Pages

Saturday, May 3, 2014

Về kênh hình trong sách Tiếng Việt 1

Giật mình với hình minh hoạ trong sách Tiếng Việt 1

(Bài này đã gởi cho GDVN cách đây gần 2 tuần, GDVN đã đăng hôm nay [tại đây:  http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giat-minh-voi-hinh-minh-hoa-trong-sach-giao-khoa-Tieng-Viet-1-post143918.gd] nhưng ở dạng biên tập lại có rút gọn nên có chỗ không thật rõ ý, riêng tựa bài thì OK)

Tôi vừa nhận được quyển sách Tiếng Việt 1 (nxb GD in tháng 3/2014) do bà chị gửi tặng cho cháu. Nhìn chung nội dung có tiến bộ so với các sách xuất bản trước đây, hình thức trình bày cũng trang nhã.
Tình cờ lật tới trang 101 (tập 1) thấy hình (bên dưới) có kèm theo câu liên quan tới chủ đề đang học "Sau cơn bão, Kiến đen lại xây nhà. Cả đàn kiên nhẫn chở lá khô về tổ mới". So hình với câu này tôi giật mình lục lại vốn sống tự hỏi không biết có loại cây nào mà lá KHÔ lại có màu XANH và màu VÀNG như trong hình này không.

Lá khô màu xanh/vàng?
Nhìn thêm vào câu chủ đề dưới hình lần nữa, tôi lại 'tá hoả' về hiểu biết của mình. Từ nhỏ tới giờ sống ở đồng bằng và cũng có đi đây đó chút ít, tôi chỉ biết có vài loài kiến làm tổ bằng lá (như kiến vàng –xem ảnh dưới) nhưng mà lá còn xanh trên cây và dùng tơ của chúng để bện các lá xanh này lại với nhau thành tổ. Chưa bao giờ tôi thấy có loại kiến nào, kể cả kiến đen (như trong hình) lại tha lá khô (về làm tổ - câu không ghi rõ là về làm tổ nhưng văn cảnh có vẻ muốn nói điều đó) mà chỉ tha mồi về tổ thôi. Lục tìm trên mạng, tôi cũng có tìm thấy hình kiến (Leaf-cutter ant tạm dịch là kiến cắt lá) tha lá xanh về tổ dưới đất nhưng không phải làm tổ mà là để nuôi nấm / meo là thứ dùng làm thức ăn cho loài kiến này. Nếu quả có một loài kiến nào đó tha lá làm tổ như trong hình thì tôi vẫn nghĩ không nên lấy đó để vẽ hình và minh hoạ vì không có tính phổ biến.
Trong trường hợp này có lẽ dùng câu tục ngữ: 'Kiến tha lâu đầy tổ' vừa quen thuộc, vừa hết sức phù hợp chủ đề (dạy vần IÊN) và lại có tính giáo dục nữa. Toàn bộ các từ khác trong câu các em đều đã học. Nếu cần có 2, 3 vần IÊN trong câu thì có lẽ cũng nên dùng hình vẽ và câu chủ đề nào phù hợp hơn…Ngoài ra, tôi cũng không biết tại sao các tác giả lại viết chữ 'kiến' [đen] với chữ hoa dù có thể hiểu được vì sao trong các trang trước đó tên riêng lại không viết hoa.
Kiến vàng làm tổ bằng lá xanh và tha mồi về tổ
Kiến cắt lá tha lá tươi về tổ dưới đất để nuôi nấm/meo chứ không phải làm tổ
 Dẫu biết rằng mục đích chính của các bài trong sách này là dạy vần cho học trò nhưng trong thực tiễn soạn sách người ta thường tận dụng kênh hình ảnh trong sách để cung cấp thêm cho các em những hiểu biết về thiên nhiên, con người, văn hoá… phù hợp với độ tuổi các em. Do đó, những thông tin lồng chứa trong các hình ảnh cũng cần có tính điển hình, phổ biến và chính xác tới mức có thể có được. Với cách suy nghĩ như thế, ngoài hình trên, tôi cho rằng mấy hình sau đây (chưa phải là tất cả trong sách này) cũng có vấn đề:


Bữa cơm điển hình / muốn vươn tới của xã hội VN? (trang 127)
-------------- 


 Cò bố, cò mẹ (trang 35) – đầu cò trống, cò mái như nhau cho loại cò này?
Ảnh này cho thấy dáng bên ngoài có trống, cò mái có chỗ không như nhau (loại cò khác không có cọng lông trên đầu thì hơi khó nhận ra trống mái hơn)
------------------

Rừng tràm
Nếu xem hình vẽ rừng tràm nhu tr.122 (trái), có thể nhận ra rừng tràm thật (phải) không?



Phan Văn Song

No comments:

Post a Comment