Pages

Thursday, June 12, 2014

“CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG”: Góp ý về việc giải thích

“CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG”: Góp ý về việc giải thích

Cao Huy Thuần
12-06-2014
Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Ngoại trưởng Chu Ân Lai ngày 14-9-1958 tạo lý lẽ pháp lý cho phía Trung Quốc để quả quyết rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên Hoàng Sa và Trường Sa. Lý lẽ pháp lý căn bản để Việt Nam bác bỏ luận điệu của Trung Quốc là : nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có tư cách pháp lý để nhường cho Trung Quốc một quyền mà mình không có ở thời điểm 1958. Ở thời điểm ấy, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục lịch sử chiếm giữ từ bao đời và hành xử chủ quyền toàn vẹn trên hai đảo ấy. Lý lẽ rất xác đáng này, nhiều người đã nói rồi, tôi không nhắc lại ở đây nữa. Ở đây, tôi chỉ góp thêm chút ít ý về những vấn đề phụ, để bổ túc cho lý lẽ chính vừa nói ở trên.
Trước khi đi vào những chi tiết lịch sử và những lập luận pháp lý rườm rà, tôi bắt buộc phải làm cái chuyện rườm rà đầu tiên là đăng lại nguyên văn bức thư mà ngày nay người ta thường gọi là « công hàm Phạm Văn Đồng ». Bức thư rất đơn giản, nhưng chính vì đơn giản mà phải giải thích, hơn thua nhau trong vụ kiện là tùy thuộc lớn vào việc giải thích này. Tôi không dám làm công việc rất khó khăn này của luật sư chuyên nghiệp, đòi hỏi một kiến thức về học thuyết và án lệ quốc tế thấu đáo hơn, cập nhật hơn, chỉ xin nhắc lại là cốt góp thêm chút ý mà thôi. Góp thêm chút ý mà cũng đã khó khăn rồi, vì phía Trung Quốc còn đưa ra thêm nhiều bằng chứng khác, nào bản đồ của Bộ Quốc Phòng, của Phủ Thủ Tướng, nào báo Nhân Dân, nào sách giáo khoa, để làm vững chắc hơn nữa lý luận của họ. Mong rằng chính quyền Việt Nam thu thập được thêm bằng chứng để phản bác. Chỉ có chính quyền mới làm được việc này thôi. Không có trong tay những bằng chứng khác, lý luận duy nhất trên một « công hàm » là không đủ tý nào. Nhưng biết làm sao !
Đây là nguyên văn bức thư, và vấn đề pháp lý đặt ra là giải thích bức thư :
« Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ :
Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung-Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.
   Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958 »
I. Theo ngôn ngữ của luật quốc tế, bức thư đó được gọi là một « hành vi đơn phương », tiếng Pháp là một « acte unilatéral ». Vấn đề pháp lý tổng quát đầu tiên đặt ra là : một hành vi đơn phương có giá trị pháp lý quốc tế không ? Có tính cách ràng buộc không ? Có phải là một nguồn gốc của luật quốc tế không ?
Điều 38 của Quy chế Tòa Án Tài phán quốc tế ghi rõ ba nguồn gốc : hiệp ước quốc tế, tập tục quốc tế, và những nguyên tắc luật pháp tổng quát được các nước văn minh chấp nhận. Ngoài ba nguồn gốc chính ấy, còn có thêm một nguồn gốc bổ túc thứ tư : các quyết định tài phán và học thuyết của các luật gia được công nhận là có thẩm quyền. Vậy, những « hành vi đơn phương » thì sao ? Điều 38 không nói, nhưng trong thực tế của đời sống quốc tế, các hành vi này càng ngày càng nhiều, càng đa dạng, cho nên rốt cuộc, án lệ cũng như học thuyết đều công nhận giá trị pháp lý. Trong 5 loại « hành vi đơn phương » được liệt kê, lời hứa là loại liên quan đến vấn đề đặt ra ở đây. Lời hứa là một cam kết đơn phương có hiệu lực ràng buộc tác giả của nó. Như vậy, đứng trên mặt lý thuyết tổng quát, phía Trung Quốc có lý do để buộc ta phải công nhận tính cách ràng buộc của « công hàm Phạm Văn Đồng ». Ta phản ứng thế nào ?
Trước hết, học thuyết buộc phải hiểu chữ « lời hứa » một cách hạn chế, phải siết chặt từ ấy một cách chính xác 1. Nghĩa là : phải định nghĩa chính xác thế nào là một lời hứa có giá trị pháp lý. Thế nào ? Học thuyết trả lời : đó phải là một lời hứa xuất phát từ một ý muốn tạo ra hậu quả pháp lý, chứ không phải chỉ là một lời tuyên bố hàm chứa một ý định chính trị 2. Làm sao phân biệt thế nào là « ý muốn tạo ra luật », thế nào là không phải ? Không thể có tiêu chuẩn tổng quát, mỗi hành vi đơn phương phải xét riêng từng trường hợp để giải thích. Và việc giải thích này tuân theo những nguyên tắc được áp dụng cho việc giải thích các hiệp ước, trong đó hai nguyên tắc chính là : phải thực lòng (bonne foi) và phải chú ý đến đối tượng và mục đích của hiệp ước. Thực lòng, nghĩa là phải tìm xem hai bên ký hiệp ước muốn nói gì thực sự. Đây là yếu tố tâm lý và đạo đức khó tìm vì nằm trong nội tâm. Cho nên phải làm sáng tỏ ra bằng cách tìm hiểu đối tượng và mục đích, nghĩa là những yếu tố bên ngoài dễ thấy hơn. Điều 31 và 32 của Công ước Vienne về việc giải thích hiệp ước nói rõ như thế : « Hiệp ước phải được giải thích theo thực lòng với nghĩa thông thường mà các từ trong đó thường được hiểu, và trong bối cảnh và ánh sáng của đối tượng và mục đích của hiệp ước » 3. Nhiều án lệ đã căn cứ trên nguyên tắc này.
Áp dụng nguyên tắc trên vào việc giải thích các hành vi đơn phương, học thuyết nhấn mạnh : phải tìm ý định của tác giả lời hứa, hơn thế nữa, phải đặt ưu tiên trên giải thích ít có hại nhất cho tác giả ấy 4.
Đó là nguyên tắc tổng quát. Còn về phương pháp giải thích, học thuyết cũng như án lệ đều nhấn mạnh trên sự cần thiết phải xét kỹ bối cảnh, ngữ cảnh, cho rằng đó là cách hiệu nghiệm nhất để tìm ra ý định thực sự 5. Án lệ đi rất xa trong phương pháp tìm kiếm này, đề nghị : 1. phải căn cứ trên toàn câu để giải thích một chữ trong đó ; 2. phải căn cứ trên nhiều đoạn để giải thích một điều khoản ; 3. phải căn cứ trên một phần của hiệp ước trong đó có điều khoản phải giải thích ; 4. phải căn cứ trên toàn thể hiệp ước ; 5. phải căn cứ trên lời mở đầu ; 6. phải căn cứ trên một loạt hiệp ước tùy thuộc lẫn nhau. Kể rườm rà như vậy để thấy rằng bối cảnh, ngữ cảnh là vô cùng cần thiết để tìm hiểu ý định thực sự, dù là để giải thích hiệp ước hay là để giải thích một hành vi đơn phương. Nhiều lần, án lệ của Tòa án Tài phán quốc tế thường trực, tiền thân của Tòa án Tài phán quốc tế hiện nay, đã chú trọng đến hậu trường, nghĩa là bối cảnh đằng sau của việc ký kết hiệp ước, về mặt pháp lý, chính trị, xã hội, đặt hiệp ước vào không khí của thuở soạn thảo, để nắm bắt thấu đáo hơn ý tưởng đầu tiên và khám phá ra những hoàn cảnh thực tế trong đó ý tưởng được bày tỏ 6.
Tòa án Tài phán quốc tế hiện tại cũng lấy cùng một thái độ như vậy. Hậu ý của hai bên ký kết hiệp ước hoặc những quan tâm chính trị của họ lắm khi cũng khác với mục đích nêu ra trên giấy tờ, nhất là khi hiệp ước có nội dung chính trị 7.
II. Vậy thì, áp dụng những quy tắc trên, hãy đặt « công hàm Phạm Văn Đồng » vào ngữ cảnh của bức thư và bối cảnh chính trị và lịch sử khi thư được gửi đi để giải thích mục đích và ý định thực sự của tác giả.
Trước hết là bối cảnh. Cho đến bây giờ, độc giả Việt Nam chỉ thấy thư của Phạm Văn Đồng đáp lại tuyên bố của Chu Ân Lai mà chẳng thấy tuyên bố của Trung Quốc là thế nào, tuy rằng đó là cái chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên. Vậy, xin bắt đầu nói đến bối cảnh của tuyên bố ấy, về mặt pháp lý rồi về mặt chính trị, quân sự.
Về mặt pháp lý, cho đến khi thành lập Cộng Hòa năm 1911, Trung Hoa không có nhận định gì rõ ràng về vấn đề hải phận cũng như hải lý. Bắt đầu quan tâm thực sự đến vấn đề từ 1912, lập trường chính thức của Trung Hoa Dân Quốc vẫn là 3 hải lý. Phái đoàn Trung Hoa đề nghị 3 hải lý tại Hội nghị Hague về san định luật quốc tế năm 1930. Như ai có chút kiến thức về luật biển đều biết, ấn định hải phận là vấn đề nóng bỏng của luật quốc tế sau khi các nước trong Thế giới thứ ba bành trướng ảnh hưởng và xác nhận tư cách độc lập của mình. Nhiều nước, nhất là ở châu Mỹ La tinh, nới độ rộng của hải phận (tính từ bờ) một cách vô độ, có khi đến cả 200 hải lý. Theo chiều hướng đó, phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc, trong buổi họp thứ 308 của Ủy Ban Luật quốc tế của LHQ, đòi nới độ rộng của hải phận ra 12 hải lý. Trớ trêu thay, đề nghị đó trái ngược với lập trường của Mỹ (3 hải lý) mà Trung Hoa là đồng minh, lại trùng hợp với lập trưởng của Liên Xô (12 hải lý) mà Trung Hoa là thù nghịch. Bị anh cả nhắc nhở, phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc, trong buổi họp thứ 361 (1956) của Ủy Ban vừa nói, đề nghị một tu chính mềm dẻo về điều 3 của công ước đang soạn thảo :
« 1. Hải phận có thể do mỗi quốc gia cận bờ biển ấn định phù hợp với nhu cầu kinh tế và chiến lược trong giới hạn từ 3 đến 12 hải lý ; điều này phải được các quốc gia chủ trương một hải phận hẹp hơn chấp nhận.
2. Trong trường hợp bất đồng ý kiến, vấn đề sẽ được đưa ra trọng tài ».
Tu chính đó bị bác bỏ trong phiên họp lần thứ 363 (8-6-1956) với một tỷ số phiếu chống rất cao : 9 chống, 3 thuận, 2 không bỏ phiếu.
Vậy là trong lần họp năm 1956, vấn đề hải lý không được giải quyết. Ủy Ban kết luận một cách lừng khừng : « Luật quốc tế không cho phép nới rộng hải phận quá 12 hải lý ».
Hai năm sau, tại Hội nghị Genève về luật biển, họp từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1958, phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc không đưa ra một đề nghị nào nữa về hải phận. Trung Quốc lục địa không được mời tham dự, nhưng theo dõi rất kỹ. Bằng chứng là chỉ vài tháng sau, Bắc Kinh lấy một thái độ dứt khoát, trái ngược với Đài Loan.
Rườm rà như trên là để nhấn mạnh bối cảnh lịch sử quan trọng của năm 1958. Trước đó, ngay cả Trung Quốc cộng sản cũng không có lập trường rõ ràng về hải lý. Một quyển sách giáo khoa về hình luật xuất bản năm 1957 hãy còn nói một cách tổng quát rằng độ rộng của hải phận có thể là 3 hoặc 12 hải lý. Mãi cho đến đầu 1958, các tác giả Trung Quốc mới bắt đầu hoài nghi về sự khôn ngoan của quan điểm 3 hải lý chật hẹp. Chỉ bắt đầu từ đó, họ mới chỉ trích kịch liệt lập trường của Mỹ và Anh mà họ cho là « hoàn toàn vô căn cứ ». Nhưng đó là các bài viết của giới luật gia. Chính quyền Trung Quốc chưa có lập trường chính thức lúc Hội nghị Genève kết thúc.
Năm tháng sau, ngày 23 tháng 8 năm 1958, Trung Quốc thình lình mở một trận pháo kích dữ dội, với yểm trợ của không quân và hải quân, vào đảo Kim Môn do Đài Loan chiếm giữ, ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Mỹ trợ giúp hậu cần cho đồng minh bằng cách hộ tống các tàu tiếp tế của Đài Loan cho đến giới hạn 3 hải lý ngoài khơi Kim Môn. Ngày 4-9-1958, đài Bắc Kinh loan báo một « Tuyên Bố về hải phận Trung Quốc » nguyên văn như sau, chỉ trích những đoạn có liên quan đến vấn đề và dịch từ tiếng Anh :
« 1. Độ rộng của hải phận của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gồm lục địa Trung Hoa và đảo cận bờ biển của lục địa, cũng như cho Đài Loan và các đảo bao quanh, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và tất cả các đảo khác thuộc về Trung Hoa mà đại dương chia cách khỏi lục địa và các đảo cận bờ biển của lục địa.
4 § 2. Vùng Đài Loan và Bành Hồ hãy còn bị Mỹ chiếm giữ bằng vũ lực. Đó là vi phạm bất hợp pháp sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đài Loan, Bành Hồ và những vùng khác như thế sẽ được thu hồi lại, và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền thu hồi những vùng ấy bằng mọi biện pháp thích hợp vào thời điểm thích hợp. Đây là nội bộ của Trung Quốc, không can thiệp nào ở bên ngoài được dung thứ ».
 Bản « Tuyên Bố » thâu trọn gói, đặt tất cả các đảo do Đài Loan chiếm giữ và Hoàng Sa, Trường Sa vào hải phận Trung Quốc. Mỹ bác bỏ việc gia tăng hải phận của Bắc Kinh, cho đó là « âm mưu che giấu những mục tiêu xâm lược ». Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại lập trường cố hữu của Mỹ, « đã có từ thời tổng thống Jefferson, và lập trường ấy là 3 hải lý ». Ngày 7-9-1958, hải quân Mỹ tiếp tục hộ tống như thế các tàu tiếp tế của Đài Loan. Bắc Kinh cảnh cáo nghiêm khắc : « một hành động như vậy, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, là nguy hiểm ». Ngày 6-10, bộ trướng quốc phòng Bành Đức Hoài ra một công bố cho « đồng bào Đài Loan », cho biết Trung Quốc sẽ ngưng nã pháo trong một thời gian 7 ngày, với điều kiện Mỹ chấm dứt hộ tống tàu tiếp tế đến Kim Môn. Ngày 13-10, Trung Quốc gia hạn việc ngưng pháo kích thêm 2 tuần nữa. Ngày 20-10, hôm trước khi ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles viếng thăm Đài Bắc, Trung Quốc lại nã pháo, viện cớ Đài Loan cho phép hải quân Mỹ hộ tống vào « vùng biển » của Kim Môn. Sau đó, ngày 25-10, Bắc Kinh tuyên bố « ngưng chiến vào ngày chẵn ». Khủng hoảng dần dần kết thúc 8.
Cần nói thêm lý lẽ pháp lý mà Mỹ đã viện dẫn để bác bỏ « tuyên bố » của Trung Quốc, không phải vì có gì mới, mà là để thấy rằng các phản ứng tiếp theo quyết định của Bắc Kinh đều liên quan đến vấn đề 12 hải lý là chủ yếu. Trong một bài diễn văn đọc trước Hiệp hội luật sư ngày 20-11-1958, Phụ tá cố vấn pháp lý của Viễn Đông sự vụ Bộ Ngoại giao, ông Maurer, nói : « Huống nữa, Hoa Kỳ chủ trương rằng luật quốc tế chỉ thừa nhận giới hạn 3 hải lý; một quốc gia không thể bằng hành động đơn phương, quyết định đâu là sở hữu chung của tất cả mọi quốc gia ; điều đó lại còn vi phạm nguyên tắc đã được quốc tế công nhận về tự do lưu thông trên biển. Quan điểm của Hoa Kỳ đặt cơ sở trên báo cáo của Ủy Ban luật quốc tế của LHQ, báo cáo ấy nói rằng ‘luật quốc tế không đòi hỏi các quốc gia phải nhận một giới hạn hải phận vượt quá 3 hải lý’ » 9.
Cũng vậy, tiếp theo bác bỏ của Mỹ là bác bỏ của Bộ Ngoại giao Anh, cũng liên quan đến con số 12, chỉ sau Mỹ một ngày, ngày 6-9-1958. Xin nhắc lại một lần nữa : vấn đề nóng bỏng lúc đó là vấn đề 12 hải lý.
Phe tư bản phản ứng đi, tất nhiên phe cộng sản phản ứng lại. Như một tiếng dội. Như một luật chơi của chiến tranh lạnh. Và cũng trên vấn đề 12 hải lý. Liên Xô tức tốc gửi một công hàm đến Bắc Kinh, tuyên bố « hoàn toàn tôn trọng quyết định của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa » và « đã chỉ thị cho các cơ quan liên hệ của Liên Xô triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa » 10. Hãy so sánh ngữ văn này của Liên Xô với « công hàm Phạm Văn Đồng » : chữ nào chữ nấy gần như bản chính với bản sao. Đây là một điểm quan trọng góp phần vào việc giải thích bản văn của Hà Nội.
Tất cả những chi tiết rườm rà kể ra ở trên là cốt đưa đến mấy nhận xét sau:
1. Phải phân biệt cho rõ hai vấn đề mà Trung Quốc muốn cột vào với nhau nhưng bối cảnh của năm 1958 về luật biển buộc phải tách riêng ra : vấn đề hải phận và vấn đề chủ quyền. Vấn đề hải phận là pháp lý. Vấn đề chủ quyền là chính trị. Tranh chấp không giải quyết được tại Hội nghị Genève 1958 là tranh chấp trên vấn đề hải phận. Bác bỏ hay tán thành tuyên bố của Trung Quốc là bác bỏ hay tán thành cái chuyện 12 hải lý ấy, một chuyện pháp lý nóng bỏng vào thời buổi ấy. Không phải vì bác bỏ hay tán thành cái chuyện 12 hải lý là bắt buộc phải bao hàm việc bác bỏ hay tán thành cái chuyện chủ quyền — chuyện này ở bên lề, hạ hồi phân giải. Nguyên tắc giải thích một cách hạn chế, chặt chẽ, buộc phải gạt cái gì thừa thãi ra, cái thừa thãi ở đây là chủ quyền.
2. Nguyên tắc thực lòng cũng bắt buộc như vậy. Cái chuyện tranh chấp chủ quyền đã xảy ra từ 1909 về Hoàng Sa và từ những năm 1930 về Trường Sa. Sau thế chiến 1945, hễ có chính quyền là chính quyền nào ở Việt Nam cũng đều khẳng định hai quần đảo ấy là thuộc chủ quyền Việt Nam. Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc gia Việt Nam thời Bảo Đại chẳng hạn đã long trọng tuyên bố như thế năm 1951 tại Hội nghị San Francisco11. Một chính quyền chưa hoàn toàn độc lập đối với Pháp mà còn cương quyết như thế, lẽ nào, thực lòng, một chính quyền đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền như chính quyền Phạm Văn Đồng, lại có thể từ khước chủ quyền một cách dễ dàng như vậy trong một bức thư ? Cả hai phía, Việt Nam và Trung Quốc, đều coi lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, làm sao, với thực lòng, có thể nghĩ rằng ý định thực sự của ông Phạm Văn Đồng là nhường đảo cho Trung Quốc ? Với thực lòng, làm sao phía Trung Quốc có thể đọc bức thư mà nghĩ rằng thế là xong, mọi tranh chấp chủ quyền gay go từ hơn một thế kỷ đã xóa sạch trong mấy hàng chữ của một bức thư ?
3. Thêm nữa, mới đây, phía Việt Nam viện dẫn Bị Vong Lục của Trung Quốc (12-5-1988) trong đó, sau khi lặp đi lặp lại luận điệu « Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa và Nam Sa từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc », đã nói thêm rằng « với nguyên tắc thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, đã tỏ ý sau này có thể đàm phán ». Câu ấy là của chính miệng Đặng Tiểu Bình nói ra với bí thư thứ nhất Lê Duẩn khi ông Lê Duẩn thăm viếng Bắc Kinh ngày 14 tháng 9 năm 1975. Phía Việt Nam nói rõ : năm 1958, Đặng Tiểu Bình là bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn to hơn cả Chu Ân Lai, biết rõ sự việc liên hệ, vậy mà còn xác nhận « bất đồng » và « đàm phán », thế thì, với thực lòng, sao chính quyền Trung Quốc bây giờ lại đọc ngược bức thư Phạm Văn Đồng theo nghĩa là không còn vấn đề chủ quyền gì nữa để bàn cãi ? 12. Thực lòng ở đâu ?
4. Thực lòng ở về phía Việt Nam. Bởi vì ý định thực sự của bức thư lại còn rõ ràng hơn nữa khi đặt vào hai bối cảnh lịch sử đặc biệt : bối cảnh của chiến tranh lạnh nói chung và bối cảnh pháo kích ở Kim Môn nói riêng.
Về chiến tranh lạnh, việc ủng hộ lập trường của Liên Xô hay Trung Quốc khi lập trường này chống lại lập trường của khối « thế giới tự do » dưới sự lãnh đạo của Mỹ là một thái độ chính trị quá thông thường trong suốt thời gian lịch sử ấy. Phía Mỹ đã cứng rắn giữ nguyên lập trường 3 hải lý (ngay cả Đài Loan cũng không dám làm trái ý) thì phía Liên Xô hầu như đương nhiên hỗ trợ Trung Quốc trong lập trường 12 hải lý. Chính yếu, đây là một ủng hộ chính trị. Sự việc thư Phạm Văn Đồng lặp lại nguyên văn công hàm của Liên Xô chứng tỏ điều đó. Hai bức công hàm phải được hiểu trong cùng một tinh thần ấy.
Huống hồ, bối cảnh chính trị ấy lại càng nổi bật hơn nữa với việc pháo kích Kim Môn. Miền Bắc lúc ấy đang sợ Mỹ can thiệp. Mà chiến hạm Mỹ công khai vượt qua hải phận 12 hải lý để tiến vào vùng biển chỉ cách Kim Môn 3 hải lý. Bênh vực lập trường 12 hải lý của Trung Quốc là chuyện quá dễ hiểu giữa hai « đồng chí ». Miền Bắc cũng không muốn hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương xé rào 12 hải lý để tiến vào sát bờ biển miền Nam như tiến vào sát Kim Môn.
Bối cảnh quân sự và chính trị này, ngay cả các tác giả người Hoa cũng đều nêu rõ. Chỉ trích một ví dụ thôi : « Trung Hoa cộng sản ra một tuyên bố chính thức về hải phận lúc khủng hoảng 1958 trên Kim Môn và Mã Tổ lên đến cao độ ; như thế rõ ràng rằng những biến cố ấy đã phát động ảnh hưởng trên bản tuyên bố » 13. Ai cũng thấy, lúc đó Mỹ là kẻ thù chung, làm sao, với thực lòng, không thấy rằng văn thư của Hà Nội nhắm việc chống kẻ thù chung ? Trong bối cảnh quân sự và chính trị của năm 1958, chống Mỹ tức là ủng hộ 12 hải lý. Đông Đức ủng hộ, Rumania ủng hộ tiếp theo Liên Xô 14. Công hàm Phạm Văn Đồng cũng ủng hộ như vậy thôi. Nếu muốn tìm đối tượng, mục tiêu đích thực của hành vi đơn phương này, thì bối cảnh ấy cho đủ ánh sáng.
Bài viết nhỏ này được viết trong thời gian tác giả nằm trong bệnh viện, không có phương tiện tìm thêm tư liệu ở các thư viện. Với mục đích nhỏ bé là làm sáng tỏ những gì đã nói từ lâu bằng một ngôn ngữ và một lập luận pháp lý, tác giả không mong gì hơn là được bạn bè có thẩm quyền chỉnh sửa và bổ túc thêm.

CAO HUY THUẦN

1 Charles Rousseau, Droit international public, Tome 1, Paris, Sirey, 1970, trang 423.
2 Nguyen Quoc Dinh, Droit international public, Paris, LGDJ, 1975, trang 325 ; Charles Rousseau, sđd, từ trang 418.
3 Charles de Visscher, Théories et Réalités en Droit international public, A. Pedone, 4è édition, 1970, trang 281.
4 Charles Rousseau, sđd, trang 424, dẫn Carbone, Promessa e affidamento nel diritto internazinale, Milan, 1967.
5 Charles Rousseau, sđd, trang 284.
6 Cùng tác giả, trang 291, trích nhiều án lệ.
7 Charles de Visscher, sđd, trang 282.
8 Tất cả lịch sử kể ở mục này là lấy từ Hungdah Chiu, China and the Question of Territorial Sea, Maryland Journal of International Law, Vol. 1, N° 1, 1975.
9 Tao Cheng, Communist China and the Law of the Sea, The American Journal of International Law, Vol. 13, N° 1, Jan. 1969.
10 Tao Cheng, như trên.
11 Tất cả lịch sử về vấn đề này được giải thích rất rõ trong Lê Minh Nghĩa, Những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng, Kỷ Yếu Hội Thảo phát triển khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và tranh chấp biển Đông, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, từ trang 300. (có thể đọc toàn văn bài này trên mạng Thời Đại Mới )
12 Nội dung cung cấp cho phóng viên tại Họp báo ngày 23-5-2014.
13 Tao Cheng, đã dẫn.
14 Như trên.

==========================
Tuyên bố đầy đủ về lãnh hải của TQ (không có trong bài của gs CHT) như sau:

Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc ngày 04/09/1958

(dịch lại từ bản tiếng Anh theo báo cáo của CIA Mĩ có tham khảo với bản tiếng Trung trên trang Bách Khoa của TQ):

Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố:

1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là mười hai hải lí. Quy định này áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm đại lục Trung Hoa và các đảo ven bờ, cũng như Đài Loan và các đảo phụ cận, nhóm đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc ngăn cách với đất liền và các đảo ven bờ bởi vùng biển quốc tế (high seas).[i]

2) Lãnh hải của Trung Quốc dọc theo đất liền và các đảo ven bờ có đường cơ sở là đường bao gồm các đường thẳng nối các điểm cơ sở trên bờ biển đất liền và trên chỗ ngoài cùng của các đảo ven bờ; vùng nước từ đường cơ sở kéo dài mười hai hải lí ra phía ngoài là lãnh hải của Trung Quốc. Các vùng nước bên trong đường cơ sở, bao gồm Vịnh Bột Hải, eo biển Quỳnh Châu là nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong đường cơ sở, bao gồm cả đảo Đông Dẫn (东引), đảo Cao Đăng (高登), nhóm đảo Mã Tổ (马祖), nhóm đảo Bạch Khuyển (), đảo Ô Nhạc (乌岳), đảo Kim Môn(金门) lớn và nhỏ, đảo Đại Đam (大担), đảo Nhị Đam (二担) và đảo Đông Đĩnh (东碇) là các đảo trong nội hải của Trung Quốc.

3) Tàu thuyền cùng máy bay quân dụng nước ngoài không thể vào lãnh hải của Trung Quốc và vùng không gian phía trên nó mà không có sự cho phép của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong khi di chuyển trong lãnh hải Trung Quốc mọi tàu bè phải tuân thủ luật pháp và các quy định có liên quan của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

4) Các nguyên tắc quy định tại các điểm 2) và 3 ) cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ cận, nhóm đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa , quần đảo Trung Sa (Maclesfield Bank), quần đảo Nam Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Hai khu vực Đài Loan và Bành Hồ hiện còn bị lực lượng vũ trang Hoa Kì chiếm đóng. Đó là việc xâm pham phi pháp sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đài Loan, Bành Hồ cũng như những khu vực như thế vẫn chưa được thu hồi, và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền thu hồi các khu vực này bằng mọi phương tiện thích hợp vào một thời điểm thích hợp. Đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài.




[i] Lưu ý rằng trong bản tiếng Anh của CIA, Hoàng Sa và Trường Sa chỉ được đề cập ở điều 4 chứ không có nói gì trong điều 1 như nhiều tài liệu TQ viết. Chúng tôi tìm được bản tiếng Trung trên trang ‘Bách Khoa’ thì HS và TS cũng được nói đến trong điều 1 một cách nhất quán như điều 4. Do đó, có khả năng bản của CIA không thật chính xác hoặc cũng có khả năng nhỏ hơn là TQ điều chỉnh lại bản gốc sau khi công bố. Khi dịch chúng tôi đã điều chỉnh lại điểm 1 theo bản tiếng Trung.

No comments:

Post a Comment