Pages

Saturday, October 4, 2014

Nối các vạch

Nối các vạch

Các nước ven biển Đông sẽ đấu nhau ở các viện bảo tàng, trong các văn khố và trên các bản đồ

The Economist (04 tháng 10 năm 2014)

 
Các nước quanh biển Đông từ lâu đã can dự vào vào cuộc đua tranh bản đồ học. Hiện nay nó đang trở thành một môn thể thao thu hút nhiều người xem. Hồi tháng 6, tại một cuộc triển lãm ở Hải Phòng, Việt Nam đã trưng ra một số bản đồ của mình. Trong tháng 9, các cuộc triển lãm mở cửa ở Manila và Đài Bắc trưng bày tài liệu mà chính phủ Philippines và Đài Loan hi vọng sẽ củng cố các yêu sách tương ứng của họ đối với biển này. Trên giấy tờ, yêu sách của Đài Loan giống y với yêu sách của Trung Quốc mà khẳng định chủ quyền của họ đối với khu vực gần hết biển Đông, bên trong một đường chữ U bí ẩn rộng lớn quanh bờ biển này, đã làm các nước láng giềng phải cánh giác. Vì vậy, tài liệu lưu trữ của Đài Loan đã thu hút nhiều sự quan tâm. Hơn thế nữa, việc Đài Loan minh bạch yêu sách chủ quyền cũng là một bước chuyển bất lợi cho Trung Quốc.

Triển lãm Đài Bắc lần đầu tiên trưng bày một phần nhỏ trong kho tài liệu lưu trữ được mang theo cùng với Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng (KMT), khi họ chạy thoát phe Cộng Sản chiến thắng của Mao Trạch Đông ra đảo này vào năm 1949. Tại buổi khai mạc triển lãm, Tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu, đã làm rõ chính phủ Quốc Dân Đảng đã yêu sách điều gì vào năm 1947 khi họ khẳng định chủ quyền đối với các đảo bị người Nhật chiếm giữ trong thế chiến thứ hai. Không nhưTrung Quốc, vốn chưa bao giờ nói ra rõ ràng họ có đòi tất cả mọi thứ bên trong đường chữ U (đảo, đá, bãi cát ngầm, rạn san hô, cá, dầu, khí đốt và nước) hay chỉ đòi các đảo mà thôi, Mã Anh Cửu đã minh bạch rằng yêu sách chỉ giới hạn vào các đảo và vùng biển 3-12 hải lí liền kề chúng. Ông nói, "không có cái gọi là yêu sách nào khác đối với các vùng biển".

Điều này rất hệ trọng, bởi vì trên lí thuyết nó có nghĩa là đường [9 vạch] có thể được diễn giải theo cách tương thích với luật pháp quốc tế hiện hành. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) thì "đất thống trị biển". Thể địa lí đất được hưởng 12 hải lí lãnh hải; đảo sinh sống được có thêm 200 hải lí "vùng đặc quyền kinh tế" (EEZ). Vì vậy, ngay cả khi tất cả các đảo này là của Trung Quốc - và Đài Loan và Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có đòi hỏi chủ quyền – thì vùng đặc quyền kinh tế của họ sẽ bị phân giới đau đớn và có thể không bao phủ toàn bộ biển Đông.

Sự can thiệp của Mã Anh Cửu sẽ làm người Mĩ hài lòng. Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, một nhóm chuyên gia tham mưu ở Washington, nói rằng Mĩ đã kín đáo thúc giục ông Mã Anh Cửu phải làm cho rõ Quốc Dân Đảng muốn nói điều gì khi họ vẽ ra bản đồ đó. Hi vọng rằng điều này sẽ gây sức ép lên Trung Quốc buộc phải giải thích rõ ràng và thậm chí điều chỉnh đổi lập trường của chính họ. Đó là một phần của những nỗ lực của Mĩ để ngăn chặn xung đột trên biển Đông, một tuyến đường biển quan trọng cho một tỉ lệ lớn khối lượng giao thương thế giới. Mĩ không rõ ràng đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng đổ lỗi cho Trung Quốc đã làm tăng căng thẳng.

Bà Glaser nói đòi hỏi của Mỹ đặt Mã Anh Cửu và các trợ lí của vào một vị thế vô cùng thiếu thoải mái. Trung Quốc nằng nặc cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, sẽ phải lấy lại bằng vũ lực nếu chẳng hạn Đài loan chính thức tuyên bố độc lập với Trung Quốc. Và một trong những tàn tích cuối cùng của điều thêu dệt cho rằng chỉ có "một nước Trung Hoa" là việc Đài Loan phải bám chặt theo yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc.

 

Mã Anh Cửu đã loại trừ khả năng hợp tác với Trung Quốc về yêu sách chung, nhưng không thể vẽ lại ranh giới của Đài Loan mà không bị Trung Quốc coi là phạm tội li khai. Nhiệm kì tổng thống 6 năm của ông đã được đánh dấu bằng các quan hệ có nhiều cải thiện với Trung Quốc. Ông không muốn biển Đông làm hỏng điều đó. Dưới thời của ông, Đài Loan đang lặng lẽ xây dựng một cảng mới đủ lớn cho các tàu chiến cặp bến trên đảo Ba Bình (TQ gọi là Thái Bình), đảo lớn nhất trong chuỗi đảo Trường Sa. Nhưng mặt khác, Mã Anh Cửu đã im lặng. Ông bây giờ phải hi vọng rằng Trung Quốc sẽ coi việc làm rõ của ông là có tính pháp lí và hiển nhiên.

Nhiều tài liệu trong kho lưu trữ vẫn còn bí mật, và Trung Quốc từ lâu nài nĩ vô vọng để được liếc nhìn. Một số quan chức cấp cao Trung Quốc nằm trong số người dự buổi khai mạc triển lãm. Tuy nhiên, Michael Gau, một chuyên gia luật biển thuộc Đại học Hải dương Quốc gia Đài Loan, nói rằng các quan chức này hầu như không quan tâm đến những thứ được triển lãm vốn đều đã được giải mật, và trong đó có một bức ảnh đen trắng mờ (hạt) của một bia chủ quyền trên đảo Ba Bình hồi năm 1946. Thay vào đó, họ muốn nghe "liệu Đài Loan có nhận lấy đường chữ U hay đã bị người Mỹ làm sợ hãi." Câu trả lời có vẻ ít nhiều là cả hai. Mã Anh Cửu không đề cập đến đường [chữ U] và cũng không thách thức tính hợp lệ của nó. Đường [chữ U] đã trở thành một chủ đề về lòng yêu nước ở Trung Quốc (chẳng hạn xuất hiện trên các bản đồ trong hộ chiếu Trung Quốc) như thể nó là một bằng chứng lịch sử được ghi chép rành mạch từ xa xưa. Thật ra, như cuốn sách mới ra ("The South China Sea", của Bill Hayton) đã cho thấy rõ rằng nguồn gốc của nó là phi lịch sử, phản khoa học và tuỳ tiện. Nhiều bản đồ cũ của Trung Quốc cho thấy biên giới phía nam của nước này là quần đảo Hoàng Sa, cũng do Việt nam tuyên bố chủ quyền, nhưng nằm ở phía bắc của biển Đông. Năm 1933, các nhà làm bản đồ Trung Quốc, do tức giận bởi việc Pháp khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa xa về phía nam, nên đã mở rộng yêu sách xuống tận bãi ngầm James, mà họ dường như nghĩ rằng nó nằm trên mặt nước, nhưng thực tế lại là một thể địa lí ngầm ở gần đảo Borneo.

Năm 1936, đường chữ U xuất hiện. Đường này, được vẽ với 11 vạch, là cơ sở của đường mà Quốc Dân Đảng yêu sách. Năm 1953, để tỏ ra tốt bụng với người anh em cộng sản ở Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản mới ở Trung Quốc đã xóa bớt hai vạch trong Vịnh Bắc Bộ. Vì vậy, vào năm 2009, lần đầu tiên khi Trung Quốc nộp bản đồ chính thức cho Liên Hợp Quốc, đường đó là một "đường chín vạch". Năm ngoái, một vạch thứ mười đã được thêm vào để cho thấy rõ rằng Đài Loan nằm bên trong chữ U.

Bản đồ của tôi tốt hơn bản đồ của các anh

Nếu Trung Quốc phải chấp nhận cách giải thích của Mã Anh Cửu thì ít nhất họ cũng thêm chút rõ ràng vào các tranh chấp phức tạp đan lồng vào nhau. Tuy nhiên, dù nhiều học giả Trung Quốc có xu hướng đồng ý với ông, Trung Quốc dường như không vội vã chính thức tự nguyện. Ngay cả khi họ tự nguyện, một giải pháp cho các tranh chấp cũng sẽ không gần thêm chút nào. UNCLOS có thể phân xử về các vùng biển gắn với các mãnh đất, nhưng không về chủ quyền đối với chính các mãnh đất. Và các bản đồ của Trung Quốc không phải là những bản đồ duy nhất, và cũng không nhất thiết là đáng tin cậy nhất. Trong số những bản đồ được trưng bày tại Manila có một bản đồ cho thấy bãi cạn Scarborough, một mỏm đá trên thực tế bị Trung Quốc sáp nhập năm 2012, thuộc lãnh thổ của Philippines. Bản đồ này in năm 1636, có trước đường chín vạch những ba thế kỉ.

Economist.com/blogs/banyan (http://www.economist.com/blogs/banyan)

No comments:

Post a Comment