Pages

Tuesday, November 26, 2013

NGÀY MAI QUỐC HỘI TỰ THÚ TRƯỚC DÂN

NGÀY MAI QUỐC HỘI TỰ THÚ TRƯỚC DÂN

Posted by basamnews on November 27th, 2013
Phạm Đình Trọng
Từ lâu người dân Việt Nam đã thừa biết Quốc hội này là của ai. Nhưng hàng ngày cả hệ thống truyền thông đông đảo với công suất cực lớn của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, những quan chức của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam, những ông bà nghị sĩ của Quốc hội Việt Nam vẫn rổn rảng, vẫn véo von, vẫn ào ạt, cấp tập, xối xả rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân Dân, Quốc hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân Dân. Thực chất có đúng như vậy không, ngày mai, thứ năm, 28.11.2013, Quốc hội sẽ phải tự thú trước Nhân Dân, trước lịch sử khi những ông nghị, bà nghị biểu quyết quyết định số phận bản Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 dành cho đảng Cộng sản Việt Nam quyền hạn và lợi lộc mênh mông, vô hạn, đẩy cho người Dân mọi rủi ro, thua thiệt và bất hạnh. Hiến pháp năm 2013 dành cho đảng Cộng sản Việt Nam được quyền đương nhiên thâu tóm xã tắc, thống trị xã hội. Quân đội, công an là của đảng. Của nổi của chìm trên dải núi sông gấm vóc Việt Nam là của đảng. Đến những doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi tối đa, được sử dụng phần lớn nguồn vốn của đất nước, được độc quyền kinh doanh những ngành béo bở nhất cũng là của đảng, để rồi những doanh nghiệp đó giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đất nước cứ lãng phí, thất thoát, tham nhũng, thua lỗ triền miên, làm cho cả nền kinh tế đất nước lụn bại, ngân sách trống rỗng, đời sống người Dân điêu đứng. Nhưng đảng không chịu trách nhiệm.
Hiến pháp năm 2013 ưu ái dành mọi lợi quyền cho đảng đúng như lời bài đảng ca: “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Hiến pháp năm 2013 tước đoạt quyền con người, quyền công dân của người Dân, tước đoạt từ giá trị vật chất lớn lao (đất đai), đến giá trị tinh thần cao cả (quyền bầu chọn lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội) của người Dân, làm cho người Dân trắng tay và trắng mắt. Hiến pháp năm 2013 đẩy đất nước lún sâu mãi trong khủng hoảng, bế tắc và lạc hậu.
Biểu quyết chấp nhận bản Hiến pháp đó: Quốc hội của đảng
Biểu quyết bác bỏ bản Hiến pháp đó: Quốc hội của Dân
Từ lâu người Dân Việt Nam đã thừa biết Quốc hội này của ai nên người Dân cũng biết chắc rằng Hiến pháp năm 2013 sẽ được Quốc hội chấp nhận với số phiếu cao. Số phiếu cao đó là điều Quốc hội tự thú với Dân và là dấu ấn tủi nhục Quốc hội để lại trong lịch sử!
P.Đ.T.

Monday, November 25, 2013

Cải cách toàn diện ở Trung quốc… và sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam

Cải cách toàn diện ở Trung quốc… và
sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam

Nguyễn Trung


               Cả thế giới dồn sự chú ý của mình về cuộc cải cách toàn diện do hội nghị lần thứ 3 của BCHTƯ khóa 18 của ĐCSTQ (09-12 tháng 11-2013) khởi xướng. Cuộc cải cách này ở Trung Quốc được coi là có quy mô lớn hơn và mang nội dung sâu sắc hơn cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình phát động cách đây trên 3 thập kỷ đã mở đường tạo ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hôm nay.

Nội dung cuộc cải cách toàn diện lần này tập trung vào 4 yêu cầu:
-  Thị trường phải trở thành nhân tố quyết định;
-  Làm lành mạnh toàn bộ hệ thống tài chính – ngân hàng;
-  Cải cách hệ thống tư pháp để tăng cường luật pháp và đẩy mạnh công khai hóa;
-  Hạn chế bớt sự can thiệp của ĐCSTQ các cấp

Cụ thể hóa việc thực hiện 4 yêu cầu trên là 60 biện pháp lớn cho mọi lĩnh vực của toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Trung Quốc. Trong những biện pháp lớn, đáng chú ý là:
-  Thành lập khu kinh tế tự do thí điểm Thượng Hải (ở mức sâu rộng hơn khu kinh tế tự do Thâm Quyến) với mục đích tìm kiếm mô hình tiếp tục khai phá con đường phát triển toàn Trung Quốc;
-   Đẩy mạnh tư nhân hóa, cổ phần hóa và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào toàn bộ nền kinh tế quốc dân;
-   Các tập đoàn kinh tế nhà nước phải nâng gấp đôi mức đóng góp vào ngân sách quốc gia;
-   Nông dân có quyền bán phần ruộng đất của mình đang canh tác để tham gia vào quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa;
-        

Để dễ hiểu và dễ nhớ, có thể nói đợt cải cách toàn diện lần này ở Trung Quốc nhằm vào 3 mục tiêu:
-   Thị trường nhiều hơn (“thị trường giữ vai trò quyết định”);
-   Luật pháp nhiều hơn (“tăng cường hệ thống tư pháp”);
-   Đảng (sự can thiệp của ĐCSTQ) ít hơn.

Tất cả 3 mục tiêu này đều nhằm vào cái đích ĐCSTQ đã công bố, đó là hoàn thành việc thực hiện giấc mơ Trung Quốc – còn được gọi là hoàn thành sự nghiệp phục hưng Trung Hoa – vào năm 2049. Chỉ cần dựa vào sử Trung Quốc để luận ra nội dung giấc mơ này, chẳng có gì là bí hiểm cả.

Hiển nhiên, cuộc cải cách toàn diện lần này là sản phẩm của tư duy có bài bản được chuẩn bị có hệ thống từ lâu của lãnh đạo Trung Quốc, chứ không phải là việc làm ngẫu hứng của cá nhân Tập Cận Bình.

Có thể nói ngay, trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi, trong tình hình Trung Quốc tự thân có hàng núi vấn đề lớn sau 35 năm tiến hành cuộc cải cách “mèo đen, mèo trắng” do Đặng Tiểu Bình mở đường, cuộc cải cách toàn diện được Tập Cạn Bình công bố lần này nhằm đáp ứng đòi hỏi tất yếu yêu cầu phát triển mới của Trung Quốc. Không thể nói khác, đấy là quyết định đúng và cần thiết đối với Trung Quốc. Ngay trong 10 năm tới là chuyển hẳn nền kinh tế Trung Quốc đi vào xu thế phát triển (1) dựa vào nhiều hơn nữa các yếu tố khoa học và công nghệ, và (2) lấy khai thác nhu cầu nội địa làm chủ đạo.

Vô luận tình hình nội trị Trung Quốc hiện tại như thế nào và sẽ ra sao, cuộc cải cách “mèo đen, mèo trắng” đã đem lại vị thế toàn cầu như Trung Quốc đang nắm giữ ngày nay - với mọi tác động tốt hoặc xấu đối với cả thế giới, đồng thời tính bá quyền Trung Quốc và sự thách thức của nó với cả thế giới – trước hết là với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam - cũng tăng theo tỷ lệ thuận với trọng lượng kinh tế ngày càng lớn của quốc gia này. Hoàn toàn có cơ sở để dự báo trước một kết luận tương tự như thế về cuộc cải cách toàn diện lần này mang tên Tập Cận Bình.

Là nước láng giềng hứng chịu mọi tác động trong toàn bộ quá trình đi lên siêu cường  đang diễn ra của Trung Quốc cho đến nay, Việt Nam đang khoanh tay ngồi nhìn:
-    Đại hội XI của ĐCSVN đã bỏ qua yêu cầu phải đưa nền kinh tế Việt Nam đi vào một giai đoạn phát triển mới sau 28 năm đổi mới và cần cải cách thể chế chính trị để thực hiện nhiệm vụ này;
-    Từ năm 2007 đất nước ta đã lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; giữa lúc mọi thách thức từ bên ngoài – đặc biệt là những thách thức của siêu cường đang lên Trung Quốc, đang ngày càng gia tăng quyết liệt.
-    Chưa bao giờ kể từ sau 30-04-1975 đất nước lại có nhiều hiện tượng suy đồi và tham nhũng trầm trọng như một thập kỷ nay, nhưng ĐCSVN với tính cách là lực lượng nắm vận mệnh đất nước trong tay hầu như chưa đặt ra cho chính mình và cho cả nước câu hỏi phải làm gì để vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.
-    Cả nước có trên 800 báo chí các loại trong hệ chính thống (lề phải), được giải thích là trong đó không hề có “báo chí lá cải”… Nhưng cho đến hôm nay chưa có lấy một tờ báo nào thông báo và cảnh báo đầy đủ cho nhân dân về thực trạng nói trên của đất nước và những thách thức trong / ngoài đất nước đang phải đối mặt. Trong khi đó báo chí lề phải trở thành sân chơi hoành tráng cho đội ngũ dư luận viên ra sức mạt sát và xuyên tạc những tiếng nói thật và những góp ý xây dựng mong cứu vãn tình hình đất nước hiện nay.
-    Thay vì phải xốc lại hàng ngũ đảng viên của mình, cải cách toàn bộ hệ thống chính trị của quốc gia, đề ra những quyết sách đưa đất nước ra khỏi nguy khốn hiện nay.., lãnh đạo ĐCSVN qua các hội nghị Trung ương 4 – 8 khóa này (khóa XI) lại chỉ tập trung vào  những chuyện “chống tham nhũng”, chuyện “bỏ phiếu tín nhiệm”.., mà trên thực tế chỉ là những chuyện “nói vậy mà không phải vậy”, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt cho những cái tên chung như là chuyện “con sâu”, chuyện “đồng chí x”; mặt khác hệ thống chính trị tiếp tục thực thi mọi biện pháp trấn áp tệ hại.
-    Sửa đổi Hiến pháp 1992 là một cơ hội cực kỳ quan trọng, ngõ hầu tạo ra một nền tảng pháp lý cho thiết kế một nhà nước pháp quyền dân chủ, đúng với tinh thần là một nhà nước của dân – do dân – vì dân với tất cả tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc, để nhờ đó có thể xây dựng thành công một Việt Nam dân giàu nước mạnh – xã hội dân chủ công bằng văn minh, có vị thế quốc tế xứng đáng và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Lẽ ra phải lãnh đạo, hậu thuẫn nhân dân xây dựng nên một hiến pháp như thế, ĐCSVN lại chủ trương hiến pháp được sửa đổi lần này phải thể chế hóa cương lĩnh của Đảng, với mục đích sâu thẳm bên trong là tiếp tục duy trì sự độc quyền toàn trị của những người nắm thực quyền trong toàn bộ hệ thống chính trị của ĐCSVN. Vì lẽ này, dự thảo Hiến pháp sửa đổi đang được hối thúc thông qua vào ngày 28-11-2013 tới về cơ bản vẫn sẽ là hiến pháp cũ với một số điểm thụt lùi mới.

Từng công dân Việt Nam, trước hết là từng đảng viên ĐCSVN, nên tự hỏi mình: Việt Nam ta có thể xử sự như nói trên trước một Trung Quốc đang bước chân vào cuộc cải cách toàn diện lần này mang tên Tập Cẩm Bình hay không?

Xem Trung Quốc xử sự như vậy, xem nước ta xử sự như vậy, tôi phải nhắm mắt nuốt lòng tự ái và sỹ diện dân tộc của mình, đành kêu lên giữa trời: Ý chí và tầm nhìn của những người lãnh đạo ĐCSVN thấp hơn những người lãnh đạo ĐCSTQ nhiều cái đầu.

Tôi cầu mong nhân dân cả nước hãy vượt lên mọi nỗi sợ để nhìn thẳng vào sự thật./.

Hà Nội, ngày 25-11-2013


 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25-11-13

Tuesday, November 19, 2013

TỪ KHỔNG TỬ ĐẾN TỔNG KHỬ

TỪ KHỔNG TỬ ĐẾN TỔNG KHỬ

Lý Thoát Trung

Việc Trung Quốc lập giải Khổng Tử về Hòa bình, còn mở Viện Khổng Tử ở khắp nơi, thoạt nghe là một nghịch lý. Đây là một nhân vật, sau mấy mươi thế kỷ được tôn sùng, rồi một thời bị đánh tan hoang, sao bây giờ bỗng dưng lại được phục hồi để xuất khẩu[1]? Khổng giáo có nội dung gì đặc biệt mà chỉ nay Đảng với Nhà nước Trung Quốc mới khám phá ra chăng?
Để tìm hiểu một cách súc tích nhất có thể, tôi lôi quyển Cổ học Tinh hoa – thực chất là Khổng học tinh hoa, từ lâu đã bị bỏ xó!) – ra đọc, thì bắt gặp câu chuyện sau đây, do ông Liệt Tử nào đó kể lại[2].
Đức Khổng Tử đi chơi ra phía đông, thấy hai đứa bé cãi nhau, hỏi tại làm sao, thì một đứa nói rằng: — “Tôi, thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở gần ta hơn, về buổi trưa ở xa ta hơn”. Còn một đứa nói: — “Tôi, thì tôi cho rằng mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, về buổi trưa ở gần ta hơn”.
Đứa trước cãi: — “Mặt trời lúc mới mọc to như cái bánh xe, đến giữa trưa nhỏ như cái bát ăn, thế chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?”.  Đứa sau cãi: — “Lúc mặt trời mới mọc thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng nực, thế chẳng phải tại gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì?”
Đức Khổng Tử nghe nói, không giải quyết được làm sao. Hai đứa bé cười, bảo: — “Thế thì cho ông là người đa trí thế nào được!”.
Người bàn câu chuyện trên không phải là ông Liệt Tử, và coi bộ cái đầu chưa hề liệt. Ông bênh cụ Khổng như sau: “Nhưng ở vào cái đời ông Khổng, khoa học chưa có mấy, thì xem hai đứa bé suy lý với nhau, đứa nào cũng phải, khó lòng mà quyết định được thật. Vả lại người thông minh, thánh thiện đến đâu cũng không sao biết cho hết mọi sự vật được. Vì rằng đời người sống có hạn, mà sự tri thức thì mông mênh không bờ bến nào!”. Đúng và hay quá.
Điều còn làm tôi băn khoăn là, dù chưa có điều kiện giải quyết như hai đứa bé, tại sao cụ Khổng lại chưa bao giờ tự đặt được cho mình loại thắc mắc như của hai đứa bé kia nhỉ? Có phải vì, trong bậc thang giá trị (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) của cái đạo đặt theo tên cụ, chữ trí chỉ đứng vào hàng áp chót chăng? Nếu thế thì cụ có đủ lý do để không là bậc đa trí — chẳng biết có thể gọi là bậc đơn trí haythiểu trí được chăng? Mặt khác, nếu hai đứa bé cứ trông thấy Khổng Tử hay nghe danh cụ đã khúm núm, chẳng dám hó hé gì, thì liệu chúng có thể phát hiện ra mặt hạn chế nơi cái trí của cụ chăng? May mà chúng chưa bị kẹt vào cái cơ chế mang tên cụ “tiên học lễ”, hậu học… vấn!
Trở lại với lời bình. Nếu nói như ông thầy bàn ở trên, thì cụ là bậc thánh thiện mà cái trí đã phần nào bị chữ nhân hướng về cách ứng xử giữa con người với nhau — thứ đời sau gọi là luân lý — giới hạn và lèo lái. Cho nên muốn hiểu thấu đáo cái trí của người Trung Quốc, cả thời xưa lẫn thời nay, thì theo tôi không gì bằng xem việc áp dụng nó vào các vấn đề con người, không phải trong chữ nghĩa lý thuyết mà trong hiện thực.
Ở đây, còn gì rõ ràng hơn là cách nửa này (nửa giống đực) của người Đại Hán thấm nhuần Khổng học đối xử với nửa kia (nửa giống cái) trong lịch sử? Các đấng nam nhi và đức ông chồng (không phải thằng) đã giữ bọn nữ nhi và thê thiếp như thế nào để chúng không tháo chạy? Trong muôn ngàn biện pháp, họ đã nghĩ ra cách tinh tế nhất: tặng cho nửa kia đôi giày sen gót ngọc.

Vì không nơi đâu khác có được một Khổng Tử thứ hai, cũng không ở đâu khác có thể nghĩ ra cách giữ chân này, tôi tin rằng  đây là chính là hai biểu trưng không thể tách rời của nền văn minh Trung Hoa vĩ đại. Nói đến cụ Khổng Tử ắt phải liên tưởng đến đôi giày sen; trông thấy đôi giày sen ắt phải nhìn ra cụ Khổng, hay nói theo ngôn ngữ bây giờ, “khủng” Khổng.
*
Viết đến đây tôi chợt thấy bồn chồn, tự hỏi “Viết thế này có hơi oan cho cụ Khổng, vì sơ sài quá không?”. Có lẽ cần đào sâu hơn chữnhân và chữ trí trong đạo Khổng, nếu không được ở tầm vị sư tổ thì ít ra cũng phải ở cỡ các sư phụ đệ tử của Ngài. Thế là lại phải mò mẫm lật từng trang sách cũ để tìm tòi thêm, cuối cùng rơi vào một câu chuyện tinh hoa khác, ký tên Gia Ngữ[3]. Nó như sau :
Thầy Tử Lộ yết kiến Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử hỏi: — “Thế nào là người trí, thế nào là người nhân?”. Thầy Tử Lộ thưa: —“Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình; người nhân là người làm thế nào để cho người ta yêu mình”. Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học vấn”.
Thầy Tử Lộ ra, thầy Tử Cống vào. Đức Khổng Tử lại hỏi người trí, người nhân là thế nào? Thầy Tử Cống thưa: — “Người trí là người biết người; người nhân là người yêu người”. Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học vấn”.
Thầy Tử Cống ra, thầy Nhan Hồi vào. Đức Khổng Tử lại đem trí, nhân ra hỏi. Thầy Nhan Hồi thưa: — “Người trí là người tự biết mình; người nhân là người tự yêu mình”. Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy đáng gọi là bậc sĩ quân tử”.
Nếu đây là một cuộc sát hạch, thì thầy Nhan Hồi đỗ đầu, thầy Tử Cống đứng nhì, còn thầy Tử Lộ về bét. Cũng thời là hỏi đáp, song khác với cái ông Socrate xứ Athènes kia (người không bao giờ tự vỗ ngực xưng là sư phụ mà luôn luôn giả làm anh học trò dốt để nghe kẻ tưởng mình hiểu biết phát biểu), ở đây cụ Khổng chễm chệ trong vai sư tổ, không hề ban phát lời vàng ngọc nào mà chỉ gật gù đánh giá ba ông đệ tử cũng vào bậc thầy. Nhưng căn cứ vào lời phán, có thể đoán rằng quan điểm về nhân và trí ở  cấp “vạn thế sư biểu” chắc cũng na ná như ở cấp “sĩ quân tử” thôi. Người bàn giải thích thêm: “Có biết mình thì mới tu tỉnh được tâm thân, cải quá thiên thiện mà nên người hay, người khá, tức cũng như câu “Connais toi toi-même” của Tô-lạp-thị (cha nào vậy ta?). Có yêu mình, thì mới biết trọng tư cách của mình, quý phẩm giá của mình rồi mới ra đến thân nhân dân, ái vật, tức cũng như câu tục ngữ Pháp “la charité bien ordonnée commence par soi-même”.
Nghe cũng hay quá. Nhưng muốn biết giá trị của cây trồng, thì phải nhìn vào hoa trái. Khổng giáo đã để lại trong lịch sử và trong hiện tình Trung Quốc những con người như thế nào, về nhân và trí? Tôi ngờ rằng tầng lớp tinh hoa của Trung Quốc – tôi nói chủ yếu trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế[4] – đã đạt được trình độ của thầy Nhan Hồi hay thầy Tử Cống, nhất là trong các nghĩa mà ông thầy bàn ở trên đã giải minh.
Về chữ nhân, tôi e rằng họ sống rất “yêu mình”, song theo một nghĩa thô bạo hơn của thầy Nhan Hồi nhiều, là làm sao cho bản thân giàu hơn, sướng hơn, khỏe hơn: bằng sự băng đầu, bịt mắt, che tai dân chúng; bằng nạn cửa quyền, tham nhũng; bằng những hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái không trả tác quyền cho người nước ngoài; bằng các bộ phận trộm hoặc cướp từ thân thể kẻ túng quẫn hay tù tội… – dù chúng gây thiệt hại, có khi là chết chóc cho kẻ khác, kể cả trẻ sơ sinh. Mà như thế thì cũng đâu có thể xem là “yêu người” theo nghĩa của thầy Tử Cống được?
Về chữ trí cũng thế. Chỉ cần nhìn thẳng vào trường hợp Khổng Tử, sẽ thấy ngay trình độ “biết mình” kiểu thầy Nhan Hồi ở các giới tinh hoa Trung Quốc: cũng một ông triết gia ấy thôi mà cả nước, lúc xì xụp cầu lạy, lúc ầm ĩ vùi chôn, sau lại xí xồ khai quật, rồi cuối cùng công kênh inh ỏi làm biểu tượng văn hóa chính thống! Họ có thực sự tự biết mình đã và đang nghĩ gì, làm gì chăng? Còn hiểu theo khả năng “biết người” kiểu thầy Tử Cống thì sao? Ở đây, chính sách tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải bằng thủ đoạn hù dọa nước nhỏ, khiêu khích nước lớn, đã khởi động cả một cuộc chạy đua vũ trang ở Thái Bình Dương, kéo Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á trong sự hân hoan cổ vũ của các quốc gia trong vùng, và tạo ra nhiều liên minh chống bành trướng Trung Quốc. Cái danh nghĩa “trỗi dậy hòa bình” bỗng đột quỵ, lò ra cái đuôi cáo đế quốc trá hình. Đánh giá địch thủ sai quá đỗi như thế mà xem là có trí được ư?
Nhiều lắm cái trí nói đây chỉ thích hợp với trình độ thầy Tử Lộ. Người trí là kẻ “làm cho người ta biết mình”. Và tôi tin rằng theo nghĩa này, số lượng người trí của Trung Quốc cao vô kể. Cả thế giới đều biết họ rất thân thuộc với cái ác: ác ngay cả với kẻ đồng hương, kể cả trẻ sơ sinh (vì chính sách một con, bao nhiêu triệu con gái mới đẻ đã bị hy sinh để chỗ chờ con trai?, bao nhiêu trẻ sơ sinh đã chết vì uống sữa made in China?...); ác với súc vật (xưa Từ Hi đập đầu khỉ múc óc đãi khách; nay ở nhiều quán ăn, thực khách chỉ cần chỉ vào mảng thịt nào của con bò đang còn sống, thì đầu bếp sẽ xẻo mảnh thịt ấy ra nấu nướng phục vụ!). Cả thế giới đều biết họ rất giỏi làm đồ giả và đồ nhái, không cần phải nhắc lại dài dòng. Nhưng có lần tôi khen “người Trung Quốc giỏi quá, cái gì họ cũng làm giả được, từ màng trinh đàn bà, đến tiền, thức ăn, máy tính và vàng!”; một cậu bé bướng bỉnh chỉnh tôi ngay: “Không đúng đâu bố; họ đâu có giả nhân, giả nghĩa được!”. Cho nên tôi chỉ sợ rằng, khi “làm cho người ta biết mình” kiểu đó, thì làm sao giới tinh hoa Trung Quốc cháu chắt cụ Khổng có thể đồng thời “làm cho người ta yêu mình” nổi?
*
Việc thành lập Viện Khổng Tử ở khắp nơi biểu thị cái ý muốn “làm thế nào để cho người ta biết mình, làm thế nào để cho người ta yêu mình” ấy, gọi đích danh ra là tuyên truyền chính trị. Và tất nhiên ai cũng biết quan hệ của nó với bộ máy chính quyền Trung Quốc[5], nên cũng đều thừa hiểu cái bản chất hai mặt của nó.
Trong một bài phỏng vấn trên RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội, đã nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn từ Viện Khổng Tử sẽ được thành lập ở Việt Nam như sau:
Chúng tôi rất lo lắng bởi vì Viện Khổng Tử này chắc chắn không phải được lập nên để tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học hay cuộc đời và sự nghiệp của Khổng Tử, cũng như về Nho học : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Tam Tòng Tứ Đức... Thực chất đây sẽ là một trung tâm văn hóa và ngôn ngữ, nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Quốc: thi ca, âm nhạc, ẩm thực, trà đạo..., và sẽ có những giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc. Đằng sau đó luôn là những hoạt động tư vấn về du học, tức là kéo thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc du học ngày càng nhiều. Đây cũng sẽ là trung tâm dạy Trung văn, tức là tiếng Hoa. Đó là những hoạt động bề nổi, còn đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về mặt văn hóa và tư tưởng, về một nước Trung Hoa hiện đại. Chính vì vậy nhiều nhà quan sát cho rằng việc thành lập Viện Khổng Tử chính là một sự thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc, hoặc có người gay gắt hơn thì nói rằng đấy là bước đầu đặt cơ sở cho việc bành trướng văn hóa”.
Ông Diện nói đúng quá. Từ vài năm nay, bước vào một hiệu  sách ở Saigon, ta có thể thấy nhiều của “lạ”:
Về chính trị, bên cạnh tiểu sử các nhà lãnh đạo Việt Nam, có không ít sách về các nhân vật lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc (Nxb Chính trị). Thôi thì cứ cho đấy là chuyện ngoại giao! Nhưng ở các kệ sách tổng quát, đã xuất hiện một số sách dịch mới, mang tính giáo dục tuyên truyền rất lộ liễu về Trung Quốc đương thời, với đủ các mặt: Quốc phòng, Xã hội, Dân tộc và tôn giáo, Lịch sử, Chế độ chính trị, Địa lý, Văn hóa, Khoa học kỹ thuật và giáo dục, Ngoại giao, Pháp luật, Kinh tế, Môi trường, Vườn cảnh, Gốm sứ, Truyền thuyết thần thoại, Rượu, Thủ công mỹ nghệ truyền thống, Lễ Tết, Đồ nội thất, Ẩm thực, Phục sức, Hí kịch…(Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh xuất bản, Nxb Truyền bá Ngũ châu phát hành).
Về văn hóa, ngoài loại sách vẫn thấy từ thời trước về triết học (Khổng, Mạnh, Lão, Trang…), và văn học (Tây Du, Thủy Hử, Tam Quốc…), một loại sách nặng tính “xâm lăng văn hóa” cũng đã ló mặt, để ca ngợi cái trí của người Trung Quốc, như Mưu trí thời Tần Hán, Mưu trí thời Tùy Đường, Mưu trí thời Liêu Kim Hạ, Mưu trí thời Nguyên Minh, Mưu trí thời nhà Thanh, Mưu trí thời Xuân Thu, Mưu trí thời Chiến Quốc Thất Hùng[6] (Nxb Văn học), hoặc các danh nhân  Trung Quốc, như 12 Đại Thừa tướng, 12 Đại Mưu lược gia, 12 Đại Hoạn quan, 12 Đại Tham quan, 12 Người đẹp Trung Hoa(Nxb Văn hóa Thông tin)[7].  
Trong bối cảnh này, việc thành lập Viện Khổng Tử có thể sẽ trở thành bộ não của những hoạt động xâm nhập văn hóa mà Trung Quốc xem là “chưa được hệ thống hóa đúng mức” ở Việt Nam. Hoạt động của nó sẽ không chỉ giới hạn vào việc dạy ngôn ngữ và thông tin một chiều có lợi cho Trung Quốc như ở các nước Phi châu chẳng hạn. Nếu ở nơi sinh thành, Khổng Tử được phục hồi với ý đồ vuốt ve tự ái dân tộc (TA cũng có một hiền giả tầm cỡ nhân loại như ai!) và tạo thêm một chân đứng cho chủ nghĩa toàn trị (hệ thống độc đảng kiểu Lênin sẽ được hỗ trợ bởi truyền thống không có gì quý hơn phục tùng, trật tự và không có gì đáng sợ hơn phản biện, phê phán của vị vạn thế sư biểu), thì ở nơi từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, chắc chắn là cái ý đồ thứ hai cũng sẽ được tiếp đón bởi tập đoàn toàn trị trong niềm hân hoan, nếu không phải là lòng biết ơn sâu sắc!
Nhưng nhân dân Việt Nam thì khác. Từng xem Khổng Tử là đầu mối của họa mất nước trong thế kỷ thứ XIX, họ không có lý do gì ăn lại cái món họ đã nhổ ra, nhất là khi nó biểu thị một cái họa Bắc thuộc khác. Họ thừa biết có cái gọi là “lý thuyết”, và có cái gọi là “hiện thực” trong các giá trị nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của văn minh Trung Quốc. Người Việt thừa sức thấy rằng, trong thế kỷ thứ XXI sCn này, chẳng có gì là đáng học thêm ở đạo Khổng, ngay cả ở cái phiên bản chân chính nhất của nó. Họ thừa thấy là, từ xưa tới nay, cái chữ trí ở người Trung quốc luôn luôn đi đôi với chữ mưu (như ở các tựa sách nói trên). Cho nên dân Việt đã kết luận, một lần dứt khoát: kẻ gọi là“đối tác chiến lược toàn diện ưu tiên” này chẳng dạy ta được gì cả, bởi vì cái trí của nó chưa bao giờ là trí huệ hay trí tuệ hết cả, mà vẫn muôn đời là trí trá.
Hãy khiến cho cái Viện Khổng Tử vừa được quyết định thành lập ở Việt Nam này – một mảng quan trọng của quyển Mưu trí thời Đặng Tập – cái số phận khôi hài của Giải Khổng Tử về Hòa bình[8]. Hãy làm cho thứ quyền lực mềm này thành quyền lực nhão. Hãy làm cho nó hiện nguyên hình là một hình thức bịt đầu kiểu “giày sen gót ngọc” xưa kia. Sang thăm Pháp, tôi được xem cảnh quay một lớp đào tạo cán bộ ở Bắc Kinh, trong một phim tài liệu mang tựa là Những giới hạn của quyền lực mềm: các học viên lo ngại rằng loại Viện Khổng Tử danh nghĩa (bởi đâu thể đặt tên là Viện Mao Trạch Đông!), song song với sự đề cập đến Trung Quốc kiểu nện dùi cui vào đầu này, sẽ làm cho người nước ngoài tò mò hơn, tìm hiểu thêm về hiện tình nội bộ Trung Quốc, thì “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” chỉ có nước độn thổ.
Có một thời để báo động, và một thời để hành động. Rõ ràng là hai bộ máy toàn trị đã lùi thêm một bước nữa về quá khứ: thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, bỗng chuyển sang từ trần, nhường chỗ cho thời kỳ kinh tế thị trường “với định hướng xã hội chủ nghĩa”, rồi bây giờ là thời kỳ chính trị phong kiến “với định hướng xã hội chủ nghĩa”! Không lừa được bằng tương lai huyễn hoặc, thì bịp bằng truyền thống  “kính lão đắc thọ”. Có điều người dân Việt Nam đã quá hiểu, cả cái hủ lậu nọ, cái hão huyền kia, lẫn chiếc cầu tiếp nối hai bờ đó. Họ thừa biết rằng, để thoát khỏi sự tăm tối của đất nước và con người Việt Nam hôm nay, ta cần phải đạp đổ tật cả mọi thứ tàn dư và mộng mị – nghĩa là làm một cuộc tổng vệ sinh. Hãy biến cái Viện Khổng Tử đang thành hình thành một đích nhắm cho chiến thuật “một mũi tên hai thành quả”. Vài thanh niên đã “dậy mà đi”. Và ông lão nhà bên đã đủ lạc quan để ư ử ngân nga một bài vè con cóc: “Viện Khổng Tử ra đời, Điềm tổng khử đã tới, Bắt đầu khử Tổng thôi!”. Tôi ghi lại để mọi người cùng suy ngẫm.


 
[1] Khổng Tử sống giữa thế kỷ thứ VI và thứ V (551-479) tCn. Do đó, có thể xem như ảnh hưởng của ông trên văn hóa Trung Quốc đã kéo dài từ thế kỷ thứ V tCn cho đến thế kỷ thứ XIX sCn (khoảng 24 thế kỷ), khi Trung Quốc thất thế nhục nhã trước phương Tây. Từ lúc đó, văn hóa Khổng giáo bị xem là nguyên do của sự suy đồi của Trung Quốc, tư tưởng của ông còn bị đánh tơi bời trong cái gọi là cuộc “đại cách mạng văn hóa vô sản” thời Mao Trạch Đông (1966-1969), nhất là trong các năm 1971-1974.
Quá trình  phục hồi Khổng Tử được xem như bắt đầu khoảng cuối thập niên 1980 – khi chân dung của 4 ông râu xồm nước ngoài (Marx, Engels, Lenin, Stalin) tại Thiên An Môn bỗng dưng bay mất, rồi sau được thay thế bằng pho tượng Khổng Tử cao 9 thước, đặt bên trái song cách khá xa chân dung của Mao Trạch Đông chễm chệ trên cổng vào quảng trường – và kết thúc năm 2011, khi tờ Nhân dân Nhật báo trích dẫn câu tuyên bố ngắn ngủi sau của một vị lãnh đạo ĐCSTQ (không nêu tên): “Khổng Tử là biểu tượng của nền văn hóa Trung Quốc”.
Giải thưởng Khổng Tử về hòa bình được đặt ra vào năm 2010, với một phần thưởng khoảng 11000 euros, trong tham vọng thay thếgiải Nobel về hòa bình. Còn về Viện Khổng Tử, tính đến tháng 7-2013, đã có khoảng 327 cái được thành lập ở hơn 90 quốc gia và khu vực trên thế giới. 
[2]  Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân. Cổ học Tinh hoa. Hà Nội, 1925. Q. I, tr. 40-42. Đây là hai quyển sách chỉ tập trung giới thiệu tư tưởng của nhà nho, do đó, nếu đặt tên là Khổng học Tinh hoa có lẽ sẽ chính danh hơn nữa.
[3]  Cũng sách trên, tr. 126-127.
[4]  Tôi không nói về văn hóa và khoa học, vì không nắm được tình hình bên trong. Bên ngoài, vẫn có những người gốc Trung Quốc đoạt được các giải thưởng cao quý. Nhưng có lẽ họ chỉ mắc nợ hệ thống giáo dục và không khí văn hóa của nơi họ định cư mà thôi; gán cho Khổng Tử loại thành tích này thực sự là vu khống cụ.
[5] Các Viện Khổng Tử được thiết lập theo mô hình đối tác (liên kết Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung gọi tắt là Hán Ban, một trường Đại học Trung Quốc, và một trường Đại học nước ngoài), song tất cả đều được quản lý bởi Hán Ban (tổ chức quần chúng phi lợi nhuận, do một nhóm người xuất thân từ Hội đồng Nhà nước, Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá Trung Quốc điều khiển).  
[6] Ở đây,  hãy so sánh với các tên sách về cái trí ở những nơi khác: Trí tuệ Ả Rập, Trí tuệ nước Mỹ, Trí tuệ nước Pháp … (Nxb Thời đại).
[7] Tình hình sách báo này, tôi thực tình thấy đáng báo động, mặc dù so với lượng sách về thế giới nói chung, số sách về Trung Quốc cũng chưa lấy gì làm vĩ đại lắm. Ông chủ tiệm sách còn ranh mãnh đặt đối diện với các kệ sách trên (không thấy bao nhiêu người viếng mua) loạt sách Danh nhân Lịch sử Việt Nam với bao anh hùng, anh thư nổi tiếng, cùng các loại sách đối trọng khác, cũng có đủ bộ hoạn quan, tham quan và người đẹp bản xứ chứ chẳng thua kém gì.  
[8] Giải Khổng Tử về Hòa bình được đặt dưới sự quản lý của Hiệp hội Nghệ thuật Bản xứ Trung Quốc, với một ban giám khảo gồm có một đại tá Quân đội Giải phóng, một ký giả Nhân dân Nhật báo và một thủ lĩnh của trường đảng. Hiệp hội này bị Nhà nước  đình chỉ và thay thế bằng Trung tâm Nghiên cứu về Hòa bình của Trung Quốc vào năm 2011. Giải thưởng đã được trao cho: Lien Chan năm 2010 (Phó tổng thống Cộng hòa Trung Hoa, ông này không đến nhận), Vladimir Putin năm 2011 (qua một phát ngôn nhân, Putin cho biết ông không hay biết gì về giải thưởng này!), Kofi Annan và nhà nông học Yuan Longping năm 2012.
Vì Giải Khổng Tử về Hòa bình được đặt ra khi Liu Xiaobo được trao tặng Giải Nobel về Hòa bình năm 2010, tờ The Economist đã so sánh nó, rất chính đáng, với Giải thưởng Quốc gia Đức về Nghệ thuật và Khoa học (do đảng Quốc Xã Đức đặt ra, sau khi cấm Carl Von Ossietzky nhận giải Nobel về Hòa bình năm 1935) và Giải Stalin về Hòa bình (sau đổi tên thành Giải Lenin về Hòa bình, do Liên Xô đặt ra cũng sau khi cấm Andrei Sakharov nhận Giải Nobel về Hòa bình năm 1975). Ôi, vinh quang!

 Viet-studies nhận được bài vào ngày 18-11-13

Sunday, November 17, 2013

Chuyện cũ nói lại - NHÀ NƯỚC: ÔNG LÀ AI?

Chuyện cũ nói lại
NHÀ NƯỚC: ÔNG LÀ AI?

Cao Huy Thuần

            Ngày xưa, ta gọi là “Quốc gia”. Quốc gia Việt Nam. Gia là nhà, quốc là nước. Bởi vậy, ai cũng hiểu như là hiển nhiên: Quốc gia là Nhà nước. Nhà nước ấy, theo định nghĩa pháp lý mà mọi người trên thế giới thường học, gồm ba yếu tố căn bản: một lãnh thổ, một dân số, một tổ chức chính trị. Việt Nam là một Nhà nước vì Việt Nam có một lãnh thổ hình chữ S, một dân số gồm nhiều thành phần dân tộc, một chính thể đóng đô tại Hà Nội. Thế giới hiểu Nhà nước Việt Nam là vậy. Nhưng người Việt Nam hiểu như vậy thì lầm to ! Đọc Hiến pháp 1980, rồi Hiến pháp 1992, rồi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay, “Nhà nước” trong đó không phải là Quốc gia. Không phải là... Nhà nước ! Không gồm ba yếu tố như ta thường học. Nó là cái gì đó không chính xác, và nó không chính xác vì ngôn ngữ đẻ ra nó không phải là ngôn ngữ pháp lý mà là ngôn ngữ chính trị. Ngôn ngữ chính trị khai sinh ra nó nằm trong Hiến pháp 1980, tức là Hiến pháp chấm dứt Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thiêng liêng của thời Tuyên Ngôn Độc Lập, chấm dứt Hiến pháp 1946 mà ngôn ngữ rất pháp lý, chính xác. Nói lại chuyện cũ may ra hiểu được chuyện mới chăng.
            Trong “Lời Nói Đầu” của bản Hiến Pháp 1980 ấy có câu chỉ đạo như sau: “Nó (tức là Hiến pháp) thể hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý trong xã hội Việt Nam”. Quái, Quốc gia Việt Nam chạy đi đâu mà bây giờ chỉ còn “xã hội Việt Nam” ? Trong cái “xã hội” ấy, “Nhà nước” chỉ còn là một trong ba thành phần, đứng đàng sau rốt, như cái đuôi con voi. Vậy thì “Nhà nước” này đâu có phải là khái niệm pháp lý mà ai cũng hiểu ? Nó là cái gì mà vai trò được giao phó là công việc của một anh quản lý ? Hiến pháp 1992 hiện hành và Dự thảo sửa đổi không lặp lại nguyên văn câu tuyên bố chỉ đạo ấy nữa, nhưng tinh thần là y chang, một sợi chỉ hồng ấy thôi xuyên suốt từ đầu đến cuối. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Đảng và Nhà nước là hai. Đảng là ai, mọi người đều thấy cụ thể. Nhưng “Nhà nước”, thực thể là thế nào, có thực thể hay không, khi Quốc hội cũng là đảng viên, khi Chính phủ cũng là đảng viên, khi đâu đâu cũng là đảng viên ? Nếu Đảng và “Nhà nước” là hai thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là Nhà nước ? Thế tại sao khi ông đi thăm nước này nước nọ, họ tiếp ông như đại diện của Nhà nước Việt Nam ? Trong đầu của mọi người trên thế giới, ông là Nhà nước Việt Nam ! Họ trương cờ đỏ sao vàng của Nhà nước Việt Nam để tiếp ông. Ông đứng nghiêm trang nghe quân nhạc của họ cử hành bài quốc ca của Nhà nước Việt Nam. Họ đâu có tiếp “xã hội Việt Nam” ! Họ tiếp “Nhà nước Việt Nam” ! “Xã hội Việt Nam” đâu có quốc kỳ, quốc ca ? Quốc kỳ ấy, quốc ca ấy có từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập lại Nhà nước Việt Nam đã bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới như một quốc gia độc lập. Trước đó, vẫn có “xã hội” nhưng không có Nhà nước ! Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chữ S độc lập, một con Hồng cháu Lạc độc lập, một chính quyền độc lập trong đó đảng Cộng sản tham gia như một thành phần. Như vậy, đảng Cộng sản nằm trong chính quyền, ở trong Nhà nước, cùng với nhân dân nằm trong bụng của Nhà nước, đâu có nằm lên trên ? Dù cho sau đó, Hiến pháp 1980 ban cho đảng Cộng sản quyền lãnh đạo, và nếu nhân dân chấp nhận quyền đó, thì đó hiển nhiên là lãnh đạo trong chính quyền, lãnh đạo chính quyền, chứ sao lại lãnh đạo Nhà nước ?
            Vậy thì “Nhà nước” được đẻ ra từ 1980 không phải là Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi ! Vì vậy, khái niệm lẫn lộn như chỉ rối. Chẳng hạn, khi điều 9 đoạn 2 của Dự thảo sửa đổi viết: “Mặt Trận (Tổ Quốc) cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân”, chữ “cùng” trong đó thật là bí hiểm. Sao lại “cùng” ? Nếu anh ở trong Nhà nước thì anh không thể “cùng” được. Anh chỉ “cùng” với một cái gì hay với ai là khi cái đó, người đó, ở ngoài anh, chẳng hạn anh “cùng” với vợ anh. Vậy Mặt Trận ở ngoài Nhà nước à ? Lại cũng chẳng hạn khi điều 29 của Dự thảo sửa đổi viết: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước...”, quái, ấy là một Nhà nước hay hai Nhà nước ? Nhà nước nào tạo điều kiện ? Nhà nước nào được quản lý ? Nếu là hai thì vô lý, vì làm gì có hai Nhà nước, cũng như làm gì có hai mặt trời ! Nếu là một thì lại không chính xác vì cái việc “tạo điều kiện” là việc của các cơ quan Nhà nước, của chính quyền, trong đó đáng lẽ có cả đảng Cộng sản như đã nói.
            Hãy đọc lại Hiến pháp 1946: làm gì có chữ “Nhà nước” ! Bởi lẽ Nhà nước 1946 là nước, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và trong nước ấy chỉ có một chính quyền thôi, gồm: Nghị Viện (Quốc Hội), Chính phủ, cơ quan tư pháp, Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh ở các cấp địa phương. Đó là các cơ quan của chính quyền Nhà nước mà Hiến pháp quy định quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cùng các mối tương quan qua lại. Lúc đó cũng có đảng chứ, và đảng cũng chi phối chính quyền chứ, có thể lãnh đạo nữa trên thực tế, nhưng dù lãnh đạo đi nữa, đảng cũng là một bộ phận của chính quyền Nhà nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lui nhắc tới hoài mãi: “Đảng ta là đảng cầm quyền”. Cầm quyền là cầm chính quyền trong Nhà nước, chứ đâu có đặt bày ra một khái niệm “Nhà nước” mông lung rồi giao cho nó cái phận sự của anh quản lý, làm việc dưới một thế lực lãnh đạo không pháp lý hóa được và cũng không muốn pháp lý hóa vì pháp lý hóa thì hóa ra nó ở dưới luật mất rồi, đâu còn tối cao nữa ! Tất cả nhập nhằng mà ai cũng biết và cũng nói từ lâu trong quan hệ giữa đảng và “Nhà nước” là do ở chỗ ấy: dẹp bỏ ngôn ngữ pháp lý của Hiến pháp 1946 và thay vào đó hai khái niệm chính trị bằng ngôn từ chính trị: “lãnh đạo” và “quản lý”. Chừng nào hai khái niệm chính trị ấy chưa làm đề tài để thay đổi tư duy, sửa đổi Hiến pháp chỉ là thay đổi văn bản chính trị này bằng văn bản chính trị khác, không ảnh hưởng thực sự gì đến đời sống pháp luật.
            Vậy thì Nhà nước là gì, và vai trò đích thực của Nhà nước là gì ? Phe tự do nói: Nhà nước là trọng tài. Phe mác xít nói: là bộ máy nằm trong tay một giai cấp để bóc lột giai cấp khác. Gác ra ngoài tranh luận lý thuyết ấy, điều chắc chắn là lúc nhân loại đang còn ban sơ thì Nhà nước chưa có. Xã hội đầu tiên của loài người chắc hẳn là xã hội gia đình. Sau đó là thị tộc, đẳng cấp, bộ lạc... Nghĩa là Nhà nước không phải là cách tổ chức chính trị duy nhất của xã hội trong lịch sử nhân loại, nhưng là cách tổ chức chính trị mới mẻ nhất, hoàn hảo nhất. Nhà nước xuất hiện sau một quá trình tiến triển dài của những cấu trúc xã hội ; những cấu trúc này càng ngày càng trở nên phức tạp và càng được phân biệt với nhau. Nhà nước là sản phẩm của quá trình đó. Durkheim nói như vậy. Thuyết mác xít thì giải thích: Nhà nước xuất hiện lúc mà những mâu thuẫn giai cấp không thể dung hòa được nữa. Dưới cái nhìn này hay cái nhìn kia, Nhà nước đều xuất hiện ngay khi có một đầu não chính trị tách ra khỏi xã hội và làm nhiệm vụ tạo lập trật tự. Trong học thuyết mác xít, quyền hành từ xã hội mà ra nhưng lại có vẻ đứng lên trên xã hội để ngăn chận không cho những mâu thuẫn giai cấp đi đến mức làm tiêu diệt cả xã hội. Trong tư tưởng Durkheim, Nhà nước là một cơ quan có lý tính, có khả năng vượt qua những lợi ích và tranh chấp cá nhân.
            Dù thế nào đi nữa, bản chất của Nhà nước là thống trị, thống trị bằng cách ban hành những quy tắc mà công dân phải tuân theo, nếu không thì sẽ bị trừng trị. Mà sự trừng trị của Nhà nước thì hiệu nghiệm lắm, bởi vì Nhà nước có độc quyền cưỡng chế bằng quân sự. Cưỡng chế, đó là đặc tính của Nhà nước. Lịch sử của Nhà nước là lịch sử của sự tập trung dần dà quyền hành cưỡng bức vào tay những người cai trị, và Nhà nước được đẻ ra lúc nó trở thành nguồn gốc chính đáng duy nhất của quyền lực và bạo lực. Nói một cách khác, Nhà nước chưa bao giờ chỉ làm công tác của một anh quản lý tính sổ tính sách. Nhà nước làm ra luật, Nhả nước ban hành luật, Nhà nước tạo ra các cơ quan để thi hành luật, Nhà nước trừng trị sự vi phạm luật, Nhà nước giải quyết những phân tranh xã hội, Nhà nước duy trì trật tự: đó không phải là quản lý, đó là cai trị, và Nhà nước nào cũng cai trị, kể cả Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Dù chỉ là trên danh nghĩa thôi, ai dám bảo Quốc hội của ta không cai trị ? Ông là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” mà. Ai dám bảo ông thủ tướng hiện nay không cai trị ? Cai trị, không có gì khác hơn là soạn luật, làm ngân sách, thảo kế hoạch, bảo vệ trật tự an ninh. Dù cho ông làm dưới sự lãnh đạo của điều 4, bản chất của công việc ông làm là chính trị, không phải hành chánh. Dù có điều 4 đi nữa, khi ông làm những công việc có bản chất chính trị, bản chất quyền lực, bản chất cai trị rồi, thì ông không phải là anh quản lý nữa. Cho dù có lúc ông đội cái mũ quản lý, lúc nào ông cũng cai trị, hoặc là cai trị thông qua bộ máy của đảng, hoặc là cai trị thông qua bộ máy Nhà nước, hoặc là, nói cho chính xác, thông qua bộ máy của Đảng - Nhà nước. Nói Nhà nước không cai trị cũng như nói thiên lôi không có sét. Thiên lôi không quản lý sét cho ai ở trên đầu, thiên lôi đánh là đánh.
            Bởi vì không có Nhà nước nào quản lý cả, bởi vì đã là Nhà nước thì là cai trị, là sử dụng quyền hành chính trị, quyền hành ý thức hệ, cho nên vấn đề cố hữu đặt ra là: Vậy thì đảng làm gì ? đảng ở đâu ? đảng “lãnh đạo” như thế nào ?
            Chỉ có hai cách để giải quyết vấn đề. Một là đảng trực tiếp nắm hẳn quyền chính trị, sử dụng trực tiếp mọi quyền hành Nhà nước, và như vậy thì đừng phân biệt “lãnh đạo” và “quản lý” nữa trong đầu óc và trên giấy tờ, vì cả hai đã chính thức nhập làm một. Hai là tách đảng ra khỏi Nhà nước như đã từng tuyên bố lâu nay, và như vậy thì Nhà nước sẽ nắm thực quyền và khái niệm “lãnh đạo” phải quan niệm lại. Trong cả hai trường hợp, trường hợp nào cũng cần có con gà và nắm xôi để cúng tiễn đưa hương hồn anh quản lý về nơi chín suối.

*
            Chuyện đã cũ, nói đi nói lại sợ nhàm mà chẳng được lợi lộc gì. Thế nhưng, mới cách đây mấy ngày thôi, hồi đầu tháng 11 này, báo Tuổi Trẻ có đăng bài phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, mà nhan đề làm tôi giật mình: “Đổi mới là mệnh lệnh của thời đại”. Dù đã từng nhiều lần lạc quan, rồi thời đại vẫn qua mà đổi mới vẫn cứ là mệnh lệnh, tôi vẫn muốn tiếp tục lạc quan khi đọc đoạn cuối của bài phỏng vấn, trong đó ông phó chủ nhiệm kể lại lần gặp cố thủ tướng Võ Văn Kiệt vài tuần trước khi ông mất:
            “Lúc bấy giờ tôi có nói rằng cần phải hết sức tránh việc hình thành hai nhà nước trong một đất nước. Chúng ta có thể nghiên cứu nhất thể hóa sâu rộng hơn, như Singapore chẳng hạn, để Đảng lãnh đạo thật sự “hóa thân” vào Nhà nước... Tôi cho rằng hiện nay đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất để đổi mới nền quản trị quốc gia của chúng ta”.
            Nói với ông Kiệt thì chỉ cần nửa lời ông cũng hiểu, vấn đề là có ai khác nữa hiểu như ông ? Ông phó chủ nhiệm nói thêm: “Thật ra, nhất thể hóa cũng đã được Đảng ta đề ra, chứ không phải là điều gì mới mẻ cả”. Đúng vậy, không có gì mới. Bản thân tôi cũng đã nói cách đây hơn hai mươi năm. Nhưng nói mà ai nghe ?
            Dù vậy, mấy lời tâm huyết của TS Nguyễn Sĩ Dũng là tiếng nói của trí tuệ thức tỉnh, buộc trí thức phải lưu tâm. Cảm tạ lời nói đó, tôi nghĩ rằng: giá như Quốc hội chỉ đem vấn đề trọng yếu đáng nói này ra bàn thôi và gác qua một bên mọi chuyện hoa lá cành khác trong Dự thảo thì quả thật thời đại sẽ ăn mừng cho Việt Nam. Dù ăn mừng quá muộn.

Tác giả gửi ngày 16-11-13

TỪ CÂU HÁT “VÍ DẦU”

TỪ CÂU HÁT “VÍ DẦU”
Chi Lan
[Đọc được bài này ở đâu đó không nhớ rõ, nay tìm được nhưng không rõ nguồn, post lại ở đây để dành - xin cảm ơn tác giả về bài viết thú vị này. Đây là bài phân tích sâu sắc nhất về các câu hát "Ví dầu" của miền Nam mà tôi đọc được. Một số người không hiểu văn hoá, sinh hoạt dân miền Nam nên đã đổi không đúng một vài từ ngữ trong các câu hát, ví dụ bài Ví dầu cầu ván đóng đinh /Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi/ Khó đi mượn chén ăn cơm / Mươn li uống rượu mượn đờn kéo chơi... họ đổi chẳng hạn mượn đỜn KÉO chơi thành mượn đÀn KHẢY chơi... (không biết người Nam nói 'đờn' thay vì 'đàn' và thường sử dụng đàn cò/nhị, đàn gáo... chỉ 'kéo' chớ không có 'khảy'). Tuy thế cũng không quá tệ hại bằng việc chính trị hoá ca dao, họ đổi mấy câu sau ý tứ hay ho thành mấy câu gương gạo, khó nghe Khó đi mẹ dắt con đi / Con đi trường học mẹ đi trường đời... !!!??? Thật ra Khó đi mẹ dắt con đi còn Ok vì nói tới tình mẹ thương yêu, lo lắng cho con phù hợp văn cảnh, nhưng Con đi trường học mẹ đi trường đời thì phải nói là quá 'chính trị', quá đoảng (đang chờ xem mẹ thương con thế nào nữa, hoá ra nói chuyện trớt quớt, không đúng mạch). Sống và đi cũng khá nhiều nơi ở miền Nam, tôi chưa từng nghe người dân quê nào hát 'ví dầu' như thế. Phiền một cái là bây giờ khi google trên net thì bài ca dao 'chính trị hoá' kia lại phổ biến hơn :-(( và lại được in vào sách phổ biến cho công chúng, trong đó có sách về ca dao của Bến Tre quê tôi, thật đáng buồn...]

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi…
Buổi trưa, bên nhà ai đó văng vẳng tiếng hát ru. Từ xa xưa, những bà mẹ dỗ con ngủ trên cánh võng đong đưa thường cất tiếng hát ru. Và biết bao câu hát đã ra đời bên chiếc nôi truyền thống của con trẻ như thế. Những câu hát thiên hình vạn trạng, mang sắc thái riêng của vùng miền hay phổ biến, quen thuộc trên cả nước đều được cất lên từ cảm xúc, từ tình yêu thương gắn bó của con người với quê hương, làng mạc, với những người thân thiết. Nhưng không chỉ vậy, những câu hát còn ghi dấu những sinh hoạt, cách sống, cách nghĩ của cả một thời…
Trong những câu ca dao miền Nam, loại câu hát “Ví dầu” chiếm một số lượng không nhiều lắm nhưng lại rất thú vị bởi những biểu hiện độc đáo mặn mòi của nó. Hãy thử điểm qua một vài câu “Ví dầu” quen thuộc.
Bắt đầu là câu hát mộc mạc đơn giản nhất như:
Ví dầu ví dẩu ví dâu,
Ví qua ví lại, ví trâu vô chuồng.
Câu ca dao lũ trẻ thường hát nghêu ngao chẳng cần để ý gì đến nội dung ý nghĩa của nó nhưng khi đọc đi đọc lại, trước mắt ta hiện ra nét đặc thù của đời sốngnông nghiệp luẩn quẩn, tù túng của người nông dân nghèo khổ, với công việc đơn điệu, buồn tẻ ngày qua ngày như câu hát buồn, để rồi họ lại cất tiếng than:
Ví dầu nhà dột cột xiêu,
Muốn đi lấy vợ sợ nhiều miệng ăn.
Quả là một suy nghĩ rất thực tế! Cái thực tế thực đến nỗi bật lên cả tâm trạng não nùng của anh thanh niên đang hát. Cái nỗi sợ muôn đời của những người nghèo bởi cảnh tượng gia đình đông vui trở lại thành tai họa, thành sự nơm nớp lo âu. Cứ hình dung cảnh chàng trai ấy đang ngồi trong “nhà dột cột xiêu” của mình buồn bã với nỗi cô đơn mà nao lòng. Có lẽ vì vậy mà những món ăn ngon, dù là của đồng ruộng, cũng thường ám ảnh tâm trí mọi người nên nhiều câu “Ví dầu” đã vang lên trên từng mảnh vườn, từng con rạch, con sông:
Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng giữ cho rồi bậu ra
Bậu ra bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu
Kho tiêu, kho mỡ kho hành
Kho ba lạng thịt để dành bậu ăn.
Bài ca dao như một câu chuyện “hôn nhân gia đình” thời xưa. Hai câu  đầu hoàn toàn là chuyện thế thái nhân tình, là chuyện gút mắc vợ chồng trong đó cô vợ có vẻ đanh đá, thủ đoạn trong cách ứng xử. Nhưng chuyện “bứt nài, tháo ống” cũng là chuyện thường tình. Sự thú vị có lẽ nằm trong phần sau. Hóa ra cái món “cá bống kho tiêu” cùng với “ba lạng thịt” ấy quả là ngon và quý đến nỗi cô vợ quyết  lấy ông câu để được ăn? Dĩ nhiên đó chỉ là một cách ví von nhưng qua đó ta vừa thấy được vị ngọt bùi của cá bống, loài cá thường ra khỏi hang bám vào những giề lục bình mùa nước nổi để thành một món ăn ngon đặc biệt vùng châu thổ, vừa thấy nếp sống khổ cực của người nhà quê, sự hiếm hoi của từng miếng thịt trong bữa ăn hàng ngày của họ. Vì vậy, đằng sau sự mỉamai, châm biếm của câu hát hình như vẫn ẩn chứa chút ngậm ngùi thương cảm!
Cũng có lúc, câu hát “Ví dầu” chỉ là để miêu tả như thể phú đơn thuần của ca dau:
Ví dầu cá lóc nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm
Nhắc đến món ăn quen, nhân dân xưa vẫn có cách làm mới câu hát bằng cách hoán vị từ rất thú vị. Lẽ ra phải “Bỏ tiêu cho thơm, bỏ hành cho ngọt” mới đúng. Song âm vận bằng, trắc của câu thơ lục bát đã dẫn đến sự sáng tạo trong cách đổi chỗ cho những mùi vị trên khiến câu hát lấp lánh hẳn lên đồng thời cũng là thử thách với người thưởng thức về sự sâu sắc, tinh tế trong ca dao.
Nhưng hay nhất, sâu lắng nhất vẫn là câu hát “Ví dầu” mà ai cũng thuộc lòng bởi từ bao đời nó vẫn được hát ru bên nôi trẻ:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.
Khó đi mượn chén ăn cơm,
Mượn ly uống rượu, mượn đàn kéo chơi
Ở hai câu đầu, bài ca dao có vẻ chỉ nhằm ý mô tả những hình ảnh thường thấy ở làng quê: cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghình (ghềnh). Và dĩ nhiên, gập ghình như thế ắt dẫn đến chuyện “khó đi”. Ý thơ lại liền mạch, chặt chẽ bởi sự lặp đi lặp lại của từ “mượn”: mượn chén, mượn ly, mượn đàn. Thoạt nghe cũng chưa thấy gì lạ lùng, đặc biệt. Ừ, thì chắc có khách đến chơi nên phải đi mượn? Nhưng mà, nhà nghèo khó gì đến nỗi một cái chén ăn cơm, một cái li uống rượu cũng thiếu? Mà uống rượu đế, rượu nếp thì cần gì nhiều ly? Thiếu chăng là thiếu tiền mua rượu. Hay đi mượn  chén, mượn ly lại là chuyện mượn tiền? Không, bài ca dao không hề nhắc điều đó. Để rồi cuối cùng, đến chi tiết “mượn đàn kéo chơi” ý tứ như mở ra, lồng lộng, tuyệt vời. một chữ “chơi” đã làm nên thần sắc, hồn vía của bài ca dao nói riêng và cả vùng đất Bộ nói chung. Tất cả nét phóng khoáng, hào sảng, thênh thênh của những lưu dân đi mở đất đã nằm trọn trong tiếng đàn kéo chơi ấy. Rõ ràng, cuộc sống vất vả lam lũ hằng ngày không làm mất đi vẻ đẹp của nếp sống bình dị mà tươi tắn, nhọc nhằn mà nhẹ tênh của những bần nông biết vượt lên số phận để có được niềm vui, niềm hạnh phúc. Có lẽ từ những ngày xa xưa, câu ca tiếng hát, chút rượu đưa cay trong những lần quây quần họp mặt đậm đà tình làng nghĩa xóm đã đem lại chút nồng ấm, nên thơ cho từng cảnh đời cơ cực. Và họ cứ thế mà:
Kéo chơi ba tiếng đờn cò
Đứt dây đứt nhợ quên hò xự xang.
Hay làm sao khi cuộc vui bốc trời đến “đứt dây đứt nhợ”! Có thể dây đàn đứt, tiếng đàn hết vang nhưng sợi dây đàn trong tâm hồn thì vẫn còn rung mãi, rung mãi cho đến hôm nay, khi câu hát cứ tiếp tục cất lên từ lời ru của những người bà, người mẹ.
Điểm lại vài câu ca dao với hình thức những câu hát “ví dầu”, bức tranh sinh hoạt và đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ như hiện ra trước mắt, thấm sâu vào suy nghĩ, tình cảm của những người yêu quý nó. Ai đó từng nói: “ Không gì làm trẻ trung, tươi mát tâm hồn con người cho bằng tắm trong nguồn suối của văn học dân gian”. Quả đúng như thế, chỉ cần ngân nga một bài ca dao, một câu hát Ầu ơ… Ví dầu nào đó, lòng ta đã bay bổng, lâng lâng.
Hãy nghe, câu hát ru một lần nữa lại cất lên, êm ả, ngọt lịm buổi trưa hè:
Ví dầu cậu giận mợ hờn,
Cháu theo cùng cậu kéo đờn cậu nghe./.
------------------------------------------------------------------------------
Cũng xin post lại bài thơ 'Cầu tre' của nhà thơ Kiên Giang lấy ý từ câu hát 'ví dầu' trên cho đủ bộ:
CẦU TRE 


Ai ở làng quê 
đă từng qua nhịp, 
Qua nhịp cầu tre; 
Lặng nghe, lặng nghe 
Tiếng hò tiếng hát 
Dưới mái nhà tranh. 

Ầu ơ .... "Ví dầu cầu ván đóng đinh, 
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi . 
Khó đi mượn chén ăn cơm, 
Mượn ve mua rượu, mượn đờn kéo chơi". 
Kéo lên: ọ é ò e .... 
Cầu tre lắc lẻo, cầu tre gập ghềnh. 
Cầu tre một nhịp chênh vênh, 
Bắc ngang dòng nước lênh đênh sóng bèo . 
Cầu tre lắc lẻo, cheo leo, 
Những đêm trăng xế, trăng treo đầu cầu . 
Cầu tre soi bóng sông sâu, 
Ánh trăng sóng nước đượm màu lung linh. 
Cầu tre gối nhịp đất lành, 
Nằm nghe tiếng hát, tâm tình quê hương. 
Cầu tre làm chiếc đò ngang, 
Nối đôi bờ đất đôi làng thương nhau . 

Nhà anh ở kế bên cầu, 
Nhà em ở cuối đầu cầu bên sông. 
Bên sông cứ mỗi hừng đông, 
Em ra vo gạo, bến sông bên cầu . 
Anh vừa mở cổng thả trâu, 
Thấy em, anh vội xé rào nhìn em. 
Rồi qua cầu nói với em: 
"Cô vo nếp anh thèm mùi xôi" 
Vì anh, khi mới hừng trời, 
Qua cầu, em biếu dĩa xôi muối mè . 
Cầu tre lắc lẻo cầu tre, 
Con đò chở tấm tình quê qua cầu .... 
Từ đây cứ mỗi mùa cau, 
Anh qua cầu để bẻ cau cho nàng. 
Khi nào trầu hút trầu khan, 
Anh qua xin lá trầu vàng bên em. 
Khi mùa cấy hái "đông ken", 
Ruộng anh em cấy, đất em anh cày . 
Vần công lối xóm tiếp tay, 
Kết tình lưu luyến gái trai đôi làng. 
đôi tim trang lứa nhịp nhàng, 
Hoà theo nhịp sóng lúa vàng mênh mông. 
đôi lòng cách một dòng sông, 
Tơ hồng chưa buộc, tơ lòng đã xe . 
Cầu tre lắc lẻo cầu tre, 
Duyên nghèo đầm thấm, tình quê nồng nàn. 
Trong tình yêu nước, yêu làng, 
Có tình chăn gối, đá vàng lứa đôi . 
Mẹ chàng cậy mối cậy mai, 
Tặng quà lễ nói một đôi bông vàng. 
Hai bên cô bác họ hàng, 
Chọn ngày lễ cưới qua rằm tháng Giêng. 
Bỗng rồi lửa cháy xóm giềng, 
Cầu tre gãy nhịp gục nghiêng giữa dòng. 
Lửa tràn lan cháy bên sông, 
Máu pha nước mắt đỏ lòng trường giang. 
Giặc tràn về bắt sống nàng, 
. . . . . . . . . . . . . . . . 
Thôi đành dập liễu vùi mai, 
Bóng hồng gục giữa rừng người hung hăng. 
Từ đây sông lạnh bóng trăng, 
Nước như ngừng chảy sầu vương mối hờn. 
Vườn xanh úa hết chồi non, 
Cau khô, trầu héo chẳng còn nồng cay . 
đôi trâu bỏ dở vốc cày, 
Lòng người lòng đất đắng cay não nề . 
đêm đêm như vẳng còn nghe, 
Tiếng than khóc của cầu tre một mình: 
"Ví dầu cầu ván đứt đinh, 
Cầu tre găy nhịp, chung tình khóc nhau . 
Cầu tre khóc một hôm nào, 
Mẹ qua cầu bỏ trầu cau cho chàng. 
Còn đâu mùi vị xôi vàng, 
Buổi đầu trai gái đôi làng biết nhau . 
Còn đâu những buổi thả trâu, 
đứng bên hàng trúc xé rào nhìn em. 
Còn đâu mùa ruộng "đông ken" 
Ruộng anh em cấy, đất em anh cày . 
Còn đâu vị lá trầu cay, 
Miếng cau dầy trắng mà say miếng trầu . 
Bây giờ quê cũ còn đâu, 
Còn đâu người đẹp với cầu tre xưa" 

Chiều chiều gió thổi, gió đưa 
Nhớ người một buổi chiều mưa lên đường. 
Người lên đường ra lính. 
Trong lòng và trên đầu súng, 
Có hình ảnh nước Việt Nam. 
Trong ấy có đôi làng thân mến, 
Một dòng sông và đôi bến ngó nhau, 
Một tình thương bắc một nhịp cầu, 
Chìm sâu giữa đôi lòng trang lứa, 
Thân yêu nhau từ thuở thanh b́nh. 
đến khi thời loạn đao binh.... 
Lòng còn chôn chặt khối tình đầu tiên. 
Mai này trời lặng phong yên, 
Bóng cờ tươi thắm ngự trên hoang tàn. 
Anh sẽ về làng, 
Về tận bên sông quê; 
Anh bắc nhịp cầu quay, 
Anh xây chân cầu sắt 
Trên xác chiếc cầu tre, 
Nối liền đôi bờ đất 
Hàn lại vết thương đau . 
Bến xưa dù đổi nhịp cầu, 
đất nghèo còn giữ lấy màu quê hương. 
Dù cầu sắt nọ giàu sang, 
Áo cầu rực rỡ phết vàng sơn son. 
Dù sông cạn với núi mòn, 
Trong hồn quê vẫn có hồn cầu tre . 
Dù đời tham tướng bỏ xe, 
Lòng anh lắng xuống niềm quê chân thành. 
Dù đời mê bã hư danh, 
Lòng quê bắc lại mối t́nh cầu tre . 
Cầu tre ới hỡi cầu tre, 
Cầu tre lắc lẻo, cầu tre chung tình... 

(Rạch Giá, Thượng tuần tháng Chạp, 53)