Pages

Wednesday, May 14, 2014

Chỉ có cách đưa Trung Quốc ra toà

Biện pháp đối phó với vụ Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
(Bài đã đăng trên Tia Sáng http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=7496 15/05/2013 với tựa như trên) 

Trong vụ Trung Quốc (TQ) mang giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (VN), thử xét cơ sở lập luận của mỗi bên để chúng ta có thể có biện pháp đối phó thích đáng.

1.      Theo TTX Việt Nam trong vụ TQ đưa giàn khoan khủng tới gần đảo Tri Tôn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định "Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lí. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."
Phát biểu này dựa trên cơ sở là vị trí điểm đặt giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lí của Việt Nam (cụ thể, như bản đồ cho thấy, cách đảo Lí Sơn khoảng 119 hải lí và cách đường ranh EEZ khoảng 80 hải lí).

HD-981c.JPG
(Bản đồ tạo từ file kmz có thể tải về máycá nhân để mở trên Google Earth ở đây: https://www.dropbox.com/s/67521dpzdihe0wz/HD-981.kmz)

Lưu ý thêm rằng đường ranh giới EEZ 200 hải lí của VN (đường màu hường) đã được vẽ theo đúng các toạ độ nêu trong hồ sơ VN nộp Uỷ ban ranh giới thềm lục địa LHQ ngày 6/5/2009. Đường này dừng lại ở điểm cách đảo Phú Lâm và đảo Hoàng Sa lần lượt khoảng 60, 70 hải lí. Do đó, có vẻ quan điểm của chính phủ VN là các đảo ở đây không được hưởng hoặc chỉ hưởng một phần hiệu lực EEZ về phía VN hay TQ. Nếu trường hợp sau là đúng thì phần sau của phát biểu trên có thể hàm ý rằng vị trí đó còn nằm trong vùng biển mà Việt Nam có thể được hưởng theo quy định của Công ước về luật biển (UNCLOS) từ một[/nhiều] đảo/đá của quần đảo Hoàng Sa và do quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam (cụ thể là nằm trong EEZ của đảo Hoàng Sa hay đảo Phú Lâm - hai đảo có tiềm năng thoả định nghĩa đảo theo UNCLOS[1] nhất).

2.      Trong khi đó, theo VN Express, để biện hộ cho việc triển khai giàn khoan 981 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng “[c]ác công việc liên quan đang nằm hoàn toàn trong khu vực thuộc quần đảo Tây Sa."

Trước nhất, lưu ý rằng TQ đã tuyên bố đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa (đường đa giác màu hường nhạt) khi phê chuẩn UNCLOS ngày 15/5/1996, và từ giữa thập niên 1980 sau khi chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa khá lâu (hơn 10 năm) TQ có vẻ tự tin là quần đảo Hoàng Sa đã thuộc về họ[2]. Theo đó, có nhiều khả năng là phát biểu của Hoa Xuân Oánh dựa trên cơ sở là vị trí giàn khoan (cách đảo Tri Tôn khoảng 17 hải lí) nằm bên trong EEZ của quần đảo Hoàng Sa theo cách tính của họ cũng từ đường cơ sở này và hơn nữa không vượt quá trung tuyến của Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa như VLIZ (Viện nghiên cứu biển Flanders – Bỉ) vẽ ra trong bản đồ trên[3] (với giả định là cả hai phía đều có EEZ và có hiệu lực như nhau). Tuy nhiên, cơ sở này có tiền đề không vững vì đường cơ sở thẳng mà họ vạch ra không phù hợp UNCLOS do TQ không phải là nước quần đảo.[4]

Thứ hai, cũng có khả năng TQ tin rằng với những thay đổi nhân tạo mà họ đã thực hiện trên quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là ở đảo Phú Lâm thì ít ra đảo này đã thoả đầy đủ điều kiện theo định nghĩa của điều 121 UNCLOS, tức là có EEZ và EEZ này có hiệu lực đủ[5] để bao gồm luôn vị trí đặt giàn khoan 981 (cách nó khoảng 103 hải lí). Do đó, đây có thể là một cơ sở vững hơn cho tuyên bố của họ dù tính chất đảo của Phú Lâm vẫn còn là nghi vấn.
Thứ ba, chắc chắn họ cũng đã thấy vị trí giàn khoan cách đảo Hải Nam khoảng 183 hải lí, tức là cũng nằm trong EEZ 200 hải lí và thềm lục địa của đảo này. Đây là một cơ sở vững vàng nhất theo UNCLOS. Tuy nhiên, họ chưa nói ra có thể vì vị trí giàn khoan chỉ cách Lí Sơn khoảng 119 hải lí và bờ biển VN khoảng 132 hải lí, tức là dù tính từ Lí Sơn hay từ bờ biển VN thì điểm đó vẫn nằm trong sâu trong EEZ của VN hơn nhiều so với trong EEZ của Hải Nam. Do đó, nếu nêu điều này ra họ sẽ bị thất lợi vì vị trí giàn khoan rõ ràng đã vượt quá trung tuyến[6] vào EEZ phía VN, và hơn nữa họ cũng bỏ lỡ dịp để khẳng định lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và đường cơ sở trái phép của họ.

Ngoài ra, để ý rằng vị trí giàn khoan cũng nằm hoàn toàn trong đường ‘lưỡi bò’ và tiến sĩ Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore có bình luận trên BBC rằng "Việc TQ cho đặt giàn khoan trên thềm lục địa của VN là chỉ dấu rằng Trung Quốc đang khẳng định quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trong đường chín đoạn của mình cho dù nguồn tài nguyên đó có nằm trong EEZ của quốc gia khác hay không." Tuy nhiên, chúng ta không thấy họ đá động gì tới đường này dù từ trước tới nay họ vẫn tuyên bố TQ có chủ quyền không tranh cãi đối với các đảo/đá và các vùng biển liên quan bên trong đường này. Điều này có thể do họ không muốn công luận đào sâu ĐLB có nhiều vấn đề này vốn đã bị rất nhiều học giả phê phán.
3.      Để ý rằng hiện nay hai nước chưa có thoả thuận về phân giới biển bên ngoài vịnh Bắc Bộ nên dĩ nhiên bên nào cũng có quyền yêu sách tối đa quyền được hưởng của mình.[7] Theo phân tích trên, dù có dựa vào chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay không thì tuyên bố của bên nào cũng có vẻ đã theo UNCLOS (dù khác nhau về mức độ hợp lí và công bằng). Như vậy, thuần tuý về mặt pháp lí thì vị trí giàn khoan nằm trong vùng chồng lấn, ít ra về EEZ của hai bên, tức là nằm trong khu vực tranh chấp theo như tuyên bố của hai bên. Theo luật quốc tế thì không bên nào được thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác kinh tế trong các khu vực có tranh chấp. Vì thế, nếu TQ không rút giàn khoan ra ngoài và hai bên không thương lượng được về cách phân giới biển ở đây thì với thực tế là nước nhỏ, VN chỉ còn có cách là đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế phân xử và nhân cơ hội tranh thủ tìm cách giải quyết vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, do Trung Quốc đã vận dụng Điều 298 của UNCLOS để tránh việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho một số loại tranh chấp nên trọng tài UNCLOS không có thẩm quyền để phán quyết vùng biển đó thuộc về bờ biển hay đảo nào. Dù vậy, trọng tài vẫn có thẩm quyền công nhận có tồn tại tranh chấp trong khu vực đó bất chấp vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, tính chất các đảo đá, hiệu lực được hưởng…như thế nào. Khi đó, TQ sẽ không được đơn phương khoan dầu khí ở đó. Từ đó, với sức ép ngoại giao và công luận quốc tế, hi vọng họ sẽ rút giàn khoan ra khỏi khu vực và không tái diễn hành động ngang ngược này trong tương lai.
Dĩ nhiên, đây chỉ là một biện pháp trước mắt để trục giàn khoan TQ ra khỏi EEZ của VN và hiệu lực còn tuỳ vào thái độ của TQ. Tuy nhiên, đây cũng là một bước tiến tích cực trong vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa vì khu vực này được chính thức công nhận là có tranh chấp mà TQ không thể chối bỏ như hiện nay.Điều này có thể có tác dụng ngăn ngừa các hành động ‘thực thi chủ quyền’ tương tự của TQ, kể cả các hành động như quấy rối ngư dân, tàu thuyền, đơn phương cấm đánh bắt cá... trong khu vực này trong tương lai.

Phan Văn Song (CTV Quỹ NCBĐ)
Bài viết được ý kiến đóng góp của ông Dương Danh Huy (TV Quỹ NCBĐ)




[1] Điều 121 Công ước LHQ về Luật biển quy định về đảo và đảo đá như sau:
1.       Đảo (island) là một vùng đất hình thành tự nhiên có nước bao bọc xung quanh, nổi trên mặt nước khi triều cao.
2.       Ngoại trừ [trường hợp] như quy định trong điểm 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo được xác định theo đúng các quy định trong Công ước cho lãnh thổ đất liền khác.
3.        Đảo đá (rock) không thích hợp cho việc cư trú của con người và không có đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa..
[2] Từ năm 1980 trở về trước, TQ còn đưa ra các tuyên bố, tài liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa thuộc về họ, cụ thể như tài liệu  CHINA’S INDISPUTABLE SOVEREIGNTY OVER THE XISHA AND NANSHA ISLANDS công bố ngày 30/1/1980… Sau đó thì họ chỉ còn thừa nhận có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và phủ nhận có tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa.
[3] Thật ra, quần đảo Hoàng Sa khó có thể được hưởng EEZ theo UNCLOS, thậm chí các đảo có tiềm năng là đảo theo định nghĩa UNCLOS như Phú Lâm, Hoàng Sa có được EEZ hay không và nếu có thì hiệu lực tới mức nào vẫn là các câu hỏi không dễ trả lời.
[4] Theo Quy định của UNCLOS thì những quốc gia quần đảo (như Philippines, Indonesia…) mới có thể vẽ đường cơ sở bằng cách nối những điểm nằm ngoài cùng trên cáo đảo/đá xa nhất lại với nhau (theo một số ràng buộc nhất định).
[5] Theo các án lệ từ trước tới nay việc phân giới biển giữa đất liền và đảo nhỏ thường dùng trung tuyến có điều chỉnh (chú ý tới độ dài hai bờ biển đối diện và các yếu tố có ảnh hưởng khác) ví dụ trong vụ Nicaragua kiện Columbia, toà dùng tỉ lệ 3:1 giữa các điểm cơ sở của hai bên. Do đó, việc đảo Phú Lâm được hưởng thậm chí  ½ hiệu lực (nếu quả là đảo theo UNCLOS) cũng là điều rất đáng ngờ.
[6] Trong trường hợp các nướccó bờ biển liền kề hay đối diện có vùng biển được hưởng chồng lấn thì theo thông lệ quốc tế cũng như các án lệ đã có, người ta dùng trung tuyến làm đường phân giới.
[7] Thật ra, điểm 1 điều 74 UNCLOS có quy định: “Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.” Chính Luật về EEZ và thềm lục địa của TQ ngày 26/6/1998 (đoạn 3 trong điểu 2) cũng có nêu: “Các mâu thuẫn liên quan đến EEZ và thềm lục địa của nước CHNDTH và các nước có bờ biển đối diện hoặc liền kề sẽ được giải quyết, trên cơ sở luật pháp quốc tế và phù hợp với nguyên tắc công bằng, bởi một hiệp định phân định cho các khu vực tuyên bố.” Do đó, đòi hỏi tối đa 200 hải lí ở vùng chồng lấn là đi ngược với luật pháp QT và của chínhTQ

No comments:

Post a Comment