Pages

Tuesday, September 30, 2014

Một cuộc đối đầu, ba câu hỏi pháp lí

Một cuộc đối đầu, ba câu hỏi pháp lí

One confrontation, three legal questions

Dương Danh Huy
NCBĐ (8/9/2014) - Eurasia Review (9/9/ 2014)


"Việt Nam hay Trung Quốc đúng về mặt pháp lí trong cuộc đối đầu này?": Theo UNCLOS như đã được Tòa Trọng tài Thường trực giải thích, câu trả lời chắc chắn là Việt Nam đúng, bất chấp hai câu hỏi đầu tiên được trả lời ra sao.

(Các khoảng cách từ vị trí triển khai đầu tiên ủa HD-981 theo Google Earth.)


(Các khoảng cách từ vị trí triển khai thứ hai ủa HD-981 theo Google Earth.)

Sau hai tháng rưỡi đối đầu với Việt Nam, vào ngày 15/07/2014 Trung Quốc rút giàn khoan dầu trị giá tỉ đô la HD-981 mà họ đã triển khai gần quần đảo Hoàng Sa, chủ đề của một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai đất nước này kể từ đầu thế kỉ 20. Việc rút giàn khoan dầu đã làm giảm căng thẳng ở biển Đông, vốn nâng lên tới mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc chiếm lấy đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa vào năm 1988, làm hơn 70 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng lúc đó.

Các tranh chấp đất đai và biển âm ỉ trong khu vực có nghĩa là các sự cố tương tự có khả năng sẽ xảy ra lần nữa. Do đó, thật đáng để thử xem luật pháp quốc tế đã nói gì về các cái đúng và cái sai trong sự cố này. Ta sẽ thấy rằng có thể tìm được một câu trả lời rõ ràng, ngay cả khi một số câu hỏi cơ bản vẫn chưa được giải quyết.


Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa

Câu hỏi rõ ràng nhất là "Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc?", ngay cả khi, như sẽ được cho thấy phần sau, câu hỏi này không định ra ai đúng hay sai trong cuộc đối đầu này.

Thật ra câu hỏi này khó trả lời hơn những thành viên thuộc cả phía vẫn tưởng. Các lập luận của Trung Quốc khơi gợi tới lịch sử xa xưa tận triều đại Bắc Tống có vẻ ấn tượng với người bình thường, nhưng các lập luận đó khó có thể đáp ứng các quy định của luật pháp quốc tế đòi hỏi rằng việc thụ đắc chủ quyền đối với lãnh thổ phải được dựa trên các tuyên bố và hành vi chủ quyền của nhà nước, chứ không phải của các cá nhân. Trái lại, lập luận của Việt Nam dựa trên các hoạt động của triều Nguyễn và khẳng định chủ quyền của Pháp có nhiều khả năng thoả được đòi hỏi này hơn.

Tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi công thư của Thủ tướng Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1958, trong đó ông ghi nhận Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc vào năm đó. Trong tuyên bố đó, Trung Quốc tuyên bố lãnh hải 12 hải lí cho lãnh thổ của mình, có nói bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Lập luận phản lại của Việt Nam có vẻ là dựa trên quan điểm rằng trong thời kì Chiến tranh Việt Nam chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nam Việt Nam nắm giữ, và rằng công thư năm 1958 của Bắc Việt Nam mà thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai chỉ nói về yêu sách của Trung Quốc về vùng lãnh hải 12 hải lí, chứ không đáp trả vấn đề chủ quyền của các quần đảo này. Dù thế nào đi nữa, đây là một chủ đề đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu thêm, và chỉ có câu trả lời của tòa hay toà án quốc tế cho câu hỏi "Chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc?" mới có thể đảm bảo được khách quan và có thẩm quyền.


Trong vùng biển của nước nào?

Câu hỏi thứ hai là "HD-981 được triển khai trong vùng biển thuộc Việt Nam hay Trung Quốc?" Ngây thơ người ta có thể nghĩ rằng câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào câu hỏi thứ nhất. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng nếu HD-981 triển khai ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, và khi xem xét kỹ hơn sẽ thấy không phải như vậy.

Hai địa điểm triển khai giàn khoan dầu này, nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển Việt Nam và gần bờ biển đó hơn là đảo Hải Nam, có nghĩa là nếu quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam thì vùng biển trong khu vực đó sẽ thuộc về Việt Nam. Trái lại, nếu quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc thì vùng biển đó sẽ chỉ thuộc về Trung Quốc nếu như quần đảo Hoàng Sa được phân cho một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vươn tới hoặc vượt quá hai địa điểm triển khai của HD-981. Tuy nhiên, theo phán quyết của các tòa án quốc tế (như phán quyết của Tòa Công lí Quốc tế trong tranh chấp Colombia-Nicaragua) và thông lệ quốc tế trong việc phân định ranh giới biển (như Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ củaTrung Quốc và Việt Nam), thì các đảo nhỏ như đảo Phú Lâm và Đảo Hoàng Sa trong quần đảo Hoàng Sa khó có khả năng được phân cho một vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn một phần tư khoảng cách đến bờ biển lục địa. Vị trí khoan đầu [sau] của Trung Quốc cách đất liền Việt Nam khoảng 132 hải lí [153 hải lí], cách đảo Hải Nam của Trung Quốc183 hải lí [190 hải lí], cách đảo Phú Lâm 103 hải lí [88 hải lí] và cách đảo Hoàng Sa 67 hải lí [42 hải lí]. Do đó, nếu tòa hoặc tòa án được yêu cầu phán quyết về vấn đề này thì hầu như không có khả năng toà sẽ đồng ý rằng vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Hoàng Sa có thể đủ rộng để phủ tới vị trí triển khai của HD-981.

Vì vậy, dù ai sở hữu quần đảo Hoàng Sa, câu trả lời cho câu hỏi "Vùng biển quanh giàn khoan dầu thuộc Việt Nam hay Trung Quốc?" có nhiều khả năng sẽ là thuộc Việt Nam.

Rõ ràng Trung Quốc không chấp nhận câu trả lời này, như thể hiện qua hành động của họ. Thật không may, trong tình trạng họ đã từ chối đến mức tối đa có thể được các thủ tục giải quyết tranh chấp quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) thì không có tòa hoặc tòa án nào có thẩm quyền để đề cao những gì rất có thể là đúng, và vì vậy vấn đề vẫn chưa xác định được.

Với tình huống đáng tiếc này, do TQ đưa tới để tránh né luật pháp quốc tế trong việc phân định ranh giới biển, câu hỏi thứ ba là "Nước nào đúng về mặt pháp lí trong cuộc đối đầu này?" Câu trả lời cho câu hỏi này có thể tìm thấy trong UNCLOS, mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đã phê chuẩn.


Các quy định của UNCLOS về tranh chấp

Vì không có sự thống nhất của Việt Nam và Trung Quốc về câu hỏi "Vùng biển xung quanh giàn khoan dầu thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc?" và cả hai phía đều có câu trả lời có khả năng đúng theo quan điểm pháp lí (ngay cả khi, như cho thấy bên trên, chứng lí của Việt Nam mạnh hơn nhiều), nên vùng nước xung quanh giàn khoan dầu theo định nghĩa là có tranh chấp. Đây là chỗ mà UNCLOS đi vào.

Điều 74 (3) của Công ước quy định rằng nơi nào có EEZ tranh chấp chưa giải quyết, "các quốc gia có liên quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ cố gắng hết sức để tham gia vào các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tế và, trong thời gian chuyển tiếp này không gây phương hại hay cản trở việc đạt đến thỏa thuận  cuối cùng. Các dàn xếp như vậy sẽ không làm phương hại đến việc phân định cuối cùng." Trong phán quyết năm 2007 về tranh chấp Guyana - Suriname, Tòa Trọng tài Thường trực phán rằng đơn phương khoan trong khu vực tranh chấp là vi phạm điều luật này. Như vậy, thật rõ ràng và không thể phủ nhận rằng việc TQ triển khai giàn khoan khổng lồ là vi phạm điều luật này, và Việt Nam là đúng về mặt pháp lí khi phản đối hành động đó.

Thật không may, việc TQ từ khước tới mức tối đa có thể được các thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS một lần nữa có nghĩa là không có tòa hoặc tòa án nào có thẩm quyền để đề cao những gì là chắc chắn đúng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đơn phương theo đuổi các thủ tục này, có khả năng là một tòa án theo Phụ lục VII UNCLOS sẽ phán quyết rằng việc TQ từ chối đàm phán các vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam là vi phạm Điều 279, điều luật này đòi hỏi hai nước phải "giải quyết tranh chấp giữa họ liên quan đến việc diễn giải và áp dụng Công ước bằng các phương cách hòa bình đúng theo Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp Quốc".


Kết luận

Trong mọi trường hợp, câu trả lời cho ba câu hỏi pháp lí đặt ra về cuộc đối đầu gần đây nhất của giữa Việt Nam và Trung Quốc là như sau.

1. "Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc?": chưa có kết luận dứt khoát, nhưng câu hỏi này không phải là điều quyết định đối với cuộc đối đầu trong việc triển khai HY-981.

2. "HD-981 được triển khai trong vùng biển thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc?": Theo án lệ và tập quán quốc tế về phân giới, câu trả lời rất có thể là thuộc Việt Nam, bất chấp câu hỏi thứ nhất được trả lời ra sao.

3. "Việt Nam hay Trung Quốc đúng về mặt pháp lí trong cuộc đối đầu này?": Theo UNCLOS như đã được Tòa Trọng tài Thường trực giải thích, câu trả lời chắc chắn là Việt Nam đúng, bất chấp hai câu hỏi đầu được trả lời ra sao.

No comments:

Post a Comment