Pages

Tuesday, November 19, 2013

TỪ KHỔNG TỬ ĐẾN TỔNG KHỬ

TỪ KHỔNG TỬ ĐẾN TỔNG KHỬ

Lý Thoát Trung

Việc Trung Quốc lập giải Khổng Tử về Hòa bình, còn mở Viện Khổng Tử ở khắp nơi, thoạt nghe là một nghịch lý. Đây là một nhân vật, sau mấy mươi thế kỷ được tôn sùng, rồi một thời bị đánh tan hoang, sao bây giờ bỗng dưng lại được phục hồi để xuất khẩu[1]? Khổng giáo có nội dung gì đặc biệt mà chỉ nay Đảng với Nhà nước Trung Quốc mới khám phá ra chăng?
Để tìm hiểu một cách súc tích nhất có thể, tôi lôi quyển Cổ học Tinh hoa – thực chất là Khổng học tinh hoa, từ lâu đã bị bỏ xó!) – ra đọc, thì bắt gặp câu chuyện sau đây, do ông Liệt Tử nào đó kể lại[2].
Đức Khổng Tử đi chơi ra phía đông, thấy hai đứa bé cãi nhau, hỏi tại làm sao, thì một đứa nói rằng: — “Tôi, thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở gần ta hơn, về buổi trưa ở xa ta hơn”. Còn một đứa nói: — “Tôi, thì tôi cho rằng mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, về buổi trưa ở gần ta hơn”.
Đứa trước cãi: — “Mặt trời lúc mới mọc to như cái bánh xe, đến giữa trưa nhỏ như cái bát ăn, thế chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?”.  Đứa sau cãi: — “Lúc mặt trời mới mọc thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng nực, thế chẳng phải tại gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì?”
Đức Khổng Tử nghe nói, không giải quyết được làm sao. Hai đứa bé cười, bảo: — “Thế thì cho ông là người đa trí thế nào được!”.
Người bàn câu chuyện trên không phải là ông Liệt Tử, và coi bộ cái đầu chưa hề liệt. Ông bênh cụ Khổng như sau: “Nhưng ở vào cái đời ông Khổng, khoa học chưa có mấy, thì xem hai đứa bé suy lý với nhau, đứa nào cũng phải, khó lòng mà quyết định được thật. Vả lại người thông minh, thánh thiện đến đâu cũng không sao biết cho hết mọi sự vật được. Vì rằng đời người sống có hạn, mà sự tri thức thì mông mênh không bờ bến nào!”. Đúng và hay quá.
Điều còn làm tôi băn khoăn là, dù chưa có điều kiện giải quyết như hai đứa bé, tại sao cụ Khổng lại chưa bao giờ tự đặt được cho mình loại thắc mắc như của hai đứa bé kia nhỉ? Có phải vì, trong bậc thang giá trị (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) của cái đạo đặt theo tên cụ, chữ trí chỉ đứng vào hàng áp chót chăng? Nếu thế thì cụ có đủ lý do để không là bậc đa trí — chẳng biết có thể gọi là bậc đơn trí haythiểu trí được chăng? Mặt khác, nếu hai đứa bé cứ trông thấy Khổng Tử hay nghe danh cụ đã khúm núm, chẳng dám hó hé gì, thì liệu chúng có thể phát hiện ra mặt hạn chế nơi cái trí của cụ chăng? May mà chúng chưa bị kẹt vào cái cơ chế mang tên cụ “tiên học lễ”, hậu học… vấn!
Trở lại với lời bình. Nếu nói như ông thầy bàn ở trên, thì cụ là bậc thánh thiện mà cái trí đã phần nào bị chữ nhân hướng về cách ứng xử giữa con người với nhau — thứ đời sau gọi là luân lý — giới hạn và lèo lái. Cho nên muốn hiểu thấu đáo cái trí của người Trung Quốc, cả thời xưa lẫn thời nay, thì theo tôi không gì bằng xem việc áp dụng nó vào các vấn đề con người, không phải trong chữ nghĩa lý thuyết mà trong hiện thực.
Ở đây, còn gì rõ ràng hơn là cách nửa này (nửa giống đực) của người Đại Hán thấm nhuần Khổng học đối xử với nửa kia (nửa giống cái) trong lịch sử? Các đấng nam nhi và đức ông chồng (không phải thằng) đã giữ bọn nữ nhi và thê thiếp như thế nào để chúng không tháo chạy? Trong muôn ngàn biện pháp, họ đã nghĩ ra cách tinh tế nhất: tặng cho nửa kia đôi giày sen gót ngọc.

Vì không nơi đâu khác có được một Khổng Tử thứ hai, cũng không ở đâu khác có thể nghĩ ra cách giữ chân này, tôi tin rằng  đây là chính là hai biểu trưng không thể tách rời của nền văn minh Trung Hoa vĩ đại. Nói đến cụ Khổng Tử ắt phải liên tưởng đến đôi giày sen; trông thấy đôi giày sen ắt phải nhìn ra cụ Khổng, hay nói theo ngôn ngữ bây giờ, “khủng” Khổng.
*
Viết đến đây tôi chợt thấy bồn chồn, tự hỏi “Viết thế này có hơi oan cho cụ Khổng, vì sơ sài quá không?”. Có lẽ cần đào sâu hơn chữnhân và chữ trí trong đạo Khổng, nếu không được ở tầm vị sư tổ thì ít ra cũng phải ở cỡ các sư phụ đệ tử của Ngài. Thế là lại phải mò mẫm lật từng trang sách cũ để tìm tòi thêm, cuối cùng rơi vào một câu chuyện tinh hoa khác, ký tên Gia Ngữ[3]. Nó như sau :
Thầy Tử Lộ yết kiến Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử hỏi: — “Thế nào là người trí, thế nào là người nhân?”. Thầy Tử Lộ thưa: —“Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình; người nhân là người làm thế nào để cho người ta yêu mình”. Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học vấn”.
Thầy Tử Lộ ra, thầy Tử Cống vào. Đức Khổng Tử lại hỏi người trí, người nhân là thế nào? Thầy Tử Cống thưa: — “Người trí là người biết người; người nhân là người yêu người”. Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học vấn”.
Thầy Tử Cống ra, thầy Nhan Hồi vào. Đức Khổng Tử lại đem trí, nhân ra hỏi. Thầy Nhan Hồi thưa: — “Người trí là người tự biết mình; người nhân là người tự yêu mình”. Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy đáng gọi là bậc sĩ quân tử”.
Nếu đây là một cuộc sát hạch, thì thầy Nhan Hồi đỗ đầu, thầy Tử Cống đứng nhì, còn thầy Tử Lộ về bét. Cũng thời là hỏi đáp, song khác với cái ông Socrate xứ Athènes kia (người không bao giờ tự vỗ ngực xưng là sư phụ mà luôn luôn giả làm anh học trò dốt để nghe kẻ tưởng mình hiểu biết phát biểu), ở đây cụ Khổng chễm chệ trong vai sư tổ, không hề ban phát lời vàng ngọc nào mà chỉ gật gù đánh giá ba ông đệ tử cũng vào bậc thầy. Nhưng căn cứ vào lời phán, có thể đoán rằng quan điểm về nhân và trí ở  cấp “vạn thế sư biểu” chắc cũng na ná như ở cấp “sĩ quân tử” thôi. Người bàn giải thích thêm: “Có biết mình thì mới tu tỉnh được tâm thân, cải quá thiên thiện mà nên người hay, người khá, tức cũng như câu “Connais toi toi-même” của Tô-lạp-thị (cha nào vậy ta?). Có yêu mình, thì mới biết trọng tư cách của mình, quý phẩm giá của mình rồi mới ra đến thân nhân dân, ái vật, tức cũng như câu tục ngữ Pháp “la charité bien ordonnée commence par soi-même”.
Nghe cũng hay quá. Nhưng muốn biết giá trị của cây trồng, thì phải nhìn vào hoa trái. Khổng giáo đã để lại trong lịch sử và trong hiện tình Trung Quốc những con người như thế nào, về nhân và trí? Tôi ngờ rằng tầng lớp tinh hoa của Trung Quốc – tôi nói chủ yếu trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế[4] – đã đạt được trình độ của thầy Nhan Hồi hay thầy Tử Cống, nhất là trong các nghĩa mà ông thầy bàn ở trên đã giải minh.
Về chữ nhân, tôi e rằng họ sống rất “yêu mình”, song theo một nghĩa thô bạo hơn của thầy Nhan Hồi nhiều, là làm sao cho bản thân giàu hơn, sướng hơn, khỏe hơn: bằng sự băng đầu, bịt mắt, che tai dân chúng; bằng nạn cửa quyền, tham nhũng; bằng những hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái không trả tác quyền cho người nước ngoài; bằng các bộ phận trộm hoặc cướp từ thân thể kẻ túng quẫn hay tù tội… – dù chúng gây thiệt hại, có khi là chết chóc cho kẻ khác, kể cả trẻ sơ sinh. Mà như thế thì cũng đâu có thể xem là “yêu người” theo nghĩa của thầy Tử Cống được?
Về chữ trí cũng thế. Chỉ cần nhìn thẳng vào trường hợp Khổng Tử, sẽ thấy ngay trình độ “biết mình” kiểu thầy Nhan Hồi ở các giới tinh hoa Trung Quốc: cũng một ông triết gia ấy thôi mà cả nước, lúc xì xụp cầu lạy, lúc ầm ĩ vùi chôn, sau lại xí xồ khai quật, rồi cuối cùng công kênh inh ỏi làm biểu tượng văn hóa chính thống! Họ có thực sự tự biết mình đã và đang nghĩ gì, làm gì chăng? Còn hiểu theo khả năng “biết người” kiểu thầy Tử Cống thì sao? Ở đây, chính sách tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải bằng thủ đoạn hù dọa nước nhỏ, khiêu khích nước lớn, đã khởi động cả một cuộc chạy đua vũ trang ở Thái Bình Dương, kéo Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á trong sự hân hoan cổ vũ của các quốc gia trong vùng, và tạo ra nhiều liên minh chống bành trướng Trung Quốc. Cái danh nghĩa “trỗi dậy hòa bình” bỗng đột quỵ, lò ra cái đuôi cáo đế quốc trá hình. Đánh giá địch thủ sai quá đỗi như thế mà xem là có trí được ư?
Nhiều lắm cái trí nói đây chỉ thích hợp với trình độ thầy Tử Lộ. Người trí là kẻ “làm cho người ta biết mình”. Và tôi tin rằng theo nghĩa này, số lượng người trí của Trung Quốc cao vô kể. Cả thế giới đều biết họ rất thân thuộc với cái ác: ác ngay cả với kẻ đồng hương, kể cả trẻ sơ sinh (vì chính sách một con, bao nhiêu triệu con gái mới đẻ đã bị hy sinh để chỗ chờ con trai?, bao nhiêu trẻ sơ sinh đã chết vì uống sữa made in China?...); ác với súc vật (xưa Từ Hi đập đầu khỉ múc óc đãi khách; nay ở nhiều quán ăn, thực khách chỉ cần chỉ vào mảng thịt nào của con bò đang còn sống, thì đầu bếp sẽ xẻo mảnh thịt ấy ra nấu nướng phục vụ!). Cả thế giới đều biết họ rất giỏi làm đồ giả và đồ nhái, không cần phải nhắc lại dài dòng. Nhưng có lần tôi khen “người Trung Quốc giỏi quá, cái gì họ cũng làm giả được, từ màng trinh đàn bà, đến tiền, thức ăn, máy tính và vàng!”; một cậu bé bướng bỉnh chỉnh tôi ngay: “Không đúng đâu bố; họ đâu có giả nhân, giả nghĩa được!”. Cho nên tôi chỉ sợ rằng, khi “làm cho người ta biết mình” kiểu đó, thì làm sao giới tinh hoa Trung Quốc cháu chắt cụ Khổng có thể đồng thời “làm cho người ta yêu mình” nổi?
*
Việc thành lập Viện Khổng Tử ở khắp nơi biểu thị cái ý muốn “làm thế nào để cho người ta biết mình, làm thế nào để cho người ta yêu mình” ấy, gọi đích danh ra là tuyên truyền chính trị. Và tất nhiên ai cũng biết quan hệ của nó với bộ máy chính quyền Trung Quốc[5], nên cũng đều thừa hiểu cái bản chất hai mặt của nó.
Trong một bài phỏng vấn trên RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội, đã nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn từ Viện Khổng Tử sẽ được thành lập ở Việt Nam như sau:
Chúng tôi rất lo lắng bởi vì Viện Khổng Tử này chắc chắn không phải được lập nên để tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học hay cuộc đời và sự nghiệp của Khổng Tử, cũng như về Nho học : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Tam Tòng Tứ Đức... Thực chất đây sẽ là một trung tâm văn hóa và ngôn ngữ, nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Quốc: thi ca, âm nhạc, ẩm thực, trà đạo..., và sẽ có những giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc. Đằng sau đó luôn là những hoạt động tư vấn về du học, tức là kéo thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc du học ngày càng nhiều. Đây cũng sẽ là trung tâm dạy Trung văn, tức là tiếng Hoa. Đó là những hoạt động bề nổi, còn đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về mặt văn hóa và tư tưởng, về một nước Trung Hoa hiện đại. Chính vì vậy nhiều nhà quan sát cho rằng việc thành lập Viện Khổng Tử chính là một sự thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc, hoặc có người gay gắt hơn thì nói rằng đấy là bước đầu đặt cơ sở cho việc bành trướng văn hóa”.
Ông Diện nói đúng quá. Từ vài năm nay, bước vào một hiệu  sách ở Saigon, ta có thể thấy nhiều của “lạ”:
Về chính trị, bên cạnh tiểu sử các nhà lãnh đạo Việt Nam, có không ít sách về các nhân vật lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc (Nxb Chính trị). Thôi thì cứ cho đấy là chuyện ngoại giao! Nhưng ở các kệ sách tổng quát, đã xuất hiện một số sách dịch mới, mang tính giáo dục tuyên truyền rất lộ liễu về Trung Quốc đương thời, với đủ các mặt: Quốc phòng, Xã hội, Dân tộc và tôn giáo, Lịch sử, Chế độ chính trị, Địa lý, Văn hóa, Khoa học kỹ thuật và giáo dục, Ngoại giao, Pháp luật, Kinh tế, Môi trường, Vườn cảnh, Gốm sứ, Truyền thuyết thần thoại, Rượu, Thủ công mỹ nghệ truyền thống, Lễ Tết, Đồ nội thất, Ẩm thực, Phục sức, Hí kịch…(Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh xuất bản, Nxb Truyền bá Ngũ châu phát hành).
Về văn hóa, ngoài loại sách vẫn thấy từ thời trước về triết học (Khổng, Mạnh, Lão, Trang…), và văn học (Tây Du, Thủy Hử, Tam Quốc…), một loại sách nặng tính “xâm lăng văn hóa” cũng đã ló mặt, để ca ngợi cái trí của người Trung Quốc, như Mưu trí thời Tần Hán, Mưu trí thời Tùy Đường, Mưu trí thời Liêu Kim Hạ, Mưu trí thời Nguyên Minh, Mưu trí thời nhà Thanh, Mưu trí thời Xuân Thu, Mưu trí thời Chiến Quốc Thất Hùng[6] (Nxb Văn học), hoặc các danh nhân  Trung Quốc, như 12 Đại Thừa tướng, 12 Đại Mưu lược gia, 12 Đại Hoạn quan, 12 Đại Tham quan, 12 Người đẹp Trung Hoa(Nxb Văn hóa Thông tin)[7].  
Trong bối cảnh này, việc thành lập Viện Khổng Tử có thể sẽ trở thành bộ não của những hoạt động xâm nhập văn hóa mà Trung Quốc xem là “chưa được hệ thống hóa đúng mức” ở Việt Nam. Hoạt động của nó sẽ không chỉ giới hạn vào việc dạy ngôn ngữ và thông tin một chiều có lợi cho Trung Quốc như ở các nước Phi châu chẳng hạn. Nếu ở nơi sinh thành, Khổng Tử được phục hồi với ý đồ vuốt ve tự ái dân tộc (TA cũng có một hiền giả tầm cỡ nhân loại như ai!) và tạo thêm một chân đứng cho chủ nghĩa toàn trị (hệ thống độc đảng kiểu Lênin sẽ được hỗ trợ bởi truyền thống không có gì quý hơn phục tùng, trật tự và không có gì đáng sợ hơn phản biện, phê phán của vị vạn thế sư biểu), thì ở nơi từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, chắc chắn là cái ý đồ thứ hai cũng sẽ được tiếp đón bởi tập đoàn toàn trị trong niềm hân hoan, nếu không phải là lòng biết ơn sâu sắc!
Nhưng nhân dân Việt Nam thì khác. Từng xem Khổng Tử là đầu mối của họa mất nước trong thế kỷ thứ XIX, họ không có lý do gì ăn lại cái món họ đã nhổ ra, nhất là khi nó biểu thị một cái họa Bắc thuộc khác. Họ thừa biết có cái gọi là “lý thuyết”, và có cái gọi là “hiện thực” trong các giá trị nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của văn minh Trung Quốc. Người Việt thừa sức thấy rằng, trong thế kỷ thứ XXI sCn này, chẳng có gì là đáng học thêm ở đạo Khổng, ngay cả ở cái phiên bản chân chính nhất của nó. Họ thừa thấy là, từ xưa tới nay, cái chữ trí ở người Trung quốc luôn luôn đi đôi với chữ mưu (như ở các tựa sách nói trên). Cho nên dân Việt đã kết luận, một lần dứt khoát: kẻ gọi là“đối tác chiến lược toàn diện ưu tiên” này chẳng dạy ta được gì cả, bởi vì cái trí của nó chưa bao giờ là trí huệ hay trí tuệ hết cả, mà vẫn muôn đời là trí trá.
Hãy khiến cho cái Viện Khổng Tử vừa được quyết định thành lập ở Việt Nam này – một mảng quan trọng của quyển Mưu trí thời Đặng Tập – cái số phận khôi hài của Giải Khổng Tử về Hòa bình[8]. Hãy làm cho thứ quyền lực mềm này thành quyền lực nhão. Hãy làm cho nó hiện nguyên hình là một hình thức bịt đầu kiểu “giày sen gót ngọc” xưa kia. Sang thăm Pháp, tôi được xem cảnh quay một lớp đào tạo cán bộ ở Bắc Kinh, trong một phim tài liệu mang tựa là Những giới hạn của quyền lực mềm: các học viên lo ngại rằng loại Viện Khổng Tử danh nghĩa (bởi đâu thể đặt tên là Viện Mao Trạch Đông!), song song với sự đề cập đến Trung Quốc kiểu nện dùi cui vào đầu này, sẽ làm cho người nước ngoài tò mò hơn, tìm hiểu thêm về hiện tình nội bộ Trung Quốc, thì “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” chỉ có nước độn thổ.
Có một thời để báo động, và một thời để hành động. Rõ ràng là hai bộ máy toàn trị đã lùi thêm một bước nữa về quá khứ: thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, bỗng chuyển sang từ trần, nhường chỗ cho thời kỳ kinh tế thị trường “với định hướng xã hội chủ nghĩa”, rồi bây giờ là thời kỳ chính trị phong kiến “với định hướng xã hội chủ nghĩa”! Không lừa được bằng tương lai huyễn hoặc, thì bịp bằng truyền thống  “kính lão đắc thọ”. Có điều người dân Việt Nam đã quá hiểu, cả cái hủ lậu nọ, cái hão huyền kia, lẫn chiếc cầu tiếp nối hai bờ đó. Họ thừa biết rằng, để thoát khỏi sự tăm tối của đất nước và con người Việt Nam hôm nay, ta cần phải đạp đổ tật cả mọi thứ tàn dư và mộng mị – nghĩa là làm một cuộc tổng vệ sinh. Hãy biến cái Viện Khổng Tử đang thành hình thành một đích nhắm cho chiến thuật “một mũi tên hai thành quả”. Vài thanh niên đã “dậy mà đi”. Và ông lão nhà bên đã đủ lạc quan để ư ử ngân nga một bài vè con cóc: “Viện Khổng Tử ra đời, Điềm tổng khử đã tới, Bắt đầu khử Tổng thôi!”. Tôi ghi lại để mọi người cùng suy ngẫm.


 
[1] Khổng Tử sống giữa thế kỷ thứ VI và thứ V (551-479) tCn. Do đó, có thể xem như ảnh hưởng của ông trên văn hóa Trung Quốc đã kéo dài từ thế kỷ thứ V tCn cho đến thế kỷ thứ XIX sCn (khoảng 24 thế kỷ), khi Trung Quốc thất thế nhục nhã trước phương Tây. Từ lúc đó, văn hóa Khổng giáo bị xem là nguyên do của sự suy đồi của Trung Quốc, tư tưởng của ông còn bị đánh tơi bời trong cái gọi là cuộc “đại cách mạng văn hóa vô sản” thời Mao Trạch Đông (1966-1969), nhất là trong các năm 1971-1974.
Quá trình  phục hồi Khổng Tử được xem như bắt đầu khoảng cuối thập niên 1980 – khi chân dung của 4 ông râu xồm nước ngoài (Marx, Engels, Lenin, Stalin) tại Thiên An Môn bỗng dưng bay mất, rồi sau được thay thế bằng pho tượng Khổng Tử cao 9 thước, đặt bên trái song cách khá xa chân dung của Mao Trạch Đông chễm chệ trên cổng vào quảng trường – và kết thúc năm 2011, khi tờ Nhân dân Nhật báo trích dẫn câu tuyên bố ngắn ngủi sau của một vị lãnh đạo ĐCSTQ (không nêu tên): “Khổng Tử là biểu tượng của nền văn hóa Trung Quốc”.
Giải thưởng Khổng Tử về hòa bình được đặt ra vào năm 2010, với một phần thưởng khoảng 11000 euros, trong tham vọng thay thếgiải Nobel về hòa bình. Còn về Viện Khổng Tử, tính đến tháng 7-2013, đã có khoảng 327 cái được thành lập ở hơn 90 quốc gia và khu vực trên thế giới. 
[2]  Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân. Cổ học Tinh hoa. Hà Nội, 1925. Q. I, tr. 40-42. Đây là hai quyển sách chỉ tập trung giới thiệu tư tưởng của nhà nho, do đó, nếu đặt tên là Khổng học Tinh hoa có lẽ sẽ chính danh hơn nữa.
[3]  Cũng sách trên, tr. 126-127.
[4]  Tôi không nói về văn hóa và khoa học, vì không nắm được tình hình bên trong. Bên ngoài, vẫn có những người gốc Trung Quốc đoạt được các giải thưởng cao quý. Nhưng có lẽ họ chỉ mắc nợ hệ thống giáo dục và không khí văn hóa của nơi họ định cư mà thôi; gán cho Khổng Tử loại thành tích này thực sự là vu khống cụ.
[5] Các Viện Khổng Tử được thiết lập theo mô hình đối tác (liên kết Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung gọi tắt là Hán Ban, một trường Đại học Trung Quốc, và một trường Đại học nước ngoài), song tất cả đều được quản lý bởi Hán Ban (tổ chức quần chúng phi lợi nhuận, do một nhóm người xuất thân từ Hội đồng Nhà nước, Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá Trung Quốc điều khiển).  
[6] Ở đây,  hãy so sánh với các tên sách về cái trí ở những nơi khác: Trí tuệ Ả Rập, Trí tuệ nước Mỹ, Trí tuệ nước Pháp … (Nxb Thời đại).
[7] Tình hình sách báo này, tôi thực tình thấy đáng báo động, mặc dù so với lượng sách về thế giới nói chung, số sách về Trung Quốc cũng chưa lấy gì làm vĩ đại lắm. Ông chủ tiệm sách còn ranh mãnh đặt đối diện với các kệ sách trên (không thấy bao nhiêu người viếng mua) loạt sách Danh nhân Lịch sử Việt Nam với bao anh hùng, anh thư nổi tiếng, cùng các loại sách đối trọng khác, cũng có đủ bộ hoạn quan, tham quan và người đẹp bản xứ chứ chẳng thua kém gì.  
[8] Giải Khổng Tử về Hòa bình được đặt dưới sự quản lý của Hiệp hội Nghệ thuật Bản xứ Trung Quốc, với một ban giám khảo gồm có một đại tá Quân đội Giải phóng, một ký giả Nhân dân Nhật báo và một thủ lĩnh của trường đảng. Hiệp hội này bị Nhà nước  đình chỉ và thay thế bằng Trung tâm Nghiên cứu về Hòa bình của Trung Quốc vào năm 2011. Giải thưởng đã được trao cho: Lien Chan năm 2010 (Phó tổng thống Cộng hòa Trung Hoa, ông này không đến nhận), Vladimir Putin năm 2011 (qua một phát ngôn nhân, Putin cho biết ông không hay biết gì về giải thưởng này!), Kofi Annan và nhà nông học Yuan Longping năm 2012.
Vì Giải Khổng Tử về Hòa bình được đặt ra khi Liu Xiaobo được trao tặng Giải Nobel về Hòa bình năm 2010, tờ The Economist đã so sánh nó, rất chính đáng, với Giải thưởng Quốc gia Đức về Nghệ thuật và Khoa học (do đảng Quốc Xã Đức đặt ra, sau khi cấm Carl Von Ossietzky nhận giải Nobel về Hòa bình năm 1935) và Giải Stalin về Hòa bình (sau đổi tên thành Giải Lenin về Hòa bình, do Liên Xô đặt ra cũng sau khi cấm Andrei Sakharov nhận Giải Nobel về Hòa bình năm 1975). Ôi, vinh quang!

 Viet-studies nhận được bài vào ngày 18-11-13

No comments:

Post a Comment