Pages

Saturday, July 8, 2017

Có vẻ Việt Nam bạo dạn hơn khi gia hạn hợp đồng cho công ti Ấn Độ


Có vẻ Việt Nam bạo dạn hơn khi gia hạn hợp đồng cho công ti Ấn Độ 


(Bài viết này được gợi ý từ một stt của tôi trên FB bàn về một câu bình luận bậy của một chuyên gia quốc phòng-ngoaị giao của Fox News, có thêm ṃ̀t vài ý nhỏ so với bài đã đăng trên Tiếng Dân ngày ̣8/7/2017 )


Theo tin trên môt vài báo nước ngoài (chưa thấy báo mạng‘lề phải’ nào đưa tin) Việt Nam vừa gia hạn hợp đồng cho phép công ti ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ khoan tìm kiếm, khai thác dầu ở lô 128, với hơn nửa diện lích của lô nằm bên trong phạm vi của đường lưỡi bò (ĐLB) [xem bản đồ 1] thêm hai năm nữa. Gia hạn lần trước chỉ có một năm.
OVL bắt đầu vào Việt Nam vào năm 1988 với giấy phép thăm dò cho lô 6.1 ở thềm lục địa phía Nam (cũng trong phạm vi ĐLB) và thoả thuận nhận 45% sản lượng ở đây.

Công ti này cũng được cấp phép thăm dò hai lô 127 và 128 năm 2006, nhưng sau đó đã bỏ lô 127 vì thấy không có tiềm năng. Lô 128 có diện tích 7 058km² và kết quả thăm dò cho đến nay không phát hiện trữ lượng dầu-khí. Dù vậy, theo Reuters một lãnh đạo cao cấp giấu tên của công ti ONGC cho biết việc Ấn Độ quan tâm đến lô dầu khí này mang tính chiến lược nhiều hơn là thương mại vì khu vực này có nhiều rủi ro trong khi tiềm năng khai thác không phải là cao. Người này nói thêm là Việt Nam muốn công ti Ấn độ ở đó vì những lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm 2012, ngay sau khi Trung Quốc (TQ) ngang ngược mời thầu thăm dò tại 9 lô trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) VN – trong đó có khoảng nửa lô 128, OVL đã được Việt Nam gia hạn thăm dò 2 năm đến tháng 6/2014 cho lô 128. Năm 2014 OVL lại được gia hạn thêm hai năm lần nữa cho đến ngày 15/6/2016.Tháng 10/2014 OVL đã ký hợp đồng chia sẻ sản lượng 45% cho lô 102/10 và 106/10 (cả 2 lô này nằm trong EEZ của VN đã phân định trong vịnh Bắc Bộ) và 50% cho lô 128. Năm ngoái vào tháng 6/2016 (trước khi có phán quyết 12/7/2016 của vụ Philippines kiện TQ tại toà trọng tài PCA) OVL được gia hạn một năm.

Bản đồ 1: Lô 128, 6.1 của OVL lẫn lô 136/3 của Repsol đều nằm trọn trong EEZ của VN, còn các lô TQ cho mời thầu thăm dò (khung đa giác màu gạch) hoặc đã hợp đồng sang nhương (Vạn An Bắc) cũng chủ yếu nằm trong EEZ của VN và dĩ nhiên cũng trong ĐLB phi pháp của TQ

Như vậy, đây là lần gia hạn thứ năm và được kéo dài trong 2 năm gần như cùng lúc với việc cho phép Talisman-Vietnam (Repsol) khoan thăm dò ở lô 136/3, vốn nằm ngay bên cạnh khu vực mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc và đã cho sang nhượng và dĩ nhiên cũng trong phạm vi ĐLB.

Hai động thái này của Việt Nam thực hiện sau khi Hoa Kì cho công bố chi tiết về các hoạt động tự do hàng hải của hải quân (FONOP) họ tại biển Đông do Harvard Kennedy School đưa ra.Công bố này cho thấy có vẻ Mĩ đã tận dụng triệt để các kết luận của toà trong tài PCA, đặc biệt là lần tàu USS Decatur chay vào khu vực Hoàng Sa ngày 21/10/2016 (vào cuối nhiệm kì của Tổng thống Obama) và lần tàu USS Dewey chạy vào áp sát vào đảo nhân tạo tại đá Vành Khăn ngày 24/5/2017 (những tháng đầu nhiệm kì của Tổng thống Trump).

Tàu USS Decatur đã thực hiện một lộ trình khoảng 350 km trong khu vực mà TQ cho là lãnh hải và nội thuỷ củaquần đảo Hoàng Sa. Dù không đi vào lãnh hải bất kì đảo nổi nào nhưng tàu này đã 3 lần chạy qua lãnh-hải-phi-pháp và 2 lần chạy trong nội-thuỷ-phi-pháp (phần diện tích biển bên trong đường cơ sở được xem như tương đương với phần diện tích sông, hồ, ao trong đất liền - người ngoài không được phép vào nếu không được chủ nhà cho phếp) mà TQ đòi cho quần đảo này, thậm chí còn chạy một cách nhởn nha nhởn nhơ và diễn tập trong ‘nội thuỷ’ [xem bản đồ 2]. Điều này có nghĩa là Hoa Kì không chấp nhận các đảo ở Hoàng Sa có đường cơ sở và lãnh hải với tư cách một nhóm, đó cũng chính là khẳng định nêu trong phán quyết của PCA ngày 12/7/2016.

Bản đồ 2: USS Decatur chạy qua ‘lãnh hải’ 3 lần (AB, CD, EF), chạy trong ‘nội thuỷ’ 2 lần (BC, DE), thộm chí chạy ‘nhởn nhơ’ gần đảo Phú Lâm

Còn tàu USS Dewey thực hiện một lộ trình ‘bình thường’, chạy dích dắc và tổ chức diễn tập bên ngoài tàu khi chạy cách Vành Khăn dưới 12 hải lí [xem bản đồ 3]., tức là chỉ xem Vành Khăn như là một bãi triều thấp (LTE) không có lãnh hải dù TQ đã tôn tạo nó cao hơn mặt biển. Đây cũng là một kết luận của toà trọng tài ngày 12/7/2016.


Bản đồ 3: USS Dewey chạy ‘bình thường’ cách đá Vành Khăn dưới 12 hải lí


Phản ứng của TQ trong cả 2 vụ này, đặc biệt là vụ tàu USS Decatur chạy những 350 km vào bên trong khu vực quần đảo Hoàng Sa là một vụ ‘vi phạm chủ quyền’ rất nghiêm trọng, đều ở mức vừa phải. Điều này có thể một phần do thực lực của TQ hiện nay chưa đủ sức đối phó với Mĩ và có lẽ cũng một phần do họ đuối lí trước kết luận hết sức chặt chẽ và logic của PCA ngày 12/7/2016. Lưu ý rằng vài tháng trước họ cũng đã chấp nhận cho ngư dân Philiippes vào khu vực bãi cạn Sarborough đánh cá, vốn cũng là một điều trong phán quyết của PCA. Mới đây đối với vụ tàu USS Stethem chạy vào lãnh hải đảo Tri Tôn ngày 2/7, máy bay ném bom B-1B bay trên vùng trời các đảo ở biển Đông ngày 6/7 (sự việc quá mới nên chưa có thông tin chi tiết để bàn về mức độ nghiêm trọng), phản ứng của họ cũng chỉ theo bài bản. Như vậy, có vẻ là dù ngoài mặt họ tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA để đối phó với phản ứng nội bộ do chịu ảnh hưởng tuyên truyền sai trái lâu ngày của chính họ, nhưng trong hành động có vẻ họ đã ngầm chịu xuôi theo phán quyết. Chắc chắn trong ban lãnh đạo TQ, ít ra cũng có một bộ phận nhỏ thấy những đòi hỏi của họ là vô lí, thiếu cơ sở và hơn nữa họ đang ôm mộng nắm vai trò lãnh đạo thế giới nếu cứ hành xử trái ngược với những gì họ ký kết thì còn ai tin cậy họ, hợp tác làm ăn với họ. Và việc Tướng TQ Phạm Trường Long mới đây đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam để phản đối việc Việt Nam cho phép công ti nước ngoài khai thác dầu cũng có thể chỉ là phản ứng cá nhân.

Lưu ý rắng kết luận đầu tiên và có lẽ chính yếu nhất của PCA trong vụ Philippine kiện TQ là không có cơ sở pháp lí nào để TQ dùng ĐLB đòi hỏi các quyền lích sử đối với tài nguyên vượt quá những gì quy định trong Công ước về luật biển LHQ (UNCLOS) 1982 mà chính TQ đã đặt bút ký kết và phê chuẩn. Và do đó tất cả các hành động dính dáng tới quyền thăm dò, khai thác tài nguyên hay khẳng định chủ quyền  ở những chỗ trong EEZ và thềm lục địa của nước khác đều phi pháp. Dựa vào điều này và có thể dựa trên những phản ứng có phần ‘xuôi tay’ của TQ khi bị thách thức những gì mà PCA đã kết luận, cùng các thái độ khá quyết liệt của chính phủ mới ở Mĩ, Nhật, Ấn, EU...(như vừa nêu bên trên và theo các tin trên báo chí) mà VN đã có vẻ bạo dạn hơn khi gia hạn cho ONGC thêm hai năm lô 128và bật đèn xanh cho Repsol thăm dò lô 136/3. Ngoài ra, VN cũng nắm rõ tâm lí của giới cầm quyền TQ lo ngại nếu quá quyết đoán VN có ngã theo Mĩ và phương Tây khiến họ rơi và thế bị bao vây, thậm chí qua đó VN có thể sẽ cải tổ theo hướng dân chủ và điều này sẽ kích động dân TQ thách thức quyền lãnh đạo của họ hay chí ít VN có cớ theo gương Philippines kiện họ, và với tiền lệ của Philippes xác suất năng họ bị thua sẽ rất lớn, thêm một lần mất mặt nữa và mất uy tín với dân TQ và thé giới. Có thể đây cũnh là một lí do khác giúp VN bạo dạn hơn.

Dĩ nhiên những ý kiến trên chỉ là một nhận định chủ quan dựa trên một số quan sát chắc chắn còn phiến diện, cần chờ thêm các diễn tiến mới trên thực tế để kiểm chứng lại.

No comments:

Post a Comment