CHƯƠNG VI
TRANH CHẤP VỀ QUYỀN LỰC TRÊN BIỂN (2009-2015)
Sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đề ra Chiến lược trở thành cường quốc biển. Trong bối cảnh đó, vấn đề biển Đông tiếp tục nóng lên, nhiều xung đột tiếp diễn. Năm 2009 là bước ngoặt trong lịch sử Nam Hải (biển Đông), với 3 sự kiện lớn xảy ra: sự kiện tàu USNS Impeccable giữa Trung Quốc và Mĩ; việc nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho Liên Hiệp quốc, và việc Mĩ đưa ra Chiến lược tái cân bằng Châu Á. Vấn đề biển Đông nhanh chóng chuyển từ vấn đề khu vực thành vấn đề quốc tế. Trung Quốc không che đậy tham vọng chiếm lấy biển Đông, các nước xung quanh đoàn kết chống lại Trung Quốc, các nước lớn ngoài khu vực do Mĩ đứng đầu cũng tích cực can dự hơn vào công việc biển Đông. Ba vụ tranh chấp lớn về dầu mỏ trong năm 2011 báo hiệu xu hướng xấu đi trong cục diện biển Đông. Năm 2012 là năm mang tính bước ngoặt: sự kiện bãi Scarborough là sự chuyển giao quyền kiểm soát thực tế đảo đầu tiên trong thế kỉ XXI, quan hệ Trung Quốc – Philippines liên tục rơi xuống đáy; gần như đồng thời, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, và trong một loạt các biện pháp, kế hoạch giành quyền kiểm soát thực tế biển Đông bằng biện pháp uy hiếp đã được xúc tiến toàn diện; tiếp đó, cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về vấn về đảo Điếu Ngư (Senkaku) đã làm tình hình vốn ổn định trong khu vực xấu đi, Nhật Bản cũng tham gia vào cuộc tranh chấp vấn đề biển Đông. Năm 2013, bất chấp phản đối của Trung Quốc, với sự ủng hộ của ASEAN và cộng đồng quốc tế, Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế; để trả đũa, Trung Quốc đã gây ra sự kiện bãi Nhân Ái (Cỏ Mây), dẫn đến sự chỉ trích của quốc tế; tháng 9, Trung Quốc đột nhiên tuyên bố thiết lập khu nhận dạng phòng không “kiểu Trung Quốc”, không phù hợp với luật quốc tế, không những dẫn đến sự phản đối quyết liệt của thế giới mà còn dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập khu nhận dạng phòng không ở biển Đông và về những tranh chấp về đường 9 đoạn. Năm 2014, ngay sau khi đề xuất (quan điểm) “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN” không lâu, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu đặt tại vùng biển đảo Hoàng Sa làm nổ ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc quyết liệt ở Việt Nam, tranh chấp Hoàng Sa lại nổi lên. Gần như đồng thời, báo chí đã đưa tin công khai việc Trung Quốc xây dựng đảo quy mô lớn tại biển Đông, dẫn đến sự chỉ trích gay gắt từ các nước, nhưng Trung Quốc không nao núng, đến tháng 6/2015 tuyên bố hoàn thành công trình bồi đắp đảo; cuối năm 2015, Mĩ tuyên bố thực hiện tự do hàng hải, không công nhận tính pháp lí của các đảo nhân tạo; tháng 7/2016, Philippines thắng kiện trong bối cảnh Trung Quốc từ chối không tham dự vụ kiện tại Tòa trọng tài, và không thừa nhận kết quả trọng tài.
Cục diện biển Đông diễn biến nhanh, nhiều sự kiện khiến người ta không thể không quan tâm. Vấn đề biển Đông thậm chí được mở rộng thành vấn đề quốc tế, về sự tranh giành bá quyền và chuyển dịch quyền lực giữa Trung Quốc và Mĩ. Các nước như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu vốn không mấy quan tâm, nay cũng tham dự vào vấn đề biển Đông. Cần nhấn mạnh là, vấn đề biển Đông chỉ là một khía cạnh trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN và Mĩ, Nhật, dù rất quan trọng, nhưng không phải là khía cạnh duy nhất trong quan hệ giữa các nước này, đồng thời nó còn chịu ảnh hưởng của yếu tố chính trị trong nước của mỗi quốc gia. Vì vậy, dù có lúc nào đó các xung đột ở biển Đông có vẻ rất lớn, nhưng do sự tồn tại đồng thời và sự ràng buộc của nhiều nhân tố khác nên về tổng thể, vấn đề biển Đông vẫn ở trong giai đoạn có thể kiểm soát được. Phân tích kĩ càng nguyên do của mỗi sự kiện, đặc biệt là sự kiềm chế lẫn nhau giữa các nhân tố nằm ngoài phạm vi cuốn sách này, cũng không thuộc phạm vi nghiên cứu “lịch sử” (mà thuộc phạm vi nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược), hơn thế không thể trình bày trong một chương mục ngắn. Vì vậy, chương này tập trung vào tổng thuật và phân tích về mặt lí luận các sự kiện quan trọng, còn những vấn đề đối nội, đối ngoại và chiến lược chỉ có thể phân tích sơ qua.
VI.1. Chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc
Năm 2008 là năm bước ngoặt cực kì quan trọng đối với Trung Quốc. Tháng 3, bạo loạn nổ ra ở Tây Tạng. Tháng 4, trong khi rước đuốc Thế vận hội, người Tạng hải ngoại đã có hành động cướp đuốc lửa, người Hoa hải ngoại dấy lên hành động bảo vệ ngọn đuốc thánh, chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt của người Trung Quốc bị kích động cực mạnh. Tháng 5, Trung Quốc xảy ra vụ động đất Tứ Xuyên gây thương vong lớn, phản ứng cứu trợ thiên tai nhanh chóng và hiệu quả đã có tác dụng khơi dậy lòng tự hào, tình yêu nước và trách nhiệm xã hội của người dân, được đánh giá là “đa nan hưng bang”. Tháng 8, sau khi tổ chức thành công Thế vận hội Bắc Kinh được mong đợi nhiều năm, Trung Quốc bỗng trở thành nước siêu lớn trong con mắt thế giới, lòng tự tin, tự hào dâng cao. Tháng 10/2008, bắt đầu cơn sóng thần tài chính ở Mĩ, cả thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nhưng Trung Quốc không những thoát khỏi hiểm họa, mà còn phát huy tác dụng quan trọng trong việc ổn định tình hình khu vực và thậm chí trên thế giới, trở thành niềm hy vọng cứu vãn nền kinh tế thế giới. Chỉ trong nháy mắt, Trung Quốc chuyển từ “quốc gia đang phát triển” trước đó thành “ông nhà giàu lớn” trong mắt thế giới. Với sức mạnh tài chính, lòng tự tin của Trung Quốc được dâng cao. Sau Thế vận hội và cơn sóng thần tài chính, tình hình quốc tế rất thuận lợi cho Trung Quốc. Hơn thế, Trung Quốc cũng không cần thiết phải bao quát toàn diện đến cục diện thế giới như trước khi diễn ra Thế vận hội, bắt đầu xúc tiến mạnh mẽ hơn chiến lược nước lớn của mình. Tham vọng nước lớn của Trung Quốc phản ánh rõ trong quyền lực biển. Trung Quốc vốn là quốc gia lục địa, rất ít quan tâm đến biển. Sau khi thành lập nước, một phần vì không đủ thực lực nên quyền lợi đất liền là mối quan tâm lớn nhất của các nhà chính trị và quân sự Trung Quốc. Nhưng, sau cải cách mở cửa, quyền lợi biển ngày càng trở thành một trong những vấn đề hạt nhân mà Trung Quốc quan tâm. Năm 1982, sau khi Lưu Hoa Thanh trở thành Tư lệnh Hải quân, chiến lược biển của Trung Quốc chuyển từ “phòng vệ gần bờ” (cận ngạn phòng vệ) sang “phòng vệ vùng biển gần” (cận hải phòng vệ). Dưới con mắt của Lưu Hoa Thanh, phòng vệ vùng biển gần tức là “Nam Hải, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải,... trong các chuỗi đảo thứ nhất, nghĩa là bao gồm toàn bộ vùng biển trong quyền tài phán của nước ta theo quy định của Công ước Luật biển và bao gồm lãnh thổ vốn có của nước ta trên các đảo thuộc Nam Hải”. So với phòng vệ gần bờ thì khái niệm khu vực biển này đã được mở rộng, cùng với sự phát triển về kinh tế và tiến bộ về khoa học kĩ thuật, nó được “mở rộng từng bước đến chuỗi đảo thứ hai.”
Sau năm 2008, Trung Quốc càng quyết tâm trở thành cường quốc biển, được đúc kết thành 4 nhiệm vụ: “Một là, giữ vững sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, đảm bảo quyền lợi biển của quốc gia, đồng thời mở rộng chiều sâu phòng vệ biển của nước ta. Hai là, đảm bảo sự thông suốt của các tuyến đường biển và sự tự do đi lại của các tàu buôn, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia của chúng ta. Ba là, bảo vệ các lợi ích và lợi ích đầu tư ở nước ngoài ngày càng mở rộng của nước ta. Bốn là, đảm nhận nhiệm vụ duy trì hòa bình thế giới và an ninh biển.” Nhiệm vụ xây dựng cường quốc biển được ghi trong Báo cáo Đại hội XVIII.
Kinh phí quốc phòng Trung Quốc tăng với tốc độ hai chữ số liên tục trong hơn 10 năm. Ưu tiên phát triển hải quân, nghiên cứu phát triển và mua một khối lượng lớn vũ khí cùng tàu bè, đóng mới chiến hạm với tốc độ “như bánh canh”. Có hai điều đáng lưu tâm đặc biệt: một là, Trung Quốc đã có tàu sân bay đầu tiên, và đang gấp gáp đóng tàu thứ hai và thậm chí thứ ba; hai là, Trung Quốc cải tạo một số lượng lớn tàu chiến thành tàu hải giám, đồng thời đóng mới tàu hải giám trọng tải lớn. Loại thứ nhất có tác dụng uy hiếp chiến lược, loại thứ hai là công cụ trực tiếp nhất cho bước tiến ở mức gần vũ lực ở biển Hoa Đông và biển Đông. Cuối năm 2008, hải quân Trung Quốc ra khỏi các biển lân cận Trung Quốc, tiến đến Vịnh Aden, hạm đội Trung Quốc đi khắp các vùng biển thế giới. Đây là “lần đầu tiên Trung Quốc phá vỡ chuỗi đảo thứ nhất”, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình vươn ra toàn cầu của hải quân.Nhưng, mục tiêu thực tế hơn của Trung Quốc chính là nhiệm vụ thứ nhất, nghĩa là “duy trì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền lợi biển quốc gia”. Trung Quốc là nước lục địa, nhưng lại có 12 000 km bờ biển. Trung Quốc từ Bắc đến Nam giáp với 4 biển là Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và biển Đông. Ngoài Bột Hải là biển nội địa của Trung Quốc, Trung Quốc đều có tranh chấp về lãnh thổ hoặc lãnh hải với các nước trong 3 biển còn lại. Tại Hoàng Hải, Trung Quốc tranh chấp bãi Tô Nham (Liyu / Ieodo) với Hàn Quốc; tại Hoa Đông, tranh chấp đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật Bản; tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải tại biển Đông luôn là một trong những vấn đề quốc tế phức tạp nhất trên thế giới.
Do nguyên nhân lịch sử, địa lí, quan hệ quy thuộc các đảo tại biển Đông vô cùng mơ hồ. Tranh chấp biển Đông hiện liên quan trực tiếp đến 6 nước 7 bên. Tranh chấp biển Đông bao gồm các tranh chấp lợi ích về một số lĩnh vực dưới đây:
Trước hết là tranh chấp lãnh thổ. Trong 5 quần đảo ở biển Đông thì Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough) đều có tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc cho rằng tất cả các đảo tại biển Đông đều là lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng một phần đáng kể hiện đang bị các nước chiếm đóng.
Thứ hai là tranh chấp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Biển Đông có tài nguyên cá và dầu mỏ rất phong phú. Tuy không tuyên bố công khai nhưng Trung Quốc cho rằng mình có quyền tài phán trong đường 9 đoạn. Phạm vi do đường 9 đoạn vạch ra chiếm 80% diện tích biển Đông, nằm sát bờ biển các nước láng giềng. Trung Quốc cho rằng các nước xung quanh chiếm đoạt phần lớn tài nguyên cá và dầu mỏ của Trung Quốc.
Thứ ba là tranh chấp về tự do hàng hải. Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp, cũng là nơi lui tới của tàu chiến các nước. Trung Quốc hiện chưa đề cập đến vấn đề tự do hàng hải nhưng đã nhiều lần phản đối việc tàu chiến Mĩ đi lại quanh quẩn ở biển Đông.
Cốt lõi của vấn đề biển Hoa Đông và biển Đông là Trung Quốc cho rằng tất cả các khu vực có tranh chấp từ xưa đến nay đều thuộc về mình và hiện đang trong tình trạng bị xâm chiếm. Từ góc độ nhu cầu của Trung Quốc, sau khi sức mạnh đất nước lớn mạnh hơn, trao đổi với nước ngoài và giao lưu thương mại gia tăng rộng rãi hơn, Trung Quốc có nhiều lợi ích ở nước ngoài cần bảo vệ. Việc Trung Quốc đề ra việc tăng cường thực lực biển xa là điều dễ hiểu. Nhưng đồng thời, trong tranh chấp về biển, vấn đề tuân thủ luật quốc tế, tôn trọng yêu sách lợi ích hợp pháp và hợp lí của nước lân cận lại bị đặt ở vị trí thứ yếu.
VI.2. Sự kiện tàu USNS Impeccable (T-AGOS-23) (2009)
Biển Đông có lợi ích chiến lược trọng yếu đối với Mĩ. Từ thế kỉ XIX, Mĩ đã tiến hành đo đạc biển Đông và là quốc gia tích cực thứ hai, sau Anh trong việc làm này. Cuối thế kỉ XIX, Mĩ mua lại Philippines từ tay Tây Ban Nha, có quan hệ thực chất với biển Đông. Trong Thế chiến II, Mĩ là nước duy nhất đánh nhau với Nhật Bản ở biển Đông. Sau Thế chiến II, Mĩ là nước đầu tiên đặt chân lên hòn đảo chính của Trường Sa – đảo Thái Bình (đảo Ba Bình), đảm trách việc đuổi quân Nhật khỏi đảo. Sau đó, mặc dù Mĩ không tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough, nhưng quân đội Mĩ hoạt động tự do không bị hạn chế ở biển Đông. Trong những năm 1950 và 1960, Mĩ tiến hành nhiều hoạt động bên ngoài lãnh hải ven bờ đảo Hải Nam của Trung Quốc, chỉ khi nào đi sâu trong 12 hải lí mới bị Trung Quốc “cảnh cáo nghiêm khắc”. Mĩ cũng nhiều lần đo đạc biển Đông, lấy đảo Hoàng Nham làm nơi huấn luyện quân sự.
Hoạt động của Mĩ ở biển Đông có nhiều mục đích:
thứ nhất,bảo đảm vận tải biển thông suốt: Từ xưa, biển Đông đã là khu vực diễn ra nhiều hoạt động của cướp biển, sự có mặt và tuần tiễu của quân đội Mĩ có tác dụng ngăn chặn nạn cướp biển nổi lên. Quân đội Mĩ cũng là lực lượng ngăn ngừa hành động phong tỏa biển Đông của các nước khác trong khu vực. Sự có mặt của quân đội Mĩ giúp biển Đông luôn thông suốt kể từ sau Thế chiến II;
thứ hai, nhu cầu tác chiến quân sự: Trong Chiến tranh Việt Nam, máy bay ném bom của Mĩ có thể cất cánh từ đường băng trên tàu sân bay ở biển Đông để không kích miền Bắc Việt Nam;
thứ ba, tham gia cứu trợ nhân đạo: Sau Chiến tranh Việt Nam, chiến hạm Mĩ đã giúp người Việt Nam chạy thoát khỏi Sài Gòn với quy mô lớn;
thứ tư, trinh sát động thái quân sự của các nước xung quanh: Từ bên ngoài lãnh hải Trung Quốc, Mĩ thực hiện hoạt động giám sát tàu ngầm Trung Quốc nhằm nắm rõ bí mật quân sự của Trung Quốc;
thứ năm, đo lường thủy văn và địa chất biển Đông: Những tư liệu thu thập được có thể sử dụng vào cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Chẳng hạn, dữ liệu địa lí mà Mĩ thu thập được chính là dữ liệu trực tiếp ban đầu cho việc khai thác dầu mỏ ở biển Đông.
thứ sáu, tiến hành hoạt động huấn luyện quân sự và tập trận chung: Sau Thế chiến II, bãi Scarborough (bãi Scarborough) đã từng là nơi tập bắn của quân đội Mĩ. Cho đến nay, Mĩ vẫn không ngừng tập trận chung với các nước xung quanh biển Đông. Nó vừa có giá trị quân sự vừa có giá trị chính trị. Có thể thấy, từ lâu, quân đội Mĩ vẫn đi lại tự do không bị hạn chế ở biển Đông, điều đó có giá trị rất tích cực đối với sự phát triển và ổn định của khu vực.
Trung Quốc không hài lòng với hoạt động trinh sát ven biển Trung Quốc của Mĩ, cho rằng đây là hành động uy hiếp an ninh quốc gia của Trung Quốc. Điều đó không khó lí giải, nhưng hoạt động trinh sát và gián điệp đã có từ xa xưa. Trong quá trình phát triển lâu dài, điều đó trở thành một thông lệ trong quan hệ quốc tế, và là hành vi mà các bên có thể đoán được lẫn nhau. Trong trường hợp đối phương có hành động không phù hợp với luật quốc tế, chỉ có thể giải quyết thông qua phương thức chính trị.
Trong những năm 1960, Trung Quốc không đủ sức chống lại hoạt động trinh sát của Mĩ, chỉ có thể đáp trả bằng cách “cảnh cáo nghiêm khắc”. Trong những năm 1980, quan hệ Trung – Mĩ trở nên hữu hảo, sự cọ sát hầu như lắng xuống. Sau những năm 1990, sự kiện 4/6 (Thiên An Môn -ND) khiến cho tuần trăng mật chính trị Trung – Mĩ kết thúc. Sau khi sức mạnh quân sự tăng lên, Trung Quốc bắt đầu siết lại các hoạt động ven biển của Mĩ bằng vũ lực. Vì thế, cuối thế kỉ XX, va chạm giữa Mĩ và Trung Quốc về vấn đề này lại tiếp tục.
Năm 2001, khi máy bay trinh sát EP-3 của hải quân Mĩ đang làm nhiệm vụ trên biển Đông, hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến hành theo dõi và chặn đường, một chiếc va chạm với máy bay trinh sát Mĩ tại vị trí cách đảo Hải Nam 70 hải lí, gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Phi công Trung Quốc Vương Vĩ bị rơi mất tích (sau này được xác nhận đã chết). Máy bay trinh sát của Mĩ bị hư hỏng nặng, buộc phải hạ cánh xuống sân bay Lăng Thủy trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên, sau đó không lâu ở Mĩ xảy ra sự kiện 11/9 nên trọng tâm ngoại giao và quân sự của Mĩ chuyển sang Afghanistan và Iraq. Xung đột biển Đông giữa Mĩ và Trung Quốc tạm thời lắng xuống. Nhưng hoạt động trinh sát của quân đội Mĩ ở biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải vẫn tiếp diễn. Tháng 9/2002, tàu ngư chính Trung Quốc quấy nhiễu tàu USNS Bowditch, T-AGS-62 tại khu vực Hoàng Hải, cách bờ 60 hải lí. Tàu Bowditch làm ngơ, cuối cùng bị tàu “ngư chính” Trung Quốc đâm vào bộ phận sonar (máy thăm dò thủy âm) kéo sau tàu, buộc phải đưa về căn cứ ở Nhật Bản để sửa chữa. Từ năm 2003-2005, nhiều tàu khảo sát của Mĩ tác nghiệp trên biển Hoa Đông và Hoàng Hải đều bị Cục Hải dương và Cục Ngư chính Trung Quốc quấy nhiễu. Tuy nhiên, không có sự kiện nào trong số này có tác động lớn. Ngoài những vụ việc trên, còn rất nhiều tàu tuần tra và đo đạc của Mĩ đều không bị quấy nhiễu. Từ năm 2001-2009, quan hệ Trung – Mĩ hầu như đã đạt được sự cân bằng và thỏa thuận ngầm về vấn đề này.
Nhưng, sự kiện “USNS Impeccable, T-AGOS-23” năm 2009 đã phá vỡ thế cân bằng, báo hiệu cục diện căng thẳng mới tại biển Đông. USNS Impeccable, T-AGOS-23 là tàu thăm dò của hải quân Mĩ, lắp đặt 631 hệ thống máy dò thủy âm mảng kéo (SURTASS-LFA). Hệ thống này được cấu thành từ hai bộ phận chủ động và bị động: bộ phận chủ động (LFA) treo thẳng móc vào dưới thân tàu, phát ra sóng âm tần số thấp vào trong nước; bộ phận bị động là một sonar mảng kéo có trang bị một loạt ống nghe dưới nước, được tàu thăm dò kéo với tốc độ chậm, và sóng âm thanh phản hồi nhận được dùng để phát hiện các vật thể dưới nước. Nó có thể vừa dò được địa hình dưới nước, vừa dò được tàu ngầm dưới đáy biển. Cảng Du Lâm của tỉnh Hải Nam là căn cứ hải quân lớn mà Trung Quốc ra sức xây dựng, cũng là căn cứ chính của tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc cho rằng nhiệm vụ của tàu USNS Impeccable ngoài khơi Hải Nam là thăm dò hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.
Đầu tháng 3, tàu Trung Quốc có hành động quấy nhiễu khi tàu USNS Impeccable đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ tại biển Đông, cách phía tỉnh Hải Nam 75 dặm về phía Nam. Ngày 5, một tàu Trung Quốc áp sát và chạy lướt qua đầu tàu Impeccable khoảng 91 m; hai giờ sau, máy bay tuần tra Trung Quốc bay qua phía trên tàu USNS Impeccable hơn 11 lần ở cao độ thấp. Ngày 7/3, tàu hải giám dùng vô tuyến phát cảnh cáo tàu USNS Impeccable hoạt động phi pháp, đồng thời ra lệnh cho nó rời đi, nếu không sẽ phải chịu mọi hậu quả. Ngày 8, tàu USNS Impeccable bị 5 tàu Trung Quốc vây ráp, bao gồm 1 tàu tình báo hải quân, 1 tàu giám sát nghề cá thuộc Cục Hải sự, 1 tàu giám sát thủy văn biển Quốc gia Trung Quốc và 2 tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc. Đoàn tàu Trung Quốc áp sát tàu USNS Impeccable, đến khoảng cách 15m vẫy cờ Trung Quốc, yêu cầu tàu USNS Impeccable rời đi. Người Trung Quốc thậm chí còn định cướp thiết bị dò kéo phía sau của tàu USNS Impeccable. Thông qua trao đổi giữa đài chỉ huy với nhau, tàu USNS Impeccable yêu cầu tàu Trung Quốc giữ khoảng cách an toàn nhưng phía Trung Quốc phớt lờ. Do việc trao đổi không thuận lợi nên tàu USNS Impeccable không hiểu ý đồ của phía Trung Quốc, để tự vệ, tàu Mĩ đã dùng vòi phun nước vào tàu Trung Quốc đang sát gần, 2 tàu Trung Quốc lập tức vượt lên chặn đầu tàu USNS Impeccable, buộc tàu USNS Impeccable phải thả neo. Tàu Trung Quốc dùng tấm gỗ lớn chặn đầu tàu USNS Impeccable không cho tiến lên.
Trung Quốc không chủ động công bố ngay sự việc, chỉ đến ngày 11, khi phóng viên đặt câu hỏi nên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới nêu rõ “tàu USNS Impeccable hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc tại biển Đông mà chưa được phép của Trung Quốc, vi phạm quy định liên quan trong Luật quốc tế và luật pháp Trung Quốc. Trung Quốc đã phản đối nghiêm khắc sự việc này với phía Mĩ, đồng thời yêu cầu Mĩ dừng ngay các hoạt động tương tự và phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn.”
Mĩ rất xem trọng sự kiện này. Ngày 9/3, Chính phủ Mĩ ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc chạy tàu nguy hiểm trên biển, vi phạm quy định quốc tế. Ngày 10/3, Giám đốc tình báo Mĩ Blair điều trần trước Hạ nghị viện: sự kiện tàu USNS Impeccable là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ vụ va chạm máy bay năm 2001, chủ trương vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ngày càng mang tính xâm lược hơn. Cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản của Mĩ Walter Lohman nêu rõ: sự kiện tàu USNS Impeccable cho thấy “việc Mĩ muốn nối lại giao lưu quân sự với Trung Quốc là một sai lầm, nếu yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông không vấp phải thách thức thì đến một ngày nào đó, khi muốn tiến hành hoạt động thường lệ Hạm đội Thái Bình Dương của Mĩ sẽ đều phải xin phép Trung Quốc”.
Ngày 10/3, Trung Quốc đưa tàu ngư chính số 311 (trọng tải 4 450 tấn) xuất phát từ Quảng Châu đến biển Đông làm nhiệm vụ. Ngày 11/3, Mĩ đưa tàu khu trục USS Chung-Hoon, DDG-93 đóng ở căn cứ Hawaii đến bảo vệ tàu USNS Impeccable. Nhưng cùng ngày hôm đó, sau cuộc hội kiến tại Washington giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mĩ Clinton, hai bên đồng ý làm dịu bớt tình hình, cố gắng tránh để xảy ra sự việc tương tự. Ngày 18, Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ cũng tỏ thái độ ôn hòa. Sự kiện tàu USNS Impeccable lắng xuống.
Sự kiện Tàu USNS Impeccable không phải là sự kiện đơn lẻ. Ngày 11/4, tàu thăm dò địa chấn hải dương R/V Marcus Langseth của Đại học Columbia Mĩ tiến hành đo đạc tại vùng biển quần đảo Đông Sa (Pratas) theo yêu cầu của Đài Loan để kịp nộp hồ sơ xin Liên Hiệp quốc về phạm vi thềm lục địa mở rộng đúng hạn. Tàu hải giám sát 81 của Trung Quốc tiến hành quấy nhiễu tàu Mĩ, nói rằng tàu này đi vào vùng biển Trung Quốc mà chưa được Trung Quốc đồng ý và yêu cầu tàu phải rời đi. Thuyền viên Đài Loan đi cùng tàu lập tức báo về Phòng tuần tra eo biển Đài Loan, yêu cầu chi viện. Phía Mĩ cùng lúc cũng báo cáo về Bộ Ngoại giao Mĩ. Cuối cùng, cả 3 bên đều chọn thái độ kiềm chế, tránh làm to chuyện. Ngày 1/5, tại Hoàng hải, tàu khảo sát Victorious, TAGOS 19 của Mĩ cũng bị 2 tàu đánh cá Trung Quốc quấy nhiễu khi chỉ cách tàu Victorious 27 m. Tàu Victorious dùng vòi rồng phun nước nhưng không thoát khỏi sự quấy nhiễu của tàu Trung Quốc, buộc phải cầu cứu một tàu chiến Trung Quốc gần đó. Sau sự kiện tàu Victorious, Mĩ đã lên án và phản đối nhưng bị Trung Quốc phản bác. Ngày 12/6, tàu USS John S. McCain chạm trán tàu ngầm Trung Quốc tại vịnh Subic Philippines, tàu ngầm Trung Quốc đã đâm hỏng cần kéo thiết bị dò thủy âm của tàu USS John S. McCain.
Sau sự kiện tàu USNS Impeccable không lâu, Mĩ triển khai Chiến lược “Tái cân bằng Châu Á” (xem mục VI.4), đồng thời không lơi lỏng hoạt động tuần tra tại biển Đông. Tuy nhiên, trọng tâm quan hệ Trung – Mĩ lúc này là ngoại giao, còn về mặt quân sự chỉ nhấn mạnh giao lưu, tăng cường tin cậy và giảm hiểu lầm, nên không có nhiều xung đột được công bố. Cho đến năm 2014, cục diện biển Đông đột nhiên trở nên căng thẳng, Trung Quốc và Mĩ mới công bố nhiều sự việc xung đột.
Phân tích sự kiện tàu USNS Impeccable, T-AGOS-23 635 theo Luật quốc tế
Một loạt sự kiện cùng những sự thật được công bố chứng tỏ sự khác biệt ngay càng lớn giữa Mĩ và Trung Quốc về vấn đề tự do hàng hải. Phần này sẽ phân tích sự kiện nói trên từ góc độ luật pháp quốc tế.
Trung Quốc kiên định lập trường cho rằng, “về vấn đề tàu thuyền nước khác hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, đều đã được quy định rõ trong Công ước luật biển Liên Hiệp quốc và Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quy định về quản lí nghiên cứu khoa học biển liên quan đến bên ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tàu USNS Impeccable đã vi phạm luật quốc tế và quy định luật pháp có liên quan của Trung Quốc, đã hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc ở biển Đông mà không được sự cho phép của Trung Quốc.” Trung Quốc cho rằng mình có quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng trước nay chưa có sự luận bàn cấp nhà nước chính thức nào về vấn đề này. Các lập luận liên quan được các học giả Trung Quốc đưa ra có thể tham khảo, nhưng đều khó đứng vững.
Trước hết, khoản 1 điều 58 phần V về Vùng đặc quyền kinh tế quy định:
Trong vùng đặc quyền về kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển chịu ràng buộc bởi các quy định liên quan đến Công ước này, đều được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm như nêu ở Điều 87, cũng như quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của Công ước, như các quyền liên quan đến việc sử dụng tàu thuyền, máy bay hoặc dây cáp, đường ống ngầm dưới biển.
Còn Điều 87 về “tự do ở vùng biển chung” trong phần VII Vùng biển chung (high sea) nêu rõ:
1. Vùng biển chung (công hải) được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên vùng biển chung được thực hiện trong những điều kiện quy định của Công ước hay/và những quy tắc khác của luật pháp quốc tế. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm:
a) Tự do hàng hải;
b) Tự do hàng không;
c) Tự do lắp đặt dây cáp hoặc đường ống ngầm, với điều kiện tuân thủ phần VI;
d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được luật pháp quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI;
e) Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2;
f) Tự do nghiên cứu khoa học với điều kiện tuân thủ các phần VI và VIII.
2. Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính toán đến lợi ích của việc thực hiện tự do trên vùng biển chung của các quốc gia khác, cũng như các quyền được Công ước thừa nhận, liên quan đến các hoạt động trong vùng.
Có thể thấy, tự do hàng hải (mục a) và tự do hàng không (mục b) trong vùng đặc quyền kinh tế và tự do hàng hải trong vùng biển chung là như nhau. Cần chú ý rằng trong khoản này, các lựa chọn c-f đều chịu một ràng buộc nào đó, chỉ có a và b là không có ràng buộc. Hơn nữa, trong Điều 58 “thao tác của tàu thuyền và máy bay” còn được nhắc tới một cách chuyên biệt. Nghĩa là, về tự do hàng hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển chung là như nhau. Việc Mĩ sử dụng từ vùng biển quốc tế (international sea) như một thuật ngữ chung cho các vùng biển chung (high sea), vùng đặc quyền kinh tế và các vùng biển có thể hưởng quyền tự do hàng hải là điều phù hợp.
Quốc gia ven biển được hưởng quyền lợi gì trong vùng đặc quyền kinh tế? Vấn đề này được quy định rất rõ trong Điều 56:
1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có:
a) Các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lí các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc phi sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:
i. Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình;
ii. Nghiên cứu khoa học về biển;
iii. Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;
c) Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.
2. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính toán đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước.
3. Các quyền quy định tại điều này đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển được thực hiện theo các quy định của Phần VI.
Quyền lợi mà các nước ven biển được hưởng trong vùng đặc quyền kinh tế không phải là chủ quyền mà là “quyền chủ quyền”. Như tên của nó, chỉ có quyền lợi về “kinh tế”, tức là chỉ có quyền lợi về tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển cùng quyền quản lí và nghiên cứu những tài nguyên này. Có thể thấy, nếu nước khác tiến hành các hoạt động không liên quan đến những điều trên trong vùng đặc quyền kinh tế thì không chịu sự quản lí của quốc gia ven biển, cũng không cần được quốc gia ven biển phê chuẩn. Như vậy, hoạt động của Mĩ có liên liên quan đến hoạt động kinh tế hay không? Nếu như tàu USNS Impeccable thực hiện việc thu thập số liệu về địa chấn thì vẫn có thể nói là liên quan đến tài nguyên dưới đáy biển, vì nó vẫn có thể thăm dò đáy biển có khoáng sản hay mỏ dầu hay không. Nhưng tàu USNS Impeccable tiến hành đo đạc biển, tức là đo đạc đáy nước và thủy văn, mục đích là lập bản đồ thủy văn và thăm dò tàu ngầm (như Trung Quốc nói). Tất cả những việc làm đó đều không liên quan đến tài nguyên biển. Sự thực thì đo đạc (survey) và nghiên cứu khoa học cùng được nêu ra cạnh nhau trong Công ước. Trong Điều 19, khi liệt kê về nghĩa của thuật ngữ ‘đi qua vô hại’ trong lãnh hải, mục j khoản 2 có nêu [không được tiến hành hoạt động] “nghiên cứu hoặc đo đạc”. Trong Điều 21, khi liệt kê những vấn đề liên quan đến việc đi qua vô hại trên lãnh hải mà quốc gia ven biển có thể đưa vào luật hay quy định của mình, mục g khoản 1 có nói tới “nghiên cứu khoa học biển và đo đạc thủy văn”. Có thể thấy, “đo đạc” và “đo đạc thủy văn” là hai loại hoạt động hoàn toàn đi song song với “nghiên cứu” và “nghiên cứu khoa học biển”. Hoạt động đo đạc của Tàu USNS Impeccable, hiển nhiên không thuộc phạm vi nghiên cứu hoặc nghiên cứu khoa học biển.
Có học giả Trung Quốc cho rằng, hệ thống dò thủy âm tần số thấp tạo nguy hiểm cho sinh vật biển. Tuy nhiên:
Thứ nhất, vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ và cũng chưa xác định được mức độ nghiêm trọng của nó, cả Trung Quốc lẫn Mĩ đều chưa liệt kê kĩ thuật này là nguy hại cho sinh vật biển.
Thứ hai, ngay cả khi có nguy hại nào đó thì logic cho sự nguy hại này cũng rất dễ bị lạm dụng. Chẳng hạn, chân vịt tàu có thể làm chết cá heo, có rất nhiều thống kê chứng tỏ điều này, nhưng không có loại tàu không dùng sức đẩy của chân vịt. Nếu logic này đứng vững thì tất cả các loại tàu đi qua vùng đặc quyền kinh tế đều làm hại tài nguyên sinh vật biển. Điều đó tương đương với việc tước bỏ quyền tự do hàng hải của tất cả các tàu trong vùng đặc quyền kinh tế, đương nhiên không thể chấp nhận được.
Thứ ba, chuyên gia Trung Quốc tuyên bố, căn cứ khoản 3 điều 58 Công ước, “Các nước, khi dựa vào Công ước để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ tại vùng đặc quyền kinh tế cần phải quan tâm thích đáng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các nước ven biển, đồng thời phải tuân thủ luật và quy định của quốc gia ven biển, được soạn thảo theo quy định của Công ước và các quy tắc quốc tế khác, đồng thời không trái với phần này”, vì vậy, các nước cần phải tuân thủ luật pháp và quy định do các quốc gia ven biển lập ra.
Đoạn này của Công ước có đôi chút phức tạp, nhưng ý nghĩa thì rất rõ ràng, điều các nước phải tuân thủ là “luật và quy định được soạn thảo theo quy định của Công ước và các quy tắc quốc tế khác, đồng thời không trái với phần này”. Nếu như luật và quy định của quốc gia ven biển (1) không tuân theo quy định của Công ước hoặc (2) không tuân thủ các quy định quốc tế khác hoặc (3) trái với phần này, thì các nước không buộc phải tuân theo. Trong đó, “phần” được nêu tới trong (3) tức là khoản 1 của điều này, có nghĩa các nước có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế giống như trong vùng biển chung.
Vì vậy, nếu luật pháp do Trung Quốc lập ra trái với Công ước thì căn cứ vào Luật quốc tế, các nước khác không có nghĩa vụ phải tuân thủ. Thực ra, trong “Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, về mặt chữ nghĩa thì không vượt ra ngoài phạm vi Công ước. Có liên quan đến vấn đề này là điều 9 và điều 11:
Điều 9: Để tiến hành nghiên cứu khoa học biển tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bất cứ tổ chức quốc tế hay tổ chức nước ngoài hoặc cá nhân nào đều phải được cơ quan chủ quản của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phê chuẩn, đồng thời phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Điều 11: Bất cứ quốc gia nào mà tuân thủ Luật quốc tế và luật pháp, quy định luật pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều được hưởng tự do hàng hải và tự do hàng không tại vùng đặc quyền kinh tế nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; được tự do lắp đặt dây cáp và đường ống ngầm dưới biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và được sử dụng hợp pháp các phương tiện biển liên quan đến những quyền tự do nói trên. Các tuyến dây cáp và đường ống ngầm dưới biển phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Có điều, chuyên gia Trung Quốc giải thích việc nghiên cứu khoa học biển trong điều 9 bao gồm cả đo đạc, trái với quy định của Công ước. Do vậy, các nước không có nghĩa vụ phải tuân theo cách giải thích này.
Cuối cùng, điều 88 Công ước quy định: “Vùng biển chung chỉ dùng cho các mục đích hòa bình”. Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Mĩ đo đạc thủy văn làm nguy hại đến an ninh Trung Quốc, do vậy không phải xuất phát từ mục đích hòa bình, vì thế vi phạm Công ước. Cần chỉ ra rằng điều khoản này của Công ước chỉ là điều khoản quy định chung chung về một ý niệm và thiếu những giải thích chi tiết, chẳng hạn như hành vi nào được coi là hành vi hòa bình? Diễn tập quân sự, vận chuyển quân lực và vật tư cho mặt trận trên vùng biển chung có phải là hành vi hòa bình không? Do không có định nghĩa chính xác nên những điều khoản như thế này cùng lắm cũng chỉ là biểu thị nguyện vọng tốt đẹp mà thôi. Thực ra, hầu như trong mỗi điều ước đều có viết từ ‘hòa bình’. Về việc đo đạc của Mĩ tại biển Đông, Mĩ cũng có thể tuyên bố vì mục đích hòa bình, đo đạc địa hình đáy biển là phương pháp chủ yếu để vẽ bản đồ hàng hải, chẳng phải điều đó là vì mục đích hòa bình sao? Ngay cả trinh sát bí mật tàu ngầm của Trung Quốc thì cũng có thể nói đó là vì mục đích hòa bình, ngăn chặn Trung Quốc phát động tấn công vào Mĩ. Có thể thấy, khó có thể dùng điều 88 để chỉ trích Mĩ vi phạm Công ước.
Sau khi lập luận hành vi của mình phù hợp với Công ước, Mĩ có thể vận dụng “Công ước quốc tế về các quy tắc về ngăn ngừa đụng nhau trên biển” (Convention on the International Regulations for Preventing Collisions at Sea, 1972, gọi tắt là COLREG), chỉ trích trở lại Trung Quốc vi phạm Luật quốc tế. Đây là Công ước kí năm 1972, do Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) công bố, là quy định quốc tế về giao thông trên biển. Trong đó bao gồm mọi quy định về hàng hải như: quan sát từ xa, tốc độ an toàn của tàu thuyền, tránh đụng nhau và việc lựa chọn các biện pháp thực hiện, vùng nước hẹp, khu vực phân luồng tàu chạy, tàu thuyền gặp nhau, tàu thuyền bị hạn chế, đèn hiệu của tàu thuyền,... Năm 1993, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức hàng hải quốc tế, thừa nhận tính hữu hiệu của “Công ước quốc tế về các quy tắc ngăn ngừa đụng nhau trên biển”. Ngày 29-11-2007, Đại hội lần thứ 25 Tổ chức hàng hải quốc tế thông qua quyết nghị A. 1004 (25), tiến hành sửa đổi lần mới nhất Công ước này.
Điều 8 Công ước này quy định tàu thuyền có nghĩa vụ tránh đụng nhau (collision). Điều 13 quy định, khi chạy vượt lên (overtaking), tàu thuyền không được chiếm dụng luồng nước của tàu thuyền bị vượt. Điều 15 quy định, nếu hai tàu chạy theo hai hướng chéo nhau sắp va nhau (crossing), tàu nào thấy tàu kia ở bên phải (starboard side) của tàu mình phải nhường đường. Điều 18 quy định, tàu thuyền tốc độ cao (power-driven) nhường đường cho tàu thuyền di chuyển chậm. Khi xảy ra sự kiện, tàu USNS Impeccable đang trong trạng thái hoạt động chậm, tốc độ hạn chế, vì thế tàu Trung Quốc phải nhường tàu USNS Impeccable. Cho nên, Trung Quốc chí ít đã vi phạm “Công ước quốc tế về các quy tắc tránh đụng nhau trên biển” ít ra trên cả 4 phương diện kể trên.
Nói tóm lại, mặc dù dưới con mắt của Trung Quốc thì hành động của Mĩ là không thân thiện, nhưng trong sự kiện tàu USNS Impeccable, chính Trung Quốc chứ không phải Mĩ đã vi phạm Luật quốc tế. Nếu đổi vị trí cho nhau trong sự kiện này thì cách làm của Mĩ thường là cho tàu chạy kèm, tức là chạy song song với đối phương ngăn không cho đối phương tiếp tục tiến vào sâu hơn, đây là điều thường thấy nhất trong thời Mĩ và Liên Xô đối đầu.
VI.3. Hồ sơ phân định thềm lục địa mở rộng giữa Việt Nam và Malaysia
Trong Công ước LHQ về Luật biển, thềm lục địa nói chung là 200 hải lí ngoài đường cơ sở, trong những điều kiện nhất định có thể kéo dài 350 hải lí ngoài đường cơ sở. Nhưng nếu các nước muốn có được thềm lục địa trong khoảng từ 200-350 hải lí, tức là thềm lục địa mở rộng (extended continental shelf) thì phải nộp đơn cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf) của LHQ, đồng thời phải đưa bằng chứng đầy đủ chứng minh khu vực đó có điều kiện của thềm lục địa. Điều đó đòi hỏi phải thăm dò kĩ càng đáy biển của khu vực có liên quan, đây không phải việc dễ dàng đối với các nước có thực lực nghiên cứu khoa học không cao. Do vậy, hạn nộp hồ sơ được dời tới ngày 13/5/2009 theo lời kêu gọi của nhiều nước. Trên thực tế, do nhiều quốc gia vẫn chưa hoàn thành việc thăm dò nên thời hạn này đã được gia hạn một lần nữa.
Trước thời điểm nhạy cảm 13/5/2009, đã có hàng loạt sự kiện làm vấn đề biển Đông trở nóng lên. Ngày 10/3, Quốc hội Philippines thông qua “Luật đường cơ sở lãnh hải” (Republic Act 9522), đưa bãi Scarborough và quần đảo Kalayaan (một phần của quần đảo Trường Sa) vào lãnh thổ Philippines. Tháng 3, Thủ tướng Malaysia đến thăm đá Hoa Lau (Swallow) và tuyên bố chủ quyền tại đây. Tháng 4, Việt Nam tổ chức lễ nhậm chức Chủ tịch huyện Hoàng Sa. Tất cả những hành vi đó đều bị Trung Quốc phản đối.
Do địa hình biển Đông phức tạp và dễ xảy ra tranh chấp nên phần lớn các nước có biển đều chưa nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng. Trước hạn chót nộp hồ sơ, Philippines chỉ nộp hồ sơ cho thềm lục địa ngoài cho vùng Benham Rise ven biển phía Đông quần đảo Philippines. Indonesia mới chỉ nộp hồ sơ cho vùng biển ngoài khơi Sumatra (Sumendanao). Brunei chỉ có tuyên bố sơ bộ. Trung Quốc không đưa ra hồ sơ về biển Đông. Ngày 6/5/2009, chỉ có Việt Nam và Malaysia nộp chung “hồ sơ phân định” thềm lục địa ngoài 200 hải lí của mỗi bên cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc. (Hình 68). Ngày 7/5, Việt Nam lại nộp riêng “hồ sơ phân định” thềm lục địa mở rộng ở khu vực trung tâm của biển Đông (Hình 69).
Hình 68: Khu vực thềm lục địa mở rộng do Malaysia và Việt Nam nộp chung
Trong hồ sơ chung, Việt Nam và Malaysia đều căn cứ vào vị trí tương đối 200 hải lí ngoài đường cơ sở ven biển để vạch đường 200 hải lí (đường đỏ). Do khoảng cách tương đối giữa bờ biển hai nước lớn hơn 400 hải lí nên khu vực giữa 2 đường 200 hải lí được trình bày như là khu vực chung (Defined Area - khu vực màu cam). Đường 200 hải lí của Malaysia lại nối với đường 200 hải lí của Philippines (màu đen). Cần nói rõ, Malaysia và Philippines không có sự đồng thuận về phân định trên biển, do đó điểm nối tiếp này là do Malaysia đơn phương xác định. Phần lớn khu vực trong đường 200 hải lí của hai bên và toàn bộ khu vực chung đều nằm trong phạm vi đường 9 đoạn của Trung Quốc. Điều cần chỉ ra là, phương án của Malaysia và Việt Nam đều là phương án dè dặt, bởi vì nó chỉ xuất phát từ đường cơ sở đất liền và tránh vấn đề hiệu lực pháp lí của quần đảo Trường Sa.
Hình 69: Khu vực thềm lục địa mở rộng do Việt Nam nộp riêngriêng
Trong hồ sơ phân định do Việt Nam đề xuất, đường 200 hải lí và đường 350 hải lí (khoảng cách tối đa được quy định trong Công ước) được vẽ trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam, giữa hai đường này, Việt Nam xác định 45 điểm cơ bản, trong đó 2 điểm cơ bản ở 2 đầu: một điểm nằm trên đường 200 hải lí, một điểm nằm trên đường 350 hải lí; những điểm còn lại đều được xác định bằng nguyên tắc độ dày trầm tích 1% hoặc theo quy tắc chân dốc lục địa cộng với 60 hải lí. Đó đều là các phương pháp thường được sử dung để xác định điểm cơ bản của thềm lục địa mở rộng. Khu vực giữa đường nối các điểm cơ sở này (đường màu vàng) và đường 200 hải lí chính là khu vực thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đề xuất. Tương tự như hồ sơ nộp chung của Malaysia và Việt Nam, trong hồ sơ nộp riêng của Việt Nam cũng né tránh vấn đề hiệu lực luật pháp từ quần đảo Hoàng Sa mang lại.
Ngày 7/5, Trung Quốc ngay lập tức đưa ra một công hàm bày tỏ lập trường đối với các hồ sơ nộp chung của Malaysia và Việt Nam như sau:
Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với các đảo tại Nam Hải và vùng biển lân cận của chúng, đồng thời có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển liên quan (xem hình đính kèm). Lập trường nhất quán này của Trung Quốc được cộng đồng quốc tế biết rõ.
Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lí được Malaysia và Việt Nam nộp chung nói trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại Nam Hải. Căn cứ mục (a) điều 5 phụ lục 1 về “Quy tắc thủ tục của Ủy ban ranh giới thềm lục địa”, Chính phủ Trung Quốc trân trọng đề nghị Ủy ban ranh giới thềm lục địa không thẩm định hồ sơ chung của Malaysia và Việt Nam.
Ngày 8/5, Trung Quốc lại ra công hàm tỏ thái độ phản đối hồ sơ riêng của Việt Nam:
Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với các đảo tại Nam Hải và vùng biển lân cận của chúng, đồng thời Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển, đáy biển và lòng đất liên quan (xem hình đính kèm). Lập trường nhất quán này của Trung Quốc được cộng đồng quốc tế biết rõ.
Hồ sơ phân định ranh giới của Việt Nam nói trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản lí của Trung Quốc tại Nam Hải. Căn cứ mục (a) điều 5 phụ lục 1 về “Quy tắc thủ tục của Ủy ban ranh giới thềm lục địa”, Chính phủ Trung Quốc trân trọng đề nghị Ủy ban ranh giới thềm lục địa không thẩm định hồ sơ của Việt Nam.
Việt Nam và Malaysia lập tức ra công hàm phản bác, nhấn mạnh khu vực phân định chung thuộc phạm vi chủ quyền của hai nước. Không ngạc nhiên khi Trung Quốc phản đối phân định thềm lục địa mở rộng trong khu vực tranh chấp do hai bên Việt Nam và Malaysia đưa ra. Ngay cả Philippines cũng gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc vào ngày 18/8 để phản đối, cho rằng khu vực do Việt Nam và Malaysia phân định chồng lấn (overlap) với khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Malaysia và Việt Nam cũng phản bác công hàm trên. Tuy nhiên, điều đặc biệt thu hút sự chú ý là trong hai công hàm do Trung Quốc phát hành, cả hai đều đính kèm hình vẽ đường 9 đoạn của Trung Quốc (Hình 70). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức thể hiện đường 9 đoạn trong văn kiện quốc tế chính thức.
Hình 70: Bản đồ đính kèm trong công hàm Trung Quốc gửi LHQ
Tuy nhiên, trong hình vẽ đính kèm không có phần chú thích nên không thể xác định chính xác ý nghĩa của đường 9 đoạn trong hình vẽ là gì. Những miêu tả liên quan trong công hàm của Trung Quốc là “Trung Quốc có chủ quyền không tranh chấp đối với các đảo và vùng biển liền kề tại biển Đông, đồng thời Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển liên quan (xem hình đính kèm).” Nhưng không có giải thích rõ liệu khu vực trong đường 9 đoạn có phải là “vùng biển liền kề” (adjacent waters) hoặc “vùng biển liên quan” (relevant waters), được nêu trong văn kiện của Trung Quốc hay không. Vì vậy, sự xuất hiện của tấm bản đồ này một lần nữa làm dấy lên nghi ngờ quốc tế về đường 9 đoạn.
Ngày 5/4/2011, sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, Philippines gửi công hàm (số 000228) đến Liên Hiệp Quốc nêu ra 3 phản đối liên quan đến “vùng biển liền kề” và “vùng biển liên quan” mà Trung Quốc đề cập trong hai công hàm như là “lập trường nhất quán được cộng đồng quốc tế biết rõ” : (1) Quần đảo Kalayaan là một bộ phận của Philippines; (2) Theo nguyên tắc “đất quyết định biển” (la terre domine la mer) trong luật pháp quốc tế, Philippines có chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển tiếp giáp với mỗi thể địa lí (feature) của quần đảo Kalayaan; (3) ‘Vùng biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển liên quan” do Trung Quốc đề xuất (như được chỉ ra trong cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn đính kèm hai công hàm) nằm ngoài nằm ngoài các thể địa lí nói trên; yêu sách về phần “vùng biển liền kề” không có cơ sở luật pháp quốc tế — đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Đây là phản đối đầu tiên đối với đường 9 đoạn trong một tài liệu quốc tế chính thức. Tuy nhiên, liệu “vùng biển liền kề” mà Trung Quốc đề cập có ám chỉ phạm vi bên trong đường 9 đoạn hay không vẫn chưa rõ ràng. Công hàm của Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc phản bác lại Philippines ngày 14/4 (CML/8/2011) không bác bỏ rõ ràng những nghi ngờ về đường 9 đoạn, mà chỉ nhắc lại rằng “Kể từ những năm 1930, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần công bố phạm vi địa lí của quần đảo Nam Sa và tên các bộ phận cấu thành của chúng, phạm vi của quần đảo Nam Sa là rõ ràng. Căn cứ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải năm 1992 và Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa năm 1998, quần đảo Nam Sa của Trung Quốc có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.”
Kể từ đó, các cuộc thảo luận về đường 9 đoạn ở Đông Nam Á và quốc tế đã được nghe nói tới không ngừng, và vấn đề đường 9 đoạn đã thay chỗ vấn đề chủ quyền của các đảo ở biển Đông trở thành mâu thuẫn gay gắt nhất trong vấn đề biển Đông. Có thể nghe thấy tiếng phản đối đường 9 đoạn ở nhiều diễn đàn Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra tuyên bố rõ ràng, rành mạch về nó.
VI.4. Tái cân bằng Châu Á
Chiến lược tái cân bằng Châu Á từng được gọi là “xoay trục sang châu Á”, nhưng cách diễn đạt này không chính xác. Mĩ đã luôn có mặt ở Châu Á, hơn thế, từ sau Thế chiến II, Châu Á luôn là chiến trường thứ hai của Mĩ. Mĩ có hai đồng minh quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á; hai đồng minh là Philippines và Thái Lan ở Đông Nam Á; ngoài ra Mĩ còn có quan hệ thân thiết với Singapore vốn là nơi có căn cứ quân sự của Mĩ, đảm bảo cho sự thông suốt của eo biển Malacca, một trong những lối đi quan trọng nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Mĩ còn là đồng minh của Australia và New Zealand ở khu vực Thái Bình Dương, Mĩ còn có một loạt lãnh thổ phụ thuộc (đảo Guam và quần đảo Bắc Mariana) và các quốc gia liên kết tự do (Palau, quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia) ở Bắc Thái Bình Dương. Các đảo ở Bắc Thái Bình Dương này cùng các quần đảo Alaska và Aleutian ở Bắc Thái Bình Dương; Hawaii ở Trung Bắc bộ Thái Bình Dương, và Samoa thuộc Mĩ ở Nam Thái Bình Dương tạo thành mạng lưới khống chế toàn bộ khu vực Bắc Thái Bình Dương.
Sau sự kiện 11/9, Mĩ bước vào cuộc chống khủng bố, tầm quan trọng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có chút suy giảm (với Mĩ), nhưng các mối quan hệ không hề giảm sút mà trọng tâm chuyển thành chống khủng bố mà thôi. Mĩ tăng cường viện trợ cho Indonesia, Malaysia và Philippines để ngăn chặn các thế lực Hồi giáo cực đoan nổi dậy. Sau khi cuộc chiến chống khủng bố kết thúc, trọng tâm chiến lược của Mĩ đương nhiên trở lại Đông Á. Lúc này, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tác động đến trật tự Đông Á, tạo thành điểm xuất phát của Chiến lược tái cân bằng Châu Á của Mĩ. Có hai sự kiện tác động mạnh mẽ đến Mĩ: một là, do áp lực từ Trung Quốc mà hợp đồng giữa Công ty dầu mỏ Mĩ và Chính phủ Việt Nam bị cản trở (xem phần sau); hai là sự kiện tàu USNS Impeccable đã nêu trong phần VI.2. Sự kiện thứ nhất liên quan đến lợi ích thương mại, sự kiện thứ hai liên quan đến tự do hàng hải.
Tháng 7/2009, tại Diễn đàn ASEAN (ARF) lần thứ 16 tổ chức tại Thái Lan, Ngoại trưởng Hillary Clinton thay mặt Chính phủ Mĩ kí văn kiện Mĩ tham gia “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á” (TAC) với các bộ trưởng ASEAN. Ngày 22/7/2009, khi đến Bangkok, bà nói: “Tôi muốn đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Mĩ hiện đang xoay trục trở lại Đông Nam Á, chúng tôi đang dốc hết sức cho quan hệ đối tác ở Đông Nam Á.”
Ngày 5/6/2010, trong Hội nghị đối thoại Shangri La, Bộ trưởng Quốc phòng Gates nói: “An ninh biển Đông không những có ý nghĩa quan trọng đối với các nước xung quanh mà đối với các các nước có lợi ích kinh tế và an ninh chính yếu trong khu vực Châu Á. Ổn định, tự do hàng hải, tự do hoạt động kinh tế trong khu vực không bị cản trở là điều cực kì quan trọng. Chính phủ Mĩ trước nay không đứng về bất cứ phía nào trong tranh chấp biển Đông, nhưng phản đối bất cứ bên nào sử dụng vũ lực và ngăn cản tự do hàng hải. Chính phủ Mĩ cũng phản đối bất kì quốc gia nào có hành vi uy hiếp hoạt động kinh tế hợp pháp trong khu vực của các công ty Mĩ và công ty nước khác. Chính phủ Mĩ nhấn mạnh, mọi tranh chấp đều phải được giải quyết thông qua đàm phán đa phương hòa bình, và phù hợp với luật lệ quốc tế.”
Tháng 7/2010, tại Diễn đàn ASEAN lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội – Việt Nam, Hillary Clinton và bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã tranh luận nảy lửa với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trước đó, Mĩ đã nhượng bộ ngoại giao trên nhiều phương diện khác đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hillary đã chỉ ra trong Diễn đàn: yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông “chỉ” nên lấy “Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc” làm cơ sở. Điều đó có nghĩa là không chấp nhận yêu sách biển “quá mức” của Trung Quốc tại biển Đông. Dương Khiết Trì bèn thốt ra những lời gay gắt với các nước ASEAN: “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác đều là nước nhỏ, đó là một sự thật.” Cả hội nghị không tán thành và bỏ về. Nhưng, Mĩ đã quyết tâm thực hiện Chiến lược tái cân bằng ở Châu Á.
Tháng 3/2011, trợ lí Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói với giới quan chức Mĩ: Trung Quốc coi “1,3 triệu dặm Anh vuông ở biển Đông giống như Tây Tạng và Đài Loan.”
Ngày 11/10/2011, Hillary đăng bài “America’s Pacific Century” (Thế kỉ Thái Bình Dương của Mĩ) trên Tạp chí “Foreign Policy” (Chính sách ngoại giao), trình bày một cách toàn diện tính tất yếu của chính sách tái cân bằng Châu Á. Bài báo nêu rõ: Trong mười năm tới, Mĩ sẽ đầu tư tài nguyên chiến lược vào nơi trọng yếu nhất để duy trì địa vị lãnh đạo của nước Mĩ, bảo đảm lợi ích an ninh và thúc đẩy giá trị của Mĩ. Và một trong những nơi trọng yếu đó là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 7/2012, Hillary nhấn mạnh tại phiên họp hàng năm của Diễn đàn ASEAN, nước Mĩ có “lợi ích quốc gia” là tự do hàng hải ở biển Đông và sẽ bảo vệ lợi ích đó.
Trước và sau đó, hàng loạt quan chức cấp cao của Mĩ cũng đưa ra tuyên bố tương tự, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon, Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (năm 2015 giữ chức Bộ trưởng), Trợ lí Ngoại trưởng phụ trách Châu Á và Thái Bình Dương Mark William Lippert, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel J. Locklear III và nhiều người khác.
Chẳng hạn Tom Donilon nói, muốn thực hiện mục tiêu tái cân bằng Châu Á phải xây dựng một chiến lược toàn diện, đa chiều, bao gồm: tăng cường quan hệ đồng minh với các nước Đông Nam Á; làm sâu sắc mối quan hệ đối tác với quốc gia đang trỗi dậy; xây dựng quan hệ ổn định, đa dạng và có tính xây dựng với Trung Quốc; tăng cường năng lực của các tổ chức trong khu vực; và giúp tạo ra một cấu trúc kinh tế khu vực để duy trì sự thịnh vượng chung.
Hành động cụ thể của Mĩ trong Chiến lược này bao gồm mấy điểm sau:
Thứ nhất, tạo dư luận. Ngày càng có nhiều quan chức cấp cao Mĩ tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế chính thức và không chính thức ở Đông Nam Á, bày tỏ quan điểm về vấn đề biển Đông trong hầu hết các dịp thích hợp. Ngoài ra, nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia cố vấn (Thinktank) trong nước cũng thúc đẩy sự chú ý của quốc tế và trong nước đối với vấn đề biển Đông, và bày tỏ quan điểm của Mĩ (Trung Quốc gọi đó là thổi phồng vấn đề biển Đông).
Thứ hai, tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia Đông Nam Á. Quan hệ giữa Mĩ và các nước Đông Nam Á trong thời Obama được đẩy mạnh, trọng điểm là Philippines, Việt Nam, Indonesia và Singapore; đồng thời tăng cường trao đổi, phối hợp với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và các nước có lợi ích liên quan đến vấn đề biển Đông (Trung Quốc gọi đây là quan hệ khiêu khích)). Sự can dự của Mĩ tất nhiên được các nước ASEAN mong muốn có sự viện trợ nước ngoài rất hoan nghênh. Năm 2010, Mĩ và ASEAN ra “Tuyên bố chung giữa Mĩ và ASEAN”. Trong đó có điều 18 bàn riêng về vấn đề hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á: nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình ổn định, an ninh biển, giao thương không bị cản trở và tự do hàng hải trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng cách sử dụng các nguyên tắc liên quan được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế.
Thứ ba, gia tăng sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á, củng cố đồng minh quân sự. Mĩ tuyên bố, đến năm 2020 sẽ bố trí 60% lực lượng quân sự tại Thái Bình Dương (nhưng kế hoạch này triển khai chậm). Như tổng kết của Lippert, năm 2012, Mĩ đã tăng cường quan hệ quân sự với Thái Lan, New Zealand, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Úc, Philippines và Singapore. Đáng nói nhất là các liên hệ sau:
Cuộc khủng hoảng quần đảo Điếu Ngư đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu ngoại giao gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Mĩ ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe gỡ bỏ lệnh cấm “quyền tự vệ tập thể”, nhiều lần nhấn mạnh liên minh Mĩ - Nhật là hòn đá tảng của sự ổn định quân sự toàn bộ Đông Á, đồng thời khuyến khích Nhật Bản tuần tra chung với Mĩ tại biển Đông sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Bắt đầu từ năm 2012, Mĩ đã sử dụng căn cứ quân sự của Úc ở Darwin để cho Thủy quân lục chiến đóng quân, dự định đến năm 2016 sẽ tăng số quân lên 2 500 người. Cảng Darwin cách Indonesia 802 km, quân đội Mĩ xuất phát từ đó có thể nhanh chóng phản ứng đối với nguy cơ nhân đạo hoặc an ninh xảy ra tại Đông Nam Á. Tháng 7/2011, Mĩ, Nhật Bản và Australia tiến hành diễn tập quân sự chung 3 bên lần thứ nhất trên vùng biển ngoài khơi gần Brunei. Một số báo chí Đông Nam Á gọi quan hệ quân sự 3 bên Mĩ, Nhật, Australia là “tiểu NATO”.
Những năm gần đây, Ấn Độ cũng tích cực thực hiện chính sách “hướng Đông”, can dự vào công việc biển Đông, nhất là trong những năm gần đây, xu hướng rắc rối biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Ladakh và nam Tây Tạng lại bùng phát. Ấn Độ gọi kế hoạch “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là sự khiêu khích địa vị chủ đạo của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Năm 2015, Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mĩ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Mĩ và Philippines có Hiệp định “Liên minh quân sự Mĩ - Philippines”. Năm 2011, Hillary Clinton tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Philippines, giúp hiện đại hóa quân đội Philippines. Trong hàng loạt xung đột biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, Mĩ đều đứng về phía Philippines, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt phương thức vũ lực và uy hiếp để thay đổi hiện trạng.
Những năm 1990, quan hệ Mĩ - Việt tan băng nhưng phải đến những năm gần đây mới phát triển nhanh chóng, từ giao lưu kinh tế sang giao lưu quân sự, gây nhạy cảm đối với Trung Quốc. Tháng 8/2010, lần đầu tiên trong lịch sử, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân George Washington và tàu khu trục lớp Aegis USS John McCain cùng tập trận chung trên biển lần đầu với Hải quân Việt Nam. Tháng 10/2013, Mĩ và Việt Nam kí thỏa thuận chuyển giao công nghệ nhà máy điện hạt nhân dân dụng cho Việt Nam. Tháng 10/2014, Mĩ tuyên bố sẽ dỡ bỏ từng bước lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Mĩ và Việt Nam còn đàm phán về xây dựng lực lượng bán quân sự phòng vệ bờ biển kiểu Mĩ để chống lại hải cảnh Trung Quốc. Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Việt Nam là thu hoạch lớn nhất của Mĩ khi quay trở lại Châu Á.
Thứ tư, về kinh tế, tích cực thúc đẩy Hiệp định đối tác quan hệ kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này do thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương khởi xướng, được thai nghén từ Hiệp định mậu dịch tự do đa phương, nhằm xúc tiến tự do thương mại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2005, khi mới thành lập, nó chỉ là hiệp định thương mại tự do quy mô nhỏ xuyên Thái Bình Dương với 4 nước tham gia là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Sau khi đưa ra kế hoạch tái cân bằng, Mĩ đã tích cực tham gia thúc đẩy các cuộc đàm phán. Ngày 14/11/2010, đúng vào ngày bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, 9 nước tham dự Hội nghị đã tán thành đề án do Tổng thống Obama đưa ra, dự định sẽ hoàn thành và công bố Đề cương Hiệp định quan hệ đối tác Thái Bình Dương mở rộng vào dịp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, Mĩ tích cực thương thuyết với các nước thành viên ASEAN, tái khẳng định rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mở rộng sẽ tập hợp các nền kinh tế trên khắp khu vực Thái Bình Dương, cả phát triển lẫn đang phát triển, với tư cách là thành viên của một tổ chức thương mại thống nhất. Ngày 5/10/2015, đàm phán đạt được bước tiến triển mang tính quyết định. Mĩ, Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam, New Zealand, Chile, Mexico và Peru đều nhất trí với TPP. Sau khi được các nước phê chuẩn, 12 nước tham gia cộng lại chiếm tới 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu. Trong đó, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Singapore đều là quốc gia ASEAN.
Đặc điểm của TPP là bao trùm mọi mặt và tiêu chuẩn cao, xóa bỏ thuế quan liên quan đến hàng vạn sản phẩm thương mại. Thành viên Hiệp định chịu sự ràng buộc không những bởi các cơ chế thương mại, mà còn bởi luật lệ, đoàn thể xã hội, môi trường sinh thái, mô hình kinh doanh và sự phán xét của công chúng.... Có thể nói, đây là một cách diễn giải quốc tế hoàn toàn mới về “thương mại tự do”. Đây là mô hình thương mại tự do kiểu mới phát triển tổng thể, đa tầng. Cùng với hiệp định TIPP khác do Mĩ chủ đạo, TTP sẽ trở thành tiêu chuẩn mới về thương mại tự do. Dù (các nước) nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với sự tham gia của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, Trung Quốc khó đáp ứng các quy định và yêu cầu của TPP nên đương nhiên sẽ bị loại ra ngoài.
Nếu TPP thành công thì chắc hắn nó sẽ cùng chính sách Tái cân bằng Châu Á trở thành di sản ngoại giao quan trọng nhất trong 8 năm cầm quyền của Obama. Nguyên nhân Mĩ thúc đẩy mạnh mẽ TPP đúng như họ nói: “Quy tắc “thương mại quốc tế” phải do Mĩ viết ra, và chúng ta nên làm cho môi trường cạnh tranh công bằng”, “Quy tắc như vậy không nên để Trung Quốc làm ra”. Suy cho cùng, TPP là cuộc tranh giành quyền lập ra các quy tắc và quyền thực thị các quy tắc.
TPP cũng có thể được cọi là cuộc tranh giành quyền nắm ưu thế về kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, giữa Mĩ và Trung Quốc, nhằm thay đổi trạng thái “an ninh dựa vào Mĩ, kinh tế dựa vào Trung Quốc” tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh mở cửa thị trường Mĩ và Nhật Bản, Việt Nam hy vọng là nước hưởng lợi nhiều nhất, có thể lợi dụng ưu thế địa lí, lao động giá rẻ và ưu thế phát triển sau để trở thành công xưởng mới của thế giới.
Mặc dù Mĩ luôn cẩn thận tránh đề cập đến Trung Quốc như một mối đe dọa ở biển Đông khi thể hiện chính sách tái cân bằng sang châu Á, nhưng chắc chắn rằng tác động của việc thực hiện nó chủ yếu nhằm vào Trung Quốc. Đặc biệt, Mĩ nhấn mạnh rằng hành vi của tất cả các quốc gia ở biển Đông phải tuân theo luật quốc tịch, và không được thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cưỡng ép. Điều này bị Trung Quốc coi là “cản trở các yêu sách hợp lí của Trung Quốc ở Nam Hải và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.” Lập trường của Mĩ trong vấn đề chủ quyền ở biển Đông là “không đứng về bên nào mà nên giải quyết vấn đề này một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”, bị Trung Quốc xem là “trò lừa bịp”. Ngay cả một hoạt động định hướng kinh tế như TPP cũng bị coi là một động thái không thân thiện của Mĩ nhằm cố tình loại trừ Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Đối phó với đòn tấn công ngoại giao của Mĩ, trước hết Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu “Thái Bình Dương đủ rộng để dung nạp hai nước lớn”; sau đó là khẩu hiệu “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN”; kế đó là “thuyết Monroe châu Á” rằng “công việc của Châu Á suy cho cùng phải do người Châu Á định liệu”, dụng ý biến Đông Nam Á thành phạm vi ảnh hưởng của riêng Trung Quốc; lại nêu “cơ chế kép cho vấn đề biển Đông”, nghĩa là “tranh chấp được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán hữu hảo giữa các bên liên quan, và hòa bình ổn định ở biển Đông do Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cùng duy trì”. Đồng thời, Trung Quốc ra sức xúc tiến chiến lược “một vành đai một con đường”, trong đó, “một con đường” nhằm chỉ “Con đường tơ lụa trên biển thế kỉ XXI”.
Do mục tiêu chiến lược của Trung Quốc không rõ ràng nên các nước đều nghi ngại. Thủ tướng Singapore Lí Hiển Long đặt dấu hỏi cần hiểu thể nào về câu nói “Thái Bình Dương đủ rộng có thể dung nạp hai nước lớn là Mĩ và Trung Quốc”? Có phải đó là sự phân chia phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Mĩ, và đuổi Mĩ ra khỏi Tây Thái Bình Dương không? Hay Trung Quốc và Mĩ cùng làm cho Thái Bình Dương phồn thịnh? Nếu là vế sau thì đương nhiên đáng hoan nghênh; nếu là vế trước tế thì sẽ là một sự thụt lùi trong quan hệ quốc tế. Nhưng, trong bối cảnh Trung Quốc và các nước Đông Nam Á xảy ra một loạt xung đột sau năm 2009, khẩu hiệu “cộng đồng chung vận mệnh” rất khó chiếm được lòng tin của các nước Đông Nam Á.
Trái ngược với thái độ đối với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và các bên liên quan quan trọng khác hoan nghênh chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Mĩ. Trong bài phát biểu tại Hội nghị đối thoại Shangri La tháng 6/2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công khai hoan nghênh Mĩ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc làm giảm nhẹ tình hình căng thẳng trong khu vực Châu Á: “Không có quốc gia nào trong khu vực phản đối sự tham dự của các nước lớn ngoài khu vực, nếu sự can dự đó để tăng cường hợp tác, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển”.
Tóm lại, Chiến lược tái cân bằng Châu Á được đẩy mạnh trong thời kì Obama mặc dù bị chậm trễ nghiêm trọng về mặt tái cân bằng quân sự, nhưng nó đã đạt được những kết quả khá thành công về mặt dư luận, ngoại giao, giao lưu quân sự và tạo dựng không gian kinh tế.
VI.5. Từ sự kiện bãi Lễ Nhạc (bãi Cỏ Rong/Reed Tablemount) đến việc cắt cáp
Sau khi tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển, Trung Quốc bắt đầu “bảo vệ quyền lợi” ở Biển Đông, đặc biệt là vùng biển Trường Sa, mà trong đó dầu mỏ và thủy sản là tiêu biểu nhất. Về dầu mỏ, Trung Quốc can thiệp vào việc khai thác dầu mỏ giữa công ty nước ngoài và các nước ven biển. Năm 2011 nổ ra 3 vụ xung đột điển hình.
Trước hết là với Philippines. Hoạt động khảo sát chung giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam không duy trì được là do vụ tham ô của Arroyo, nhưng Philippines không từ bỏ ý định khai thác một mình ở bãi Lễ Nhạc (Cỏ Rong). Tháng 2/2010, Forum Energy, công ty đã trợ giúp 3 nước tiến hành thăm dò chung đã nhận được hợp đồng dịch vụ cao hơn của Chính phủ Philippines, tiếp tục thăm dò khu vực khảo sát chung ban đầu. Trung Quốc vô cùng tức giận. Ngày 2/3/2011, tàu MV Veritas Voyager (của một công ty Pháp) đang khảo sát địa chấn tại bãi bãi Cỏ Rong, theo ủy thác của Forum Energy thì hai tàu hải giám Trung Quốc số 71 và 75 cùng đến Cỏ Rong, yêu cầu tàu MV Veritas Voyager rời đi và kẹp tàu khảo sát giữa hai tàu hải giám. Sau khi nhận được báo cáo, Philippines lập tức phái hai máy bay trinh sát đến quan sát. Khi máy bay đến thì tàu hải giám Trung Quốc đã rời đi. Philippines đưa hai tàu chiến đến bảo vệ tàu khảo sát để họ hoàn thành nhiệm vụ.
Sau đó, Philippines đã ra công hàm phản đối nghiêm khắc Trung Quốc về sự kiện “quấy nhiễu bãi Cỏ Rong”. Ngày 28/3, Philippines tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra trên không và kế hoạch nâng cấp đường băng trên đảo Trung Nghiệp (Thị Tứ). Từ 6-15/4, Mĩ và Philippines tiến hành tập trận chung “Kề vai sát cánh” 2011 trong 10 ngày. Mặc dù đây là cuộc tập trận thường kì, nhưng có lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với tổng cộng hơn 3 000 lính Mĩ tham gia, Trung Quốc coi đó là hành động nhằm vào mình. Ngày 13/6, theo lệnh của Aquino III, Cục Khí tượng Philippines đã đổi tên “South China Sea” truyền thống sang tên “West Philippines Sea” (biển Tây Philippines) [tháng 9/2012, Aquino chính thức kí sắc lệnh số 29, yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính và bản đồ xuất bản của nhà nước đều phải gọi tên như vậy đối với “vùng đặc quyền kinh tế Philippines” tại biển Đông]. Ngày 15/6, Philippines công bố kế hoạch mở thầu khai thác dầu mỏ ở biển Đông, chia vùng biển phía Tây Philippines thành 15 lô, hoan nghênh các công ty đến đấu thầu, trong đó có một số lô dầu nằm trong đường 9 đoạn. Hai trong số này nằm trong bãi Cỏ Rong, gần với khu vực tàu MV Veritas Voyager bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Để củng cố lòng tin của các công ty nước ngoài đối với chủ quyền của mình, Philippines đồng thời tuyên bố trong tháng 5 sẽ dỡ bỏ các cột mốc “nước ngoài” dựng lên ở 3 nơi là đá Ngưu Xa Luân (đá Long Điền / Boxall Reef), đá An Đường (Amy Douglas Reef / đá Mỏ Vịt) và bãi Cỏ Rong, (những cột mốc này rõ ràng là của Trung Quốc để lại). Trung Quốc phản đối việc này nhưng Philippines kiên quyết làm theo kế hoạch. Tình trạng này kéo dài cho đến khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thăm Trung Quốc vào 6/7, và hai bên nhất trí tuyên bố rằng hai nước sẽ hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, thì mới bắt đầu nhạt dần. Chuyến thăm Trung Quốc theo kế hoạch của Aquino vào tháng 4 cuối cùng mới được thực hiện vào ngày 30/8. Tuy nhiên, thái độ của Philippines đối với bãi Cỏ Rong vẫn không dịu đi. Tháng 2/2012, Philippines lại một lần nữa mời công ty dầu khí nước ngoài đến đấu thầu tại lô dầu bãi Cỏ Rong và tuyên bố “bãi Cỏ Rong là bộ phận không thể thiếu của Philippines, không thể cùng khai thác, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp”, thậm chí còn mời doanh nghiệp dầu mỏ Trung Quốc tham gia đấu thầu.
Hai lần xung đột điển hình khác đều liên quan đến Việt Nam. Các lô dầu khí do Việt Nam vẽ ra chồng lấn với đường 9 đoạn của Trung Quốc (Hình 71). Đầu năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, các nhà đầu tư khắp nơi ào ạt đổ vào. Khi đó, Công ty dầu khí Anh (BP) có quan hệ làm ăn từ lâu với Việt Nam đã quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam. Ngày 6/3/2007, BP công bố kế hoạch cùng công ty Việt Nam và Công ty ConocoPhilips đầu tư khai thác giếng dầu khí tự nhiên tại lô 5.2. Khi đó, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Anh là Phó Oánh chuẩn bị nhậm chức. Năm 2000, khi giữ chức Vụ trưởng Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà này đã từng làm việc với BP, yêu cầu BP không tham gia khai thác lô 6.1 với Việt Nam, nhưng BP từ chối. Lần này, sau khi nhậm chức đại sứ tại Anh, Phó Oánh lập tức gây áp lực với BP: nếu BP tham gia khai thác lô 5.2 thì Trung Quốc sẽ: (1) Xem xét lại tất cả hợp đồng BP đã kí với Trung Quốc; (2) Trung Quốc không đảm bảo an toàn cho công nhân tác nghiệp trong lô này. Trước sự uy hiếp đó, BP đã rút lui, đồng ý với Trung Quốc chỉ tiếp tục khai thác lô 6.1 mà không tham gia khai thác lô 5.2. Không những thế, Phó Oánh còn “kiến nghị” BP đứng ra làm trung gian giúp Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đàm phán để giành được quyền “cùng khai thác” lô 5.2 và lô 5.3. Nhưng ý hướng của CNOOC không nhằm vào việc kiếm tiền mà hy vọng thông qua phương thức này giúp Trung Quốc tạo ấn tượng giả về việc có được chủ quyền. Tuy vậy, trước sự kiên quyết của phía Việt Nam, CNOOC đã không đạt được mục đích. Tuy nhiên, thành công này đã phá hủy kế hoạch khai thác lô 5.2 và 5.3 của PetroVietnam. Cả BP lẫn công ty đối tác Conaco Philips đều rút khỏi hợp tác, chuyển nhượng hợp đồng cho PetroVietnam mà không được bồi thường..
Trung Quốc dùng thủ đoạn tương tự để ép một số công ty nước ngoài khác rút khỏi việc khai thác các mỏ dầu khí của Việt Nam, chẳng hạn như Công ty Chevron của Mĩ đã tiến hành thăm dò lô 112, gần bờ biển Việt Nam, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực và bị ép từ bỏ hoạt động; Công ty Pogo của Mĩ đã tiến hành thăm dò lô 124 nhưng cũng phải bỏ dở vì lí do tương tự. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn dùng đòn ngoại giao để gây áp lực và đạt được mục đích tương tự. Ví như Tập đoàn tài chính hình thành từ Idemitsu Kosan, Nippon Oil và Teikoku Oil của Nhật Bản ban đầu dự định khai thác lô 1.5-b và 5.1-c, nhưng buộc phải rút lui sau khi Chính phủ Trung Quốc gây áp lực trực tiếp với Chính phủ Nhật Bản.
Tuy vậy, cũng có một số công ty không sợ áp lực từ Trung Quốc. Chẳng hạn, tháng 1/2008, Công ty Exxon Mobil kí bản ghi nhớ với PetroVietnam, khai thác các lô 156-159. Các lô này nằm xa đất liền Việt Nam nhất, nằm sâu trong đường 9 đoạn của Trung Quốc. Vì việc này, Trung Quốc đột nhiên hủy bỏ dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có dính dáng với Trung Quốc của Công ty này. Trớ trêu là, mặc dù Exxon Mobil không sợ áp lực từ phía Trung Quốc, nhưng Chính phủ Việt Nam lại lo ngại rằng sau này do bị Trung Quốc trừng phạt Exxon Mobil sẽ từ bỏ hợp đồng nên đã trao cho Công ty khí đốt tự nhiên quốc gia của Nga (Gazprom) một lô khác cũng đang được đàm phán (vì quan chức ngoại giao Nga nói với Việt Nam rằng Trung Quốc chưa bao giờ cảnh cáo các công ty dầu khí của Nga). Ngoài Exxon Mobil ra, còn một số công ty không sợ Trung Quốc uy hiếp do ít có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc. Một loại công ty khác không sợ sự uy hiếp từ Trung Quốc tương tự như những công ty của Nga, thuộc các quốc gia có “quan hệ tốt” với Trung Quốc như Hàn Quốc và Ấn Độ đều có thể tham gia khai thác với Việt Nam.
Ứng phó với các công ty không sợ bị uy hiếp, Trung Quốc sử dụng các biện pháp như đã sử dụng với Philippines, chỉ là có phần mạnh tay hơn. Ngày 26/5/2011, khi tàu Bình Minh 2 do PetroVietnam và CGC Veritas thuê thăm dò tại lô 148 thì bị 3 tàu hải giám Trung Quốc (số 12, 17 và 84) bao vây. Hai “tàu lưới cá” hộ tống không thể ứng phó nổi 3 tàu, tàu 84 thừa cơ lao qua tàu thăm dò, cắt đứt cáp thăm dò. sự việc xảy ra tại 12° 48’25 N, 111° 26’48 E, cách bờ biển Việt Nam chừng 116 hải lí (Hình 72), vừa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam tuyên bố, vừa nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố. Về phía Việt Nam, may mắn là nhờ dây cáp có thiết bị nổi tự động nên chỉ cần sửa chữa đơn giản là có thể sử dụng tiếp. Sau đó, Việt Nam đưa thêm 8 tàu bảo vệ, đảm bảo cho tàu Bình Minh 2 hoàn thành xong vào ngày 26/5.
Hình 71: Lô dầu khí Việt Nam Hình 72: Trung Quốc cắt đứt cáp tàu thăm dò
của Việt Nam năm 2012
Việt Nam đã gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc, tố cáo tàu Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố Trung Quốc phản đối các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và việc Cục trưởng Cục Hải giám Trung Quốc thực hiện các hành động thực thi pháp luật đối với các tàu Việt Nam trái phép là hoàn toàn chính đáng.
Không lâu sau đó, Trung Quốc lại phái tàu ngư chính và tàu cá tới lô dầu khí 136-03, ở điểm cực Đông Nam, cắt cáp thăm dò tàu Viking II của Việt Nam đang tác nghiệp tại đó. Vài ngày trước khi vụ việc xảy ra, tàu Viking 2 đã bị các tàu đánh cá Trung Quốc quấy rối khi nó đang khảo sát cho Idemitsu Kosan ở lô 05-1d. Đầu tháng 6, tàu Viking II được Công ty Talisman Canada thuê thăm dò lô 136-03, nằm sát lô Vạn An Bắc. Ngày 8/6, tàu Trung Quốc kéo đến địa điểm hoạt động của tàu Viking II, tàu cảnh sát biển Việt Nam Vạn Hoa 737 làm nhiệm vụ bảo vệ đã phát tín hiệu cảnh cáo yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi nhưng tàu Trung Quốc vẫn loanh quanh gần đó. Ngày 9/6, dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính 303 và 311, tàu cá số hiệu 62226 lao vào cáp khảo sát của tàu Viking II, tàu cá có trang bị dụng cụ cắt cáp nhưng do tuyến cáp quá dày (8 dây cáp) nên tàu cá Trung Quốc vướng vào tuyến cáp của tàu Viking II, chân vịt tàu bị hỏng, thân tàu bị tàu Viking II kéo đi. Tàu ngư chính Trung Quốc đến “giải cứu”, “đành phải” cắt đứt cáp. Trung Quốc tuyên bố đó là hành vi tự vệ của tàu cá.
Không thể giải quyết vấn đề qua đường ngoại giao, Việt Nam chỉ còn cách kích thích tinh thần dân tộc. Ngày 5/6, khoảng 300 người Việt Nam tiến hành biểu tình chống Trung Quốc tại khu vực gần Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội. Cùng ngày, 1 000 người tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuống đường phản đối Trung Quốc. Cuối tuần sau khi xảy ra sự kiện cắt cáp lần thứ hai, người Việt Nam tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc. Làn sóng biểu tình tiếp tục 12 lần sau đó vào mỗi cuối tuần. Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố tập trận tại biển Đông. Để khống chế tình hình, ngày 26/6, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã gặp đặc sứ Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn tại Bắc Kinh. Hai bên tỏ ý sẵn sàng giải quyết tranh chấp trên biển thông qua đàm phán và thương lượng hữu nghị. Ngày hôm sau, Chính phủ Việt Nam khống chế các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, cấm người biểu tình tới gần khu vực Đại sứ quán Trung Quốc.
Ba hành động quấy rối trong năm 2011 cho thấy Trung Quốc muốn nhanh chóng kiểm soát biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã leo thang từ tuyên bố chủ quyền sang thực sự ngăn cản các nước ven biển khai thác tài nguyên, đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích thương mại và an ninh quốc gia của các nước ven biển. Những hành động tương tự như vậy chỉ tăng mà không hề giảm đi trong những năm sau.
Ngày 30/11/2012, hai tàu cá Trung Quốc cắt đứt cáp thu âm địa chấn của tàu Bình Minh II đang tác nghiệp tại vùng biển có tọa độ 108°02’ Đông và 17°26’ Bắc (nằm ở lô 113 của Việt Nam). Sự việc xảy ra tại cửa vịnh của vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Việt Nam 54 hải lí, cách đảo Hải Nam Trung Quốc 75 hải lí, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210 hải lí. Tàu Bình Minh II lúc đó được Công ty Rosneft của Nga thuê. Hành động quấy nhiễu của Trung Quốc thậm chí mở rộng tới vùng cực Nam của biển Đông, cách rất xa lục địa Trung Quốc, đối tượng cũng được mở rộng tới Malaysia, nước vốn giữ thái độ mềm mỏng. Ngày 21/8/2012, tàu Trung Quốc đã hai lần quấy nhiễu tàu thăm dò của Malaysia; ngày 19/1/ 2013 lại diễn ra lần nữa.
Ngày 23/6/2012, để trả đũa việc Việt Nam ban bố “Luật biển Việt Nam”, CNOOC công bố mở 9 lô dầu, lần lượt đặt tên là “Kim Ngân 22, Hoa Dương 10, Hoa Dương 34, Tất Sinh 16, Đạn Hoàn 04, Đạn Hoàn 22, Nhật Tích 03, Nhật Tích 27, Doãn Khánh Tây 18” (Hình 73), trong đó 7 lô nằm ở khu vực bồn trũng Trung Kiến Nam, 2 lô nằm ở khu vực bồn trũng Vạn An và bồn trũng Nam Vi Tây. Công bố nêu rõ: những khu này có độ sâu nước 300-400m, tổng diện tích 160 124,38 km2, đều sẽ được thăm dò khai thác cùng công ty nước ngoài.
Những lô dầu này đều nằm trong thềm lục địa đã được Việt Nam hoạch định, đồng thời cũng chồng lấn với các lô do Việt Nam phân định. Không ngạc nhiên khi động thái này bị Việt Nam phản đối: “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các lời mời hợp tác khai thác quốc tế. Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: doanh nghiệp Trung Quốc mời thầu các lô dầu là việc làm bình thường, phù hợp với luật pháp Trung Quốc và thông lệ quốc tế liên quan. Về việc xử lí thỏa đáng các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên có nhiều nhận thức chung. Trung Quốc hy vọng Việt Nam tuân thủ những nhận thức chung đó, không sử dụng các hành động làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp, dừng ngay các hoạt động xâm phạm dầu khí trong vùng biển liên quan. Tuy nhiên, do phản đối của Việt Nam và tính nhạy cảm của tranh chấp biển Đông nên cho đến nay, chưa có thông tin gì liên quan đến việc hợp tác khai thác giữa Trung Quốc và công ty nước ngoài trong các lô này. Mâu thuẫn về vấn đề dầu khí giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lên đến đỉnh điểm vào năm 2014 khi xảy ra sự kiện giàn khoan 981 (xem phần VI.11).
Hình 73: Điểm chồng lấn giữa các lô dầu mời thầu do Trung Quốc hoạch định và các lô do Việt Nam hoạch định năm 2012
VI.6. Khủng hoảng tại đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough)
Mâu thuẫn Trung Quốc – Philippines trước khủng hoảng bãi Scarborough
Bắt đầu từ năm 2009, tình hình biển Đông nóng lên, trong đó mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines được chú ý nhiều nhất. Có nhiều nguyên nhân làm cho quan hệ hai bên hữu hảo từ thời Arroyo chuyển sang thù oán. Vụ án tham nhũng Arroyo (xem phần V.8) là một trong nhiều nhân tố, nhưng nhân tố quyết định nhất là cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2010. Tham nhũng triền miên suốt hai nhiệm kì của tổng thống Estrada và Arroyo khiến người dân Philippines vô cùng thất vọng. Liêm khiết trở thành yêu cầu lớn nhất của người dân Philippines đối với nhiệm kì tổng thống tiếp theo. Xuất thân trong gia tộc chính trị, Aquino III (con trai của Tổng thống tiền nhiệm Corazon Aquino) đã dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nhờ vào khẩu hiệu trong sạch trong chính trị và vào hiệu ứng đồng cảm từ cái chết không lâu trước đó của mẹ ông. Trong nhiệm kì 6 năm sau đó, Aquino III trở thành nhân vật quan trọng đối với tình hình biển Đông. Là người thuộc phái thân Mĩ, sau khi ông nhậm chức, quan hệ Trung Quốc – Philippines xấu đi nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kĩ thì nguyên do khiến quan hệ hai nước xấu đi bao gồm mấy điểm sau:
Thứ nhất, Arroyo được biết đến là người thân Trung Quốc trong những ngày đầu cầm quyền nhưng trước cáo buộc tham nhũng, buộc phải chuyển từ thái độ thân Trung Quốc sang trung lập. Để kịp nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (xem phần VI.3), Philippines phải sửa lại đường cơ sở lãnh hải. Tháng 8/2007, Thượng Nghị viện nhiệm kì mới Philippines đưa dự luật số 1467, mở rộng đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Philippines, bao gồm cả bãi Scarborough. Tháng 12, Hạ Nghị viện đưa dự luật số 3216 cấp tiến hơn, không chỉ bao gồm bãi Scarborough mà còn bao gồm cả quần đảo Kalayaan. Điều này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc đại lục. Dưới áp lực của Bắc Kinh, Arroyo đề xuất đường cơ sở lãnh hải không bao gồm bãi Scarborough lẫn nhóm đảo Kalayaan, mà gọi hai nơi này là “regime” (quy chế) và gây sức ép buộc Quốc hội ban hành luật theo phương án này. Do đó, Quốc hội Philippines đã hoãn ban hành luật. Nhưng đến tháng 1/2008, việc Trần Thủy Biển tham gia lễ khai trương sân bay trên đảo Thái Bình (Ba Bình) đã khơi lại cuộc tranh luận về việc Philippines nên mở rộng đường cơ sở lãnh hải thế nào. Cơ quan ngoại giao, hai nghị viện và ý kiến dân chúng trong nước bàn luận gay gắt về việc có đưa bãi Scarborough và quần đảo Kalayaan vào phạm vi đường cơ sở lãnh hải hay không. Trung Quốc lại gây áp lực lần nữa. Mặc dù uy tín của chính phủ Arroyo bị hạ thấp trong mắt dân chúng vì vụ bê bối tham nhũng, nhưng vẫn có ý định lái dự luật theo phương án của mình nên có đã nhượng bộ ở mức tối đa. Cuối cùng, ngày 10/3/2009, Quốc hội Philippines đã thông qua “Luật đường cơ sở lãnh hải” (Republic Act 9522), bãi Scarborough và nhóm đảo Kalayaan không được liệt kê trực tiếp là các điểm cơ sở lãnh hải trong Điều 1. mà liệt kê độc lập trong điều 2, gọi chúng là “regime of islands” (quy chế đảo) thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Philippines đã xác định cơ sở lãnh hải của mình theo đúng các nguyên tắc của điều 121 “Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc” về chế độ các đảo.
Section 2. The baseline in the following areas over which the Philippines likewise exercises sovereignty and jurisdiction shall be determined as Regime of Islands under the Republic of the Philippines consistent with Article 121 of the United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS):
a) The Kalayaan Island Group as constituted under Presidential Decree No. 1596; and
b) Bajo de Masinloc, also known as Scarborough Shoal.
(Mục 2. Đường cơ sở tại các khu vực sau đây mà Philippines cũng có quyền chủ quyền và quyền tài phán được xác định là "Quy chế các đảo" thuộc Cộng hòa Philippines, phù hợp với Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS):
a) Nhóm Đảo Kalayaan được lập theo Sắc lệnh số 1596 của Tổng thống; và
b) Bajo de Masinloc, còn được gọi là Bãi Scarborough.)
Section 3. This Act affirms that the Republic of the Philippines has dominion, sovereignty and jurisdiction over all portions of the national territory as defined in the Constitution and by provisions of applicable laws including, without limitation, Republic Act No. 7160, otherwise known as the Local Government Code of 1991, as amended
(Mục 3. Đạo luật này khẳng định rằng Cộng hòa Philippines có quyền chiếm hữu, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tất cả các phần thuộc lãnh thổ quốc gia như được định nghĩa trong Hiến pháp và các quy định của luật hiện hành, bao gồm nhưng không giới hạn ở, Đạo luật số 7160, hay còn được gọi là Luật Chính quyền địa phương năm 1991, như được sửa đổi.)
Trung Quốc hết sức không vừa lòng với cách xử lí coi bãi Scarborough và quần đảo Kalayaan là lãnh thổ của Philippines. Theo Hiến pháp Philippines, Tổng thống Arroyo có quyền phủ quyết dự luật. Vì thế mà Trung Quốc ra tuyên bố ba lần, kháng nghị một lần và trao đổi một lần, thúc giục Arroyo phủ quyết dự luật. Nhưng do áp lực trong nước nên Arroyo không làm điều đó. Từ đó, bãi Scarborough được chính thức liệt kê là lãnh thổ của Philippines. Ngày 13/5 cùng năm, Luật 9522 nước Cộng hòa Philippines có hiệu lực.
Thứ hai, Philippines phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc, vẫn xúc tiến kế hoạch khai thác bãi Cỏ Rong. Sau khi Trung Quốc đưa tàu đến quấy nhiễu, Philippines vẫn tiếp tục khai thác. (xem phần VI.5).
Thứ ba, trong văn kiện phản đối hồ sơ phân định thềm lục địa mở rộng năm 2009 của các nước liên quan, Trung Quốc chính thức đưa ra quốc tế “đường 9 đoạn”. Việc đó khiến các nước Đông Nam Á phản đối kịch liệt, trong đó Philippines là nước cứng rắn nhất. Tháng 4/2011, Philippines gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc, chỉ rõ đường 9 đoạn không phù hợp Luật quốc tế (xem phần VI.3), đây là đầu tiên đường 9 đoạn bị chất vấn trong văn kiện quốc tế chính thức. Sau 2 năm xảy ra sự việc, Philippines mới sử dụng hành động pháp lí, khả năng có liên quan đến vụ quấy nhiễu tại bãi Cỏ Rong. Ngày 25/7/2011, trong diễn văn về tình hình trong nước, Aquino nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn làm trầm trọng thêm mâu thuẫn với bất kì quốc gia nào, nhưng chúng tôi phải cho thế giới biết rằng, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ những gì thuộc về chúng tôi. Chúng tôi cũng đã tính tới khả năng đưa vấn đề tranh chấp vùng biển Tây Philippines ra Tòa án quốc tế về Luật biển, từ đó các quốc gia có tranh chấp biển có thể giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và kiềm chế.” Ngôn từ của Philippines đã thách thức Trung Quốc trên phương diện Luật pháp quốc tế, thậm chí tính tới phải đưa ra Tòa án quốc tế, đó là việc Trung Quốc không hề muốn.
Thứ tư, sau năm 2009, xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng nhiều hơn, có thể chia thành hai loại chính: một là, tàu cá Trung Quốc xâm nhập “vùng đặc quyền kinh tế”, thậm chí cả lãnh hải của Philippines để đánh bắt cá (chẳng hạn biển Sulu); hai là, “tàu chấp pháp” của Trung Quốc vào “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines để “thực thị pháp luật”, những tàu chấp pháp đó hiếm khi quản lí hoạt động đánh bắt trái phép của ngư dân Trung Quốc, nhưng lại quấy nhiễu và xua đuổi tàu cá Philippines, hoặc ngăn chặn tàu chấp pháp Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc.
Do đó, va chạm giữa hai bên là điều không tránh khỏi. Ngày 18/10/2011, một tàu chiến Philippines đâm vào tàu cá Trung Quốc tại biển Đông. Vài ngày sau, Hải quân Philippines cho biết đó là sự va chạm ngoài ý muốn và xin lỗi vì sự việc này. Ngày 11 và 12/12/2011, ba chiếc tàu Trung Quốc đi vào bãi Sa Bin (Sabina Shoal/ Tiên Tân) do Philippines tuyên bố chủ quyền. Ngày 5/1/2013, Ngoại trưởng Philippines gửi thư đến Đại sứ quán Trung Quốc nói rõ: “Việc đột nhập của tàu Trung Quốc là một vi phạm rõ ràng”.
Đối đầu ở bãi Scarborough
Sau khi xảy ra tranh chấp bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, Philippines vẫn kiểm soát bãi này. Hải quân Philippines chịu trách nhiệm tuần tra và thực thi pháp luật tại đó. Báo chí Trung Quốc cũng thừa nhận sự thật là trước năm 2012, Philippines kiểm soát bãi Scarborough. Nhưng nhìn chung, Philippines không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đến đó đánh bắt cá. Trong các vụ Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc, họ chỉ nhắm vào ngư dân đánh bắt trái phép, chẳng hạn những ngư dân đánh bắt loại ốc xà cừ lớn quý hiếm. Sau năm 2012, ngư dân Philippines và ngư dân Trung Quốc đều có thể đánh bắt cá bình thường tại khu vực Scarborough và không có báo cáo về xung đột nào giữa các ngư dân.
Do trong thời gian dài không có người lên đảo phát thanh qua vô tuyến nên bãi Scarborough trở thành địa điểm thứ hai trong danh sách “quốc gia” được chờ đợi nhất của DX, lại có người cho rằng nên hủy bỏ tư cách này của bãi. Do đó, tháng 4/2007, một nhóm DX quốc tế gồm 17 người yêu thích từ Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Italy, Singapore, Philippines,... một lần nữa lại “viễn chinh” đến Scarborough (báo cáo của Trung Quốc không có Philippines, trong khi có Phần Lan, không ăn khớp với danh sách). Một lần nữa, Trần Bình lại tham gia trong đoàn viễn chinh. Lần này, đoàn người đi trên một chiếc tàu thuê của Hong Kong, xuất phát từ Hong Kong đến Scarborough. Khi đó, do mọi người đều biết việc bãi Scarborough có tranh chấp nên trước khi đi, đội viễn chinh không chỉ nhận được sự phê chuẩn của Trung Quốc mà còn nhận được sự trợ giúp từ DX Philippines và Hội vô tuyến nghiệp dư Philippines (PARA), đặc biệt là của thành viên Tim N4GN (đã tham gia leo lên đảo vào năm 1995) của hội, với sự cho phép của Philippines. Để đảm bảo an toàn cho người lên đảo, Hội vô tuyến điện nghiệp dư Philippines còn thỏa thuận trước với hải quân Philippines, nhờ họ giám sát từ xa, đồng thời luôn có máy bay trực thăng trợ giúp khi cần. (Nghe nói, sau khi biết sự việc, Trần Bình tỏ ra không vui, nhưng không thể ngăn cản được sự giám sát của hải quân Philippines. Thậm chí, ông ta còn trăn trở phiền muộn việc trong chuyến về tàu lại ghé Manila trước để các đối tác từ các nước khác có thể về nhà ). Kết quả là chuyến viễn chinh diễn ra suôn sẻ, không gặp bất kì sự quấy nhiễu nào (trừ việc trên đường đi có ngư dân Philippines đề nghị đổi hải sản lấy dầu). Nhưng, theo miêu tả của Trần Bình, do bãi Scarborough được khai thác đã lâu nên diện mạo đã không còn “sơ khai” như 10 năm trước đó, ngư dân Trung Quốc và Philippines đều đến đây đánh cá và thu thập san hô. Sự việc đó cho thấy trước năm 2012, bãi Scarborough nằm dưới sự cai quản của Philippines nhưng tàu thuyền thường được tự do lui tới.
Nhưng, sự kiện đột biến năm 2012 đã làm thay đổi mọi thứ. Ngày 8/4, máy bay trinh sát của hải quân Philippines thông báo về sở chỉ huy rằng có 8 tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại bãi Scarborough. Sau đó, khi đang trên đường trở về Manila, tàu hải quân BRP Gregorio del Pilar nhận được tin báo có ngư dân Trung Quốc đánh cá trái phép tại bãi nên lập tức quay trở lại đó. Khoảng 10:00 sáng ngày 10, tàu chiến neo đậu bên ngoài bãi, phái quân lên bãi, và phát hiện có 12 chiếc tàu đánh Trung Quốc. Theo báo cáo, khi kiểm tra, họ phát hiện trên các tàu đánh cá có rất nhiều hải sản quý hiếm gồm san hô, trai cỡ lớn và cá mập mỏ đen (blacktip shark), nên chuẩn bị bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Họ đưa biên bản viết bằng tiếng nước ngoài đã in sẵn, yêu cầu ngư dân Trung Quốc kí tên, lăn tay, thừa nhận “xâm nhập Philippines”. Đúng lúc đó, hai tàu hải giám Trung Quốc (số 75 và 84) lao đến, chặn lối ra vào bãi, ngăn cản hải quân Philippines bắt giữ ngư dân. Hải quân Philippines đành phải cho tàu chiến quay lại, đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila lập tức tuyên bố, “tàu Philippines đã xâm nhập trái phép vào vùng biển Trung Quốc”. Ngày hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân phát biểu trước cuộc họp báo: “Hành vi được gọi là ‘thực thi pháp luật’ của Philippines trên bãi Scarborough là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, và cũng đi ngược với nhận thức chung của hai bên về duy trì hòa bình, ổn định, không làm phức tạp và mở rộng tình hình tại biển Đông. Ngành hữu quan Trung Quốc đã đưa tàu công vụ của Chính phủ đến vùng biển Hoàng Nham, hiện tại ngư dân Trung Quốc và tàu thuyền của họ đều an toàn.” Đồng thời, Trung Quốc nhắc lại, đảo Hoàng Nham là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, Trung Quốc có chủ quyền không tranh chấp đối với đảo Hoàng Nham.
Tối ngày 10, Ngoại trưởng Philippines gặp Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh, tuyên bố rằng “bãi Scarborough là bộ phận không thể chia cắt của Philippines”. Hải quân Philippines tuyên bố rằng họ có quyền bắt giữ ngư dân đánh bắt trái phép tại đó và nhấn mạnh, hải quân Philippines trước nay vẫn làm như vậy. Tổng thống Aquino yêu cầu hải quân không sử dụng vũ lực, và tuyên bố sự việc cần được giải quyết thông qua phương thức ngoại giao. Để làm dịu tình hình, Philippines phái tàu cứu hộ BRP Pampanga (SARV-0006) của lực lượng Tuần duyên ra thay thế tàu hải quân, tàu này đã đến bãi Scarborough vào ngày 12. Cùng ngày, tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 303 cũng đến bãi Scarborough.
Tối 13, dưới sự yểm trợ của tàu hải giám 75 và tàu ngư chính 303, toàn bộ tàu cá Trung Quốc đã rút khỏi bãi Scarborough, nhưng tàu hải giám 84 vẫn trụ lại ở đó, tiếp tục đối đầu với tàu BRP Pampanga (SARV-0006) của Philippines. Ngoài ra, trong bãi vẫn còn hơn 20 tàu cá Philippines. Tình thế xem ra bắt đầu lắng xuống. Nhưng đến ngày hôm sau, tàu khảo cổ Sarangani Philippines (đoàn khảo sát bao gồm các chuyên gia Philippines và Pháp) trước đó đã điều tra bãi Scarborough, bị tàu hải giám 75 của Trung Quốc quay lại cảnh báo phải rời đi. Ngày 15, tàu hải giám 71 và tàu ngư chính 44061 đến bãi Scarborough, tình thế đối đầu căng trở lại.
Ngày 16/4, tàu hải quân cứu hộ Philippines Edessa đến thay thế tàu Pampanga. Cùng ngày, cuộc diễn tập quân sự chung định kì hàng năm diễn ra ngoài khơi đảo Palawan đúng theo kế hoạch. Nhưng sự việc này bị truyền thông Trung Quốc bóp méo là cuộc tập trận gần vùng biển bãi Scarborough nhằm gây áp lực với Trung Quốc. Bất kể thật giả, Cục Ngư chính Hải Nam vẫn mở cuộc họp khẩn cấp, phái tàu ngư chính 121 do Đội trưởng Tổng đội ngư chính Hải Nam dẫn đầu tiến ra biển Đông, tham gia đối đầu.
Khi đó, mặc dù cả Trung Quốc và Philippines đều biểu thị thái độ muốn giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao, nhưng giọng điệu của cả hai bên ngày càng gay gắt. Ngoài việc tuyên bố chủ quyền đối với bãi Scarborough như trước đây, ngày 13/4 Trung Quốc còn đăng bài “Giải quyết vấn đề biển Đông không thể chỉ dùng một tay” trên trang nhất Nhân dân nhật báo bản ngoại văn, nêu rằng “giải quyết vấn đề biển Đông không thể chỉ dùng một tay, mà phải dùng cả hai tay, cả hai tay đều phải mạnh bạo, song hành cùng nhau. Nghĩa là, một tay ra sức thúc đẩy hợp tác và thương lượng, một tay giữ gìn chủ quyền không bị xâm phạm. Tay sau phục vụ tay trước. Hai tay đều nằm trong khuôn khổ cơ bản hòa bình phát triển của Trung Quốc, chúng bổ sung cho nhau, không được thiếu tay nào.” Dư luận do chính quyền kiểm soát cũng lặp lại: “cứ nhẫn nhịn mãi chỉ sẽ khiến một nước như Philippines được đằng chân lân đằng đầu. Chỉ có cho họ biết một chút thế nào là lễ độ thì mới có thể hiểu được rằng đằng sau việc Trung Quốc mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp biển Đông, còn có lực lượng quân sự hùng mạnh bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc.”
Nhưng, Philippines đã đã có một số chuẩn bị.
Trước hết, Philippines kiên định không dùng biện pháp quân sự, kiên trì cách giải quyết bằng ngoại giao. Tổng thống Arroyo tuyên bố “Philippines không vì tranh chấp bãi Scarborough mà hấp tấp gây chiến với Trung Quốc, cãi nhau luôn tốt đánh nhau (to jaw-jaw is always better than to war-war).”
Thứ hai, Philippines không dừng việc đối đầu. Ngày 13/4, Ngoại trưởng Philippines Rosario tuyên bố: “Philippines sẽ không rút đội tàu tuần duyên khỏi bãi Scarborough, khi nào chúng tôi muốn rời đi thì sẽ đi chứ không phải rời đi theo yêu cầu của kẻ khác.” Tổng thống Arroyo cũng tuyên bố: “Philippines sẽ tiếp tục triển khai tàu ở bãi Scarborough mà tôi tin rằng đó là vùng biển của Philippines”.
Thứ ba, Philippines tìm kiếm trợ giúp của ASEAN. Ngày 22/4, Ngoại trưởng Philippines Rosario tuyên bố: “Mưu toan đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông của Trung Quốc rõ ràng là không có căn cứ”; và sau đó kêu gọi ASEAN cùng phản đối Trung Quốc: “Nếu chúng ta không thể hiện rõ lập trường thì không những Philippines mà tất cả các nước đều sẽ chịu tác động tiêu cực.” Tuy Việt Nam và các nước khác ủng hộ Philippines, nhưng ASEAN nói chung khi đó đã không có hành động hiệu quả nào. Một trong những nguyên nhân là vì Campuchia, chủ tịch ASEAN lúc đó, là nước rất thân cận với Trung Quốc. Ngày 10/7, khi chủ trì phiên mở đầu Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia kiên quyết không đồng ý việc Philippines cùng các nước khác nêu chữ Scarborough Shoal (tức đảo Hoàng Nham) trong Tuyên bố chung, nếu không sẽ không có tuyên bố chung.
Thứ tư, Philippines tìm kiếm trợ giúp của Mĩ. Ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mĩ Victoria Nuland kêu gọi Trung Quốc và Philippines kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, nhưng không tỏ rõ sự ủng hộ đối với Philippines. Trung tướng Tư lệnh hải quân lục chiến Thái Bình Dương Duane D. Thiessen nói: “Mĩ và Philippines đã kí kết Hiệp ước phòng vệ chung, căn cứ vào Hiệp ước này, nếu bên nào cần thì bên kia sẽ cung cấp viện trợ quốc phòng.” Nhưng căn cứ theo Hiệp ước thì bãi Scarborough không nằm trong điều khoản phòng vệ (xem phần sau).
Thứ năm, Philippines tìm kiếm sự trợ giúp của Luật quốc tế. Ngày 17/4, Ngoại trưởng Philippines cho biết: “Ngày 17/4, Ngoại trưởng Philippines Rosario tuyên bố: "Chính phủ Philippines sẽ tìm cách giải quyết bế tắc giữa Trung Quốc và Philippines đối với bãi Scarborough thông qua ‘trọng tài quốc tế’.” Ngày 18/4, Philippines đã đưa ra văn bản tuyên bố lập trường (Philippine position on Bajo de Masinloc (Scarborough Shoal) and waters within its vicinity [Lập trường của Philippines về bãi Scarborough và vùng biển lân cận xung quanh]), giải thích căn cứ chủ quyền và lập trường chính sách của Philippines đối với bãi Scarborough.
Ban đầu, phía Trung Quốc cũng không phải không có tiếng nói ôn hòa. Chẳng hạn, ngày 24/4, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã nhận lời phỏng vấn độc quyền của Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên "Quân đội có nên hành động khi cần thiết?, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã trả lời: “Điều này tùy thuộc vào nhu cầu ngoại giao của đất nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan sự vụ bên hữu quan của Trung Quốc đang xử lí vấn đề này, tôi tin là sẽ xử lí tốt.”
Tuy nhiên, tiếng nói của phe quân đội và diều hâu nhiều hơn. Ngày 26/4, Thiếu tướng La Viện, Phó Tổng Thư kí Hội Nghiên cứu khoa học quân sự Trung Quốc, đăng bài viết chất vấn về “thiện ý” không phải thắng mà thua của chính phủ trong việc rút lui trước, nói rằng “liệu đó có phải là lựa chọn tốt nhất hay còn phải chờ sự kiểm nghiệm của lịch sử”; đồng thời ông cũng nêu rõ: “Tác giả cho rằng, xét từ góc độ chiến lược cao thì không những không nên ‘dập tắt lửa’ mà còn phải lợi dụng cơ hội này để củng cố sự hiện hữu chủ quyền trên bãi Scarborough, treo quốc kì trên đảo, lập bia chủ quyền, xây dựng căn cứ quân sự, lập cảng cá. Đảo Hoàng Nham phải là hình mẫu ‘phá vỡ tình cảnh’ khó khăn ở biển Đông. Dù Philippines bày vấn đề bãi Scarborough ra trước mắt thế giới thì chúng ta cũng phải cho thế giới thấy rằng chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia như thế nào.”
Về phía dân chúng, cả hai bên đều đã ở trong tình trạng sắp đánh nhau. Ngày 16/4, dân chúng Manila biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc, dương cao biểu ngữ “China, back-off, from Panatag Shoal!” (“Trung Quốc, cút khỏi bãi Scarborough!”). Ngày 20/4, tin tặc Trung Quốc tấn công mạng trường Đại học Philippines, biến trang chủ của trường này thành bản đồ vùng biển bãi Scarborough có ghi câu khích bác “bọn tao từ Trung Quốc”, “ bãi Scarborough là của bọn tao” trên bản đồ. Danilo Araos, người phụ trách sự vụ chung của nhà trường đã xác nhận với trang mạng GMA News Online rằng trang mạng của nhà trường đã bị tấn công vào 3:00 sáng ngày 20. Ngày 21, tin tặc Philippines tấn công lại, dùng màu xóa 7 trang mạng Trung Quốc. Phần đông dân chúng Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ thông tin Chính phủ, rằng: “Đảo Hoàng Nham xưa nay đều thuộc về Trung Quốc” nên gần như áp đảo đều ngả theo khuynh hướng “mài gươm” của chính phủ: “Ý dân là ủng hộ mạnh mẽ đối với hành động cứng rắn của Chính phủ.”
Tình hình sự việc còn đi xa hơn. Ngày 3/5, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Edwin Rachel nói trước cuộc họp báo: “Philippines chính thức gọi bãi Scarborough là ‘Panatag Shoal’”. Ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Philippines lại tuyên bố sẽ phối hợp với lực lượng tuần duyên Philippines xóa sạch các dấu vết liên quan đến Trung Quốc trên bãi Scarborough.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh lập tức hẹn gặp Đại biện lâm thời Sứ quán Philippines tại Trung Quốc Thái Phúc Quýnh, nói: “Phía Philippines chưa nhận thấy sai lầm nghiêm trọng của mình, ngược lại không ngừng làm to chuyện, không những tiếp tục đưa tàu công vụ ra hoạt động trong đầm phá Hoàng Nham, mà còn không ngừng đưa ra những nhận xét sai lệch nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế, kích động tâm lí dư luận và gây tổn hại nghiêm trọng đến bầu không khí quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi không lạc quan với tình hình này.” Hy vọng phía Philippines ‘không nên phán đoán sai tình hình, không tiếp tục leo thang bất chấp hậu quả.’” Đồng thời, Phó Oánh cũng cho biết tàu công vụ Trung Quốc tiếp tục bảo vệ và canh phòng vùng biển đảo Hoàng Nham; tàu ngư chính Trung Quốc cũng sẽ tiến hành cung ứng dịch vụ quản lí tàu cá theo luật pháp Trung Quốc. Bà này còn hối thúc Philippines rút tàu thuyền ra khỏi vùng biển Scarborough, “tuyệt đối không được quấy nhiễu tàu cá Trung Quốc, càng không được quấy nhiễu tàu công vụ Trung Quốc làm nhiệm vụ theo luật pháp. Phía Trung Quốc cũng đã chuẩn bị mọi mặt để ứng phó với việc phía Philippines mở rộng tình trạng sự việc. Phía Trung Quốc kiên định lập trường giải quyết tình trạng hiện tại bằng con đường thương lượng ngoại giao. Trung Quốc một lần nữa kêu gọi phía Philippines phản hồi nghiêm túc trước những lo ngại của phía của Trung Quốc, nhanh chóng trở lại con đường đúng đắn.” Ngày 9/5, Phó Oánh triệu tập Đại biện lâm thời Philippines tại Trung Quốc lần thứ 3. Bà chỉ ra: Trước những hành động khiêu khích không ngừng của phía Philippines, các tàu công vụ Trung Quốc tiếp tục bảo vệ và cảnh giới đảo Hoàng Nham, cảnh báo Philippines không được phán đoán sai tình hình.
Nhân dân nhật báo ngày 8/5 đăng bài “Không thể nhẫn nhịn thêm”, nói rằng Philippines “không nên coi thiện ý của Trung Quốc là điểm yếu để bắt nạt, khi đã không thể nhẫn nhịn thêm, Trung Quốc sẽ không ngại cùng Philippines tạo ra một mô thức đảo Hoàng Nham.” Báo Quân giải phóng ngày 10/5 ra chuyên luận “Đừng hòng cướp đi một tấc đất của Trung Quốc”. Báo Hoàn cầu đăng chuyên luận “Philippines càng cao giọng thì càng xám mặt”. Cùng ngày, nhà báo Trương Phàm của Đài truyền hình Đông Phương (Dragon TV) đã lên rạn đá chính của Scarborough cắm cờ đỏ 5 sao thể hiện chủ quyền.
Tình hình bãi Scarborough có thể gọi là sôi bỏng, nổ bùng bất cứ lúc nào. Theo tin của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một hạm đội quy mô lớn đang tiến về phía Nam, điểm đến chưa rõ; máy bay trinh sát của lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản đã nhìn thấy một hạm đội gồm 5 tàu chiến, trong đó có tàu đổ bộ quy mô lớn 071 với lượng giãn nước 20 000 tấn, 2 tàu khu trục đạn đạo 052B và 2 tàu đạn đạo bảo vệ Giang Khải 2. Trong đó còn có tàu có bãi đáp cho máy bay lên thẳng. Ngày 6/5, đội tàu đó đã có mặt tại vùng biển Đông Nam Đài Loan.
Ngoài uy hiếp bằng vũ lực, Trung Quốc còn khống chế Philippines bằng kinh tế. Cấm xuất khẩu chuối, mặt hàng chủ lực của Philippines, sang Trung Quốc..
Đúng lúc đó (16/5) lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở biển Đông bắt đầu. Ngư dân Trung Quốc có thể đưa thuyền ra khỏi bãi Scarborough một cách thuận dòng, Philippines cũng chủ động ra lệnh cấm đánh cá tại bãi Scarborough. Do đó, tàu cá hai bên lũ lượt rời khỏi bãi Scarborough và tình hình có dấu hiệu lắng xuống. Ngày 18/5, 6 tướng nghỉ hưu của Philippines dự định ra cắm cờ Philippines trên bãi Scarborough để tuyên bố chủ quyền, nhưng đã bị Aquino ngăn lại vào giây phút cuối cùng để tránh làm tình hình thêm xấu đi. Nhưng, cuộc đối đầu giữa tàu công vụ hai nước vẫn tiếp diễn. Hơn thế, mặc dù Trung Quốc nhấn mạnh rằng lệnh cấm đánh cá áp dụng cho cả Scarborough, nhưng số lượng tàu dân sự của Trung Quốc lại tăng lên trong khu vực đảo này, có điều chúng được đổi lốt thành tàu công trình. Đến giữa tháng 5, số lượng tàu Trung Quốc nhiều áp đảo tàu Philippines, trong đó có cả tàu công vụ lẫn tàu dân sự, trong khi Philippines chỉ có 2 tàu công vụ tiếp tục đối đầu.
Mãi đến đầu tháng 6, tình hình mới thật sự dịu xuống. Hai bên dường như đạt được thỏa thuận rút tàu công vụ khỏi đảo. Ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố: sau 1 tháng bị mắc cạn trong đầm phá của đảo Hoàng Nham, tàu công vụ Philippines đã rời đảo vào ngày 3/6. Sau khi dọn dẹp hiện trường xong, 2 tàu công vụ Trung Quốc cũng rời khỏi đầm phá này ngày 5/6, và tiếp tục thi hành công vụ tại vùng biển đảo Hoàng Nham. Ngày 15/6, trước mùa bão đến, thời tiết ngày càng xấu đi, Tổng thống Philippines Aquino III đã ra lệnh cho 2 tàu công vụ rời khỏi Scarborough. Ngày 18/6, Ngoại trưởng Philippines Rosario phát biểu tại một cuộc họp báo, “Theo thỏa thuận đạt được giữa Philippines và Trung Quốc đại lục, hai bên sẽ rút tàu công vụ khỏi đầm phá của Scarborough. Đối với các vấn đề ngoài đầm phá, hai bên đang tìm kiếm giải pháp thông qua tham vấn thêm.” Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết trong cuộc họp báo cùng ngày: “Trung Quốc sẽ tiếp tục quản lí và cảnh giới đảo Hoàng Nham.” Đáp lại việc Philippines cáo buộc Trung Quốc không giữ lời hứa rút tàu, Hồng Lỗi bác bỏ thông tin phía Trung Quốc hứa rút tàu.
Trung Quốc và Philippines có đạt được thỏa thuận hay chỉ thỏa thuận ngầm về việc đối đầu trên bãi Scarborough là điều không có cách nào xác định. Có nguồn tin cho rằng, Philippines đã cầu cứu Mĩ giúp một tay, dưới sự xếp đặt của Mĩ, hai bên đã đạt được thỏa thuận. Nhưng cuối cùng, Philippines rút khỏi bãi Scarborough, còn Trung Quốc thì không và rốt cuộc đã nắm quyền kiểm soát đảo. Tác giả cho rằng việc Trung Quốc và Philippines đã đạt tới một thỏa thuận ngầm bằng lời nào đó là điều có thể tin được, nhưng nội dung thỏa thuận là gì và cách lí giải của hai bên có thống nhất hay không vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.
Dù thế nào thì Philippines cũng bất lực trước sự việc này. Đáp lại lời tuyên bố của Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Fernandez trả lời rằng, bất chấp nguy cơ bão lớn đe dọa, Philippines vẫn đang xem xét có nên đưa tàu trở lại vùng biển Scarborough hay không Ông cũng nhắc lại rằng Philippines vẫn trông cậy vào Tòa án Quốc tế về Luật Biển để giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ngay cả khi Trung Quốc đại lục tiếp tục phản đối. Ngày 20/6, Tổng thống Philippines Aquino cho biết, khi thời tiết tốt lên, phía Philippines sẽ phái máy bay ra trinh sát bãi Scarborough, đồng thời chỉ trích tàu Trung Quốc vẫn neo đậu tại vùng biển liên quan. Ngày 26/6, Tổng tư lệnh hải quân Philippines Alexander Pama tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, theo kết quả thu lượm trên không từ máy bay trinh sát của Hải quân Philippines, vẫn còn 28 tàu Trung Quốc đại lục tại khu vực biển Scarborough, trong đó có 23 tàu cá đậu trong đầm phá, 5 tàu của Chính phủ nằm rải rác xung quanh bãi.
Sau đó, mặc dù máy bay Philippines thỉnh thoảng đến Scarborough trinh sát tình hình nhưng tàu công vụ Philippines chưa bao giờ trở lại Scarborough. Bãi Scarborough từ đó bị Trung Quốc kiểm soát. Ngày 21/1/2013, Ngoại trưởng Philippines cuối cùng thừa nhận: Trung Quốc “đã kiểm soát trên thực tế” bãi Scarborough, tàu Philippines không thể vào được.
Nói tóm lại, sự kiện bãi Scarborough xảy ra từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2012, cái kết cuối cùng là Trung Quốc đã cướp quyền kiểm soát Scarborough từ tay Philippines. Đây cũng là lần đầu tiên từ sau “Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở biển Đông” có hiệu lực, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát thực tế khu vực. Điều này có ý nghĩa sâu rộng đối với diễn tiến tình hình biển Đông. Cùng năm, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, đồng thời phái tàu hải giám có lượng giãn nước lớn (phần lớn được cải biến từ tàu chiến) và tàu chiến ra diễu võ dương oai tại vùng biển xa lục địa Trung Quốc (Trung Quốc gọi là tuần tra), trong đó có những lần đến vùng biển gần bãi Cỏ Rong. Việc Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp đối phương để mở rộng lãnh hải ở biển Đông là xu thế ngày càng rõ. Vô vọng trong đàm phán với Trung Quốc, Philippines củng cố quyết tâm giải quyết vấn đề biển Đông thông qua Tòa trọng tài quốc tế. Và các nước ASEAN và những nước có lợi ích liên quan, đứng đầu là Mĩ cũng hợp lại để đối phó với Trung Quốc. Có thể coi sự kiện bãi Scarborough là một trong những sự kiện tiêu biểu làm tình hình ở biển Đông xấu đi.
Vấn đề chủ quyền đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough)
Về lịch sử bãi Scarborough, có thể tổng kết ngắn gọn như sau: (1) Thời Trung Quốc cổ đại không có bất kì ghi chép nào về bãi Scarborough. Địa điểm đo lường bốn biển của Quách Thủ Kính năm 1279 không phải ở bãi Scarborough. (2) Xét từ những ghi chép lịch sử, có nhiều khả năng bãi Scarborough do người Philippines phát hiện đầu tiên. Muộn nhất là vào năm 1734, người Tây Ban Nha chính thức ghi nhận và vẽ bãi Scarborough trong bản đồ. Trước thế kỉ XX, có bằng chứng rõ ràng thể hiện bãi Scarborough là lãnh thổ của Philippines thuộc Tây Ban Nha. (3) Đầu thế kỉ XX, khi nhượng Philippines cho Mĩ, Tây Ban Nha đã không đưa bãi Scarborough vào phạm vi nhượng lại một cách rõ ràng. Sau đó, trong nhiều văn bản luật pháp về ranh giới quốc gia, Philippines cũng không dưa bãi Scarborough vào lãnh thổ của mình một cách rõ ràng. Trước khi Thế chiến II kết thúc, mặc dù Philippines kiểm soát thực tế bãi Scarborough, nhưng cũng không có bằng chứng nào cho thấy Philippines thuộc Mĩ có bất cứ ý định công công khai nào về chủ quyền đối với bãi Scarborough. (4) Năm 1935, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bãi Scarborough bằng bản đồ mở mang cương vực, nhưng cái gọi là “chủ quyền” này chỉ dừng trên lời nói và trên giấy tờ chứ chưa bao giờ được thực hiện trên thực tế. Và cộng đồng quốc tế cũng chưa hề tiếp xúc để phản đối hay kháng nghị. (5) Trong khoảng thời gian từ sau Thế chiến II đến năm 1992, trên thực tế, Mĩ cùng Philippines quản lí bãi Scarborough. Sau khi quân Mĩ rút đi vào năm 1992, Philippines tiếp tục quản lí thực tế một mình bãi Scarborough. Trước năm 1997, không có nước nào (kể cả Trung Quốc) đưa ra những tuyên bố rõ ràng và trực tiếp đối với vấn đề này. Trong thời gian đó, Philippines đã từng có hành động thể hiện chủ quyền trên bãi. Sau năm 1980, Philippines tuyên bố bãi Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình nhưng trong thời gian dài cũng không công khai, rõ ràng về chủ quyền đối với bãi Scarborough. (6) Năm 1997, Philippines chính thức công khai yêu sách chủ quyền đối với bãi Scarborough trên phương diện ngoại giao, tranh chấp bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines bắt đầu. Từ năm 1997 đến năm 2012, Philippines vẫn kiểm soát trên thực tế bãi Scarborough cho tới khi Trung Quốc đưa tàu công vụ đến đó năm 2012.
Nhìn vấn đề bãi Scarborough từ góc độ luật pháp quốc tế, cả Trung Quốc và Philippines đều có những khiếm khuyết về mặt pháp lí. Trung Quốc tuyên bố sớm hơn, nhưng lại thiếu sự quản lí thực tế; Philippines quản lí thực tế trong thời gian dài, nhưng lại thể hiện công khai ý đồ chủ quyền rất muộn. Trọng tâm tranh chấp giữa hai bên chính ở điểm này, rốt cục thì tuyên bố bằng miệng quan trọng hơn hay quản lí thực tế quan trọng hơn.
VI.7. Thành lập thành phố Tam Sa và việc kiểm soát thực tế của nó ở biển Đông
Tạo lập thành phố Tam Sa
Cùng với Chiến lược biển, Trung Quốc cũng tăng cường khí tài hải quân và đồng thời gia tăng sức mạnh “thực thi pháp luật dân sự” ở biển Đông. Từ góc độ luật quốc tế, việc thực thi pháp luật dân sự của một quốc gia tại một khu vực nào đó có thể thể hiện “chủ quyền quốc gia” tốt hơn so với việc chiếm đóng quân sự, vì nó cho thấy việc quản lí của quốc gia đó đã thành “bình thường” hóa, và cho thấy việc quản lí khu vực đó đã đi vào ổn định. Mặt khác, quản lí dân sự cũng tránh được cáo buộc “dùng vũ lực thay đổi hiện trạng”, dù thực tế đó vẫn là phương thức “uy hiếp”.
Từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy kiểm soát thực tế dân sự ở biển Đông, bao gồm mở rộng phạm vi tuần tra, quấy nhiễu việc khai thác dầu mỏ của nước khác, truy đuổi, bắt giữ tàu cá nước ngoài và quấy nhiễu tàu thuyền nước khác (chẳng hạn sự kiện bãi Cỏ Mây). Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, đánh dấu việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ kiểm soát dân sự ở biển Đông. Ngay từ ngày 29/11/2007, trả lời phỏng vấn “Minh báo” Hong Kong, quan chức ngành tuyên truyền thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam đã tiết lộ: Quốc vụ viện đã phê chuẩn đề nghị của Chính quyền tỉnh Hải Nam, nâng cấp Phòng điều hành Tam Sa thành “Thành phố Tam Sa”. Sau khi biết tin, Việt Nam đã phản đối. Nhưng khi đó Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa. Sách lược thông qua nội bộ trước, chờ thời cơ thích hợp để tuyên bố chính thức là mô thức nhất quán của Trung Quốc xưa nay.
Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2012, trong cuộc đối đầu bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, Trung Quốc đã cướp được Scarborough từ tay Philippines, tinh thần lên cao. Ngày 21/6, Việt Nam thông qua “Luật biển Việt Nam”. Điều 1 trong Luật quy định: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lí và bảo vệ biển, đảo.” Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được chính thức đưa vào Luật, điều này lập tức gây ra phản đối từ Trung Quốc. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố, khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa và vùng biển phụ cận; yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây Sa, Nam Sa là “vô hiệu”. Cũng cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời, nêu rằng việc Quốc hội Việt Nam thảo luận và thông qua “Luật biển Việt Nam” là đúng trình tự lập pháp thông thường, nhằm tạo thuận lợi cho chính quyền Việt Nam trong việc quản lí, khai thác, bảo vệ vùng biển, vùng đảo do Việt Nam kiểm soát, thuận lợi cho Việt Nam trong công tác khai thác kinh tế biển. Thực ra, đưa vùng lãnh thổ đang tranh chấp vào luật pháp là cách mà Trung Quốc đã làm từ lâu: Luật lãnh hải ban bố năm 1994 và Luật vùng đặc quyền kinh tế ban hành năm 1998 đều đã đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào.
Trung Quốc cho rằng, đây là thời cơ thích hợp nhất để công bố thành lập thành phố Tam Sa. Cùng ngày Việt Nam thông qua “Luật biển Việt Nam”, Bộ dân chính Trung Quốc tuyên bố: “Quốc vụ viện Trung Quốc gần đây đã phê chuẩn việc xóa bỏ văn phòng quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, thành lập thành phố Tam Sa, cơ quan chính quyền đặt tại đảo Vĩnh Hưng thuộc Hoàng Sa.” Trung Quốc chọn thời cơ này để thông báo chính thức, khiến người ta có cảm giác đây là biện pháp buộc lòng phải thực hiện do bị Việt Nam ‘khiêu khích’, giành được thế thượng phong trong dư luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động “cáo buộc vô lí” của Trung Quốc, đồng thời “phản đối mạnh mẽ” việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa.
Ngày 17/7, Ủy ban Thường vụ Hội đồng nhân dân khóa 4 tỉnh Hải Nam thông qua “Quyết nghị của Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Nam về việc thành lập Tổ trù bị Hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa”, công tác xây dựng chính quyền Thành phố Tam Sa chính thức được khởi động. Ngày 19/7, Quân Ủy Trung ương trả lời Quân khu Quảng Châu, đồng ý thành lập Khu phòng vệ quân giải phóng Trung Quốc tại Tam Sa tỉnh Hải Nam, chủ yếu phụ trách công tác quân sự và huy động quân dự bị khu vực trực thuộc thành phố Tam Sa, điều phối quan hệ giữa quân đội và địa phương, làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố, giúp đỡ địa phương trong công tác cứu hộ cứu nạn, chỉ đạo hoạt động của dân binh và quân dự bị... Khu phòng vệ Tam Sa là đơn vị lục quân được xây dựng tại vùng cực Nam Trung Quốc, đảm trách nhiệm vụ an ninh lãnh hải trong khu vực này. Cùng ngày, Tổ trù bị Hội đồng nhân dân khóa I thành phố Tam Sa được chính thức thành lập, tiến tới bầu ra 60 đại biểu Hội đồng nhân dân. Ngày 23/7, Đại hội Hội đồng nhân dân khóa I thành phố Tam Sa khai mạc. Sáng 24/7, đại hội thành lập và ra mắt thành phố Tam Sa được cử hành tại đảo Vĩnh Hưng, tấm bia tên thành phố Tam Sa nặng 68 tấn được chính thức khánh thành trên đảo Vĩnh Hưng. Đảng bộ, Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và khu phòng vệ quân giải phóng thành phố Tam Sa treo biển làm việc. Từ đó, Thành phố Tam Sa chính thức được thành lập.
Đồng thời, mã và dấu bưu điện mới bắt đầu được dùng, và tên gọi của ngân hàng, bệnh viện và các tổ chức khác được thay đổi. Kể từ đó, thành phố Tam Sa được chính thức thành lập.
Bên dưới thành phố Tam Sa, Trung Quốc thành lập 3 đơn vị hành chính: quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa và quần đảo Trung Sa. Quần đảo Tây Sa bao gồm Ủy ban quản lí cụm đảo Vĩnh Lạc (nhóm đảo Lưỡi Liềm), Ủy ban quản lí Thất Liên Dữ (chuỗi 7 đảo nhỏ phía bắc đảo Phú Lâm - ND) và Ủy ban quản lí Vĩnh Hưng (trấn), mỗi ủy ban lại phân thành một số “xã [khu]” (cấp thôn). Do quần đảo Nam Sa hơi nhỏ nên chỉ thành lập hai xã là Vĩnh Thử (đá Chữ Thập) và Mĩ Tế (đá Vành Khăn). Còn quần đảo Trung Sa thì ngoài đảo Hoàng Nham ra không có bãi/đá nào lộ trên mặt nước nên chỉ thành lập “trấn ảo quần đảo Trung Sa” cho vùng đất không có thật này.
Việc thành lập Thành phố Tam Sa đánh dấu việc Trung Quốc gia tăng kiểm soát biển Đông. Các hành động lộ rõ nhất là việc hợp nhất các lực lượng công tác biển, tăng cường kiểm soát nghề cá và xây đảo ở biển Đông.
Tăng cường kiểm soát nghề cá
Trước kia, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc gồm nhiều ban ngành, có tên gọi “Ngũ long trị hải”, tức là đội tàu chấp pháp “hải giám” thuộc Cục Hải Dương thuộc Bộ tài nguyên đất đai; đội tàu “ngư chính” thuộc Cục ngư chính Bộ Nông nghiệp; đội tàu “hải tuần” Cục Hải sự thuộc Bộ Giao thông; đội tàu “hải cảnh” thuộc Cục Biên phòng Bộ Công An; và đội tàu chống buôn lậu thuộc Bộ Hải quan. Trong đó, hải giám (do hải quân đảm trách từ những năm 1980) và ngư chính là mạnh nhất, với nhiều tàu viễn dương trọng tải lớn. Vấn đề lớn nảy sinh từ tình trạng nhiều ngành cùng quản lí là đội ngũ quản lí hoạt động manh mún, khép kín khiến việc điều phối và phân công công việc khó khăn. Có những việc thì các ngành tranh giành nhau, có những việc lại đùn đẩy lẫn nhau, dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng chấp pháp.
Ngày 22/7/2013, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc thuộc Bộ Tài nguyên đất đai chính thức treo biển thành lập Cục Hải cảnh Trung Quốc. Cục Hải cảnh chịu sự quản lí của Cục Hải dương quốc gia, đồng thời chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Công an, thực hiện hoạt động chấp pháp vũ trang trên biển theo danh nghĩa Cục Hải cảnh Trung Quốc. Trước kia, lực lượng hải giám và ngư chính mạnh nhất chỉ có quyền thực thi pháp luật dân sự mà không có quyền thực thi pháp luật hình sự; còn lực lượng hải cảnh và chống buôn lậu có quyền thực thi pháp luật hình sự thì chủ yếu phụ trách công việc gần bờ. Nhưng khi hợp nhất thì hải cảnh có cả quyền và năng lực thực thi luật ở biển xa, sức mạnh cũng lớn hơn nhiều. Đồng thời, Trung Quốc còn trang bị đầy đủ hơn cho tàu hải cảnh trọng tải lớn, trong đó chiếc lớn nhất có lượng choán nước hơn 10 000 tấn, vượt qua tàu hải cảnh Nhật Bản để trở thành lớn nhất thế giới, quy mô thậm chí hơn hẳn tàu chiến của một số nước ven biển khác.
Trung Quốc lấy 12° vĩ Bắc làm ranh giới, chia biển Đông thành hai khu vực quản lí nghề cá. Khu 12° về phía Bắc được gọi chung là ngư trường phía Bắc biển Đông, chủ yếu bao gồm Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa và bãi Scarborough. Ngư trường Vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa về cơ bản đều có xung đột với Việt Nam. Khu 12° về phía Nam được gọi chung là ngư trường phía Nam biển Đông, chủ yếu bao gồm quần đảo Trường Sa và các vùng phụ cận thềm lục địa Philippines, Malaysia, Việt Nam. Tình trạng phía Đông và phía Tây có điểm khác biệt. Phía Tây, đặc biệt là khu vực vượt qua hai bên đường 9 đoạn, gần Việt Nam và quần đảo Natuna của Indonesia, thích hợp với hoạt động kéo lưới của tàu cá; phía Đông, do các đảo, bãi nằm san sát, không thích hợp với hoạt động kéo lưới nhưng lại có nguồn tài nguyên phong phú như san hô, rùa biển, trai cỡ lớn,... Ở ngư trường phía Nam nhìn chung có xung đột nghề cá với Philippines, Malaysia và Việt Nam. Do khoảng cách với đất liền Trung Quốc khác nhau nên hình thức xung đột xảy ra cũng không giống nhau.
Tại phía Bắc biển Đông, xung đột nghề cá giữa Trung Quốc và Việt Nam tương đối nổi bật. Sau khi phân định ranh giới Vịnh Bắc bộ, mâu thuẫn nghề cá giữa Trung Quốc và Việt Nam chủ yếu thể hiện ở việc người Việt Nam đánh bắt cá tại quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc truy đuổi, tịch thu (tài sản) và bắt giữ. Theo thống kê của tỉnh Hải Nam Trung Quốc, số tàu cá Việt Nam vào vùng biển Hoàng Sa tăng từ 215 chiếc năm 2003 lên 900 chiếc trong 8 tháng đầu năm 2007, hơn thế ngày càng gần quần đảo Hoàng Sa, số vụ phá hỏng thiết bị của quân sự và dân sự Hoàng Sa ngày càng nhiều, nhân thân ngư dân ngày càng phức tạp, trọng tải tàu ngày càng lớn và thiết bị không ngừng được đổi mới. Từ năm 2004 đến 2012, Cục Ngư chính triển khai tổng cộng 168 lần hoạt động giám sát thường ngày và hoạt động bảo vệ cá đặc biệt ở Hoàng Sa; kiểm tra 69 lượt tàu cá nước ngoài (chủ yếu là Việt Nam), thu giữ 8 tàu cá; truy đuổi 1 293 lượt tàu, thu hơn 900 kg thuốc nổ.
Từ năm 1999, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chế độ cấm đánh bắt cá tại khu vực phía Bắc biển Đông, quy định từ 1/6 đến 1/8 hàng năm (thời gian có thể có chút biến động) ngừng hoạt động đánh cá “trong vùng biển do Trung Quốc quản lí” (12° vĩ bắc về phía bắc), bao gồm cả Vịnh Bắc bộ. Lệnh cấm đánh bắt cá này được coi là biện pháp gia tăng kiểm soát thực tế của Trung Quốc đối với biển Đông, khi mới công bố đã bị Việt Nam phản đối. Tuy nhiên, trước năm 2009, Trung Quốc không thực thi luật pháp nghiêm ngặt đối với tàu thuyền nước ngoài (chủ yếu là tàu thuyền Việt Nam), vì vậy phản ứng của quốc tế không lớn. Bắt đầu từ năm 2009, Việt Nam phản đối việc Trung Quốc bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa đã thu hút sự chú ý của thế giới. Nguyên nhân khác khiến thế giới chú ý là vào tháng 5 năm đó, lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện đường 9 đoạn trong một công hàm gửi Liên Hiệp quốc (xem phần VI.3). Cộng đồng quốc tế bắt đầu đặt câu hỏi, có phải Trung Quốc dùng phương thức bắt giữ tàu cá để thúc đẩy “quyền kiểm soát” trong phạm vi đường 9 đoạn hay không.
Ngày 31/12/2012, Trung Quốc công bố “Điều lệ quản lí trị an biên phòng vùng biển tỉnh Hải Nam”. Trong đó, điều 47 quy định “Đối với các tàu nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc thẩm quyền của tỉnh Hải Nam: ‘Điều lệ’ yêu cầu các đơn vị công an biên phòng thực hiện các biện pháp như lên tàu kiểm tra, bắt giữ, truy đuổi, ra lệnh dừng tàu, đổi hướng tàu, chạy quay trở lại theo luật định.” Điều này làm dấy lên nhiều cuộc bàn luận trong cộng đồng quốc tế. Tháng 5/2013, Trung Quốc công bố lệnh ngừng đánh bắt cá, đơn phương đưa vùng biển rộng lớn gần quần đảo Hoàng Sa và Đông Sa (Pratas), đang tranh chấp với Philippines và Việt Nam vào khu vực quản lí của Trung Quốc, đồng thời bắt giữ tàu cá Việt Nam, khiến Philippines và Việt Nam cùng các nước một lần nữa nghi ngờ và phản kháng.
Tháng 11/2013, tỉnh Hải Nam đưa ra “Biện pháp thực thi Luật nghề cá nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam”, có hiệu lực ngày 1/1/2014, gây ra sự phản đối từ nhiều nước. Philippines cho rằng, đây là hành động làm gia tăng căng thẳng tại biển Đông; Việt Nam gọi điều đó là “phi pháp, vô hiệu lực”, và “yêu cầu Trung Quốc từ bỏ hành động sai trái trên”. Mĩ gọi đây là hành động khiêu khích (provocative) và ẩn chứa nguy cơ. Trung Quốc nói Mĩ “có động cơ thầm kín, và có ý đồ khó lường”. Sự chú ý của mọi người đối với quy định này của tỉnh Hải Nam tập trung ở hai điểm:
Một là, điều 35 của “Biện pháp” quy định rằng “Người và tàu thuyền nước ngoài vào vùng biển do tỉnh quản lí để tiến hành các hoạt động nghề cá hoặc thăm dò tài nguyên nghề cá đều phải được sự phê chuẩn của các ban ngành chủ quản liên quan của Quốc vụ viện”.
Hai là, các ban ngành quản lí nghề cá của Trung Quốc có quyền kiểm tra tàu thuyền nước ngoài.
Thực ra, hai quy định này không có gì mới, nó đã được ghi chép tương tự tại Luật nghề cá của Trung Quốc trong những năm 1980. Hoa Xuân Oánh chỉ ra: “Nếu phía Mĩ chịu khó nghiên cứu ‘Luật lập pháp’, ‘Luật nghề cá’ và ‘Biện pháp thực thi ‘Luật nghề cá’ được soạn ra lần này của tỉnh Hải Nam, cùng thực tế các luật tương ứng thì sẽ thấy quy định về việc tàu cá nước ngoài vào vùng biển do Trung Quốc quản lí trong ‘Biện pháp’ không khác với ‘Luật nghề cá’ được ban hành năm 1986.” Hơn nữa, việc quản lí nghề cá của các nước về cơ bản là giống nhau, đó cũng là chủ quyền quốc gia, việc Mĩ phản đối xem ra là sự gây rối không hợp lí. Tuy nhiên, xét đến tình hình đặc thù của biển Đông, sự lo lắng của Mĩ và các nước xung quanh không phải là không có lí.
Từ góc độ luật pháp, vấn đề lớn nhất trong quy định này của tỉnh Hải Nam là nó không quy định phạm vi cụ thể của “vùng biển do tỉnh Hải Nam kiểm soát” nên không có cách nào thực hiện được ở cấp độ pháp lí. Tàu thuyền đánh cá nước ngoài không biết cái gọi là “vùng biển do tỉnh Hải Nam kiểm soát” rốt cục là chỗ nào, cũng không có cách nào biết được phạm vi hoạt động của mình có nằm trong vùng biển đó hay không. Ngay cả ở những khu vực mà Trung Quốc cho rằng họ có quyền thực thi luật pháp, họ cũng không có cách nào xử phạt tàu thuyền nước ngoài “vi phạm pháp luật”, vì về mặt luật pháp, Trung Quốc không thể chứng minh tàu nước ngoài đi vào “vùng biển do tỉnh Hải Nam kiểm soát”.
Nhìn theo quy định của Trung Quốc về các khu vực thuộc quyền quản lí của tỉnh Hải Nam, thành phố Tam Sa bao gồm toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa (Macclesfield) và bĩa Scarborough. Vì vậy, các nước liên quan không khỏi lo lắng, cái được Trung Quốc gọi là “vùng biển do tỉnh Hải Nam kiểm soát” có củng cố các hành động “bảo vệ quyền lợi” của Trung Quốc tại biển Đông trong mấy năm gần đây ở cấp độ pháp lí hay không? Có phải Trung Quốc sử dụng phương thức “cảnh sát” để cung cấp một ví dụ về việc “kiểm soát thực tế” phạm vi đường 9 đoạn mà Trung Quốc yêu sách, để cộng đồng quốc tế tin rằng “việc kiểm soát thực tế” của Trung Quốc ở biển Đông đã trở thành “hiện trạng” (status quo), từ đó tăng thêm cơ sở pháp lí cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với đường 9 đoạn.
Liên hệ tới việc Trung Quốc vừa mới thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) không phù hợp luật pháp quốc tế trên biển Hoa Đông, truyền thông Trung Quốc cũng hô hào nên thiết lập ADIZ tương tự ở biển Đông, sự lo lắng của các nước không phải là thiếu căn cứ. Khi đến thăm Đông Nam Á, ngoại trưởng Mĩ John Kerry đã có chung nhận thức với nhiều quốc gia biển Đông về vấn đề ADIZ, mong muốn Trung Quốc không lập ADIZ ở biển Đông, và không tiếp tục làm căng thẳng thêm tình hình biển Đông một cách giả tạo, nhưng không nhận được hồi âm từ phía Trung Quốc.
Từ đó có thể thấy, thông qua việc “kiểm soát” hóa một khu vực tranh chấp ở biển Đông để tăng thêm bằng chứng chủ quyền đối với khu vực này là sách lược được Trung Quốc sắp đặt. Theo nghĩa này, mỗi sắc lệnh mới do Trung Quốc công bố có nghĩa là thêm một bằng chứng “kiểm soát” của họ đối với một vùng biển. Mặc dù nói đúng ra, những “bằng chứng” này là không có giá trị theo luật pháp quốc tế để xác định quy thuộc lãnh thổ hay lãnh hải. Tuy nhiên, nếu các nước lân cận hoặc các nước liên quan không lên tiếng phản đối thì rất dễ bị Trung Quốc tuyên bố là đã thừa nhận sự kiểm soát của Trung Quốc, cũng có nghĩa là thừa nhận hiện trạng. Trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, điều này rất có thể bất lợi cho các nước. Vì thế, việc các nước đưa ra phản đối việc này là điều có thể đoán trước, và cũng là hành động bình thường.
Tại phía Nam quần đảo Trường Sa, do khoảng cách xa, địa bàn lại rộng nên Trung Quốc chọn phương thức kiểm soát khác. Về phía Tây, do thực lực của Việt Nam cùng một số nước tương đối mạnh, hải cảnh “bảo vệ quyền lợi” của Trung Quốc chưa đủ lực, có nguy cơ cao xảy ra sự cố với nước ngoài, Sau năm 2013, rất ít tàu cá Trung Quốc đến đánh bắt cá ở đây. Nhưng trong vùng biển phía Đông gần Philippines, với sự hậu thuẫn của hải cảnh (ngư chính), ngư dân Trung Quốc được khuyến khích đến đây đánh bắt.
Do ngư dân Trung Quốc đánh bắt cạn kiệt nguồn cá ven bờ, khiến tài nguyên nghề cá giảm mạnh, họ chỉ có thể đánh bắt tại những nơi ngày càng xa hơn. Ngoài biển Đông ra, tại Hoàng Hải, biển Hoa Đông, thậm chí tận Palau ở Thái Bình Dương xa xôi đã từng xảy ra các vụ ngư dân Trung Quốc bị nước ngoài bắt giữ và xử lí vì đánh bắt trái phép quá mức. Khi đánh bắt ở biển xa, ngư dân Trung Quốc đã dùng phương thức không bền vững để vơ vét vô độ nguồn tài nguyên biển, chẳng hạn sử dụng lưới “tuyệt chủng” (loại lưới có mắt cực nhỏ) và thuốc nổ (ngư dân Việt Nam cũng sử dụng phương thức này). Hơn nữa, mục tiêu của ngư dân Trung Quốc không chỉ là cá mà còn là hải sản quý hiếm được bảo vệ như rùa biển, trai biển, san hô, trai tai tượng ... Hành vi không đếm xỉa đến nguyên tắc bảo vệ môi trường quốc tế này thậm chí còn được chính quyền địa phương khuyến khích. Chẳng hạn, dân đánh bắt chủ lực của thị trấn Đàm Môn luôn có người giao dịch mua bán rùa biển và trai với quy mô lớn. Năm 2012, Hội nghị Hiệp thương chính trị thành phố Quỳnh Hải đã đến thị trấn Đàm Môn khảo sát tình hình phát triển ngành trai tai tượng đã nhận xét “tiềm năng phát triển thị trường rất lớn”, cần “làm lớn, làm mạnh hơn.” Tháng 11 cùng năm, “Hội chợ triển lãm hàng thời thượng quốc quốc tế Trung Quốc” được tổ chức tại Hải Khẩu còn quảng bá “ngọc trai tai tượng đảo Hoàng Nham” là một trong 10 thương phẩm du lịch hàng đầu của Hải Nam, chẳng hề bận tâm về việc giao dịch trai tai tượng là phạm pháp. “Lệnh cấm đánh bắt cá” vào mùa hè hàng năm ở phía Bắc biển Đông của Chính phủ Trung Quốc biến tướng thành việc khuyến khích ngư dân xuống phía biển Đông đánh bắt cá.
Việc khuyến khích ngư dân đến biển Đông đánh bắt cá có thể tạo thành hiện trạng “sản xuất ở Nam Hải”, quan trọng hơn, đó là giúp hải cảnh Trung Quốc tạo thêm ví dụ về “kiểm soát thực tế”. Sau năm 2009, ngư chính (hải cảnh) Trung Quốc bắt đầu tiến sâu vào khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines tại phía Nam biển Đông, quấy nhiễu và truy đuổi tàu thuyền Philippines, hoặc lấy lí do “bảo vệ nguồn cá” để ngăn cản tàu chấp pháp của Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc, với ý đồ tạo ra cảnh tượng giả về kiểm soát thực tế. Nhưng rốt cục, lực lượng hải cảnh Trung Quốc có hạn, không thể giám sát toàn bộ tàu cá Trung Quốc suốt ngày đêm. Vì thế không ít trường hợp ngư dân Trung Quốc bị Philippines bắt giữ. Gặp tình huống này, Trung Quốc dùng áp lực ngoại giao để khẳng định chủ quyền Trung Quốc tại khu vực này và yêu cầu Philippines thả người.
Ví dụ: ngày 7/5/2014, hải cảnh Philippines bắt giữ tàu cá Trung Quốc (Quỳnh Hải 09063) và 11 thuyền viên tại bãi Bán Nguyệt (bãi Trăng Khuyết, Half Moon Shoal). Đó là bãi san hô thuộc Trường Sa, chỉ có một mỏm đá có thể nhô khỏi mặt nước khoảng 1m khi nước dâng cao. Theo Luật quốc tế thì ở bãi này có quyền có lãnh hải, nhưng không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Cả Trung Quốc lẫn Philippines đều tuyên bố chủ quyền tại đây. Do bãi đá này rất nhỏ, lại không có công trình xây dựng bên trên nên rất khó nói bên nào đang kiểm soát thực tế.
Lí do Philippines bắt giữ ngư dân là vì tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép động vật quý hiếm được bảo vệ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Quan chức Philippines phát hiện hơn 500 con rùa biển trên tàu, trong đó có 350 thuộc loại có nguy cơ tuyệt chủng, được LHQ công nhận và được Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) xác định là động vật có nguy có tuyệt chủng (endangered species), bị Philippines cấm đánh bắt. Philippines cũng bắt giữ cùng lúc một tàu cá khác của Philippines. Thuyền viên Trung Quốc lí giải rằng họ không đánh bắt rùa biển, còn đổ thừa rằng số rùa đó là do người Philippines bắt, và họ chỉ là người mua lại. Nhưng, đánh bắt là phi pháp và mua bán loại hải sản này cũng là phi pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa, bao gồm cả bãi Bán Nguyệt và vùng biển phụ cận”, yêu cầu Philippines đưa ra lời giải thích hợp lí đồng thời lập tức thả người và tàu. Nhưng Philippines chấp nhận áp lực, sau khi thả 2 ngư dân chưa đến tuổi thành niên, đã tiến hành khởi tố 9 thuyền viên còn lại với hai tội danh là vi phạm Luật bảo vệ động vật hoang dã và xâm nhập trái phép lãnh thổ, kết án họ 1 năm tù giam. Cho đến ngày 8/6/2015, thẩm phán Ambrosio de Luna của Tòa án lưu động tỉnh Palawan mới kí lệnh thả các ngư dân này vào ngày 8/6.
VI.8. Khủng hoảng tại bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây/ Second Thomas Shoal)
Tháng 7/2012, tiếp sau sự kiện bãi Scarborough, một chiếc tàu hộ vệ Trung Quốc bị mắc cạn trong bãi Trăng Khuyết phía đông nam bãi Cỏ Mây (Hình 74) làm Philippines kinh hoảng. Philippines lo lắng rằng Trung Quốc sẽ chiếm bãi Trăng Khuyết theo cách tương tự như cách họ chiếm đóng bãi Cỏ Mây. Đây là bãi đá gần đảo Palawan nhất trong quần đảo Trường Sa, cách quần đảo Trường Sa khoảng 57 hải lí. Nếu Trung Quốc chiếm được bãi Trăng Khuyết thì sẽ cắt được liên lạc giữa đảo Palawan và bãi Cỏ Mây. May mắn là sau đó hai ngày, tàu bảo hộ Trung Quốc đã tự thoát khỏi mắc cạn. Các lí giải về lần mắc cạn này không như nhau, đó có thể chỉ đơn thuần là mắc cạn nhưng đó cũng có thể là hành động của Trung Quốc dùng để dọa dẫm Philippines.
Giữa lúc Trung Quốc chuẩn bị tiến thêm một bước ở biển Đông thì quan hệ Trung – Nhật xảy ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về đảo Điếu Ngư/Senkaku (xem phần VI.10). Trung Quốc buộc phải hoãn các hành động tại biển Đông lại, dồn sức lực sang đảo Điếu Ngư.
Philippines thua kém Trung Quốc vài thế hệ về sức mạnh quân sự, không thể hy vọng đối chọi với Trung Quốc bằng vũ lực, biện pháp duy nhất có thể chọn lựa là dùng phương thức trọng tài mà Trung Quốc kịch liệt phản đối (xem phần sau). Đơn kiện của Philippines chính thức được phản hồi vào đầu năm 2013. Ngày 24/4/2013, Chánh án Tòa án Luật biển quốc tế Yanai Shunji tuyên bố ủy quyền cho 3 thành viên trọng tài chọn ngày xử kiện. Động thái đó khiến Trung Quốc tức giận, ngày 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oán tuyên bố:
Từ những năm 1970 thế kỉ XX, Philippines đã vi phạm “Hiến chương Liên Hiệp quốc” và các nguyên tắc của Luật quốc tế, xâm chiếm phi pháp một số đảo / bãi trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, bao gồm: đảo Mã Hoan (Vĩnh Viễn); đảo Phí Tín (Bình Nguyên); đảo Trung Nghiệp ( Thị Tứ); đảo Nam Thược (Loại Ta); đảo Bắc Tử (Song Tử Đông); đảo Tây Nguyệt (Bến Lạc); bãi Song Hoàng (Loại Ta Nam) và bãi Tư Lệnh (Công Đo / Commodore). Phía Trung Quốc trước sau kiên quyết phản đối sự xâm chiếm phi pháp của phía Philippines, trịnh trọng nhắc lại yêu cầu phía phía Philippines rút hết người và thiết bị khỏi các đảo bãi của Trung Quốc.
Hình 74: Bản đồ vùng phụ cận bãi bãi Cỏ Mây và bãi bãi Trăng Khuyết
Trong 8 đảo nhỏ mà Trung Quốc liệt kê là do Philippines chiếm đóng không có bãi Cỏ Mây. Điều đó dẫn đến suy đoán thái độ của Trung Quốc về bãi Cỏ Mây như sau: phải chăng Trung Quốc không công nhận sự kiểm soát thực tế của Philippines đối với bãi Cỏ Mây? Hay Trung Quốc có ý đuổi Philippines khỏi bãi Cỏ Mây? Quả nhiên, ngày 7/5, Philippines phát hiện thấy một chiếc tàu khu trục hải quân và hai tàu hải giám Trung Quốc cách Cỏ Mây 6 hải lí. Sau đó Philippines phái 3 tàu chiến (tàu tuần tra PS36, tàu khu trục PS47 và tàu chở quân PS71) đến Cỏ Mây nhưng đều bị tàu Trung Quốc chặn giữa đường.
Ngày 9/5, tại vùng biển phía Đông Bắc Philippines, tàu chấp pháp Philippines đã bắn vào tàu cá Quảng Đại Hưng số 28 của Đài Loan làm 1 người thiệt mạng. Mặc dù sự việc không xảy ra tại biển Đông, không liên quan trực tiếp đến Bắc Kinh, Đài Loan cũng tuyên bố không muốn Bắc Kinh nhúng tay, nhưng Bắc Kinh vẫn thể hiện thái độ cứng rắn. Tình hình biển Đông càng trở nên căng thẳng.
Ngày 10/5, Philippines phản đối Trung Quốc về sự kiện bãi Cỏ Mây, Trung Quốc phớt lờ. Trong hơn 10 ngày tiếp sau, tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu nhau tại khu vực gần bãi Cỏ Mây. Mãi đến ngày 22/5, Trung Quốc mới đáp trả:
Bãi Nhân Ái là một phần của quần đảo Nam Sa. Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi tại quần đảo Nam Sa và các vùng biển phụ cận. Việc tàu công vụ Trung Quốc tiến hành hoạt động tuần tra bình thường trên vùng biển liên quan là điều không thể trách được. Trung Quốc đề nghị các nước liên quan tích cực thực hiện đầy đủ “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải”, không sử dụng các hành động làm mở rộng, phức tạp hóa tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Nam Hải.
Về nguyên nhân đối đầu, ý kiến hai bên không giống nhau. Phía Trung Quốc cho rằng, tàu chiến Philippines “mắc cạn phi pháp” trên bãi Cỏ Mây lâu ngày không sửa chữa, có dấu hiệu chìm, do vậy Philippines vội vàng đưa tàu chiến ra chi viện, với ý đồ tăng cường sự hiện diện trên bãi Cỏ Mây vì thế Trung Quốc không thể không ngăn cản. Phía Philippines cho rằng, họ phát hiện thấy tàu hải giám và tàu chiến Trung Quốc tiến vào bãi Cỏ Mây trước rồi mới phái tàu chiến đến giám sát; rằng tàu chiến Philippines tiến vào bãi Cỏ Mây là để tiếp tế cho quân lính, đó là việc làm bình thường. Sau đó, Philippines cho biết thêm, tàu cá Trung Quốc tiến vào bãi Cỏ Mây đánh bắt cá dưới sự yểm trợ của tàu chiến và tàu hải giám cũng là nguyên nhân dẫn đến đối đầu. Theo điều tra, ngày 6/5 thực sự có đoàn tàu Trung Quốc xuất phát từ Hải Nam, nghênh ngang tiến vào biển Đông đánh bắt cá nhưng mãi tới ngày 12/5 mới tới vùng biển nằm giữa bãi Scarborough và bãi Cỏ Rong (Reed Tablemount (14° 00’ N, 117° 14’ E). Khi cuộc đối đầu bắt đầu diễn ra, đoàn tàu này chưa đến bãi Cỏ Mây. Nguyên nhân khiến Trung Quốc lựa chọn để đối đầu với Philippines tại bãi Cỏ Mây nhiều khả năng là vì bãi Cỏ Rong. Năm 2011, Philippines và công ty dầu khí Mĩ hợp tác thăm dò và đồng ý khai thác bãi Cỏ Rong, nhưng việc khai thác bị dừng lại do sự phản đối của Trung Quốc (xem phần VI.5). Bãi Cỏ Mây nằm ở phía Nam bãi Cỏ Rong, nếu Trung Quốc kiểm soát được Cỏ Mây thì sẽ kiểm soát được bãi Cỏ Rong hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất là: một, trả đũa việc Philippines đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra Tòa án quốc tế; hai, bãi Cỏ Mây là đảo duy nhất do Philippines chiếm cứ chưa có công trình kiên cố, việc kiểm soát rất yếu ớt, giả sử Philippines định xây dựng công trình kiên cố thì Trung Quốc phải ngăn chặn việc sự hiện diện kiểu lâu bền của họ ở bãi Cỏ Mây; ba, Trung Quốc có động cơ chiếm lấy bãi Cỏ Mây.
Sau khi thừa nhận đối đầu tại bãi Cỏ Mây, Trung Quốc lập tức tạo thế từ dư luận, đồng thời mở rộng phong tỏa bãi Cỏ Mây. Bên cạnh việc giám sát của hải quân và hải giám, Trung Quốc còn đưa hơn 30 tàu cá đến bao vây khu vực phụ cận Cỏ Mây, tăng thêm khả năng ngăn chặn tàu Philippines đến gần.
Ban đầu, Philippines giữ thái độ cứng rắn. Ngày 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin tuyên bố: “Bãi Cỏ Mây thuộc về Philippines không có tranh chấp” và nói thêm: “Chúng tôi sẽ chiến đấu vì lãnh thổ của mình cho đến người lính cuối cùng.”
Tuy nhiên, Philippines không dám xung đột trực diện với Trung Quốc, mặc dù các tàu chiến đã đối đầu tại khu vực gần đó nhưng Philippines không dám xông tới, và việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao trở thành lối thoát duy nhất.
Một mặt, Philippines nhường nhịn Trung Quốc: trước hết tỏ thái độ mềm mỏng, tuyên bố không hành động đơn phương. Ngày 27/5, người phát ngôn Phủ Tổng thống Walter tuyên bố: “Để tránh căng thẳng tại bãi Cỏ Mây, Chính phủ Philippines quyết định không thực hiện bất kì hành động nào.” Đồng thời, ngư dân được khuyến cáo không nên đến đánh bắt trong khu vực gần bãi Cỏ Mây. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đảm bảo với Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh rằng, tàu đến bãi Cỏ Mây chỉ là để tiếp tế lương thực, Philippines không có kế hoạch xây dựng công trình kiên cố tại đây.
Mặt khác, Philippines kêu gọi kêu gọi cộng đồng quốc tế và dư luận quốc tế giúp đỡ. Trước hết, khi trả lời phỏng vấn hãng Reuters, quan chức quân đội cao cấp Philippines nói, lính thủy đánh bộ Philippines trên bãi Cỏ Mây hiện chỉ nấu ăn bằng một máy phát điện. Liên lạc vô tuyến tầm xa phải dùng ắc quy, máy phát điện hết nhiên liệu, ắc quy chưa nạp đủ điện là một “thách thức cực kì khắc nghiệt”. Hơn thế, nguồn vật tư trên tàu chỉ đủ dùng trong hai tuần. Đồng thời, Philippines công bố hình ảnh binh lính phòng thủ trên tàu để tranh thủ sự đồng cảm. Hai là, ngày 2/6, khi Đối thoại Shangri La nhóm họp tại Singapore, Philippines tuyên bố sẽ tranh thủ cơ hội này để luận bàn toàn diện vấn đề biển Đông, trong đó có bãi Cỏ Rong và tố cáo Trung Quốc ỷ lớn hiếp nhỏ. Thứ ba, Philippines tìm kiếm sự trợ giúp quân sự từ Mĩ. Mĩ, Philippines và nhiều nước ASEAN quyết định diễn tập quân sự vào hạ tuần tháng 6, tại khu vực cách bãi Scarborough khoảng 190 km, quy mô diễn tập lớn nhất trong lịch sử. Philippines cũng tìm kiếm sự trợ giúp từ Nhật Bản. Nhật Bản hứa cho Philippines 10 tàu tuần duyên nhằm cải thiện năng lực tuần tra biển.
Không khí quốc tế khi đó cũng thuận lợi cho Philippines. Trung Quốc và Nhật Bản đã trong tình trạng sẵn sàng đối đầu trong vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku), trở thành sự kiện ngoại giao, quân sự quan trọng nhất. Mặc dù Trung Quốc dùng tàu hải giám, thậm chí là tàu chiến đến “tuần tra” dọc vùng đảo Điếu Ngư, nhưng không có cách nào đột phá được bên trong, cũng không có cách nào ép được Nhật Bản thừa nhận đảo Điếu Ngư đang trong tình trạng tranh chấp lãnh thổ. Ngược lại, Nhật Bản lợi dụng mâu thuẫn lãnh thổ giữa Trung Quốc với ASEAN, thậm chí cả với Ấn Độ, ra sức xây dựng vòng vây “ giá trị chung” và “lợi ích chung”.
Sau khi xảy ra sự kiện đối đầu tại bãi Cỏ Mây, cộng đồng quốc tế liên hệ với sự kiện bãi Scarborough một năm trước đó và cho rằng đây là điểm nóng mới của việc Trung Quốc “hiếp đáp” các nước láng giềng. “Hiếp đáp” là loại phương thức dùng gần như vũ lực có sự hậu thuẫn của vũ lực để dọa nạt, được xem là thủ đoạn phi hòa bình. Philippines nhờ đó mà chiếm được sự đồng tình của dư luận quốc tế.
Mặc dù Việt Nam và Philippines cũng có tranh chấp lãnh thổ nhưng về cơ bản đã đạt được thỏa thuận giải quyết hòa bình. Hành động của Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây khiến Việt Nam cảm thấy bất an, vì rằng đá Tiên Nữ (Pigeon Reef) do Việt Nam kiểm soát thực tế cách bãi Cỏ Mây không xa. Việt Nam và Ấn Độ tuyên bố tập trận chung vào ngày 8/6, đây được coi là một kiểu ủng hộ Philippines. Khi đó, Trung Quốc cũng xảy ra đối đầu với Ấn Độ tại Ladakh. Như vậy, trước Đối thoại Shangri La diễn ra hàng năm, Trung Quốc cùng một lúc có xung đột lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ, chịu áp lực nặng chưa từng có.
Thái độ của Mĩ khi đó trở thành mấu chốt. Mĩ và Philippines là đồng minh quân sự, cũng là hai nước luôn phản đối giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp phi hòa bình. Sau khi vụ đối đầu ở bãi Cỏ Mây, Mĩ nhiều lần nhắc lại quan điểm mong muốn vấn đề biển Đông được giải quyết bằng phương thức hòa bình. Trong hai ngày 22 và 23 tháng 5, nhóm tác chiến tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân “Nimitz” của hải quân Mĩ rầm rộ tiến vào biển Đông, tiến hành tập trận gần vùng biển Philippines với các hạng mục có tính trực diện, mạnh bạo như yểm trợ tàu vận chuyển, chi viện trên không và trên biển cho binh lính canh giữ đảo, bắn trả tàu. Tuy địa điểm diễn tập không gần bãi Cỏ Mây, nhưng đã phát đi tính hiệu phản đối Trung Quốc rõ ràng. Điều quan trọng nhất là, Tổng thống Obama đã mời Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến dinh ông ở California để hội đàm vào đầu tháng 6. Đây được coi là cuộc hội đàm có tính then chốt đối với việc Trung Quốc và Mĩ chính thức xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” hoặc cấu trúc G2. Quan hệ nước lớn kiểu mới khác với “kiểu cũ” là “không xung đột”. Vì vậy, Trung Quốc không muốn làm hỏng bầu không khí hội đàm.
Do đó, ngày 29/5, Trung Quốc và ASEAN tiến hành họp Nhóm công tác chung lần thứ 8 về thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” (8th ASEAN-China Joint Working Group (JWG) on Implementation of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea). Chi tiết cuộc họp không được công bố, nhưng theo Trung Quốc, Hội nghị khẳng định rõ việc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” đạt được những tiến triển tích cực năm 2012, các bên nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả, toàn diện “Tuyên bố”. Trước Đối thoại Shangri La, mặc dù Trung Quốc và Philippines liên tục đối đầu tại bãi Cỏ Mây nhưng không leo thang: Philippines không làm liều vận chuyển vật tư đến bãi Cỏ Mây, còn Trung Quốc cũng không lựa chọn những hành vi quá khích.
Phiên họp Đối thoại Shangri La diễn ra từ ngày 2-4/6 đã không có nhưng cảnh nóng như dự kiến. Các bên liên quan đều thể hiện lo ngại ở các mức độ khác nhau trước việc Trung Quốc dùng thủ đoạn uy hiếp để mở rộng phạm vi kiểm soát thực tế. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị các bên liên quan nên xem xét kí kết hiệp ước “không sử dụng vũ lực trước”. Tuy nhiên, cách nói của các bên đều mềm mại. Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Thích Kiến Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gasmin lần lượt phát biểu trong cùng một ngày, đều không đề cập trực tiếp đến sự kiện bãi Cỏ Mây, còn khi trả lời câu hỏi cũng dừng ở đó. Thích Kiến Quốc nhấn mạnh hòa bình về ranh giới biển, thậm chí nguy cấp hơn là về vấn đề đảo Điếu Ngư, ông cũng nhắc lại chính sách “gác tranh chấp”. Với sự đồng thuận ngầm của tất cả các bên, Đối thoại Shangri La đã tạo điều kiện cho việc giải quyết hòa bình sự kiện bãi Cỏ Mây. Sau đó, Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Hoa Kì tại California, Obama nhấn mạnh với Tập Cận Bình tầm quan trọng trong việc giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông. Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Dưới tác động của nhiều nhân tố, ngày 19/6, Tổng Tư lệnh Philippines đột nhiên tuyên bố, thông qua một phân đội hải quân nhỏ, quân đội đã thực hiện thành công tiếp tế vật tư và luân chuyển người ở bãi Cỏ Mây. Ông nhấn mạnh, không gặp phải tàu Trung Quốc; việc bổ sung vật tư và luân chuyển thực hiện định kì, ngoài bãi Cỏ Mây, cũng được tiến hành tại tất cả các đảo do Philippines kiểm soát. Ông còn nói, Philippines có thể tự do thực hiện bất kì hành động nào trên bãi này mà không cần thông báo cho phía Trung Quốc, vì đó là “của chúng tôi”. Đương nhiên, ông cũng đảm bảo với Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh rằng Philippines không có ý định xây dựng công trình kiên cố trên bãi Cỏ Mây.
Trung Quốc thì nói: việc tiếp tế vật tư và luân chuyển lực lượng của Philippines phải được tiến hành dưới sự giám thị của tàu Trung Quốc. Ngày 24, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc không thừa nhận “ngồi trên bãi” là một dạng phương thức kiểm soát thực tế. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, Philippines phải thực hiện lời hứa dừng hành vi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng bãi Cỏ Mây được giải quyết một cách kịch tính trong âm thầm.
Căn cứ vào lời nói của hai bên thì Philippines và Trung Quốc rõ ràng đã đạt được một số thỏa thuận: Philippines hứa không xây dựng công trình kiên cố trên bãi Cỏ Mây, còn Trung Quốc cũng đồng ý chỉ quan sát mà không ngăn cản hải quân Philippines tiếp tế vật tư lên đảo. Như vậy, cả hai bên đều có thể đưa ra cách giải thích có lợi cho mình: phía Philippines, “khi tiếp tế vật tư và luân chuyển quân không gặp phải tàu Trung Quốc”, còn phía Trung Quốc cũng có thể xác nhận “Philippines tiến hành tiếp tế vật tư và luân chuyển quân dưới sự giám thị của tàu Trung Quốc”. Trung Quốc nói Philippines cần phải thực hiện lời hứa kéo tàu chiến rời đi. Không biết chính xác Philippines đã hứa hẹn cụ thể thế nào, nhưng đại thể có hứa sẽ kéo tàu chiến đi, nhưng không định rõ thời hạn. Còn việc “ngồi trên bãi” có được coi là kiểm soát thực tế hay không, hai bên có ý kiến khác nhau, đây là một ví dụ khác về “mỗi bên mỗi phách”. Nhưng trong mọi trường hợp, theo cách nhìn của bên thứ ba, sau khi thực hiện việc tiếp tế vật tư và luân chuyển quân ở bãi Cỏ Mây thì Philippines đã củng cố hơn nữa quyền kiểm soát của mình đối với bãi này, đó là một thực tế không thể chối cãi. Philippines cũng đã tiến thêm một bước trong việc giám sát vùng biển gần bãi Cỏ Mây.
Sự khác và giống nhau giữa hai sự kiện đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough) và bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây)
Nhiều chuyên gia Trung Quốc dự đoán, Trung Quốc sẽ không cho Philippines tiếp tế vật tư, thậm chí còn cho rằng Trung Quốc sẽ cưỡng ép kéo tàu chiến Philippines đi, nhằm biến bãi Cỏ Mây thành “bãi Scarborough thứ hai”. Những luận điệu đánh đồng kiểu đó đã bỏ qua sự khác nhau về bản chất giữa hai sự kiện.
Trước hết, bãi Cỏ Mây rõ ràng nằm trong phạm vi Hiệp ước quân sự Mĩ - Philippines. Năm 1951, Mĩ và Philippines đã kí “Hiệp ước phòng vệ chung” liên minh quân sự (Mutual Defense Treaty), quy định hai bên có nghĩa vụ bảo vệ về quân sự cho nhau. Việc Trường Sa có thuộc phạm vi “Hiệp ước phòng vệ chung Mĩ - Philippines” hay không vẫn còn mơ hồ. Điều 5 quy định khi một nước bị nước khác tấn công trong 3 phạm vi dưới đây thì nước kia có nghĩa vụ cùng bảo vệ về quân sự: (1) lãnh thổ chính của Philippines và Mĩ; (2) các đảo thuộc quyền tài phán của mỗi bên trên biển Thái Bình Dương; (3) quân đội, tàu biển và máy bay dân dụng của mỗi bên trên biển Thái Bình Dương.
For the purpose of Article IV, an armed attack on either of the Parties is deemed to include an armed attack on the metropolitan territory of either of the Parties, or on the island territories under its jurisdiction in the Pacific or on its armed forces, public vessels or aircraft in the Pacific.
(Cho mục đích của Điều IV, một cuộc tấn công vũ trang được coi là nhằm vào một trong hai bên bao gồm một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lãnh thổ chính của một bên trong hai bên, hoặc nhằm vào lãnh thổ các đảo nằm dưới quyền tài phán của bên đó, hoặc nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hay máy bay dân dụng của bên đó ở Thái Bình Dương.)
Vậy, quần đảo Trường Sa có nằm trong phạm vi này hay không? Trong những năm 1990, Kissinger đã từng giải thích bằng điện tín như sau: Năm 1951, khi Hiệp ước này được kí kết, Philippines chưa chính thức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa; hơn nữa, quần đảo Trường Sa cũng không nằm trong phạm vi Tây Ban Nha chuyển nhượng cho Mĩ, theo quy định của “Hiệp ước Paris”. Vì thế phạm vi (1) và (2) đều không phù hợp với yêu cầu, có chăng chỉ duy nhất là phạm vi (3).
Trong thư gửi Ngoại trưởng Philippines ngày 6/1/1979, Ngoại trưởng Mĩ Cyrus Vance bày tỏ, địa điểm tấn công quân sự, tàu thuyền công cộng và máy bay được nói tới trong (3) không nhất thiết nằm trong phạm vi (1) và (2):
..as provided in Article V, an attack on Philippine armed forces, public vessels or aircraft in the Pacific would not have to occur within the metropolitan territory of the Philippines or island territories under its jurisdiction in the Pacific in order to come within the definition of Pacific area in Article V.
(.....như quy định tại điều V, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hay máy bay dân dụng ở Thái Bình Dương không buộc phải xảy ra trong lãnh thổ chính của Philippines hay lãnh thổ các đảo dưới quyền tài phán của nó trong Thái Bình Dương để nằm vào định nghĩa khu vực Thái Bình Dương ở điều V .)
Trong thư gửi Ngoại trưởng Philippines ngày 24/5/1999, Đại sứ Mĩ tại Philippines Thomas C. Hubbard viết rằng Mĩ tiếp tục giữ vững lập trường đã nêu năm 1979, và Mĩ cho rằng biển Đông thuộc khu vực Thái Bình Dương (the US considers the South China Sea be Part of the Pacific Area). Sau đó, Ngoại trưởng Mĩ Hillary Clinton nhiều lần nhắc lại rằng Mĩ sẽ tuân thủ nghĩa vụ của “Hiệp ước phòng vệ chung Mĩ - Philippines”.
Theo bức điện tín của Kissinger, giống như quần đảo Trường Sa, bãi Scarborough cũng không nằm trong phạm vi (1) và (2). Hơn nữa, khi đó chưa có quân đội Philippines trú đóng ở bãi Scarborough, và Trung Quốc cũng chưa tấn công (chỉ là đối đầu) tàu Philippines. Do đó, Mĩ không có nghĩa vụ trợ giúp Philippines phòng vệ bãi Scarborough. Nhưng, tình huống của bãi Cỏ Mây có điểm khác biệt: dù nó không nằm trong phạm vi (1) và (2) nhưng Philippines có tàu chiến đậu tại đó, thuộc lực lượng vũ trang Philippines, phù hợp với quy định của phạm vi (3). Nếu Trung Quốc dùng vũ lực lên đảo kéo hoặc tiêu hủy tàu sẽ cấu thành việc tấn công vũ trang đối với Philippines, động chạm đến phạm vi (3), và Mĩ có thể can thiệp theo “Hiệp ước phòng vệ chung Mĩ - Philippines”.
Điều đáng chú ý là, năm 1951, khi “Hiệp ước phòng vệ chung Mĩ - Philippines” được kí kết thì chưa có xung đột biển Đông. Trong hơn 60 năm sau đó, Hiệp ước này cũng chưa mở rộng phạm vi và nghĩa vụ, vì thế không thể nói Hiệp ước này cố ý nhằm vào Trung Quốc hay quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, do sự tồn tại của Hiệp ước này nên Mĩ phải có nghĩa vụ can thiệp vào vấn đề biển Đông theo các quy định của Hiệp ước, đó không phải là chính sách nhất thời. Philippines và Mĩ không thể đứng ngoài Hiệp ước này, trừ khi họ xóa bỏ hoặc sửa đổi nó. Vì thế, để ngăn chặn Mĩ can thiệp, Trung Quốc quá lắm chỉ có thể sử dụng phương thức chặn trước, không thể liều lĩnh xông vào, trừ khi Trung Quốc quyết định không ngần ngại xung đột trực diện với Mĩ.
Thứ hai, bãi Cỏ Mây rõ ràng nằm trong phạm vi “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”. “Không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những đảo hiện không có người sinh sống” ghi trong điều 5 của “Tuyên bố”, đó là một tiêu chuẩn rõ ràng, có tác dụng ngăn chặn hành động lấn chiếm đảo của các bên trên biển Đông. Mặc dù “Tuyên bố” không có hiệu lực pháp lí, nhưng nó là thỏa thuận quan trọng duy nhất mà Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được, và cũng được Trung Quốc và ASEAN nhấn mạnh cần tuân thủ.
Phạm vi địa lí được quy định trong “Tuyên bố” là “biển Đông”, lí giải theo câu chữ tức là toàn bộ biển Đông, các nước ASEAN cũng hiểu theo nghĩa này. Nhưng, Trung Quốc lại cho rằng, “Nam Hải” (biển Đông) là chỉ những khu vực có tranh chấp, tức là quần đảo Trường Sa chứ không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và đảo bãi Scarborough cũng đang có tranh chấp. Vì vậy, theo cách diễn giải đơn phương của Trung Quốc, bãi Scarborough không thuộc phạm vi hiệu lực của “Tuyên bố”, cho nên việc Trung Quốc chiếm bãi Scarborough là không vi phạm “Tuyên bố”. Cách diễn giải của Trung Quốc cũng không hoàn toàn vô lí. Nhưng, bãi Cỏ Mây là một phần của quần đảo Trường Sa, thuộc phạm vi bao phủ của “Tuyên bố” mà Trung Quốc cũng thừa nhận. Do đó, nếu chiếm đoạt bằng vũ lực chắc chắn là vi phạm “Tuyên bố”.
Để giành thế chủ động về mặt pháp lí, Trung Quốc quay sang cáo buộc việc Philippines vi phạm “Tuyên bố”. Trước tiên, Trung Quốc cáo buộc việc tàu chiến Philippines mắc cạn trên bãi Cỏ Mây là vi phạm “Tuyên bố”. Nhưng lời chỉ trích và tố cáo này không đứng vững được, vì rằng tàu chiến mắc cạn trước (năm 1999) còn “Tuyên bố” được kí kết sau (năm 2002). “Tuyên bố” không có hiệu lực hồi tố. Bắt đầu từ năm 1999, tàu chiến Philippines đã mắc cạn ở đó, đồng thời có người canh giữ, vì thế nó thuộc cấu trúc “có người ở” tự nhiên. Trung Quốc tranh luận: “mắc cạn” không được tính là “cư trú” theo nghĩa thông thường, chỉ được tính khi có công trình xây dựng kiên cố. Cách diễn giải này gây nhiều tranh chấp, nhưng ngay cả tuân theo logic này, khi Philippines chỉ vận chuyển vật tư và luân chuyển lực lượng mà không xây dựng đảo bằng công trình kiên cố thì không tính là vi phạm “Tuyên bố”. Kết quả là Trung Quốc không có căn cứ để hành động chống Philippines. Trung Quốc không có cách nào để làm gì thêm đối với Bãi Cỏ Mây mà không vi phạm Tuyên bố.
Cuối cùng, nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế thì tình cảnh của Trung Quốc đã khác hẳn so với một năm trước đó. Bãi Scarborough chỉ là trường hợp xung đột đầu tiên của Trung Quốc tại biển Đông, khi đó khu vực xung quanh Trung Quốc chưa biến thành thùng thuốc súng. Nhưng sau đó, Trung Quốc đã tấn công mọi hướng, xung đột lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Ấn Độ. Các nước này chung tay đối phó với Trung Quốc là điều không tránh khỏi. Nhật Bản và Philippines kết thành một tuyến, Việt Nam và Ấn Độ cũng kết thành một tuyến, chưa kể Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh của Mĩ, còn Nga là người ủng hộ vô hình phía sau Việt Nam và Ấn Độ. Tình hình quốc tế rất bất lợi cho Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc luôn cáo buộc Philippines là “kẻ gây rối” nhưng Philippines vẫn luôn chủ trương giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua Tòa án quốc tế, điều đó hết sức phù hợp với kì vọng của cộng đồng quốc tế. Ngược lại, hành vi trong năm đó của Trung Quốc bị thế giới cho là nguyên nhân gây ra bất ổn ở Đông Á, rất bất lợi trước dư luận quốc tế. Trong bối cảnh đó, chính sách tái cân bằng Châu Á nhận được sự hoan nghênh của các nước, trừ Trung Quốc. Trung Quốc càng cứng rắn trước vấn đề biển Đông thì càng làm cho các nước Đông Nam Á ủng hộ sự can dự của Mĩ. Nguy cơ Trung Quốc đối đầu với một dạng hầu như liên minh các nước Châu Á – Thái Bình Dương do Mĩ cầm đầu càng lên cao. Trung Quốc chỉ có thể tạm thu mình.
Ngoài ra, chiến lược trọng tâm của Trung Quốc là xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, nhằm trở thành đồng lãnh đạo của thế giới. Vì thế, Trung Quốc không những cần phải hợp tác với Mĩ mà còn cần phải xây dựng hình ảnh tích cực trên phạm vi toàn cầu. Dưới tiền đề đó, Trung Quốc chắc chắn không thể phá vỡ đại cục chỉ vì mấy đảo / đá cỏn con. Hơn nữa, tình thế biển Đông vốn xưa nay đã là vấn đề quốc tế phức tạp khác thường, không thể giải quyết dựa trên bãi Cỏ Mây, đương nhiên cần tạm gác lại. Huống chi khi đó Trung Quốc đang chuẩn bị xây đảo nhân tạo (xem phần VI.12), bãi Cỏ Mây không phải là chuyện cấp bách.
Do đó, hành động đối đầu của Trung Quốc không nhất thiết là chiếm đoạt bằng được bãi Cỏ Mây mà chỉ là trả đũa việc Philippines khởi kiện tại Tòa quốc tế. Nhìn lại trình tự sự kiện đối đầu: ngày 24/4 công bố thành lập Tòa trọng tài; ngày 26 Hoa Xuân Oánh liệt kê các đảo do Philippines kiểm soát thực tế không bao gồm bãi Cỏ Mây, điều này có thể là do nhìn thấy điểm yếu tương đối về mặt kiểm soát thực tế bãi Cỏ Mây của Philippines (không có công trình kiên cố); sau khi nghiên cứu, Philippines quyết định xây thêm công trình kiên cố, vì vậy Trung Quốc tiến hành ngăn chặn. Có thể thấy, điểm mấu chốt của Trung Quốc chính là ngăn Philippines xây dựng công trình kiên cố. Trên cơ sở đó, nếu giành được đảo thì đương nhiên là điều tốt, nếu không thì cũng có thể chấp nhận. Suy đoán đó sau này cũng được các chuyên gia Trung Quốc xác nhận.
Sự kiện đối đầu bãi bãi Cỏ Mây kết thúc như dự đoán. Trung Quốc về cơ bản đạt được mục tiêu của mình: (1) trả đũa hành động khởi kiện Tòa trọng tài của Philippines; (2) lần đầu tiên Trung Quốc nêu việc bãi Cỏ Mây chưa do Philippines kiểm soát thực tế, đặt cơ sở cho những hành động tiếp theo có thể thực hiện sau này; (3) Trung Quốc xác định tàu chiến Philippines trên bãi Cỏ Mây là tàu bị nạn, bác bỏ sự hiện diện quân sự kéo dài 14 năm của Philippines là hành động chiếm đóng, chính thức lí giải sự hiện diện của Philippines trên bãi Cỏ Mây; (4) Trung Quốc nhấn mạnh rằng chỉ khi có sự cho phép của chính họ, Philippines mới có thể vận chuyển vật tư ra bãi Cỏ Mây và sau đó cho rằng họ nắm quyền kiểm soát thực tế bãi đá này; (5) Trung Quốc thành công trong việc ngăn chặn Philippines xây dựng công trình kiên cố, giữ nguyên hiện trạng bãi Cỏ Mây.
Mặt khác, Philippines cũng không phải là kẻ thua cuộc, vì: (1) thành công trong việc vận chuyển vật tư và luân chuyển quân, tiếp tục hiện diện trên bãi Cỏ Mây và duy trì hiện trạng bãi này; (2) nhấn mạnh mình đã trú đóng 14 năm tại bãi Cỏ Mây, hiện vẫn có thể vận chuyển vật tư và luân chuyển quân để chứng minh cho việc kiểm soát thực tế; (3) lần đầu tiên quan chức Trung Quốc thừa nhận Philippines kiểm soát thực tế 8 đảo.
Cách giải thích rằng mỗi bên đều có cái được, không có bên thua nghe ra có vẻ mâu thuẫn. Nhưng đây thực sự là hai mặt của một đồng xu, cũng là ví dụ về việc “mỗi bên mỗi phách” trong ngoại giao.
Mặc dù sau đó Trung Quốc tiếp tục tố cáo Philippines nhưng sự kiện bãi Cỏ Mây đã kết thúc một giai đoạn. Tháng 8/2014, Philippines lại tiến hành vận chuyển vật tư và luân đổi lực lượng nhưng không vấp phải sự ngăn chặn của Trung Quốc. Tuy tàu hải giám Trung Quốc giám sát gần, nhưng không có hành động thù địch nào.. Dù vậy, bãi Cỏ Mây vẫn đầy thách thức với Philippines, làm thế nào để bảo vệ con tàu cũ kĩ trong thời gian dài trên bãi đá để tàu không bị chìm và tiếp tục có người ở là việc không hề dễ.
VI.9. Vụ trọng tài biển Đông: Philippines kiện Trung Quốc
Khái quát tình hình
Để đối đầu với Trung Quốc, Philippines chọn biện pháp đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế. Ngay từ năm 2011, Philippines là nước đầu tiên đã đề ra khả năng dùng phương thức trọng tài để xác định tính hợp pháp của đường 9 đoạn (xem phần VI.3). Trong cuộc khủng hoảng bãi Scarborough, Philippines cũng nhiều lần đề cập đến khả năng thông qua các dạng trọng tài quốc tế để giải quyết. Trung Quốc trước sau như một đều giữ thái độ bác bỏ Tòa trọng tài. Để ngăn chặn Philippines, tháng 10/2012, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã có chuyến công du đặc biệt đến Manila, cảnh báo Philippines về sự kiện bãi Scarborough: một là, không được đưa vấn đề tranh chấp ra Liên Hiệp quốc; hai là, không được quốc tế hóa vấn đề, kể cả đưa vấn đề ra các diễn đàn ASEAN thảo luận; ba là, không được hợp tác với các nước khác (chẳng hạn như Mĩ); bốn là, không được công khai trên truyền thông công cộng các sự việc liên quan đến các cuộc đàm phán và thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines. Rõ ràng, điều đó đồng nghĩa với việc yêu cầu Philippines ngầm chấp nhận sự thay đổi hiện trạng bãi Scarborough, tức là chuyển quyền kiểm soát thực tế từ Philippines sang Trung Quốc. Philippines đương nhiên không chấp nhận.
Ngày 22/1/2013, Ngoại trưởng Philippines Rosario chính thức tuyên bố trong cuộc họp báo: Theo quy định tại Điều 287 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Philippines đã chính thức khởi kiện tại Tòa Luật biển quốc tế (ITLOS) theo thủ tục nêu trong Phụ lục 7, yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết trọng tài đối với yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông. Do Trung Quốc từ chối không tham gia vụ kiện nên ngày 23/3, Chánh án Tòa trọng tài biển là thẩm phán người Nhật Bản Shunji Yanai đã căn cứ vào thủ tục trong Phụ lục 7 chỉ định thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan làm trọng tài cho phía Trung Quốc, đồng thời chỉ định thẩm phán Rudiger Wolfrum người Đức làm trọng tài cho Philippines. Ngày 24/4, Tòa án Luật biển quốc tế thông báo đã hình thành xong nhóm trọng tài gồm 5 người, 3 người khác là thẩm phán Jean-Pierre Cot người Pháp, Giáo sư Alfred Soons người Hà Lan và trọng tài viên chủ tịch là thẩm phán Thomas A. Mensah người Ghana. Tòa trọng tài chọn ngày bắt đầu xét xử. Tin này này là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng bãi Cỏ Mây. (xem phần trên).
Tòa trọng tài lần này là một tòa trọng tài được thành lập dựa trên Tòa trọng tài Thường trực (PCA). Điều đáng nói là, tuy không phải là tòa án quốc tế nhưng nó cũng không thiếu tính pháp lí. Điều 287 Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc liệt kê 3 thủ tục thường để giải quyết tranh chấp: (1) Tòa án Luật biển quốc tế; (2) Tòa án quốc tế (ICJ); và (3) Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII. Trong 3 loại thủ tục này chỉ có Tòa trọng tài mới có thể xử lí tình huống một bên không chịu tham gia. Vì vậy, Philippines mới có cách lựa chọn này và thực ra cũng là cách duy nhất.
Mặc dù nghe có vẻ không “chính thức” bằng Tòa án quốc tế, nhưng được thành lập từ năm 1899, PCA có lịch sử lâu dài hơn Tòa án quốc tế do Liên Hiệp quốc thành lập sau Thế chiến II. Trung Quốc tham gia PCA trong thời nhà Thanh và thời Trung Hoa Dân quốc. Năm 1993, Trung Quốc khôi phục địa vị trong PCA và được chỉ định là trọng tài viên cùng năm đó. PCA đã phân xử rất nhiều tranh chấp lãnh thổ trên thế giới. Nổi tiếng nhất là vụ tranh chấp chủ quyền đảo Palmas (Island of Palmas Case) giữa Mĩ và Hà Lan năm 1928. Phán quyết lần đó là một ví dụ khuôn mẫu cho các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo nhỏ ở xa, Mĩ đã chấp nhận kết quả bất lợi của phán quyết. Ngoài ra, tranh chấp chủ quyền Đông Greenland giữa Đan Mạch và Na Uy cũng là một án lệ kinh điển của PCA. Trên mạng chính thức của CPA còn liệt kê 20 vụ án trọng tài gần đây, cho thấy thêm thẩm quyền của PCA.
Giám sát quy trình trọng tài lần này là Tòa án Luật biển quốc tế được thành lập theo Công ước, dựa vào thủ tục quy định tại Phụ lục 7 của Công ước, lập ra tòa trọng tài trong PCA và lựa chọn trọng tài viên trong danh sách của Tòa án Luật biển quốc tế để tiến hành phân xử. Trên thực tế, tất cả các trọng tài PCA đều được hình thành theo cách mời các trọng tài viên “lâm thời” (ad-hoc) kiểu này. Điều khác biệt duy là nhất so với trọng tài do PCA phụ trách “hoàn toàn” là các trọng tài viên sau được chọn từ danh sách của PCA. Tòa án Luật biển quốc tế và PCA có quan hệ hợp tác chặt chẽ, không phải là một sự sắp xếp “lâm thời”. Theo thông tin trên mạng của PCA, từ khi Công ước ra đời đến nay, trong số hơn 10 vụ án được xử thông qua thủ tục của Phụ lục 7, chỉ có một vụ là có thủ tục khác biệt với vụ kiện này. Khi PCA thụ lí một vụ trọng tài có nghĩa là xác thực tính công bằng bằng thẩm quyền và uy tín của chính mình.
Kể từ đó, Tòa trọng tài đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tham gia vụ kiện, nhưng Trung Quốc luôn từ chối. Ngày 30/8, Tòa trọng tài đã thông qua Quy tắc tố tụng áp dụng cho vụ trọng tài (Rule of Procedures) và chấp nhận đơn yêu cầu trọng tài của Philippines. Đây là bước rất quan trọng, có nghĩa là vụ trọng tài đã chính thức đi vào thủ tục xét xửxử. Trước tiên, Tòa trọng tài xem xét các bằng chứng về thẩm quyền (Jurisdiction Hearing) đối với từng nội dung khiếu kiện để xác định Tòa có thẩm quyền trọng tài hay không. Sau khi xác định có thẩm quyền trọng tài, thủ tục xét xử nội dung (Merits Hearing) sẽ được tiến hành để xét xử từng yêu cầu khiếu kiện của Philippines đã được luận chứng có thẩm quyền. Ngày 30/3/2014, Philippines đã nộp bản ghi nhớ nêu rõ các yêu cầu thực chất của mình và thẩm quyền của tòa trọng tài. Ngày 16/3/2015, Philippines nộp bản tường trình bổ sung theo yêu cầu của Tòa trọng tài.
Khác với trước đây, ngoài việc thông qua các phương thức truyền thống như xã luận và phát ngôn của Bộ Ngoại giao để bày tỏ lập trường “không tham gia” và đưa ra những lí do đơn giản, vào ngày 07/12/014 trước thời hạn (16/12) mà Tòa trọng tài ấn định phải nộp bản tự biện hộ, Trung Quốc đã công bố “Tài liệu lập trường của Trung Quốc về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện trong tài ‘Nam Hải’ của Philippines”. Tài liệu này giải thích chi tiết lập trường của Trung Quốc từ góc độ luật pháp quốc tế. Tòa trọng tài tiếp nhận “Tài liệu lập trường” như là bản tự biện hộ của Trung Quốc.
Tháng 7/2015, Tòa trọng tài đã tổ chức phiên họp xét về vấn đề thẩm quyền tại Cung điện Hòa bình ở The Hague, Hà Lan và đưa ra phán quyết vào ngày 29/10. Trong số 15 yêu cầu mà Philippines đưa ra, 7 yêu cầu đã được chấp thuận, 7 yêu cầu khác sẽ được phán quyết khi xét xử nội dung, 1 yêu cầu còn lại yêu cầu phía Philippines bổ sung tài liệu. Cuối tháng 11, vụ kiện Trọng tài bước vào thủ tục xét xử nội dung, Trung Quốc vẫn từ chối tham gia. Tờ “Nhân dân nhật báo” đã đăng bài với bút danh “Tiếng chuông” trong 5 ngày liên tiếp, chỉ trích dữ dội Philippines và Tòa trọng tài .
Về mặt chính trị, việc Philippines đưa vấn đề “biển Đông” ra Tòa trọng tài quốc tế là vì không còn cách nào khác. Kể từ khi quyền kiểm soát thực tế đối với bãi Scarborough bị Trung Quốc tước đoạt vào năm 2011, Philippines luôn ở trong thế thủ về vấn đề biển Đông. Sức mạnh quân sự của Philippines vẫn còn kém xa Trung Quốc, dù có lôi kéo Mĩ và Nhật Bản chống lưng, thì nước xa cũng không thể cứu được lửa gần. Philippines muốn nhờ cậy vào sức mạnh của ASEAN để đàm phán với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã đóng cánh cửa đàm phán lại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn nói rằng các kênh trao đổi giữa Trung Quốc và Philippines luôn được thông suốt, tuy nhiên Trung Quốc không thừa nhận tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với bãi Scarborough, cũng không đồng ý triển khai đàm phán với Philippines về vấn đề này. Đồng thời, tàu Philippines cũng bị tàu hải giám và tàu chiến Trung Quốc uy hiếp tại biển Đông và các vùng biển khác. Trong hoàn cảnh vô vọng về quân sự và ngoại giao, Philippines chỉ có thể nhờ đến Tòa trọng tài quốc tế như là phương sách cuối cùng. Trung Quốc cáo buộc Philippines vô cớ gây rắc rối, tuy nhiên tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, Trường Sa và bãi Scarborough tồn tại tồn tại từ lâu nay là sự thật, các nước ASEAN và cộng động quốc tế như Mĩ, Nhật, Úc đều ủng hộ Philippines, nên có thể thấy là không có việc Philippines kiếm chuyện vô cớ.
Tranh chấp về vấn đề thẩm quyền
Trong quá trình trọng tài, các phiên xem xét về thẩm quyền xét xử là vô cùng quan trọng, cũng là yếu tố then chốt để Philippines có thể thắng kiện hay không, tác giả cho rằng đây là vấn đề khó nhất đối với Philippines. Chính phủ Trung Quốc thông qua “Tài liệu lập trường” bác bỏ thẩm quyền xét xử của Tòa trọng tài đối với vụ kiện này. Các chuyên gia khác của Trung Quốc cũng thông qua các phương thức như xuất bản sách, phát biểu ý kiến và bình luận trên mặt báo để bày tỏ ý kiến có lợi cho Trung Quốc. Những ý kiến này có thể phân thành 4 loại: thứ nhất, thực chất của vụ trọng tài là vấn đề chủ quyền, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước về Luật biển; thứ hai, Trung Quốc vào năm 2006 đã đưa ra Tuyên bố miễn trừ đối với Công ước (không chấp nhận thẩm quyền trong tài…); thứ ba, Philippines đã từng đưa ra cam kết giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, qua đó Trung Quốc cho rằng Philippines đã “không chấp nhận con đường giải quyết bằng trọng tài”; thứ tư, Philippines không thương lượng với Trung Quốc trước khi kiện theo quy định của Công ước, đó là lạm dụng thủ tục tố tụng. Các lập luận của Trung Quốc nghe có vẻ có lí, nhưng tác giả cho rằng nếu cân nhắc kĩ thì không phải là như vậy.
Philippines yêu cầu Tòa trọng tài quốc tế phán xét điều gì?
Giới chức Trung Quốc nhiều lần tuyên bố phán quyết mà Philippines yêu cầu Tòa trọng tài liên quan đến tranh chấp chủ quyền, điều “thể hiện đầy đủ bản chất của tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại biển Đông chính là tranh chấp lãnh thổ, động cơ và mục đích của việc Philippines kiện ra Tòa trọng tài hoàn toàn nhằm bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo ở biển Đông.” Tuy nhiên, điều đó không phải là sự thật. Mâu thuẫn chủ yếu trong tranh chấp tại biển Đông là vừa có tranh chấp chủ quyền, vừa có tranh chấp phân định ranh giới biển. Philippines cũng biết rõ việc Công ước không thể điều chỉnh tranh chấp chủ quyền nên đã đặc biệt mời Paul S. Reichler, luật sư nổi tiếng người Mĩ từng giúp các nước nhỏ chống lại nước lớn, chủ trì thông qua việc phân loại và tổ hợp vấn đề để tách các yêu cầu khiếu kiện của Philippines ra khỏi vấn đề chủ quyền, tập trung vào quyền lợi đối với các đảo. Philippines đã chuyển cho cho Tòa trọng tài 15 vấn đề để xét xử:
(1) Các quyền lợi biển của Trung Quốc tại biển Đông, giống với Philippines, không được vượt quá phạm vi mà Công ước cho phép;
2) Lập trường của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” đối với vùng biển biển Đông nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” là trái với Công ước. Những yêu sách này vượt quá phạm vi mà Công ước cho phép về giới hạn địa lí và thực thể đối với các quyền lợi biển của Trung Quốc, và không có hiệu lực pháp luật;
(3) Bãi Scarborough không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa;
(4) Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và đá Subi là bãi triều thấp (low tide elevation), không thể tạo ra vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, và là những địa hình (feature) không thể đoạt lấy làm sở hữu (appropriate) thông qua chiếm đóng trước hoặc các phương thức khác;
(5) Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines;
(6) Đá đá Gaven và đá đá Ken Nan (bao gồm đá Tư Nghĩa) là bãi triều thấp (LTE), không thể tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, tuy nhiên đường ngấn nước thủy triều của chúng có thể được coi là đường cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải của lần lượt đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn.
(7) Đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa;
(8) Trung Quốc đã quấy nhiễu bất hợp pháp vào quyền được hưởng và thực thi các quyền chủ quyền của Philippines đối với nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình;
(9) Trung Quốc phạm luật khi không ngăn cản công dân và tàu thuyền nước mình đến khai thác tài nguyên sinh vật nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines;
(10) Thông qua việc quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi Scarborough, Trung Quốc đã ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Philippines tìm kế sinh nhai;
(11) Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển theo Công ước tại bãi Scarborough và bãi Cỏ Mây;
(12) Hoạt động chiếm đóng và xây dựng của Trung Quốc tại đá Vành Khăn là:
(a) Vi phạm quy định của Công ước về đảo nhân tạo, hạ tầng và cấu trúc;
(b) Vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển theo Công ước;
(c) Cấu thành hành hành vi phạm pháp về cố ý chiếm đoạt trái với các quy định của Công ước;
(13) Việc tàu chấp pháp Trung Quốc điều khiển nguy hiểm gây nguy cơ va chạm nghiêm trọng cho các tàu của Philippines đi lại gần bãi Scarborough, vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc theo Công ước;
(14) Kể từ tháng 1/2013 khi Tòa trọng tài bắt đầu xét xử vào, Trung Quốc gia tăng và mở rộng tranh chấp một cách bất hợp pháp, bao gồm:
(a) Quấy nhiễu quyền đi lại của Philippines tại bãi Cỏ Mây và các vùng biển lân cận;
(b) Ngăn chặn Philippines luân chuyển và bổ sung người đóng tại bãi Cỏ Mây;
(c) Gây nguy hiểm đến sức khỏe và phúc lợi của người Philippines đóng tại bãi Cỏ Mây;
(15) Trung Quốc nên dừng các yêu sách về quyền lợi và hành động vi phạm pháp luật.
15 yêu cầu của Philippines có thể quy thành 5 loại, đều không liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Loại 1, Philippines cho rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là yêu sách không chính đáng, vi phạm Công ước; Loại 2, Philippines cho rằng các “đảo, đá” tại biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng hiện nay chỉ có thể coi là đá (rock), vốn không có khả năng để con người sinh sống và hoạt động kinh tế, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Loại 3, các công trình nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên bãi triều thấp tại biển Đông (bao gồm nhà sàn trước đây và đảo nhân tạo sau này), không có vùng đặc quyền kinh tế; Loại 4, bãi triều thấp không có tư cách lãnh thổ; Loại 5, việc quấy nhiễu của Trung Quốc đối với ngư dân và tàu Philippines tại biển Đông là bất hợp pháp, các đảo nhân tạo cũng là bất hợp pháp.
Trung Quốc cho rằng: “Chỉ có xác định trước chủ quyền của các đảo, đá, thì mới có thể xác định các yêu sách về quyền lợi biển trên cơ sở các đảo, đá là có phù hợp với Công ước hay không. Bởi vì: “Các quyền lợi biển về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quy định tại Công ước đều được trao cho quốc gia có chủ quyền với vùng lãnh thổ đất liền liên quan. Tách khỏi chủ quyền quốc gia, bản thân các đảo, đá không có bất kì quyền lợi biển nào. Chỉ có các quốc gia có chủ quyền đối với các đảo, đá liên quan thì mới có thể căn cứ vào Công ước để đưa ra yêu sách quyền lợi biển đối với các đảo, đá đó”.
Tuy nhiên cũng giống như Philippines và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng thừa nhận nguyên tắc “đất quyết định biển”, mà nguyên tắc này bao gồm 2 yếu tố độc lập: đất liền thuộc về ai (chủ quyền), đất có thể quyết định biển (quyền lợi của đảo) với mức hữu hiệu bao nhiêu. Logic của Philippines là, cho dù các đảo, đá đó thuộc về Trung Quốc, nhưng cũng không thể dựa vào các đảo, đá đó để tuyên bố vùng biển rộng như vậy. Logic này phù hợp với luật pháp.
Trung Quốc đã chỉ ra một cách chính xác: “Bất kì cơ quan luật pháp hoặc trọng tài quốc tế nào khi xử lí các vụ tranh chấp liên quan đến đảo, đá, từ trước đến nay họ chưa bao giờ áp dụng các quy định của Công ước để xác định trước các quyền lợi về biển đối với các đảo, đá khi chưa xác định chủ quyền các đảo, đá đó thuộc về ai”. Tuy nhiên điều này không phải là lí do để cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử, bởi vì Điều 286 của Công ước quy định: “Trong giới hạn của Mục 3, mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước khi không được giải quyết bằng cách áp dụng Mục 1, theo yêu cầu của bất kì bên tranh chấp nào, đều được đưa ra tòa án hay toà có thẩm quyền theo mục này”. Các yêu cầu cho Trọng tài do Philippines đưa ra liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, Tòa trọng tài tất nhiên có thẩm quyền xét xử sau khi áp dụng mục 1 và mục 3, và điều này không liên quan đến gì đến việc các vụ án tương tự đã được xét xử trước đó hay chưa.
Ngoài việc được xác lập về mặt pháp lí, tác giả cho rằng điều này còn có lợi cho việc giải quyết các vấn đề chủ quyền bao gồm các đảo và bãi đá ngầm trong khu vực. Bởi vì nếu Tòa trọng tài đưa ra phán quyết rằng quyền lợi của các đảo, đá đó là vô cùng hạn chế, thì lợi ích của các nước tại các đảo, đá đó sẽ bị giảm đi rất nhiều, điều này có lợi cho việc giải quyết cuối cùng đối với vấn đề biển Đông. Nói rộng ra thì kết quả phán quyết trọng tài đóng vai trò tiền lệ mạnh mẽ cho các tranh chấp tương tự của các quốc gia khác.
Tóm lại, tuy tranh chấp chủ quyền không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước, nhưng các yêu cầu trọng tài của Philippines cũng không đề cập đến vấn đề chủ quyền. Vì vậy về mặt pháp lí, Tòa trọng tài thực sự có thẩm quyền để xử lí các yêu cầu trọng tài này.
Tuyên bố miễn trừ có thể phủ định thẩm quyền của Tòa trọng tài hay không?
Trung Quốc cho rằng, căn cứ vào bản Tuyên bố được Trung Quốc gửi tới Tổng Thư kí Liên Hiệp quốc ngày 25/8/2006, theo quy định tại điều 298 Công ước: “Đối với bất kì tranh chấp nào được đề cập đến tại điểm (a), (b) và (c), khoản 1, điều 298 của ‘Công ước’, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kì thủ tục nào quy định tại mục 2, phần XV của ‘Công ước’, đối với các tranh chấp về phân giới biển, quyền sở hữu hoặc vịnh lịch sử, các hoạt động quân sự và chấp pháp cũng như thực hiện những chức năng được Hội đồng Bảo an giao phó theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận bất kì thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc nào được quy định tại mục 2, phần XV của ‘Công ước’, bao gồm thủ tục Trọng tài bắt buộc. Vì vậy, Tòa trọng tài không có thẩm quyền phán xét.” Tuy nhiên, tuyên bố này của Trung Quốc là không thể biện minh được vì:
Thứ nhất, điều 298 ‘Công ước’ quy định:
Khi kí kết, phê chuẩn hay tham gia ‘Công ước’, hoặc vào bất kì thời điểm nào sau đó, với điều kiện không phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ mục 1, một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng mình không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định ở mục 2, liên quan đến một hay nhiều loại tranh chấp sau đây:
(a) (1). Các tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc phân định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu (title) hoặc vịnh lịch sử, miễn là khi một tranh chấp như thế xảy ra sau khi Công ước có hiệu lực, và nếu các bên không đi đến một thỏa thuận nào bằng con đường thương lượng trong một thời hạn hợp lí, thì quốc gia đưa ra tuyên bố, theo yêu cầu của một trong các bên, phải chấp nhận đưa vụ tranh chấp đó ra hòa giải theo thủ tục đã được quy định ở mục 2 Phụ lục V, và tất nhiên không thể đưa ra xét theo thủ tục này vụ tranh chấp nào mà đòi hỏi nhất thiết phải xem xét đồng thời một vụ tranh chấp chưa được giải quyết liên quan đến chủ quyền hoặc các quyền khác trên một lãnh thổ đất liền hay đảo…”
Trong đó điểm (1) là có liên quan nhất. Tuy nhiên, tuyên bố mang tính miễn trừ chỉ có thể được áp dụng cho các điều 15, 74 và 83. Điều 15 về “Phân định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau”; Điều 74 về thủ tục “Phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hoặc đối diện nhau”; Điều 83 về thủ tục “Phân định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hay đối diện nhau”. Nhưng trong yêu cầu phân xử của Philippines, ngoài việc không đề cập đến chủ quyền, cũng không đề cập đến việc phân định cụ thể các vùng biển. Vì vậy, Tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc về thẩm quyền phán quyết không miễn trừ các yêu cầu phân xử của Philippines. Nói cách khác, phán quyết của Tòa trọng tài không mâu thuẫn với Tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc.
Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc như Lí Kim Minh cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng “đường 9 đoạn” với tư cách vịnh lịch sử làm lí do để từ chối trọng tài, bởi vì điều 298 “ có đề cập đến tranh chấp về vịnh lịch sử và quyền sở hữu lịch sử”. Tuy nhiên, dù sự thật có một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng “đường 9 đoạn” là vùng biển lịch sử, nhưng ý kiển kiểu này lại không rất không thống nhất, ngay cả trong nội bộ chuyên gia Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay cũng chưa từng đưa ra tuyên bố liên quan, cũng chưa từng định nghĩa về “đường 9 đoạn”. Trên thực tế, mục thứ 2 mà Philippines đưa ra yêu cầu trọng tài chính là làm rõ định nghĩa của “đường 9 đoạn”.
Lí Kim Minh còn cho rằng, căn cứ vào luật thời hiệu, “đường 9 đoạn” ra đời trước, Công ước ra đời sau, vì vậy “đường 9 đoạn” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Cách diễn giải này nhầm lẫn giữa vấn đề thẩm quyền của Tòa và vấn đề khả năng áp dụng của Công ước. Ngay cả khi Công ước thực sự không áp dụng được đối với “đường 9 đoạn” theo luật thời hiệu, thì điều đó cũng không có nghĩa là Tòa án hoặc Tòa trọng tài không có thẩm quyền phán quyết đối với nó. Cũng giống như việc xem xét một người có phải trộm cắp hay không là do tòa án dựa trên khả năng áp dụng của pháp luật để xác định, chứ không thể nói trước rằng người đó không trộm cắp nên cho rằng tòa án không có thẩm quyền phán quyết. Trên thực tế, việc Công ước có thể áp dụng cho “đường 9 đoạn” hay không chính là một nội dung cần phải phán quyết, cũng là một trong những lí do khiến Philippines yêu cầu phân xử.
Các chuyên gia Trung Quốc còn chỉ ra, Philippines cũng tuyên bố Công ước không áp dụng đối với lãnh thổ của mình: “Việc kí kết không xâm hại hoặc làm tổn hại đến việc thực thi chủ quyền của Philippines tại bất kì vùng lãnh thổ nào của mình, ví dụ như quần đảo Kalayaan và vùng biển lân cận”. Vì vậy, việc yêu cầu trọng tài chẳng khác nào “tự vả vào miệng mình”. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, các yêu cầu trọng tài do Philippines đề xuất không nhằm vào một lãnh thổ hay lãnh hải cụ thể nào. Vì vậy, tuyên bố của Philippines không ảnh hưởng gì đến các yêu cầu trọng tài này.
Thứ hai, khoản 4 điều 298 Công ước về “các trường hợp ngoại lệ khi lựa chọn áp dụng mục 2” quy định: “Nếu một trong các quốc gia thành viên đã ra một tuyên bố theo đoạn 1. a, thì bất kì quốc gia thành viên nào khác cũng có thể đưa tranh chấp thuộc loại bị miễn trừ giữa quốc gia đó với quốc gia đã ra tuyên bố giải quyết theo thủ tục được xác định trong tuyên bố đó”. Trung Quốc (là một trong số các nước thành viên) đưa ra tuyên bố miễn trừ đối với Điều 298 , nhưng Philippines (là quốc gia thành viên khác) lại không đưa ra tuyên bố mang tính miễn trừ đối với Điều 298 . Vì vậy, Philippines có quyền đưa ra yêu cầu trọng tài tới Tòa trọng tài Tòa trọng tài cũng có thể chấp nhận yêu cầu này. Trung Quốc có thể không chấp nhận việc xét xử của Tòa trọng tài và kết quả phán quyết, nhưng cũng không có cách nào bác bỏ tính hợp pháp của đơn kiện và thủ tục Trọng tài của Philippines.
Đây chính là lí do vì sao “Tuyên bố miễn trừ” của Trung Quốc không thể ngăn vụ việc được đưa ra xét xử.
Điều đáng chỉ ra là, Trung Quốc và ASEAN đã kí “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (gọi tắt là “Tuyên bố”). Điều 1 của “Tuyên bố” quy định các nguyên tắc pháp luật quốc tế bao gồm cả Công ước là những chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Vì Công ước là quy tắc ứng xử cơ bản cho tất cả các bên tham gia Tuyên bố, nên việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố miễn trừ đối với Công ước sau khi kí kết, tương đương với việc đơn phương làm tổn hại sự tôn trọng đối với Tuyên bố. Mặc dù Tuyên bố không có tính ràng buộc, nhưng về mặt đạo lí thì Trung Quốc gặp bất lợi.
Thứ ba, Khoản 4 Điều 288 Công ước về “thẩm quyền” quy định: “Trong trường hợp có sự tranh chấp về vấn đề một tòa hay một tòa án có thẩm quyền hay không, thì vấn đề này do tòa đó quyết định”. Vì vậy, tòa có quyền quyết định cuối cùng đối với thẩm quyền.
Cuối cùng, căn cứ vào Điều 9 Phụ lục VII về “vắng mặt” đã quy định: “Khi một trong số các bên trong vụ tranh chấp không ra toà hoặc không trình bày các lí lẽ của mình, thì bên kia có thể yêu cầu toà tiếp tục thủ tục tố tụng và phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay một bên không trình bày các lí lẽ của mình không gây cản trở đối với trình tự tố tụng”. Vì vậy, việc Trung Quốc có tham gia hoặc có chấp nhận phán quyết hay không, không phải là yếu tố cần thiết để vụ trọng tài này có thể được tiến hành hay không.
Philippines có vi phạm thỏa thuận với Trung Quốc không?
Trung Quốc cho rằng, “giải quyết các tranh chấp ở Nam Hải thông qua đàm phán là một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines, Philippines không có quyền đơn phương yêu cầu thủ tục trọng tài bắt buộc”. Việc Philippines nhờ trọng tài là đã vi phạm các cam kết với Trung Quốc, bao gồm: (1) “Các tranh chấp liên quan cần được giải quyết một cách hòa bình, hữu nghị thông qua tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” trong “Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Philippines về tham vấn đối với vấn đề Nam Hải và các lĩnh vực hợp tác khác” ngày 10/8/1995.; (2) “Hai bên nỗ lực giữ gìn hòa bình và ổn định tại Nam Hải, đồng ý tuân theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán giữa hai bên để thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp. Hai bên khẳng định tôn trọng Tuyên bố chung năm 1995 giữa Trung Quốc và Philippines về tham vấn đối với vấn đề Nam Hải” như quy định tại Điều 9 “Tuyên bố chung giữa Philippines và Trung Quốc về khuôn khổ hợp tác song phương trong thế kỉ 21” năm 2000 ; (3) “Lãnh đạo hai nước trao đổi ý kiến về các tranh chấp trên biển, cho rằng không nên để tranh chấp trên biển ảnh hưởng tới đại cục hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước khẳng định sẽ thông qua đối thoại hòa bình để xử lí tranh chấp, tiếp tục giữ gìn hòa bình, an toàn và ổn định của khu vực cũng như tạo dựng môi trường tốt đẹp để tăng trưởng kinh tế. Hai bên khẳng định tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải, được kí kết giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN năm 2002” trong đoạn 5 “Tuyên bố chung Philippines – Trung Quốc” ngày 01/9/2011 ; (4) “Các bên có liên quan cam kết tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế được công nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán sẽ do các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” trong điều 4 Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải năm 2002.
Trung Quốc cho rằng các tuyên bố song phương và đa phương này “theo cùng một mạch, tạo thành thỏa thuận giữa hai nước Trung Quốc và Philippines. Theo đó, hai nước có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán”. Do đó, “đối với tất cả các vấn đề liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Nam Hải, bao gồm cả vấn đề trọng tài do Philippines đề xuất, phương thức giải quyết tranh chấp được hai bên thống nhất là đàm phán, không bao gồm bất kì phương thức nào khác.” Việc Philippines thông qua kiện tụng để giải quyết vấn đề là vi phạm nguyên tắc thành tín và thỏa thuận giữa hai bên. Vì điều này mà “Nhân dân nhật báo” cũng đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông: “Đại diện của Philippines đã nói xằng bậy tại phiên tòa rằng ‘Tuyên bố từ trước đến nay chưa từng tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ’, chỉ là ‘biện pháp tạm thời’ để ‘thỏa hiệp lẫn nhau’, xuyên tạc con đường ‘giải quyết tranh chấp thông qua hiệp thương đàm phán hữu nghị’ mà các bên đã cùng cam kết lựa chọn, cho rằng cam kết này không có tính ràng buộc, và không đạt được bất kì kết quả mong đợi nào.”
Luận điểm này của phía Trung Quốc thiếu sự cân nhắc. Thứ nhất, lịch sử hình thành của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (xem V.7) là bằng chứng rất ăn khớp với quan điểm của Philippines. Vào những năm 1990, Philippines và ASEAN đề xuất việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông. Nhưng Trung Quốc không muốn kí kết một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc, chỉ muốn kí kết một tuyên bố không có tính ràng buộc. Cuối cùng, các nước ASEAN đành phải thỏa hiệp để đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Vì vậy, như Ngoại trưởng Philippines đã nói, “Tuyên bố” đã trở thành biện pháp tạm thời không có tính ràng buộc pháp lí theo yêu cầu của Trung Quốc. Còn về các “tuyên bố” khác giữa Trung Quốc và Philippines đều mang mục đích chính trị, chưa chắc đã có tính ràng buộc.
Thứ hai, dù giữa Trung Quốc và Philippines đã từng có tuyên bố về giải quyết thông qua đàm phán, nhưng Trung Quốc luôn kiên trì đàm phán song phương, còn Philippines kiên trì đàm phán đa phương. Hai bên vì điều này đã nhiều lần trao đổi công hàm, nhưng cũng đã mấy chục năm vẫn chưa thể giải quyết. Vì vậy, giữa Trung Quốc và Philippines chưa hẳn đã đạt được sự đồng thuận về phương thức đàm phán. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế, bao gồm Philippines trong nhiều năm đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc giải thích định nghĩa của “đường 9 đoạn” trong nhiều dịp, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức. Vì vậy, trường hợp này phù hợp với tình hình “đã áp dụng phương pháp này mà vẫn chưa thể giải quyết”.
Thứ ba, mặc dù Tuyên bố đương nhiên đề xướng thông qua đàm phán hiệp thương để giải quyết tranh chấp, nhưng vào năm 2012, sau sự kiện bãi Scarborough, Philippines đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tiến hành đàm phán, nhưng đều bị từ chối. Chính điều đó đã buộc Philippines phải dấn vào con đường trọng tài. Trung Quốc một mặt nói chỉ có thể thông qua đàm phán, mặt khác lại từ chối đàm phán, thực tế là muốn mượn “đàm phán” làm cái cớ nhằm cản trở các nước nhỏ giải quyết vấn đề thông qua các con đường hòa bình và hợp pháp khác. Thực tế là sau sự kiện bãi Scarborough, quan hệ Trung Quốc – Philippines đã xấu đi nghiêm trọng, mất đi cơ sở để tiếp tục đàm phán.
Philippines có lạm dụng thủ tục tố tụng hay không?
Một luận điểm khác của Trung Quốc là Philippines lạm dụng thủ tục tố tụng, tức là việc tố tụng là bất hợp pháp về thủ tục. Ví dụ, Tào Quân cho rằng: Việc Philippines đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế mà không bàn bạc trước với Trung Quốc là vi phạm “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” năm 2002, và cũng vi phạm khoản 1, điều 281 Công ước về “Thủ tục phải tuân theo khi các bên không đạt được cách giải quyết”. Đó là:
“Khi các quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước đã thỏa thuận tìm cách giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình theo sự lựa chọn của mình, chỉ được áp dụng thủ tục quy định trong phần này khi không đạt được một cách giải quyết bằng phương pháp này và khi thỏa thuận giữa các bên không loại trừ khả năng phải tiến hành một thủ tục khác”.
Philippines còn đồng thời vi phạm điều 283 về “Nghĩa vụ về trao đổi quan điểm”:
(1). Khi có tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, các bên tranh chấp tiến hành ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết bằng thương lượng hay bằng các biện pháp hòa bình khác.
(2). Nếu thủ tục giải quyết tranh chấp này kết thúc mà tranh chấp vẫn chưa được giải quyết; hoặc khi đã đạt được biện pháp giải quyết nhưng tình hình lại đòi hỏi phải trao đổi phương thức thực hiện thì các bên tranh chấp lập tức trao đổi ý kiến.”
Trong Tuyên bố, quả thực có nêu: “Các bên liên quan cam kết tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán sẽ do các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Nhưng Trung Quốc đã từ chối đàm phán, thì có lí gì để cho rằng Philippines không có quyền tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tòa án quốc tế. Hơn nữa, giải quyết thông qua Tòa án quốc tế cũng là biện pháp hòa bình.
Hơn nữa, Điều 281 không quy định hai bên bắt buộc phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương. Cho dù giữa Trung Quốc và Philippines đã đồng ý “tự thỏa thuận lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”, nhưng “áp dụng phương pháp này mà vẫn chưa thể giải quyết được” thì Philippines vẫn có quyền đưa vấn đề ra tòa.
Điều 283 quả thật quy định nghĩa vụ phải trao đổi quan điểm về các tranh chấp liên quan đến “việc giải thích hoặc áp dụng Công ước” chứ không phải về các đề mục tranh chấp cụ thể, nhưng không có yêu cầu rằng việc trao đổi quan điểm phải được thực hiện trước khi đưa ra trọng tài. Huống hồ giữa Philippines và Trung Quốc quả thực đã trao đổi ý kiến. Ví như Tổng thống Aquino III đã nhiều lần tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là bất hợp pháp, nhưng Trung Quốc cũng nhiều lần bày tỏ: Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh chấp đối với quần đảo Nam Sa và các vùng biển xung quanh. Aquino cũng nhiều lần tuyên bố việc tàu Trung Quốc quấy nhiều hoạt động của tàu Philippines, nhưng Trung Quốc nhiều lần bày tỏ rằng có quyền tài phán đối với những vùng biển này. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhiều lần đưa ra các tuyên bố tương tự tại các hội nghị quốc tế. Tào Quân cho rằng trong tham vấn ngoại giao giữa Trung Quốc và Philippines chưa chắc đã có việc hai bên trao đổi ý kiến (việc này tác giả chưa thể xác nhận), nhưng việc trao đổi ý kiến không chỉ giới hạn ở một hình thức là tham vấn ngoại giao giữa hai bên. Tuyên bố của Tổng thống, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng như việc bày tỏ thái độ của các cơ quan liên quan của Trung Quốc cũng là một hình thức trao đổi ý kiến. Thực tế là Philippines đã nhiều lần thông báo cho Trung Quốc và yêu cầu đàm phán, nhưng Trung Quốc kiên quyết từ chối, đồng thời còn “chỉ trích” Philippines tại các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao.
Kết quả trọng tài về thẩm quyền
Ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền và khả năng thụ lí: xác định có thẩm quyền xét xử đối với các yêu cầu khiếu kiện số 3, 4, 6, 7, 10, 11 và 13 mà Philippines đưa ra; gác lại vấn đề thẩm quyền đối với các yêu cầu khiếu kiện số 1, 2, 5, 8, 9, 12 và 14 cho đến giai đoạn thực tế mới xem xét; yêu cầu Philippines làm rõ nội dung và thu hẹp phạm vi của yêu cầu khiếu kiện số 15, và cũng gác lại vấn đề thẩm quyền đối với yêu cầu tố tụng này đến giai đoạn vấn đề thực thể mới xét đến.
Việc Trung Quốc cho rằng “Philippines không tuân thủ thỏa thuận” và “lạm dụng tố tụng” đã bị bác bỏ. Tòa trọng tài cho rằng: Tuyên bố giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002 cũng như một loạt các tuyên bố giữa Trung Quốc và Philippines đều là thỏa thuận chính trị, không có tính ràng buộc pháp lí. Các tuyên bố này không hề quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc và cũng không loại trừ các phương thức giải quyết khác. Về nghĩa vụ “trao đổi ý kiến”, Tòa trọng tài cho rằng một số hồ sơ thư từ ngoại giao mà Philippines đưa ra đã đáp ứng được yêu cầu này: “Philippines đã thể hiện rõ ràng ưu tiên đàm phán đa phương, có sự tham gia của các quốc gia xung quanh khu vực biển Đông, còn Trung Quốc thì kiên trì quan điểm đối thoại song phương”. Tòa cũng cho rằng: “Philippines đã tìm cách để đàm phán với Trung Quốc, hơn nữa còn bày tỏ rằng luật pháp quốc tế đã được chấp nhận rộng rãi không yêu cầu một quốc gia phải tiếp tục tiến hành đàm phán khi thấy rằng khả năng giải quyết tranh chấp bằng thương lượng đã cạn kiệt”.
Về cáo buộc “lạm dụng tố tụng” của Trung Quốc đối với Philippines, “Tòa Trọng cho rằng sẽ hợp lí hơn khi coi những lo ngại của Trung Quốc về thẩm quyền tài phán của Tòa như là một sự phản đối ban đầu”. Có nghĩa là, nếu như Trung Quốc đưa ra những lập luận này trong giai đoạn đầu của vụ trọng tài (trước khi các quy định tố tụng áp dụng cho vụ kiện trọng tài được thông qua vào ngày 30/8/2013), các ý kiến này sẽ được xem xét nghiêm túc hơn. Nhưng lúc đó Trung Quốc không tham gia, cũng không công bố “Tài liệu lập trường”, vì vậy nó không thể dùng làm một điểm tranh tụng có sức mạnh trong giai đoạn hiện tại. Có thể thấy rằng, chiến thuật không tham gia của Trung Quốc đã gây ra tình huống bất lợi tương đối nghiêm trọng. Về tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc và luận điểm cho rằng vấn đề biển Đông thực chất là tranh chấp chủ quyền, Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết tương tự với phân tích của tác giả, cho rằng vụ kiện do Philippines đưa ra không liên quan đến chủ quyền, cũng không phải là phân giới biển, vì vậy Tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc không thể cản trở thẩm quyền của Tòa trọng tài.
Đối với Philippines, dù phán quyết không phải là thắng lợi trọn vẹn, nhưng cũng có thể coi là thắng lợi lớn. Việc bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài được cho là pháo đài vững chắc nhất của Trung Quốc. Một khi vượt qua được cửa ải này, hy vọng giành chiến thắng của Philippines tại đa số các yêu cầu tố tụng tăng lên mạnh mẽ.
VI.10. Tranh chấp vùng nhận dạng phòng không và đường 9 đoạn
Đồng ý xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông”
Sau khủng hoảng bãi Cỏ Mây, quan hệ Trung Quốc – ASEAN hết sức căng thẳng. Để làm dịu quan hệ này và mâu thuẫn đảo Điếu Ngư (Senkaku) giữa Trung Quốc với Nhật Bản, đồng thời hy vọng chuyến thăm Mĩ của Tập Cận Bình có thể đạt được sự đồng thuận về “quan hệ nước lớn kiểu mới”, trong nửa cuối năm 2013, thái độ Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông dịu xuống.
Tại Diễn đàn Shangri – La đầu tháng 6/2013, Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Thích Kiến Quốc nhắc lại thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề đảo Điếu Ngư là “gác tranh chấp”. Ngụ ý sâu xa là cuộc khủng hoảng đảo Điếu Ngư nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề biển Đông, nếu có thể gác tranh chấp về vấn đề đảo Điếu Ngư thì không lí do gì lại không thể làm như vậy đối với biển Đông.
Ngày 16/5/2013, Trung Quốc đơn phương vạch ra khu vực cấm đánh bắt cá tại biển Đông, giới hạn khu vực này chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và vùng đánh bắt cá truyền thống theo tuyên bố của Việt Nam, khiến phía Việt Nam phản đối. Ngày 20/5, tàu cá Việt Nam QNg 90917 TS bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm hỏng. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường và cam kết không để xảy ra những vụ việc tương tự. Quan hệ Trung – Việt trở nên căng thẳng. Nhưng, từ ngày 19-21/6, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Bắc Kinh, hai nước đạt được một loạt hiệp định hợp tác và ra “Tuyên bố chung Trung – Việt”. Phần liên quan đến biển Đông trong tuyên bố này như sau:
Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về các vấn đề trên biển, nhất trí việc lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước. Hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ..., kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển.
... Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao hai nước để quản lí, kiểm soát khủng hoảng trên biển, xử lí thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
Ngoài ra, hai bên còn kí “Hiệp định thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Nông nghiệp Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về những sự việc đột xuất trong hoạt động nghề cá”. Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát, Hiệp định này “đảm bảo chắc chắn cho an toàn và lợi ích chính đáng của ngư dân (Việt Nam) tiến hành hoạt động đánh bắt cá hợp pháp trên biển, tránh xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân hai nước.”
Bên cạnh đó, hành động quan trọng nhất của Trung Quốc là điều chỉnh quan hệ với ASEAN, nhượng bộ trước các vấn đề lớn. Ngày 30/6, trong một loạt Tuyên bố chung Trung Quốc – ASEAN được thông qua tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei có phần liên quan đến biển Đông như sau:
Các bên hoan nghênh các trao đổi tích cực giữa Trung Quốc và các nước ASEAN để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong lĩnh vực này, đồng thời nhấn mạnh rằng Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông cần được thực thi đầy đủ và hiệu quả, tiến bộ vững chắc trên cơ sở đồng thuận, thúc đẩy việc đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông”.
Các bên hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị cấp cao nhân 6 năm thực hiện “Tuyên bố” và cuộc họp Nhóm công tác chung lần thứ 9 tại Trung Quốc vào tháng 9 năm nay. Tại Hội nghị, các bên sẽ trao đổi ý kiến sâu về việc thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố” và tăng cường hợp tác trên biển, đồng thời bàn thảo về “Bộ Quy tắc (ứng xử)” trong khuôn khổ “Tuyên bố”. Các bên còn nhất trí các bước thành lập “Nhóm chuyên gia có tiếng”, trợ giúp cho việc bàn thảo nói trên. Các bên cho rằng Trung Quốc và các nước ASEAN hoàn toàn có quyết tâm và khả năng xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Điểm quan trọng nhất trong Tuyên bố chung này là, lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý cùng các nước ASEAN xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông” và ấn định thời điểm bắt bàn thảo về bộ quy tắc này vào tháng 9. Các nước ASEAN luôn hy vọng tiến tới kí kết thỏa thuận “Bộ quy tắc ứng xử” ở trên cơ sở “Tuyên bố” vốn không mang tính ràng buộc pháp lí. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn bác bỏ với lí do trước hết phải thực hiện Tuyên bố. Tháng 11/2012, ASEAN có ý định xúc tiến lần nữa “Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông”, Trung Quốc vẫn từ chối đưa ra thời gian biểu cho việc xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử”. Trong Tuyên bố chung Trung – Việt nêu ở phần trên cũng chỉ đề cập đến việc thực hiện “Tuyên bố”. Vì vậy, lần chuyển biến này của Trung Quốc (6/2013) được coi là một thắng lợi lớn của các nước ASEAN trong vấn đề biển Đông, dù cho bước đi tiếp sau rất chậm trễ.
Điểm gai góc nhất trong vấn đề biển Đông là Trung Quốc và các nước ASEAN có thống nhất được phương thức hiệp thương đa phương hay không. Theo truyền thống, Trung Quốc nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề song phương giữa các nước có tranh chấp, còn các nước ASEAN ủng hộ phương thức cả khối ASEAN đàm phán với Trung Quốc. Về mặt này, Trung Quốc có vẻ có nhượng bộ, vì rằng Tuyên bố chung Trung – Việt có nhắc lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam” kí ngày 11/10/2011, trong đó có nêu: “Đối với những vấn đề tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên sẽ giải quyết bằng đàm phán và thương thảo hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác thì sẽ tiến hành đàm phán với các bên tranh chấp đó.” Ở đây không viết rõ chủ ngữ của “ tiến hành đàm phán với các bên tranh chấp đó”, là một trong hai bên Trung Quốc và Việt Nam hay cả hai bên Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng từ văn bản có thể thấy, chủ ngữ của vế trước là “hai bên” nên chủ ngữ của phần này là “hai bên” thì thích hợp hơn. Nếu đúng như vậy thì điều đó tương đương với Trung Quốc chấp nhận phương án đàm phán đa phương.
Có thể thấy, trong nửa cuối năm 2013, ngoại giao Trung Quốc về biển Đông (và biển Hoa Đông) bỗng trở nên lí tính hơn. Nhưng, ngay trong lúc quan hệ Trung Quốc – ASEAN dịu đi thì tranh chấp về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do cuộc khủng hoảng quần đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản dẫn tới, đột ngột kéo ASEAN khỏi Trung Quốc.
Khủng hoảng đảo Điếu Ngư (Senkaku) và tranh chấp về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)
Năm 2013, giữa Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra cuộc khủng hoảng đảo Điếu Ngư. Nói một cách đơn giản, dãy đảo Điếu Ngư (gọi tắt là đảo Điếu Ngư) là quần đảo nhỏ nằm giữa khu vực Đông Bắc đảo Đài Loan và phía Tây đảo Ryukyu (Lưu Cầu) Nhật Bản, bao gồm đảo chính là Điếu Ngư; hai đảo nhỏ phía Bắc và phía Nam gần đó; đá Hoàng Vỹ phía đông bắc đảo Điếu Ngư, và đá Xích Vĩ ở xa hơn về phía Đông, tổng diện tích không quá 7 km². Sau Thế chiến II, đảo Điếu Ngư do chính quyền Ryukyu thuộc Mĩ quản lí, năm 1972 được trả lại cho Nhật Bản quản lí cùng với đảo Ryukyu, theo “Hiệp ước trao trả Okinawa”. Trước lúc Mĩ và Nhật Bản đạt được Hiệp ước thì Đài Loan và Trung Quốc đột nhiên tuyên bố Điếu Ngư xưa nay thuộc về Trung Quốc, tranh chấp đảo mở ra. Năm 1970, khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Nhật Bản đã ngầm thỏa thuận không để Điếu Ngư ảnh hưởng đến quan hệ hai bên, giữ nguyên hiện trạng quản lí của Nhật Bản. Ngày 12/9/2012, phớt lờ sự phản đối của Chính phủ Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản đã “quốc hữu hóa” đảo Điếu Ngư, nghĩa là chuyển quyền tài sản từ tay tư nhân sang tay Chính phủ. Việc này gây sự phản đối mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc cũng như các cuộc biểu tình chống Nhật quy mô lớn trong dân chúng. Từ đó, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản kết thúc thời kì “nồng ấm”, bước vào tình trạng đối kháng gay gắt.
Tranh chấp đảo Điếu Ngư đem đến sự thay đổi chấn động đối với Đông Á và Đông Nam Á. Trước hết, nó làm gia tăng tình thế đối kháng và xáo trộn ở Đông Á và Đông Nam Á. Thứ hai, Chính phủ của Đảng Dân chủ Nhật Bản bị công kích kịch liệt, trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12, Noda Yoshihiko bị thất cử, Abe Shinzo thuộc phái cứng rắn kế nhiệm Thủ tướng. Để đối phó với Trung Quốc, Abe đề xuất: (1) Vòng cung dân chủ, chủ trương liên kết Nhật Bản với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ là các quốc gia có chung quan điểm giá trị về dân chủ để chống lại Trung Quốc; (2) dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản, trở ngại lớn nhất đối với đề xuất này là phái tự do trong nước Nhật (chủ nghĩa hòa bình), nhưng trước sự đe dọa từ thái độ cứng rắn của Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quân đội, kích động lòng căm thù Nhật Bản, tàu công vụ không ngừng tiến vào vùng biển Điếu Ngư, không muốn giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế, thiết lập ADIZ trái luật quốc tế và mưu đồ chia cắt Ryukyu, nên Abe và liên minh hai đảng Tự do và Dân chủ có thể điều khiển được Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, thông qua việc sửa đổi luật an ninh một cách thuận lợi vào năm 2015, dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể; (3) để giảm nhẹ áp lực trên biển Hoa Đông, Nhật Bản gia tăng sức mạnh ngoại giao tại khu vực biển Đông, tìm kiếm đồng minh để đẩy Trung Quốc khỏi tiêu điểm biển Hoa Đông; (4) biển Đông cũng là tuyến đường sống còn đối với Nhật Bản. Nhật Bản trở thành một lực lượng trọng yếu khác trong vấn đề biển Đông.
Từ 9-12/11/2013, Trung Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII. Hội nghị thông qua quyết nghị thành lập “Ủy ban An ninh quốc gia”, do Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình làm Chủ tịch. Nó “không phải là cơ quan nhà nước”, cũng “không phải là ban ngành chính phủ”, mà là cơ quan lãnh đạo có quyền lực của Đảng Cộng sản, kết hợp an ninh đối ngoại với an ninh đối nội để thống nhất lãnh đạo chính trị, phối hợp giữa công an, cảnh sát vũ trang, tư pháp, Bộ an ninh quốc gia, Cục 2 và Cục 3 Bộ Tổng tham mưu quân giải phóng, Ban liên lạc Tổng cục Chính trị, Bộ Ngoại giao, Văn phòng tuyên truyền đối ngoại,...; lãnh đạo các lĩnh vực liên quan đến quân đội, công an, ngoại giao, tình báo. Ngày 23/11, Ủy ban An ninh quốc gia châm ngọn lửa đầu tiên – Trung Quốc đột nhiên đơn phương đề xuất việc thiết lập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Hành động đó đã đẩy mâu thuẫn biển Hoa Đông lên một nấc mới.
ADIZ do Trung Quốc thiết lập có 4 đặc trưng quan trọng.
Thứ nhất, thiết lập khá đột ngột, trước đó không hề trao đổi với bất kì quốc gia nào.
Thứ hai, ADIZ của Trung Quốc chồng lấn với ADIZ của các nước và khu vực lân cận: chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản trên diện tích lớn, chỗ gần Nhật Bản nhất chỉ có 130 km, đồng thời trùm hết đảo Điếu Ngư; chồng lấn với ADIZ của Hàn Quốc, trùm lên bãi đá Suyan (Tô Nham); cũng chồng lấn với ADIZ của Đài Loan.
Thứ ba, cũng là điểm quan trọng hơn, đó là nó khác với ADIZ mang tính giám sát của Mĩ và các nước, các khu vực lân cận. ADIZ của Trung Quốc mang tính kiểm soát, yêu cầu tất cả máy bay bay qua vùng này phải nộp kế hoạch bay cho Trung Quốc và chịu sự quản lí của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Thứ tư, khi mới tuyên bố, quan chức Trung Quốc đã rất cao giọng nhấn mạnh rằng việc thiết lập ADIZ có ý nghĩa to lớn và đột phá chuỗi đảo thứ nhất; phía quân đội còn tuyên bố Trung Quốc có quyền bắn rơi máy bay nước ngoài xâm nhập ADIZ mà không tuân theo sự quản lí của Trung Quốc.
Cách làm này đồng nghĩa với việc coi ADIZ là vùng cấm bay, làm chấn động thế giới và lập tức vấp phải hàng loạt phản đối. Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí Đài Loan đều phản ứng mạnh mẽ. Mĩ tuyên bố không thừa nhận ADIZ do Trung Quốc đơn phương thiết lập, đồng thời cho máy bay ném bom B52 bay trên vùng biển Hoa Đông. Quân đội Mĩ đưa ra chính sách “ba không” cứng rắn: không nộp kế hoạch bay, không thông báo trước qua vô tuyến, không cung cấp băng tần. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng cứng rắn tương tự, bay vào ADIZ của Trung Quốc nhưng không thông báo trước. Australia, Anh quốc và Philippines liên tiếp biểu thị thái độ rõ ràng không thừa nhận ADIZ của Trung Quốc. Dư luận các nước lớn khác như Nga, Ấn Độ và Châu Âu đều thể hiện thái độ lo lắng. Ban đầu, Nhật Bản và Hàn Quốc cấm máy bay dân dụng trong nước nộp kế hoạch bay khi không đi vào không phận Trung Quốc nhưng bay qua ADIZ của nước này. Tuy nhiên, sau khi máy bay dân dụng Mĩ muốn nộp kế hoạch bay vì sự an toàn (của chuyến bay) nên Nhật Bản và Hàn Quốc có chút thay đổi, cho phép máy bay dân dụng tự quyết định có nộp kế hoạch hay không. Các nước lập tức tính đến biện pháp chống đối. Sau khi yêu cầu Trung Quốc xoá bỏ ADIZ chồng lấn với mình không thành, Hàn Quốc tuyên bố mở rộng ADIZ, bao gồm cả đảo Suyan (Tô nham / Ieodo), có phạm vi đồng nhất với vùng thông tin bay (Flight Information Region) của Hàn Quốc. Hàn Quốc còn chuẩn bị nâng cấp ADIZ vốn không cần nộp kế hoạch bay thành vùng nhận dạng phải báo cáo trước như kiểu Trung Quốc. Tình hình biển Hoa Đông đột nhiên nóng lên.
Sau khi bị các nước liên tục phản dối và phớt lờ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đành tuyên bố lại: ADIZ không phải là không phận, không phải vùng cấm bay, không ảnh hưởng tới quyền tự do hàng không của các nước, v.v... Tuy nhiên, cách nói này rõ ràng ngược lại với quy định luật pháp của Trung Quốc và sự cao giọng ban đầu của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Do Trung Quốc cứng đầu không chịu sửa đổi, còn các hãng hàng không dân dụng các nước vì lo ngại đến an toàn của hành khách nên cũng đành phải chịu theo quy định của Trung Quốc, nhưng điều đó càng làm tăng hình ảnh “bá đạo” của Trung Quốc trên trường quốc tế. Mặt khác, quân đội Mĩ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phủ nhận quyền kiểm soát ADIZ của Trung Quốc bằng thái độ cứng rắn và hành động thực tế.
Vì vậy, việc Trung Quốc đột ngột và đơn phương thiết lập ADIZ có tính kiểm soát vi phạm luật pháp quốc tế là một sai lầm lớn. Về đối ngoại, hành động này đã đẩy các nước đi ngược chiều với Trung Quốc; về đối nội, nó làm cho dân chúng đang cực kì hưng phấn bỗng trở nên thất vọng, quay sang chế nhạo và không tin tưởng Chính phủ. Ngay đến một số học giả ủng hộ lập trường Trung Quốc cũng phải thừa nhận: đây là hành động “nông cạn”. Tình thế biển Đông và biển Hoa Đông vốn đã có dấu hiệu dịu lại, nhưng ngay khi hành động này vừa đưa ra, cả khu vực lại rơi vào căng thẳng.
Luật quốc tế về vùng nhận dạng phòng không
Ý định thiết lập ADIZ được Trung Quốc ấp ủ từ lâu. Các nước lân cận như Hàn Quốc (1950), Nhật Bản (1969) và Đài Loan đã sớm thiết lập ADIZ. Do đó, việc Trung Quốc muốn thiết lập vùng nhận dạng phòng không của riêng mình cũng không có gì sai trái. Vấn đề ở chỗ, ADIZ có tính kiểm soát do Trung Quốc thiết lập mâu thuẫn nghiêm trọng với luật quốc tế, đây cũng là nguyên nhân khiến các nước trên thế giới phản đối.
Nhìn từ góc độ luật quốc tế, ADIZ của Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan theo kiểu giám sát. Trước hết, họ phân biệt rõ máy bay quân sự và máy bay dân dụng. Máy bay dân dụng nước ngoài khi bay vào ADIZ thì phải thông báo đầy đủ và chịu sự quản lí; nhưng máy bay quân sự nước ngoài, trừ phi muốn bay vào không phận (nước sở tại) thì phải báo cáo còn nếu chỉ bay qua ADIZ mà không bay vào không phận thì không cần thông báo và không chịu sự quản lí. Đương nhiên, trong tình huống cần thiết, máy bay quân sự nước sở tại sẽ căn cứ vào chỉ dẫn nội bộ về ADIZ để tiến hành giám sát, bay cùng hoặc ngăn chặn máy bay quân sự nước ngoài bay vào ADIZ. Nhưng về mặt pháp lí, đây chỉ là hành động chỉ dẫn đối với máy bay quân sự nước sở tại chứ không phải nghĩa vụ áp đặt lên máy bay quân sự nước ngoài.
Ví dụ, về định nghĩa pháp lí, đối tượng áp dung của ADIZ Mĩ chỉ là máy bay dân dụng. Trong “Bộ quy tắc liên bang” (Code of Federal Regulations) Phần 99 Kiểm soát an toàn không lưu (PART 99 - SECURITY CONTROL OF AIR TRAFFIC) có định nghĩa: “Vì lợi ích an ninh quốc gia, máy bay dân dụng phải sẵn sàng khai báo lai lịch, báo cáo vị trí và và chấp nhận vùng trời có sự quản lí” (Air defence identification zone means an area of airspace over land or water in which the ready identification, location, and control of civil aircraft is required in the interest of national security: vùng nhận dạng phòng không là phạm vi vùng trời trên đất liền hoặc trên biển, đòi hỏi máy bay dân dụng đi vào vùng này phải được nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát vì lợi ích an ninh quốc gia). Có thể thấy, đây là vùng trời cho đối tượng máy bay dân dụng. Tương tự, các chi tiết cụ thể trong quy định đều nhằm vào máy bay dân dụng chứ không phải máy bay quân sự. Đồng thời, đơn vị quản lí là Cục quản lí bay Liên bang (Federal Aviation Administration) thuộc Bộ giao thông. Vì thế, quy định về chế độ quản lí ADIZ đối với máy bay nước ngoài của Mĩ đều nhằm vào máy bay dân dụng, không có yêu cầu pháp lí như vậy đối với máy bay quân sự nước ngoài.
Đối với máy bay quân sự, Mĩ tuyên bố: “Mĩ không thừa nhận quyền của các quốc gia ven biển áp dụng thủ tục ADIZ đối với thiết bị bay nước ngoài không có dự định bay vào không phận của nước sở tại, cũng không áp dụng thủ tục này của Mĩ đối với thiết bị bay nước ngoài không có dự định bay vào không phận nước Mĩ. Cũng như vậy, các thiết bị bay của Mĩ nếu không có dự định bay vào không phận nước khác, cũng không cần khai báo lai lịch của mình hay tuân thủ thủ tục ADIZ do nước khác quy định, trừ khi Mĩ đồng ý làm như vậy.” Cũng có nghĩa là, nếu máy bay quân sự nước ngoài muốn bay vào không phận nước Mĩ thì phải báo cáo và chịu sự quản lí của cơ quan quản lí Mĩ; nhưng nếu máy bay quân sự nước ngoài chỉ bay qua ADIZ mà không bay vào không phận Mĩ thì không phải chịu sự quản lí của Mĩ. Điều đó phù hợp với luật quốc tế về tự do hàng không trong vùng trời quốc tế.
Nhật Bản không có bất kì yêu cầu nào đối với máy bay quân sự nước ngoài khi bay vào ADIZ, nhưng có giám sát hoặc điều máy bay bay kèm. Máy bay quân sự Trung Quốc đã nhiều lần bay vào ADIZ Nhật Bản và đều không có thông báo trước, càng không chịu sự chỉ huy của quân đội Nhật Bản, và Nhật Bản cũng không cho rằng máy bay quân sự Trung Quốc vi phạm luật pháp.
Ngược lại, tuy Trung Quốc dùng đầy đủ danh từ “vùng nhận dạng phòng không” để đặt tên cho ADIZ do mình thiết lập, nhưng đã mở rất rộng đáng kể ý nghĩa pháp lí của nó. Mĩ thiết lập ADIZ là để điều chỉnh hành vi máy bay quân sự của nước mình, chẳng hạn khi có máy bay quân sự nước ngoài bay qua ADIZ thì máy bay quân sự họ cần ứng phó ra sao, thực chất là giám sát khu vực này. Nhưng ADIZ của Trung Quốc lại là để điều chỉnh hành vi của máy bay quân sự nước ngoài, cũng tức là muốn kiểm soát khu vực này.
Điều 2 trong “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông” quy định:
1. Thiết bị bay bay trong vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt là vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông) phải tuân thủ quy tắc này.
2. Thiết bị bay bay trong vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông phải cung cấp các phương thức nhận dạng dưới đây:
(i) Nhận dạng kế hoạch bay trong ngày. Thiết bị bay bay trong vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông phải thông báo kế hoạch bay với Bộ Ngoại giao hoặc Cục hàng không dân dụng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
(ii) Nhận dạng vô tuyến điện. Thiết bị bay bay trong vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông phải mở và duy trì thông tin liên lạc vô tuyến hai chiều , trả lời kịp thời, chuẩn xác câu hỏi nhận dạng của cơ quan quản lí hoặc đơn vị được ủy quyền của vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông.
(iii) Nhận dạng máy hỏi đáp. Thiết bị bay bay trong vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông phải mở thiết bị ra đa hỏi đáp thứ cấp trong suốt hành trình bay.
(iv) Nhận dạng nhãn hiệu (logo). Thiết bị bay bay trong vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông phải hiển thị rõ quốc tịch và logo đăng kí nhận dạng, theo quy định liên quan của Công ước quốc tế,
3. Thiết bị bay bay trong vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông phải phục tùng mệnh lệnh chỉ huy của cơ quan quản lí hoặc đơn vị được ủy quyền của vùng nhận dạng phòng không. Lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ lựa chọn các biện pháp phòng thủ để xử lí khẩn cấp đối với những thiết bị bay không hợp tác với việc nhận dạng hoặc không phục tùng mệnh lệnh chỉ huy của vùng nhận dạng phòng không.
Theo quy định này, tất cả máy bay, dù là nước ngoài hay trong nước, dù có dự định bay vào không phận Trung Quốc hay chỉ bay qua ADIZ đều phải tuân thủ quy định do Trung Quốc đơn phương đề ra: nộp trước kế hoạch bay, mở máy điện đàm trả lời, “đăng kí” logo nhận dạng, hơn thế phải phục tùng sự quản lí và mệnh lệnh chỉ huy của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Các nước khác không thể chấp nhận những quy định này của Trung Quốc, vì vùng trời ở đó là vùng trời chung, Trung Quốc không có bất cứ quyền hạn nào để quy định phạm vi bay của máy bay quân sự nước ngoài không bay vào không phận Trung Quốc ở đó. Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự, tuần tra và các hoạt động khác tại khu vực chung này, chẳng lẽ đều phải nộp kế hoạch trước cho Trung Quốc và chịu sự quản lí của quân đội Trung Quốc sao?
Trước sự phê phán của các nước, Trung Quốc buộc phải thừa nhận cách làm theo kiểu “phương thức kiểm soát” này thực sự đã vượt qua quy định của vùng nhận dạng Mĩ, Nhật Bản, nhưng vẫn biện hộ rằng chưa có thỏa thuận quốc tế nào về ADIZ nên cách làm của Trung Quốc cũng không đi ngược quy định quốc tế. Cách giải thích này rõ ràng là sai lầm.
Mặc dù không có sự thống nhất về khái niệm ADIZ trong luật pháp quốc tế, nhưng có thể thông qua quy định về vùng đặc quyền kinh tế nêu trong “Công ước luật biển Liên Hiệp quốc” để lượng định. Điều 58 trong Công ước quy định, máy bay nước ngoài có quyền bay tự do trên vùng trời của vùng đặc quyền kinh tế. Nếu như máy bay nào cũng phải nộp trước kế hoạch bay và phục tùng sự quản lí cùng mệnh lệnh chỉ huy của cơ quan quân sự nước ven biển thì tức là đã đi ngược với quy định về quyền tự do hàng không. Vì ADIZ do Trung Quốc vạch ra bao trùm lên vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc nên quy định liên quan rõ ràng đã vi phạm Công ước. Vì vậy, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ theo cách này là không đếm xỉa đến luật và quy chuẩn quốc tế, đơn phương mở rộng phạm vi kiểm soát trên không, biến vùng trời chung rộng lớn thành vùng trời do Trung Quốc quản lí, biến vùng trời quốc tế thành gần như không phận (chuẩn lãnh không).
Ngay đối với máy bay dân dụng, quy định của Trung Quốc cũng có vấn đề. Vì lí do an toàn của hành khách, luật quốc tế có cách xử lí khác đối với máy bay dân dụng. Rất nhiều nước (kể cả Mĩ) đều quy định rõ khi máy bay dân dụng bay vào ADIZ phải nộp báo cáo chuyến bay và nhận dạng của nó. Quy định của Trung Quốc bề ngoài cũng tương tự như vậy, nhưng phân tích kĩ thì không khó nhận ra Trung Quốc thực ra đã vi phạm luật quốc tế.
Tổ chức Hàng không dân dụng (International Civil Aviation Organization) thuộc Liên Hiệp quốc đã phân định tất cả vùng trời trên thế giới, mỗi vùng trời được gọi là vùng thông tin bay (Flight Information Region, FIR). Phạm vi của những FIR này được hình thành qua quá trình hiệp thương quốc tế rộng rãi (Trung Quốc cũng tham gia), được quốc tế công nhận, có hiệu lực quốc tế. Khi bay vào mỗi FIR, máy bay dân dụng phải báo cáo kế hoạch bay với nước có vùng thông tin bay theo quy định, duy trì liên lạc và thông báo với đơn vị quản lí. Các biện pháp này đều nhằm bảo vệ an toàn cho máy bay dân dụng.
Hiện tại, các quốc gia đã thiết lập ADIZ, chẳng hạn như Hoa Kì, Nhật Bản và Hàn Quốc, về cơ bản có ADIZ của họ trong FIR do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế phân định. Phạm vi FIR của Mĩ hầu như bao trùm toàn bộ vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, nhưng ADIZ chỉ là một phần nhỏ trong đó. Ranh giới FIR của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông về cơ bản trùng với ADIZ của nước này, nhưng nó nhỏ hơn nhiều so với FIR của Nhật Bản ở khu vực Thái Bình Dương. ADIZ của Hàn Quốc trước khi mở rộng cũng nhỏ hơn FIR. Nghĩa là, giả sử các nước này không thiết lập ADIZ thì khi máy bay dân dụng bay qua khu vực này cũng đã phải có nghĩa vụ báo cáo kế hoạch bay và chịu sự quản lí. Vì vậy, yêu cầu máy bay dân dụng báo cáo kế hoạch bay và chịu sự quản lí khi bay vào ADIZ không trái với luật quốc tế.
Tuy nhiên, phạm vi ADIZ được Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông rõ ràng vượt quá ranh giới FIR do Tổ chức quốc tế phân định, chồng lấn với FIR của Hàn Quốc và Nhật Bản trên diện rộng. Tại các vùng vượt quá giới hạn đó, máy bay dân dụng vốn chỉ phải báo cáo kế hoạch và chịu sự quản lí của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thì nay lại chịu thêm sự quản lí của Trung Quốc. Vì thế, cách làm của Trung Quốc vi phạm quy hoạch thống nhất của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, đơn phương mở rộng vùng kiểm soát của mình đối với máy bay dân dụng, vừa không thông qua quá trình hiệp thương với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế theo trình tự thông thường để điều chỉnh vùng (nhận dạng), vừa không tiến hành thương thảo với bất kì quốc gia nào. Đây cũng là lí do tại sao ban đầu Nhật Bản và Hàn Quốc không cho phép máy bay dân dụng báo cáo với Trung Quốc, cũng là lí do Nhật Bản dọa kiện Trung Quốc với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Trung Quốc khi đáp trả một mặt nhấn mạnh rằng máy bay dân dụng không bị ảnh hưởng, mặt khác lại nhấn mạnh nếu không tuân thủ quy định của Trung Quốc thì có thể nảy sinh phán đoán sai. Sự thật, đây là một kiểu uy hiếp an ninh máy bay dân dụng. Trước sự uy hiếp đó, xuất phát từ lo lắng về an ninh bay dân dụng, Mĩ và Hàn Quốc mới lần lượt cho phép công ty hàng không dân dụng báo cáo kế hoạch bay cho Trung Quốc.
Vì vậy, về mặt luật pháp quốc tế, ADIZ của Trung Quốc rõ ràng vi phạm luật quốc tế. Trung Quốc không phân biệt máy bay quân sự với máy bay dân dụng. Trung Quốc quy định máy bay quân sự nước ngoài phải gửi kế hoạch bay trước và chịu sự quản lí, chỉ huy của quân đội Trung Quốc, biến vùng trời chung thành gần như không phận, vi phạm quy định về tự do hàng không trong luật quốc tế. Đối với máy bay dân dụng quốc tế, thực chất Trung Quốc đã mở rộng FIR của mình vào trong FIR đã có sẵn của nước khác, vi phạm quy định và thủ tục của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông và tranh chấp đường 9 đoạn
Sau khi Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, điều mà các nước Đông Nam Á thêm phần lo ngại là liệu Trung Quốc có thiết lập ADIZ ở biển Đông hay không. Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chưa có kế hoạch thiết lập ADIZ trên biển Đông nhưng phía quân đội Trung Quốc lại cố ý thể hiện rằng sau này sẽ thiết lập vùng nhận dạng ở biển Đông. “Đây là nhu cầu lợi ích lâu dài của Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân nói: “Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị liên quan, nước chúng tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp để thiết lập vùng nhận diện phòng không khác.”
Ngày 30/12/2013, 10 nước ASEAN tập trung đông đủ tại Nhật Bản để tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản – ASEAN, ra tuyên bố chung: “Hai bên sẽ tăng cường hợp tác và đảm bảo quyền tự do bay và an toàn hàng không dân dụng phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế”. Mặc dù Hội nghị không phê phán rõ ADIZ của Trung Quốc, nhưng sự tham gia Hội nghị của các nước ASEAN đã biểu thị rõ thái độ. Mĩ cũng nhanh chóng thể hiện thái độ, ngày 17/12, ngoại trưởng Kerry đã cảnh báo Trung Quốc không nên thiết lập ADIZ ở biển Đông tương tự như trên biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, báo “Asahi Shimbun” Nhật Bản ngày 17/12 dẫn nguồn tin giấu tên cho biết các sĩ quan Không quân Trung Quốc đã soạn thảo kế hoạch thiết lập một ADIZ mới ở biển Đông. ADIZ mới sẽ lấy quần đảo Hoàng Sa làm trung tâm và mở rộng đến các vùng biển rộng lớn xung quanh, phạm vi lớn nhất có thể bao phủ trên một nửa biển Đông. Bộ Ngoại Giao Mĩ lập tức ra tuyên bố, gọi việc vạch ra ADIZ ở biển Đông “là hành vi khiêu khích đơn phương”. Về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ, “Là quốc gia có chủ quyền, Trung Quốc hoàn toàn có quyền căn cứ vào tình hình an ninh trên không phải đối diện để lựa chọn mọi biện pháp, bao gồm cả việc thiết lập ADIZ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, không ai có quyền xuyên tạc” Người phát ngôn Bộ Quốc phòng – Thượng tá Dương Vũ Quân chỉ trích đây là hành động “cố tình cường điệu hóa” của thế lực cánh hữu Nhật Bản, cho rằng “mục đích của họ là phân tán sự chú ý của quốc tế”, và có “động cơ đen tối”; ông ta còn nói “Trung Quốc có thiết lập ADIZ ở biển Đông hay không chủ yếu còn xem xét tình hình khu vực có căng thẳng hay không và mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Trung Quốc có tăng cao hay không.” Điều đó có vẻ ngầm muốn nói rằng Trung Quốc tạm thời chưa thiết lập vùng nhận diện phòng không biển Đông. Học giả quan hệ quốc tế Đài Loan Trần Nhất Tân cho rằng: trong ngắn hạn thì chưa nhưng không có nghĩa là cũng sẽ không làm trong dài hạn; hơn thế, một ý ngầm khác là, nếu Mĩ không chọc ngoáy vào khu vực hoặc không làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc có thể sẽ không thiết lập ADIZ.
Thiết lập ADIZ ở biển Đông còn phức tạp hơn ở biển Hoa Đông, vì: (1) liên quan tới nhiều nước hơn, ngoài Việt Nam và Philippines có quan hệ biển căng thẳng với Trung Quốc, vẫn còn có hai nước có quan hệ tốt với Trung Quốc như Malaysia và Indonesia. Một khi ADIZ được thiết lập, không thể tránh khỏi việc đẩy hai nước này rời xa Trung Quốc; (2) Khi đó, Trung Quốc còn chưa có điểm trú chân ở phía Nam biển Đông nên việc thiết lập ADIZ là điều khó khăn. Nhưng, khó khăn đó đã không còn nữa sau khi Trung Quốc xây đắp đảo với quy mô lớn; (3) Khó có thể nói chắc ADIZ có phủ kín đường 9 đoạn hay không.
Mặc dù từ cuối thế kỉ XX đến nay, thế giới luôn yêu cầu Trung Quốc làm rõ đường 9 đoạn, nhưng Mĩ lại không thể hiện rõ thái độ. Thậm chí, khi đến thăm Singapore ngày 3/8/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn cho rằng: “Yêu cầu Trung Quốc làm rõ đường 9 đoạn chỉ là kiểu xuyên tạc của một số nước.” Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc lộ rõ ý đồ thiết lập ADIZ biển Đông, Mĩ đã không thể im lặng trước vấn đề đường 9 đoạn.
Tháng 1/2014, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Trợ lí Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á Daniel Russell bày tỏ với Trung Quốc những quan tâm của Mĩ về vấn đề biển Hoa Đông và biển Đông, bao gồm: (1) Trung Quốc hạn chế người Philippines tiếp cận bãi Scarborough; (2) gia tăng áp lực đối với Philippines về vấn đề bãi Cỏ Mây; (3) ngăn chặn các nước khác khai thác dầu tại biển Đông (thậm chí tại những khu vực cách xa các đảo mà Trung Quốc nhận là của mình); (4) tuyên bố kiểm soát những khu vực đang tranh chấp chủ quyền, thậm chí đưa chúng vào khu vực quân sự; (5) thực hiện các hành động nguy hiểm chưa từng có trong vùng biển phụ cận đảo Điếu Ngư; (6) đột nhiên đơn phương thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông; (7) thay đổi quy định quản lí nghề cá trong khu vực đang tranh chấp tại biển Đông.
Ngày 5/2, Russell đã giải thích quan điểm của chính phủ Hoa Kì về các vấn đề biển Hoa Đông và biển Đông tại một phiên điều trần trước quốc hội. Ông cho biết: Mĩ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng sẽ nỗ lực ủng hộ việc xử lí tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua phương thức hòa bình, ngoại giao và dựa theo luật quốc tế. Điều đó không những không châm ngòi nổ, mà còn đảm bảo những tranh chấp đó được khống chế bằng phương thức không đe dọa, không uy hiếp và không dùng vũ lực. Hơn thế, Mĩ đã nhiều lần nhấn mạnh tự do hàng hải tại biển Đông sẽ được bảo vệ bằng luật quốc tế chứ không phải bằng sự cho phép của bất cứ quốc gia nào.
Daniel Russell nghi ngờ rằng, “Trung Quốc đang cố tuyên bố với quốc tế rằng họ kiểm soát đường 9 đoạn ở biển Đông, mặc dù bị các nước láng giềng phản đối, bản thân họ không có lời giải thích nào hay làm rõ cơ sở luật pháp quốc tế của nó.” “Chủ trương đó gây ra sự không chắc chắn, mất an ninh và bất ổn trong khu vực.” Trung Quốc dựa vào “đường 9 đoạn” để tuyên bố quyền lợi biển là không phù hợp với nguyên tắc luật quốc tế.
Daniel Russell hối thúc Trung Quốc nói rõ hoặc điều chỉnh lập trường trong vấn đề này cho phù hợp với quy định luật biển quốc tế. Ông cũng chỉ ra rằng Trung Quốc và ASEAN đã đạt được quá ít tiến bộ trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Ông khuyến nghị các nước không được đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở biển Đông, đồng thời tất cả các nước, không chỉ riêng Trung Quốc, làm rõ yêu sách của nước mình ở biển Đông theo luật pháp quốc tế. Đây là lần đầu tiên Mĩ thể hiện rõ thái độ chính thức về đường 9 đoạn, yêu cầu Trung Quốc giải thích lập trường về đường 9 đoạn ở biển Đông.
Về vấn đề này, ngày 8/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ: “Quyền lợi của Trung Quốc ở biển Đông được hình thành trong lịch sử và được bảo vệ bằng luật quốc tế. Về tranh chấp biển với các nước liên quan, Trung Quốc luôn cam kết giải quyết thông qua đàm phán và thương lượng với các nước liên quan trực tiếp. Đồng thời, Trung Quốc coi trọng việc cùng các nước ASEAN gìn giữ hòa bình, ổn định biển Đông, thông qua việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”. Ông nhấn mạnh, “Lập trường nói trên của Trung Quốc là rõ ràng, nhất quán. Bịa đặt, phóng đại làm căng thẳng tình hình không giúp được gì cho hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Ý kiến có liên quan do một số quan chức phát biểu Mĩ tại phiên điều trần trước Quốc hội không phải là hành vi mang tính xây dựng. Chúng tôi thúc giục phía Mĩ có thái độ hợp lí, công bằng, và đóng góp vai trò có tính xây dựng vì hòa bình, ổn định và sự phát triển phồn vinh của khu vực chứ không phải ngược lại.” Phát ngôn trên vẫn né tránh nói rõ lập trường Trung Quốc về đường 9 đoạn.
Sau đó vài tháng, yêu cầu Trung Quốc làm rõ đường 9 đoạn ngày càng mạnh mẽ hơn. Tháng 6, tại Đối thoại Shangri La, Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung nêu rõ: “Yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở biển Đông của Trung Quốc được hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử lâu dài, từ thời nhà Hán cách đây hơn 2000 năm đã bắt đầu phát hiện và từng bước hoàn thiện việc quản lí đối với Nam Hải, đặc biệt là các đảo ở Nam Sa và các vùng biển xung quanh.” Tuyên bố này rõ ràng phù hợp thực tế, ngay lập tức làm dư luận náo động.
Ngày 5/2/2014, Bộ Ngoại giao Mĩ công bố văn bản: “Giới hạn biển: Yêu sách biển của Trung Quốc ở biển Đông”, trọng tâm là luận chứng đường 9 đoạn, dựa trên việc so sánh bản đồ (Hình 75, Hình 76) và phân tích luật quốc tế, nhận thấy rằng yêu sách biển của Trung Quốc ở biển Đông vừa không rõ ràng, vừa không nhất quán. Đây là tuyên bố chính thức về lập trường của Mĩ đối với đường 9 đoạn. Đường 9 đoạn không phù hợp luật quốc tế, Mĩ không thừa nhận đường 9 đoạn.
Hình 75: So sánh đường 11 đoạn năm 1947 và đường 9 đoạn năm 2009
Hình 76: Khoảng cách giữa đường 9 đoạn với các nước ven biển.
Đối với việc này, Chính phủ Trung Quốc không xem xét nó một cách nghiêm túc mà còn củng cố thêm đường 9 đoạn. Trước năm 2014, đường 9 đoạn được vẽ trong khung nhỏ trên bản đồ Trung Quốc. Năm 2014, Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ Trung Quốc mới dạng đứng (Hình 77), nó được vẽ theo tỷ lệ như bản đồ chính. Điều này làm nổi rõ ý đồ thể hiện khu vực trong phạm vi đường 9 đoạn thuộc Trung Quốc, hơn nữa đường 9 đoạn có thêm một đoạn nữa ở biển Hoa Đông , biến nó thành đường 10 đoạn, và đảo Điếu Ngư được vẽ nằm vào trong biên giới của Trung Quốc.
Hình 77 : Bản đồ Trung Quốc dạng đứng
VI.11. Sự kiện Giàn khoan HD 981
Cũng như các nước ven biển khác, Trung Quốc thường khai thác dầu tại khu vực nước nông ven bờ biển Đông, tập trung ở Vịnh Bắc Bộ và vành đai cửa sông Châu Giang. Trước năm 2012, Trung Quốc thiếu công nghệ khoan thăm dò dầu mỏ trong vùng nước sâu. Năm 2008, Tổng Công ty Dầu mỏ Trung Quốc (CNOOC) bắt đầu chế tạo giàn khoan “Hải dương thạch du 981” (HD 981), tháng 2/2012 chính thức đưa vào sử dụng tại biển Đông. Đây là giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và chế tạo, thuộc thế hệ thứ 6, có khả năng chìm sâu nửa thân giàn tới 3 000 m, đạt trình độ công nghệ cao nhất trong các loại giàn khoan dầu trên thế giới. Nó có khả năng khoan thăm dò tại các vùng nước sâu 3 000 m, độ khoan sâu đạt tới 12 000 m. Sau khi có thiết bị này, Trung Quốc đã có thể tác nghiệp tại vùng nước sâu ở biển Đông.
Ngày 1/5/2014, HD 981 tác nghiệp tại vùng biển cách đảo Tri Tôn (Trung Kiến) thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lí về phía Tây Nam (Hình 78). Ngày 4/5, Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc, tuyên bố địa điểm đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc đã phản bác cho rằng: giàn khoan này đặt trong vùng biển Trung Quốc, ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc đã đưa thông tin cảnh báo hàng hải về hoạt động tác nghiệp của Giàn khoan hải dương 981, mọi công việc liên quan hoàn toàn nằm trong khu vực quần đảo Tây Sa của Trung Quốc. Trung Quốc còn biện giải rằng công trình liên quan đã tiến hành 10 năm, không hiểu sao cho đến nay phía Việt Nam mới nêu lên tranh chấp. Trung Quốc không nói rõ “công trình liên quan đã tiến hành 10 năm” là công trình nào, nhưng việc khoan thăm dò tại vùng biển Hoàng Sa chắc chắn là hoạt động đầu tiên.
Hình 78: Sự kiện giàn khoan 981
Ngày 6/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mĩ Jen Psaki tuyên bố, “Việc Trung Quốc lần đầu tiên đặt giàn khoan trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam là một hành động khiêu khích (provocative) và cũng làm tình hình căng thẳng trầm trọng thêm. Hành động đơn phương này của Trung Quốc có vẻ là biểu hiện cụ thể của mô hình thúc đẩy yêu sách của mình trong lãnh thổ tranh chấp với việc làm xáo động hòa bình và ổn định (khu vực).” Mĩ bày tỏ thái độ hết sức quan tâm đến sự việc này và kêu gọi các bên xử lí ổn thỏa. Trung Quốc nhấn mạnh một lần nữa: “Phía Việt Nam quấy nhiễu hoạt động tác nghiệp bình thường của doanh nghiệp Trung Quốc là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc. Quần đảo Tây Sa từ xa xưa đã là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, hoạt động tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc trên quần đảo Tây Sa được tiến hành trong khu vực chủ quyền của Trung Quốc, không liên quan đến Việt Nam, cũng không liên quan đến Mĩ, Mĩ không có quyền đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về những các vấn đề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.”
Bắt đầu từ ngày 6/5, Việt Nam đưa tàu thuyền ra ngăn cản, đồng thời phái đội quân người nhái đặt rất nhiều chướng ngại vật như lưới đánh cá, vật nổi để gây tắc nghẽn đường đi. Phía Việt Nam nói phía Trung Quốc cho tàu chạy đâm vào và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam; vài ngày sau, phía Việt Nam cũng đáp trả tàu Trung Quốc bằng vòi rồng. Tàu thuyền hai bên đối đầu trong khu vực biển này, tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu chấp pháp Việt Nam nhiều lần truy đuổi và đâm vào nhau. Việt Nam ra tuyên bố, yêu cầu Trung Quốc rút Giàn khoan 981 khỏi vùng biển Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ. Đến cuối tháng 5 có khoảng 100 tàu thuyền Trung Quốc tiến vào khu vực này, tàu thuyền Việt Nam cũng tăng lên vài chục chiếc. Ngày 26/5, một tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm lật, hơn 10 thuyền viên rơi xuống biển được cứu sống. Trung Quốc cho rằng nguyên nhân là do tàu cá Việt Nam bị mất lái khi đâm vào tàu Trung Quốc.
Ngày 27/5, Trung Quốc tuyên bố Giàn khoan 981 hoàn thành nhiệm vụ đã định và “di chuyển” đến nơi khác. Nhưng thực ra chỉ là di chuyển hơn 10 hải lí về phía Đông và vẫn nằm trên vùng biển Hoàng Sa. Việt Nam tiếp tục ngăn cản, Trung Quốc đưa tàu đến “bảo vệ” ở nơi vừa chuyển đến. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho đến ngày 5/6 “cộng chung 2 giai đoạn, Việt Nam đã đâm hơn 1 200 lần vào tàu công vụ Trung Quốc đang thị hành nhiệm vụ bảo vệ an toàn hàng hải trên hiện trường.” Tính đến 17h ngày 7/6, số tàu Việt Nam xuất hiện trên hiện trường là 63 chiếc, lao vào khu vực Trung Quốc canh giữ và đâm vào tàu công vụ Trung Quốc tổng cộng 1 416 lần.
Ngoài đối đầu trên biển, Việt Nam còn huy động sức mạnh từ ASEAN. Ngày 10/5, hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Nay Pyi Taw, thủ đô của Myanmar, hiếm khi trong văn kiện chính thức bàn luận về tình hình biển Đông, lại bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời thúc giục Trung Quốc tăng cường nỗ lực thúc đẩy đối thoại an ninh trên biển.
Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tương đối ôn hòa, không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật quốc tế đã được công nhận rộng rãi. Trả lời phỏng vấn “The Wall Street Journal ”, Tổng Thư kí ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, Trung Quốc cần rút khỏi vùng biển đang có tranh chấp. Lê Minh Lương là người Việt Nam nhưng ông bày tỏ thái độ này dưới danh nghĩa Tổng thư kí ASEAN, rõ ràng không chỉ đại diện cho riêng Việt Nam.
So với Philippines, chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam lúc “gian nan” rõ ràng thể hiện mạnh hơn. Bắt đầu từ ngày 11/5, tại Việt Nam nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc. Các cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh thậm chí đã vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành bạo loạn, đám đông tấn công và cướp phá các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngày 13, biểu tình chống Trung Quốc lại nổ ra tại thành phố Hồ Chí Minh, dân chúng xông vào khu vực tập trung doanh nghiệp nước ngoài ở tỉnh Bình Dương gần đó, đập phá và cướp lấy trang thiết bị. Mặc dù mục tiêu chống đối vốn là Trung Quốc Đại lục, nhưng do người Việt Nam không phân biệt được đâu là xí nghiệp có nguồn vốn từ Trung Quốc nên các xí nghiệp Đài Loan, Hongkong, Singapore cũng bị tấn công, kết quả là xí nghiệp Trung Quốc lại ít bị tấn công. Trong số đó, xí nghiệp Đài Loan bị thiệt hại nặng nề nhất, một số lượng lớn doanh nhân Đài Loan phải tháo chạy trong đêm. Công trường, nhà xưởng do Tập đoàn Trung Trị Đại lục nhận thầu xây dựng cho Đài Loan bị tấn công, tạo thành thảm kịch với 4 người tử vong và nhiều người bị thương nặng. Bạo động cũng xảy ra ở các tỉnh Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bắc Ninh… nhưng có quy mô tương đối nhỏ hơn. Ban đầu, Chính phủ Trung Quốc không chuẩn bị chu đáo đối với việc chống Trung Quốc của phía Việt Nam nên lúng túng trong ứng phó. Ngày 13, (Trung Quốc) mới ra thông cáo khẩn, nhắc nhở các xí nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam làm tốt công tác an toàn, giảm tối đa việc ra ngoài không cần thiết, vài ngày sau mới bắt đầu rút người Trung Quốc về nước với quy mô lớn. Trong khi Đài Loan gấp gáp đưa người ra khỏi (Việt Nam), Công ty hàng không Trung Quốc đột nhiên tăng giá vé máy bay gấp 3 lần. Xí nghiệp có vốn Trung Quốc buộc phải treo cờ Nhật Bản để tránh bị tấn công. Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam bỗng chốc trở thành điểm nóng chính trị ở Đông Á.
Trong cuộc bạo động này, Chính phủ Việt Nam đã bắt và khởi tố hàng trăm người. Ngày 15, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra thông báo khẩn, ra lệnh cho Bộ Công an và các bộ ngành liên quan sử dụng biện pháp kiên quyết để phòng chống và trừng phạt những người gây rối trật tự. Thông báo nói rõ, “Mấy ngày gần đây, nhân dân cả nước phản đối hoạt động phi pháp của Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Đây là hoạt động yêu nước chính đáng.” “Tuy nhiên, một số hành động mang tính tự phát, phá hoại cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài là hành động phi pháp”, “Điều đó dẫn đến sự hỗn loạn trong xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cuộc sống bình thường của người dân và môi trường đầu tư cũng như chính sách đối ngoại của Đảng và Chính phủ”. Ngày 15 và 16, Nguyễn Tấn Dũng đích thân kêu gọi người dân không nên xuống đường biểu tình. Sau đó, quy mô biểu tình chống Trung Quốc đã bị kiểm soát chặt chẽ, bạo động mới lắng xuống. Việt Nam chấp nhận bồi thường thiệt hại cho đầu tư nước ngoài bằng nhiều hình thức. Trưởng Đại diện Việt Nam tại Đài Loan xin lỗi Đài Loan, tha thiết đề nghị thương gia Đài Loan không nên rút đầu tư khỏi Việt Nam.
Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam không khỏi khiến người ta liên tưởng tới cuộc biểu tình chống Nhật của Trung Quốc năm 2012. Là một trong số ít các nước cộng sản toàn trị còn sót lại, sự giống nhau giữa hai chế độ này thật đáng kinh ngạc. Trong dư luận quốc tế năm đó, Trung Quốc cũng hết sức mất mặt. Cuộc chống đối Trung Quốc của Việt Nam hiện nay chính là phiên bản chống Nhật của Trung Quốc năm đó. Việt Nam chống Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa cũng gần giống như việc Trung Quốc chống Nhật về vấn đề đảo Điếu Ngư hai năm trước đó. Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc gặp chủ nghĩa dân tộc Việt Nam khiến người ta không thể không có những cảm xúc lẫn lộn.
Nhìn chung, các học giả đều công nhận, các cuộc biểu tình kiểu này nếu không được Chính phủ cổ súy hoặc ít ra là khuyến khích thì không thể nổ ra được. Nhưng khi nổ ra, do môi trường chính trị phức tạp trong nước, sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với xã hội không còn tốt như lúc đầu. Dưới tác động của nhiều nhân tố, hiệu ứng phấn khích của chủ nghĩa dân tộc làm người dân phẫn nộ sẽ khó kiểm soát. tạo nên sự hỗn loạn, thậm chí bạo động, ảnh hưởng cực lớn đến hình ảnh quốc tế, đồng thời gây áp lực khó chống đỡ nổi cho Chính phủ. Đối với Việt Nam, còn có những khác biệt nội bộ giữa phe cải cách phía Nam (đại diện là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và “phe xã hội chủ nghĩa” phía Bắc (đại diện là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng). Nếu tình thế chống Trung Quốc tiếp tục lan rộng sẽ làm cho các thế lực gốc miền Nam (đặc biệt là người Việt hải ngoại) đặt câu hỏi về tính chính danh của chế độ hiện tại.
Ngày 31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Mĩ tích cực làm trung gian điều đình. Trong tình thế xung đột không ngừng tăng lên, ngày 8/6, Trung Quốc đưa ra bản thông điệp: “Hoạt động của Giàn khoan 981: hành động khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc” để đánh trả Việt Nam, đồng thời yêu cầu Tổng thư kí Liên Hiệp quốc đưa vào văn kiện Đại hội đồng Liên Hiệp quốc và phân phát cho các nước thành viên. Việt Nam cũng đáp trả, gửi tư liệu tương ứng tuyên bố quần Hoàng Sa thuộc Việt Nam.
Ngày 10/7, Thượng Nghị viện Liên bang Mĩ thông qua Quyết nghị số 412 về tranh chấp chủ quyền ở Châu Á – Thái Bình Dương, yêu cầu Trung Quốc rút Giàn khoan 981 và tàu bảo vệ khỏi biển Đông, khôi phục hiện trạng biển trước ngày 1/5, thúc giục Trung Quốc kiềm chế không thực hiện Tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông.
Ngày 15/5, tập đoàn CNOOC Trung Quốc tuyên bố rằng Giàn khoan 981 hoàn thành các hạng mục khoan thăm dò trong vùng biển gần đảo Tri Tôn, thu thập thuận lợi số liệu hoàn chỉnh về địa chất theo đúng kế hoạch. Sự kiện HD-981 kết thúc ở đó.
Sự kiện Giàn khoan HD 981 là cuộc đối đầu trên biển nghiêm trọng nhất ở biển Đông trong những năm gần đây, với một số ý nghĩa:
Thứ nhất, sự kiện chống Trung Quốc của Việt Nam về cơ bản khẳng định rằng việc tuyên truyền và tấn công ngoại giao của Trung Quốc về xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN” đã thất bại. Sách lược trước đây của Trung Quốc là tách Philippines vốn không biết vâng lời ra khỏi ASEAN để dạy cho một bài học và tập hợp lại phần lớn ASEAN. Nhưng, Việt Nam “xã hội chủ nghĩa” vừa là đồng chí vừa là anh em trước kia, nay đã quay lưng lại với Trung Quốc, thậm chí trở thành tuyến đầu đối kháng.
Trung Quốc gần như có xung đột với cả hai nước có tranh chấp chủ quyền tại biển Đông cùng một lúc, ảnh hưởng rất bất lợi đến ngoại giao biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam và Philippines cũng có tranh chấp lãnh thổ, nhưng do thái độ hung hăng của Trung Quốc nên hai nước cùng đứng chung chiến tuyến. Xu hướng này được thể hiện qua việc giao lưu hữu nghị giữa quân đội hai nước đóng ở biển Đông vào ngày 8/6. Những lợi thế tương ứng của Việt Nam và Philippines gần như bổ sung cho nhau: Philippines tuy yếu về thực lực nhưng được liên minh Mĩ-Philippines bảo vệ, phương thức ngoại giao của Aquino III khá tinh vi, ông cực kì giỏi ngoại giao dư luận và luật pháp, sức mạnh mềm không dễ xem thường; Việt Nam tuy không có ảnh hưởng lớn trong dư luận quốc tế nhưng lại là quốc gia có thực lực quân sự mạnh nhất Đông Nam Á, có lịch sử bất khuất đánh bại nước lớn, có truyền thống chống Trung Quốc trong lịch sử, đằng sau có sự hậu thuẫn của Nga, những năm gần đây lại được Ấn Độ ủng hộ, sức mạnh cứng không dễ xem thường.
Thứ hai, sự kiện Giàn khoan 981 lại làm dấy lên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Mặc dù hầu hết người Trung Quốc có xu hướng quên đi sự thật rằng Hoàng Sa là vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền, nhưng thật khó hiểu tại sao Việt Nam lại phản ứng dữ dội như vậy trong vụ việc này. Tuy nhiên, việc Hoàng Sa là vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền là sự thật, không vì Trung Quốc phủ nhận và kiểm soát thực tế trong thời gian dài mà có thể thay đổi.
Việt Nam có hai luận cứ để lí giải:
Một là, Hoàng Sa là lãnh thổ “vốn có” “từ xưa tới nay” của Việt Nam. Với Việt Nam, HD 981 khai thác dầu trong vùng biển gần “lãnh thổ Việt Nam”, đương nhiên không thể nhẫn nhịn.
Hai là, ngay cả không tính đến vấn đề quy thuộc chủ quyền của Hoàng Sa thì địa điểm đó (nơi đặt HD 981) cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng địa điểm khoan cách Việt Nam 170 hải lí, nhưng chỉ cách đảo Tri Tôn 17 hải lí nên thuộc vùng biển Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Việt Nam cho rằng đảo Tri Tôn chỉ là bãi đá, không được quyền đòi vùng đặc quyền kinh tế. Thậm chí bản thân quần đảo Hoàng Sa cũng không có cách nào duy trì tự nhiên được cuộc sống của con người (vì thế xưa kia nó là đảo hoang không có người sinh sống), vì vậy cũng không có quyền đòi vùng đặc quyền kinh tế. Khoảng cách gần nhất từ địa điểm khai thác của HD 981 tới đảo Hải Nam Trung Quốc là 180 hải lí, xa hơn khoảng cách đến Việt Nam. Vì vậy, theo nguyên tắc trung tuyến, địa điểm này thuộc Việt Nam chứ không phải Trung Quốc.
Trong hai luận cứ này, trước vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chưa được ngã ngũ thì luận cứ thứ nhất của Việt Nam là hợp lí. Nhưng luận cứ thứ hai lại rất khó nhận được sự ủng hộ hoàn toàn. Rất có thể đảo Tri Tôn không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế, nhưng đảo chính của Hoàng Sa có thể có quyền đó. Thực ra, Việt Nam nên nhấn mạnh rằng đất liền và các đảo nhỏ (như Hoàng Sa) có quyền không giống nhau trong phân giới biển. Quyền phân giới nghiêng về lục địa chứ không phải là phân chia đều nhau.
VI.12. Đảo nhân tạo và tự do hàng hải
Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn
Ngày 14/5/2014, đúng lúc thế giới đang dồn mắt vào sự kiện Giàn khoan HD 981 và bạo động chống Trung Quốc nổ ra ở Việt Nam thì Philippines công bố một tin sửng sốt hơn: Trung Quốc đang ‘lấp biển làm đồng’ quy mô lớn trên đá Gạc Ma (đảo Xích Qua), đồng thời xây dựng đường băng, với ý đồ xây dựng căn cứ quân sự mô hình lớn tại biển Đông. Khác với nhà giàn do các nước quanh biển Đông xây dựng trên các bãi đá trước đây, quy mô xây dựng của Trung Quốc trên đá Gạc Ma lớn chưa từng thấy trước đây, sau khi hoàn thành nó sẽ trở thành đảo nhân tạo có diện tích 30 ha (0,3 km2). Philippines cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xây đường băng trên đảo này.
Tháng 4, Philippines đã phát hiện hành vi xây đảo của Trung Quốc và đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc. Philippines chỉ rõ rằng hành vi của Trung Quốc vi phạm “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” năm 2002. Về mặt kĩ thuật, cáo buộc này không có cơ sở. Trong “Tuyên bố” chỉ quy định các nước “không được cư trú trên các đảo, bãi đá, bãi ngầm, cồn cát hoặc cấu tạo tự nhiên hiện không có người ở.” Do đá Gạc Ma đã có nhà giàn từ trước nên hành vi của Trung Quốc không được tính là vi phạm. Tuy nhiên, xét đến việc chưa từng có nước nào xây dựng đảo nhân tạo với quy mô lớn như vậy ở biển Đông, hành vi của Trung Quốc đã gây kích động đến các nước.
Thực ra, việc xây dựng đảo ở Trường Sa không phải ý đồ nhất thời của Trung Quốc. Ngay từ năm 2012, trang mạng tàu thuyền Trung Quốc (China Shipping Network) đã có mời thầu qua “thư tỏ ý muốn hợp tác vận chuyển cung cấp cát cho công trình lấp biển tại quần đảo Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa”. (Hình 79). Khi đó, quy hoạch xây đảo tại Trường Sa đã cơ bản hoàn thành. Theo ước tính, công trình xây dựng đảo của Trung Quốc đã tiến hành khoảng 9 tháng trước khi bị Philippines tiết lộ.
Hình 79: Thông báo mời thầu của Trung Quốc –Hình tải từ trên Mạng Tàu thuyền Trung Quốc
Ngày 5/6, Philippines lại phát hiện Trung Quốc chuẩn bị xây đảo trên đá Gaven (Nam Huân) và đá Châu Viên (Hoa Dương). Hơn thế, các nước nhanh chóng phát hiện ra Trung Quốc hầu như đã xây đảo quy mô lớn đồng thời trên hầu hết các bãi đá và bãi triều thấp mà họ đang kiểm soát thực tế. Qua quan sát các hình ảnh vệ tinh của Google Earth, gần như cứ sau một khoảng thời gian lại có những thay đổi mới về hình dạng của các đảo và rạn san hô liên quan.
Việc xây dựng đảo ở biển Đông thể hiện năng lực công trình đáng kinh ngạc của Trung Quốc. Công nghệ được Trung Quốc sử dụng là thổi cát lấp biển hoặc san lấp mặt bằng, tức là dùng phương pháp thổi cát xung quanh điểm lấp biển để cát tích tụ tạo ra mặt bằng. Nó khác với cách vận chuyển đất hay cát lấy được từ chỗ khác mang đến theo truyền thống mà là dùng máy bơm (có nơi dùng ống dài) trên tàu hút nước lẫn bùn hay nước lẫn cát dưới đáy biển từ bên ngoài thổi vào nơi cần san lấp. Nước biển chảy đi, cát còn đọng lại, mặt biển trong vùng cần san lấp dần dần được lấp đầy bởi lượng cát không ngừng thổi tới. Những nơi cần san lấp có khoảng cách gần thì không cần dùng vòi thổi, những nơi xa thì tùy cự ly mà dùng vòi dài hay ngắn, vòi thổi dài nhất có thể lên tới hơn 500 m. Sau khi lấp thành mặt bằng lại tiếp tục dùng máy đầm nện chặt. Công cụ quan trọng nhất trong công trình là tàu nạo vét hút cắt có tên “Thiên Kình”, do Công tuy hữu hạn Cục Đường thủy Thiên Tân đầu tư, liên kết với trường Đại học Giao thông Thượng Hải và Công ty VOSTA LMG của Đức tiến hành thiết kế, được đóng tại Công ty hữu hạn Cục công nghiệp nặng (Thâm Quyến), công suất và khả năng nạo vét đứng đầu Châu Á, thứ ba thế giới.
Trong vòng chưa đầy hai năm, Trung Quốc đã xây xong 7 đảo nhân tạo quy mô lớn ở biển Đông, bao gồm: đá Gạc Ma [Xích Qua] (từ mùa đông năm 2013 đến mùa hè năm 2014), đá Gaven [Nam Huân] (từ mùa đông 2013 đến 11/2014), đá Tư Nghĩa [Đông Môn] (mùa đông năm 2013 đến 1/2015), đá Châu Viên [Hoa Dương](khoảng 1/2014 đến 4-/2015 hoàn thành việc phun cát), đá Chữ Thập [Vĩnh Thử] (khoảng 1/2014 đến 5/2015), đá Subi [Chữ Bích] (1-6/2015), đá Vành Khăn [Mĩ Tế] (1-6/2015). Trong số các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ, chỉ có bãi Én Đất [An Đạt] là chưa bồi đắp. Đến tháng 6/2015, Trung Quốc tuyên bố ngừng thổi cát lấp biển, 7 đảo nhân tạo hình thành dưới dạng 3 lớn, 4 nhỏ. Bốn đảo nhân tạo nhỏ bao gồm: Gạc Ma (0,102 km2), đá Gaven (0,18 km2), Tư Nghĩa (0,08 km2), Châu Viên (0,28 km2). Ba đảo lớn gồm: Chữ Thập (2,8 km2), Subi (4,1 km2) và Vành Khăn (5,6 km2). Diện tích 3 đảo nhân tạo này đều lớn hơn rất nhiều so với hòn đảo tự nhiên lớn nhất là đảo Ba Bình (Thái Bình) ở Trường Sa, diện tích đảo Ba Bình chưa bằng 1/10 đảo nhân tạo Vành Khăn.
Hình 80: So sánh diện tích các đảo nhân tạo của Trung Quốc
Hình 81: Sự biến đổi của đá Chữ Thập
Hình 82: Sự biến đổi của đá Vành Khăn (bên trái) và đá Xubi (bên phải)
Ba đảo nhân tạo lớn được bố trí theo hình chữ “phẩm” (品), đều có sân bay lớn. Ngày 2/1/2016, máy bay dân dụng tiến hành bay thử trên đảo hoàn thành sớm nhất là đá Vĩnh Thử (Chữ Thập). Trên đảo có đường băng dài 3 000m, chất lượng ngang với đường băng sân bay Bắc Kinh, máy bay hành khách, máy bay chở hàng và máy bay quân sự đều có thể lên xuống. Sân bay trên hai đảo lớn khác cũng có quy mô tương tự. Đá Chữ Thập được cho là sẽ trở thành trung tâm quân sự của Trường Sa, đá Subi sẽ trở thành trung tâm chính trị,, đá Vành Khăn sẽ trở thành trung tâm quản lí nghề cá. Một bến tàu đã được xây dựng ở phía đông đá Chữ Thập, tàu chở dầu cỡ lớn và tàu hải quân có thể neo đậu ở đó.
Từ khi việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc bị phanh phui, các nước đều hết sức quan tâm và cho rằng Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát thực tế, từng bước làm thay đổi hiện trạng ở biển Đông, đây cũng là bước chuẩn bị để thiết lập ADIZ ở biển Đông. Nhờ có 3 sân bay lớn nên tầm kiểm soát của Trung Quốc có thể mở rộng tới 2 000 hải lí, về cơ bản máy bay quân sự có thể bao quát toàn bộ khu vực đường 9 đoạn, đủ điều kiện vật chất để thiết lập ADIZ. Điều đó sẽ làm biến đổi căn bản tình hình biển Đông.
Do đó, mỗi lần giới truyền thông phát hiện Trung Quốc mở rộng xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa là mỗi lần dẫn đến sự phản đối và quan ngại của các nước. Nhưng lần nào Trung Quốc cũng phản bác: xây dựng đảo nhân tạo trên các đảo đá là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, các nước không có quyền can thiệp. Mãi đến ngày 9/4/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới nói rõ lần đầu tiên tình hình Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông: “Công việc xây dựng có liên quan thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, là việc làm hợp tình, hợp lí, hợp pháp, không gây ảnh hưởng, cũng không nhằm vào bất kì quốc gia nào, không thể trách cứ được.” “Sau khi mở rộng, các đảo / đá ở Nam Sa sẽ có chức năng mang tính đa diện, tổng hợp, ngoài việc đáp ứng nhu cầu phòng vệ quân sự, tất yếu còn phục vụ nhiều nhu cầu dân sự khác nhau.” Đáp lại cáo buộc của các nhóm môi trường rằng các đảo nhân tạo phá hủy môi trường tự nhiên, người phát ngôn nêu rõ: “Các công trình mở rộng đảo / đá của Trung Quốc đã trải qua quá trình đánh giá khoa học và luận chứng nghiêm túc, coi trọng cả xây dựng lẫn bảo vệ, có các tiêu chuẩn và yêu cầu môi trường nghiêm ngặt, có tính toán đầy đủ đến các vấn đề như môi trường sinh thái và bảo vệ nghề cá, và không gây tổn hại đến môi trường sinh thái của Nam Hải.” Sau cùng, Trung Quốc còn cáo buộc lại Mĩ và các nước sử dụng tiêu chuẩn kép, vì “Chúng tôi thấy một số quốc gia không hề lên tiếng đối với hành vi xây cất lớn nhiều năm nay trên đảo / đá ở Nam Sa mà họ xâm chiếm trái phép của Trung Quốc, nhưng lại đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về các hành động bình thường, do Trung Quốc tiến hành trên lãnh thổ của mình, đây hoàn toàn là đang sử dụng tiêu chuẩn kép, không công bằng, không có tính xây dựng.”
Tại sao đảo nhân tạo lại gây tranh cãi như vậy
Rõ ràng, như Trung Quốc phản bác, lấp biển tạo đảo không phải việc một mình Trung Quốc làm. Trước khi Trung Quốc lấp biển, Malaysia đã xây đảo nhân tạo trên bãi Swallow (đá Hoa Lau), biến nó thành điểm du lịch quốc tế, một trong những đảo nhân tạo lớn nhất. Philippines, Việt Nam, thậm chí Đài Loan cũng là những tiền lệ bồi lấp biển tại các đảo đang chiếm đóng. Vậy tại sao việc lấp biển tạo đảo của Trung Quốc lại bị phản đối mạnh mẽ như vậy?
Bởi vì, việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc khác về bản chất với việc xây dựng đảo nhân tạo của các nước khác:
Thứ nhất, mặc dù Philippines, Việt Nam và Đài Loan có lấp biển tạo đảo, nhưng là trên nền các đảo tự nhiên, không làm thay đổi đáng kể địa hình của đảo. Hơn thế, đó chỉ là mở rộng diện tích chút ít nhằm đáp ứng nhu cầu của một số công trình. Trước khi tiến hành xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn, Trung Quốc cũng tiến hành các công trình lấp biển như vậy. Do những chỗ Trung Quốc chiếm lấy đều là các bãi đá hoặc bãi triều thấp, thậm chí là các bãi ngầm, nếu không lấp biển thì làm sao có chỗ đóng quân? Có thể thấy, lấp biển với quy mô nhỏ thì sẽ không bị phản đối mạnh như vậy.
Ngược lại, trong một thời gian rất ngắn, Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo với quy mô cực lớn, vượt xa các nước khác. Chẳng hạn, Việt Nam chỉ bồi đắp 60 mẫu Anh trên đảo Trường Sa Lớn (Nam Uy) trong 5 năm; Malaysia bồi đắp 60 mẫu Anh trong thời gian 30 năm. Nhưng Trung Quốc bồi đắp 3 000 mẫu Anh (hơn 12 km2) chỉ trong 18 tháng. Hơn nữa, nền móng xây dựng của một số đảo nhân tạo thậm chí không liên quan đến kiến trúc nhân tạo ban đầu. Những đảo nhân tạo mới này đã thay đổi hoàn toàn diện mạo ban đầu của những cấu trúc này. Chúng hoàn toàn khác với việc lấp biển của Trung Quốc trước đây và việc lấp biển của các nước khác. Vì thế, đây không phải là vấn đề lấp biển nhiều hay ít mà là sự khác biệt về bản chất giữa việc bồi đắp nhỏ trên nền vốn có với việc xây dựng đảo hoàn toàn mới.
Thứ hai, lực lượng quân sự trên đảo của các nước khác rất ít, cơ bản chỉ để phòng thủ, thậm chí chỉ là trú đóng tượng trưng. Đá Hoa Lau của Malaysia chỉ thuần túy là một khu du lịch . Đảo Trường Sa Lớn - Việt Nam, đảo Thị Tứ - Philippines và đảo Thái Bình - Đài Loan, mặc dù đều có một số nhất định quân trú đóng và cũng có đường băng trên đảo, nhưng quy mô sân bay rất nhỏ, đường băng 1 500m, chỉ có thể sử dụng cho máy bay loại nhỏ. Còn ba đảo nhân tạo lớn của Trung Quốc đều có thể trở thành trung tâm tấn công quân sự, không thể không khiến các nước lo ngại.
Thứ ba, yêu sách của các nước đối với biển Đông về cơ bản đều tuân thủ luật quốc tế, mục tiêu ở biển Đông có hạn và có thể đoán được. Chỉ có Trung Quốc ngầm yêu sách “kiểm soát” toàn bộ vùng biển trong đường 9 đoạn (mặc dù Trung Quốc không thừa nhận, nhưng cũng chưa từng phủ nhận điều này với bên ngoài). Những năm gần đây, sách lược bành trướng ở biển Đông của Trung Quốc bị thế giới hình dung là “tằm ăn lá dâu” (salami slicing tactics), tức là từng bước tiến tới đạt mục tiêu chiến lược kiểm soát toàn bộ biển Đông là điều vô cùng đáng lo ngại.
Thứ tư, Sau khi xây dựng sân bay trên 3 đảo nhân tạo lớn, Trung Quốc có thể hiện thực hóa ADIZ giám sát toàn bộ biển Đông, gây ra mối đe dọa lớn đối với tự do hàng hải ở biển Đông. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh, thậm chí đích thân Tập Cận Bình cũng nói rằng “tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông xưa nay không có vấn đề gì, sau này cũng không có vấn đề gì.” Nhưng, đó là cách nói che đậy bản chất vấn đề: tự do hàng hải là quyền tự do được luật pháp quốc tế bảo đảm chứ không phải do bất kì quốc gia nào ban phát. Theo Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc, hầu hết các khu vực của biển Đông là vùng biển chung (high seas) hoặc là vùng đặc quyền kinh tế của một nước nào đó. Về vấn đề tự do hàng hải thì vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển chung là như nhau (điều 56, 58 và 87). Vì thế, không có nước nào có quyền kiểm soát đối với hầu hết các khu vực của biển Đông. Điều này và việc Trung Quốc có quyền kiểm soát mà không ai được can dự là hai việc khác nhau về bản chất. Nếu ADIZ ở biển Đông giống như ở biển Hoa Đông, trước khi bay vào máy bay nước ngoài phải thông báo trước và được sự đồng ý của Trung Quốc, đồng thời phải chịu sự quản lí của Trung Quốc. Khi đó, đúng như Mĩ đã chỉ ra, tự do hàng hải mà các nước được hưởng xưa nay bỗng biến thành thứ “tự do” do Trung Quốc “bố thí”, tuyệt nhiên không phải là tự do hàng hải đích thực. Bởi vì Trung Quốc ban phát “tự do” này thì cũng có thể lấy nó lại.
Thứ năm, hành vi của Trung Quốc ở biển Đông vi phạm “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, làm gia tăng tình trạng căng thẳng trên biển. Mặc dù nói một cách nghiêm túc, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên các đảo đá đã có các kiến trúc nhân tạo không vi phạm điều 5 trong “Tuyên bố chung”. Nhưng xây dựng với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử thì thực sự làm tình hình biển Đông thêm căng thẳng.
Thứ sáu, trước khi xây dựng đảo quy mô lớn, Trung Quốc không tính đến tác động đối với môi trường. Ngay cả xét theo thủ tục trong nước của Trung Quốc, việc xây dựng đó đã vi phạm quy định của “Luật đánh giá tác động môi trường”. Điều 3 trong Luật này quy định: “Mọi quy hoạch thuộc phạm vi quy định trong điều 9 của Luật này, khi xây dựng các công trình có ảnh hưởng đến môi trường trong lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và trong vùng biển do nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiểm soát thì đều phải được đánh giá theo quy định của Luật này.” Bộ Bảo vệ môi trường phải công bố kết quả thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, công trình tạo đảo trên một vùng biển lớn như vậy nhưng lại không công khai việc đánh giá tác động môi trường trước, dư luận không có cách nào giám sát và phán xét. Đó là chưa kể việc đánh giá môi trường của Trung Quốc còn chịu sự can thiệp chính trị và kinh tế.
Tổ chức Môi trường cho rằng, Trung Quốc xây dựng đảo với quy mô lớn sẽ gây ra tác động thảm khốc đối với các rạn san hô. Tuy vào ngày 10/6/2015, Cục Hải dương Trung Quốc đã ra văn bản để phản bác rằng họ đã “thực hiện tất cả các biện pháp đối phó trong quá trình xây dựng để đảm bảo giảm thiểu tác động của việc nạo vét đối với môi trường sinh thái của san hô”, nhưng cũng thừa nhận rằng sau công trình cũng cần “triển khai biện pháp bổ trợ môi trường sinh thái và khôi phục quần thể các rạn san hô… thực hiện việc khôi phục quần thể các rạn san hô”, trong tiến trình này, “đối với các khu vực rạn san hô đã bị hư hại nghiêm trọng do thiên nhiên hoặc nhân tạo, nếu có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục thì khoảng 5-10 năm có thể khôi phục sơ bộ, và 50-100 năm có thể khôi phục hoàn toàn một hệ sinh thái ưu việt, phức tạp và hoàn chỉnh.” Văn bản còn nêu, trước khi tạo đảo thì rạn san hô đã ở trong trạng thái “dưới mức mạnh khoẻ”, nhưng sau khi đảo được làm xong, nó vẫn ở trạng thái “dưới mức mạnh khỏe”. Ý đồ là cố lập luận rằng việc làm tổn hại đến san hô là không lớn. Cần chỉ ra rằng, khi văn bản trên được đưa ra thì việc tạo đảo của Trung Quốc chưa hoàn thành, hơn nữa tác động phá hoại rạn san hô có thể diễn ra chậm chạp.
Kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ
Sau khi công khai thừa nhận việc xây dựng đảo nhân tạo, các nước Đông Nam Á cũng như Mĩ, Nhật Bản, Australia… đều gây áp lực với Trung Quốc, mong Trung Quốc ngừng xây dựng đảo nhân tạo và không gây bất ổn ở biển Đông. Nhưng Trung Quốc luôn giữ thái độ cứng rắn. Thêm vào đó là một loạt sự kiện xảy ra trên biển giữa Trung Quốc và Mĩ từ năm 2014-2015, Mĩ ngày càng cảm thấy quyền tự do hàng hải ở biển Đông bị đe dọa..
Đồng thời với việc xây đảo nhân tạo, Trung Quốc còn tăng cường kiểm soát thực tế đối ở biển Đông. Ngày 5/12/2013, khi đang thu thập thông tin về cuộc diễn tập của tàu sân bay hải quân Liêu Ninh Trung Quốc ở khoảng cách gần, tàu tuần dương tên lửa Mĩ USS Cowpens (CG-63) đã bị một tàu chiến đổ bộ của Trung Quốc “chặn mặt”. Tàu chiến Trung Quốc phát tín hiệu cảnh báo yêu cầu tàu Cowpens dừng lại, tàu Mĩ từ chối lệnh dừng và tiếp tục hành trình. Sau đó, một tàu chiến đổ bộ của Trung Quốc liền lao lên trước chặn tàu Cowpens lại, buộc tàu Mĩ phải đổi hướng đột ngột, khoảng cách của hai tàu có lúc chỉ 76 m. Quan chức Mĩ gọi đây là “hành động nguy hiểm”, còn phía Trung Quốc thì cho rằng tàu Mĩ đi vào vùng diễn tập đã được thông báo trước của tàu sân bay Trung Quốc nên không thể không buộc tàu Mĩ dừng lại.
Ngày 19/8/2014, một chiếc máy bay tuần tra P-8 của Mĩ bay đến vùng trời cách phía đông đảo Hải Nam 220 km tiến hành trinh sát gần. Một máy bay tiêm kích hải quân Trung Quốc J-11b áp sát và lộn nhào khi chặn đầu máy bay Mĩ, phô trương trang thiết bị tên lửa trước máy bay Mĩ. Khoảng cách giữa hai máy bay có lúc chỉ khoảng 6m. Sau sự việc, quan chức Lầu 5 góc cho biết: “Máy bay chiến đấu Trung Quốc đã thực hiện động tác táo tợn, thân máy bay nghiêng 90° khi luồn qua đầu máy bay tuần tra của Mĩ, nhằm phô trương vũ khí dưới thân máy bay. Sau đó, máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay kèm bên hông máy bay Mĩ, cánh máy bay hai bên có lúc chỉ cách nhau 30 Ft (9,1 m).” Lầu 5 góc còn cho biết thêm, sau đó máy bay chiến đấu Trung Quốc làm động tác nhào lộn một vòng phía trên chiếc máy bay tuần tra của Mĩ, khi nó bay qua, hai chiếc máy bay chỉ cách nhau 45 Ft (13,72 m). Bộ Quốc phòng Mĩ nói, động tác của máy bay Trung Quốc rất không chuyên nghiệp, nguy hiểm và vi phạm quy định quốc tế. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Rhodes gọi hành động của máy bay chiến đấu Trung Quốc là “khiêu khích rất đáng lo ngại”, và Mĩ đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc t qua kênh ngoại giao.
Tối 23/8, trang mạng chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng tuyên bố của người phát ngôn Dương Vũ Quân. Tuyên bố nêu rõ, lúc 9:00 sáng ngày 19, một máy bay chống tàu ngầm P-3 và một máy bay tuần tra P-8 của Mĩ bay vào vùng trời cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông để tiến hành hoạt động trinh sát gần. Máy bay tiêm kích hải quân Trung Quốc J-11b cất cánh tiến hành công việc nhận dạng, xác minh thông thường. Thao tác liên quan của phi công Trung Quốc là chuyên nghiệp và giữ khoảng cách an toàn với máy bay Mĩ.
Có nhà bình luận quân sự cho rằng: sự việc xảy ra như một phiên bản của cuộc va chạm giữa máy bay Trung Quốc và máy bay Mĩ năm 2001, chỉ khác là “lần này không xảy ra sự cố”. Hành vi này của Trung Quốc gần như một sự phô trương, vượt quá giới hạn cần thiết cho việc xua đuổi, nguy hiểm khó chấp nhận.
Ngày 11/5/2015, khi tàu chiến USS Fort Worth (LCS-3) chạy đến gần đảo Trường Sa Lớn thì bị tàu hộ vệ hải quân Trung Quốc Diêm Thành bám theo. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mĩ đi vào gần đảo Trường Sa Lớn do Việt Nam kiểm soát, việc tàu chiến Trung Quốc bám đuôi như vậy không khỏi làm người ta chú ý. Quân đội Mĩ cho biết hai bên tuân thủ “quy tắc ứng xử khi gặp nhau ngoài ý muốn”, tiến hành trao đổi mang tính chuyên nghiệp, không tạo thành xung đột.
Ngày 3/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, để ứng phó với mọi hành vi xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc, phía Trung Quốc tiếp tục giám sát tình hình trên biển và trên không có liên quan . Dưới tác động đồng thời của nhiều nhân tố, đầu tháng 5/2015, Bộ Quốc phòng Mĩ công bố “Báo cáo về quân sự Trung Quốc và tình hình phát triển an ninh”, nêu rõ do năm 2015 Trung Quốc tăng cường xây đảo tại biển Đông, nên Mĩ phải tính đến phương thức khác để đối phó với Trung Quốc.
Ngày 20/5, một quan chức dấu tên Bộ Quốc phòng Mĩ tiết lộ rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Carter yđã yêu cầu xem xét các phương án ứng phó bao gồm: điều máy bay trinh sát hải quân đến các đảo / đá đang tranh chấp của Trung Quốc ở biển Đông, và phái tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lí của các đảo / đá có liên quan. Ngày 16/5, trước ngày thăm Trung Quốc, Kerry tuyên bố cần cho Trung Quốc “hiểu cặn kẽ” mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, trong suốt chuyến thăm, sau khi gặp mặt Lí Khắc Cường và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long, ông còn nghe tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: “việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ của Trung Quốc vững như hòn đá tảng, không hề lay chuyển.” Trung Quốc không hề nhượng bộ. Ngày 20/5, máy bay trinh sát P-8A của Mĩ tuần tra tại khu vực gần đảo Hải Nam, chở theo nhà báo Erin Burnett hãng CNN. Nhà báo CNN ghi lại toàn bộ quá trình tuần tra, đồng thời chụp hình lại toàn bộ hiện trạng công trình trên các đảo của Trung Quốc. Các cuộc tuần tra như vậy của Mĩ diễn ra thường xuyên nhưng rất ít công khai, hơn nữa việc mời nhà báo đưa tin mới chỉ là lần đầu tiên trong suốt mấy năm qua. Hành động của Mĩ vẫn còn chừa chỗ, chẳng hạn không đi vào khu vực cách đảo 12 hải lí, điều đó dường như đã được Kerry và lãnh đạo Trung Quốc ngầm thỏa thuận. Tuy nhiên sau đó, phía quân đội Mĩ cũng tuyên bố: không loại trừ sau này sẽ tiến vào phạm vi 12 hải lí. Tuyên bố đó lại vấp phải sự phản kháng quyết liệt của Trung Quốc.
Trước phản kháng từ phía Trung Quốc, ngày 28/5, dự lễ nhậm chức Tư lệnh mới của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mĩ Harris tại Hawaii, bộ trưởng quốc phòng Mĩ Carter hối thúc: “Trung Quốc và các nước liên quan lập tức ngừng hoạt động lấp biển xây đảo ở biển Đông, đồng thời kêu gọi các quốc gia liên quan ngừng xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Và Mĩ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra tại biển Đông theo quy định luật pháp quốc tế.” Đây là lần đầu tiên Mĩ nêu rõ yêu cầu Trung Quốc dừng xây đảo. Trong Đối thoại Shangri La sau đó ít lâu, Trung Quốc lại trở thành tiêu điểm tranh cãi. Carter một lần nữa yêu cầu Trung Quốc dừng các công trình xây dựng đảo và nói: Mĩ không có ý quân sự hóa tranh chấp biển Đông, nhưng cũng đảm bảo “không ai có thể ngăn cản” quyền tự do hàng hải của tàu bè Mĩ tại biển Đông. Trước dư luận và áp lực quốc tế, cuối cùng, ngày 16/6 Trung Quốc thông báo: “Trung Quốc sẽ hoàn thành các công trình bồi đắp trên các đảo có trú đóng tại quần đảo Nam Sa vào thời gian tới.” Sau đó lại tuyên bố: “Sau khi hoàn thành việc bồi đắp, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng các cơ sở đáp ứng các chức năng liên quan trong giai đoạn tiếp theo” Rốt cục, liệu Trung Quốc dừng xây đảo do áp lực từ phía Mĩ hay Trung Quốc đã hoàn thành việc xây đảo theo kế hoạch, đó vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Đương nhiên, có khả năng Trung Quốc và Mĩ đã đạt được thỏa thuận ngầm: Mĩ chỉ yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng đảo khi dự án sắp hoàn thành, nhằm giữ thể diện cho nhau.
Nhiều người cho rằng bước đi tiếp theo của Trung Quốc sau xây dựng đảo là tiến hành quân sự hóa và tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Đông với ý đồ củng cố “chủ quyền” đối với đường 9 đoạn. Nhưng, sau khi tuyên bố ngừng xây đảo, Trung Quốc có tiến hành quân sự hóa hay không đã trở thành tiêu điểm gai góc với các bên.
Ngày 4/8, trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur, Ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mĩ, Nga, Triều Tiên và Australia cũng được mời tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN. Việc Trung Quốc xây đảo ở biển Đông vẫn trở thành tiêu điểm của Hội nghị. Các nước dự Hội nghị tuy không phê phán đích danh Trung Quốc, nhưng đều lần lượt chỉ ra rằng, hành vi lấp biển xây đảo đã phá hoại sự ổn định ở biển Đông. Nước chủ nhà Malaysia phê phán “bên xây đảo không chịu thảo luận và giải quyết vấn đề gai góc này với các nước láng giềng”; Mĩ đề xuất “đồng thuận 3 dừng” ở biển Đông: dừng lấp biển, dừng xây dựng cơ sở, dừng hành động uy hiếp, đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Philippines; Australia biểu thị sự quan ngại cao độ trước tình trạng leo thang ở biển Đông. Cuối cùng, Tuyên bố chung Diễn đàn khu vực ASEAN bổ sung thêm các từ ngữ như: “quan ngại về vấn đề xây dựng đảo ở biển Đông”; “thúc giục kiềm chế các hành động đơn phương”...
Ngày 5/8, Ngoại trưởng Mĩ Kerry trực tiếp đề nghị Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dừng xây dựng cơ sở trên các đảo nhân tạo ở biển Đông, nhưng bị Vương Nghị phản bác là “không thực tế”.
Sau đó, quân đội Mĩ đề xuất lại kế hoạch đưa tàu tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lí của các đảo / đá do Trung Quốc kiểm soát ở biển Đông, nhưng nội bộ Chính phủ Mĩ có ý kiến tranh cãi về vấn đề này. Phái cứng rắn do quân đội đứng đầu nhiều lần thúc giục đưa tàu tuần tra. Nhưng phái ôn hòa do Obama đứng đầu lại trù trừ, không quyết tâm. Cuối tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mĩ và hội kiến với Obama, đem đến cơ hội cuối cùng.
Theo hãng Thông tấn Kyodo của Nhật Bản, trước bữa tiệc công khai vào tối 25/9, Obama đã bố trí bữa tiệc tối riêng. Để có thể thảo luận cởi mở về mọi vấn đề giữa Hoa Kì và Trung Quốc, chỉ có một số rất nhỏ những người thân tín của hai nhà lãnh đạo tối cao của Hoa Kì và Trung Quốc tham dự. Các nguồn tin cho biết ngoài hai nguyên thủ quốc gia, phía Mĩ có Phó Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Kerry, Trợ lí an ninh quốc gia Rice và Đại sứ Mĩ tại Trung Quốc Baucus; về phía Trung Quốc có Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách công tác ngoại gia Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Đảng Vương Hỗ Ninh và Đại sứ Trung Quốc tại Mĩ Thôi Thiên Khải. Trong bữa tiệc tối kéo dài ba tiếng đồng hồ, vấn đề biển Đông được Obama nói tới nhiều nhất.
Obama nhiều lần nhấn mạnh: “Mĩ tuyệt đối không thể chấp nhận việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và cơ sở quân sự ở biển Đông”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc “dừng lại ở đó”. Nhưng Tập Cận Bình nói: “Những nơi đó là lãnh thổ của Trung Quốc”. Hai bên đã tranh luận gay gắt nhưng không đạt được bất kì kết quả nào về vấn đề biển Đông. Ngày 25/9, hai bên họp báo chung, so với danh mục đàm phán mà hai bên đưa ra từ trước, có thể nói vấn đề an ninh biển Hoa Đông và biển Đông không đạt được tiến triển nào. Các nguồn tin cho biết sau bữa tối, trong cơn tức giận, Obama đã yêu cầu những người thân tín của mình liên lạc với Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kì, và nói ngay tại chỗ rằng ông ta "phê chuẩn hoạt động tác chiến ở biển Đông”. Sự thật đúng sai cụ thể thế nào không thể xác định được, nhưng về mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và quân đội về vấn đề này, và về quyết định cuối cùng được đưa ra sau chuyến thăm Hoa Kì của Tập Cận Bình thì được các báo cáo khác hậu thuẫn.
Bắt đầu từ đầu tháng 10, Mĩ liên tục tuyên bố mạnh mẽ sẽ “sớm bắt đầu” tiến hành hoạt động tuần tra trong phạm vi 12 hải lí quanh các đảo do Trung Quốc chiếm đóng nhằm thể hiện lập trường “không thừa nhận lãnh hải có được từ các đảo nhân tạo”, nhưng hành động cụ thể được giữ bí mật. Thiếu tướng hải quân Trung Quốc đã đăng một bài trên “Báo Hoàn Cầu”, nói rằng Trung Quốc sẽ “đối đầu đáp trả.” Ngày 17/10, Mĩ lên giọng tuyên bố răng tàu khu trục USS Lassen đã tiến vào phạm vi 12 hải lí của đá Subi, không thông báo trước và cũng không vấp phải sự ngăn cản nào của phía Trung Quốc.
Kế hoạch tự do hàng hải
Mặc dù lần này Mĩ thực hiện kế hoạch tự do hàng hải tại biển Đông (Freedom of Navigation Program), mục đích là không thừa nhận các đảo nhân tạo tại biển Đông, nhưng điều cần chỉ ra là, kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ không phải chỉ nhằm cụ thể vào Trung Quốc mà từ năm 1979, Mĩ bắt đầu thực thi các kế hoạch mang tính pháp lí, ngoại giao và quân sự nhằm vào “yêu sách biển quá mức” của các nước ven biển, và duy trì truyền thống tự do hàng hải trên biển. Kể từ Chính phủ Carter, các chính phủ kế tiếp đều đã kế thừa và thực hiện kế hoạch này. Hàng năm, Mĩ căn cứ vào nhận định của mình về “yêu sách biển quá mức” của các nước và khu vực để triển khai hoạt động tự do hàng hải, thách thức các nước và khu vực đó bằng luật pháp, ngoại giao hay quân sự. Về mặt luật pháp, mỗi lần hành động theo kế hoạch tự do hàng hải đều tạo ra một ví dụ mới về tự do hàng hải trong khu vực đó, nhằm thể hiện Mĩ không thừa nhận về mặt ngoại giao “yêu sách biển quá mức”, đồng thời quyết tâm sử dụng biện pháp quân sự để bảo vệ và duy trì tự do hàng hải.
Điều đáng nói là, kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, điều nó nhằm tới là “yêu sách biển quá mức” chứ không nhằm vào các nước đối địch với Mĩ. Ngay cả các nước bạn bè nhưng chỉ cần Mĩ thấy rằng họ thể hiện “yêu sách biển quá mức” thì cũng bị áp dụng hành động đối kháng. Mĩ đã từng thực thi kế hoạch tự do hàng hải đối với Canada, Philippines và Hàn Quốc, thách thức các “yêu sách biển quá mức”. Kế hoạch tự do hàng hải cũng không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, đồng thời cũng không thiên vị hay giúp đỡ các nước có yêu sách chủ quyền các đảo ở biển Đông.
Cũng cần chỉ ra rằng, mặc dù Mĩ không kí “Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc” nhưng không có nghĩa là Mĩ không tuân thủ hoặc không có quyền thực hiện “tự do hàng hải” được Công ước quy định. Ngược lại, kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ có đầy đủ căn cứ luật quốc tế và mỗi lần thực hiện đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật quốc tế.
Trước hết, Trước hết, tự do hàng hải là một nguyên tắc quốc tế được thiết lập từ thế kỉ XV và không phải là thứ do Công ước ban tặng. Ngược lại, trong chừng mực nhất định, Công ước đã hạn chế quyền tự do này, Chẳng hạn, lãnh hải từ 3 hải lí theo thông lệ lúc đầu được mở rộng đến 12 hải lí, quy định nguyên tắc “đi qua vô hại”... Do đó, ngay cả Mĩ không kí kết Công ước thì vẫn có tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế, hơn thế, thậm chí về mặt lí thuyết còn được hưởng tự do hàng hải nhiều hơn, vì nói một cách nghiêm túc, những hạn chế này của Công ước không có hiệu lực đối với Mĩ.
Thứ hai, tuy Mĩ không kí Công ước nhưng năm 1958 đã kí 4 công ước lớn như “Công ước về lãnh hải và khu vực tiếp giáp” hay “Công ước về các vùng biển chung”. Các công ước này hiện vẫn còn hiệu lực cho đến nay, hơn nữa Công ước 1982 thực ra là kế thừa các công ước này. Tự do hàng hải không phải do Công ước 1982 ban cho mà là điều vốn có từ xưa, hơn nữa còn được quy định thành văn trong các công ước năm 1958. Các quy định liên quan đến tự do hàng hải trong đó không mâu thuẫn với Công ước 1982. Hơn nữa, kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ còn tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Công ước 1982 và 1958. Vì thế, không chấp nhận quyền tự do hàng hải của Hoa Kì chỉ vì nước này không kí Công ước 1982 là không hợp lí..
Thứ ba, Mĩ là nước có một hệ thống luật biển. Theo truyền thống luật pháp của Mĩ, các điều ước đa phương không được Hoa Kì kí kết vẫn có thể được áp dụng trực tiếp vào hệ thống pháp luật của Hoa Kì nếu chúng được coi là đã trở thành luật tập quán quốc tế. Ở Mĩ có nhiều vụ kiện áp dụng thành công loại luật quốc tế này, và đã thắng kiện trước chính phủ Mĩ. Vì vậy, ngay cả khi Mĩ chưa kí Công ước 1982, nếu kiện chính phủ Mĩ tại tòa án Mĩ về hành vi vi phạm Công ước 1982 trong một vụ kiện liên quan thì vẫn có nhiều khả năng thắng kiện.
Tự do hàng hải nhìn từ góc độ luật quốc tế
Hành động tự do hàng hải của Mĩ nhằm vào đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông phải đối mặt với nhiều vấn đề luật pháp phức tạp, vì vậy cũng cần xử lí một cách hữu hiệu và chính xác. Muốn thể hiện mục đích “không thừa nhận đảo nhân tạo, đảo nhân tạo không có tư cách có được lãnh hải”, Mĩ cần làm được hai việc:
Thứ nhất, lựa chọn đảo nhân tạo nào để đi đi vào phạm vi 12 hải lí? Điều 121 “Công ước Luật biển quốc tế” quy định: “Đảo là vùng đất hình thành tự nhiên, có biển bao quanh và nhô lên khỏi mặt nước khi triều cao”; hơn nữa, “những đảo đá không đảm bảo cho việc cư trú hay duy trì đời sống kinh tế cho con người thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Những đảo / đá do Trung Quốc chiếm không thỏa mãn điều kiện có vùng đặc quyền kinh tế. Chúng được chia làm hai loại: một loại là bãi đá thường xuyên nhô khỏi mặt nước (như đá Chữ Thập), được hưởng lãnh hải 12 hải lí nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế; một loại khác là bãi triều thấp, tức là những bãi đá chỉ nhô khỏi mặt nước khi thủy triều xuống thấp (như đá Vành Khăn), ngay đến cả lãnh hải cũng không có nói chi đến có vùng đặc quyền kinh tế, dù có xây đảo nhân tạo trên thì cũng chỉ được có khoảng cách an toàn 500m.
Nếu như Mĩ tiến vào vùng lãnh hải đá Chữ Thập thì sẽ không thể hiện được ý đồ của mình, vì rằng lãnh hải của đá Chữ Thập có được là dựa vào trạng thái tự nhiên của nó chứ không phải dựa đảo nhân tạo trên đó. Do đó, đá Vành Khăn vốn là bãi thủy triều thấp mới là lựa chọn cho hành động của Mĩ: bãi Vành Khăn vốn chưa có tư cách hưởng lãnh hải 12 hải lí thì dù có xây đảo to đến mấy cũng không được hưởng.
Thứ hai, tiến vào phạm vi 12 hải lí theo phương thức nào? Điều 17 Công ước quy định, các nước có quyền “đi qua vô hại” trong vùng biển 12 hải lí của các nước ven biển. Điều 18-33 Công ước quy định cụ thể việc đi qua vô hại. Do đó, dù tàu chiến mặt nước của Mĩ có đi qua trong vùng 12 hải lí của đá Vành Khăn thì việc này cũng có thể giải thích là đi qua vô hại trong “lãnh hải của đá Mĩ Tế (Vành Khăn)”. Vì thế, Mĩ buộc phải thực hiện hành động “đi qua có hại” trong khu vực 12 hải lí của đá Vành Khăn thì mới có thể thể hiện được quan điểm vùng biển này không phải là lãnh hải của đá Vành Khăn.
Đối với Mĩ, các lựa chọn đơn giản cho “việc đi qua có hại” trong phạm vi 12 hải lí quanh Đá Vành Khăn gồm:
một là, dừng lại lâu trong vùng biển này, việc này không thỏa mãn định nghĩa về đi qua, nhưng thời gian dừng bao lâu mới là đủ có thể vẫn còn tranh cãi, hơn nữa có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu;
hai là, vào ra nhiều lần vùng biển này nhưng điều này tỏ rõ ý khiêu khích nên không phù hợp với ý định ban đầu của Mĩ;
ba là, dùng tàu ngầm, nhưng nếu tàu ngầm nổi trên mặt nước khi di qua một khu vực nào đó thì sẽ là “đi qua vô hại” (xem điều 20 Công ước). Vì vậy chỉ cần tàu ngầm đi qua dưới mặt nước trong phạm vi 12 hải lí thì có thể coi như “không là đi qua vô hại”. Trong thời gian thực hiện, tàu không nổi lên, nhưng tính khả thi của nó bị hạn chế bởi thủy văn;
cuối cùng, cho máy bay lên thẳng cất cánh từ tàu chiến. Căn cứ vào quy định 2e điều 19 Công ước, phương thức này không phải là đi lại vô hại, hơn thế còn tương đối thuận tiện và nhanh chóng.
Tóm lại, nếu Mĩ muốn đạt được ý định thì vận dụng hai phương thức sau là phù hợp nhất.
Thông tin nhiễu loạn về tuần tra của Mĩ tại biển Đông
Trong cuộc tuần tra tại biển Đông ngày 27/10, tàu USS Lassen không tiến vào vùng biển đá Vành Khăn mà lựa chọn bãi Subi vốn chỉ nổi khi triều thấp. Tuy nhiên,trong quá trình tuần tra đã gặp rất nhiều vấn đề.
Thứ nhất, phía chính quyền Mĩ lúc đầu không công bố chi tiết tuần tra, chỉ nói một cách mập mờ là sẽ tiến vào phạm vi 12 hải lí, cũng không hề nói sẽ làm những gì ở đó. Nhưng những chi tiết đó rất quan trọng để phán đoán hành động tiến vào phạm vi 12 hải lí là “đi qua vô hại” hay “đi qua có hại”.
Theo một quan chức giấu tên của Mĩ, sau khi tiến vào phạm vi 12 hải lí, tàu của Mĩ đã tắt radar, và không có máy bay bay lên hay đáp xuống. Nhưng Mĩ lại tiết lộ, khi đó có tàu Trung Quốc đi theo phía sau, hai bên trao đổi bằng tiếng Anh qua vô tuyến điện, không khí thân thiện, thậm chí nói năng như với người nhà. Nếu đúng như vậy thì cuộc tuần tra lần này giống như thực hiện quyền “đi qua vô hại”. Bộ Ngoại giao Mĩ tuyên bố “không phải đi qua vô hại” nhưng thực tế Bộ Quốc phòng là bên thực hiện thì lại không thể hiện rõ ràng. Mấu chốt vấn đề là nếu tàu Mĩ đúng là “đi qua có hại” thì phải đưa bằng chứng về việc đi qua có hại đó.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa số các chuyên gia khác và khách mời đều không hiểu lắm vấn đề này. Chẳng hạn, khách mời của hãng CNN đều viện lí do “đi qua vô hại” để hợp lí hóa hành vi của Mĩ, thậm chí bình luận đồng thời việc này với hành vi “đi qua vô hại” của tàu chiến Trung Quốc xuyên qua quần đảo Aleutian trước đó. Tuy nhiên, một số chuyên gia luật của Mĩ đã nhanh chóng chú ý đến vấn đề này. Sau cuộc tuần tra của tàu Mĩ, hai chuyên gia Think Tank là Adam Klein và Mira Rapp-Hooper đã đăng nhiều bài phát biểu trên mạng Lawfare để thảo luận vấn đề này và chất vấn thái độ ôn hòa của Chính phủ Mĩ: hành động này rốt cục là “đi qua vô hại” hay “đi qua có hại”? Nếu đúng là đi qua vô hại thì chẳng phải đó là một dạng thừa nhận Trung Quốc có quyền lãnh hải đối với đảo nhân tạo trên đá Subi sao? Chẳng phải đó là đi ngược với ý định ban đầu của Bộ Quốc phòng hay sao?
Những tranh luận đó đã truyền tới giới chính trị. Ngày 11/11, Thượng nghị sĩ có uy tín McCain gửi thư đến Bộ Quốc phòng yêu cầu làm rõ ý nghĩa pháp lí của việc tuần tra. Cuối cùng, ngày 7/1/2016, Bộ Quốc phòng đã trả lời câu hỏi của McCain, công khai các chi tiết và căn cứ pháp lí của việc tuần tra. Một là, tàu USS Lassen khi đó tiến vào vùng 12 hải lí tại 5 đảo đá gồm: bãi Subi (Subi Reef), đảo Song Tử Đông (Bắc Tử / Northeast Cay), đảo Song Tử Tây (Nam Tử / Southwest Cay), rạn đá Gạc Ma (Xích Qua / South Reef) và đảo Sơn Ca (đá Đôn Khiêm / Sand Cay), những đảo / đá này do Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines chiếm đóng hoặc yêu sách, tất cả các nước đều không được thông báo trước. Hai là, khi đó tàu USS Lassen chạy liên tục ngang qua các vùng biển này, cách làm đó thuộc hành vi “đi qua vô hại”, tức là có thể thực hiện ở lãnh hải hay ở vùng biển chung. Ba là, tại sao Subi vốn là bãi triều thấp mà vẫn “đi qua vô hại”, lí do là dù bản thân bãi đá Subi không thể có lãnh hải nhưng nó lại nằm trong phạm vi 12 hải lí của đảo Sơn Ca có quyền có lãnh hải. Vì vậy bãi Subi cũng có quyền được dùng làm đường cơ sở phân định lãnh hải. Đảo Sơn Ca tuy do Việt Nam chiếm đóng nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền ở đây, vì vậy Mĩ không thể xác định được Subi có thể có lãnh hải hay không.
Lập luận này dựa trên Điều 13 về “bãi triều thấp” trong điều 13 Công ước:
1/ Bãi triều thấp là vùng đất tự nhiên, có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên lên thì bị ngập nước. Nếu khoảng cách giữa toàn bộ hay một phần bãi đó với lục địa hoặc một đảo không vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì ngấn nước triều thấp nhất trên các bãi này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
2/ Nếu khoảng cách giữa toàn bộ bãi triều thấp với lục địa hoặc một đảo vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì nó không có lãnh hải riêng.
Về mặt pháp lí, tình trạng của đá Subi rất phức tạp. Đá Subi là bãi triều thấp nên tự nó không có quyền có lãnh hải, tuy nhiên nó lại nằm nằm phạm vi 12 hải lí của đảo Sơn Ca / đá Hoài Ân (Sandy Cay), đều có quyền có lãnh hải. Do đó, theo điều 13, ngấn nước triều thấp của Subi có thể dùng để vẽ đường cơ sở lãnh hải cho Sơn Ca / Hoài Ân. Nói cách khác, dù bản thân đá Subi không có lãnh hải, nhưng nếu phụ thuộc vào đảo Sơn Ca / Hoài Ân thì nó sẽ được quy thuộc chủ quyền và địa vị pháp lí theo đảo Sơn Ca / Hoài Ân. Dù trên thực tế thì hiện nay đảo Sơn Ca do Việt Nam kiểm soát, đá Subi do Trung Quốc, còn Hoài Ân chưa ai kiểm soát nhưng cả hai [và cả Philippines] đều tuyên bố có chủ quyền đối với Sơn Ca và Hoài Nhơn. Và do đó, dù thuộc về Trung Quốc, Việt Nam [hay Philippines] thì Subi vẫn nằm nằm bên trong đường cơ sở lãnh hải của Sơn Ca / Hoài Nhơn. Hơn nữa, theo phán quyết của Tòa án quốc tế năm 2001 thì bãi triều thấp nói chung thuộc chủ quyền của nước có lãnh hải bao quanh nó, còn phán quyết năm 2012 nó không phải là đối tượng để sở hữu (appropriate). Phán quyết Tòa trọng tài năm 2016 lập lại kết luận phán quyết 2012 và nói thêm nó được coi như là một phần của đáy biển tương ứng, nếu nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế. Chính vì tính phức tạp pháp lí này mà tàu Lassen đã thực hiện “đi qua vô hại” chứ không phải “đi qua có hại”. [đoạn này ko theo sát bản chính, có chỉnh lại theo các nghiên cứu khác - ND]
Nói tóm lại, mặc dù cuộc tuần tra của tàu Lassen chứng tỏ quyền tự do hàng hải của Mĩ, nhưng lại không có tác dụng thể hiện ý định ban đầu là “đảo nhân tạo không có lãnh hải”; do tính phức tạp pháp lí của đá Subi nên đã tránh bị chỉ trích là “ngầm thừa nhận đảo nhân tạo của Trung Quốc có lãnh hải”.
Phân tích cuộc tuần tra của tàu USS Lassen
Mặc dù vấn đề luật pháp của hành trình tàu Lassen đã rõ ràng, nhưng vấn đề chính trị vẫn còn tồn tại. Mĩ có thể dễ dàng lựa chọn đá Vành Khăn vốn là bãi đá tương đối độc lập (nó không nằm trong phạm vi 12 hải lí của bất cứ đảo hay rạn đá nào), nhưng tại sao lại nghiêng sang chọn đá Subi có tình trạng pháp lí phức tạp?
Tác giả cho rằng, đó là vì Trung Quốc và Mĩ đã có thỏa thuận ngầm.
Một là, Mĩ cố tình không chọn đá Vành Khăn là nơi có thể thể hiện rõ ràng lập trường mà lại chọn đá Subi là nơi có tính pháp lí phức tạp, sử dụng phương thức “đi qua vô hại” chứ không phải “đi qua có hại” nhằm chừa chỗ cho sự việc.
Hai là, sau sự việc, Mĩ trì hoãn công bố chi tiết, cũng là để tạo sự mơ hồ trong sự việc.
Ba là, trong khi quân Mĩ hành động, Trung Quốc không phái tàu ra đối đầu. Mĩ dùng tàu khu trục tốc độ chậm chứ không dùng tàu chiến ven biển tốc độ cao, tức là muốn đàng hoàng tiến vào vùng 12 hải lí. Trong điều kiện rất đầy đủ thông tin, nếu Trung Quốc muốn ngăn chặn, họ có thể thực hiện tương tự như với USNS Impeccable và USS Cowpens.
Bốn là, tháng 9, Trung Quốc “vô cớ” tiến vào vùng biển 12 hải lí của quần đảo Aleutian thuộc Alaska của Mĩ, đối với sự việc này Mĩ cư xử phù hợp với luật quốc tế. Mĩ đã nhượng bộ Trung Quốc một bước để Trung Quốc có bước lùi sau hành động của quân đội Mĩ.
Năm là, điều đáng ngạc nhiên là dù Mĩ lớn tiếng công bố sẽ tiến hành hoạt động này, Trung Quốc lại không chỉ trích với “giọng điệu gay gắt”; mà ngược lại, Phạm Trường Long còn phát biểu trong Hội nghị Hương Sơn rằng ngay cả khi “liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ không dùng đến vũ lực”; còn Ngoại trưởng Vương Nghị thì không dùng từ “cảnh cáo” mà dùng từ “khuyên nhủ” ít khi sử dụng, hy vọng Mĩ “suy nghĩ kĩ trước khi hành động”.
Sáu là, sau khi xảy ra sự việc, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” đăng bài “Lời khuyên tàu chiến Mĩ rời khỏi phạm vi 12 hải lí các đảo ở Nam Hải”. Lời lẽ bài viết ôn hòa một cách kì lạ, nói cho người Mĩ nghe thì ít mà “xoa dịu” các phần tử dân tộc chủ nghĩa trong nước nhiều hơn: “vấn đề tuần tra của Mĩ không lớn”.
Bảy là, trả lời về sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng tàu Trung Quốc “giám sát, bám theo và cảnh cáo” nhưng không sử dụng biện pháp “truy đuổi” như vẫn thường dùng trong trường hợp tương tự, cũng không nói rằng Mĩ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc mà chỉ nói Mĩ uy hiếp “lợi ích chủ quyền và an ninh Trung Quốc, đe dọa an toàn về người và cơ sở trên đảo, làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.
Cuối cùng, trong bài viết của tờ “Thời báo Hoàn Cầu” còn có một chi tiết ít thấy trong đại đa số truyền thông Trung Quốc trước đây, đó là thừa nhận “các đảo và đá tại Nam Sa do Trung Quốc kiểm soát đều thuộc loại 2 và loại 3”, tức là “(2) đá, nổi chút ít trên mặt nước, có lãnh hải 12 hải lí, không có vùng đặc quyền kinh tế” ; và “(3) bãi triều thấp, khi thủy triều rút mới lộ trên mặt nước, khi thủy triều lên bị chìm dưới mặt nước, không có lãnh hải 12 hải lí”. Điều đó có nghĩa “Thời báo Hoàn Cầu” cũng thừa nhận đá Subi và đá Vành Khăn do Trung Quốc chiếm không được hưởng lãnh hải và các rạn đá như Chữ Thập không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (và thềm lục địa).
Những sự việc tiếp sau cũng chứng tỏ có thỏa thuận ngầm nào đó giữa Mĩ và Trung Quốc. Ngày 13/11, Lầu 5 góc tuyên bố có 2 máy bay ném bom B52 bay gần quần đảo Trường Sa trong tuần đã bị nhân viên quản lí không phận của Trung Quốc cảnh cáo, đồng thời nói rằng máy bay chưa tiến vào phạm vi 12 hải lí trên các đảo/đá có tranh chấp.
Ngày 10/12, một máy bay ném bom B52 lại bay vào phạm vi 12 hải lí của đá Châu Viên (Hoa Dương). Châu Viên là một bãi đá nhô khỏi mặt nước, có quyền có không phận 12 hải lí. Điều 17 Công ước quy định: đi qua vô hại chỉ áp dụng cho tàu thuyền mà không phải cho máy bay. Điều 5 “Công ước hàng không dân dụng quốc tế” quy định: “Các nước kí kết thỏa thuận rằng tất cả máy bay của các nước kí kết thực hiện các chuyến bay quốc tế không theo định kì, tuân thủ quy định của Công ước này, có quyền bay vào hoặc bay qua lãnh thổ nước mình mà không hạ cánh, hoặc hạ cánh không vì mục đích thương mại, không cần phê chuẩn trước, nhưng phải phụ thuộc vào lệnh hạ cánh của quốc gia mà máy bay bay qua.” Tuy nhiên, điều đó chỉ áp dụng với máy bay dân dụng chứ không phải máy bay quân sự. Do đó, hành động lần này của Mĩ có đi ngược với luật quốc tế nhưng hai bên đã bưng bít thông tin trong suốt 9 ngày, đến khi giới truyền thông phanh phui sự việc thì Mĩ mới giải thích rằng máy bay đã bay lạc vì lí do thời tiết và việc đó không nằm trong kế hoạch tự do hàng hải. Trung Quốc bày tỏ ý kiến cho rằng việc này không được làm thành lệ, với lời lẽ ôn hòa.
Những điểm nêu trên cho thấy, dù vấn đề biển Đông rất quan trọng, nhưng nó còn xa mới là toàn bộ quan hệ Mĩ - Trung. Việc tuần tra của tàu USS Lassen được thúc đẩy bởi những cân nhắc chính trị hơn là những cân nhắc về mặt pháp lí. Thay vì chọn cách tuyên bố thẳng thừng rằng “đảo nhân tạo không có lãnh hải” mà chọn cách duy trì khả năng leo thang hành động (triển khai thêm một bước kế hoạch tự do hàng hải), vừa có thể kết giao với đồng minh và các nước đối tác trong khu vực, vừa có thể hòa hoãn xung đột trong quan hệ với Trung Quốc, chừa chỗ để khai thông và thỏa hiệp.
Ngoài ra, hành vi đó cũng có vẻ khích lệ Trung Quốc tiến gần tới luật quốc tế hơn. Điều đáng chú ý là, thái độ của Trung Quốc về tự do hàng hải trong những năm gần đây đang có dấu hiệu thay đổi. Như phần VI.2 đã nêu, trong sự kiện tàu USNS Impeccable năm 2009, Trung Quốc cho rằng tàu chiến nước ngoài không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc khi chưa được phê chuẩn, điều này trái với “Công ước luật biển quốc tế”. Nhưng trong sự kiện tàu USS Cowpens năm 2013, Trung Quốc đã không kiên định cái gọi là nguyên tắc “tàu thuyền nước ngoài phải đi qua vô hại trong vùng đặc quyền kinh tế”, thái độ rất khác so với sự kiện tàu USNS Impeccable.
Thực ra, trong những năm gần đây, cùng với việc chuyển mình thành một cường quốc hải quân, ngày càng có nhiều trường hợp Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Việc Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở biển Hoa Đông, hạm đội của họ thường xuyên ra vào Miyako Kaido và tàu ngầm hoạt động dưới nước đã không còn là điều mới lạ. Hoạt động của hải quân Trung Quốc còn mở rộng hơn tại vùng đặc quyền kinh tế của đảo Guam và Hawaii của Mĩ. Tháng 9/2015, hạm đội Trung Quốc còn chạy qua tuyến đường biển quần đảo Aleutian của Mĩ. Đối với các hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, Mĩ đánh giá là phù hợp với luật quốc tế, thậm chí còn thể hiện thái độ hoan nghênh. Cùng một tiêu chuẩn, Trung Quốc không có lí do gì để ngăn cản hoạt động của Mĩ tại vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc tại biển Đông.
Về vấn đề biển Đông, việc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ là sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn. Lí do là:
Thứ nhất, Trung Quốc tham gia trong suốt quá trình xây dựng Công ước, sau đó đã kí kết và Quốc hội Trung Quốc cũng đã phê chuẩn Công ước. Đó không phải là nguyên tắc do nước ngoài đặt ra và áp đặt vào Trung Quốc, không có chuyện “Trung Quốc không phải tuân thủ quy tắc do nước khác đặt ra” ở đây.
Thứ hai, Công ước đến nay đã trở thành quy chuẩn về hành vi trên biển của cộng đồng quốc tế. Nếu Trung Quốc ngang nhiên vi phạm Công ước sẽ gặp bất lợi về mặt đạo đức và pháp lí, để lại hình ảnh “không tuân thủ luật lệ” trong con mắt thế giới, gây phương hại nghiêm trọng đến mục tiêu trở thành “nước lớn có trách nhiệm” và mong muốn đóng vai trò đặt ra luật lệ cho thế giới.
Thứ ba, vào lúc Công ước đang xây dựng, Trung Quốc vẫn còn là quốc gia biển yếu ớt, và đứng trên lợi ích của các quốc gia ven biển để xem xét. Nhưng đến nay, Trung Quốc đã trở thành cường quốc biển, nên càng mở rộng biển càng có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc cần “vươn ra ngoài”, tự do hàng hải là cực kì quan trọng. Dưới sự kiên định và cố gắng của các cường quốc biển như Mĩ, Công ước đã giữ được rất nhiều lợi ích có lợi cho các cường quốc biển, rõ nét nhất, và cũng dễ nhận thấy nhất chính là tự do hàng hải. Vì thế, xuất phát từ lợi ích thực tế, quyền lợi biển của Trung Quốc và Mĩ hiện nay đi cùng một hướng chứ không phải đi ngược nhau. Nếu có thể, Trung Quốc có lẽ vừa muốn mình có quyền tự do hàng hải, vừa không sẵn lòng để nước khác có quyền lợi này. Nhưng điều đó vừa không phù hợp đạo lí chung, vừa không sát thực tế. Trong tình trạng lợi ích toàn cầu và lợi ích cục bộ mâu thuẫn nhau, Trung Quốc phải đưa ra lựa chọn. Về phương diện này, Trung Quốc đã có lợi ích thực tế từ một vài đảo nhân đảo tại biển Đông, nếu tiếp tục khăng khăng đòi hỏi những yêu cầu không phù hợp với luật quốc tế thì hậu quả sẽ chỉ làm tổn hại đến lợi ích toàn cầu lâu dài của Trung Quốc. Xã luận “Thời báo Hoàn Cầu” hầu như cũng thể hiện ý nguyện chuyển theo hướng này của Trung Quốc. Một số chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng, Trung Quốc thật sự đã thay đổi lập trường về vùng đặc quyền kinh tế.
Tiểu kết về sự kiện đảo nhân tạo
Sau sự kiện tự do hàng hải, Obama tiếp tục kêu gọi Trung Quốc dừng xây dựng đảo nhưng Trung Quốc vẫn kiên quyết tiếp tục các công trình trước đây. Tháng 1/2016, Trung Quốc ngang nhiên tiến hành bay thử lần thứ nhất trên đá Chữ Thập nhưng sử dụng máy bay dân dụng chứ không phải máy bay quân sự. Hành vi đó bị Việt Nam phản đối. Việt Nam còn trình lên Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO): đá Chữ Thập nằm trong khu vực thông tin bay của Việt Nam, máy bay dân dụng Trung Quốc bay vào khu vực này lại không thông báo với cơ quan quản lí bay của Việt Nam theo quy định. Tuy nhiên, tranh chấp “vô thưởng vô phạt” này đã không ngăn được Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo theo kế hoạch ban đầu.
Xây dựng đảo nhân tạo là kế hoạch được Trung Quốc nung nấu từ lâu. Sử dụng năng lực kĩ thuật công trình lớn làm chỗ dựa, lấy sức mạnh quân sự làm hậu thuẫn, lấy “chủ quyền quốc gia” làm cơ sở pháp lí, chỉ trong hai năm ngắn ngủi, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã xây dựng một số đảo và đá nhỏ thành những “quái vật khổng lồ” ở biển Đông. Điều đó đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo vùng biển quần đảo Trường Sa, và đặt nền tảng vật chất và quân sự vững chắc để Trung Quốc tiếp tục kiểm soát biển Đông thêm một bước, cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập ADIZ ở biển Đông.
7 đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trên các đảo đá mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền và đã kiểm soát thực tế trước năm 2002 và do đó cũng đã có người cư trú trước năm 2002, nên về lí thuyết không vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuy nhiên, không nghi ngờ gì rằng động thái này có tác động nghiêm trọng đến tình hình ở biển Đông và cũng vi phạm tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở ở biển Đông.
Hoạt động lấp biển ở các đảo của các quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông không thể sánh kịp với việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc về quy mô và chức năng, vì thế họ phản đối gay gắt là điều hợp tình hợp lí. Tuy nhiên, ngoài việc phản đối, có lẽ không còn cách nào khác. Vì không có luật quốc tế nào có thể ngăn cản những hành động của Trung Quốc, áp lực ngoại giao cũng không có tác dụng với chiến lược “cắt lát salami” (chiến thuật tằm ăn dâu) của Trung Quốc. Bản thân các nước ASEAN không đủ mạnh để đối đầu với Trung Quốc, vì vậy họ chỉ có thể từng bước dựa vào các lực lượng bên ngoài như Mĩ, Nhật, Ấn Độ, Australia… Đối với các nước lớn này cách duy nhất là tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự thực tế (ví dụ như tuần tra), và thậm chí thiết lập lại các căn cứ quân sự ở biển Đông, biến can thiệp quân sự thành trạng thái “bình thường mới”, điều này sẽ chỉ biến dần biển Đông thành “thùng thuốc súng”.
VI.13. Xung đột giữa Malaysia và Indonesia với Trung Quốc
Ngoài việc đối đầu với Mĩ và tiếp tục xung đột với Việt Nam và Philippines, sau khi Trung Quốc xây dựng đảo quy mô lớn, các hoạt động của nước này ở biển Đông thậm chí còn gây ra đối đầu với Indonesia và Malaysia là hai nước vốn có lập trường lúc đầu ôn hòa. Các nước ASEAN tăng cường đoàn kết để chống lại Trung Quốc.
Đối với các vấn đề biển Đông, Malaysia luôn giữ thái độ mềm mỏng. Nhưng trên thực tế, từ năm 2009 đến nay, ngày càng nhiều tàu ngư chính Trung Quốc tiến sâu vào vùng biển của Malaysia để “thực thi pháp luật”. Tháng 4 /2010, tàu ngư chính Trung Quốc 311 đã tới gần đá Hoa Lau (đá Đạn Hoàn / Swallow Island), các tàu chiến và máy bay tuần tra của Malaysia cũng có mặt đối đầu tại vùng biển này trong 18 giờ. Lúc đó, Malaysia chọn cách giữ hòa dịu, tránh gây ồn ào. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc ngày càng khiến cho người dân Malaysia bất mãn. Mùa xuân năm 2013, Malaysia tổ chức biểu tình phản đối việc 4 tàu Trung Quốc tiến vào bãi ngầm James (Tăng Mẫu), song Chính phủ Malaysia vẫn muốn giải quyết ôn hòa, thậm chí cố giúp Trung Quốc giấu kín sự việc. Ngày 26/01/2014, Trung Quốc ồn ào tuyên bố rằng 3 tàu chiến Trung Quốc, bao gồm: tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường Hải Khẩu và Vũ Hán đang tiến hành tuần tra bãi ngầm Tăng Mẫu. Trước sự ồn ào của các phương tiện truyền thông Malaysia, Bộ trưởng Hải quân Malaysia - Tướng Jafar vẫn phủ nhận sự thật, cho rằng cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc diễn ra trên vùng biển cách lãnh hải Malaysia hàng trăm hải lí về phía Bắc, không phải ở bãi ngầm James.
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc xây dựng đảo quy mô lớn, Malaysia đã không thể “ngồi yên”. Ngày 4/6/2015, tàu tuần tra Trung Quốc số hiệu 1123 đã đối đầu với tàu Cảnh sát biển và tàu của Cục Thực thi Luật Hàng hải Malaysia ở vùng biển gần bãi cạn Luconia (Quỳnh Đài). Bãi cạn Luconia nằm giữa nhóm bãi cạn South Luconia (Nam Khang) thuộc quần đảo Trường Sa. Trước đây đó là một bãi đá ngầm chìm dưới nước, nhưng hiện tại nó đã phát triển thành một đảo nhỏ cao hơn 10 m so với mặt nước khi thủy triều xuống, dài hơn 170 m, rộng 20 m, khi thủy triều lên cao nhất cũng cao từ 2 đến 3 m, dài khoảng 60 m, rộng hơn 10 m. Do chịu ảnh hưởng của thủy triều lên xuống, diện tích dao động vài chục mét vuông, nhưng diện tích hiện nay ngày càng mở rộng. Malaysia gọi bãi Nam Khang và bãi Bắc Khang là Luconia Shoals, cách đảo Borneo khoảng 150 km, rất gần điểm cực Nam của đường 9 đoạn và nằm trong thềm lục địa của Malaysia. Malaysia đã tuyên bố chủ quyền đối với chúng từ năm 1979. Malaysia đã khai thác dầu mỏ tại vùng biển bãi cạn South Luconia.
Các quan chức Malaysia chỉ ra rằng, tàu tuần tra Trung Quốc đã neo đậu ở vùng biển này trong hai năm qua. Phía Malaysia cũng tuyên bố rằng, hải quân và Cục Thực thi Luật Hàng hải của nước này luôn theo dõi và bảo vệ chủ quyền ở khu vực đó. Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Malaysia bày tỏ, tàu thuyền các nước có thể tự do đi lại, nhưng không được thả neo nếu không được sự cho phép của Malaysia. Đối với hoạt động đánh bắt trái phép và buôn lậu của tàu nước ngoài, Malaysia hết sức chú trọng và sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ và che chắn vùng biển của mình.
Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Malaysia Shahidan Kassim cho biết nơi đây không phải là nơi có tranh chấp về chủ quyền, Malaysia sẽ có hành động ngoại giao, và cũng cho biết, Thủ tướng Malaysia sẽ đề cập trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này. Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar nói với hãng tin AFP rằng từ tháng 9 năm trước, số lần “xâm nhập” của Trung Quốc đã gia tăng. Ngày nào Malaysia còn nhìn thấy tàu Trung Quốc thì ngày đó Malaysia còn lên tiếng phản đối.
Sự kiện bãi đá Luconia Breakers (Quỳnh Đài) cho thấy, sau khi phía Trung Quốc xây đảo nhân tạo, Malaysia ngày càng ít tin tưởng Trung Quốc hơn và ngày càng đứng cùng một mặt trận với các nước ASEAN khác.
Indonesia từ lâu đã vô cùng lo ngại về hoạt động của các tàu công vụ Trung Quốc ở vùng biển Natuna. Ngày 23/6/2010, tàu ngư chính 311 của Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Indonesia tại vùng biển gần quần đảo Natuna. Khi các tàu tuần tra của Indonesia cố bắt giữ 10 tàu cá Trung Quốc đang đánh cá trong vùng biển này, tàu ngư chính 311 đã chĩa súng máy vào các tàu tuần tra của Indonesia dọa bắn và yêu cầu Indonesia thả các tàu đánh cá, sự việc này gần như vượt khỏi tầm kiểm soát, và cuối cùng Indonesia buộc phải tuân thủ. Sự việc lúc đó không bị tiết lộ ra ngoài, mãi tới tháng 8 năm đó mới được truyền thông của Nhật Bản tung ra, đồng thời người ta còn cho rằng một sự kiện tương tự như vậy đã từng diễn ra vào tháng 5 năm đó. Lí do khiến phía Indonesia mềm mỏng như vậy là vì họ hi vọng tiếp tục duy trì hình ảnh “trung lập” trong tranh chấp ở biển Đông.
Sau khi phía Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo quy mô lớn, và Tổng thống mới Joko Widodo của Indonesia nhậm chức, Indonesia bắt đầu điều chỉnh lập trường với Trung Quốc. Ngày 15/01/2015, trong một cuộc họp báo, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia tuyên bố rằng Indonesia đang mở rộng sự hiện diện của lực lượng không quân tại biển Đông, phát đi tín hiệu mới về việc tân Tổng thống Joko Widodo và các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội quyết tâm đối kháng với Trung Quốc bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Natuna. Vị tướng này còn tuyên bố thẳng thừng: “Quyết tâm đánh bại mọi mưu đồ của Trung Quốc uy hiếp lãnh thổ của Indonesia ở biển Đông”.
Ngày 20/5, Indonesia tiêu hủy 43 tàu cá bắt được tại “vùng biển của Indonesia” để “dạy” cho tàu cá nước ngoài “một bài học”. Đáng chú ý là lô tàu cá bị tiêu hủy lần này có cả tàu cá của Trung Quốc. Việc Indonesia tiêu hủy tàu cá bắt được không phải là hiếm, nhưng trước đây tàu cá Trung Quốc thường được tha. Ví dụ trong sự kiện tiêu hủy tàu cá tương tự diễn ra vào năm 2014, dưới sự can thiệp ngoại giao của Trung Quốc, phía Indonesia đã tha cho 8 tàu cá của Trung Quốc. Lần này Indonesia không hề tỏ ra chùn bước trước các tàu đánh cá Trung Quốc, điều này rõ ràng là để cho thấy việc “dạy một bài học” như lời họ nói . Điều này đặc biệt là để dành cho Trung Quốc nghe.
Ngày 11/11, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lí và An ninh Indonesia (Coordinating Political, Legal and Security Affair Minister) Luhut Panjaitan tuyên bố rằng Indonesia không thừa nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc, và nếu yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết các vùng biển ở Biển Đông và yêu sách lãnh thổ của Indonesia ở Natuna không thể giải quyết thông qua đối thoại, thì Indonesia có thể nhờ đến Tòa án Hình sự Quốc tế để giải quyết (Phóng viên Reuters cho rằng vị Bộ trưởng này muốn nói tới cơ quan trọng tài quốc tế).
Về điều này, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: “Phía Indonesia không đưa ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, chủ quyền của quần đảo Natuna thuộc về Indonesia, phía Trung Quốc không có ý kiến gì khác về điều này”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai thừa nhận quần đảo Natuna thuộc về Indonesia, nhưng không đề cập đến xung đột giữa Trung Quốc và Indonesia về vùng biển xung quanh quần đảo Natuna.
Vui mừng về việc Trung Quốc thừa nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, Luhut Panjaitan tiến tới phủ nhận “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, ông nói: “Như thế, yêu sách chủ quyền ‘Đường 9 đoạn’ của Trung Quốc sẽ không thể đứng vững được nữa, bởi vì quần đảo Natuna đã là một bộ phận của Indonesia”.
Tình trạng pháp lí của bãi ngầm Tăng Mẫu (James Shoal)
Bãi ngầm James nằm trên thềm lục địa của đảo Kalimantan thuộc Malaysia, cách bờ biển của Malaysia chỉ có 87 km (43 hải lí), cách đại lục Trung Quốc rất xa, cách cực Nam của đảo Hải Nam 870 hải lí. Đó không phải đảo mà là một bãi san hô nằm dưới mặt nước biển 22 mét.
Không có bằng chứng nào Trung Quốc biết đến bãi ngầm James từ thời cổ đại. Anh là nước đầu tiên phát hiện và đặt tên cho bãi đá ngầm này. Vào thể kỉ XIX, Phòng Đo lường thủy văn hải quân Anh đã tiến hành khảo sát chi tiết ở biển Đông, bãi đá này lần đầu tiên được ghi lại trên bản đồ thủy văn, đồng thời lấy tên của nhân viên khảo sát người Anh là James Shoal để đặt tên cho bãi đá này.
Năm 1935, Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc tiến hành mở rộng bản đồ cương vực lần đầu, bãi James lọt vào tầm mắt của quan chức Bộ Nội chính, họ đã phiên âm lại tên của bãi đá này theo cách phát âm của tiếng Anh là “bãi Tăng Mẫu” (Zengmu tan). Vì sao họ cho rằng một rạn san hô nằm dưới mặt nước biển hơn 20 mét là lãnh thổ của Trung Quốc? Đó có thể là vấn đề về dịch thuật. Trong tiếng Anh, từ “Shoal” dùng để chỉ khu vực nước nông ngoài biển. Nếu quan sát từ xa, thủy thủ sẽ thấy những ngọn sóng nhô lên từ khu vực này, từ đó sẽ biết đây là vùng nước nông nguy hiểm. Nhưng, từ này được dịch không chính xác thành từ “灘/tan” (than: bãi đất ven nước) trong tiếng Trung, rất dễ bị hiểu sai thành một bãi cát trên mặt biển. Những quan chức trên có thể do đó mà nhầm lẫn, hơn nữa cũng chưa từng tận mắt chứng kiến bãi James này vốn không được coi là lãnh thổ theo luật pháp quốc tế, vì thế mới đăng lên thông báo của Bộ Nội chính.
Xét theo khía cạnh luật pháp quốc tế, yêu sách mà Trung Quốc đơn phương đưa ra thông qua bản đồ cương vực khó có thể đứng vững (xem mục II.8). Điều này đặc biệt đúng đối với bãi James, trong thực tiễn của luật pháp quốc tế, không có bất cứ nước nào coi loại bãi ngầm này là lãnh thổ, huống chi bãi James là do Hải quân Hoàng gia Anh phát hiện và đặt tên, do đó nếu nhìn từ khía cạnh quyền lịch sử thì người Anh mới có tư cách tuyên bố chủ quyền nhất.
Sau Thế chiến II, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã tiến hành mở rộng bản đồ cương vực lần thứ hai, rất nhiều tên gọi của các đảo đá được đổi thành tên gọi theo tiếng Trung Quốc. Theo đó, tên của bãi James từ Tăng Mẫu than (bãi Tăng Mẫu) được đổi sang tên gọi tiếng Trung là Tăng Mẫu ám sa ( bãi ngầm Tăng Mẫu), và được đưa vào trong phạm vi của “đường 9 đoạn”, đồng thời xác định bãi James là cực nam của lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, hai bãi ngầm gần đó là Lập Địa và Bát Tiên vốn đều nằm trong danh sách của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, nhưng không biết lí do vì sao lại không được đưa vào “đường 9 đoạn”, sau đó cũng không được công bố trên danh sách của Trung Quốc Đại Lục. Đáng chú ý là, những tàu chiến của Trung Quốc đi “thu hồi” các đảo đá tại Trường Sa cũng không đi tới bãi James.
Năm 1978, Malaysia tuyên bố được hưởng vùng thềm lục địa 200 hải lí căn cứ theo “Công ước thềm lục địa của Liên hợp quốc”. Năm 1980, Malaysia tiến hành tuần tra và tuyên bố chủ quyền tại khu vực phía Nam của Trường Sa, bao gồm cả bãi Tăng Mẫu. Trên thực tế, vào những năm 1970, Malaysia đã tiến hành khai thác dầu khí tại thềm lục địa biển Đông, trong đó có một giếng dầu cách bãi ngầm James không xa về phía Bắc. Có thể nói, Malaysia đã tiến hành thực thi các quyền của mình đối với bãi James. Trong khi đó, mãi đến năm 1983, Trung Quốc mới đến bãi James lần đầu tiên.
Khoản 1, Điều 121 của UNCLOS 1982 quy định: “Đảo là khu vực đất hình thành tự nhiên có nước bao quanh và nổi trên mặt nước biển khi triều cao”. Đây là một xác nhận rõ ràng về thông lệ quốc tế lâu nay, đó là bãi ngầm không lộ trên mặt nước ở trạng thái tự nhiên thì không đủ điều kiện là lãnh thổ, càng không được có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vì thế, căn cứ theo luật quốc tế thì bãi ngầm James không được coi là lãnh thổ. Trong vấn đề tranh chấp bãi Suyan (Tô Nham / Ieodo) tại biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, phía Trung Quốc luôn khẳng định rằng bãi Tô Nham, luôn nằm dưới mặt biển, không thể được coi là lãnh thổ, nhưng lại coi bãi ngầm James còn nằm sâu hơn bãi Tô Nham là lãnh thổ của Trung Quốc. Đây chẳng phải là “tiêu chuẩn kép” hay sao?
Vậy nếu bãi Tăng Mẫu không được coi là lãnh thổ thì nó sẽ thuộc về ai? Theo phân tích từ luật pháp quốc tế, bãi James phải thuộc về Malaysia hơn. Lí do như sau:
Một là, bãi ngầm James nằm xa các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, nằm trên thềm lục địa của đảo Kalimantan, là một cấu trúc địa lí độc lập. Như đã trình bày trong mục III.6, trên bình diện quốc tế, không có tiêu chuẩn thống nhất về phạm vi quần đảo Trường Sa, việc bãi James thuộc quần đảo Trường Sa chỉ là tuyên bố đơn phương của phía Trung Quốc. Ví dụ, người ta thường cho rằng, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng thực tế Việt Nam không tuyên bố sở hữu bãi ngầm James. Trong mô tả địa lí có uy tín về quần đảo Trường Sa của Prescott, một chuyên gia về biển Đông, bãi James cũng không nằm trong phạm vi quần đảo Trường Sa.
Hai là, bãi James cách bờ biển Malaysia chỉ có 43 hải lí, gần hơn nhiều so với bất cứ hòn đảo nào lộ trên mặt nước thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay cả khi toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc và ranh giới biển được phân chia theo nguyên tắc cách đều, thì bãi James vẫn thuộc về Malaysia.
Ba là, bãi James nằm trong thềm lục địa của đảo Kalimantan, khác với cấu trúc bồn trũng của quần đảo Trường Sa. Theo nguyên tắc thềm lục địa kéo dài, ngay cả khi toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc thì bãi James cũng thuộc về quốc gia có thềm lục địa liên quan là Malaysia.
Bốn là, trong việc phân định biển Hoa Đông, Trung Quốc cho rằng bán đảo Hàn Quốc và đảo Nhật Bản không được hưởng quyền lợi về phân định biển giống như đại lục. Theo tiêu chuẩn này, ngay cả khi tất cả các đảo lộ ra trên mặt nước trong quần đảo Trường Sa đều thuộc về Trung Quốc, thì những đảo nhỏ bé này cũng không thể được hưởng quyền lợi giống như một đảo lớn Kalimantan của Malaysia. Do đó, bãi James lại càng phải thuộc về Malaysia.
VI.14. Phán quyết của Tòa trọng tài về biển Đông
Cuộc đọ sức trước và sau phán quyết của Tòa trọng tài
Bước vào năm 2016, sát ngày phán quyết của Tòa trọng tài, các bên đều triển khai một cuộc đọ sức về ngoại giao và dư luận. Trước khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Trung Quốc đã bày tỏ rõ thái độ “bốn không”, đó là: không tham gia, không chấp nhận, không thừa nhận và không thực hiện. Đến ngày 12/7/2016, sau nhiều lần trì hoãn, Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, kết quả vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc phản ứng vụ trọng tài ở 4 cấp độ: luật pháp lí, dư luận, ngoại giao và quân sự.
Về mặt pháp lí, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành Sách trắng: “Trung Quốc kiên định giải quyết tranh chấp liên quan giữa Trung Quốc và Philippines tại Nam Hải thông qua đàm phán”, thảo luận các vấn đề pháp lí biển Đông và vụ trọng tài về biển Đông.
Về mặt dư luận, Trung Quốc lần đầu tiên tỏ ý rằng bất kể kết quả của phán quyết cuối cùng như thế nào, thì đó chỉ là tờ giấy lộn. Sau phán quyết, cùng với việc nhắc lại chính sách “bốn không”, một mặt Trung Quốc hạ thấp Tòa trọng tài cho rằng đây không phải là Tòa án quốc tế, mà chỉ là một “tổ chức không chính thức” tạm thời, cung cấp dịch vụ thư kí để kiếm tiền. Như đã trình bày tại điểm III.9, việc hạ thấp như vậy hoàn toàn là vô nghĩa lí. Trung Quốc còn cho rằng có người Nhật đứng đằng sau, dù Shunji Yanai (Chánh án Tòa ITLOS) có thái độ thế nào đối với vụ kiện này đi nữa, sự tham gia của ông trong toàn bộ vụ kiện chỉ giới hạn ở việc lựa chọn trọng tài viên theo thủ tục - trừ việc Philippines có quyền chỉ định một trọng tài viên, thật ra Trung Quốc cũng có quyền lựa chọn một trọng tài viên, đồng thời có thể tham gia lựa chọn 3 trọng tài khác; chỉ do Trung Quốc từ chối tham gia nên mới dẫn đến việc 4 trọng tài khác đều do Shunji Yanai lựa chọn. Những trọng tài này đều là học giả về luật pháp hoặc thẩm phán có tiếng của các nước, có đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn, làm sao có thể dễ dàng bị Shunji Yanai thao túng? Trung Quốc lại nói những vị trọng tài này không phải là người châu Á, không hiểu tình hình châu Á. Tuy nhiên, nếu những người này đều là người châu Á, liệu Trung Quốc có chỉ trích rằng họ có quan hệ lợi ích và có định kiến hay không? Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng Tòa trọng tài nhận tiền từ Philippines, ngụ ý việc Tòa trọng tài nhận tiền để làm việc, điều này lại càng vô lí hơn. Có lẽ ông ta ám chỉ quy định về kinh phí trong Điều 7 Phụ lục 7, kinh phí do hai bên chia đều (ngoài tiền thù lao cho Tòa trọng tài, kinh phí này còn bao gồm các loại chi phí dịch vụ pháp lí). Do Trung Quốc không tham dự, nên các chi phí đều do phía Philippines đơn phương gánh vác, đây là một sắp xếp không thể bình thường hơn được nữa. Giống như Tòa xử án, hai bên tham gia kiện tụng đều phải gánh vác án phí. Nếu lấy các chi phí đó để làm cái cớ hạ thấp Tòa trọng tài thì đó không những là vô lí mà còn không tôn trọng phẩm cách cũng như sự chuyên nghiệp của các thẩm phán.
Kế đến, (Trung Quốc) lập luận rằng Tòa trọng tài “không có thẩm quyền” và cho rằng việc Trung Quốc không tham gia Tòa trọng tài mới là tấm gương tôn trọng luật pháp quốc tế, nắm lấy việc nổ ra tranh cãi về khẳng định “đảo Thái Bình không phải là đảo” trong phán quyết để nói Tòa trọng tài là sằng bậy; và tuyên bố rằng “các nước lớn không cần phải tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế”.
Về mặt ngoại giao, Trung Quốc sử dụng tất cả các nguồn lực về ngoại giao để lôi kéo các nước ủng hộ mình. Trung Quốc tuyên bố rằng tính đến ngày 11/7/2016 đã có trên 70 quốc gia ủng hộ Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, sau khi kết thúc vụ kiện, trong số các nước mà Trung Quốc nêu tên lại có một số nước sau vụ kiện phủ nhận rằng mình đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc (ví dụ: Ba Lan, Fiji), và có một số nước khác tuyên bố chỉ ủng hộ giải quyết vấn đề biển Đông theo luật pháp quốc tế và “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông”, nhưng lại bị Trung Quốc diễn giải là “ủng hộ Trung Quốc”; có nước được cho là ủng hộ Trung Quốc nhưng từ ngữ biểu đạt cụ thể lại không rõ ràng, chỉ có văn bản do Trung Quốc đưa ra nên khó có thể phán đoán thật giả; có nước tuyên bố cần phải thông qua hiệp thương để giải quyết vấn đề biển Đông, tuy nhiên điều này không hề mâu thuẫn gì với phán quyết của Tòa trọng tài; chỉ có một số ít nước không liên quan (như Gambia ở Tây Phi) mới ủng hộ rõ ràng “Trung Quốc không cần quan tâm đến Tòa trọng tài ”. Tuy nhiên, không có nước nào tuyên bố rõ rằng các quần đảo tại biển Đông và biển Đông thuộc về Trung Quốc.
Trung Quốc một mặt kiên trì “chính sách bốn không”, mặt khác tránh đề cập đến Tòa trọng tài biển Đông trong các dịp ngoại giao nhằm làm phai mờ ảnh hưởng của Tòa trọng tài. Ngày 14/6 tại Ngọc Kê, Vân Nam, Trung Quốc và Ngoại trưởng các nước ASEAN đã tổ chức họp. Theo tin của AFP, Ngoại trưởng Malaysia công bố văn bản về Tuyên bố chung các ngoại trưởng ASEAN “cứng rắn chưa từng có”, đề cập đến vấn đề xây dựng đảo nhân tạo, nhưng vài giờ sau đó, Ban thư kí ASEAN tuyên bố thu hồi Tuyên bố chung vì có nội dung cần phải sửa đổi ngay. Có tin đồn rằng việc đó là do chịu áp lực của nước chủ nhà Trung Quốc. Ngày 25/7, trong Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Lào, Trung Quốc phản đối việc đưa vụ kiện trọng tài vào Tuyên bố theo đề xuất của Philippines, điều này nhận được sự ủng hộ của Campuchia và được Trung Quốc coi là thắng lợi về mặt ngoại giao. Nhưng, Tổng Thư kí ASEAN cho rằng đó là thắng lợi cho các giá trị và nguyên tắc tìm kiếm sự đồng thuận, trong Tuyên bố vẫn đề cập đến vấn đề xây dựng đảo nhân tạo và tự do hàng hải ở biển Đông.
Về mặt quân sự, ngoài việc tăng cường quân sự hoá ở biển Đông, ngày 5/7, trước khi có Phán quyết, 4 thượng tướng Trung Quốc, trong đó có Tư lệnh Hải quân Ngô Thắng Lợi đã đích thân chỉ đạo cuộc tập trận ở vùng biển Hoàng Sa, bao gồm 3 hạm đội Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải, sử dụng các lực lượng chiến đấu trên không, tàu ngầm, tàu trên biển và lực lượng trên bờ.
Cùng lúc đó, Mĩ, Nhật, Australia, Singapore và các nước Châu Âu tuyên bố ủng hộ vụ kiện và nhiều lần bày tỏ vụ kiện có hiệu lực pháp lí, và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Đầu tháng 7, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Nhật Bản, các nước đã ra Tuyên bố chung, yêu cầu các nước tôn trọng kết quả của vụ kiện. Sau khi có phán quyết về vụ kiện, Mĩ, Nhật và Australia ngay lập tức cùng ủng hộ phán quyết. Trước và sau khi Toà trọng tài đưa ra phán quyết, Mĩ đã điều động hai tàu sân bay USS John C. Stennis và Ronald Reagan đồng thời tới biển Đông hoạt động, rất có thể là để ngăn chặn việc Trung Quốc thực hiện hành vi chiếm các đảo trong khi tập trận.
Năm 2016, một số bên tranh chấp chủ yếu ở Biển Đông đã có các cuộc bầu cử chính trị, tàm tăng thêm biến số cho vấn đề biển Đông. Tháng 1, Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng 12, ban đầu có tin đồn rằng thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng sẽ kế nhiệm chức Tổng Bí thư và trở thành nhà lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam. Truyền thông phương Tây cũng nhất trí lạc quan về ông Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sinh ra tại Cà Mau – một tỉnh phía Nam của Việt Nam. Trước được điều về Trung ương, ông đã làm việc một thời gian dài ở miền Nam. Nếu như những tin đồn đó trở thành sự thật, thì đây sẽ là người thứ hai từ phía Nam, sau Nguyễn Văn Linh (1986-1991) đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đây là một việc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ trước tới nay, Nguyễn Tấn Dũng là một nhân vật tiêu biểu của phe cải cách, ông cũng được đánh giá là “phe thân Phương Tây”, đã chủ trì thúc đẩy thực hiện nhiều chương trình cải cách mở cửa, đặc biệt là tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mĩ khởi xướng. Nhưng trong Đại hội, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị “cho nghỉ hưu”, thay vào đó là Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng – người có tuổi cao hơn đã được bầu để tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều nhân vật thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt, quyền lực của Việt Nam cũng không còn chỉ tập trung trong tay của Tổng bí thư. Chưa kể, Nguyễn Phú Trọng tuy bị đồn đại là “thân Trung Quốc”, nhưng thực chất ông ta chỉ là tương đối bảo thủ, chứ không có nghĩa là sẽ nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ. Sau vụ kiện, Việt Nam đã ngay lập tức hoan nghênh kết quả của vụ kiện và cho biết Việt Nam cũng có thể khởi kiện Trung Quốc ra trọng tài về vấn đề biển Đông.
Đáng chú ý hơn nữa là những biến động của Đài Loan. Ngày 28/1, khi đang trong giai đoạn “vịt què”, ông Mã Anh Cửu đã phớt lờ phản ứng của Mĩ và các nước khác, đã đến thăm đảo Thái Bình (Ba Bình) cao giọng tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh Thái Bình là đảo chứ không phải là bãi đá và còn đưa ra lộ trình “Sáng kiến hoà bình ở Nam Hải”. Ngày 21/3, Mã Anh Cửu có bài phát biểu về “chính sách Nam Hải của Trung Hoa Dân quốc”, nhưng những sáng kiến này không có nhiều ảnh hưởng. Do Đài Loan không có địa vị phù hợp trong luật pháp quốc tế và cũng do “Sáng kiến hoà bình ở Nam Hải” một mặt muốn gác lại tranh chấp, một mặt lại ngầm đồng ý với việc Trung Quốc không ngừng làm thay đổi hiện trạng, thiếu điều kiện tiên quyết mà các nước quan tâm nhất là “không thay đổi hiện trạng”. Vì thế mà Sáng kiến không được các nước chấp nhận.
Sau khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến lên nắm quyền, ngoài việc thay đổi lập trường “thân Trung Quốc” của chính phủ trước, chính phủ mới còn có nhiều thay đổi trong lập trường về biển Đông. Sau khi Toà trọng tài đưa ra phán quyết về biển Đông, Thái Anh Văn một mặt khẳng định Đài Loan không tham gia vụ kiện nên không bị ràng buộc; mặt khác lại khẳng định các đảo ở biển Đông và vùng biển liên quan thuộc chủ quyền của Trung Hoa Dân quốc. Nhưng quan trọng nhất là không còn một mực theo đuổi yêu sách “đường 9 đoạn”.
Tác giả cho rằng, Đài Loan nắm giữ chìa khoá để giải quyết vấn đề đường 9 đoạn. Bởi vì Chính phủ Dân quốc là Chính phủ đầu tiên vẽ ra đường 9 đoạn (khi đó là đường 11 đoạn) nên có đầy đủ tài liệu lịch sử và thẩm quyền để làm rõ ý nghĩa thực sự của đường 9 đoạn, tức là đường quy thuộc chủ quyền các đảo. Hơn thế, Đài Loan cũng là Chính phủ đầu tiên đề xuất đường 9 đoạn tạo ra chủ quyền lịch sử hay quyền lịch sử, vì vậy Đài Loan có nghĩa vụ làm rõ điều này. Nếu Đài Loan có thể tuyên bố đường 9 đoạn chỉ là đường quy thuộc các đảo, thì Trung Quốc đại lục sẽ không còn cơ sở để khăng khăng theo cách giải thích khác. Đây có thể coi là một cản trở đối với lập trường của Trung Quốc. Nếu như đường 9 đoạn được xác định là đường quy thuộc các đảo, thì các bên có tranh chấp tại biển Đông có thể giải quyết vấn đề biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, phù hợp với lợi ích của các bên.
Sự thay đổi nhiệm kì Tổng thống của Philippines là biến số lớn nhất đối với vấn đề biển Đông. Do thời gian ra phán quyết của vụ kiện bị lùi đi lùi lại, ban đầu dự kiến sẽ công bố trước khi Aquino III hết nhiệm kì (ngày 30 tháng 6), nhưng cuối cùng bị lùi tới khi Tổng thống mới Rodrigo Duterte nhậm chức. Duterte là Tổng thống thuộc “phe dân tuý”. Vừa nhậm chức chưa lâu, ông đã thực hiện chính sách “gần Trung xa Mĩ” (thân Trung viễn Mĩ), khiến quan hệ với Mĩ xấu đi. Ông chủ trương nối lại đối thoại với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Thái độ của ông đối với vụ trọng tài là ủng hộ kết quả vụ kiện là chính, nhưng mặt khác lại tuyên bố nếu Trung Quốc đầu tư thì hai bên có thể cùng khai thác. Đầu tháng 8, Philippines cử cựu Tổng thống Ramos làm đặc phái viên tới Hong Kong để gặp Phó Oánh, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, mở đầu cho việc tiếp xúc mới giữa hai bên. Ngày 20/10, Duterte thăm Trung Quốc, nhận được sự chào đón nồng hậu của Trung Quốc và được tặng món quà là 13 dự án hợp tác song phương, quan hệ Trung Quốc và Philippines được nối lại toàn diện. Trong “Tuyên bố chung Philippines - Trung Quốc” có 3 điều liên quan tới mâu thuẫn cốt lõi về biển Đông, không khác nhiều so với tuyên bố được đưa ra trước khi xảy ra tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines, vụ trong tài về vấn đề biển Đông không được đưa vào trong Tuyên bố chung: không công nhận có hiệu lực cũng không tuyên bố vô hiệu. Trung Quốc và Philippines nhìn chung vẫn đi trên con đường “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ngay sau đó, ngư dân Philippines không còn bị ngăn cản tới đánh cá ở bãi Scarborough, và tàu hải cảnh của Philippines cũng có thể quay trở lại hoạt động gần bãi Scarborough. Xem ra, tuy hiện tại không thể trở lại trạng thái Philippines kiểm soát như trước năm 2012, nhưng cũng đã thay đổi từ chỗ do Trung Quốc kiểm soát sang Trung Quốc và Philippines “cùng quản lí”, chủ quyền rơi vào trạng thái mơ hồ đối với cả hai bên, một dạng của việc thừa nhận kết quả vụ kiện. Philippines cũng chuyển hướng nhỏ nhẹ hơn trong tranh chấp biển Đông.
Trong các quốc gia ASEAN, Singapore thể hiện rõ sự ủng hộ phán quyết vụ kiện, trừ Campuchia bày tỏ rõ thái độ đứng về phía Trung Quốc ra, phản ứng các quốc gia còn lại như Indonesia, Thái Lan… đều không rõ ràng. Tóm lại, sau khi phán quyết trọng tài dược công bố, dù bầu không khí vấn đề biển Đông còn căng thẳng nhưng ít nhất trong ngắn hạn không xảy ra xung đột. Tác động chính của phán quyết sẽ thể hiện trong tương lai trung và dài hạn.
Phân tích luật quốc tế
Phán quyết của Toà trọng tài là vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc coi đó là giấy lộn, nhưng đối với các tranh chấp ở biển Đông trong tương lai, phán quyết này chắc chắn sẽ được các bên tranh chấp sử dụng như một con bài thương lượng và cộng đồng quốc tế sẽ sử dụng nó để đo lường hành vi của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, phán quyết đem lại một số điểm bất lợi sau:
Trước hết, việc “đường 9 đoạn” bị phủ nhận là điều được Trung Quốc quan tâm nhất. Có cả lí do tình cảm và thực tế cho việc này. Về mặt tình cảm, “đường 9 đoạn” mà trước đây gọi là “đường 11 đoạn” đã được vẽ trên bản đồ của Trung Quốc suốt 70 năm, đại đa số người dân Trung Quốc đều xem bản đồ này từ nhỏ tới lớn. Hơn 10 năm trở lại đây, “đường 9 đoạn” thậm chí còn được tuyên truyền như là “tổ quốc hải cương” (biên giới trên biển của tổ quốc). Bây giờ nó bị tuyên bố là “không phù hợp với luật pháp quốc tế” thì không khó lí giải việc người Trung Quốc khó thể chấp nhận điều đó về mặt tâm lí.
Đường 9 đoạn là vấn đề mà chính phủ Trung Quốc đã cố tình né tránh và làm cho mơ hồ trong một thời gian dài, không có lời giải thích chính thức và các học giả có ý kiến khác nhau Trước phiên xử về nội dung, Trung Quốc không thể hiện thái độ gì về vấn đề này. Chính phủ Trung Quốc có điều muốn giấu khó nói, vì: nếu nói đó là vùng nước lịch sử hoặc đường biên giới quốc gia thì chắc chắn sẽ bị coi là không phù hợp với luật pháp quốc tế; còn nếu thẳng thắn nói rõ đó chỉ là đường quy thuộc các đảo thì Trung Quốc chỉ có các vùng biển theo luật pháp quốc tế, thì họ không đành lòng.
Mặc dù Trung Quốc không công bố định nghĩa về “đường 9 đoạn”, nhưng nói chung người ta tin rằng Trung Quốc lấy “quyền lịch sử” làm cơ sở cho quyền kiểm soát (quản hạt) của mình trong “đường chín đoạn”. Philippines đã đưa ra nhiều ví dụ để cho thấy rằng trên thực tế Trung Quốc đã coi “đường 9 đoạn” là đường ranh về quyền quản hạt. Trong phán quyết không tuyên bố ngay “đường 9 đoạn” có quyền quản hạt hay không, nhưng “quyền lịch sử” của nó bị phủ nhận, điều này đã làm tổn hại đến tính hợp pháp của các hành động của Trung Quốc trong vùng biển này. Thực ra, ngay cả khi tuyên bố của Toà trọng tài không nói tới quyền quản hạt, nhưng đã nói rõ “đường 9 đoạn chưa bao giờ có tư cách pháp lí rõ ràng”, điều này tương đương với việc phá hỏng âm mưu của Trung Quốc lấy đường 9 đoạn làm ranh giới vùng nước lịch sử, phủ định việc đường này có bất cứ hiệu lực ràng buộc pháp lí nào.
Điều bất lợi trước tiên sau khi quyền lợi đường 9 đoạn bị bác bỏ là diện tích của vùng biển [họ yêu sách bị thu lại]. Dù quần đảo Trường Sa (ban đầu được coi là) có đủ tư cách có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí đi nữa thì cũng không thể bao trùm toàn bộ khu vực “đường 9 đoạn”, đặc biệt là ở phần phía Tây Nam thì “vùng trống” càng lớn hơn. Khu vực này cũng là điểm nóng trong những năm gần đây: “sự kiện cắt cáp tàu” dính dáng tới Việt Nam năm 2011, xung đột với Indonesia gần đây tại vùng biển gần quần đảo Natuna, đều thuộc vùng này. “Tính chính đáng” của Trung Quốc trong các hành động này phần lớn xuất phát từ “đường 9 đoạn”. Sau khi “đường 9 đoạn” bị bác bỏ thì tính chính đáng của việc thực thi pháp luật của Trung Quốc ở các vùng biển này sẽ càng bị nghi ngờ nhiều hơn.
Ngoài vấn đề về diện tích ra thì những gì Trung Quốc cho là “quyền lịch sử” bên trong “đường 9 đoạn” vượt xa những quyền mà vùng đặc quyền kinh tế được hưởng. Cụ thể là nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã trực tiếp dùng “đường ranh giới biển” để hình dung về nó, cho rằng các khu vực trong “đường 9 đoạn” là lãnh hải của Trung Quốc. Hay thận trọng hơn một chút như giới học giả, ví dụ như Phó Côn Thành, đã liệt kê quyền bên trong “đường 9 đoạn”, bao gồm quyền thiết lập “các vùng nước của các quần đảo” thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài ra còn có quyền lợi được hưởng phía ngoài “vùng nước của các quần đảo” như về hàng hải, hàng không và kiểm soát giao thông, buộc các nước phải chấp nhận sự quản lí và kiểm soát của Trung Quốc. Sau khi “chủ quyền lịch sử” bị Toà trọng tài bác bỏ, tất cả các quyền suy từ khái niệm này đương nhiên cũng bị phủ nhận
Thứ hai, đối với Đài Loan việc đảo Thái Bình (Ba Bình) bị đổi từ “đảo” sang “ đá” gây tranh cãi càng lớn. Giới nghiên cứu về luật pháp quốc tế nhìn chung cho rằng “đường 9 đoạn” khó có thể đứng vững về mặt pháp lí, nhưng ít người có thể ngờ rằng đảo Ba Bình sẽ bị “hạ bậc” xuống thành một đảo đá qua phán quyết này.
Theo quy định tại điều 121 của “công ước”:
1. Đảo là phần đất hình thành tự nhiên, có nước bao bọc xung quanh, nhô khỏi mặt nước khi thủy triều lên.
2. Ngoài quy định tại khoản 3 thì lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo được xác định theo các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.
3. Những đảo đá (rock) không thể duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Khoản 3 “Những đảo đá không thể duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng” không có định nghĩa rõ ràng. Vì vậy, có nhiều tranh luận về việc một đảo như thế nào mới có thể “duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng”. Tháng 2, Mã Anh Cửu đã mời truyền thông quốc tế cùng đến đảo Thái Bình ( Ba Bình), ra sức chứng minh đảo Thái Bình là đảo chứ không phải là đảo đá; nhóm “Bạn của tòa án” (Amicus curiae) Đài Loan cũng đã gửi báo cáo (về việc này). Kể từ đó, phía Đài Loan rất lạc quan về điều này. Kết quả mà Tòa trọng tài đưa ra đã khiến cả Đài Loan sửng sốt.
Nhưng thực ra điều này cũng không phải là không có dấu vết để truy xét. Trước tiên, do Trung Quốc vắng mặt nên Philippines phải “độc diễn” trong vụ kiện. Philippines đã chuẩn bị kĩ lưỡng: trước hết là liệt kê cặn kẽ (bằng chứng) cho thấy đảo Ba Bình không có người cư trú thường xuyên trong lịch sử, ngư dân chỉ tới tạm trú. Tiếp đó, họ tìm ra một nghiên cứu khảo sát khoa học của ba nhà khoa học Đài Loan vào năm 1949, dưới sự trợ giúp của Chính phủ, trong đó có một số bằng chứng vô cùng bất lợi, bao gồm:
Thứ nhất, báo cáo đề cập đến việc nước ngầm trên đảo Ba Bình “mặn, không thích hợp với việc ăn uống”, trái ngược với khẳng định có nước ngọt trên đảo Ba Bình. Theo giải thích của những người lính đóng quân trên đảo sau vụ việc đó, nước ở trên đảo có thể uống, nhưng vẫn có vị mặn. Quân lính chỉ có thể dùng để tắm giặt, nước uống là nước khoáng được vận chuyển từ bên ngoài vào.
Thứ hai, báo cáo đề cập rằng đất trên đảo có độ mặn cao, chỉ thích hợp để trồng một số loại cây cụ thể; mặc dù báo cáo nói rằng có một số loại thực vật có thể ăn được, nhưng Philippines cũng tìm thấy thông tin chứng minh rằng chúng đều “khó ăn” và thường không được sử dụng làm thực phẩm.
Ngoài ra, Philippines tìm được bài báo của truyền thông Đài Loan, rằng trên đảo có thiết bị khử mặn, các giếng trên đảo, có một số hoàn toàn khô cạn, có một số khô cạn không thường xuyên. Vì vậy trong “điều kiện tự nhiên”, đảo Ba Bình được cho là không thể giúp vào việc duy trì cuộc sống và hoạt động kinh tế của con người. Tài liệu mà Philippines nộp lên đều được khai thác từ Đài Loan, không phải là nói tùy tiện, độ tin cậy của các bằng chứng do phía Đài Loan nêu ra giảm xuống.
Mặc dù Trung Quốc vắng mặt trong phiên tòa, nhưng quá trình xét xử của Tòa cho thấy, các trọng tài viên vẫn “truy vấn” đại diện của phía Philippines một cách nghiêm túc và “khắc nghiệt”. Phán quyết cũng xem xét một số tường trình từ phía Đài Loan và Bắc Kinh. Tuy nhiên, căn cứ vào bằng chứng của hai bên, phán quyết cho rằng trên đảo có nước nhưng không đủ để giúp duy trì cuộc sống ổn định của cộng đồng, Vì vậy đảo Ba Bình được phán là đảo đá.
Phán quyết này áp dụng cho tất cả đảo tại Trường Sa. Thực ra, đối với các đảo và bãi đá do Trung Quốc kiểm soát, phán quyết đã sớm được dự kiến. Ngay đến các bài viết trong “Thời báo Hoàn Cầu”, con đẻ của tờ “Nhân dân Nhật báo” cũng thừa nhận trước và sau phán quyết rằng: “các đảo và bãi đá tại Nam Sa do Trung Quốc Đại lục kiểm soát đều thuộc loại 2 và 3”, có nghĩa “loại 2 là đảo đá, nhô trên mặt nước một chút, có lãnh hải 12 hải lí, không có vùng đặc quyền kinh tế”, và “loại 3 là bãi triều thấp, chỉ nhô lên mặt nước khi triều xuống, không nhìn thấy khi triều lên, không có lãnh hải 12 hải lí”.
Đâu là ranh giới giữa đảo và đảo đá? Có rất nhiều tranh cãi. Về định nghĩa địa lí, đảo đá (rock) không phải là một khối đá như thường được tưởng tượng. Theo quan điểm của các chuyên gia khác nhau, diện tích đảo đá dao động từ 0,0025 đến 1 km2; diện tích tự nhiên của đảo Ba Bình là 0,5 km2, giới hạn giữa đảo và đá. Về định nghĩa pháp lí, đảo phải có khả năng “duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế của con người”. Sự khác biệt trong các diễn giải về điều kiện này rất lớn, Tòa trọng tài đã áp dụng cách diễn giải chặt chẽ nhất, tức là phải hình thành một “cộng đồng định cư ổn định”. Lập luận này chắc chắn gây tranh cãi, nhưng không có nghĩa là từ không làm thành có. Phán quyết đã nâng ý nguyện lập pháp ban đầu lên tầm cao hơn, xuất phát từ mâu thuẫn giữa tài sản chung của nhân loại và sự chiếm hữu của một quốc gia để giải thích cơ sở phán quyết, không hẳn là không có sức thuyết phục. Cuối cùng, trong các tiền lệ trước đó có những trường đảo hợp lớn hơn đảo Ba Bình cũng được xác định là đảo đá. Bắc Kinh và Đài Loan luôn khẳng định đảo Điếu Ngư, có diện tích lớn hơn đảo Thái Bình 8 lần, có gia tộc Khách Gia Nhật Bản sinh sống lâu dài từ năm 1896 đến năm 1942, lúc nhiều nhất có đến hơn 100 người, không có vùng đặc quyền kinh tế.
Tác giả cho rằng sẽ là phù hợp hơn nếu đưa ra phán quyết về tính chất của đảo Ba Bình khi cả hai bên đã tranh luận đầy đủ về nó. Nếu Bắc Kinh hoặc Đài Loan có đại diện ra tòa tranh biện, cũng chưa chắc không có cơ hội thuyết phục các trọng tài viên. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, ngay cả khi xem xét đến tình hình thực tế của Đài Loan thì dù đảo Ba Bình là đảo hay đá cũng không ảnh hưởng quá lớn. Nếu như Ba Bình có “tình trạng là đảo”, và không bị phán là đảo đá, thì cũng không có khả năng hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí, phạm vi thích hợp chỉ là 3 đến 15 hải lí. Tuy nhiên trên thực tế, Đài Loan chưa công bố vùng đặc quyền kinh tế của đảo Ba Bình, cũng chưa thực hiện các hành động thực thi pháp luật.
Việc đảo Ba Bình bị hạ bậc xuống thành đá ảnh hưởng đến Trung Quốc đại lục lớn hơn nhiều. Trung Quốc luôn muốn “hợp pháp hóa” “đường 9 đoạn”, và một trong những ý tưởng là lấy “lấy quần đảo Nam Sa như một chỉnh thể” để vẽ đường cơ sở lãnh hải, và trên cơ sở đó giành vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí “vươn tới” “đường 9 đoạn”. Như vậy cho dù “đường 9 đoạn” bị phủ định cũng vẫn cứu vãn được phần nào. Nhưng hiện nay, ngay cả đảo lớn nhất là đảo Ba Bình cũng không có vùng đặc quyền kinh tế thì các đảo khác càng không có tư cách. Tòa trọng tài thậm chí trên cơ sở đó còn phán rằng “toàn bộ quần đảo Trường Sa” không có tư cách như vậy. Điều này tương đương với việc xóa bỏ triệt để lối suy nghĩ trên của Trung Quốc ở cấp độ luật pháp quốc tế. Ngoài ra, phán quyết của Tòa trọng tài đã làm đơn giản hóa đi nhiều đối với vấn đề phân định biên giới trên biển ở biển Đông, gây bất lợi cho chiến thuật trì hoãn của Trung Quốc.
Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền, trong thực tế đang bị các bên chiếm giữ, hiệu lực của việc phân định ranh giới mỗi đảo đá cũng đang có tranh chấp. Vì vậy, trước đây khi phân tích việc phân định vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông luôn phải chia thành nhiều tình huống để xử lí (giả dụ nó hoàn toàn thuộc về Trung Quốc hay hoàn toàn thuộc về Việt Nam, căn cứ theo hiện trạng, cũng như hiệu lực của đảo đá…) là vô cùng phức tạp. Sau phán quyết, chỉ cần xem xét khả năng các nước ven biển mở rộng 200 hải lí thì vấn đề phân định biên giới tại biển Đông đã được đơn giản hóa, hơn nữa hoàn toàn có lợi cho các nước như Philippines, Việt Nam, Malaysia… Điều này cũng khẳng định rằng các địa điểm xảy ra những vụ việc liên quan đến quần đảo Trường Sa (như truy cản ngư dân, phá hoại môi trường) trong vụ kiện này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đặt nền tảng luật pháp để phán quyết các yêu sách này. Mặt khác, do chủ quyền không rõ ràng và Tòa trọng tài không liên quan tới việc phân định ranh giới cụ thể nên không thể xác định các hành động này có xâm phạm các quyền lợi của Philippines hay không.
Định nghĩa về đảo và đảo đá cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các khu vực khác. Nếu chiếu theo tiêu chuẩn này thì một số lượng lớn các đảo trên thế giới chỉ có thể coi là đảo đá. Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng, phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện này chỉ có hiệu lực đối với hai bên, nó có thể được coi là một án lệ, được trích dẫn trong các vụ việc về sau này, nhưng sẽ không tự động có hiệu lực trong các trường hợp khác. Ví dụ, nếu Trung Quốc và Đài Loan nộp đơn nhờ trọng tài về tính chất đảo Okino Tori-shima của Nhật Bản, thì gần như có thể khẳng định rằng đảo Okino Tori-shima là đảo đá. Nếu Trung Quốc thay đổi thái độ đối với Trọng tài, tiếp nhận và áp dụng tốt phán quyết của trọng tài thì cũng có thể có được những lợi ích bất ngờ.
Điều có ảnh hưởng lớn nhất và đáng để bàn luận nhất trong phán quyết của trọng tài là vấn đề bãi triều thấp. Đá Vành Khăn do Trung Quốc chiếm giữ là bãi triều thấp: ở trạng thái tự nhiên nó chỉ nhô khỏi mặt nước khi thủy triều xuống. Trong phán quyết của Tòa trọng tài, giống như các bãi triều thấp khác, nó được coi là không có tư cách lãnh thổ,. Như vậy, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã bị giáng một đòn mạnh. Quần đảo Trường Sa theo cách xác định của Trung Quốc, có nhiều bãi triều thấp, trong đó có rất nhiều bãi tương đối độc lập như đá Vành Khăn, cách các đảo / đá khác hơn 12 hải lí. Theo phán quyết, các bãi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào thì nước đó có “quyền chủ quyền” đối với chúng. Tất cả các bãi ngầm (khi thủy triều xuống cũng không lộ trên mặt nước) đều không có tư cách lãnh thổ, và cũng giống như các bãi triều thấp đều thuộc “quyền chủ quyền” của quốc gia ven biển. Vì vậy, ngay cả khi giả định rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa, họ cũng sẽ mất đi rất nhiều bãi triều thấp và bãi ngầm theo như yêu sách ban đầu, bao gồm ngầm James – điểm cực Nam của lãnh thổ đã được tuyên truyền suốt 70-80 năm nay.
Tác giả cho rằng, vấn đề của bãi triều thấp phức tạp hơn so với bãi ngầm, phán quyết này có điểm nghi ngờ về thủ tục. Khác với vấn đề tình trạng của đảo Ba Bình, điều được xem xét đối với đảo Ba Bình là hiệu lực phân giới (entitlement), cái này không quan hệ với chủ quyền: dù hiệu lực phân giới nhỏ đến đâu thì chủ quyền vẫn có thể được phân định, và tiến hành phân định biên giới trên biển. Chính sự khả năng tách rời này khiến Philippines có thể bỏ qua tuyên bố mang tính miễn trừ vào năm 2006 của Trung Quốc đối với Công ước. Tuy nhiên, vấn đề đá Vành Khăn là vấn đề chiếm làm sở hữu (appropriation), nó liên quan trực tiếp đến quan hệ chủ quyền: nếu một “đảo đá” không thể trở thành lãnh thổ, thì vấn đề phân định chủ quyền của “đảo đá” đó cũng không tồn tại.
Công ước vốn không đề cập đến vấn đề có thể quy thuộc lãnh thổ, và khi Trung Quốc phê chuẩn "Công ước" vào năm 1996, điều 3 của tuyên bố bảo lưu nêu: việc kí kết Công ước không ảnh hưởng đến chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Quần đảo Nam Sa ở đây đương nhiên cũng bao gồm các bãi triều thấp như đá Mĩ Tế (Vành Khăn), vì vậy Công ước không có sức ràng buộc đối với chúng. Vì vậy muốn xử lí vấn đề này thì phải dùng luật pháp quốc tế chung làm căn cứ. Trên thực tế, cơ sở duy nhất được đề cập trong phán quyết là hai án lệ (Qatar kiện Bahrain và Nicaragua kiện Colombia), được coi là đã thành luật tập quán.
Tòa trọng tài đương nhiên có thể áp dụng luật quốc tế chung, nhưng trong các trường hợp được áp dụng trước đây thì trọng tài đều do cả hai bên đồng ý. Nhưng vụ kiện này là do Philippines đơn phương yêu cầu trọng tài phân xử, việc thực hiện thủ tục trọng tài hoàn toàn căn cứ vào quy định đặc biệt của Công ước. Vì vậy mâu thuẫn ở đây nằm ở chỗ: nếu đơn phương yêu cầu thủ tục trọng tài thì chỉ có thể giới hạn trong việc phán quyết các vấn đề được quy định trong Công ước; nếu muốn phán quyết một vấn đề liên quan đến luật quốc tế chung thì phải được sự đồng ý của cả hai bên. Xem xét vấn đề về thủ tục này, tác giả cho rằng vụ trọng tài lần này nên gác lại việc giải quyết bãi triều thấp.
Ngoài ra, nếu đã căn cứ vào luật quốc tế chung thì yếu tố lịch sử cũng cần phải được xem xét, nhưng trong phán quyết lần này không nhắc đến bất kì yếu tố lịch sử nào. Hơn nữa, khi dẫn hai án lệ, tác giả cảm giác rằng các bàn luận liên quan chưa đầy đủ, không đủ sức thuyết phục. Một số học giả đã đặt câu hỏi tương tự về độ tin cậy của chúng với tư cách luật tập quán.
Ngoài ra, “đường 9 đoạn” và đảo Ba Bình chỉ là đề cập đến “quyền lợi tiềm năng”. Trung Quốc không thực sự kiểm soát “đường 9 đoạn”; cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều không tuyên bố đường cơ sở lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của đảo Thái Bình. Nhưng phán quyết này giống như trực tiếp tuyên bố đá Vành Khăn thuộc về Philippines, đồng nghĩa với việc muốn Trung Quốc giao trả lại đảo nhân tạo đã xây dựng 20 năm, điều này hoàn toàn vượt ra khỏi phạm vi mà Trung Quốc có thể chấp nhận. Ngay cả xuất phát từ lập trường “luật là luật”, cũng cần xem xét thích đáng khả năng thực thi của phán quyết, để duy trì tốt hơn nữa hiệu lực của luật pháp.
Vấn đề cuối cùng liên quan đến việc phân giới biển là tình trạng pháp lí của đảo nhân tạo. Việc đảo nhân tạo bị phán là không thể thay đổi quyền của đảo đá là điều nằm trong dự kiến. Khoản 8 điều 60 của Công ước quy định: “đảo, thiết bị và công trình nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, sự tồn tại của chúng cũng không ảnh hưởng gì đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Khoản 1 điều 121 quy định: “đảo là vùng đất hình thành tự nhiên, có nước bao quanh và vẫn nhô trên hơn mặt nước khi triều cao”. Vì vậy, theo Công ước, chỉ có đảo được hình thành tự nhiên mới có tư cách là đảo có thể đòi vùng đặc quyền kinh tế. Các nhà giàn và đảo nhân tạo được xây dựng trên các bãi ngầm, dù được xây dựng tốt đến mấy cũng không có quyền yêu sách vùng đặc quyền kinh tế.
Trong các yêu cầu phân xử của Philippines còn có nhiều mục khiếu kiện về các hành vi cụ thể, đa số đều nhận được sự ủng hộ của phán quyết. Ở đây chỉ bàn về quyền đánh cá truyền thống và xây dựng đảo nhân tạo.
Về mặt pháp lí, các phán quyết liên quan đến vấn đề phân giới biển là cơ sở để phán quyết các hành vi cụ thể. Philippines nhận thức đầy đủ về điều này, các khiếu kiện của họ như “cú đấm liên hoàn” giáng xuống liên tiếp. Lấy đảo bãi Scarborough làm ví dụ: sau khi “đường 9 đoạn” bị phủ nhận, Trung Quốc không thể dùng “đường 9 đoạn” để yêu sách quyền lợi đối với vùng biển bãi Scarborough; Scarborough là đá chứ không phải đảo, do đó không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo đó các vùng biển lân cận chỉ có thể thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, còn Trung Quốc nhiều lắm chỉ có thể có được vùng lãnh hải 12 hải lí. Như vậy, có cơ sở để phán rằng Trung Quốc quấy nhiễu quyền chủ quyền của Philippines tại vùng đặc quyền kinh tế, cũng như không ngăn cản công dân của mình phá hoại tài nguyên sinh vật trong vùng.
Philippines còn tiếp tục khiếu kiện quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough. Theo đó, ngay cả Trung Quốc có chủ quyền đối với bãi Scarborough cũng không thể tước quyền đánh cá của ngư dân Philippines khi tiến vào phía trong vùng 12 hải lí; Trung Quốc cũng vì thế mà không thể “đâm” tàu cá Philippines tại khu vực gần bãi Scarborough.
Quyền đánh cá truyền thống thuộc các quyền liên quan đến lịch sử, nhưng không được coi là “quyền lịch sử” trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển . Trong Công ước không xuất hiện thuật ngữ này mà chỉ có “vịnh lịch sử” và “chủ quyền lịch sử”. Quá trình xây dựng Công ước cho thấy điều này đã bị loại trừ một cách có chủ ý. Cùng với các quyền lịch sử liên quan, nó được đưa rải rác vào trong các quyền đánh cá truyền thống không độc quyền, cũng như “chủ quyền lịch sử” độc quyền (quyền tài phán, quyền pháp lí…). Còn về cái gọi là “quyền hàng hải lịch sử” cũng không được coi là quyền đặc thù, mà chỉ được coi là một phần của tự do hàng hải, được xác định trong một loạt các điều khoản liên quan trong Công ước. Ngư dân Philippines có quan hệ gần gũi với bãi Scarborough hơn ngư dân Trung Quốc. Bãi Scarborough đã được ghi nhận trong thống kê nghề cá của Philippines vào những năm 1950, cũng có cả bằng chứng về việc ngư dân tiếp tục hoạt động trên đảo từ đó về sau. Còn trong “Canh lộ bạ” của ngư dân Hải Nam Trung Quốc không có ghi chép về việc đến đảo Hoàng Nham; và lệnh cấm đánh bắt cá dài hạn ở biển Đông sau khi Trung Quốc giải phóng mãi đến năm 1984 mới kết thúc. Do đó, có lẽ sau đó ngư dân Hải Nam mới đến bãi Scarborough đánh cá.
Trong đơn của mình, Philippines còn yêu cầu được trao chủ quyền đối với bãi Scarborough, nhưng tòa trọng tài đã từ chối một cách đúng đắn với lí do “không có thẩm quyền”. Tuy nhiên, một phán quyết đã được đưa ra: bất chấp bãi Scarborough thuộc về Philippines hay Trung Quốc thì Philippines đều có quyền đánh cá truyền thống, Trung Quốc không được ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá trong phạm vi 12 hải lí của bãi Scarborough. Tương tự, Philippines cũng không được ngăn cản ngư dân Trung Quốc đánh cá ở đó.
Do quyền đánh cá truyền thống có tính không độc quyền, đồng thời xuất phát từ việc xem xét đến sinh kế của ngư dân, Tòa trọng tài đã nới lỏng tiêu chuẩn đối với quyền đánh cá truyền thống, không khắt khe về các bằng chứng lịch sử. Ví dụ, ngư dân Philippines đề cập trong lời khai rằng họ đã nhìn thấy ngư dân Trung Quốc và Việt Nam tại bãi Scarborough, vì thế Tòa trọng tài cho rằng Việt Nam cũng có truyền thống đánh cá tại bãi Scarborough, thực tế là thừa nhận ngư dân Việt Nam cũng có quyền đánh cá truyền thống của tại đây.
Phán quyết này có hiệu quả áp dụng: nếu Trung Quốc ngăn cản việc đánh cá tức là vi phạm phán quyết của trọng tài, quốc tế có căn cứ để can thiệp. Ngoài ra, lấy đây làm ví dụ, Việt Nam ít nhất cũng có quyền đánh cá truyền thống ở những nơi như Hoàng Sa. Đây có thể thành nhân tố để Việt Nam xem xét kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài.
Về vấn đề tính hợp pháp của việc xây đảo nhân tạo, trong yêu cầu khiếu kiện ban đầu của Philippines chỉ đề cập đến đảo nhân tạo tại đá Vành Khăn và chỉ giới hạn ở một vụ việc; sau này, Philippines bổ sung thêm yêu cầu khiếu kiện mới: yêu cầu trọng tài phán quyết việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo là vi phạm quy định về bảo vệ biển và làm tình hình ở biển Đông thêm căng thẳng. Những yêu cầu khiếu kiện này liên quan đến tất cả các đảo nhân tạo và sẽ ảnh hưởng đến toàn cục.
Lấy đá Chữ Thập làm ví dụ, đá này không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được tạo bởi các đảo lớn của Philippines. Là một đảo đá, nó có tư cách để trở thành lãnh thổ. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với nó, và cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo là nằm trong “phạm vi chủ quyền” của Trung Quốc. Tuy nhiên, có phải “nước ngoài không có quyền can thiệp” vào việc xây dựng đảo hay không? Phán quyết đã phủ định điều đó.
Thực ra, Tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế từ lâu đã phản đối hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trung Quốc thường chỉ trích cộng đồng quốc tế nhắm mắt làm ngơ đối với “hoạt động xây dựng đảo nhân tạo từ lâu” của Việt Nam và Philippines…, mà chỉ nhằm vào Trung Quốc. Nhưng đảo nhân tạo của Trung Quốc hoàn toàn khác với “đảo nhân tạo” các nước khác. Các kiến trúc nhân tạo trước đây được giới hạn trong 3 loại: nhà giàn, mặt bằng bê tông có diện tích rất nhỏ cùng kiến trúc bên trên, một phần đất nhỏ được bồi thêm vào đảo tự nhiên ban đầu. Hai loại đầu, không chỉ Việt Nam và Philippines có, mà Trung Quốc cũng đã xây dựng từ lâu. Còn thứ loại ba, do Trung Quốc tiến vào Trường Sa quá muộn, không chiếm được đảo tự nhiên, vì vậy không có điều kiện để làm.
So với việc bồi đắp thêm của Việt Nam và Philippines, đảo nhân tạo của Trung Quốc có một số điểm khác biệt quan trọng: thứ nhất, phần bồi đắp thêm của Việt Nam và Philippines chỉ giới hạn xung quanh bờ biển của đảo, nhưng đảo nhân tạo của Trung Quốc không phải được tạo thành từ cơ sở các kiến trúc nhân tạo ban đầu rồi bồi đắp thêm vào, mà là được xây mới hoàn toàn ở chỗ khác trên rạn đá; thứ hai, diện tích bồi đắp của Việt Nam và Philippines đều nhỏ hơn rõ rệt so với diện tích tự nhiên của đảo, còn diện tích đảo nhân tạo của Trung Quốc gấp vạn lần diện tích đất tự nhiên của đảo đá; thứ ba, vật liệu xây dựng của Việt Nam và Philippines đều được vận chuyển đến, tác động tương đối nhỏ đến môi trường ban đầu, còn Trung Quốc là phun lấp nền sử dụng vật liệu tại chỗ nên đã phá các rạn san hô lớn thành cát vụn để tạo ra đất. Không khó để tưởng tượng việc xây dựng đảo nhân tạo có diện tích lớn như vậy theo cách này sẽ trực tiếp phá hủy biết bao rạn san hô, chưa kể đến các tác động sinh thái tiêu cực khác kéo theo. Ngay cả Báo cáo của Cục hải dương Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng sẽ mất từ 50 đến 100 năm để khôi phục hệ sinh thái ban đầu với điều kiện là thực hiện các biện pháp liên tục và hiệu quả. Tòa trọng tài cho rằng báo cáo của Cục hải dương Trung Quốc có nhiều thiếu sót, và chấp nhận hoàn toàn báo cáo điều tra độc lập. Tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm điều 192: “các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển” và điều 194 của Công ước: “bảo vệ và gìn giữ các hệ sinh thái quý hiếm hoặc dễ bị tổn thương…”
Có người đặt câu hỏi, xây dựng đảo nhân tạo không nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc hay sao? Thực ra, bất cứ một quốc gia nào tham gia điều ước quốc tế đều đã tự nguyện từ bỏ một phần chủ quyền của mình. Tuân thủ các quy tắc do cộng đồng quốc tế cùng lập ra và không sử dụng chủ quyền như một cái cớ để làm bất cứ điều gì mình muốn là một trong những thành tựu văn minh trong quan hệ quốc tế hiện đại.
Điều có lợi cho Trung Quốc là mặc dù phán quyết cho rằng xây dựng đảo là bất hợp pháp, nhưng không có quy định yêu cầu dỡ bỏ, nên cũng có thể nói việc xây dựng đảo nhân tạo hiện tại không bị ảnh hưởng gì. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn muốn xây dựng đảo tại địa điểm khác (ví dụ bãi Scarborough) thì phán quyết này có thể trở thành cơ sở để quốc tế can thiệp.
Điều đáng nói là phán quyết này không hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Về vấn đề Cỏ Mây, với lí do chủ quyền chưa được xác định, Tòa trọng tài tuyên bố không có thẩm quyền phân xử việc Philippines yêu cầu Trung Quốc dừng quấy nhiễu khi Philippines tiến hành tiếp tế cho tàu chiến bị mắc cạn. Về việc Philippines yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và quyền lợi của Philippines, Tòa trọng tài không đưa ra phán quyết với lí do yêu cầu khiếu kiện không rõ ràng.
Tóm lại, mặc dù có phần của phán quyết còn gây tranh cãi, nhưng về tổng thể vẫn là một phán quyết hợp pháp, công bằng và hợp lí. Dù Trung Quốc vẫn kiên trì “bốn không”, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không tuân thủ ít nhất một phần phán quyết dưới các hình thức khác.
Bàn về chính sách không tham gia (vụ kiện) của Trung Quốc
Thứ nhất, Trung Quốc đã kiên quyết không tham gia vụ trọng tài ngay từ đầu, cách tiếp cận này ngày càng bị nghi ngờ. Toàn bộ vụ trọng tài được chia thành ba phần về mặt thủ tục: một là, xem xét vụ việc có thể đưa ra theo thủ tục trọng tài hay không, hai là, quyết định liệu tòa trọng tài có thẩm quyền hay không, ba là, cuối cùng mới đưa ra các phán quyết cụ thể. Nếu như Trung Quốc ít ra tham gia vào phần một và phần hai, cố tranh luận rằng Tòa trọng tài không đủ năng lực giải quyết vấn đề này, thì có thể thể hiện sự công nhận đối với Tòa trọng tài, đồng thời lại có thể phủ nhận rõ ràng việc xét xử của Tòa trọng tài, có cơ hội ngăn chặn toàn bộ vụ kiện hoặc ít nhất một phần các yêu cầu khiếu kiện trọng tài. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng việc tham gia vào bất cứ bước nào cũng đồng nghĩa với việc công nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài. Điều này không những là một lỗi logic mà còn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là nước lớn biết tôn trọng các thủ tục quốc tế.
Nếu Trung Quốc tham gia vụ kiện, lợi thế đầu tiên là có thể chỉ định một trọng tài viên đại diện tốt cho lợi ích của mình. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể đưa ra ý kiến trong việc lựa chọn ba trọng tài viên khác.
Thứ hai, yêu cầu khiếu kiện của Philippines có thể thành công hay không, gay go nhất là bước thứ nhất và thứ hai của thủ tục. Nếu Trung Quốc tham gia, Philippines chưa chắc có thể vượt qua được hai bước này. Trong “Văn bản lập trường”, Trung Quốc có ý lập luận rằng, đã có tiền lệ trong các vụ kiện quốc tế, có quy định tiêu chí rất cao về những gì tạo thành một “trao đổi ý kiến đầy đủ”, nhưng có thể không có sự trao đổi ý kiến “đầy đủ” giữa Trung Quốc và Philippines. Nếu tranh luận được trước Tòa theo lập luận này thì khả năng thuyết phục được các trọng tài viên. Bất kì ai có kinh nghiệm về tòa án đều biết rằng các quyết định của tòa là căn cứ vào những bằng chứng và logic được trình bày trước thẩm phán (hoặc bồi thẩm đoàn). Dựa vào những điều này, không khó để hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia phiên tòa, và cũng có thể hình dung Philippines chắc chắn giành được lợi thế lớn trong việc trực tiếp trình bày tư liệu, giải trình tại chỗ và trả lời các câu hỏi trước Tòa.
Thứ ba, một bất lợi cho việc không tham gia là Trung Quốc không thể theo kịp tiến trình vụ kiện nên luôn chậm hơn một bước. Ví như khi vụ kiện vừa bắt đầu, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc không tham gia thì Tòa trọng tài không nhận vụ kiện. Thật ra, Phụ lục 7 được lập ra là chuyên dành cho tình huống “một nước không đồng ý”. Việc phản đối của Trung Quốc không ngăn cản được vụ kiện tiến vào bước xét duyệt. Trung Quốc đưa ra hai luận điểm hữu ích: “Trung Quốc và Philippines có một thỏa thuận về giải quyết thông qua đàm phán”, và “không có sự trao đổi ý kiến đầy đủ giữa Trung Quốc và Philippines”, đều nên tranh luận theo lí trong bước xét nhận vụ kiện. Nhưng đến tận cuối năm 2014, “Văn kiện lập trường” của Trung Quốc mới tổng kết bằng chứng liên quan đến hai luận điểm này, sau khi bước xét nhận vụ kiện đã được thông qua. Trong phiên xem xét về thẩm quyền, hai lập luận này không còn là tiêu điểm.
Điều đáng nói là, sau khi kết thúc phán quyết về thẩm quyền thì vấn đề trọng yếu của đường 9 đoạn là tính có thể quản lí vẫn chưa được xác định. Như vậy, sau khi Philippines khởi kiện trọng tài, Trung Quốc đã có hơn hai năm để giải quyết vấn đề đường 9 đoạn. Trong thời gian này, nếu Trung Quốc có thể đưa ra một định nghĩa về đường 9 đoạn, ngay cả khi nó rất không phù hợp với luật pháp quốc tế, thì họ vẫn có thể ngăn tòa trọng tài ra phán quyết về vấn đề đường 9 đoạn. Ví dụ Trung Quốc tuyên bố vùng biển bên trong đường 9 đoạn là “vịnh lịch sử”, hoặc có “chủ quyền lịch sử”, mà Tuyên bố bảo lưu năm 2006 của Trung Quốc đã loại trừ “vịnh lịch sử” và “chủ quyền lịch sử” khỏi khả năng phân xử nên Tòa trọng tài đã không có cách nào phân xử việc này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không có bất cứ hành động gì về vấn đề này.
Mặt khác, Philippines do tham gia đầy đủ vào vụ kiện nên không chỉ nắm rõ các điểm mấu chốt của từng thủ tục mà còn có thể liên tục bổ sung tài liệu, tăng thêm và sửa đổi yêu cầu. Ban đầu, yêu cầu của Philippines không phải là 15 hạng mục, chỉ trước khi xét xử về thẩm quyền mới được tăng tới con số này. Trong 15 mục đó, lúc đầu không có yêu cầu về đảo Ba Bình, nhưng đã được thêm vào trong quá trình xét xử thực tế. Philippines sẵn sàng cho vụ kiện, giành thế chủ động mọi nơi và lợi thế ngày càng lớn.
Cuối cùng, nếu tham gia vụ kiện, Trung Quốc có thể dùng một số chiến thuật để kéo dài tiến trình xét xử. Một mặt, Trung Quốc có đủ thời gian để chuẩn bị tài liệu, mặt khác, nếu có thể kéo dài tới lúc Benigno Aquino III mãn nhiệm, thậm chí Trung Quốc có khả năng đạt được thỏa thuận với tổng thống mới, hủy đơn kiện với tòa trọng tài.
VI.15. Kết luận: Cái kết của cộng đồng chung vận mệnh
Từ năm 2009 đến nay, đã có nhiều mâu thuẫn giữa chính sách biển Đông và đường lối ngoại giao của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc tung ra “thiện chí” với các nước Đông Nam Á và thế giới, tự khoe mình là “con sư tử thân thiện và văn minh”, còn rêu rao rằng Trung Quốc và Đông Nam Á là “Cộng đồng chung vận mệnh”. Chính sách “Một vành đai, một con đường” (Vành đai kinh tế theo con đường tơ lụa, Con đường tơ lụa trên biển thế kỉ XXI) do Trung Quốc ra sức thúc đẩy càng bị coi là chiến lược thách thức vị trí bá quyền của Mĩ. Theo logic, Trung Quốc nên tiếp tục đường lối láng giềng hữu nghị tại biển Đông, điểm khởi đầu của Con đường Tơ lụa trên biển.
Tuy nhiên, trong mọi hình thức tuyên truyền, Trung Quốc đã thể hiện thái độ vô cùng cứng rắn. Cứ mỗi khi các nhà lãnh đạo quốc gia lên tiếng bày tỏ thiện chí, các phương tiện truyền thông chính thống ở Trung Quốc lại tập trung vào những điều như “bảo vệ lợi ích quốc gia”, “không gây rắc rối nhưng cũng không sợ rắc rối”, mặc dù những điều đó chỉ nằm trong một hai câu của một bài phát biểu dài của nhà lãnh đạo. Quan trọng hơn là Trung Quốc ngày càng gây sức ép ở biển Đông, dồn ép không gian sống của các nước láng giềng như: đơn phương vạch ra khu vực cấm đánh bắt cá, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí, mở rộng sự hiện diện bán quân sự tại biển Đông, hù dọa sẽ thiết lập ADIZ ở biển Đông, chiếm bãi Scarborough, v.v… Hiệu ứng quốc tế tốt đẹp từ những lời nói hoa mỹ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc mang lại đã bị biến đi trước những hành động và tiếng gào thét của phe cứng rắn.
Trung Quốc đã nhận thức sai về bản chất của vấn đề biển Đông, điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Xuất phát từ tư duy chống Mĩ truyền thống, Trung Quốc luôn nhận định một cách sai lầm rằng bản chất của vấn đề biển Đông chính là “vấn đề giữa Mĩ và Trung Quốc”. Dùng tư duy “luật rừng” không hợp thời để đơn giản hóa vấn đề biển Đông vốn phức tạp thành cuộc “tranh bá giữa Trung Quốc và Mĩ” hoặc “Mĩ muốn ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy”, đẩy hầu như tất cả những nước liên quan vào phía đối lập với mình.
Trên thực tế, bản chất của vấn đề biển Đông trước hết là mâu thuẫn lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Những mâu thuẫn này không phải do Mĩ tạo ra, mà đã tồn tại từ lâu, và cốt lõi của chúng là đường 9 đoạn bao trùm toàn bộ biển Đông. Trong vấn đề đường 9 đoạn, Trung Quốc bày tỏ thái độ một cách chậm trễ, nhưng hành động thực tế ngày càng cứng rắn khiến các nước láng giềng lo ngại. Đường 9 đoạn liên quan tới lợi ích cốt lõi của một nửa các nước ASEAN, cũng dính dáng tới lợi ích quan trọng của các nước lớn trên thế giới. Một khi vấn đề này chưa được giải quyết thì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á không thể trở thành cộng đồng chung vận mệnh.
Tất nhiên, nếu không có chính sách “Tái cân bằng” của Mĩ, các nước láng giềng có lẽ chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt trước sức mạnh quá lớn của Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa Mĩ là kẻ chủ mưu của những vấn đề này. Mĩ chủ yếu đóng vai trò cảnh sát để ngăn chặn Trung Quốc đơn phương giải quyết vấn đề bằng vũ lực hoặc gần như vũ lực. Bất chấp việc Trung Quốc phàn nàn về điều này, cộng đồng quốc tế hoan nghênh Mĩ đóng một vai trò lớn hơn ở biển Đông. Xuất phát từ những cân nhắc về lợi ích thực tế, đại đa số các nước Đông Nam Á đã áp dụng biện pháp nắm giữ cả hai: tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc về kinh tế và xích lại gần Mĩ hơn về các vấn đề an ninh.
Trung Quốc cũng không nhìn đúng những lợi ích hợp pháp truyền thống của Mĩ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tự do hàng hải là lợi ích cốt lõi của Mĩ, và Mĩ cũng có các quyền lợi truyền thống của Mĩ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ cuối thế kỉ XIX đến nay, Mĩ là mắt xích quan trọng nhất trong việc duy trì an ninh, hòa bình ở biển Đông. Nếu không có Mĩ, các nước Đông Nam Á ngày nay có thể đang nằm dưới sự thống trị của Nhật Bản. Đối với biển Đông, Trung Quốc đề xuất sáng kiến “hai đường ray”, nghĩa là “các nước tranh chấp trực tiếp giải quyết tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán hiệp thương hữu nghị; và hòa bình và ổn định trên biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng nhau gìn giữ”, sáng kiến này rõ ràng có ý muốn loại trừ Mĩ ra ngoài. Vì vậy, Mĩ đưa ra Chiến lược tái cân bằng châu Á là nhằm bảo vệ lợi ích truyền thống của mình tại biển Đông.
Sau hơn 30 năm liên tục phát triển với tốc độ cao, sức ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn. Việc đề ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã tạo ảnh hưởng lớn với các tổ chức quốc tế, và được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhưng trong vấn đề biển Đông, hành động của Trung Quốc hầu như hoàn toàn vấp phải sự phản đối, đó là điều rất đáng suy ngẫm.
Quan hệ Trung - Mĩ hiện đang thường được giới lí luận vận dụng bẫy Thucydides (Thucydides Trap) để xem xét. Bẫy Thucydides bắt nguồn từ phân tích của nhà sử học Hy Lạp cổ đại Thucydides về cuộc xung đột giữa Athens và Sparta sau khi Athens trỗi dậy. Thuyết này cho rằng “các cường quốc đang trỗi dậy” sẽ thách thức “các cường quốc đã được thiết lập” và gây ra xung đột gay gắt. Về vấn đề biển Đông, Trung Quốc khẳng định mình chỉ bảo vệ lợi ích lãnh thổ, trong khi Mĩ khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và lợi ích truyền thống tại khu vực này. Nhưng trên thực tế, không bên nào tin rằng mục đích của bên kia chỉ giới hạn đến đó. Thuyết này rất hữu ích, nhưng nếu chỉ giải thích mâu thuẫn Mĩ - Trung là “hai nước đang tranh vị trí bá quyền” mà bỏ qua những nhân tố liên quan khác thì sẽ rất hạn chế; nếu áp dụng khuôn khổ này vào việc giải thích vấn đề biển Đông thì hạn chế này càng nổi rõ.
Mặc dù hiện nay có vẻ Mĩ đang đứng ở tuyến đầu trong việc “đối đầu với Trung Quốc”, nhưng đằng sau còn có ASEAN, Nhật, EU, Ấn Độ và thậm chí cả Nga. Việc Trung Quốc dùng vũ lực thay đổi hiện trạng ở biển Đông sẽ ảnh hưởng không chỉ đến Mĩ mà đến hầu hết các nước có lợi ích liên quan; cũng như đến luật biển quốc tế và hệ thống luật pháp quốc tế, thậm chí toàn bộ khuôn khổ quan hệ quốc tế hình thành hàng trăm năm qua. Vì vậy, “đối đầu với Trung Quốc” không chỉ có Mĩ, mà là “hiện trạng” cũng như toàn bộ trật tự quốc tế phía sau “hiện trạng” này, Mĩ chẳng qua chỉ là nước ủng hộ và bảo vệ tích cực hiện trạng đó.
“Hiện trạng” (status quo) là một khái niệm hết sức rất thần kì. Hiện trạng của quan hệ quốc tế không nhất thiết đã hợp lí, nhưng hiện trạng là kết quả tương đối cân bằng do lịch sử tạo nên, nói chung dễ được chấp nhận hơn các lựa chọn khác. Ngoài các xu hướng toàn cầu cực kì mạnh mẽ (chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chống thực dân, chủ nghĩa cộng sản,...), việc đơn phương ngang nhiên thay đổi hiện trạng một cách gấp gáp phần nhiều sẽ gây nên sự phản đối gay gắt.
Tham vọng nhanh chóng thay đổi hiện trạng khiến đất nước đang trỗi dậy này rơi vào tình cảnh khó khăn “lạc lõng không được trợ giúp”. Nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và Nhật Bản trong Thế chiến II đều bị huỷ hoại bởi những ham muốn quá mức. Mĩ là một trong số ít nước đang trỗi dậy thoát được “bẫy Thucydides”- Mĩ nêu ra mục tiêu chiến lược dài hạn, công khai, không thù địch với Anh khiến Anh không phạm những sai lầm chiến lược; Mĩ không những không nảy sinh xung đột với Anh mà còn nhiều lần trợ giúp Anh, cuối cùng thực hiện được việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Hiện thế giới đã trở thành một xã hội “pháp trị” vượt qua biên giới quốc gia. Hành động dựa theo luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong cộng đồng quốc tế. Sau Philippines, Việt Nam cũng chuẩn bị dùng luật pháp quốc tế làm vũ khí, xem xét việc khởi tố Trung Quốc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Luật biển quốc tế. Việt Nam đã gạt bỏ phương thức đối đầu vũ trang và thay vào đó chuyển sang tìm kiếm phương thức pháp lí được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi để giải quyết các tranh chấp quốc tế, đây là một thay đổi đáng hoan nghênh. Indonesia cũng bày tỏ sẽ cân nhắc việc sử dụng Tòa trọng tài để giải quyết tranh chấp vùng biển với Trung Quốc. Nếu Việt Nam và Indonesia cùng áp dụng phương thức pháp lí để giải quyết vấn đề này thì hình ảnh quốc tế của Trung Quốc sẽ càng xấu xí hơn – tại sao một quốc gia nhỏ “không dòng chính” như Việt Nam cũng dám sử dụng các biện pháp pháp lí để giải quyết tranh chấp, trong khi một nước lớn như Trung Quốc lại nhiều lần từ chối sử dụng phương pháp văn minh này để giải quyết tranh chấp giữa các nước?
Suy cho cùng, vấn đề biển Đông dù là tranh chấp lãnh thổ, phân giới biển hay tự do hàng hải thì mâu thuẫn cốt lõi nằm ở chỗ, một quốc gia hiện đại trong thế kỉ XXI sẽ lựa chọn phương thức lỗi thời, dã man, đơn phương, vũ lực hay phương thức phù hợp với trào lưu phát triển của lịch sử, tuân thủ luật quốc tế và Công ước, sử dụng Tòa trọng tài để giải quyết vấn đề?
KẾT LUẬN CHUNG
Cuốn sách này chia lịch sử hiện đại biển Đông thành 4 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: từ đầu thế kỉ đến khi kết thúc Thế chiến II, có thể gọi là “thời kì Nhật Bản”. Theo cách nghĩ cổ súy Nam tiến, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích mở mang biển Đông thông qua các công ty tư nhân hoặc bán công. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp lãnh thổ tại các đảo ở biển Đông. Theo đó, các nước ven biển bắt đầu tích cực khẳng định chủ quyền, đều nhằm mục đích ngăn Nhật Bản giành lấy các đảo ở đây. Trong quá trình đó, Trung Quốc giành được đảo Đông Sa (Pratas); quần đảo Hoàng Sa xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Pháp (Việt Nam); Nhật Bản, Pháp (Việt Nam) và Anh nảy sinh tranh chấp về quần đảo Trường Sa; ngay đến bãi Scarborough cũng tiềm ẩn tranh chấp giữa Mĩ (Philippines) và Trung Quốc.
Giai đoạn thứ hai: từ sau Thế chiến II đến năm 1989, là thời kì tranh chấp lớn về vấn đề biển Đông mà hạt nhân là việc các nước ven biển tranh giành các đảo và bãi đá. Nhật Bản bị loại khỏi tranh chấp; Anh, Mĩ, Pháp, Hà Lan thay nhau trả độc lập cho các nước thuộc địa; tuy nhiên, “Hòa ước San Francisco” chưa giải quyết được vấn đề quy thuộc các đảo ở biển Đông. Vì thế mà Trung Quốc, Việt Nam, Philippines trở thành các nước giữ vai chính trong cuộc chiến tranh chấp biển đảo. Do từ sau năm 1949, Trung Quốc có hai chính phủ là Bắc Kinh và Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc), còn Việt Nam thì có hai quốc gia là Bắc Việt và Nam Việt nên các bên liên quan càng trở nên phức tạp. Bối cảnh Chiến tranh lạnh đã có ảnh hưởng sâu sắc đến thế lực các bên liên quan. Trước những năm đầu 1970, Bắc Kinh và Nam Việt Nam đối đầu tại Hoàng Sa; Đài Loan và Nam Việt Nam, Philippines đối đầu tại Trường Sa. Hai bên đầu đều có điều lo lắng, băn khoăn nên không dám làm càn; ba bên sau đều là đồng minh của Mĩ, cùng giương ngọn cờ chống cộng nên không dùng vũ lực. Nhưng tình thế đã biến đổi lớn vào đầu những năm 1970: Trung Quốc thế chân Đài Loan, trở thành đại diện hợp pháp trên “ghế Trung Quốc” tại Liên Hiệp quốc và chuyển theo phe Mĩ; quân đội Mĩ rút khỏi Nam Việt Nam, Việt Nam thống nhất. Cục diện biển Đông cũng theo đó mà thay đổi: dưới chính sách “không can dự” của Mĩ, năm 1974, Trung Quốc chiếm đoạt toàn bộ Hoàng Sa từ tay Nam Việt Nam, nhưng điều này đã khiến Bắc Việt và họ quay lưng lại với nhau, và Nam Việt chiếm một số đảo ở Trường Sa; bằng trận hải chiến trên năm 1988, Trung Quốc cướp được quyền kiểm soát một số đảo đá ở biển Đông; nhân lúc Bắc Kinh và Đài Loan tiến hành cuộc chiến tranh ngoại giao, Philippines thừa cơ chiếm lấy một số đảo ở Trường Sa; Đài Loan buộc lòng co lại trên đảo đảo Ba Bình. Từ cuối nhưng năm 1970, Malaysia và Brunei cũng tham gia vào cuộc tranh chấp ở biển Đông.
Giai đoạn thứ ba: từ năm 1990 đến năm 2008, biển Đông bước vào thời kì tương đối ổn định. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, để thoát khỏi tình cảnh khó khăn về ngoại giao, Trung Quốc đưa ra chính sách láng giềng thân thiện và gác tranh chấp. Tranh chấp biển Đông xuất hiện một số xu hướng mới: một là, vai chính tranh chấp chuyển từ Trung Quốc và Việt Nam sang Trung Quốc và Philippines, lãnh thổ tranh chấp mở rộng đến bãi Scarborough; hai là, cách thức chuyển từ xung đột quân sự gay gắt sang xung đột chấp pháp dân sự ít gay gắt hơn, đồng thời các nước từng bước tăng cường xây dựng đời sống dân sinh trên đảo / đá; ba là, “Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc” có hiệu lực, phạm vi tranh chấp mở rộng từ tranh chấp chủ quyền đảo sang tranh chấp phân định biển. Tranh chấp đường 9 đoạn bắt đầu nổi lên, do tranh chấp về vùng biển mà Indonesia trở thành một bên trong vấn đề biển Đông; cuối cùng, ASEAN bắt đầu có tiếng nói về vấn đề biển Đông với danh nghĩa là một lực lượng chính trị. Vấn đề biển Đông chuyển từ thế đối đầu giữa Trung Quốc với các nước sang đối đầu giữa Trung Quốc với ASEAN. “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” được kí kết năm 2002 là thành tựu ngoại giao lớn nhất đạt được trong giai đoạn này.
Giai đoạn thứ tư: từ năm 2009 đến năm 2016, mâu thuẫn ở biển Đông căng thẳng trở lại, hơn thế tranh chấp Mĩ - Trung Quốc tăng cao thành tiêu điểm. Năm 2008, Trung Quốc nêu mục tiêu xây dựng thành cường quốc hải quân, biển Đông trở thành bước đi đầu tiên “ra thế giới” của Trung Quốc. Năm 2009 xảy ra sự kiện tàu USNS Impeccable, tuần trăng mật giữa Mĩ và Trung Quốc ở biển Đông kết thúc, Mĩ bắt đầu thực hiện chiến lược xoay trục lại Châu Á và tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2009, Trung Quốc chính thức đưa ra đường 9 đoạn trong văn kiện quốc tế, tranh chấp về đường 9 đoạn trở thành vấn đề tiêu điểm không thể né tránh. Năm 2012, Trung Quốc chiếm lấy bãi Scarborough từ tay Philippines, đây là lần đầu tiên có sự thay đổi về quyền kiểm soát đảo, kể từ khi “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” được kí kết. Đồng thời, Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của nước khác và hải cảnh tiến sâu vào phần phía Nam của biển Đông “bảo vệ ngư dân” cùng sử dụng phương thức “uy hiếp” dân sự như hay quấy nhiễu hoạt động tiếp tế, gia tăng kiểm soát thực tế đối với biển Đông. Hành vi quan trọng nhất của Trung Quốc chính là xây dựng đảo nhân tạo trên 7 các thể địa lí chiếm giữ, đồng thời quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa, thay đổi triệt để thế so sánh quân sự tại biển Đông trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Sau sự kiện bãi Scarborough, Mĩ chuyển từ “trung lập tiêu cực” sang “trung lập tích cực”, dùng “Kế hoạch tự do hàng hải” để biểu thị việc “không thừa nhận” đảo nhân tạo và đường 9 đoạn của Trung Quốc. Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài quốc tế và giành thắng lợi triệt để. Tranh chấp biển Đông giai đoạn này đã vượt qua phạm vi tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, trở thành điểm giao tranh vị thế bá chủ thế giới giữa Mĩ và Trung Quốc.
Giai đoạn thứ tư vốn là “thời kì hành động”, không dễ giải quyết đối với một cuốn “sách lịch sử” chút nào. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mĩ năm 2016 đã xuất hiện một kết quả ngoài mong đợi, Trump trở thành ông chủ Nhà trắng, dẫn đến tình huống khó xác định trong cục diện biển Đông, trước mắt vẫn khó có thể dự đoán tình hình sẽ phát triển theo chiều hướng nào. Nhưng dù thế nào vẫn có thể khẳng định rằng, điều chắc chắn là tiến trình biển Đông mà chính quyền Obama hy vọng thúc đẩy không còn tồn tại; giai đoạn thứ tư của vấn đề biển Đông đã đột ngột kết thúc, khiến cuốn sách có thể đánh dấu chấm hết đúng lúc. Từ năm 2017, cục diện biển Đông bước sang giai đoạn mới.
“Lịch sử Nam Hải bị bẻ cong – Nam Hải trước thế kỉ XX” và cuốn sách này đều thông qua việc khảo sát lịch sử cổ đại và hiện đại về biển Đông để làm rõ nhiều nghi vấn trong lịch sử biển Đông. Yêu sách chủ quyền của các nước tranh chấp biển đảo đều không xác đáng như ngôn từ họ đơn phương sử dụng. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, không thể nói Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc “từ xưa đến nay”. Yêu sách chủ quyền Hoàng Sa của Trung Quốc phải bắt đầu được tính từ năm 1909, khi Lí Chuẩn đi tuần tra trên biển, muộn hơn rất nhiều so với tuyên bố chủ quyền năm 1816 của vua Gia Long Việt Nam; yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa miễn cưỡng mà tính từ năm 1935 thì cũng vẫn muộn hơn yêu sách của Pháp năm 1930 (đó là chưa kể Anh yêu sách từ năm 1877); trước Thế chiến II, Hoàng Sa và Trường Sa đều có tranh chấp chủ quyền; sau Thế chiến II, cả “Tuyên bố Cairo” lẫn “Hòa ước San Francisco” đều không “trao trả” hai quần đảo này cho Trung Quốc; cái Trung Quốc gọi là “thu hồi” Tây Sa, Nam Sa chỉ là hành động giành chiếm trước núp lén, nhưng vẫn sau Pháp (Việt Nam); khi Trung Quốc chiếm giữ hai quần đảo này, gần như cùng lúc Việt Nam và Philippines lần lượt đưa ra yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa; sau Thế Chiến II không tồn tại cái gọi là “cộng đồng quốc tế thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc”; đường 9 đoạn của Trung Quốc lại càng là yêu sách đơn phương, không có cơ sở trong luật pháp quốc tế; “Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc” và vụ kiện Tòa trọng tài đều phủ nhận yêu sách biển của Trung Quốc ở biển Đông. Đương nhiên, điều cần chỉ ra là Việt Nam, Philippines, Malaysia đều có những vấn đề riêng trong yêu sách chủ quyền và phân định các đảo tại biển Đông của mình. Điều đó có nghĩa là, không bên nào hoàn toàn có lí trong vấn đề biển Đông.
Vụ kiện ra trọng tài là một ví dụ về việc giải quyết tranh chấp biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Dù Trung Quốc hiện vẫn không thừa nhận vụ kiện Tòa trọng tài nhưng kết quả phán quyết vụ kiện vẫn sẽ có tác động sâu sắc đến tiến trình biển Đông. Tác giả cho rằng, vấn đề biển Đông nên dùng phương thức hòa bình, lấy kết quả vụ kiện Tòa trọng tài làm cơ sở, căn cứ theo luật quốc tế để giải quyết; và mong rằng biển Đông thời Donald Trump vẫn là vùng biển hòa bình.
________________
Xưm bản có chú thích ở đây.
Chương I:Tranh chấp Đông Sa giữa Trung Quốc và Nhật Bản là màn dạo đầu của Tranh chấp biển Đông
Chương II: Mở đầu cuộc tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa (1909-1936)
Chương III: Biển Đông trước và sau thế chiến thứ hai (1937-1952)
Chương IV: Cuộc chiến tranh giành các đảo ở biển Đông (1953-1989)
Chương V: Thời kì xung đột thấp (1990-2008)
Chương VI: Tranh chấp về quyền lực trên biển (2009-2015)
Phụ lục I: Tình trạng pháp lí của đường 9 đoạn
Phụ lục 2: Vấn đề đảo Bạch Long Vĩ