Pages

Friday, November 1, 2013

Cảnh báo về tài phiệt

BY CHRISTIAN CARYL
Foreign Policy (24/10/ 2013)

Những tay giàu có nhem nhúa đang trở thành những tên độc tài mới của thế kỉ 21 bằng cách nào.


Đầu tháng này, ngân hàng đầu tư tín dụng Thuỵ Sĩ (investment bank Credit Suisse) công bố khảo sát hàng năm về của cải toàn cầu. Báo cáo của ngân hàng đầy các phát hiện sáng tỏ, nhưngcó một phát hiện đã đặc biệt thu hút sự chú ý của tôi. Phát hiện đó liên quan tới việc phân bố tài sản ở Nga, ở đó, như báo cáo lưu ý, một nhúm  chỉ 110 người sở hữu một tỉ lệ khó tin là 35 % toàn bộ của cải của đất nước này. Đồng thời 93,7 % người Nga có tài sản trị giá $ 10 000 hoặc ít hơn.

Như báo cáo này lưu ý, điều này làm cho Nga thành nước có sự chênh lệch về tài sản lớn nhất trên thế giới. Người Mĩ, đang ngày càng lo ngại về sự bất bình đẳng sâu thêm ở đất nước của mình, có thể tìm kiếm sự an ủi từ kết luận u ám này. Thậm chí trong hoàn cảnh hiện tại, sự giàu có ở Hoa Kì vẫn còn trải ra đồng đều hơn nhiều so với sự chênh lệch đó (như so sánh này cho thấy). Sự việc đã có thể tồi tệ hơn, đúng không?

Vâng, có thể như thế. Nhưng tôi thấy có ít lí do để hân hoan. Nga chỉ là trường hợp cực đoan nhất của một xu hướng toàn cầu có khả năng tiêu biểu cho một trong những mối đe dọa lớn nhất mà nền dân chủ phải đối mặt ngày hôm nay: sự lan rộng của nền chính trị đầu sỏ.

Vấn đề không phải chỉ là một số người trong thế giới ngày nay giàu có một cách hoang đường. Vấn đề là sự giàu có không cân xứng đó ngày càng đi cùng với quyền lực không cân xứng. Nga, một lần nữa, cho ta một ví dụ điển hình của sự nguy hiểm này. Quay trở lại những năm 1990, một nhúm các trùm kinh doanh đi đêm với giới chính trị xoay xở để trục lợi từ mối quan hệ thân cận với điện Kremlin của Boris Yeltsin bằng cách lợi dụng việc tư nhân hóa công nghiệp đồ trang sức của đất nước - trên tất cả là trên các tài nguyên dầu mỏ to lớn của nó. Những tay trùm này đã không ngần ngại khai thác sức mạnh kinh tế của mình cho các mục đích chính trị. Họ tài trợ cho Yeltsin tái cử tổng thống vào năm 1996, kiểm soát việc bổ nhiệm quan chức cấp bộ, và khống chế các chính sách của chính phủ. Không ngạc nhiên là những doanh nhân kiêm chính trị gia này đã nhanh chóng được mệnh danh là các "đầu sỏ chính trị" ("Orligarchy (Đầu sỏ)" là tiếng Hy Lạp chỉ "chính phủ của số ít.”)

Một người trong số họ, vừa mới mất, tay giảo hoạt Boris Berezovsky, đã đạo diễn một nhân viên KGB cũ trồi lên thành thủ tướng. Dù vậy, cuối cùng Vladimir Putin đã cho thấy sự biết ơn ít ỏi. Khi mà Putin trở nên vững vàng trên vị trí tổng thống, ông ta đã nhanh chóng thẳng tay cắt bỏ ảnh hưởng người bảo trợ xưa, buộc Berezvosky phải sống lưu vong. Putin cũng cắt giảm quyền lực của các ông trùm khác thời Yeltsin, (đáng để ý nhất là Mikhail Khodorkovsky, người mà hôm nay đánh dấu 10 năm ngồi tù trong một trại lao động), nhưng thay vào chỗ của họ ông ta đã dựng lên một nhóm các doanh nhân mới - nhiều người có quan hệ với các cơ quan an ninh Liên Xô cũ – được vận may nhờ vào ông ta. Một trong số họ là cựu nhân viên KGB tên Igor Sechin, người đứng đầu công ti dầu mỏ lớn nhất của đất nước, được một số người coi như là người có quyền lực mạnh thứ hai sau Putin. (Sechin là người bên trái trong các bức ảnh trên.)

Nhưng đây không phải là vấn đề duy nhất của Nga. Vì bây giờ đã trở nên rõ ràng, toàn cầu hóa và các lực lượng kinh tế mạnh mẽ mà nó tung ra đã trao sự giàu có và quyền lực chưa từng có cho một nhóm nhỏ nhoi chủ chốt mới. Gọi họ bằng tên gì tuỳ ý bạn: giai cấp siêu đẳng, bọn tài phiệt, giới "ưu tú toàn cầu." Cái mà họ minh họa là cách thức quan hệ giữa giàu có với quyền lực chính trị. Và đó là một vấn đề ngày càng gây phiền nhiễu cử tri nhiều nơi từ London tới Kuala Lumpur.

Đó là một thách thức mang nhiều hình thức khác nhau. Ở Trung Quốc, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản cầm quyền thường là con đường dễ dàng đi tới sự giàu có. Nhiều vụ bê bối chính trị hiện nay xoáy quanh những trò hề của đám “thái tự đảng” (con cháu của các quan chức cao cấp của đảng, những kẻ hiện thân sự pha trộn khác thường chủ nghĩa Mác-Lênin với chủ nghĩa tư bản bè phái của đất nước này) có nhiều ‘quan hệ’. Nhờ có việc đào bới đáng chú ý của các nhà báo dám làm trong những năm gần đây, chúng ta đã biết được một số điều đáng kinh ngạc về mức độ đặc quyền mà các đại gia đình của những người đáng chú ý như Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Nhưng điều này hầu như không đến như là một bất ngờ. Khi bạn thấy rằng nước Cộng hòa nhân dân này do bảy uỷ viên Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản điều hành, bạn đang nói về một số lượng nhỏ nhoi các gia đình thực hiện việc kiểm soát không bị kiềm chế đối với một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một bối cảnh như vậy, quyền lực chính trị và kinh tế củng cố lẫn nhau chỉ là điều tự nhiên.

Tất nhiên, tình hình ở Trung Quốc là kết quả của một chương trình tự do hóa kinh tế lèo lái bởi một nhóm chủ chốt độc đoán. Ở các nước đã phát triển ở phương Tây tình hình khác biệt hơn. Số lượng đấu thủ nhiều hơn, sự giàu có và ảnh hưởng chính trị được phân phối rộng ra hơn. Nhưng điều đó có lẽ là chút an ủi cho, chẳng hạn, người Mỹ vốn nổi lên như những kẻ thua thiệt từ thời kỳ vàng son cuối cùng của đất nước. Bình đẳng kinh tế ở Hoa Kỳ tăng đều đặn trong ba thập niên đầu của thời kỳ sau Thế chiến II, nhưng dậm chân dừng lại giữa tình trạng ngưng trệ và cạnh tranh quốc tế gia tăng trong những năm 1970. Như nhà kinh tế học Joseph Stiglitz lưu ý trong một bài xã luận gần đây:

“Năm ngoái, 1 % người Mĩ lớp trên cùng đã mang về 22 % thu nhập quốc gia; 0,1 % lớp trên cùng mang về 11 %. 90% toàn bộ lợi tức thu nhập từ năm 2009 đều đi vào 1 % lớp trên cùng. Số liệu điều tra dân số công bố gần đây cho thấy thu nhập trung bình ở Mỹ đã không nhúc nhích trong gần một phần tư thế kỷ.”

Đồng thời, sự thả lỏng bất thường của luật pháp Hoa Kì về vận động hành lang và tài trợ cho các chiến dịch vận động đã cho phép giới thượng lưu giàu có nắm được sự khống chế to lớn đối với quy trình chính trị đó. Cho đến bây giờ, bất cứ ai có theo dõi nền chính trị Mĩ đều đã nghe những câu chuyện về các khoản tiền mặt to lớn do các trùm kinh doanh bảo thủ chi ra như Koch Brothers, thường ít được thảo luận hơn có lẽ, là các đảng viên Dân chủ giàu có, chẳng hạn như George Soros hay Tom Steyer, họ vui lòng tận dụng sự giàu có của họ để gây ảnh hưởng lên chính sách. Nhưng thậm chí còn ít nhìn thấy được là những công ty lớn và các hiệp hội công nghiệp có thể mua các nhà làm luật và sửa luật để nâng lằn vạch dưới cùng (giảm bỏ hạn chế) của chính họ lên.

Một nghiên cứu khoa học gần đây tính ra rằng 40 % các đóng góp cho vận động chính trị trong năm 2012 đến từ một phần trăm của một phần trăm hộ gia đình Mĩ. Con số này có thể phản ánh nhận thức ngày càng tăng của nhóm chủ chốt kinh tế mới về quyền lực chính trị của chính họ - không kể đến sự thờ ơ trong các thành phần khác của dân số, những người cảm thấy ngày càng tách rời khỏi sự tham gia có ý nghĩa. Sự xói mòn của các trung tâm quyền lực thay thế, chẳng hạn như các công đoàn, chắc chắn góp phần vào một cảm giác hoài nghi và buông xuôi tăng lên. Tất cả đều có tác dụng làm suy yếu tính hứa hẹn của hệ thống dân chủ của Mĩ. (Trong bối cảnh đó, không có gì lạ khi Tòa án Tối cao Hoa Kì lại một lần nữa cân nhắc những vấn đề về giới hạn đối với những đóng góp cá nhân cho các cuộc vận động chính trị.)

Kết quả là, Mĩ hiện đang trãi qua một cuộc thảo luận đáng chú ý về những nguyên nhân của sự bất bình đẳng mới này và những hậu quả chính trị của nó. Các tác giả từ George Packer tới Tyler Cowen đang khuấy động cuộc tranh luận sôi nổi về sự suy sụp nhận thức được về khế ước xã hội Mĩ. Cuốn sách mới của nhà kinh tế Angus Deaton, The Great Escape (xem đoạn trích của DemLab ở đây), bao gồm một đoạn trích đáng nhớ từ luật sư Louis Brandeis : "Nếu dân chủ trở thành chế độ tài phiệt, những người không giàu sẽ bị tước quyền bầu cử một cách hiệu quả."

Chúng ta có thể ngăn chặn xu hướng này không? Một vài người - như Cowen, tin rằng sự bất bình đẳng hiện nay phần lớn là việc vận hành của sự thay đổi công nghệ - thì hoài nghi. Những người khác nhấn mạnh rằng chúng ta có thể chống lại sự trôi dạt về phía chính phủ bởi nhóm nhỏ bằng những chính sách thông minh được thiết kế để san lấp sân chơi ngang bằng – trước hết trong giáo dục, cơ sở hạ tầng, và chăm sóc sức khỏe. Các biện pháp để hạn chế vai trò của đồng tiền trong chính trị có thể sẽ cũng không là một ý tưởng tồi (giả định chúng ta có thể tìm thấy một số biện pháp thực sự có tác động). Đối với những người vẫn tin vào tính ưu việt của thị trường, gói biện pháp này cũng có thể bao gồm các phương cách nhằm thúc đẩy cạnh tranh thực sự thay vào chỗ của phúc lợi công ti hiện nay cho các siêu công ti gắn kết với chính trị.

Điều này chắc chắn không có nghĩa là từ bỏ chủ nghĩa tư bản. Như các nhà kinh tế phát triển chỉ ra, toàn cầu hóa đã mang lại sự thịnh vượng tương đối tới nhiều người trên khắp thế giới, những người trước đây thậm chí không thể mơ tới điều đó. (Cho một khởi đầu, hãy nghĩ tới tất cả những nông dân Trung Quốc, những người mà bây giờ có thể lo đủ ba bữa ăn một ngày - điều không tưởng tượng nổi trước đây). Sức khỏe và các chỉ số phát triển tổng thể đã được cải thiện đáng kể trong 50 năm qua. Nhưng không điều nào trong số này xoá bỏ sự cần thiết phải đảm bảo rằng các lợi ích khác thường tích lũy cho các siêu sao ở lớp trên cùng không dẫn đến việc tướt quyền bầu cử phần còn lại trong chúng ta. Nếu trái đi, tương lai có vẻ tối tăm.

Nhưng những người giàu có thực sự sẽ từ bỏ quyền lực của họ có được một cách dễ dàng chăng? Mặc dù Vụ biểu tình chiếm Wall Street nhắm vào nhóm 1 % với đầy ý chí và nhiệt thành, tác động chính trị thực sự của nó được cho là gần như bằng không. Đã đến lúc các phong trào chính trị mới có thể kết hợp sức mạnh của các cá nhân và tập hợp các đáp ứng gắn kết nhau đối với sự tập trung ảnh hưởng ngày càng tăng mạnh bởi một số ít ở lớp trên cùng. Và thậm chí có cơ hội một số các tài phiệt giác ngộ hơn sẽ đưa ra những ý tưởng để nâng cao vị thế cho đa số. Bill Gates ở đâu khi bạn cần tới ông ta?

No comments:

Post a Comment