Biên giới trên biển giữa Campuchia và Việt Nam
Chủ tịch Uỷ ban Biên giới quốc
gia [Campuchia]
Bởi vì vấn
đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam một lần nữa được sử dụng như một lập luận
trong các tranh cãi về chính trị, ta có thể trở lại với vấn đề phân định ranh
giới biển rất nhạy cảm, rất dễ hiểu lầm này. Ở đây chỉ liên quan tới việc nhắc
lại các sự kiện chứ không cung cấp thông tin mới –mà không ai dám chắc nắm hết.
Biên giới đất liền chưa định rõ
Trước
khi người Pháp đến không có biên giới vẽ chính xác giữa Việt Nam và Campuchia.
Trong lịch sử qua nhiều thế kỉ, người Việt đã tiến dọc theo bờ biển Việt Nam về
phía nam, cuộc Nam Tiến nổi tiếng kéo dài từ thế kỉ thứ 10 đến thế kỉ 17, từng
bước thâm nhập và chiếm lấy miền trung Việt Nam hiện nay và vùng đồng bằng [Nam
bộ]. Người Việt định cư tại Sài Gòn vào nửa đầu thế kỉ 18, họ đến phía nam đồng
bằng Nam bộ nửa sau thế kỉ đó (S Sacy "L’Asie du Sud-Est" (Đông Nam Á) năm 1999 -cn 202 [Cambodge Nouveau 202]).
Một bằng chứng tốt về sự mơ hồ tồn tại trong lĩnh vực này: lá thư vua Ang Duong
gửi cho Napoleon III vào năm 1856 trước khi có được được bất kì thỏa thuận nào giữa
hai nước:
"Tôi thỉnh cầu hoàng thượng nhận biết tên của các
tỉnh bị cướp [bởi triều đình Huế], đó là những tỉnh Đồng Nai, bị lấy đi trong
hơn 200 năm, nhưng gần đây những tỉnh Sài Gòn, Long Hồ, Sa Đéc (Psar Dec: chợ sắt),
Mĩ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh (Pra Trapang Ong Mor: ao thiêng), Cà Mau (Tiec Khmau:
nước đen), Peem hoặc Hà Tiên, các đảo Phú Quốc (Cô Trol) và Côn Sơn (Tralach). [Nếu
nhỡ An Nam đến dâng tặng Hoàng thượng bất kì một chỗ nào trong những vùng
này, tôi mong mỏi Hoàng thượng đừng nhận nó, vì chúng thuộc về Campuchia]"
[được nêu bởi Alam Forest trong Le
Cambodge et la colonisation française (Campuchia và việc thực dân hoá của
Pháp)].
Do đó, việc
chiếm đóng đảo Koh Tral (Phú Quốc) và Koh Tralach (Poulo Condor : Côn Sơn)
không phải là một sự kiện gần đây, việcCampuchia “bỏ trống" trong những
năm 1700, như vua Ang Duong vào năm 1856, sau 148 năm, đã phàn nàn như một ‘việc
đã rồi’.
Việc người
Pháp trong những năm 1670 và 1890, đã xác nhận những mất mát này và vạch ranh
giới hành chính với cái giá người dân Campuchia phải trả đã bị người Khmer tố
cáo từ lâu.
Đáng để
ý là trong luận án “Les Frontières du Cambodge” (Biên giới Campuchia) của Sarin Chak có nêu: Phía đông tỉnh Stung Treng với
việc tạo ra tỉnh Đắc Lắc, khu vực nằm giữa Tây Ninh và huyện Prey Veng, hai tổng
Lộc Ninh và Phước Lễ, khu vực Hà Tiên ... mặc dù dân cư chủ yếu là người Khmer,
các khu vực này đã bị sáp nhập vào Nam Kì dưới áp lực của chính quyền Sài Gòn.
(bản đồ trên cn 119).
Alain
Forest (Campuchia và ciệc thực dân hoá của Pháp.
1930), Marie-Alexandrine Martin (Le Mal Cambodgien) và nhiều tác giả khác cũng có cùng ý kiến này.
Có thể
nói theo hướng ngược lại là nếu như người Pháp không vạch những biên giới này và
biên giới ở phía tây, với Thái Lan thì rốt cuộc Campuchia đã biến mất hoàn toàn.
Dù sao thì
các biên giới này cũng đã điều chỉnh cho đến năm 1942 với một trao đổi: đảo
Koki được giao cho Việt Nam, Campuchia nhận được bờ sông Bình Gi.
Trên thực
địa: 124 cột mốc đã được cắm trên biên giới Nam Kì vào thời thuộc địa từ năm
1876. Nhiều cột, được dựng bằng gỗ, đã biến mất nhưng vẫn còn các đế. Và 72 cột
mốc khác đã được đặt vào những năm 1980 sau khi có thỏa thuận giữa Campuchia và
Việt Nam, trên khoảng 207 km. Đối với toàn bộ phần phía bắc của biên giới hầu
như không có cột mốc, ngoại trừ một số "điểm mốc".
Đường vạch
này đã bị tranh cãi hàng ngàn lần. nhưng không có bạo lực, ngoại trừ vào thời kì
Khmer Đỏ. Một trong những nỗi ám ảnh của họ là phục hồi Kampuchea Krom (đồng bằng
Nam Bộ). Đã có rất nhiều cuộc xâm nhập của Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam và đáp
trả của Việt Nam kể từ năm 1975 (bản đồ trên cn 167).
Biên giới biển: chỉ qua một lá thư đơn giản
Không giống
như biên giới đất liền, biên giới trên biển chưa bao giờ được vạch ra.
Việc phân
giới thực hiện khó khăn do sự tồn tại của một số đảo có sở hữu không xác định,
và việc thiếu các phương pháp chính xác và khó tranh cãi về phân giới (mà đến
nay vẫn chưa có). Nếu cố tìm cách phân giới thì điều đó cũng chính là làm sống lại các
tranh cãi ồn ào giữa các nhà chức trách Campuchia và Nam Kì. Người ta có thể nói thêm
rằng phân định biên giới trên biển là chưa cấp thiết: ngư dân không có khái niệm
này, và người ta chưa nghĩ đến dầu hoả.
Tuy
nhiên, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié năm 1939 đã buộc phải đưa ra quyết định
có tính chất hành chính. Phải có một sự phân chia rõ ràng về quyền lực giữa cảnh
sát Nam Kì và Campuchia; biết cư dân các đảo phải nộp thuế ở nơi nào: Campuchia
hay Nam Kì.
Văn bản
của Toàn quyền Brévié (xem Phụ Lục) thú vị vì nhiều lí do:
- Nó
đánh dấu rất chính xác ranh giới hành chính. Đó là "đường Brévié" được
vẽ trên bản đồ thuỷ văn tỉ lệ 1:500 000 đính kèm chỉ thị của thống đốc mà ta
tiếp tục tham chiếu tới. Bản đồ này đặt Koh Tral (Phú Quốc) phía Việt Nam; đảo Poulo
Wai phía Campuchia. Không nói chút gì tới các đảo nằm xa ngoài khơi.
- Nó chỉ
định rất rõ ràng rằng đây là một ranh giới hành chính, và không phải là một
biên giới liên quan đến chủ quyền. Khôn khéo chừa lại câu hỏi này chưa quyết định.
- Vì từ
đó đến nay chưa bao giờ có được một thỏa thuận giữa Campuchia và Việt Nam về ranh
giới biển, người ta không có cách gì tốt hơn là tiếp tục sử dụng "đường
Brévié" (xem bản đồ). Đường này có công bằng không? Hay nó không công bằng?
Không có đường khác. Nó đã là một phần của lịch sử.
Ta có thể
quan sát thấy rằng về phần Campuchia và Việt Nam, có một cách đơn giản để dựa
vào là lấy "cái hiện có”. Như trường hợp ở những nơi khác, đặc biệt là ở
châu Phi, người ta đồng ý nguyên tắc uti possidefis
(chủ quyền như đang sở hữu trừ khi có thoả thuận khác qua hiệp ước-ND) về “tính
bất khả xâm phạm các biên giới thừa kế từ chế độ thực dân” (cn 119). Thách thức
nguyên tắc khôn ngoan này như Sarin Chak gơi ý rõ ràng sẽ gây ra xung đột vô tận.
Đường Brévié luôn bị thách thức
Tuy
nhiên, đường Brévié không làm vừa lòng tất cả mọi người. Vào tháng 8 năm 1966,
trong quá trình đàm phán về biên giới ở Phnom Penh. phía Việt Nam nhận ra rõ đường
này: tất cả mọi thứ về phía bắc đường đó là thuộc Campuchia. Nhưng sau đó họ thay
đổi lập trường: họ áp dụng giải pháp của Công ước của Liên hợp quốc năm 1982, vốn
có lợi hơn cho họ (chưa áp dụng cho đến lúc này). Campuchia vẫn bám vào đường
Brévié, đó vốn là chỗ dựa duy nhất về mặt lịch sử. Phía Campuchia nhận xét rằng
chính phía Việt Nam sẽ có lợi trong việc giữ đường này, nếu không thì tất cả
biên giới đất liền giữa hai nước sẽ bị suy yếu.
Năm 1972,
để đáp trả một đòi hỏi của Chính phủ Nam Việt Nam đã tuyên bố đẩy vùng biển Việt
Nam tới tận Kompong Som, nước Cộng hoà của Lon Nol đưa ra một tuyên bố đối lại
(xem bản đồ bên dưới). Khmer Đỏ, bị ám ảnh với việc chinh phục lại Kampuchea Krom, đã phát
động nhiều cuộc tấn công vào Koh Tral / Phú Quốc Koh Wai từ tháng 5 năm 1975.
Bản đồ vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia theo Hiệp định 7/7/1982
(đường Brévié 1939)
Từ đó các
chính phủ, cả hai bên, quay lại những yêu sách này một cách vô vọng. Chính phủ
Campuchia bám chặt vào đường Brévié, "phù
hợp với yêu sách mà Thái tử Sihanouk bày tỏ vào năm 1954," ông Var Kim
Hong nói với chúng tôi năm 1999 (cn 120).
Các đảo Campuchia bị bỏ trống?
Những kẻ
yêu nước cực đoan phẫn nộ về điều gì? "Qua
hiệp định này, Campuchia nhượng cho Việt Nam hai đảo Koh Tra (Phú Quốc) và Poulo
Panjang (Thổ Chu)" Sean Pengse viết ngày 22/01/20014. Chính việc lấy lại
yêu sách đưa ra thời Cộng hòa của Lon Nol năm 1972, mà ta đã thấy rằng nó tương
ứng với yêu sách đối lại, rất rộng lớn của Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1971, dẫn đến
bế tắc hoàn toàn.
Để hậu
thuẫn cho lập trường của mình, Sean Pengse dẫn một kret (sắc chỉ) của vua
Suramarit tháng 7 năm 1957, trong đó nêu, ở điều 62 "(...) đảo Kas Tral (Phú Quốc) mà Campuchia bảo lưu
việc duy trì quyền lịch sử của mình đối với nó." Câu chữ này là thú vị,
nhưng trong một cuộc đàm phán thì đó không phải là "bằng chứng" về chủ
quyền của Campuchia đối với Koh Tral / Phú Quốc.
Hơn nữa
Campuchia kể từ thời kì đó rõ ràng đã chọn cách tôn trọng đường Brévié, lập trường
này này do thái tử Shihanook khẳng định trong thập niên 60 và đó cũng là lập
trường của chính phủ hiện tại trong các cuộc đàm phán với Việt Nam.
Về biên
giới đất liền, không có gì mới, ông Var Kim Hong nói. Chỉ còn một điểm tranh chấp
quan trọng: một diện tích gần 50 km² nằm ở tỉnh Mondulkiri phía đông nam thị xã
Sen Monorom. Ở đó, các cuộc đàm phán cho đến nay không có tiến triển. Đối với
phần còn lại, đó là việc điều chỉnh thật chính xác giữa các cột mốc biên giới.
Nguồn: các bài báo trên tờ ‘Cambodge Nouveau’ (Campuchia mới-cn) nhất là số 119 và 120 (trao
đổi với Var Kim Hong), các sách của Alain Forest, MA Martin. Michel Blanchard ("Vietnam—Cambodge. une frontière contestée" [Việt
Nam-Campuchia. Biên giới Tranh chấp] 1999) và phỏng vấn mới với ông Var
Kim Hong 30.1.2004.
===================================================
Phụ Lục: Đường Brévié
Hà Nội ngày 31 tháng 1 năm 1939
Toàn
quyền Đông Dương
Gửi
Thống đốc Nam Kỳ tại Sài Gòn
Tôi hân hạnh thông báo cho ông biết rằng tôi vừa tiến
hành kiểm tra lại vấn đề các đảo trong vịnh Thái Lan mà tình trạng sở hữu đang có
tranh chấp giữa Campuchia và Nam Kì.
Tình hình chuỗi đảo này, nằm dọc theo khắp bờ biển
Campuchia và một số trong đó rất gần với bờ biển mà đất bồi trên thực tế tiếp tục
có vẻ sẽ gắn chúng với bờ biển của Campuchia trong tương lai không xa, đòi hỏi
về mặt hợp lí và về mặt địa lí cần phải cho các đảo nhỏ này được đưa vào quản
lí hành chính của quốc gia đó.
Tôi cho rằng không thể để tiếp tục lâu hơn nữa tình
trạng của những điều đang tồn tại vốn đòi hỏi những cư dân của những hòn đảo
này phải đối phó, hoặc bằng cách phải đi đường dài hơn hoặc bằng cách đi vòng xa
hơn trên lãnh thổ Campuchia, dưới sự quản lí của Nam Kì.
Vì vậy, tôi quyết định rằng tất cả các đảo phía Bắc
của đường thẳng vuông góc với bờ biển từ biên giới giữa Campuchia và Nam Kì và lập
một góc 140 grade (126°-ND) với hướng Bắc của kinh tuyến, theo như bản đồ đính
kèm, từ nay sẽ được Campuchia quản lí. Đặc biệt, chính quyền bảo hộ sẽ phụ
trách việc an ninh (cảnh sát) trên các đảo này.
Tất cả các đảo phía Nam đường này, bao gồm toàn bộ đảo
Phú Quốc tiếp tục do Nam Kì quản lí. Cần hiểu rằng đường phân ranh định như vậy
đi vòng qua phía bắc của đảo Phú Quốc, cách các điểm xa nhất của bờ biển phía bắc
đảo này 3 km.
Quyền lực về hành chính và cảnh sát trên các
đảo này như vậy sẽ được phân định rõ ràng giữa Nam Kì và Campuchia nhằm tránh mọi
tranh chấp trong tương lai.
Cần hiểu rằng đây là nói về quản lí hành chính và cảnh sát, còn vấn đề về sự phụ thuộc về mặt lãnh thổ các đảo này vẫn còn bảo
lưu.
Rất mong trong quyền hạn của mình ông cho quyết định
của tôi được áp dụng ngay.
Xin ông vui lòng xác nhận đã nhận được lá thư này.
(đã kí)
Brévié
------------------------------------
* Var Kim Hong đang bị phe đối lập và những người yêu nước quá khích Campuchia cáo buộc là phản quốc vì cho rằng đã nhượng đất đai của Campuchia khi kí kết các hiệp ước biên giới với Việt, Thái, Lào.
Xem thêm: Vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam
Xem thêm: Vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam
Chương trình tour Campuchia vietskytourism tết 2018 giá bao nhiêu vậy?
ReplyDelete