Bọn quậy phá được trả công ở TQ: Gặp gỡ Đảng 5 hào
Chính phủ Trung Quốc
thuê người để bóp méo, hay làm chệch hướng các thảo luận trên web. Ngải Vị Vị
thuyết phục một "dư luận viên" nói hết mọi thứ.
Newstatesman
17/10/2012
(ẢNH: Marcus Bleasdale
VII)
Tháng 2 năm 2011, Ngải Vị Vị tweet rằng ông muốn thực hiện một
cuộc phỏng vấn với một ‘dư luận viên’ (online commentator). Các ‘dư luận viên’ được
chính phủ hay Đảng Cộng sản Trung Quốc mướn để viết đăng các ý kiến thuận lợi đối
với các chính sách của đảng và để định hình dư luận ở các bảng tin và các diễn
đàn trên mạng. Các ‘dư luận viên’ được gọi là Đảng 5 hào (ngũ mao đảng/50-Cent Party), vì được
biết họ được trả 5 hào (nửa nhân dân tệ) cho mỗi bài post cỗ vũ đường lối của Đảng Cộng sản hoặc
lái cuộc thảo luận ra khỏi nội dung chống đảng.
Dưới đây là bản văn ghi lại cuộc phỏng vấn của Ngải Vị Vị với
một ‘dư luận viện’. Theo yêu cầu, buổi phỏng vấn đã được trả công bằng một iPad.
Để bảo vệ người được phỏng vấn, bản ghi này giấu đi.thông tin cá nhân có liên
quan
Câu hỏi: Tên tuổi, chỗ ở và tên dùng trực tuyến của bạn
là gì?
Trả lời: Tôi
không thể công khai tên mình được. Tôi 26 tuổi. Tôi có quá nhiều tên dùng. Nếu
tôi muốn sử dụng một tên nào đó, tôi chỉ cần đăng ký thôi. Tôi sẽ không nêu
chúng ở đây.
Bạn gọi công việc bạn
làm bây giờ là gì?
Bạn gọi nó là gì cũng chẳng sao cả: ‘dư luận viên’, hướng dẫn
dư luận, hoặc thậm chí "Đảng 5 hào" mà mọi người đều có nghe nói tới.
Trình độ học vấn và
kinh nghiệm làm việc của bạn là gì? Bạn đã bắt đầu công việc hướng dẫn dư luận
thế nào?
Tôi tốt nghiệp đại học và nghiên cứu về ngành truyền thông.
Tôi đã từng làm việc cho một kênh truyền hình, sau đó trong ngành truyền thông
trực tuyến. Tôi luôn ở trong ngành công nghiệp truyền thông tin tức, bốn hoặc
năm năm rồi. Hơn một năm trước, một người bạn hỏi tôi liệu tôi muốn làm một ‘dư
luận viên’, để có thêm thu nhập không. Tôi nói tôi muốn thử một lần xem sao.
Sau đó, tôi phát hiện ra công việc này rất dễ dàng.
Bạn sẽ nhận được chỉ
thị cho công việc lúc nào và từ đâu?
Hầu như mỗi buổi sáng lúc 9 giờ, tôi nhận được một email từ các
cấp trên của tôi – phòng tuyên truyền internet của chính quyền địa phương – bảo
cho tôi biết về những tin mà chúng tôi phải bình luận trong ngày. Đôi khi nó
xác định cụ thể các trang web phải vào bình luận, nhưng nói chung không giới hạn
vào các trang web nhất định: bạn chỉ cần tìm tin có liên quan và bình luận về
nó.
Bạn có thể mô tả chi
tiết công việc của bạn?
Quá trình này có ba bước - nhận nhiệm vụ, tìm kiếm chủ đề, post
ý kiến hướng dẫn dư luận. Nhận nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến việc bạn phải mở hộp
thư của bạn mỗi ngày. Thông thường sau khi có một sự kiện xảy ra, hoặc ngay cả
trước khi tin đó xuất hiện, chúng tôi sẽ nhận được một email nói với chúng tôi
sự kiện đó là gì, rồi những chỉ đạo lái suy nghĩ của các cư dân mạng theo chiều
hướng nào, để làm mờ đi sự tập trung của họ, hoặc để cổ võ nhiệt tình của họ cho
những ý tưởng nhất định. Sau khi chúng tôi tìm thấy các bài viết hoặc tin tức có
liên quan trên một trang web, theo định hướng chung mà cấp trên đưa ra cho
chúng tôi, chúng tôi bắt đầu viết các bài báo, post hoặc trả lời bình luận. Điều
này đòi hỏi rất nhiều kĩ năng. Bạn không thể viết theo cách thật chính thức, bạn
phải che giấu danh tính của bạn, viết các bài báo theo nhiều phong cách khác
nhau, thậm chí đôi khi đối thoại với chính mình, tranh cãi, tranh luận. Tóm lại,
bạn muốn tạo những thứ ảo để thu hút sự quan tâm và ý kiến của các cư dân mạng.
Trong một diễn đàn, có ba vai cho bạn đóng: kẻ lãnh đạo, người
theo đuôi, người đứng nhìn hoặc thành viên bàng quan của công chúng. Lãnh đạo
là người phát biểu tương đối có thẩm quyền, thường xuất hiện sau một tranh cãi
và nói ra với bằng chứng mạnh mẽ. Công chúng thường thấy những người như vậy rất
thuyết phục. Có hai nhóm người theo đuôi đối lập nhau. Vai trò của họ là tiếp tục
tranh luận, cãi cọ hoặc thậm chí chửi thề trên diễn đàn. Điều này sẽ thu hút sự
chú ý của những người quan sát. Cuối cuộc tranh luận, người lãnh đạo xuất hiện,
sẽ đưa ra một số bằng chứng mạnh mẽ, làm cho ý kiến công chúng cùng chiều với
anh ta và hoàn thành mục tiêu. Loại thứ ba là người đứng nhìn, các cư dân mạng.
Họ là đúng "khách hàng" nhắm vào của chúng tôi. Chúng tôi ảnh hưởng
nhóm thứ ba này chủ yếu thông qua việc đóng hai vai kia. Bạn có thể nói chúng
tôi giống như giám đốc, ảnh hưởng đến khán giả thông qua kịch bản, chỉ đạo và diễn
kịch. Đôi khi tôi cảm thấy như tôi có một nhân cách phân liệt.
Về ba vai diễn của bạn,
đó có phải là một chiến thuật phổ biến? Hoặc là có những cách khác?
Có rất nhiều cách. Điều đó ít nhiều có tính tâm lí. Cư dân mạng
hiện nay chin chắn hơn so với trước đây. Chúng tôi có nhiều cách. Bạn có thể
làm cho một điều xấu thậm chí có vẻ tệ hại hơn, tạo ra một kể lể phức tạp, và
làm cho mọi người khi họ nhìn thấy sẽ nghĩ rằng nó là vô nghĩa. Trong thực tế,
nó giống như hai cái âm làm thành một cái dương. Khi đạt đến một độ nhàm chán
nhất định, họ sẽ nghĩ rằng nó có thể không đến nỗi xấu đến thế.
Nguyên tắc hướng dẫn
của công việc của bạn là gì?
Nguyên tắc là hiểu tư tưởng chỉ đạo của cấp trên, chiều hướng
dư luận mong muốn, sau đó bắt đầu công việc riêng của bạn.
Bạn có thể tiết lộ nội
dung của một email giao "nhiệm vụ"?
Ví dụ, "Đừng lan truyền tin đồn, đừng tin vào tin đồn",
hoặc "Ảnh hưởng sự hiểu biết công chúng về sự kiện X", "Cổ vũ chiều
hướng dư luận đúng về XXXX", "Giải thích và làm rõ sự kiện XX, tránh các
nhận xét không đúng sự thật hoặc không hợp pháp xuất hiện"," Đối với
các hiệu ứng xã hội bất lợi tạo ra bởi sự kiện XX gần đây, tập trung vào việc
hướng dẫn những suy nghĩ của cư dân mạng theo hướng đúng XXXX ".
Các loại thông tin mà
bạn thường nhận được là gì?
Chủ yếu chúng là những sự kiện địa phương. Chúng bao gồm trên
60 đến 70% các chỉ đạo địa phương - ví dụ, những người đang nộp đơn khiếu nại,
kiến nghị.
Đối với các sự kiện tầm
cỡ quốc gia, chẳng hạn như Cách mạng Hoa Lài [các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ
diễn ra trên khắp đất nước trong năm 2011], bạn có dính dáng tới không?
Đối với các sự kiện trực tuyến phổ biến như Cách mạng Hoa
Lài, chúng tôi chưa bao giờ nhận được nhiệm vụ có liên quan. Tôi nghĩ cũng hơi lạ.
Có lẽ chúng tôi chưa đủ tầm.
Bạn có thể cho chúng
tôi biết nội dung những lời bình luận mà bạn thường viết?
Các cư dân mạng thường xem những ý kiến thiếu kĩ năng chỉ
đơn giản nói rằng chính phủ là vĩ đại như thế này hay thế khác là một kẻ phản bội.
Chỉ một cái liếc mắt họ biết đằng sau nó là gì. Nguyên tắc tôi tuân theo là:
không trực tiếp khen ngợi chính phủ hay chỉ trích tin tiêu cực. Hơn nữa, giọng
điệu của phát biểu, ID và lập trường của phát biểu phải trông như thể đó là một
thành viên bàng quan của công chúng, chỉ như thế nó mới có thể cộng hưởng với
cư dân mạng. Tóm lại, bạn hướng dẫn cư dân mạng một cách quanh co và để cho họ
thay đổi chủ kiến của mình mà không nhận ra.
Bạn có thể đi ra
ngoài các chủ đề không?
Tất nhiên là bạn có thể đi ra ngoài chủ đề. Khi chuyển sự
chú ý của cư dân mạng và làm mờ sự tập trung công chúng, việc đi ra ngoài chủ đề
rất hiệu quả. Ví dụ, trong tổng điều tra dân số, tất cả mọi người sẽ nói về
tính trung thực và sự cần thiết của nó, thì tôi sẽ post những chuyện tiếu xuất
hiện trong tổng điều tra. Hoặc, trong trường hợp khác, tôi sẽ công bố các quảng
cáo để choán chỗ các bài tin tức chính trị.
Bạn có thể cho chúng
tôi biết một quá trình cụ thể và điển hình của việc "hướng dẫn dư luận"?
Ví dụ, mỗi khi giá dầu tăng, chúng tôi sẽ nhận được một
thông báo "bình ổn cảm xúc của cư dân mạng và chuyển hướng sự chú ý của
công chúng". Ngày hôm sau, khi tin tức về sự tăng giá xuất hiện, cư dân mạng
chắc chắn sẽ lên án nhà nước, CNPC và Sinopec. Tại thời điểm đó, tôi đăng ký một
ID và viết bình luận: "Cứ tăng đi, tăng lên mức nào mà bạn muốn, tôi không
quan tâm. Tốt nhất nếu tăng lên đến 50 nhân dân tệ một lít: nó phục vụ bạn ngay
nếu bạn quá nghèo để lái xe. Chỉ những người có tiền mới nên được cho phép lái
xe trên đường. . ".
Điều này nghe có vẻ như tôi đang mời gọi tấn công mình,
nhưng mục đích là để cư dân mạng tức giận và chuyển hướng sự giận dữ và sự chú
ý từ giá dầu vào tôi. Sau đó tôi sẽ thay đổi ID nhiều lần và bắt đầu lên án chính
mình. Điều này sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn. Sau khi nhiều người đã nhìn thấy
nó, họ bắt đầu tấn công tôi trực tiếp. Dần dần, nội dung của toàn bộ trang cũng
đã thay đổi từ giá dầu tới những gì tôi nói. Điều đó rất hiệu quả.
Khu vực làm việc của
bạn là gì? Các trang web bạn có ý kiến là các trang nào? Bạn nhắm tới cư dân mạng
nào?
Không có giới hạn về các trang web nào tôi phải viếng. Tôi
chủ yếu đối phó với các trang web địa phương, hoặc làm việc trên Tencent. Có rất
nhiều ‘dư luận viên’ trên Sohu, Sina, vv… Theo như tôi biết, các trang web này dành
riêng cho các phòng ban nội bộ cho ý kiến.
Bạn có thể nói ý kiến
trực tuyến nào là của ‘dư luận viên’ không?
Vì tôi làm việc này nên chỉ thoáng liếc mắt là tôi có thể
nói khoảng 10 đến 20% trong hàng chục ngàn ý kiến đăng trên một diễn đàn là của
‘dư luận viên’.
Bạn sẽ tranh luận trực
tuyến với những người khác không? Các loại xung đột nào mà bạn gặp phải? Bạn kiểm
soát và giải toả cảm xúc thế nào?
Hầu hết thời gian chúng tôi tranh luận với chính mình. Tôi
thường không bao giờ tranh luận với cư dân mạng và tôi sẽ không bao giờ nói rằng
tôi đã bị một cư dân mạng hoặc một sự kiện làm tức giận. Bạn có thể nói rằng
thường khi tôi đang làm việc thì tôi giữ mình hợp lí.
Khi chính phủ bảo, "Đừng tin vào tin đồn, không lan
truyền tin đồn," thì lại bị tác dụng ngược lại. Ví dụ, lúc vụ Sars và
melamine trong sữa nổ ra, khi phải đối mặt với hai lựa chọn “đừng tin vào tin đồn
"và" đừng tin vào chính phủ " thì người dân có xu hướng chọn
không tin chính phủ
Tôi nghĩ rằng đất nước và chính phủ đã rơi vào một tình huống
khá lúng túng. Dù việc gì xảy ra đi nữa- ví dụ, nếu một người phạm tội, hoặc có
một tai nạn giao thông – hễ đó là một sự kiện xấu và được công bố trực tuyến, thì
sẽ có những người lên án chính quyền. Tôi nghĩ rằng điều này rất lạ.
Điều này là không thể
tránh khỏi, bởi vì chính phủ bao biện tất cả. Khi mọi vinh dự đều quy cho bạn, thì
mọi sai lầm cũng sẽ quy cho bạn. Ngoài việc nhắm tới các sự kiện thì cá nhân có
bị nhắm vào không? Sẽ có loại chỉ thị thế này không?
Phải có chứ. Tôi nghĩ rằng đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, phải
có hướng dẫn trong cả nước. Tất cả người dân ở Trung Quốc đều ghét Đức Đạt Lai
Lạt Ma và phần nào cũng ghét Pháp Luân Công. Theo sự tôi biết, chính phủ đã thực
sự đi quá một chút lên trên. Trước khi tôi đã tham gia vào nhóm này, tôi không
biết gì cả. Vì vậy, tôi tin rằng bất cứ nơi nào dư luận được kiểm soát tương đối
tốt, thì sẽ luôn luôn có ‘dư luận viên’ dính dáng tới ở đó.
Cấp trên của bạn kiểm
tra và đánh giá công việc của bạn như thế nào?
Cấp trên sẽ bố trí các kiểm toán viên cần mẫn kiểm tra ngẫu
nhiên theo các đường link mà chúng tôi cung cấp. Kiểm toán viên thường không
đánh giá, bởi vì họ luôn luôn đưa ra các yêu cầu công việc rất rõ ràng. Chúng
tôi chỉ cần làm như họ nói thì sẽ không có bất kì sai lầm nào.
Tiền công của bạn được
định như thế nào?
Nó được tính toán trên cơ sở hàng tháng, tuỳ thuộc số lượng
và chất lượng. Về cơ bản được tính toán ở mức 50 nhân dân tệ cho 100 ý kiến.
Khi có một sự kiện bất ngờ, tiền công có thể là cao hơn. Nếu bạn cùng nhau làm
việc để hướng dẫn dư luận về một chủ đề nóng và một vài chục người đang post
bài, tiền công cho những ngày đó tính ra nhiều hơn. Về cơ bản, tiền công thường
rất thấp. Tôi làm việc bán thời gian. Tính trung bình, tiền được trả hàng tháng
khoảng 500-600 nhân dân tệ. Có những người làm việc này toàn thời gian. Có thể
họ có sẽ kiếm được hàng ngàn nhân dân tệ một tháng.
Bạn có thích công việc
của bạn không?
Tôi sẽ không nói tôi thích hay ghét. Đó chỉ là việc làm thêm
một chút mỗi ngày. Có thêm một chút tiền tiêu vặt mỗi tháng, thế thôi.
Khó khăn lớn nhất
trong công việc là gì?
Có lẽ đó là bạn phải đoán tâm lí của cư dân mạng. Bạn phải học
rất nhiều về kĩ năng viết. Bạn cần phải biết cách bắt chước phong cách viết của
người khác. Bạn cần phải hiểu cách giành được sự tin tưởng của công chúng và ảnh
hưởng đến suy nghĩ của họ.
Tại sao bạn không thể
tiết lộ danh tính của bạn được? Tại sao bạn nghĩ rằng nó là nhạy cảm?
Bộ anh muốn tôi bị mất việc à? Bất cứ hình thức hoặc tên nào
chúng tôi sử dụng để đăng bài trên các diễn đàn hoặc blog là hoàn toàn bí mật.
Chúng tôi không thể tiết lộ danh tính của chúng tôi, và tôi nhất quyết sẽ không
tiết lộ rằng tôi là một ‘dư luận viên’ chuyên nghiệp.
Nếu chúng tôi tiết lộ thì còn gì là mục đích của sự tồn tại
của chúng tôi? Phô bày ra sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tôi, nó sẽ tạo ra một hiệu
ứng tiêu cực lớn hơn tới "cấp trên" của chúng tôi.
Bạn muốn nói gì khi
dùng từ "cấp trên"?
Các nhà lãnh đạo cao cấp của chúng tôi - trên đó sẽ là bộ
tuyên truyền.
Gia đình bạn biết ID
của bạn không? Bạn bè của bạn thì sao?
Không. Tôi không tiết lộ ID với gia đình hoặc bạn bè. Nếu người
ta biết rằng tôi đã làm điều này, nó có thể có ảnh hưởng xấu đến tiếng tăm của
tôi.
Bạn nói: "Nếu
tôi tiết lộ thông tin nội bộ, chẳng phải nói quá thì điều này có thể dẫn đến nguy
hiểm sống còn." Bạn có nghĩ rằng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng không?
Với ID của tôi, tôi đang tham gia trong ngành truyền thông
và internet. Nếu tôi thực sự tiết lộ ID của tôi hoặc để lộ một cái gì đó, nó có
thể có tác động khôn lường cho tôi.
Nếu bạn nói bạn muốn
bỏ việc, sẽ có sự cản trở nào không? Có bất kì ràng buộc nào không?
Chẳng có gì cả. Ngành công nghiệp này rất minh bạch. Đối với
tôi, nó chỉ là một công việc bán thời gian. Nó giống như bất kì công việc nào khác.
Nó không phải quá đen tối như bạn nghĩ.
Bạn lên mạng bao
nhiêu giờ mỗi ngày và trên các trang web nào? Bạn có nghỉ ngơi vào cuối tuần không?
Tôi lên net 6-8 giờ gần như mỗi ngày. Tôi chủ yếu hoạt động
trên hệ BBS địa phương của chúng tôi và một số phương tiện truyền thông lớn
internet và microblog. Tôi không làm việc cuối tuần, nhưng tôi sẽ đăng nhập vào
tài khoản email của tôi để xem có chỉ thị quan trọng nào không.
Trong cuộc sống hàng
ngày, bạn có vẫn suy nghĩ về công việc trực tuyến của bạn không?
Thỉnh thoảng có. Ví dụ, khi tôi nhìn thấy một mẫu tin, tôi sẽ
nghĩ cấp trên sẽ yêu cầu nó được hướng dẫn theo chiều hướng nào và tôi sẽ xoay
xở với nó thế nào. Đó là một chút nguy
cơ trong nghề nghiệp.
Bạn có xem Tin trên
CCTV và đọc báo Nhân dân không?
Tôi thường theo dõi tất cả những tin tức, đặc biệt là tin tức
địa phương. Nhưng tôi thường không xem Tin trên CCTV, bởi vì nó nói quá nhiều về
sự hài hòa.
Bạn có dùng Twitter
không? Bạn dõi theo ai?
Có chứ. Tôi dõi theo một vài người thú vị, kể cả Ngải Vị Vị.
Nhưng tôi không nói chuyện trên Twitter, chỉ đọc và học hỏi thôi.
Bạn nghĩ rằng ngành
công nghiệp này giữ vai trò lớn mức nào trong việc hướng dẫn dư luận ở Trung Quốc?
Trung thực mà nói, tôi nghĩ rằng vai trò đó là khá lớn. Đa số
cư dân mạng ở Trung Quốc thực sự rất ngu ngốc. Đôi khi, nếu bạn không hướng dẫn
họ, họ sẽ thực sự tin vào những tin đồn.
Bởi vì họ bắt đầu với thông tin còn hạn chế. Như vậy, với
thông tin hạn chế, rất khó để họ bày tỏ quan điểm nhìn chính trị.
Tôi nghĩ rằng họ có thể rất dễ bị kích động. Tôi có thể kiểm
soát họ rất dễ dàng. Tùy theo tôi muốn họ như thế nào, tôi chỉ động não một
chút là đủ. Rất dễ dàng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng hiệu quả sẽ rất đáng kể.
Bạn có nghĩ rằng
chính phủ có quyền hướng dẫn dư luận không?
Cá nhân, tôi nghĩ rằng tuyệt đối là không. Nhưng ở Trung Quốc,
chính phủ tuyệt nhiên phải can thiệp và hướng dẫn dư luận. Đa số cư dân mạng
Trung Quốc rất dễ bị kích động, không tự mình suy nghĩ và rất dễ bị các tin tức
sai lừa và xúi giục.
Bạn có tin vào những
quan điểm bạn thể hiện không? Bạn có quan ngại về chính trị và tương lai không?
No comments:
Post a Comment