Sunday, March 1, 2015

Đường chín đoạn của Trung Quốc vẫn vi phạm luật quốc tế [liên quan đến quyền đánh cá]

Đường chín đoạn của Trung Quốc vẫn vi phạm luật quốc tế [liên quan đến quyền đánh cá]


East Asia Forum (27/2/2015)
Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn

Những ý kiến rằng Trung Quốc có thể đòi hỏi quyền đánh cá lịch sử nằm trong đường chín đoạn đã diễn dịch sai luật pháp quốc tế. Lập luận của Sourabh Gupta, nêu trong một bài báo gần đây trên Diễn đàn này, liên quan đến Điều 62 và 123 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã bị bài bác ở nơi khác. Trong bài này chúng tôi cho rằng lập luận của ông liên quan đến Điều 56 cũng sai lầm.

 

Một tàu công vụ của Trung Quốc đuổi theo một tàu Cảnh sát biển Việt Nam với các phóng viên trên tàu ở Biển Đông vào ngày 15 tháng 7, năm 2014.
(Ảnh: AAP)

Chế độ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được nêu ở Điều 56 UNCLOS, chỉ ra rằng một nước có ‘quyền chủ quyền cho mục đích thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý [...] nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong EEZ của mình’. UNCLOS và các giải thích tiếp theo hàm ý rằng quyền khai thác này là độc quyền đúng như tên gọi: các nước khác có thể tham gia vào việc khai thác trong EEZ của nước đó chỉ khi được nước chủ nhà thỏa thuận. Khi một quốc gia trở thành một bên kí kết UNCLOS tức là quốc gia đó từ bỏ mọi yêu sách đối với quyền đánh cá trong EEZ của nước khác, bất kể có các hoạt động đánh cá trong lịch sử. Đổi lại đất nước đó được độc quyền đánh cá trong EEZ của chính mình.

Gupta diễn giải sai phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) vụ tranh chấp Eritrea-Yemen về lãnh thổ biển, coi đó như là ủng hộ quan điểm  rằng một bên kí kết UNCLOS có quyền tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá truyền thống trong EEZ của nước khác. Khi PCA trao chủ quyền đối với một số đảo cho Yemen nhưng cũng để các ngư dân Eritrea tiếp tục chế độ đánh cá truyền thống trong vùng lân cận, phán quyết này liên quan đến chủ quyền đối với các đảo đó chứ không phải đối với EEZ. Trong luật pháp quốc tế, việc thụ đắc chủ quyền và quyền đối với các tài nguyên bên trong EEZ của một quốc gia được điều chỉnh bởi hai chế độ pháp lí khác nhau.

PCA đã xét tới ‘truyền thống Hồi giáo’, ‘truyền thống pháp lí khu vực’, ‘hệ thống luật pháp quốc tế Hồi giáo’, thực tế là các đảo này từng có đặc điểm của một res communis (khu vực chung không thuộc sở hữu pháp lí của bất kì nước nào) trong nhiều thế kỉ, và mãi đến cuối thế kỉ 20 thì Yemen mới nắm lấy chủ quyền. Khi PCA trao chủ quyền các đảo này cho Yemen nhưng đồng thời cũng đã cho ngư dân đánh cá kiểu thủ công Eritrea được quyền tiếp cận tự do vùng biển xung quanh, đó là một phán quyết phù hợp với lịch sử cụ thể về chủ quyền trên những vùng lãnh thổ này. Đó không phải là một quy tắc chung của luật pháp quốc tế. PCA không bị buộc phải áp dụng đúng khái niệm về chủ quyền vốn chủ yếu là một sáng tạo của phương Tây.

Việc tạo ra chế độ EEZ hoàn toàn khác với việc thụ đắc chủ quyền của Yemen đối với các đảo này. Chế độ này không phải là một sáng tạo của phương Tây mà do thương lượng của cộng đồng quốc tế mà có. Trung Quốc tự nguyện đăng kí với nó khi phê chuẩn UNCLOS. Do đó, khó có khả năng tòa án quốc tế sẽ đồng lòng với quan điểm cho rằng Trung Quốc có quyền đơn phương đánh cá trong EEZ của nước khác. Hơn hết, họ sẽ không cho bất cứ nước nào có quyền đánh cá trong EEZ của nước khác trừ khi có một thỏa thuận giữa các nước đó với nhau về mặt này.

Bài học cho Biển Đông là gì? Nếu một tòa án quốc tế được yêu cầu giải quyết các tranh chấp thì toà có thể sẽ trao chủ quyền của các đảo khác nhau cho các nước khác nhau cùng các điều khoản trao quyền cho ngư dân đánh cá kiểu thủ công từ các nước khác tiếp cận các đảo này và lãnh hải 12 hải lí của chúng. Nhưng rất khó có khả năng toà sẽ cho Trung Quốc quyền đánh cá trong toàn bộ khu vựcbên trong đường chín đoạn và cũng rất khó mà cho rằng kĩ nghệ đánh cá hiện đại trong Biển Đông là đánh cá kiểu thủ công.

Chính Trung Quốc có lẽ cũng không chia sẻ quan điểm của Gupta. Khi Trung Quốc tuyên bố có quyền đơn phương đánh cá do lịch sử trong vòng khoảng 50 hải lí từ bờ biển không tranh chấp của các nước khác, liệu họ có chấp nhận rằng các nước đó cũng có quyền hành xử như vậy trong vòng 50 hải lí từ bờ biển không tranh chấp của Trung Quốc hay không? Điều đáng nói là kể từ năm 2009 Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để tống ngư dân Việt ra khỏi ngư trường truyền thống của mình xung quanh quần đảo Hoàng Sa vẫn còn đang tranh chấp.

Lập luận về ‘quyền đánh cá lịch sử’ thực tế là một lập luận thêm thắt sau, không liên quan đến mục đích ban đầu của đường chín đoạn. Theo Tổng thống Đài Loan Ma Ying-jeou (Mã Anh Cửu), khi Chính Phủ Quốc Dân Đảng Trung Quốc công bố bản đồ đường mười một đoạn, mà sau này trở thành đường chín đoạn, đó chỉ là một yêu sách đối với các đảo bên trong nó, chứ không phải quyền đối với khu vực biển trong đó.

Nhưng khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên sau cải cách của Đặng Tiểu Bình, tham vọng của họ ở Biển Đông cũng tăng theo. Điều này làm dậy lên quan điểm cho rằng đường này không chỉ là một yêu sách đối với các đảo mà còn là một yêu sách về quyền đối với vùng biển được nó bao quanh. Vấn đề là, theo luật quốc tế về phân giới biển, đường này không thể nào là một yêu sách hợp lệ về EEZ.

Đối mặt với điều này, các học giả Trung Quốc đã lập luận rằng ‘quyền lịch sử’ là cơ sở để Trung Quốc đưa ra yêu sách biển vượt ngoài khuôn khổ luật về phân định EEZ. Tuy nhiên, các học giả quốc tế hàng đầu đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng lập luận đó là sai sót. Quan điểm của Bộ Ngoại giao Mĩ về vấn đề này thuyết phục hơn nhiều. Các hoạt động đánh bắt cá lịch sử của các dân tộc quanh Biển Đông ở những vùng lúc đó là biển quốc tế không thể nào cho Trung Quốc quyền đánh cá trong EEZ của nước khác hiện nay.

Một trong những con đường tốt nhất có thể có cho công bằng và ổn định ở Biển Đông là Trung Quốc thừa nhận ý nghĩa của bản đồ đường chín đoạn như Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã giải thích rõ. Họ phải thừa nhận rằng những đảo nằm bên trong đó là đối tượng tranh chấp lãnh thổ, và phải đàm phán EEZ thuộc các đảo này với các nước liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Dịch: Phan Văn Song
Hiệu đính: Phạm Quang Tuấn, Lê Vĩnh Trương

No comments: