CHƯƠNG IV
CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH CÁC ĐẢO BIỂN ĐÔNG (1953-1989)
IV.1 Vương quốc Nhân đạo
Tháng 5/1950, Quốc Dân Đảng thua trận rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa, Đảng Cộng sản Trung Quốc không lắp ngay vào chỗ trống do Quốc Dân Đảng để lại ở quần đảo Trường Sa khiến cho tình hình biển Đông có sự thay đổi. Hội nghị San Francisco xác định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Nhật Bản từ bỏ, nhưng không định rõ sự quy thuộc của chúng, dẫn đến tình trạng pháp lí của các đảo biển Đông mơ hồ thêm. Thời gian này, một cảnh mới trong lịch sử biển Đông đã được mở ra, đó lại là một nhóm nhà mạo hiểm bị ám ảnh về quốc gia tư nhân (micronation).
Cái gọi là quốc gia tư nhân dùng để chỉ một số thực thể nhỏ bé tự xưng, chiếm hữu trên danh nghĩa tư nhân. Họ tự coi mình là quốc gia độc lập, in và cấp hộ chiếu, thành lập bộ ngoại giao, thậm chí phát hành tem, tiền tệ... Nhưng những “quốc gia” này không được bất cứ quốc gia nào khác công nhận, người ta xem chúng là trò đùa, trò chơi khăm, thậm chí hoang tưởng, ...
Nổi tiếng nhất trong số này là Công quốc Tây Lan (Principality of Sealand) nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Anh, “nguyên thủ” của nó đã chiếm một giàn khoan 500 mét vuông bị bỏ hoang rồi tự lập thành quốc gia. Thực ra trước khi có Công quốc Sealand rất lâu, đã có một “Vương quốc Nhân đạo” (Kingdom of Humanity) tuyên bố thành lập ở quần đảo Trường Sa (Hình 24), có thể coi đó là vương quốc đầu tiên thuộc loại này trong các quốc gia tư nhân hiện đại.
Ngày 5/6/1954, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc nhận được một thư kì lạ, trong đó Victor Anderson, tự xưng là Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ Vương quốc Nhân đạo, tuyên bố thành lập “Vương quốc Nhân đạo”, nói rằng lãnh thổ của nó nằm ở giữa quần đảo Đông Ấn và bán đảo Đông Dương. Theo ý trời, nước này nguyện giúp Đài Loan quan phục Đại lục,nhưng yêu cầu Đài Loan nhượng lại quần đảo Hoàng Sa để trả ơn v.v... Địa chỉ giao dịch là hộp thư 1094, Manila, Philippines. Phía Đài Loan không biết xử trí thế nào với việc này nhưng cũng không dám xem thường, chỉ thị cho Đại sứ quán ở Philippines điều tra nhưng không thu được kết quả gì. Ngày 7/7, Đài Loan lại nhận được thư, lần này là thư của Bộ trưởng Hành chính Vương quốc Nhân đạo Paul Williord, bức thư thậm chí còn đề cập đến việc mua đảo Hải Nam của Đài Loan.
Lúc này, trên thị trường ở thành phố Manila xuất hiện số lượng lớn tem in phi pháp có chữ “Vương quốc Nhân đạo”, gây sự chú ý của cảnh sát Philippines. Sau khi cảnh sát Philippines điều tra không có kết quả bèn giao cho Cục Điều tra quốc gia tiếp nhận. Cuối cùng Cục Điều tra quốc gia đã lần theo dấu vết một lô bưu phẩm, đã bắt được một người tên là Morton F. Meads vào tháng 6/1955, và tìm thấy lượng lớn giấy chứng nhận, tem và bản đồ trong nhà ông ta. Trên bản đồ vẽ biên giới quốc gia của “Vương quốc Nhân đạo” có phạm vi chính là quần đảo Trường Sa.
Hóa ra Meads vốn là một mục sư người Mĩ từng tham gia quân đội, sau khi giải ngũ năm 1946 ở lại Manila. Ông ta nói rằng năm 1945 ông đi biển thám hiểm, khi đi biển Nam Trung Quốc phát hiện một loạt “đảo mới” không người, đặt tên chúng là Manity Island. Trong đó có một đảo lớn nhất được ông gọi là Amity Island. Ông còn nói trên những đảo này từng có một vị vua và bộ trưởng hành chính theo chính thể quân chủ lập hiến, mà ông ta chính là lãnh sự kiêm chuyên viên thương vụ do vua Willis Ryant bổ nhiệm, phụ trách giao thiệp với chính phủ nước ngoài, thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời in ấn phát hành tem và tiền giấy... Một tường thuật khác của ông ta là ông cố nội của ông, James George Meads, một thuyền trưởng người Anh, trong những năm 1870 khi đi biển ở biển Đông đã “phát hiện” ra đảo không người ở đây và đã thành lập quốc gia. Ông là người thừa kế, nhưng do không đủ tuổi để quản trị, vì thế đã giao cho Ryant thế chỗ...
Hình 24: Quốc kì của Vương quốc Nhân đạo (trái) và Lãnh thổ Tự do
Một sự kiện chưa từng có như vậy ngay lập tức trở thành tin nóng ở Manila. Để điều tra rõ về sự tồn tại của Vương quốc Nhân đạo này, vào tháng 6/1955 Philippines đã điều một toán không quân, dưới sự chỉ huy của thiếu tá Godofredo Hernandez tiến hành trinh sát trên không 3 tuần ở quần đảo Trường Sa. Kết quả cho thấy toàn bộ quần đảo Trường Sa đều là các đảo không người, chỉ có trên đảo Ba Bình có bến thuyền, chỗ ở và công trình quân sự còn sót lại. Do đó, Philippines đi đến kết luận không hề có “Vương quốc Nhân đạo”.
Meads lập tức bị Philippines khởi tố các tội danh gây rối loạn trật tự xã hội, phát tán ấn phẩm tạp nham và tranh chấp tài sản... Nhưng do tại tòa án Meads nói nhiều điều vô nghĩa, bị nhận định là tinh thần không bình thường, hoang tưởng, nên mọi cáo buộc đều không bị bác bỏ. Vương quốc Nhân đạo của Meads được xác nhận chỉ là một trò bịp bợm hoặc hoang tưởng, nhưng một lần nữa gây ra sự quan tâm của Philippines đối với quần đảo Trường Sa. Sau khi phái máy bay quân sự trinh sát dò tìm Trường Sa và xác nhận Trường Sa không có người, chính phủ Philippines tổ chức hội nghị bí mật. Có ý kiến cho rằng phải lập tức chiếm lấy, vì doanh trại trên đảo có thể sẽ bị những phần tử buôn lậu hay cộng sản dùng làm căn cứ. Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Philippines Carlos P. Garcia đề nghị với Tổng thống Ramon del Fierro Magsaysay nhắc lại yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.
Lúc này, Trung Hoa Dân Quốc đã nhận biết “lãnh thổ” của Vương quốc Nhân đạo trên thực tế là quần đảo Trường Sa, nên đã gửi công hàm cho Philippines, nhắc lại Trung Quốc có chủ quyền đối với “lãnh thổ” mà “Vương quốc Nhân đạo” chỉ ra. Vì thế Philippines không dám khinh suất hành động hấp tấp. Tháng 7/1955, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố “Philippines thấy rằng Trung Quốc tuyên bố cái gọi là Vương quốc Nhân đạo là lãnh thổ Trung Quốc, chính phủ Philippines sẽ không cho phép hải quân Philippines đổ bộ lên những đảo này để thám hiểm nữa”. Đài Loan cho rằng quần đảo Trường Sa “về mặt quân sự không có giá trị đối với việc phòng thủ Đài Loan và Bành Hồ” “tạm thời không phái quân đến chiếm đóng”, kiên trì giải quyết bằng phương thức ngoại giao. Vì vậy, sự việc này tạm thời kết thúc một giai đoạn.
Từ các lần bày tỏ thái độ của Philippines, có thể thấy rằng các tuyên bố của họ đều mang tính ngoại giao cao, nhiều nhất chỉ nói rằng “được biết” Trung Quốc có đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nhưng chưa bao giờ thừa nhận đòi hỏi này. Còn việc không đưa ra hành động cũng chỉ có thể lí giải là cử chỉ tạm thời. Phong cách ngoại giao của Philippines rất mềm dẻo, địch tiến ta lùi, địch lui ta tiến, điều này thể hiện rõ trong vấn đề biển Đông. Vì Philippines đã hứa sẽ không phái hải quân đổ bộ nên chỉ có thể tìm cách khác. Thế là Tomas Cloma thừa dịp xuất hiện.
Sau khi được Philippines thả ra, Meads vẫn tiếp tục hoạt động. Được biết năm 1963, Vương quốc Nhân đạo cùng với một quốc gia tư nhân yêu sách quần đảo Trường Sa khác là Republic of Morac-Songhrati-Meads (nước Cộng hòa MSM) hợp lại làm một (cũng có thuyết là Vương quốc Nhân đạo chuyển đổi thành nước Cộng hòa MSM), tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa. Cho đến đầu những năm 1970, Meads vẫn thay mặt nước Cộng hòa MSM liên tục gửi thư cho Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia thậm chí Liên Hợp Quốc, không ngừng tuyên bố chủ quyền của mình đối với Trường Sa, nhưng những tuyên bố này vẫn chỉ nằm trên giấy. Thư ông ta gửi cho Malaysia đã gây sự chú ý của nước này, dẫn đến cuộc tranh chấp khác (xem IV.11). Cuối cùng, có tin cho rằng tất cả thành viên quan trọng của nước Cộng hòa MSM, ngoại trừ Meads, đều đã chết vào năm 1972 trên đường đi đến Manila do gặp bão làm đắm thuyền. Nước Cộng hòa MSM lúc này mới đi vào im lặng.
IV.2 Quốc gia Tự do (Freedomland) của Tomás Cloma và tranh chấp quần đảo Trường Sa giữa Đài Loan và Philippines
Cloma sinh năm 1904, khi trưởng thành ông vừa làm biên tập ở một tạp chí hải quân tại Manila vừa học luật. Cuối cùng vào năm 1941, ông lấy được giấy chứng nhận luật sư. Nhưng khi đó Nhật Bản đã tấn công chiếm đóng Philippines, nên kế hoạch ban đầu muốn trở thành luật sư của ông ta đã bị cắt ngang. Sau khi kinh doanh thành công một số vụ làm ăn nhỏ và tích lũy được một số vốn, ông ta bắt đầu đầu tư vốn vào ước mơ lúc thiếu thời của mình là thám hiểm biển. Sau chiến tranh, Philippines trăm thứ đều bị hư hại cần được sửa sang xây dựng lại.
Năm 1948, Cloma thành lập Học viện Hải dương Philippines (Philippines Maritime Institution, PMI), tự làm hiệu trưởng, chuyên đào tạo nhân viên hàng hải. Sau đó, học viện này trở thành cơ sở đào tạo nhân viên hàng hải lớn nhất của Philippines.
Bắt đầu từ năm 1947, Cloma phái em trai là Filemon Cloma dẫn thuỷ thủ đi đánh cá ở khu vực phía Bắc Palawan. Sau khi sản lượng ở ngư trường lân cận giảm sút, Filemon Cloma tiếp tục đi về phía Tây tìm kiếm, và phát hiện một vùng biển lớn mà trước đó ông không biết đến, dày đặc đảo, đá, và có tài nguyên ngư nghiệp phong phú.
Cloma rất thích thú đối với phát hiện này nên đã tự mình ra biển điều tra thăm dò, và phát hiện những đảo, đá này không có người ở, chỉ có công trình kiến trúc của quân Nhật để lại. Sau khi trở về Manila, Cloma rà soát bản đồ, phát hiện trên các bản đồ mà ông ta có thể tìm thấy đều không có đánh dấu khu vực này, liền cho rằng mình đã phát hiện ra quần đảo mới. Thực ra, đó chính là quần đảo Trường Sa. Sau đó, Cloma đi đến đó lần thứ hai, lần này ông ta mang theo máy quay phim, chụp ảnh và quay phim lại. Ông ta đã đổ bộ lên một số đảo ở đó, và cắm cờ của PMI trên đảo. Đồng thời ông cũng đặt tên những hòn đảo này là Vùng đất Tự do (Freedomland), theo phát âm trong tiếng Philippines (Karajaan) có thể dịch thành quần đảo Kalayaan.
Theo ông, đây đều là những việc xảy ra năm 1947-49, khi đó ông ta còn để di dân lại trên đảo…. Nhưng thời gian và câu chuyện cụ thể thì rất khó để kiểm chứng.
Cloma từ đầu đến cuối đều tuyên bố mình đã phát hiện ra Vùng đất Tự do. Là một người có nhiều kinh nghiệm biên tập tạp chí ngành hàng hải và là hiệu trưởng của trường hàng hải, quả thực khó tưởng tượng ông ta lại không tìm ra những đảo này trên bản đồ, hơn nữa đã có công trình kiến trúc trên đảo thì chứng tỏ trước đó đã có người ở, lấy đâu ra chuyện “phát hiện mới”? Bất kể như thế nào, từ quá trình anh em Cloma tuyên bố “phát hiện” ngư trường mới này, có thể thấy rằng trước thời điểm đó, dù có người Philippines đánh cá ở đây, số lượng của họ cũng chắc chắn rất ít. Theo lời kể của ngư dân Trung Quốc, sau năm 1949 mới thấy có người Philippines đến Trường Sa đánh cá. Do đó, có thể suy đoán rằng cho đến thời kì đầu sau chiến tranh không có nhiều người Philippines biết đến nơi này.
Lúc đầu, Cloma chỉ làm việc đánh cá ở Trường Sa, nhưng sau đó lại có ý nghĩ lớn lao hơn. Ở Manila, Cloma đã quen biết Garcia khi đó còn là nghị viên. Hai người là gốc cùng tỉnh, sau đó duy trì lâu dài sự đồng thuận ngầm trong vấn đề Trường Sa. Nhưng khi ông nói cho Garcia về “phát hiện” này và hỏi ý kiến của Garcia thì không nhận được nhiều sự khích lệ. Mãi đến năm 1953, sau khi trúng cử Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Garcia mới liên kết việc Cloma phát hiện ra Kalayaan với việc yêu sách lãnh thổ của Philippines đối với Trường Sa. Chính phủ không tiện ra mặt, sao không để Cloma lấy danh nghĩa “tư nhân” chiếm trước ? Sự kiện Vương quốc Nhân đạo chính là một sự khởi đầu.
Ngày 1/3/1956, Cloma chỉ huy một đội thám hiểm gồm 40 người đến thám hiểm quần đảo Trường Sa. Trước khi xuất phát, Garcia và một nhóm nghị viên phát biểu huênh hoang về việc này. Trong hành trình 38 ngày của Cloma sau đó, họ đã đổ bộ lên 9 đảo chính trong đó có đảo Ba Bình, đảo Trường Sa Lớn và đảo Thị Tứ, phá bỏ các cột mốc, dấu hiệu các công trình có trên đảo. Ngày 15/5, Cloma chính thức gửi thư cho Garcia, tuyên bố mình đã phát hiện một vùng đất ngoài lãnh hải Philippines, không thuộc lãnh thổ bất cứ nước nào. Đồng thời, ông ta còn gửi thư cho truyền thông, tuyên bố chủ quyền đối với vùng này: “This claim is based on the right of discovery and/or occupation open, public and adverse as against the Whole World.” (Tuyên bố này dựa trên quyền phát hiện và / hoặc chiếm đóng để mở, công khai và đối lập đối với toàn thế giới.) Sáu ngày sau, ông ta còn tổ chức Hội nghị thông báo lần thứ hai, tuyên bố tên nước là “Lãnh thổ Tự do Freedomland” (The Free Territory Freedomland).
Khi đó quân đội Quốc Dân Đảng đã rút khỏi quần đảo Trường Sa, nên không hề biết rõ tình hình việc Cloma đến Trường Sa. Mãi đến sau khi Cloma trở lại Philippines và tổ chức Hội nghị thông báo lần thứ nhất thì Đại sứ quán Đài Loan tại Philippines mới đề cao cảnh giác, báo cáo với Bộ Ngoại giao về việc này. Điện trả lời của Bộ Ngoại giao chỉ thị phải tỏ rõ lập trường với báo chí Philippines.
Ngày 22/5, Cloma gửi công hàm cho Đại sứ Đài Loan tại Philippines Trần Chi Mại để thông báo việc này. Ngay hôm đó, Bộ trưởng Bộ Nội chính Đài Loan Vương Đức Truyền ra tuyên bố: quần đảo này là “một bộ phận của Trung Hoa Dân Quốc”, liệt kê các lí do của phía Trung Quốc: (1) Ngư dân Hải Nam đã đến cư trú và đánh cá từ lâu; (2) Trong hành trình đi phương Tây, Trịnh Hòa từng đến các đảo này; (3) Trong Thế chiến thứ hai Nhật Bản đã sáp nhập chúng vào Đài Loan, và sau Thế chiến thứ hai Trung Quốc đã phái người đến thu hồi; (4) Năm 1949, Đặc Khu hành chính Hải Nam được thành lập, những đảo này được đặt dưới quyền quản lí của Hải Nam; (5) Năm 1950, do tiếp tế khó khăn nên quân lính đóng giữ đã rút đi, nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ những đảo này, quân lính đóng giữ đã treo cờ trên đảo trước khi rời đi. Vì vậy, những đảo này “bất kể về lịch sử, về địa lí, về pháp lí hay về thực tế, đều là một phần lãnh thổ vốn của nước chúng tôi”, yêu cầu Philippines phải tôn trọng chủ quyền Trung Quốc.
Cùng ngày, Đại sứ quán Đài Loan tại Philippines ra thông báo, nhắc lại chủ quyền của Đài Loan đối với Nam Sa (Trường Sa). Ngày 23, Đại sứ quán Đài Loan tại Philippines chính thức kháng nghị Philippines và viện dẫn thêm một số lí do: (1) Thư tịch hàng hải của Anh năm 1912 có nói đến di dân Trung Quốc trên đảo, năm 1918 người Nhật cũng nói đến người Trung Quốc cư trú trên đảo; (2) Hiệp ước Trung-Pháp năm 1887 phân định Nam Sa thuộc Trung Quốc; (3) Sau Thế chiến thứ hai Trung Quốc thu hồi quần đảo Nam Sa; (4) Hòa ước San Francisco và Hòa ước Trung-Nhật đều đã phân định Nam Sa thuộc Trung Quốc. Do đó, Nam Sa không phải đảo vô chủ cũng không phải đảo chưa từng được phát hiện. Giống như trong lãnh thổ Philippines có rất nhiều đảo không có người cư trú, hiện nay ở Nam Sa không có người cư trú không đồng nghĩa với Trung Quốc không có chủ quyền. Lúc này, giống như trước đây Philippines vẫn như múa thái cực quyền về phạm vi địa lí của “quần đảo Trường Sa”. Garcia nói: “quan sát sơ bộ, các đảo Cloma đề cập đến dường như không trong phạm vi Trường Sa”, yêu cầu Đài Loan cho xem bản đồ và so sánh với bản đồ của Philippines, đồng thời đề nghị Đài Loạn có thể phái người cùng Cloma đến đó kiểm chứng.
Trong một tuần sau đó, hai nước Đài Loan và Philippines tiếp tục trao đổi, Đài Loan yêu cầu nhân viên Philippines rút khỏi Trường Sa. Ngày 28/5, Ngoại trưởng Đài Loan Diệp Công Chiêu triệu tập Đại sứ Philippines tại Đài Loan Remus, báo cho ông ta biết Bộ Quốc phòng Đài Loan có kế hoạch phái hải quân tuần tra đóng giữ ở đó, nhưng Bộ Ngoại giao cho rằng để tránh tranh chấp vô nghĩa giữa Đài Loan và Philippines, vẫn hi vọng vào cách giải quyết hòa bình, đồng thời để cho Trịnh Tư Ước giải thích ngay trước mặt ông ta vị trí của quần đảo Trường Sa trên bản đồ Trung Quốc. Remus lập luận rằng Cloma chỉ là hiệu trưởng của trường hàng hải thương mại tư nhân, mục đích của ông ấy chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thực tập kĩ thuật hàng hải cũng như các hành vi thu hút của nhà mạo hiểm. Bản thân ông cũng không tán thành thái độ của Ngoại trưởng Garcia, và sẽ báo cáo việc này với Tổng thống Magsaysay... Nhưng phía Philippines không đưa ra câu trả lời rõ ràng, và một số báo Philippines đưa tin Filemon Cloma vẫn chỉ huy 29 người trú đóng ở đảo Ba Bình. Ngày 30/5, Bắc Kinh ra tuyên bố về việc này, khẳng định quần đảo Nam Sa thuộc Bắc Kinh. Thế là ngày 31/5, Diệp Công Chiêu lại triệu tập Remus lần thứ hai, yêu cầu Philippines: (1) Công khai thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Nam Sa; (2) Ra lệnh cho đám người Cloma phải lập tức rời khỏi Nam Sa, trừ phi được chính phủ Trung Quốc cho phép; (3) Nếu đám người Cloma không rút lui, chính phủ Philippines phải tuyên bố công khai rằng nếu sau này xảy ra hậu quả nghiêm trọng, chính phủ Philippines không dành cho bất cứ sự bảo vệ nào. Ông cũng nói với phía Philippines rằng sau khi Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Nam Sa, tàu chiến Đài Loan không thể không lên đường đi đến Nam Sa, hơn nữa Đài Loan còn uỷ thác Trung tướng hải quân Mĩ Brooke Ingersoll sắp đến thăm Philippines trực tiếp giải thích tình hình với Tổng thống Magsaysay.
Nhưng sau khi hai bộ Quốc phòng và Ngoại giao họp, phía Philippines có kết luận ngược lại: các đảo của Lãnh thổ Tự do Freedomland không thuộc bất cứ nước nào, cũng không thuộc quần đảo Trường Sa, dự định kiến nghị chính phủ Philippines đưa vào bản đồ; vả lại hành vi của Cloma là hành vi tư nhân, không đại diện cho chính phủ Philippines; Philippines không có ý tranh đoạt lãnh thổ với Đài Loan, nay chỉ có thể tạm thời ngăn không cho người tiếp tục đến đó, đối với những người đã ở đó thì hi vọng Mĩ sẽ đứng ra hòa giải dùm... Ở đây Philippines tiếp tục chơi trò mập mờ với nghĩa của phạm vi địa lí, dùng Spratly Island (đảo Trường Sa) chứ không phải là Spratly Islands (quần đảo Trường Sa). Tên trước chỉ để chỉ đảo Trường Sa Lớn ở phía Tây, không nằm trong quần đảo Kalayaan. Còn tên Spratly Islands mà Đài Loan nói đến chỉ là các đảo nhỏ phụ cận đảo Trường Sa Lớn chứ không phải là toàn bộ quần đảo Trường Sa. Philippines không chịu đưa ra bất cứ tuyên bố nào theo yêu cầu của Đài Loan. Ngày 31/5, sau hơn 2 giờ hội đàm giữa Trần Chi Mại và Garcia, cuối cùng Garcia đã hiểu rõ và thừa nhận yêu sách quần đảo Trường Sa của Đài Loan không giới hạn ở đảo Nam Uy (Trường Sa Lớn) mà bao gồm Lãnh thổ Tự do của Cloma. Nhưng Garcia cho rằng sau khi Cộng sản Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa, vấn đề trở nên phức tạp, cần phải giải quyết nhanh chóng.
Ông ta đề nghị mời Mĩ và các nước bạn bè làm trung gian hòa giải, để ngăn các nước cộng sản lợi dụng. Cả hai bên đều cố gắng giữ im lặng. Còn Cloma thì cử nhân viên ở lại trên đảo Ba Bình, nhưng ra lệnh cho họ không được thực hiện hành vi xâm chiếm thêm nữa. Điều này tương đương với việc để cho sự chiếm đóng của Croma giữ nguyên hiện trạng, Đài Loan hiển nhiên khó đáp ứng yêu cầu này.
Còn Cloma thì chủ trương có thể từ bỏ Spratly Island (đảo Trường Sa Lớn) trước tuyên bố chủ quyền của chính phủ Trung Quốc. Đại biện Mĩ tại Philippines thì bày tỏ với Đại sứ Đài Loan tại Philippines rằng “Mĩ chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền của bất cứ nước nào đối với quần đảo Trường Sa”. Thủ đoạn khác được Philippines sử dụng là tuyên bố đã phát hiện quân cộng sản ở quần đảo Trường Sa, để đề phòng “cộng phỉ lén chiếm”, Philippines không thể không để ý nhiều đến Trường Sa.
Khi thấy Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và giao thiệp với Philippines khó đạt hiệu quả, Đài Loan cũng thay đổi chính sách, tiến hành chuẩn bị về hai mặt ngoại giao và quân sự. Đài Loan tiếp tục giao thiệp với Philippines, kiên trì quan điểm quần đảo Nam Sa thuộc Dân Quốc, từ chối đề nghị của Philippines nhờ Mĩ hòa giải; đồng thời nói rõ với Đại sứ Mĩ tại Đài Loan Karl L. Rankin (Lam Khâm), sẽ kiên trì yêu sách của Dân Quốc đối với quần đảo Nam Sa, không bao giờ xem xét đến bất cứ sự hòa giải hay nhượng bộ nào, nhưng hi vọng Mĩ tiến hành hòa giải. Đại sứ Rankin bày tỏ: (1) Mĩ cho rằng chủ quyền quần đảo Trường Sa chưa rõ ràng; (2) Mĩ không có ý định can dự vào trong cuộc tranh chấp này trong bất cứ tình huống nào, kể cả tiến hành hòa giải về ngoại giao. Ông cũng nói rằng theo phán đoán của Mĩ, tạm thời không có dấu vết của quân cộng sản ở Trường Sa. Sau khi có được sự bảo đảm của Mĩ, Diệp Công Chiêu hẹn gặp Remus lần nữa, ngoài việc bày tỏ một lần nữa rằng chủ quyền Trường Sa thuộc Trung Quốc, ông còn đưa ra kiến nghị mới: thứ nhất, không yêu cầu Philippines thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa, chỉ yêu cầu Philippines nói rõ với bên ngoài rằng các tuyên bố về ý đồ của Philippines đều bị truyền đạt sai; thứ hai, có thể tiến hành thương lượng việc khai thác kinh tế trên quần đảo này và đề phòng cộng phỉ lén chiếm. Remus không hề có biểu thị mang tính thực chất nào, ngoài việc bày tỏ rằng đã phản ánh yêu cầu của Trung Hoa trước đó với cấp trên và nhắc lại ý kiến cá nhân mình rằng Cloma là kẻ liều lĩnh.
Điều Mĩ quan tâm là sự thâm nhập của cộng sản ở biển Đông, và giữ thái độ “ trung lập tiêu cực” đối với các tranh chấp lãnh thổ giữa mấy nước đồng minh này. Trong một tài liệu ngày 26/6/1956 đã giải mật cho thấy khi đó máy bay trinh sát của Mĩ thường xuyên tuần tra trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa mỗi tuần một lần, biết rõ động tĩnh của hai quần đảo này như lòng bàn tay. Báo cáo này miêu tả trong cuộc tuần tra ngày 21/6 thấy có cờ của “Lãnh thổ Tự do” trên đảo Ba Bình, nhưng không thấy có người. Mĩ cũng được biết Đài Loan muốn thực hiện hành động đổ bộ nhưng không ngăn cản, chỉ lo xung đột sẽ nảy sinh giữa Việt Nam, Philippines và Đài Loan, ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa các bên.
Thái độ này khiến Đài Loan hạ quyết tâm xua quân xuống biển Đông, chiếm đóng lại Trường Sa, suy cho cùng việc đóng quân là bằng chứng tốt nhất cho thấy chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất ở Trung Quốc cũng như có quyền quản lí và về chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Từ 1/6 đến 24/9, Đài Loan lần lượt phái 3 đơn vị bộ đội đặc nhiệm đến Trường Sa. Đơn vị thứ nhất do Trung tướng Lê Ngọc Tỉ chỉ huy với hai chiếc tàu chiến “Thái Bình” và “Thái Thương” ngày 1/6 tổ hợp thành đội Lập Uy, ngày 5/6 đến đảo Ba Bình, do sóng to gió lớn, mãi đến ngày 7/6 mới đổ bộ lên đảo treo cờ. Trên đảo Ba Bình, sĩ quan và binh lính cũng phát hiện trong thời gian từ 1950 đến 1956 có nhiều đội tàu nước ngoài đến đảo này có để lại dấu tích, cụ thể có Lưu Cầu (20 lần), Philippines (4 lần), các nước khác (10 lần). Ngày 9/6, đội tàu đến đảo Trường Sa Lớn dựng bia, treo cờ, ngày 11 đến đảo Bến Lạc/Dừa (Tây Nguyệt), ngày 14 trở về Đài Loan. Trên đường đi, đội tàu còn qua một số đảo, đá khác, nhưng không phát hiện người của Cloma, mà phát hiện phần lớn bia đá của Trung Quốc dựng trước đó đã bị phá hoại, và thấy có các tiêu vật đánh dấu của người Philippines để lại, họ đã xóa bỏ hết các tiêu vật này. Trong toàn bộ hành trình, đội tàu Trung Quốc nhiều lần gặp tàu và máy bay Mĩ tuần tra ở khu vực Trường Sa thậm chí trên bầu trời đảo Ba Bình.
Thời gian này, việc xử trí quần đảo Trường Sa của Đài Loan đã kiên quyết không còn tùy tiện như năm 1946. Ngày 1/6, một “nước bạn bè” khác là Việt Nam Cộng hòa cũng tuyên bố có chủ quyền đối với Trường Sa, tình hình diễn biến phức tạp. Đài Loan phải chú ý đến quan hệ giữa Đài Loan, Philippines, Việt Nam và Mĩ. Vì vậy, ngay cả đến Trường Sa “tuần tra”, họ cũng phải tìm một cái cớ khác. Ví dụ Diệp Công Chiêu giải thích với Remus rằng hai tàu chiến Đài Loan ban đầu định đến Đông Sa, nhưng được biết Cloma không ở đảo Thái Bình mới “ra lệnh riêng cho hai tàu thuận đường đi xuống phía Nam, tiến hành tuần tra bình thường ở quần đảo Nam Sa”. Đài Loan muốn thiết lập lại căn cứ trên đảo Ba Bình, cũng phải đề nghị trước với Đại sứ Mĩ tại Đài Loan, nói rằng “đã phát hiện công trình kiến trúc trên đảo Thái Bình có biểu ngữ của cộng sản, chứng tỏ đám cộng phỉ Trung Quốc hoặc nhân viên cộng sản Philippines từng lén đến đảo này”, đồng thời cho rằng “nếu cộng phỉ lén chiếm hoặc kiểm soát Nam Sa, điều đó ảnh hưởng đến tự do của vùng biển quốc tế khu vực này, cũng như an ninh của Philippines và Việt Nam”; tháng 11/1955 Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đề nghị Đài Loan xây dựng trạm đo đạc khí tượng trên đảo Thái Bình... (xem IV.13) Đài Loan cũng dùng đó làm như một cái cớ để nhờ hải quân Mĩ giúp đỡ.
Vào lúc Đài Loan tuần tra Trường Sa lần thứ nhất, ba bên Đài Loan, Mĩ, Philippines đang hòa giải ngoại giao, Cloma lại có hành động mới. Ngày 10/6, Cloma chỉ huy một số người xuất phát từ Manila, tiến hành chuyến đi thứ hai tới Trường Sa. đã đến các đảo chính của Trường Sa, trừ đảo Trường Sa Lớn. Đoàn của ông ta không gặp đội đặc phái của Đài Loan. Họ đã đổ bộ lên đảo Ba Bình, hạ cờ Trung Hoa Dân Quốc mà quân Đài Loan mới treo.
Ngày 22/6, sau khi quay về Philippines, ông gửi thư cho Đại sứ Đài Loan tại Philippines Trần Chi Mại thông báo hành động này và tuyên bố đã đổi tên quần đảo Trường Sa thành “Quần đảo Lãnh thổ Tự do”, đồng thời cử người tới trú đóng trên đảo Ba Bình, lập trạm vô tuyến.
Trong ngoài phối hợp, Garcia nhận cơ hội đề nghị Tổng thống Magsaysay thúc giục chính phủ Philippines ủng hộ yêu cầu của Cloma. Cố vấn pháp luật của Bộ Ngoại giao Philippines đề xuất: “Quần đảo Lãnh thổ Tự do” trước đây chưa từng được khảo sát, không thuộc bất cứ nước nào, chính phủ Philippines có quyền yêu sách chủ quyền với chúng. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thì đề xuất: “Quần đảo Lãnh thổ Tự do” nên đặt dưới sự uỷ trị của Liên Hợp Quốc, và Philippines nên là nước được uỷ trị. Tổng thống Magsaysay bày tỏ thái độ không rõ ràng, cho rằng trước hết cần phải nghiên cứu hết sức tỉ mỉ rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng ông cũng không can thiệp vào hành động của Garcia và Cloma. Rõ ràng, Magsaysay dù không ủng hộ mạnh mẽ việc này, ít nhất cũng ngầm đồng ý, việc ông ta không bày tỏ thái độ rõ ràng chỉ là một nhu cầu về ngoại giao mà thôi.
Có sự ủng hộ của Garcia, Cloma gây hấn thêm một bước. Ngày 27/6, ông ta tuyên bố gửi trả quốc kì Đài Loan cho phía Philippines hoặc Đại sứ Đài Loan tại Philippines. Đại sứ Trần Chi Mại sau khi biết chuyện đã rất tức giận, yêu cầu chính phủ Philippines thu lấy quốc kì từ tay Cloma rồi trịnh trọng giao trả cho Đài Loan. Garcia trả lời rằng sự kiện quốc kì là sự kiện ngoài ý muốn và chưa được sự đồng ý của chính phủ Philippines, trước đó chính phủ Philippines cũng không biết, cho nên không có dính dáng gì với chính phủ Philippines; và phía Philippines đã cảnh cáo Cloma không được thực hiện hành động mang tính chính trị. Vì vậy, Bộ Ngoại giao Philippines đã có thái độ không can thiệp. Qua nhiều trắc trở, cuối cùng Trần Chi Mại có thể trực tiếp hội kiến Tổng thống Magsaysay. Magasaysay nói đùa rằng Cloma đáng bị xử bắn vì quậy phá, nếu như Đài Loan cần người thì có thể tặng cho. Trần Chi Mại yêu cầu Magsaysay ra một bản tuyên bố công khai về việc này, Magsaysay thì đùn đẩy rằng đã giao cho cố vấn Bộ Ngoại giao là Neri khởi thảo, yêu cầu Trần Chi Mại đợi.
Ngày hôm sau, Trần Chi Mại hẹn gặp Neri nhưng Neri bảo ông ta rằng phần lớn người trong chính phủ Philippines đều không ủng hộ Garcia, nhưng hiện tại Garcia lại ủng hộ Cloma, ngay cả Magsaysay cũng không thể làm Garcia quá mất mặt. Ông ta kiến nghị Đài Loan nên nhượng bộ Philippines một số về mặt ngoại giao để quy công cho Garcia, như vậy mới không khiến Garcia hoàn toàn mất thể diện. Ví dụ, nếu Đài Loan có thể chấp nhận vụ “du khách quá hạn”, thì đó cũng coi như là một biện pháp. Cái gọi là “du khách quá hạn” là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ Đài Loan và Philippines khi đó. Trong nội chiến ở Trung Quốc, một số lượng lớn người Trung Quốc chạy ra nước ngoài qua ngã Hồng Kông và Ma Cao. Có khoảng 3000 nạn dân đến Philippines, được Philippines cho nhập cảnh với thân phận “du khách tạm thời”. Năm 1950, Philippines đã cấm họ xin gia hạn. Nhưng nếu họ muốn hồi hương thì không có nơi nào nhận. Hồng Kông cho rằng họ chỉ lấy Hồng Kông làm điểm trung chuyển, không phải người Hồng Kông. Nhưng Philippines và Trung Quốc Đại lục không có quan hệ ngoại giao, cho nên chỉ có thể yêu cầu Đài Loan tiếp nhận. Tuy nhiên, vì số lượng người quá lớn nên Đài Loan cũng không muốn tiếp nhận, cho rằng nên để toàn bộ bọn họ ở lại Philippines. Hai bên liên tục đàm phán về vấn đề này. Đối với Đài Loan, việc này quan trọng hơn việc ở Trường Sa nhiều, không thể nhân nhượng ngay. Vì vậy, đề nghị này cũng không thể chấp nhận được.
Cuối cùng, Philippines chỉ sắp xếp để Cloma đến Đại sứ quán Đài Loan trả lại quốc kì ngày 7/7, quan chức Philippines đều không có mặt. Cloma biện bạch rằng khi đó ông ta thấy quốc kì rơi nằm trên mặt đất, sợ tổn hại sự tôn nghiêm của Trung Quốc, do đó đã nhặt mang về trả lại cho Trung Quốc. Trong khi một ngày trước đó, Cloma đã chính thức tuyên bố thành lập một chính phủ dân chủ ở Lãnh thổ Tự do, và đã bổ nhiệm một loạt “bộ trưởng”. Đồng thời tuyên bố pháp luật của nó nếu không có quy định gì thêm, sẽ giống với pháp luật của Philippines, và khẩn thiết yêu cầu Philippines giữ vai trò nước bảo hộ của Lãnh thổ Tự do. Ngày 20/7, Cloma tuyên bố chuyển “thủ đô” đến Manila. Đối với việc này, Chính phủ Philippines không ủng hộ cũng không phản đối. Tuyên bố mà Magsaysay đã hứa sẽ có cũng không hề thấy đưa ra.
Sau đó, Cloma bắt đầu triển khai chuyến đi khắp thế giới, tuyên truyền về Lãnh thổ Tự do của ông ta tại Hồng Kông, New York… Ngoài việc gửi thư cho chính phủ các nước, ông còn nộp đơn cho Liên Hợp Quốc, yêu cầu đưa Lãnh thổ Tự do vào hồ sơ Liên Hợp Quốc, đồng thời tuyên bố muốn phát triển thành nơi an trí cho nạn nhân của các nước cộng sản. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc không nhận đơn của ông ta.
Thời gian này, đội đặc phái đơn vị thứ hai do Thượng tá Tạ Quán Niên chỉ huy, với 3 tàu chiến là Thái Khang, Thái Chiêu và Trung Triệu hợp thành đội Uy Viễn, ngày 29/6 rời Đài Loan, ngày 11/7 đến đảo Thái Bình. Trên đảo Thái Bình họ dựng quốc kì, lại phát hiện một số vật phẩm mới do người của Cloma để lại. Đội đặc phái này để lại một bộ phận nhân viên trú đóng trên đảo. Những nhân viên còn lại tiếp tục tuần tra và đã đổ bộ lên đảo Bến Lạc (Tây Nguyệt), đảo Sơn Ca (bãi Đôn Khiêm), đảo Nam Yết (Hồng Hưu), đảo Trường Sa Lớn ( Nam Uy), đảo Loại Ta (Nam Thược), đảo Song Tử Tây (đá Nam Tử) và đảo Song Tử Đông (đá Bắc Tử). Điều kì lạ là lần tuần tra này phát hiện 7 biểu ngữ của “cộng phỉ” (bao gồm “Mao chủ tịch muôn năm”, “Giải phóng Đài Loan đánh đổ năm đại gia tộc”...) Còn có 6 biểu ngữ tiếng Pháp, không biết do ai để lại. Cuối cùng, ngày 29/7 đội quay về Đài Loan. Quân đóng trên đảo Ba Bình thành lập Bộ Chỉ huy phòng thủ Trường Sa, từ đó Đài Loan tiếp tục đóng quân trên đảo Ba Bình trì đến nay.
Đội đặc phái đơn vị thứ ba là “đội Ninh Viễn”, ngày 24/9 xuất phát, tuần tra lần lượt các đảo nói trên theo hai tiền lệ trước đó. Thành quả lớn nhất của lần này là phát hiện tàu của Filemon Cloma (PMI IV) ở gần đảo Song Tử Đông, đó trở thành cuộc chạm trán đầu tiên giữa Dân Quốc và Philippines ở biển Đông. Thượng tá Hồ Gia Hằng lập tức chặn tàu của Philippines lại và mời Filemon Cloma lên tàu của mình. Cuộc “thẩm vấn” diễn ra trong “bầu không khí cực kì thân thiện”. Filemon Cloma thừa nhận hoạt động của mình ở quần đảo Trường Sa là hành vi tư nhân, bọn họ liên tục đánh cá ở Trường Sa, vì trục trặc máy móc mà dừng lại gần đảo Song Tử Đông. Cuối cùng, quan quân Đài Loan mời họ cơm tối, sau khi kiểm tra tàu và tịch thu vũ khí, buộc Filemon Cloma kí giấy cam kết không xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc nữa mới để tàu rời đi.
Sau khi biết được việc này, Cloma kháng nghị sứ quán Dân Quốc rằng: “Chúng tôi khó tin Trung Hoa Dân Quốc sẽ áp dụng chính sách đối phó cứng rắn tương tự trong cuộc chiến tranh mà họ tự gọi là chống cộng”. Ông ta còn tuyên bố Lãnh thổ Tự do bước vào tình trạng khẩn cấp. Đài Loan thì vẫn theo kênh ngoại giao, thông qua Philippines trả lại vũ khí thu được.
Sau đó, Cloma tiếp tục bôn ba cho Lãnh thổ TTự do. Lúc này, do có tin Đài Loan chuẩn bị khai thác quần đảo Trường Sa (xem IV.6), Cloma cũng gấp rút hành động. Ông ta gửi thư cho Lãnh sự quán Đài Loan tại Philippines, tuyên bố rằng mình đã khai thác tài nguyên phốt phát ở Trường Sa, cũng đã nộp đơn xin phép chính phủ Philippines và đang đàm phán với các chủ mua Nhật Bản, New Zealand... các việc sau trên thực tế đều là kế hoạch xa vời.
Tháng 2/1957, sau khi trải qua một thời gian yên tĩnh, Garcia lấy tư cách Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng, gửi cho Cloma một bức công hàm, trả lời tường tận đơn khai thác phốt phát ở Lãnh thổ Tự do của Cloma. Công hàm đã cho thấy cách nhìn của chính phủ Philippines đối với Trường Sa:
Đã nhận được thư của ông đề ngày 14/12/1956 gửi cho Tổng thống Magsaysay liên quan đến hoạt động khai khoáng của ông ở Lãnh thổ Tự do bao gồm một số đảo của cái gọi là quần đảo Spratly. Theo Bộ Ngoại giao, Bộ coi những đảo, đảo nhỏ, bãi cạn và bãi cát này, bao gồm “Lãnh thổ Tự do” mà ông nói đến, ngoài 7 đảo thuộc “quần đảo Trường Sa”, đều là đảo vô chủ, trong đó có một số mới nổi lên mặt nước, ngoài một số trong bản đồ thế giới đánh dấu là chưa đưa vào hải đồ và sự tồn tại của chúng còn nghi vấn, chúng đều chưa bị chiếm, không có người cư trú, nói cách khác, điều đó tương đương với việc nói rằng chúng đều có thể được người dân Philippines khai thác kinh tế và di cư đến. Trước khi có bất kì quốc gia nào thiết lập chủ quyền độc quyền đối với các đảo này theo các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận, và chưa có được sự công nhận của quốc tế, thì công dân Philippines có quyền tiến hành các hoạt động như vậy như bất kì quốc gia nào khác theo luật pháp quốc tế.
Đối với 7 hòn đảo được quốc tế gọi là quần đảo Trường Sa, theo Hòa ước San Francisco kí kết với Nhật ngày 8/9/1951, chính phủ Philippines cho rằng những đảo này là nằm dưới sự uỷ trị trên thực tế của Đồng minh chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, bởi vì trong hòa ước này, Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền lợi và yêu sách đối với các đảo này, mà cho đến nay, Đồng minh chưa có đưa ra cách xử lí lãnh thổ nào liên quan đến chúng. Vì vậy, chỉ cần quần đảo này vẫn ở trong trạng thái này thì công dân của bất cứ nước Đồng minh nào, dựa trên sự bình đẳng về cơ hội và đối xử liên quan đến kinh tế xã hội và thương mại, đều có thể tiến hành khai thác kinh tế và di dân đến ở các đảo này.
Philippines là nước Đồng minh đánh bại Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, và cũng là một trong những nước kí kết Hòa ước với Nhật Bản.
Xét về vị trí địa lí của những đảo và đảo nhỏ bao gồm trong Lãnh thổ Tự do, nằm gần sát biên giới phía Tây Philippines, chúng có quan hệ về lịch sử và địa lí với các đảo của Philippines, và có giá trị chiến lược to lớn đối với quốc phòng và an ninh nước ta, chưa nói đến giá trị kinh tế tiềm tàng trong các lĩnh vực khai thác ngư nghiệp, san hô và hải sản cũng như phốt phát, chỉ cần công dân Philippines tiến hành theo đuổi công việc của họ hợp pháp thì chính phủ Philippines sẽ không thờ ơ đối với việc nhân dân Philippines tiến hành khai thác kinh tế và di dân ở những hòn đảo không có người ở và chiếm đóng này.
Đài Loan nhanh chóng phản đối và bác bỏ thuyết về uỷ trị và đảo vô chủ. Lúc này Garcia lại diễn lại trò cũ, đầu tiên cho rằng đây là nội dung trong báo cáo gửi cho tổng thống của Bộ Ngoại giao hồi tháng 6 năm trước, và trước đó đã liên lạc với Đài Loan và tuyên bố nhiều lần rằng nội dung này không thể hiện thái độ của chính phủ Philippines, và thái độ cuối cùng vẫn là do tổng thống quyết định. Trần Chi Mại truy hỏi và nói bức thư này là đại diện sự trả lời của Tổng thống, vì vậy có khác với trước đây. Garcia giải thích rằng dù sự việc tuy như vậy nhưng tuyệt đối không đại diện cho ý kiến của Tổng thống. Cần phải cố hết sức tránh xung đột Đài Loan và Philippines, chính phủ Philippines có thể hỏi ý kiến Cloma về việc có thể hợp tác với Đài Loan để khai thác tài nguyên ở Trường Sa hay không... Đài Loan tuyên bố rằng chỉ sau khi thừa nhận chủ quyền của Đài Loan đối với Trường Sa thì mới có thể bàn bạc vấn đề hợp tác. Tuy nhiên, Garcia lại một lần thể hiện thủ đoạn ngoại giao khéo léo, nhanh chóng tổ chức họp báo vào ngày 23/2, tuyên bố quần đảo Trường Sa không thuộc sở hữu của bất cứ quốc gia nào, bất cứ nước Đồng minh chiến thắng Nhật Bản nào cũng đều có quyền tiến hành khai thác.
Garcia cũng rất có thủ đoạn trong giao thiệp với người Trung Quốc, ví dụ ông ta từng chủ động tiết lộ với quan chức ngoại giao Đài Loan rằng trong sự kiện này việc ông ủng hộ Cloma là bất đắc dĩ, vì ông và Cloma là đồng hương, ban đầu cũng đã đầu tư vốn cho công ti Trường Sa của Cloma, nếu như từ chối Cloma, bản thân cũng sẽ mất vốn... Những lời nói thiếu cân phân này, về mặt ngoại giao có thể coi là trò cười, nhưng lại chiếm được cảm tình của nhân viên ngoại giao Đài Loan, trong điện văn của họ không thiếu lời biện hộ cho Garcia.
Garcia cũng rất khéo léo khi chọn thời điểm này để ra tuyên bố vừa chính thức vừa phi chính thức Khi đó Magsaysay vẫn còn tại vị, Garcia có thể chối rằng đó không phải là quyết định cuối cùng của chính phủ. Một tháng sau, Tổng thống Magsaysay mất vì tai nạn máy bay. Garcia trong tư cách Phó Tổng thống lên thay thế. Khi lên làm Tổng thống, ông ta ngược lại không mạnh dạn tích cực như vậy. Rõ ràng là ông ta biết rằng nếu lên tiếng với tư cách Tổng thống thì khó có thể rút lại về mặt ngoại giao. Mặc dù trong vấn đề Trường Sa, Garcia liên tục có vướng mắc với Đài Loan, nhưng sau khi Garcia trúng cử Tổng thống lại có quan hệ tốt đẹp với Đài Loan. Năm 1960, Garcia đến thăm Đài Loan, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Đài Loan với tư cách quốc khách quý báu. Điều này, với Đài Loan đang cần sự thừa nhận của quốc tế, đương nhiên là một sự kiện lớn vô cùng “hãnh diện”. Đài Loan dành sự khoản đãi với nghi thức rất long trọng, động viên số người xếp hàng hai bên đường đón tiếp lên đến cả chục ngàn người, các bên khen ngợi hết lời.
Có thể thấy, con người Garcia này thực sự giỏi chờ thời cơ để hành động, giỏi ra quyết định, thủ đoạn ngoại giao cực kì thông minh.
Mặt khác, Cloma vẫn tiếp tục hoạt động ở Trường Sa. Vào ngày 5/7/1965, Cloma chỉ huy người đổ bộ lên đảo Song Tử Tây, Đài Loan sau khi biết được qua tin tình báo, đã tiến hành phản đối, nhưng chẳng ích gì. Trường Sa quá lớn để có thể phòng chống, Đài Loan cơ bản không thể ngăn chặn được hoạt động của Cloma. Cloma còn liên hệ với Hội xã thương mại Đông Dương của Nhật Bản để chuẩn bị cùng khai thác tài nguyên phốt phát ở Trường Sa. Ông cũng kêu gọi cần phải đặt quần đảo Trường Sa dưới sự uỷ trị của Liên Hợp Quốc, và Mĩ cần phải can dự, thậm chí còn phản đối với truyền thông rằng tàu chiến Đài Loan “Trường Giang Luân” “xâm nhập” Lãnh thổ Tự do. Tóm lại, Cloma luôn có thể tìm đến “điểm nóng” của truyền thông, khiến cơ quan ngoại giao Đài Loan mệt mỏi trong ứng phó.
Tàu cá Philippines đánh cá ở Trường Sa cũng trở thành trạng thái bình thường. Hơn nữa, dưới sự thúc đẩy của Garcia, quan hệ Đài Loan và Philippines bước vào thời kì trăng mật, Đài Loan cũng không muốn rắc rối với Philippines trong vấn đề Trường Sa. Vì vậy, trong những năm 1960, các hoạt động của người Philippines ở Trường Sa dần trở thành "trạng thái bình thường mới".
IV.3 Anh từ bỏ Trường Sa
Khi Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra, tình hình ở Đông Á ngày càng trở nên căng thẳng. Pháp liên tiếp bị thất bại ở Đông Dương, đặc biệt là thất bại lớn ở Điện Biên Phủ, vì vậy phụ thuộc nghiêm trọng vào viện trợ của Mĩ. Còn Anh thậm chí còn có kế hoạch sử dụng Hoàng Sa do Pháp kiểm soát làm căn cứ rút lui nếu Trung Quốc xâm lược Hồng Kông. Vì vậy, Anh, Mĩ và Pháp ngày càng cần một chính sách chung về châu Á. Hoa Kì cũng đã bắt đầu can dự sâu hơn vào các vấn đề biển Đông. Nhưng đến năm 1954, tình hình có xu hướng hòa dịu, Triều Tiên kí kết hiệp định đình chiến; Việt Nam kí “Hiệp định Geneva”. Pháp cuối cùng muốn rút khỏi Việt Nam, Mĩ bắt đầu chấn chỉnh lại sự bố trí ở biển Đông. Tháng 9/1954, Mĩ và các nước Đông Nam Á kí “Hiệp ước Manila” (Manila Act), thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Các nước kí Hiệp ước gồm có: Úc, Pháp, New Zealand, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Anh và Mĩ. Hiệp ước quy định nghĩa vụ phòng thủ tập thể giữa các nước kí Hiệp ước. Vì vậy, Mĩ cho rằng các bên (Trung Hoa Dân Quốc, Pháp, Việt Nam, Anh và Philippines) ở biển Đông cần phải xác định rõ lập trường và yêu sách. Tháng 8/1955, Mĩ gửi công hàm cho Anh hỏi về lập trường của nước này đối với Trường Sa. Tháng 10 phía Anh trả lời: Anh có chủ quyền truyền thống ở đảo Trường Sa và bãi An Bang, và từ trước đến nay chưa hề thừa nhận chủ quyền của nước khác tại quần đảo Trường Sa.
Khi đó, Anh có 5 thuộc địa hay nước bảo hộ ở Đông Nam Á: Malaysia, Singapore, Sarawak, Bắc Borneo (Sabah) và Brunei. Một số khu vực gần Nam Sa không có cơ quan ngoại giao riêng và Toàn quyền Đông Nam Á của Anh tại Singapore (British Commission General for Southeast Asia) xử lí các vấn đề ngoại giao. Sau chiến tranh, Anh chuẩn bị chấn chỉnh lại thuộc địa ở Đông Nam Á. Sau sự kiện Cloma, Toàn quyền Đông Nam Á yêu cầu Văn phòng Ngoại giao (Foreign Office) điều tra quan hệ giữa Borneo và Trường Sa. Sau một số lượt đào bới hồ sơ, vẫn không có gì khác hơn việc phê chuẩn quyền khai thác đảo Trường Sa Lớn và bãi An Bang vào năm 1877.
Mặc dù báo cáo đưa ra những ý kiến tích cực, nhưng phía Anh cho rằng quần đảo Trường Sa “phân tán, không người cư trú, thiếu lợi ích kinh tế, cũng không tiện đóng quân”, hơn nữa tạm thời thấy rằng cộng sản Trung Quốc vẫn chưa có lực lượng chiếm đóng các đảo này, vì vậy không tạo thành mối đe dọa với Anh; và trong cái nhìn của Anh, bằng chứng chủ quyền của Bắc Borneo đối với Trường Sa là không đầy đủ. Vì vậy, Bộ Ngoại giao kết luận rằng Anh vẫn nên giữ nguyên thái độ ban đầu.
Một sự kiện khác lúc đó cũng đáng được nhắc đến. Tháng 7/1955, một công ti đăng kí tại Hồng Kông- Công ti hữu hạn Thái Bình Dương Borneo (Borneo Pacific Company Limited) xin phép Anh được khai thác phốt phát ở Trường Sa. Bộ Ngoại giao Anh cho rằng điều này sẽ khiến Anh bị lôi cuốn vào tranh chấp Trường Sa, do đó đã khuyên công ti này không nộp đơn. Nhưng ý đồ khai thác thực tế của công ti này bị nghi ngờ là có liên quan đến dầu mỏ. Brunei phát hiện ra dầu mỏ vào năm 1897 và kể từ đó trở thành một khu vực khai thác dầu mỏ quan trọng. Sau Thế chiến thứ hai, dầu mỏ ở thềm lục địa bắt đầu thu hút sự chú ý. Công ti dầu khí Hoàng gia Shell (Shell) nhạy bén chú ý đến nguồn tài nguyên dầu khí gần Trường Sa, nên sau sự kiện Cloma họ đã liên hệ với chính quyền Singapore, yêu cầu cho phép hải quân phái tàu bảo vệ một chuyên gia địa chất của công ti này đến khảo sát địa chất ở khu vực đó. Quân đội Anh đã chuẩn bị phái tàu chiến Dampier thi hành nhiệm vụ này, nhưng Bộ Ngoại giao đã soạn ra điện văn (ngày 12/6/1956) chuẩn bị từ chối: một là, Bộ Ngoại giao cho rằng việc hải quân Hoàng gia Anh tham gia vào các hoạt động như vậy cho một công ti thương mại là không phù hợp; hai là, các đảo này đang bị Trung Quốc hoặc Philippines chiếm đóng, nước Anh không tiện ra mặt.
Theo lí thuyết, điện văn phải được Thủ tướng Anthony Eden kí tên xác nhận mới có thể gửi đi, nhưng thực tế không đúng như vậy, vào lúc được trình cho Eden thì điện văn đã được Bộ Ngoại giao gửi đi rồi. Không ngờ, Eden biết rõ tính quan trọng của dầu mỏ, sau khi đọc đã phê vào điện văn “muốn từ bỏ dầu mỏ sao?”, và trả về Bộ Ngoại giao. Nhân viên Bộ Ngoại giao lập luận rằng việc khai thác dầu khí ở khu vực đó là không thực tế, nhưng cảm thấy không có cách nào thuyết phục Eden, cuối cùng quyết định trì hoãn việc này, dù sao thì điện văn cũng đã gửi đi rồi. Cuối cùng, kế hoạch của Công ti dầu khí Hoàng gia Shell không thể thành hiện thực, chính quyền Singapore gác lại việc này.
Như vậy, thái độ của Anh giống như trước đó, vẫn chỉ là duy trì [chủ quyền] trên giấy. Thái độ của Anh đã trực tiếp ảnh hưởng đến chứng lí của Malaysia và Brunei (thuộc địa của nước này lúc đó nhưng độc lập sau này) trong vấn đề chủ quyền Trường Sa. Anh mặc dù không công khai tuyên bố từ bỏ đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nhưng đã bị xem là một trường hợp từ bỏ yêu sách lãnh thổ trong luật quốc tế.
Ngoài ra, trong sự kiện Cloma, Hà Lan cũng thông qua Đại sứ nước này tại Philippines tuyên bố với Bộ Ngoại giao Philippines: Hà Lan tuyên bố chủ quyền đối với một phần của quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng yêu sách này được Anh ủng hộ. Vào lúc đó, Hà Lan mặc dù đã rút khỏi Indonesia nhưng vẫn sở hữu phần phía Tây của đảo New Guinea, cũng thuộc Đông Nam Á. Vì tuyên bố này chỉ được Philippines đề cập trong giao thiệp với Đài Loan, hiện nay không rõ phạm vi cụ thể và bằng chứng mà Hà Lan đưa ra năm đó cho yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa là gì. Trong những năm 1960 New Guinea bị Indonesia thôn tính, kể từ đó Hà Lan cũng không có cơ sở pháp lí và thực tế để thiết lập sự kiểm soát ở Trường Sa. Về việc liệu chủ quyền đối với Trường Sa mà nước này tuyên bố trong những năm 1950 có thể nhờ đó mà chuyển giao cho Indonesia hay không, về mặt lí luận cũng có thể thảo luận. Tuy nhiên, hiện nay Indonesia không đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với Trường Sa, do đó thảo luận này ít có ý nghĩa thực tế.
IV.4 Pháp và Nam Việt
Bước vào thập niên 1950, sự thống trị của Pháp ở Đông Dương ngày càng lực bất tòng tâm. Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đánh dấu sự thất bại của Pháp ở Việt Nam, Pháp không đủ sức tiếp tục cuộc chiến. Ngày 20/7/1954, Ngoại trưởng 9 nước Mĩ, Liên Xô, Pháp, Anh, Trung Hoa Cộng sản, Bắc Việt, Nam Việt, Campuchia, Lào kí kết “Hiệp định Geneva” (Geneva Accords) tại Geneva, Pháp tuyên bố sẽ rút khỏi Đông Dương, Việt Nam bị chia làm hai với vĩ tuyến 17° N là ranh giới, tạm thời thành lập hai chính phủ ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam, trước tháng 7/1956 hai bên thông qua tổng tuyển cử để quyết định việc thống nhất. Tuy nhiên, tháng 10/1955, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam) Ngô Đình Diệm đã truất phế Hoàng đế Bảo Đại của Quốc gia Việt Nam thông qua cuộc trưng cầu dân ý có thao túng, thành lập nước Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam). Còn Bắc Việt (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Democratic Republic of Vietnam) cũng không muốn tiến hành tổng tuyển cử. Theo đó Bắc và Nam Việt Nam bắt đầu cuộc đối đầu và chiến tranh lâu dài. Phe Cộng sản với Trung Quốc và Liên Xô là đại biểu chỉ công nhận chính phủ Bắc Việt, không công nhận chính phủ Nam Việt. Phe phương Tây thì ngược lại.
Do Hoàng Sa và Trường Sa đều ở phía Nam Vĩ tuyến 17° Bắc, nên thuộc về miền Nam Việt Nam; còn đảo Bạch Long Vĩ ở vịnh Bắc Bộ thì thuộc về miền Bắc Việt Nam. Ở phía Hoàng Sa, tháng 2/1956, tàu chiến Pháp Francis Garnier đến Hoàng Sa, sau khi phát hiện quân Cộng sản Trung Quốc đã đổ bộ lên cụm đảo An Vĩnh (Tuyên Đức) nên không còn hứng khởi trong việc giúp Việt Nam phòng thủ quần đảo Hoàng Sa. Ngày 28/4/1956, quân Pháp rút khỏi đảo Hoàng Sa (San Hô) và quân đội Nam Việt tiếp quản. Như vậy, Pháp chuyển giao quyền lợi ở Hoàng Sa cho Quốc gia Việt Nam, nước Việt Nam Cộng hòa lại kế thừa quyền lợi của Quốc gia Việt Nam. Trong toàn bộ quá trình này, Việt Nam đều không hề từ bỏ đòi hỏi chủ quyền đối với Hoàng Sa. Đầu những năm 1950, quân đội Trung Quốc (Bắc Kinh) cũng tiến vào chiếm đóng đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng) thuộc Hoàng Sa. Trung Quốc và Việt Nam về cơ bản vẫn duy trì tình trạng đối đầu Đông và Tây ở Hoàng Sa như giữa Trung Quốc và Pháp trước năm 1949.
Tình hình Trường Sa thì phức tạp hơn một chút. Sự thống trị của Pháp ở Việt Nam ngày càng lực bất tòng tâm, nhưng vẫn khăng khăng chủ quyền Trường Sa là của Pháp chứ không phải của Việt Nam. Ví dụ vào ngày 8/9/1953, trong một văn bản, Bộ Ngoại giao Pháp chỉ ra: Khi Pháp chuyển Nam Kì cũ lại cho Việt Nam vào năm 1949, các đảo này không thuộc về Việt Nam. Một quan chức Pháp khác chỉ ra trong văn bản chuyển nhượng Nam Kì năm 1949 có viết rõ bao gồm đảo Côn Lôn (Poulo Condore, Côn Đảo), nhưng không có viết quần đảo Trường Sa, điều này cho thấy quần đảo Trường Sa không phải là một phần để bàn giao. Tháng 1/1956, quân đội Pháp phái tàu chiến Francis Garnier đến tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời ra lệnh dỡ bỏ tất cả cột mốc của nước khác, dựng lại cột mốc của Pháp. Thời gian này, hải quân Viễn Đông của Pháp liên tục có hoạt động ở Trường Sa. Tháng 8/1951, một chiếc máy bay Pháp đã tuần tra trên bầu trời đảo Trường Sa Lớn, xác nhận trên đảo không có quân đội; tháng 5/1955, hải quân Pháp ở Viễn Đông còn tiến hành trinh sát Trường Sa lần cuối.
Việt Nam luôn luôn khẳng định có chủ quyền đối với Trường Sa. Như trình bày ở trên, trong Hội nghị San Francisco năm 1951, Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng yêu sách lãnh thổ của mình đối với Trường Sa (và Hoàng Sa). Từ năm 1949 đến 1955, hai bên Pháp, Việt liên tục tranh cãi về vấn đề này. Ngoài mâu thuẫn ở Trường Sa, quan hệ giữa nước Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) và Pháp vào lúc này cũng xấu đi toàn diện. Đầu năm 1955, Pháp chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, miền Nam Việt Nam do phe thân Mĩ kiểm soát. Sau khi được Bảo Đại chỉ định làm Thủ tướng, Ngô Đình Diệm đã triệt để dựa vào Mĩ. Cuộc tranh giành Trường Sa giữa Việt Nam và Pháp cũng ngày càng trở nên công khai.
Tháng 4/1956, Nam Việt lục soát căn cứ của Pháp ở vịnh Cam Ranh khi chưa được phép, đồng thời muốn ngăn chặn các hoạt động của quân đội Pháp ở vịnh Cam Ranh, và cuộc đối đầu giữa hai bên càng trở nên tồi tệ hơn.
Sau sự kiện Cloma, ban đầu Pháp không coi trọng vấn đề này. Quan chức ngoại giao Pháp ở Manila dường như không biết Pháp đã tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa từ lâu Trong điện văn báo cáo về Paris, họ chỉ dùng cụm từ “cuộc tranh cãi lố bịch của ‘bọn người lùn’” (ridiculous quarrel of “pygmies”) để miêu tả tranh cãi giữa Philippines với Trung Quốc (Đài Loan), đồng thời cho rằng Philippines tạo cho Trung Quốc (Đài Loan) một cái cớ để can thiệp vào biển Đông.
Nhưng Việt Nam cũng nhanh chóng có phản ứng. Do Việt Nam là nước mới độc lập, cũng do tình hình chính trị phức tạp thời gian dài, quan hệ giữa Quốc gia Việt Nam và Philippines không quá sâu sắc. Mãi đến tháng 7/1955, Philippines mới công nhận Quốc gia Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa mới đầu không có phản ứng quá nhanh đối với sự kiện Cloma, nhưng lại rất lưu ý đến chiều hướng hoạt động của Trung Quốc. Vì vậy, sau khi cộng sản Trung Quốc ra tuyên bố có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa ngày 29/5/1955, họ đã phản ứng ngay lập tức. Ngày 1/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam:
Trước tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29/5 về quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam cho rằng cần phải nhắc lại một lần nữa chủ quyền truyền thống đối với hai quần đảo này. Chủ quyền này từng được công nhận trong Hội nghị San Francisco. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị hòa bình từng ra tuyên bố vào ngày 7/9/1951 nói rằng để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Việt Nam. Không gặp bất cứ sự phản đối nào lúc đó.
Vì vậy, Bộ Ngoại giao Pháp cũng không thể không nhanh chóng có phản ứng. Ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm cho Philippines và Đài Loan, tái khẳng định quyền của Pháp đối với quần đảo Trường Sa, và lưu ý rằng các tàu Pháp thường xuyên tuần tra quần đảo Trường Sa, lần gần đây nhất chỉ cách đó vài tháng (ám chỉ tàu Francis Garnier).
Sở dĩ Pháp vẫn một mực đòi chủ quyền đối với Trường Sa là vì sau khi kí “Hiệp định Geneva”, hải quân Pháp ở Viễn Đông vẫn có ý định đóng lâu dài ở vịnh Cam Ranh, do cho rằng nếu như có căn cứ hải quân này thì Trường Sa sẽ có điều kiện xây dựng thành một căn cứ tình báo tiền duyên.
Tin tức truyền đến Sài Gòn, gây ra phản ứng mạnh mẽ của chính phủ miền Nam. Ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Nam Việt ra một bản tuyên bố khác, công bố lí do Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa: (1) Trường Sa trong lịch sử thuộc Việt Nam; (2) Sau năm 1933 Pháp bắt đầu kiểm soát Trường Sa, giao cho Nam Kì quản lí, sau khi Nam Kì được chuyển lại cho Việt Nam, Việt Nam đương nhiên đã kế thừa chủ quyền đối với Trường Sa. Ngày 31/6, Công sứ Việt Nam tại Philippines đưa ra kháng nghị với Philippines , đồng thời tuyên bố Trường Sa thuộc Việt Nam.
Lúc này, Đại sứ Pháp tại Sài Gòn không đồng ý chủ trương của chính phủ Pháp và yêu cầu Bộ Ngoại giao Pháp làm sáng tỏ lập trường của mình, hoặc là ủng hộ chủ quyền của Nam Việt đối với quần đảo Trường Sa, hoặc nói thẳng rằng Pháp có chủ quyền đối với quần đảo này. Paris liên tiếp tổ chức mấy hội nghị liên bộ, kết luận rằng đó là tình thế khó xử, một số người cho rằng Trường Sa thuộc Việt Nam, hơn nữa nước Pháp không đáng vì chuyện này mà trở mặt hoàn toàn với Việt Nam, nhưng một số người khác lại cho rằng cho dù phải từ bỏ Trường Sa cũng cần trải qua trình tự pháp luật, do quốc hội chính thức biểu quyết. Lúc này đang gặp khủng hoảng kênh đào Suez và chiến tranh độc lập ở Algeria, nước Pháp ngày càng bị cuộc chiến ở Bắc Phi làm cho suy sụp, không có khả năng ủng hộ ý tưởng của hải quân Pháp, nhưng nếu từ bỏ lãnh thổ lần nữa sẽ tạo thành hiệu ứng tâm lí tiêu cực cho người Pháp. Sau 9 tháng tiến hành thảo luận kéo dài, cuối cùng hội nghị quyết định đối phó một cách thụ động, luôn giữ lập trường mơ hồ, bỏ mặc vấn đề trôi đi. Dù sao Pháp cũng biết rõ rằng nếu không thể tiếp tục ở lại vịnh Cam Ranh thì việc giành chỗ đứng ở Trường Sa sẽ không còn thực tế. Cuối cùng, sau năm 1956 hải quân Pháp hoàn toàn rút khỏi Đông Nam Á.
Vì vậy, mặc dù về pháp lí Pháp không từ bỏ chủ quyền Trường Sa, nhưng trên thực tế nước này đã rút khỏi tranh chấp Trường Sa tế từ năm 1957, tình huống giống như Anh. Việc Pháp từ bỏ Trường Sa nằm trong dự liệu. Ngoài đảo Ba Bình ra, Trường Sa hoàn toàn không có nguồn nước ngọt. Mất đi sự chi viện của Việt Nam, Pháp không có bất cứ căn cứ nào ở biển Đông, về cơ bản không thể đứng chân ở Trường Sa. Đơn độc thành lập tỉnh hải ngoại ở quần đảo hoang vắng này là một ý tưởng không thực tế.
Vậy thì theo pháp luật, Việt Nam Cộng hòa có kế thừa “chủ quyền” của Pháp đối với Trường Sa không? Khi Pháp bàn giao miền Nam cho chính quyền Bảo Đại có bao gồm Trường Sa không? Trường Sa không thuộc Nam Kì lúc giao cho Việt Nam là quan điểm chủ đạo trong nội bộ chính phủ Pháp. Ví dụ tiêu biểu về căn cứ pháp lí cho quan điểm này có thể dùng công thư ngày 16/6/1955 của Toàn quyền Pháp (General Commmisioner of France) kiêm Quyền Tổng Tư lệnh Đông Dương (Acting Commander in Chief in Indochina) Pierre Jacquot gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Căn cứ chủ yếu là lập luận cho rằng trong hiệp định bí mật giữa Pháp và Hoàng đế Bảo Đại ngày 15/3/1949 có nêu “đặt quần đảo Paracel và đảo Côn Lôn dưới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” (The Paracel and Poulo Condor Island fall under Vietnamese territorial sovereignty), nhưng quần đảo Trường Sa không được đề cập đến trong văn kiện này. Tuy nhiên, các khía cạnh pháp lí của quan điểm này đáng để thảo luận.
Thứ nhất, nguyên văn của phần liên quan trong hiệp định giữa Pháp và Hoàng đế Bảo Đại ngày 8/3/1949 như sau:
Notwithstanding previous treaties of which she might have taken advantage, France solemnly reaffirms her decision to pose no obstacle in law or in fact to the inclusion of Cochin China within Viet-Nam, defined as formed by the union of the territories of Tonkin (North Viet-Nam), Annam (Central Viet-Nam), and Cochin China (South Viet-Nam).
(Bất chấp việc Pháp có thể đã có lợi trong các hiệp ước trước đây, Pháp long trọng tái khẳng định quyết định của mình không gây trở ngại về luật pháp hay trên thực tế đối với việc đưa Nam Kì vào Việt Nam, được định nghĩa như được hình thành từ sự hợp nhất lãnh thổ của Bắc Kì (Bắc Việt Nam), Annam (Trung Việt Nam), và Cochin China (Nam Việt Nam).)
Trong toàn bộ hiệp định cũng như phụ lục giải thích của nó đều không xuất hiện quần đảo Paracel và đảo Côn Lôn. Trong hiệp định chính thức nêu Cochin China (Nam Kì) với tư cách một chỉnh thể khi hợp nhất với Bắc Kì và Trung Kì. Còn cụm từ “đặt quần đảo Paracel và đảo Côn Lôn dưới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” do công thư năm 1955 nói trên chỉ ra là nằm trong hiệp định bí mật ngày 15/3/1949, chứ không phải là một bộ phận của hiệp định không chính thức.
Thứ hai, ngày 4/6/1949, Đại hội Quốc dân Pháp thông qua hiệp định Nam Kì sáp nhập vào Việt Nam có một bộ phận có liên quan như sau:
Article II, The territory of Cochin China is reattached to the Associated State of Viet-Nam in accordance with the terms of the joint declaration of June 5, 1948, and the declaration of the French Government of August 19, 1948. Cochin China in consequence ceases to have the status of an overseas territory.
(Điều II, Lãnh thổ Nam Kì được sáp nhập vào Quốc gia Liên hiệp Việt Nam theo các điều khoản của tuyên bố chung ngày 5 tháng 6 năm 1948, và tuyên bố của Chính phủ Pháp ngày 19 tháng 8 năm 1948. Do đó, Nam Kì không còn tư cách của một lãnh thổ hải ngoại.)
Đây là luật chính thức “trao trả” Nam Kì cho Việt Nam, trong đó không đề cập đến bộ phận nào đó của Nam Kì không được “trao trả”. Hiệp định ngày 5/6/1948 (tức Hiệp định Vịnh Hạ Long) và tuyên bố của chính phủ ngày 19/8/1948 mà hiệp định này đề cập đến cũng đều không nói đến việc Nam Kì sẽ bị “phân chia”. Do đó, dựa vào lí giải pháp lí thì Nam Kì được “trao trả” cho Việt Nam với tư cách là một chỉnh thể.
Thứ ba, trong thời gian Pháp cai trị, Trường Sa không phải là một khu vực hành chính độc lập, mà trực thuộc tỉnh Bà Rịa. Vì vậy, về hành chính, Trường Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam với tư cách là một khu vực hành chính. Trừ phi có sắc lệnh, hiệp ước hay tuyên bố khác, không có cách nào phủ nhận rằng Trường Sa cũng được trao trả cho Việt Nam cùng với Nam Kì khi Pháp trao trả. Trong luật quốc tế có một quy tắc quy định rằng khi thuộc địa giành được độc lập thì có quyền xác lập biên giới quốc gia dựa theo biên giới quốc gia hoặc khu vực hành chính thời thuộc địa, điều này cũng áp dụng cho Việt Nam và quần đảo Trường Sa.
Thứ tư, theo ghi chép trong các tài liệu của Pháp, khi kí hiệp ước bí mật vào ngày 15/3/1949 phía Việt Nam chủ động đề xuất liệt kê riêng Hoàng Sa và đảo Côn Lôn (có thể vì cảm thấy hai vùng đảo xa này rất quan trọng); nếu như Việt Nam không chủ động đòi hỏi như vậy, Pháp căn bản sẽ không liệt kê riêng đảo xa nào là bộ phận của Nam Kì để “trao trả” cho Việt Nam, mà chỉ ngầm thừa nhận toàn bộ khu vực quản lí của Nam Kì, bao gồm toàn bộ các đảo xa đều thuộc loại “trao trả”, vì vậy không thể nói rằng trong mật ước không liệt kê Trường Sa thì có nghĩa là Trường Sa cũng có thể không nằm trong danh sách “trao trả”.
Cuối cùng, khi đó ở Việt Nam, khái niệm địa lí quần đảo Hoàng Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa (xem sắc lệnh số 143 bên dưới). Việt Nam cũng có thể tranh biện khi nhận bàn giao quần đảo Hoàng Sa đã cũng đã nhận bàn giao Trường Sa rồi (kiểu lí giải này đương nhiên có kẽ hở, vì Hoàng Sa và Trường Sa khi đó không thuộc về cùng một khu vực hành chính).
Tóm lại, trừ phi có hiệp ước hoặc tuyên bố chính thức, hoạch định ra giới hạn của Nam Kì “trao trả” cho Việt Nam, loại bỏ Trường Sa ra ngoài; nếu không thì quan điểm Trường Sa được trao trả cho Việt Nam cùng với Nam Kì càng có thể đứng vững trong luật quốc tế. Vì vậy, việc Pháp (không còn chọn lựa nào nào khác) từ bỏ Trường Sa lúc đó không hề ảnh hưởng quyền kế thừa hợp pháp của Việt Nam đối với Trường Sa. Hơn nữa, trong bày tỏ thái độ, Pháp chủ yếu dùng hình thức công văn nội bộ, lần bày tỏ thái độ công khai duy nhất là trong tuyên bố của Đại sứ Pháp tại Philippines, điều đó không hề có hiệu lực pháp luật đối với Việt Nam. Hơn nữa, sau năm 1957, nước Pháp đã không bày tỏ ý kiến về vấn đề này, cũng không phản đối hành động chiếm đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam. Vì vậy, dù về pháp lí hay về ngoại giao, bằng chứng của Việt Nam cũng đều đầy đủ.
Bất luận như thế nào, Việt Nam từ đó thay thế Pháp trở thành bên có liên quan trong tranh chấp Trường Sa. Ngày 22/8, Việt Nam Cộng hòa phái tàu hộ vệ “Tốt Động”, dưới sự chỉ huy của Đại úy Trần Văn Phương đổ bộ lên đảo Trường Sa Lớn. Họ hạ quốc kì Trung Hoa Dân Quốc xuống, kéo quốc kì Việt Nam lên, lập bia đá, chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Sau khi Đài Loan biết tin, lập tức đưa ra kháng nghị với Việt Nam. Nam Việt sau đó lập tức đưa ra phản bác, tuyên bố ngạc nhiên và cũng bất ngờ đối với sự phản đối của Trung Quốc, vì quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và Nam Việt đã nhiều lần nhắc lại trong văn bản hồ sơ, đồng thời yêu cầu Đài Loan không được tiến hành bất cứ hành động quân sự nào. Thời gian này, Đại biện Mĩ tại Đài Loan James B. Pilcher hẹn gặp Diệp Công Chiêu, nói rằng có được cam kết của phía Nam Việt, nếu Đài Loan không thực hiện hành động ở Trường Sa, chính phủ Nam Việt cũng không nhắc đến việc này nữa. Do đó, Bộ Ngoại giao Mĩ hi vọng Đài Loan không nên để chuyện này leo thang vượt quá cấp độ ngoại giao.
Bộ Quốc phòng vẫn mong muốn đến đảo Trường Sa Lớn thực hiện hành động. Nhưng Bộ Ngoại giao khuyến cáo phải nghĩ đến đại cục, nếu phát hiện quốc kì Nam Việt ở đảo Trường Sa Lớn thì có thể hạ xuống, nhưng không cần dựng quốc kì Trung Hoa Dân Quốc lên. Thế là Đài Loan phái “đội Ninh Viễn” thực hiện chuyến đi thứ 3 đến Trường Sa, ghé đảo Trường Sa Lớn một lần nữa.
Nam Việt không hề có phản ứng ngoại giao đối với việc này, mà chỉ sáp nhập thêm một bước quần đảo Trường Sa vào khu vực hành chính trên giấy tờ. Ngày 22/10, trong Sắc lệnh số 143 (Edict 143/VN, hình 25), Nam Việt thay đổi việc phân chia các tỉnh và khu vực, đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy mới. Đáng chú ý là khi đó Việt Nam vẫn gọi chung Trường Sa và Hoàng Sa là “Hoàng Sa”, nên cách viết Trường Sa trong Sắc lệnh này là “Hoàng Sa (Spratley)”. Chemilier- Gendreau cho rằng Sắc lệnh này sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Phước Tuy, điều này là sai. Đài Loan ngay sau đó đã kháng nghị việc này, đồng thời nhắc lại chủ quyền Trường Sa thuộc Trung Quốc. Nam Việt phản bác rằng đây là việc nội bộ của mình.
Hình 25: [Danh sách đính kèm] Sắc lệnh 143 của Việt Nam
Mặc dù có những mâu thuẫn này, đối với Đài Loan, Nam Việt dễ giao thiệp hơn nhiều so với Philippines. Nguyên nhân quan trọng nhất đại khái là do bản thân tình hình trong nước của Nam Việt không ổn định, không thể dành hết sức tranh giành lợi ích ở biển Đông như Philippines được. Hơn nữa thủ đoạn ngoại giao của Philippines linh hoạt cũng là điều Nam Việt khó so sánh được.
IV.5 Sự bày tỏ thái độ của Bắc Kinh và thái độ của Bắc Việt
Sau sự kiện Cloma, vào ngày 29/5/1956 Bắc Kinh tuyên bố một lần nữa rằng họ có tất cả quyền lợi ở quần đảo Trường Sa: “Đảo Thái Bình (Ba Bình) và đảo Nam Uy (Trường Sa Lớn) kể trên ở biển Nam Trung Hoa, cũng như một số đảo nhỏ xung quanh chúng, tên gọi chung là quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Những đảo này từ trước đến nay là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có chủ quyền hợp pháp không thể tranh cãi đối với những đảo này”. Nhưng Bắc Kinh không phái bất cứ đơn vị vũ trang hoặc hành chính nào đến chiếm giữ Trường Sa.
Thái độ như vậy của Bắc Kinh có thể là một hành động làm cho có. Thứ nhất, khi đó hải quân và không quân Trung Quốc hết sức yếu, Trường Sa cách đất liền Trung Quốc khoảng 2000 km, rất xa xôi, dù cố gắng đến được cũng rất khó duy trì việc đóng quân; thứ hai, Cộng sản Trung Quốc nếu tiến vào Trường Sa, tất nhiên đầu tiên sẽ dẫn đến xung đột với Đài Loan vốn đã quay trở lại Trường Sa, mà hải quân Trung Quốc so với hải quân Đài Loan vẫn có khoảng cách. Thứ ba, nhân tố quan trọng hơn là khi đó Mĩ là quốc gia kiểm soát thực tế tình hình biển Đông, ba quốc gia trong tranh chấp biển Đông- Philippines, Đài Loan và Việt Nam Cộng hòa đều là đồng minh của Mĩ. Mĩ có thể giữ trung lập với các nước này, nhưng nhất định không thể khoan nhượng cho thế lực cộng sản như Trung Quốc và Bắc Việt thâm nhập biển Đông. Còn hải quân Trung Quốc thì rõ ràng không phải là đối thủ của hải quân Mĩ. Từ những năm 1960 Việt Nam đã bắt đầu tuần tra ở Trường Sa, Trung Quốc không có khả năng can thiệp vào việc này. Lúc đó Trung Quốc và Ấn Độ thù địch nhau, hải quân Trung Quốc thậm chí không có cả khả năng hộ tống kiều dân bị Ấn Độ xua đuổi, nói chi đến việc giao tranh với hải quân Nam Việt hay hải quân Đài Loan, cho nên không thể không né tránh các tàu chiến của Đài Loan đi tiếp tế quân trú đóng trên đảo Ba Bình. Vì vậy, tất cả những gì mà Trung Quốc có thể làm chỉ là phản đối suông.
Khi đó, ngoài tuyên bố chủ quyền bằng miệng ra, Trung Quốc còn tiến hành thu thập tư liệu và hồ sơ để tiện chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Khi vừa mới xây dựng chế độ, hiểu biết của Đảng Cộng sản về Hoàng Sa và Trường Sa rất ít ỏi, chủ yếu đều là từ xã luận và bài viết của báo chí cuối những năm 1940. Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về mình, nhưng không nêu ra được bằng chứng lịch sử và pháp lí. Năm 1950, khi Tổng thống Philippines Quirino đưa ra chủ quyền đối với Trường Sa, Trung Quốc chỉ tuyên bố “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyệt đối không cho phép quần đảo Đoàn Sa (Trường Sa) và bất kì nào đảo khác thuộc Trung Quốc ở Nam Hải bị nước ngoài xâm phạm.” Năm 1951, khi Chu Ân Lai tuyên bố phản đối bản dự thảo “Hòa ước San Francisco”, tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc, nhưng vẫn không nắm rõ quan hệ giữa đảo Trường Sa Lớn (Nam Uy) và quần đảo Trường Sa. Bài “Giới thiệu đảo Nam Uy và quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa)” đăng trên “Nhân dân Nhật báo” có nhiều chỗ sai sót. Để đảo ngược tình trạng này, năm 1951 Vụ trưởng Vụ châu Á Trần Gia Khang bắt đầu chủ trì công tác thu thập hồ sơ và tư liệu. Từ năm 1951 đến năm 1956, đã thu thập được 14 mục lục hồ sơ và 16 mục lục tư liệu tham khảo. Chỉ từ đó mới xem là có hiểu biết sơ bộ về lịch sử, tranh chấp và pháp lí của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1956, khi xảy ra sự kiện Cloma, vào ngày 5/6 và 8/7, Thiệu Tuân Chính ở Khoa Lịch sử, Đại học Bắc Kinh đã đăng hai bài trên “Nhân dân nhật báo” lập luận để chứng minh chủ quyền của chính phủ Trung Quốc đối với biển Đông, chứng lí đã phong phú hơn rất nhiều.
Đầu những năm 1950, Trung Quốc chỉ có thể giới hạn các hành động thực tế của mình ở Hoàng Sa. Về thời gian Trung Quốc tiến vào chiếm đóng đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng) ở Hoàng Sa có nhiều tường thuật khác nhau. Ở Trung Quốc, thường được cho là vào ngày 13/5/1950, nhưng cụ thể tiến vào chiếm đóng như thế nào thì không rõ. Ngay cả khi năm 1950 là đúng thì mức độ kiểm soát của Trung Quốc đối với Hoàng Sa vào thời điểm đó vẫn là điều còn đáng nghi ngờ. Tháng 1/1951, tình báo Pháp không phát hiện tàu tiếp tế qua lại định kì giữa đảo Phú Lâm và Đại lục nên phía Pháp suy đoán rằng không có quân Trung Quốc đóng trên đảo Phú Lâm.
Tháng 5/1954, 7 ngư dân Hải Nam bị mắc cạn ở Hoàng Sa nhưng không được người Trung Quốc cứu, cuối cùng thì được máy bay tuần tra của Mĩ phát hiện, đưa về căn cứ không quân Clark ở Philippines. Sau đó Mĩ thông qua kênh ngoại giao Anh giao thiệp để đưa những ngư dân này trở về Trung Quốc, nhưng kết quả cuối cùng không biết thế nào.
Một tường thuật khác nói là năm 1955. Theo một tài liệu giải mật của Mĩ, ngày 25/8/1955, cơ quan tình báo Mĩ trinh sát thấy quân đội Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm. Xét thấy khi đó máy bay của Mĩ, Pháp và Đài Loan thường xuyên bay qua Hoàng Sa để tuần tra do thám, nếu như trước năm 1955 trên đảo có quân đội Trung Quốc trú đóng thì khó có khả năng không bị phát hiện. Vì vậy, đó có thể là năm Trung Quốc bắt đầu thực sự chiếm đóng đảo Phú Lâm bằng quân sự. Tài liệu đó cũng nhắc đến ngày 9/6/1956, máy bay tuần tra TF72 của Đài Loan phát hiện trên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền) có các hoạt động của quân đội hoặc dân binh Trung Quốc. Đài Loan lập tức thông báo cho Mĩ và Nam Việt phát hiện này, hai nước đều rất lo lắng. Quân đội Mĩ thậm chí còn xem xét đến việc ba bên Đài Loan, Mĩ, Việt Nam cùng nhau phối hợp đánh đuổi quân cộng sản, và cũng dự tính điều động máy bay của quân đội Mĩ tiến hành oanh tạc đảo Phú Lâm. Nhưng sau đó dường như quân đội Trung Quốc đã chủ động rút khỏi đảo Hữu Nhật, nhờ đó tránh được nguy cơ xảy ra xung đột. Do đó, sẽ chính xác hơn khi nói rằng quân đội Trung Quốc chính thức đóng quân tại đảo Phú Lâm ở Tây Sa vào năm 1955. Còn trước đó trên đảo Phú Lâm có thể chỉ có ngư dân, nhân viên điều tra, tàu cá vũ trang hoặc dân binh Trung Quốc, chứ không phải quân lính chính quy.
Năm 1959, Trung Quốc thành lập “Văn phòng Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa” thuộc Khu Hành chính Hải Nam, tỉnh Quảng Đông, củng cố quyền kiểm soát đối với phía Đông Hoàng Sa. Năm 1969, Văn phòng này đổi tên là “Uỷ ban cách mạng quần đảo Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa”. Trung Quốc mặc dù ngoài miệng khẳng định lại chủ quyền đối với Tam Sa, nhưng khi đó chỉ kiểm soát được đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng) thuộc Hoàng Sa (Tây Sa). Đối với Trường Sa và bãi Scarborough (đảo Hoàng Nham) Trung Quốc vừa không có khả năng kiểm soát vừa không đưa ra bất cứ yêu sách nào. Do lo lắng ngư dân khi đi biển đánh cá bỏ trốn hoặc bị mua chuộc làm gián điệp, bắt đầu từ giữa những năm 1950 (khoảng năm 1956), Trung Quốc đã cấm ngư dân đến Trường Sa đánh cá, mãi đến năm 1984 lệnh cấm này mới được bãi bỏ. Đối với bãi Scarborough, hoàn toàn không có ghi chép nào về việc ngư dân Trung Quốc từng đến đây đánh cá trước đó, sau Thế chiến thứ hai quân Mĩ và Philippines đã kiểm soát vùng biển ở khu vực đó nên càng không có tàu cá Trung Quốc ở đó (xem V.8).
Bắc Việt khi đó không có bất cứ sự quan tâm nào đối với Hoàng Sa và Trường Sa, và cũng không đưa ra bất cứ bình luận nào về Hoàng Sa và Trường Sa trước năm 1956. Sau khi Bắc Kinh ra tuyên bố, ngày 15/6, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Ung Văn Khiêm hội kiến Đại biện lâm thời Đại sứ quan Trung Quốc tại (Bắc) Việt Nam Lí Chí Dân, trịnh trọng tuyên bố: “Theo tài liệu của phía Việt Nam, về mặt lịch sử thấy rằng quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa nên thuộc lãnh thổ Trung Quốc.” Khi đó có mặt Quyền Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Bắc Việt Nam Lê Lộc cũng nói: “Từ lịch sử thấy rằng quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa ngay vào thời nhà Tống đã thuộc Trung Quốc rồi”. Có người chất vấn tư liệu này có thật hay không, do tư liệu này chỉ là bày tỏ thái độ bằng lời nói chứ không phải văn bản, hơn nữa phía Việt Nam có vẻ cũng không thừa nhận phát ngôn này (không được nhắc đến trong tư liệu chỉnh lí của phía Việt Nam). Nhưng tác giả vẫn thiên về hướng việc này là có thật. [Xét tới việc chính phủ Bắc Việt phải nhờ các học giả như Nguyễn Đổng Chi… cung cấp tư liệu về Hoàng Sa để có phản ứng thích hợp sau trận hải chiến tháng 1/1974, khó tin Ung Văn Khiêm và Lê Lộc dám trả lời khẳng định về lịch sử kiểu đó - ND)
Ngày 23/8/1958, giữa Trung Quốc và Đài Loan bùng nổ trận pháo kích Kim Môn, khủng hoảng eo biển Đài Loan bùng phát bất cứ lúc nào. Ngày 2/9, 4 pháo hạm và 8 tàu ngư lôi của Quân Giải phóng Trung Quốc phát động cuộc tấn công vào tàu đổ bộ USS Meijian của Mĩ chở vật tư quân sự cùng đoàn đi thăm trận địa gồm cố vấn quân sự Mĩ và nhà báo trong ngoài nước hợp và vào 3 pháo hạm Đài Loan đang hộ tống.
Có khả năng do muốn có cơ sở để phản đối việc Mĩ xâm nhập ranh giới cho trận hải chiến ở eo biển Đài Loan ngày 2/9 một cách hợp pháp, vào ngày 4/9, Trung Quốc ra tuyên bố về bề rộng lãnh hải 12 hải lí:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lí. Quy định này áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm đại lục Trung Hoa và các đảo ven bờ, cũng như Đài Loan và các đảo phụ cận, nhóm đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (Macclesfield), quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc ngăn cách với đất liền và các đảo ven bờ bởi vùng biển quốc tế (high seas).
……………………………….
(4) Các nguyên tắc quy định tại các điểm 2) và 3 ) cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ cận, nhóm đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa , quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc..
Tuyên bố này đã khẳng định một lần nữa chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa. Mĩ đưa ra phản đối về tuyên bố này, thứ nhất không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ Đảng Cộng sản, cũng như không thừa nhận tính có hiệu lực của đề xuất 12 hải lí, và nói chung cũng không tin rằng bề rộng 12 hải lí phù hợp với luật pháp quốc tế (Mĩ chỉ thừa nhận bề rộng 3 hải lí). Mĩ còn cho rằng theo luật quốc tế, máy bay và tàu chiến có quyền đi qua vô hại ở “lãnh không và lãnh hải”, không cần được Trung Quốc phê chuẩn. Ngoài ra, Mĩ cũng bảo lưu ý kiến đối với sự quy thuộc của Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa.
Ngày 24/3/1972, Mĩ điều máy bay quân sự bay vào vùng trời trong phạm vi 12 hải lí của quần đảo Hoàng Sa, bay bên ngoài vùng trời 3 hải lí để tỏ thái độ không thừa nhận Hoàng Sa có lãnh không 12 hải lí. Mĩ cũng có nhu cầu trinh sát quân sự lâu dài với Trung Quốc Đại lục.
Dưới tác dụng chung của các nhân tố kể trên, trong thời gian dài Mĩ điều máy bay và tàu quân sự tiến vào lãnh hải và lãnh không Trung Quốc. Trung Quốc không có cách gì ngăn chặn hành động của Mĩ, chỉ có thể liên tục đưa ra “cảnh cáo nghiêm khắc” trên báo chí. Thời gian từ 1958 đến 1971, trên “Nhân dân nhật báo” và báo “Quân Giải phóng”, Trung Quốc đã đưa ra tổng cộng 497 lần “cảnh cáo nghiêm khắc”, trong đó 235 lần là nhằm vào quần đảo Hoàng Sa. Còn ở quần đảo Trường Sa, do Trung Quốc vừa không đóng quân lại vừa không có khả năng kiểm soát tới, thậm chí nói chung không có cách gì biết được hành động của Mĩ tại đó nên không đưa ra cảnh cáo đối với hành động của Mĩ tại Trường Sa.
Còn Bắc Việt Nam thì bày tỏ sự tán đồng tuyên bố ngày 4/9 của Bắc Kinh. Ngày 7/9, báo “Nhân dân” của Bắc Việt Nam đăng bài bình luận: “Nhân dân Việt Nam hoàn toàn tán thành tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về lãnh hải”. Ngày 14/9, trong công hàm ngoại giao (Hình 26) Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng bày tỏ việc Bắc Việt công nhận và tán đồng bản tuyên bố của Trung Quốc về quyết định lãnh hải. Đây là lần thứ hai Bắc Việt Nam bày tỏ thái độ về mặt ngoại giao, công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa, chính thức hơn so với lần thứ nhất:
Thưa Đồng chí Tổng lí,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lí rõ:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lí của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lí của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lí lời chào rất trân trọng.
Hình 26: Công hàm Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai năm 1958
Trong công hàm này, Phạm Văn Đồng nêu “ghi nhận và tán thành” tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải. Điều này chắc chắn hàm chứa “ghi nhận và tán thành” tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong bản tuyên bố của Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân vì sao sau này Trung Quốc chỉ trích Việt Nam “lật lọng”.
Ngày 9/5/1965, để đáp lại việc quân đội Mĩ xác định vùng biển bao gồm cả Hoàng Sa trong đó là “khu vực chiến đấu” (Combat Zone) lúc đó, Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Bắc Việt Nam Lê Trang đưa ra tuyên bố: “Ngày 24/4/1965, Tổng thống Mĩ Johnson quy định toàn bộ Việt Nam và vùng biển lân cận - trong phạm vi cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 hải lí và một phần lãnh hải quần đảo Hoàng Sa của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là ‘khu vực chiến đấu’ của lực lượng vũ trang Mĩ. Tiếp đó, Bộ Quốc phòng Mĩ quyết định công khai điều một số đơn vị của Hạm đội 7 và cái gọi là ‘Đội cảnh vệ bờ biển’ vào vùng biển này tiến hành hoạt động và kiểm tra tàu thuyền qua lại”, “điều này trái với luật pháp quốc tế.”
Trong những phát biểu này, Bắc Việt một lần nữa xác định rõ việc coi quần đảo Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc. Kiểu bày tỏ thái độ này có bối cảnh thời đại nhất định. Trước năm 1965, việc Mĩ tiến vào vùng biển Hoàng Sa tác chiến có chút nghi ngại, bởi vì Hoàng Sa mặc dù ở phía Nam vĩ tuyến 17° N nhưng do có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, nếu tiến vào Hoàng Sa tác chiến thì có khả năng vi phạm luật quốc tế. Trong cuộc tiếp xúc bí mật giữa Mĩ và Trung Quốc ở Ba Lan, Mĩ cũng từng giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này. Mãi đến năm 1965, căn cứ vào nhu cầu của tình hình, Tổng thống Johnson mới ban bố khu vực chiến đấu này, gặp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc. Hiển nhiên, nếu Bắc Việt ủng hộ yêu sách của Bắc Kinh, thì Mĩ sẽ không dám đóng quân ở Hoàng Sa để làm căn cứ tấn công Bắc Việt vì lo ngại sự phản ứng của Bắc Kinh, hoặc ít nhất sẽ không tuần tra ở Hoàng Sa, điều này đương nhiên có lợi cho Bắc Việt.
Còn từ góc độ luật quốc tế, có thể thấy rằng những bày tỏ thái độ này đồng nghĩa với việc khẳng định thái độ của Bắc Việt về vấn đề này lần nữa. Ngoài ra, rất nhiều báo, bản đồ, sách giáo khoa... của Bắc Việt Nam xuất bản lúc đó đều coi Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc.
Ngày 13/5/1965, báo “Nhân dân” của Bắc Việt có bài báo nói rằng:
“ngày 10/5, một chiếc máy bay quân sự của Mĩ vượt qua lãnh không Trung Quốc phía trên đảo Vĩnh Hưng và đảo Đông thuộc quần đảo Tây Sa, tỉnh Quảng Đông”. Xét vị thế của báo “Nhân dân” vốn là một tờ báo của đảng (tương đương với “Nhân dân nhật báo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc) thì đây cũng có thể coi là thái độ chính thức của chính phủ Bắc Việt.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp trong các bản đồ và sách giáo khoa của Bắc Việt công nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Ví dụ, năm 1970 sách “Địa lí tự nhiên Việt Nam” do Nhà xuất bản Giáo dục và “Phân vùng lãnh thổ tự nhiên Việt Nam” do Nhà xuất bản khoa học kĩ thuật Việt Nam của Bắc Việt xuất bản đều chỉ rõ cực Đông của lãnh thổ Việt Nam là 109° 21’ E, còn Hoàng Sa và Trường Sa đều ở phía Đông của kinh tuyến này.
Năm 1974, trong “Sách giáo khoa địa lí lớp 9 Trung học phổ thông” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có viết “Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến các đảo Hải Nam, Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, Châu Sơn... làm thành một bức “trường thành” bảo vệ lục địa Trung Quốc” (Hình 27).
Hình 27: “Địa lí tự nhiên Việt Nam”
Tháng 5/1972, trong “Tập bản đồ thế giới” (Hình 28) do Cục Đo đạc và Bản đồ, Phủ Thủ tướng Việt Nam in ấn không dùng tên gọi của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa mà dùng tên gọi của Trung Quốc là Tây Sa và Nam Sa để đánh dấu hai quần đảo này.
Hình 28: “Tập bản đồ thế giới” do Cục Đo đạc và Bản đồ, Phủ Thủ tướng Việt Nam in ấn (1972)
Sự kết hợp của những bằng chứng này và các tuyên bố chính thức của Bắc Việt Nam ở trên cho thấy đầy đủ rằng Bắc Việt đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của Trung Quốc trước năm 1974. Sự công nhận này có ý nghĩa gì về mặt luật pháp quốc tế sẽ được thảo luận sau.
IV.6 Giao thiệp giữa Đài Loan và Nam Việt về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa
Sau năm 1956, sự kiện Cloma nhạt dần. Cho đến cuối những năm 1960, Đài Loan và Nam Việt không xảy ra xung đột ở Hoàng Sa và Trường Sa dù rằng vẫn có một loạt giao tranh ngoại giao. Hai bên đều mong muốn “bình thường hóa” lãnh thổ mà mình kiểm soát trên thực tế. Do khu vực kiểm soát trên thực tế của hai bên khác nhau, Nam Việt và Đài Loan công thủ khác nhau trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa: ở Trường Sa, Đài Loan ở vào thế công; ở Hoàng Sa, Nam Việt Nam ở vào thế công.
Ở Hoàng Sa, hành động của Nam Việt dồn dập. Từ năm 1938, quân đội Nam Việt (hoặc lính bảo an) bắt đầu cùng quân Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (San Hô). Sau Thế chiến thứ hai, Nam Việt cũng cùng quân đội Pháp quay trở lại đảo Hoàng Sa. Tháng 4/1956, theo hiệp định Geneva quân Pháp rút toàn bộ khỏi quần đảo Hoàng Sa, do đó Việt Nam phải phái quân đến thay thế. Như vậy, đảo Hoàng Sa thuộc Hoàng Sa hoàn toàn do quân đội Nam Việt đóng giữ. Tháng 2 cùng năm, qua tình báo, Đài Loan biết được cộng sản Trung Quốc đã tiến chiếm đảo Phú Lâm, xây dựng doanh trại cũng như các cơ sở khác. Điều này đặt Đài Loan, vốn ngoài tầm với đối với Hoàng Sa, vào tình thế lưỡng nan. Một mặt, Đài Loan xuất phát từ nhu cầu chủ quyền, không muốn Nam Việt đóng quân ở Hoàng Sa; mặt khác xuất phát từ nhu cầu chống cộng lại không muốn nhìn thấy Nam Việt dễ dàng rút khỏi Hoàng Sa, để cộng sản Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo này. Vì vậy, họ chỉ có thể ngầm đồng ý để Nam Việt đóng quân ở Hoàng Sa trong khi lại một mực đòi chủ quyền với Nam Việt. Như đã đề cập trong phần trước, Đài Loan và Nam Việt đã trao đổi tin tình báo về việc quân đội cộng sản Trung Quốc đổ bộ lên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền), thậm chí có thể cùng nhau hành động, điều đó cho thấy tâm lí mâu thuẫn của Đài Loan,
Tháng 1/1959, Nam Việt chuẩn bị khai thác phân chim ở quần đảo Hoàng Sa, “Công ti khai thác Quần đảo Tây Sa” được thành lập để khai thác kí hợp đồng với Công ti Hữu Phát Singapore (đại diện là Trần Gia Phát). Đài Loan lại rơi vào thế lưỡng nan, Đài Loan liên tục nghe ngóng tin tức nhưng lại không hành động lần nữa. Sau đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Kinh tế đều thúc giục Bộ Ngoại giao tỏ rõ thái độ. Cuối cùng, vào tháng 11, Bộ Ngoại giao mới giải thích với Bộ Quốc phòng: “Xét thấy đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) thuộc Tây Sa đã bị cộng phỉ chiếm lấy từ năm 1952, quần đảo này lại không nằm dưới sự kiểm soát thực tế của phía ta, hơn nữa quan hệ của hai nước Trung-Việt trên lập trường cùng chống cộng sản đang tốt đẹp và phía ta cũng đã tuyên bố với phía Nam Việt lập trường của ta về chủ quyền Tây Sa, vậy có lợi hay không khi đưa ra phản đối với phía Việt Nam về vụ này, không tăng giao lưu mà chỉ gây tranh chấp qua lại giữa hai nước đồng minh là điều vô bổ”. Cuối cùng Đài Loan bỏ mặc việc này. Nam Việt có thể cùng công ti của Singapore khai thác quặng phốt phát thuận lợi.
Nhưng việc này lại gây ra sự chú ý của Bắc Kinh. Bắc Kinh bắt đầu thâm nhập vào các đảo do Nam Việt kiểm soát, phương pháp áp dụng là phái “ngư dân” (thực ra là quân Giải phóng hoặc dân quân) lén lút đến các đảo do Việt Nam kiểm soát để tiến hành xâm chiếm từng bước. Ngày 19/2, Bắc Kinh phái 81 “ngư dân” đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Sâm Hàng, Duncan Island), dựng doanh trại và treo quốc kì. Hành động này bị phía Nam Việt phát hiện. Chẳng bao lâu, đội tuần tra của hải quân Nam Việt đổ bộ lên đảo, cùng với quân trú đóng trên đảo (khoảng 10 người) tạm giữ “ngư dân” Trung Quốc, ban đầu áp giải đến đảo Hoàng Sa (San Hô), đồng thời tịch thu hai máy phát sóng và một lô khí tài, rồi lại đưa về Đà Nẵng thẩm vấn. Trong số “ngư dân” này lại có người có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, rõ ràng không phải là ngư dân bình thường. Nhưng Nam Việt cũng không muốn vì việc này mà lật mặt cộng sản Trung Quốc, vì vậy tuyên bố họ là “ngư dân bình thường”, lấy lí do nhân đạo đưa họ trở lại Hoàng Sa, cấp cho nước và lương thực, rồi trục xuất. Đồng thời Nam Việt thông qua Campuchia tỏ rõ lập trường mình với Trung Quốc (Campuchia là quốc gia duy nhất có thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước Nam và Bắc Việt Nam, khi đó trở thành kênh chính thức duy nhất để Nam Việt tiếp xúc với Bắc Kinh). Hành động của Nam Việt đã ngăn chặn kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào phía Tây Hoàng Sa của Trung Quốc. Bắc Kinh khi đó chưa dám manh động, ngoài lí do hải quân còn nhỏ yếu, chủ yếu là do Mĩ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trên không ở các khu vực bao gồm Hoàng Sa và bờ biển đông nam Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố lãnh hải 12 hải lí vào năm 1958 (Bắc Kinh gọi đây là xâm phạm lãnh không và cảnh cáo nghiêm khắc). Bắc Kinh hoàn toàn không muốn mạo hiểm chiếm lấy toàn bộ Hoàng Sa để xảy ra xung đột với quân Mĩ. Đối với hành động ngăn chặn cộng sản Trung Quốc xâm nhập của Nam Việt, Đài Loan cũng vui mừng, phấn khởi, ngoài việc nhắc lại lập trường chủ quyền với phía Việt Nam (để đảm bảo chắc chắn có căn cứ khi giao thiệp sau này), hoàn toàn không can thiệp cũng như không bác bỏ các tài liệu về chủ quyền mà Nam Việt liên tục chỉnh lí và đưa ra. Từ phân tích trên có thể thấy rằng trừ đảo Phú Lâm ra, đại bộ phận các đảo của Hoàng Sa đều nằm trong sự kiểm soát của Nam Việt.
Nam Việt còn thử khẳng định chủ quyền theo phương thức khác, nhưng Đài Loan đều cố biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ. Ví dụ tháng 8/1960, Nam Việt dự định phát hành tem kỉ niệm Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi biết chuyện, Đài Loan vội vàng thương thuyết với Nam Việt, và kế hoạch này bị dừng lại. Tháng 12 cùng năm, Hoàng Sa và Trường Sa được đưa vào bản đồ trong các ấn phẩm của Bộ Kinh tế Nam Việt. Đại sứ quán Đài Loan tại Việt Nam tiến hành giao thiệp về việc này, hai bên đồng ý không tuyên truyền xuất bản phẩm này. Ngày 13/7/1961, Nam Việt Nam ban bố Sắc lệnh số 174/NV, chuyển Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng Nam, đặt tên là xã Định Hải, thuộc huyện Hòa Vang. Đối với mấy sự việc trước, do tương đối bí mật nên quan chức Đài Loan có thể xử lí linh hoạt, nhưng việc công bố sắc lệnh này của Nam Việt gây ra phản ứng mạnh mẽ của dư luận Đài Loan và Hoa kiều, Bộ Ngoại giao Đài Loan buộc lòng phải đáp trả.
Ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Đài Loan ra thông cáo báo chí, nhắc lại chủ quyền đối với Hoàng Sa; ngày 29/7, Đài Loan chính thức đưa ra phản đối ngoại giao với Nam Việt. Ngày 3/8, Nam Việt trả lời rằng việc này thuần túy thuộc công việc nội bộ của Nam Việt, không thể không bác bỏ yêu sách mà Đài Loan đưa ra. Do có sự phản đối của Đài Loan, Nam Việt đã chỉnh sửa và đưa ra tuyên bố về chủ quyền tương đối chi tiết lần đầu tiên đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng thừa nhận rằng khó thể thực hiện thêm bất kì hành động nào nữa. Bộ Nội chính Đài Loan nghiên cứu về khả năng di dân đến Hoàng Sa, nhưng Bộ Ngoại giao trả lời: quần đảo đã bị Nam Việt và cộng sản Trung Quốc chiếm đóng, thực hiện điều đó rất khó. Vì vậy, kế hoạch này cũng đã bị huỷ bỏ. Năm 1969, Nam Việt sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long.
Ở Trường Sa, chính Đài Loan khơi mào tranh chấp. Tháng 4/1956, sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Diệp Công Chiêu đến thăm Nam Việt, trên đường quay trở về bay qua vùng trời quần đảo Trường Sa “thị sát”. Nam Việt đưa ra kháng nghị, nhắc lại chủ quyền của mình đối với Trường Sa. Sự kiện này chỉ dấy lên sóng gió nhỏ.
Tranh cãi lớn hơn là Đài Loan chuẩn bị kế hoạch khai thác ở Trường Sa. Sau khi xảy ra sự kiện Cloma, Đài Loan liền chuẩn bị khai thác Trường Sa. Tháng 6/1956, Hội phát triển Ngư nghiệp, Bộ Kinh tế đề xuất việc xây dựng một khu vực nền tảng nghề cá ở đảo Ba Bình thuộc Trường Sa trong hai vòng năm. Cụ thể, 8 dự án lớn sẽ được thực hiện trên đảo, bao gồm đài phát sóng và trạm quan sát khí tượng, đê chắn sóng và bến tàu, hải đăng và biển báo, nhà công cộng và nhà kho, bể chứa dầu, nhà máy nước đá và kho lạnh, thiết bị cấp nước, và xưởng sửa chữa tàu thuyền để cho 200 tàu đánh cá nhỏ sử dụng. Hội trưởng “Lưu Cầu cách mạng đồng chí hội” của người Lưu Cầu (Ryukyu) tại Đài Loan là Thái Chương đã chủ động đề xuất hợp tác giữa Trung Quốc và Ryukyu, với ngư dân Ryukyu là những người tiên phong trong việc khai thác. Cũng có đề nghị đưa ngư dân đại lục chạy trốn từ Hồng Kông đến quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, có không ít Hoa kiều Philippines cũng đề xuất đến Trường Sa khai thác phát triển nghề cá. Những đề xuất này đã khơi dậy sự quan tâm của chính phủ Đài Loan.
Từ tháng 8 đến tháng 10, Đài Loan tổ chức nhiều hội nghị báo cáo để tiến hành nghiên cứu. Trong một thời gian, việc khai thác Trường Sa trở thành chủ đề nóng, thậm chí có phương án đầy tham vọng (ví dụ ban đầu chỉ đề nghị khai thác đảo Ba Bình, sau đó thì đề nghị khai thác tất cả các đảo). Tuy nhiên, do các đảo ở xa xôi, kinh phí hạn hẹp, ngoại giao phức tạp, việc liên quan đến nhiều bộ, các bên đùn đẩy cho nhau, thậm chí bàn mà không quyết, quyết mà không làm, mãi đến năm 1959 vẫn chưa có hành động thực tế. Cho đến tháng 8/1958, Đài Loan mới lấy lí do Hội nghị Hàng không dân dụng quốc tế năm 1955 yêu cầu Đài Loan xây dựng trạm khí tượng trên đảo Thái Bình, để gửi công hàm cho Mĩ, yêu cầu phía Mĩ giúp đỡ xây dựng trạm khí tượng. Còn về vấn đề khai thác, cuối cùng phương án dè dặt nhất đã được quyết định, dùng quân nhân đã giải ngũ đến Trường Sa khai thác khoáng sản ở “ biên giới thực”.
Mặc dù quan chức Đài Loan nhiều lần yêu cầu phải bảo mật trong giai đoạn thảo luận, nhưng qua thảo luận tất bật nhiều năm, tin tức bị phát tán, Nam Việt cũng đã biết được tin từ báo chí Hồng Kông và Đài Bắc. Ngày 27/4/1959, công sứ Nam Việt tại Đài Loan Nguyễn Công Huân đưa ra kháng nghị chính thức với Bộ Ngoại giao Đài Loan về dự định phái người đến Trường Sa khai thác. Ngày hôm sau Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Hoàng Thiếu Cốc gặp Nguyễn Công Huân, Nguyễn Công Huân đã đưa ra 3 bằng chứng cho cho thấy Nam Việt có chủ quyền ở Trường Sa: năm 1933 Pháp chiếm hữu Trường Sa và sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa, Trung Quốc không bày tỏ ý kiến phản đối; sau khi độc lập, Nam Việt Nam đã kế thừa chủ quyền của Pháp ở Trường Sa; tại Hội nghị San Francisco Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không có ai phản đối. Đài Loan chưa thương lượng với Việt Nam đã đơn phương bí mật chuẩn bị kế hoạch khai thác, Nam Việt không thể không coi đó là hành vi xâm lược. Hoàng Thiếu Cốc thì tuyên bố các đảo ở biển Đông mấy trăm năm nay đều là lãnh thổ Trung Quốc, và khuyên Nam Việt lấy đại nghiệp chống cộng làm trọng, chớ nên gây ra tranh chấp, đồng ý sẽ gửi cho Nam Việt trả lời chính thức. Mười mấy ngày sau, Đài Loan gửi thư trả lời cho Nam Việt, đầu tiên làm rõ “Việc AFP đưa tin ngày 18/4 rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã quyết định phái quân nhân giải ngũ đến quần đảo Trường Sa để khai thác khoáng sản trên quần đảo này là không chính xác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao chưa bao giờ đưa ra phát ngôn như vậy.” Thứ hai, nhấn mạnh 3 điểm quan trọng trong chủ quyền của Đài Loan đối với Trường Sa: (1) mấy trăm năm nay cấu thành một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc; (2) sau Thế chiến thứ hai, tiếp thu từ Nhật Bản và Bộ Nội vụ đã công bố tên gọi của các đảo, bãi ngầm, đá của quần đảo này, chính phủ Pháp, Việt Nam không đưa ra phản đối; (3) năm 1956 Việt Nam tuyên bố sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy (ngày 20/10, Việt Nam công bố Sắc lệnh số 143/NV, sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy), Đài Loan đưa ra kháng nghị. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng gửi thư cho Bộ Quốc phòng, trách Bộ Quốc phòng bảo mật không tốt, sau này phải tránh phát tán tin tức trên báo chí, “để tránh gây ra sự nhòm ngó các nước láng giềng, làm trở ngại quan hệ Trung-Việt và gây thêm khó khăn cho chúng ta.”. Sau đó, Nam Việt nhờ Mĩ tiến hành hòa giải. Lúc này, quan hệ Đài-Việt vẫn khá tốt. Đài Loan xử lí nhún nhường, việc khai thác qua một năm vẫn dừng lại ở bước thu thập tư liệu và các công tác thực nghiệm. Cho đến sau này cũng không thực thi thực sự.
Nhưng Nam Việt không tin tưởng phía Đài Loan, quyết định áp dụng biện pháp mạnh dạn hơn ở Trường Sa, tức là phái hạm đội đến Trường Sa tuần tra, giống như Đài Loan đã làm. Ngày 13/6/1961, hai tàu tuần tra của hải quân Nam Việt đến gần đảo Ba Bình, bị quân trú đóng Đài Loan phát hiện. Khi được hỏi, phía Nam Việt Nam nói là đó là chuyến huấn luyện đi xa, đi nhầm vào nơi này, quân trú đóng Trung Quốc không tìm hiểu thêm, yêu cầu họ rời đi. Thực ra tàu Nam Việt không hẳn không có ý điều tra. Ngày 23/4/1962, lại có hai tàu chiến Nam Việt đến gần đảo Ba Bình và yêu cầu đổ bộ lên đảo, bị quân Đài Loan từ chối.
Ngày 18/5/1963, Nam Việt Nam lên giọng tuyên bố rằng một hạm đội gồm 10 tàu hợp thành xuất phát trong ngày, đi đến “quần đảo Trường Sa mà Philippines yêu sách để xác định lại lần nữa chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này”, và còn tuyên bố là đó là “tuần tra theo thông lệ” hàng năm từ năm 1959 đến nay. Ngày 22/5, quân Nam Việt đến đảo Ba Bình thả neo, thuyền trưởng Nguyễn Nguyệt Trường lên đảo hội đàm với Tư lệnh quân trú đóng Diêu Bình Luân, hỏi trên đảo có cư dân không, đồng thời tuyên bố Trường Sa vẫn là lãnh thổ Việt Nam. Sau đó rời đảo đi đến đảo khác. Trong chuyến đi này, Nam Việt đã phá huỷ bia đá Đài Loan dựng trên đảo Trường Sa Lớn năm 1946 và lập bia đá của Nam Việt, đồng thời cũng dựng bia đá của Nam Việt ở một số đảo không người khác. Đài Loan vội vã ra lệnh cho quân trú đóng đến các đảo kiểm tra xem xét. Tháng 6, chi đội Dương Uy đến đảo Sơn Ca (bãi Đôn Khiêm), đảo Nam Yết (Hồng Hưu) và đảo Loại Ta (Nam Thược) kiểm tra, phát hiện Nam Việt đã dựng bia đá bằng xi măng trên đảo Loại Ta, sĩ quan và binh lính lập tức phá bỏ. Tháng 10, chi đội Dương Uy lại tuần tra các đảo lần nữa, đổ bộ lên đảo Trường Sa Lớn (Nam Uy), bãi An Bang (An Ba), đảo Thị Tứ (Trung Nghiệp) và đá Song Tử Đông (Bắc Tử), đã phá huỷ cột mốc ranh giới mà Nam Việt dựng lên. Ngày 19/5/1964, Nam Việt lại tiến hành tuần tra “theo thông lệ”, đến gần đảo Ba Bình, đo đạc thuỷ văn và yêu cầu lên đảo, sau khi bị quân trú đóng Đài Loan từ chối thì rời đi. Tháng 5/1967, hai tàu chiến của Nam Việt lại đến đảo Ba Bình. Loại hành động dựng cột mốc của mình, phá huỷ cột mốc của đối phương này hầu như trở thành tiết mục theo thông lệ hàng năm. Hai bên Đài-Việt mỗi lần đều triển khai giao thiệp về vấn đề này, mỗi bên đều nhắc lại chủ quyền đối với Trường Sa, nhưng cũng đồng ý dùng phương thức ngoại giao để giải quyết, không làm to chuyện. Trong những năm 1960, tranh chấp Trường Sa chủ yếu triển khai giữa Nam Việt và Đài Loan, đến năm 1968, Philippines bắt đầu tiến vào Trường Sa một lần nữa, gia nhập đội ngũ đổ bộ lên đảo dựng mốc giới.
IV.7 Phát hiện dầu khí ở biển Đông
Vào những năm 1960, tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông tạm lắng xuống, Chiến tranh Việt Nam là một nguyên nhân quan trọng. Năm 1955, Bắc Việt quyết định thống nhất Việt Nam bằng vũ lực. Với sự ủng hộ của Bắc Việt, Đảng Cộng sản ở miền Nam thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (Việt Cộng), tháng 1/1960 phát động vũ trang cách mạng, dùng sách lược nông thôn bao vây thành thị đọ sức với chính phủ Nam Việt. Chính phủ Ngô Đình Diệm của Nam Việt mặc dù nhận viện trợ Mĩ và có cố vấn quân sự Mĩ vẫn liên tiếp thất bại. Để chống lại chủ nghĩa cộng sản, Mĩ không thể không tăng cường giúp đỡ quân sự cho chính phủ Nam Việt. Tháng 5/1961, Phó Tổng thống Johnson trong thời gian thăm Việt Nam đã kí tuyên bố chung với Ngô Đình Diệm, phái 100 lính đặc nhiệm của quân đội Mĩ đến, mở đầu việc can thiệp quân sự chính thức. Thời gian này, do sự kiện bức tường Berlin mà Chiến tranh lạnh ngày càng leo thang. Chiến tranh Việt Nam xem như “chiến tranh nóng duy nhất trong Chiến tranh lạnh”, trở thành phương thức tốt nhất để biểu hiện quyết tâm bảo vệ thế giới tự do của Mĩ. Năm 1962, hai nước Xô, Trung ganh đua ủng hộ Bắc Việt và Việt Cộng để tranh giành địa vị lãnh đạo phe cộng sản. Trong tình hình chiến tranh Việt Nam leo thang, tầm quan trọng của biển Đông đối với Mĩ đã tăng lên. Quân đội Mĩ ngoài việc tiếp tục sự hiện diện của họ ở biển Đông từ sau Thế chiến thứ hai, còn xem biển Đông là phòng tuyến phong tỏa Bắc Việt và là chiến trường hậu thuẫn Nam Việt tấn công Bắc Việt trên biển. Năm 1965, Mĩ quyết định nâng cấp từ “Chiến tranh Đặc biệt” lên “Chiến tranh Cục bộ”. Ngày 9/5, Quân đội Mĩ định nghĩa vùng biển biển Đông bao gồm Hoàng Sa trong đó thành “khu vực chiến đấu” (Combat Zone). Thời gian này, toàn bộ vùng biển Đông đều bị quân Mĩ kiểm soát. Thực lực hải quân của Bắc Việt và Trung Quốc có hạn, chỉ có thể giới hạn ở vùng bờ biển nước mình. Để chống cộng, ba bên Đài Loan, Philippines, Việt Nam đều không muốn mở rộng tranh chấp lãnh thổ. Đến cuối thập niên 1960, “hiện trạng” của Trường Sa là Đài Loan chiếm đảo Ba Bình, Việt Nam có tuần tra Trường Sa định kì hàng năm, Philippines thì chủ yếu dựa vào “hành động cá nhân” kiểu như của Cloma ở Trường Sa.
Thời kì này, sự quan tâm của các nước vẫn là các lợi ích chiến lược và an ninh, cùng với nhân tố mang tính dân tộc như “chủ quyền lãnh thổ”. Trường Sa không hề thể hiện có lợi ích kinh tế quá lớn. Dù Trường Sa có ngư trường, và cũng có tài nguyên phốt phát nhất định trên các đảo, nhưng khoảng cách xa xôi, tiếp tế khó khăn; đảo nhỏ bé, khó để xây dựng căn cứ. Những khó khăn thực tế này đều làm giảm nhiệt tình khai thác Trường Sa của các nước. Philippines ở gần nhất, có thể vẫn có một số lợi ích ngư nghiệp nhưng cũng không phải quá quan trọng. Đài Loan tuyên bố khai thác Trường Sa nhưng dù đã thảo luận mười mấy năm vẫn dừng lại trên giấy. Vì vậy, xung đột Trường Sa luôn dừng lại trong phạm vi có thể kiểm soát. Tuy nhiên, việc phát hiện dầu khí ở biển Đông đã thay đổi triệt để tiến trình này.
Việc trắc lượng biển và nghiên cứu địa chất đáy biển ở Đông Hải (biển Hoa Đông) và biển Đông đã bắt đầu từ trước Thế chiến thứ hai, về mặt này Nhật Bản đã tích lũy không ít số liệu. Chỉ có điều vào lúc đó, việc khai thác dầu khí dưới đáy biển vẫn là chuyện ngoài tầm với, vì không có ai chuyên môn nghiên cứu lĩnh vực này. Sau Thế chiến thứ hai, việc khai thác dầu khí dưới biển trở nên khả thi, thăm dò dầu khí ở đáy biển dần trở thành điểm nóng của giới khoa học và giới công nghiệp. Ở biển Hoa Đông và biển Đông, công trình có liên quan đến dầu khí ở đáy biển sớm nhất có khả năng là “Sự phân bố của các trầm tích tầng đá lục địa ở Đông Á” do các nhà địa chất học Mĩ F. P. Shepard, K.O. Emery và H.R. Gould công bố năm 1949. Tuy nhiên, trọng tâm nghiên cứu ở biển Đông của báo cáo này vẫn là tầng trầm tích đáy biển ven bờ bán đảo Đông Dương, chưa có nhiều nghiên cứu về địa chất vùng xa bờ biển Đông, công nghệ được sử dụng chưa đủ để khẳng định ở đáy biển Đông có dầu hay không. Sau đó, K.O. Emery chuyển sang nghiên cứu địa chất ở bang California của Mĩ và vịnh Ba Tư (Persian Gulf)). Đến cuối những năm 1950, ông đã trở thành giáo sư địa chất biển, Học viện Công nghệ Massachusetts, và bắt đầu quan hệ hợp tác lâu dài với giáo sư Hiroshi Niino ở Khoa Địa chất, Đại học Thuỷ sản Tokyo, cùng nhau tiến hành khảo sát địa chất đáy biển Hoa Đông và biển Đông. Ngay từ những năm 1930, Hiroshi Shinno đã tham gia nghiên cứu địa chất biển trên khắp Nhật Bản, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và số liệu về địa lí địa chất khu vực này. Sự hợp tác của hai người nhanh chóng mang lại kết quả. Tháng 10/1955, họ cùng nhau nộp một bài viết có tên là “Đá trầm tích vùng biển cạn của biển Hoa Đông và biển Đông”, được công bố trên tạp chí học thuật của Mĩ là “Tập san Hội Địa lí học Hoa Kì” vào tháng 5/1961. Qua nghiên cứu hơn 1 000 mẫu đất đá gần bờ của vùng bờ biển kéo dài từ Hoàng Hải đến vịnh Bắc Bộ, bài báo đã thảo luận cấu tạo địa chất của Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông, đưa ra giả thuyết ở nơi giáp giới của Hoàng Hải và biển Hoa Đông cũng như phần trung tâm của vịnh Bắc Bộ có thể có trầm tích cacbon hữu cơ (tức dầu mỏ). Bài viết này được cho là bài viết sớm nhất cho rằng đáy biển Hoa Đông và biển Đông có dầu mỏ dựa vào số liệu thực nghiệm của khảo sát thực tế (chứ không phải là chỉ là lí luận và suy đoán).
Kết quả nghiên cứu này đã khơi ra một loạt hoạt động khảo sát tiếp sau. Năm 1958, Hội nghị hải dương thứ nhất của Liên Hợp Quốc đã lập ra 4 công ước lớn như “Công ước thềm lục địa” (xem V.2), đã thúc đẩy thêm một bước việc khảo sát tài nguyên thềm lục địa biển Đông. Ở phía biển Đông có hai lực lượng khảo sát quan trọng nhất – Cục Đo đạc biển của hải quân Mĩ và Liên Hợp Quốc.
Hải quân Mĩ chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cuộc chiến chống tàu ngầm mà khảo sát địa hình đáy biển, đồng thời cũng mong muốn nhân tiện thu được nhiều hơn tư liệu có ích về địa chất. Trong những năm 1960, Hải quân Hoa Kì đã tiến hành nghiên cứu thường xuyên và liên tục về địa từ và sóng địa chấn ở biển Hoa Đông và biển Đông, và đã đạt được những tiến bộ đáng kể và thu được nhiều dữ liệu có ích. Hành động chủ yếu bao gồm: năm 1961, tàu khảo sát “Pioneer” được phái đi khảo sát tổng hợp về hải dương biển Đông; Năm 1966, tàu “Likhoboff” được cử đi khảo sát địa chất thuỷ văn và lực từ ở biển Đông; năm 1967, “Dự án Địa từ” được tổ chức để tiến hành đo đạc từ tính hàng hải quy mô lớn ở biển Đông và phía Bắc thềm lục địa quần đảo Sunda, mặt cắt từ tính hàng hải quần đảo Hoàng Sa, Macclesfield (Trung Sa) và Trường Sa; tháng 9/1967 đến tháng 2/1968, cùng với Việt Nam, Thái Lan, Malaysia tiến hành quan trắc hàng hải theo mặt cắt với chiều dài 20 000 km ở biển Đông.
Tuy nhiên, bên thăm dò biển Đông quan trọng hơn là Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc không lâu đã thành lập Uỷ Ban Kinh tế Châu Á và Viễn Đông (Economic and Social Commission for Asia and the Far East, ECAFE), năm 1974 đổi tên là Uỷ ban Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, ESCAP), như là tổ chức điều phối thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở Viễn Đông. Dựa trên thành quả khảo sát của K.O. Emery cũng như một số nghiên cứu tiếp sau đó (chủ yếu là bắt nguồn từ tư liệu địa từ công khai của hải quân Mĩ), cần một tổ chức có tính khu vực để cùng khai thác. Vì vậy, vào năm 1966 Liên Hợp Quốc đã thành lập cơ quan chung CCOP (Committee for the Coordination of Join Prospecting for Mineral Resources in Asian Offshore Area: Uỷ ban điều phối các hoạt động thăm dò chung về tài nguyên khoáng sản ở khu vực ngoài khơi châu Á) để cùng chia sẻ số liệu đo đạc đáy biển, điều hợp việc khảo sát tài nguyên khoáng vật dầu mỏ ở vùng biển Đông Á. Nước thành viên ban đầu có Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Philippines, sau đó là Mĩ, Anh, Pháp và Tây Đức gia nhập với tư cách là nước cố vấn hoặc điều phối. Tiếp sau đó, Thái Lan, Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt), Campuchia, Malaysia và Indonesia cũng lần lượt gia nhập. Do đó, Uỷ ban này đã trở thành cơ quan chính thức khảo sát tài nguyên dầu mỏ biển Hoa Đông và biển Đông.
Ở biển Hoa Đông, từ tháng 10 đến tháng 11/1968, CCOP tổ chức đoàn khảo sát liên hợp 4 bên Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tiến hành khảo sát quy mô lớn hơn trên biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Báo cáo điều tra chỉ ra thềm lục địa biển Hoa Đông và đáy biển Hoàng Hải có rất nhiều khả năng có dầu và khí thiên nhiên; còn khu vực giữa Nhật Bản và Đài Loan, tức vùng biển gần đảo Điếu Ngư (Senkaku) thì có tiềm năng trở thành khu vực khai thác dầu khí có trữ lượng phong phú tầm cỡ thế giới. Điều này đã gây ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với đảo Điếu Ngư.
Ở biển Đông, vào năm 1968 CCOP cũng nộp một báo cáo khác, chỉ ra rằng vùng ven bờ và vùng biển lân cận của Việt Nam, vùng biển phía Đông và phía Nam của quần đảo Trường Sa chứa đựng tài nguyên dầu khí phong phú.
Thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/1969, tàu khảo sát “Hunter” của Mĩ dưới sự chỉ huy của Viện Nghiên cứu Hải dương Hoa Kì, đã tiến hành khảo sát 5 lần ở khu vực biển Đông. Báo cáo khảo sát cho thấy vùng biển này chủ yếu là các núi có đáy là đá magma, giữa các ngọn núi đều có bồn trũng do trầm tích hình thành, có khả năng chứa khối lượng lớn dầu khí. Những báo cáo này, đã kích thích thêm một bước các nước tăng tốc việc kiểm soát chủ quyền đối với các đảo biển Đông.
Những hoạt động đo đạc này dường như cùng lúc với việc các nước Đông Nam Á nối tiếp nhau đưa ra yêu sách thềm lục địa và phân định vùng biển: năm 1961, Philippines công bố Luật đường cơ sở lãnh hải (xem IV.8); năm 1966, Malaysia công bố Luật thềm lục địa (xem IV.11); năm 1967, Nam Việt Nam tuyên bố thềm lục địa và tài nguyên thềm lục địa thuộc quyền quản lí riêng của Việt Nam (xem IV.9); năm 1968, Philippines tuyên bố phạm vi thềm lục địa (xem IV.8); năm 1968, Indonesia và Malaysia đạt được thỏa thuận phân định vùng biển (xem IV.11); năm 1970, Nam Việt Nam công bố “Luật dầu khí” (xem IV.9)... Cuộc tranh giành biển Đông giữa các nước bước vào giai đoạn mới.
IV.8 Philippines chiếm đóng quần đảo Trường Sa
Công bố luật lãnh hải
Philippines đi đầu trong vòng mới của cuộc chiến tranh giành các đảo với việc ban hành luật lãnh hải. Với tư cách là một quốc gia quần đảo, Philippines dốc hết sức vào cuộc tranh giành quyền lợi biển. Năm 1958 Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị về Luật biển lần thứ nhất, và kí “Công ước Luật biển Geneva”, Công ước này cấu thành từ 4 hiệp ước, lần lượt là “Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp”, “Công ước về Thềm lục địa”, “Công ước về Hải phận Quốc tế” và “Công ước về Nghề cá và Bảo tồn tài nguyên sống ở vùng biển quốc tế”. Sau khi kí, Philippines là một trong những nước phê chuẩn sớm nhất (cũng là một bên kí Công ước nhưng mãi đến sau khi xảy ra tranh chấp đảo Điếu Ngư, Đài Loan mới phê chuẩn). Ngày 17/6/1961, Tổng thống Garcia ban hành luật số 3046 “Luật xác định đường cơ sở của lãnh hải của Philippines” (Republic Act No. 3046, Act for define the baseline of the territorial sea of the Philippines, June 17, 1961), quy định vùng biển Philippines bao gồm vùng nội thuỷ và lãnh hải, và đã xác định rõ đường cơ sở lãnh hải (Hình 29):
Xét thấy các hiệp ước trên quy định vùng nước bên trong biên giới đều thường được xem là một bộ phận vùng biển của quần đảo Philippines;
Xét rằng tất cả vùng nước bao quanh, đan xen và liên kết giữa các đảo của quần đảo Philippines, bất kể bề rộng hoặc diện tích lớn nhỏ của chúng thường được cho là bộ phận phụ thuộc tất yếu của lãnh thổ đất liền, cấu thành một bộ phận vùng nước nội địa (inland) hoặc nội bộ (internal) của lãnh thổ Philippines;
Xét rằng vùng nước ở ngoài các đảo xa nhất của quần đảo nhưng nằm trong phạm vi biên giới mà các hiệp ước kể trên quy định tạo thành lãnh hải Philippines;
Xét rằng đường cơ sở của lãnh hải của Philippines đã được xác định là các đường thẳng nối các điểm cơ sở thích hợp của các đảo liên tiếp ngoài cùng tạo thành;
Trước khi các bên liên quan có thể có được thông tin, cái gọi là đường cơ sở nói trên cần được làm sáng tỏ, xác định và mô tả cụ thể.
Hình 29: Đường cơ sở lãnh hải của Philippines
Philippines còn đưa ra tọa độ của các điểm cơ sở rất chi tiết. Như hình 29 cho thấy, theo luật này, bên trong đường cơ sở (đường liền nét) là nội thuỷ của Philippines, vùng biển ngoài đường cơ sở nhưng trong đường ranh giới của hiệp định (đường chấm vạch) là lãnh hải của Philippines. Đáng để chỉ ra là đường cơ sở lãnh hải của Philippines khi đó không bao gồm quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough (đảo Hoàng Nham), chúng cũng đều ở ngoài đường giới hạn lãnh hải (tức đường phân định của hiệp ước) (một phần của một số bãi ngầm thuộc Trường Sa nằm trong đường phân định của hiệp ước, ở đây không đi sâu nghiên cứu).
Nguyên nhân khiến bãi Scarborough không được bao gồm vào có thể là do sau khi ban bố Luật này Philippines mới cắm cờ, bắt buôn lậu và tiễu phỉ ở bãi Scarborough (xem phần sau). Nguyên nhân không bao gồm quần đảo Trường Sa có thể là do chú ý đến quan hệ quốc tế. Điều này cũng lại một lần nữa cho thấy rằng Garcia tương đối biết giữ chừng mực.
Luật này có thể xem là di sản cuối cùng mà Garcia để lại cho quyền lợi biển của Philippines. Mấy tháng sau, ông ta bị thua trước Macapagal của Đảng Tự do cánh tả (Diosdado Pangan Macapagal, cha của Tổng thống Arroyo sau này) trong cuộc tổng tuyển cử. Macapagal không có nhiều hành động cho biển Đông. Nhưng 4 năm sau đó (ngày 30/12/1965) Ferdinand Marcos lên nắm quyền, tình hình biển Đông lại có sự thay đổi. Marcos và Garcia đều thuộc Đảng Quốc dân phe hữu. So với Garcia, ông ta chống cộng kiên quyết hơn.
Tháng 10/1966, để đối phó với chiến tranh Việt Nam, ông ta đã chủ trì hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á tại Manila, lấy lí do ủng hộ quân Mĩ, ông đã phái quân Philippines đến Việt Nam, khiến cho quan hệ đồng minh với Mĩ càng trở nên thân thiết hơn. Cuối nhưng năm 1960, phong trào cộng sản vũ trang trỗi dậy và phát triển, Quân đội Nhân dân Mới hình thành; học sinh phe tả cũng chịu ảnh hưởng của phong trào cánh tả, phát động Phong trào Bão tố Quý I (First Quarter Storm); các phần tử chủ nghĩa ly khai Hồi giáo ở miền Nam cũng tăng cường hoạt động vũ trang. Trong tình hình này, trong nhiệm kì thứ hai (ngày 21/9/1972), Marcos tuyên bố lệnh giới nghiêm, huỷ bỏ quy định chỉ được phục vụ hai nhiệm kì liên tiếp theo Hiến pháp ban đầu, thậm chí lấy lí do lệnh giới nghiêm để huỷ bỏ bầu cử Tổng thống, đi theo con đường độc tài. Philippines dưới sự lãnh đạo của ông, cùng với lợi ích dầu mỏ, và thêm lí do chống cộng và chủ nghĩa dân tộc, chính phủ đã bắt đầu đưa chính sách mới cho Trường Sa lên hàng đầu.
Ngày 20/3/1968, Philippines ra Tuyên cáo số 370, tuyên bố rằng tất cả khoáng vật và tài nguyên thiên nhiên khác ở đáy biển và trên tầng đất cái ở tất cả thềm lục địa giáp Philippines, bao gồm phạm vi biển từ ngoài khu vực lãnh hải Philippines đến nơi có độ sâu cho phép khảo sát những tài nguyên này, bao gồm các vùng biển lân cận có các giống sinh vật sống định cư, đều thuộc sự quản lí và kiểm soát của Philippines. Thông qua lệnh này, thềm lục địa mà Philippines có thể kiểm soát hợp pháp vượt ra ngoài ranh giới của hiệp ước, đặt nền tảng pháp lí cho việc mở rộng hơn nữa các quyền ở biển Đông.
Chiếm đóng quân sự
Đồng thời, Philippines cũng bắt đầu có hoạt động mới ở Trường Sa. Ngày 5/4/1968, Philippines phái tàu chiến đến gần đảo Ba Bình, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tàu chiến Philippines tiến vào biển Đông. Quân trú đóng Đài Loan hết sức kinh hãi, phát đèn tín hiệu tra hỏi không nhận được trả lời. Quân Đài Loan phải bắn chỉ thiên cảnh cáo thì tàu Philippines mới rời đi. Sau khi biết tin, Bộ Quốc phòng Đài Loan quyết định: (1) khi có sự kiện tương tự như vậy thì cố khuyên giải họ rời đi; (2) phải báo với Bộ Ngoại giao, nhưng tránh dùng công hàm chính thức để thông báo cho chính phủ Philippines nhằm tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Theo chỉ thị này, tùy viên quân sự ở Đại sứ quán tại Philippines đã đề xuất với hải quân Philippines rằng nếu sau này tàu chiến Philippines muốn đến gần quần đảo Trường Sa thì cần phải thông báo cho phía Đài Loan trước để tránh hiểu nhầm. Phía Philippines trả lời, nói với phía Đài Loan rằng Philippines hiện đang giải quyết vấn đề Sabah, không hề để ý đến Trường Sa.
Nhưng chẳng bao lâu, Philippines lại chính thức ra tay hành động. Ngày 23/8/1970, Philippines phái tàu chiến chiếm đảo Vĩnh Viễn (Mã Hoan, đặt tên là Lawak) và cử quân đóng lại trên đảo, ngày 14/4/1971 chiếm đảo Loại Ta (Nam Thược, đặt tên là Kota Island); ngày 18/4/1971 chiếm đóng đảo Thị Tứ (Trung Nghiệp, đặt tên là Pagasa Island), trên hai đảo này đều cử quân trú đóng, những hành động này đều được thực hiện lặng lẽ, Đài Loan và Bắc Kinh khi đó đều hầu như không biết gì về việc này.
Lúc này, Philippines bước vào mùa tranh cử Quốc hội, nhằm tạo cao trào trong dư luận, lãnh đạo Đảng Tự do đối lập là Ramon V. Mitra đã có bài phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội ngày 7/7/1971, nói rằng ông lái du thuyền đi câu cá ở vùng biển phía tây Palawan vào cuối tuần trước, và hai lần bị đại bác tầm xa từ hướng “Lãnh thổ Tự do” (tức Trường Sa) bắn tới. Ông dùng ống nhòm quan sát về phía pháo bắn, phát hiện có “quân nước ngoài” trú đóng trên một hòn đảo. Sau đó ông ta đi máy bay tư nhân quan sát, xác nhận đảo này là đảo Vĩnh Viễn, trên đảo có quân Trung Hoa Dân Quốc đóng.
Trên thực tế, nội dung phát biểu của Mitra chỉ là hư cấu, ông ta là người Palawan, khu vực tuyển cử cũng tại Palawan, có thể ông tương đối hiểu rõ việc ở Trường Sa nên đã thêu dệt ra câu chuyện “đi câu cá bị bắn pháo” để tạo ra điểm nóng. Thực ra, đóng trên đảo Vĩnh Viễn khi đó không phải quân Trung Hoa Dân Quốc mà là quân Philippines. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines biết tin, đã lập tức phái người đi điều tra, cũng xác nhận không có sự kiện bắn pháo nào.
Nhưng sự việc này đã mang đến cho Philippines một cơ hội ngoại giao. Ngày 8/7, Ngoại trưởng Philippines Carlos P. Rómulo triệu tập Đại sứ Đài Loan tại Philippines Tôn Bích Kì, nói rằng sự kiện bắn pháo tuy là không có thật, nhưng nếu quân trú đóng của Đài Loan ở Trường Sa tùy tiện nổ súng thì không tránh khỏi bị nghi ngờ là khiêu khích; Tổng thống Marcos cho rằng Trường Sa cách Đài Loan rất xa, không ảnh hưởng an ninh Đài Loan, yêu cầu Đài Loan rút quân đóng giữ trên đảo. Tôn Bích Kì trả lời Trường Sa là lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc, đóng quân ở đó có lợi cho quốc phòng của Philippines.
Thái độ của Tôn Bích Kì không thể ngăn cản Philippines có thêm hành động tiếp. Ngày 10/7, Marcos tổ chức Hội nghị an ninh quốc gia, bao gồm chủ tịch hai viện, các lãnh đạo quan trọng của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Quân đội cũng tham gia Hội nghị. Sau Hội nghị, Marcos chính thức tuyên bố rằng ông đã phê chuẩn công hàm ngày 8/7 do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề xuất yêu cầu Đài Loan rút quân khỏi Trường Sa, đồng thời tuyên bố đã đóng quân ở trên 3 đảo chính của Trường Sa (tức 3 đảo nhắc đến ở trên). Hội nghị an ninh quốc gia cho rằng quần đảo Trường Sa sau Thế chiến thứ hai là đất uỷ trị của Đồng minh, tiếp giáp với lãnh thổ Philippines, nếu để mặc cho quân đội nước ngoài chiếm đóng sẽ tạo thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Marcos còn cho rằng theo luật quốc tế thì tư nhân không thể có được chủ quyền lãnh thổ một cách hợp pháp, cho nên trên thực tế Lãnh thổ Tự do của Cloma đã chuyển nhượng cho chính phủ Philippines. Ngoài ra, Luật Dầu khí của Philippines đã quy định tất cả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên khoáng sản phát hiện ở thềm lục địa Philippines đều thuộc chính phủ Philippines, mà quần đảo Trường Sa ở ngay trên thềm lục địa của Philippines. Sau Hội nghị an ninh, với đề xuất của nhóm Mitra, Quốc hội Philippines lập tức thông qua nghị quyết cấp 1 triệu Peso để khai thác quần đảo Trường Sa.
Ngoài việc đưa ra kháng nghị, Đài Loan không có cách ứng phó nào khác. Ngay cả trong Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 6 Hội đồng châu Á Thái Bình Dương tổ chức từ ngày 14 đến 16/7 tại Manila, để tránh ảnh hưởng đến sự đoàn kết của các nước, Đài Loan đã chọn không đưa vấn đề này ra thảo luận trong cuộc họp. Ngay trước Hội nghị vào ngày 13, một thông cáo chung được đưa ra, tuyên bố rằng hai bên có quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa, nhưng cả hai đều sẵn sàng giải quyết theo cách hòa bình. Cùng ngày, Nam Việt và Trung Hoa cộng sản cũng ra tuyên bố, phản đối đòi hỏi chủ quyền của Philippines đối với Trường Sa. Ngày 18/7, Marcos tuyên bố Lãnh thổ Tự do mà Philippines chiếm đóng không thuộc quần đảo “Spratly”. Rõ ràng, Philippines cũng tiếp tục giả vờ nhầm lẫn về vấn đề địa danh (xem IV.2).
Năm 1971, tình hình thế giới có nhiều biến động. Để chống lại Liên Xô, Mĩ và Trung Hoa cộng sản đã tiến hành “ngoại giao bóng bàn” vào tháng 4/1971, sau đó cố vấn an ninh quốc gia Kissinger bí mật thăm Trung Quốc làm tan băng quan hệ Trung-Mĩ.
Tháng 7/1971, Trung Hoa cộng sản tích cực tìm cách giành địa vị đại diện hợp pháp của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc. Ngày 15/7, tại Đại đồng Liên Hợp Quốc, Albania cùng 17 nước khác đề xuất vấn đề “khôi phục quyền lợi hợp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại tổ chức Liên Hợp Quốc” vào chương trình nghị sự của Đại hội Liên Hợp Quốc khóa 26.
Ngày 25/9, 23 nước đưa ra dự thảo nghị quyết, yêu cầu “thừa nhận đại diện của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại tổ chức Liên Hợp Quốc, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một trong 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an, quyết định khôi phục tất cả quyền lợi của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thừa nhận đại diện chính phủ của họ là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, đồng thời trục xuất ngay đại diện của Tưởng Giới Thạch ra khỏi ghế mà họ chiếm giữ phi pháp ở tổ chức Liên Hợp Quốc và tất cả tổ chức dưới quyền”. Trong cuộc biểu quyết ngày 25/10, dự thảo (sửa đổi) được thông qua với tỉ lệ lớn với 76 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 17 phiếu trắng, thành Nghị quyết số 2758. Từ đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chính thức thay thế Trung Hoa Dân Quốc trong tư cách là đại diện của Trung Quốc..
Trong mấy tháng này, Trung Hoa Dân Quốc bị công kích nặng nề về ngoại giao, và đã cố hết sức để giải quyết vấn đề ghế tại Liên Hợp Quốc.
Philippines nhân cơ hội đưa ra vấn đề Trường Sa, ngoài việc bày tỏ kháng nghị và phản đối, thực tế Đài Loan hoàn toàn không có cách nào phản ứng mạnh hơn. Trọng điểm ngoại giao của Trung Hoa cộng sản là sự công nhận của quốc tế, nên vấn đề này cũng nằm ngoài tầm chú ý của họ.
Còn Nam Việt cũng đang có chiến tranh. Lợi dụng các bên không có thời gian chú ý đến, ngày 30/7 Philippines lại lần nữa điều tàu chiến, chiếm đóng đảo Bến Lạc (Tây Nguyệt, đặt tên là Likas) và đảo Song Tử Đông (Bắc Tử, đặt tên là Parola). Như vậy đến tháng 8/1971, Philippines đã chiếm tổng cộng 5 đảo ở Trường Sa, và đóng quân trên toàn bộ các đảo này. Theo nguồn tin của Đài Loan, ngày 29/7, chi đội hải quân (chiến đội tàu chở chiến xa đổ bộ Thái Hồ, Thái Khang và Trung Túc - đại đội tăng cường) phát hiện quân Philippines đang đổ bộ lên đảo Trung Mĩ (Thị Tứ).
Chi đội trưởng Thượng tá Hách Đức Vân chuẩn bị tiến công giành lại nhưng nhận được mệnh lệnh không cho phép khiêu chiến. Ngày 26/10, một ngày sau khi Đài Loan rời khỏi Liên Hợp Quốc, Tổng Tham mưu trưởng Philippines Manuel T. Yan thông báo rằng ngày 23/10, tàu khu trục số 25 và 34 của hải quân Đài Loan thử phái người nhái đổ bộ lên đảo Thị Tứ (Trung Nghiệp) nhưng thất bại vì bị quân trú đóng Philippines chống trả; ngày 26/10 cũng có tàu hải quân Đài Loan thử đổ bộ lên đảo Loại Ta (Nam Thược), cũng bị quân trú đóng Philippines chống lại. Ông tuyên bố, Philippines đã kiểm soát 6 đảo của Trường Sa (ngoài 5 đảo kể trên còn có đảo Song Tử Tây (Nam Tử)), đồng thời tuyên bố hễ đảo nào có quân đội Đài Loan đóng giữ, Philippines đều không đến gần, nhưng mong muốn Đài Loan cũng không tiếp cận các đảo mà quân Philippines chiếm giữ.
Sửa đổi Hiến pháp
Đồng thời với chiếm đóng quân sự, Philippines cũng tiến hành công tác pháp luật. Khi đó Philippines sử dụng Hiến pháp năm 1935.
The Philippines comprises all the territory ceded to the United States by the Treaty of Paris concluded between the United States and Spain on the tenth day of December, eighteen hundred and ninety-eight, the limits which are set forth in Article III of said treaty, together with all the islands embraced in the treaty concluded at Washington between the United States and Spain on the seventh day of November, nineteen hundred, and the treaty concluded between the United States and Great Britain on the second day of January, nineteen hundred and thirty, and all territory over which the present Government of the Philippine Islands exercises jurisdiction.
(Philippines bao gồm tất cả lãnh thổ được nhượng lại cho Mĩ theo Hiệp ước Paris được kí kết giữa Mĩ và Tây Ban Nha ngày 10 tháng 12 năm 1898, ranh giới được đề cập trong điều 3 của hiệp ước này cùng với tất cả các đảo được nêu ra trong hiệp ước được kí kết tại Washington giữa Mĩ và Tây Ban Nha vào ngày 7 tháng 11 năm 1900, và trong hiệp ước được kí kết giữa Mĩ và Anh ngày 2/1/1930, và tất cả lãnh thổ mà Chính phủ quần đảo Philippines hiện nay đang thực thi quyền lực pháp lí”.)
Trong điều này, lãnh thổ Philippines có phạm vi được quy định trong các hiệp ước (đều không bao gồm Trường Sa), cũng như những vùng đất mà chính phủ lúc đó (chỉ thời kì 1935) thực thi quyền tài phán (nhưng khi đó Philippines không hành xử quyền tài phán ở Trường Sa), nên trong Hiến pháp này, Trường Sa đã bị loại trừ. Vì vậy, Philippines cần phải sửa đổi Hiến Pháp mới tiện đưa Trường Sa vào.
Bắt đầu từ năm 1970 Philippines tiến hành soạn thảo Hiến pháp, dù mục đích chủ yếu nhất không phải để sửa đổi phạm vi lãnh thổ mà là thay đổi chế độ Tổng thống thành chế độ Quốc hội, nhưng họ cũng muốn nhân cơ hội này để giải quyết luôn vấn đề pháp lí của lãnh thổ. Ngày 26/7/1971, dân biểu Jose de Venecia Jr. đề xuất đưa Lãnh thổ Tự do vào trong phạm vi lãnh thổ của Hiến pháp mới. Còn Chủ tịch Uỷ ban Lãnh thổ Quốc gia (Committee on National Territory) thậm chí chủ trương đưa Lãnh thổ Tự do, Sabah (Malaysia), quần đảo Mariana (Mĩ), đảo Guam (Mĩ) và đảo Bataan vào trong Hiến pháp. Tuy nhiên, do cách làm thế này liên quan quá nhiều đến quan hệ ngoại giao, điều khoản sửa đổi lãnh thổ quốc gia thông qua ngày 17/2/1972, đã sử dụng hình thức diễn tả chiết trung và mơ hồ:
The national territory comprises the Philippine archipelago, with all the islands and waters embraced therein, and all the other territories belonging to the Philippines by historic or legal title, including the territorial sea, the air space, the subsoil, the sea-bed, the insular shelves, and the submarine areas over which the Philippines has sovereignty or jurisdiction. The waters around, between, and connecting the islands of the archipelago, irrespective of their breadth and dimensions, form part of the internal waters of the Philippines.
(Lãnh thổ quốc gia bao gồm quần đảo Philippines, với tất cả các đảo và vùng nước bao bọc trong đó, và tất cả các lãnh thổ khác thuộc về Philippines qua sở hữu (danh nghĩa) lịch sử hoặc pháp lí, bao gồm lãnh hải, vùng trời, đất dưới lòng đất, lòng biển, các thềm đảo và các khu vực ngầm mà Philippines có chủ quyền hoặc quyền tài phán. Vùng nước xung quanh, giữa và nối các đảo của quần đảo, bất kể bề rộng và kích thước của chúng, tạo thành một phần nội thuỷ của Philippines.)
Theo đó, lãnh thổ Philippines hoàn toàn không dùng hình thức liệt kê, nhưng cũng không giới hạn trong phạm vi mà các hiệp ước quy định. Vì vậy, chính phủ Philippines sẽ có thể tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ không phải là một phần của Philippines trong hiến pháp ban đầu.
Chuyển nhượng nước Lãnh thổ Tự do (Freedomland)
Trở ngại pháp luật thứ hai là tranh chấp với nước FreedomLand của Cloma. Cho dù Marcos tuyên bố FreedomLand đã chuyển nhượng cho Philippines nhưng trên thực tế khi đó không có cái gọi là quá trình chuyển nhượng. Cloma cũng cho rằng mặc dù trước đó ông ta từng yêu cầu đặt FreedomLand dưới sự bảo hộ của Philippines, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chuyển nhượng, hơn nữa chính phủ Philippines cũng không bày tỏ thái độ rõ ràng. Ngày 30/9/1973, trong một buổi tọa đàm Cloma còn tuyên bố: nếu như chính phủ Philippines tôn trọng quyền tự chủ của ông ta đối với Freedomland, ví dụ treo cờ của Freedomland, lập cột mốc ranh giới, khai thác tài nguyên khoáng sản..., thì ông ta sẽ bằng lòng kí hiệp định với chính phủ Philippines, chuyển giao chủ quyền của Freedomland cho Philippines với những điều kiện nào đó. Khai thác tài nguyên khoáng sản ở đây là chỉ việc Cloma từng cấp một số “giấy phép chuyển nhượng khai thác mỏ”, cũng như việc tiếp xúc với một công ti dầu khí Mĩ về công việc có liên quan đến khai thác dầu khí dưới đáy biển theo như ông tuyên bố. Tại Quốc hội Lập hiến, Cloma tiếp tục chỉ trích chính phủ Philippines lấy danh nghĩa bảo hộ mà trên thực tế lại trợ giúp các nhân viên tiến hành thăm dò dầu khí và người “chiếm đoạt” đất đai ở khu vực này, đã xâm phạm quyền lợi của Freedomland, đồng thời ông lấy danh nghĩa “nguyên thủ của Freedomland” gửi điện cho Marcos, tố cáo “hành vi phi pháp” này.
Nhưng chính phủ Philippines không hề để ý đến yêu sách này của Cloma. Tháng 3/1972, Uỷ ban Sử dụng hòa bình đáy biển Liên Hợp Quốc (The UN Committee on the peaceful uses of the seabed and the ocean floor) tổ chức hội nghị lần thứ 72. Đại biểu Trung Quốc đề xuất rằng chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa là thuộc về Trung Quốc, và yêu cầu Uỷ ban đưa điều này vào biên bản. Quyền Ngoại trưởng Philippines đã đưa ra tuyên bố ngay tại chỗ với các bảo lưu, và cũng yêu cầu Uỷ ban đưa vào biên bản: Philippines có chủ quyền đối với 53 đảo, đá của Freedomland, đồng thời tuyên bố những đảo, đá này đã nằm trong sự chiếm đóng và kiểm soát hiệu quả của Philippines, sự chiếm đóng này là công khai và độc quyền (which is open and adverse to all claims); ông ta đồng thời cũng công kích yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa của Trung Quốc (chỉ Trung Quốc Cộng sản), dẫn đến sự công kích kịch liệt của Trung Quốc.
Xét thấy Philippines ngày càng có xu hướng không chú ý đến chính mình cũng như lo lắng bị Trung Quốc tấn công, Cloma quyết định chủ động giải quyết vấn đề tình trạng của Freedomland. Ngày 29/3/1972, Cloma thông qua bạn của mình – vốn là cựu quan chức ngoại giao Dr. Juan Arreglado, ra tuyên bố biểu thị rằng Cloma sẵn sàng tiến hành đàm phán về việc thiết lập quan hệ bảo hộ giữa Freedomland với chính phủ Philippines. Arreglado thì tuyên bố đã đề nghị đàm phán với Chủ tịch Quốc hội Philippines, mục đích là để cho Freedomland sớm trở thành nước được bảo hộ (protected state) của Philippines, đồng thời cho rằng điều này là để được sự công nhận của quốc tế đối với chủ quyền của Philippines ở Trường Sa, cũng như đây là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Trường Sa. Nhưng chính phủ Philippines không trả lời.
Trung tuần tháng 4, để kỉ niệm 16 năm chuyến thám hiểm đầu tiên đến Freedomland, Croma có kế hoạch dẫn một nhóm người đến quần đảo Trường Sa để kiểm tra và ăn mừng. Do các đảo chính đều bị phía quân đội Philippines chiếm, hành động của nhóm Cloma bị ngăn lại, cuối cùng chỉ đành mất công quay về. Ngày 24/4, Cloma thành lập Uỷ ban Cố vấn (Advisory Council) của Chính phủ Freedomland do Arreglado đảm nhận chức Chủ tịch, cựu dân biểu Quốc hội Jose C .de Venecia đảm nhận chức Chủ tịch Danh dự, Luật sư Mena D. Teganas đảm nhận chức Bí thư. De Venecia đại diện Freedomland đề xuất với chính phủ Philippines hai việc: một là ủng hộ chủ quyền của Freedomland đối với Trường Sa; hai là chính thức kí thỏa thuận, giành được chủ quyền đối với Trường Sa từ Freedomland. Ngày 21/5, Cloma chính thức lên án Marcos đã xâm lược Freedomland với giới báo chí.
Đầu năm 1974, Cloma và Uỷ ban Cố vấn (đã đổi tên là Uỷ ban Tối cao -Supreme Council) soạn thảo Hiến pháp mới của Lãnh thổ Tự do, đề xuất tình trạng của Freedomland là “Đại Công quốc” (Principality), hoan nghênh nhân dân các nơi trên thế giới đến Đại Công quốc làm ăn sinh sống. Có nhiều người từ các nước châu Á, châu Âu đã gia nhập “Đại Công quốc”. Trong đó có một người là Thân vương Mariveles (Prince John B. de Mariveles). Lúc này, Marcos đã tiến hành đảo chính, thành lập chính phủ quân sự. Cloma năm đó 71 tuổi không thể không tăng nhanh hành động. Ngày 24/8, Đại Công quốc đã chuẩn bị văn kiện kế vị. Ngày 5/11, tại Manila, Cloma đã kí văn kiện (Documents 1096, Succession, 1974), từ bỏ chức Chủ tịch Đại Công quốc, đồng thời giao vị trí này cho Thân vương Mariveles. Đồng thời kí một văn kiện khác (số 1097) đổi tên Đại Công quốc thành Vương quốc Colonia (Kingdom of Colonia), do Thân vương Mariveles đảm nhận chức Quốc vương.
Sau khi biết được việc này Marcos ra lệnh bắt Cloma, đổng thời tống giam ông ta với tội danh “giả danh lừa bịp” cáo buộc ông ta từng tự xưng Đô đốc hải quân Philippines, lại mặc quân phục hải quân phi pháp. Trong ngục, Cloma bị ép buộc kí một bản chứng thư, bán Freedomland cho chính phủ Philippines với giá 1 Peso (Deed of Cession to Philippines President Marcos), chỉ sau đó mới được thả. Từ đó, Philippines đã “thanh toán” quan hệ phức tạp giữa hai bên về mặt pháp lí qua việc mua “Freedomland”. Tuy nhiên, do Văn kiện 1096 được kí trước, văn kiện mua bán được kí sau, hơn nữa Cloma kí văn kiện dưới sự cưỡng ép, văn kiện mua bán có hiệu lực hay không vẫn còn tranh cãi.
Có học giả cho rằng, sơ hở về pháp luật này có thể khiến Vương quốc Cloma đóng một vai trò nhất định trong giải quyết tranh chấp Trường Sa. Nhưng với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Cố vấn Freedomland, Arreglado lại cho rằng sự chuyển nhượng này là có hiệu lực. Tuy nhiên, thời điểm ông ta bày tỏ quan điểm này là ngay dưới chế độ độc tài của Marcos, mức độ xuất phát từ nhận thức riêng của ý kiến của ông ta vẫn đáng để khảo cứu.
“Chính phủ lưu vong” của Vương quốc Colonia lập tức dời đến đảo Labuan thuộc bang Sabah của Malaysia. Thống đốc bang Sabah đã tiếp đãi thân mật Thân vương Mariveles, đồng thời giới thiệu ông ta với chính phủ Malaysia. Chính phủ Malaysia được cho là từng mời vương quốc Colonia gia nhập Liên bang Malaysia, nhưng bị từ chối một cách lịch sự. Tuy vậy, vương quốc Colonia và chính phủ Malaysia vẫn duy trì quan hệ tốt, Malaysia cho phép chính phủ lưu vong cư trú tại Sabah, đồng thời cho phép công dân có “hộ chiếu” do chính phủ này cấp được xuất nhập cảnh. Colonia thì cung cấp cho Malaysia tư liệu về tài nguyên khoáng sản có liên quan của Trường Sa. Nghe nói điều này đã khiến Malaysia quan tâm đến Trường Sa, theoheo đó đã phái quân chiếm đóng đá Hoa Lau [Đạn Hoàn, Swallow Reef] (mặc dù thuộc quần đảo Trường Sa nhưng không trong phạm vi tuyên bố của Colonia). Năm 1981, Vương quốc đổi tên là Vương quốc Colonia St John (Kingdom of Colonia St John). Nghe nói sau đó còn thiết lập quan hệ lãnh sự với Costa Rica. Ở đây gác lại không trình bày thêm.
Trung Quốc ngầm đồng ý
Vấn đề thứ ba mà chính phủ Philippines gặp phải là sự ngầm thừa nhận của Trung Quốc. Liên tục trước nay Trung Quốc đều một mực cho rằng quần đảo Trường Sa là một bộ phận của Trung Quốc, đương nhiên do khoảng cách quá xa, nên nhất thời Trung Quốc khó có thể đe dọa trực tiếp quần đảo Nam Sa, nhưng sau khi Trung Quốc chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974 từ Nam Việt Nam, việc Trung Quốc kéo quân thẳng xuống phía Nam đã trở thành mối đe dọa thực tế. Hơn nữa, lập trường không chịu giúp đỡ Nam Việt về quân sự của Mĩ khiến Philippines càng thêm lo lắng (xem IV.9). Ngoại trưởng Philippines Rómulo chuyển giao yêu sách đối với Trường Sa của Trung Quốc cho Đại sứ Mĩ tại Philippines William H.Sullivan. Sullivan lập tức yêu cầu Bộ Ngoại giao làm rõ cam kết quốc phòng đối với Philippines, tức là liệu phạm vi áp dụng của “Hiệp ước Phòng thủ chung Mĩ-Philippines” có bao gồm Trường Sa hay không. Sau khi bàn bạc với các phụ tá, Kissinger quyết định không chủ động đưa ra cam kết đối với việc phòng vệ quần đảo Trường Sa. Năm 1976, khi Philippines bị Trung Quốc phản đối khai thác mỏ ở bãi Cỏ Rong (Lễ Nhạc), Marcos đã chủ động yêu cầu Mĩ làm rõ liệu phạm vi sử dụng của “Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mĩ và Philippines” có bao gồm quần đảo Nam Sa hay không. Nhưng nhiều lần cố gắng, cuối cùng phía Mĩ đồng ý đưa ra cam kết rằng “Hiệp ước Phòng thủ chung Mĩ-Philippines” chỉ áp dụng thích hợp với máy bay, tàu chiến... của Philippines hoạt động ở bãi Cỏ Rong, tiền đề của nó phù hợp với quy định “giải quyết hòa bình tranh chấp và kiềm chế sử dụng vũ lực” của Điều 1 trong “Hiệp ước Phòng thủ chung Mĩ-Philippines”.
Do Mĩ không muốn giúp đỡ Philippines phòng vệ Trường Sa, với quân đội rất nhỏ yếu của mình, nếu Trung Quốc cực lực phản đối, Philippines khó duy trì sự chiếm đóng và khai thác ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, tình hình thế giới vào những năm 1970 với Trung Quốc và Đài Loan tranh giành sự công nhận của quốc tế lại đem đến cho Philippines thời cơ tốt.
Sau năm 1949, Trung Quốc đã nhiều lần triển khai tuyên truyền chống Philippines, bao gồm phát tán sản phẩm tuyên truyền và phát thanh... Cùng với sự đối đầu Trung-Xô, đặc biệt là sau khi Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc năm 1968, và sau trận chiến đảo Trân Bảo (Damansky Island) giữa Liên Xô và Trung Quốc năm 1969, Trung Quốc càng tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước phương Tây để phá vỡ thế cô lập ngoại giao lâu nay. Về phía Philippines, khi Philippines bị bão vào năm 1970, Trung Quốc đã tặng cho Philippines thực phẩm đồ hộp trị giá 80 000 USD, mở ra cánh cửa tiếp xúc trực tiếp giữa Trung Quốc với Philippines. Cùng với sự tan băng quan hệ Trung-Mĩ và việc Trung Quốc giành được ghế ở Liên Hợp Quốc, sự qua lại giữa Trung Quốc và Philippines được tăng cường thêm một bước. Năm 1971, trong bài phát biểu về tình hình trong nước, Marcos nhấn mạnh rằng Philippines cần tìm kiếm một lộ trình thực tế và tăng cường quan hệ buôn bán với phe Liên Xô. Ngoại trưởng Rómulo cũng mong muốn tìm kiếm việc thiết lập quan hệ với phe cộng sản. Nhưng so với các nước phương Tây, Philippines có liên hệ chặt chẽ với Đài Loan, hơn nữa trong nước có vấn đề thực tế là số lượng lớn “Hoa kiều” chưa gia nhập quốc tịch. Do đó, cũng khó mà thiết lập quan hệ với Trung Quốc ngay được.
Đầu những năm 1970, Philippines đã cử mấy đoàn đại biểu thăm Trung Quốc, đều thu được nhiều kết quả, khiến Philippines phải cân nhắc kĩ hơn vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Nhưng trong thời gian này, Philippines vẫn duy trì cách tiếp cận “hai Trung Quốc”, tức là đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với cả Bắc Kinh lẫn Đài Loan. Sau khi quan hệ Trung-Nhật tan băng năm 1972, Philippines trở thành nước bạn lớn nhất của Đài Loan ở châu Á Thái Bình Dương, trong khi quyết tâm của Trung Quốc trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Philippines càng lớn hơn. Trung Quốc liên tục sử dụng “ngoại giao nụ cười”, một mặt triển khai ngoại giao bóng rổ, một mặt liên tục mời các nhân vật cấp cao Philippines đến Trung Quốc. Từ ngày 20 đến 29/9/1974, Imelda, vợ của Marcos, đi thăm Trung Quốc, đánh dấu một bước quyết định trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Philippines.
Trong thời gian thăm Bắc Kinh, Imelda nhận được sự tiếp đãi trọng thể nhất, không những được Chu Ân Lai, Giang Thanh... đón tiếp, thậm chí ngay cả Mao Trạch Đông cũng bất ngờ mời đến gặp. Mao Trạch Đông khi đó đang bị bệnh, đã lâu không tiếp kiến khách quốc tế. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông đã đứng đón Imelda ở cửa phòng tiếp khách, ông ta thậm chí gây bất ngờ khi cầm và hôn vào tay Imelda, đồng thời cũng mời bà và Marcos lần sau cùng đến thăm Trung Quốc lần nữa. Ngoài việc tiếp đãi long trọng, Trung Quốc còn vung nhiều tiền cho Philippines, đồng thời mở cửa thị trường trong nước cho nông sản của Philippines, và còn cung cấp dầu thô cho Philippines với giá rất ưu đãi. Khi đó, do Philippines trấn áp người Hồi giáo ở miền Nam, nguồn cung ứng dầu thô của các nước Ả Rập cho Philippines trở nên không ổn định, và Philippines đang cần gấp dầu thô. Trung Quốc bán cho Philippines 750 000 tấn (khoảng 5,7 triệu thùng) với giá USD 7,5 /thùng, trong lúc giá bán của các nước Ả Rập là USD 11 /thùng.
Sau chuyến đi này, Imelda hoàn toàn trở thành “phe thân Trung Quốc”, và ngay lập tức ra sức thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Dựa trên tình cảm cá nhân của Imelda (và Marcos), sự thân thiện và chính sách kinh tế của Trung Quốc, xu hướng quốc tế liên tục có nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, cùng với suy nghĩ thực tế về lãnh thổ Trường Sa, bất chấp truyền thống và ảnh hưởng mạnh mẽ của Đài Loan ở Philippines, Marcos cũng quyết tâm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ngày 7/6/1975, Marcos và Imelda dẫn đầu một đoàn nhân sĩ quản lí cao cấp và giới công thương đến Bắc Kinh, nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong cùng một loạt quan chức đứng đầu chính phủ Trung Quốc... cũng như mấy ngàn người dân (khi đó Chu Ân Lai đã bệnh nặng, Đặng Tiểu Bình là Thủ tướng trên thực tế) tại sân bay. Vào ngày hôm đó, Marcos và Imelda đã được Mao Trạch Đông tiếp đón, ngay cả Chu Ân Lai vốn bệnh nằm liệt giường cũng gặp mặt Marcos ở trong bệnh viện. Sau đó, Chu Đức, Giang Thanh, Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong... cũng lần lượt gặp Marcos. Đó có thể xuất phát từ sự thành thật mà cũng có thể là một loại sách lược, Marcos rất tôn sùng Mao Trạch Đông, trong diễn văn tại tiệc chiêu đãi ngày ông đến, ông đã nói rằng “Trung Quốc là lãnh tụ đương nhiên của Thế giới thứ ba”. Được sự tôn sùng như vậy, lại có việc Philippines bày tỏ việc thừa nhận “một nước Trung Quốc, Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc”, Trung Quốc hoàn toàn không để tâm đến hoạt động của Philippines ở biển Đông. Ngày 9/6, hai nước ra “Tuyên bố chung Trung Quốc- Philippines”, tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong cuộc đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước Trung Quốc và Philippines đã thảo luận vấn đề Trường Sa, nhưng nội dung cụ thể đến nay chưa công bố. “Thông báo chung Trung Quốc- Philippines” hoàn toàn không đề cập đến tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, chỉ tuyên bố:
Chính phủ hai nước cho rằng khác biệt về chế độ kinh tế, chính trị và xã hội giữa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Cộng hòa Philippines sẽ không hề cản trở việc hai nước và nhân dân hai nước chung sống hòa bình cũng như xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Chính phủ hai nước đồng ý nguyên tắc nêu trên, không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tất cả các tranh chấp.
Phía Trung Quốc miêu tả: “Khi Trung Quốc và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo của hai nước đã đạt được sự hiểu biết rằng các vấn đề liên quan đến các vùng lãnh thổ tranh chấp nên được giải quyết thông qua tham vấn hữu nghị khi mà hai bên cho là phù hợp.”.
Mấy năm sau đó, Philippines đã lần lượt công bố các thỏa thuận lúc bấy giờ. Ví dụ trong sự kiện bãi Cỏ Rong (Lễ Nhạc) năm 1976, Rómulo xác nhận rằng khi Marcos thăm Trung Quốc đã từng thảo luận tranh chấp Trường Sa, nhưng ông tuyên bố “không có vấn đề gì với Trung Quốc trong vấn đề Spratly”. Tháng 3/1978, trước lúc Phó Thủ tướng Trung Quốc Lí Tiên Niệm thăm Philippines, báo chí nước ngoài tiết lộ Philippines đã chiếm thêm một đảo ở Trường Sa (bãi Lan Can/ bãi Dương Tín/ Panata). Trong buổi họp báo sau chuyến thăm của Lí Tiên Niệm, Marcos tiết lộ trong cuộc gặp với Đặng Tiểu Bình năm 1975, hai bên có thỏa thuận rằng bất cứ xung đột trong bất cứ vấn đề nào ở Trường Sa đều phải thông qua “con đường ngoại giao thông thường thực sự để giải quyết, điều này có nghĩa là dùng biện pháp hiệp thương, trong không khí hữu nghị và hợp tác” để giải quyết vấn đề.
Một bài phát biểu nội bộ của Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa ngày 30/7/1977 càng cho thấy rõ hơn cách nghĩ của Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng “không có sự đồng ý của Trung Quốc thì việc tiến hành khai thác bất cứ tài nguyên nào ở quần đảo Trường Sa và đáy biển xung quanh đều là bất chính”, hiện nay “nước khác” có thể khai thác khu vực này theo ý muốn của mình, nhưng “khi thời cơ đến, chúng ta sẽ thu hồi, không cần đàm phán vì quần đảo này xưa nay thuộc về Trung Quốc”. Học giả Lo cho rằng do khi đó chỉ có Philippines tiến hành khai thác ở khu vực này, vì vậy nước khác trong phát biểu của Hoàng Hoa chỉ có thể là Philippines. Nhưng trên thực tế, vào lúc đó Malaysia cũng đang khai thác tài nguyên ở biển Đông, vả lại Malaysia còn thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sớm hơn Philippines (ngày 31/5/1974), vì vậy nước khác trong bài phát biểu này có thể chỉ cả Philippines và Malaysia.
Sau đó, cho đến trước những năm 1990, ngay cả khi Philippines có hành động ở Trường Sa, Trung Quốc vẫn giữ thái độ im lặng, đặc biệt trái ngược khi so với thái độ của họ đối với Việt Nam. Trung Quốc nhiều lần nói thu hồi lại chủ quyền ở Trường Sa nhưng không có hành động, thậm chí không có tuyên bố mạnh mẽ hơn. Ví dụ khi Philippines chiếm bãi Lan Can (Dương Tín) vào năm 1978, Lí Tiên Niệm khi đến thăm Philippines tuyên bố rằng giữa Trung Quốc và Philippines không có điều lo lắng trong vấn đề Trường Sa (no trouble would ensue over the Spratly Island between China and Philippines) Năm 1980, khi Philippines chiếm đóng đá Công Đo (Tư Lệnh), Trung Quốc cũng giữ im lặng như lần trước. Kiểu thái độ nhún nhường này của Trung Quốc đối với Philippines cơ bản giống thái độ đối với Malaysia (xem phần sau). Chỉ có chỗ hơi khác một chút là: so thái độ nhún nhường mà Malaysia biểu hiện ra thì thái độ của Philippines cứng rắn hơn nhiều. Nhưng Trung Quốc cũng hết sức nhẫn nhịn, điều này cho thấy rằng Trung Quốc thực sự có thỏa thuận ngầm với Philippines khi đó.
Vì vậy, chính sách không can thiệp vào việc Philippines khai thác Trường Sa khi đó, rất có khả năng là một thỏa thuận ngầm mà Trung Quốc và Philippines đã đạt được lúc này. Nếu đúng như vậy, thì sẽ có nghĩa là Trung Quốc cũng tiếp tục chính sách “gác lại tranh chấp” khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, giữ việc “duy trì hiện trạng” ở quần đảo Trường Sa, thậm chí khoan dung hơn (cho phép Philippines tiến hành khai thác rầm rộ). Chính kiểu thái độ này đã đẩy nhanh tiến độ kiểm soát thực tế của Philippines ở Trường Sa, và củng cố vững chắc sự có mặt của Philippines ở Trường Sa. Sự kiểm soát thực tế của nước này bao gồm 3 khía cạnh: pháp lí, quân sự và khai thác dầu khí.
Tăng cường kiểm soát trên thực địa
Về pháp lí, ngày 11/6/1978, Marcos ban bố Sắc lệnh số 1596 của Tổng thống, chính thức sáp nhập nhóm đảo Kalayaan (Kalayaan Islands Group, tức quần đảo Trường Sa không bao gồm đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá ở phía Tây của nó) vào lãnh thổ Philippines (Hình 30):
Hình 30: Sự thay đổi đường biên giới trên biển của Philippines
Xét thấy quan hệ gần gũi của một cụm các đảo và đá của biển Đông nằm trong nhóm đảo gọi là Kalayaan (Kalayaan Islands Group) (dùng cách liệt kê kinh, vĩ tuyến để xác định phạm vi) có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh và sự tồn tại kinh tế của Philippines;
Xét thấy phần lớn phạm vi kể trên là một bộ phận thềm lục địa của quần đảo Philippines;
Xét thấy những khu vực này về mặt pháp lí không thuộc bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, tuy nhiên vì lí do lịch sử, nhu cầu thiết yếu, cũng như việc chiếm đóng và kiểm soát hữu hiệu được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, những khu vực này hiện nay phải được xem là thuộc về và nằm dưới chủ quyền của Philippines;
Xét rằng dù có một số quốc gia tuyên bố chủ quyền tại một vài khu vực ở đây, nhưng yêu sách của họ trở nên vô hiệu do từ bỏ, họ không thể vượt trội hơn Philippines về mặt pháp lí, lịch sử hay sự hợp lí.
Vì vậy, hôm nay tôi, Tổng thống Philippines Marcos, dựa vào quyền lực mà Hiến pháp trao cho, ban hành sắc lệnh dưới đây:
Mục 1, khu vực nằm trong các giới hạn sau đây: nhóm đảo Kalayaan (dùng cách liệt kê kinh, vĩ tuyến để xác định phạm vi), bao gồm đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, thềm lục địa và vùng trời thuộc chủ quyền và nằm dưới chủ quyền của Philippines. Khu vực này qua đó thành lập một thị trấn tự trị đặc biệt của tỉnh Palawan, gọi là “Kalayaan”.
Cùng ngày, ông ta còn công bố Sắc lệnh 1599, thành lập vùng đặc quyền kinh tế:
Mục 1, thành lập một khu vực gọi là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vùng đặc quyền kinh tế là khu vực trong vòng 200 hải lí tính từ đường cơ sở của lãnh hải; nếu như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của một nước liền kề thì ranh giới chung phải theo thỏa thuận với quốc gia liên quan hoặc theo các nguyên tắc phân giới được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế.
Theo miêu tả này, vùng đặc quyền kinh tế cũng có quyền lợi giống như thềm lục địa. Nói cách khác, thềm lục địa mà Philippines yêu sách cũng kéo dài 200 hải lí tính từ đường cơ sở của lãnh hải. Ngày 7/12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Enrile tuyên bố Philippines đã kiểm soát 7 đảo nhỏ ở quần đảo Kalayaan.
Sau khi kí kết “Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc” năm 1982, Philippines là một trong những nước phê chuẩn sớm nhất. Ngày 10/12/1982, khi kí Công ước, Philippines tuyên bố: “(4) Việc kí kết này sẽ không xâm hại hoặc làm tổn hại đến chủ quyền của Philippines trong việc thực hiện các quyền chủ quyền trên các lãnh thổ của mình, chẳng hạn như quần đảo Kalayaan và vùng biển phụ thuộc nó.”.
Có thể thấy, sau khi ranh giới hiệp ước của Philippines được vạch ra năm 1898, nó đã trải qua nhiều giai đoạn: trước khi độc lập, biên giới hiệp ước chỉ là một đường quy thuộc các đảo; đến năm 1955, Philippines bắt đầu đề xuất vùng biển bên trong đường biên giới hiệp ước là lãnh hải Philippines; năm 1961, Philippines xác định thêm một bước đường cơ sở lãnh hải, vùng biển phía trong đường cơ sở lãnh hải là nội thuỷ của Philippines, vùng nước nằm giữa đường biên giới hiệp ước và đường cơ sở lãnh hải là lãnh hải của Philippines.
Năm 1979, Philippines đề xuất vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kéo dài 200 hải lí tính từ đường cơ sở lãnh hải, đồng thời đưa ra chủ quyền của Kalayaan cũng như khu vực “đường ranh giới đảo Kalayaan” thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Về quân sự, tháng 3/1976, Philippines thành lập Quân khu miền Tây Philippines, và xây dựng căn cứ hải quân vịnh Ulugan trên đảo Palawan. Đồng thời, trên đảo Thị Tứ (Trung Nghiệp), Philippines đã xây dựng sân bay, máy bay loại nhỏ có thể cất và hạ cánh ở đó. Philippines có máy bay chiến đấu T-28 và máy bay vận tải C-47, định kì 1 tuần 2 lần đến đảo làm nhiệm vụ. Thời gian này Philippines có ưu thế trên không, máy bay quân sự cất cánh từ đảo Palawan của Philippines đến Trường Sa vẫn có thể tác chiến 30 phút sau đó (chưa nói tới sân bay trên đảo Thị Tứ), trong khi máy bay bay từ đất liền Việt Nam chỉ có thể có thể tác chiến 10 phút sau khi đến Trường Sa. Năm 1976, quân Việt Nam đóng trên đảo Song Tử Tây (Nam Tử) nổ súng vào máy bay quân sự Philippines (đảo Song Tử Tây rất gần đảo Song Tử Đông (Bắc Tử) do Philippines chiếm). Marcos ban đầu tăng thêm binh lực ở quần đảo Trường Sa, cho đến năm 1978, tổng quân số của Philippines trên các đảo, đá gần 1 nghìn người, vượt xa quân số của Việt Nam (khoảng 350 người). Ngày 25/4/1982, Thủ tướng Philippines Cesar E.A. Virata đã đi thị sát công trình quân sự trên đảo Thị Tứ (Pagasa). Thời gian này, Philippines đang có kế hoạch xây dựng bến cảng mới. Theo nghiên cứu khi đó của Đài Loan, Philippines đã chiếm 7 đảo, đá gồm Loại Ta (Nam Thược), Thị Tứ (Trung Nghiệp), Bến Lạc (Tây Nguyệt), Song Tử Đông (Bắc Tử), Vĩnh Viễn (Mã Hoan), Bình Nguyên (Phí Tín) và bãi Cỏ Rong (Lễ Nhạc). Trừ đảo Bình Nguyên và bãi Cỏ Rong không rõ tình hình đóng quân, các đảo khác đều có 1 trung đội trú đóng.
Năm 1978, Philippines chiếm bãi An Nhơn / Lan Can (Dương Tín, Panata, Lankiam Cay, khi đó báo chí Trung Quốc gọi là đảo Bạc Nạp Tháp [帕納塔/ Pa na ta: phiên âm của Panata - ND) ước chừng nằm giữa đảo Thị Tứ và đảo Ba Bình. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Barbero, mục đích là “củng cố và tăng cường vị thế của Philippines tại quần đảo Spratly và biển Đông”. Tháng 5/1980, Philippines phản đối Malaysia xây dựng đèn biển ở bãi Công Đo (Tư Lệnh, Commodore Reef) (sau này xác nhận chỉ là xây dựng một cột mốc). Để ngăn chặn sự mở rộng của Malaysia ở Trường Sa (xem phần sau), Philippines đã chiếm bãi Công Đo vào tháng 8. Đây cũng là đảo, đá cuối cùng ở Trường Sa mà Philippines chiếm giữ trước năm 1999.
Cùng với tăng cường chiếm đóng quân sự, Philippines cũng tích cực có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài tiến hành khai thác dầu khí ở biển Đông. Để thoát khỏi khủng hoảng năng lượng, lợi ích dầu mỏ chính là một trong những động cơ để Philippines đẩy nhanh việc chiếm đóng Trường Sa. Hợp tác với các công ti nước ngoài, ngoài việc bù đắp cho sự thiếu hụt công nghệ ở Philippines, còn có thể giúp bảo hiểm thêm cho sự kiểm soát của Philippines trong khu vực khai thác thông qua lợi ích dầu mỏ của bên thứ ba: dù hầu hết các công ti dầu mỏ này là các công ti tư nhân, nhưng họ có khả năng vận động hành lang mạnh mẽ trong giới chính trị phương Tây. Không nước nào có thể bỏ qua việc lợi ích ở nước ngoài của công ti dầu mỏ nước mình bị xâm phạm. Vì thế, vào những năm 1970 Philippines đã trở thành nước ven biển tiến hành khai thác dầu khí ở biển Đông sớm nhất. Tháng 2/1976, Philippines công bố rằng công ti dầu khí của Philippines sẽ cùng Công ti Salen của Thụy Điển thăm dò dầu khí ở bãi Cỏ Rong, sau đó có thêm công ti Mĩ (bao gồm Amoco) cùng tham gia, tạo thành tập đoàn khoảng 10 công ti.
Những hành động này gặp phải sự chống đối của Trung Quốc và Việt Nam. Ví dụ ngày 14/6 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “quần đảo Nam Sa cũng như quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa quần đảo Đông Sa đều là một bộ phận lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, tài nguyên của những đảo này và vùng phụ cận chúng đều thuộc sở hữu của Trung Quốc. Bất cứ nước nào cử quân đội đến, chiếm đóng và khai thác tài nguyên ở Nam Sa đều là không thể chấp nhận được.” Nhưng Philippines phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc và Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Romulos cho rằng bãi Cỏ Rong nằm trong phạm vi thềm lục địa của Philippines, cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí của Philippines dựa trên điều ước thềm lục địa có liên quan mà phân định ra; sự tham gia của công ti Mĩ và Thụy Điển có thể khiến Mĩ giúp bảo vệ quyền lợi của Philippines... Như trình bày phần trước, trong không khí thân thiện và có sự thỏa thuận ngầm khi Trung Quốc và Philippines mới thiết lập quan hệ ngoại giao, việc tỏ thái độ của Trung Quốc chỉ có tính hình thức, thậm chí không thể không có khẩu khí nghiêm khắc do cũng có ý nhắm vào Việt Nam.
Việc thăm dò của Philippines và công ti Thụy Điển cũng như công ti Mĩ hoàn toàn không gặp bất cứ trở ngại nào. Tháng 6/1976, tại bãi Cỏ Rong, Công ti Salen đã khoan thăm dò giếng Sampaguita 1. Năm 1977, Công ti Amoco đã khoan thăm dò hai giếng khác (A1, B1). Nhưng cả 3 giếng dầu khoan trong 2 năm này đều không phát hiện được dầu khí. Tháng 5/1978, Công ti Salen lại khoan thăm dò giếng Sampaguita 2 tại bãi Cỏ Rong và khoan thăm dò giếng Kalamansi 1 ở bãi Templier (Trung Hiếu). Tháng 11/1981, Công ti Salen lại một lần nữa được trao quyền khoan thăm dò giếng Sampaguita 3 ở bãi Cỏ Rong, nhưng hầu như cũng không có dầu. Ngoài ra, ngày 18/6/1976, Philippines phân định cụm đá Sinh Tồn (Trịnh Hòa, Union Banks), bãi Kiêu Ngựa (An Độ,Ardasier Reef) thuộc quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận chúng thành “vùng đặc biệt” cho doanh nghiệp nước ngoài thăm dò. Nhưng do vị trí địa lí nhạy cảm, không có công ti dầu khí nào muốn khai thác tại khu vực đó.
Kết quả khai thác dầu khí của Philippines ở vùng biển Trường Sa còn rất hạn chế, nhưng việc mời gọi công ti dầu khí phương Tây vào cùng với việc phê chuẩn quyền khai thác dầu khí, đã tăng cường quyền kiểm soát thực tế và pháp lí của Philippines đối với một bộ phận Trường Sa về mặt dân sự. Ngoài ra, Philippines đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc khai thác dầu khí duyên hải dọc theo bờ biển phía Tây của đảo Palawan, những khu vực này tuy không thuộc quần đảo Trường Sa nhưng gần và thậm chí có bộ phận chồng lấn đường 9 đoạn, có lúc bị truyền thông và các ấn phẩm nghiên cứu của Trung Quốc xem là một trong những bằng chứng của việc “Philippines lấy cắp dầu mỏ ở Nam Hải”.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, do ngư dân truyền thống của Hải Nam bị cấm đến biển Đông đánh cá, ngư dân Philippines dần dần trở thành lực lượng đánh cá chính ở biển Đông. Các điểm đến của họ thậm chí vươn tới tận gần quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trung Sa.
Vì vậy, thông qua một loạt các biện pháp trong những năm 1970, Philippines đã từ kiểm soát quân sự, khai thác cũng như pháp luật (trong nước) mà giành được quyền kiểm soát một số đảo của Trường Sa.
Bình luận tóm tắt về luật quốc tế
Tóm lại những điều nói trên, theo luật quốc tế, cho đến cuối những năm 1970, lí do và logic trong đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo biển Đông của Philippines có thể tóm tắt như sau: (1) Các đảo mà Philippines chiếm không phải một bộ phận của quần đảo Trường Sa, mà là một quần đảo độc lập (Freedomland); (2) Tình trạng pháp lí của quần đảo Trường Sa sau Thế chiến thứ hai là đất uỷ trị, không thuộc về bất cứ nước nào; (3) Cloma “phát hiện” “Freedomland” sớm nhất, đồng thời đã thành lập “Lãnh thổ Tự do Freedomland”, và trở thành một bộ phận của Philippines thông qua các hình thức bảo hộ hoặc chuyển nhượng; (4) Các đảo này gần Philippines, cùng nằm trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, có tầm quan trọng không thể thay thế đối với an ninh và lợi ích của Philippines; (5) ngày 14/9/1975, Marcos khi trả lời nhà báo về Trường Sa còn nhấn mạnh quần đảo Trường Sa sau Thế chiến thứ hai là đất uỷ trị, nên do Đồng minh xử lí.
Những lí do này đều là không đáng để cân nhắc. Điểm thứ nhất rõ ràng là ngụy biện, dù phạm vi cụ thể của Spratly Islands trong lịch sử đúng là có chỗ mơ hồ, thiếu rõ ràng, nhưng Spratly Islands trong “Hòa ước San Francisco” bao gồm các đảo, đá rất rõ ràng bên cạnh đảo Trường Sa Lớn, hơn nữa trong giao thiệp giữa Đài Loan, Việt Nam và Philippines, Đài Loan nhiều lần chỉ rõ rằng “Freedomland” cũng nằm trong quần đảo Trường Sa, nhưng trải qua hơn 20 năm Philippines vẫn còn vướng mắc về vấn đề này, về căn bản đó là cách làm thừa nước đục thả câu. Thứ hai, “Hòa ước San Francisco” đúng là không quy định sự quy thuộc của Trường Sa, nhưng cũng không quy định Trường Sa là đất uỷ trị. Trong hiệp ước quy định rõ đất uỷ trị chỉ có các đảo ở Bắc Thái Bình Dương mà Nhật Bản được uỷ thác quản lí trước đó cũng như quần đảo Ryukyu có thể trở thành đất uỷ trị (nhưng cuối cùng lại không). Và ngay cả khi quần đảo Trường Sa là lãnh thổ được uỷ trị, thì không có cơ sở pháp lí nào để Philippines tiếp quản quần đảo này. Thứ ba, Lãnh thổ Tự do của Cloma có thể trở thành một “quốc gia” hay không về luật quốc tế là một vấn đề rất lớn, vả lại cái gọi là Cloma “phát hiện” quần đảo Trường Sa rõ ràng không thể đứng vững. Ông ta thực hiện được các hoạt động ở quần đảo Trường Sa là nhờ vào việc Quốc Dân Đảng tạm thời rút khỏi quần đảo này sau khi thoái lui sang Đài Loan, trong khi Việt Nam và Pháp lại không có khả năng đóng quân ở đó khiến quần đảo này nhất thời trở thành không người ở. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là Đài Loan, Việt Nam (Pháp) đã “từ bỏ” (abandon) quần đảo Trường Sa. Nói cách khác, quần đảo Trường Sa khi đó không hề là đất vô chủ, nói Cloma chiếm nó trước là không có cơ sở theo luật quốc tế. Thứ tư, Sự gần gũi với Philippines hoàn toàn không là một lí do chính đáng để có được lãnh thổ. Dù các đảo ở biển Đông hoang vu nhưng các đảo do Philippines chiếm giữ hầu như đều là nổi lên mặt nước quanh năm, và theo nguyên tắc đất quyết định biển, những đảo này không thể tự động trở thành lãnh thổ của một nước nào đó chỉ vì chúng nằm trên thềm lục địa của nước đó (chỉ có bãi ngầm là có thể như vậy). Còn tính trọng yếu đối với an ninh và lợi ích cũng không phải là lí do phù hợp với nguyên tắc của luật quốc tế. Cuối cùng, mặc dù “Hòa ước San Francisco” quy định rằng Nhật Bản phải từ bỏ quần đảo Trường Sa nhưng không hề nói đến Trường Sa như là lãnh thổ uỷ trị.
Ưu thế pháp lí của Philippines đối với Trường Sa ở chỗ:
Thứ nhất, vào đầu thời kì sau Thế chiến thứ hai Philippines đã công khai yêu sách lãnh thổ của mình đối với quần đảo Trường Sa ngay sau khi giành được độc lập (1946), chỉ 13 năm sau khi Pháp công khai yêu sách lãnh thổ của họ (1933), vẫn còn trong thời hạn hiệu lực để đưa ra phản đối. Hơn nữa, khi xét đến việc Philippines là thuộc địa của Mĩ trước Thế chiến thứ hai, không có quyền tự chủ về ngoại giao, và người bản địa Philippines cũng đã đưa ra đòi hỏi lãnh thổ với Trường Sa, chỉ vì Mĩ không đồng ý nên không có cách nào đưa ra quốc tế, thì đây là lí do có thể hiểu được.
Thứ hai, Philippines (đặc biệt nước Sulu với tư cách là một bộ phận của Philippines hiện nay) có liên hệ lịch sử với quần đảo Trường Sa, nhưng trong những năm 1970, Philippines hoàn toàn không chú ý đến điểm này để lí giải thêm. Philippines cũng chưa thể đưa ra bằng chứng có sức thuyết phục cho thấy rõ ngư dân Philippines có quan hệ mật thiết với quần đảo Trường Sa.
Thứ ba, khi xét đến việc Philippines chiếm đóng một số đảo ở Trường Sa từ những năm 1970 đến nay thì việc chiếm đóng đó đã trở thành một hiện trạng. Mặc dù không thể hoàn toàn hình thành “thời hiệu” do bị các nước khác liên tục phản đối, nhưng nếu như đưa ra Tòa án Quốc tế thì “hiện trạng” này vẫn là một điểm pháp lí đáng để cân nhắc.
IV.9 Hải chiến Trung-Việt ở Hoàng Sa và hậu quả của nó
Trước năm 1974, Trung Quốc và Nam Việt Nam nói chung đều giữ thái độ kiềm chế ở Hoàng Sa, không có xung đột quân sự trực tiếp. Như trình bày ở phần trước, điều này phần lớn có liên quan đến sự có mặt của quân Mĩ ở biển Đông, Nhưng sau khi bước vào những năm 1970, đã xuất hiện hai thay đổi lớn. Thứ nhất, năm 1971 Tổng thống Mĩ Nixon thăm Trung Quốc, phá bỏ thành công tảng băng giữa Mĩ và Trung Hoa cộng sản. Hai nước đều dựa vào nhu cầu của mình để điều chỉnh lập trường, cùng chống Liên Xô. Lợi dụng thời kì trăng mật này, Trung Quốc đã có thể mở rộng địa bàn ở biển Đông. Thứ hai, và quan trọng hơn, do chiến sự Việt Nam bất lợi và phong trào phản chiến trong nước lên cao, tháng 11/1968 Mĩ tuyên bố ngừng ném bom Bắc Việt Nam, kết thúc “Chiến tranh Cục bộ”. Sau đó, các bên bắt đầu vừa đánh vừa đàm. Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Nixon công bố chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, từng bước rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Ngày 27/1/1973, bốn bên (Bắc Việt, Mĩ, Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) kí hiệp định hòa bình tại Paris. Mĩ chính thức rút khỏi Việt Nam, để lại mớ hỗn độn cho chính phủ Nguyễn Văn Thiệu của Nam Việt, và cũng không còn nghĩa vụ bảo vệ Hoàng Sa. Đối với Mĩ, tăng cường quan hệ với Trung Quốc phù hợp lợi ích chiến lược là giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh hơn là duy trì một chính quyền Nam Việt đã làm họ thất vọng và mệt mỏi.
Dù Nam Việt đã tiếp nhận một số tàu chiến khi quân Mĩ rút đi nhưng những tàu chiến này đều là tàu tuần duyên cũ của Mĩ, hỏa lực mạnh nhất sử dụng trong Hải chiến Hoàng Sa (HQ-16) không ngoài một khẩu pháo nòng 127 ly. Hơn nữa, với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên quân sự, không được huấn luyện đầy đủ, khó có khả năng trong thời gian rất ngắn có thể thực sự hình thành sức chiến đấu. Trên thực tế, do thiếu quân, Nam Việt đang dần giảm bớt quân trú đóng ở các đảo phía Tây của Hoàng Sa. Cuối năm 1973, chỉ để lại quân đóng trên đảo Hoàng Sa (San Hô), quân trên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền) và đảo Quang Ảnh (Kim Ngân) đều được rút hết, chỉ duy trì sự kiểm soát phía Tây của Hoàng Sa qua các cuộc tuần tra theo lệ. Việc thiếu vắng binh lực Nam Việt trở thành điều kiện có lợi để Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa.
Bắc Việt thời gian này ở vào tình thế chính trị rất tế nhị. Trong chiến tranh Việt Nam, Bắc Việt được hai nước Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ. Nhưng Liên Xô và Trung Quốc bất hòa trong một thời gian dài, việc chọn bên của Bắc Việt Nam rất quan trọng. Sau khi Hồ Chí Minh thuộc phe có truyền thống thân Trung Quốc qua đời, phe thân Liên Xô của Lê Duẩn lên nắm quyền, đã bằng mặt không bằng lòng với Trung Quốc. Nhưng thời gian này, Bắc Việt vẫn công nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, hơn nữa trong chiến tranh Việt Nam cũng vẫn dựa vào sự giúp đỡ của Trung Quốc, và không áp dụng hành động thực chất nào ở Hoàng Sa. Còn Liên Xô khi đó không có binh lực ở biển Đông vốn đã bị Mĩ kiểm soát, cũng không tạo thành trở ngại đối với việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa. Những nhân tố này đã tạo thành thời cơ ngắn ngủi hiếm hoi để Trung Quốc đánh chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1973, lợi dụng cơ hội ngừng bắn, Nam Việt đã tăng cường khai thác biển Đông, liên tiếp kí hợp đồng với các công ti dầu khí của Âu, Mĩ để khai thác dầu khí ở biển Đông. Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nam Việt Lê Công Chất công bố lệnh: theo quyết định của Nội các ngày 1/9, điều chỉnh đưa các đảo ở Trường Sa vào xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Đối với Nam Việt, quần đảo Trường Sa từ lâu đã được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy, lần này chỉ là một điều chỉnh nhỏ về hành chính, nhưng việc này lại đúng dịp trở thành thời cơ để Trung Quốc thực hiện hành động. Trung Quốc không ứng ngay lập tức, nhưng trên thực tế đã chuẩn bị cho cuộc chiến ở Hoàng Sa. Quyết định chiếm lấy Hoàng Sa là từ lãnh đạo tối cao Mao Trạch Đông, và được lãnh đạo tối cao sau này là Đặng Tiểu Bình đích thân chủ trì. Theo hồ sơ giải mật của cơ quan tình báo Mĩ, công việc chuẩn bí mật đánh chiếm Hoàng Sa đã bắt đầu từ tháng 9. Vào trung tuần tháng 12/1973, mỗi ngày đều có mấy trăm binh sĩ Trung Quốc đóng ở Bắc Hải, Quảng Tây, buổi sáng ra đi trên 6 tàu cá, buổi chiều quay về, kiểu thao luyện này kéo dài liên tục 10 ngày. Nhìn trở lại, việc này rõ ràng là để chuẩn bị cho đổ bộ tác chiến. Nam Việt không biết gì về việc này. Sau ngừng bắn vài tháng, ngày 4/1/1974 Nam Việt Nam tuyên bố mở lại chiến sự Việt Nam, phần lớn hải quân đóng ở khu vực sông Mekong để chống lại quân Giải phóng Nam Việt Nam.
Ngày 11/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản đối hành động điều chỉnh phân chia hành chính quần đảo Trường Sa của Nam Việt, tuyên bố hành động này làm dấy lên “sự phẫn nộ của nhân dân Trung Quốc”. Trung Quốc đột ngột đưa ra tuyên bố nhiều tháng sau sự việc, thực sự là một tín hiệu, nhưng Nam Việt không chút cảnh giác với điều này mà lại chuyên chú vào việc đấu võ mồm với Bắc Kinh. Ngày 12/1, phía Nam Việt Nam nhận được tin báo có tình hình bất thường ở Hoàng Sa, nên đã cử một tàu chiến tiến hành trinh sát. Ngày 14 phát hiện “ngư dân” Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo Hữu Nhật (Cam Tuyền) không có người đóng giữ (nhưng có công trình của Nam Việt để lại). Ngày 15, hải quân Nam Việt Nam tấn công đảo Hữu Nhật, xua đuổi tàu cá 402 gần đó, đồng thời bắt sống “ngư dân” trên đảo đưa về. Mặc dù tình huống bất ngờ, nhưng vì sự kiện “ngư dân” đổ bộ từng xảy ra trước đó (xem IV.5), Nam Việt không loại trừ đây là chính sách quấy rối của Trung Quốc để phối hợp với cuộc tấn công của Bắc Việt. Nhưng lúc này, Nam Việt đã đề cao sự cảnh giác.
Ngày 15, Tổng thống Nam Việt thăm Đà Nẵng và phái tàu HQ-16 đến Hoàng Sa. Trên tàu còn có sĩ quan liên lạc người Mĩ Gerald Emil Kosh, đi cùng tàu theo yêu cầu của tòa Tổng Lãnh sự Mĩ tại Đà Nẵng. Nhưng khi họ đến Hoàng Sa, phát hiện tình hình còn nghiêm trọng hơn so với họ tưởng tượng. Ngày 16, một tốp “ngư dân” Trung Quốc khác lại lần nữa đổ bộ lên đảo Hữu Nhật dưới sự yểm trợ của tàu chiến. Đồng thời, Trung Quốc đã phái người chiếm đóng đảo Quang Hòa (Sâm Hàng) và đảo Duy Mộng (Tấn Khanh).
Ngày 17, hải quân Nam Việt Nam lại lần nữa đánh chiếm đảo Hữu Nhật và đổ bộ lên đảo Quang Ảnh (Kim Ngân). Nhưng Trung Quốc đã phái 4 ca nô, 2 tàu chiến và một số “tàu cá” hợp thành hạm đội đến nhóm đảo Lưỡi Liềm (Vĩnh Lạc) để đối đầu với tàu chiến Nam Việt trên biển. Ngày 18, tàu Trung Quốc đã ngăn cản kế hoạch đánh chiếm đảo Quang Hòa của Nam Việt. Hai bên chẳng chịu nhường nhau, có lúc các tàu xảy ra va chạm nhưng chưa tạo thành xung đột quân sự trực tiếp. Lúc này, ở nhóm Lưỡi Liềm, Nam Việt chiếm giữ 3 đảo, Trung Quốc chiếm 2 đảo.
Tối ngày 18, Bộ Tổng tư lệnh Nam Việt đưa cho hạm đội lệnh khó thể thi hành: “thu hồi đảo Quang Hòa một cách hòa bình”. Hải quân chỉ có thể tuân theo. Vì vậy, khoảng 8:30 sáng ngày hôm sau, 20 lính hải quân đổ bộ lên đảo Quang Hòa, định kêu gọi quân Trung Quốc rời khỏi đảo. Nhưng trong lúc họ vừa lội lên bờ thì quân Trung Quốc nổ súng bắn chết 2 lính Nam Việt. Đối với sự kiện này phía Trung Quốc có cách tường thuật khác: lính Nam Việt nổ súng trước khiến nhiều “ngư dân” Trung Quốc bị thương, “ngư dân” tiến hành phản công, vì vậy phía Việt Nam khiêu khích trước.
Bất kể như thế nào, sự kiện nổ súng lần này khiến tình hình lập tức leo thang. Sĩ quan chỉ huy quân Nam Việt ở Hoàng Sa Hà Văn Ngạc xin chỉ thị của Sài Gòn, nhưng không có cách nào liên lạc được với hai quan chức chỉ huy tối cao của hải quân Nam Việt.
Một người đang ngồi trên máy bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, còn người kia thì đến sân bay đón tiếp ông ta. Bấy giờ, sĩ quan chỉ huy thứ ba là Đỗ Kiếm ra lệnh nổ súng đánh trả. Đồng thời ông cũng yêu cầu Hạm đội 7 Mĩ trợ giúp, nhưng không được phản hồi. Theo lệnh của Kiếm, 4 tàu chiến Việt Nam đã mở cuộc tấn công vào 6 tàu chiến Trung Quốc. Tuy nhiên, năng lực tác chiến của hải quân Nam Việt thấp một cách đáng ngạc nhiên. Một khẩu pháo trên một tàu không hoạt động được, nhanh chóng bị phía Trung Quốc bắn trúng mất đi khả năng chiến đấu; một chiếc tuy bắn trúng một tàu chiến Trung Quốc nhưng khẩu pháo trên tàu lập tức bị nổ, trong lúc hoảng loạn đã bắn vào tàu HQ-16 khiến tàu này bị mất lực đẩy, cũng mất khả năng tác chiến; chiếc tàu cuối cùng bị tàu chiến Trung Quốc bắn trúng boong tàu, thuyền trưởng chết tại chỗ, tàu cũng bắt đầu chìm. Chỉ trong vài chục phút ngắn ngủi, 4 tàu chiến của Nam Việt Nam đã bị phía Trung Quốc đánh bại. 3 tàu rút lui về Việt Nam, được đón tiếp như những anh hùng, việc bắn chìm 2 tàu chiến Trung Quốc thì được tuyên truyền là một chiến thắng lớn.
Ngày 20, quân đội Trung Quốc tập kết dưới sự yểm trợ của máy bay Mig 21 và Mig 23 mở cuộc tổng tấn công vào ba đảo do quân Nam Việt chiếm đóng, 500 lính bộ binh đổ bộ lên 3 đảo. Chỉ hơn 20 phút đã kiểm soát toàn bộ tình hình 3 đảo. Trận chiến đấu ở đảo Hữu Nhật là quyết liệt nhất, nhưng quân Nam Việt ở vào tình thế bất lợi không thể chống lại quân Trung Quốc đông hơn khoảng 10 lần, bị hỏa lực của Trung Quốc áp chế hoàn toàn, chỉ có thể bó tay chịu chết; quân Nam Việt Nam trên đảo Quang Ảnh thậm chí lén rút chạy bằng tàu trước khi quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo. Cuối cùng, quân Nam Việt thảm bại, hơn 100 người tử trận, hơn 40 người bị thương, nhân viên trên đảo kể cả Kosh đều bị bắt. Trung Quốc có hai tàu chiến bị bắn chìm, tình hình thương vong cụ thể đến nay vẫn chưa được công bố.
Sau Hải chiến Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liền ra tuyên bố nói rằng từ ngày 15/1 đến nay nhà cầm quyền Sài Gòn Nam Việt ngang nhiên xâm nhập cụm đảo Vĩnh Lạc (Lưỡi Liềm), đâm hỏng tàu cá Trung Quốc, cưỡng chiếm đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật) và đảo Kim Ngân (Quang Ảnh), tấn công vũ trang vào đảo Sâm Hàng (Quang Hòa), làm chết và bị thương nhiều ngư dân và dân quân Trung Quốc, còn nổ súng tấn công trước vào tàu Trung Quốc đang làm nhiệm vụ tuần tra. Trong tình thế “không thể nhịn được nữa” Trung Quốc đã tiến hành “phản kích tự vệ” anh dũng. Còn phía Việt Nam thì muốn thông qua quan sát viên tại LHQ đưa sự việc cho Hội đồng bảo an để họp khẩn cấp. Tuy nhiên, vì Trung Quốc đã giành được ghế ở LHQ và có quyền phủ quyết, Mĩ không có phản ứng tích cực, còn Nam Việt không phải là thành viên LHQ nên cuối cùng sự việc không thể tới Hội đồng bảo an được.
Mĩ thể hiện lập trường trung lập đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mĩ tuyên bố: “Không quan tâm đến quần đảo này hoặc ủng hộ đòi hỏi chủ quyền đặc thù của bất cứ bên nào tại đây. Mĩ hi vọng sự việc có thể giải quyết thông qua đàm phán hòa bình”. Điều Mĩ quan tâm nhất khi đó là việc Kosh bị bắt. Ngày 23/1, Ngoại trưởng Mĩ Kissinger đã đàm phán với đại biểu Trung Quốc về sự kiện quần đảo này, chủ đề đàm phán đầu tiên là yêu cầu trả tự do cho Kosh. Một tuần sau Kosh và 3 sĩ quan cao cấp của Nam Việt đã được đưa đến Hồng Kông.
Tóm lại, trong cuộc chiến bùng nổ ở Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên đều tuyên bố đối phương khiêu chiến trước, kết quả là Trung Quốc đã đánh bại Nam Việt và giành được quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Từ đó quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và quản lí liên tục cho đến hiện nay.
Sau thất bại ở Hoàng Sa, Nam Việt tăng cường nhanh chóng sự hiện diện quân sự ở Trường Sa. Ngoài việc Nam Việt luôn luôn coi Trường Sa là lãnh thổ của mình, một ý nghĩa quan trọng khác của Trường Sa đối với Nam Việt ở chỗ: Việt Nam là một nước nghèo dầu mỏ, việc phát hiện dầu khí ở biển Đông có sức thu hút đối với Nam Việt. Nam Việt rất quan tâm đến lợi ích dầu mỏ ở biển Đông. Ngày 7/9/1967, Nam Việt tuyên bố thềm lục địa và tài nguyên thềm lục địa đều thuộc sự quản lí độc quyền của Việt Nam Cộng hòa. Ngày 1/12/1970, Nam Việt ban hành “Luật Dầu khí”, xác định các thủ tục và quy định cấp phép cho các công ti nước ngoài quyền thăm dò, lắp đặt đường ống và các khu vực khai thác khoáng sản. Ngày 16/7/1973, Nam Việt chia vùng biển phía Đông Vũng Tàu thành 8 khu vực khai thác mỏ, và cấp quyền khai thác khoáng sản cho các công ti Shell, Pegasus, Esso (của Mĩ), và Sunningdale (của Canada). Ngày 6/9, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải (Phước Hải Commune); ngày 28/9, tuyên bố đóng quân và xây dựng trạm Radar trên đảo Trường Sa Lớn (Nam Uy), đồng thời nhấn mạnh rằng điều này “rất quan trọng đối với việc thăm dò dầu khí sắp bắt đầu dưới thềm lục địa”.
Ngày 31/1/1974, Nguyễn Văn Thiệu phái một đội đặc nhiệm do mấy trăm binh sĩ hợp thành do “Đỗ Xuân Hồng” dẫn đầu, chỉ huy hạm đội gồm các tàu hộ vệ, tàu khu trục và tàu đổ bộ hợp thành lên đường đến quần đảo Trường Sa. Ngày 1/2 đã chiếm cồn cồn cát Southwest [Cay] (Nam Tử, đặt tên là đảo Song Tử Tây); ngày 3 chiếm bãi Sand [Cay] (Đôn Khiêm, đặt tên là đảo Sơn Ca); ngày 5, chiếm đảo Sin Cowe (Cảnh Hồng, đặt tên là đảo Sinh Tồn); ngày 14, chiếm đảo Nam Yết (đảo Hồng Hưu); ngày 17, chiếm đảo Trường Sa (Nam Uy); ngày 20, chiếm bãi Amboyna (An Ba, đặt tên là đảo An Bang). Đội đặc nhiệm dựng cột mốc ranh giới trên các đảo đồng thời để lại người đóng giữ, xây dựng công sự phòng ngự. Đây là lần đầu tiên Nam Việt phái quân đội đóng giữ quần đảo Trường Sa.
Trong đó, quá trình Nam Việt chiếm đá Song Tử Tây có phần kịch tính. Đá Song Tử Tây sớm đã bị Philippines chiếm vào năm 1971 (một nguồn tin khác là vào năm 1968) và có quân lính thường trú. Tuy Nam Việt rất muốn chiếm các đảo ở Trường Sa ngay, nhưng không muốn có xung đột trực tiếp với Philippines vốn cũng là một bên trong liên minh chống cộng. Một hôm, đúng dịp sinh nhật một sĩ quan Philippines đóng tại đá Song Tử Đông cách đó 3 km, toàn thể sĩ quan binh lính trên đảo Song Tử Tây đều đến đá Song Tử Đông tham gia tiệc sinh nhật. Nam Việt lấy danh nghĩa tăng cường liên hệ giữa hai quân đội bạn đã cử một số gái mại dâm đến dùng sắc đẹp quyến rũ quân đóng trên đảo Song Tử Đông, và kéo dài thời gian họ ở lại trên đảo này [vụ này có vẻ wikipedia thêm thắt cho thêm phần kịch tính vì tàu hải quân VNCH lúc đó không được phép chở theo phụ nữ khi hành quân - ND]. Vì tin tưởng vào đồng minh, người Philippines không có sự nghi ngờ về điều này. Sau khi vui vẻ xong, lúc quay về đá Song Tử Tây, quân lính Philippines bất ngờ phát hiện trên đảo đã đổi màu cờ, quân Nam Việt Nam đã ở đó bày trận chờ sẵn. Người Philippines vội vàng quay về đá Song Tử Đông và báo cáo cấp trên. Cấp trên sau khi cân nhắc nhân tố quân sự và ngoại giao, quyết định rằng nên giữ vững đá Song Tử Đông là hơn, tránh xung đột với Nam Việt đang phẫn nộ. Từ đó, đá Song Tử Tây đã rơi vào tay Việt Nam.
Mặc dù có những điều khó chịu này, quan hệ giữa Nam Việt và Philippines không bị ảnh hưởng nhiều. Năm 1975, khi hải quân Bắc Việt đánh chiếm đá Song Tử Tây, quân lính Nam Việt chạy đến đá Song Tử Đông do Philippines kiểm soát để tránh bị Bắc Việt bắt giữ. Sau này, Philippines từng nghĩ đến việc dùng vũ lực để “thu hồi” đá Song Tử Tây đang bị cộng sản kiểm soát, nhưng phát hiện ra rằng trong thời gian ngắn Bắc Việt đã xây dựng công sự trên đảo nên đã bỏ cuộc.
Đồng thời với việc đưa quân đến Trường Sa, ngày 14/2 Nam Việt ra tuyên bố với lời lẽ cứng rắn: “Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải long trọng tuyên bố trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần đất bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chánh đáng của mình.”
Có người dự liệu Trung Quốc sẽ thừa thắng xông lên, tiến quân thẳng xuống Trường Sa. Nhưng Trung Quốc không hề có hành động quân sự nào ngoài việc đưa ra phản đối như trước đây. Nguyên nhân hiện thực nhất là ngoài tầm với: Trường Sa suy cho cùng cách đất liền Trung Quốc xa hơn rất nhiều so với Hoàng Sa, máy bay chiến đấu của Trung Quốc không có cách nào tác chiến ở cự ly dài, còn hải quân so với Nam Việt không có ưu thế mang tính áp đảo, một khi chiến sự kéo dài, việc tiếp tế sẽ khó theo kịp. Hơn nữa, một khi tấn công vào biển Đông, sẽ không chỉ đối mặt với một kẻ địch là Nam Việt mà Philippines thậm chí Đài Loan đều có thể tham gia vào nữa. Vì Mĩ đều có quan hệ đồng minh quân sự với họ, nên cũng khả năng không thể không tham gia. Vì vậy, Trung Quốc sẽ ở vào tình thế không thuận lợi, cả về quân sự lẫn ngoại giao. Hơn nữa, lúc đó Trung Quốc còn muốn lôi kéo Philippines, do đó không có ý kích động Philippines trong vấn đề biển Đông.
Hành động của Nam Việt ở Trường Sa khiến Đài Loan và Philippines lo lắng. Đài Loan điều động 4 tàu chiến đến phòng thủ khu vực xung quanh đảo Ba Bình, đồng thời tái khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa với phía Nam Việt. Đảo Sơn Ca (bãi Đôn Khiêm) cách đảo Ba Bình chỉ có 6 hải lí, nghe nói khi có báo động bão, quân trú đóng Nam Việt hai lần sang đảo Ba Bình tạm lánh, họ được cho cơ hội. Tuy nhiên, Đài Loan không muốn đổ thêm dầu vào lửa khi Việt Nam đang tức giận vì thất bại ở Hoàng Sa, mà chỉ muốn giữ vững đảo Ba Bình, nên tuyên bố “nếu quân Nam Việt Nam muốn đổ bộ lên đảo Thái Bình sẽ cố gắng khuyên họ rời đi, để hai bên giảm thiệt hại xuống mức nhỏ nhất”. Ngày 1/2 Tưởng Kinh Quốc chỉ thị nghiên cứu trục xuất quân chiếm đóng Nam Việt và Philippines khỏi đảo Trường Sa, nhưng bị huỷ bỏ do có sự phản đối mạnh mẽ của Bộ Quốc phòng
Trong khi phản đối, Philippines cũng kêu gọi giải quyết hòa bình vấn đề thông qua tham vấn trực tiếp và hữu nghị với các nước liên quan. Mĩ cũng khuyến cáo Nam Việt không nên mở rộng hành động quân sự quá mức mà phải hành động có chừng mực.
Vì vậy, sau khi Nam Việt chiếm bãi An Bang, đã tuyên bố trên Hãng Thông tấn Nam Việt vào ngày 22/2 rằng họ đã hoàn thành kế hoạch củng cố chủ quyền ở Trường Sa, và đã chiếm 4 đảo. Do đó, dù tình hình Trường Sa từng căng thẳng trong một thời gian nhưng cuối cùng không xảy ra xung đột. Từ đó, Nam Việt và Đài Loan cùng với Philippines chia nhau quần đảo Trường Sa. Ngày 14/2/1975, nhân dịp tròn 1 năm ngày chiếm đóng 6 đảo ở Trường Sa, Nam Việt công bố “Bạch thư về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” dài hơn 100 trang, là bản văn trình bày và phân tích lịch sử và pháp lí về Hoàng Sa và Trường Sa hoàn chỉnh nhất của phía Nam Việt từ trước tới lúc đó. Không rõ thái độ của Đài Loan đối với Hải chiến Hoàng Sa. Nghe nói năm đó, khi được biết tàu chiến của Quân Giải phóng đi qua Eo biển Đài Loan, Tưởng Giới Thạch đã hạ lệnh cho phép qua, còn nói “chiến sự Hoàng Sa khẩn cấp”. Tường thuật kiểu này được cho là hư cấu, nhưng cũng có nhận định rằng đúng là có sự đồng ý ngầm nhất định. Trên thực tế, Hải chiến Hoàng Sa năm đó diễn ra trong thời gian rất ngắn, quy mô cũng rất nhỏ, hoàn toàn không có chuyện điều động tàu chiến qua Eo biển Đài Loan. Cái gọi là tăng quân chỉ là 3 tàu ở biển Hoa Đông đến biển Đông ngày 21/2, khi đi qua Eo biển Đài Loan đúng là không gặp bất cứ sự cản trở nào. Nhưng khi đó Hải chiến Hoàng Sa đã kết thúc, đương nhiên không có nhu cầu tăng viện. Lập trường của Đài Loan cũng được phân tích ở tiết trước là rất mâu thuẫn, do đó có thể việc Đài Loan không trợ giúp trong vấn đề Hoàng Sa là lựa chọn bất đắc dĩ. Nhưng trong vấn đề Trường Sa, do Đài Loan bản thân tự mình đã chiếm đóng đảo, nên thái độ đã rõ ràng hơn nhiều.
Mâu thuẫn giống như vậy còn có Bắc Việt. Trong sự kiện Hoàng Sa, phản ứng của Bắc Việt và “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” rất mù mờ. Bắc Việt không hề tuyên bố Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc giống như trước đây. Quan chức Bắc Việt cơ bản giữ im lặng, chỉ tuyên bố hi vọng rằng sự kiện được giải quyết hòa bình. Hãng AP của Pháp viện dẫn “nhân sĩ có uy tín” của Bắc Việt nói: bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là sự nghiệp thiêng liêng của mỗi dân tộc, tranh chấp lãnh thổ cần phải xử lí cẩn thận, cần phải dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng hòa thuận hữu nghị để bàn bạc giải quyết. Ngày 26/1, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam được Trung Quốc công nhận công bố lập trường 3 điềm: (1) Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là sứ mệnh thiêng liêng của mỗi một dân tộc; (2) Trong vấn đề biên giới và lãnh thổ, giữa các nước láng giềng thường xuyên xảy ra tranh chấp do lịch sử để lại, có lúc rất phức tạp, cần phải nghiên cứu tỉ mỉ; (3) Các nước có liên quan cần phải dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng hòa thuận để nghiên cứu những vấn đề này, đồng thời giải quyết thông qua thương lượng.
Trần Bình, đại diện tại Bắc Kinh, trong cuộc họp báo vài ngày sau dịp kỉ niệm tròn một năm ngày kí kết Hiệp định Hòa bình Paris tuyên bố: vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với mỗi một dân tộc đều là một sự nghiệp thiêng liêng. Đối với những vấn đề phức tạp kiểu như tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại cần phải xử lí cẩn thận, vấn đề Hoàng Sa cần phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hữu nghị. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn gửi cho phía Trung Quốc một bức “Thư cảm ơn”, bày tỏ sự biết ơn đối với các đồng chí Trung Quốc đã đánh đuổi quân Ngụy, giải phóng Hoàng Sa giúp họ. Điều này đương nhiên điều này ngụ ý rằng Trung Quốc phải trao trả phần phía Tây Hoàng Sa cho Chính phủ miền Nam Việt Nam. Hành động này rõ ràng làm Trung Quốc tức giận đến mức trả lại bức thư còn nguyên, đồng thời trao trả tất cả tù binh cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu chứ không phải là Chính phủ miền Nam Việt Nam được Trung Quốc công nhận. Điều này đánh dấu bước khởi đầu thời Trung Quốc tách rời Bắc Việt và Chính phủ miền Nam Việt Nam.
IV.10 Việt Nam thống nhất và cuộc đấu lí Trung-Việt về Hoàng Sa, Trường Sa
Là một nước thuộc phe cộng sản, trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất Bắc Việt nhận được sự giúp đỡ của hai phía Liên Xô và Trung Quốc. Cuối những năm 1950, Liên Xô và Trung Quốc bất hòa, Bắc Việt bị buộc phải chọn bên. Hồ Chí Minh thuộc phe truyền thống thân Trung Quốc đứng về phía Trung Quốc, và nhận được sự giúp đỡ toàn lực của Trung Quốc cho Bắc Việt trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Lê Duẩn của phe thân Liên Xô lên nắm quyền. Năm 1971, Trung Quốc lại kết thân với “Đế quốc Mĩ” để cùng chống lại Liên Xô, trở thành “kẻ phản bội chủ nghĩa cộng sản”. Dựa trên ý thức hệ, Bắc Việt đã bằng mặt không bằng lòng với Trung Quốc, chỉ duy trì sự hữu nghị bên ngoài. Năm 1974, Bắc Việt và Trung Quốc triển khai đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ. Bắc Việt tuyên bố rằng Công ước Pháp Thanh năm 1887 đã quy định đường phân giới là kinh tuyến 108° 3’ E; nhưng Trung Quốc lại cho rằng đường phân giới này chỉ nói đến các đảo trong vịnh Bắc Bộ mà thôi, không phải là đường phân giới biển (xem V.5). Hai bên ra về chẳng vui, giữa Bắc Việt và Trung Quốc đã xuất hiện rạn nứt khác. Sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, dù Bắc Việt không bày tỏ phản đối, nhưng thái độ mơ hồ khiến Trung Quốc rất bất mãn, tạo tiền đề cho tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tháng 1/1974, Chiến tranh Việt Nam tiếp tục lại. Sau một năm giao tranh ác liệt, năm 1975 quân đội của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đột nhiên thảm bại, quân đội chính quy tan rã sụp đổ, các thành phố lớn lần lượt thất thủ. Ngày 30/4/1975, Sài Gòn thất thủ. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ Lâm thời, thành lập “nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Ngày 2/1/1976, Nam và Bắc Việt Nam chính thức thống nhất, thành lập “nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (nước Việt Nam mới).
Vào đêm trước lúc Sài Gòn sắp thất thủ, Phó Tổng tư lệnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Lê Trọng Tấn được lệnh “giải phóng” quần đảo Trường Sa. Trong thời gian từ 14 đến 19/4, hải quân từ căn cứ ở Đà Nẵng đã chiếm được 6 đảo ở Trường Sa do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Để làm yên lòng các công ti dầu mỏ đã kí hợp đồng khai thác với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, ngày 6/5, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố trên đài phát thanh rằng miền Nam tiếp tục tiến hành thăm dò dầu khí đồng thời chuẩn bị “cùng tất cả chính phủ và công ti dầu khí nước ngoài tiến hành đàm phán để cùng tiến hành thăm dò trên cơ sở tôn trọng chủ quyền độc lập”. Ngày 7/5, Hãng Thông tấn miền Nam Việt Nam đưa tin “trong tháng 4 Quân Giải phóng đã giải phóng các đảo ở ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, ở quần đảo Trường Sa, Quân Giải phóng tấn công và đã giải phóng đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa và đảo An Bang do quân Ngụy chiếm giữ”. Điều này cho thấy: (1) Chính quyền miền Nam Việt Nam là chính quyền quản lí 6 đảo; (2) Chính quyền miền Nam Việt Nam đã kế thừa yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Còn Bắc Việt, “báo Nhân Dân” và “Báo Quân đội Nhân dân” đã đăng trên toàn trang bản đồ toàn quốc Việt Nam trong cùng ngày 15/5, cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa đều xuất hiện trên bản đồ này.
Ngày 28/5, “báo Quân đội Nhân dân” đăng bài viết tuyên bố “từ nay những hòn đảo xa xôi này mãi mãi quay trở về trong vòng tay của nhân dân nước ta”. Thông tấn xã Bắc Việt (NVA) đưa tin: Quân đội Việt Nam đã “giải phóng 6 hòn đảo yêu quý của Tổ quốc”. Sự thay đổi thái độ đối với Trường Sa và Hoàng Sa của Bắc Việt lộ ra hoàn toàn.
Tháng 9/1975, Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm Trung Quốc, chính thức đề xuất yêu sách lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa với phía Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình chỉ rõ với Lê Duẩn rằng:“Về vấn đề quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa giữa chúng ta tồn tại bất đồng. Trong vấn đề này, lập trường của hai Đảng cũng đều rõ ràng. Lập trường của chúng tôi là chúng tôi có đầy đủ bằng chứng cho thấy quần đảo Tây Sa và Nam Sa từ xưa đến nay đã thuộc về Trung Quốc... Vấn đề này có thể tạm gác lại để sau này thảo luận”. Còn phía Việt Nam thì ghi chép lại lời của Đặng Tiểu Bình đã nói: “Hai nước có tranh chấp trong vấn đề hai quần đảo, hai bên có thể thảo luận.”
Thời gian này, Bắc Việt vừa giành được thắng lợi, việc thống nhất hai miền vẫn chưa được thực hiện. Bắc Việt cũng tạm thời không đủ sức cuốn hút vào vấn đề này, nên giữ thái độ nhúng nhường. Năm 1976, sau khi Nam Bắc thống nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã loại bỏ phe thân Trung Quốc do Hoàng Văn Hoan đứng đầu, đã gạt bỏ các chướng ngại nội bộ. Nước Việt Nam mới bắt đầu khẳng định rõ ràng lập trường của mình đối với các đảo ở biển Đông. Ngày 12/5/1977, Việt Nam ra “Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Có lẽ do cân nhắc đến phản ứng của Trung Quốc, Tuyên bố này không trực tiếp nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ đề cập trong Điều 5 rằng: “Các đảo và quần đảo thuộc Lãnh thổ Việt Nam ngoài vùng lãnh thổ nói ở khoản 1 nêu trên có lãnh hải, vùng tiếp giáp; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong khoản 1, 2, 3, 4 của Tuyên bố này.” Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng trong Tuyên bố này Việt Nam đưa ra yêu sách rộng lớn đối với vùng biển Đông, đặc biệt đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, và Việt Nam có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng ở đó. Họ chỉ trích hành động này của Việt Nam là sẽ ngấm ngầm công khai hóa tranh chấp. Nhưng sự thực là khi đó Việt Nam vẫn muốn giải quyết vấn đề êm thấm thông qua đàm phán hai bên.
Tháng 6/1977, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng thăm Trung Quốc, gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lí Tiên Niệm. Hai bên tranh cãi về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Lí Tiên Niệm nói: “Các đồng chí Việt Nam trước đây cũng thừa nhận hai quần đảo này là lãnh thổ Trung Quốc... Thế nhưng từ năm 1974 về sau, lập trường của các đồng chí Việt Nam đã có sự thay đổi, đặc biệt là năm 1975 phía Việt Nam nhân cơ hội giải phóng miền Nam đã xâm chiếm 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của chúng tôi, tiếp đó chính thức đề xuất với chúng tôi yêu sách lãnh thổ đối với quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa. Hơn nữa, còn tạo dư luận trong nước Việt Nam và trên thế giới, tuyên truyền quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.” Đồng thời ông cũng chỉ ra rằng trong công hàm năm 1958 gửi cho Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. Phạm Văn Đồng phản bác rằng: “Trong kháng chiến, đương nhiên chúng tôi phải đặt việc chống đế quốc Mĩ lên vị trí cao hơn tất cả... Chúng ta nên lí giải các tuyên bố của mình như thế nào, kể cả những gì nói trong công hàm tôi gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai? Cần phải được hiểu theo bối cảnh lịch sử khi đó.” Lí Tiên Niệm lập tức phản bác rằng lối giải thích như vậy không thể khiến người ta tin phục được. Với tư cách quốc gia, xử lí vấn đề lãnh thổ cần phải nghiêm túc hẳn hoi, không thể vì nhân tố chiến tranh mà giải thích kiểu như vậy. Hơn nữa, khi Phạm Văn Đồng gửi công hàm ngày 14/9/1958, chiến tranh chưa nẩy ra ở Việt Nam.
Kể từ đó, tranh chấp về chủ quyền hai quần đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được mọi người biết đến. Năm 1978, đúng lúc Philippines đẩy nhanh việc chiếm đóng Trường Sa, vào ngày 29/12 Trung Quốc ra tuyên bố, nhắc lại chủ quyền đối với các đảo biển Đông. Việt Nam lập tức phản bác rằng “hoàn toàn bác bỏ luận điệu ngang ngược trong tuyên bố về vấn đề quần đảo Trường Sa của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29/12/1978.Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam”
Tuyên bố gay gắt tương đối hiếm có này trở thành sự khởi đầu của cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa, cũng trở thành ngòi nổ khiến quan hệ Trung-Việt nhanh chóng xấu đi.
Trên thực tế, trong vài năm sau khi thành lập nước Việt Nam mới, bên cạnh những xung đột về chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông, những lí do khiến quan hệ Trung-Việt xấu đi nghiêm trọng là do: Việt Nam ngã về Liên Xô, kí “Hiệp ước hợp tác hữu nghị Xô-Việt” (ngày 3/11/1978), trong vấn đề các đảo ở biển Đông, Liên Xô cũng hoàn toàn đứng về phía Việt Nam, chỉ trích Trung Quốc “ngang ngược lộng hành”; Việt Nam phát động “phong trào bài Hoa”; ở biên giới có xung đột quy mô nhỏ; việc phát động chiến tranh Việt Nam-Campuchia để tiêu diệt Khmer đỏ bị Trung Quốc xem là “bá quyền khu vực”... đều dẫn đến thái độ thù địch rất lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Để lấy lòng tin của Mĩ, Đặng Tiểu Bình nhân cơ hội chỉnh đốn quân đội, nắm lại binh quyền, nhân lúc quân tinh nhuệ Việt Nam đều ở Campuchia, ngày 17/2/1979 Trung Quốc đã phát động chiến tranh chống Việt Nam (Chiến tranh Đông Dương lần thứ 3), gọi đó là “Cuộc chiến phản công tự vệ”. Trong thời gian ngắn quân đội Trung Quốc đánh chiếm khu vực rộng lớn ở miền Bắc Việt Nam, nhưng với sự chống trả của du kích địa phương, quân đội Trung Quốc gánh chịu thương vong nặng nề. Việt Nam lại điều động quân tinh nhuệ dày dạn trận mạc từ Campuchia về đánh trả. Kết quả là Trung Quốc đã chủ động rút khỏi Việt Nam vào ngày 16/3 sau khi phá huỷ toàn bộ công trình và tư liệu sản xuất ở miền Bắc Việt Nam. Hai bên đều tuyên bố mình giành được thắng lợi. Cuộc chiến biên giới sau đó kéo dài 10 năm, mãi đến cuối những năm 1980 quan hệ hai bên mới hòa dịu.
Đồng thời, cuộc tranh cãi về lịch sử chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa giữa Trung Quốc với Việt Nam vẫn tiếp tục. Hai bên một mặt tiếp xúc đàm phán (nhưng trong vấn đề các đảo biển Đông thì không vui ra về), mặt khác ra văn bản luận chiến. Cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm vào năm 1979. Ngày 16/3/1979, “Báo Nhân Dân” của Việt Nam đăng “Bị vong lục của Bộ ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gay khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới”, trong đó nói rằng “nhà cầm quyền Bắc Kinh ngang nhiên đưa quân dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa”. Còn Trung Quốc thì ngày 15/5 đăng bài “Nguồn gốc của tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” trên “Nhân dân nhật báo” để đáp trả.
Tiếp đó, vào ngày 7/8/1979 Việt Nam ra “Tuyên bố của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”, tuyên bố:
“1, Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước phong kiến Việt Nam chiếm lĩnh, tổ chức, kiểm soát và thăm dò những quần đảo này sớm nhất. Quyền sở hữu này là có hiệu lực, phù hợp luật quốc tế. Chúng tôi có đầy đủ tư liệu lịch sử và pháp lí chứng minh Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này.” Trong Tuyên bố này Việt Nam cũng liệt kê việc Trung Quốc “xuyên tạc” những quan điểm của Việt Nam trong các điểm 2, 3 và 4, đồng thời chỉ trích Trung Quốc thông đồng với bọn xâm lược Mĩ âm mưu “phản bội nhân dân Việt Nam”’ năm 1972, “hành vi của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của Đông Nam Á, thể hiện rõ dã tâm bành trướng, chủ nghĩa sô vanh nước lớn, bản tính hiếu chiến, bản tính lật lọng và bội tín của nước này.”
Tiếp đó, ngày 28/9/1979 Việt Nam công bố “Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Sách trắng 1979), đã bổ sung tư liệu mới trên cơ sở “Bạch thư về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Bạch thư 1975) do Việt Nam Cộng hòa công bố tháng 5/1975. Còn phía Trung Quốc thì liên tiếp công bố 3 bài viết dài trên “Nhân dân nhật báo” để đáp trả: “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa” ngày 31/1/1980; “Bác bỏ lập luận sai trái của nhà đương cục Việt Nam đưa cái gọi là Hoàng Sa, Trường Sa gán cho quần đảo Tây Sa, Nam Sa của nước ta” ngày 31/1/1980; và “Quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc” ngày 7/4/1980. Luận cứ lịch sử có liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc hiện nay về cơ bản đều được khai thác vào thời kì này, trong đó nhóm Hàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi và Ngô Phượng Bân... được Uỷ ban Ngoại sự quốc gia tổ chức, thành lập Tổ Nghiên cứu vấn đề các đảo biển Đông để tìm kiếm tư liệu và sắp xếp bằng chứng trong phạm vi cả nước. Trong mấy chục năm sau đó, bằng chứng lịch sử của Trung Quốc về cơ bản không vượt qua phạm vi này. Còn Việt Nam tái bản sách “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa-lãnh thổ Việt Nam” (Sách trắng 1982) vào ngày 28/1/1982 để đáp lại. Luận chiến Trung-Việt có đặc điểm phổ biến của luận chiến giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Tức là dốc hết sức để tiến hành trong việc tổ chức, luận chứng vì chính trị, tùy tiện phóng đại bằng chứng, thiếu phân tích lịch sử và pháp lí khách quan. Bằng chứng lịch sử thời cổ có liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, trong Chương I đã thảo luận sơ lược qua, có thể tham khảo cuốn sách “Lịch sử biển Đông bị bóp méo” của tác giả.
Ngày 12/11/1982, Việt Nam ra “Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam” (Hình 31), quy định 12 điểm cơ sở lãnh hải ở vùng biển Đông Nam. Đối với các điểm cơ sở khác, điều 3 quy định: Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh đã được quy định trong Công ước về hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp và nhà Thanh kí ngày 26 tháng 6 năm 1887. Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thuỷ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh sẽ được công bố sau khi vấn đề đường cửa vịnh được giải quyết; điều 4 quy định: Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể trong một văn kiện tiếp theo phù hợp với điểm 5 của bản Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đáng để chỉ ra là đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở ven bờ biển Việt Nam dùng đường cơ sở thẳng, mà một số điểm cơ sở là đảo ở xa đất liền (điểm xa nhất hơn 70 hải lí), cách làm kiểu này đã mở rộng diện tích vùng nội thuỷ và lãnh hải lên rất nhiều, cũng gia tăng diện tích có thể đòi hỏi của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, cách làm kiểu này không phù hợp với tiêu chuẩn của Điều 7 “Công ước Luật biển”.
Hình 31: Đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam
Trong những năm 1980, Việt Nam tiếp tục chiếm các đảo và tăng cường đóng quân ở Trường Sa. Theo nghiên cứu của Đài Loan năm 1982, Việt Nam đã chiếm 6 đảo, đá là bãi Đôn Khiêm (đảo Sơn Ca), đảo Hồng Hưu (đảo Nam Yết), đảo Cảnh Hồng (đảo Sinh Tồn), đá Nam Tử (Song Tử Tây) và đảo Nam Uy (Trường Sa Lớn)... Ngoài đảo Sơn Ca, đảo đảo Nam Yết có một trung đội tăng cường đóng, các đảo khác, mỗi đảo có từ 20 đến 40 bộ đội địa phương và dân quân đóng giữ. Đồng thời, Việt Nam cũng nâng cấp khu vực hành chính cho Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 9/12/1982, Việt Nam công bố pháp lệnh thành lập huyện Hoàng Sa ở Hoàng Sa, trực thuộc sự quản lí của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành lập huyện Trường Sa ở Trường Sa, trực thuộc sự quản lí của tỉnh Đồng Nai.
Ngày 28/12 huyện Trường Sa lại được sáp nhập đặt dưới quyền của tỉnh Phú Khánh. Việt Nam cũng tăng cường sự quản lí đối với Trường Sa. Ngày 21/6/1980 ở gần đảo Sinh Tồn, phía Việt Nam đã kiểm tra và bắt giữ tàu đi biển của thuyền trưởng Nghiêm Minh Đức và 14 thuyền viên Đài Loan. Cuối cùng họ bị cảnh cáo, tịch thu tàu và thả về nước.
Việt Nam còn tích cực mời gọi Liên Xô cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở biển Đông để đối đầu lại với Trung Quốc. Ngày 3/7/1980, Việt Nam và Liên Xô kí Hiệp định cùng khai thác dầu khí ở biển Đông.
Cùng thời gian với đó, phía Trung Quốc gấp rút xây dựng căn cứ ở Hải Nam và Hoàng Sa. Quan hệ Trung-Việt tiếp tục căng thẳng, trực tiếp dẫn đến xung đột trên biển năm 1988.
Bình luận “sự thay đổi thái độ” của Việt Nam về mặt pháp lí
Về ngoại giao, chính phủ Bắc Việt có tổng cộng 3 lần trực tiếp thừa nhận hoặc ngầm biểu thị Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc (nói chính xác hơn là 3 lần thừa nhận Hoàng Sa, 2 lần thừa nhận Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc, xem IV.5). Vậy thì sự thay đổi thái độ của Bắc Việt, nhất là nước Việt Nam mới sau năm 1974 có cấu thành một estoppel (nói ngược) theo nghĩa luật quốc tế không? Liệu thái độ của chính phủ Bắc Việt Nam có nghĩa là Việt Nam đã mất đi yêu sách lãnh thổ của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa không?
Trong số các tuyên bố trước đây của Bắc Việt, công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958 là tiêu biểu nhất. Trong phản bác của Trung Quốc đối với lập trường của Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng như Trường Sa), công hàm Phạm Văn Đồng chiếm vị trí nổi bật. Trong bản công hàm này, Phạm Văn Đồng đưa ra tuyên bố “ghi nhận và tán thành” tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc. Điều này chắc chắn ẩn chứa “ghi nhận và tán thành” tuyên bố của Trung Quốc đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, đó cũng chính là nguyên nhân Trung Quốc chỉ trích Việt Nam “tráo trở lật lọng”.
Về điểm này, cách giải thích chính thức nhất của Việt Nam là “Tuyên bố của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” ngày 7/8/1979. Điểm 2 viết: Việc Trung Quốc coi công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo đó, là một sự xuyên tạc thô bạo, bởi vì tinh thần và lời văn của công hàm ấy chỉ đóng khung trong việc công nhận lãnh hải 12 hải lí của Trung Quốc.
Đối với giải thích của Việt Nam nên hiểu như sau: Thứ nhất, cần xét đến bối cảnh thời đại lúc đó. Trung Quốc nói Phạm Văn Đồng là Thủ tướng Việt Nam, điều này không đúng. Trên thực tế, Phạm Văn Đồng chỉ là Thủ tướng của Bắc Việt (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Sau Hiệp định Geneva năm 1954, Việt Nam chính thức bị chia thành hai quốc gia ở miền Nam và miền Bắc, miền Bắc là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Nam là Quốc gia Việt Nam (sau đó được thay thế bằng nước Việt Nam Cộng hòa), gọi tắt là Nam Việt. Mặc dù sự phân chia này là tạm thời, nhưng điều này không phủ định tính hợp pháp của hai quốc gia này. Trung Quốc thường trực tiếp coi Bắc Việt là Việt Nam là không chính xác.
Khi đó Bắc Việt và Nam Việt đánh nhau, Liên Xô và Trung Quốc ra sức giúp đỡ Bắc Việt, ngoài cung cấp tiền bạc, lương thực, súng ống… còn cử chuyên gia và nhân viên quân sự đến Bắc Việt. Ngoài vai trò cố vấn, những nhân viên này còn có tác dụng làm lá chắn sống do sống ở những nơi quan trọng ở miền Bắc Việt Nam – Mĩ không muốn trực tiếp gây chiến với Liên Xô và Trung Quốc nên phải tránh tấn công những nơi này. Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam đều thuộc phe cộng sản, với mục tiêu lớn chung là chống Mĩ và đánh bại khối phương Tây, không tránh quyền biến trong hành động.Theo Việt Nam, ở đây là Việt Nam “chân thành tin cậy Trung Quốc, cho rằng sau chiến tranh tất cả vấn đề lãnh thổ sẽ được giải quyết tốt đẹp trên cơ sở vừa là đồng chí vừa là anh em”. Bắc Việt thừa nhận chủ quyền và phạm vi lãnh hải của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa khiến hải quân Mĩ không thể tiến vào và lợi dụng những nơi này (nếu không sẽ thành thù địch với Trung Quốc) có lẽ cũng là xuất phát từ suy nghĩ tương tự. Thực ra, cân nhắc về mặt chiến thuật này có thể chỉ là thứ yếu, Bắc Việt có lẽ lo ngại rằng nếu chống lại Trung Quốc về những vấn đề này thì Trung Quốc sẽ giảm bớt, hoặc thậm chí ngừng giúp đỡ Bắc Việt. Vì vậy, theo những gì Việt Nam nói sau này, làm như vậy hoàn toàn là một kiểu tính toán quyền biến xuất phát từ lợi ích chung của phe cộng sản cũng như lợi ích tự thân của Bắc Việt, hoàn toàn không phản ánh ý muốn thực sự của Bắc Việt.
Thứ hai, công hàm Phạm Văn Đồng “cố ý” không (trực tiếp) đề cập đến vấn đề lãnh thổ, chỉ nhắc đến vấn đề lãnh hải 12 hải lí, có nghĩa là Phạm Văn Đồng thừa nhận quy định 12 hải lí của Trung Quốc chứ không thừa nhận tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, điều này “không có hiệu lực theo mặc định”.
Tuy nhiên, ngay cả khi hai cách biện giải này của Việt Nam có lí thì cũng không đứng vững về mặt pháp lí. Cách biện giải thứ nhất đại khái là thật, Bắc Việt khi đó đã tràn đầy oán hận (mãn phục oán ngôn) với Trung Quốc. Ngay từ năm 1954 Chu Ân Lai và Liên Xô đã gây áp lực rất mạnh đối với Bắc Việt, khiến Bắc Việt từ bỏ vùng lãnh thổ đã giành được ở phía Nam vĩ tuyến 17° N. Bắc Việt cần Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ, buộc lòng phải chịu nuốt viên thuốc đắng này. Trong vấn đề Hoàng Sa, sự bày tỏ thái độ của Bắc Việt Nam cũng rất có thể là sự bày tỏ thái độ bắt buộc phải đưa ra vì muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc. Như vậy, rốt cuộc đó có phải xuất phát từ suy tính lúc đó hay là chỉ là một kiểu biện giải sau khi sự việc xảy ra? Tác giả không tìm ra tài liệu ghi chép gốc nên không thể kết luận.
Cách biện giải thứ hai càng thiếu sức thuyết phục. Mặc dù trong công hàm Phạm Văn Đồng thực sự không thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, thế nhưng ông ta đã “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố này của Trung Quốc và không có bảo lưu, điều đó có nghĩa là cũng tán thành chủ trương Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Nếu như công hàm này không có đoạn “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”, mà chỉ có đoạn “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lí của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”, thì cách biện giải của Việt Nam hiện nay còn có chỗ để có thể tranh luận. Cách dùng từ ngữ của công hàm này hiện nay không có nghĩa khác về mặt pháp lí. Đương nhiên, xét đến bối cảnh khi đó, nếu như Phạm Văn Đồng không thêm vào đoạn trên thì Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận.
Dẫu sao, dù lúc đó Bắc Việt không tự nguyện nhưng tuyên bố đã đưa ra rồi thì không thể thu lại. Khi đưa ra Tòa án quốc tế, bản công hàm chính thức có hiệu lực pháp lí rất lớn. Huống chi, miền Bắc còn bày tỏ thái độ về vấn đề này trong hai lần khác: lần bày tỏ thái độ của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm ngày 15/6/1956 và lần tuyên bố của Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Ngoại giao Lê Trang ngày 9/5/1965. Trong những phát biểu này, Bắc Việt Nam đã xác định rõ một lần nữa việc coi Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc. Đối với lần thứ nhất, phía Việt Nam có vẻ không thừa nhận có phát ngôn này (không thấy nhắc đến trong những tư liệu đã chỉnh lí của phía Việt Nam). Nhưng tác giả vẫn thiên về hướng điều đó là có thật. Đối với lần thứ hai, “Tuyên bố” có giải thích: “3. Năm 1965, Mĩ mở rộng chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống miền Bắc Việt Nam, tuyên bố khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mĩ bao gồm Việt Nam và vùng kế cận cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 hải lí. Lúc này, công cuộc chống Mĩ cứu nước đòi hỏi nhân dân Việt Nam phải chiến đấu bằng mọi hình thức nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, lại thêm lúc ấy Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với nhau. Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 9 tháng 5 năm 1965 chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử đó mà thôi.”
Mặc dù những bày tỏ thái độ của Việt Nam giống như giải thích có thể là mang tính sách lược (khiến Mĩ kiêng dè với phản ứng của Trung Quốc), nhưng nhìn từ góc độ luật quốc tế những bày tỏ thái độ này lại một lần nữa khẳng định thái độ của Bắc Việt trong vấn đề này.
Ngoài ra, rất nhiều báo chí, bản đồ, sách giáo khoa... của Bắc Việt Nam xuất bản khi đó đều xem Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc.
Những bằng chứng này kết hợp với những bày tỏ thái độ chính thức ở trên đã cho thấy đầy đủ khi đó Bắc Việt thật sự thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Trong luật pháp quốc tế, có loại lí thuyết về “không được nói ngược” (equitable estoppel). Trong luật pháp nhiều nước, yêu cầu của lí thuyết này chính là yêu cầu phía đương sự có lời nói đi đôi với việc làm, cần phải giữ chữ tín, không thể nói một đằng làm một nẻo. Trong luật quốc tế, các hệ thống quốc tế cũng yêu cầu một quốc gia duy trì tính nhất trí trên cùng một lập trường sự thực hoặc pháp lí. Ngăn không cho nói ngược thường được giải thích bằng ngạn ngữ chữ La tinh “allegans contraria non audiendus est”, nghĩa là một người không thể được lợi từ sự tiền hậu bất nhất của mình. Vì vậy, trong luật quốc tế, nguyên tắc này nhằm ngăn chặn một nước được hưởng lợi từ kiểu thái độ bất nhất này trong khi làm lợi ích của nước khác bị tổn hại. Nguyên tắc này có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định, tính có thể dự đoán và tính bất biến của quan hệ quốc tế. Mặc dù trong quan hệ quốc tế, không thiếu những tranh cãi về mức độ và phạm vi của "estoppel" nên được tuân thủ, nhưng khi liên quan đến vấn đề pháp lí như tranh chấp lãnh thổ..., “estoppel” là một nguyên tắc tương đối quan trọng, là một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá một quốc gia có chữ tín hay không, có chính nghĩa hay không. Nguyên tắc này rất quan trọng dù tại tòa án quốc tế hay trong dư luận.
Vì vậy, về mặt luật pháp quốc tế, công hàm Phạm Văn Đồng (và các bày tỏ thái độ tương tự khác) xem ra rất bất lợi cho Việt Nam. Nhưng khi phân tích tỉ mỉ lại không phải vậy. Vì mấu chốt của vấn đề là từ đầu đến cuối chỉ có Bắc Việt (tức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc chứ không phải Nam Việt vốn kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa trên lí luận và thực tế. Nam Việt chưa bao giờ thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Thái độ của Bắc Việt khác với Nam Việt, cũng không thể đại diện cho nước Việt Nam sau khi thống nhất.
Trong luật pháp quốc tế, quan hệ kế thừa quốc gia là một vấn đề cực kì quan trọng. Quan hệ kế thừa quốc gia sau Thế chiến thứ hai của Việt Nam biến đổi cực kì phức tạp: theo “Hiệp định Geneva” năm 1954, Việt Nam “tạm thời” chia làm hai miền theo vĩ tuyến 17° N: Bắc Việt và Nam Việt. Mặc dù hai quốc gia này cuối cùng sẽ thống nhất, nhưng trước khi thống nhất mỗi bên đều là quốc gia có chủ quyền. Để phân biệt quốc gia và chính phủ, “Nam Việt” dưới đây dùng để chỉ quốc gia nằm ở miền Nam Việt Nam.
Chính phủ của Nam Việt ban đầu là chính phủ “Quốc gia Việt Nam” (State of Vietnam) do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu, sau năm 1956 trở thành chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam). Năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng hòa bị Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lật đổ, chính phủ này thành lập chính phủ nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Một năm sau, Bắc Việt và Nam Việt hợp nhất với nhau thành nước Việt Nam mới.
Dù trải qua mấy chính quyền, thời gian từ 1954 đến 1976, Nam Việt đều là một quốc gia có chủ quyền. Điều này là do:
Quan hệ của Bắc Việt và Nam Việt dựa trên các hiệp định quốc tế, giống như Bắc và Nam Triều Tiên. Rất nhiều nước lựa chọn thiết lập quan hệ ngoại giao với một trong hai quốc gia này, ví dụ Mĩ và 86 nước khác lựa chọn thiết lập quan hệ với Nam Việt, trong khi Trung Quốc (Bắc Kinh) và các nước khác thì lựa chọn thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Việt. Nhưng cũng có nước đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với cả Bắc Việt lẫn Nam Việt, ví dụ như Campuchia. Có thể thấy, về quan hệ quốc tế hai quốc gia đều là quốc gia hợp pháp không loại trừ lẫn nhau. Tuy Nam Việt bị Liên Xô phủ quyết nên không thể chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, nhưng vẫn tham gia một số uỷ ban đặc biệt của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, quan hệ giữa Nam và Bắc Việt Nam gần giống quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên, hoàn toàn không giống quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Chính phủ Bắc Việt thừa nhận miền Nam Việt Nam là một quốc gia độc lập. Mặc dù trong “Hiệp định Geneva” không hề trực tiếp gọi hai quốc gia này bằng từ “quốc gia” mà chỉ dùng từ “khu vực’ (zone), nhưng một hiệp định quốc tế chính thức khác lại thể hiện rõ ràng điều này- “Hiệp định hòa bình Paris” (Paris Peace Accords) kí kết năm 1973 đã thể hiện rõ ràng hai miền đều là quốc gia. Hiệp định này là văn kiện chính thức mà bốn bên Bắc Việt, Nam Việt (Việt Nam Cộng hòa), Mĩ và Chính phủ Cách mạng lâm thời (miền Nam Việt Nam) (Provisional Revolutionary Government) kí kết.
Trong đó Điều 14 viết:
Điều 14: Miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước lãnh không biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và nhận viện trợ kinh tế, kĩ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam nói trong điều 9 (b).
(South Viet-Nam will pursue a foreign policy of peace and independence. It will be prepared to establish relations with all countries irrespective of their political and social systems on the basis of mutual respect for independence and sovereignty and accept economic and technical aid from any country with no political conditions attached. The acceptance of military aid by South Viet - Nam in the future shall come under the authority of the government set up after the general elections in South Viet- Nam provided for in Article 9 (b).)
Ở đây chỉ ra rõ miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với các nước khác trên cơ sở “tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau”. Điều này cho thấy miền Nam Việt Nam là một quốc gia “độc lập” và có “chủ quyền”, đồng thời cũng có nghĩa là sự việc “Nam Việt là một quốc gia độc lập có chủ quyền” cũng được Bắc Việt thừa nhận.
Trong thời kì chiến tranh Việt Nam, chính quyền hợp pháp ở Nam Việt đương nhiên là Chính phủ Nước Việt Nam Cộng hòa, và đánh nhau với chính phủ hợp pháp này là quân du kích của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Đảng Cộng sản miền Nam Việt Nam lãnh đạo. Vào năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Do đó, quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời cũng gần giống như quan hệ giữa chính phủ Quốc Dân đảng và chính phủ Đảng Cộng sản thời nội chiến Quốc- Cộng ở Trung Quốc.
Trong cái nhìn của Trung Quốc, Chính phủ Cách mạng Lâm thời là chính quyền hợp pháp của miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng Lâm thời chính thức thành lập ngày 6/6/1969, chính phủ Trung Quốc lập tức gửi điện mừng, chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời và thiết lập quan hệ ngoại giao. Bức điện trên Tân Hoa xã ngày 15/6 viết:
Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai gửi điện cho Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, nhiệt liệt chúc mừng tuyên bố thành lập của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính thức công nhận đoàn đại biểu thường trú tại Trung Quốc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đoàn đại sứ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trung Quốc.
Trung Quốc công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời là chính phủ “thực sự hợp pháp” của miền Nam Việt Nam, đồng thời công nhận đoàn đại biểu của chính phủ này tại Trung Quốc là đoàn đại sứ tại Trung Quốc, điều này có nghĩa là Trung Quốc đã công nhận miền Nam Việt Nam là một quốc gia độc lập. Trên thực tế, số nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời lên đến gần 30 nước. Có thể thấy, miền Nam Việt Nam là một quốc gia độc lập được cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Bắc Việt và Trung Quốc, công nhận.
Ngày 2/7/1974, đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị Biển Liên Hợp Quốc lần thứ 3 đã phản đối đại biểu chính quyền Sài Gòn của miền Nam Việt Nam tham dự hội nghị lần này, trong phát biểu có nêu: “Hiện nay ở miền Nam Việt Nam tồn tại hai chính quyền, đó là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nhà cầm quyền Sài Gòn. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam. Trong tình hình này, đại biểu nhà cầm quyền Sài Gòn đơn phương tham dự hội nghị lần này là không thỏa đáng, không hợp lí.” Trong tuyên bố này Trung Quốc cho rằng miền Nam Việt Nam, do Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đại diện, là một quốc gia độc lập, nếu không thì không thể tham dự Hội nghị Biển Liên Hợp Quốc vốn chỉ các quốc gia có chủ quyền mới có thể tham dự (Trung Hoa Dân Quốc của Quốc dân Đảng không có chủ quyền thì không thể tham dự hội nghị này).
Theo “Hiệp định Geneva”, vĩ tuyến 17° N là ranh giới giữa Nam Việt và Bắc Việt. Vĩ độ cực Bắc của quần đảo Hoàng Sa vừa vặn nằm trong khoảng giữa vĩ tuyến 15° đến 17° N, toàn bộ đều nằm ở phía Nam Vĩ tuyến 17° N. Cơ quan hành chính của Pháp vốn đóng ở nhóm đảo Lưỡi Liềm (quần đảo Vĩnh Lạc - Crescent group) từ năm 1950 đã được chính quyền Bảo Đại tiếp quản, năm 1956 quân trú đóng Pháp cũng được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thay thế. Vì vậy, cả về mặt pháp luật lẫn trên thực tế, quần đảo Hoàng Sa đều là lãnh thổ của Nam Việt chứ không phải là lãnh thổ của Bắc Việt.
Vì vậy, việc Bắc Việt công nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc không hề ảnh hưởng đến thực tế kiểm soát và yêu sách lãnh thổ của Nam Việt. Bắc Việt cũng không có cách gì đem lãnh thổ không thuộc về mình cắt cho Trung Quốc. Còn Nam Việt, cả chính quyền Bảo Đại, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lẫn Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Trung Quốc công nhận đều không thừa nhận Hoàng Sa là một bộ phận của Trung Quốc. Năm 1974, Trung Quốc chiếm được phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa từ trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau khi sự việc xảy ra, chính phủ Việt Nam Cộng hòa kịch liệt lên án Trung Quốc và đưa kháng nghị cho Liên Hợp Quốc. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Trung Quốc công nhận cũng không đứng về phía Trung Quốc, mà chỉ thừa nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp, đồng thời cho rằng cần phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán:
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với mỗi một dân tộc đều là một sự nghiệp thiêng liêng. Đối với vấn đề phức tạp như tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại cần phải xử lí thận trọng, vấn đề Hoàng Sa cần phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng.
Vì vậy, trên thực tế Nam Việt có chủ quyền ở Hoàng Sa (từ góc độ của Việt Nam) và có quyền kiểm soát (phía Tây Hoàng Sa), không thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, và cũng không từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa sau khi mất quyền kiểm soát.
Cần phải chỉ ra là, sau Hải chiến Hoàng Sa cũng là lúc Bắc Việt thay đổi thái độ. Khi chỉ xét thái độ riêng của Bắc Việt thì rõ ràng ho đã vi phạm nguyên tắc “estoppel” (không được nói ngược). Nhưng tiếp sau là bước then chốt: sự thống nhất của Việt Nam hoàn toàn không phải Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam mà là sự thống nhất hòa bình của miền Nam và miền Bắc Việt Nam trên cơ sở bình đẳng. Theo Điều 15 của “Hiệp định hòa bình Paris”:
Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thoả thuận.
(The reunification of Viet-Nam shall be carried out step by step through peaceful means on the basis of discussions and agreements between North and South Viet Nam, without coercion or annexation by either party, and without foreign interference. The time for reunification will be agreed upon by North and South Viet Nam.)
Sau thất bại quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tháng 4/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời giành được chính quyền toàn quốc ở miền Nam Việt Nam, và thành lập nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại Quốc Dân đảng giành lấy chính quyền và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Về mặt pháp lí, nó vẫn là Nam Việt và kế thừa tất cả quyền lợi của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả yêu sách chủ quyền ở Hoàng Sa.
Tháng 8/1975, sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa không còn tồn tại, nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng nộp đơn xin trở thành nước thành viên của Liên Hợp Quốc, đã được 123 nước thành viên ủng hộ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng bị Mĩ phản đối nên không thành. Trung Quốc bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết này, và cho rằng hành vi của Mĩ “rõ ràng vi phạm hoàn toàn các quy tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nghị quyết có liên quan của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.” Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp tục công nhận chính phủ nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp của miền Nam Việt Nam.
Nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Bắc Việt (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) trải qua hiệp thương và trù bị, cuối cùng đạt được thỏa thuận thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nước Việt Nam mới) thống nhất vào ngày 3/7/1976.
Nước Việt Nam mới này hoàn toàn không phải là Bắc Việt thôn tính Nam Việt, mà là sự thống nhất giữa Bắc Việt và Nam Việt. Do trước khi thống nhất, Bắc Việt và Nam Việt đều là quốc gia độc lập được quốc tế công nhận, nước Việt Nam mới sau khi thống nhất đương nhiên kế thừa tất cả quyền lợi của Bắc Việt và Nam Việt. Tất nhiên Nam Việt liên tục có đòi hỏi chủ quyền với Hoàng Sa (từ góc độ của Việt Nam), nên nước Việt Nam mới kế thừa tất cả quyền lợi của Nam Việt, đương nhiên cũng có quyền tiếp tục đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Về mặt lí luận, thái độ của nước Việt Nam mới đối với Hoàng Sa có thể dựa theo Nam Việt, mà cũng có thể dựa theo Bắc Việt. Nhưng trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Nam Việt và Trung Quốc mới là hai bên đương sự. Theo luật quốc tế, Bắc Việt chỉ là bên thứ ba không có liên quan về pháp lí, nó hoàn toàn không có quyền lợi và nghĩa vụ quyết định sự quy thuộc của chủ quyền, thái độ của nó cùng lắm chỉ là cách nhìn của bên thứ ba. Vì vậy, yêu sách của Nam Việt quan trọng hơn đối với nước Việt Nam mới, còn thái độ từng có của Bắc Việt hoàn toàn không có tính quyết định. Vì vậy, nước Việt Nam mới đã kế thừa thái độ của Nam Việt cũng là lẽ đương nhiên.
Vì vậy, chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề estoppel (không được nói ngược) có một số sai sót:
Thứ nhất, Trung Quốc sai lầm khi đánh đồng Bắc Việt là Việt Nam mà không chú ý rằng nước Việt Nam mới là quốc gia mới được hình thành từ sự hợp nhất của Bắc Việt và Nam Việt;
Thứ hai, Trung Quốc hiện nay im lặng không đề cập đến việc đã từng công nhận Nam Việt là một quốc gia, càng không đề cập đến việc chính phủ nào của Nam Việt cũng đều chủ trương Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam;
Thứ ba, trước khi Việt Nam thống nhất, Nam Việt mới là bên đương sự ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa với Nam Việt chứ không phải với Bắc Việt. Bắc Việt với tư cách là bên thứ ba ngoài cuộc tranh chấp, thái độ của bên này về pháp lí đối với cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nam Việt hoàn toàn không có ảnh hưởng thực chất nào;
Thứ tư, nước Việt Nam mới đã kế thừa tất cả quyền lợi của Nam Việt và Bắc Việt, cũng đã kế thừa một cách tự nhiên yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa của Nam Việt từ trước đến nay, thái độ mà Bắc Việt từng có, hoàn toàn không ảnh hưởng về mặt pháp lí đến lập trường của nước Việt Nam mới.
Tổng hợp những điều trình bày ở trên thì các văn kiện kiểu như công hàm Phạm Văn Đồng với tư cách là một văn kiện chính thức đối với bản thân Phạm Văn Đồng hoặc chính phủ Bắc Việt là có sức ràng buộc. Việc thay đổi thái độ của Phạm Văn Đồng và chính phủ Bắc Việt đối với Hoàng Sa sau năm 1974 là một dạng “estoppel”. Tuy nhiên, do nước Việt Nam mới là một quốc gia mới được hình thành do sự hợp nhất của Nam Việt và Bắc Việt, và Nam Việt (chứ không phải Bắc Việt) luôn luôn kiên trì có chủ quyền đối với Hoàng Sa mới là bên đương sự về chủ quyền Hoàng Sa, nước Việt Nam mới sau khi kế thừa quyền lợi của Nam Việt, việc nước này có thái độ không giống với chính quyền Bắc Việt trước năm 1974 về vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không cấu thành “estoppel” theo luật pháp quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc dùng nguyên tắc “không được nói ngược” để chỉ trích Phạm Văn Đồng hoặc chính phủ Bắc Việt “nói lời không giữ lời” là có lí có chứng, nhưng khi Trung Quốc dùng nó để chỉ trích và tố cáo nước Việt Nam mới thì không nảy sinh tác dụng pháp lí nào theo luật pháp quốc tế.
IV.11 Malaysia, Brunei và Indonesia
Từ cuối những năm 1960, một số đối thủ cạnh tranh mới nổi lên trong tranh chấp biển Đông: Malaysia, Brunei và Indonesia.
Malaysia
Sau Thế chiến thứ hai, Anh tổ chức lại Malaya thuộc Anh thành Liên bang Malaya. Năm 1957, Malaya độc lập, Tunku Abdul Rahman trở thành Thủ tướng đầu tiên của Malaya. Tương lai của Borneo thuộc Anh khi đó vẫn còn đang tranh luận. Năm 1961, sau khi trải qua thời gian dài thảo luận, đấu tranh gay gắt cũng như dân chúng bày tỏ ý kiến, Anh và Malaya đồng ý để Sabah và Sarawak lấy tư cách quốc gia cùng với Liên bang Malaya hợp thành quốc gia mới; hơn nữa để cân bằng quyền lợi của người Hoa ở Singapore, Singapore độc lập cũng lấy tư cách quốc gia gia nhập Liên bang Malaysia mới. Dân Brunei thì không đồng ý hợp nhất với Malaya (cho dù Quốc vương thiên về như vậy). Do đó,vào ngày 16/9/1963, Liên bang Malaysia bao gồm Malaya, Singapore, Sabah và Sarawak chính thức được thành lập. Việc thành lập Malaysia gặp phải sự phản đối của Indonesia và Philippines. Indonesia khi đó dưới thời Sukarno cổ xúy toàn thể người Malaya tổ chức thành “Đại Melayu” (Đại Mã Lai Do). Mãi tới cuộc bạo động ở Indonesia ngày 30/9/1965, Suharto lên nắm quyền mới từ bỏ tham vọng này. Còn Philippines thì đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với phần phía Bắc Sabah vì phần lãnh thổ này trước đây vốn là thuộc nước Sulu cho Anh thuê, nên phải trả lại cho Philippines. Mãi cho đến sau khi Marcos lên nắm quyền năm 1966, yêu sách này mới được từ bỏ (nhưng cho đến hiện nay vấn đề Sabah vẫn còn gây tranh cãi). Trước cuộc tuyển cử Liên bang lần thứ nhất năm 1964, lãnh đạo Đảng Nhân dân hành động Lí Quang Diệu ở Singapore đã biểu hiện sức thu hút mạnh mẽ đối với cử tri. Hơn nữa, với việc gia nhập của Singapore, nước có số người Hoa áp đảo, đã khiến tỷ lệ chung của người Hoa trong Liên bang Malaysia lên tới 40%, đe dọa nghiêm trọng đến địa vị chính trị của người Malaya bản địa. Tunku Abdul Rahman quyết định buộc Singapore ra khỏi Liên bang Malaysia. Không có cách nào, Singapore tuyên bố độc lập ngày 9/8/1965 . Như vậy, Malaysia hiện nay chỉ mới chính thức được thành hình sau năm 1965.
Khác với Việt Nam và Philippines, chính sách mà Malaysia thực hiện là “lẳng lặng làm giàu”, khai thác dầu khí ven bờ biển Đông trước chứ không vội yêu sách chủ quyền. Thực ra, Malaysia đã bắt đầu khai thác dầu khí gần bờ ngay cả trước khi liên bang được thành lập. Borneo thuộc Anh từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX đã bắt khai thác dầu khí ở ven bờ biển của Bắc Borneo. Sarawak và Sabah đã lần lượt bắt đầu khoan thăm dò dầu khí ở thềm lục địa gần bờ vào năm 1957 và 1958. Kể từ năm 1966, nhờ đổi mới công nghệ, tiến độ thăm dò dầu khí ngoài khơi đã được đẩy nhanh hơn rất nhiều.
Năm 1966, Malaysia căn cứ vào “Công ước về thềm lục địa” của Liên Hợp Quốc năm 1958 đã đề ra “Luật về dầu mỏ” (Petroleum Mining Act, 1966) và “Luật về thềm lục địa” (Continental Shelf Act, 28 July, 1966). Năm 1968, Malaysia đã vẽ ra khu vực khai thác mỏ ở vùng biển phía Đông nước này, trong đó có hơn 80 000 km2 nằm trong đường 9 đoạn của Trung Quốc, bao phủ bãi North Luconia (Bắc Khang), bãi South Luconia (Nam Khang) mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền cũng như bãi ngầm James (Tăng Mẫu) mà Trung Quốc tuyên bố là cực Nam lãnh thổ của họ. Những bãi ngầm có liên quan đến Trung Quốc này đều nằm ở đoạn Sarawak, Malaysia cấp quyền khai thác cho công ti Sarawak Shell (Sarawak Shell BHD), một công ti con của công ti Shell của Mĩ. SSB phân chia khu vực khai thác này thành 4 khu vực địa lí (Baram Delta, Balingian, Central Luconia và S.W. Luconia). Bắt đầu từ năm 1970, Malaysia và các công ti hợp tác lần lượt khoan thăm dò dầu khí trong khu vực khai thác mỏ (mà theo Trung Quốc) thuộc phạm vi quần đảo Trường Sa (bãi Nam Khang, bãi Bắc Khang và bãi Tăng Mẫu). Trong khu vực tam giác châu Baram và khu Balingian đều phát hiện trữ lượng dầu phong phú. Năm 1975, tại vùng biển phía Bắc bãi James (Tăng Mẫu) phát hiện mỏ khí đốt thuộc loại lớn trên thế giới (mỏ khí Mindoro) với trữ lượng 500 tỷ mét khối, sản lượng hàng năm 10 tỷ mét khối. Năm 1982, Malaysia chuyển nhượng quyền khai thác khu vực lô S.W. Luconia (gần bãi Bắc Khang) cho công ti khai thác liên hợp với công ti Pháp Elf Aquitaine đứng đầu thông qua hợp đồng phân chia lợi nhuận sản xuất (Production Sharing Contract). Dầu khí ven bờ ngày càng trở thành ngành sản xuất quan trọng của Sarawak.
Việc phát hiện dầu mỏ ở đoạn Sabah không thành công như ở Sarawak. Sabah đã duyệt cấp các lô này cho 3 tập đoàn Esso, Sabah Shell/Pecten (SSPC) và PETRONAS Carigali / BP / Oceanic, năm 1971, SSPC và Esso lần lượt phát hiện nguồn tài nguyên dầu quan trọng ở khu Erb West và Tembungo. Tuy nhiên, việc khoan thăm dò ở nơi khác thu hoạch không được nhiều.
Năm 1974, Malaysia thành lập Công ti dầu khí quốc gia (PETRONAS), thay mặt nhà nước quản lí toàn bộ tài nguyên dầu mỏ của Malaysia, kí kết lại hợp đồng từ đầu với công ti nước ngoài dùng hình thức hợp đồng phân chia lợi nhuận sản xuất để khích lệ hơn nữa nhiệt tình khai thác của công ti nước ngoài.
Sau khi Suharto lên cầm quyền ở Indonesia, Malaysia và Indonesia xây dựng được quan hệ tốt đẹp, bắt đầu đàm phán về đường phân giới trên bộ và trên biển. Về vấn đề đường phân giới trên biển, đàm phán diễn ra rất thuận lợi, hai bên đều đồng ý lấy trung tuyến làm đường phân giới. Ngày 27/10/1969, hai nước đã kí kết hiệp định về thềm lục địa. Tại đoạn Đông Malaysia thuộc vùng biển biển Đông, hai bên đồng ý lấy đường gấp khúc gồm 4 đoạn nối 5 điểm làm đường phân giới lãnh hai hai nước (Article I, 1-C) (Hình 32). Ngày 17/3/1970, hai nước kí hiệp định về lãnh hải giữa Eo biển Malacca (có hiệu lực ngày 10/3/1971). Còn ở biển Đông, do khoảng cách giữa hai nước lớn hơn 24 hải lí nên không cần phải tiến hành đàm phán về lãnh hải.
Do khi đó vẫn chưa có quy định về vùng đặc quyền kinh tế nên không có hiệp định liên quan giữa Malaysia và Indonesia. Nhưng hai bên có lẽ ngầm thừa nhận thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế cùng sử dụng một đường phân giới chung. Trong hiệp định về thềm lục địa, thềm lục địa mà Indonesia và Malaysia tuyên bố đều có chồng lấn với đường 9 đoạn của Trung Quốc. Trong đó phần chồng lấn của Indonesia với đường 9 đoạn của Trung Quốc khoảng 50 000 km2, còn Malaysia do gần với phía Trung Quốc hơn nên diện tích vùng chồng lấn với đường 9 đoạn lớn hơn.
Hình 32: Đường phân giới trên biển giữa Malaysia và Indonesia
Như vậy, qua việc trao quyền thăm dò dầu khí và phân định vùng biển, Malaysia đã “xâm phạm” “vùng biển” của Trung Quốc cả trên thực tế lẫn trên pháp lí. Nhưng Trung Quốc không hề đưa ra phản đối và cũng dường như không có phản ứng gì. Việt Nam và Philippines cũng không có phản ứng cụ thể nào, vì yêu sách về biển Đông của họ không vươn xa về phía Nam (tới 4° N) như của Trung Quốc. Yêu sách của Việt Nam chỉ đến khoảng 7° N, còn đường yêu sách của Philippines nằm xa hơn về phía Bắc một ít. Việc khai thác ở ven biển của Malaysia không hề chồng lấn với đường yêu sách của Việt Nam và Philippines. Phản ứng nhẹ nhàng của Trung Quốc có thể có mấy nguyên nhân sau: thứ nhất, Malaysia không công khai yêu sách (chẳng hạn như ra tuyên bố) chủ quyền đối với Trường Sa; thứ hai, vùng biển của Malaysia có nhiều bãi ngầm, vừa không thể đóng quân vừa khó khai thác; thứ ba, theo luật quốc tế, Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm, hơn nữa những bãi ngầm đó rất gần Malaysia, trong khi bằng chứng và truyền thống lịch sử về việc khai thác dầu khí gần bờ của Malaysia đều rất đầy đủ, tùy tiện đưa ra phản đối sẽ để lại ấn tượng bá đạo với cộng đồng quốc tế; thứ tư, mục tiêu chính của Trung Quốc khi đó là Việt Nam, nếu Việt Nam không phản đối, Trung Quốc cũng không cần đưa ra phản đối riêng biệt; cuối cùng, vào những năm 1970 Malaysia đã bắt đầu nhích lại gần Trung Hoa cộng sản. Khác với đường lối chống cộng của Tunku Abdul Rahman, Thủ tướng Abdul Razak Hussein theo đuổi chính sách trung lập, không liên kết. Tháng 5/1974 ông ta thăm Trung Quốc, trở thành quốc gia vốn chống cộng ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đầu tiên (Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sớm nhất nhưng đã cắt đứt quan hệ trong những năm 1960). Đối với Malaysia Trung Quốc đại khái cũng có thỏa thuận ngầm giống như với Philippines.
Malaysia lần đầu tiên đưa ra đòi hỏi lãnh thổ đối với một số đảo ở quần đảo Trường Sa vào năm 1971. Vào thời điểm đó, “Cộng hòa MSM” (xem 4.1), nước kế thừa nhà nước tư nhân “Vương quốc Nhân đạo” nói trên, đã gửi thư cho các nước Đông Nam Á, tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Chính phủ Malaysia nhận được thư, dấy lên nghi vấn về tình trạng của Trường Sa. Vì vậy, trong công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/2, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam bày tỏ: Malaysia cho rằng các đảo ở khu vực 9° N và 112° E ở quần đảo Trường Sa thuộc Malaysia, và cũng dò hỏi thái độ của Việt Nam đối với bức thư của nước Cộng hòa MSM. Ngày 20/4, Nam Việt Nam lập tức gửi công hàm, tuyên bố Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Malaysia không bày tỏ thái độ thêm về vấn đề này nữa. Nhưng nước này đã bắt đầu chú ý đến vấn đề chủ quyền các đảo ở biển Đông.
Sau đó, “Tinh châu nhật báo” (Sin Chew Daily) của Malaysia ngày 11/4/1980 đưa tin: Malaysia trước đó đã sớm chú ý đến một bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1975 có vẽ một vùng biển lớn ở gần bờ biển của Đông Malaysia nằm trong biên giới Trung Quốc (chính là nói đến đường 9 đoạn, tác giả), đã đưa ra kháng nghị với Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc im lặng. Đây cũng có thể là nguyên nhân mà Malaysia cảm thấy cần phải hành động thêm.
Ngày 21/12/1979, giới chức Malaysia đã bất ngờ xuất bản một tấm bản đồ thềm lục địa Malaysia, tên gọi chính thức là: Peta Baru Menunjukkan Sempadan Perairan dan Pelantar Benua Malaysia (New Map Showing the Territorial Waters and Continental Shelf Boundaries of Malaysia, sau đây gọi tắt là “Bản đồ năm 1979”, Hình 33, Hình 34). Ranh giới biển của bản đồ này hầu như có tranh chấp với tất cả các nước láng giềng, lập tức khiến các nước xung quanh chú ý và phản đối.
Ban đầu vào năm 1969 và 1970 giữa Malaysia và Indonesia đã cơ bản đạt được hiệp định về vấn đề lãnh hải và thềm lục địa. Nhưng hiệp định chưa giải quyết hai đảo nhỏ ở biển Sulawesi thuộc phía Tây Borneo – đảo Ligitan và đảo Sipadan. Hai đảo khi đó do Malaysia kiểm soát nhưng Indonesia cho rằng mình mới là nước có chủ quyền. Khi hiệp thương hai nước quyết định tạm thời gác lại tranh chấp. Nhưng trong bản đồ năm 1979 nêu trên, hai đảo này được đưa vào lãnh thổ của Malaysia. Indonesia liền đưa ra phản đối. Mãi đến năm 1997, hai bên đồng ý đưa tranh chấp hai đảo này ra Tòa Trọng tài Quốc tế. Cuối cùng năm 2002, Tòa án phán quyết chủ quyền thuộc về Malaysia với tỷ số phiếu 16:1.
Trong bản đồ này, Malaysia cũng đưa vào lãnh thổ của mình đảo Batu Puteh, vốn không bị tranh chấp và từ lâu nằm dưới sự kiểm soát của Singapore. Singapore lập tức đưa ra phản đối ngoại giao. Năm 1994, hai bên Singapore và Malaysia đồng ý đưa vụ việc đảo này ra Tòa án Trọng tài Quốc tế. Năm 2008, Tòa án phán quyết chủ quyền đảo này thuộc về Singapore với tỷ số phiếu 12:4. Ngoài ra, cách vẽ lãnh hải ở Eo Malacca trên bản đồ này cũng gây tranh chấp với Indonesia và Singapore, không phân tích chi tiết ở đây.
Hình 33: Bản đồ năm 1979, phần Tây Malaysia
Hình 34: Bản đồ năm 1979, phần Đông Malaysia
Bản đồ này cũng gây ra những tranh cãi khác ở biển Đông dọc theo phần phía Đông Malaysia. Trên bản đồ đã xuất hiện một đường giới hạn thềm lục địa của Malaysia (1979 Malaysia Continental Limit Line). Đoạn phía Tây của nó bắt đầu từ đường ranh thềm lục địa giữa Malaysia và Indonesia năm 1969, kéo dài thành một đường song song cách Borneo khoảng 200 hải lí đến chỗ đường ranh giới Anh-Mĩ năm 1930 (biên giới phân định Borneo thuộc Anh và Philippines thuộc Mĩ). Các đảo, đá bên trong đường này, bao gồm bãi Glasgow [Shoal] (Nam Lạc), bãi ngầm Phù Mĩ (Hiệu Úy, North East Shoal), đá Công Đo (đá Tư Lệnh, Commodore Reef), đá Gloucester Breakers (đá Pha Lãng), đá Kì Vân (đá Nam Hải, Mariveles Reef), đảo An Bang (bãi An Ba, Amboyna Cay) ở khu vực phía Nam đường này (bao gồm 12 đảo nhỏ và đảo chìm) đều được đưa vào lãnh thổ Malaysia. Mặc dù Malaysia liên tục khai thác dầu khí trên một số bãi ngầm nhưng không chính thức đưa ra đòi hỏi chủ quyền. Nghe nói năm 1975 Malaysia từng nêu ra với Trung Quốc rằng đường 9 đoạn trên bản đồ Trung Quốc vẽ quá gần bờ biển Malaysia. Nếu đúng thì đó là phản đối sớm nhất liên quan đến đường 9 đoạn. Không biết được khi đó Trung Quốc phản ứng ra sao. Nhưng ngoài yêu sách mơ hồ này ra, Malaysia không hề trực tiếp đưa ra đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa. Ví dụ khi Nam Việt Nam chiếm đảo An Bang năm 1975 cũng như khi nước Việt Nam mới chiếm đảo này lần nữa vào năm 1977 (sau đó lại rút đi), Malaysia không hề kháng nghị. Còn khi Philippines đưa quần đảo Kalayaan vào lãnh thổ của mình năm 1978, Malaysia cũng không đưa ra phản đối. Vì vậy, khá bất ngờ khi Malaysia bỗng nhiên đưa nhiều đảo, đá vào lãnh thổ của mình trên bản đồ năm 1979.
Trong đường ranh giới này, Malaysia hoàn toàn không hề tính tới quyền lợi của Brunei. Brunei nằm giữa Sarawak và Sabah. Khi hai bang này gia nhập Liên Bang Malaysia năm 1958 đã đạt được hai hiệp định (xem phần sau) với Brunei (khi đó vẫn là nước bảo hộ của Anh) không gia nhập Liên bang, quy định đường phân giới hai phía Đông Tây của Brunei lần lượt là ranh giới với Sabah và Sarawak. Tuy nhiên, bản đồ năm 1979 của Malaysia hoàn toàn không chú ý đến sự tồn tại của Brunei mà vẽ đá Louisa (Nam Thông, Louisa Reef)... nằm giữa đường phân giới (kéo dài) hai phần Đông và Tây (tức thuộc về Brunei) vào lãnh thổ Malaysia.
Chẳng có gì lạ khi bản đồ này vừa xuất bản đã lập tức gây ra tranh chấp ngoại giao. Phản ứng dữ dội nhất là Nam Việt và Philippines, họ lập tức đưa ra phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Inglis gửi công hàm ngoại giao, cho rằng Malaysia đã xâm phạm chủ quyền của Philippines ở “quần đảo Kalayaan” và Sabah; còn Nam Việt Nam thì bày tỏ rằng việc Malaysia đưa đảo An Bang (bãi An Ba) và đá Hoa Lau (đá Đạn Hoàn, Swallow Reef) vào lãnh thổ là xâm phạm chủ quyền của Nam Việt Nam. Đài Loan cũng đưa ra kháng nghị.
Nhưng thái độ của Trung Quốc rất mềm mỏng, chỉ phản đối riêng với phía Malaysia. Ngày 15/4/1984, phân xã Hồng Kông của Tân Hoa xã khi đăng bài tổng thuật việc các nước phản đối Malaysia phát hành bản đồ này chỉ nhắc đến Indonesia, Singapore, Philippines, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, không nhắc đến việc Trung Quốc phản đối. Khi nhắc đến Trung Quốc, bài báo chỉ nói đến việc Malaysia phản đối bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1975, đồng thời dẫn lời báo “Tinh châu nhật báo” của Malaysia rằng bản đồ năm 1979 này nên được xem là có ngụ ý rằng Trung Quốc không có quyền yêu sách vùng biển này. Đối với phản đối của Trung Quốc mãi đến tháng 6/1980 mới được Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia nêu ra trong buổi chất vấn ở Quốc hội, nhưng ông ta không tiết lộ nội dung của kháng nghị.
Thái độ của Trung Quốc đối với Malaysia thậm chí còn mềm mỏng hơn so với thái độ đối với Philippines. Đối với Philippines, Trung Quốc luôn nhắc lại công khai chủ quyền đối với Trường Sa chứ không phải chỉ phản đối trong tư riêng. Nguyên nhân của sự mềm mỏng này có thể là: Việt Nam là nước phản đối Malaysia dữ dội nhất vào lúc đó (đặc biệt là tranh chấp ở đảo An Bang) trong khi Trung Quốc và Việt Nam đang đánh nhau, việc phản đối nhẹ nhàng có lợi cho việc lôi kéo Malaysia chống lại Việt Nam về mặt dư luận quốc tế.
Malaysia không chỉ mở rộng biên cương trên bản đồ. Ngày 28/4/1980, Malaysia chính thức tuyên bố có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí. Năm 1978, Malaysia đã lặng lẽ dựng cột mốc trên các đảo, đá như đảo An Bang (bãi An Ba), đá Hoa Lau (đá Đạn Hoàn) cũng như đá Công Đo (đá Tư Lệnh), điều này có nghĩa là về hành động Malaysia đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với các đảo của Trường Sa. Nhưng những hành động này đều bị các nước láng giềng chống lại: cột mốc trên đảo An Bang bị quân Việt Nam đổ bộ lên lại phá bỏ năm 1979; cột mốc trên đá Công Đo cũng bị Philippines phá bỏ năm 1980. Hai nước Việt Nam và Philippines lần lượt đóng quân ở hai nơi đó cho đến hiện nay.
Thấy rằng việc dựng cột mốc không đủ để xác lập việc kiểm soát với các đảo, đá, Malaysia tính đến việc trực tiếp chiếm đảo, mục tiêu chính là đá Hoa Lau. Từ năm 1981 đến 1982, Malaysia bắt đầu chuẩn bị việc chiếm đóng đá Hoa Lau, để đổ bộ lên đá Hoa Lau quân đội Malaysia đã tiến hành chuẩn bị ròng rã nửa năm.
Năm 1982, Việt Nam lại phản đối Malaysia vì vụ đá Hoa Lau một lần nữa, và vào tháng 11 trong tuyên bố lãnh hải mới, đã liệt kê rõ đá Hoa Lau là lãnh thổ của Việt Nam. Sau đó Malaysia đưa ra phản đối với Việt Nam vào tháng 1/1983. Ngày 25/3, Việt Nam bác bỏ phản đối của Malaysia. Vì vụ này mà quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.
Cuối tháng 6, Malaysia tham dự cuộc tập trận hàng năm của Hiệp ước phòng thủ 5 nước (Five Power Defence Arrangement, đồng minh quân sự Anh, Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore). Dưới vỏ bọc của cuộc tập trận, ngày 22/8 quân Malaysia đổ bộ lên đá Hoa Lau, đây là đảo, đá đầu tiên mà Malaysia chiếm đóng bằng quân sự ở biển Đông. Ngày 4/9 khi tin này được công bố, Việt Nam lập tức (ngày 7/9) đưa ra phản đối, Ngoại trưởng Malaysia thì tuyên bố đá Hoa Lau “luôn là, hiện nay cũng là một phần của lãnh thổ Malaysia”, đồng thời phản bác rằng việc Việt Nam chiếm đóng đảo An Bang đã xâm phạm chủ quyền của Malaysia, vì đảo An Bang cũng “đã và hiện là một phần của lãnh thổ Malaysia”. Sau đó, Malaysia cố liên tục thuyết phục Việt Nam rút khỏi đảo An Bang nhưng không có kết quả. Tháng 8/1983, Malaysia đã chiếm đóng đá Suối Cát (đá Lạp Dương / Quang Tinh, Dallas Reef, tiếng Malaysia là Terumbu Laya).
Philippines không có yêu sách lãnh thổ đối với đảo An Bang, do đó không đưa ra phản đối. Còn sự mềm mỏng của Trung Quốc lúc này là rất đáng chú ý. Nếu như bên liên quan là Philippines, và giả sử Việt Nam đưa ra phản đối với Philippines, Trung Quốc ít ra cũng sẽ khẳng định lại chủ quyền của mình trên danh nghĩa với Philippines, để cho thấy ý định đối đầu với Việt Nam, nhưng sau khi Malaysia chiếm đóng đá Hoa Lau, ngày 14/9 Trung Quốc chỉ tuyên bố “gần đây đá Đạn Hoàn nằm ở quần đảo Trường Sa của nước chúng tôi bị quân đội nước ngoài chiếm đóng phi pháp, có nước liên tục đưa ra đòi hỏi lãnh thổ đối với một số đảo, đá ở quần đảo Trường Sa của nước chúng tôi”, và đồng thời nhắc lại chủ quyền đối với Trường Sa. Cách làm kiểu không chỉ rõ tên này là rất ít. Việc Trung Quốc có thái độ khác nhau đối với Philippines và Malaysia, ngoài các yếu tố phân tích ở trên, còn có thể là để đáp lại thái độ mềm mỏng tương đối và liên tục nhất quán trước đó của Malaysia.
Từ tháng 11 đến tháng 12/1986, Malaysia chiếm đóng thêm đá Kì Vân (Mariveles Reef), đá Kiêu Ngựa (Tinh Tử, Ardasier Reef, tiếng Malaysia là Terumbu Ubi-Ubi). Như vậy, cho đến năm 1990, Malaysia đã cho quân chiếm đóng tổng cộng 4 đảo, đá. Việc xử lí của Malaysia đối với đá Hoa Lau tương đối độc đáo so với các nước có liên quan ở biển Đông. Nước này bồi đấp đảo với quy mô lớn sớm nhất ở đá Hoa Lau, biến nó từ một đảo đá thành một đảo nhân tạo, có công trình như sân bay và các cơ sở khác. Nhưng mục đích của họ không phải là để quân sự hóa mà là xây dựng nó thành một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng quốc tế. Năm 1990, đảo này mở cửa cho bên ngoài, đến nay vẫn là một điểm du lịch hấp dẫn. Hiện nay, sự kiểm soát của Malaysia trên đá Hoa Lau rất vững chắc.
Bằng chứng cho yêu sách chủ quyền của Malaysia đối với một phần quần đảo Trường Sa rất mơ hồ. Nhìn tổng thể, có vẻ xuất phát từ sự gần gũi về địa lí hoặc do nằm trên thềm lục địa của Malaysia. Ví dụ vào ngày 13/5/1983, khi thảo luận về chủ quyền của Malaysia đối với bãi An Bang, Thứ trưởng phụ trách pháp luật của Malaysia nói rằng đó là một vấn đề địa lí đơn giản (a simple geographic matter). Nhưng có lúc lại có vẻ cho rằng chủ quyền của họ có liên quan với quyền lợi lịch sử nào đó. Ví dụ phát ngôn của Thứ trưởng Ngoại giao vừa nêu trên nhấn mạnh rằng đá Hoa Lau và bãi An Bang xưa nay luôn là một phần của Malaysia. Một ví dụ khác là tháng 5/1983, Thư kí Quốc hội của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia (Parliamentary Secretaries to the Minister of Foreign Affairs, tương đương Trợ lí Bộ trưởng) Kadir Sheik Fadzir tuyên bố “ đá Hoa Lau đã và hiện nay là một phần của lãnh thổ Malaysia, điều này không liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế mà Malaysia yêu sách”. Điều này càng cho thấy rõ ràng hơn về nguyên nhân lịch sử. Nhưng Malaysia có vẻ xưa nay chưa hề giải thích quyền lịch sử nào mà họ có đối với phần đảo, đá này của Trường Sa. Thực ra một ví dụ dễ dàng là vào năm 1877 và 1888 Borneo thuộc Anh đã hai lần cấp quyền khai thác đảo Trường Sa (Nam Uy) và đảo An Bang (bãi An Ba) (xem II.6). Nếu như Anh chuyển nhượng quyền lịch sử này cho Malaysia thì Malaysia có thể có quyền lịch sử này. Nhưng trong những dịp công khai trước nay Malaysia không hề viện dẫn ví dụ này.
Brunei
Trong những năm 1950 Brunei không gia nhập Liên bang Malaya mà là chọn tiếp tục là nước bảo hộ của Anh. Mấy chục năm sau đó, trong thảo luận và tranh thủ với người Anh, Brunei đã hướng tới quyền tự trị lớn hơn và thậm chí là độc lập. Cuối cùng, ngày 1/1/1984, Brunei chính thức tuyên bố độc lập. Năm 1958, Brunei cùng với Sarawak và Sabah (thuộc Anh) lần lượt kí lệnh số 1518 và 1519 (Order in Council 1958 no. 1518 & 1519), quy định tiếp tục sử dụng đường ranh giới biển là đường ranh ngoài của vùng biển dưới 100 fathom (1 fathom = 600 feet ≈ 186 mét) định ra trước đó. Ở phía Tây với Sarawak và ở phía Đông với Sabah, đường ranh giới biển được hình thành đại khái bằng một đường thẳng kéo dài ra biển vuông góc với bờ biển (Hình 35). Phần kéo dài của hai đường ranh giới quy định này chỉ giới hạn trong vùng nước có độ sâu không quá 186 mét. Bản đồ của Malaysia năm 1979 không chú ý đến vấn đề thềm lục địa của Brunei, coi đường giới hạn của hai pháp lệnh này dừng lại ở nơi sâu 186 mét. Vùng biển nằm giữa phần kéo dài của hai đường này, từ đường đẳng sâu 186 mét cho đến 200 hải lí được Malaysia tự quy định là thềm lục địa của mình. Nếu không tính đến yêu sách tiềm năng của Brunei thì cách làm này phù hợp với luật tập quán và “Công ước”, nhưng trong luật về thềm lục địa của Malaysia năm 1966, định nghĩa của thềm lục địa cũng dừng lại ở vùng biển có độ sâu 200 mét, điều này không ngăn cản việc Malaysia mở rộng thềm lục địa đến vùng biển 200 hải lí trong bản đồ năm 1979.
Brunei là quốc gia khai thác dầu khí sớm nhất ở Đông Nam Á. Ngay từ năm 1899 đã bắt đầu khoan dầu trên bờ, năm 1933 có giếng dầu gần bờ (offshore) đầu tiên, năm 1959 giàn khoan ngoài khơi cách bờ biển 3 hải lí được đưa vào sử dụng.
Hình 35: Ranh giới biển của Brunei năm 1958
Tuyên bố năm 1954 (1954 Proclamation) cho phép Brunei có thể giao quyền thăm dò và khai thác ở vùng biển ngoài 3 hải lí đến bên trong đường đẳng sâu 200 feet (60,96 mét), đã đẩy nhanh thêm một bước sự phát triển ngành dầu khí ven bờ của Brunei. Năm 1963, Công ti dầu khí Shell Brunei (BSP) giành được quyền khai thác dầu khí ven bờ bên ngoài 3 hải lí. Cùng năm tại khu vực Southwest Ampa đã phát hiện một mỏ dầu lớn; năm 1970, ở phía Đông khu vực Champion phát hiện mỏ dầu lớn khác; năm 1975 tại địa điểm chếch về phía Nam khu vực Champion phát hiện mỏ dầu Magpie. Ngoài ra, còn phát hiện một số mỏ dầu nhỏ. Những mỏ dầu này nằm ở trong vùng có độ sâu dưới 200 feet, đem đến cho Brunei lợi ích dầu khí rất lớn. Năm 1968, Brunei cấp cho BSP quyền khai thác bên ngoài đường đẳng sâu 200 feet đến đường đẳng sâu 600 feet; năm 1981 lại cấp cho BSP quyền khai thác ở trong đường có độ sâu 4000 feet (BSP cũng lần lượt từ bỏ một nửa khu vực trong khu khai thác ban đầu cho các công ti khác). Trong những khu vực mới này trữ lượng dầu khí tương đối nhỏ, chỉ có mỏ khí thiên nhiên Fairley (1969) có trữ lượng lớn. Các mỏ dầu, khí của Brunei tập trung ở gần bờ. Mặc dù đường 9 đoạn cách Brunei chỉ có mấy chục hải lí nhưng cũng chỉ có hai mỏ dầu nằm ở trong đường này.
Ban đầu, Brunei không có yêu sách lãnh thổ ở Trường Sa. Một trong những nguyên nhân là trước năm 1984 Brunei không có quyền ngoại giao, còn Anh không phải là nước kí “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”, do đó Brunei cũng không tham gia Công ước. Điều ước mà Brunei tuân theo vẫn là “Công ước về thềm lục địa” năm 1958, trong đó quy định bề rộng của thềm lục địa cho tới chỗ có “độ sâu nước biển bên trong không vượt quá 200 mét, hoặc tuy vượt quá giới hạn này nhưng độ sâu của nước biển này vẫn cho phép tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển này có thể khai thác được”. Nếu sử dụng quy định đường đẳng sâu 200 mét thì sẽ không có bãi ngầm, đảo hay đá nào của quần đảo Trường Sa nằm trên thềm lục địa của Brunei.
Bản đồ năm 1979 của Malaysia là nhân tố quan trọng kích động Brunei mở rộng thềm lục địa. Vì bản đồ này mở rộng thềm lục địa ra đến 200 hải lí mà không hề cân nhắc đến lợi ích của Brunei, cũng không xét đến lệnh số 1518 và 1519 mà hai bên đã đồng ý từ lâu. Vì vậy, sau khi giành độc lập năm 1984, Brunei lập tức tính đến việc gia nhập “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển” (ngày 5/5/1984 kí, ngày 5/11/1986 phê chuẩn). Từ năm 1987 đến 1988, Brunei đã công bố 3 bản đồ (Maps Showing Territorial Waters of Brunei Darussalam (1987), Maps Showing Continental Shelf of Brunei Darussalam (1988) và Maps Showing Fishery Limits of Brunei Darussalam (1988) ), đã lần lượt thể hiện rõ lãnh hải, thềm lục địa và giới hạn vùng đánh cá (tương đương với vùng đặc quyền kinh tế) của Brunei. Trong bản đồ năm 1988 (Hình 36), đá Louisa (Nam Thông, Louisa Reef) đã nằm trên thềm lục địa của Brunei. Đá Louisa là một đảo đá hầu như bị chìm hoàn toàn khi thuỷ triều lên, và hầu như không đủ điều kiện để đòi hỏi lãnh hải theo luật pháp quốc tế. Năm 1978 trong một loạt hành động của Malaysia ở các đảo biển Đông như “dựng cột mốc chủ quyền” cũng bao gồm cả đá Louisa. Thềm lục địa mà Brunei chủ trương trên bản đồ không giới hạn ở 200 hải lí mà mở rộng ra giới hạn lớn nhất gần 350 hải lí. Đường giới hạn của nó càng gần trung tâm biển Đông hơn so với đường yêu sách của Malaysia, đã bao gồm bãi ngầm chìm tương đối lớn khác là bãi Vũng Mây hoặc (bãi /đá Nam Vi, Rifleman Bank) và một bãi ngầm tương đối nhỏ khác là Owen [Shoal]. Bãi Vũng Mây có chiều Đông Tây dài 24 km, Nam Bắc dài 56 km, toàn bộ chìm dưới nước, bên trong có thể chia thành mấy phần như đá Ba Kè (Bồng Bột bảo, Bombay Castle), Johnson Patch (bãi ngầm Thường Tuấn), Kingston Shoal (bãi ngầm Kim Thuẫn) và Orleana Shoal (bãi ngầm Áo Nam)...
Đá Ba Kè (Bồng Bột bảo, Bombay Castle) là bãi ngầm cạn nhất ở góc Đông Bắc của bãi Vũng Mây, chìm dưới nước 3 mét. Năm 1989 Việt Nam chiếm đóng đá Ba Kè, xây dựng một đèn biển trên đó và cử người trông coi.
Hình 36: Sự thay đổi yêu sách biên giới biển của Brunei
Vì Brunei là nước nhỏ và yếu, hơn nữa đá Louisa cũng không thể cư trú được, cho nên tuyên bố chủ quyền đối với nó chỉ là nói ngoài miệng, thực tế họ chưa cử người đổ bộ lên đảo, nói chi tới phái quân đóng giữ. Các mỏ dầu, khí của Brunei đều ở gần bờ, hiện nay họ cũng không có kế hoạch khai thác dầu khí xa bờ, do đó cũng không quá tích cực “bảo vệ chủ quyền”. Đá Louisa trên thực tế bị Malaysia kiểm soát. Cũng chính vì như vậy, các nước (trừ Malaysia) hầu như đều không có lời chỉ trích nào nhằm vào Brunei. Ngoài việc không ngừng nhắc lại yêu sách, Malaysia không hề có hành động ngoại giao nào nhắm vào riêng chỉ Brunei.
Indonesia
Biên giới hiện nay của Indonesia được định từ thời kì thuộc địa Hà Lan, người Hà Lan cho đến năm 1920 mới kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Indonesia hiện nay. Trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản chiếm đóng Indonesia, về mặt khách quan đã tạo điều kiện cho người Indonesia lật đổ ách thống trị thực dân. Sau khi Nhật Bản bại trận, Hà Lan mưu tính quay trở lại Indonesia. Nhưng Sukarno hợp tác với người Nhật trong Thế chiến thứ hai đã củng cố quyền lợi thành công, và sau chiến tranh lập tức tuyên bố độc lập. Trãi qua chiến tranh giành độc lập, mưu đồ của thực dân cho việc quay trở lại Indonesia đã bị thời đại vứt bỏ và cuối cùng đã thất bại vào năm 1949.
Sau khi độc lập, Indonesia đã kế thừa quyền lợi của phần lớn các thuộc địa Đông Ấn của Hà Lan. Năm 1963, đất thuộc địa cuối cùng ở Đông Nam Á của Hà Lan – Tây New Guinea cũng được chuyển giao cho Indonesia.
Giống như Philippines, toàn bộ lãnh thổ Indonesia đều là đảo, nên cũng rất quan tâm đến quyền lợi biển. Sau khi tham dự Hội nghị biển Liên Hợp Quốc không lâu, Indonesia liền ra “Tuyên bố về quốc gia quần đảo” (ngày 18/2/1960) và “Luật vùng biển Indonesia” (Pháp lệnh số 4 ngày 18/2/1960), tuyên bố đường cơ sở lãnh hải, quy định vùng biển bên trong đường cơ sở là nội thuỷ của Indonesia, và trong phạm vi 12 hải lí tính từ đường cơ sở là lãnh hải Indonesia. Đường cơ sở lãnh hải đoạn ở biển Đông, từ mũi Datu ở chỗ giao giới của Kalimantan và Sarawak kéo dài về phía bắc đến rìa ngoài của các đảo như đảo Laut thuộc quần đảo Natuna.., rồi hướng về phía Tây Nam đến quần đảo Anambas, sau đó rẽ về phía Nam đến đảo Bintan ở Eo biển Singapore. Vì vậy, phần đường lãnh hải này do có quần đảo Natuna nên tạo thành một đường cơ sở hình túi nhô ra bên ngoài. Do Indonesia là một quốc gia quần đảo, cho nên kiểu đường cơ sở thẳng này phù hợp với luật quốc tế. Ngày 27/6/1969, Indonesia và Malaysia đã kí hiệp định về thềm lục địa. Ở đoạn phía Đông Malaysia thuộc vùng biển Đông, hai bên đã lấy đường cơ sở lãnh hải tại quần đảo Natuna của Indonesia làm cơ sở, đồng ý lấy đường gấp khúc 4 đoạn nối 5 điểm liên tiếp làm đường phân định lãnh hải của hai bên (Article I, 1-C) (Hình 37).
Do quần đảo Natuna nằm vắt ngang giữa Đông Malaysia và Tây Malaysia, hơn nữa tính chất quốc gia quần đảo của Indonesia cho phép quy định vùng biển bên trong đường cơ sở lãnh hải là nội thuỷ, do đó tàu thuyền và máy bay không thể tùy tiện đi qua. Nội thuỷ được hình thành bên trong quần đảo Natuna và giữa quần đảo này với các đảo khác của Indonesia giống như bức bình phong giữa Đông Malaysia và Tây Malaysia, gây bất tiện nghiêm trọng cho Malaysia. Về vấn đề này hai bên đã tiến hành đàm phán trong thời gian dài, cuối cùng vào ngày 3/2/1981, hai bên đạt được “Hiệp định lãnh hải và lãnh không giữa Cộng hòa Indonesia và Malaysia”. Trong đó, Malaysia thừa nhận Indonesia là quốc gia quần đảo, tôn trọng nội thuỷ của Indonesia; trong khi Indonesia tôn trọng “các quyền truyền thống” của Malaysia như hàng hải, hàng không, thông tin và đặt cáp giữa Đông và Tây Malaysia.
Hình 37: Biển giới biển giữa Malaysia và Indonesia ở vùng phụ cận quần đảo Natuna.
Quần đảo Natuna là lãnh thổ duy nhất của Indonesia (được thảo luận trong sách này) đối diện với biển Đông. Ở đây cần phải nhìn lại đôi chút về lịch sử của nó. Natuna nằm giữa Đông Malaysia và Tây Malaysia (khoảng 4° N), được tạo thành từ 272 hòn đảo, tổng diện tích 2110 km2. Và dân số chỉ có 90 000 người. Quần đảo Natuna từ xưa đến nay là phạm vi hoạt động của người Malaysia. Thế kỉ 16, di dân Patani và Johor bắt đầu thành lập chính quyền ở đây. Một quý tộc bản địa là Wan Seri Bulan kết hôn với một quý tộc Datuk Lingkai al-Fathani của Patani, và con cháu của họ trở thành người cai trị của Natuna.
Thế kỉ 19, chính quyền Wan Muhammad al- Fathani chấp chính. Ngày 25/1/1848, một tàu của Anh gặp nạn ở Natuna, ông đã cứu các thuyền viên, vì vậy ông được Thống đốc Malacca của Anh là William John Butterworth tặng cho một khẩu pháo bằng đồng. Những sự kiện này cho thấy rõ rằng lịch sử ban đầu của quần đảo Natuna có liên quan mật thiết với bán đảo Malaysia hơn là với quần đảo Indonesia.
Bắt đầu từ thế kỉ 17, bán đảo Malaysia trở thành nơi tranh giành giữa Anh và Hà Lan. Ngày 24/3/1824, hai bên kí “Hiệp ước 1824” (Treaty of 1824) đặt cơ sở cho lãnh thổ của Malaysia và Indonesia hiện nay, trong đó quy định Hà Lan chuyển nhượng thuộc địa trên bán đảo Malaysia cho Anh, không yêu sách lãnh thổ đối với Singapore nữa; đổi lại, Anh chuyển giao thuộc địa ở đảo Sumatra cho Hà Lan, hơn nữa cũng không phát triển thuộc địa ở phía Nam eo biển Malaysia nữa.
Như vậy, Singapore đã trở thành đường phân giới phạm vi ảnh hưởng của hai nước ở vùng biển Malacca. Nhưng quy định điều ước này không ngăn cấm Hà Lan mở rộng sang các đảo ở phía Bắc Singapore. Vào cuối thế kỉ 19, Hà Lan đã thôn tính quần đảo Natuna. Bản đồ thời kì Đông Ấn thuộc Hà Lan đã đưa quần đảo Natuna vào phần của Đông Ấn thuộc Hà Lan, và phân chia khu vực quần đảo bằng các đường đứt đoạn. (Hình 38) Khi giành được độc lập, Indonesia đã kế thừa toàn bộ lãnh thổ của Đông Ấn thuộc Hà Lan, đương nhiên cũng bao gồm cả quần đảo Natuna.
Trên mạng Trung Quốc có ý kiến cho rằng vào thời Thanh quần đảo Natuna chủ yếu chỉ gồm di dân Trung Quốc. Sau khi quân Thanh tiến vào tiêu diệt chính quyền Nam Minh, ở ven biển tỉnh Quảng Đông có mấy trăm tàn quân và mấy trăm gia đình ngư dân không muốn chịu sự thống trị của Mãn Thanh đã chạy đến quần đảo Natuna. Trương Kiệt Tự, người gốc Triều Châu tỉnh Quảng Đông, từng xây dựng vương quốc trên đảo An Ba Na (đảo Natuna) trước khi người Hà Lan xâm lược. Thế kỉ 19, Trương Kiệt Tự mất, nội bộ xảy ra tranh chấp, người Hà Lan mới thừa cơ tiêu diệt vương quốc họ Trương. Đây có vẻ là chuyện hư cấu của các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, vì trong thư tịch chính thức không có ghi chép nào như vậy.
Hình 38: Bản đồ xung quanh quần đảo Natuna thời kì quần đảo Đông Ấn thuộc Hà Lan (1937)
Indonesia cách xa Trung Quốc, vốn không có liên quan với Trung Quốc về mặt địa lí. Tuy nhiên, đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ đến phía Bắc quần đảo Natuna, điều này đã lôi kéo Indonesia vào tranh chấp biển Đông. Bắt đầu từ năm 1966, Indonesia bắt đầu phân định các khu khai thác theo hiệp định ở trên biển. Năm 1970, Công ti Agip của Ý phát hiện mỏ khí thiên nhiên trữ lượng rất phong phú ở khoảng 225 km phía Đông Bắc quần đảo Natuna, ước đoán trữ lượng có thể khai thác là 46 nghìn tỷ (trillion) feet khối (tcf). Ngày 21/3/1980, Indonesia ra “Tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”, tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lí tính từ đường cơ sở lãnh hải.
Cùng năm, lô này (D-Alpha) được trao cho công ti quốc doanh Pertamina và tập đoàn Exxon của Mĩ với tỷ lệ cổ phần 50:50. Tuy nhiên, mỏ dầu này chứa tới 71% carbon dioxide, giá thành khai thác rất cao, mãi đến trước thập niên 1990 vẫn chưa thể khai thác được.
Vì đường 9 đoạn của Trung Quốc không có tọa độ, mà cách vẽ của nó gần quần đảo Natuna là khoảng trống giữa vạch thứ 3 và thứ 4, nên khó khẳng định lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa ở phía Bắc quần đảo Natuna có đi vào phạm vi đường 9 đoạn hay không. Nếu như đã tiến vào, cũng không có cách gì xác nhận vùng chồng lấn có diện tích bao nhiêu.
Nhưng theo tuyên bố năm 1980 và “Luật vùng đặc quyền kinh tế” năm 1983, vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia kéo dài 200 hải lí từ quần đảo Natuna, chắc chắn đã tiến vào phạm vi đường 9 đoạn của Trung Quốc. Theo ước tính của các chuyên gia Trung Quốc, khu khai phát theo hiệp định đã xâm nhập vào đường 9 đoạn của Trung Quốc hơn 50 000 km2. Trước những năm 1990, Indonesia không nhận ra rằng sẽ họ có tranh chấp với Trung Quốc, và cảm thấy bất ngờ với việc “đột nhiên” bị cuốn vào tranh chấp với Trung Quốc.
Từ đó, tất cả bên tranh chấp đều đã xuất hiện. Đáng chú ý là yêu sách của ba bên này về cơ bản đều dựa vào nguyên tắc đường bờ biển, và không bên nào nêu ra quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa.
Theo Lí Kim Minh, điều này hoàn toàn là vì tài nguyên dầu khí mới phát hiện ở biển Đông. Tác giả không phủ nhận rằng tài nguyên dầu khí có thể là lực tác động lớn nhất để 3 bên này tích cực khai thác khu vực ven biển. Tuy nhiên, ba bên này về cơ bản đều đã tiến hành phân giới lãnh hải ở biển Đông ngay sau khi độc lập, và họ đều bắt đầu khai thác dầu khí từ rất sớm, các mỏ dầu của họ đều tập trung ở thềm lục địa gần bờ của mình. Dầu mỏ rất quan trọng đối với kinh tế của cả Malaysia lẫn Brunei. Họ cũng không nhất thiết muốn tranh chấp với Trung Quốc nếu Trung Quốc không vẽ đường chín đoạn đến tận “ngưỡng cửa nhà” họ và tuyên bố chủ quyền đối với các bãi cạn không thể kiểm soát cách xa Trung Quốc cùng các rạn đá gần như chìm dưới mặt nước.
IV.12 Trung Quốc tiến xuống Trường Sa và hải chiến Trung-Việt ở Trường Sa
Trung Quốc khảo sát ở vùng biển Trường Sa bắt đầu từ năm 1973, Viện Nghiên cứu Hải dương Nam Hải, Viện Khoa học Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành khảo sát vùng biển thuộc khu vực Hoàng Sa và Macclesfield (Trung Sa), một trong những mục đích cũng là tìm kiếm dầu mỏ trong vùng biển gần. Sau Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, nhu cầu phát triển công nghiệp to lớn khiến nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng mạnh. Bắt đầu từ những năm 1960 Trung Quốc đã thăm dò dầu mỏ ở ven bờ biển Đông, trong đó phát hiện dầu mỏ ở vùng biển Oanh Ca, đảo Hải Nam năm 1963 là phát hiện quan trọng đầu tiên của Trung Quốc về dầu mỏ ở biển Đông. Năm 1977, giếng dầu biển sâu đầu tiên là “Oanh 1” đã được khai thác tại đây. Nhưng mãi đến cuối thập niên 1970, thu hoạch vẫn còn rất hạn chế, chỉ khoan thăm dò không đến 20 giếng dầu ở ven biển. Năm 1977, giếng “Loan 1” ở bồn trũng vịnh Bắc Bộ chỉ khai thác được 50 đến 53 m³/ngày; năm 1979, giếng “Loan 9” của vùng biển Oanh Ca (bồn trũng Quỳnh Đông Nam) mới khai thác được dầu mỏ mang tính công nghiệp (sản lượng dầu thô 37 đến 64 m³/ngày); còn ở bồn trũng cửa sông Châu Giang đến năm 1980 mới khai thác 7 giếng dầu, sản lượng dầu thô tổng cộng 296 m³/ngày. Những thành quả này đều tụt xa phía sau rất nhiều so với tiến độ khai thác dầu khí ven bờ biển Đông của Malaysia, Brunei thậm chí Việt Nam cùng thời kì. Từ đầu năm 1980, lĩnh vực khai thác dầu mỏ ở biển Đông của Trung Quốc đi theo hướng quy mô hóa. Năm 1982, Tổng Công ti Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thành lập, là sự kiện có tính cột mốc của dầu mỏ ngoài khơi. Sau cải cách và mở cửa, giống như các quốc gia khác, Trung Quốc cũng bắt đầu tiến hành mời gọi công ti dầu mỏ nước ngoài tiến hành khai thác dầu khí ven bờ bằng hình thức hợp tác trao đổi thị trường đối với khu vực đáy biển. Dù khi đó khu vực khai thác của Trung Quốc vẫn tập trung ở 3 khu vực quan trọng là vịnh Bắc Bộ, phía Đông đảo Hải Nam và cửa sông Châu Giang, nhưng họ đã rất chú ý đến tài nguyên dầu mỏ ở khu vực Trường Sa, cáo buộc các nước Philippines, Malaysia, Việt Nam... cướp đoạt tài nguyên dầu mỏ ở Trường Sa “thuộc về Trung Quốc”. Đồng thời, dựa vào nguyên tắc “thu hồi lãnh thổ quốc gia”, sau khi giành được quyền kiểm soát Hoàng Sa, Trung Quốc cũng bắt đầu nóng lòng muốn có quyền kiểm soát đối với Trường Sa. Đúng như Ngoại trưởng Hoàng Hoa nói khi nào đến lúc thì Trung Quốc sẽ thu hồi (xem IV.8).
Bước tiến của Trung Quốc tới Trường Sa bắt đầu bằng nghiên cứu khoa học.
Cho đến năm 1978, Trung Quốc chủ yếu dùng tàu khảo sát “Thực Nghiệm” tiến hành 11 lần khảo sát tổng thể ở phần phía Bắc biển Đông. Xa nhất về phía Đông đến đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough), và “vượt qua phía Bắc quần đảo Trường Sa”. Năm 1983, những hạng mục điều tra này xong một giai đoạn, có hơn 80 bài viết được viết và giành được giải nhất giải thưởng thành quả khoa học kĩ thuật của Viện Khoa học Trung Quốc.
Năm 1983, sau khi được hải quân Trung Quốc huấn luyện (xem phần dưới), Đội Khảo sát khoa học lại chuẩn bị tiến xuống phía Nam. Tháng 7/1984, tháng 6/1985 và tháng 4/1986, tàu “Thực Nghiệm 3” đi đến vùng biển Trường Sa tiến hành khảo sát trong 3 năm liên tiếp.
Tháng 5/1987, tàu “Thực Nghiệm 2” và “Thực Nghiệm 3” lại đi khảo sát một lần nữa. Trong những đợt khảo sát này, nhân viên khảo sát đổ bộ lên 10 đảo đá (bãi Bông Bay [bãi Bồng Bột, Bombay Shoal], đá Tiên Thực [bãi Sabin, Sabina Shoal], bãi Cỏ Mây [đá Nhân Ái, Second Thomas Reef], đá Long Điền [đá Ngưu Xa Luân, Boxall Reef], đá Vành Khăn [đảo Mĩ Tế, Mischief Reef], đá Tiên Nga [đá Suối Ngọc, Alicia Annie Reef], bãi Suối Ngà [đá Tín Nghĩa, First Thomas Shoal], đá Phù Mĩ [đá Hải Khẩu, Investigator Northeast Shoal], đá Đồi Mồi [đá Hạm Trưởng, Royal Captain Captain Shoal] và bãi Trăng Khuyết [đá Bán Nguyệt, Half Moon Shoal]) và để lại vật đánh dấu.
Đồng thời, Trung Quốc cũng đã tăng cường chuẩn bị về hành chính và pháp lí. Ngày 20/4/1983, Uỷ ban Địa danh Trung Quốc công bố địa danh tiêu chuẩn một số đảo ở biển Đông (tổng cộng 287 đảo), vẫn còn sử dụng đến nay. Con số này nhiều hơn con số 172 đảo công bố năm 1947, ngoài tên gọi các đảo, đá vốn có ra, còn tăng thêm mới một số tên gọi đường thuỷ và tên gọi của đảo, đá. Tuy nhiên, 3 địa danh trong bảng tên gọi năm 1947 trước kia (bãi ngầm Lập Địa, bãi ngầm Bát Tiên và bãi Quản Sự) không xuất hiện trong bảng tên gọi mới này. Về điều này, Văn kiện số 280 của Quốc Vụ viện (82) (Thư trả lời của Quốc Vụ viện về phương án đặt tên, đổi tên địa danh các đảo biển Đông) viết: “...2. Đồng ý công bố, sử dụng và cung cấp ra bên ngoài 287 đảo được phê duyệt... 3 địa danh bãi ngầm Lập Địa, bãi ngầm Bát Tiên, bãi Quản Sự trong phương án báo cáo, tạm thời không công bố, cũng không trích dẫn công khai và cung cấp ra bên ngoài.” Vì vậy, cái được công bố lần này là “địa danh tiêu chuẩn một phần”. Lí do không công bố 3 địa danh đó có lẽ là do vị trí của chúng ở bên ngoài đường 9 đoạn, trong đó vị trí địa lí của bãi ngầm Lập Địa và bãi ngầm Bát Tiên còn ở xa về phía Nam hơn bãi ngầm Tăng Mẫu, trái với việc bãi ngầm Tăng Mẫu luôn được tuyên bố là cực Nam lãnh thổ Trung Quốc. Về mặt hành chính, ngày 22/10/1981, “Uỷ ban Cách mạng quần đảo Tây, Nam, Trung Sa tỉnh Quảng Đông” (Quảng Đông tỉnh Tây, Nam, Trung Sa quần đảo Cách mệnh Uỷ viên hội) trước đó được đổi tên thành “Văn phòng quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa tỉnh Quảng Đông” (Quảng Đông tỉnh Tây Sa quần đảo, Nam Sa quần đảo, Trung Sa quần đảo Bạn sự xứ) với cơ cấu ngang cấp huyện. Ngày 1/10/1984, Trung Quốc thành lập Khu hành chính Hải Nam trực thuộc tỉnh tiếp quản Văn phòng này. Ngoài ra, năm 1985, Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh cấm ngư dân đến quần đảo Trường Sa đánh cá, sau 30 năm ngư dân Trung Quốc lại xuất hiện trở lại ở vùng biển Trường Sa.
Trung Quốc cũng bắt đầu tiến hành chuẩn bị về mặt quân sự. Ngày 5/5/1980, lữ đoàn 1 thủy quân lục chiến thuộc hạm đội Nam Hải chính thức là đơn vi đầu tiên được thành lập, đây là binh chủng độc lập mới được thành lập cho việc đổ bộ tác chiến. Năm 1981, Trung Quốc cũng chuyển Bộ chỉ huy Hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu đến Trạm Giang, đồng thời thành lập một loạt căn cứ tại Hải Khẩu, Du Lâm, Bắc Hải và điều động các công cụ đổ bộ tiên tiến từ phía Bắc đến Hạm đội Nam Hải. Năm 1983, hải quân Trung Quốc đã tổ chức một lần huấn luyện biển xa cho cán bộ hải quân, đội tàu thực tập đi biển xa này do hai tàu tiếp tế loại 20 000 tấn và một tàu vận tải loại 2 000 tấn hợp thành, vận chuyển hơn 100 cán bộ trẻ là thuyền trưởng, nhân viên nghiệp vụ hàng hải... Vào ngày 18/5 đội tàu xuất phát từ Trạm Giang, đi qua quần đảo Hoàng Sa, băng qua biển Đông đến bãi ngầm Tăng Mẫu. Đội tàu thả neo, kéo còi ở bãi ngầm Tăng Mẫu và tiến hành huấn luyện định vị thiên văn. Đây là lần đầu phía quân đội Trung Quốc (tính cả Đại lục lẫn Đài Loan) đến bãi ngầm Tăng Mẫu “chỗ cực Nam Tổ quốc trong truyền thuyết” này.
Sau đó đội tàu vượt qua Eo biển Balintang đi vào Tây Thái Bình Dương, lấy đảo Iwo Jima làm điểm chuyển hướng, đi qua Eo biển Osumi, qua biển Hoa Đông vượt qua Eo biển Đài Loan trở về căn cứ ở Trạm Giang.
Hải chiến đá Gạc Ma (Xích Qua)
Các hành động liên tiếp này của Trung Quốc khiến Việt Nam đề phòng. Tháng 4/1987, Việt Nam phái quân chiếm đảo đá Bạc (bãi Thuyền Chài, Barque Canada Reef). Trung Quốc lập tức đưa ra phản đối cứng rắn. Ngày 20/4, Trung Quốc chuyển cho Liên Hợp Quốc Tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Đông, Tây, Trung, Nam Sa (A/42/236), lên án Việt Nam xâm lược quần đảo Trường Sa và tuyên bố dành quyền thu hồi lãnh thổ bị mất vào dịp thích hợp. Từ ngày 16 đến 19/5/1987, hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự lần đầu ở Trường Sa; cuối tháng 6 lại tiến hành diễn tập đổ bộ ở Hoàng Sa. Từ ngày 8/10 đến 20/11, biên đội tổng hợp của Hạm đội Đông Hải của hải quân Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện đi biển đường dài ở Tây Thái Bình Dương và biển Đông, chuyến đi đạt 54 000 hải lí, đã rèn luyện năng lực tác chiến đường xa. Hành động của Trung Quốc ở biển Đông như đạn đã lên nòng, chỉ đợi thời cơ tốt.
Đúng vào lúc này, Liên Hợp Quốc “uỷ thác” Trung Quốc xây dựng Trạm quan trắc mặt biển số 74, đây trở thành cái cớ cho Trung Quốc đến hoạt động ở biển Đông trước năm 1988. Thế nhưng chi tiết cụ thể của quá trình này rất mơ hồ.
Tháng 2/1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc thông qua “Kế hoạch cùng đo mực nước biển toàn cầu”, quyết định xây dựng 200 trạm quan trắc biển trên phạm vi toàn cầu. Tại đại hội lần thứ 14 của Uỷ ban Hải dương học Liên chính phủ được tổ chức tại Paris vào tháng 3, các nước được yêu cầu tự đăng kí chịu trách nhiệm xây dựng. Đây chỉ thuần túy thuộc về nghĩa vụ, Liên Hợp Quốc hoàn toàn không cung cấp ngân sách, và số liệu quan sát được cũng cho cả thế giới cùng chia sẻ, cho nên các bên hoàn toàn không quá tích cực. Xét từ quá trình, hoàn toàn không chuyện Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc xây dựng trạm quan sát ở Trường Sa mà việc này do Trung Quốc chủ động đề xuất. Theo phía Trung Quốc, việc thành lập Trạm quan sát số 74 đã được đại diện các nước tham gia nhất trí thông qua, thậm chí đại diện Việt Nam cũng bỏ phiếu tán thành. Xét thấy khi đó Việt Nam rất nhạy cảm đối với những việc liên quan đến chủ quyền, nếu như có biểu quyết danh sách thành lập các trạm quan trắc, rất khó tưởng tượng đại biểu Việt Nam sẽ bỏ phiếu tán thành. Học giả Hayton cho rằng Trung Quốc đã thêm các đảo của Trường Sa vào trong tài liệu, và khi đó không có người chú ý đến việc Trung Quốc “nhét” địa danh này vào trong danh sách. Tôi đoán rằng khi đó có thể có biểu quyết kế hoạch xây dựng các trạm quan trắc, nhưng không có danh sách cụ thể kèm theo.
Còn báo chí Việt Nam thì cho rằng Đại hội căn bản không uỷ thác Trung Quốc xây dựng trạm quan trắc mực nước biển này. Theo Việt Nam, “trạm quan trắc uỷ thác xây dựng” mà Trung Quốc nói đến có số hiệu 74 và 76. Tuy nhiên trong danh sách các trạm quan trắc mực nước biển sẽ xây dựng của Hội nghị (10CPG-OPC-118ANNEX3, ngày 16/2/1987) cũng như trong danh sách “Hệ thống quan sát mực nước biển toàn cầu” (10CGLOSS-116, ngày 27/4/1987) mà Uỷ ban Hải dương học quốc tế gửi cho Uỷ ban Hải dương học Việt Nam sau Hội nghị, đều không có bất cứ một địa điểm trạm nào lập tại Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Trung Quốc chỉ có các trạm quan trắc số hiệu 79, 78, 283 và 247, đều nằm ở phía Bắc Vĩ tuyến 21°35’ N. Trạm quan trắc số 74 là của Mĩ, còn trạm quan trắc số 76 là của Nam Phi. Rốt cuộc sự thật ra sao, vẫn phải chờ điều tra mới rõ được.
Thực ra, Việt Nam cũng rất quen thuộc và cảnh giác trước những thủ đoạn nhỏ nhặt như vậy trong chiến tranh ngoại giao. Ví dụ, tại Hội nghị khí tượng châu Á lần thứ 8 được tổ chức ở Geneva vào năm 1985, danh sách các trạm khí tượng thuộc về hệ thống SYNOP đã được thông qua, trong đó có ghi trạm khí tượng của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã chính thức đưa ra phản đối tại Đại hội. Nếu như sự việc đúng như Trung Quốc nói mà Việt Nam không phát hiện ra thì đó là một sơ xuất ngoại giao của Việt Nam.
Nhưng bất kể như thế nào, Trung Quốc nói mình đã tiếp nhận nhiệm vụ được Liên Hợp Quốc uỷ nhiệm, xây dựng ở Trường Sa trạm quan trắc số 74. Do đó, từ ngày 15/5 đến 6/6/1987, Trung Quốc phái tàu khảo sát khoa học “Hương Dương Hồng 5” đến quần đảo Trường Sa tiến hành điều tra lựa chọn địa điểm cho trạm hải dương. Khi đó các đảo, đá có thể được gọi là đảo (tức là vẫn ở trên mặt biển khi triều cao -ND) đã bị chiếm đóng toàn bộ, nên Trung Quốc chỉ có thể lựa chọn các bãi, đá thích hợp. Tàu khảo sát đi 2 163 hải lí, đã điều tra trọng điểm mười mấy đảo đá không có người như đá Chữ Thập (đá Vĩnh Thử), đá Châu Viên (đá Hoa Dương), bãi Tốc Tan (đá Lục Môn)... Theo kết quả khảo sát, đá Chữ Thập ( Fiery Cross Reef) nằm giữa đảo Ba Bình (đảo Thái Bình) và đảo Trường Sa Lớn (đảo Nam Uy), có vùng biển rộng rãi , bề mặt đảo bằng phẳng và tương đối rộng (khoảng 7 km2), cơ sở địa chất tốt, với vùng biển sâu 10 đến 30 mét ở phía Nam có thể thả neo.
Đá Chữ Thập là một đảo đá ở phía Tây quần đảo Trường Sa, gần đường biển Hoa Nam nhất, chỉ cách đảo Trường Sa Lớn do Việt Nam kiểm soát khoảng 78 hải lí, có thể dùng làm trận địa tiền duyên để chống lại Việt Nam. Đó là một rạn san hô hình lòng chảo kéo dài khoảng 26 km theo chiều Đông Bắc – Tây Nam, rộng khoảng 7,5 km. Theo ghi chép của người Anh thế kỉ 19, trên đá Chữ Thập có mấy mảng đất nhỏ khô ráo (dry patch), trong đó mảng lớn nhất ở phía Tây Nam, thế kỉ XIX hai chiếc tàu của Anh là Fiery Cross và Meerschaun đều từng cập đảo ở mảng đất này. Tên tiếng Anh của đá Chữ Thập bắt nguồn từ tên con tàu thứ nhất. Mảng đất nhỏ khô ráo ở đây dường như phải hiểu là đảo đá (rock), vẫn có thể nổi lên mặt nước khi triều cao. Đến những năm 1980 thế kỉ 20, có hai tường thuật có liên quan đến trạng thái tự nhiên của đá Chữ Thập trước khi Trung Quốc chiếm đóng. Tường thuật đầu nêu: “khi triều thấp có một số mỏm đá nổi trên mặt nước, phía Đông Bắc có mỏm đá nổi trên mặt nước 0,6 mét. Thường nước sâu khoảng từ 14 đến 40 mét, khi thuỷ triều cao phần lớn đều ngập nước”. Hình như có một bộ phận bãi đá này có thể nổi lên trên mặt nước khi triều cao.
Còn tường thuật trong báo cáo khi xây dựng trạm quan trắc ghi: “đá Vĩnh Thử (Chữ Thập) là một bãi đá lòng chảo chìm dưới nước kéo dài từ Đông Bắc đến Tây Nam, khi thuỷ triều xuống thấp nhất, chỉ có 3 mỏm đá nổi lên trên mặt nước, toàn bộ việc thi công trạm xây dựng tiến hành dưới nước.” Từ đoạn báo cáo này thấy rằng có vẻ nó chìm hoàn toàn dưới nước khi triều cao.
Lại có tường thuật khác: “khi thuỷ triều lên một mỏm đá lớn nhất nổi lên trên mặt nước, chỉ lớn bằng cái mặt bàn, toàn bộ bãi đá bị một lớp nước biển cạn bao phủ”.
Có thể thấy, ngay cả đá Chữ Thập có thể nổi lên trên mặt nước khi triều dâng lên thì diện tích của nó cũng hết sức nhỏ. Tình trạng (status) của nó trong luật pháp quốc tế khá mơ hồ: giữa bãi triều thấp không thể có lãnh hải và đảo đá có lãnh hải,
Ngày 7/8/1987, Cục Hải dương và hải quân Trung Quốc nộp báo cáo cho Quốc Vụ viện và Quân uỷ Trung ương về thời cơ xây dựng trạm, vị trí, quy mô, tính khả thi và các vấn đề có thể gặp phải. Ngày 13/10, tàu công trình được phái đến đá Chữ Thập tiến hành khảo sát một lần nữa, vạch ra phương án xây dựng. Ngày 6/11, Quốc Vụ viện và Quân uỷ Trung ương đồng ý xây dựng trạm quan trắc có người đóng giữ trên đảo Chữ Thập, chủ yếu do hải quân đảm nhận nhiệm vụ xây dựng.
Việt Nam không phải không biết tí gì về hành động của Trung Quốc, khi tàu khảo sát khoa học Trung Quốc đến biển Đông mấy năm trước, Việt Nam đã cảnh giác rồi. Việt Nam cũng tiến hành điều tra nghiên cứu mặt biển khu vực đó, đồng thời cố hết sức chiếm đóng các đảo, đá có thể đứng chân được. Thời gian này, các đảo ở biển Đông đã bị phân chia xong, Việt Nam cũng không bỏ qua các đảo, đá có thể đóng quân còn lại. Năm 1987, Việt Nam còn chiếm đóng bãi Thuyền Chài (đá Bách, Barque Canada Reef). Đá Chữ Thập thuộc loại bãi đá mà Việt Nam cho rằng không tiện đóng quân, nhưng sau khi phát giác Trung Quốc có khả năng đóng quân ở đá Chữ Thập, ngày 18/1/1988 Việt Nam cũng phái nhân viên công trình đến đá Chữ Thập, chuẩn bị tiến hành xây dựng công sự trước một bước. Nhưng đã quá muộn, ngay từ tháng 11 Trung Quốc đã điều tàu tới kiểm soát đá Chữ Thập và đá Châu Viên (đá Hoa Dương, Cuarteron Reef) cách đó 40 hải lí về phía Nam. Trung Quốc cũng đã điều động 4 tàu chiến tuần tra ở vùng biển xung quanh, tàu chở vật liệu xây dựng của Việt Nam không thể ghé vào được. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà giàn trên đá Ga Ven (đá Nam Huân).
Ngày 30/1/1988, tốp công nhân xây dựng đầu tiên của Trung Quốc đã khởi hành đến đá Chữ Thập. Ngày 31, phía Việt Nam cũng phái 1 tàu vận tải của hải quân Việt Nam và 1 tàu cá vũ trang chở vật liệu xây dựng đến đá Chữ Thập, định xây dựng trạm ở đá Chữ Thập trước Trung Quốc. Tuy nhiên, 2 tàu này bị “biên đội hộ tống” (do mấy chiếc tàu hộ vệ tổ thành) của Trung Quốc sớm chuẩn bị trước xua đuổi. Ngày 2/2 nhân viên xây dựng trạm của Trung Quốc đến đá Chữ Thập, ngày 5/2 họ đã xây dựng nhà giàn đầu tiên ở trên đảo. Ngày 3/2, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tổ chức lễ tuyên thệ trước khi xuất quân ở Trạm Giang, phái 2 tàu đổ bộ và vài tàu công trình đến đá Chữ Thập tăng viện. Đồng thời cũng điều động chiến hạm và máy bay đến vùng biển lân cận để tăng cường cho khu vực biển Trường Sa. Tình hình Trường Sa tiếp tục căng thẳng (Hình 39).
Sau khi Trung Quốc chiếm đá Chữ Thập, tiêu điểm của hai bên Trung-Việt chuyến đến đá Châu Viên cách đá Chữ Thập 41 hải lí về phía Nam. Ngày 12/2, đúng vào ngày 1 âm lịch, một tàu khu trục và một tàu hộ vệ của Trung Quốc hộ tống một tàu công trình tiến đến đá Châu Viên. Khi đang chuẩn bị đổ bộ, một tàu quét thuỷ lôi và một chiếc tàu vận tải của Việt Nam cũng đồng thời đến đá Hoa Dương chuẩn bị đổ bộ. Thế là hai bên đối đầu tại vùng biển đá Châu Viên. Không lâu, một số lính Việt Nam chèo thuyền cao su chuẩn bị đổ bộ lên đảo từ phía Đông. Không chịu tỏ ra yếu kém, Trung Quốc cũng phái 6 lính tổ thành đội đột kích đổ bộ lên đảo, tiếp cận từ phía Tây. 15 giờ 45 phút phía Trung Quốc đổ bộ lên đá Châu Viên trước, cắm quốc kì lên, nửa tiếng sau, quân Việt Nam cũng đổ bộ lên đá Châu Viên, cũng cắm quốc kì Việt Nam tại nơi cách quốc kì Trung Quốc 15 mét. Hai bên từ đối đầu trên biển phát triển thành đối đầu trên đảo đá. Vài giờ sau, trời bỗng nhiên đổ mưa, nước biển cũng bắt đầu dâng cao, binh lính hai bên đều bị ngâm nửa người dưới nước. Lính Việt Nam chống chịu không nổi, rút lui trước; còn lính Trung Quốc thì kiên trì bám lại trên đảo.
Trận đối đầu này đã kết thúc như vậy với thắng lợi thuộc về Trung Quốc. Đá Châu Viên là đảo đá thứ hai mà Trung Quốc chiếm đóng. Và như một đối trọng, từ tháng 1 đến tháng 2 Việt Nam đã kiểm soát 5 đảo đá ở gần đó là đá Tây (West Reef), đá Tiên Nữ (đá Vô Khiết, Tennent Reef), đá Lát (đá Nhật Tích, Ladd Reef), đá Lớn (đá Đại Hiện, Discovery Great Reef), đá Đông (East Reef).
Hình 39: Bản đồ vùng phụ cận hải chiến đá Gạc Ma (đá Xích Qua) năm 1988
Dự liệu khả năng xuất hiện đối đầu, lúc này Trung Quốc đã làm tốt việc chuẩn bị đánh nhau với Việt Nam. Ngày 2/2, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương hỏi Lưu Hoa Thanh, khi đó là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh hải quân, về phương án chuẩn bị một khi nổ ra đánh nhau ở Trường Sa. Sau khi thảo luận với các tướng lĩnh khác, Lưu Hoa Thanh lấy danh nghĩa Tổng tham mưu trưởng trình bày kiến nghị. Ngày 26/2, Lưu Hoa Thanh báo cáo Triệu Tử Dương, và nội dung phương án trình Chủ tịch Quân uỷ Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo trên thực tế của Trung Quốc. Ngày 29/2, Đặng Tiểu Bình phê duyệt đồng ý phương án. Hạ tuần tháng 2, Trung Quốc cử Trần Vĩ Văn (khi đó là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh căn cứ hải quân Du Lâm, đã tham gia 4 trận chiến với Việt Nam) có kinh nghiệm chiến đấu phong phú với Việt Nam làm Tư lệnh biên đội, tiến hành thay quân đối với hải quân ở vùng biển biển Đông. Trước khi xuất phát, ông ta nhận được lệnh rằng mục tiêu của hành động lần này là giữ vững đá Chữ Thập và đá Châu Viên, ngoài ra còn cần phải kiểm soát 4 đến 6 bãi đá gần đó; nhưng đồng thời người đứng đầu Trung ương cũng chỉ thị “ngũ bất, nhất cản” (5 không, 1 đuổi), tức là “không chủ động gây sự, không nổ súng trước, không tỏ ra yếu kém, không chịu thiệt, không để mất thể diện, nếu địch chiếm đảo của ta thì phải đánh đuổi chúng đi.”
Sau khi dẫn biên đội đến và hoàn thành việc bàn giao nhiệm vụ với hải quân đóng giữ trước đó, Trần Vĩ Văn chia quân thành hai nhóm, một nhóm gồm tàu 510 và 553 được giữ lại để tuần tra ở khu vực đá Chữ Thập và đá Châu Viên; nhóm kia gồm tàu 502 và 503 được điều đến tuần tra đá Ga Ven (Nam Huân), lên đá Ga Ven gia cố nhà giàn, đồng thời tuần tra và khảo sát đá Tư Nghĩa (đá Đông Môn, Hughes Reef), đá đá Xu Bi (Chử Bích, Subi Reef), đá Nam (đá Nại La, South Reef), đá Én Đất (đá An Đạt, Eldad Reef), đá Ba Đầu (đá Ngưu Ách, Whitsum Reef), đá Gạc Ma (đá Xích Qua, Johnson South Reef), đá Len Đao (đá Quỳnh, Lansdowne Reef) và đá Cô Lin (đá Quỷ Hám, Collins Reef).
Sau khi biết được các hành động của Trung Quốc, Việt Nam quyết định lấy đá Gạc Ma làm điểm đột phá, châm ngòi trận hải chiến ngày 14/3. Đảo Gạc Ma là một rạn san hô vòng nhỏ nằm ở phía Đông đá Chữ Thập (Vĩnh Thử), ở góc Tây Nam của cụm Sinh Tồn (nhóm bãi đá Cửu Chương , Union Banks and Reef) thuộc cực Nam của phần phía Bắc quần đảo Trường Sa, dài khoảng 5 000 mét, rộng khoảng 400 mét. Nó chỉ cách đảo Sinh Tồn (đảo Cảnh Hồng, Sin Cowe Island) do Việt Nam kiểm soát khoảng 10 hải lí, được đặt tên theo một loại hải sâm đỏ mọc trên đảo đá này.
Trung Quốc chỉ một cú đột phá đã đoạt được hoàn toàn quyền kiểm soát mấy đảo đá của Trường Sa. Theo Trung Quốc, ngày 13/3, tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ 502 của Trung Quốc đến đá Gạc Ma. 14 giờ 25 phút thả xuống một thuyền nhỏ, chuẩn bị đổ bộ. Khoảng 15 giờ, 3 tàu chiến của Việt Nam cũng đến đá Gạc Ma. Họ chia quân thành 3 nhóm, tàu vận tải 604 thả neo ở đá Gạc Ma, tàu vận tải 605 thả neo ở đá Len Đao (Quỳnh) cách nó 5 hải lí về phía Đông Bắc, tàu đổ bộ 505 đổ bộ lên đá Cô Lin (Quỷ Hám) cách nó 1 hải lí về phía Tây Bắc, quân Trung Quốc đổ bộ lên đá Gạc Ma trước.
Ngày hôm sau, hai tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ khác của Trung Quốc là 531 và 556 đến tăng viện. Tàu 556 theo dõi đá Len Đao, còn tàu 531 và tàu 502 đối đầu với tàu Việt Nam ở đá Gạc Ma. Trong tình trạng yếu thế tuyệt đối, tàu vận tải của Việt Nam vẫn phái người đổ bộ lên đá Gạc Ma vào khoảng 6 giờ sáng, đồng thời vận chuyển vật liệu xây dựng và cắm quốc kì Việt Nam trên đảo đá này. Trung Quốc liền phái thêm nhiều lính đổ bộ lên đảo. Cuối cùng có 43 lính Việt Nam và 58 lính Trung Quốc đối đầu trên đảo. “Lính mỗi bên đứng thành một hàng ngang cách nhau 100 mét, từ từ tiến lại gần nhau, vì trên bãi đá nước sâu đến ngực, san hô không bằng phẳng, hai bên lại đều duy trì trạng thái cảnh giác cao độ, vì vậy tiến về phía trước rất chậm, khi cách nhau 30 mét, hai bên dừng lại, hình thành thế đối đầu.”
Theo tường thuật chính thức của phía Trung Quốc, khoảng 8 giờ rưỡi, một lính Việt Nam bước về phía trước mấy bước cắm cờ Việt Nam, một lính Trung Quốc xông ra vật lộn với lính Việt Nam. Một lính Việt Nam thấy vậy nổ súng trước, phía Trung Quốc nổ súng đáp trả. Binh sĩ trên tàu thấy vậy cũng hùa vào nổ súng theo.
Nhưng tàu Trung Quốc vừa có ưu thế hai chọi một, vừa có hỏa lực vượt trội. Sau mấy phút, tàu vận tải Việt Nam đã bị bắn chìm. Lính Việt Nam trên bãi đá cũng chịu hàng vào lúc 9 giờ. Hải chiến đá Gạc Ma là như vậy.
Cùng lúc đó, tàu đổ bộ 505 của Quân đội Việt Nam ở đá Cô Lin (đá Quỷ Hám) gần đó nổ súng vào tàu hộ vệ 531 của Trung Quốc, tàu Trung Quốc nổ súng đáp trả. Chẳng bao lâu, tàu 505 trúng liền 7 phát đạn, mất khả năng chiến đấu, cháy suốt 5 ngày. Tại đá đá Len Đao, khi tàu 556 của Trung Quốc đến đá Len Đao lúc 9 giờ 15 phút thì phát hiện lính Việt Nam đã đổ bộ lên đảo. Tàu 556 cảnh cáo lính Việt Nam và yêu cầu họ rời đi, nhưng lính Việt Nam nổ súng vào tàu 556, tàu 556 bắn trả. Mười mấy phút sau, tàu Việt Nam mất khả năng chiến đấu, rồi chìm ở gần đá Len Đao tối hôm đó.
Trận hải chiến này bao gồm 3 chiến trường, từ đầu đến cuối cuộc đối địch trên đá Gạc Ma chỉ kéo dài 3 tiếng 20 phút, thời gian thực chiến chỉ có 40 phút. Một tàu chiến Việt Nam bị bắn chìm, hai tàu bị thương nặng, hơn 400 người bị thương vong và mất tích, 9 người bị bắt. Còn phía Trung Quốc chỉ có 1 người bị thương, giành được thắng lợi hoàn toàn.
Người trong cuộc phía Trung Quốc sau này trả lời phỏng vấn, miêu tả tình hình trên đá Xích Qua khi đó có một số điểm khác so với phiên bản chính thống: sau khi hình thành thế giằng co, chỉ huy Trung Quốc là Trần Vĩ Văn hạ lệnh nổ súng trước, lính Trung Quốc do Vương Chính Lợi chỉ huy xông về phía Việt Nam, “Đỗ Hậu Tường xông vào lính cầm cờ phía Việt Nam, đoạt được cán cờ, bẻ gãy làm đôi”, gây ra đụng chạm thân thể và khiêu khích trước là phía Trung Quốc. Quân Việt Nam chỉ mới đưa súng lên ngắm, súng nổ là do phía Trung Quốc khi xông lên đoạt súng giằng co cướp cò.”
Phiên bản miêu tả của phía Việt Nam khác hơn: khi giằng co trên đá Gạc Ma thì Trung Quốc nổ súng trước; ở đá Cô Lin (Quỷ Hám) và đá Len Đao (Quỳnh) thì tàu chiến Trung Quốc nổ súng vào hai tàu vận tải Việt Nam khi đang đi qua bình thường, ngoài ra một tàu treo cờ chữ thập đỏ đến ứng cứu người thương vong cũng bị tấn công. Lời tố cáo này bị Trung Quốc bác bỏ.
Hai bên chỉ trích lẫn nhau đối phương nổ súng trước là việc thường thấy, khó phân biệt thật giả. Nhưng bất kể như thế nào, rốt cuộc vấn đề ai nổ súng trước này thực ra không quan trọng. Cốt lõi của chiến sự vẫn là việc Trung Quốc muốn tiến xuống biển Đông, thiết lập chỗ đứng ở Trường Sa, tốt nhất hiển nhiên là có thể không phải đánh nhau, nhưng Trung Quốc từ lâu đã chuẩn bị sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết. Khi đánh nhau, Việt Nam chỉ điều động tàu vận tải, với trọng tải và hỏa lực rõ ràng kém hơn tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ của Trung Quốc.
Trong thực chiến phía Việt Nam khó chịu nổi một đòn. Do đó, càng khó tưởng tượng Việt Nam chủ động khiêu chiến.
Trên thực tế, Việt Nam đều rớt lại phía sau trong toàn bộ quá trình. Trung Quốc đổ bộ lên đảo nào, thì Việt Nam lẽo đẽo theo sau, hoàn toàn mất thế chủ động.
Thất bại của Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Sau khi Nam Bắc thống nhất, Việt Nam gần như lập tức đối chọi với Trung Quốc, hoàn toàn ngả về phía Liên Xô vốn đang là kẻ thù của Trung Quốc, vẫn chưa hồi phục sức lực sau cuộc chiến tranh lâu dài mà đã đưa quân sang Campuchia để lật đổ Khmer Đỏ. Trung Quốc tấn công hậu phương Việt Nam, Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba bùng nổ. Dù sau đó không lâu Trung Quốc đã rút quân khỏi Việt Nam, nhưng chiến tranh ở biên giới Trung-Việt còn kéo dài nhiều năm. Việt Nam hầu như không có thời gian và sức lực dành cho việc phát triển kinh tế, dồn rất nhiều nguồn lực vào quân sự, đặc biệt là cho lục quân, do đó hải quân rất yếu kém. Ngược lại, đối với Trung Quốc chiến tranh biên giới chẳng qua như bệnh ghẻ ngoài da. hải quân Trung Quốc tuy cũng không hùng mạnh, nhưng bước vào những năm 1980 đã không ngừng lớn mạnh. Đến năm 1988, thực lực của hải quân Trung Quốc đã hoàn toàn vượt trội Việt Nam. Để chống lại Trung Quốc, năm 1979 Việt Nam cho Liên Xô thuê căn cứ hải quân Vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột, Liên Xô hoàn toàn đặt mình ngoài cuộc. Liên Xô khi đó đã hòa dịu quan hệ với Mĩ và Trung Quốc, thậm chí có kế hoạch thu hẹp quy mô đóng quân ở Vịnh Cam Ranh. Còn giữa Trung Quốc và Việt Nam thì Mĩ ủng hộ Trung Quốc, nên Liên Xô khó mà vì những hòn đảo này để bị cuốn vào cuộc chiến tranh với Trung Quốc (thậm chí với Mĩ). Việt Nam cũng đã đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng cứ điểm ở Trường Sa. Trước đó, Việt Nam đã khảo sát các đảo, đá ở khu vực này, hễ nghiên cứu phán đoán thấy địa điểm thích hợp đóng quân thì đã cố hết sức chiếm đóng. Căn bản là Việt Nam không lường trước được quyết tâm của Trung Quốc, ngay cả kiểu đảo đá trong trạng thái tự nhiên chỉ cao hơn mặt biển một hai mét như đá Chữ Thập (Vĩnh Thử), đá Gạc Ma (Xích Qua)..., mà cũng cố chiếm lấy và đóng quân. Ngoài ra, trước đó ngày 10/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Hùng qua đời, ban lãnh đạo Việt Nam đang phải sắp xếp lại, điều này cũng đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị chiến sự của Việt Nam.
Nhưng liệu Trung Quốc có ý định giành được các đảo này thông qua phương thức chiến tranh hay không vẫn còn là một câu hỏi. Có bài viết chỉ ra rằng trong Hải chiến 14/3, chỉ huy Trần Vĩ Văn còn nhận được một điện báo của cấp trên gửi đến, yêu cầu Biên đội 502 không được chủ động dùng vũ lực. Trong trong vài giờ ngắn ngủi, tổng cộng nhận được 26 bức điện, trong đó 14 bức có các loại chỉ thị “không được phép”. Nếu như lúc đó Trần Vĩ Văn không chống được áp lực (đương nhiên vì khi nhận được điện báo thì súng đã nổ rồi) của nỗi sợ vi phạm chỉ thị, thì Trung Quốc sẽ khó mà giành được thành quả lớn như vậy. Sau khi chiến thắng trở về, Trần Vĩ Văn lập tức bị thẩm tra, điều mà ông ta khó hiểu. Trong khi truyền thông nước ngoài đưa tin rộng rãi, thì truyền thông trong nước Trung Quốc lại giữ im lặng trong thời gian dài. Hai tuần sau, truyền thông trong nước mới từ từ đưa tin muộn màng, nhưng vẫn nói giảm đi chiến quả đến từng chi tiết nhỏ, theo suy đoán là để “không kích động” Việt Nam. Quân uỷ Trung ương công bố lệnh khen thưởng, biểu thị khen ngợi với bộ đội tham chiến, nhưng tên của Trần Vĩ Văn không có trong danh sách lập công. Ngoài dự đoán của rất nhiều người, Trần Văn Vĩ dù được phong quân hàm Thiếu tướng, nhưng không hề có được sự đề bạt về chức vụ, ngược lại bị điều về cơ quan văn phòng cho tới hết phần còn lại của cuộc sống binh nghiệp.
Có rất nhiều tầng lớp dấu vết cho thấy Việt Nam không hề muốn gây chiến, còn Trung Quốc khi đó cũng không muốn mở rộng đến cấp độ xung đột vũ trang, mà chỉ muốn giành được các bãi đá này trong tình huống không nổ súng. Nhưng do Trần Vĩ Văn vi phạm chỉ thị của Trung ương mới dẫn đến Hải chiến 14/3. Cho nên Hải chiến 14/3 có thể chỉ là một trận chiến hết sức tình cờ. Đương nhiên, liệu khi đó Trung Quốc có thể chiếm được những đảo đá đó trong tình huống không nổ súng hay không, đó vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn.
Trung Quốc mở rộng chiếm đóng Trường Sa
Sau khi Hải chiến 14/3, thế giới lo lắng về xung đột không thể tránh khỏi ở Trường Sa giữa hai nước Trung, Việt. Mĩ bày tỏ sự quan tâm đến tình hình, nhưng không bênh vực bên nào.
Liên Xô thì chỉ cung cấp sự trợ giúp tình báo cho Việt Nam. Còn Philippines nằm gần Trung Quốc nên càng lo lắng. Philippines một mặt kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, cảnh cáo hai bên không được xâm phạm chủ quyền các đảo thuộc về Philippines trong quần đảo Trường Sa; mặt khác dò xét Trung Quốc. Tháng 4, Tổng thống Aquino thăm Bắc Kinh đặc biệt nêu ra mối lo lắng này với Trung Quốc, được biết Trung Quốc có hứa sẽ không tấn công quân đội Philippines ở quần đảo Trường Sa, Philippines mới yên tâm.
Malaysia nhắc lại chủ quyền với Trường Sa. Dư luận quốc tế chuyển từ ủng hộ Trung Quốc sang ủng hộ Việt Nam. Sau khi sự việc này, ASEAN bắt đầu quan tâm nhiều hơn đối với các vấn đề biển Đông, từng bước thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề biển Đông (xem chương sau).
Ngày 13/5/1988, Trung Quốc gửi Bị vong lục cho Liên Hợp Quốc, phản bác yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Giữa Trung Quốc và Việt Nam lại nổ ra luận chiến một lần nữa. Việt Nam xuất bản Sách trắng thứ 4 về vấn đề biển Đông (bản năm 1988). Còn Trung Quốc thì đăng bài “Biện bạch vụng về” trên “Nhân dân nhật báo” để phản bác.
Sau hải chiến, Việt Nam đã thắt chặt hợp tác với các nước có tranh chấp ở biển Đông khác. Từ ngày 27 đến 29/11 Ngoại trưởng Philippines Raul Manglapus thăm Việt Nam, kí kết “Tuyên bố chung” với Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch. Trong đó, điều 1 là: “Hai bên nhất trí giải quyết tranh chấp giữa hai nước liên quan đến quần đảo Trường Sa thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm đàm phán và đưa ra Tòa án Quốc tế.” điều 4 là: “Hai nước Việt Nam và Philippines tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chủ quyền của nhau, tránh sử dụng vũ lực trong quan hệ song phương.” Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Philippines cùng chuẩn bị để giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa. Mâu thuẫn giữa Philippines và Việt Nam ở Trường Sa không đến mức không thể dàn xếp, rốt cuộc các lãnh thổ mà Philippines yêu sách không bao gồm đảo Trường Sa Lớn ở trung tâm Trường Sa của Việt Nam, Việt Nam cũng không đến mức nhất định phải có được toàn bộ quần đảo Trường Sa (dù yêu sách như vậy). Đặc biệt là sự xuất hiện của một Trung Quốc lớn mạnh chưa từng có khiến nhu cầu đoàn kết, hòa hoãn của hai bên càng trở nên bức thiết.
Trong cuộc chiến đá Gạc Ma (Xích Qua) ở Trường Sa, Trung Quốc có thể nói là toàn thắng. Qua trận chiến này, Trung Quốc đã kiểm soát được đá Chữ Thập (Vĩnh Thử) và đá Gạc Ma (Xích Qua), xây dựng cứ điểm đầu tiên ở biển Đông. Ngày 2/8, Trung Quốc cử hành lễ khánh thành trạm quan trắc hải dương trên đá Chữ Thập. Căn cứ này có bến tàu, đê chắn sóng quanh đảo, nhà cửa, đường sá và sân bóng, có trồng cả dừa trên đảo, biến nó thành một đảo nhân tạo cỡ nhỏ. Từ đó, đá Chữ Thập trở thành căn cứ trung tâm của Trung Quốc ở Trường Sa. Ngoài đá Chữ Thập, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, cho đến cuối tháng 4/1988, Trung Quốc còn đã chiếm đóng đá Tư Nghĩa (đá Đông Môn, Hughes Reef), đá Xu Bi (đá Chử Bích, Subi Reef) và đá Ga Ven (đá Nam Huân, Gaven Reef). Đá Ga Ven chỉ là bãi triều thấp, một căn cứ chủ yếu khác ở Trường Sa của Trung Quốc sau đá Chữ Thập.
Ngày 13/4/1988, Trung Quốc lập Hải Nam thành một tỉnh, và “các đảo của quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa và vùng biển của chúng” được biên chế ngang hàng với các huyện và thành phố trực thuộc tỉnh này. Điều này cho thấy Trung Quốc nâng cấp việc quản lí đối với khu vực “Tam Sa” lên một bước . Ngày 2/8/1988, Trung Quốc đã khánh thành bia chủ quyền trên ở đá đá Chữ Thập, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Xi Bi và đá Tư Nghĩa đang do họ kiểm soát. Tháng 8/1990, các công sự kiên cố có tính vĩnh cửu do Cục Thiết kế Công trình hải quân thiết kế đã được hoàn thành trên các đảo đá như đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Xu Bi và đá Tư Nghĩa. Tháng 4/1991, một sân bay lớn trên đảo Phú Lâm (đảo Vĩnh Hưng, Woody Island) thuộc Hoàng Sa đã được xây xong, sức mạnh quân sự có thể bao phủ Trường Sa. Điều này cho thấy Trung Quốc đã nâng cấp quản lí thêm một bước nữa đối với khu vực “Tam Sa”. Tóm lại, sau năm 1988, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu có sự hiện diện quân sự ở Trường Sa.
Nhưng cùng trong thời gian này, Việt Nam cũng đã mở rộng sự hiện diện trên các đảo đá khác. Theo báo chí Trung Quốc, sau Hải chiến 14/3, hải quân Việt Nam lần lượt “xâm chiếm” đá Len Đao (đá Quỳnh, Lansdowne Reef), đá Cô Lin (đá Quỷ Hám, Collins Reef) và đá Núi Thị (đá Bách Lan, Petley Reef), hơn nữa còn xây dựng công trình quân sự trên những đảo đá này. Nước này cũng tăng binh lực, gia cố công trình quân sự trên 6 đảo đá đã chiếm đóng trước hải chiến là đá Lớn (đá Đại Hiện, Discovery Great Reef), đá Núi Le (đá Nam Hoa, Cornwallis South Reef), bãi Tốc Tan (đá Lục Môn, Alison Reef), đá Tiên Nữ (đá Vô Khiết, Tennent Reef), đá Lát (đá Nhật Tích, Ladd Reef) và đá Đông (East Reef). Đến tháng 5/1988, Việt Nam đã chiếm đóng hơn 20 đảo, đá. Cuối tháng 4/1989, trên đảo Nam Yết (đảo Hồng Hưu, Namyit Island) Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê và Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương của Việt Nam đã chủ trì lễ kỉ niệm 14 năm Việt Nam “giải phóng” quần đảo Trường Sa, đã thể hiện thêm một bước quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa. Hải chiến Gạc Ma năm 1988 là lần xung đột quân sự cuối cùng ở khu vực biển Đông. Sau trận chiến, Trung Quốc vốn có thể thừa thắng truy kích, nhân cơ hội tiến xuống phía Nam. Nhưng Trung Quốc không có kế hoạch này, mà quan trọng hơn là tình hình thế giới bất ngờ có những thay đổi long trời lở đất, làm thay đổi hoàn toàn cục diện biển Đông.
IV.13 Thái độ của cộng đồng quốc tế đối với chủ quyền biển Đông sau Thế chiến thứ hai
Sau Chiến tranh việc cộng đồng quốc tế có đạt được sự đồng thuận về chủ quyền các đảo biển Đông hay không có vai trò hậu thuẫn nhất định trong việc xác định sự quy thuộc của chúng theo luật quốc tế. Thời kì đầu sau Chiến tranh, Trung Hoa dân quốc đã rất nhanh chóng “tận dụng triệt để” các dịp quốc tế để đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các đảo biển Đông. Còn các nước xung quanh, nói chung do mới độc lập, có một khoảng cách đáng kể trong loại nhanh nhạy ngoại giao này. Trung Quốc có một ưu thế nhất định về loại bằng chứng này. Ngoài ra, sau Hải chiến Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1974, cộng đồng quốc tế đã có hiểu biết phổ biến về vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó các bản đồ cũng như các tư liệu đã phản ánh vấn đề “chọn phe” trong cộng đồng quốc tế, ví dụ các nước thuộc phe cộng sản đa số đều ủng hộ Trung Quốc. Kiểu “chọn phe” này cũng có thể thay đổi theo nhu cầu chính trị, ví dụ bản đồ của Liên Xô ban đầu ủng hộ Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, nhưng vào nửa sau những năm 1970 đã chuyển sang “phân định” Hoàng Sa cho Việt Nam. Tiết này chủ yếu tập trung thảo luận tư liệu có liên quan của những năm 1950-60.
Việc quân đội Mĩ đến biển Đông
Đài Loan cho rằng khi Mĩ đo vẽ bản đồ một số đảo ở biển Đông năm 1956, trước đó đã thực hiện việc “xin phép” phía Đài Loan, điều đó có nghĩa là khi đó Mĩ thừa nhận các đảo ở biển Đông thuộc về Đài Loan.
Ngọn nguồn của việc này như sau: Do nhu cầu khảo sát, lập bản đồ và quân sự, quân đội Mĩ có kế hoạch tiến hành đo vẽ bản đồ các nơi ở biển Đông vào tháng 9/1956. Theo một thư mật của Bộ Ngoại giao gửi Bộ Quốc phòng Đài Loan: “ngày 21/8, Bí thư thứ nhất của Mĩ tại Đài Loan Donald E. Webster đã gặp Cục trưởng Cục Đông Á, nêu ra việc 6 nhân viên không quân của quân đội Mĩ sẽ đi tàu chiến của hải quân Mĩ đến các đảo/đá sau: ngày 2/9, bãi Scarborough (đá Dân Chủ / đảo Hoàng Nham); ngày 3/9, đá Song Tử (cụm Song Tử, North Danger Reefs); ngày 4/9, đảo Sinh Tồn (đảo Cảnh Hồng, Sin Cowe Island) hoặc đảo Nam Yết (đảo Hồng Hưu, Namyit Island); ngày 5/9, đảo Trường Sa Lớn (đảo Nam Uy, Spratly Island). Yêu cầu ‘chính phủ nước ta cho phép và tạo điều kiện thuận tiện cho chuyến đi’”. Theo thư mật này, Mĩ đã phải xin Đài Loan “cho phép” đến những đảo đó đo vẽ bản đồ, nên đương nhiên đã thừa nhận chủ quyền của Đài Loan. Đúng lúc đó, xảy ra sự kiện Cloma, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đều rất quan tâm. Bộ Quốc phòng lập tức trả lời bằng thư, “chấp thuận yêu cầu của phía Mĩ”. Hành động của quân đội Mĩ (Hiran Project) sau đó bị hoãn lại đến tháng 2/1957, và thời gian cho việc đo vẽ bản đồ cũng từ vài ngày kéo dài thành hơn một năm, bao gồm chụp ảnh trên không và xây dựng trạm quan trắc trên mặt đất, 4 địa điểm lựa chọn là đá Song Tử (North Danger), đảo Sinh Tồn (Sin Cowe), đảo Trường Sa Lớn (Spratly) và đá Dân Chủ (Scarborough Shoal).
Thực ra, khi đó Mĩ biết rõ Đài Loan, Philippines, Việt Nam đang liên tục tranh chấp chủ quyền đối với các đảo biển Đông, trước đó vừa bày tỏ rõ ràng thái độ trung lập, thế thì sao lại có thể thừa nhận riêng rẽ chủ quyền của Đài Loan được? Sự thực là để tránh dính líu vào tranh chấp, Mĩ cũng đã gửi công hàm tương tự cho Đài Loan, Việt Nam và Philippines. Bị vong lục Đại sứ quán Mĩ tại Đài Loan gửi Bộ Ngoại giao Đài Loan viết như sau:
Teams of 10, 7, 4 and 4 men will be at the above respectively and will operate from U.S. Naval vessel utilizing helicopters, life equipment, etc.
The Embassy will endeavor to keep the Ministry of Foreign Affairs informed concerning team schedules.
The Embassy has been advised that the Government of the Republic of the Philippines and Vietnam also have been furnished the above information.
(Các đội gồm 10, 7, 4 và 4 người sẽ lần lượt ở các nơi nói trên và sẽ hoạt động từ tàu hải quân Hoa Kì sử dụng trực thăng, thiết bị cứu sinh, v.v.
Đại sứ quán sẽ cố gắng để Bộ Ngoại giao luôn được thông tin liên quan đến lịch trình của đoàn.
Đại sứ quán đã được cho biết rằng Chính phủ Cộng hòa Philippines và Việt Nam cũng đã được cung cấp thông tin trên).
Trong hồ sơ giải mật của quân đội Mĩ cũng nhắc đến việc Đại sứ Mĩ tại Manila và Đài Bắc đang điều đình cho lần đo vẽ bản đồ này. Có thể thấy, cái gọi là Mĩ xin phép Đài Loan, chứng tỏ Mĩ thừa nhận chủ quyền của Đài Loan ở 4 đảo này hoàn toàn không đứng vững.
Năm 1960, quân đội Mĩ một lần nữa lại yêu cầu Đài Loan cho phép đến đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa Lớn và đá Song Tử ở quần đảo Trường Sa tiến hành đo vẽ bản đồ. Người viết không tìm thấy tư liệu phía Mĩ đề nghị các nước khác. Nhưng lấy sự việc năm 1957 làm ví dụ, cùng với việc Mĩ giữ thái độ trung lập nhất quán trong vấn đề lãnh thổ các đảo biển Đông, rất có thể Mĩ cũng đưa ra yêu cầu tương tự với Philippines và Việt Nam.
Ngoài ra, năm 1964, Cục Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Đài Loan thiết lập khu vực hạn chế bay ở Đông Sa, Trường Sa. Ngày 27/1/1966 Cục gửi thư cho Bộ Tư lệnh phòng thủ chung Mĩ-Đài Loan, yêu cầu máy bay quân sự Mĩ phải thông báo trước nếu muốn bay qua khu vực hạn chế bay ở Đông Sa, Trường Sa để tránh bị tấn công nhầm. Như vậy, đây là yêu cầu đơn phương của phía Đài Loan; khi đó Mĩ và Đài Loan có hiệp định phòng thủ chung, mà Đài Loan đúng là đã kiểm soát thực tế Đông Sa và đảo Thái Bình (đảo Ba Bình), ngay cả Mĩ đồng ý yêu cầu này, cũng chỉ có thể xem là một sự sắp xếp theo thực tế chứ không thể coi là bằng chứng thừa nhận chủ quyền của Đài Loan đối với Trường Sa.
Các tổ chức dân sự như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Khí tượng quốc tế
Ngày 27/10/1955, Hội nghị Hàng không khu vực Thái Bình Dương, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (International Aviation Transport Association) lần thứ nhất được tổ chức ở Manila, đại biểu 16 nước hội viên gồm Trung Hoa dân quốc (Đài Loan), Mĩ, Anh, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam (Nam Việt, do Pháp đại diện)... tham dự, Chủ tịch Hội nghị là ông Florres, đại biểu Philippines. Đoàn đại biểu Anh và đại biểu Hiệp hội Vận tải hàng hải quốc tế (IATA) đưa ra dự thảo nghị quyết, yêu cầu chính phủ Trung Quốc xây dựng một trạm khí tượng ở trên đảo Trường Sa, thu thập và công bố thông tin khí tượng trên mặt đất và trên không, mỗi ngày cung cấp 4 báo cáo khí tượng cho PIBAL. Sau khi dự thảo nghị quyết được Uỷ ban Khí tượng thảo luận và chỉnh sửa được Hội nghị tiếp thu, đưa vào dự thảo nghị quyết số 24, thông qua mà không có ý kiến khác và được đưa vào phần 2 của báo cáo cuối cùng (báo cáo và kiến nghị). Nguyên văn biên bản như sau:
(a) That the network as recommended in resolution 2 of RA V, 1st session, and in resolution 4 of RA II, 1st session of WMO, be considered as constituting the required surface and upper air synoptic networks in so far as they apply to the Pacific Region, with the following changes: (RW-Radiowind; RS-Radiosonde: P-pilot ballon)
Add
British North Borneo Upper Air observation
96479 Kudat 0553N 11651 0309 15 21
China (Taiwan) 46752
Hengchun 2200N 12045 RW RW
46734 Pescadores 2414N 11422E RW/RS RW/RS
46092 Nansha Island 1023N 11422E RW/RS RW/RS
Delete
CHINA (Taiwan)
46743 Taiwan 2300N 12013E RW/RS RW/RS
((a) Mạng lưới như được đề xuất trong nghị quyết 2 của RA V [Hiệp hội khu vực V-ND], phiên 1 và trong nghị quyết 4 của RA II, phiên 1 của WMO [Tổ chức khí tượng thế giới-ND], được coi là cấu thành các mạng đồng bộ trên mặt đất và trên tầng không khí cao cần phải có trong chừng mực chúng áp dụng cho khu vực Thái Bình Dương, với những thay đổi sau: (RW-Radiowind; RS-Radiosonde: P-pilot ballon)
Thêm vào
[Trạm] Quan sát trên không Bắc Borneo thuộc Anh
96479 Kudat 05°53’ N 116° 51’ E 03 09 15 2121
Trung Quốc (Đài Loan)
46752 Hengchun 22° 00’ N 120° 45’ E RW RW
46734 Bành Hồ 24°14’ N 114° 22’ E RW/RS RW/RS
46092 Đảo Trường Sa 10° 23’ N 114° 22’ E RW/RS RW/RS
Loại bỏ
TRUNG QUỐC (Đài Loan)
46743 Đài Loan 23° 00’ N 120° 13’ E RW/RS RW/RS)
Căn cứ vào kinh, vĩ độ thì đảo Trường Sa ở đây chính là đảo Ba Bình (đảo Thái Bình) do Đài Loan chiếm đóng. Các nước Philippines và Anh, Pháp... tham dự Hội nghị đã không đưa ra phản dối về việc này. Sau đó, Bộ Giao thông Đài Loan thông báo Bộ Nội chính, Năm 1957, Bộ Giao thông Đài Loan lại một lần nữa gửi thư cho Bộ Nội chính về việc này. Vào năm 1960, trạm khí tượng được mở rộng thành đài khí tượng, và báo cáo cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) 4 lần một ngày theo hiệp định.
Ngoài ra, từ năm 1968 đến 1971, Tổ chức Khí tượng thế giới viện trợ Trung Hoa Dân quốc xây dựng 3 đài thám không ở quần đảo Đông Sa và Trường Sa, trong danh mục các trạm quan trắc khí tượng NO.P, T.P.4, Vol.A do tổ chức này biên soạn và phát hành, các trạm khí tượng do Trung Hoa dân quốc xây dựng ở Trường Sa đều được liệt kê trong đó.
Trung Quốc và Đài Loan cho rằng những ví dụ này thể hiện sự công nhận quốc tế đối với chủ quyền của Trung Quốc (và của Đài Loan) ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, cả Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) lẫn Tổ chức Khí tượng quốc tế (WMO) đều là tổ chức quốc tế phục vụ dân sự, mục đích của họ là để phối hợp công việc quốc tế về mặt dân sự, lấy “thực dụng” làm xuất phát điểm, vấn đề quy thuộc chủ quyền hoàn toàn không phải là việc họ quan tâm. Việc yêu cầu Đài Loan xây dựng đài khí tượng ở Trường Sa, đại khái chỉ vì Đài Loan đã kiểm soát thực tế ở đó, chỉ có Đài Loan mới có thể cung cấp thông tin liên quan mà thôi. Hơn nữa, liên quan ở đây cũng chỉ có mỗi một đảo Ba Bình, không thể từ đó lí giải chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Trường Sa.
Thực ra, phía Việt Nam cũng có ví dụ tương tự, cho thấy các công trình dân sự cũng phải đi theo nước kiểm soát thực tế. Năm 1949, Tổ chức Khi tượng thế giới (World Meteorological Organization, WMO) đăng kí hai trạm khí tượng xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa là bộ phận của “An Nam”: mã số trên đảo Phú Lâm (đảo Vĩnh Hưng) là 48859, trên đảo Hoàng Sa (đảo San Hô) là 48860; đăng kí trạm khí tượng trên đảo Ba Bình (đảo Thái Bình) là một bộ phận của Cochin China (Nam Kì), mã số là 48919 (Hình 40). Theo đó, Việt Nam cho rằng WMO công nhận Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc về Việt Nam.
Thực ra, khi đó trên đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình đều không có người Pháp và người Việt, nhưng WMO vẫn công nhận trạm khí tượng do Pháp xây dựng trước Thế chiến thứ hai (xem III.1).
Hình 40: Trạm khí tượng do Tổ chức Khí tượng thế giới đăng kí năm 1949
Tháng 4/1973, lại một lần nữa trạm khí tượng ở Hoàng Sa của Việt Nam được đưa vào trong văn kiện của Tổ chức Khí tượng thế giới. Sau Hải chiến Hoàng Sa, ngày 18/9/1975, khi Trung Quốc tham gia Hội nghị hiệp hội khu vực hai (RA II) của Tổ chức Khí tượng thế giới mới đưa ra kháng nghị đối với trạm khí tượng 48860 của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (San Hô) thuộc Hoàng Sa, và sửa thành số 59985.
Ngày 24/11/1984, tại Hội nghị Khí tượng châu Á lần thứ 8 tổ chức ở Geneva đã nhất trí thông qua danh sách trạm khí tượng thuộc hệ thống SYNOP, trong đó có trạm khí tượng “Trường Sa” do Việt Nam đăng kí tại Hội nghị. Đại biểu Việt Nam Trần Văn An còn tuyên bố: cùng lúc còn có “các trạm khí tượng liên quan đến hai quần đảo này (Hoàng Sa và Trường Sa) được nước khác đăng kí trong phụ lục của nghị quyết cuộc họp, là hoàn toàn bất hợp pháp”, việc này cho thấy những tổ chức dân sự này lấy sự kiểm soát thực tế làm tiêu chuẩn chứ không phải nguyên tắc chủ quyền làm tiêu chuẩn.
Ngoài ra, năm 1964 kì họp lần thứ 4 Hội nghị vẽ bản đồ khu vực châu Á và Viễn Đông của Liên Hợp Quốc, Philippines đưa ra dự thảo nghị quyết hợp tác quốc tế trong việc khảo sát biển Đông, trong đề án có đoạn “khu vực này không thuộc phạm vi lãnh thổ của bất cứ một quốc gia nào”. Trung Quốc (Đài Loan) đưa ra ý kiến phản bác: “quần đảo Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc”, còn Liên Xô thì nêu rằng “khu vực này dường như là lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Các bên giằng co nhau mãi, cuối cùng kiến nghị khảo sát chỉ mới được thông qua sau khi sửa đổi . Tại kì họp thứ 6 tháng 10/1970, đại biểu Đài Loan yêu cầu thêm lập trường của Đài Loan tại nhóm công tác thông tin Tokyo tháng 7 vào biên bản Hội nghị (trong cuộc họp nhóm lần đó, Đài Loan đã phân phát một số tài liệu bản đồ và tạp chí yêu sách các đảo biển Đông và tuyên bố chủ quyền của họ đối với Trường Sa), đề nghị này gặp phải sự phản đối của các nước tham dự hội nghị nên không được đưa vào biên bản hội nghị. Điều này cho thấy rằng nếu như chấp nhận cách diễn giải quá mức những nghị quyết của các tổ chức quốc tế này thì càng phải chấp nhận cho các trường hợp chính thức hơn và liên quan đến chủ quyền (ví dụ tại Liên Hợp Quốc), để diễn giải rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa đã không được quốc tế công nhận sao ?
Xác định rõ sự công nhận của quốc tế
Trên thế giới không có lập trường thống nhất đối với sự quy thuộc của Hoàng Sa và Trường Sa, ở đây chủ yếu thảo luận thái độ của nước lớn đối với vấn đề này.
Mĩ luôn cho rằng Trường Sa và Hoàng Sa là khu vực có tranh chấp, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt lập trường trung lập đối với sự quy thuộc của chúng, có thể thấy điều này từ vụ việc quân đội Hoa Kì khảo sát và lập bản đồ quần đảo Trường Sa nói ở trên. Pháp ủng hộ Việt Nam trong vấn đề quy thuộc của Hoàng Sa, nhưng dường như vẫn chưa công khai từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa.
Trước Thế chiến thứ hai, Anh từng phản đối việc Pháp chiếm đóng đảo Trường Sa Lớn tháng 4/1930, nhưng trong Thế chiến thứ hai lại công nhận chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa. Tuy nhiên, sau Chiến tranh, Anh lại đưa ra việc họ có chủ quyền ở Trường Sa (xem IV.3). Chính phủ Anh đã công khai từ bỏ đòi hỏi này, nhưng Cao uỷ Anh (High Commissioner) ở Singapore vào năm 1974 tuyên bố “quần đảo Spratly thuộc về Trung Quốc, là một bộ phận của tỉnh Quảng Đông..... sau Chiến tranh trả lại Trung Quốc”, “Anh đã bí mật công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Paracel có tranh chấp..... Chính phủ Anh ít nhất đã lặng lẽ công nhận yêu sách đối với Paracel của Trung Quốc là đúng”. Cao uỷ Anh tại Singapore tương đương với Đại sứ Anh tại các nước khác (Singapore là thành viên của Liên hiệp Anh, do đó dùng tên gọi Cao uỷ Ngoại giao). Theo luật quốc tế, thái độ của ông có thể được công nhận là thái độ của Bộ Ngoại giao (thậm chí của chính phủ) Anh hay không đáng được thảo luận. Liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, có tin nói rằng Anh đã gửi công hàm cho Bắc Kinh vào năm 1957, nói rõ lập trường của nước này là: “Chúng tôi ngầm công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Pratas (Đông Sa) và Paracel (Hoàng Sa).”
Trước Thế chiến thứ hai,Nhật Bản ủng hộ quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, nhưng cho rằng quần đảo Trường Sa thuộc về Nhật Bản (xem II.6). Sau Chiến tranh, ngoài việc bày tỏ từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong các hiệp ước như “Hòa ước San Francisco”, không có bày tỏ thái độ nào khác (xem III.8).
Thái độ của Liên Xô đối với Hoàng Sa và Trường Sa trước và sau khi nước Việt Nam mới thành lập có sự thay đổi. Liên Xô ban đầu bày tỏ thái độ ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị hòa bình San Francisco, Liên Xô phát biểu ý kiến ủng hộ chúng thuộc “nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (xem III.8). Nhưng sau khi nước Việt Nam mới thành lập, Liên Xô chuyển sang ủng hộ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Thái độ của Liên Xô đối với tuyên bố lãnh hải 12 hải lí của Trung Quốc năm 1958 có lập trường không rõ ràng. Một mặt, Liên Xô gửi công hàm “Chính phủ Liên Xô được biết và hoàn toàn tôn trọng quyết định trong tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Do Trung Quốc tuyên bố các đảo ở biển Đông thuộc nước này, nên cũng có thể suy ra là Liên Xô ủng hộ lập trường này của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, trong công hàm này phía Liên Xô viết:
“Chính phủ Liên Xô được biết quyết định của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa áp dụng thích dáng cho toàn bộ lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan và các đảo xung quanh nó, quần đảo Bành Hồ cũng như các đảo khác thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” So với tuyên bố của Trung Quốc, thiếu các chữ “quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa”, cho thấy dường như ngược lại họ có thái độ dè dặt. Đối với tuyên bố này của Trung Quốc, các nước Đông Âu (bao gồm Romania, Đông Đức, Hungary, Tiệp Khắc và Bulgaria...) và Mông Cổ cũng bày tỏ thái độ tương tự Liên Xô, công nhận và ủng hộ quyết định 12 hải lí của Trung Quốc, nhưng không có nước nào ủng hộ rõ ràng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông. Sau Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, Triều Tiên ủng hộ rõ ràng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo biển Đông. Ngoài ra, đáng chỉ ra là sau khi Trung Quốc ra tuyên bố lãnh hải 12 hải lí, Mĩ, Anh và các nước phương Tây khác bày tỏ thái độ không ủng hộ tuyên bố này. Điều này phải chăng có nghĩa là các nước này không ủng hộ yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông của Trung Quốc? Cũng đáng để tranh luận.
Trong số các nước Đông Nam Á, sau Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia tuyên bố với báo giới quan điểm chính thức của Indonesia: Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc về Trung Hoa Dân quốc. Cũng trong Hải chiến Hoàng Sa, Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Chatchai Chunhawan phát biểu ý kiến cá nhân, cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc (dù là Đại lục hay Đài Loan). Nhưng ý kiến cá nhân hoàn toàn không thể coi là thái độ chính thức của nhà nước.
Tóm lại, sau Thế chiến thứ hai, tuyệt đại bộ phận quốc gia không có lợi ích lãnh thổ đều giữ thái độ trung lập, nhưng cũng có một số ủng hộ Trung Quốc hoặc Việt Nam. Ý kiến của cộng đồng quốc tế về vấn đề này không giống nhau.
Bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí nước ngoài
Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đã đưa ra không ít tư liệu bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí của bên thứ ba để chứng minh rằng chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được quốc tế công nhận, nhưng chưa ai thực hiện một phân tích định lượng có hệ thống những tư liệu này. Những tư liệu này nếu xuất bản trước thế kỉ 20, thì có thể có giá trị pháp lí theo góc độ “bằng chứng lịch sử”. Nhưng nếu xuất bản sau tranh chấp chủ quyền, tác dụng sẽ rất hạn chế. Những bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí của bên thứ ba này khó được coi là thể hiện thái độ chính thức, đặc biệt là các xuất bản phẩm tư nhân của phương Tây không chịu kiểm soát của chính phủ, nhiều nhất chỉ có thể đại diện ý kiến của cá nhân, đặc biệt là bài viết trên báo, càng chỉ có thể đại diện lập trường riêng của tác giả.
Còn trên thực tế, do thái độ người dân các nước khác nhau, bất kể Trung Quốc, Việt Nam thậm chí Philippines đều có thể tìm thấy bằng chứng có lợi cho mình. Vì vậy, dùng những tư liệu này làm “bằng chứng” là hết sức có hạn. Ở đây người viết đưa ra một số bản đồ có tính đại diện để minh họa cho luận điểm khác nhau của các ấn phẩm.
Trong các bản đồ nước ngoài nửa đầu thế kỉ 20, theo người viết nhận thấy, chúng đều không dùng bất cứ hình thức nào (bao gồm chữ viết, màu sắc, đường phân giới...) để đánh dấu sự quy thuộc của Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, trong Thế chiến thứ hai, bản đồ của Nhật Bản xuất bản đã bắt đầu đánh dấu rõ quần đảo Tân Nam (tức Trường Sa) thuộc về Nhật Bản, đảo Hoàng Nham thuộc về Philippines, còn quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc (Hình 41). Sau Chiến tranh, có nhiều hình thức biểu thị đã xuất hiện:
(1) Không đánh dấu. Ví dụ bản đồ thế giới trong quyển 27 sách “Meyers Enzykolpadisches Lexikon” (1971) của Đức (Hình 42). Hoàng Sa và Trường Sa được biểu thị, nhưng không chú thích rõ tên gọi và sự quy thuộc. Times Atlas of the World năm 1955 của Anh (Hình 43), Hoàng Sa đánh dấu với tên gọi Paracel, còn Trường Sa thì không có tên gọi toàn bộ quần đảo, hai nơi đều không đánh dấu sự quy thuộc.
(2) Đều đánh dấu là của Trung Quốc. Atlas international Larousse (1966) của Pháp (Hình 44). Đây là một bản đồ thường được Trung Quốc trích dẫn. Trên bản đồ, Hoàng Sa và Trường Sa đều dùng phiên âm tiếng Trung để đánh dấu, đồng thời trong ngoặc đơn chú thích rõ chữ Trung Quốc (Chungkuo). Trên một số bản đồ khác dùng phiên âm tiếng Trung đánh dấu hai quần đảo này, nhưng không ghi rõ thuộc về Trung Quốc, cũng có thể coi là công nhận hai quần đảo thuộc Trung Quốc, ví dụ của Pergamon World Atlas của Ba Lan (1968, Hình 45).
(3) Đánh dấu Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, không đánh dấu sự quy thuộc của Trường Sa, ví dụ Goode’s World Atlas của Mĩ (1964, Hình 46).
(4) Đánh dấu Hoàng Sa là của Việt Nam. Ví dụ McGraw-Hill International Atlas của Mĩ (1963, Hình 47), Hoàng Sa được đánh dấu thuộc Việt Nam, Trường Sa không có đánh dấu sự quy thuộc.
(5) Đánh dấu Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, Trường Sa thuộc Philippines. Ví dụ Cassell’s New Atlas of the World của Anh (1961, Hình 48).
(6) Đánh dấu Hoàng Sa của Trung Quốc, đánh dấu một phần Trường Sa thuộc Philippines, đảo đảo Trường Sa Lớn và đảo đảo An Bang được đánh dấu thuộc Anh, ví dụ Aldine University Atlas của Anh (1969, Hình 49).
Hình 41: Bản đồ Philippines do Nhật Bản xuất bản (1942)
Hình 42: Bản đồ của Đức xuất bản (Meyers Enzykolpadisches Lexikon, 1971)
Hình 43: Bản đồ của Anh xuất bản (Times Atlas of the World, 1955)
Hình 44: Bản đồ của Pháp xuất bản (Atlas international Larousse , 1966)
Hình 45: Bản đồ của Ba Lan xuất bản (Pergamon World Atlas, 1968)
Hình 46: Bản đồ của Mĩ xuất bản (Goode’s World Atlas, 1964) (tr.351 bản gốc)
Hình 47: Bản đồ của Mĩ xuất bản (McGraw-Hill International Atlas, 1963)
Hình 48: Bản đồ của Anh xuất bản (Cassell’s New Atlas of the World, 1961)
Hình 49: Bản đồ của Anh xuất bản (Aldine University Atlas, 1969)
Tóm lại, thời gian từ sau Thế chiến thứ hai đến năm 1970, thế giới hoàn toàn không có cách hiểu chung về sự quy thuộc của các đảo biển Đông. Qua quan sát và phân tích các loại bản đồ khác nhau, trước năm 1970 quần đảo Trường Sa không có tên gọi như một chỉnh thể trên rất nhiều bản đồ. Ngoài ra, không có bản đồ nào mà tác giả xem được có vẽ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Có thể thấy rằng đường 9 đoạn hoàn toàn không phải là khái niệm được quốc tế chấp nhận rộng rãi.
Trong cuốn “Sử liệu vị biên” (史料彙編) của Trung Quốc có liệt kê 206 bản đồ nước ngoài từ những năm 1940 đến những năm 1970 có đánh dấu các đảo ở biển Đông thuộc Trung Quốc. Trong đó đưa ra một số bản đồ do Việt Nam (Bắc Việt) xuất bản trước năm 1974 mà trên đó Hoàng Sa và Trường Sa được đánh dấu thuộc Trung Quốc dưới nhiều hình thức, hoặc không được vẽ trên bản đồ Việt Nam. Điều này phù hợp với thảo luận trong phần IV.5, IV.9 và IV.10. Như phân tích trong phần IV.10, hoàn toàn không thể dùng điều này để khẳng định thái độ của nước Việt Nam mới đối với sự quy thuộc chủ quyền của chúng, cũng khó lấy làm bằng chứng phản bác yêu sách của nước Việt Nam mới. Ngoài ra, sách này còn đưa ra hai bản đồ do Sài Gòn xuất bản trong những năm 1950, không vẽ Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ Việt Nam. Hiện chưa rõ năm xuất bản cụ thể của hai bản đồ này. Như thảo luận trước đây, Việt Nam đã chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1951 (IV.8). Hai bản đồ này dường như là ví dụ rất cá biệt, và tính chất do tư nhân xuất bản của chúng cũng làm chúng thiếu hiệu lực pháp lí, càng không thể so sánh với yêu sách chính thức của Nam Việt, hơn nữa chúng cũng không vẽ Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của Trung Quốc.
“Sử liệu vị biên” còn liệt kê ra 3 bản đồ không đưa quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Philippines (lần lượt năm 1940, 1950 và 1969). Giống như thảo luận về chứng lí ở phần trước, vì năm 1946 Philippines đã ra tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, hiệu lực của tuyên bố lớn hơn rất nhiều so với bản đồ. Do đó, ngay cả khi tồn tại bản đồ như vậy cũng không có cách nào phủ định yêu sách của Philippines đối với quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, trên các bản đồ đó, không có dấu hiệu nào cho thấy quần đảo Trường Sa thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Ngoài ra, đáng để chỉ ra là rất ít bản đồ do nước ngoài vẽ vào thời điểm đó thể hiện đường 9 đoạn. “Sử liệu vị biên” chủ yếu thu thập những bằng chứng có lợi cho Trung Quốc, trong tổng số 206 bản đồ của nước ngoài chỉ có 9 bản đồ có đánh dấu đường 9 đoạn (trong sách viết là ‘đường biên giới quốc gia’), bao gồm Tập bản đồ thế giới tiêu chuẩn Nhật Bản, Tập bản đồ thế giới của Đông Đức (bản giản lược), Tập đại bản đồ thế giới Haack của Đông Đức, Tập bản đồ thế giới mới nhất của Đông Đức, Tập bản đồ dùng cho gia đình Haack của Đông Đức, Phụ lục bản đồ Bách khoa toàn thư của Liên Xô, Bản đồ treo tường “châu Á” của Hungary, Tập bản đồ hiện đại Larousse của Pháp, và Tập bản đồ thế giới mới của Nhật Bản. Trong đó, mấy bản đồ của Đông Đức xuất bản có cùng một người biên tập và của cùng một nhà xuất bản, từ góc độ thống kê học, chúng cần được loại ra, nhưng ở đây không nghiên cứu sâu. Xem xét đến việc “Sử liệu vị biên” chỉ thu thập những bằng chứng có lợi cho Trung Quốc, nếu như tính thêm các bản đồ bất lợi cho Trung Quốc, thì tỉ lệ bản đồ có vẽ đường 9 đoạn chiếm sẽ càng thấp hơn. Có thể thấy, đường 9 đoạn không hề được biết đến rộng rãi trước những năm 1970.
IV.14 Kết luận: Sự cát cứ thời Chiến tranh lạnh
Cùng với sự thất bại của Quốc Dân đảng, đã xuất hiện tình trạng chân không quyền lực trong thời gian ngắn ở các đảo ở biển Đông. “Hiệp ước hòa bình San Francisco” để ngỏ chủ quyền các đảo ở biển Đông. Cho đến năm 1956, thái độ của các bên liên quan đối với chủ quyền các đảo có xu hướng rõ ràng: Anh và Pháp trên thực tế đã rút khỏi tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, còn chính quyền Bắc Kinh và Đài Bắc, Nam Việt đều xác định rõ yêu sách chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa; về vấn đề Trường Sa thì có thêm Philippines. Bắc Việt công nhận yêu sách của Bắc Kinh vào lúc đó.
Mĩ là nước có quyền lực vượt trội duy nhất ở biển Đông nhưng giữ trung lập đối với vấn đề lãnh thổ các đảo ở biển Đông. Một mặt, thái độ này đã khuyến khích việc tranh giành giữa các nước đồng minh xung quanh biển Đông (Đài Loan, Nam Việt và Philippines), mặt khác cũng ngăn chặn sự mất kiểm soát trong tranh chấp giữa họ, ảnh hưởng đến đại cục “chống cộng”.
Đài Loan cố gắng duy trì quyền kiểm soát Trường Sa, nhưng không đủ sức với tới Hoàng Sa. Hoàng Sa trở thành tuyến đầu trong cuộc đối đầu giữa Nam Việt và Bắc Kinh.
Đầu những năm 1970 có ba sự kiện lớn làm thay đổi tình hình biển Đông. Thứ nhất, việc phát hiện dầu mỏ ở biển Đông là nhân tố kinh tế đưa đến sức thu hút hơn cho cuộc tranh đoạt các đảo biển Đông. Thứ hai, Bắc Kinh thay thế vị trí của Đài Loan tại Liên Hợp Quốc, đấu tranh ngoại giao của hai chính phủ Trung Quốc trong thời gian này đã tạo cơ hội cho các nước Philippines, Malaysia có thể chiếm đóng một số đảo ở Trường Sa mà không gặp sự cản trở của Trung Quốc. Thứ ba, Mĩ thân thiện với Trung Quốc, rút khỏi Chiến tranh Việt Nam và quyết định bỏ rơi Nam Việt, tạo cơ hội cho Trung Quốc bành trướng ở Trường Sa. Đây là nguyên nhân quan trọng để Trung Quốc đánh bại Nam Việt trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Nhưng sau đó Việt Nam thống nhất, đối đầu Trung-Việt trở thành tiêu điểm của vấn đề biển Đông. Trong Chiến tranh Trung-Việt 1979 và chiến tranh biên giới kéo dài sau đó, Liên Xô đều đứng về phía Việt Nam. Liên Xô thuê Vịnh Cam Ranh, hình thành thế lực đối đầu với Mĩ ở biển Đông. Giữa những năm 1980, Trung Quốc quyết tâm bành trướng xuống Trường Sa, nhưng khi đó các đảo tương đối lớn đã bị các nước khác chiếm đóng. Khi Mĩ, Xô rình rập nhau, Trung Quốc không có cách nào trực tiếp chiếm đoạt đảo, đành phải hướng tầm mắt đến các đảo đá không người mà các nước khác khó chiếm đóng. Cuối cùng, thông qua Hải chiến Gạc Ma, Trung Quốc đã chiếm đóng đá Chữ Thập cùng các đảo đá khác, từ đó đặt chân xuống Trường Sa. Hải chiến Gạc Ma là cuộc chiến tranh nóng cuối cùng ở biển Đông. Cùng với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, tranh chấp các đảo ở biển Đông bước vào thời kì mới.
Đương nhiên, những năm 1970-80, tranh chấp biển Đông không còn giới hạn ở Trung Quốc và Việt Nam, mà giữa Việt Nam-Malaysia, Philippines-Malaysia, Philippines-Việt Nam thậm chí Malaysia-Brunei cũng đều có mâu thuẫn ở biển Đông. Vào thời điểm năm 1979, Philippines tuyên bố quần đảo Kalayaan thuộc nước này, Malaysia công bố bản đồ năm 1979, đều gây ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa các nước. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa họ đều không leo thang thành xung đột vũ trang, vả lại họ đều có mong muốn dùng phương thức hòa bình giải quyết vấn đề.
Trong thời kì này, không có thái độ được thế giới chấp nhận chung đối với chủ quyền của các đảo ở biển Đông, và hơn nữa do các bên đều đã đưa ra yêu sách chủ quyền nên việc đơn thuần chiếm đóng không thể xác định chủ quyền (mặc dù có lợi thế hơn đôi chút). Từ luật quốc tế, chủ quyền của các đảo ở biển Đông luôn bị tranh chấp.
-------------
* Đọc bản dịch có chú thích ở đây.
Chương I:Tranh chấp Đông Sa giữa Trung Quốc và Nhật Bản là màn dạo đầu của Tranh chấp biển Đông
Chương II: Mở đầu cuộc tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa (1909-1936)
Chương III: Biển Đông trước và sau thế chiến thứ hai (1937-1952)
Chương IV: Cuộc chiến tranh giành các đảo ở biển Đông (1953-1989)
Chương V: Thời kì xung đột thấp (1990-2008)
Chương VI: Tranh chấp về quyền lực trên biển (2009-2015)
Phụ lục I: Tình trạng pháp lí của đường 9 đoạn
Phụ lục 2: Vấn đề đảo Bạch Long Vĩ