham khảo các tác phẩm này tất nhiên là vô cùng quan trọng. Nhưng hầu hết các sách chuyên khảo về cơ bản đều có một lập trường định sẵn. Tất nhiên, điều này không ngăn cản chúng được sử dụng làm điểm khởi đầu cho nghiên cứu, vì chúng ít nhất cũng phản ánh ý kiến ​​​​của một phía.


Là cuốn sách đầu tiên trong loạt thảo luận về vấn đề biển Đông của tác giả, cuốn sách này tập trung thảo luận về lịch sử cổ đại của biển Đông, tức là lịch sử của biển Đông trước năm 1900. Trong nghiên cứu về lịch sử và luật pháp quốc tế  biển Đông, nghiên cứu về lịch sử cổ đại của biển Đông vẫn còn là một mắt xích tương đối yếu. Lí do chính là giới học thuật phương Tây tương đối trung lập không quen thuộc với các tài liệu chủ yếu viết bằng chữ Hán (kể cả tư liệu lịch sử Trung Quốc và Việt Nam), nên họ chỉ có thể trích dẫn một số lượng lớn các nghiên cứu của các học giả Trung Quốc hoặc Việt Nam, trong khi các học giả Trung Quốc và Việt Nam, như đã đề cập ở trên, do bị lập trường chính trị chi phối thường rất khó mô tả lịch sử của biển Đông một cách khách quan và toàn diện. Đặc biệt, các chuyên khảo về cổ sử Trung Quốc, phần lớn được viết trong thời kì tranh luận với Việt Nam vào cuối những năm 1970, không tránh khỏi mang đậm dấu ấn của thời đại và cũng có những sai sót đáng kể về logic.


Nói chung, sau khi tham khảo các công trình tiêu biểu trong lĩnh vực này, nhiều bài báo và chuyên khảo của Trung Quốc và nước ngoài, cũng như sách trắng của chính phủ các nước, hội nghị bàn tròn học thuật và hội thảo do chính phủ tổ chức, v.v., cuốn sách này bổ sung rất nhiều phân tích ban đầu, phác thảo lịch sử cổ đại của biển Đông từ góc độ lịch sử và học thuật, cũng như so sánh và phân tích quan điểm và bằng chứng của các bên khác nhau về biển Đông, nhằm thảo luận và hiểu một cách khách quan về vấn đề biển Đông từ một quan điểm trung lập.


-----------------------------------------------------------------

Chương I

Địa lí cơ bản của biển Đông và các nước láng giềng



Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km² và giáp với Vịnh Xiêm La theo đường nối Cà Mau ở miền nam Việt Nam với Kota Bharu ở Malaysia. Được bao bọc bởi các lục địa, bán đảo và quần đảo nên có thể gọi là “Địa Trung Hải” của Đông Á. Phía đông bắc là Đài Loan, phía bắc là Trung Quốc đại lục, phía tây là Việt Nam, phía tây nam là Malaysia (Malaya), Singapore và Indonesia, phía nam là Malaysia (Sabah, Sarawak và Brunei), và phía đông là Philippines. Các nước ven biển Đông gồm có Trung Quốc (bao gồm cả chính quyền Bắc Kinh lẫn Đài Bắc. Để thuận tiện cho việc viết lách, chính quyền Bắc Kinh của Trung Quốc sau năm 1949 được gọi là Trung Quốc hoặc đại lục hoặc Bắc Kinh, và chính quyền Đài Bắc được gọi là Đài Loan, nhằm không gây nhầm lẫn), Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines, tổng cộng 7 quốc gia và 8 bên. Theo quốc tế, vùng biển này được gọi là biển Nam Trung Hoa (South China Sea), Trung Quốc gọi nó là Nam Hải, Việt Nam gọi là biển Đông, còn Philippines gọi là biển Tây Philippines. Để tiện theo dõi, sách này gọi theo cách gọi Nam Hải của Trung Quốc (được dịch thành biển Đông, trừ những chỗ thấy cần giữ nguyên -ND). Theo nghĩa rộng, biển Đông bao gồm Vịnh Xiêm La, nhưng do các vùng lãnh thổ và vùng biển tranh chấp ở biển Đông đều tập trung ở phía đông của đường nối liền Cà Mau của Việt Nam và quần đảo Natuna của Indonesia, trong cuốn sách này, trừ khi có chú thích khác, biển Đông được đề cập đến là vùng biển phía đông của đường này.


Được bao quanh với các hòn đảo, nó có thể được gọi là "Địa Trung Hải" của Đông Á. Phía đông bắc giáp Đài Loan, bắc giáp Trung Quốc đại lục, tây giáp Việt Nam, tây nam giáp Mã Lai (Malaya), Singapore và Indonesia, nam giáp Mã Lai, vùng biển tây nam có nhiều đảo. Cái mà chúng ta thường gọi là các đảo ở biển Đông (Nam Hải chư đảo) đề cập đến một loạt các đảo san hô và rạn san hô phân bố ở Biển Đông cách xa đất liền. Về mặt địa lí, các đảo ở biển Đông thường được chia thành 5 quần đảo trên phạm vi quốc tế: quần đảo Pratas (Đông Sa), bãi ngầm Macclesfield (Trung Sa), bãi Scarborough (đảo Hoàng Nham hoặc đá Dân Chủ), quần đảo Paracel (Hoàng Sa, Tây Sa) và quần đảo Spratly (Trường Sa, Nam Sa). Bãi Scarborough được Trung Quốc ghép vào bãi Macclesfield và gọi chung là quần đảo Trung Sa. Theo danh mục tiêu chuẩn của Trung Quốc, có hơn 280 đảo / đá ở quần đảo Trường Sa.[1] Ở đây, tác giả không có ý định mô tả chi tiết về địa lí của toàn bộ các đảo ở biển Đông, mà chỉ giới thiệu sơ qua một cách tổng thể, và chọn ra một số đảo và đá dễ gây “xúc cảm lịch sử” nhất để giới thiệu để người đọc có thể có ấn tượng tổng thể về địa lí biển Đông và hiểu biết sơ bộ (Hình 1).




Hình 1: Bản đồ biển Đông

1.1 Sự hình thành biển Đông và các đảo trên biển Đông


Biển Đông hiện nay bắt đầu hình thành vào đầu Đại Trung sinh (Mesozoic -khoảng 250 triệu năm trước). Trong đại Tân sinh (Cenozoic), do một loạt chuyển động kiến ​​tạo được hình thành bởi tác động của mảng Ấn Độ trên lục địa Á-Âu, Biển Đông bắt đầu mở rộng đáy biển khoảng 45 triệu năm trước, đẩy quần đảo Indonesia  ra xa đất liền, và biển Đông ngày càng rộng lớn. Trong quá trình giãn nở, đáy biển cũng sinh ra các nếp uốn do ứng suất, từ đó hình thành một số rặng núi ngầm ở đáy biển Đông. Những sống núi này có thể được hiểu là những ngọn núi dưới đáy biển, gần mặt biển hơn nhiều so với đáy biển. Nếp gấp quan trọng nhất là ở “khu vực nguy hiểm” quần đảo Trường Sa. Các đảo ở biển Đông được hình thành từ san hô sinh sống lâu dài trên các nếp gấp này.


Các đảo san hô có thể hình thành hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: tốc độ phát triển của san hô, tốc độ chìm của vỏ trái đất và tốc độ tăng/giảm của mực nước biển. Sau kỉ băng hà Pleistocen, trái đất nóng lên dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của san hô, nhưng đồng thời các sông băng tan chảy khiến mực nước biển dâng cao. Các đảo san hô trong thời kì Toàn Tân (Holocene) phát triển dưới sự cạnh tranh của hai yếu tố đối lập này.


Về mặt địa chất, các đảo có thể được chia thành đảo lục địa và đảo đại dương, và sau này được chia thành đảo núi lửa và đảo san hô. Hầu như tất cả các đảo ở biển Đông đều là đảo san hô, được cấu tạo từ các thể đá vôi (sứ) do chất tiết của polyp san hô hình thành, theo hình dạng khác nhau có thể chia thành hai loại: đảo san hô vòng và đá ngầm khối, trong đó đảo san hô vòng là dạng địa hình quan trọng nhất của các đảo ở biển Đông.


Do đặc điểm phát triển của polyp san hô và đặc điểm địa chất, hình thể rạn san hô tạo thành địa hình có xung quanh cao và phần giữa thấp, tạo thành đảo san hô vòng. Các đảo san hô ở biển Đông có thể được chia thành 5 loại sau tùy theo mức độ phát triển của chúng:[2]


1. Rạn san hô vòng chìm. Loại đảo san hô này hoàn toàn chìm dưới nước, không nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống, ít ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của tàu bè. Đảo san hô vòng Macclesfield (Trung Sa) nơi có quần đảo Trung Sa là một đảo san hô chìm.


2. Rạn san hô vòng mở và rạn san hô vòng nửa mở. Các rạn san hô này có phần có thể thực sự nổi lên khỏi mặt nước. Khoảng cách giữa hai phần nổi kế tiếp được gọi là "cửa". Khi rạn san hô có tổng chiều dài của toàn bộ các cửa lớn hơn một nửa tổng chiều dài rạn thì gọi là rạn san hô mở, và từ một phần ba nhưng chưa đến một nửa được gọi là rạn san hô nửa mở. Bãi Scarborough là một đại diện của rạn san hô nửa mở.


3. Rạn san hô vòng điển hình. Loại rạn san hô này là rạn san hô điển hình nhất về sự phát triển của bãi cát và đảo cát trên rạn và cấu trúc rạn san hô có cửa. Cụm đảo đá  Lưỡi Liềm (Vĩnh Lạc) ở phía tây quần đảo Hoàng Sa là một rạn san hô vòng điển hình.


4. Rạn san hô không hoàn chỉnh. Loại rạn san hô này bị các lực lượng bên ngoài như chuyển động của vỏ trái đất làm hư hại khiến địa hình không điển hình, chẳng hạn như thiếu một số phần rạn san hô, v.v., có thể được phân loại là rạn san hô không hoàn chỉnh. Cụm đảo đá An Vĩnh (Tuyên Đức) ở phía đông quần đảo Hoàng Sa là đảo san hô vòng chưa hoàn chỉnh.


5. Rạn san hô vòng khép kín. Đây là loại rạn san hô hoàn toàn lộ trên mặt nước và không có cấu trúc cửa. Khi thủy triều xuống, phá tạo thành một hồ bên trong và là một rạn san hô phát triển đầy đủ.


Ngoài ra, các rạn san hô vòng đôi khi nối liền với nhau tạo thành địa hình vành đai (Faros). Một số chuỗi rạn san hô bao gồm chỉ hai rạn san hô và một số chuỗi rạn san hô bao gồm nhiều rạn san hô liên tục.


Rạn dạng khối còn gọi là rạn thềm, loại rạn này có dạng hình khối, không có chỗ trũng hay đầm ở giữa, bề mặt bằng phẳng. Nó có thể được tiến hóa từ các rạn san hô kín đã phát triển đầy đủ, chủ yếu thấy ở các rạn san hô nổi lên khỏi mặt nước, chẳng hạn như đảo Tri Tôn (Trung Kiến) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nó cũng có thể có trạng thái ngầm dưới nước khi các rạn san hô bắt đầu hình thành, thường dưới dạng một “bãi” (bank)  chìm sâu dưới mặt nước.


Ngoài ra, trong số các đảo ở biển Đông có rất ít đảo núi lửa, như đá Cao Tiêm [hòn Tháp / Pyramid Rock] (thực chất là đá) ở quần đảo Hoàng Sa, không có địa chất tạo thành san hô.


Nếu rạn san hô lộ trên mặt nước thì nó có thể tiếp tục phát triển thành cồn cát hoặc đảo cát trên đó. Cát trên bãi cát đầu tiên do gió và sóng mang đến nên ban đầu tích tụ bên ngoài rạn san hô tạo thành bờ cát, sau đó dưới tác động của gió, cát tích tụ vào trung tâm rạn san hô. Kết quả là một cấu trúc đĩa với xung quanh cao và ở giữa thấp được hình thành. Các bãi cát tiếp tục phát triển để tạo ra đảo.


Dưới bãi cát, những gì chìm trong nước là nền ngầm của rạn san hô. Nền của rạn san hô thường có kích thước lớn ít nhất gấp ba lần bãi cát bên trên. Vì vậy, toàn bộ cấu trúc giống như chiếc đĩa đặt trên bàn. Cấu trúc  của rạn san hô phức tạp hơn cấu trúc của bãi cát nên sẽ không bàn ở đây.


Bắt đầu từ đời nhà Đường ở Trung Quốc đã có những hiểu biết sơ bộ về các bãi cát trên rạn san hô và nền đá ngầm của rạn san hô. Theo Tăng Chiêu, một nhà địa lí học về biển Đông, ban đầu Trường Sa dùng để chỉ bãi cát, còn Thạch Đường chỉ bãi đá ngầm, vì vậy, việc nhắc đến Trường Sa và Thạch Đường trong nhiều tài liệu không phải để chỉ hai địa danh mà là để chỉ hai loại địa hình trong cùng một khu vực.[3]


1.2 Đặt tên các đảo ở Biển Đông


Về mặt quốc tế, các đảo và rạn san hô này được gọi chung là "các thể địa lí" (features). Theo chiều cao của các rạn san hô so với mặt biển, chúng thường có thể được chia thành các loại sau: 


Đảo (island, 島: đảo) dùng để chỉ một cấu trúc có diện tích tương đối lớn, địa hình cao, hình dạng ổn định và đủ để cây cối phát triển. Chúng thường được hình thành cách đây ít nhất 3000 năm. 


Bãi cát (sand hoặc cay, 沙洲: sa châu) thường dùng để chỉ vùng đất lộ ra trên biển, nhưng địa hình thấp và không ổn định, chỉ có cỏ mới có thể mọc được. Mặc dù nó có thể nổi lên khỏi mặt nước khi triều lên bình thường, nhưng nó vẫn có khả năng bị nhấn chìm khi có gió lớn hoặc triều dâng cao.


Rạn đá (reef, 礁: tiều) chỉ rạn san hô ngầm nằm gần mặt biển, nói chung trong phạm vi 7 mét tính từ mặt biển, nó gây ra mối đe dọa lớn đối với giao thông thủy. Chúng có thể nổi lên khi thủy triều xuống, nhưng bị chìm khuất khi triều lên.


Bãi cạn (shoal và shoul, 暗沙: ám sa) là chỉ vùng nước nông trên biển, nếu quan sát từ xa người đi biển sẽ thấy vùng này có những đợt sóng cứ ào ạt dâng lên, biết đây là vùng nước nông nguy hiểm. Loại rạn san hô này thường sâu hơn 7 mét so với mặt biển, gây ra mối đe dọa nhất định đối với hàng hải và sẽ không nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống.


Bãi ngầm (bank, 灘: than) là một rạn san hô ẩn ở độ sâu từ 20 mét đến 30 mét dưới mặt nước, thường có hình dạng như một cái bục. Ngoài ra còn có một số biến thể bằng tiếng Anh. Ví dụ, có những cấu trúc với các tên khác nhau như đảo nhỏ (islet), đá (rock), rạn san hô vòng (atoll) và mỏm đá ngầm (breaker). Những tên gọi khác nhau và hơi khó hiểu này có liên quan đến những tiêu chuẩn do người đầu tiên đặt tên áp dụng, khó có thể khắt khe trong lịch sử lâu đời. Cách đặt tên chính thức của Trung Quốc ban đầu là dịch tên nước ngoài (đặc biệt là tiếng Anh), nhưng khi dịch thì tiêu chuẩn không thống nhất, sau này có yếu tố chính trị pháp luật can thiệp nên không tránh khỏi sai sót. Ví dụ, đảo Hoàng Nham (Scarborough Shoal) hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn để được gọi là đảo. Mục đích đổi tên của Trung Quốc có lẽ là để giúp nước này có được các quyền lợi biển dành cho “đảo” trong Công ước Quốc tế về Luật Biển.


Trong dòng sông dài của lịch sử, đã có người đặt tên cho các đảo ở biển Đông. Lâu nay Trung Quốc không đặt tên chính thức cho các đảo cụ thể thuộc các quần đảo ở biển Đông, thậm chí tên gọi của từng quần đảo cũng có nhiều thay đổi. Ngư dân Trung Quốc bắt đầu hoạt động ở Hoàng Sa và Trường Sa vào thời nhà Minh và nhà Thanh. Họ đặt tên dân gian cho một số đảo, nhưng những tên này chưa bao giờ được chính thức công nhận. Bắt đầu từ thế kỉ 16, phương Tây cũng bắt đầu đặt tên cho các đảo ở biển Đông, ban đầu là đặt tên cho các quần đảo lớn, sau là đặt tên cụ thể cho các đảo và bãi đá ngầm (sau thế kỉ 18). Trong lịch sử, đã có tên tiếng Bồ Đào Nha, tên tiếng Tây Ban Nha, tên tiếng Pháp và tên tiếng Anh, chỉ kể một số. Những người ở các nước khác nhau có tên riêng của họ, và một số tên này đã được sử dụng sau đó và một số đã được thay thế bằng tên mới do nhóm nhà thám hiểm tiếp theo đặt. Có nhiều nguồn để đặt tên cho chúng, một số được đặt tên theo tên của con tàu, một số được đặt theo tên của thuyền trưởng hoặc thủy thủ, một số được đặt tên theo đặc điểm của cấu trúc, và một số được đặt tên theo tên do những ngư dân đánh cá hoạt động gần đó gọi chúng (một số trong số đó được đặt tên theo cách gọi của ngư dân Trung Quốc ở Hải Nam) .


Trung Quốc chỉ bắt đầu chính thức đặt tên cho các đảo cụ thể của các đảo ở biển Đông vào những năm 1930. Lúc đầu, hầu như tất cả đều tên dịch hay phiên âm từ các tên phương Tây. Năm 1947, Trung Quốc tiến hành đặt tên lần thứ hai, lần này chủ yếu đặt theo tên người hoặc tên tàu Trung Quốc, phần lớn thoát khỏi ảnh hưởng của phiên âm nước ngoài (nhưng cũng có các trường hợp tiếp tục sử dụng). Đến năm 1983, Bắc Kinh thực hiện lần đặt tên thứ ba, đến nay đã trở thành cách đặt tên tiêu chuẩn ở Trung Quốc.


Về vấn đề đặt tên, giữ theo truyền thống là một việc làm phù hợp. Nếu như giữ theo truyền thống thì việc nghiên cứu lịch sử biển Đông sẽ dễ dàng hơn nhiều, ít nhất sẽ không có cuộc tranh luận bất tận về nơi này ngày xưa nằm ở đâu. Trong quá trình nghiên cứu lịch sử biển Đông, tác giả đã hiểu sâu sắc về điều này, bởi nhiệm vụ lớn nhất của cuốn sách này là làm rõ một địa danh nào đó ngày xưa ở đâu.


1.3 Quần đảo Pratas (Đông Sa)


Trong 5 quần đảo ở biển Đông, Đông Sa là quần đảo duy nhất không có tranh chấp quốc tế. Quần đảo Đông Sa nằm ở phía đông bắc của biển Đông, cách Hong Kong khoảng 280 km về phía tây nam.[4] Nó bao gồm 3 đảo san hô, nhưng trên thực tế chỉ có rạn san hô Pratas mới có thể nổi lên khỏi mặt nước, và hai bãi cạn là South Vereker (Nam Vệ) và North Vereker (Băc Vệ) ở tây bắc của rạn san hô vòng này bị chìm dưới nước. Rạn san hô vòng của quần đảo Đông Sa và Bành Hồ có diện tích 100 km², nhưng chỉ có góc phía tây của nó có thể nổi lên khỏi mặt nước khi triều lên, đó là đảo Đông Sa (đảo Pratas), với diện tích 1,7 km². Do đó, cái gọi là quần đảo Đông Sa  thực chất chỉ là đảo Đông Sa và quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan chiếm đóng và quản lí, và về hành chính thuộc xã Trung Hưng, quận Kì Tân, thành phố Cao Hùng. Chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với Đông Sa, trên danh nghĩa thuộc trấn Kiệt Thạch, thành phố Lục Phong, quận Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông. Đảo Đông Sa chỉ có quân lính trú đóng không có dân thường sinh sống. Nó hiện là một công viên quốc gia của Đài Loan, là một khu bảo tồn, không mở cửa cho công chúng.

1.4 Bãi ngầm Macclesfield (Quần đảo Trung Sa)


Theo quy hoạch hành chính hiện tại của chính quyền Bắc Kinh, Trung Sa (bao gồm cả đảo Hoàng Nham [Scarborough Shoal]), Tây Sa  (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) đều thuộc quyền quản lí của thành phố Tam Sa, được thành lập vào năm 2012 và chính quyền thành phố nằm trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa.


Về mặt quốc tế, không có quần đảo Trung Sa mà tương ứng có một rạn san hô lớn hình bầu dục phân bố từ đông bắc xuống tây nam ở phía đông nam của quần đảo Hoàng Sa, đó là rạn san hô vòng Macclesfield. Rạn san hô này có diện tích rộng lớn, nơi dài nhất lên tới 130 km, nơi rộng nhất tới 70 km, có diện tích hơn 6 000 km² và là một trong những rạn san hô lớn nhất thế giới. Mặc dù có kích thước lớn nhưng nó không hề nhô lên khỏi mặt nước ngay cả khi triều xuống. Phần nông nhất là bãi cạn Walker, lúc triều xuống thấp nhất vẫn cách mặt biển hơn 9 mét. Phần sâu nhất trong đầm phá của rạn san hô lên tới 100 mét. Vì vậy, trên thực tế, những "đảo" này không phải là đất liền, cũng không xứng đáng với danh hiệu "đảo". Gọi những rạn san hô ngầm này là một quần đảo thì khá nhầm lẫn.


Tuy nhiên, theo Trung Quốc, quần đảo Trung Sa không chỉ giới hạn ở rạn san hô vòng Macclesfield, mà bao gồm một số rạn san hô xa xôi ở phía đông, bắc và nam của nó. Chúng không liên quan gì đến rạn san hô Macclesfield về mặt địa lí và cũng không liên quan gì với nhau. Một vài bãi ngầm ở phía nam là không đáng kể. Các bãi ngầm chính ở phía bắc là Helen Shoal và St. Esprit Shoal, chỉ cách vùng biển Hong Kong vài km. Một số đảo đá ở phía đông từ nam đến bắc, chủ yếu là bãi Scarborough (đảo Hoàng Nham), bãi ngầm Hiến pháp (còn được gọi là Truro Shoal, Bắc Kinh gọi là bãi cạn Đặc Lỗ,) và bãi cạn Stewart. Bãi cạn Quản Sự hay còn gọi là bãi Quản Sự, từng là bãi đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng do vị trí thực tế của nó nằm ngoài đường 9 đoạn của Trung Quốc nên chính quyền Bắc Kinh không còn coi bãi Quản Sự là lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Nguyên nhân và lí do chính xác tại sao các đảo và rạn san hô cách xa rạn san hô Macclesfield này được chính phủ Trung Quốc đưa vào quần đảo Trung Sa vẫn chưa rõ ràng, nhưng có lẽ nó liên quan đến mong muốn củng cố yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với bãi Scarborough. Hiện nay, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trung Sa, nhưng không bên nào thực sự kiểm soát lãnh thổ này (vì đều nằm dưới mặt nước). Quần đảo Trung Sa ban đầu được đặt tên là quần đảo Nam Sa vào năm 1935, nhưng đã được đổi thành tên hiện tại sau thế chiến thứ hai.


1.5 Đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough)


Đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) thực ra là một rạn san hô vòng do nhiều rạn san hô hợp thành. Tổng diện tích của rạn san hô vòng và đầm phá lên tới 150 km², nhưng chỉ có một phần nhỏ của nó lộ ra trên mặt nước khi triều lên. Trung Quốc coi bãi cạn Scarborough là một phần của quần đảo Trung Sa. Nhưng trên thực tế, bãi cạn Scarborough cách rạn san hô vòng Macclesfield (Trung Sa) khá xa, khoảng cách tính theo đường thẳng là 375 km, thậm chí còn xa hơn khoảng cách từ rạn san hô vòng Macclesfield đến quần đảo Hoàng Sa. Bãi Scarborough gần đảo Luzon của Philippines hơn, chỉ cách 220 km. Về mặt địa lí, không có mối quan hệ nào giữa bãi Scarborough và rạn san hô Macclesfield. Xét rằng Scarborough là một bãi cạn có thể nổi lên khỏi mặt nước, trong khi rạn san hô Macclesfield và các bãi ngầm khác bao gồm trong quần đảo Trung Sa chỉ là những rạn san hô luôn nằm chìm dưới mặt nước, thì việc quy bãi  Scarborough thuộc quần đảo Trung Sa là hết sức khiên cưỡng. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới coi bãi cạn Scarborough là một phần của quần đảo Trung Sa, điều này có lẽ nhằm củng cố lập luận rằng bãi cạn Scarborough thuộc về Trung Quốc: Scarborough rất xa Trung Quốc, nhưng gần Philippines hơn, trong khi quần đảo Trung Sa thì ngược lại. Nếu coi bãi cạn Scarborough là một quần đảo độc lập thì sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc trong việc tranh giành chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough .


Bãi cạn Scarborough được Trung Quốc, Đài Loan và Philippines tuyên bố chủ quyền. Về mặt hành chinh nó thuộc thành phố Tam Sa của Trung Quốc, thành phố Cao Hùng của Đài Loan và Masinloc thuộc tỉnh Zambales của Philippines. Trước năm 2012, bãi cạn Scarborough do Hải quân Philippines kiểm soát trên thực tế (Hải quân Philippines tuần tra vùng biển lân cận). Tháng 4/2012, Trung Quốc và Philippines đối đầu nhau về bãi Scarborough, châm ngòi cho một đợt xung đột mới ở biển Đông. Có vẻ như Trung Quốc đã kiểm soát thành công bãi cạn Scarborough, nhưng Philippines không từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn này.


1.6 Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa, Paracel Islands)


Quần đảo Hoàng Sa lớn hơn nhiều so với ba quần đảo trên. Nó nằm cách đảo Hải Nam 330 km về phía tây nam và cách bờ biển phía đông của Việt Nam một khoảng tương tự. Số lượng đảo, đá ở quần đảo Hoàng Sa có thể khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào tiêu chuẩn và phạm vi thống kê. Thống kê của Trung Quốc thường cho rằng có hơn 30 đảo san hô; trong khi thống kê của phương Tây, theo Encyclopedia Britannica, quần đảo Hoàng Sa bao gồm khoảng 130 đảo san hô và đá ngầm.[] Quần đảo Hoàng Sa được gọi là quần đảo “7 trên 8 dưới” (thượng thất hạ bát), có nghĩa là ngoài một số đảo tương đối độc lập như đảo Đông (đảo Lincoln) ở phía đông và đảo Trung Kiến (đảo Triton) phía Tây Nam, các đảo còn lại của rạn san hô vòng chủ yếu được chia thành hai cụm đảo: cụm đảo Tuyên Đức (nhóm Hải Hậu /An Vĩnh / Amphitrite) ở phía đông bắc và cụm đảo Vĩnh Lạc (nhóm  Mỗi Nguyệt / Lưỡi Liềm / Crescent) ở phía tây nam. Cụm trước có 7 đảo liền kề nhau và cụm sau có 8 đảo chính. Hai cụm đảo này cách nhau khoảng 70 km và lần lượt nằm trên 2 rạn san hô vòng An Vĩnh và Lưỡi Liềm (Hình 2).


Hình 2 Quần đảo Hoàng Sa


Rạn san hô An Vĩnh một rạn san hô vòng chưa hoàn chỉnh, phần phía tây còn khiếm khuyết và phần phía nam bị chìm xuống. Phần phía đông bắc của rạn san hô này còn được gọi là nhóm đảo Thất Liên (Thất Liên tự), và hai đảo quan trọng là Tây Sa (cồn cát Tây / West Sand) và đảo Cây (Tree Island). Nhưng đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong cụm đảo là đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm / Woody Island) cũng nằm trên rạn san hô vòng này, và cũng là đảo lớn nhất (ở trạng thái tự nhiên) trong quần đảo Hoàng Sa và thậm chí cả trong các đảo ở biển Đông, với diện tích khoảng 2,1 km². Trên đảo cây cối tươi tốt, từ đó có tên [Phú Lâm/ Woody]. Nó luôn là cứ điểm chính của chính phủ Trung Quốc ở Hoàng Sa và hiện là trụ sở chính quyền của thành phố Tam Sa mới thành lập của Trung Quốc. Đảo Đá (Rocky Island) ở phía đông bắc của đảo Phú Lâm có điểm cao nhất của quần đảo Hoàng Sa, 14 mét so với mực nước biển. Nó và Phú Lâm nằm trên cùng một nền san hô và lúc triều xuống thậm chí có thể qua lại bằng cách lội bộ trên biển. Bây giờ chúng được nối với nhau bằng một bờ đê nhân tạo.


Rạn san hô vòng Lưỡi Liềm là một rạn san hô vòng điển hình bao gồm 8 khối đảo bao quanh một đầm phá trung tâm. Diện tích đầm phá của nó lớn hơn cụm đảo An Vĩnh, nhưng diện tích của các đảo trên mặt nước lại nhỏ hơn. Những khối này tạo thành tổng cộng 13 đảo riêng lẻ nhô ra ngoài. Quan trọng nhất trong số đó là đảo San Hô (Hoàng Sa / Pattle Island), cao nhất và có hình dáng đều đặn, từ lâu đã là trung tâm cai quản của Pháp và Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật / Robert Island) trên có giếng nước ngọt, từ đó mà có tên đảo. Cũng đáng nhắc đến là đảo Kim Ngân (Quang Ảnh / Money), đảo Sâm Hàng (Quang Hòa / Duncan) và đảo Tấn Khanh (Duy Mộng / Drummond). Đảo Quang Hoà là đảo có diện tích lớn nhất trong cụm Lưỡi Liềm, và nó là chiến trường chính trong trận hải chiến Hoàng Sa Trung-Việt năm 1974.


Các rạn san hô vòng khác bao gồm rạn san hô vòng đảo Đông phía cực đông, một rạn san hô vòng manh mún với đảo chính của nó là đảo Lincoln (Linh Côn), có diện tích hơn 1 km² và là một trong những hòn đảo được người phương Tây đặt tên sớm nhất. Bên cạnh đảo Đông (Linh Côn / Lincoln) là đá Cao Tiêm (hòn/đá Tháp / Pyramid Rock), một rạn san hô chỉ cao 6 mét và là đảo núi lửa duy nhất trong số các đảo ở biển Đông.


Rạn san hô vòng Hoa Quang (đá Lồi / Discovery Reef) nằm ở phía nam của cụm Trăng Khuyết, là một nền san hô lớn phát triển tốt với đường kính 31 km từ đông sang tây và 12 km từ bắc xuống nam. Khi triều xuống, toàn bộ rạn san hô có thể lộ ra, nhưng khi triều lên chỉ một ít khối san hô riêng lẻ có thể nhô lên khỏi mặt nước. Ở giữa là một đầm phá lớn với độ sâu hơn 70 mét. Các rạn san hô khác có đá Bắc (North Reef), đá Lãng Hoa  (Bông Bay / Bombay Reef), đá Ngọc Trác (Chim Yến / Vuladdore Reef), v.v.


Đảo Trung Kiến (Tri Tôn / Triton Island) ở phía cực tây nam nằm trên một rạn san hô vòng hoàn chỉnh với đầm phá ở giữa đã biến mất. Trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa năm 2014, giàn khoan HD 981 nằm cách đảo Tri Tôn 17 hải lí. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.Trước năm 1974, Trung Quốc đại lục chiếm cụm đảo An Vĩnh và Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt) chiếm cụm đảo Trăng Khuyết. Trong trận hải chiến năm 1974, Trung Quốc đại lục đã đánh đuổi quân đội Việt Nam Cộng hòa và chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, kiểm soát nó trên thực tế cho đến tận bây giờ. Nhưng Việt Nam chưa từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.


Hiện nay, về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Tam Sa của Trung Quốc, thuộc thành phố Cao Hùng của Đài Loan, và thuộc Đà Nẵng (Thành phố Đà Nẵng) của Việt Nam.


1.7 Quần đảo Nam Sa (Trường Sa, Spratly Islands)


Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là quần đảo lớn nhất ở biển Đông, có hơn 750 đảo, cồn cát, bãi đá v.v.. dưới nhiều hình dạng khác nhau không thể mô tả hết ở đây.  Các cồn, bãi, đảo này đều phát triển trên các bãi đá ngầm. Nền móng của các rạn đá và đảo ở biển Đông có kích thước khác nhau: một số rạn san hô rất nhỏ, chỉ là một rạn san hô duy nhất; một số, chẳng hạn như bãi Lễ Nhạc (Cỏ Rong / Reed BankBank), khá lớn, thậm chí còn lớn hơn cả rạn san hô Trung Sa (Macclesfield).  Có thể dựa trên nền móng của rạn san hô như một đơn vị để lí giải các địa hình chủ yếu của Trường Sa (Hình 3).


Hình 3:  Phân chia, đảo chính và rạn san hô và chiếm đóng quần đảo Nam Sa.

(Trung Quốc: tam giác đỏ; Việt Nam: bóng hồng, Philippines: mũi tên xanh, Malaysia; bóng xanh nhạt, Đài Loan: bóng màu gạch)


Cấu trúc địa chất của quần đảo Trường Sa khá phức tạp.  Mặc dù bây giờ nó thường được cho là một quần đảo, nhưng trên thực tế các phần của nó nguồn gốc địa chất khác nhau. Về tổng thể, quần đảo Trường Sa chạy theo hướng đông bắc-tây nam, và phần chính của nó được cấu tạo theo 2 nhánh hướng đông bắc-tây nam được ngăn cách bởi một rãnh nước sâu cũng hướng đông bắc-tây nam, phần phía bắc được gọi là "kênh Đông Trường Sa", phần phía nam được gọi là "kênh Bắc Khang" (North Luconia Channel).  Hai bên hai biển đều có đường thủy.  Ở phía tây bắc có tên là "kênh Tây Trường Sa" và ở phía đông nam là "Rãnh Trường Sa" (còn được gọi là Máng/Rãnh Palawan [Trough], nằm giữa đảo Palawan và quần đảo Trường Sa).  Ba tuyến đường thuỷ này là những lối đi mà tàu thuyền chọn để đi qua quần đảo Trường Sa theo hướng bắc nam.


Hai nhánh đảo này bị một đới đứt gãy tây bắc - đông nam cắt đứt, tạo thành một kênh theo cùng hướng, đó là "kênh Nam Hoa" (còn gọi là kênh Hạc Lạc Môn / USS Pigeon Passage), đó là lựa chọn duy nhất để đi xuyên qua quần đảo Trường Sa theo hướng đông tây. Do đó, quần đảo Trường Sa có thể được chia thành bốn khu vực theo kênh Nam Hoa, kênh Đông Trường Sa và kênh Luconia  Bắc. Nói một cách đại khái, 4 khu vực này thuộc các đơn vị địa chất khác nhau: phần phía tây thuộc về Cao nguyên ngầm Trường Sa, phần phía nam thuộc thềm lục địa Tây Bắc Kalimantan, phần phía đông là sườn phía tây bắc của rãnh Palawan và phần phía bắc thuộc thềm biển sâu ở trung tâm biển Đông. Phần phía bắc của Trường Sa là khu vực tập trung nhiều đảo nhất, do chịu ảnh hưởng của gió mùa nên các đảo san hô ở khu vực này cũng chạy theo hướng đông bắc - tây nam, rất đều đặn, có đặc điểm rõ rệt, ở đây chủ yếu có 5 nhóm rạn san hô vòng, từ bắc xuống nam là:



Rạn Song Tử.  Đây là đảo đá gần lục địa Trung Quốc nhất trong quần đảo Trường Sa, đồng thời cũng có dấu vết xưa nhất của người Trung Quốc.  Rạn san hô này bao gồm hai đảo rất gần nhau, Nam Tử (Song Tử Tây / Southwest Cay) và Bắc Tử (Song Tử Đông / Northeast Cay).  Ngư dân Trung Quốc gọi nó là "Song Trĩ" (雙峙).  Diện tích của nó lần lượt đứng thứ sáu và thứ năm ở Trường Sa.  Có thể thấy có những ngôi mộ của Trung Quốc từ cuối triều đại nhà Thanh trên đảo Song Tử Đông, chỗ mà ngư dân Hải Nam từng sử dụng làm điểm dừng chân đầu tiên trên đường đến quần đảo Trường Sa.  Tên tiếng Anh của hai hòn đảo hoàn toàn là mô tả định hướng và có lẽ không có nguồn gốc cụ thể.  Hai đảo này hiện tương ứng do Việt Nam và Philippines chiếm đóng.



Bãi cạn Vĩnh Đăng (đảo Đinh Ba / Trident Shoal)- Bãi cạn Nhạc Tư (đá Men Di / Lys Shoal) - đá Trung Nghiệp (đảo Thị Tứ / Thitu Island) - đá Chữ Bích (Xu Bi / Subi Reef). Trong số này, cụm đảo Thị Tứ là quan trọng nhất.  Cụm các đảo đá này do hai rạn san hô vòng Đông và Tây họp thành.  Ở phía đông của rạn san hô vòng Tây là đảo Thị Tứ, lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa.  Ngư dân Trung Quốc ở Hải Nam gọi nó là "Thiết Thì" (Tie Shi / 鐵時), nguồn gốc tên tiếng Anh của nó được cho là chuyển từ tên theo cách gọi của người Hải Nam.  Đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát và đã trở thành trung tâm hành chính của quần đảo "Kalayaan" của Philippines với cơ sở vật chất hoàn chỉnh bao gồm sân bay và trường học.  Ở phía tây của rạn san hô vòng Tây là đá Thiết Tuyến (鐵線 / đá Hoài Ân / Sandy Cay).  Phía tây nam đá Hoài Ân  là đá Chữ Bích (Xu Bi / Subi Reef). Ở trạng thái tự nhiên, chỉ một phần nhỏ của đá Xu Bi có thể nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống, vì vậy nó không được coi là một đảo về mặt pháp lí, nhưng hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng và đã bồi đắp thành một bãi đất phẳng. Trong năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp các đảo quy mô lớn ở biển Đông, và đá Xu Bi đã được mở rộng thành đảo nhân tạo với diện tích vài km².


Bãi Trường (bãi Dài) - đảo Tây Nguyệt (đảo Bến Lạc / Dừa /.(West York Island) - đá Hoả Ngải (đá Cá Nhám / Irving Reef) - cụm đá Đạo Minh (Loại Ta).  Đảo Bến Lạc là đảo lớn thứ ba trong quần đảo Trường Sa, hiện do Philippines chiếm đóng, trên đảo không có nước ngọt, rất khó cung cấp, chỉ có một đơn vị nhỏ trú đóng.  Bãi và đá Loại Ta là một rạn san hô vòng điển hình phát triển tốt với các cấu trúc điển hình như cồn, cửa, đảo và đá ngầm.  Ở rìa phía nam có đảo Loại Ta Nam, cồn Dương Tín (Lan Can / Lankiam Cay) và đảo Nam Thượt (Loại Ta Lolaita Island)). Đảo Nam Thượt là đảo lớn thứ mười và thấp nhất trong quần đảo Trường Sa, có nước ngọt và hiện do Philippines chiếm đóng. Cồn Lan Can là đảo đá nhỏ nhất trong quần đảo Trường Sa, với diện tích tự nhiên chỉ 4 400 m² và cũng do Philippines kiểm soát.


Đá Đại Hiện (đá Lớn / Discovery Great Reef) - đá Tiểu Hiện (đá Nhỏ / Discovery Small Reef) - cụm đá Trịnh Hoà (Cụm Nam Yết / Tizard Bank)- đá Hằng (đá Núi Trời /Ganges Reef) - đá Bắc Hằng (Ganges North Reef). Cụm Nam Yết thực sự là một rạn san hô vòng lớn với diện tích 2 247 km², khiến nó trở thành một trong những rạn san hô vòng lớn nhất ở biển Đông. Có một số đảo đá trên rạn san hô vòng Nam Yết, đó là rạn san hô vòng tạo ra nhiều đảo nhất. Đảo Thái Bình (Ba Bình / Itu Aba) nằm ở góc tây bắc của rạn san hô, diện tích 0,43 km², là đảo lớn nhất (ở trạng thái tự nhiên) trong quần đảo Trường Sa. Đảo này có nước ngọt, hiện đang bị Đài Loan chiếm đóng và có một sân bay. Ngư dân Hải Nam gọi nó là Hoàng Sơn Mã, theo người Trung Quốc, tên tiếng Anh là phiên âm của tên Hải Nam (Widuabe), nhưng cũng có thuyết nói rằng nó bắt nguồn từ từ "ituapa" trong tiếng Mã Lai (tức là "đây là gì"), và một số người nói rằng nó xuất phát từ tên của hai người Việt Nam đã vẽ bản đồ đảo này dưới thời Pháp (Tư và Ba).[6] Cồn cát Đôn Khiêm (đảo Sơn Ca / Sand Cay) nằm ở phía đông của đảo Ba Bình, với diện tích 70 000 m², có thể coi là hòn đảo có thể lộ trên mặt nước. Hiện do Việt Nam chiếm đóng.


Đảo Hồng Hưu (Nam Yết / Nanyit) nằm ở phía nam của cụm Nam Yết, với diện tích 80 000 m² và hiện do Việt Nam chiếm giữ. Tên tiếng Anh có thể xuất phát từ tên "Nam Ất" (南乙: nanyi) do ngư dân Hải Nam gọi. Ở phía cực tây của cụm Nam Yết là đá Nam Huân (Ga Ven / Gaven Reef). Ban đầu nó vốn là một rạn san hô gần như không nổi trên mặt nước, nhưng hiện đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Năm 1990, sự cố đá Ga Ven xảy ra, 5 trong số 11 người bảo vệ đã thiệt mạng và 6 người mất tích, nguyên nhân và quá trình của sự cố vẫn chưa được biết. Đá An Đạt (Én Đất / Eldad Reef) trên rạn Nam Yết cũng do Trung Quốc kiểm soát.


Cụm Cửu Chương (Sinh Tồn / Union Banks/Reef). Nó gần với kênh USS Pigeon và kênh Đông Trường Sa, nằm phía cực nam của bộ phận phía bắc của quần đảo Trường Sa, đồng thời cũng là một rạn san hô vòng điển hình. Đảo Cảnh Hoành (Sinh Tồn / Sin Cowe) nằm ở phía bắc phần trung tâm, diện tích 80 000 m², hiện do Việt Nam chiếm đóng. Tên tiếng Anh của nó, Sin Cowe, có thể xuất phát từ tên gọi "câu” (鉤: gou) của ngư dân Hải Nam. Cồn cát Nhiễm Thanh (đảo Sinh Tồn Đông /Grierson Reef) và đá Quỷ Hảm (Cô Lin / Collins Reef) cũng nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam.


Hầu hết các rạn san hô khác trong cụm Sinh Tồn đều do Trung Quốc chiếm đóng, bao gồm đá Đông Môn (Tư Nghĩa / Hughes Reef), đá Tây Môn (Ken Nan / Mckennan Reef) ở phía bắc, đá Ngưu Ách (Ba Đầu / Whitsun Reef) ở cực đông và đá Xích Qua (Gạc Ma / Johnson Reef) ở cực tây. Năm 1988, trận hải chiến đá Gạc Ma nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam, và Trung Quốc lần đầu tiên thiết lập một thành trì quân sự ở Nam Sa.


Phần phía đông Trường Sa có nhóm bãi ngầm lớn nhất, và khu vực này trước đây được gọi là Khu vực Nguy hiểm (Dangerous Zone),[7] là khu vực mà tàu thuyền cố hết sức để tránh. Các rạn san hô vòng ở khu vực này nằm rải rác và không theo quy luật nhất định nên chúng tôi chỉ có thể chọn những rạn quan trọng để giới thiệu.


Ở góc cự đông bắc là bãi Lễ Nhạc (Cỏ Rong / Reed Bank), là rạn san hô vòng chỉ gồm một khối lớn nhất ở biển Đông, với diện tích 8 866 km² và nước chỉ sâu từ 9 đến 45 mét, lớn hơn rạn san hô Macclesfield. Bãi Cỏ Rong được biết là khu vực có tiềm năng phát triển dầu mỏ. Cả Philippines và Trung Quốc đều đang để mắt đến nó. Ở phía tây nam của bãi Cỏ Rong có rạn san hô vòng La Khổng, ngoài ra còn có đảo Mã Hoan (Vĩnh Viễn / Nanshan) và đảo Phí Tín (đảo Bình Nguyên / Flat ). Diện tích của chúng lần lượt là 60 000 và 40 000 km², chúng là hai đảo đá duy nhất ở phía đông, và cả hai đều do Philippines chiếm đóng.


Ở phía nam của hai đảo này là đá Ngũ Phương (bãi Hải Sâm / Jackson Atoll), và ở phía nam là đá Mĩ Tế (Vành Khăn / Mischief). Sau hai sự cố ở đá Vành Khăn năm 1995 và 1997, đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng và trở thành trung tâm quân sự, giám sát biển của Trung Quốc ở phía đông. Sau một năm Trung Quốc bồi đắp đảo, đá Vành Khăn đã trở thành đảo nhân tạo lớn nhất ở Trường Sa. Về phía đông của đá Vành Khăn là đá Nhân Ái (bãi Cỏ Mây / Second Thomas Shoal). Một tàu chiến của Philippines đã mắc cạn ở đó từ năm 1999, hình thành quyền kiểm soát thực tế của Philippines ở đây. Năm 2013, sự kiện đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi Cỏ Mây đã gây ra căng thẳng lớn trên biển Đông. Về phía đông của bãi Cỏ Mây là đá Bán Nguyệt (bãi Trăng Khuyết / Half Moon Shoal), rất gần với đảo Palawan. Năm 2012, một tàu chiến Trung Quốc mắc cạn tại khu vực này làm dấy lên nghi vấn liệu Trung Quốc có muốn bắt chước Philippines giành quyền kiểm soát đảo bằng cách mắc cạn hay không, nhưng hóa ra đó chỉ là báo động giả. Hiện nay, tuyến đá Vành Khăn - bãi Cỏ Rong - bãi Sa Bin (Sabina Shoal) - bãi Trăng Khuyết đã trở thành điểm nóng trong cuộc giằng co Trung- Phi. Nói tóm lại, ở phía đông của quần đảo Trường Sa chủ yếu là bãi cạn và đá ngầm, chỉ có hai đảo nhỏ do Philippines chiếm giữ, và chỉ có Trung Quốc và Philippines chiếm giữ các đảo và đá ngầm ở đây. 


Các đảo, rạn san hô và bãi đá ở phần phía nam của quần đảo Trường Sa cũng được sắp xếp theo hướng đông bắc-tây nam, nhưng chỉ có bãi An Ba (đảo An Bang / Amboyna Cay) có thể được gọi là đảo. Ở phía đông bắc của khu vực này, có ba đảo đá đứng theo thế chân vạc: 

  • đá Tư Lệnh (Công Đo / Commodore Reef) nằm ở phía nam của nơi đối đầu Trung-Philippines nói trên, hiện do Philippines chiếm đóng. Cùng với bãi Cỏ Mây, nó làm thành bình phong cho đảo Palawan của Philippines ngăn chống các cứ điểm của Trung Quốc. 

  • đá Vô Khiết (Tiên Nữ / Pigeon Reef, Tennent Reef) ở phía tây bắc Công Đo, do Việt Nam kiểm soát. 

  • bãi ngầm Du Á (bãi Thám Hiểm / Investigator Shoal) phía đông nam Tiên Nữ, của do Malaysia kiểm soát. Cả ba do Philippines và Việt Nam và Malaysia tương ứng chiếm đóng vào khoảng năm 1999, hình thành thế giằng co,


Đá An Bang (Amboyna Cay) nằm ở phía tây của bộ phận phía nam, gần kênh Luconia Bắc, với diện tích 20 000 m², và hiện đang do Việt Nam. chiếm đóng. Vào cuối thế kỉ 19, chính phủ Borneo thuộc Anh đã cấp giấy phép cho các doanh nhân muốn phát triển tại đây. Dọc theo tuyến đá Tiên Nữ và đảo An Bang, còn có đá Nam Hoa (Núi Le / Cornwallis South Reef), đá Tất Sinh (Phan Vinh / Pearson), đá Lục Môn (Tốc Tan / Alison) và đá Bách (bãi Thuyền Chài / Barque Canada Reef) đều do Việt Nam chiếm đóng. Các đảo và bãi đá ngầm này tạo thành một tuyến phòng thủ hoàn chỉnh của Việt Nam ở phía Nam.

.

Phía nam bãi Thám Hiểm về cơ bản là phạm vi ảnh hưởng của Malaysia. Phía tây nam của nó là đá Nam Hải (đá Kì Vân /(Mariveles Reef) do Malaysia kiểm soát, có sân bay trực thăng. Ở phía tây nam của đá Kì Vân là đá Đạn Hoàn (Hoa Lau / Swallow Reef) nổi tiếng, ban đầu là một vành đai dài và hẹp chỉ có thể nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống. Năm 1983, Malaysia nắm quyền kiểm soát khu vực này và xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn đầu tiên ở quần đảo Trường Sa. Hiện tại, nó có diện tích 100 000 m² và là một trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng dưới nước nổi tiếng, với một sân bay đã xây xong. Về phía tây nam của đá Hoa Lau là đá Nam Thông (Louisa Reef), là rạn san hô duy nhất mà Brunei tuyên bố chủ quyền. Năm 1993, Malaysia giành quyền kiểm soát nơi này, hình thành tuyến bãi Thám Hiểm - đá Kì Vân - đá Hoa Lau - đá Louisa, trực tiếp đối đầu với tuyến kiểm soát của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2009, thông qua đàm phán, Malaysia và Brunei đã chuyển giao đá Louisa cho Brunei, trở thành khuôn mẫu cho các bên ở biển Đông giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới trên biển.


Ở phía nam đảo An Bang có các bãi cạn Minh Nghị (Friendship Shoal), Khang Tây (Luconia West Shoal) và Nam Khang (South Luconia Shoal). Các bãi này đều nằm trên thềm lục địa của Malaysia, nơi đây cũng có nhiều dầu mỏ, do Malaysia kiểm soát thực tế và có nhiều năm kinh nghiệm khai thác dầu mỏ. Ở phía nam của những bãi ngầm này là bãi Tăng Mẫu (James Shoal) mà Trung Quốc tuyên bố là "lãnh thổ cực nam", thực chất là một bãi ngầm rộng lớn, có điểm cạn nhất cách mặt nước 18 mét, không cấu thành lãnh thổ theo nghĩa của luật quốc tế. Trên bình diện quốc tế, các cấu trúc phía nam bãi Friendship không được coi là một phần của quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, bãi James hết sức gần bờ biển Malaysia, với khoảng cách gần bằng nửa khoảng cách của bãi Nam Luconia tới bờ, và về mặt địa lí, nó không thuộc quần đảo Trường Sa. Điểm này cần được xem xét trong luật pháp quốc tế. Gần bãi James là bãi ngầm Bát Tiên (Parsons Shoal) và Lập Địa (Lidi Shoal). Hai bãi này ban đầu nằm trong danh sách các đảo đá do Quốc Dân Đảng đưa ra năm 1947, nhưng trong danh sách do Trung Quốc đưa ra năm 1983, chúng là 2 trong số 3 địa danh “tạm thời không được công bố, cũng không được trích dẫn công khai và cung cấp cho thế giới bên ngoài" (địa danh thứ ba là bãi Quản Sự [Stewart Bank]).[8] Điều đáng nói là mặc dù Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa, định nghĩa về Trường Sa của Việt Nam không bao gồm bãi Friendship và các bãi phía nam nó. Bộ phận phía Tây của Trường Sa gần với Kênh USS Pigeon là đá Vĩnh Thử (Chữ Thập), do Trung Quốc kiểm soát và là cứ điểm quân sự chính của Trung Quốc ở phía tây của quần đảo Trường Sa. Bây giờ Trung Quốc đang xây dựng các đảo ở biển Đông, sử dụng đá Chữ Thập làm trung tâm quân sự với quy mô lớn và hiện được coi là đã trở thành đảo nhân tạo quy mô lớn. Ở phía nam của đá Chữ Thập là cụm Duẫn Khánh (cụm London / London Reefs). Nó bao gồm 4 rạn san hô chính: đá Hoa Dương (Châu Viên / Cuarteron Reef), đá Đông (East Reef), đá Giữa (Central Reef) và đá Tây (West Reef). Đá Châu Viên do Trung Quốc kiểm soát, nước này cũng đang xây đảo nhân tạo với quy mô lớn trên đó. Ba bãi đá còn lại do Việt Nam kiểm soát, nhưng Việt Nam chỉ làm nhà giàn trên đó, rất đơn sơ so với đá Châu Viên gần đó.


Phía nam cụm London là đảo Nam Uy (Trường Sa / Spratly), đảo lớn thứ tư trong quần đảo Trường Sa, với diện tích khoảng 140 000 m². Từ tên tiếng Anh của nó, có vẻ như nó là đảo chính của quần đảo Trường Sa, nhưng về mặt địa lí thì không phải vậy. Đây là đảo đầu tiên Việt Nam chiếm đóng sau khi giành được độc lập, sau nhiều năm xây dựng, nó cũng đã trở thành trung tâm hành chính và quân sự của Việt Nam tại Trường Sa. Ở phía tây của đảo Trường Sa là đá Nhật Tích (đá Lát / Ladd Reef), cũng do Việt Nam kiểm soát.


Ở phía nam và phía tây của đảo Trường Sa không có đảo đá nào mà chỉ có các bãi ngầm, tất cả đều do Việt Nam kiểm soát trên thực tế. Bãi Vạn An (Tư Chính / Vanguard Bank) ở cực tây được biết đến nhiều nhất với các mỏ dầu đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những năm 1990. Cuối cùng, Trung Quốc đã ngừng phát triển mỏ dầu ở đây.


1.8 Tranh chấp và tình trạng chiếm đóng của các đảo ở biển Đông


Trong số các tranh chấp về đảo ở biển Đông, có thể chia thành 3 nhóm: đảo Hoàng Nham (Scarborough Shoal) chỉ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines; quần đảo Hoàng Sa chỉ tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam; quần đảo Trường Sa là quần đảo có nhiều tranh chấp nhất, liên quan đến 5 nước gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei nhưng tranh chấp gay gắt chủ yếu tập trung giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đối với quần đảo Trường Sa, phạm vi tuyên bố chủ quyền của mỗi nước khác biệt nhau. Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa: yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa không bao gồm một số bãi ở phía nam (như bãi James, bãi Luconia bắc v.v.); yêu sách của Philippines đối với quần đảo Trường Sa không bao gồm các bãi ở phía nam nói trên, đảo Trường Sa và các bãi, đảo, đá phía tây của nó; Malaysia về cơ bản chỉ tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và rạn san hô nằm trên phần mở rộng của thềm lục địa của mình (chủ yếu là các rạn san hô và bãi cạn ở phía nam); Brunei chỉ tuyên bố chủ quyền đối với đá Louisa.


Về kiểm soát thực tế, theo Trung Quốc, Việt Nam có số lượng đảo và bãi đá ngầm nhiều nhất ở quần đảo Trường Sa, lên tới 29 đảo:[9] đảo Nam Yết (Hồng Hưu / Nanyit Island)), đảo Trường Sa (Nam Uy / Spratly Island), đảo Sinh Tồn (Cảnh Hoành / Sin Cowe Island), đảo Song Tử Tây (Nam Tử / Southwest Cay), đảo Sơn Ca (Đôn Khiêm / Sand Cay), đảo An Bang (An Ba / Amboyna Cay), đảo Sinh Tồn Đông (Nhiễm Thanh / Grierson Reef), đá Giữa (Trung / Central Reef), đá Phan Vinh (Tất Sinh / Pearson Reef), đá Thuyền Chài (Bách / Barque Canada Reef), đá Tây (West Reef), đá Tiên Nữ (Vô Khiết / Pigeon Reef), đá Lát (Nhật Tích / Ladd Reef), đá Lớn (Đại Hiện / Discovery Great Reef), đá Tốc Tan (Lục Môn / Alison Reef), đá Đông (East Reef), đá Núi Le (Nam Hoa / Cornwallis South Reef), đá Núi Thị (Bạc Lan /Petley Reef), đá Nam (Nại La, South Reef), đá Cô Lin (Quỷ Hảm / Collins Reef), đá Len Đao (đá Quỳnh /Lansdowne Reef) , bãi Phúc Tần (Quảng Nhã / Prince of Wales Bank), bãi Ba Kè (Bồng Bột / Bombay Castle), bãi Tư Chính (Vạn An / Vanguard Bank), bãi Phú Nguyên (Tây Vệ /Prince Consort Bank) , bãi Huyền Trân (Nhân Tuấn / Alexandra Bank), bãi Quế Đường ( Lí Chuẩn / Grainger Bank), bãi Orleana (Áo Nam / Orleana Shoal), bãi Vũng Mây (Kim Thuẫn / Kingston Shoal, Rifleman Bank).


Tiếp theo là Philippines, chiếm 10 đảo:[10] đảo Thị Tứ (Trung Nghiêp), đảo Bến Lạc (Tây Nguyệt / West York Island), đảo Song Tử Đông (Bắc Tử / Northeast Cay), đảo Vĩnh Viễn (Mã Hoan / Nanshan), đảo Loại Ta (Nam Thượt), đảo Bình Nguyên (Phí Tín / Flat Island), đảo Loại Ta Nam (Song Hoàng / Loaita Nan Island), đá Công Đo (Tư Lệnh / Commodore  Reef), đá Cá Nhám (Hỏa Ngải / Irving Reef) và bãi Cỏ Mây (Nhân Ái / Second Thomas Shoal).


Malaysia chiếm 8 đảo / đá:[11] đá Hoa Lau (Đạn Hoàn / Swallow Reef), đá Kiêu Ngựa (Quang Tinh Tử / Ardasier Reef), đá Suối Cát (Quang Tinh / Dallas Reef), đá Louisa (Nam Thông / Louisa Reef), đá Kì Vân (Nam Hải / Mariveles Reef), bãi Thám Hiểm (Du Á / Investigator Shoa)l, đá Én Ca (Bá Cơ / Erica Reef), đá Sác Lốt (Hoàng Lộ / Royal Charlotte Reef), và bãi Luconia Bắc ( Bắc Khang / Luconia North Shoal), bãi Luconia Nam (Nam Khang / Luconia South Shoal). Có một số lượng lớn giàn khai thác dầu khí ngoài khơi ở vùng biển lân cận bãi James.


Brunei yêu sách chủ quyền đối với đá Louisa[12] và chủ quyền của nó đối với đá Louisa đã được Malaysia công nhận vào năm 2009, nhưng dường như vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Malaysia. 


Yêu sách của Indonesia không liên quan đến chủ quyền của đảo mà chỉ yêu sách chủ quyền đối với vùng biển gần quần đảo Natuna nơi không có tranh chấp chủ quyền.[13]


Phía Trung Quốc, đại lục đã thực sự chiếm giữ 10 đảo đá: đá Xu Bi (Chữ Bích / Subi Reef), đá Én Đất (An Đạt / Eldad Reef), đá Ga Ven (Nam Huân / Gaven Reef) , Đá Gạc Ma (Xích Qua / Johnson Reef), đá Ba Đầu (Ngưu Ách / Whitsun Reef), đá Tư Nghĩa (Đông Môn /Hughes Reef), đá Ken Nan (Tây Môn / McKennan Reef), đá Chữ Thập (Vĩnh Thử / Fiery Cross Reef), đá Châu Viên (Hoa Dương / Cuarteron Reef) và đá Vành Khăn (Mĩ Tế / Mischief Reef). Ngoài ra, Trung Quốc đại lục gần đây cũng mở rộng phạm vị tuần tra ở các khu vực khác của biển Đông, có thể đã hình thành quyền kiểm soát đối với các đảo đá khác, rất khó đánh giá sức mạnh của các quyền kiểm soát này và chúng không được đưa vào danh sách số liệu thống kê ở đây cho đến thời điểm hiện tại. Một số trong số 10 đảo đá do Trung Quốc đại lục kiểm soát không nổi lên khỏi mặt nước một cách tự nhiên khi triều lên. Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục đã xây dựng các cấu trúc nhân tạo trên đó để chúng có thể lộ trên mặt nước khi triều cao, và gần đây, các dự án bồi đắp đất quy mô lớn đã được thực hiện. Diện tích thực tế của một số đảo đá đã vượt quá đảo Ba Bình, trở thành vùng đất lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.


Đài Loan sở hữu hòn đảo lớn nhất, đảo Ba Bình (Thái Bình / Itu Aba Island)  và bãi Bàn Than (Trung Châu / Southern Tagalog Reef) gần đó.


Trong số các đảo đá này, xét về diện tích tự nhiên, chỉ có 11 đảo đáp ứng điều kiện là "đảo" có thể tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế theo luật quốc tế, tức là đảo có thể ở được.[14] Mười một đảo này hiện đang do Đài Loan, Việt Nam và Philippines chia nhau : Đài Loan chiếm 1 đảo là đảo Ba Bình lớn nhất; Việt Nam chiếm 4 đảo gồm đảo Trường Sa ở phía tây, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn và đảo Nam Yết ở phía bắc; Philippines chiếm 6 đảo phía bắc và phía đông gồm đảo Thị Tứ, đảo Song Tử Tây, đảo Loại Ta, đảo Bến Lạc, đảo Bình Nguyên và đảo Vĩnh Viễn.


--------

* Theo AMTI Island Tracker thì Trung Quốc chỉ chiếm đóng 7 thể địa lí ở Trường Sa (đá Ba Đầu, đá Én Đất không có tên trong danh sách, còn đá Ken Nan và đá Tư Nghĩa xem là một)- ND.

# AMTI  không kể Bàn Than như là một thể dịa lí do Đài Loan chiếm đóng -ND.


_________

1.  “Tổng hợp Địa danh các đảo ở Biển Đông” (南海諸島地名資料彙編), Nhà xuất bản Bản đồ Quảng Đông, 1987, tr 235.

2. Việc phân loại các đảo san hô sau đây chủ yếu dựa theo Tăng Chiêu Phóng (中國南海環礁目錄: Danh mục các đảo san hô ở biển Đông ), do Lữ Nhất Nhiên chủ biên, "南海諸島地理歷史主權: Chủ quyền địa lí và lịch sử của các đảo ở biển Đông", Nhà xuất bản Giáo dục Hắc Long Giang, 1988 , tr. 1-26.

3.. Tào Chiêu Tuyền, "中國古代南海諸島文獻初步分析” (Phân tích sơ bộ các tài liệu cổ đại của Trung Quốc về các đảo ở Biển Đông), "中國歷史地理論叢” (Lịch sử và lí thuyết địa lí Trung Quốc), Số 1, 1991, tr. 133-160.

4. Dữ liệu địa lí của các quần đảo sau chủ yếu được lấy từ "南海諸島: Nam Hải chư đảo” (Các đảo ở biển Đông) của Tăng Chiêu, Nhà xuất bản Nhân dân Quảng Đông, 1986; và "南海諸島地名資料彙編: Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu vị biên” (Biên tập Dữ liệu Địa danh của các đảo ở biển Đông), Nhà xuất bản Bản đồ Tỉnh Quảng Đông, 1987, không có ghi chú đặc biệt từng cái một.

5. Encyclopedia Britannica, 15th Edition, 1998, Vol.9.134.

6.  http://en.wiipedia.org/wiki/Taiping_Island

7. Khu vực nguy hiểm cũng bao gồm một số bãi, đá, cồ ở phía bắc và phía nam gần nhóm bãi ngầm phía đông, phạm vi chính xác của chúng không được xác định rõ ràng.

8.  Quốc vụ CHNDTH (82) Quốc hàm tự, thư số 280 "國務院關於南海諸島地名命名、更名方案的段函” (Quốc vụ viện quan ư Nam hải chư đảo địa danh mệnh danh, canh danh phương án đích đoạn hàm: Thư của Hội đồng Nhà nước về Kế hoạch đặt tên và đổi tên các đảo ở biển Đông).
9. http://www.qstheory.cn/special/5625/5675/201108/t20110802_99156.htm [Theo AMIT Việt Nam chiếm đóng 27 thể địa lí ở Trường Sa, bãi Orleana và bãi Ba Kè không nằm trong danh sách chiếm đóng-ND]
10. http://www.qstheory.cn/special/5625/5675/201108/t20110802_99171.htm [Theo AMTI, Philippines chiếm đóng 9 thể địa lí không bao gồm đá Cá Nhám trong đó và đảo Loại Ta Nam thay bằng Loại Ta Tây (Nam Thượt sa châu / Loai Ta Cay) - ND]
11.http://www.qstheory.cn/special/5625/5675/201108/t20110804_99882.htm [Theo AMTI, Malaysia chỉ chiếm đóng 5 thể địa lí (đá Suối Cát, đá Louisa, đá Sác Lốt không có trong danh sách - ND]
14. Lâm Nhược Linh, "東協與中國達成《南海行動宣言》的意涵與台灣的因應之道” (Ý nghĩa của ‘Tuyên bố Hành động của ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông’ và Phản ứng của Đài Loan), "新世紀智庫論 壇” (Diễn đàn Nhóm chuyên gia Thế kỉ Mới) Số 55, 2011.

















.







No comments: