Pages

Thursday, November 7, 2019

Biển Đông - “Nguyên trạng không phải là tình huống xấu nhất”

Biển Đông - “Nguyên trạng không phải là tình huống xấu nhất”

The South China Sea - “Status Quo is not the Worst Situation”

(Bản dich đã đăng trên Tiếng Dân 7/11/2019 )

Bài phỏng vấn chung của CEIAS và IIR do Alfred Gerstl (AG) và Rudolf Fürst (RF)  thực hiện với Bill Hayton, nghiên cứu viên thuộc Chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Chatham House.

AG: Tranh chấp lãnh thổ và biển ở biển Đông có dính dáng tới năm thành viên ASEAN - Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam - cũng như Trung Quốc (TQ) và Đài Loan. Hai bên sau có yêu sách không xác định đối với các đảo và các quyền khác trong một khu vực rộng lớn trên biển Đông, được minh họa bằng cái gọi là đường chín vạch hoặc đường chữ U được đánh dấu trên bản đồ. ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) đã cố gắng đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) với TQ từ năm 1996 nhưng cho đến nay cả COC lẫn các tranh chấp vẫn chưa được giải quyết. Hayton, ông có thể cung cấp cho chúng tôi một cái nhìn  tổng quan ngắn gọn về các sự kiện mới nhất ở biển Đông?

Bill Hayton: Khi nghiên cứu những phát triển hiện tại ở biển Đông, nói chung chúng ta chỉ nghe những gì các chính phủ liên quan muốn nói với chúng ta. Tuy nhiên, công nghệ mới, bao gồm hình ảnh vệ tinh và dữ liệu theo dõi tàu, đã cho chúng ta các công cụ mới để hiểu những gì đang diễn ra.

Ngay bây giờ, vào tháng 9 năm 2019, hiện có hai khu vực đối đầu: một giữa TQ và Việt Nam tại một khu vực được gọi là bãi Tư Chính (Vanguard bank), và một khu vực khác giữa TQ và Malaysia của bờ biển Sarawak. Cả hai khu vực đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tương ứng của Việt Nam và Malaysia. Vương Nghị, bộ trưởng Ngoại giao TQ, nói với các đồng nhiệm ASEAN rằng TQ coi các khu vực này là "đang có tranh chấp" nhưng ông không giải thích cơ sở pháp lí  cho yêu sách của TQ đối với các khu vực trên biển này.

Đầu tháng 5 năm 2019, một giàn khoan hoạt động theo giấy phép của Malaysia đã bắt đầu khoan dầu ngoài khơi Sarawak gần một nhóm các rạn san hô được gọi là Luconia. Breakers. Khoảng một tuần sau, một tàu Cảnh sát biển đặc biệt của TQ, Haijing 35111 (Hải cảnh 35111), đã đến hiện trường. Vài ngày sau, nó bắt đầu quấy rối giàn khoan và các tàu tiếp tế. Vào giữa tháng 6, cũng tàu này đã di chuyển đến bãi Tư Chính và bắt đầu quấy rối hoạt động khoan khí đốt của Việt Nam diễn ra tại một khu vực biển được gọi là lô 06-01. Kể từ đó, các tàu khảo sát của TQ, được các tàu cảnh sát biển và dân quân bảo vệ đã thực hiện các cuộc khảo sát địa chấn trong EEZ của Việt Nam và Malaysia.

Các kế hoạch khoan ngoài khơi của Việt Nam từng chịu áp lực của TQ trước đây. Các nguồn tin trong ngành dầu khí nói với tôi rằng trong cả hai năm 2017 và 2018, chính phủ TQ đã đe dọa Việt Nam phải gánh chịu hậu quả nếu cho phép công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol khoan ở rìa EEZ của nước này. Cả hai hoạt động khoan đã bị hủy bỏ. Hiện tại có tin đồn về việc ExxonMobil sẽ rút khỏi một dự án khí khổng lồ được gọi là ‘Cá Voi Xanh' ngoài khơi miền trung Việt Nam. Mỏ khí này được cho là cung cấp năng lượng cho VN trong 20 năm. Nó nằm trong vòng 50 hải lí  của bờ biển Việt Nam, gần Đà Nẵng và ngay bên ngoài đường chín đoạn của TQ. Tuy nhiên, tin đồn chưa được xác nhận và nếu Exxon rời khỏi Việt Nam thì lí  do có nhiều khả năng là về thương mại hơn là chính trị, theo cái nhìn của tôi.

AG: Gần đây, cũng có những căng thẳng mới giữa TQ và Philippines xảy ra - mặc dù Tổng thống Duterte có quan hệ nói chung là thân thiện với Bắc Kinh.

Philippines phải đối mặt với một vấn đề lớn. Malampaya, mỏ khí lớn nhất của họ mà từ đó họ tạo ra 1/5 tổng số cung điện cho đất nước, dự kiến ​​sẽ bắt đầu cạn kiệt vào năm 2024 hoặc không lâu sau đó. Được biết có một mỏ thay thế nằm bên dưới bãi Cỏ Rong (Reed Bank), xa bờ biển Philippines hơn. Vấn đề là TQ đã khẳng định yêu sách đối với mỏ này,  dù cũng không đưa ra cơ sở pháp lí  nào. Vào tháng 5 năm 2017, Tổng thống Duterte đã nói công khai rằng chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng sẽ có ‘chiến tranh' nếu Philippines cố khai thác khí đốt ở bãi Cỏ Rong mà không có sự đồng ý của TQ.

Vào tháng 11 năm 2018, Philippines và TQ đã kì Bản ghi nhớ về ’cùng phát triển mỏ khí đốt này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Philippines có đang mời ‘cùng khai thác’ thật sự, trong đó hai nước cùng chia sẻ các quyền chủ quyền hay không, hay chỉ đơn giản là một ‘liên doanh’ theo một thỏa thuận thương mại giữa hai công ty, hoạt động theo luật pháp Philippines. TQ muốn ‘cùng khai thác’, nhưng điều đó sẽ vi phạm hiến pháp và luật về tài nguyên quốc gia của Philippines. Không rõ liệu các khác biệt có thể thu hẹp được không. Các cuộc thảo luận hiện đang diễn ra.

AG: Mục tiêu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở biển Đông là gì?

TQ chỉ bắt đầu quan tâm của TQ ở biển Đông vào đầu thế kì 20 và yêu sách lãnh thổ của họ được phát triển trong các cuộc khủng hoảng đặc biệt vào năm 1909, 1933 và 1946. Trước hết, TQ quan tâm tới việc yêu sách  các đảo nhỏ là một phần của lãnh thổ quốc gia. Một số quan chức đã hi vọng rằng các đảo này có thể giàu có về kinh tế, nhưng tình  cảm yêu nước, ' đầy xúc cảm'  là một lí  do mạnh mẽ hơn để theo đuổi các yêu sách. Mãi đến những năm 1970, các chính phủ mới biết rằng có thể có các mỏ dầu và khí đốt quanh rìa biển Đông. Điều đó dẫn đến sự quan tâm mới ở TQ, nước này lần đầu tiên chiếm cứ các thể địa lí  ở quần đảo Trường Sa vào năm 1988. Trong khi lãnh thổ và tài nguyên vẫn là động lực chính của các hành động của TQ, một động lực khác đã xuất hiện kể từ khi TQ phát triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dường như ngày càng có nhiều khả năng TQ muốn xây dựng một 'pháo đài' an toàn để che giấu rào chắn hạt nhân.

AG: TQ theo đuổi loại chiến lược nào?

Một chiến lược ' pháo đài' như vậy đòi hỏi phải có sự kiểm soát gần như độc quyền vùng trung tâm của biển Đông, và do đó, loại bỏ các bên yêu sách khác và hải quân bên ngoài. Đây là lí  do tại sao nhiều người nghĩ rằng TQ muốn xây dựng một đảo nhân tạo khác trên bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo Luzon của Philippines khoảng 200 km. Vị trí này sẽ tạo thành điểm thứ ba của một 'tam giác chiến lược', cho phép TQ tung sức mạnh trên toàn bộ biển Đông. Chiến lược này cũng sẽ đòi hỏi các nguồn cung cấp điện được đảm bảo trên các căn cứ đảo để cung cấp năng lượng cho việc khử muối và việc dùng máy tính công suất cao, nhất là cho chiến tranh chống tàu ngầm (ASW). Đây có thể là lí  do tại sao chúng ta đang thấy truyền thông TQ bàn về sự phát triển của các trạm phản ứng hạt nhân nổi. Việc triển khai các trạm này cũng sẽ là một sự rào chắn các hành động quân sự: ai muốn mạo hiểm ném bom một lò phản ứng hạt nhân?

Tôi thấy một tương lai rất gập ghềnh phía trước, vì Hoa kì và Nhật Bản kiên quyết duy trì sự hiện diện của họ trên biển và quyền Tự do lưu thông qua đó và hoàn thiện các kĩ năng săn tàu ngầm của mình.

AG: ASEAN có thể đóng vai trò gì trong việc giải quyết hoặc ít nhất là làm trung gian cho tranh chấp biển Đông?

Năm quốc gia ASEAN có liên quan trực tiếp đến các tranh chấp ở biển Đông: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có các khác biệt với TQ về tài nguyên biển. Singapore cũng lo ngại về bất cứ điều gì có thể làm gián đoạn giao thương khu vực và sự thống trị của luật pháp quốc tế. Bốn quốc gia ASEAN khác ít quan tâm đến vấn đề này và đặc biệt là Campuchia đã trở thành tay trong của TQ về các vấn đề biển Đông trong tổ chức này. Người ta có thể nói rằng Campuchia đối với ASEAN giống như Hungary đối với Liên minh châu  u! Trong những năm gần đây, Campuchia đã ngăn chặn sự đồng thuận mạnh mẽ xuất hiện bên trong ASEAN về biển Đông. Điều khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn là các nước Đông Nam Á có yêu sách đã không giải quyết được tất cả các tranh chấp trên biển của họ với nhau. Nếu họ đã làm việc đó thì họ sẽ ở một vị thế mạnh mẽ hơn nhiều trong việc thể hiện một bộ mặt thống nhất với TQ.

Trong năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN và có khả năng sẽ dấn tới vấn đề biển Đông, cố gắng thúc đẩy sự đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử. Một mục tiêu khác có thể là đạt được sự chấp thuận cho các cuộc tập trận hải quân ASEAN tiếp với Mỹ. TQ có thể giữ thế đứng ngoài trong thời gian Việt Nam làm chủ tịch chờ nhiệm kì chủ tịch kế thân thiện với TQ hơn. Nói chung, chúng ta không thể mong đợi những thay đổi lớn về ảnh hưởng của ASEAN với tư cách là một diễn viên ở biển Đông.

AG: Theo quan điểm của ông, tranh chấp ở biển Đông có thể giải quyết như thế nào?

Hiện trạng ở biển Đông không phải là một tình huống quá tồi tệ. Có một sự ổn định nào đó, ít nhất là về các tranh chấp lãnh thổ. Sức mạnh quân sự của TQ là vượt trội so với các nước yêu sách Đông Nam Á. Câu hỏi mà các nhà lãnh đạo TQ phải trả lời là liệu họ có ý định sử dụng sức mạnh đó để đảy các yêu sách lãnh thổ của họ tiến tới hay không. Các bên yêu sách Đông Nam Á không có lựa chọn quân sự này, nhưng quan trọng hơn, họ đã nói rõ rằng họ không có ý tìm cách đẩy các bên khác ra khỏi đảo nhỏ và rạn san hô mà các bên này hiện đang chiếm giữ. TQ cũng nên làm như vậy.

Để giải quyết tranh chấp,có thể dùng các công cụ luật pháp quốc tế hiện có. Năm 2008, Tòa Công lí  Quốc tế đã có thể quyết định quyền sở hữu các thể địa lí  đang tranh chấp ở eo biển Singapore. Dựa vào bằng chứng lịch sử, toà phán rằng Pedra Branca, nơi Singapore có xây một đèn biển, thuộc về Singapore và Middle Rocks thuộc về Malaysia. Hai thể địa lí  này chỉ cách nhau một kilomet. Biển Đông không khó khăn hơn về mặt pháp lí  nhưng không nước nào trong số các bên yêu sách sẵn sàng đưa các yêu sách lãnh thổ của họ ra thử thách tại một tòa án quốc tế.

Tôi sẽ lập luận rằng, về tổng thể, lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của TQ nằm ở mối quan hệ hòa bình và ổn định trong khu vực lân cận họ và những lợi ích đó bị tổn hại do việc họ theo đuổi yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp. TQ sẽ có được mối quan hệ tốt hơn với Đông Nam Á nếu họ nói rõ rằng họ sẵn sàng thỏa hiệp về các tranh chấp lãnh thổ. Nói một cách đơn giản, nếu mỗi bên có yêu sách đồng ý giữ các thể địa lí  mà họ hiện đang chiếm giữ và ngưng yêu sách các thể địa lí  khác thì tình huống có thể được giải quyết tương đối nhanh chóng.

RF: Ý kiến ​​của ông về việc quân sự hóa biển Đông là gì?

Chà, khi từ 'quân sự hóa' này lần đầu được sử dụng, nó có một ý nghĩa rất cụ thể. Nó đề cập đến các đảo mới của TQ, bảy đảo mà TQ tạo ra ở phần phía nam của biển Đông, ở Trường Sa. Do vậy, Tập Cận Bình đã cam kết là không quân sự hóa các thể địa lí  mới này. Nhưng kể từ đó, chúng ta đã thấy một số loại thiết bị quân sự được đặt ở đó, tên lửa và vv.  Thế thì điều tranh cãi là định nghĩa quân sự hóa ra sao. Người TQ sẽ nói, "chúng tôi đã lắp đặt các hệ thống phòng thủ ở đó và chúng tôi không xem đó là quân sự hóa.” Quân đội các nước Đông Nam Á, bây giờ thấy mình trong tầm bắn của các tên lửa đó, tất nhiên sẽ không đồng ý, Mĩ và Nhật Bản cũng vậy. Tất nhiên, biển Đông nói chung được quân sự hóa theo nghĩa mà ta thấy các tàu hải quân đi ngang qua  và các cuộc tập trận quân sự và tất cả cáci hành động loại này.

Điều duy nhất mà chúng ta chưa thấy là máy bay tấn công của TQ đậu trên các đường băng mới được xây dựng. Mọi thứ dường như đã sẵn sàng ở đó để việc này xảy ra - nhưng chưa xảy ra thôi. Đó sẽ là một bước to tát nếu TQ làm điều đó.

RF: Theo bất kì giá nào, không gian của biển Đông là một vấn đề an ninh cấp bách. Ông có tin rằng Liên minh châu nên đông lòng có một thái độ chung hay môt tuyên bố chung nào không?

Tôi nghĩ rằng có nhiều cách khác nhau mà tôi nghĩ rằng điều này ảnh hưởng đến lợi ích của EU. Câu hỏi lớn, không may là khá mơ hồ, là tình hình ở biển Đông có nguy cơ làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. EU về cơ bản là một tổ chức dựa trên luật lệ : tổ chức này tìm kiếm sự công bằng và cởi mở trong cách các quốc gia cư xử với nhau. Tất cả các quốc gia liên quan đến tranh chấp biển Đông đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tuy nhiên chúng ta thấy hành vi gần đây của TQ đối với Việt Nam và Malaysia rõ ràng vi phạm các quyền của quốc gia khác theo UNCLOS. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là EU phải đẩy xa hơn là chỉ nói rằng họ ủng hộ UNCLOS và các tranh chấp cần được giải quyết theo UNCLOS. Tôi nghĩ bây giờ họ nên điểm mặt chỉ tên nước thực sự vi phạm UNCLOS, và trong trường hợp này thật ra chính là TQ. Tôi không có bất kì kì vọng nào rằng EU sẽ cùng với nhau, chẳng hạn, tổ chức một loại hiện diện hải quân hoặc cảnh sát biển nào đó ở biển Đông, mặc dù tôi nghĩ rằng một số nước thành viên có thể làm điều đó. Nhưng tôi nghĩ có nhiều cách mà EU có thể đưa ra quan điểm về những yêu sách nào đối với tài nguyên năng lượng và cá tôm ở biển Đông là hợp pháp và giúp các nước ven biển quản lí  các tài nguyên đó. EU thậm chí có thể quan tâm đến việc thực hiện một sứ mệnh nào đó kiểu như quan sát theo dõi rồi công bố các vi phạm UNCLOS. Tôi nghĩ rằng EU cần phải nhận ra rằng theo nhiều cách, họ đã can dự. EU mua rất nhiều cá từ các quốc gia này và cần phải suy nghĩ về tính bền vững của nguồn cá đó, những gì đang được thực hiện để quản lí  và bảo vệ nguồn cả đó. EU thực hiện nhiều giao thương với khu vực này và các tàu buôn của họ chạy ngang qua biển này. Nhiều nước châu  u, chẳng hạn như Anh, Pháp và Hà Lan, có mối quan hệ lịch sử lâu dài với các đất nước này. Vì vậy, châu  u đã can dự vào phần này của thế giới. Việc duy trì tổng thể hòa bình và ổn định quốc tế đòi hỏi EU phải để mắt đến những gì đang xảy ra ở đó.


Bill Hayton là nghiên cứu viên với Chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Chatham House, thành viên của Hiệp hội Địa lí  Hoàng gia và là một nhà báo toàn thời gian với BBC News ở London. Năm 2006/7, ông là phóng viên của BBC tại Việt Nam và năm 2013, ông đã dành một năm để cố vấn cho đài truyền hình nhà nước Myanmar về cải cách truyền thông. Ông là tác giả của “Vietnam: Rising Dragon” (Việt Nam: con Rồng đang trỗi dậy) (Yale, 2010), “The South China Sea: the struggle for power in Asia” (Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Yale, 2014) và “The invention of China” (Yale, sắp xuất bản). Ông viết về sự phát triển chính trị và khu vực ở Đông Nam Á và gần đây đã nhận được bằng tiến sĩ từ Đại học Cambridge.

Alfred Gerstl, Marie Sklodowska-Curie thành viên nghiên cứu cá nhân tại Khoa nghiên cứu châu Á, Đại học Palackì, Olomouc và Chủ tịch Viện nghiên cứu châu Á Trung  u.

Rudolf Fürst, trưởng Trung tâm EU-Châu Á, IIR, Prague

No comments:

Post a Comment