KHẢO CỔ VÀ YÊU NƯỚC: CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG[1]
"Nghệ thuật tuyệt đỉnh của chiến tranh
là chinh phục kẻ thù mà không phải
đánh," Tôn Tử.
"Điều hay tuyệt đỉnh là
phá vở sự kháng cự của địch mà không cần phải đánh," Tôn Tử.
Tóm
tắt :
Nhiều tác giả viết về yêu sách
của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa nêu thời gian phái đoàn Trung Quốc
chính thức đầu tiên tới quần đảo này là năm 1902. Tuy nhiên, không ai trong
số những tác giả đó có thể đưa ra bất kì tài liệu nào về việc diễn
ra.chuyến đi này. Trên thực tế,tư liệu của Trung Quốc lại cho thấy chuyến
đi đó chẳng hề xảy ra. Thay vào đó là một chuyến đi bí mật xảy ra nhiều thập
kỉ sau đó để cấy bằng chứng khảo cổ giả trên các đảo này để củng cố yêu sách
lãnh thổ của Trung Quốc. Mưu chước tương tự cũng đã được áp dụng ở quần đảo
Trường Sa: các bia chủ quyền năm 1946 trên thực tế đã được đặt sau đó 10
năm, vào năm 1956.
Giới
thiệu :
Giáo sư Marwyn Samuels, trong cuốn
sách nổi tiếng của ông "Contest for the South China Sea” (Cuộc thi thố
vì biển Đông) đã trách cứ học giả phương Tây nào nói phái đoàn Trung Quốc
đầu tiên tới quần đảo Hoàng Sa xảy ra năm 1909. Thay vì vậy, ông khẳng định
rằng chuyến đi đầu tiên này diễn ra vào năm 1902. Theo Samuels, chuyến đi thẩm
tra đầu tiên này do Đề đốc Lí Chuẩn chỉ huy và là nỗ lực đầu tiên để thực
hiện công ước Pháp - Thanh 1887, khẳng định
quyền của Trung Quốc đối với các đảo này.[2] Kể từ công
trình khai phá này của Samuels, việc dẫn sự kiện ‘không thể tranh cãi’
đó vào các sách báo liên quan đến các tranh chấp ở biển Đông đã biến
thành chuyện thông thường. Tuy nhiên, không ai trong số các tác giả sau này
có thể chứng minh đuợc nhận định này.
Chiến
dịch khảo cổ thập niên 1970 và chuyện kể truờng thiên:
Từ năm 1974 đến 1979, số cuộc
khảo cổ đã được quân đội Trung Quốc (PLA) và các nhà khảo cổ học tiến hành tại
quần đảo Hoàng Sa. Trong số các hiện vật mà những đoàn khảo cổ tìm được là
đồ sứ thuộc các thời kì khác nhau, phế tích của chùa miếu và một số
bia/mốc chủ quyền. Những bia này đề năm 1902, 1912 và 1921. Năm 1973, tạp chí
Thập kỉ 70 (七十年代:Thất thập niên đại) ở Hong
Kong,, đã đăng ảnh một bia chủ quyền khắc năm 1902 được tìm thấy trên một đảo
nhỏ của quần đảo Hoàng Sa.[3]
Báo Hong Kong Standard (香港郵報: Hương Cảng bưu báo) tuờng thuật những phát hiện
ngày 6 tháng 3 năm 1979 trong một bài báo có tựa đề "Bia chứng minh cho
chủ quyền xa xưa." Cả hai bài báo này, đều có đăng ảnh một bia năm
1902, đã trở thành nguồn thông tin duy nhất vế chuyến đi “không thể chối
cãi" năm 1902 cho các học giả như Hungdau Chiu và Choon-ho Park và Marwyn
Samuels vào năm 1982. Trước năm 1979, không học giả phương Tây hay Trung Quốc
nào có đề cập đến sự tồn tại của chuyến đi năm 1902. Chuyến đi chính thức
có ghi nhận trong lịch sử nhà Thanh là chuyến thẩm tra của Đề đốc Lí
Chuẩn năm 1909.
Chuyến
đi ‘ma’ trong quần đảo Hoàng Sa:
Có một lí do đơn giản vì sao
không một học giả nào có thể tìm ra được tài liệu lịch sử nào về chuyến đi
năm 1902: nó chẳng hề xảy ra. Thay vào đó bằng chứng về chuyến đi năm 1902
đã được nguỵ tạo ra muộn hơn nhiều: năm 1937.
Tháng 6 năm 1937, truởng khu
hành chánh 9 của Trung Quốc, Hoàng Cuờng (黄强/Huang Qiang), đã được phái đến
quần đảo Hoàng Sa với hai nhiệm vụ: Một là kiểm tra các báo cáo rằng người Nhật
đã xâm chiếm các đảo này và hai là tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối
với chúng. Theo các hồ sơ về chuyến công tác này của ông đề ngày 31/7/1937,
ông rời Quảng Đông vào ngày 19/6 và đến quần đảo Hoàng Sa vào ngày 23/6. Trong
cùng ngày, ông đến 4 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trong nhóm An Vĩnh
[Amphitrite] (đảo Phú Lâm [Woody], đảo Đá [Rocky], đảo Lincoln
[Ling Zhou/玲洲: Linh Châu] và đảo Bắc [Bei/北]).
Ngày hôm sau, 24/6, ông quay trở lại Hải Nam.
Chuyến công tác ngắn và bí mật
này đã được các nhà sử học Trung Quốc Hàn Chấn Hoa (Han Zenhua/韩振华), Lâm Kim Chi (Lin Jin Zhi/林金枝), Ngô Phượng Bân (Wu Feng Bin/吴凤斌) kể lại trong công trình chuyên đề
"Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hối biên" được xuất bản năm 1988.[4]
Tuy nhiên, nếu họ có công bố báo cáo đề ngày 31/7/1937, họ đã quên, dù có ý thức hay không, công bố
phụ lục của báo cáo này. May thay, phụ lục bí mật đó đã được Ủy ban đia danh tỉnh
Quảng Đông công bố năm 1987 trong một cuốn sách có tựa đề "Sưu tập tài liệu
về địa danh các đảo ở biển Đông." Phụ lục này đưa ra các chi tiết về hoạt
động của Hoàng Cường ở quần đảo Hoàng
Sa.[5]
Trong phụ lục này, Hoàng Cường giải
thích rằng, theo kế hoạch, tàu của ông đã chở theo 30 bia chủ quyền. Trong số
đó, có 4 bia thuộc thời nhà Thanh, những bia khác thuộc năm 1912 (Trung Hoa
Dân Quốc tròn một tuổi) và năm 1921. Tuy nhiên, ông không mang theo bia năm
1937 do đây là chuyến công tác bí mật. Nhóm của ông tìm đuợc 4 bia thời nhà
Thanh, có khắc năm 1902, tại thành phố Quảng Đông. Theo phụ lục báo cáo của
ông, nhóm của ông chôn các bia này, ghi nhận tọa độ địa lí của chúng ở 4 đảo.
Trên đảo Bắc, họ chôn 2 bia khắc năm 1902 và 4 bia đề năm 1912. Trên đảo
Lincoln (Ling Zhou), đội chôn 1 bia khắc năm 1902, 1 bia năm 1912 và 1 bia
năm 1921. Trên đảo Phú Lâm 2 bia khắc năm 1921 đã được chôn. Cuối cùng, trên đảo
Đá (Shi Dao/石岛:
Thạch đảo), họ chỉ đặt 1 bia khắc năm 1912.
Tóm lại, năm 1937 phái đoàn đã đặt
tổng cộng 12 bia trên các đảo, trong đó có 3 bia ghi năm 1902. Các bia này đã bị
quên lãng từ 1937 đến 1979 nhưng sau đó đã được các nhà khảo cổ và
PLA."phát hiện ra" từ năm 1974 đến năm 1979. Điều này gần như chắc chắn
là lời giải thích cho câu văn bí ẩn trong cuốn sách của Samuels khi ông viết rằng
các bia năm 1902 được cho là đã bị mất trong chiến tranh thế giới II.[6]
Những
bí ẩn của các dấu chủ quyền ở quần đảo Trường Sa:
Hầu hết các sách, bài viết, và
tuyên bố chính thức nêu rằng Trung Quốc đã chiếm lại quần đảo Trường Sa vào
năm 1946 từ tay Nhật và đã dựng các bia chủ quyền trên một số đảo. Chuyện
này đã được tác giả Đài Loan Truơng
Chấn Quốc (Zhang Zhen Guo/(张振国)
kể lần đầu tiên trong cuốn sách của ông
"Chuyến đi đến Nam Sa" [Nansha xing/南沙行: Nam Sa hành] được viết vào năm 1957, nhưng
được xuất bản năm 1975,[7]
Trương Chấn Quốc, đội phó trong
chuyến đi của THDQ tới quần đảo Trường Sa năm 1956 (đối phó với Thomas
Cloma), đã viết rằng trong chuyến đi năm 1946 do tư lệnh Mạch Uẩn Du (Mai Yun
Yu/麦蕴瑜) lãnh đạo, đoàn đã nắm quyền kiểm soát của 3
hòn đảo, cụ thể là đảo Taiping [太平] (đảo Itu-Aba/Ba Bình), Nam Wei [南威岛: Nam Uy] (đảo
Trường Sa) và đảo Xi Yue [西月島:Tây Nguyệt] (đảo
West York/Bến Lạc). Trên 3 đảo này, nhóm của Mạch Uẩn Du dựng các bia chủ quyền
khắc năm 1946,[8]
Tuy nhiên, khi cuốn sách của
Trương Chấn Quốc xuất bản vào năm 1975, Mạch Uẩn Du vẫn còn sống và đã đọc nó.
Điều đó là một cú sốc đối với ông! Thật ra, ông nhìn nhận rằng dù nhóm của
ông đã có đến đảo Ba Bình vào tháng 12 năm 1946, phá hủy các bia của Nhật và
đã trồng hai bia chủ quyền (phía Bắc và Nam của đảo) nhưng họ chưa hề đi đến
đảo Trường Sa và đảo Bến Lạc.
Thật ra, theo các hồ sơ chính thức,
khi Thomas Cloma của Philippines tuyên bố sở hữu đối với quần đảo Trường Sa
(Freedomland) vào năm 1956, Đài Loan đã có 3 lần tuần tra quần đảo này (2 tàu từ
2 tới 14 tháng 6, 3 tàu từ 29 tháng 6 đến 22 tháng 7 và 2 tàu từ 24 tháng 9
tới 5 tháng 10). Trong những lần tuần tra này, binh sĩ đã tổ chức lễ chào
cờ và dựng bia chủ quyền trên 3 đảo Ba Bình, Trường Sa và Bến Lạc. Tuy nhiên,
các bia này khắc năm 1946 nhưng chỉ mới đưa tới Nam Sa 10 năm sau đó, vào
năm 1956, như một mưu gian.[9]
Khảo
cổ và yêu nước: Tính chính trị của các bia chủ quyền
Các nhà khảo cổ có thành thật
khi họ tìm thấy các cột mốc ở quần Hoàng Sa? Hoặc giả họ đã được PLA, vốn biết
rõ chuyện này, kèm cặp? Chúng ta không biết đuợc. Tuy nhiên, nếu chúng ta
thêm màn diễn của quần đảo Trường Sa vào, chúng ta có thể nhìn thấy một mưu đồ
phức tạp và có hệ thống hơn về viêc nguỵ tạo hồ sơ. Hai màn diễn này cho thấy
những hạn chế của việc dựa vào các hiện vật khảo cổ nhằm cố gắng giải quyết
các tranh chấp lãnh thổ. Vật thể có thể là đích thật (từ các bảo tàng chẳng hạn),
nhưng được chôn rất trễ sau này. Trong cuộc chiến tranh tâm lí đối với các đảo
ở biển Đông, thủ đoạn gian xảo này có thể trở thành thực tế. Điều này có vẻ là
những gì đã xảy ra trong những vụ việc này. Các huyền thoại đã xuất hiện trong
nhiều công trình viết bằng tiếng Anh và đã đi đến người đọc quốc tế. Dù vậy, có
vẻ rằng những huyền thoại này sẽ được một ít nhà nghiên cứu có kiến thức về
tiếng phổ thông và một nhóm các chuyên gia Trung Quốc biết rất rõ. Tóm lại, điều
đó gợi ra rằng ‘khảo cổ yêu nước' là lệch lạc sâu đậm và các chuyên gia nên thận
trọng trước khi dựa vào nó để chuyển việc phán đoán về tranh chấp lãnh thổ.
------------------------------
ẢNH BIA CHỦ QUYỀN CHỦ QUYỀN 1902
Bia triều Quang Tự (1882-1902)
trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa
CHUYẾN CÔNG TÁC BÍ MẬT THÁNG 6/1937
Nguồn: Uỷ ban địa danh tỉnh Quảng Đông [Guang dong sheng di ming wei yuan hui], Sưu tập tư liệu về địa danh các đảo ở Nam Hải [Nan Hai zhu dao di ming zi liao hui bian], Nhà xuất bản bản đồ Quảng Đông [Guangdong sheng di tu chu ban she], 1987, p.289.
-----------------------------
Về tác giả: François-Xavier Bonnet là một nhà địa lí và một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại Pháp (Irasec). Bên cạnh nhiều bài khác, ông đã xuất bản, "“ Geopolitics of Scarborough Shoal” (Địa chính trị bãi cạn Scarborough), tài liệu thảo luận Irasec ngày 14 tháng 11 năm 2012,
[1] Bài viết này đã
được trình bày tại hội nghị biển Đông Nam Á (biển Đông), Trung tâm Luật Ateneo, Makati, 27
tháng 3 năm 2015.
[2] Samuels, Marwyn S, Contest for the South
China Sea, New York: Methuen, 1982, p.53
[3] Thất thập niên
đại số 3 tháng 3/1973 được Hungdah Chiu and Choon-Ho Park trích dẫn trong, Legal
Status of the Paracel and Spratly islands, Ocean Development and International
Law, 1975, p. 25
[4] Han Zhen Hua,
Lin Jin Zhi and Wu Feng Bin (edit), Sưu tập các tài liệu lịch sử về các đảo ở Nam Hải của chúng ta [Wo guo nan hai zhu dao shi liao hui bian/我国南海诸岛史料汇编 : Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hối biên] , Dong fang
Chu ban she [東方出版社]: Đông phương xuất bản xã, 1988, p.210.
[5] Uỷ ban địa danh
tình Quảng Đông [广东省地名委员会/Guangdong sheng
di ming wei yuan hui: Quảng Đông tỉnh địa danh uỷ viên hội], Sưu tập tư liệu về
địa danh các đảo ở Nam Hải [南海诸岛地名资料汇编/Nan Hai zhu dao
di ming zi liao hui bian: Nam hải chư đảo đia danh tư liệu hối biên], Nhà xuất
bản bản đồ tỉnh Quản Đông [广东省地图出版社/Guangdong sheng di tu chu ban
she: Quảng Đông tỉnh địa đồ xuất bản xã], 1987,
[6] Samuels, p.53
[7] Uỷ Ban, 1987,
p.290
[8] Uỷ Ban, 1987,
p.290
[9] Uỷ Ban, 1987, p.291
No comments:
Post a Comment