Pages

Wednesday, June 26, 2013

Biển Đông trong tầm ngắm: Xác định phạm vi tranh chấp

Xin đăng lại bản dịch toàn văn phiên mở đầu Hội thảo CSIS ở Mĩ mới đây (5-6/6/2013) với bài báo cáo mở đầu về xác định phạm vi thực sự có tranh chấp theo luật biển QT của Gregory Polling. Báo cáo này có vẻ rất khách quan rất đáng đọc, ngay chính học giả Đài Loan là Tống Yên Huy  (Yann-Huei Song) cũng cho là là xuất sắc dù b/c này không có lợi cho yêu sách của TQ và ĐL:

Ghi chép toàn văn Hội thảo CSIS: Phiên mở đầu - Xác định phạm vi tranh chấp ở Biển Đông

Thứ ba, 25 Tháng 6 2013 15:23
Bài tham luận mở đầu hội thảo của Gregory Polling đề cập đến việc khoanh vùng biển tranh chấp thành các khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế bởi thống nhất phạm vi của tranh chấp là bước đầu quan trọng trong kiểm soát tranh chấp tại Biển Đông.

Phiên mở đầu: Bài phát biểu khai mạc

Ông Ernest Z. Bower, Cố vấn cao cấp, Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS)
Kính thưa quý vị đại biểu,
Tên tôi là Ernest Z. Bower, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á tại CSIS. Tôi rất vinh dự chào đón quý vị đến CSIS tham dự hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 3. Chúng tôi gọi hội thảo này là “Kiểm soát căng thẳng tại Biển Đông” bởi vì chúng tôi nhận thấy chúng ta đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng. Có thể thấy rõ hơn, căng thẳng và nguy cơ những sai lầm có thể phát triển thành xung đột tại Biển Đông, khu vực kết nối đa số các nước ở Đông Á. Nguy cơ này cao hơn thời điểm chúng tôi tổ chức hội thảo đầu tiên vào năm 2011. Các phiên thảo luận trong 2 ngày tới có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về kinh tế địa chính trị và các khía cạnh kỹ thuật của các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Nếu chúng ta nỗ lực thành công trong 36 giờ tới thì chúng ta sẽ hy vọng đạt được một vài sáng kiến để kiểm soát xung đột xung quanh Biển Đông và giúp các nhà hoạch định chính sách có ý tưởng để chuẩn bị cho diễn đàn khu vực ASEAN vào cuối tháng này và cuộc họp thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 tại Brunei, giúp họ có ý tưởng về cách thức hoạt động hiệu quả hơn để giải quyết tranh chấp và tránh các xung đột có thể xảy ra, để tăng cường nhận thức về các nguy cơ có thể xảy ra và cơ chế tốt hơn để tránh và quản lý các cuộc đụng độ tại Biển Đông.
Một lần nữa, tôi muốn cảm ơn tất cả quý vị đã tham dự cùng với chúng tôi hôm nay và ngày mai và các quý vị theo dõi trực tiếp trên mạng. Xin các quý vị tham gia thảo luận bằng cách truy cập trang CSIS và theo dõi thảo luận trực tiếp qua CSIS.
Buổi thảo luận ngày hôm nay sẽ được mở đầu bằng bài trình bày của Gregory Polling. Greygory Polling là thành viên chương trình nghiên cứu Đông Nam Á. Nghiên cứu của Gregory Polling về Biển Đông rất sâu sắc và toàn diện. Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu thảo luận bằng việc xem lại những gì đã xảy ra trong khu vực. Năm ngoái, CSIS trình bày báo cáo Giải pháp Biển Đông với phương pháp hình ảnh vệ tinh và phân tích địa lý để giúp các tranh chấp phức tạp trở nên dễ hiểu hơn. Và trình bày chúng theo một cách mới. Báo cáo sắp tới của chúng tôi “Biển Đông trong tầm ngắm” sẽ sử dụng những kỹ thuật này ở mức độ cao hơn bằng cách khoanh vùng biển tranh chấp thành các khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Thống nhất phạm vi của tranh chấp là bước quan trọng trong việc kiểm soát tranh chấp và kiểm soát tranh chấp cũng chính là chủ đề của hội thảo hôm nay. Để mớ đầu phiên thảo luận đầu tiên, tôi xin mời tham dự cùng với tôi chuyên gia nghiên cứu Gregory Polling trình bày kết quả báo cáo mới nhất của chúng tôi.
Gregory Polling: “Biển Đông trong tầm ngắm: Xác định phạm vi tranh chấp”
Cảm ơn Ernest và cho phép tôi cảm ơn tất cả quý vị đã đến tham dự hội thảo thường niên lần thứ 3 năm nay. Như Ernest đã nói chúng ta sẽ bắt đầu hội thảo bằng việc xem xét bản báo cáo mới nhất “Biển Đông trong tầm ngắm”. Sáng nay, mỗi quý vị đều đã có bản tóm tắt báo cáo Biển Đông trong tầm ngắm. Báo cáo này sẽ được công khai vào đầu tháng 7. Bản đồ trong báo cáo như bản đồ trong bản tóm tắt trước quý vị sử dụng phương pháp phân tích không gian địa lý và các dữ liệu mà chúng tôi thu thập và tạo ra để phân tích trong dự án này. Các đường sử dụng chính xác trong phạm vi 1 hải lý và xin thông báo với những nhà làm bản đồ tại đây, bản đồ này sẽ được cung cấp khi báo cáo được xuất bản. Vì quý vị đã xem bản tóm tắt, trước khi bắt đầu trình bày, tôi sẽ nói các điểm mà bản báo cáo không hướng đến. Bản báo cáo không nhằm thể hiện bất cứ biện pháp giải quyết tranh chấp cuối cùng mà các bên nên thực hiện ở Biển Đông, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các bên tranh chấp. Bản báo cáo cũng không nỗ lực để nói về các yêu sách cuối cùng mà các bên nên đòi hỏi vì hiện nay chưa có bên nào làm rõ các yêu sách của mình, đây là công việc đang được tiến hành. Và cuối cùng bản báo cáo không đề xuất các bên tranh chấp phải chấp nhận tất cả các khu vực được thể hiện trong bản tóm tắt và trong bản báo cáo là khu vực tranh chấp cuối cùng. Thực tế là giống như trong các tuyên bố của tòa hay trong các thương lượng về các tranh chấp tương tự, các khu vực đang được yêu sách ở Biển Đông gắn hiệu lực quá lớn cho các đảo nhỏ đang tranh chấp. Bản báo cáo chính vì vậy sẽ thể hiện các khu vực mà các bên có thể yêu sách trong vùng tranh chấp hợp pháp và từ đó nó sẽ chỉ ra các khu vực không có tranh chấp. Như tôi đã nói sự làm rõ này là một bước quan trọng trong nỗ lực để điều tiết những tranh chấp mà trong nhiều thập kỷ các nước có liên quan không thể đồng ý được với nhau đâu là vùng nước đang tranh chấp và chính vì thế đã khiến bất cứ các đàm phán về thỏa thuận đánh cá đa phương hay hợp tác phát triển chung đa bên đều thất bại. Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ cụ thể về việc áp dụng việc này đối với vấn đề khai thác chung sau, còn trước tiên hãy xem xét định nghĩa khu vực tranh chấp. Để so sánh, cho phép tôi bắt đầu với cái tôi tạm gọi là “bản đồ sách giáo khoa”. Bản đồ Biển Đông này là bản đồ mà chúng ta thường nhìn thấy ở các bài báo hoặc các bài phân tích của những người không phải là chuyên gia – bản đồ này lỗi thời, mập mờ và không chính xác.
Để in bản đồ tốt hơn, bước đầu tiên chúng tôi xác định các khu vực mà các quốc gia có quyền được yêu sách hợp pháp từ bờ biển của mình. Để làm điều đó, chúng tôi bắt đầu bằng việc phớt lờ thực tế là hàng trăm đảo đang có tranh chấp. Bản đồ đầu tiên tôi trình chiếu là yêu sách của Malaysia. Màu đỏ mà quý vị nhìn thấy là yêu sách mà Malaysia có quyền đòi hỏi hợp pháp còn màu trắng là yêu sách của Malaysia trong bản đồ sách giáo khoa quý vị vừa nhìn thấy.
Tôi sẽ không làm rối quý vị bằng cách đi vào chi tiết từng yêu sách mà thay vào đó cho phép tôi đưa ra một vài chỉ dẫn và tôi sẽ nói giải thích thêm trong phần hỏi đáp nếu quý vị có yêu cầu. Cơ sở đầu tiên để quyết định các yêu sách là hợp pháp hay không hợp pháp là hoàn toàn dựa vào Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, mỗi bên tranh chấp đều có quyền hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay EEZ 200 hải lý. Trong trường hợp EEZ chồng lấn với nước khác và các bên chưa thương lượng được đường biên giới thì chúng tôi cho rằng đường biên giới sẽ là điểm ở giữa. Cuối cùng thềm lục địa của các nước thể hiện trên bản đồ này dựa vào đệ trình của họ lên LHQ. Và quý vị có thể nhìn thấy điểm khác biệt trong yêu sách của Malaysia không đáng kể, thậm chí sự khác biệt trong yêu sách của Brunei còn ít hơn. Vì thế, tối sẽ không làm rối quý vị bằng bản đồ này nữa.
Và giờ chúng ta sẽ xem yêu sách của PLP.
Như quý vị có thể nhìn thấy sự khác biệt rất lớn ở đây giữa yêu sách mà PLP đòi hỏi được thể hiện trong bản đồ lỗi thời màu trắng và yêu sách thực sự mà PLP có quyền đòi hỏi hợp pháp thể hiện ở đường màu xanh. PLP biện hộ rằng họ hoàn toàn nhận thức được bản đồ của họ đã lỗi thời và họ đã đưa ra bản đồ mới vào năm 2009 với đường cơ sở mới. Thậm chí sự khác biệt còn rất rõ ràng khi xem yêu sách thực sự của Việt Nam ở đường màu xanh dương và yêu sách lỗi thời bị phóng đại ở đường màu trắng.
Và cuối cùng sự khác biệt gây bất ngờ nhất, bản đồ này thể hiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc so với yêu sách thực sự mà Trung Quốc có quyền đòi hỏi hợp pháp từ bờ biển của mình, lưu ý rằng nó chưa bao gồm hiệu lực đầy đủ của các đảo.
Một điều không may là tất cả các yêu sách so sánh với đường 9 đoạn đã hoặc chưa có hiệu lực đầy đủ của đảo. Để làm rõ hơn, chúng tôi đã cố nối các đoạn của đường 9 đoạn một cách tốt nhất tôi có thể.
Nếu chúng ta gạt sang một bên các đảo tranh chấp và các thực thể khác ở Biển Đông thì quý vị có thể nhìn thấy tranh chấp sẽ bớt phức tạp hơn nhiều như thế nào. Thực tế phần tranh chấp hợp pháp chỉ là hai phần nhỏ màu đỏ về yêu sách thềm lục địa. Rất may là tình hình lại không như thế.
Bước phân tích cuối cùng là xem xét thêm yếu tố các đảo và xem nó ảnh hưởng thế nào đến tranh chấp.
Tôi cũng sẽ chỉ đưa ra một vài chỉ dẫn. Luật biển phân biệt đảo có EEZ với đá ko được hưởng EEZ nhưng Luật biển cũng không rõ ràng trong việc xác định thế nào là đảo. Điều cần thiết đầu tiên là thực thế phải nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao, điều này có thể hiểu. Điều thứ hai là có khả năng cho con người cư trú hoặc có đời sống kinh tế riêng. Tuy nhiên, không tòa nào giải thích rõ ràng về hai yêu cầu trên. Vì thế, các quốc gia ven biển có thể mở rộng tối đa vùng biển theo ý muốn của họ. Một báo cáo cho rằng một thực thể nổi trên mặt nước 24h/ngày có thể trở thành đảo.
Đây là các đảo. Với định nghĩa về đảo rất chung chung như vậy thì 50 thực thể ở Biển Đông có thể đủ tiêu chuẩn để hưởng quy chế của đảo hợp pháp. Bước cuối cùng trong phân tích của chúng tôi là tạo cho mỗi đảo có 200 hải lý EEZ nếu có thể. Trong hầu hết các trường hợp đều không được vì nó chồng lấn với EEZ từ bờ biển. Vì thế, chúng tôi lại vẽ điểm ở giữa các đảo và bờ biển đối diện nó. Kết quả tạo ra khu vực Biển Đông có thể yêu sách hợp pháp nằm trong tranh chấp.
Khu vực màu đỏ với các thực thể bên trong là khu vực tranh chấp Hoàng sa. Khu vực màu vàng là Scarborough và màu xanh là ở Trường Sa. Và nếu cân nhắc thêm quan điểm chỉ trích rằng không có một hòn đảo nhỏ nào được trao tầm quan trọng ngang bằng với bờ biển xung quanh nó. Vì vậy giải pháp cuối cùng là đặt biên giới gần các đảo hơn dù chúng được hưởng đầy đủ EEZ. Và điều đó dẫn chúng ta đến ranh giới mà các nước có thể nói là vùng tranh chấp hợp pháp, có thể thấy vẫn là một khu vực tương đối lớn.
Nhưng như quý vị có thể thấy, khu vực trên vẫn nhỏ hơn khá nhiều so với đường 9 đoạn của Trung Quốc. Vì sao xác định khu vực này lại quan trọng và nó nói lên điều gì? Khu vực màu vàng này cho chúng ta biết, ngoài ranh giới này là khu vực không tranh chấp của quốc gia ven biển; các nước có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đánh bắt cá, khai thác dầu khí mà không cần phải lo lắng khu vực đó có tranh chấp với bất kỳ nước nào. Nó cũng cho chúng ta biết bất cứ đề xuất khai thác chung nào ngoài khu vực này sẽ không được xem xét nghiêm túc bởi các bên tranh chấp, đây chính là vấn đề của các nỗ lực trước đó nhằm tiến tới khai thác chung. Để mô phỏng, tôi đã làm bản đồ 9 lô dầu khí mà tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc mở thầu vào tháng 6 năm 2012 và Việt Nam phản đối nó và nhìn trên bản đồ Việt Nam có lý do để làm thế.
Thậm chí nếu Trung Quốc sở hữu mọi thực thể ở Biển Đông và mọi thực thể đều có yêu sách biển 200 hải lý hoặc chúng nằm ở điểm ở giữa thì các lô dầu khí này, dù là một nửa, cũng không nằm trong yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Các lô dầu khí đưa ra bởi Hà Nội và Manila đưa ra một ví dụ minh họa khác. Trên bản đồ, các lô mầu đỏ được khai thác bởi các công ty dầu khí, còn màu trắng thì không.
Như quý vị có thể nhìn thấy Trung Quốc thường xuyên phản đối các hoạt động trong các lô dầu khí mà phần lớn không nằm trong khu vực tranh chấp. Như vậy, nếu công ty dầu khí của quý vị xem xét đầu tư các lô dầu khí tại Biển Đông hoặc chính phủ xem xét việc tạo ra các lô dầu khí, cách phân tích này rất hiệu quả. Sự khác biệt giữa một lô dầu khí trong khu vực tranh chấp và một lô dầu khí nằm ngoài khu vực tranh chấp chỉ là một vài dặm nhưng một vài dặm trong khu vực không tranh chấp sẽ có cơ sở pháp lý và đạo đức hơn khu vực tranh chấp. Cho phép tôi kết thúc bằng việc khẳng định lại là chúng ta không nói là tranh chấp sẽ không thay đổi hay các lô dầu khí này là tranh chấp pháp lý thực sự. Trách nhiệm của các bên tranh chấp là làm rõ các yêu sách của mình để chúng ta có thể sửa đổi thêm bản đổ. Một số bên đã thực hiện vài bước đi nhỏ. PLP đang dẫn đầu vấn đề này. Năm 2009, Philippin ban hành Luật đường cơ sở trong đó quy định rằng các đảo sẽ chỉ được hưởng quy chế theo UNCLOS. Họ thiết lập đường cơ sở thẳng và xác định EEZ từ đường cơ sở nhưng họ không xác định thềm lục địa mà họ yêu sách. Cùng lúc đó, Việt Nam và Malaysia xác định một phần thềm lục địa của mình nhưng không phải tất cả. Malaysia chưa công bố đường cơ sở thẳng chính thức họ yêu sách mặc dù họ thể hiện trên bản đồ. Đường cơ sở thẳng Việt Nam vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó dễ dàng chỉ ra Trung Quốc là nước không làm rõ các yêu sách chủ quyền của mình. Mỗi bên yêu sách phải có trách nhiệm làm rõ yêu sách của mình trước nhất.
Tôi hi vọng quý vị sẽ thú vị khi nhận bản báo cáo vào đầu tháng 7. Đối với những người cảm thấy hứng thú tôi xin mời qúy vị phân tích và khiến bản báo cáo trở nên có giá trị đối với mục đích riêng của quý vị. Các quý vị hãy nói cho tôi biết nếu có gì trong bản báo cáo quý vị cảm thấy chưa chính xác. Các bản đồ này nhằm mở ra các cuộc tranh luận và chỉ ra các bước nên thực hiện để kiểm soát tranh chấp.
Ernest Bower: Cảm ơn Greg đã có bài trình bày mở đầu thú vị để thảo luận. Tôi xin thông báo mở diễn đàn cho phần hỏi đáp. Nếu quý vị có câu hỏi gì xin hãy nêu tên, tổ chức. Chúng ta sẽ đi một vòng quanh khán giả.
Christian Le Mière (Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - IISS Anh): Dự án rất hữu ích và giúp ích cho phần thảo luận trong tương lai. Tôi có một câu hỏi liên quan đến yêu sách của Trung Quốc đối với 9 lô dầu khí ngoài bờ biển Việt Nam. Liệu Trung Quốc có thể yêu sách các lô dầu khí nằm trong vùng thềm lục địa mở rộng của họ, chứ không phải EEZ vì thềm lục địa mở rộng sẽ cho họ quyền đối với nguồn tài nguyên đáy biển và dưới đáy biển hơn là các quyền tại EEZ đối với các nguồn tài nguyên biển.
Gregory Poling: Câu trả lời ngắn gọn của tôi là không. Trung Quốc rõ ràng có quyền yêu sách thềm lục địa của bất cứ đảo nào đủ quy chế để hưởng thềm lục địa của riêng nó. Tuy nhiên quy định của UNCLOS rất rõ ràng, mỗi quốc gia chỉ được hưởng tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa, và EEZ và họ có thể yêu sách thềm lục địa mở rộng thêm 150 hải lý nếu không có tranh chấp ở đó. Giả dụ bạn có một hòn đảo cách bờ biển chưa đến 200 hải lý thì EEZ và thềm lục địa phải được xác định sử dụng các biện pháp đường trung bình. Trung Quốc không thể nào yêu sách các lô dầu khí theo UNCLOS rằng thềm lục địa từ các đảo có thể mở rộng 200 hải lý trong khi thềm lục địa Việt Nam chỉ mở rộng 100 hải lý.
Yann-Huei Song (Viện Nghiên cứu Trung Cộng – Academia Sinica, Đài Loan): Cảm ơn vì bài phát biểu rất xuất sắc. Câu hỏi của tôi liên quan yêu sách của Đài Loan. Phạm vi của yêu sách đối với Đông Sa trong đường chữ U được nhắc đến trong bản báo cáo như thế nào?
Gregory Poling: Trong bản báo cáo rõ ràng là chúng tôi loại trừ quần đảo Đông Sa vì là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Đài Loan trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông là duy nhất. Yêu sách của hai bên đối với quần đảo như nhau. Khi chúng tôi xem xét vẽ yêu sách Philippin trong báo cáo, chúng tôi đã mặc định dùng điểm ở giữa quẩn đảo Đông Sa và yêu sách của Philippin vì dù là yêu sách của Trung Quốc hay Đài Loan đều có chung điểm giữa từ quần đảo Đông Sa.
Về đường chữ U, chúng tôi lại mặc định một lần nữa là Đài Loan cũng yêu sách giống như Trung Quốc vì chúng tôi chưa bao giờ được nghe khẳng định khác nào từ Đài Loan. Bản báo cáo làm rõ đây là nỗ lực đầu tiên để khuyến khích các bên làm rõ yêu sách của mình, nếu những gì đang được mặc định là không đúng đắn, các bên cũng cần công khai làm rõ. Nhưng cho đến nay, những gì mà chúng tôi biết cho thấy Đài Loan đang yêu sách đường chữ U. Và cho đến khi Đài Loan làm rõ yêu sách chúng tôi phải mặc định rằng Đài Loan sử dụng các cơ sở giống như Trung Quốc.
Ernest Bower: Xin hỏi còn câu hỏi hoặc bình luận nào không? Cảm ơn Greg vì đã khởi đầu rất tốt. Chúng ta sẽ nghỉ giải lao để dùng cafe và sau đó sẽ quay lại với phiên đầu tiên.
Hội thảo “Quản lý Căng thăng ở Biển Đông” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 5-6 tháng 06 năm 2013 tại Washington D.C, Mỹ
Quách Huyền (dịch)
Minh Ngọc (hiệu đính)  

No comments:

Post a Comment