Pages

Tuesday, August 26, 2014

Đường chín vạch: ‘đã khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi'

Đường chín vạch: ‘đã khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi'

The Nine-Dashed Line: 'Engraved in Our Hearts'

The Diplomat (25/08/2014)
Zheng Wang

Yêu sách "chín đường vạch"của Trung Quốc (bao gồm James Shoal) đã được dạy trong các trường học Trung Quốc từ những năm 1940 như thế nào.


Bạn có nghe nói về bãi ngầm James Shoal (tiếng Trung là Tăng Mẫu Ám Sa) không? Bạn có biết nó ở đâu không? Bài viết cuối trên blog của tôi nói về khoảng cách nhận thức giữa Trung Quốc và các nướcláng giềng. Câu chuyện của bãi ngầm James là một ví dụ tốt về sự khác biệt to lớn trong nhận thức.

Đối với những ai tiếp nhận nền giáo dục ở Trung Quốc, Tăng Mẫu Ám Sa (bãi ngầm James) là một cái tên rất quen thuộc. Ví dụ, trong sách giáo khoa địa lí lớp 8 hiện tại do nhà xuất bản Giáo dục nhân dân in, có thể tìm thấy bản đồ Trung Quốc với đường chín vạch ở trang 4. Để dễ nhận diện, ban biên tập đã dùng một mũi tên trỏ vào bãi ngầm James. Ngoài ra, còn có một khung chú thích chỉ vào nó ghi: "Điểm cực nam của lãnh thổ nước ta là Tăng Mẫu Ám Sa ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa)." Học sinh được yêu cầu sử dụng thước để đo từ điểm cực bắc của Trung Quốc tới Tăng Mẫu Ám Sa rồi tính toán khoảng cách thực tế dựa theo tỉ lệ của bản đồ. Câu trả lời đúng là 5 5 000 km (3.417 dặm).

James Shoal textbook image
Hình bãi ngầm James trong sách giáo khoa
Bản đồ Trung Quốc từ sách giáo khoa địa lý lớp 8 của nhà xuất bản Giáo dục nhân dân. Khung ghi chú ở góc phải phía dưới trỏ vào Tăng Mẫu Ám Sa

Bãi ngầm James là một bãi nhỏ ở biển Đông, nằm dưới nước ở độ sâu 22 mét (72 feet). Nó cách bờ biển Malysia khoảng 80 km (50 dặm) và cách Trung Quốc khoảng 1 800 km. Cả CHNDTH lẫn THDQ (Đài Loan) đều chính thức tuyên bố bãi ngầm này là thể địa lí cực nam của nước Trung Hoa. Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền bãi ngầm này. Một bãi chìm dưới nước thì không có cách nào để dựng được bia chủ quyền. Tuy nhiên, ngày 20 tháng 4 năm2010, tàu hải giám 83 của Trung Quốc đã đến vùng biển xung quanh bãi ngầm này. Một số nhân viên trên tàu đã ném một tấm bia chủ quyền xuống nước. Bia là một tấm đá cẩm thạch lớn và nặng có khắc hai chữ 中国 (Trung Quốc). Một bản tin khác hồi năm 2013 kể câu chuyện về sĩ quan và lính hải quân Trung Quốc tham gia một buổi lễ tuyên thệ tại vùng biển cạnh Tăng Mẫu Ám Sa, hứa bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc.

Câu chuyện về Tăng Mẫu Ám Sa là "điểm cực nam" của Trung Quốc không phải là một tuyên truyền mới của ĐCSTQ. Bản đồ biển Đông chính thức đầu tiên của Trung Quốc với các đường đứt đoạn đã được THDQ của chính phủ Quốc Dân Đảng công bố vào năm 1948 (dù được vẽ vào năm 1947 sử dụng nội bộ). Cũng có các tài liệu cho rằng một bản đồ do nhà vẽ bản đồ Bai Meichu (Bạch Mi Sơ) vẽ ra năm 1936 sử dụng đường liền bao quanh quần đảo Hoàng Sa, bãi ngầm Macclesfield và quần đảo Trường Sa. Bản đồ năm 1936 này đánh dấu Tăng Mẫu Ám Sa thuộc quần đảo Trường Sa như ranh giới cực nam của Trung Quốc ở biển Đông. Từ thập niên1940, nhiều thế hệ dân Trung Quốc đã học theo sách giáo khoa địa lí của họ rằng Tăng Mẫu Ám Sa là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc. Các thế hệ học sinh Trung Quốc khác nhau cũng đã tiến hành cách thực hành tương tự trong các giờ học địa lí trung học: học sinh sử dụng thước để đo khoảng cách từ điểm cực bắc của Trung Quốc (Mohe [Mạc Hà], gần sông Amur, ở vĩ độ 53° 29'Bắc) tới Tăng Mẫu Ám Sa (ở vĩ độ 4° 15' Bắc) và sau đó cảm thấy rất tự hào về lãnh thổ rộng lớn của đất nước.

Trong một bài viết trên số tháng6 năm 2013 của tạp chí Địa lí Quốc gia Trung Quốc, Shan Zhiquang (Đan Chí Cường), tổng biên tập điều hành của tạp chí, viết như sau :

Đường chín vạch đã được sơn phết trong tim óc người Trung Quốc trong một thời gian dài. Đã 77 năm từ khi Bai Meichu đưa nó vào bản đồ năm 1936 của ông. Bây giờ nó đã khắc sâu trong tim óc người dân Trung Quốc. Tôi không tin rằng bất kì nhà lãnh đạo Trung Quốc nào sẽ loại bỏ các đường chín vạch khỏi người Trung Quốc. Tôi không tin rằng sẽ có có lúc mà Trung Quốc tồn tại không với đường chín vạch.

Trong thời gian nghỉ phép năm ngoái, tôi có giảng một khóa học tại một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc với tư cách giáo sư thỉnh giảng. Một lần tôi hỏi cả lớp liệu họ có đồng ý với phát biểu trên của Shan Zhiqiang không, hầu hết các sinh viên đều giơ tay lên.

Trong nhiều tranh chấp lãnh thổ, bản đồ đã được các bên tranh chấp sử dụng như là công cụ quan trọng để biện minh cho việc bảo vệ hoặc thu lại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Bản đồ cũng được sử dụng trong hệ thống giáo dục để hình thành khái niệm về biên giới quốc gia và chủ quyền ở thế hệ trẻ. Bản đồ và sách giáo khoa là một trong những bài giảng quan trọng nhất về bản sắc và thế giới quan đối với một nhà nước quốc gia, và Trung Quốc không phải đơn độc trong việc sử dụng chúng. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy rằng nhiều quốc gia có yêu sách ở biển Đông đã có chú tâm mới về giáo dục và chuyện kể với mục đích tăng cường nhận thức của người dân về yêu sách lãnh thổ của họ, bao gồm việc duyệt xét lại bản đồ và sách giáo khoa. Ví dụ, Philippines đã chính thức đổi tên vùng biển ở biển Đông ngoài khơi bờ biển phía tây của nước này là"biển Tây Philippines" vào tháng 9 năm 2012. Việt Nam cũng gọi Nam Hải là "biển Đông." Việc "giáo dục lòng yêu nước" và chuyện kể xã hội Việt Nam liên quan đến tranh chấp biển Đông trong một hoặc hai thập niên qua cũng đã đóng góp trực tiếp vào việc phát triển tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay. Các cuộc biểu tình và bạo loạn gần đây là một trong những hệ luỵ trực tiếp.

Nhận thức, chứ không phải bất cứ thứ gì khác, là điều nguy hiểm nhất ở biển Đông.

Wang Zheng là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu về Hòa bình và Xung đột tại Đại học Seton Hall và là thành viên toàn cầu tại Trung tâm Woodrow Wilson.

No comments:

Post a Comment