Pages

Tuesday, January 7, 2014

THỦ TƯỚNG DŨNG, CÁC NHÓM LỢI ÍCH VÀ BẢN THÔNG ĐIỆP HOA MỸ


THỦ TƯỚNG DŨNG, CÁC NHÓM LỢI ÍCH
VÀ BẢN THÔNG ĐIỆP HOA MỸ

Trần Ngân

Mấy ngày gần đây, dư luận báo chí Việt Nam ồn ào về thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Dũng. Thực ra mỗi đầu năm thủ tướng Dũng đều phát đi một thông điệp nhưng thông điệp năm nay nhận được nhiều sự chú ý vì có nhấn mạnh nhiều lần tới những cụm từ như “đổi mới thể chế” hay “dân chủ”. Hàng loạt báo đài lề phải và các “dư luận viên” từ cấp thấp tới cấp cao vào cuộc tới tấp bốc thơm bài viết của thủ tướng. Ngay cả một ông TS vốn nổi danh vì scandal vừa giảng bài vừa văng tục cũng được huy động để viết một bài được đăng trang trọng trên trang báo điện tử của Chính phủ với những lời có cánh ca ngợi Thông điệp như: “Thứ nhất, rõ ràng và thẳng thắn; thứ hai, chính xác và thuyết phục; thứ ba, nhìn lại toàn bộ thì thấy niềm tin xuất hiện và sự phấn khởi.” (Chinhphu, 2/1/2014). Trên các báo lề trái thì đa số các chuyên gia đều cho rằng ý tưởng trong Thông điệp là tốt nhưng cần phải đợi xem việc làm có đi đôi với hành động hay không. Hiếm hoi mới có người như TS Nguyễn Quang A cho rằng lời lẽ cũng không có gì mới cả (BBC, 3/1/2014) .

Thực ra trong hơn một nhiệm kỳ của mình, thủ tướng Dũng đã có nhiều bài viết lúc mới ra lò thì cũng có tiếng vang nào đó nhưng sau đó thì đều đi vào hư không. Cộng với thành tích điều hành tệ hại của mình, hầu hết người dân Việt Nam chả quan tâm hoặc chả mấy tin vào những bài viết hay diễn văn hoa mỹ của thủ tướng nữa. Tác giả cũng cho rằng bản Thông điệp lần này cũng sẽ có số phận không khá gì hơn những lần trước. Những ý tưởng được coi là “mới” trong bản thông điệp này là đề cao việc “mở rộng dân chủ” và “đổi mới thể chế” sẽ gặp phải vô vàn những lực cản từ chính thủ tướng và những nhóm lợi ích tạm gọi là xấu. Trong bài viết này, tác giả sẽ thử phân tích một vài nhóm lợi ích (xấu) ở Việt Nam hiện nay trong tương quan với bản Thông điệp này.

1.  Nhóm lợi ích bảo thủ trong Đảng

Một trong những điểm cốt yếu để duy trì được sự tồn tại bền vững của một thể chế toàn trị là khả năng của nó trong việc “nhồi sọ” các tín điều của thể chế cho các tầng lớp nhân dân ngay từ thuở nhỏ. Về mặt này thì không ai có thể qua mặt được các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa mà đỉnh cao chính là Bắc Triều Tiên. Cũng như các nước XHCN khác, việc nhồi sọ ở Việt Nam được tiến hành từ khi còn nhỏ và khi làm lãnh đạo vẫn bị nhồi sọ thông qua hệ thống trường đảng đã tạo ra một tầng lớp hết sức bảo thủ và trì trệ về tư duy. Do bị nhồi sọ quá lâu nên đối với nhiều người, những khái niệm như “chủ nghĩa xã hội”, “kinh tế nhà nước làm chủ đạo”,… đã trở thành tín điều bất di bất dịch và họ sợ chết khiếp những cụm từ như như “chệch hướng”, “diễn biến hòa bình”, “phản động”…

Trong nhóm bảo thủ ở Việt Nam có một nhóm khá đặc thù thường được gọi là “các cụ về hưu” hay “các cán bộ lão thành”. Đây là những người có thể coi là đã cả đời đi theo đảng, được hưởng lợi từ chế độ ít hoặc nhiều. Rất nhiều người trong nhóm này có lẽ là thành trì kiên cố nhất của tư duy bảo thủ, trì trệ trong xã hội. Cũng rất khó trách họ vì cả đời họ đã đi theo lý tưởng XHCN của đảng. Giờ mà đưa ra những giá trị ngược lại niềm tin của họ thì khác gì nói cả đời họ đã đi sai đường nên họ rất cương quyết chống lại bất cứ sự thay đổi nào có thể dẫn tới “chệch hướng”. Chưa kể, họ luôn muốn ổn định xã hội để giữ được cái “sổ hưu” vì ở bất cứ đâu, nếu xã hội có những biến động lớn thì những người già về hưu chỉ có nguồn thu nhập từ lương hưu bao giờ cũng là những người thiệt thòi nhất[1]. Trong văn hóa chính trị ở Việt Nam thì nhóm “các cụ về hưu” lại có tiếng nói khá quan trọng và họ chính là chỗ dựa đặc biệt quan trọng cho nhóm bảo thủ trong đảng mà đại diện tiêu biểu chính là TBT Trọng. Mục đích chính yếu của nhóm bảo thủ này (gồm “các cụ về hưu”) là duy trì niềm tin, quyền lợi và sổ hưu.

Nhóm những người bảo thủ này được nhồi sọ từ hàng chục năm qua rằng nắm được triết học Mác Lê là nắm được đỉnh cao trí tuệ của nhân loại nên họ luôn tin mình là tầng lớp “tinh hoa” của xã hội, có trách nhiệm lãnh đạo xã hội đi tới tương lai. “Dân chủ” đối với họ cũng chỉ có nghĩa là phải tầng lớp lãnh đạo phải cho họ có tiếng nói trong quá trình làm chính sách chứ không phải là “dân chủ” theo cách hiểu chung của nhân loại. Họ luôn rất dị ứng với từ “dân chủ”, đặc biệt nếu nó tới từ sách báo nước ngoài hay người ngoài Đảng[2]. Đối với họ “dân chủ” là sự ban phát của nhà nước, cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu và phải do Đảng lãnh đạo và định hướng. Không phải ngẫu nhiên mà trong Thông điệp của mình thủ tướng nhấn mạnh: “Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật” và khẳng định: “Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân.”

Thực ra, nhiều người trong nhóm bảo thủ, đặc biệt là “các cụ nghỉ hưu” có thể rất bức xúc về tình trạng tham nhũng hay suy thoái kinh tế và có thể viết rất nhiều “tâm thư” kiến nghị lên lãnh đạo đảng, nhà nước. Tuy nhiên, đa số các biện pháp họ đưa ra vẫn chỉ là các biện pháp xưa cũ, sáo mòn như “chấn chỉnh đạo đức, tác phong” hay “học tập gương đạo đức Bác Hồ”, “xử lý nghiêm tham nhũng”… nhưng những giải pháp mà họ đưa ra để giải quyết lại chủ yếu quay trở lại những biện pháp cổ lỗ sĩ như lập lại Ban Nội chính TW hay Ban Kinh tế TW (đã được tác giả phân tích kỹ tại http://viet-studies.info/kinhte/TranNgan_TongBiThuTrong.htm). Đây rõ ràng chỉ là dùng cái sai này để sửa cái sai kia và nó sẽ càng ngày càng tạo ra thêm sự méo mó trong sự vận hành của nhà nước mà thôi.

Sự trỗi dậy gần đây của nhóm bảo thủ như là một phản ứng do tình hình tham nhũng lan rộng và suy thoái kinh tế là một tai họa cho tương lai của Việt Nam. Nó được biểu hiện rõ rệt nhất thông qua lãnh đạo tinh thần của nhóm này là TBT Trọng. Trong những thời điểm quyết định với một quốc gia, vai trò của người đứng đầu cực kỳ quan trọng như vai trò quyết định của TBT Trường Chinh giai đoạn đầu đổi mới. Người ta có thể không thích lãnh đạo Trung Quốc vì tư tưởng bá quyền nhưng không ai dám coi thường trình độ và tầm nhìn của những TBT của Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam, hệ thống bầu cử trong nội bộ đảng ở Việt Nam rõ ràng có vấn đề vì gần đây toàn đưa những người thủ cựu, rất kém chất lượng làm TBT, liên tiếp như ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và hiện nay là Nguyễn Phú Trọng. Hệ thống chính trị ở Việt Nam đã thất bại khi vào thời điểm then chốt của đất nước lại đưa một người được mệnh danh là “lú” lên làm TBT và thực tế cho thấy ông TBT này càng ngày càng “lú”, chỉ giỏi đăng đàn thuyết giáo về “suy thoái đạo đức”, “chệch hướng” chứ không thấy làm được gì để đổi mới đất nước cả.

Chính TBT Trọng và nhóm bảo thủ này có trách nhiệm lớn nhất trong việc tiếp tục các chính sách kìm hãm sự phát triển của đất nước như đưa nguyên tắc “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”[3] vào Hiến pháp hay giữ nguyên qui định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân”[4]. Lịch sử rồi sẽ đánh giá TBT Trọng như một người có tội lớn trong việc bịt đường tiến lên của đất nước vì niềm tin mù quáng và trí tuệ có hạn của mình.

2.   Nhóm lợi ích DNNN

Mục tiêu chính của nhóm này là duy trì những đặc quyền đang có và thu hút thêm được càng nhiều nguồn lực càng tốt từ ngân sách nhà nước. Đây chính là nhóm chống đối mạnh mẽ nhất các chính sách hướng theo thị trường và việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do. Đây cũng là nhóm đã lobby mạnh mẽ và kết hợp với nhóm bảo thủ để đưa bằng được tư tưởng “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vào lại Hiến pháp 2013.

Trong Thông điệp, thủ tướng có viết: “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh”. Tất nhiên nhóm lợi ích DNNN không thích phải sống trong môi trường cạnh tranh nên họ sẽ tìm mọi cách để chống lại việc này và tôi tin là bản thân thủ tướng cũng không tin điều này vì chính thủ tướng đã lập lại nhiều lần sự khen ngợi và đề cao DNNN:  
“Trong 3 khối doanh nghiệp, phúc lợi cao nhất là DNNN. Các DNNN gần như không để công nhân thất nghiệp. Trên tổng thể, trong những năm qua, trong giai đoạn thực sự khó khăn, nếu không có lực lượng kinh tế nhà nước, chính phủ không biết điều hành làm sao" (VEF, 17/2/2011)
Những kết quả mà DNNN đã đóng góp là không thể phủ nhận. Nếu không có DNNN thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô” (Vietnamnet, 8/12/2011)

Đề cao DNNN tới mức sùng kính như thế này mà lại nói về việc “tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng” thì quả thật rất khôi hài. Chưa kể từ khi lên nắm quyền tới nay, chính thủ tướng đã đẩy mạnh quá trình độc quyền hóa nền kinh tế bằng cách cho thành lập hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, thuộc về những ngành then chốt và nắm giữ nhiều nguồn lực nhất của đất nước. Thủ tướng giành quyền trực tiếp quản lý và bổ nhiệm lãnh đạo các tập đoàn này. Đây chính là cơ sở kinh tế hỗ trợ cực kỳ đắc lực của quyền lực chính trị của thủ tướng. Không phải ngẫu nhiên mà trải qua bao nhiêu “sóng gió chính trường”, vị thế của thủ tướng vẫn vững như bàn thạch. Chắc chắn nếu không có cơ sở kinh tế vững mạnh hỗ trợ thì thủ tướng không thể đạt được những “thành công rực rỡ” như vậy. Sau khi hàng loạt tập đoàn làm ăn thua lỗ thì thủ tướng chơi một nước bài rất “khôn” là cho giải thể hay giáng cấp những “con bệnh” như Vinashin, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng VNIC hay Tập đoàn đầu tư và phát triển nhà đô thị HUD… Điều này vừa giải tỏa bớt áp lực của dư luận, vừa bớt tiếng xấu cho thủ tướng và tất nhiên thủ tướng vẫn giữ lại những con gà đẻ trứng vàng khác như Petrolimex hay EVN để làm cơ sở cho quyền lực của mình. Trực tiếp quản lý và hưởng lợi lớn từ những tập đoàn có tính độc quyền cao thế này mà thủ tướng lại nói tới việc “xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp” thì ai mà tin cho nổi???

Một điều cần lưu ý là rất nhiều quan chức cao cấp trong các bộ ngành quản lý hiện nay ở Việt Nam đều có gốc gác từ lãnh đạo DNNN. Những lãnh đạo này qua quá trình làm ở DNNN tích lũy được nhiều tiền của, họ sẽ chạy lên các chức như vụ trưởng hoặc thứ trưởng, lúc đó có quyền lại tiếp tục tích lũy tiền của và dấn thân lên vị trí cao hơn, điển hình như Dương Chí Dũng, Thân Đức Nam hay Đinh La Thăng... Đương nhiên các quan chức này khi có quyền lực chính trị trong tay sẽ phải ưu ái phân bổ nguồn lực cho các doanh nghiệp cũ của mình và sẽ cố gắng tiếp tục bảo vệ lợi ích cho hệ thống cũ. Chừng nào Việt Nam chưa thay đổi được việc tuyển quan chức từ DNNN như hiện nay thì việc cải cách DNNN sẽ cực kỳ khó khăn vì tất nhiên cái hệ thống đó phải bảo vệ sự tồn tại và vận hành của nó.

Một trong những minh chứng cho thấy quyền lực của nhóm lợi ích DNNN đang mạnh lên là việc chính phủ tăng bội chi ngân sách khoảng 170 ngàn tỷ cho năm 2014 để tăng đầu tư mà chắc chắn phần lớn trong số này sẽ rơi và các DNNN cả ở trung ương và địa phương và quyền lực của nó tiếp tục được bảo vệ rất chắc chắn trong Hiến pháp 2013 với chế định “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Quyền lực của nhóm DNNN càng mạnh thì việc phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường của Việt Nam càng khó khăn.

Một xu hướng nguy hiểm nữa gần đây của nhóm lợi ích DNNN là họ cũng học tập các quan chức bằng cách đào tạo các “hạt giống đỏ” là con cháu của mình rồi đưa vào nắm những vị trí then chốt của doanh nghiệp, dần biến tài sản của nhà nước thành tài sản tư nhân. Ví dụ điển hình được báo chí nêu gần đây là ở Vietinbank khi con, cháu, con rể của chủ tịch Phạm Huy Hùng đều nắm những vị trí then chốt của ngân hàng dù tuổi đời còn rất trẻ.

3.  Nhóm lợi ích quan chức

Ngoại trừ một số ít tận tâm và trong sạch, đa số các quan chức hiện nay đều cố gắng bảo toàn vị trí và thu lợi nhanh nhất và nhiều nhất từ ghế của mình.

Một trong những vấn nạn lớn là chất lượng và đạo đức công vụ của nhóm lợi ích công chức ở Việt Nam ngày càng xuống dốc không phanh vì nạn mua quan bán chức nở rộ trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Trước đây lên vị trí cao chủ yếu là nhờ con ông cháu cha hay lý lịch thì giai đoạn sau này nạn mua bán chức quyền đã làm băng hoại ghê gớm hệ thống công chức ở Việt Nam. Hậu quả của nó tích tụ lại trong nhiều năm thể hiện rất rõ qua tình trạng tham nhũng tràn lan không kiểm soát nổi (để gỡ lại tiền chạy chức) và việc đưa ra hàng loạt các văn bản chính sách trên trời vì chất lượng cán bộ quá kém.

Trong Thông điệp có viết “Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ”.

Nghe thì rất hay nhưng tất nhiên nhóm lợi ích quan chức không thích điều này và sẽ chống lại nó tới cùng vì lợi ích của họ là bán được càng nhiều “ghế” càng tốt (nên nhớ không phải ngẫu nhiên mà các bộ ở Việt Nam hiện nay rất nhiều thứ trưởng, các vụ thì nhiều vụ phó hay các phòng có nhiều phó phòng). Bản thân thủ tướng cũng đâu có làm tấm gương tốt trong việc xây dựng một bộ máy công vụ có hiệu quả bằng việc bổ nhiệm thẳng con mình từ một anh hiệu phó lên thứ trưởng. Thượng bất chính hạ tắc loạn, học tập thủ tướng, rất nhiều con, cháu các lãnh đạo khác từ con Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh, con ông Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh và cựu ủy viên BCT Nguyễn Văn Chi ở Đà Nẵng, con trai và con rể Bí thư tỉnh ủy Hải Dương… cũng được bổ nhiệm vào các vị trí trọng yếu bất chấp mọi tiêu chuẩn do chính họ đề ra.

4.   Nhóm lợi ích công an

Đây là một nhóm lợi ích khá đặc biệt ở Việt Nam vì quyền lực của nó tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây. Trên thế giới, công an được lập ra để bảo vệ trật tự trị an của xã hội nhưng ở các thể chế toàn trị thì một trong những mục đích chính của nó lại là để bảo vệ chế độ. Ở Việt Nam vài năm gần đây, khi kinh tế suy thoái, lòng dân bất an thì khía cạnh “bảo vệ chế độ” (hãy nhớ khẩu hiệu nổi tiếng “Chỉ biết còn Đảng còn mình”) ngày càng được nhấn mạnh và nhóm lợi ích công an cũng lợi dụng điều này để tự làm cho mình ngày càng trở nên mạnh hơn và có vai trò quan trọng hơn.

Dù kinh tế suy thoái, ngân sách nhà nước hụt thu nhưng nhà nước càng ngày càng dành nhiều nguồn lực và ưu đãi cho lực lượng này (như con được đi học miễn phí (Vnexpress, 1/8/2013)) hoặc phong tướng tràn lan tới mức mà ông nghị Đỗ Văn Đương còn phải cảm khái mà thốt lên “Nhà văn, nhà báo, giám đốc thì phong tướng làm gì?” (Motthegioi, 28/10/2013) [5]. Công an Việt Nam ngày càng biến chất và có xu hướng trở nên một lực lượng “kiêu binh”, không biết sợ ai, biểu hiện rõ ràng qua việc sử dụng bạo lực tràn lan khiến nhiều dân thường bị thương tật hoặc chết. Công an cũng đứng hàng đầu trong những ngành tham nhũng trắng trợn, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông. Rất nhiều cán bộ cao cấp ngành công an có tài sản khổng lồ không cần giấu giếm (như Thiếu tướng Vũ Hùng Vương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm bị trộm vào nhà lấy 550 triệu đồng tiền mặt, 9 cây vàng 24K, 1,2 cây vàng tây cùng 1 đồng hồ, 1 dây bạc và một số ngoại tệ... với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng (Vietnamnet (17/2/2012)) [6].

Sự biến chất của lực lượng công an còn được thể hiện qua việc họ ngày càng cố khoác lên người ngày càng nhiều bằng cấp và học vị, có lẽ để giải tỏa mặc cảm “Vai u thịt bắp” mà người dân vẫn hay gán cho họ. Tác giả cũng không rõ trên thế giới có nước nào mà lãnh đạo ngành công an lại có nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ như ở Việt Nam hay không. Bộ trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang là GS.TS; trong 7 thứ trưởng hiện nay cũng có 4 người có học hàm học vị cao là: PGS.TS Tô Lâm, TS. Lê Quý Vương, PGS.TS Bùi Văn Nam, PGS. TS Trần Việt Tân. Chưa kể lãnh đạo các tổng cục hay cục trong Bộ CA cũng rất nhiều TS. Điều này cho thấy xu hướng thích bằng cấp trong ngành công an ngày càng lan rộng (ANTD, 25/10/2013).

Khi họ có quyền lực trong tay, để tăng cường quyền lực và ảnh hưởng, họ sẽ cố tạo ra bóng ma về sự “đe dọa” đối với chế độ hiện thời để thu hút được thêm nhiều nguồn lực và có thêm quyền lực. Ví dụ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (là lực lượng chuyên để chống biểu tình, bạo loạn) mới được thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2014 qui định CSCĐ sẽ được trang bị máy bay, tàu thủy và trao cho bộ trưởng Bộ Công An quyền cho phép bắn người biểu tình (Vnexpress, 23/12/2013). Có thể nói quyền lực của nhóm lợi ích công an càng lớn thì việc đổi mới sẽ càng khó khăn hơn vì lợi ích của nhóm này là duy trì bằng được hiện trạng xã hội hiện nay.

Trong Thông điệp có đề cao “dân chủ” và “pháp quyền”: “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc”. Lại một lần nữa cũng cần nhắc lại là thủ tướng nói vậy mà không phải vậy. Dưới thời thủ tướng Dũng, số vụ bắt bớ vì bất đồng chính kiến tăng lên đột biến. Nếu trước đây, chỉ những người tụ hợp thành tổ chức hoặc có liên quan tới yếu tố nước ngoài hay hải ngoại hay kêu gọi bạo động mới bị bắt thì thời gian gần đây ngay cả những người cố gắng đứng độc lập, phát biểu ý kiến ôn hòa và tự tin rằng mình không thể bị bắt vì vẫn tuân thủ đúng pháp luật cũng bị bắt như Cù Huy Hà Vũ, nhà báo Phạm Viết Đào hay Trương Duy Nhất. Ngay cả những vụ việc rất nhỏ bé như vụ Nguyễn Phương Uyên rải truyền đơn cũng bị làm rùm beng lên và ghép vào tội danh “khủng bố”. Những người phát tài liệu nhân quyền cũng bị ngăn cản và đánh đập[7].

Rõ ràng lực lượng công an sẽ có lợi nhất nếu đứng về phía Đảng, bảo vệ quyền lực cho Đảng để chống lại xu hướng dân chủ hóa và tất cả những vụ đàn áp ở trên đều có bàn tay tích cực của lực lượng công an và không thể loại trừ việc họ cố gắng làm trầm trọng hóa các vụ án để lấy thành tích và nâng cao vai trò của mình[8]. Đối với nhóm lợi ích công an, bảo vệ nguyên trạng thể chế hiện nay là điều sinh tử vừa vì lý do kinh tế vừa vì lý do an toàn vì kinh nghiệm cho thấy ở các nước hậu cộng sản, rất nhiều cán bộ an ninh phải ra tòa vì đã đàn áp người dân.

Trước thời thủ tướng Dũng, người ta hay nói tới phe “đổi mới” và phe “bảo thủ” trong lãnh đạo Việt Nam và các chính sách ở Việt Nam thường đi trên dây, tùy thuộc vào thời điểm đó quyền lực của phe nào mạnh hơn và nếu phe cải cách đưa ra được nhiều chính sách thì đất nước sẽ phát triển nhanh hơn. Hiện nay, Việt Nam lại đang ở một tình thế xui xẻo hơn nhiều. Không còn sự đấu tranh giữa “đổi mới” và “bảo thủ” mà đất nước lại đang là con tin của những nhóm lợi ích (xấu) có quyền lực rất lớn như đã kể ở trên được đại diện điển hình bởi TBT Trọng lú, nhà chính trị gà mờ, nhà thuyết giáo hạng bét và ông thủ tướng Dũng đẹp mã có mái tóc bồng bềnh, một nhà chính trị xuất sắc trong việc đấu đá, tạo vây cánh và duy trì quyền lực nhưng lại hết sức kém năng lực trong việc điều hành nền kinh tế và đất nước. Việt Nam có lẽ đang nằm ở một điểm cân bằng “chết”, tức là không có động lực cho sự đổi mới vì dù bất kể các nhóm này có thỏa hiệp thế nào thì hầu như các chính sách đưa ra đều rất “tồi” vì lợi ích của các nhóm này không phù hợp với lợi ích nói chung của nhân dân là xây dựng một nhà nước phồn vinh, dân chủ và tự do hơn cả trong kinh tế và chính trị.

Tóm lại, lịch sử đã cho thấy khi người lãnh đạo thực tâm muốn tiến hành những cải cách lớn cũng đã khó vì luôn có những nhóm lợi ích muốn chống lại cải cách để giữ nguyên trạng. Trong trường hợp Việt Nam hiện nay thì bản thân lãnh đạo, cụ thể là thủ tướng cũng không muốn cải cách lớn vì điều này chả mang lại lợi ích gì cho họ cả nên làm sao có thể mong đợi có những bước đột phá được. Nhiều ý tứ trong bản Thông điệp nghe có vẻ rất “tiến bộ” nhưng ngoài việc không muốn thực tâm thực hiện nó thì có nhiều lý do để tác giả tin rằng bản thân thủ tướng không đủ trình độ để làm và dù thủ tướng có thực sự muốn làm thì cũng không thể làm được vì những nhóm lợi ích (mà chính thủ tướng cũng có công rất lớn trong việc hình thành và củng cố nó) sẽ chống lại để bảo vệ cho lợi ích của mình. Theo tác giả, không nên phí công vô ích chờ đợi những điều không thể xảy ra tiếp sau bản Thông điệp hoa mỹ nhưng rỗng tuếch này.


 

[1] Tuy nhiên, họ không hiểu là nếu đất nước không phát triển được thì cái sổ hưu mà họ cố gắng bảo vệ bằng mọi cách đó có thể trở thành giấy lộn vào khoảng năm 2030 khi quỹ bảo hiểm xã hội bị vỡ do không còn tiền chi trả.
[2] Ví dụ là ở Việt Nam hầu như không được dịch sách về “Chính trị học” từ phương Tây. Một số quyển hiếm hoi được dịch thì đều phải đổi tựa để tránh chữ “dân chủ”. Chẳng hạn quyển sách kinh điển từ thế kỷ 19 của Alexis de Tocqueville “De la démocratie en Amérique” (Nền dân chủ tại Hoa Kỳ) khi in thành sách phải đổi thành “Nền dân trị Mỹ” hay mới nhất là quyển“Models of Democracy” (Các mô hình dân chủ) của David Held khi dịch sang tiếng Việt cũng phải đổi thành: “Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại”. Điều này cho thấy não trạng sợ “dân chủ” đã in quá sâu vào cán bộ nhà nước ở Việt Nam tới mức kỳ quái.
[3] Bước thụt lùi rõ nhất trong tư duy là trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992, chế định “Kinh tế nhà nước giữ chủ đạo” đã được đưa vào trong hiến pháp mới dù bản dự thảo không có. Dù sau đó nhà nước đã phải huy động nhiều “dư luận viên” cao cấp giải thích lòng vòng Kinh tế nhà nước không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà còn “bao quát toàn bộ cơ cở vật chất - kinh tế thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện và thống nhất quản lý dưới nhiều dạng, thậm chí những cấu thành của chúng không thể tính toán hết bằng tiền; thí dụ, giá trị đất đai, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, lòng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam” (Nhandan, 28/11/2013 ). Càng giải thích càng cho thấy sự vòng vo lòng vòng vì với cách giải thích như thế thì ở nước nào kinh tế nhà nước chả giữ vai trò chủ đạo? Ai cũng thừa hiểu ở Việt Nam, “KTNN” là đồng nghĩa với “DNNN” và khi “KTNN là chủ đạo” đã được ghi thẳng vào Hiến pháp như thế thì đừng mong có sự bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế vì nếu bình đẳng thực sự sẽ thành ra vi hiến! Một quốc gia vẫn quyết tâm đặt một thành phần kinh tế có năng suất thấp nhất, tham nhũng nhiều nhất làm chủ đạo, làm rường cột của nền kinh tế thì có thể thấy trước tương lai của nền kinh tế thế nào rồi. Cũng xin nói thêm một sự thực đáng buồn là đây là một lĩnh vực hiếm hoi ở Việt Nam mà “nói đi đôi với làm”. Tức là khi đã khẳng định sẽ ưu tiên khu vực DNNN thì nhà nước đã dành rất nhiều ưu đãi và đổ rất nhiều nguồn lực khan hiếm vào đây chứ không phải nói rồi để đó như nhiều việc khác.
[4] Quan điểm “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là quan điểm hoàn toàn không có cơ sở khoa học gì mà chỉ đơn thuần là từ ý muốn chủ quan của ông Lê Duẩn từ thời những năm 80. Một quan điểm xa lạ với thế giới hiện đại, chỉ xuất phát từ ý kiến cá nhân của một lãnh đạo bảo thủ cách đây đã gần 40 năm mà vẫn còn có sức sống dai dẳng như vậy ở Việt Nam thì cũng đủ hiểu tư duy của các nhà lãnh đạo hiện nay ở Việt Nam trì trệ và xơ cứng tới mức nào (tất nhiên là tư duy này đã tạo ra một hệ thống thu lợi từ nó bằng việc tham nhũng nên thay đổi nó càng khó hơn)
[5] Như bài trước (http://viet-studies.info/kinhte/TranNgan_BoNaoThapNhat.htm) đã dẫn số liệu thì chỉ trong 6 năm, từ 2007-2012, thủ tướng Dũng đã ký phong hàm cho tổng cộng là 201 thiếu tướng và 50 trung tướng ngành công an. Trong năm 2013 cũng có 2 đợt phong tướng công an nhưng báo chí công khai không đưa số liệu nữa có lẽ vì sợ bị phản ứng (theo tác giả được biết thì mỗi đợt cũng trên dưới 40 thiếu tướng được phong). Ngay cả vị đại tá Đỗ Hữu Ca đầy tai tiếng cũng được phong tướng.
[6] Công an ở Việt Nam có một điểm đặc biệt khác với quân đội là quân đội còn được một nguồn lực bổ sung rất lớn do giữ lại một hệ thống doanh nghiệp rất lớn và rất nhiều đất đai để kinh doanh hay cho thuê. Ngành công an hiện nay không còn các doanh nghiệp và cũng hầu như không có đất đai nên các cán bộ công an càng phải tăng cường “kiếm chác” dựa vào ghế của mình bằng việc bán chức quyền, tham nhũng hoặc bảo kê cho các doanh nghiệp sân sau.
[7] Một điểm đáng lưu ý như nhà báo Huy Đức có viết là những nhiều vụ bắt bớ hay trù dập báo chí gần đây đều có liên quan tới thủ tướng Dũng. Chẳng hạn ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt vì kiện thủ tướng, Trương Duy Nhất cũng có những bài chỉ trích trực tiếp thủ tướng, nhà báo Huy Đức và báo Sài gòn tiếp thị cũng bị gây khó khăn từ sau khi cho đăng bài “Chị Hai của thủ tướng”…
[8] Dù chế độ hiện nay đã tìm mọi cách để đánh bóng tình hình đất nước, kể cả bằng cách chính trị hóa các con số thống kê (đưa GDP bình quân đầu người năm 2013 lền gần 2000USD, cao hơn 23% so với năm 2012 bằng các thủ thuật thiếu minh bạch) nhưng họ vẫn cảm thấy bất an nên thời gian gần đây, nhà nước đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập chống bạo loạn, biểu tình trên khắp các địa phương từ Kiên Giang (Chinhphu,6/12/2013), Điện Biên (Vnplus,20/10/2012), Hà Nội (Thanhnien, 15/11/2013), Nghệ An (Vnexpress, 18/10/2013) , Đắk Nông (CAND, 16/10/2013), Lâm Đồng (Petrotimes, 10/12/2012)), Bình Phước (baobinhphuoc, 20/11/2013) ),... Thực ra ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay, rất khó có khả năng xảy ra những vụ bạo loạn hay biểu tình đông người kiểu này nhưng nhà nước vẫn rất lo lắng. Đây có thể là biểu hiện cho tâm lý sợ hãi và tất nhiên như đã nói ở trên, nó sẽ càng được nhóm lợi ích công an kích động lên để nâng cao vai trò của họ.

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-1-14

No comments:

Post a Comment