Pages

Tuesday, December 31, 2013

Nhân dân và Đảng - Hai bên bờ ảo vọng

Nhân dân và Đảng - Hai bên bờ ảo vọng


Đức Thành

Khi Đảng mới ra đời, các lãnh tụ tiền bối của Đảng đã biết lắng nghe hơi thở của dân tộc, nắm vững được những mạch nguồn trong lòng dân tộc nên Đảng đương nhiên trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng Việt Nam.

Giả sử rằng Đảng không đưa vấn đề người cày có ruộng trong đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam thời kháng Pháp đuổi Nhật giành chính quyền thì liệu dân tộc này có ai đi theo Đảng, làm cách mạng để Đảng có chỗ đứng như ngày hôm nay. Trong kháng chiến chống Mỹ, nếu chỉ vì mục tiêu dọn đường cho Đảng độc quyền lãnh đạo như ngày hôm nay thì liệu chúng ta có phải hi sinh oan uổng xương máu của mấy triệu đồng bào...?!

Trong hơn 80 năm ra đời và phát triển, Đảng gây ra bao nhiêu đau thương đau mất mát cho dân tộc. Những mất mát ấy là quá lớn. Cho dù Đảng có thực tâm giải quyết hậu quả do mình gây ra một cách nghiêm túc thì cũng không thể chỉ trong một vài năm mà xong.

Sự kiện thông qua Hiến pháp 2013 cho thấy ngay đó là bản hiến pháp của hai bờ ảo vọng mà một bên do Đảng cầm quyền đang cố gắng chằng néo những gì thối nát nhất mà mình đã gây ra cho dân tộc này và bờ bên kia của ảo vọng là sự mơ tưởng về một dân tộc được dân chủ, mọi người đều bình đẳng trước những vấn đề lớn nhỏ của đất nước.

Ở bờ ảo vọng phía nhân dân cũng còn những con người đang mắc vào siêu ảo vọng đến mức hoang tưởng: họ kỳ vọng vào sự tự sửa chữa lỗi lầm của Đảng để cho Đảng lấy lại được uy tín và niềm tin trong dân chúng như tự ngày xưa.

Chúng ta đã thấy rất rõ rằng chẳng hề có biện pháp nào khả dĩ để Đảng chứng minh cho dân tộc này thấy được Đảng đang muốn lấy lại uy tín của mình trước chiến tranh. Trái lại, ai cũng thấy đảng đang cố bằng mọi giá để độc quyền lãnh đạo.

Hãy xem xét các khía cạnh dưới đây thì thấy rõ!
Khía cạnh con người

Hiện nay trong Đảng (phe trong Đảng) có được bao nhiêu đảng viên, cán bộ cốt cán có tài đức như Chủ tịch Hồ Chí Minh, như đại tướngVõ Nguyên Gíap thời giành chính quyền và kháng chiến cứu quốc? Gần hơn có bao nhiêu con người đảng viên còn nặng lòng với người dân, dám xả thân vì nhân dân như ông Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc? Chừng nào những câu hỏi này không được các đảng viên và nhân dân chất vấn đảng cầm quyền thì chừng đó không thể và không có lý do gì để hy vọng, kỳ vọng.

Về phía ngoài Đảng (phe ngoài Đảng) ngày càng đông đảo những con người dám dấn thân thậm chí ngục tù không khuất phục được họ. Trong đó có những đảng viên dám từ bỏ mọi đặc quyền trong Đảng để quay về với nhân dân, sống cùng nhân dân, nói, suy nghĩ cùng nhân dân.

Khía cạnh Quốc tế

Sẽ chẳng bao giờ còn những tổ chức như Quốc tế cộng sản thời thế chiến thứ hai đủ mạnh và tồn tại làm chỗ dựa cho những cái đầu hoang tưởng về sự thành công của mấy nước có gắn hai chữ “CỘNG SẢN”. Đó là điều không tưởng, cho dù ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước ấy lại được những ông “giáo sư tiến sĩ lý luận CỘNG SẢN” gắn cho những cái đuôi mới như kiểu “định hướng xã hội chủ nghĩa” xuất hiện vào thời kỳ kiệt quệ nhất của chủ nghĩa xã hội mà người ta quen gọi là thời kỳ đổi mới. Điều đó chỉ càng làm cho đích đến với chủ nghĩa xã hội càng trở nên mù mịt và xa vời mà thôi.

Từ hơn 60 năm nay dưới chính thể cộng hòa do Đảng tự nhận, tự cho quyền mình lãnh đạo, biết bao thế hệ người Việt Nam bị Đảng nhồi nhét về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản nhưng vào cuối những năm 80 của ngay thế kỷ 20, tại cái nôi, thành trì của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội người ta vứt vào sọt rác lịch sử cái mớ lý luận về cộng sản, về chủ nghĩa xã hội một cách không thương tiếc. Đã qua mấy chục năm, có đến gần một phần ba thế kỷ ở những nước một thời chờ đợi sự “giãy chết” ấy xin được học cách giãy chết kiểu chủ nghĩa tư bản mà vẫn chưa nước nào học được thì liệu chúng ta có còn tin hoặc bắt các thế hệ dân tộc chúng ta tin vào thứ chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản đang bắt dân phải theo?!

Mà ngay chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không tin: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Có nghịch lý không, khi ngày nay tất cả các nước còn mang danh xã hội chủ nghĩa, đều ra sức mời gọi những tập đoàn tư bản nước ngoài đang giãy chết đổ tiền, đổ của, tập trung trí tuệ tư bản vào nước họ. Không lẽ mời những tập đoàn tư bản đó xây dựng chủ nghĩa tư bản trên đất của chủ nghĩa xã hội? Còn nói mời những tập đoàn tư bản này xây dựng chủ xã hội cho những nước cộng sản thì còn kỳ dị hơn!

Khía cạnh kỳ thị phân biệt đối xử

Nhận thức rõ hơn về các thây ma trong lịch sử nhân loại như nước Đức Quốc Xã mà nguyên nghĩa của nó chính là “xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức” do đảng phát-xít của Hitler độc quyền thao túng đã gây nên thảm họa diệt chủng chưa từng có trong xã hội loài người, như bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary do Đảng Cộng sản Khmer lãnh đạo (Khmer đỏ), nhân loại tiến bộ ghê tởm và dè chừng hơn với những cái chủ nghĩa đại loại tương tự như vậy. Và không phải ngẫu nhiên mà nhà nước và nhân dân Mỹ lại bỏ tiền xây dựng tượng đài kỷ niệm những nạn nhân cộng sản.
Trong những nhà nước đa đảng thì sự dân chủ làm đầu, ở đó mọi giai tầng xã hội vẫn được bảo đảm và phát triển rất phong phú. Đảng phái nào muốn được người dân lựa chọn thì đều phải biết lấy lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia đó làm trọng. Trong nhiệm kỳ của mình nếu không đáp ứng được kỳ vọng của người dân, của cử tri thì người dân, các tổ chức đảng phái khác có quyền phê phán và đưa ra cương lĩnh tranh cử tiến bộ, phù hợp với hiện tình đất nước hơn. Ở Việt Nam ta thì chưa bao giờ được như thế.

Sự phân biệt đối xử tại Việt Nam còn được thể hiện ở chỗ là người dân cho dù có uy tín đến mấy, có tài cán, đức độ đến mấy nhưng không vào Đảng hoặc không được Đảng cơ cấu thì chỉ là cái gai của các đảng viên và các tổ chức Đảng. Những người đó cho dù không bị Đảng cầm tù thì cũng bị phân biệt đối xử trở thành phần tử xấu bị theo dõi thậm chí bị triệt hại về công ăn việc làm, danh dự và gia đình, v.v.

Vĩ thanh

Ở một đất nước mà chỉ vì một thứ lý luận suông đã gây không biết bao thảm cảnh cho dân tộc. Cái mớ lý luận ấy ngày nay chỉ có lợi cho một nhúm người và tạo sự đắc lợi cho một kẻ thù truyền kiếp chưa bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược tổ quốc chúng ta. Đương nhiên nhân dân của đất nước còn dài đau khổ!

Chỉ có điều dân tộc ấy luôn luôn có những người con ưu tú nhất. Những con người ưu tú này đang bằng trí tuệ của mình, sự dấn thân của mình, bằng những hành động việc làm cụ thể, thức tỉnh bản lĩnh con người Việt Nam, không sợ cường quyền áp bức.

Đ. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

No comments:

Post a Comment