Pages

Wednesday, July 2, 2014

DI SẢN CỦA ĐƯỜNG 9 VẠCH: QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

DI SẢN CỦA ĐƯỜNG 9 VẠCH: QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

  
Tướng (nghỉ hưu) Daniel Schaeffer

Hầu như mọi người đều tin rằng đường 9 vạch đã được vẽ ra và chính thức xác lập vào năm 1947. Điều này không hoàn toàn chính xác, như Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh đã xuất sắc chứng minh điều này vào ngày 21 tháng 11 năm 2012, nhân dịp hội thảo quốc tế lần thứ 4 do Học viện ngoại giao và hội Luật sư VN tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dù thời điểm vẽ đó là lúc nào, thế giới cũng phải chờ cho đến tháng 5 năm 2009 khi Trung Quốc (TQ), qua một công hàm gửi cho Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc, chính thức tuyên bố yêu sách của mình trên gần như toàn bộ biển Đông theo đường 9 vạch, tức là 27 năm sau khi thông qua Công ước vịnh Montego. Điều đó có nghĩa rằng đường 9 vạch chỉ có thể lâu tới vậy, nó là bất hợp pháp theo công ước biển quốc tế, và chính sự tồn tại của nó ngăn chặn bất kì nổ lực nào tìm cách giải quyết vấn đề về các yêu sách lãnh thổ. Chỉ khi nào đường 9 vạch được bỏ đi thì các cuộc thảo luận về yêu sách lãnh thổ mới có thể bắt đầu. TQ muốn đảm bảo nền an ninh chiến lược của mình do cảm thấy phải đối mặt với mối đe dọa từ phía Mĩ là điều chúng ta có thể hiểu được. Nhưng để làm như vậy TQ phải khai thác những phương tiện và những cách khác hơn là cố biến biển Đông có tính quốc tế thành một biển của riêng TQ.

Câu chuyện về đường 9 vạch
Nhắc lại những gì tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh đã vạch ra ngày 21 tháng 11 năm 2012, có vẻ là bản đồ đường 9 vạch đầu tiên không phải có từ năm 1947 mà từ tháng 12 năm 1914 và tác giả của bản đồ đó là Hu Jinjie (胡晋接-Hồ Tấn Tiếp), một chuyên gia về bản đồ của TQ. Nhưng nhà vẽ bản đồ này dường như đã không đưa ra bất kì tuyên bố cụ thể nào về ý nghĩa của đường 9 vạch là gì vào thời điểm đó. Và khi đường này xuất hiện lần đầu, hình như là người Pháp, vốn đảm nhiệm việc bảo hộ đế quốc An Nam, trên đất liền cũng như trên biển, do đó cả trên quần đảo Hoàng Sa, bắt đầu từ thời điểm 25/8/1883 và ngày 06/6/1888 khi kí kết Hiệp ước Huế, đã không chú ý hoặc ghi nhận về ấn phẩm này, hoặc đã không phản đối hay không đưa ra bất kì bình luận nào về nó. Chỉ những hồ sơ lưu trữ chưa tìm thấy, nếu có, mới có thể nói lên một điều gì đó về điều đó.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh nói tiếp rằng "tất cả các bản đồ của TQ công bố trong khoảng thời gian từ năm 1920 tới 1930 đều dựa trên bản đồ của Hu Jinjie" và rằng "một đường tương tự trước đó đã xuất hiện trong ấn bản tập bản đồ xây dựng TQ mới ( - Zhongguo Jianshe xin ditu - Trung Hoa kiến thiết tân địa đồ) vào giữa thập niên 1930". Tại thời điểm đó không một ấn bản nào trong số đó có bất kì tính cách chính thức thật sự nào bởi vì chúng không được kèm theo bằng bất kì tài liệu tuyên bố chủ quyền của TQ đối với khu vực bao bọc trong đường 9 vạch.
Liên quan đến quần đảo Trường Sa, cũng có vẻ rằng, khi người Pháp chính thức chiếm hữu chúng vào năm 1930, với tất cả các nghi thức có hiệu lực tại thời điểm đó, và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này vào năm 1933, họ đã không xét tới sự tồn tại của đường 9 vạch. Cũng có vẻ là không bất kì nước nào lên tiếng về việc xác lập chủ quyền đó, đặc biệt là TQ, cũng như Philippines vốn chịu sự cai trị của Hoa Kì. Nhiều nghiên cứu vẫn còn phải được thực hiện về điều này.
Sau đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh nói, đường 9 vạch chính thức đầu tiên đã được “Bai Meichu (白眉初- Bạch Mi Sơ), một quan chức của THDQ vẽ vào tháng 12 năm 1947”. Vào thời điểm đó Sở địa lí của Bộ Nội chính TQ công bố “ ‘bản đồ vị trí các đảo trong Nam Hải’ (南海诸岛位置图 - Nanhai zhudao weizhi tu-Nam Hải chư đảo vị trí đồ) với mục đích xác định phạm vi vùng biển thuộc TQ trong biển Đông. Trong bản đồ này, Pratas,  quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield và quần đảo Trường Sa được chỉ ra như là một phần của TQ với việc sử dụng đường 11 đoạn.”
Tới đây chúng ta phải nhấn mạnh các sự kiện sau đây:
1. Vào năm 1947, TQ vẫn do chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch thống trị ngay cả khi ngày càng mất nhiều đất trên lục địa vào tay những người cộng sản.
2. Việc Nhật Bản chiếm đóng châu Á đã kết thúc sau khi bị thua trận vào năm 1945. Và ngày 08 tháng 9 năm 1951 Nhật Bản kí hiệp ước hòa bình San Francisco với Hoa Kì và các cường quốc Đồng minh, theo Điều 23 của Hiệp ước gồm : “Úc, Canada, Tích Lan, Pháp, Indonesia, Vương quốc Hà Lan, New Zealand, Pakistan, Cộng hoà Philippines, Vương quốc Anh và Bắc Ireland”. Theo các khoản của Điều 2b của hiệp ước này, Nhật Bản phải “từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với Formosa (Đài Loan) và Bành Hồ” và theo Điều 2f “từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa”.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải chú ý đến thực tế là:
- Hiệp ước San Francisco không lập lại [đầy đủ] các từ ngữ có trong Điều 2 của Hiệp định Shimonoseki (ngày 17 tháng 4 năm 1895), theo Hiệp định này TQ phải nhường lại "cho Nhật Bản vĩnh viễn và đầy đủ chủ quyền các vùng lãnh thổ sau đây, cùng với tất cả các pháo đài, kho vũ khí, và tài sản công cộng trên đó:
- (b) Đảo Formosa, cùng với tất cả các đảo phụ cận hay thuộcvề đảo Formosa.
- (c) Nhóm đảo Bành Hồ, nghĩa là tất cả các đảo nằmgiữa kinh tuyến thứ 119 và 120 đông và giữa vĩ tuyến thứ 23 và 24 bắc."
Hiệp ước San Francisco không nêu chính xác việc từ bỏ ‘tất cả quyền, danh nghĩa và yêu sách” đối với các đảo khác nhau được nêu ra là như thế nào, và các đảo này phải được giao lại cho ai, do đó có chứa một sự mơ hồ rất nguy hiểm cho tương lai. Nhưng vào thời điểm kí kết, kể từ năm 1949 Trung Hoa đã tách thành hai thực thể: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Vì vậy, ngay cả khi không ai trong số hai phía Trung Hoa là một bên kí kết hiệp ước bởi vì lực lượng Đồng Minh không biết phải mời Trung Hoa nào đến đàm phán và kí tên[i], hiển nhiên rằng Điều 2b đã được áp dụng cho Đài Loan, ít nhất là cho đến khi hai phía thống nhất lại, nếu xảy ra. Và liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, hiển nhiên rằng quần đảo Hoàng Sa phải trở về trong vòng tay của Pháp vốn vẫn là nước bảo hộ của An Nam từ khi có hiệp ước Huế và quần đảo Trường Sa phải được giao lại cho thuộc địa của Pháp là Nam Kì, vốn đã quản lí các quần đảo này cho đến khi Nhật Bản "đảo chánh" thực dân Pháp vào năm 1945.
3. Trong năm 1947, rồi bốn năm trước Hiệp ước San Francisco, người Pháp bận tâm với việc dánh nhau với Việt Minh hơn là chú ý nhiều đến quần đảo Hoàng Sa. Đó là lí do, như Stein Tonnesson, người đã có cơ hội để nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Pháp, đã chứng minh trong một bài viết mang tên “The Paracels, the ‘other’ South China Sea dispute (Quần đảo Hoàng Sa, tranh chấp biển Đông ‘khác’)”[ii], rằng Pháp đã không thực sự phản ứng khi TQ tự đóng quân trên đảo Phú Lâm vào năm 1947. Đây cũng là lí do tại sao họ dường như không có phản ứng khi cùng năm đó TQ chiếm đóng đảo Itu Aba trong quần đảo Trường Sa.
4. Vào năm 1947 chưa có lấy một hiệp ước hoặc công ước đơn lẻ nào để phân định lãnh hải của một quốc gia và của các đảo thuộc với nó. Trong giai đoạn đó, giới hạn của lãnh hải, theo thông lệ, được đặt cách bờ biển ba hải lí.
Như tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh lưu ý, một số bản đồ chính thức khác được in sau đó với đường nhiều vạch. Như bà nói: "Vào tháng 1 năm 1948, Bộ Nội chính THDQ đã chính thức công bố một bản đồ tên là Nam Hải chư đảo vị trí đồ (Bản đồ vị trí các đảo ở NamHải). Vào tháng 2 năm 1948, Sở địa lí của Bộ Nội chính công bố bản đồ các khu vực hành chính THDQ ( - Zhonghua minguo xingzheng quyu tu - Trung hoa dân quốc hành chánh khu vực đồ) do Fu Jiaojin (傅角今-Phó Giác Kim) chủ biên và được Wang Xiguang (王锡光-Vương Tích Quang) cùng những người khác biên soạn. Đây là lần đầu tiên một bản đồ đánh dấu bằng đường nhiều vạch ở biển Đông được chính thức công bố. Các bản đồ khác của TQ được công bố sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949 vẫn giữ đường 11 vạch. Hai vạch trong Vịnh Bắc Bộ sau đó đã được bỏ đi. Bản đồ xuất bản vào năm 1953 bắt đầu bao hàm đường 9 vạch ở biển Đông.”
Nhưng có điều là ngay cả khi bản đồ được in trên các ấn phẩm chính thức, chúng không có tác dụng khác hơn là các ấn phẩm thông tin vì không đi kèm với bất kì loại tài liệu chính thức tuyên bố rằng chúng biểu thị cho các vùng biển thuộc chủ quyền do TQ tuyên bố hoặc theo quyền chủ quyền do TQ tuyên bố. Thế giới đã phải chờ cho đến ngày 09 tháng 5 năm 2009 khi TQ đưa ra công hàm số CML/ 17/2009 gửi Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực bao phủ bên trong đường 9 vạch. Bản đồ này mới thật là tài liệu đầu tiên chính thức thật sự nói lên yêu sách của TQ. Do đó, có vẻ hiển nhiên rằng vấn đề về các quyền mà TQ yêu sách trên biển Đông không thể phân xử cách nào khác hơn dùng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà TQ đã kí ngày 10 tháng 12 năm 1982 và phê duyệt ngày 07 tháng 6 năm 1996.
Ở đây chúng ta phải nhớ rằng phản ứng của TQ bắt nguồn sau khi hai sáng kiến của Malaysia và Việt Nam đưa ra nhằm lợi dụng các khả năng do việc áp dụng UNCLOS mang lại, như đã được quốc tế họp bàn.
- Sáng kiến đầu tiên là việc Malaysia và Việt Nam nộp yêu sách chung về thềm lục địa mở rộng ở phần phía Nam của biển Đông cho Liên Hợp Quốc vào ngày 06 tháng năm 2009,
- Sáng kiến thứ hai là việc Việt Nam nộp yêu sách thềm lục địa mở rộng của mình trong khu vực ngoài khơi thành phố Đà Nẵng và ở phía Nam của quần đảo Hoàng Sa trong cùng ngày.

Việc củng cố yêu sách của TQ theo đường 9 vạch
Nhưng trước khi gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc, TQ đã tiến hành các hoạt động mạnh mẽ gây sức ép khắp cả biển Đông để đường 9 vạch được thừa nhận là đường phân định chính thức cho các quyền của TQ trong khu vực. Và Bắc Kinh tiếp tục sau đó. Chúng tôi có thể liệt kê tất cả những hành động này như sau, biết rằng danh sách này không đi vào xem xét tất cả các hành vi khác đã được TQ thực hiện để cố gắng chứng minh chủ quyền trên khắp cả khu vực như là các vụ xung đột với Philippines đối với bãi Scarborough (Hoàng Nham), và ở quần đảo Trường Sa đối với rạn san hô Iroquois (bãi Amy Douglas), rạn san hô Boxall và gần đây hơn là bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) cũng như ý định mới đây của TQ xây đảo nhân tạo trên đá Gạc Ma (Johnson South Reef) ở quần đảo này:
- Chống lại các quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình (EEZ):
  • Từ năm 2006 đến năm 2007, TQ quấy rối 14 công ti nước ngoài của Anh, Mĩ, Nga, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cố buộc họ phải bỏ liên doanh đã hợp đồng với PetroVietnam. Trong một số trường hợp chiến thuật này đã có hiệu quả như là trường hợp BP và ConocoPhilips vào mùa xuân năm 2007.
  • Năm 2006 và 2011 công ti Ấn Độ ONGC bị quấy rối tương tự.
  • Ngày 26 tháng 5 năm 2011, ngày 9 tháng 6 năm 2011, ngày 30 tháng 11 năm 2012, tàu tuần tra trên biển của TQ đã thực hiện thủ đoạn nguy hiểm đối với tàu nghiên cứu địa chấn Việt Nam cố tình cắt cáp thăm dò địa chấn của họ.
  • Ngày 23 tháng 6 năm 2012, Công ti Quốc gia dầu ngoài khơi TQ (CNOOC) đã tiến hành việc gọi đấu thầu quốc tế hoạt động trên 9 lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam, chỉ ngay trên cạnh phía Đông của vạch đường 9 vạch nhưng ngay trong EEZ của Việt Nam.
  • Đầu tháng 5 năm 2014, CNOOC đã đặt siêu giàn khoan dầu HD-981 (Hải Dương Thạch du 981) trong EEZ của Việt Nam, trên lô 143, viện cớ rằng vị trí đó nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa.
- Chống lại các quyền của Philippines trong EEZ của họ: từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 4 năm 2012, TQ không thường xuyên nhưng trong một số dịp đã thực thi việc gây sức ép đối với Công ti Dầu khí Quốc gia Philippines (PNOC) để công ti này từ bỏ liên doanh đã hợp đồng với các công ti nước ngoài trong việc khám phá trữ lượng hydrocarbon trong EEZ của Philippines, đặc biệt là trong khu vực bãi Cỏ Rong (Reed Bank ) thuộc thềm lục địa Philippines và không thuộc quần đảo Trường Sa.
- Chống lại các quyền của Malaysia trong EEZ của họ:
  • Ngày 20 tháng 4 năm 2010 TQ đã đặt, ở độ sâu hai mươi hai mét, một dấu mốc chủ quyền trên bãi James vốn là bãi ngầm không phải là một thể địa lí mới nổi, vì vậy bãi này nằm trong thềm lục địa của Malaysia.
  • Ngày 19 tháng 8 năm 2012, tàu tuần tra TQ quấy rối một tàu khảo sát địa chấn của Shell Sarawak ở lô SR 318, trong khu vực bãi Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak của Malaysia; bãi Luconia là một bãi ngầm và do đó là một phần của thềm lục địa của Malaysia, như bãi ngầm James.
  • Tháng 3 năm 2013 và tháng 1 năm 2014, Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân tiến hành tập trận hải quân trong khu vực bãi ngầm James.
-          Chống lại các quyền của tất cả các nước Đông Nam Á tiếp giáp với Biển Đông:
  • Tính đến 1 tháng 1 năm 2014, TQ đã thực hiện các biện pháp mới để kiểm tra các hoạt động đánh bắt cá không phải của người Hoa trong một đa giác gần trùng khớp với yêu sách theo đường 9 đoạn. Điều này thay thế lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương có hiệu lực ở phía Bắc vĩ tuyến thứ 12.
  • Ngày 19 tháng 11 năm 2007, thành lập huyện Tam Sa trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Xisha Qundao), quần đảo Trường Sa (Nansha qundao) và quần đảo Trung Sa (một quần đảo tưởng tượng bao gồm bãi ngầm Macclesfield, bãi ngầm Truro và rạn san hô Scarborough), và các khu vực biển mà các quần đảo này giả định có thể tạo ra xung quanh. Tiếp theo một biểu thị như vậy, TQ thoải mái chứng minh rằng đường 9 đoạn là đường phân cách một cách công bằng lãnh thổ biển của TQ với các vùng lãnh thổ biển của các quốc gia ven biển khác, như Xu Sen'an, một nhà nghiên cứu cấp cao Cục quản lí Hải dương Nhà nước TQ, giải thích vào năm 2000. Khi đó ông chỉ ra rằng trên bản đồ đầu tiên do Sở Địa lí Bộ nội chính TQ vẽ vào năm 1947 (?), “đường biên giới quốc gia chấm chấm đã được vẽ như là đường trung tuyến giữa TQ và các nước lân cận”[iii]. Sau đó, ngày 21tháng 6 năm 2012, huyện này đã được nâng cấp lên thành phố cũng với tên là Tam Sa đóng trên đảo Woody, đảo chính của quần đảo Hoàng Sa. Cần phải nhấn mạnh ở đây một điểm có tầm quan trọng cao nhất: Tam Sa là một phân khu của tỉnh Hải Nam.
- Chống lại các quyền của tất cả người sử dụng biển Đông bên ngoài:
  • Ngày 29 Tháng 11 năm 2012, TQ tuyên bố rằng, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2013, các cuộc tuần tra biển của họ có trách nhiệm kiểm tra bất kì tàu nước ngoài đi vào lãnh hải của tỉnh Hải Nam bất hợp pháp. Vì Tam Sa là một phân khu của tỉnh Hải Nam, việc kiểm tra có thể xảy ra không chỉ xung quanh đảo Hải Nam, mà còn trong toàn bộ khu vực bao phủ bên trong đường 9 đoạn
  • Đó là những gì các tàu cảnh sát biển TQ đã bắt đầu "thực hiện tất cả suốt năm 2012, thậm chí nếu điều này đã được thực hiện ranh mảnh bằng cách hỏi nhẹ nhàng chỉ huy các tàu mà họ xáp tới gần một số câu hỏi ôn hòa. Loại hình hoạt động này đã được tạm dừng vào năm 2013 nhưng kể từ đó TQ có sự hiện diện hải quân rất mạnh mẽ khắp cả "lưỡi bò".
  • Ngày 11 tháng 1 năm 2013, hảng in Sinomap xuất bản một bản đồ mới của biển Đông, trên đó các đường 9 vạch cũ được vẽ với một vạch thứ mười. Đường mới này được cho biết là biểu thị cho "biên giới quốc gia" của TQ, đó là điều được xác nhận trong công hàm mật mà Philippines chuyển tiếp đến đại sứ TQ ở Manila vào ngày 7 tháng 6 cùng năm, để phản đối leo thang mới này trong tuyên bố của Bắc Kinh.
  • Vì TQ không thừa nhận quyền qua lại vô hại trừ khi được cho phép băng qua lãnh hải của họ theo yêu cầu trước đó, tự do hàng hải ở biển Đông có khả năng bị đe dọa vì tất cả những đạo luật TQ vừa nêu ở trên.
  • Cho thời điểm này là, TQ vẫn chưa tạo ra khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) như đã làm trên biển Hoa Đông nhưng các nước láng giềng và Hoa Kì nghi ngờ Bắc Kinh đang cố để làm như vậy vào một thời điểm mà không ai nghi ngờ họ sẽ làm điều đó. Trong những điều kiện này thì chính sự tự do đi lại trên vùng trời quốc tế sẽ bị đe dọa.

Ảo tưởng về hiệu quả của một Bộ Quy tắc ứng xử tương lai
Như là kết quả của tất cả điều trên, có vẻ rõ ràng rằng gần như mọi vấn đề đến từ thực tế là khắp cả biển Đông đường 9 vạch chồng lấn hoàn toàn hoặc một phần lên EEZ của các quốc gia ven biển Đông Nam Á. Đó là lí do tại sao những nỗ lực do các nước ASEAN cố để đạt được một thỏa thuận với TQ trong việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông để thay thế Tuyên bố ứng xử không hiệu quả (DOC) kí ngày 04 tháng 11 năm 2002 là vô ích, ảo tưởng. Tự nó, DOC cần phải đủ để làm cho tất cả mọi người hành động lặng lẽ ở Biển Đông, tất cả mọi người cần phải thực sự tôn trọng các nguyên tắc trong văn bản.
  • Nhưng cơ sở của vấn đề là khi Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam hoạt động trong EEZ của mình thì họ cũng đang hành động trong những khu vực nằm trong đường 9 vạch. Do đó, ngay cả khi họ đang hoạt động theo quyền lợi chính đáng của mình, các quốc gia này trong điều kiện đó vẫn bị TQ coi là vi phạm quyền của TQ, do đó tạo ra căng thẳng ở biển Đông và làm trầm trọng thêm tình hình ở đó. Do đó, trong con mắt của TQ, họ là những nước vi phạm các nguyên tắc ghi trong DOC, chứ không phải TQ. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi các bên thành công trong việc đạt được một COC thì vẫn sẽ không có gì thay đổi chừng nào mà đường 9 vạch vẫn còn tồn tại. Ngược lại, nó sẽ mở ra cho TQ nhiều khả năng để gây sức ép lên các quốc gia khác, để khẳng định quyền bất hợp pháp mạnh mẽ hơn nữa trên khu vực và để tiến hành các hoạt động cảnh sát biển quyết đoán hơn ở đó.
  • Dễ nhận thấy rằng TQ dường như miễn cưỡng đi đến một COC với các nước ASEAN. Một số nhà nghiên cứu nói rằng TQ không thực sự muốn COC ra đời[iv] vì họ tạo ấn tượng đang kéo lê việc thảo luận về một COC tương lai. Điều đó không đúng sự thật. TQ chỉ giả vờ không muốn. Đây chỉ là một tư thế chiến thuật, nghi binh, bởi vì TQ thực sự biết rõ các lợi thế họ có thể rút ra từ COC chống lại các nước khác là gì, chừng nào mà đường 9 đoạn còn tồn tại và được TQ diễn giải theo điều kiện hiện nay. Một COC sẽ cung cấp cho TQ thêm sức mạnh để áp đặt sự thống trị của mình lên tất cả những người sử dụng biển Đông khác.
  • Do đó, một COC thực sự áp dụng được một cách bình đẳng cho tất cả các bên chỉ khi nào đường 9 vạch biến mất, bị xóa, loại bỏ. Tất nhiên, điều đó sẽ khó có thể đạt được. Bởi vì TQ hoàn toàn không sẵn sàng từ bỏ nó bởi vì, trái với những gì cả thế giới tin rằng, "lí do sâu xa nhất của sự bướng bỉnh đó của TQ là để biến gần như toàn bộ biển Đông thành một tài sản của TQ không dựa trên lợi ích kinh tế nhưng trên lợi ích chiến lược, như tôi đã chứng minh điều đó nhiều lần.
Đường 9 vạch như một sự đảm bảo cho các lợi ích chiến lược của TQ
Thật ra, do biển Đông là một biển nửa kín, khi TQ muốn tàu của mình vượt sang Thái Bình Dương thì chúng bắt buộc phải vượt qua eo biển Bashi, do đó nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan và Philippines, và do đó nằm dưới sự kiểm soát gián tiếp của Hoa Kì. Vấn đề còn co ép hơn nhiều đối với TQ là tàu ngầm chiến lược của họ, SSBN, của lớp Jin (Tấn) cho thời điểm này, có trụ sở tại vịnh Yalong (Á Long), ở phía Đông Nam đảo Hải Nam, muốn an toàn đi tới cho các khu vực tuần tra, hoặc ở những vùng nước sâu của biển Đông, hoặc ở những vùng nước sâu của Thái Bình Dương. Thật ra, do tàu ngầm lớp Jin vẫn còn hơi ồn ào nên khá dễ dàng bị phát hiện và theo dõi. Chính vì điểm yếu này mà TQ mơ biển Đông sạch bóng dáng bất kì sự hiện diện nào của hải quân nước ngoài, đặc biệt là của Mĩ. Chính vì điểm yếu này mà TQ muốn biến biển Đông thành một biển cấm, hoặc một "pháo đài" như Liên Xô đã từng làm điều đó trong vùng biển Barents và Okhotsk thời gian chiến tranh lạnh lần một, hoặc áp dụng chủ thuyết Monroe vào khu vực này như một số nhà nghiên cứu Anglo-saxon đã chứng minh điều đó.
Đây là lí do chính vì sao TQ lại rất cứng rắn trong việc duy trì cái gọi là quyền lợi của mình theo đường 9 đoạn. Nếu như chúng ta có thể hiểu được việc TQ có thể lo lắng trước mối đe doạ giả định từ phía Mĩ, đặc biệt là qua việc họ có khả năng áp dụng khái niệm không-hải chiến, tuy nhiên TQ không có quyền cố quốc hữu hóa một biển quốc tế vì lợi ích chiến lược của mình. TQ phải tìm các cách và phương tiện khác để tổ chức phòng thủ mà không tướt đi quyền khai thác EEZ hợp pháp của những người sử dụng khác, cũng như không đe dọa ngăn cấm những người sử dụng quốc tế khác đi lại tự do trên biển đó. Những người sử dụng quốc tế này hiện nay không thể thỏa mãn với một số lời hứa hẹn đẹp đẽ theo đó TQ sẽ không bao giờ đụng tới sự tự do đi lại của các tàu thuyền thương mại qua biển này. Các người đi biển quốc tế phải được hưởng sự bảo đảm không thể tranh cãi rằng quyền tự do đi lại sẽ không bao giờ bị đặt thành vấn đề, hạn chế, cản trở. Nguy cơ sẽ trở thành thực tế hơn nếu như một ngày nào đó TQ cuối cùng đã thành công trong việc thiết lập sự thống trị đầy đủ của mình trong khu vực. Và chúng ta không quá cách xa thời điểm đó vì TQ đã bắt đầu tuần tra khắp cả “lưỡi bò"với các phương tiện cảnh sát biển của họ.
Thật ra, bởi vì nếu khi nào biển Đông chắc chắn trở thành một lãnh hải của TQ, như đường 10 vạch được Sinomap xuất bản vào ngày 11 tháng 1 năm 2013 có xu hướng chuẩn bị thế giới về việc đó, bởi vì TQ công nhận quyền đi qua không gây hại chỉ sau khi bất kì tàu thuyền nào muốn đi qua vùng lãnh hải của TQ phải được phép của TQ trước mới được đi qua, trong những điều kiện này nguy cơ thực sự là TQ có thể thực hiện quyền kiểm soát hoàn toàn tùy ý đối với việc đi lại quốc tế trên biển này. Cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận một viễn cảnh như vậy. Cộng đồng quốc tế phải nhắc nhở TQ rằng biển Đông là một biển quốc tế và rằng TQ phải tuân thủ Điều 89 của UNCLOS, theo đó “Không một quốc gia nào có thể có cơ sở tự ý đưa bất kì phần nào của các vùng biển quốc tế vào chủ quyền của mình.”

Kết luận
Do đó, không phải chỉ một mình Philippines có trách nhiệm đặt câu hỏi về sự tồn tại của đường 9 vạch như họ đã bắt đầu làm điều đó từ ngày 26 tháng 1 năm 2013 qua việc can đảm đưa vụ này ra quốc tế Tòa án Luật Biển (ITLOS), không phải ASEAN như một toàn thể và đơn độc có trách nhiệm chính thức đặt câu hỏi về sự tồn tại của đường 9 vạch, đòi xóa bỏ nó, mà đó là trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế. Vấn đề hiện nay là làm sao để kết hợp nhau một loại đồng thuận ở cấp quốc tế nhắm tới việc tổ chức một đòi hỏi mạnh mẽ để TQ dứt khoát từ bỏ đường 9 vạch hay để thuyết phục TQ tự làm điều đó thông qua việc lựa chọn trong số các giải pháp khác nhau có trong tay mình mà không sợ bị mất mặt. Quả thực có một số khả năng. /.



[i] Lưu ý rằng vào năm 1952, dưới sức ép của Hoa Kì, Đài Loan đã kí với Nhật một Hiệp ước Hoà bình riêng, Hiệp ước Đài Bắc (the Treaty of Taipei).
[ii] Asian Perspective, Vol.6, N°4, 2002, pp. 145-169
[iii] Xu Sen'an, "Nanhai duanku guojiexian de neihan" [ý nghĩa của đường 9-đoạn trên bản đồ biển Đông của Trung Quốc], trong "21 Shiji de Nam Hải: wenti yu qianzhan" yantaohui lunwen xuan [Chọn lọc bài viết của Hội thảo "Biển Đông trong thế kỷ 21:. vấn đề và triển vọng "], ed trung tâm nghiên cứu Biển Đông Zhong Tianxiang O-Iainan, 2000), 80 trích lời Li Jinmin, Li Dexia, op. cit. Được tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh trích dẫn ngày 21 tháng 11 năm 2012.
[iv] Shannon Tiezzi, "Why China Isn’t Interested in a South China Sea of Conduct (Tại sao Trung Quốc không quan tâm đến một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông)", The Diplomat, February 26,2014.

=============================================
Bài viết về ĐLB 2 năm trước: http://songphan.blogspot.com.au/2012/07/uong-luoi-bo-la-co-so-cho-yeu-sach-chu.html (đăng trước bài của TS Nguyễn Thị Lan Anh mấy tháng)

No comments:

Post a Comment