Những giới hạn của chủ nghĩa tư bản với đặc trưng cộng sản
(The Limits of Capitalism with Communist Characteristics)
BRAHMA CHELLANEY
Project Syndicate (04/03/2016)
(bản dịch đã đăng trên anhbasam ngày 10/3/2016)
NEW DELHI - Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Cuba, tương lai của hòn đảo do cộng sản cai trị này là đối tượng cho việc săm soi rông rãi. Một số nhà quan sát hi vọng rằng bước chuyển đổi về phía chủ nghĩa tư bản đang diễn ra vốn đã xảy ra rất từ từ trong 5 năm qua theo chỉ đạo của Raúl Castro, đuơng nhiên sẽ dẫn Cuba tiến tới dân chủ. Kinh nghiệm cho thấy không phải vậy.
Trên thực tế, tự do hóa kinh tế còn xa mới là một con đường chắc chắn để đi tới dân chủ. Không có gì minh họa điều này tốt hơn là chế độ chuyên chế lớn nhất và lâu đời nhất của thế giới, Trung Quốc, nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) duy trì sự độc tôn quyền lực, ngay cả khi các cải cách theo thị trường đã cho phép nền kinh tế nâng lên. (Kẻ hưởng lợi chính trong tiến trình này là quân đội Trung Quốc.)
Niềm tin rằng chủ nghĩa tư bản tự động mang lại dân chủ bao hàm một kết nối về ý thức hệ giữa hai hệ thống này. Nhưng sự thống trị của ĐCSTQ (hiện có tới 88 triệu đảng viên, nhiều hơn toàn bộ dân số nước Đức) không còn bắt nguồn từ ý thức hệ. Đảng, đại diện bởi nhóm đầu sỏ khép kín, vẫn trụ dai dẳng bằng cách sử dụng một loạt các công cụ - cưỡng chế, tổ chức, và tuởng thuởng - để ngăn cản sự xuất hiện của lực lượng đối lập có tổ chức.
Một tài liệu của đảng năm 2013, gọi là "văn bản số 9" đã liệt kê 7 mối đe dọa đến sự lãnh đạo của ĐCSTQ mà Tập Cận Bình có ý định triệt bỏ, trong đó có chấp nhận "nền dân chủ lập hiến phương Tây," đề cao các "giá trị phổ quát" về quyền con nguời, khuyến khích "xã hội dân sự", chỉ trích quá khứ của đảng theo lối "hư vô chủ nghĩa" , và thừa nhận các "giá trị tin tức phương Tây."
Tóm lại, chủ nghĩa cộng sản hiện nay chú trọng ít hơn vào cái thuộc bản chất của nó (tức là ý thức hệ) và nhiều hơn vào cáì không thuộc về nó. Trên tất cả, đại diện của nó tìm mọi cách giữ lấy quyền lực chính trị - một nỗ lực đuợc sự phồn thịnh kinh tế do chủ nghĩa tư bản mang lại trợ giúp, qua việc giúp ngăn chặn đòi hỏi muốn thay đổi của công chúng .
Ở Việt Nam và Lào câu chuyện cũng tương tự. Cả hai bắt đầu phân cấp kiểm soát kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong những năm cuối thập niên 1980, và bây giờ nằm trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á. Việt Nam thậm chí còn là một thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Duơng (TTP) đang phôi thai. Nhưng nhà nước độc đảng này vẫn cố kết và tiếp tục dấn vào việc đàn áp chính trị mạnh bạo.
Mọi thứ dường như chưa sẵn sàng để thay đổi trong tuơng lai gần. Ở Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng có đầu óc cải cách, gần đây đã thất bại trong nỗ lực giành vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản (lãnh đạo tối cao của đất nước); Đại hội lần thứ 12 đã bầu lại TBT đương nhiệm, Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài việc cung cấp lợi ích vật chất đủ để giữ cho người dân hài lòng, chủ nghĩa tư bản giúp nhà nước do cộng sản cai trị tăng cuờng năng lực đàn áp nội bộ và kiểm soát thông tin. Một ví dụ là "Great Firewall [tuờng lửa] của Trung Quốc" , một hoạt động của chính phủ chuyên theo dõi và ngăn chặn các nội dung trên Internet, tạo ra một không gian thông tin ‘sạch sẽ’ về chính trị đối với công dân. Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới có ngân sách an ninh nội bộ chính thức lớn hơn ngân sách quốc phòng chính thức.
Đối mặt với sự đảo lộn kinh tế hiện nay của Trung Quốc, kiểm soát thông tin đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để ngăn chặn những thách thức tiềm năng, lãnh đạo Trung Quốc đã ngày càng bịt miệng báo chí, qua việc hạn chế, đặc biệt là trong đưa những tin tức hay bình luận có thể gây ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu hay tiền tệ. Tập Cận Bình đã yêu cầu các nhà báo phải thề " trung thành tuyệt đối" với ĐCSTQ, và theo sát sự lãnh đạo của họ về "tư tưởng, chính trị và hành động." Một tờ báo của nhà nước, cảnh báo rằng "tính hợp pháp của đảng có thể đi xuống," lập luận rằng "báo chí quốc gia là cốt yếu cho sự ổn định chính trị."
Rõ ràng, nơi mà người cộng sản coi là chỗ quyết định, sự phát triển của thị trường tự do cho hàng hóa và dịch vụ không nhất thiết dẫn đến sự xuất hiện của thị trường các ý tưởng. Ngay cả Nepal, một nước do cộng sản thống trị có tổ chức bầu cử, đã không thể chuyển dịch sự tự do hóa kinh tế thành một quá trình chuyển đổi dân chủ đáng tin cậy. Thay vào đó, nền chính trị của đất nước này vẫn còn trong trạng thái không ổn định, với các cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp xói mòn tiếng thơm của nó như là một Shangri-La [địa đàng] và đe dọa biến nó thành một quốc gia lụn bại.
Có vẻ dân chủ và chủ nghĩa cộng sản loại trừ lẫn nhau. Nhưng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản rõ ràng là không như vậy - và điều đó có thể rất nguy hiểm.
Trên thực tế, cuộc hôn nhân của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, do Trung Quốc đi đầu, đã sinh ra một mô hình chính trị mới thể hiện sự thách thức trực tiếp đầu tiên với nền dân chủ tự do tính từ chủ nghĩa phát xít: chủ nghĩa tư bản độc đoán. Với sự trỗi dậy ngoạn mục thành một cường quốc hàng đầu thế giới trong vòng chưa đầy một thế hệ, Trung Quốc đã thuyết phục các chế độ chuyên quyền ở khắp mọi nơi rằng chủ nghĩa tư bản độc đoán - hoặc, như các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi nó là "chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc" - là con đường nhanh nhất và êm ái nhất đi đến sự thịnh vượng và ổn định, ưu việt hơn nhiều so với nền chính trị bầu cử lộn xộn. Điều này có thể giúp giải thích vì sao việc lan tỏa dân chủ trên toàn thế giới gần đây đã chững lại.
Chuyến thăm Cuba sắp tới của Obama nên được chào đón như là một dấu hiệu của sự kết thúc chính sách cô lập vụng về của Mĩ - một diễn biến có thể mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại 55 năm đối với đất nước này. Nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng việc Cuba mở cửa kinh tế, đuợc thúc đẩy bởi sự xích lại gần do Obama khởi xướng, nhất thiết sẽ mở ra một kỉ nguyên chính trị mới ở Cuba.
------------------------------------
Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lượcđóng ởNew Delhi và nhà nghiên cứu chính sách tại Robert Bosch Academy tại Berlin, là tác giả 9 quyển sách, trong đó có Asian Juggernaut,(Juggernaut Châu Á) , Water: Asia’s New Battleground, (Nước: Chiến trường mới ở Châu Á), và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis (Nước, hòa bình, và chiến tranh: Đối mặt với khủng hoảng nước toàn cầu).
No comments:
Post a Comment