Pages

Friday, May 5, 2023

MỞ ĐẦU CUỘC TRANH CHẤP HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA (1909-1936) - Lê Oa Đằng (Ch. II)

 

CHƯƠNG II 

MỞ ĐẦU CUỘC TRANH CHẤP HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA (1909-1936) 

II.1 Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa

Sự kiện đảo Đông Sa (Pratas) đã kích thích mạnh mẽ chính phủ Trung Quốc vốn bắt đầu coi trọng quyền lợi biển, khiến họ quyết tâm khai thác biển Đông. Năm 1909, khi tranh chấp Đông Sa còn đang diễn ra, ngày 26 và 31/3 truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng gần đây có một tàu chiến của châu Âu tiến đến đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Điều này đã khơi dậy sự cảnh giác của tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn, ông quyết định tiến hành dò xét và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa: “Nay lại tra thấy có Tây Sa, ở gần cảng Du Lâm thuộc Nhai Châu... đặc phái phó tướng Ngô Kính Vinh đến thám sát”. 

Về việc nhóm Ngô Kính Vinh đến thám sát Hoàng Sa, hiện nay không tìm thấy báo cáo gốc, và sử liệu Trung Quốc không nêu rõ ràng. Tuy nhiên, trong ghi chép của Beauvais, Tổng Lãnh sự Pháp tại Quảng Châu, có thể thấy một số tình tiết. Ba người Ngô Kính Vinh, Vương Nhân Đường, Lâm Quốc Tường xuất phát trên chiếc tàu “Khai Biện” (Kaipan) thuê của hải quan, ngày 15/4 trở về Hong Kong, ngày 19 đã giao nộp báo cáo. Họ chỉ ra rằng Hoàng Sa có 15 đảo, 8 ở phía Đông, 7 ở phía Tây. Họ không phát hiện có người nước ngoài trên đảo, nhưng thấy có dấu tích rõ ràng của người nước ngoài để lại. Họ đã gặng hỏi tỉ mỉ ngư dân Trung Quốc sống trong những ngôi nhà nhỏ sơ sài trên đảo, đã xác nhận có 2 người Đức, 1 người Nhật và người làm thuê Mã Lai đã từng lên đảo, khoan rất nhiều lỗ trên đảo, dường như để phân tích thổ nhưỡng nhằm khảo sát phốt phát trên đảo có giá trị khai thác hay không.

 

Dẫn thuật của Trương Nhân Tuấn chỉ ra rằng trong báo cáo có đề cập đến tình hình địa lí cơ bản của Hoàng Sa, đồng thời chủ trương “nếu cứ để bỏ hoang mà không quản lí thì thật là đáng tiếc vì không những đó là bỏ đi địa lợi mà lại còn không coi trọng lãnh thổ và bảo vệ quyền lợi biển”.

Do đó, một mặt Trương Nhân Tuấn thành lập “Trù biện Tây Sa đảo sự vụ xứ” (Phòng xử lí sự việc đảo Hoàng Sa), đưa ra “Đại cương biện pháp thám sát lại đảo Tây Sa”, một mặt chuẩn bị phái ba người là thuỷ sư đề đốc Lí Chuẩn, bổ dụng đạo Quảng Đông Lí Triết Tuấn và phó tướng Ngô Kính

Vinh... chỉ huy các tàu “Phục Ba”, “Sâm Hàng”, “Quảng Kim” đến “tuần thị” đảo Tây Sa. Chuyến đi không được thuận buồm xuôi gió, theo báo cáo sau chuyến đi của Trương Nhân Tuấn: “Đầu tháng, phái tàu Phục Ba, Sâm Hàng đến khảo sát các đảo ở Tây Sa ở ngoài cảng Du Lâm. Hai tàu này lâu năm cũ nát, vũ khí hỏng hóc, dễ bị bão đánh chìm, ngoài ra không thể phái tàu nào khác được”. Nhưng cuối cùng chuyến đi vẫn hoàn thành. Căn cứ tấu báo của nhân viên đi cùng, ngày 19/5 ba tàu chiến xuất phát từ Quảng Châu, ngày 21/5 đến Hong Kong, ngày 25 đến Du Lâm, dừng lại ở Du Lâm 10 ngày, rồi ngày 4/6 xuất phát tiến về phía Tây Sa, ngày 5 đến được Tây Sa, lưu lại 3 ngày trên các đảo La Bát, Đại Đăng, Địa Lợi, ngày 8/6 bắt đầu trở về Quảng Châu.

Một tường thuật khác về hành trình của họ do P.A. Lapique, một nhà quan sát thời sự quốc tế ở Hong Kong thời đó, cung cấp, nói rằng do thuỷ quân không hợp với việc đi biển xa (Lapique cho biết Lí Chuẩn là đề đốc của “thuỷ quân đường sông”) và cũng do phải chờ gió thuận, họ đã lưu lại ở cảng Du Lâm thuộc Hải Nam một thời gian rất dài. Do đó, mãi đến ngày 6/6 họ mới đến được Hoàng Sa, rồi vào 4 giờ ngày 7/6 thì từ Hoàng Sa quay trở về, vì vậy thời gian dừng lại ở Hoàng Sa không đến 24 giờ. Tường thuật của Lapique không đúng, có thể do ông đã lẫn lộn lịch cũ và lịch mới.

Trong chuyến đi tới Hoàng Sa, Lí Chuẩn đã thực hiện 3 việc chủ yếu là: thứ nhất, lên đảo khắc đá, đổ bộ lên mỗi đảo họ đều dựng bia đá, dựng cờ hoàng long của Đại Thanh; thứ hai, ghi chép về địa hình và sản vật; thứ ba, đối chiếu danh sách các đảo do phương Tây đưa ra (khi đó có “Tây Sa chí”, bản dịch sách hàng hải của Anh) đặt tên lại cho các đảo, và vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa. 

Có vấn đề sai lệch về thời gian đối với chuyến đi của Lí Chuẩn, một loạt tài liệu chính thức đều chỉ ra rằng năm 1909 (năm Tuyên Thống thứ nhất) ông ta vâng lệnh đi đến Hoàng Sa, nhưng cũng có tường thuật chỉ ra rằng ông ta đến Hoàng Sa vào năm 1907 (năm Quang Tự thứ 33), thậm chí trên đá có khắc chữ “Năm Quang Tự thứ 33 nhà Đại Thanh Thuỷ sư đề đốc Quảng Đông Lí Chuẩn tuần duyệt đến đây”. Khởi nguồn của sai sót này là từ cuốn “Lí Chuẩn tuần hải kí”, do phóng viên của “Tuần báo Quốc văn” viết ra, sau khi phỏng vấn Lí Chuẩn nhân lúc xảy ra sự kiện 9 hòn đảo nhỏ giữa Trung Quốc và Pháp trong những năm 1930. Khi đó Lí Chuẩn tuổi đã cao, qua thời gian nhiều tình tiết bị sai sót, trong đó nhầm lẫn thời gian thành năm 1907 (năm Quang Tự 33). Xét thấy cuốn sách này là tự thuật của chính Lí Chuẩn hơn 20 năm sau vào lúc mà tranh chấp Hoàng Sa bùng phát, nên không thể không xem xét có thể có phần sai sót, nhớ sai hoặc nói quá trong đó. Ví dụ, sách này nói vào mùa xuân năm 1907 Lí Chuẩn đã đến Đông Sa tuần thị, phát hiện người Nhật Bản đã xây dựng văn phòng và đường sắt trên đảo, và đã giao thiệp với họ. Nhưng thật ra cho đến mùa hè năm 1907, Nishizawa mới bắt đầu đưa người đến Đông Sa và bắt đầu công việc xây dựng. Như vậy, vào mùa xuân năm 1907 lấy đâu ra để có đường sắt và văn phòng? Ngoài ra, căn cứ hồ sơ của Đông Sa, năm 1909 mới có việc Trương Nhân Tuấn phái thuyền đến tuần tra khảo sát Đông Sa, như vậy nếu năm 1907 Lí Chuẩn đã tuần tra khảo sát Đông Sa thì Trương Nhân Tuấn cần gì đợi 2 năm mới bắt đầu giao thiệp với người Nhật Bản ?

Ảnh hưởng xấu của tường thuật sai về thời gian tàu đi tuần tra Tây Sa rất sâu đậm, cho đến hiện nay vẫn còn có một số bài viết nói rằng Lí Chuẩn tuần tra biển năm 1907. Công trình học thuật thuộc loại nghiêm túc của Trung Quốc như “Trung Quốc Nam Hải cương vực nghiên ccứu” (中國南海疆域研究: Nghiên cứu cương vực Nam Hải của Trung Quốc), mặc dù việc này đã được xác nhận xảy ra vào năm 1909, nhưng sách này vẫn tiếp tục sử dụng những chi tiết sai lầm trong “Lí Chuẩn tuần hải kí”, như nêu rằng khi đó Lí Chuẩn đã khắc các chữ “Năm Quang Tự thứ 33 nhà Đại Thanh Thuỷ sư đề đốc Quảng Đông Lí Chuẩn đến đây tuần duyệt”. Cuốn sách“Nghiên cứu cương vực Nam Hải của Trung Quốc” này còn phạm những sai sót khác về lịch sử Hoàng Sa đầu thế kỉ 20, ví dụ trong phụ lục của sách có một đoạn miêu tả về Hoàng Sa, nêu rằng năm 1902 nhà Thanh phái quan chức đến thị sát Tây Sa và dựng bia kỉ niệm, khắc các chữ “năm 28 Quang Tự nhà Đại Thanh”. Chi tiết này không hề có bất cứ căn cứ nào, người viết cũng tìm không ra bất cứ ghi chép liên quan nào, xem như đó là sử liệu không thật. Tuy nhiên, có sách học thuật vẫn trích dẫn để “chứng minh” chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Kiểu sai sót này cũng cần phải được làm sáng tỏ hơn nữa.

Quá trình tuyên bố chủ quyền lần này cũng thể hiện tính chất khác lệ thường. Trước khi tuyên bố chủ quyền, nhân viên được đặc phái thăm dò đường thuỷ trước, điều này cho thấy nhà cầm quyền hoàn toàn không hiểu rõ tình trạng thuỷ văn của khu vực Hoàng Sa. Để tìm chiến hạm có thể đi đến Hoàng Sa được, Tổng đốc Lưỡng Quảng phải mượn chiến thuyền từ tổng đốc Phúc Kiến, Chiết Giang, điều này cho thấy Lưỡng Quảng không có sẵn thuyền có khả năng đi tới Hoàng Sa để tuần tra thường xuyên. Lần tuyên bố chủ quyền này chắc chắn là một tuyên bố thành công, Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng chủ quyền đối với Hoàng Sa. Tuy nhiên, chính sự kiện tuyên bố chủ quyền đặc thù này đã cho thấy rằng sự kiểm soát của Trung Quốc trước đó đối với Hoàng Sa ít ra là rất yếu kém, nếu không muốn nói là không tồn tại, vì nếu không như vậy thì không cần tiến hành bằng phương thức tuyên bố chủ quyền kiểu khác lệ thường này. Trong mấy trăm năm mà Trung Quốc chỉ có hai ba việc cụ thể nhưng đầy nghi vấn có thể có liên quan đến sự “kiểm soát” đối với Tây Sa, điều đó đã cho thấy đầy đủ rằng trước năm 1909 Trung Quốc thiếu sự kiểm soát có tính thực chất ở Hoàng Sa, lần tuyên bố khác lệ thường này càng làm rõ điểm này.

Mặc dù phía Trung Quốc gọi chuyến đi này là “tuần tra”, và sử dụng từ “trọng thân” (重申: lập lại) trong báo cáo một tháng sau khi trở về, nhưng nhận thức của Lí Chuẩn lại là “đất này từ nay sẽ là lãnh thổ của Trung Quốc”. Còn trong cộng đồng quốc tế, nhìn chung đều thừa nhận rộng rãi rằng đây là lần đầu Trung Quốc có ý muốn kiểm soát Hoàng Sa. Sách “Chỉ nam biển Trung Quốc” (China Sea Directory) do Hải quân nước Anh xuất bản năm 1937 viết “Quần đảo Tây Sa... được chính phủ Trung Quốc đưa vào bản đồ vào năm 1909” (They were annexed by the Chinese government in 1909).

Hành động của Trung Quốc ồn ào như vậy, thế giới đều biết, nhưng Pháp cũng như các nước khác không hề đưa ra sự kháng nghị đối với sự kiện này, mặc dù vào năm 1899 họ đã chuẩn bị giành lấy chủ quyền qua việc xây dựng hải đăng ở Hoàng Sa. Sau khi Ngô Kính Vinh khảo sát Hoàng Sa lần đầu tiên, một ngày sau khi Trương Nhân Tuấn tuyên bố muốn đổ bộ lên đảo lần thứ hai (ngày 3/5), Lãnh sự quán Pháp tại Quảng Châu là Beauvais liền gửi thư cho Bộ Ngoại giao Pháp (Minister for Foreign Affairs, Paris), trình bày đầu đuôi sự việc, chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa nằm gần tuyến đường hàng hải biển Đông và có tầm quan trọng chiến lược; cũng đã phân tích quyền lợi đối với Hoàng Sa của hai bên Trung-Pháp, đồng thời viện dẫn các ví dụ về việc Pháp từng có kế hoạch xây dựng hải đăng ở đây, ngư dân Việt Nam và ngư dân Trung Quốc cùng đánh cá ở đây cùng với việc Trung Quốc từng tuyên bố Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc..., và kết luận rằng:

Beauvais đồng ý Pháp có quyền lợi đối với những đảo này không kém hơn Trung Quốc, Pháp cũng rất dễ dàng tìm được luận cứ ủng hộ chủ trương (chủ quyền) của mình. Tuy nhiên, nếu như hành động này không đáng, thì theo cái nhìn của ông, chi bằng Pháp cũng có thể làm ngơ đối với tranh chấp này, bởi vì bất cứ sự can dự nào của Pháp đều có thể sẽ làm dấy lên một làn sóng tình cảm dân tộc mới của Trung Quốc. Điều đó gây tổn hại cho Pháp nhiều hơn so với cái lợi có được từ việc chiếm đóng đảo.

Tình cảm dân tộc ở đây chỉ hai sự kiện xảy ra ở Quảng Đông, đó là vụ án tàu Nhị Thần Hoàn Trung-Nhật năm 1908 và vụ phân chia biên giới Trung-Bồ năm 1909 (xem I.6), khi đó cả hai đều dẫn tới phong trào và dư luận tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và chống các cường quốc xâm lược trong dân chúng. Ngoài ra vào năm 1899, nhân trào lưu các cường quốc lập đất tô giới ở Trung Quốc, Pháp đã thuê Quảng Châu Loan (Trấn Giang) 99 năm (cùng thời kì còn có nước Anh thuê Tân Giới và Uy Hải, Đức thuê Thanh Đảo). Nếu như sự kiện Hoàng Sa khiến cho tình cảm dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy, chống lại Pháp, đưa đến sự bất ổn trong sự thống trị của nước này ở Quảng Châu Loan, thì lợi bất cập hại. Do đó, trong toàn bộ sự kiện nước Pháp trước sau giữ im lặng.

Thái độ im lặng của Pháp khiến Pháp và Việt Nam bị đặt vào trạng thái bất lợi sau này vì đã “thừa nhận ngầm” trong vấn đề yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Đáng để nhắc đến là Beauvais từng giữ chức nhiều năm ở Hải Khẩu, hiểu biết nhiều về Hải Nam và Hoàng Sa, thư này cũng miêu tả rằng trên quần đảo Hoàng Sa khi đó, ngư dân Trung Quốc và Việt Nam thỉnh thoảng xảy ra xung đột đổ máu khi đánh cá, thừa cơ trộm cắp cá của nhau, và do ngư dân Việt Nam thích đem theo vợ con khi đi xa nên ngư dân Trung Quốc thường “thừa gió bẻ măng”, bắt cóc phụ nữ và trẻ em Việt Nam này rồi bán ở Hải Nam, tại các cảng của Hải Nam thường có thể gặp những phụ nữ và trẻ em bị đem bán này.


II.2 Sự kiện Hà Thụy Niên và Trung Quốc củng cố kiểm soát Hoàng Sa

Sau khi Lí Chuẩn đi tuần Tây Sa, Trương Nhân Tuấn thành lập “Trù biện Tây Sa đảo sự vụ xứ” (Văn phòng xử lí công việc Hoàng Sa), ngoài việc đã đặt tên tiếng Trung cho 15 hòn đảo, văn phòng này còn đề xuất một loạt kế hoạch khai thác Hoàng Sa, bao gồm: 

(1) Đề xuất lấy Du Lâm và Tam Á làm căn cứ địa cho việc khai thác Hoàng Sa; 

(2) Lập ra kế hoạch khai thác phốt phát; 

(3) Lên kế hoạch xây dựng trạm vô tuyến và hải đăng. 

Tuy nhiên, chẳng bao lâu Trương Nhân Tuấn bị điều đi nhận chức khác, tổng đốc mới Viên Thụ Huân do tài chính eo hẹp đã bãi bỏ “Văn phòng xử lí công việc Hoàng Sa” vào tháng 10/1909, những kế hoạch này đều không được thực thi. Tiến triển duy nhất là ở trên bản đồ, Hoàng Sa và Đông Sa đã được vẽ vào bản đồ của Trung Quốc và của tỉnh Quảng Đông. Cần chỉ ra là chuyên gia Trung Quốc sau này cho rằng “trọng tâm của việc điều hành Tây Sa chuyển từ Vạn Châu sang Nhai Châu”, đây chẳng qua là để làm tròn trịa giả thuyết “Tây Sa ban đầu thuộc Vạn Châu” (ở Trung Quốc có thuyết cho rằng thời cổ Hoàng Sa thậm chí Trường Sa thuộc sự quản lí của Vạn Châu, thuyết này không đứng vững được). Trên thực tế, không hề có công văn hay bài báo nào khi đó đề cập đến quan hệ giữa Vạn Châu và quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1911 Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, trong mấy năm sau khi bước vào thời kì Dân quốc chẳng có ai để ý đến đảo Hoàng Sa. Năm 1917, thương nhân Hà Thừa Ân của Công ti Hải Lợi xin chính quyền tỉnh Quảng Đông khai thác phốt phát và hải sản ở Hoàng Sa nhưng bị Ti Tài vụ quản lí về khoáng sản cho rằng phải giải quyết theo quy trình khai thác khoáng sản, Hà Thừa Ân không đồng ý, việc này kết thúc. Một thương nhân khác là Đặng Sĩ Danh vào năm 1919 cũng đề xuất việc khai thác “đảo Linh Châu” (tức đảo Đông, Lincoln Island) cũng bị khước từ. Năm 1921, thương nhân huyện Hương Sơn (Trung Sơn) Hà Thụy Niên, thương nhân Hồng Kông Lương Quốc Chi, thương nhân Quảng Đông Lưu Huệ Nông, thương nhân Quảng Đông Đàm Hồng... nối tiếp nhau đề xuất xin khai thác. Phía sau thương nhân Hồng Kông Lương Quốc Chi là thế lực người Nhật Bản. Sự quan tâm của người Nhật với tài nguyên quần đảo Hoàng Sa bắt đầu vào tháng 2/1917, khi Tiểu Tùng Trọng Lợi (Komatsu Shigetoshi), Trì Điền Kim Tạo (Ikeda Kinzo)… lên quần đảo Hoàng Sa khảo sát và vẽ bản đồ, xác nhận trên các đảo này (đặc biệt là đảo Phú Lâm) có tài nguyên có thể khai thác. Công ti Nhật Bản khác có hứng thú là Công ti thực nghiệp Nam Hưng Nhật Bản, đại diện pháp nhân của nó là Bình Điền Mạt Trị (Sueji Hirata) vào tháng 6 năm này trên đường đến đảo Đông Sa bị dạt đến đảo Hoàng Sa, cũng đã phát hiện ra tài nguyên khoáng sản của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1918, ông ta đến Hoàng Sa lần thứ hai, mang về mẫu hóa nghiệm. Tháng 3/1919, ông ta xin chính phủ Nhật Bản được khai thác quần đảo Hoàng Sa, nhưng chính phủ Nhật Bản phát hiện trong “Hải quân thuỷ lộ chí” rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Vì vậy, kế hoạch khai thác đành phải tạm dừng lại. Năm 1920, lại có một công ti Nhật Bản là Tam Tỉnh Vật Nghiệp (Mitsui & Co) cũng muốn khai thác Hoàng Sa, gửi thư cho Tư lệnh hải quân Pháp ở Sài Gòn dò hỏi xem quần đảo Hoàng Sa có phải là lãnh thổ của Pháp không, phía Pháp đã trả lời một cách thận trọng và mơ hồ (xem II.4), Mitsui & Co đành phải tạm thời huỷ bỏ ý định khai thác. Năm 1921, Sueji Hirata chuyển hướng sang Trung Quốc. Giống như đảo Đông Sa (xem I.6), lúc này chính quyền Quảng Đông cấm thương nhân nước ngoài khai thác đảo Hoàng Sa. Hirata được sự ủng hộ của Đằng Điền Vinh Trợ (Fujita Eisuke), lãnh sự Nhật Bản ở Quảng Đông, được ông này giới thiệu, Hirata  tìm đến thương nhân Hong Kong Lương Quốc Chi sinh ở Hương Sơn, hi vọng người này đứng ra xin quyền khai thác.

Nhưng kế hoạch của Hirata tiến hành quá muộn, khi Lương Quốc Chi nộp đơn vào tháng 4 thì Bộ Nội chính của chính phủ quân phiệt đã phê chuẩn đơn của thương nhân Hương Sơn Hà Thụy Niên, nhưng chưa công bố. Hà Thụy Niên là thương nhân giàu có chuyên nghề buôn bán giữa Hong Kong và Ma Cao, cũng là bạn cũ của Tôn Trung Sơn, có thể đã nhiều lần trình bày với Tôn Trung Sơn kế hoạch khai thác Hoàng Sa. Như trong đơn có nêu, ông ta được biết người Nhật đã nhiều lần đến thăm dò Hoàng Sa, lo lắng đến chuyện “hải quyền quốc thổ” bị mất nên hi vọng mình có thể tiến hành sự nghiệp khai thác Hoàng Sa để “ngăn chặn sự nhòm ngó của người nước ngoài”. Tôn Trung Sơn ủng hộ kiến giải của ông ta, tháng 3 ông ta nộp đơn và được hội nghị chính vụ thông qua nhanh chóng.

Đáp ứng đơn này, ngày 30/3/1921, chính quyền tỉnh Quảng Đông thuộc chính quyền quân sự Trung Hoa Dân quốc miền Nam chính thức đưa quần đảo Hoàng Sa vào quyền quản lí của Nhai Châu, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đặt quần đảo Hoàng Sa vào một khu vực hành chính. Có chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng đây là việc chuyển quyền quản lí quần đảo Hoàng Sa từ Vạn Châu sang Nhai Châu. Điều này cũng giống với việc làm tròn trịa thuyết “Tây Sa ban đầu thuộc Vạn Châu”  chứ không có căn cứ gì. Mặc dù đây là việc này do chính quyền miền Nam của tỉnh Quảng Đông thực hiện nhưng chính quyền Bắc Dương vẫn tiếp tục thừa nhận sự phân định này sau khi giành được Quảng Đông, và chính quyền miền Nam được tái lập năm 1923 cũng tiếp tục thừa nhận sự phân định này.

Do Hà Thụy Niên nộp đơn trước và chính phủ đã phê chuẩn quyền ưu tiên khai thác của ông, nên đơn của Lương Quốc Chi bị từ chối. Nhưng điều này không xua tan nhiệt tình khai thác Hoàng Sa của người Nhật. Hirata lại làm quen với Hà Thụy Niên qua sự giới thiệu của tổng lãnh sự Nhật Bản ở Quảng Châu Fujita Eisuke, thương thảo việc hợp tác khai thác phốt phát ở Tây Sa thông qua cổ phần của Lương Quốc Chi. Hà Thụy Niên có quyền khai thác trong tay nên chiếm thế thượng phong. Cuối cùng, hai bên đã bí mật kí kết “Hợp đồng thành lập công ti thực nghiệp hợp tác quần đảo Tây Sa”: trong vốn cổ phần của “Công ti thực nghiệp vô hạn quần đảo Tây Sa”, Hà Thụy Niên không phải bỏ ra một đồng nào, Lương Quốc Chi đại diện nhóm đầu tư góp vốn 1 triệu cổ phần; phân chia lợi nhuận Hà Thụy Niên được 35%, Lương Quốc Chi được 65%. Nhưng trong bản đăng kí của công ti nộp cho tỉnh Quảng Đông vào tháng 11 lại giấu đi cơ cấu vốn và báo cáo thiếu về số vốn.

Năm 1922, huyện trưởng Nhai Châu Tôn Dục Bân phái chuyên viên Trần Minh Hoa đến Hoàng Sa điều tra, phát hiện người Nhật đang thật sự khai thác phốt phát. Lại có tin đồn Lương Quốc Chi mặc dù ở tại Hong Kong, nhưng thật ra là người Nhật mạo xưng rằng mình là người Trung Quốc quê ở Phúc Kiến, và trong Công ti thực nghiệp vô hạn quần đảo Tây Sa, Hà Thụy Niên chỉ chiếm 3/7, Lương Quốc Chi ngược lại chiếm 4/7, hầu như toàn bộ là người Nhật Bản và Đài Loan thực hiện việc khai thác tài nguyên trên đảo. Vì vậy, ông ta lo ngại rằng công ti của Hà Thụy Niên trên thực tế là do người Nhật Bản mượn danh nghĩa người Trung Quốc để tiến hành khai thác, thực chất là muốn tước đoạt tài nguyên của người Trung Quốc. Thông tin này vừa truyền ra, sự căm giận của quần chúng lại sôi sục, các đoàn thể ở Nhai Châu phản đối tới tấp, yêu cầu huỷ bỏ quyền kinh doanh của “gian thương” Hà Thụy Niên. Hà Thụy Niên thanh minh rằng Lương Quốc Chi thật ra là người Hoa. Chính quyền tỉnh vốn đã điều tra rõ nhưng không cưỡng lại được làn sóng phản đối khi đó, cuối cùng đã huỷ bỏ quyền kinh doanh (huỷ bỏ quyền kinh doanh lần thứ nhất). Hà Thụy Niên không hề tuyệt vọng. Tháng 3/1923 lấy lí do rằng việc sáng lập công thương nghiệp bị vu khống, ông nộp đơn cho tỉnh Quảng Đông yêu cầu giữ lại đề án ban đầu. Sau khi kiểm tra đối chiếu lại, chính quyền tỉnh Quảng Đông đồng ý với kiến giải của Hà Thụy Niên, cấp lại cho ông ta quyền chuyên doanh.

Trước khi bị huỷ bỏ quyền chuyên doanh lần đầu tiên, Hà Thụy Niên cũng có tham gia công việc của doanh nghiệp. Nhưng sau khi được hồi phục quyền kinh doanh, Hà Thụy Niên hầu như dựa toàn bộ vào sự khai thác của người Nhật Bản, bản thân chỉ là pháp nhân trên danh nghĩa, tất cả việc kinh doanh đều giao cho người Nhật Bản nắm giữ, ngồi hưởng lợi nhuận do người Nhật chuyển cho. Người Nhật  khai thác trên đảo trước sau khoảng 9 năm, đã xây dựng một bộ thiết bị hoàn chỉnh bao gồm công xưởng, doanh trại, đường ray, bến tàu, hồ chứa nước và thiết bị chưng cất... trên đảo Phú Lâm. Việc khai thác xem ra có hiệu quả.

Tháng 1/1926, Bộ Hải quân chính quyền miền Nam ra lệnh Cục Đo đạc đường biển rằng đảo Đông Sa, đảo Hoàng Sa thuộc khu vực quân sự của Hải quân. Tháng 2, Lí Đức Quang, cư dân Quỳnh Đông, xin phép khai thác hai đảo ở Hoàng Sa, thúc đẩy chính quyền tỉnh kiểm tra một lần nữa tiến độ khai thác của Hà Thụy Niên. Kết quả lại phát hiện trên đảo phần lớn là người Nhật Bản. Vì vậy, chính quyền tỉnh chuẩn bị bãi bỏ quyền kinh doanh của Hà Thụy Niên lần thứ hai, đúng lúc này có thương nhân Phùng Anh Bưu xin phép khai thác phân chim trên đảo. Do đó, khi chuẩn bị huỷ bỏ quyền kinh doanh của Hà Thụy Niên chính quyền tỉnh đồng thời phê chuẩn quyền kinh doanh cho Phùng Anh Bưu. Nhưng lúc này Giáo sư Quảng Tung Linh của Đại học Trung Sơn báo cáo với chính quyền tỉnh rằng Phùng Anh Bưu từng  làm việc cho người Nhật, nên tuyệt đối không thể phê chuẩn cho ông ta. Vì thế, quyết định này bị trì hoãn lại. Đến tháng 2/1928, Phùng Anh Bưu lại nộp đơn xin quyền kinh doanh, chính quyền tỉnh Quảng Đông lại thảo luận việc bãi bỏ quyền kinh doanh của Hà Thụy Niên để giao cho Phùng Anh Bưu. Cuối cùng đã quyết định tổ chức đoàn bao gồm Đại học Trung Sơn, Ti Dân chính, Bộ Hải quân... do chuyên viên Hội nghị Chính trị phân hội Quảng Châu Thẩm Bằng Phi dẫn đầu lên đường đến Hoàng Sa khảo sát.

Thật ra, vào năm 1926 khi chính phủ Trung Quốc muốn huỷ bỏ quyền chuyên doanh của Hà Thụy Niên lần thứ hai, Hirata đã muốn rút khỏi việc kinh doanh rồi. Tháng 7, những người Nhật thuộc Công ti thực nghiệp Nam Hưng bắt đầu vội vã rời khỏi đảo Phú Lâm, đến tháng 9 rút hết, đảo Phú Lâm bị bỏ hoang. Lúc này, một người Nhật khác là Tế Đằng Đằng Tứ Lang (Saito Toshiro) đã thay thế vị trí của Hirata, tiếp tục hợp tác với Hà Thụy Niên để khai thác đảo Phú Lâm. Tuy nhiên vào ngày 23/10/1927, một toán quân Trung Quốc khoảng 30 người bất ngờ tấn công người Nhật trên đảo, bắt toàn bộ người Nhật và giam giữ họ trên đảo. Ngày 24/11, Thẩm Khởi Phụng, một người Hồng Kông chỉ huy 25 người đổ bộ lên đảo Phú Lâm, yêu cầu quân đội Trung Quốc và người Nhật Bản đều phải rời khỏi đảo. Về lai lịch của toán quân Trung Quốc này và Thẩm Khởi Phụng, phía Trung Quốc hầu như không có ghi chép gì, vì vậy vẫn còn rất nhiều điểm không thể giải thích được. Sau đó, có thể Thẩm Khởi Phụng đã khai thác Hoàng Sa một thời gian ngắn. Nhưng vào năm 1928 khi đoàn khảo sát Hoàng Sa đến nơi, trên đảo không có một bóng người.

Ngày 22/5, đoàn khảo sát Hoàng Sa xuất phát trên tàu “Hải Thụy”, ngày 28 đến quần đảo Hoàng Sa, ngày 31 quay về rồi viết báo cáo điều tra. Chuyến đi của đoàn điều tra đã khảo sát các hạng mục của các đảo như địa thế địa lí, địa chất, phân chim, khoáng sản, nông sản, thuỷ sản cũng như tính khả thi của việc xây dựng cảng biển... Đoàn khảo sát cũng đã xác nhận thực tế kinh doanh trên đảo đều do người Nhật tiến hành, mặc đù đại bộ phận thiết bị doanh trại đã bị vứt đi nhưng đã tìm thấy một cuốn nhật kí của người Nhật bỏ lại trên đảo, từ đó biết được rất nhiều chi tiết việc khai thác của người Nhật. Chỉ có điều trên các đảo khi đó, ngoài phân chim và vài loại hải sản trên một hai đảo ra, không có giá trị gì cho việc kinh doanh cả. Đại học Trung Sơn đề nghị nhượng lại cho Đại học Trung Sơn phụ trách khai thác nguồn phân chim còn lại... 

Cuối cùng, chính quyền tỉnh Quảng Đông quyết định giao nguồn phân chim của quần đảo Hoàng Sa cho Đại học Trung Sơn quản lí, rốt cuộc đã huỷ bỏ quyền kinh doanh của Hà Thụy Niên. Sau khi Đại học Trung Sơn có được quyền quản lí, vì lí do thời cuộc và kinh phí, lần lữa mãi vẫn không đến Hoàng Sa khai thác được. Đến năm 1929, họ đành phải yêu cầu chính phủ phê chuẩn cho thương nhân nhận làm. Sau đó các thương nhân như Tống Tích Quyền, Nghiêm Cảnh Chi và Tô Tử Giang... lần lượt đấu thầu được quyền kinh doanh. Chỉ có điều việc khai thác của các công ti đều chỉ duy trì được khoảng 1 năm thì tuyên bố thất bại. Tình hình cứ duy trì như vậy đến khi tranh chấp Trung - Pháp về Hoàng Sa bùng phát.

Ngoài ra, vào năm 1925 Trung Quốc còn đề nghị xây dựng trạm khí tượng ở Hoàng Sa; năm 1926 Cục trưởng đo đạc đường biển Hứa Kế Tường còn đến đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng) điều tra để xây dựng, nhưng vì vấn đề tài chính mà không thể xây dựng được. Tháng 4/1930, hội nghị khí tượng Viễn Đông được tổ chức ở Hồng Kông với sự tham gia của 4 bên là Trung Quốc, Pháp, Philippines, Hồng Kông, quyết định để chính phủ Trung Quốc xây dựng đài khí tượng ở Hoàng Sa. Tháng 7, chính phủ Quốc Dân ra lệnh quyết định xây dựng ở Hoàng Sa một trạm vô tuyến và một trạm khí tượng, nhưng do khó khăn về tài chính, không có tiền để phân bổ, nghe nói mãi đến năm 1936 mới xây dựng xong, người viết không tìm thấy bằng chứng trong hồ sơ lưu trữ.

Tóm lại, trong thời gian từ năm 1909 đến 1930, các biện pháp chủ yếu của Trung Quốc về thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa bao gồm:

(1) Nhập Tây Sa vào Nhai Châu về hành chính;

(2) Cấp quyền chuyên doanh khai thác cho các thương nhân như Hà Thụy Niên…; 

(3) Chuyên viên chính phủ dẫn đoàn đổ bộ lên đảo khảo sát. Ngoài ra, còn có các kế hoạch khai thác và kế hoạch xây dựng trạm khí tượng vẫn nằm trên giấy... 

Những biện pháp này đã củng cố quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.


II.3 Nhật Bản phát triển kinh doanh quần đảo Trường Sa

Nhật Bản gần như  có sự quan tâm đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng một lúc, sự quan tâm đối với quần đảo Trường Sa thậm chí còn lớn hơn đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngay từ năm 1907, một người Nhật tên Cung Khi (Miyazaki), được sự khuyến khích của chủ trương “Thuỷ sản Nam tiến” đã đi thuyền cá đến hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Năm 1917, những người Nhật gồm Shigetoshi Komatsu và Ikeda Kanzo... khi điều tra ở Hoàng Sa cũng tiến hành khảo sát và đo đạc ở Trường Sa, đã phát hiện tài nguyên phốt phát ở Trường Sa, đưa đến cao trào điều tra về Trường Sa. Năm 1918, Sueji Hirata, năm 1919 Keisaburo Hashimoto và Junji Kamiyama, năm 1920 Hidekichi Saito và Sanzo Nozawa... cũng lần lượt đến Trường Sa khảo sát. Trong đó cuộc khảo sát của Hashimoto, để có được tính chính thức còn mời riêng kĩ sư Matsujiro Kamoshita và kĩ thuật viên Lingliang Sakurai của Bộ Nông Thương đi cùng.

Những chuyến khảo sát này đã giúp người Nhật biết rõ về nguồn khoáng sản phong phú của Trường Sa, do đó họ tới tấp xin phép chính phủ Nhật Bản cho khai thác. Vào tháng 3/1912, đồng thời với việc xin phép chính phủ Nhật Bản cho khai thác Hoàng Sa, Sueji Hirata cũng xin phép khai thác Trường Sa. Ngày 13/5/1919, Keisaburo Hashimoto với tư cách là nghị viên Viện Quý tộc đã thỉnh nguyện Ngoại trưởng Nhật Bản Nội Điền Khang Tai (Yasuya Uchida), đưa quần đảo Trường Sa vào bản đồ Nhật Bản và tiến hành khai thác.

Nhưng cuối cùng, quyền khai thác này dành cho công ti phốt phát Chu Thức ở đảo Lassa có quân đội đứng sau. Giám đốc Hằng Đằng Quy Long (Kitaka Hengo) là nhà địa chất nổi tiếng của Nhật Bản, là tiến sĩ nông học đầu tiên của Nhật Bản, cũng là nhà khoa học chủ trì khai thác đảo Daito, có quan hệ mật thiết với hải quân. Thông qua quan hệ với hải quân, ông ta đã mời trung tá hải quân dự bị Unosuke Ogura giúp đỡ tiến hành khảo sát Trường Sa. Dưới sự chủ trì của Ogura, ngày 14/2/1918, một nhóm người bắt đầu thực hiện cuộc điều tra đầu tiên ở Trường Sa, đã đến 5 đảo gồm đảo Song Tử Đông (đảo Bắc Tử), đảo Song Tử Tây (đảo Nam Tử), đảo Loại Ta (đảo Nam Thược), đảo Thị Tứ (đảo Trung Nghiệp) và đảo Ba Bình (đảo Thái Bình), cũng đã dựng cột mốc chiếm hữu trên đảo và phân tích phốt phát ở đó. Từ tháng 11/1920 đến tháng 3/1921, Ogura một lần nữa lại dẫn nhóm đổ bộ lên nhiều đảo như đảo Loại Ta (đảo Nam Thược), đảo An Bang (đảo An Ba), đảo Nam Yết (đảo Hồng Hưu), đảo Trường Sa Lớn (đảo Nam Uy) để tiến hành khảo sát. Qua hai lần khảo sát, về cơ bản tất cả các đảo có thể gọi tên đều đã được khảo sát. Ghi chép khảo sát của ông ta được đưa vào cuốn sách “Đảo bão tố” (Bạo Phong chi đảo). Cuốn sách này lần đầu tiên ghi lại một cách có hệ thống tên bản địa của một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa qua phỏng vấn ngư dân Hải Nam đánh cá ở đó, rất có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử hoạt động của ngư dân Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Việc ghi chép và chỉnh lí tư liệu tương tự của Trung Quốc phải mãi đến sau những năm 1930 mới xuất hiện.

Ngày 10/6/1919, công ti Lassa đã xin Sở tài phán địa phương Tokyo quyền khai thác khoáng sản ở 5 đảo nhỏ nêu trên. Sau khi Bộ Ngoại giao và Bộ Hải quân Nhật Bản tiến hành nghiên cứu sự quy thuộc của quần đảo Trường Sa, xác định các đảo này là đảo không người. Đơn của công ti Lassa được phê chuẩn vào tháng 4/1921, giấy phép khai thác được chính phủ Nhật Bản cấp phát. Nhật Bản chính thức đặt tên cho nó là quần đảo Tân Nam. Tên gọi quần đảo Tân Nam này là cách đặt tên đầu tiên của quần đảo Trường Sa theo ý nghĩa hiện đại. Trong sách cổ, Trung Quốc dùng các tên gọi Trường Sa, Thạch Đường... để chỉ quần đảo Trường Sa nhưng  không xác định rõ phạm vi cũng như bao gồm những đảo, đá nào; còn trong bản đồ hàng hải và thư tịch của phương Tây các đảo, đá này có tên gọi riêng nhưng không có tên gọi chung cho toàn bộ giống như quần đảo Paracel (tức quần đảo Hoàng Sa). Quần đảo Tân Nam có phạm vi tương đối cố định. Thời điểm trước và sau khi Thế chiến hai kết thúc, tên gọi này cũng được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu lịch sử của phương Tây.

Khi công ti Lassa bắt đầu khai thác khoáng với quy mô lớn trên các đảo ở Trường Sa thì đảo  Trường (đảo Ba Bình) đã trở thành đại bản doanh của Trường Sa, trên đảo xây dựng văn phòng, cầu tàu, nhà kho, đường ray và các công trình kiến trúc khác. Dân số trên đảo Ba Bình lúc đông nhất có hơn 100 người. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động thương nghiệp có tổ chức với quy mô lớn trên các đảo của Trường Sa. Trong mấy năm sau đó, người Nhật đến thăm dò và khai thác tổng cộng 9 đảo nhỏ, chủ yếu là đảo Song Tử Đông, đảo Song Tử Tây, đảo Tây Thanh (đảo Tây Thược / Loại Ta), đảo Tam Giác (đảo Trung Nghiệp / Thị Tứ), đảo Trường (đảo Thái Bình / Ba Bình), đảo Trung Tiểu (đảo Nam Thược), đảo Hoàn (đảo Amboyna / đảo An Bang), đảo Nam Tiểu (đảo Hồng Hưu / Nam Yết) và đảo Tây Điểu (đảo Nam Uy / Trường Sa Lớn). Chín đảo nhỏ này là các đảo chính của quần đảo Tân Nam.

Chính phủ Nhật Bản tích cực nghiên cứu về chủ quyền của Nam Sa. Năm 1927 các quan chức ngoại giao Nhật Bản lấy danh nghĩa tư nhân hỏi dò phía Anh, Pháp, Mỹ (Philippines) xem họ có yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa hay không. Pháp và Mỹ đều đưa ra câu trả lời phủ định, trong khi thái độ của Anh thì tương đố mơ hồ. Nhật Bản dò hỏi Philippines là dựa trên nguyên nhân địa lí: họ cho rằng về địa lí có thể thấy Trường Sa là một bộ phận của Philippines về mặt hành chính. Khi xem xét về yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa, Nhật Bản không dò hỏi phía Trung Quốc. Nguyên nhân được đề cập trong một bản báo cáo năm 1933, đó là vì trong cuộc tranh chấp về Đông Sa, Trung Quốc đã sử dụng hai cuốn sách (“Quốc triều nhu viễn kí” và “Giang hải hiểm yếu đồ thuyết”) để chứng minh đảo Đông Sa thuộc Trung Quốc, cả hai đều không có nhắc đến Trường Sa. Vì vậy, phía Nhật Bản cho rằng Trung Quốc không có liên hệ gì với Trường Sa.

Được khuyến khích, năm 1929 Hải quân Nhật Bản điều động  tàu vận tải Giao Châu (Koshu) đến quần đảo Trường Sa để điều tra. Tháng 3, Tề Đằng Anh Cát (Saito Hideyoshi), Linh Mộc Khuê Nhị (Suzuki Keiji) kiến nghị với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Hải quân sáp nhập “quần đảo Tân Nam” vào bản đồ Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản tiến hành nghiên cứu tích cực để chuẩn bị tuyên bố chính thức với các nước chủ quyền đối với Trường Sa.

Tháng 4, Nhật Bản dựng bia đá trên “quần đảo Tân Nam” thay cho bia gỗ dựng năm 1917. Tuy nhiên, chính vào tháng này do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, công ti Lassa ngừng khai thác khoáng sản, 3 thành viên công ti và 130 thợ mỏ đều rút về Nhật Bản. Yêu sách của Nhật Bản đối với Trường Sa cũng tạm dừng lại. Chính vì điều này mà phía Pháp đi sau về trước, đi đầu trong việc tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa.

Dù bắt đầu từ cuối thời Thanh ngư dân Trung Quốc liên tục hoạt động ở Trường Sa, nhưng những hoạt động đó là rất tản mạn và thuộc về tư nhân, không thể so sánh với việc khai phá của Nhật Bản cả về quy mô, tính tổ chức lẫn thời gian. Việc khai phá của Nhật Bản có dạng nửa công nửa tư, đặc biệt có sự hậu thuẫn của hải quân Nhật Bản, trong đội ngũ thám trắc thời kì đầu là do các sĩ quan hải quân giải ngũ và tại ngũ chỉ huy. Khác biệt rõ nét nhất là việc khai thác của Nhật Bản đã được chính phủ Nhật Bản phê chuẩn quyền kinh doanh. Điều này có nghĩa là loại hình kinh doanh này nhận được sự ủng hộ của nhà nước. So với việc Anh phê chuẩn quyền kinh doanh hai đảo nhưng không có hoạt động khai thác trên thực tế nửa cuối thế kỉ 19, bằng chứng chủ quyền về mặt “quản lí hữu hiệu” của Nhật Bản mạnh hơn; nhưng về mặt ý định chủ quyền thì không đủ, vì phía Anh đã xuất bản công báo còn phía Nhật Bản không có công bố.

So sánh các bằng chứng chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Trường Sa và của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa thời kì này có thể nói là rất giống nhau. Hai bên đều cấp phát quyền kinh doanh, hai bên đều có thực tế khai thác trên đảo (mặc dù khai phá ở Tây Sa chủ yếu là người Nhật Bản), hai bên đều chính thức đổ bộ lên đảo khảo sát. Điều mà Nhật Bản thua kém Trung Quốc là sự kiểm soát của họ với Trường Sa không nhận được sự thừa nhận của quốc tế. Mặc dù việc Nhật Bản dựng cột mốc biên giới trên đảo có thể xem như thể hiện ý định chủ quyền, nhưng khi Nhật Bản chuẩn bị công khai hóa thêm một bước cho thứ chủ quyền này, thì do khủng hoảng kinh tế bất ngờ xảy ra, nên đã chậm chân hơn Pháp.

So với tranh chấp đảo Đông Sa, phản ứng của Trung Quốc khá thú vị. Mặc dù sau này Trung Quốc tuyên bố liên tục có chủ quyền đối với Trường Sa, nhưng vào lúc đó chính phủ Trung Quốc, cả chính phủ Bắc Dương ở Bắc Kinh lẫn chính phủ Quảng Châu ở miền Nam, đều không có phản ứng đối với sự kiện khai phá lâu dài và quy mô lớn của Nhật Bản, cũng không có báo chí đưa tin. Các hồ sơ lưu trữ mà tác giả đọc được cũng không có nội dung về Nam Sa (Trường Sa). Ngược lại, khi xảy ra sự kiện tàu cá Nhật Bản đánh cá ở Đông Sa  lần lượt vào năm 1924 và 1930, phía Trung Quốc đã đưa ra kháng nghị ngay lập tức. Trước việc người Nhật khai thác khoáng sản ở Hoàng Sa, tinh thần quần chúng Trung Quốc sục sôi mãnh liệt (xem phần II.2). Vì vậy, việc Trung Quốc không lên tiếng đối với sự khai phá của người Nhật ở Trường Sa chỉ có hai khả năng: thứ nhất, Trung Quốc cho rằng Trường Sa thuộc Trung Quốc nhưng không biết việc người Nhật Bản tiến hành khai phá ở đó; thứ hai, Trung Quốc biết Nhật Bản khai phá ở Trường Sa, nhưng tuyệt nhiên không cho rằng Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Ngay cả tình huống thứ nhất là đúng, trong thời gian 10 năm dài mà không biết người Nhật khai phá ở đó chứng tỏ Trung Quốc tuyệt nhiên không thực sự quan tâm mấy đến Trường Sa. Trên thực tế, trước năm 1933, chính phủ Trung Quốc trước sau không dùng bất cứ hình thức nào để biểu thị Trung Quốc có chủ quyền đối với Trường Sa.

Bắt đầu từ thế kỉ 20 đến trước những năm 1930, thái độ của Nhật Bản đối với các đảo ở biển Đông chủ yếu là tích cực kinh doanh khai phá để thu được lợi ích kinh tế; thứ hai cũng có suy nghĩ phát triển thế lực đến biển Đông để chống lại thế lực của Anh và Pháp ở Đông Nam Á. Nhưng mục đích đầu tiên là quan trọng hơn. Dường như trong tất cả hành động, điều mà Nhật Bản theo đuổi là lợi ích có được trên thực tế hơn là lợi ích về danh nghĩa. Ở Đông Sa, qua giao thiệp với Trung Quốc, Nhật Bản đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đông Sa. Ở Hoàng Sa, Nhật Bản muốn thông qua Pháp và Trung Quốc để giành được quyền khai thác khoáng sản, cuối cùng đã thực hiện khai phá Tây Sa với giấy phép khai thác của Trung Quốc. Ở Trường Sa, trong tình hình không có người phản đối, Nhật Bản khai thác khoáng sản với quy mô lớn trong nhiều năm nhưng không kịp thời tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.


II.4 Sự thay đổi thái độ của Pháp

Cho đến giữa những năm 1920, Pháp không có sự quan tâm quá lớn đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Như Beauvais, tổng lãnh sự Pháp ở Quảng Châu (Trung Quốc), đã chỉ ra trong một bức điện năm 1909, rằng lợi ích của Pháp nằm ở việc duy trì quyền lợi tổng thể của mình ở Trung Quốc, còn Hoàng Sa so với điều này tuyệt nhiên không quan trọng, do đó, thật không đáng để Pháp vì Hoàng Sa mà kích động tinh thần dân tộc của người Trung Quốc (xem II.1).

Có bằng chứng cho thấy từ năm 1910 đến năm 1925, Pháp có không ít hoạt động ở Hoàng Sa. Ví dụ, Hải quân Pháp từng đến quần đảo Hoàng Sa trong các chuyến đi không định kì để giải cứu “phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị ngư dân Trung Quốc bắt cóc” cũng như tiến hành việc truy bắt buôn lậu vũ khí và thuốc phiện ở Hoàng Sa. Tàu tuần tra của Pháp còn bắt một tàu Nhật Bản đang chở phốt phát, thuyền viên Nhật Bản thanh minh rằng họ được phía Pháp phê chuẩn mới hoạt động ở đây. Trong nhật kí của người Nhật mà Thẩm Bằng Phi nhặt được khi khảo sát Hoàng Sa cũng có ghi chép mấy lần tàu tuần tra Pháp hoạt động ở khu vực xung quanh. Nhưng Pháp chỉ hi vọng duy trì hòa bình và an toàn đường thuỷ ở khu vực này, thái độ chủ quyền của họ không khác biệt so với năm 1909.

Ngày 20/9/1920, khi chuẩn bị khai thác Hoàng Sa, công ti Mitsui của Nhật Bản có hỏi dò Rémy, Tư lệnh Hải quân Pháp ở Sài Gòn, về chủ quyền của Hoàng Sa, ông ta trả lời: “Không có văn kiện chính thức nào ở bộ Tư lệnh có thể xác định tình trạng của quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, tôi tin rằng tôi có thể khẳng định chắc chắn chúng không phải lãnh thổ của Pháp, mặc dù điều này hoàn toàn dựa trên trí nhớ của tôi, tôi cũng không có biện pháp cung cấp bất cứ văn kiện nào để chứng minh điểm này”. Dù lời của Tư lệnh Hải quân ở Sài Gòn với ngữ khí dè dặt và xuất phát từ lập trường cá nhân, nhưng điều đó cũng cho thấy sự thiếu quan tâm của nước Pháp đối với chủ quyền của Hoàng Sa lúc đó. Năm 1921, chính quyền quân sự miền Nam Trung Quốc tuyên bố đưa quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) vào quyền quản lí của huyện Nhai Sơn. Hai sự kiện này bắt đầu gợi sự chú ý của Pháp. Bộ Thuộc địa Pháp và chính quyền Đông Dương bắt đầu thảo luận việc chọn thái độ đối với Hoàng Sa. Nhưng cuối cùng phía Pháp thể hiện bằng việc tiếp tục im lặng. Nguyên nhân chủ yếu là chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa đối với Pháp là một con bài dùng để mặc cả đổi lấy lợi ích khác. Pháp thậm chí còn thảo luận về việc có nên công khai thừa nhận chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc để đổi lấy việc Trung Quốc hứa vĩnh viễn không xây dựng căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, cũng như không cho nước khác thuê nó để xây dựng căn cứ quân sự.

Ngoài ra, nếu như Pháp đưa ra phản đối với chính phủ miền Nam, cũng có thể gặp phải vấn đề pháp lí, vì chính phủ miền Nam không phải chính phủ hợp pháp của Trung Quốc mà phía Pháp thừa nhận còn chính phủ Bắc Dương lại không kiểm soát Hoàng Sa trên thực tế.

Tóm lại, trong những năm 1920 Pháp không tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa nhưng cũng không chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Trong nội bộ, họ cho rằng lợi ích chủ quyền Hoàng Sa không phải không thể không đánh đổi được, và thật ra họ còn nghĩ tới chuyện dùng nó trong đàm phán với Trung Quốc. Đối với Trường Sa, Pháp về cơ bản không cho rằng nó là lãnh thổ của Pháp mà xem chúng là đất vô chủ (terra nullius). Nhưng kiểu thái độ này bắt đầu thay đổi vào giữa những năm 1920. Kiểu chuyển biến này có mấy nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất là do Việt Nam yêu cầu. Ngày 3/3/1925, Thân Trọng Huề, thượng thư Bộ binh triều Nguyễn gửi cho quan bảo hộ Pháp một thư chính thức, yêu cầu Pháp thay mặt Việt Nam đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc.  Ông nêu: “Quần đảo Hoàng Sa xưa nay luôn luôn thuộc chủ quyền của nước An Nam, việc này không có gì để bàn cãi cả. Trước khi Trung Quốc đoạt lấy quần đảo Hoàng Sa vào năm 1909, dựa theo điều ước bảo hộ, về mặt đối ngoại, nước Pháp đáng lí phải thay An Nam thi hành quyền bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, do trước đây vùng đất này hoàn toàn bị bỏ lơ, không được để ý đến, mới dẫn tới việc phía Trung Quốc có ý đồ chính thức chiếm lấy.

Không rõ lí do vì sao Thân Trọng Huề khi đó lại đột nhiên đưa ra yêu cầu này. Nhưng điều nêu trong thư rằng Việt Nam là thuộc địa, không có quyền tự chủ ngoại giao, chỉ có thể giao thiệp thông qua nước Pháp lại đúng theo thực tế. Xem lại thư của Pháp năm 1909, trong đó có nêu rằng “đối với những đảo này Pháp có quyền lợi giống như Trung Quốc”, nhưng quyền lợi miêu tả trong thư chỉ dựa trên hiện trạng ngư dân Việt Nam cũng đánh cá ở Hoàng Sa.... Có lí do tin rằng chính quyền thuộc địa Pháp khi đó biết rất ít về quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Hoàng Sa (xem I.2). Nhưng sau khi Thân Trọng Huề đưa ra quan điểm Hoàng Sa xưa nay thuộc An Nam, phía Pháp đã càng tìm thấy bằng chứng lớn hơn để đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa, tức chủ quyền dựa trên lịch sử. Nếu đã có các lí do dựa hiện trạng như Trung Quốc thì khi cộng thêm với những lí do dựa trên lịch sử chẳng lẽ chủ quyền Hoàng  Sa không nghiêng về phía Pháp sao?

Thứ hai, Pháp cảm thấy lo ngại trước sự bành trướng thế lực của Nhật Bản ở biển Đông. Từ trước tới nay, trong con mắt của Anh, Pháp… Hoàng Sa và Trường Sa đều là những khu vực nguy hiểm cho hàng hải, và trở ngại cho vận chuyển ở biển Đông. Anh và Pháp đã khảo sát Hoàng Sa và Trường Sa nhiều lần trong thế kỉ 19, nhưng mục đích của họ là chuẩn bị dữ liệu cho các tuyến hàng hải để tàu có thể tránh những khu vực nguy hiểm này khi đi biển. Mặc dù có tiềm lực khai thác phốt phát trên một số đảo, nhưng Anh, Pháp nhận thấy những tiềm lực này có hạn. Vì lẽ đó Hoàng Sa và Trường Sa đều không phải là lợi ích cốt lõi của Anh, Pháp.

Nhưng sau những năm 1920, Nhật Bản ra sức bành trướng xuống biển Đông. Họ duy trì việc khai thác phốt phát, dù không rõ lợi nhuận thế nào nhưng hành động của “thương nhân” Nhật Bản thật ra được một bộ phận quân đội, đặc biệt là hải quân, hậu thuẫn. Vì vậy, Anh, Pháp nghi ngờ mục đích thật sự của việc này là nhằm xâm nhập biển Đông. Dù Nhật Bản chưa hề tuyên bố chủ quyền, cũng không đưa quân lên đảo nhưng hai nước Anh, Pháp đều cảm thấy lợi ích chính của mình bị uy hiếp, và cho rằng Nhật Bản đang che đậy các mục đích chính trị của họ. Do đó, từ giữa những năm 1920 trở đi, vì những lí do chiến lược, thái độ của Pháp cũng trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ.

Từ giữa đến cuối những năm 1920, Pháp đã tăng cường nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1925, Pháp cử chiến hạm de Lanessan, do tiến sĩ Krempf, Giám đốc Nha hải dương học Đông Dương (Oceanographic Service of Indochina) chỉ huy tiến hành khảo sát và đo đạc Hoàng Sa. Nhưng điều này chưa đủ để lập luận rằng hành động này là hành động tuyên bố chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa. Kể từ thế kỉ 19, Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản đều đã từng đến quần đảo Hoàng Sa để tiến hành đo đạc, cộng đồng quốc tế không coi những hành động này là hành động tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa. Hành động của Pháp ngoài đo đạc ra còn có khảo sát, khảo sát có thể xem là một bộ phận của thực thi chủ quyền, nhưng chỉ khảo sát thôi thì không thể giải thích phần lớn vấn đề.

Qua điều tra, toàn quyền Đông Dương thấy cần phải nghiên cứu sâu  về tình trạng pháp lí của Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là vào năm 1928, sau khi công ti Tân Lân Bắc Kì (The New Phosphates Company of Tonkin) xin chính quyền Đông Dương quyền khai phốt phát ở Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, ông viết thư hỏi ý kiến Khâm sứ Trung Kì Aristide Eugène Le Fol. Qua điều tra kĩ càng, đặc biệt là sau khi đã tham khảo hồ sơ lịch sử của Việt Nam, vào ngày 22/1/1929 Aristide Eugène Le Fol viết cho Toàn quyền một bức thư quan trọng, trình bày tỉ mỉ quan hệ giữa Việt Nam với Hoàng Sa cũng như thái độ nước Pháp nên thể hiện. Trong thư chủ yếu đã đề cập mấy điểm dưới đây:

Thứ nhất, Hoàng Sa trong lịch sử thuộc lãnh thổ Việt Nam, bắt đầu từ đầu thế kỉ 19 đã liên tục được vua Việt Nam quản lí (đây cũng là lần đầu phía nhà nước Việt Nam/Pháp chính thức xác nhận Tây Sa tức Hoàng Sa).

Thứ hai, mặc dù hiện nay không có ngư dân Việt Nam hoạt động ở đó, nhưng vua Việt Nam và một số nhân vật chính trị của Pháp đều coi chúng là lãnh thổ của Việt Nam.

Thứ ba, Pháp với tư cách là nước bảo hộ của Việt Nam, lẽ ra đảm nhận trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ Việt Nam, nhưng trước đây (hơn 40 năm) nước Pháp đã không làm như vậy, đặc biệt là đối với hành động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc năm 1909, nước Pháp không có trách nhiệm cần phải có.

Thứ tư, về mặt địa lí, Hoàng Sa là phần mở rộng tự nhiên của lãnh thổ đất liền Việt Nam.

Thứ năm, Hoàng Sa có vị trí chiến lược quan trọng, trong tác chiến có thể bị các nước khác dùng làm căn cứ tiến hành tấn công Đông Dương; Hoàng Sa còn ở trên tuyến đường giao thông trọng yếu trong vận tải đường biển giữa Đông Dương, Bắc Kì (chỉ miền Bắc Việt Nam), Viễn Đông và Thái Bình Dương, quân địch chiếm đóng Hoàng Sa rất dễ cắt đứt giao thông giữa các khu vực kể trên, gây nguy hiểm cho an ninh Đông Dương.

Trong phần cuối thư, Aristide Eugène Le Fol yêu cầu toàn quyền Đông Dương giải quyết vấn đề Hoàng Sa càng sớm càng tốt.

Đối với việc này, phía Paris vẫn còn do dự không quyết, còn toàn quyền Pháp ở Đông Dương Pierre Marie Antoine Pasquier cũng có khuynh hướng chờ đợi. Nhưng với sự công khai bức thư, trong vòng mấy tháng dư luận về vấn đề Hoàng Sa không những sôi sục ở Sài Gòn mà thậm chí còn lan truyền đến Paris. Quốc hội Pháp gửi thư đến Bộ Thuộc địa yêu cầu có hành động ở Hoàng Sa. Do đó Bộ Thuộc địa lại lần nữa ra lệnh cho Pasquier giải thích lập trường. Cuối cùng vào tháng 3/1930, Pasquier tin rằng nước Pháp có bằng chứng để đòi chủ quyền Hoàng Sa nhưng ông vẫn lo lắng về phản ứng của Trung Quốc. Tháng 6, Bộ Ngoại giao Pháp gây thêm áp lực với Pasquier. Cuối cùng cho đến tháng 10, Pasquier mới quyết tâm đối đầu với Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa. Điều này phản ánh trong bức điện của ông gửi cho Paris ngày 18/10/1930. Năm 1931, “Báo Dư luận” ở Sài Gòn đăng bài viết yêu cầu Pháp “thu hồi” quần đảo Hoàng Sa. Nhưng mãi đến cuối năm 1932 Bộ Ngoại giao Pháp cuối cùng mới có quyết định.

Đáng chú ý là mặc dù nguyên nhân dẫn đến một loạt thư từ qua lại trong hơn hai năm này phần lớn là những trọng tâm thảo luận của phía Pháp về vụ Hoàng Sa, còn Trường Sa được đề cập đến không nhiều, hơn nữa đặt ở vị trí rất không quan trọng. Pháp có lẽ cho rằng lúc đó chỉ có Hoàng Sa là nằm dưới sự quản lí của Trung Quốc, vì vậy tranh chấp Hoàng Sa mới cần phải lo lắng đến phản ứng của Trung Quốc.

Năm 1932, Trung Quốc lại cấp giấy phép khai thác Hoàng Sa. Nhân cơ hội này, ngày 4/12, Pháp chính thức gửi công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, khẳng định rõ Pháp có chủ quyền đối với Hoàng Sa, và nói thêm rằng nếu Trung Quốc có ý kiến phản đối về vấn đề này thì có thể đưa ra tòa trọng tài. Có 3 lí do chính: Việt Nam thời Gia Long, Minh Mạng đã xác lập sự quản lí đối với Hoàng Sa; năm 1898 quan chức Trung Quốc từng tuyên bố với phía Anh rằng quần đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc; năm 1899, chính quyền Đông Dương thuộc Pháp chuẩn bị xây dựng hải đăng ở Hoàng Sa.

Sự việc năm 1898 được nói đến ở đây là chỉ vụ một tàu chở đồng của Đức (Bellona) và một tàu chở đồng của Nhật Bản (Imegi Maru) lần lượt bị mắc cạn năm 1895 và 1896 tại đá Bắc (North Reef) và nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group), ngư dân Trung Quốc cướp sạch hàng hóa trên tàu và mang về Hải Khẩu bán. Do hai tàu này đều do công ti của Anh bảo hiểm, Công sứ Anh Henry Bax-Ironside và lãnh sự Anh ở Hải Khẩu O’Brien Butler đưa ra kháng nghị với phía Trung Quốc đồng thời thay mặt công ti Anh đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường. Trong công hàm Tổng lí nha môn gửi Công sứ Anh vào ngày 8/8/1899 có dẫn lại phản bác của tổng đốc Lưỡng Quảng về việc này: “Quần đảo Tây Sa là các đảo bỏ hoang, tức không thuộc Trung Quốc, cũng không thuộc An Nam, nó không thuộc bất cứ khu vực hành chính nào của Hải Nam, không ai phải chịu trách nhiệm về an ninh của nó” (Paracels were abandoned islands which belonged no more to China than to Annam. They are not administratively attached to any district of Hainan and no special authority is responsible for policing them). Cuối cùng, công ti của Anh không nhận được tiền bồi thường. Việc này được đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh và lãnh sứ quán Anh ở Hải Khẩu ghi lại.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử  Pháp chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa. Cũng là sự khởi đầu của tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa. Tháng 4/1932, Pháp lại gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời bày tỏ sự phản đối với việc tỉnh Quảng Đông chuẩn bị tiến hành bỏ phiếu về quyền khai thác phân chim ở Hoàng Sa. Năm 1932, Pháp phái binh lính đến tuyên bố chủ quyền ở đảo Phú Lâm (đảo Vĩnh Hưng). Ngày 15/6, Pháp thông qua pháp lệnh số 156 tuyên bố đặt quần đảo Hoàng Sa dưới sự quản lí của tỉnh Thừa Thiên thuộc Trung Kì, và gọi nó là Đặc khu Paracels (Delegation of the Paracels). Năm 1934, Pháp xây chùa Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm (đảo Vĩnh Hưng).


II.5 Trung Quốc và Pháp giao thiệp về Hoàng Sa

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi nhận được công hàm của Pháp lập tức hỏi ý kiến Bộ Nội chính, tỉnh Quảng Đông, tỉnh Quảng Tây và Bộ Hải quân. Lần đầu tiên họ biết rằng “Thất Châu Dương” mà người Pháp nói đến trong bản dịch tiếng Trung chính là [vùng biển] quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), sau đó họ tìm thấy nhiều tư liệu chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Qua các thư từ nội bộ, có thể thấy rằng các bộ ngành của Trung Quốc đều rất tin tưởng rằng Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Ngày 29/9/1932, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Cố Duy Quân gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Pháp để phản bác yêu sách của Pháp, lí do biện bác chủ yếu có 6 điểm: 

Thứ nhất, theo Công ước Pháp-Thanh 1887 thì ranh giới biển giữa Trung Quốc và Pháp nằm ở kinh độ 108° 2’ E mà quần đảo Tây Sa nằm ở phía Đông đường ranh giới này, nên phải thuộc Trung Quốc. 

Thứ hai, trong quần đảo Tây Sa, ngoài hai đảo ra không có tài nguyên gì, ở quần đảo này chỉ có ngư dân Hải Nam qua lại, không có người Việt Nam. 

Thứ ba, vào năm 1816 Việt Nam còn là nước chư hầu (phiên thuộc) của Trung Quốc, không có khả năng xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc. 

Thứ tư, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Tây Sa năm 1909 và khi chính quyền tỉnh Quảng Đông tuyên bố nhập Tây Sa vào khu vực hành chính của họ năm 1921, Pháp đều không phản đối. Sau năm 1921, tỉnh Quảng Đông có ít nhất 5 lần phê chuẩn quyền khai thác khoáng sản ở Tây Sa, Pháp cũng không phản đối. 

Thứ năm, cộng đồng quốc tế mấy lần yêu cầu chính phủ Trung Quốc xây dựng hải đăng ở Tây Sa, điều này cho thấy thế giới công nhận Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Năm 1930, trong một hội nghị quốc tế được tổ chức ở Hong Kong có một trạm trưởng trạm khí tượng của Đông Dương thuộc Pháp tham dự cũng đề nghị Trung Quốc xây dựng hải đăng trên đảo Tây Sa, điều này chứng tỏ phía Pháp cũng công nhận Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. 

Thứ sáu, phía Pháp nói rằng quan chức Trung Quốc từng phủ nhận quần đảo Tây Sa thuộc Trung Quốc, việc này chưa rõ thực hư, nhưng ngay cả có thật thì đó cũng chẳng qua là quan chức triều đại trước không làm tròn trách nhiệm mà thôi.

Dưới đây giải thích đơn giản một chút điểm thứ nhất và điểm thứ năm. Ngày 26/6, tại Bắc Kinh hai nước Trung-Pháp kí “Trung-Pháp tục nghị giới vụ chuyên điều” (Công ước Pháp-Thanh / Công ước Constans), trong đó Điều 3 quy định:

Đối với vấn đề biên giới ở Quảng Đông, hiện giờ ngoài biên giới do các đại thần hai nước phân định, tại khu vực từ phía Đông cho đến phía Đông Bắc Móng Cái, vùng nào chưa giải quyết được đều đưa về cho Trung Quốc quản lí. Đối với các đảo ngoài biển, chiểu theo đường vạch đỏ được các đại thần phân định biên giới hai nước vẽ, và kéo dài về phía Nam, đường này đi qua biên phía đông của ngọn đồi ở xã Trà Cổ, tức là lấy đường này làm ranh giới (xã Trà Cổ tên Hán là Vạn Chú, nằm ở phía Nam Móng Cái và phía Tây Nam núi Trúc). Từ đường đó về phía Đông, các đảo trên biển đều thuộc về Trung Quốc, từ đường đó về phía Tây, núi Cửu đầu (tên Việt là Cách Đa) và các đảo nhỏ trên biển đều thuộc về Việt Nam.

Theo bản dịch tiếng Pháp là:

Tại Quảng Đông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Đông và phía Đông Bắc Móng Cái mà ở phía bên kia của đường biên giới do Uỷ ban phân giới xác định thì chúng được phân cho Trung Hoa. Những đảo ở về phía Đông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ Đông, tức là đường thẳng Bắc Nam đi qua điểm cực đông đảo Trà Cổ (hay Vạn Chú) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Cô Tô và những đảo khác ở phía Tây kinh tuyến này thuộc về An Nam.

Đồng thời, trên bản đồ đoạn cực Đông của biên giới hai nước Trung-Việt đính kèm Công ước có vẽ một đường màu đỏ theo hướng Bắc Nam (Hình 2), và chú thích rõ “khởi đầu từ biên giới phía Bắc do đại thần hai nước phân định, đường đỏ này chạy về phía Nam đi qua biên phía Đông ngọn đồi ở xã Trà Cổ, lấy đường này làm ranh giới”.

Đường đỏ này nằm ở kinh độ 105° 43’ Đông tính từ kinh tuyến Paris, theo kinh tuyến Greenwich là 108° 3’ 13”. Đường đỏ này được vẽ rất ngắn, nhưng kéo dài xuống sẽ đi qua bán đảo Đông Dương, biển Đông và các đảo ở biển Đông đều ở phía Đông đường kéo dài này.

Hình 2: Bản đồ phân định biên giới Trung-Việt năm 1887 

Phía Trung Quốc cho rằng đường biên giới được quy định trong Công ước kéo dài liên tục qua bán đảo Đông Dương, mà quần đảo Hoàng Sa ở phía Đông đường biên này cho nên theo Công ước thì Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.

Điểm thứ năm nói tới Hội nghị khí tượng Viễn Đông được tổ chức ở Hong Kong từ 29/4 đến 3/5/1930. Chủ tịch hội nghị này là trạm trưởng Trạm thiên văn Hong Kong, có tổng cộng hơn 10 người tham dự là các trạm trưởng, trong đó có đại biểu viện Nghiên cứu khí tượng trung ương Nam Kinh, trạm quan sát khí tượng Thanh Đảo, trạm quan sát khí tượng đảo Đông Sa, trạm thiên văn Từ Gia Hội ở Thượng Hải, trạm thiên văn Manila, trạm thiên văn Hải Phòng... cũng như đại biểu hàng không Hải quân Anh. Chương trình nghị sự chủ yếu bao gồm một loạt công việc có liên quan đến khí tượng và an ninh hàng hải ở biển Đông, bao gồm việc lập ra tín hiệu bão địa phương thống nhất (Local Storm Signal Code) và tín hiệu bão Viễn Đông (Non-Local Storm Signal Code), thời gian thông báo dự báo khí tượng thống nhất, cũng như phương thức dùng sóng ngắn tiến hành thông tin. Sự việc có liên quan là vào ngày 30/4 trạm trưởng trạm thiên văn Manila “đề nghị Hội nghị thừa nhận Đài quan sát khí tượng Đông Sa do chính phủ Trung Quốc xây dựng là cơ quan khí tượng quan trọng nhất ở biển Trung Quốc (biển Đông), hơn nữa tàu thuyền đi qua biển Trung Quốc cũng được lợi rất nhiều, đồng thời hi vọng cũng sẽ xây dựng thêm trạm ở Tây Sa (Paracel) và Macclesfield Bank để tăng cường an toàn hàng hải. Quyết nghị để trạm trưởng Trạm quan sát đảo Đông Sa đệ trình chính phủ Trung Quốc tham gia xây dựng cơ quan khí tượng ở trên hai đảo này”. Đây chính là điều 9 của quyết nghị. 

Theo điều tra của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mặc dù trạm trưởng trạm thiên văn Từ Gia Hội, Thượng Hải (L. Froc) là người Pháp nhưng trạm thiên văn này do Giáo hội Thiên Chúa xây dựng, chỉ là cơ quan khoa học, trừ việc được sự bảo vệ của chính quyền tô giới Pháp, không thể xem là quan chức của Pháp. Tuy nhiên, trạm thiên văn Hải Phòng, đặt ở khu vực thuộc Pháp, được sự tài trợ của chính phủ Pháp, hoàn toàn là cơ quan thuộc chính phủ Pháp, nên trạm trưởng của nó (E. Bruzon) có thể được xem là quan chức của Pháp.

Ngày 27/9/1933, phía Pháp trả lời phía Trung Quốc. Thư trả lời phản bác từng lí do của Trung Quốc: 

Thứ nhất, vào năm 1930 Trung Quốc đồng ý áp dụng “nguyên tắc 3 hải lí” để phân định lãnh hải, quần đảo Tây Sa cách đảo Hải Nam 145 hải lí không thể cho là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. 

Thứ hai, ý đồ trong công ước phân giới năm 1887 là phân chia rõ biên giới Trung-Việt ở khu vực Móng Cái (Moncay), trong khi quần đảo Hoàng Sa cách Móng Cái quá xa, nằm ngoài phạm vi áp dụng của Công ước; nếu như không xem đường đỏ là biên giới cục bộ mà có thể kéo dài để có thể áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa thì không những nhiều đảo của Việt Nam phải xếp vào lãnh thổ Trung Quốc mà ngay đến phần lớn đất liền của chính Việt Nam cũng vậy, quả thật đó là điều không thể. 

Thứ ba, ngư dân đảo Hải Nam đánh cá ở Hoàng Sa, về mặt luật pháp và thông lệ quốc tế, không nảy sinh bất cứ hiệu lực nào. 

Thứ tư, năm 1909, Trung Quốc tuyên bố chiếm giữ Hoàng Sa với trong và ngoài nước, hiển nhiên trước thời điểm đó không có chủ quyền đối với Hoàng Sa, trong khi đó năm 1816 vua Gia Long chính thức quản lí đảo này thì đã có sử sách chứng minh.

Thứ năm, việc Hội nghị khí tượng Viễn Đông đề nghị xây dựng hải đăng trên đảo này, nhiệm vụ duy nhất của đại biểu Pháp tham gia hội nghị là tập trung về mặt khoa học, không có quyền can dự vào vấn đề chính trị, do đó không đại diện cho lập trường của Pháp.

Ngày 7/6/1934, Trung Quốc lại phản bác Pháp: 

Thứ nhất, cái gọi là “nguyên tắc 3 hải lí” vẫn là lấy biên giới các vùng lãnh thổ ven biển của Trung Quốc làm khởi điểm chứ không hạn chế ở Quỳnh Nhai; nếu không thì các thuộc địa cách xa nước Pháp hơn 145 hải lí cũng không phải là lãnh thổ của Pháp sao? 

Thứ hai, đường phân giới năm 1887, điều khoản quy định “từ đường đỏ về phía Đông, các đảo trên biển đều thuộc về Trung Quốc”, không hề nói đến khu vực đất liền của Việt Nam, cho nên vẫn áp dụng thích hợp cho quần đảo Tây Sa. 

Thứ ba, việc vua Gia Long, không có sử sách nào của Trung Quốc có ghi chép Tây Sa thuộc Việt Nam, đó là do phía Việt Nam ghi chép không xác thực, khi đó Việt Nam là nước chư hầu của Trung Quốc, không có lí gì để xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc. 

Thứ tư, việc Lí Chuẩn tuyên bố chủ quyền năm 1909 là nghi thức kỉ niệm việc đặt tên lại các đảo, Trung Quốc đã chiếm hữu Tây Sa từ thời xa xưa lúc Phục ba tướng quân Mã Viện của nhà Hán Nam chinh, hơn nữa mười mấy năm thời Dân quốc đến nay liên tục thực thi chủ quyền đối với Tây Sa.

Thứ năm, trong vụ 9 đảo nhỏ (xem phần II.6, II.7), Pháp nói với Trung Quốc rằng “trong sách địa lí và bản đồ của Trung Quốc, chưa từng nhắc đến và liệt kê ra 9 đảo nhỏ mà Pháp chiếm, địa lí Trung Quốc cũng chỉ ra rằng đảo Tri Tôn - đảo  cực Nam của Tây Sa (Paracels) là chỗ cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc”. Kiểu diễn đạt này mặc dù phủ nhận 9 đảo nhỏ là lãnh thổ Trung Quốc nhưng ít nhất cũng thừa nhận chỗ cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Tri Tôn, đảo cực Nam của quần đảo Tây Sa. Điều đó đủ để chứng minh rằng Pháp biết rõ quần đảo Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.

Mãi đến năm 1935 phía Pháp mới trả lời. Đối với điểm thứ nhất, Pháp thừa nhận lập luận của Trung Quốc nhưng cho rằng “chính phủ Trung Quốc đã không ngừng mở rộng lãnh hải của tỉnh Quảng Đông ra toàn bộ Biển Đông để tranh giành chủ quyền của đảo này”. Đối với điểm thứ 2, Pháp cho rằng không có cụm từ “các đảo trên biển” trong bản tiếng Pháp, do đó vẫn một mực cho rằng Công ước chỉ xác định sự quy thuộc các đảo trong lãnh hải của Trung Quốc và lãnh hải của Bắc bộ trong phân giới Trung -Việt mà thôi. Đối với điểm thứ 3, Pháp vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Đối với điểm thứ 4, lập luận của Trung Quốc được ghi nhận để tham khảo. Đối với điểm thứ 5, Pháp nêu “để chỉ rõ 9 đảo nhỏ mà phía Pháp chiếm không có dính dáng gì với đảo này, Sứ quán Pháp tại Trung Quốc dẫn ra bản đồ Trung  Quốc chỉ để giải thích rằng 9 đảo nhỏ này không thuộc lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc mà thôi. Không thể cho rằng phía Pháp đã thừa nhận quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc”. Hơn nữa, bản đồ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc năm 1897 không có quần đảo Hoàng Sa, và việc Trung Quốc có thái độ tiêu cực về sự kiện tàu Anh bị đắm năm 1897, đủ để chứng minh lập luận cho rằng bắt đầu từ thời Hán Trung Quốc đã có chủ quyền ở Hoàng Sa là không đúng.

Năm 1933, “sự kiện 9 đảo nhỏ” từ việc Pháp tuyên bố sáp nhập quần đảo Trường Sa đã khiến thái độ của Trung Quốc đối với Hoàng Sa càng thêm cứng rắn (xem phần II.6, II.7). Ngoài giao thiệp về ngoại giao, Trung Quốc cũng chuẩn bị tiến thêm một bước trong thực thi chủ quyền. Ngày 27/10/1933, Trung Quốc thông báo cho phía Pháp sẽ xây dựng trạm quan sát khí tượng trên đảo Hoàng Sa, Pháp phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngưng kế hoạch này lại, ngay cả đại sứ Trung Quốc tại Pháp Cố Duy Quân cũng cho rằng trong tình trạng có tranh chấp chủ quyền, làm như vậy “thật bất tiện”. Ông cho rằng  hiện tại Pháp vẫn nhấn mạnh giải quyết hòa bình, sách lược tốt nhất của Trung Quốc là nhanh chóng giải quyết theo pháp luật chứ không nên tùy tiện xây dựng hải đăng để làm xấu đi quan hệ. Nhưng trước sự phản đối của Pháp và khuyến cáo của Cố Duy Quân, Trung Quốc vẫn kiên trì muốn chuẩn bị xây dựng hải đăng. Do việc xây dựng trạm khí tượng và hải đăng ở Hoàng Sa thực sự có sự cần thiết của nó, ngành hàng hải và ngành thiên văn, đặc biệt là dưới sự nỗ lực thúc đẩy của trạm trưởng trạm thiên văn Từ Gia Hội (E. Gherzi, người Pháp), cuối cùng Pháp đã nhượng bộ. Tháng 7/1935, trạm trưởng trạm thiên văn Từ Gia Hội nhận được thư của đại sứ Pháp tại Trung Quốc Henry Auguste Wilden. Thư này nói rằng nếu Trung Quốc đồng ý xây dựng hải đăng và trạm khí tượng ở Hoàng Sa mà không đề cập tới hoặc giải quyết chủ quyền Hoàng Sa thì Pháp sẽ không phản đối việc xây dựng. Nhưng Trung Quốc có thái độ không rõ ràng trong việc có cam kết làm như vậy hay không. Cho đến trước khi nổ ra chiến tranh Trung – Nhật năm 1937 vẫn không có văn bản cam kết nào. 

Tháng 2/1937, chính quyền tỉnh Quảng Đông không báo cho Bộ Ngoại giao biết mà lại chuẩn bị cử người đến điều tra ở Hoàng  Sa để chuẩn bị cho việc khai thác. Cố Duy Quân một lần nữa lại cho rằng hành động này không thoả đáng, Pháp cũng bày tỏ sự phản đối. Cùng lúc đó,  Trung Quốc cũng tăng cường nghiên cứu về lịch sử Hoàng Sa, đặc biệt là nghiên cứu các sách vở, bản đồ mua từ Việt Nam, cũng như tìm kiếm “Đại Nam nhất thống chí”, “Hoàng Việt địa dư chí” và tác phẩm của giáo sĩ Jean-Louis Taberd... vốn cho phép Pháp chứng minh Việt Nam có chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Ngày 18/2/1937, Pháp gửi công hàm cho đại sứ Trung Quốc tại Pháp Cố Duy Quân, bày tỏ mong muốn tiến hành đàm phán trực tiếp về vấn đề Hoàng Sa, nhưng nếu “cố hết sức mà không thành công thì không thể không đề nghị cách đưa ra tòa trọng tài”.

Ngày 19/4, đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc lại đưa ra yêu cầu này với phía Trung Quốc. Nhưng chính phủ Trung Quốc “trước sau luôn cho rằng không có bất kì nghi ngờ nào về việc quần đảo [Tây] Sa thuộc về Trung Quốc”. Ngày 26/5, phía Trung Quốc lại chỉ thị đại sứ quán tại Pháp giao thiệp với phía Pháp, đưa ra bằng chứng mới về quần đảo Hoàng Sa, cho rằng: thứ nhất, việc vua Gia Long cắm cờ ở quần đảo Tây Sa không được ghi chép trong sử liệu Việt Nam, chỉ là “truyền thuyết vu vơ”; thứ hai, “Đại Nam nhất thống chí” chỉ có ghi chép về đảo Hoàng Sa, nhưng đó có phải là quần đảo Tây Sa hay không thì còn nghi vấn; thứ ba, miếu cổ được ghi chép trong “Đại Nam nhất thống chí” là do ngư dân Trung Quốc xây dựng; thứ tư, bản đồ  do Việt Nam xuất bản, cho đến năm 1926 vẫn không có vẽ quần đảo Tây Sa; thứ năm, từ năm 1909 đến nay, Pháp đã nhiều lần thừa nhận Tây Sa không thuộc Việt Nam. Bằng chứng loại này gồm: (1) Năm 1909, Pháp không có hành động gì trước việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Tây Sa; (2) Năm 1920, khi tư lệnh hải quân Pháp Rémy trả lời Công ti Nhật Bản có cam đoan rằng Tây Sa không thuộc sở hữu của Pháp; (3) Khi hải quân Việt Nam gửi điện hỏi ý kiến hải quân Pháp về chủ quyền Tây Sa, hải quân Pháp trả lời rằng họ chỉ biết Trung Quốc tuyên bố chủ quyền năm 1909; (4) Toàn quyền Đông Dương cho rằng trừ phi có thông tin mới, nếu không  thì nên xem Tây Sa là sở hữu của Trung Quốc; (5) Toàn quyền Đông Dương Pasquier nói rằng có thể giữ lại quần đảo Tây Sa để trao đổi lợi ích với Trung Quốc; (6) Nghị sĩ Thượng nghị viện Pháp Bergeon nói rằng hiện nay An Nam đã không có quan hệ gì với Tây Sa; (7) Toàn quyền Doumer nói rằng Trung Quốc cần phải ngăn chặn nước khác chiếm hữu quần đảo này. Cần phải nói rằng bằng chứng Trung Quốc đưa ra trong lần này là khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, không tìm thấy văn kiện của công hàm đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp gửi cho Pháp trong hồ sơ lưu trữ, nên khó xác định đại sứ quán có gửi công hàm cho phía Pháp hay không. Không lâu sau đó, Nhật Bản bắt đầu xâm lược Hoàng Sa, giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng bùng nổ chiến tranh toàn diện, tranh chấp Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Pháp tạm kết thúc một giai đoạn.

Tóm lại, bắt đầu từ năm 1931, quần đảo Hoàng Sa đã bước vào thời kì tranh chấp giữa Trung Quốc và Pháp. Pháp đề nghị đưa vấn đề Hoàng Sa ra tòa trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc không đồng ý. Từ năm 1932 đến năm 1938, mặc dù cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhưng không bên nào thiết lập được sự quản lí hoàn chỉnh và hiệu quả đối với quần đảo này. Trung Quốc và Pháp đều không có quân đội phòng thủ và nhân viên thường trú ở quần đảo Hoàng Sa. Mỗi bên đều từng xây dựng một số công trình trên một số đảo, không có ghi chép về việc nổ ra xung đột giữa hai bên. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến tháng 3/1938 thì Pháp đưa binh đến chiếm đóng Hoàng Sa.

II.6 Pháp chiếm đóng quần đảo Trường Sa và tranh chấp Pháp-Nhật

Như trình bày ở phần trước, thái độ xử lí của Pháp đối với Trường Sa hoàn toàn khác đối với Hoàng Sa. Ở Hoàng Sa, Pháp cân nhắc thái độ của Trung Quốc, nhưng ở Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn không nằm trong sự cân nhắc của Pháp. Vì trong mắt người Pháp, Trường Sa là đất vô chủ. Sau năm 1925, cùng với việc gia tăng sự chú ý đối với Hoàng Sa, Pháp cũng đã nâng sự chú ý đối với Trường Sa. Trong một văn kiện nội bộ ngày 23/3/1925, toàn quyền Đông Dương cho rằng cần phải sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Vì vậy, vào năm 1927 khi lãnh sự Nhật Bản tại Hà Nội Kurosawa hỏi ý kiến chính quyền Đông Dương về tình trạng pháp lí của Trường Sa, Pháp không trả lời tùy tiện mà tiến hành điều tra nghiên cứu trong nội bộ trước. Kết quả người Pháp thu được là Trường Sa không có quan hệ gì với Pháp hoặc Việt Nam. Từ cuối năm 1927 đến cuối năm 1928, báo cáo của toàn quyền Đông Dương gửi Bộ Thuộc địa Pháp và Tổng bộ châu Á Thái Bình Dương của Pháp chỉ ra: “Xét thấy Pháp xưa nay chưa từng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này, về mặt logic, chúng đúng ra là một bộ phận của quần đảo Indonesia hơn là của bán đảo Đông Dương”.Các đảo này cả về mặt chính trị lẫn về mặt địa lí đều không có quan hệ với đường bờ biển An Nam, cách nó bởi rãnh biển sâu 1000 đến 2000 mét”. Đồng thời với việc này, năm 1927 nước Pháp cũng phái chiến hạm de Lanessan đến quần đảo Trường Sa tiến hành khảo sát (không gặp phải sự phản đối của Trung Quốc).

Thông qua những nghiên cứu này, Pháp về cơ bản đã đi đến kết luận rằng quần đảo Trường Sa là đất vô chủ. Có báo cáo cho rằng nếu đã nhận định quần đảo Trường Sa là đất vô chủ thì Pháp cần phải thực hiện các hành động phù hợp luật quốc tế để tuyên bố chủ quyền.

Năm 1929, Bộ Ngoại giao Pháp gửi điện cho đại sứ quán Pháp tại Manila để hỏi xem Philippines có yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa hay không. Thư trả lời của đại sứ quán Pháp cho thấy rằng Philippines không quan tâm tới  Trường Sa. Cùng năm, lãnh sự quán Nhật Bản tại Hà Nội lại lần nữa hỏi dò chính quyền Đông Dương về yêu sách chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa, Pháp một mặt không trả lời, mặt khác quyết tâm tăng nhanh hành động ở Trường Sa.

Ngày 13/4/1930, toàn quyền Đông Dương phái chiến hạm Malicieuse đến Trường Sa, cắm cờ Pháp trên đảo Trường Sa Lớn và bắn 21 phát súng chào. Trên một bản đồ nội bộ của Pháp có vẽ khu vực Pháp muốn chiếm hữu là khu vực từ 111° E đến 117° E và từ 7° N  đến 11° N. Phương pháp dùng kinh độ, vĩ độ xác định khu vực này giống với các giới hạn điều ước mà Mỹ sử dụng khi giành được Philippines từ tay Tây Ban Nha. Thời gian này vẫn chưa có tên gọi thống nhất cho quần đảo Trường Sa.

Anh chú ý đến việc này trước nhất. Ngày 30/4, trong bức điện của tổng lãnh sự Anh tại Sài Gòn gửi Bộ Ngoại giao có nêu: 

Đảo Spratly hoặc đảo Bão Tố mà nước Pháp tuyên bố sáp nhập dường như chính là đảo mà nước Anh đã sáp nhập vào năm 1877. Chính quyền tại khu vực nói rằng họ nhận lệnh của Bộ Ngoại giao Pháp.

Sự việc xảy ra năm 1877 được nói đến ở đây là việc chính quyền Borneo phê chuẩn cho thương nhân quyền được khai thác đảo Spratly (đảo Trường Sa Lớn) và đảo Amboyna Cay (đảo An Bang). Tháng 9/1877, một người Mỹ là Graham và hai người Anh là Simpson và James nộp đơn cho chính quyền Labuan, Sabah thuộc Anh, yêu cầu được cắm cờ Anh và khai thác phốt phát ở đảo Spratly (đảo Trường Sa Lớn) và đảo Amboyna Cay (đảo An Bang) thuộc Trường Sa .W.H. Treacher. toàn quyền Labuan kiêm toàn quyền Borneo, kí văn kiện xác nhận đơn này và chỉ rõ đơn này đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh phê chuẩn, tuy nhiên nếu trong 10 năm không khai thác hoặc liên tục trong 5 năm không khai thác, giấy phép này sẽ bị huỷ bỏ. Đồng thời, Treacher còn kiến nghị, vì hai đảo này không nằm trong địa giới của Labuan, người xin phép cần phải đến văn phòng toàn quyền Borneo để đăng kí. Ba người làm theo. Do đó, vào năm 1877, trên tờ “Công báo thuộc địa Hong Kong và các khu định cư Eo biển” (Government Gazettes of the Colonies of Hong Kong and the Straits Settlement), Anh đã công bố các vấn đề về quyền kiểm soát và quản trị đối với hai đảo này. Từ đó, hai đảo này được ghi chép là lãnh địa của Anh trong hồ sơ lưu trữ của nước Anh.

Năm 1888, một công ti khai thác phốt phát khác là Công ti Trung ương Borneo (Central Borneo Company) cũng đề xuất quyền khai thác hai đảo này. Do đó, năm 1889 chính quyền thuộc địa Borneo phái một tàu của Anh đến khảo sát hai đảo này, phát hiện ra rằng năm 1877 mấy thương nhân xin phép khai thác phốt phát ở đây không hề tiến hành khai thác, vì thế giấy phép cấp cho họ lúc đầu bị mất hiệu lực. Được sự đồng ý của Bộ Thuộc địa và Bộ Ngoại giao Anh, chính quyền Borneo cấp giấy phép khai thác hai đảo này cho Công ti Trung ương Borneo. Không có ghi chép chi tiết về mọi việc phát triển như thế nào sau đó nhưng hình như công ti này cũng không thật sự tiến hành khai thác. Bức điện buổi tối cùng ngày của tổng lãnh sự tại Sài Gòn giải thích thêm rằng thật ra Pháp tuyên bố chủ quyền toàn bộ tất cả các đảo từ 7° N đến 11° N, từ 111° E đến 117° E. Anh đã nhanh chóng hoàn chỉnh tài liệu lịch sử, đánh giá tầm quan trọng của đảo này. Ngày 21/5, Anh dùng tài liệu lịch sử làm bằng chứng để giao thiệp với Pháp, cho rằng đảo này trước đây đã là một bộ phận của nước Anh, chưa từng bị nước Anh từ bỏ, và là lãnh thổ của Anh. 

Pháp cảm thấy rất bất ngờ, vì phía Pháp không biết gì về việc này, sau khi nghiên cứu bằng chứng của Anh, Pháp đưa ra phản bác, cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy người đứng đơn khi đó đã từng cắm cờ Anh ở trên đảo, và đảo này cũng không thuộc một khu vực hành chính cụ thể nào, vì vậy không được coi là có bằng chứng chiếm đóng hữu hiệu.

Mặc dù hai nước Anh, Pháp giao thiệp trong thời gian dài về vấn đề này, nhưng họ thỏa thuận không công khai cách giải quyết. Tuy Pháp cảm thấy lí lẽ của Anh rất yếu, nhưng ảo tưởng rằng không có ai phản đối sẽ càng có lợi cho Pháp hơn; nước Anh chia làm hai phe, một phe chiếm thượng phong vui vẻ bằng lòng, hi vọng có thể kéo Pháp vào biển Đông để tạo ra vùng đệm trong xung đột giữa Anh và Nhật; phe khác cho rằng lí lẽ của Pháp căn bản là không đầy đủ, hơn nữa vẫn chưa công khai tuyên bố chủ quyền đối với Trường  Sa, vì vậy Anh nên chủ động phái hải quân chiếm lĩnh những đảo này thay vì đánh võ mồm với Pháp.

Ngày 23/9/1930, Pháp thông báo cho các bên về sự kiện này qua thông cáo báo chí (Communiqué), tuyên bố rằng Pháp đã chiếm quần đảo Trường Sa, còn Anh không công khai phản đối điều này. Tuy nhiên, thông cáo này dường như không truyền tới tai Trung Quốc và Nhật Bản, vì vậy hai nước này không biết gì về việc này, và phản ứng của họ hoàn toàn khác so với năm 1933.

Để bịt miệng người Anh, Pháp quyết tâm làm càng đầy đủ hơn về mặt thủ tục. Do đó, ngày 13/4/1933, chiến hạm Alerte và Malicieuse của Pháp cùng với tàu trắc lượng Astrolabe và de Lanessan chạy đến Trường Sa. Họ tiến hành nghi thức tuyên bố chủ quyền chính thức hơn trên 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm việc đi lên từng đảo và dùng bình thuỷ tinh đựng hồ sơ có chữ kí của thuyền trưởng được niêm kín và đặt cố định trên đảo.

Điều đáng nói là khi Pháp chiếm quần đảo Trường Sa, có nêu rằng trên các đảo Trường Sa có hoạt động của người Trung Quốc. Năm 1930, trên đảo Spratly có 3 người. Năm 1933, lại báo cáo “khi đó trên đảo Tây Nam theo tính toán thì có 7 cư dân, trong đó có 2 trẻ em. Trên đảo Đế Đô, theo ghi nhận thì có 5 cư dân.  Trên đảo Tư Lạp Lạp có 4 cư dân, tăng 1 người so với năm 1930. Trên đảo La Loan có miếu thờ, nhà lá, giếng nước...do người Hoa để lại. Trên đảo Itu Aba, tuy không thấy dấu chân người nhưng phát hiện một tấm bia có chữ Trung Quốc...” Một số người Trung Quốc còn biểu thị hành động phản kháng phía Pháp, ví dụ đợi sau khi người Pháp rút đi, chặt đứt cột cờ của người Pháp...

Ngày 13/7/1933, thông tấn xã của Pháp đã thông báo về hành động này. Pháp quyết định không áp dụng cách xác định đảo theo phạm vi tọa độ mà liệt kê chi tiết các đảo chính. Vì vậy, vào ngày 25/7, chính phủ Pháp đã chính thức tuyên bố rằng Pháp đã chiếm đóng quần đảo Trường Sa, đồng thời liệt kê tên và vị trí của 6 trong số các đảo: Spratly (Trường Sa), Amboyna Cay (An Bang), Itu Aba (Ba Bình), Les Deux Iles (Song Tử), Loaita (Loại Ta) và Thitu (Thị Tứ). Pháp tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Spratly (chứ không chỉ giới hạn ở 6 đảo có cắm cờ). Ngày 21/12 cùng năm, Pháp tuyên bố đặt quần đảo Spratly dưới quyền quản lí của tỉnh Bà Rịa thuộc Nam Kì.

Trong số các nước có liên quan, chỉ có Nhật Bản tiến hành phản đối công khai. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết của nội các ngày 15/8 đưa ra tuyên bố phản đối với Pháp, nhấn mạnh công ti Lassa của Nhật Bản đã khai thác phốt phát ở quần đảo Trường Sa từ năm Đại Chính thứ 7 (1918) đến nay, chính phủ Nhật Bản đã dành sự trợ giúp cho việc khai thác này; Nhật Bản đã quản lí và khai thác quần đảo Trường Sa nhiều năm, quần đảo Tân Nam (Trường Sa) không phải “đất vô chủ” (terra nullius). Vào ngày 21/8 Nhật Bản chính thức gửi thư cho Bộ Ngoại giao Pháp, phản đối yêu sách chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa, tuyên bố Nhật Bản có chủ quyền đối với Trường Sa. Từ năm 1937 đến năm 1939, Nhật Bản càng dồn dập tiến hành 5 lượt giao thiệp ngoại giao với Pháp. 

Philippines có một nghị sĩ từng đề cập tới Trường Sa, cho rằng Trường Sa là lãnh thổ của Philippines, yêu cầu chính quyền Philippines giao thiệp. Tuy nhiên, toàn quyền Mỹ tại Philippines không đồng ý, chỉ ghi chép vào hồ sơ việc này chứ không áp dụng bất cứ hành động nào về mặt ngoại giao. Cách làm của Philippines và Mỹ cũng đồng nghĩa với việc không phủ nhận quyền lợi của Pháp ở Trường Sa.

Anh vẫn giữ im lặng trước công chúng, cho đến 6 năm sau mới thừa nhận quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Pháp, nhưng khi đó Trường Sa đã bị Nhật Bản chiếm đóng mất rồi.


II.7 Thái độ của Trung Quốc đối với sự kiện 9 đảo nhỏ

Phản ứng của Trung Quốc về sự kiện trên có rất nhiều điểm nghi vấn cần phải làm sáng tỏ. Tài liệu của phía Trung Quốc nói Trung Quốc đã tiến hành phản đối và dân tình sôi sục..., nhưng các tư liệu nước ngoài lại cho rằng Trung Quốc vẫn giữ im lặng. Điều này rốt cuộc như thế nào? Trên thực tế, trình tự thời gian phản ứng của Trung Quốc cơ bản như sau:

Ngày 15/7/1933, báo chí Trung Quốc mới bắt đầu đưa tin về sự kiện này. Bức điện đặc biệt ngày 15 của “Thân báo” tường thuật “có người đến Bộ Ngoại giao hỏi về lịch sử của 9 đảo nhỏ ở Tây Sa và nước ta nên áp dụng các bước giao thiệp nào, theo người phụ trách thì Bộ Ngoại giao chưa nhận được báo cáo chính thức, chỉ thấy trên báo chí và xưa nay không nghe tới các đảo này, chúng cũng không có vị trí quan trọng về mặt quân sự, không rõ dụng ý hành động này của Pháp, đối với việc này trước tiên Bộ Ngoại giao sẽ gửi điện cho lãnh sự quán ở Philippines, ra lệnh lập tức điều tra rõ lịch sử, vị trí, diện tích, số ngư dân Trung Quốc cư trú và tình trạng ngư nghiệp của các đảo này, sau đó sẽ nghiên cứu biện pháp ứng phó, lúc này không phải bày tỏ điều gì”.

Vì vậy, ngày 17/7 Bộ Ngoại giao gửi điện cho lãnh sự quán tại Manila hỏi: “Rốt cuộc quần đảo nhỏ này nằm ở đâu? Có phải là quần đảo Tây Sa (Îles Paracels) không và trên đảo hiện nay có người Trung Quốc cư trú không? Cùng ngày, họ cũng gửi điện cho đại sứ quán tại Pháp và Bộ Hải quân, hỏi ý kiến về nội dung tương tự. Ngày 18/7 lại gửi điện cho đại sứ quán tại Pháp dò hỏi thái độ của Bộ Ngoại giao Pháp đối với việc này. Lúc này, Bộ Ngoại giao không biết cái gọi là “9 đảo nhỏ” ở đâu, và điều họ quan tâm nhất là liệu 9 đảo nhỏ có phải là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) không. Điều này là do hồi năm 1932 Pháp đã lên tiếng tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc, và Trung Quốc sợ rằng Pháp đã lặng lẽ chiếm Hoàng Sa rồi.

Bộ Hải quân trả lời Bộ Ngoại giao sớm nhất: “Xét địa điểm 115° kinh Đông, 10° vĩ Bắc nằm giữa đảo Philippines và An Nam, không có 9 đảo nhỏ nào. Địa điểm này nằm ở phía Bắc giữa đảo Philippines và An Nam, cái gọi là 9 đảo thuộc quần đảo Tây Sa (Îles Paracels) rất gần đảo Quỳnh Châu...”, và đã liệt kê ra 9 đảo của Hoàng Sa cho là 9 đảo nhỏ này.

Qua tin tức báo chí, các địa phương và đoàn thể dân chúng cũng bắt đầu chú ý đến việc này, tới tấp gửi thư đến Bộ Ngoại giao yêu cầu “bảo vệ quốc thổ”. Lúc này, dư luận đều cho rằng 9 đảo nhỏ là quần đảo Hoàng Sa, và cái mà những đoàn thể này muốn bảo vệ cũng đương nhiên là quần đảo Hoàng Sa. Ví dụ, ngày 25/7, Uỷ ban chỉnh lí Đảng vụ Hán Khẩu gửi điện “Theo báo chí đăng tin thì Pháp đã chiếm 9 đảo nhỏ ở Tây Sa của ta, nếu việc này không phải tin đồn thì kẻ cướp đã làm tổn hại chủ quyền lãnh hải của ta, và càng ảnh hưởng đến toàn bộ việc phòng thủ biển”. Bộ Tổng chỉ huy Lộ quân 19 gửi điện: “Sau nỗi đau Đông Bắc, người Pháp lại bắt chước chiếm lấy quần đảo Tây Sa của chúng ta”. Hội Hậu viên Ngoại giao Dân quốc gửi điện: “Các đảo Thất Châu Dương Tây Sa xưa nay thuộc bản đồ nước ta... người Pháp giờ đây đột nhiên thừa dịp ta gặp nguy nan ngang nhiên chiếm đóng”. Ngày 28/7, phân hội chính phủ Tây Nam yêu cầu chính phủ “dựa vào lí lẽ để phản đối nghiêm khắc phía Pháp”, yêu cầu “chính quyền tỉnh Quảng Đông đưa ra phản đối với lãnh sự quán Pháp ở Quảng Đông”. Ngày 2/8, đoàn đại biểu hội đồng hương Quỳnh Nhai ở Bắc Kinh gửi thư cho Bộ Ngoại giao: “Theo điều tra riêng thì các đảo san hô này chính là tên gọi khác của quần đảo Tây Sa thuộc Quỳnh Nhai”. Cùng ngày, chính quyền tỉnh Quảng Đông đưa ra kháng nghị tới lãnh sự quán Pháp tại Quảng Châu. Ngày 3/8, Hội Công nhân kháng Nhật thành phố Nam Kinh kháng nghị việc Pháp chiếm đóng 9 đảo nhỏ, và gửi điện thông báo cho cả nước.

Ngày 25/7, chính phủ Pháp chính thức đăng lên công báo, tuyên bố 9 đảo nhỏ thuộc về nước Pháp, lúc này tên và tọa độ của các đảo đã được công bố. Nhưng do khoảng cách xa xôi và sự chênh lệch múi giờ, vào ngày 27 Bộ Ngoại giao vẫn gửi điện cho lãnh sự quán tại Pháp “báo chí đưa tin vào ngày 25 chính phủ Pháp chính thức tuyên bố 9 đảo nhỏ nước này chiếm thuộc lãnh thổ Pháp, có chắc chắn tên, kinh độ và vĩ độ của 9 đảo nhỏ được đề cập không, và liệu chúng có thuộc quần đảo Tây Sa (Îles Paracels) không, mong nhanh chóng điều tra xác minh tỉ mỉ và gửi điện trả lời Bộ Ngoại giao”. Cùng ngày, Cố Duy Quân gửi điện trả lời, nói rằng vẫn chưa nắm rõ vị trí cụ thể. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao cũng nhờ lãnh sự quán ở Philippines và tỉnh Quảng Đông kiểm tra lại một lần nữa xem 9 đảo nhỏ có phải thuộc quần đảo Tây Sa không.

Lúc đó đúng vào dịp tròn một năm sự kiện tranh chấp Trung - Pháp đối với Hoàng Sa  xảy ra ngày 18/9 năm trước, nhiều thư từ và điện báo đều đã liên kết sự kiện 9 đảo nhỏ với việc mất lãnh thổ ngày 18/9 để công kích. Chính phủ Dân quốc dù khi đó vẫn chưa làm rõ được 9 đảo nhỏ có phải là quần đảo Tây Sa hay không nhưng cũng không thể không bày tỏ thái độ trước được. Ngày 26/7, “Thân báo” đưa tin: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: các đảo san hô giữa Philippines và An Nam chỉ có ngư dân của ta cư trú trên đảo, và được quốc tế công nhận là lãnh thổ Trung Quốc, mới biết được công báo của Pháp lại chính thức tuyên bố chiếm đóng, dựa vào điều gì mà làm như vậy, chính phủ Pháp cũng chưa công bố  lí do, Bộ Ngoại giao ngoài việc gửi điện cho đại sứ quán tại Pháp hỏi tình hình thực tế ra sao, hai Bộ Ngoại giao và Bộ Hải quân hiện đang tích cực tìm biện pháp đối phó, sẽ đưa ra phản đối nghiêm khắc đối với hành động này của phía Pháp”. Trong toàn bộ sự kiện 9 đảo nhỏ, đây là bản tuyên bố duy nhất do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra, trong đó nêu rõ “các đảo san hô nằm giữa Philippines và An Nam” thuộc “lãnh thổ Trung Quốc”, nhưng rõ ràng trong nhận thức của Bộ Ngoại giao, 9 đảo nhỏ ở đây vẫn là chỉ quần đảo Tây Sa.

Đến cuối tháng 7 mới có người uốn nắn nhận thức sai lầm của chính phủ Trung Quốc và báo chí. Ngày 31/7, phóng viên Vương Công Đạt của “Anh văn Bắc Bình thời sự  nhật báo” (英文北平時事日報: Nhật báo thời sự Bắc Bình tiếng Anh) gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là La Văn Cán:

Gần đây vấn đề về 9 đảo Nam Hải của Pháp rất ồn ào, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết nước ta đang bắt tay vào điều tra và chuẩn bị đưa ra kháng nghị, mà tiền đề chính của kháng nghị là nếu đó đúng là quần đảo Tây Sa...

Hôm nay điều tôi muốn kiến nghị là: chúng ta không được làm trò cười về mặt ngoại giao! Bởi vì đó không phải là quần đảo Tây Sa, càng không phải là lãnh thổ Trung Quốc, điều đó đã được chứng minh bằng mấy ngày đêm tra xét học thuật.

......

Sự thực này, hiện nay đã chứng minh là rất chính xác, tôi từng thảo luận với Bonavita về sơ đồ sẽ đăng tải trên báo của chúng tôi, hiện đang gửi để đọc duyệt. Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng Trương Kì Vân nói rằng ở Nam Hải ngoài Tây Sa ra không có đảo nào khác, điều này thật sự là nỗi nhục lớn của giới học thuật nước ta....

Qua tài liệu, báo chí nước ngoài cũng như thảo luận với trung tá Bonavita, tùy viên quân sự  đại sứ quán Pháp ở Bắc Bình, Vương Công Đạt biết được vị trí chính xác của 9 đảo nhỏ, liệt kê chi tiết tên các đảo, đã vẽ ra sơ đồ 9 đảo nhỏ mà Pháp chiếm, và trước đó đã có đăng trên báo và tạp chí. Là một phóng viên tin tức còn non trẻ (khi đó Vương Công Đạt chưa tốt nghiệp đại học, chỉ làm kiêm nhiệm ở báo), thông tin có được lại nhanh chóng và chuẩn xác hơn hệ thống ngoại giao, báo chí, học thuật khổng lồ. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc không biết gì về biển Đông, học giả về địa lí đầy quyền uy kiêm nhân viên quan trọng của chính phủ là Trương Kì Vân thậm chí còn cho rằng ‘ở Nam Hải ngoài Tây Sa ra không có quần đảo khác’, sự thiếu hụt tri thức và cách làm qua loa đại khái khiến người ta phẫn nộ. Chẳng trách Vương Công Đạt cười vào mũi ông ta.

Ngày 29/7 tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila gửi điện trả lời, chỉ ra 9 đảo nhỏ này nằm cách quần đảo Tây Sa vào khoảng 350 hải lí về phía Nam nhưng không chỉ ra tên các đảo. Mãi đến ngày 31/7, Cố Duy Quân mới từ Pháp gửi điện về nói rằng cái gọi là 9 đảo nhỏ thật ra là 7 đảo nhỏ nằm giữa Việt Nam và Philippines, cũng đề cập đến việc Nhật Bản bảo lưu quyền phản hồi đối với Pháp, nhưng vị trí cụ thể vẫn chưa rõ, chỉ còn việc các đảo nhỏ này có phải thuộc Trung Quốc hay không, Bộ Hải quân phải có hải đồ mới có thể tra cứu, kiến nghị Hải quân cần phải khảo sát thực địa. Ngày 1/8, Cố Duy Quân lại gửi điện, báo cho Bộ Ngoại giao biết tên gọi của 7 đảo nhỏ. Lúc này, Bộ Ngoại giao cuối cùng cũng hiểu rõ sơ bộ rằng 9 đảo nhỏ không phải quần đảo Tây Sa. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao không chú ý nhiều đến 9 đảo nhỏ này, ngược lại hết sức lo lắng về quần đảo Hoàng Sa, vì lúc này có tin toàn quyền Nhật Bản ở Đài Loan cũng có thể yêu cầu Nhật Bản chiếm quần đảo Hoàng Sa theo cách tương tự như Pháp. Vì vậy, ngày 2/8, Bộ Ngoại giao chuyển thông điệp cho Bộ Hải quân và tỉnh Quảng Đông, yêu cầu Bộ Hải quân phái tàu chiến trú phòng, và tỉnh Quảng Đông cùng phụ giúp. Về 9 đảo nhỏ, Bộ chỉ nói “dự định sẽ tuyên bố bảo lưu quyền của ta đối với thông báo của Pháp trước khi chưa điều tra xác minh rõ”. Trong “Tóm tắt về 9 đảo nhỏ bị Pháp chiếm” được viết vào khoảng ngày 3/8, về phương án cho 9 đảo nhỏ đã đề xuất: (1) Điều tra tỉ mỉ vấn đề các đảo này theo các khía cạnh quan hệ khác nhau; (2) Gửi công hàm cho Đại sứ quán Pháp, đề  nghị tra cứu trả lời về tên cũng như kinh độ, vĩ độ của các đảo mà Pháp chiếm đóng, và trước khi kiểm tra rõ các đảo mà Pháp chiếm đóng, chính phủ Trung Quốc tuyên bố bảo lưu quyền lợi đối với chúng.

Do đó, ngày 4/8 Bộ Ngoại giao gửi công hàm đến đại sứ quán Pháp ở Nam Kinh:

Gần đây theo báo chí đưa tin, hiện chính phủ Pháp đã dựng cờ, chiếm đóng 9 đảo nhỏ nằm giữa An Nam và Philippines trên biển Trung Quốc; và chính thức tuyên bố các đảo nhỏ này từ nay sẽ thuộc lãnh thổ nước Pháp. Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến hành động này, muốn nhờ quý Công sứ kiểm tra lại tên gọi, vị trí cũng như kinh, vĩ độ của các đảo này. Trước khi xác minh chắc chắn, đối với tuyên bố kể trên của chính phủ Pháp, chính phủ Trung Quốc bảo lưu quyền lợi đối với chúng.

Sau đó, vào ngày 5/8 Đại sứ quán Pháp đưa ra bản đồ vị trí các đảo cho phía Trung Quốc, và xác định rõ những đảo nhỏ này cách quần đảo Tây Sa 300 hải lí về phía Nam, không thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bởi vì lãnh thổ Trung Quốc chỉ tới đảo Đặc Lí Đồn (特里屯/Tè lǐ tún - phiên âm của Triton), với hai bằng chứng được đưa ra: thứ nhất là “Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh đồ” xuất bản tháng 3/1932, cực Nam trong bản đồ chỉ đến Tây Sa và có ghi “Đảo Đặc Lí Đồn là điểm cực Nam của nước ta”; thứ hai là sách “Tối tân thế giới hình thế nhất lãm đồ” xuất bản tháng 3/1933 do Hồng Mậu Hy chủ biên, điểm cực Nam trong bản đồ thứ 6 của sách này cũng chỉ là đảo Đặc Lí Đồn. Và chú thích nêu rõ “cực Nam, vĩ độ 15° 46’, đảo Đặc Lí Đồn, thuộc quần đảo Tây Sa. Ngày 10/8 Đại sứ quán Pháp lại gửi đến bảng liệt kê tên và tọa độ chi tiết các đảo. Đến lúc này, Bộ Ngoại giao cuối cùng mới xác định được vị trí 9 đảo nhỏ.

Trong tuần sau đó, các bộ trong chính phủ, các lãnh sự, sứ quán của Trung Quốc bận liên hệ với nhau, cũng bận giải thích cho các đoàn thể đã có gửi điện trước đó rằng 9 đảo nhỏ không phải là quần đảo Tây Sa. Bộ trưởng La Văn Cấn còn gửi thư cho Vương Công Đạt, cảm ơn anh ta đã cung cấp cho những tư liệu đầy đủ, giúp ích rất nhiều. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao còn hỏi ý kiến tỉnh Quảng Đông; “sứ quán Pháp nhắc đến đảo Đặc Lí Đồn Triton Island (15° 46’ vĩ Bắc) được ghi chép trong sử địa nước ta là lãnh thổ cực Nam của nước ta, đủ cho thấy phía Nam đảo Đặc Lí Đồn không có liên quan đến chủ quyền Trung Quốc..., quý tỉnh có bằng chứng vững chắc nào khác đủ để chứng minh phản lại rằng 9 đảo này thuộc lãnh thổ nước ta không? Bốn ngày sau tỉnh Quảng Đông trả lời: Khi tàu chiến Pháp chiếm 9 đảo nhỏ này thì có ngư dân Trung Quốc đánh cá ở đó. Còn lãnh sự quán ở Manila cũng nêu: Có hơn 9  đảo nhỏ ở đây, và có ngư dân Trung Quốc từ Hải Nam đánh bắt đồi mồi và cá, người Nhật từ lâu cũng đã khai thác phân chim ở đây.

Lúc này dân chúng cũng bắt đầu biết được 9 đảo nhỏ không phải quần đảo Tây Sa, nhưng thư từ của báo chí, đảng bộ, đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương... ở các nơi vẫn tới tấp gửi đến Bộ Ngoại giao và chính phủ, cho rằng ngư dân Hải Nam từ lâu đã đánh cá ở đây, 9 đảo nhỏ thuộc Trung Quốc, yêu cầu chính phủ bảo vệ chủ quyền. Ngày 16/8, Hội Nông dân huyện Ninh Hải, tỉnh Chiết Giang gửi điện cho chính phủ, đề xuất kháng nghị việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ. Ví dụ, ngày 18/8, Tổng Công đoàn thành phố Thượng Hải gửi điện yêu cầu chính phủ đưa ra kháng nghị với phía Pháp. Ngày 22/8, Hội Thương mại thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang đã yêu cầu chính phủ phản đối Pháp. Ngày 23/8, Công đoàn thuyền viên dân thuyền huyện Ngân, Chiết Giang đưa ra kháng nghị việc Pháp chiếm 9 đảo nhỏ. Ngày 26/8, Công đoàn ngành tơ lụa Thượng Hải gửi điện yêu cầu chính phủ kháng nghị và giao thiệp với phía Pháp. Không nêu hết.

Mặc dù dân tình sôi sục, nhưng chính phủ lại chậm chạp không có hành động chính thức. Đến ngày 20/8, Bộ Ngoại giao vẫn còn tiếp tục điều tra. Ngày 23/8, Nhật Bản đưa ra kháng nghị chính thức với Pháp. Nhưng phía Trung Quốc vẫn không có hành động gì. Cuối cùng, sự kiện này bị bỏ mặc. Báo chí đành phải than vãn: “sự ‘điều tra kĩ càng’ của Bộ Ngoại giao vẫn chưa biết ngày nào mới có thể ‘tìm ra được đối sách phù hợp’”, “tiền đồ thật đáng sợ”.

Trong toàn bộ sự kiện, đến ngày 26/7 khi tình hình vẫn chưa rõ ràng và  chính phủ Trung Quốc  cho rằng 9 đảo nhỏ là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), người phát ngôn nói rằng 9 đảo nhỏ là lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi xác định rõ 9 đảo nhỏ không phải là Tây Sa (Hoàng Sa), lại chỉ gửi một công hàm bảo lưu quyền lợi, không hề có bất kì kháng nghị và giao thiệp tiếp theo nào, và cũng không đưa ra phản bác đối với bằng chứng phía Pháp đưa ra rằng 9 đảo nhỏ không thuộc Trung Quốc, trái ngược hoàn toàn thái độ của Nhật Bản. Được ghi chép nhiều nhất trong hồ sơ chỉ là kháng nghị của tỉnh Quảng Đông, còn người Pháp không hề coi kháng nghị của chính quyền địa phương vốn không có quyền ngoại giao là kháng nghị chính thức của nhà nước. Đây chính là lí do vì sao tư liệu nước ngoài đều cho rằng Trung Quốc không phản đối.

Có thể có mấy nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc tỏ thái độ như vậy: thứ nhất, bằng chứng phía Pháp đưa ra thực sự có sức mạnh, Trung Quốc khó bác bỏ; thứ hai, chính phủ Trung Quốc cũng biết việc ngư dân đến đánh cá không phải là bằng chứng có sức mạnh, còn tiếng nói của người dân là do không hiểu luật quốc tế, và Bộ Ngoại giao thì biết rất rõ điều này; thứ ba, Trường Sa khi đó là đối tượng tranh chấp giữa Pháp và Nhật, Trung Quốc hi vọng sẽ được lợi từ tranh chấp này. Ngày 1/9, Bộ Tham mưu đệ trình thư “Ý kiến về quan hệ và biện pháp về mặt quân sự của việc Pháp chiếm 9 đảo”, cho rằng “đối với việc Pháp chiếm 9 đảo tạm thời giữ thái độ bình tĩnh là có lợi”, bởi vì: tuy về mặt lịch sử 9 đảo nhỏ có khả năng là lãnh thổ của Trung Quốc, có ngư dân Trung Quốc cư trú, do đó có thể lấy đó làm lí do để duy trì là lãnh thổ nước ta, nhưng không rõ liệu có các công trình về chính trị, giao thông và sự nghiệp hay không cũng như có từng tuyên bố với nước ngoài hay không, hãy tạm giữ bình tĩnh bảo lưu quyền đánh cá để thoái thác, dường như cũng không làm tổn hại đến quốc thể. Về mặt quân sự, hải quân Trung Quốc mỏng yếu, ngay cả các đảo ven biển như quần đảo Chu Sơn, đảo Hải Nam, và quần đảo Tây Sa cũng không thể bảo vệ, nói gì đến 9 đảo nhỏ này; nếu Nhật Bản chiếm 9 đảo nhỏ thì cửa ra vào của Trung Quốc bị phong tỏa hoàn toàn; còn Pháp chiếm đóng thì thế lực Nhật Bản không thể xâm nhập vào. “Nay chi bằng ném khúc xương để cho hai chó Nhật, Pháp tranh nhau”, để Pháp, Anh và Mỹ liên kết thành một phòng tuyến chống lại Nhật Bản là có lợi cho Trung Quốc. Về mặt ngoại giao, nếu như cố gắng chiếm 9 đảo nhỏ thì chẳng những không giành được mà còn tạo cho Nhật Bản có cái cớ để tranh đoạt quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), như thế thì bất lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, việc cần kíp hiện nay là đẩy nhanh việc xây dựng ở quần đảo Tây Sa, và thực thi chủ quyền ở Tây Sa. Văn kiện này đã giải thích tương đối đầy đủ nguyên nhân vì sao chính phủ Trung Quốc không đưa ra yêu sách chủ quyền đối với 9 đảo nhỏ mặc dù dân tình sôi sục.


II.8  Trung Quốc mở rộng biên cương trên bản đồ lần thứ nhất

Sự kiện Pháp chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa đã dấy lên sự quan tâm của quan chức và người dân Trung Quốc đối với vấn đề biên giới biển. Phía nhà nước đã tiến hành hành động “mở rộng biên giới trên bản đồ”. Bộ Nội vụ Dân quốc thành lập Uỷ ban thẩm tra bản đồ thuỷ bộ (Thuỷ lục địa đồ thẩm tra uỷ viên hội), tiến hành thẩm định tên tiếng Trung, tên tiếng Anh các đảo ở biển Đông và công bố  “Bảng đối chiếu tên tiếng Trung và tiếng Anh các đảo ở Nam Hải Trung Quốc” (Trung Quốc Nam Hải các đảo tự Hoa Anh danh đối chiếu biểu) trong tập san số 1 của Uỷ ban này vào tháng 1/1935, có 132 đảo, đá đã được thẩm định. Khi đó, quần đảo Trung Sa hiện nay được gọi là “quần đảo Nam Sa”, còn quần đảo Nam Sa hiện nay được gọi là “quần đảo Đoàn Sa”. Còn tên gọi các đảo, đá đó hầu như đều sử dụng phiên âm hoặc dịch ý của tên tiếng Anh, gần như có thể khẳng định rằng Uỷ ban đã phiên âm / dịch dựa vào bản đồ hàng hải và tài liệu đường biển của Anh để lập bảng này. Ngay cái tên quần đảo Đoàn Sa cũng là dịch từ Tizard Group. Trong tập san số 2 vào tháng 4, Uỷ ban này đã xuất bản “Trung Quốc Nam Hải các đảo tự đồ” (中國南海各島嶼圖: Bản đồ các đảo, đá ở Nam Hải Trung Quốc) (Hình 3), xác định điểm cực Nam của Trung Quốc ở Tăng Mẫu Ám Sa (phiên âm từ tên tiếng Anh James Shoal [bãi ngầm James]). Đây là bản đồ biển Đông tương đối chi tiết đầu tiên mà chính phủ Dân quốc chính thức xuất bản.

“Mở rộng biên cương trên bản đồ” (địa đồ khai cương) theo tác giả là: chính phủ Dân quốc vẽ lên bản đồ của mình lãnh thổ và vùng biển mà họ không kiểm soát khi đó, chứ hoàn toàn không quan tâm rốt cuộc họ có quyền lợi lịch sử và thực tế hay không, cũng không quan tâm đến việc liệu họ có khả năng kiểm soát hay không, cứ vẽ ra trước rồi nói. Ở đây, để giúp lí giải việc mở rộng biên cương trên bản đồ thời Dân quốc, trước tiên cần nhìn lại bản đồ thời Dân quốc đến nay.

Bản đồ Trung Quốc từ năm 1900 trở về trước cơ bản chuẩn xác về hình dáng biên giới quốc gia của Trung Quốc, nhưng hoàn toàn không thể kiểm tra theo cái nhìn hiện đại đối với nước ngoài.

Lấy “Hải quốc đồ chí” (海國圖志) của Ngụy Nguyên làm ví dụ, hầu như tất cả các quốc gia và khu vực ở Đông Nam Á đều được vẽ không chuẩn xác. Điều này phản ánh trình độ nhận thức của Trung Quốc về địa lí biển Đông lạc hậu hơn rất nhiều so với các nước phương Tây. Đến khoảng cuối thế kỉ 19, bản đồ liên quan đến biển Đông do Trung Quốc xuất bản mới bắt đầu tham khảo thư tịch và tư liệu nghiên cứu của nước ngoài, kết nối với nước ngoài để bước vào “hiện đại hóa”.

Trong bản đồ mới chính thức xuất bản và có tính thẩm quyền cuối thế kỉ 19, biên giới phía Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Sang thế kỉ 20, các bản đồ vẫn tiếp tục sử dụng cương vực này. Ví dụ “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” (大清帝國全圖) năm 1905 (1905, Hình 4), đây là một trong số bản đồ biên giới Trung Quốc được vẽ theo phương pháp “hiện đại” do Trung Quốc xuất bản. Từ bản đồ có thể thấy biên giới phía Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Năm 1908, La Nhữ Nam biên soạn “Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết” (中國近世輿地圖說: Hình 5), đây là bộ tác phẩm địa lí vĩ đại của Trung Quốc gồm 8 tập 23 quyển. Có mấy điểm cần đặc biệt chú ý: (1) Trong  sách có số lượng lớn trang đề cập đến phòng thủ biển của Trung Quốc, vì vậy tác giả không phải là người coi nhẹ phòng thủ biển; (2) Tác giả là người Quảng Đông nên chắc hẳn hiểu rõ địa lí Quảng Đông; (3) Tác giả đã dùng số lớn trang để giới thiệu địa lí học (phương Tây), hiển nhiên là người có trình độ học thuật hiện đại nhất định. Câu chữ trong sách viết rõ ra rằng biên giới phía Nam Trung Quốc là cực Nam đảo Hải Nam. Dù trong bản đồ toàn thể Trung Quốc hay trong bản đồ Quảng Đông đều không tìm thấy các đảo ở biển Đông.

Hình 3: Bản đồ các đảo ở biển Nam Trung Hoa (1935)



Hình 4: Đại Thanh đế quốc toàn đồ (1905) 



Hình 5: Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết (1908)

Một bản đồ khác năm 1908 là “Nhị thập thế kỉ Trung ngoại đại địa đồ” (二十世紀中外大地圖: Bản đồ lớn Trung Quốc và nước ngoài thế kỉ 20). Trong bản đồ này, biên giới phía Nam của Trung Quốc cũng chỉ đến cực Nam đảo Hải Nam. Bản đồ châu Á của tập bản đồ này (Hình 6), hoàn toàn không biểu thị các đảo ở biển Đông, trong khi phần lớn bản đồ cùng thời kì của thế giới khi đó đều có thể hiện các đảo ở biển Đông. Trong khi đó, quần đảo Andaman của Ấn Độ và quần đảo Natuna ở biển Đông lại được thể hiện trên bản đồ. Bản đồ này có hai quyển thượng và hạ, quyển hạ là phần bản đồ thế giới, tiếc là tác giả chưa thể tìm được quyển hạ, nên không thể biết Trung Quốc vẽ Đông Nam Á như thế nào khi đó. “Quảng Đông dư địa toàn đồ” (廣東輿地全圖: Hình 7) xuất bản năm 1909 là bản đồ sớm nhất vẽ Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa (Pratas) vào địa giới Trung Quốc trong số bản đồ cuối thời Thanh mà tác giả xem được. Năm 1909, Lí Chuẩn tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, đây là lần đầu tiên kể từ thời Cận đại, Trung Quốc tuyên bố và thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ này phản ánh đầy đủ tiến trình lịch sử lúc bấy giờ. Đáng chú ý là mặc dù bản đồ này đã phản ánh yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông, nhưng trong bản đồ không có Trung Sa (Macclesfield Bank) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa), điều này cho thấy rằng khi đó hai quần đảo này vẫn không nằm trong tầm mắt của Đế quốc Đại Thanh.

Từ những bản đồ mà tác giả thu thập được, có thể thấy rằng trước năm 1909 Trung Quốc không vẽ các đảo ở biển Đông như là một bộ phận của Trung Quốc hay của tỉnh Quảng Đông trong bản đồ Trung Quốc. Năm 1909, sau hành động của Lí Chuẩn, Hoàng Sa mới bắt đầu được chính phủ và người dân Trung Quốc coi là một bộ phận của nước này. Còn Trường Sa và Trung Sa vẫn chưa được bất cứ tấm bản đồ nào đưa vào phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.

Những năm đầu Dân quốc, đối với các đảo ở biển Đông các bản đồ về cơ bản vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống cuối thời Thanh. Trong “Trung Quốc tân dư đồ” (中國新興圖) xuất bản ở Thượng Hải năm 1915 (1915, Hình 8), cực Nam của Trung Quốc vẫn chỉ đến đảo Hải Nam, giống như “Nhị thập thế kỉ Trung ngoại đại địa đồ” (Bản đồ lớn Trung Quốc và nước ngoài thế kỉ 20) năm 1908. Đây là lần tái bản, có thể suy đoán lần xuất bản đầu tiên cũng tương tự như vậy. Cho đến lần xuất bản thứ ba của “Trung Quốc tân dư  đồ” năm 1917, tình hình vẫn không thay đổi, cực Nam Trung Quốc vẫn là đảo Hải Nam. Có thể thấy rằng mặc dù năm 1909 Lí Chuẩn đã đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền, nhưng một bộ phận đáng kể người vẽ bản đồ Trung Quốc, đặc biệt là không phải người Quảng Đông vẫn không coi Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Có thể thấy “Tây Sa là một bộ phận lãnh thổ Trung Quốc” vẫn chưa trở thành nhận thức chung của xã hội vào lúc đó.

Hình 6: Nhị thập thế kỉ Trung ngoại đại địa đồ (Bản đồ lớn Trung Quốc và nước ngoài thế kỉ 20) (1908) 


Hình 7: Quảng Đông dư địa toàn đồ (1909)



Hình 8: Trung Quốc tân dư đồ (1915) 



Hình 9: Trung Hoa Dân quốc tân khu vực đồ (1917)

Trung Hoa Dân quốc tân khu vực đồ (中華民國新區域圖, 1917) (Hình 9) như tên gọi cho thấy, trọng điểm ở chữ “tân” (mới), và quần đảo Hoàng Sa cũng được đưa vào trong cương vực của Trung Quốc. Bản đồ này cũng là bản đồ sớm nhất mà tác giả đã xem có dùng khung vuông phụ để bổ sung các đảo ở biển Đông dưới dạng lồng bản đồ nhỏ vào trong bản đồ toàn quốc. Khu vực ở biển Đông thuộc về Trung Quốc trong bản đồ vẫn chỉ là Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) vẫn chưa được bao gồm vào trong lãnh thổ Trung Quốc.

“Trung Quốc địa lí duyên cách đồ” (中國地理沿革圖: Bản đồ phát triển và thay đổi về địa lí Trung Quốc) xuất bản năm 1922, là một tập bản đồ lịch sử, nhưng cái bản đồ mà Dân quốc chọn dùng là bản đồ Trung Quốc năm 1918. Trong bản đồ này, Tây Sa cũng xuất hiện với dạng khung vuông trên bản đồ toàn quốc, có thể thấy hình thức này đã bắt đầu phổ biến. Giống như bản đồ trên, chỉ có Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa (Pratas) thuộc bản đồ Trung Quốc.

Trung Quốc tân hình thế đồ” (中國新形勢圖: Bản đồ địa hình mới của Trung Quốc) (1922, Hình 10) là một tập bản đồ tham khảo cho sách giáo khoa địa lí trung học, không chi tiết bằng tập bản đồ phía trên, nhưng có thể đủ để cho thấy phạm vi bản đồ Trung Quốc trong cái nhìn dòng chính của xã hội khi đó. Giống hai tấm bản đồ trên, cực Nam Trung Quốc chỉ đến Tây Sa (Hoàng Sa),  còn Trung Sa (Macclesfield )và Nam Sa (Trường Sa) đều không nằm trong đó. Ngay cả đến “Trung Hoa tích loại phân tỉnh đồ” (中華析類分省圖) năm 1931, bản đồ của Trung Quốc vẫn không thay đổi, cực Nam vẫn ở Hoàng Sa.


Hình 10: Trung Quốc tân hình thế đồ (Bản đồ địa thế mới của Trung Quốc) (1922)

Năm 1934, để kỉ niệm 60 năm “Thân báo” ra đời, báo này đã đặc biệt tổ chức một nhóm chuyên gia địa lí (bao gồm Đinh Văn Giang, Ông Văn Hạo, Tăng Thế Anh) dùng nhân lực và vật lực to lớn biên soạn “Trung Hoa Dân quốc tân địa đồ” (中華民國新地圖 - Hình 11). Đây có thể coi là bản đồ có thẩm quyền nhất thời kì Dân quốc. Tập bản đồ này dùng khổ giấy octavo để in, là một sáng kiến của Trung Quốc thời đó. Do giá cả và sử dụng thuận tiện, bản in thứ 16 được phổ biến rộng rãi hơn các bản in sau này. Mặc dù lúc này đã xảy ra sự kiện 9 đảo nhỏ khi Pháp tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, “Thân báo” cũng đưa tin về sự kiện này với thái độ gay gắt, nhưng trong tập bản đồ do báo này chủ biên, bản đồ Trung Quốc vẫn chỉ bao gồm Hoàng Sa và Đông Sa, Trường Sa vẫn chưa được đưa vào lãnh thổ Trung Quốc.

Có thể thấy, bắt đầu từ thời Dân quốc đến trước năm 1917, quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa được giới vẽ bản đồ Trung Quốc thống nhất nhìn nhận là lãnh thổ Trung Quốc. Sau năm 1917, trên tuyệt đại bộ phận bản đồ, quần đảo Hoàng Sa mới trở thành một bộ phận của Trung Quốc. Nhưng từ năm 1917 đến năm 1934, theo tác giả thấy, trên bản đồ Trung Quốc lãnh thổ  Trung Quốc chỉ là đến quần đảo Hoàng Sa, còn Trung Sa và Trường Sa tuyệt nhiên không phải là phần lãnh thổ được thể hiển trên bản đồ Trung Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1935 sau khi Bộ Nội chính công bố tên gọi các đảo, giới vẽ bản đồ Trung Quốc cũng nhanh chóng theo kịp tiến độ của chính phủ.


Hình 11: Trung Hoa Dân quốc tân địa đồ (1934)

Bản in thứ hai “Trung Hoa Dân quốc tân địa đồ” (中華民國新地圖, 1936) (Hình 12) do “Thân báo” biên tập đã được điều chỉnh để xuất bản dưới dạng khổ giấy sextodecimo. 

Mặc dù trên bản đồ toàn quốc vẫn chưa thêm quần đảo Đoàn Sa (quần đảo Trường Sa) vào, nhưng trong bản đồ tỉnh Quảng Đông đã xuất hiện dòng chữ quần đảo Nam Sa (Trung Sa hiện nay) và quần đảo Đoàn Sa. Lưu ý rằng trong bản đồ này không xuất hiện đảo Hoàng Nham (Scarborough). Có thể thấy rằng trong giai đoạn đầu khi chính phủ Dân quốc mở rộng biên cương trên bản đồ, vấn đề đảo Hoàng Nham có phải là một bộ phận của Trung Quốc hay không vẫn chưa đạt được sự đồng thuận của giới biên tập bản đồ.


Hình 12: Trung Hoa Dân quốc tân địa đồ chi Quảng Đông tỉnh (Tỉnh Quảng Đông trong bản đồ Trung Hoa Dân Quốc mới) (1936) 

Trung Hoa Dân quốc bưu chính dư đồ” (中華民國郵政輿圖; Bản đồ bưu chính Trung Hoa Dân quốc) là một bản đồ khác xuất bản năm 1936 (Hình 13), bao gồm nhiều đảo ở biển Đông hơn. Đảo Hoàng Nham cũng xuất hiện trong đó, gọi là “Nam Thạch”, được vẽ như là một bộ phận của quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trung Sa sau này). Ở phần cực Đông của quần đảo Trung Sa (xa hơn về phía Đông so với đảo Hoàng Nham), còn có một địa điểm mà hiện nay thường không được vẽ trong các bản đồ biển Đông, cũng được vẽ giống như đảo, địa điểm này là bãi Quản Sự (Stewart Shoal).


Hình 13: Trung Hoa Dân Quốc bưu chính dư đồ (Bản đồ bưu chính Trung Hoa Dân Quốc) (1936)

Trung Quốc tỉnh thị địa phương tân đồ” (中國省市地方新圖: Bản đồ mới tỉnh và thành phố Trung Quốc) (Hình 14) xuất bản vào năm 1939. Lúc này, mở rộng biên giới trên bản đồ đã nhận được sự thừa nhận rộng rãi của các nhà khoa học bản đồ của Trung Quốc. Những địa điểm không được ghi tên trên bản đồ năm 1936 đã được ghi rõ từng tên một trên bản đồ này. Bản đồ này được tập trung biên soạn như một bản đồ chuyên về các đảo ở biển Đông. Trong tất cả tập bản đồ tác giả đã xem, đây là bản sớm nhất loại này. Tên của đảo Hoàng Nham được gọi là đá Tư Ca Ba Lạc (斯卡巴洛礁: sī kǎ bā luò - phiên âm của Scarborough). Điều thú vị là trong bản đồ này, đảo Hoàng Nham không phải là một bộ phận của quần đảo Trung Sa, nó và bãi ngầm Đặc Lỗ (特魯路/Tè lǔ lù - phiên âm của Truro [Shoal]) đều được đánh dấu riêng biệt, có thêm các chữ “thuộc Trung Quốc”. Ngoài ra, bãi ngầm ở cực Đông của quần đảo Trung Sa,  trước đây chưa có tên cũng đã có  tên trên bản đồ này, tên là bãi Quản Sự.

Bãi Quản Sự (Stewart Shoal) cũng là một bãi đá ngầm chìm dưới nước, chỗ cạn nhất cách mặt biển 45 mét. Bãi ngầm này (cùng với bãi ngầm Bát Tiên và bãi ngầm Lập Địa từng được liệt kê thuộc quần đảo Trường Sa) đều không được đánh dấu trên các bản đồ do Bắc Kinh xuất bản hiện nay. Xem lại tài liệu đặt tên các đảo ở biển Đông của Dân quốc năm 1947, bãi Quản Sự không xuất hiện trong tài liệu này, nhưng bãi ngầm Bát Tiên và bãi ngầm Lập Địa đều được liệt kê trong đó. Vì sao năm 1947 và sau đó, bãi Quản Sự không được liệt kê vào? Không có lời giải thích công khai. Có ý kiến cho rằng vì mấy nơi này quá gần đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra sau đó, mà đường 9 đoạn lại không có toạ độ cụ thể, nên rất khó xác nhận chúng có nằm trong đường 9 đoạn hay không, do đó không nhắc đến chúng nữa.

Hình 14: Trung Quốc tỉnh thị địa phương tân đồ (1939)

Từ đó có thể thấy rằng trong các bản đồ từ cuối thời Thanh đến thời Dân quốc, phạm vi của biển Đông về cơ bản đã tăng thêm theo thái độ của chính phủ. Điều đáng chỉ ra là so với quá trình Nhật Bản sáp nhập đảo Đại Đông (đảo Daito) và đảo Điếu Ngư (Senkaku) vào cuối thế kỉ 19, hành động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và đảo Hoàng Nham rất qua loa đại khái. Để xác nhận đảo Daito là đất vô chủ, Nhật Bản đã qua 3 lần lên đảo khảo sát mới biết được trên đảo không có người, cũng như không có dấu vết quản lí của nhà nước, cuối cùng mới tiến hành sáp nhập. Trước khi cuối cùng sáp nhập đảo Điếu Ngư, Nhật Bản đã tiến hành quan sát 10 năm, rồi sau 3 lần khẳng định không có bất cứ dấu vết kiểm soát của nước khác mới đưa vào quản lí hành chính. Mặc dù trong “Trung Quốc Nam Hải đảo dữ đồ” (中國南海島嶼圖: Bản đồ các đảo ở biển Nam Trung Quốc) chính phủ Dân Quốc vẽ Trường Sa vào lãnh thổ của mình, nhưng khi xuất bản bản đồ này thì họ hoàn toàn dựa vào tư liệu nước ngoài, thậm chí trước đó chưa từng phái bất cứ tàu thuyền nào đến Trường Sa thăm dò, đo đạc. Không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã từng tiến hành điều tra, nghiên cứu về lịch sử và hiện trạng các đảo này để làm sáng tỏ các câu hỏi như: có dấu vết kiểm soát của nước khác trên đảo Scarborough (Hoàng Nham) hay không? Quần đảo Trường Sa rốt cuộc nên bao gồm bao nhiêu đảo? Thật sự Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền bao nhiêu đảo?... Tác giả thậm chí còn nghi ngờ liệu các quan chức phụ trách có hiểu rõ luật quốc tế không, có hiểu các bãi san hô nằm dưới mặt biển như bãi ngầm James (Tăng Mẫu ám sa) có quyền được coi là lãnh thổ hay không? Hoặc là phải chăng về căn bản họ không biết bãi Tăng Mẫu (Tăng Mẫu than - tên gọi khi đó) là một bãi ngầm?

Sau khi vẽ những đảo này (Trường Sa và đảo Scarborough) vào bản đồ, Trung Quốc cũng không phái tàu thuyền đến để tuyên bố chủ quyền, nói chi đến việc bảo vệ chủ quyền ở đó. Vì vậy, hành động đó của chính phủ Dân quốc là một ví dụ điển hình của việc “mở rộng biên cương trên bản đồ”.

Khi đó không có nước nào lưu ý nghiêm túc đến “Trung Quốc Nam Hải đảo dữ đồ”. Vì trong thực tiễn luật quốc tế khi đó, không ai lấy bằng chứng bản đồ làm bằng chứng chính thức hợp pháp.

Năm 1928, trong vụ tranh chấp chủ quyền đảo Palmas thì Mỹ và Hà Lan mới vừa kiện ra Tòa Trọng tài, trong phán quyết Trọng tài không chấp nhận bản đồ là bằng chứng chủ quyền hợp pháp. Quốc tế thừa nhận quản lí thực tế chứ không phải tuyên bố miệng. Nhưng trong giao thiệp ngoại giao về quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng không đưa ra giao thiệp ngoại giao nào. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cơ bản đều không để mắt đến chủ trương của Trung Quốc.

Thật ra, “Tập san của Uỷ ban thẩm định bản đồ thuỷ bộ” công bố “Bảng đối chiếu tên gọi tiếng Trung và tiếng Anh các đảo ở biển Nam Trung Quốc” có phải là một tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông với bên ngoài hay không, đó cũng là vấn đề lớn. Uỷ ban thẩm tra bản đồ thuỷ bộ là một cơ quan trực thuộc Bộ Nội chính, mà mục đích thành lập uỷ ban này là để tiêu chuẩn hóa bản đồ phát hành trong cả nước, bao gồm bản đồ các nước trên thế giới (ví dụ bản đồ địa chất thế giới, bản đồ cảng quân sự các nước trên thế giới...). Vì vậy, đối tượng phân phối của tập san này là các nhà xuất bản bản đồ của Trung Quốc chứ không phải là cơ quan ngoại giao các nước. Tiêu đề phụ của số ra mắt của nó là “nhằm thẩm tra bản đồ thuỷ bộ để báo cho ngành xuất bản”. Hơn nữa, do kinh phí thiếu thốn uỷ ban này đã bị bãi bỏ sau khi chỉ xuất bản 3 số tập san, thành quả và ảnh hưởng của nó rất có hạn. Cơ quan tương tự, mới được thành lập lại vào năm 1946.

Riêng về “Bảng đối chiếu tên gọi tiếng Trung và tiếng Anh các đảo ở biển Nam Trung Quốc”, bảng này không đưa thêm giải thích nào khác ngoài việc liệt kê các đảo, ví dụ như nói các đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc. Chỉ có 4 chữ tiêu đề “Trung Quốc Nam Hải” có thể nói lên rằng những đảo này thuộc về Trung Quốc. Nhưng vào những năm 1930, “Trung Quốc Nam Hải” cũng là tên gọi chính thức của biển Đông (cũng gọi là “Nam Trung Quốc hải” [biển Nam Trung Quốc]). Vì vậy bốn chữ này vừa có thể biểu thị thuộc về Nam Hải của Trung Quốc mà cũng có thể chỉ biểu thị vị trí địa lí. Phía Trung Quốc đương nhiên có lí do để diễn giải theo cách là những đảo này thuộc về Trung Quốc, nhưng hàm nghĩa của nó suy cho cùng vẫn còn mơ hồ. Hơn nữa, tập san này không có bản tiếng nước ngoài, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không công bố với nước ngoài. Vì vậy, khi đó hầu như không có nước ngoài nào biết về tài liệu này, cũng không biết yêu sách của Trung Quốc. Ví dụ, nước Mỹ không biết Trung Quốc có ý đồ chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham (xem chương V, VI), trên thế giới cũng không có nước nào biết Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Ví dụ sau khi Nhật Bản tuyên bố chiếm quần đảo Trường Sa vào năm 1939 (xem III.1), bức điện của Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản đã gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ có nêu: “Cả Anh lẫn Pháp đều tuyên bố chủ quyền đối với đảo Trường Sa, nhưng khi Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền, Anh đã rút lại tuyên bố của mình và ủng hộ Pháp để thúc đẩy Pháp chú ý đến tầm quan trọng của việc tăng cường bảo vệ chủ quyền của mình”. Bức điện không nhắc đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa.

Thậm chí xét đến ngay cả Mỹ là một nước trong khu vực này (khi đó đang chiếm Philippines) cũng không biết yêu sách của Trung Quốc, rất khó tin rằng Trung Quốc đã công khai tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo này, đặc biệt là chủ quyền của quần đảo Trường Sa và đảo Scarborough. Có học giả Đài Loan cho rằng: “ tuyên bố này là phương thức theo quy phạm nội bộ, không hề bày tỏ lập trường này của Trung Hoa Dân quốc với các nước trên thế giới.

Trên thực tế, ngay cả ở Trung Quốc cũng không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ đã đưa quần đảo Trường Sa vào yêu sách lãnh thổ. Vào tháng 4/1937, có ngư dân báo cáo rằng ở Hoàng Sa có người Nhật xua đuổi họ, vì vậy chính phủ phái chuyên viên Hoàng Cường của Phòng Thanh tra khu hành chính thứ 9, tỉnh Quảng Đông đến điều tra, cuối cùng sự việc được xác nhận là không đúng sự thực. Trong báo cáo này có viết như sau: “quần đảo này (chỉ quần đảo Tây Sa - tác giả) nằm ở giữa 15° đến 17°vĩ Bắc, 110° đến 112° kinh Đông, cách cảng Du Lâm huyện Nhai 145 dặm về phía Đông Nam, là lãnh thổ cực Nam của nước ta. Cũng trong báo cáo này có nhắc đến việc Nhật Bản chiếm “đảo Hoàng Sơn” (Loaita), nhưng không coi là Nhật Bản đã chiếm đóng lãnh thổ của Trung Quốc. Sau khi nhận được báo cáo,  Bộ Ngoại giao bày tỏ: “Bộ trưởng Vương Thâm của Bộ gửi lời khen ngợi, mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền quần đảo này Bộ cần tiếp tục đàm phán với phía Pháp để sớm giải quyết. Về đảo Hoàng Sơn, theo thuyền trưởng Lương, đây là một trong số 9 đảo nhỏ, xét 9 đảo nhỏ đã bị Pháp chiếm hữu từ lâu nên có vẻ không có liên quan đến quần đảo Tây Sa.” Còn Uỷ ban quân sự chính phủ Dân quốc, sau khi nhận được báo cáo thì một mặt khẳng định quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) là “lãnh thổ cực Nam của nước ta”, mặt khác cũng không bày tỏ việc Nhật Bản chiếm “đảo Hoàng Sơn” là xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc mà chỉ nhấn mạnh tính quan trọng của quần đảo Tây Sa và sự cần thiết phải nhanh chóng đóng giữ và xây dựng hải đăng ở Tây Sa...

Từ góc độ pháp lý thấy rằng, mở rộng biên cương trên bản đồ cũng không chiếu theo trình tự pháp luật đã định. Hiến pháp thời kì Dân quốc rất hỗn loạn, nhưng không gây trở ngại việc dùng góc độ của hiến pháp để xem xét các quy định lãnh thổ. Trong “Dự thảo hiến pháp Thiên Đàn” năm 1913 có ghi: “Điều 2: Lãnh thổ Trung Hoa Dân quốc theo cương vực vốn có của nó. Lãnh thổ và phân vùng hành chính của nó sẽ không được thay đổi trừ khi thông qua luật.” Trong “Ước pháp Trung Hoa Dân quốc” thông qua ngày 1/5/1914 có nêu: “Điều 3: Lãnh thổ Trung Hoa Dân quốc theo cương vực đế quốc sở hữu trước đây”. Trong “Hiến pháp Trung Hoa Dân quốc” thông qua ngày 10/10/1923 (tức Hiến pháp Tào Côn) có nêu: “Lãnh thổ Trung Hoa Dân quốc theo cương vực vốn có của nó. Lãnh thổ và phân vùng hành chính của nó không được thay đổi trừ khi thông qua luật”. Những bản hiến pháp này đều khẳng định: thứ nhất, lãnh thổ của Trung Hoa Dân quốc là kế thừa lãnh thổ của nhà Thanh, tức cực Nam chỉ đến Tây Sa; thứ hai, sự biến đổi của lãnh thổ phải qua việc sửa đổi pháp luật. Trình tự mở rộng biên cương trên bản đồ do một xuất bản phẩm của uỷ ban cấp thấp đưa ra, thậm chí cũng chưa đến mức độ pháp quy, càng không phải là một đạo luật được quốc hội thông qua.

Đương nhiên, vào năm 1935, Trung Quốc ở vào giai đoạn chưa có hiến pháp chính thức. “Ước pháp thời kì huấn chính” năm 1931 có tính chất tạm thời không đề cập trình  tự thay đổi của lãnh thổ. Nhưng trong “Hiến pháp 1955” chính thức khởi thảo cũng có “Điều 4.... Lãnh thổ Trung Hoa Dân quốc không được thay đổi nếu không qua Quốc dân đại hội quyết nghị”. Điều này cho thấy sự thay đổi của lãnh thổ đòi hỏi phải thông qua quyết nghị của cấp cao, đó là tinh thần nhất quán. Mở rộng biên cương trên bản đồ hiển nhiên đã làm trái với điều này.


II.9 Kết luận: Lợi ích không như nhau của Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp

Lịch sử biển Đông trong nửa đầu thế kỉ 20 có thể gọi là lịch sử lấy Nhật Bản làm trục chính. Trước thế kỉ 20, các nước đều không quan tâm nhiều đến vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa. Anh và Pháp vào nửa sau thế kỉ 19 từng lần lượt chú ý tới chủ quyền của Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng thái độ đều khó nói là tích cực. Nguyên nhân của điều này không gì khác hơn là những đảo, đá nhỏ này vừa thiếu giá trị kinh tế vừa thiếu giá trị chiến lược. Mãi đến đầu thế kỉ 20, Nhật Bản vốn là nước ngoài khu vực đột ngột xông vào biển Đông, trước tác động của việc Nhật Bản bắt đầu bành trướng ra bên ngoài, các nước mới chú ý đến vấn đề các đảo ở biển Đông. Tranh chấp Đông Sa có thể được coi là điềm báo, Hoàng Sa và Trường Sa cũng lần lượt rơi vào vòng tranh chấp.

Ở Hoàng Sa, vào năm 1909 Trung Quốc đã lần đầu tuyên bố chủ quyền và vào năm 1921 đã gộp nó vào khu vực hành chính huyện Nhai tỉnh Hải Nam. Sau năm 1920, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cấp phát quyền khai thác khoáng sản ít nhất 5 lần, đồng thời tiến hành khảo sát chính thức Hoàng Sa. Trong loạt sự kiện này, nước Pháp đều không phản đối. Nhật Bản thừa nhận chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa. Có thể nói một cách tương đối chắc chắn rằng từ năm 1909 đến năm 1931, Trung Quốc đã thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa một cách thực tế hữu hiện và không có tranh chấp. Còn Pháp cho đến cuối năm 1931 mới công khai bày tỏ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa. Lí lẽ của phía Pháp là Hoàng Sa là lãnh thổ cũ của Việt Nam trước đây, và Pháp với tư cách là nước bảo hộ của Việt Nam cần phải khôi phục lãnh thổ của Việt Nam. Từ năm 1932 đến năm 1938, Trung Quốc và Pháp đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhưng cả hai đều không hoàn toàn kiểm soát hữu hiệu Hoàng Sa.

Ở Trường Sa, dù từ cuối thế kỉ 19 bắt đầu đã có sự hoạt động của ngư dân Trung Quốc nhưng không có bất cứ nước nào quản lí. Trong những năm 1920, Nhật Bản từng khai thác quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa, nhưng trong vấn đề tuyên bố chủ quyền thì bị nước Pháp đi trước.

Vào năm 1930 nước Pháp đã tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, năm 1933 lại lần nữa tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ Trường Sa (đúng ra 7 đảo có nêu tên  và các đảo phụ thuộc chúng -ND). Năm 1933 Nhật Bản đưa ra phản đối và giao thiệp về mặt ngoại giao cho đến khi chiếm đóng sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Anh giao thiệp kín với Pháp, nhưng Anh nghiêng về ủng hộ Pháp trong giao thiệp Nhật–Pháp. Trung Quốc chính thức đưa ra chủ trương lãnh thổ với Trường Sa, nhưng lại dùng hình thức “mở rộng biên cương trên bản đồ” (đáng ngờ) gộp quần đảo Trường Sa vào bản đồ Trung Quốc. Cứ như vậy, đến những năm 1920 và 1930, cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa đều bước vào thời kì tranh chấp.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các bên tranh chấp các đảo ở biển Đông (Nhật, Pháp, Trung Quốc và Anh)  có những quan tâm hoàn toàn khác nhau đối với các đảo này. Trọng tâm của Nhật Bản là lợi ích kinh tế. Dù cả Anh lẫn Trung Quốc đều tính đến vấn đề khai thác các đảo ở biển Đông nhưng chỉ có người Nhật mới thực sự có thể chuyển hóa tài nguyên các đảo ở biển Đông thành lợi ích kinh tế thực sự, ở Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa đều như vậy. Tuy nhiên, Nhật không mấy thiết tha đối với vấn đề chủ quyền của các đảo ở biển Đông: trong tranh chấp Đông Sa, Nhật Bản chỉ yêu cầu Trung Quốc đưa ra bằng chứng Đông Sa thuộc Trung Quốc, sau khi Trung Quốc đưa ra thì Nhật Bản liền thừa nhận Đông Sa thuộc Trung Quốc; ở Hoàng Sa, sau khi Nhật Bản biết Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền, cũng chỉ áp dụng phương thức hợp tác (thông qua Hà Thụy Niên) để khai thác khoáng sản chứ không đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa. Ở Trường Sa, Nhật Bản là nước tiến hành khai thác sớm nhất được sự phê chuẩn của chính phủ, nhưng trong thời gian khai thác 10 năm dài, họ đã không kịp thời tuyên bố chủ quyền lại cũng không xây dựng căn cứ quân sự. Do tác phong nghiêm cẩn trong vấn đề tuyên bố chủ quyền, Nhật vừa chậm chạp lại còn bộc lộ ý định cho đối thủ tiềm tàng, nên đã để Pháp giành được cơ hội trước trong vấn đề Trường Sa.

Còn Pháp không tham gia vào việc khai thác Hoàng Sa và Trường Sa. Tầm nhìn của Pháp không phải giá trị kinh tế mà là chiến lược. Pháp giống như Anh, họ cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa “chiến lược”. Động cơ chủ yếu của tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng vẫn là lợi ích chiến lược, để ngăn Nhật Bản chiếm đóng mà gây ra bất lợi đối với Đông Dương và Borneo. Trước khi có mối “đe dọa” của Nhật Bản, quan tâm của Pháp đối với Hoàng Sa chỉ như là một con bài tiềm năng để mặc cả với Trung Quốc, và họ càng thờ ơ với Trường Sa. Mặc dù sau đó An Nam đưa ra bằng chứng đã từng quản lí Hoàng Sa để thúc đẩy Pháp thay đổi thái độ trong vấn đề Hoàng Sa, nhưng rất khó để nói rằng sự thúc đẩy này có vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình đưa ra quyết sách, theo quan điểm của tác giả, nhiều khả năng là Pháp tìm ra thêm một số lí do để hợp lí hóa hành vi của mình mà thôi.

Tương tự, đối với Trường Sa thì Anh cũng là lấy giá trị chiến lược làm điểm xuất phát. Khác với Pháp, Anh không muốn xung đột trực tiếp với Nhật Bản mà mong muốn Pháp đóng vai trò trái độn giữa Nhật Bản và các lãnh thổ thuộc Anh.

Lợi ích chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa có thật hay không? Tác giả thấy rất hoài nghi. Nếu như thật sự có ý nghĩa chiến lược như vậy thì tại sao Nhật Bản không chiếm quần đảo Trường Sa sau khi đã phát triển chúng quá lâu, không vội tuyên bố chủ quyền, và không xây dựng căn cứ quân sự trên đó? Hơn nữa, như có thể thấy ở chương sau, ngay cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ý nghĩa chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa hầu như bằng không. Do đó, tác giả cho rằng cả Anh và Pháp đều phóng đại lợi ích chiến lược của các đảo ở biển Đông.

Sự quan tâm của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông nằm ở “chủ nghĩa dân tộc” nhiều hơn. Trung Quốc đều đã thử qua kế hoạch khai thác ở Đông Sa và Hoàng Sa, nhưng những khai thác do người Trung Quốc chủ trì đều chẳng có kết quả gì, cuối cùng đành phải để người Nhật Bản khai thác nửa công khai nửa lén lút mới có thể kéo dài thêm, có thể thấy rằng các lợi ích trên giấy tờ không thể biến thành lợi ích thực tế với khả năng thương mại của Trung Quốc vào thời điểm đó. Còn Trung Quốc cũng không tìm cách đóng quân ở Hoàng Sa nên có thể thấy Trung Quốc không có lợi ích chiến lược nào ở Hoàng Sa. 

Ngược lại, chủ nghĩa dân tộc lại luôn là động lực thúc đẩy Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, trong vụ 9 đảo nhỏ, thứ động lực này lại được sử dụng cho quần đảo Trường Sa. Quá trình xây dựng dân tộc hiện đại của Trung Quốc khởi đầu sau cuối thế kỉ 19, nhưng chủ nghĩa dân tộc với “sỉ nhục dân tộc” là hạt nhân khởi đầu sau “21 Điều [đòi hỏi]” Trung—Nhật, và  ngày càng nghiêm trọng hơn trong một loạt “sỉ nhục” sau đó. “Mất đất” chính là biểu hiện lớn nhất của “sỉ nhục dân tộc”. Điều này có thể lí giải vì sao trong sự kiện Hà Thụy Niên ở Hoàng Sa và sự kiện 9 đảo nhỏ, báo chí, học giả thậm chí một số chính khách Trung Quốc đều đã thể hiện cuồng nhiệt như vậy. Cần phải chỉ ra rằng cái gọi là mất đất của Trung Quốc, thật ra không hẳn là mất đất thực sự, có loại “mất đất” chỉ là kết quả của sự tưởng tượng và thổi phồng. Ví dụ “Quốc sỉ đồ” (Bản đồ nỗi nhục quốc gia) rất phổ biến khi đó vẽ hầu như toàn bộ Đông Nam Á (Đông Dương, Malaya thuộc Anh và Sulu) vào trong “biên giới quốc gia trước đây”. Trung Quốc vốn dĩ không có ý định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nhưng sau khi trải qua tranh chấp Hoàng Sa, dân chúng cũng phản ứng gay gắt đối với việc Pháp tuyên bố chiếm đóng Trường Sa, nên cũng áp dụng phương pháp mở rộng biên cương trên bản đồ để “mở rộng biên cương” tới Trường Sa. Nói một cách tương đối, nhân viên thực tế làm công tác ngoại giao và chuyên gia có tri thức luật quốc tế đều tương đối thận trọng hơn và có khả năng nhận thức chính xác vấn đề biên giới của Trung Quốc cũng như quan hệ lợi hại trong những vấn đề này, họ cũng có thể ảnh hưởng đến những người ra quyết sách. Vị vậy, trong vấn đề 9 đảo nhỏ, cho dù khí thế quần chúng sôi sục nhưng chính phủ Trung Quốc cuối cùng không tham gia vào tranh chấp.

Từ quan điểm luật quốc tế thấy có mấy điểm sau đây là đáng chú ý:

Thứ nhất, chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa là bắt đầu vào năm 1909 khi Lí Chuẩn đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền. Trước đó Trung Quốc chưa tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, điều này trái ngược với việc Trung Quốc sau này luôn luôn tuyên bố rằng họ đã có chủ quyền đối với Hoàng Sa từ xưa đến nay. Có mấy luận cứ cho điểm này: (1) Các bản đồ và sách địa lí có thẩm quyền chính thức của Trung Quốc trước năm 1909 đều chỉ ra rằng cực Nam của Trung Quốc là Nhai Sơn thuộc đảo Hải Nam; (2) Trước năm 1909, Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa; (3) Trước năm 1909 Trung Quốc không thực hiện quyền quản lí Hoàng Sa; (4) Quốc tế đều cho rằng năm 1909 là năm Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lần đầu tiên đối với Hoàng Sa.

Thứ hai, trong giai đoạn từ năm 1909 đến năm 1931 khi tranh chấp Trung - Pháp nổ ra, Trung Quốc đã có ý định chủ quyền thực sự và quản lí hữu hiệu, bằng chứng bao gồm: (1) Sáp nhập vào khu vực hành chính; (2) Phê chuẩn quyền khai thác; (3) Khảo sát của các tổ chức nhà nước. Các yêu sách trong thời kì này được sự thừa nhận của Nhật Bản cũng như sự thừa nhận ngầm của Pháp.

Thứ ba, Pháp bắt đầu tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa vào năm 1931, sau 22 năm tính từ năm 1909. Thời gian này mặc dù Pháp có các hành vi (1) đổ bộ lên đảo khảo sát; (2) phái tàu tuần tra, nhưng những hành vi thể hiện kiểm soát hữu hiệu này lại không đủ để sánh với bằng chứng của Trung Quốc. Về phương diện ý thức chủ quyền, Pháp thậm chí càng yếu hơn. Thời gian này, Pháp đều giữ thái độ ngầm thừa nhận đối với hành vi của Trung Quốc, điều này tạo thành sự bất lợi đối với chủ quyền Hoàng Sa. Ngay cả lập luận rằng các hoạt động của Trung Quốc từ năm 1921 đến năm 1928 là hành vi của chính quyền miền Nam, mà chính phủ miền Nam là chính phủ không được nước Pháp thừa nhận, thì cũng không có cách nào để hợp lí hóa thái độ ngầm thừa nhận của Pháp. Bởi vì thực ra khi đó Pháp có lãnh sự quán ở Quảng Châu, lãnh sự quán này luôn giao thiệp với chính quyền miền Nam. Pháp hoàn toàn có thể bày tỏ sự phản đối với chính phủ miền Nam qua lãnh sự quán này. Tuy nhiên, dù đối với vấn đề Hoàng Sa trong thời gian dài Pháp có “thừa nhận ngầm” nhưng lại không hề bày tỏ thái độ “thừa nhận”, trong luật quốc tế điều này cũng cần được xem xét thích đáng.

Thứ tư, trong vấn đề Hoàng Sa, Việt Nam có nhân tố bất lợi có thể hiểu được, do không có cách gì trực tiếp tiến hành giao thiệp với Trung Quốc. Nếu xét đến điểm này, lấy năm 1925 lúc mà Việt Nam đề xuất với chính quyền Pháp đứng ra tranh chấp làm thời điểm Việt Nam phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa thì từ năm 1909 đến năm 1925 chỉ có 16 năm, khoảng thời gian này vẫn không xem là quá lâu.

Thứ năm, Nhật Bản là nước tiến hành khai thác tài nguyên hiện đại hóa ở Trường Sa sớm nhất, cũng là nước tiến hành quản lí Trường Sa thông qua hình thức cấp giấy phép sớm nhất. Theo nghĩa này, yêu sách chủ quyền của Nhật Bản đối với Trường Sa có bằng chứng tương đối có sức nặng.

Thứ sáu, Pháp là nước dùng hành động thực tế để tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa sớm nhất. Điều này đã tăng thêm bằng chứng có sức nặng cho yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa của Pháp. Nhưng Anh và Nhật Bản lập tức đưa ra phản đối và bác bỏ. Điều này có nghĩa là yêu sách chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa không được công nhận.

Thứ bảy, sau khi Pháp chiếm đóng Trường Sa, Trung Quốc không đưa ra ý kiến phản đối. Ngay cả tính luôn thái độ bày tỏ không rõ ràng lúc đầu (bảo lưu quyền phản đối), nhưng đó cũng nhằm vào quần đảo Hoàng Sa mà thôi. Sau khi hiểu rõ 9 đảo nhỏ không phải là quần đảo Hoàng Sa, họ không đưa ra phản đối ngay với phía Pháp giống như Nhật Bản.

Thứ tám, lần thứ nhất mở rộng biên cương trên bản đồ của Trung Quốc có thể xem là đã tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa hay không là nghi vấn rất lớn, điều này là vì: (1) câu chữ biểu đạt mơ hồ; (2) tập san chỉ là một cuốn tạp chí mới của cấp rất thấp; (3) không trải qua trình tự pháp luật nghiêm ngặt, không phù hợp với tinh thần hiến pháp; (4) không tuyên bố với bên ngoài; (5) các nước có liên quan đều không hiểu rõ tình hình.

_____________

Xem bản có chú thích ở đây

Chương I:Tranh chấp Đông Sa giữa Trung Quốc và Nhật Bản là màn dạo đầu của Tranh chấp biển Đông 

Chương II: Mở đầu cuộc tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa (1909-1936)

Chương III: Biển Đông trước và sau thế chiến thứ hai (1937-1952)

Chương IV: Cuộc chiến tranh giành các đảo ở biển Đông (1953-1989)

Chương V: Thời kì xung đột thấp (1990-2008)

Chương VI: Tranh chấp về quyền lực trên biển (2009-2015)

Phụ lục I: Tình trạng pháp lí của đường 9 đoạn

Phụ lục 2: Vấn đề đảo Bạch Long Vĩ


No comments:

Post a Comment